Friday, November 17, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 17/11



Tin Thế Giới

1.
Triều Tiên chế tạo tàu ngầm phóng phi đạn đạn đạo - - - Triều Tiên bác bỏ đàm phán hạt nhân với Mỹ

Hình ảnh vệ tinh trong tháng này chụp một nhà máy đóng tàu của hải quân Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đang có những hoạt động tích cực để đóng một tàu ngầm phóng phi đạn đạn đạo, một viện nghiên cứu của Mỹ loan tin này ngày 16/11.

Dự án 38 North, một tổ chức theo dõi Triều Tiên có trụ sở tại Washington, đưa ra những hình ảnh chụp vào ngày 5 tháng 11 cho thấy có những hoạt động tại xưởng đóng tàu Sinpo South của Triều Tiên.

Báo cáo của 38 Bắc cho biết trong năm 2017 có sự vận chuyển liên tục các thiết bị linh kiện ra vào hai nơi kế cận xưởng đóng tàu với một nhà xây dựng ở trung tâm xưởng đóng tàu.

Phúc trình cho biết hình ảnh chụp ngày 5/11 cho thấy có hai vật hình tròn lớn có thể là những phần của thân chịu áp lực của tàu ngầm. Những phần này dường như lớn hơn loại tàu ngầm tấn công ROMEO của Triều Tiên.

Triều Tiên đã làm việc để phát triển phi đạn có đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới nước Mỹ, khiến quốc tế mạnh mẽ chỉ trích. Tổng thống Donald Trump đã nói là mọi giải pháp đang được cứu xét đối với vấn đề Triều Tiên, trong đó có việc sử dụng vũ lực.

Triều Tiên cũng được biết là đang chế tạo phi đạn với chất đốt rắn để phóng bằng tàu ngầm. - VOA

***
Triều Tiên hôm thứ Sáu 17/11 bác bỏ đàm phán với Washington chừng nào Mỹ-Hàn còn tập trận chung, và nói rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn sẽ là một lá chắn phòng vệ đối với mối đe dọa hạt nhân của Hoa Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Han Tae Song, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ở Geneva phản đối các biện pháp trừng phạt mới mà chính quyền Tổng thống Trump cho biết đang chuẩn bị, cũng như khả năng Triều Tiên bị Washington đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 17/11 đồng ý tiếp tục hợp tác để chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhưng một phái viên Mỹ nói rằng rất khó để đánh giá các ý định của phía Triều Tiên vì "chưa có tín hiệu gì."

Khi được hỏi về những cuộc đàm phán song phương ở Seoul, Đại sứ Han trả lời: "chừng nào chính sách thù địch chống lại nước tôi còn tiếp diễn và chừng nào còn có các cuộc tập trận cận kề đất nước của chúng tôi thì sẽ không có chuyện đàm phán."

Ông Han nói: "Những cuộc diễn tập quân sự vẫn tiếp tục sử dụng các thiết bị hạt nhân cùng các tàu sân bay, các máy bay ném bom chiến lược và sau đó là các cuộc tập trận nhằm chống lại đất nước tôi.”

Ông Han nói thêm rằng chính quyền Hoa Kỳ đã "không bao giờ chấp nhận" ngừng các cuộc tập trận chung, và cho biết thêm: "Vì vậy, nếu họ chấp nhận ngưng những điều này, thì chúng tôi sẽ cân nhắc sẽ làm gì trong tương lai."

Ông nói rằng Triều Tiên không thể xem xét từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, và rằng: "Đây là sự ngăn chặn, cơ chế ngăn chặn hạt nhân để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Mỹ."

Ông Han nói ông không có thông tin về việc khi nào Triều Tiên có thể sẽ thử tên lửa đạn đạo lần tiếp theo. - VOA
|
|

2.
‘Nhân quyền TQ dưới thời Tập Cận Bình tệ hại nhất’ - - - Trung Quốc bài bác các giá trị phương Tây

Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố chế độ độc tài đến cao độ và hệ thống độc đảng đã dẫn đến việc kiểm duyệt và đàn áp những người bất đồng chính kiến ngày càng tăng, các nhà hoạt động nhân quyền tố cáo.

Sau 5 năm tù và thêm 3 năm quản chế tại gia, luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh phải trốn chạy.

Với sự giúp đỡ của bạn bè và một người tài xế nhiệt tình, ông Cao đã trốn khỏi các nhân viên an ninh nhà nước ngày 13/8 và trú tạm ở nhà một người xa lạ. Họ đã dọn cho ông món hoành thánh, một bữa ăn đúng nghĩa mà ông có được trong nhiều năm qua.

Nhưng sự tự do ông Cao hưởng được thật ngắn ngủi. Chưa đầy một tuần lễ sau đó, cảnh sát theo dõi ông đến thành phố Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây, và lục soát nhà này qua nhà khác cho đến khi tìm thấy ông. Ông Li Fawang, một người ủng hộ đã giúp ông Cao trốn thoát nói hiện giờ không biết ông này ở đâu.

Thống khổ của ông Cao cho thấy điều các nhà hoạt động nói là sự suy thoái trầm trọng về tình trạng của những người vận động nhân quyền dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình.

Tháng trước tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nổi lên như một lãnh tụ quyền lực nhất Trung Quốc trong một thế hệ.

Với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng toàn cầu gia tăng, ông Tập hơn bao giờ hết tin rằng Trung Quốc cần một chế độ độc tài đến cao độ, và một hệ thống độc đảng.

“Tình hình nhân quyền ảm đạm và chúng tôi thấy không có chỉ dấu cải thiện,” bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu của Human Rights Watch ở Hong Kong, mô tả việc đàn áp hiện nay tệ hại hơn cuộc đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989.

Bà Wang và những người khác nêu lên con số những trại giam bí mật ngày càng tăng và những vụ xử kín bất kể tiến trình pháp lý. Nhà cầm quyền cũng ngày càng làm ngơ những vấn đề sức khỏe của các tù nhân chính trị. Các nhà vận động nhân quyền nói các tù nhân này bị biệt giam hay chịu đựng những điều kiện khó khăn khi bị giam chung với tù hình sự để bị đánh đập và bạo hành.

Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như không muốn ủng hộ nhân quyền.

“Việc ông Trump không nêu lên vấn đề nhân quyền trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh tuần qua đã giúp cho Trung Quốc có tính chính đáng trong khi nước này là một trong những nước vi phạm nhân quyền tệ hại nhất,” bà Wang nói. - VOA

***
Các nước phương Tây đang tìm cách áp đặt các giá trị văn hóa và chính trị lên nước khác, đẩy họ tới chỗ bài trừ những giá trị riêng của họ, người đứng đầu ngành tuyên truyền của Trung Quốc khuyến cáo ngày 17/11 và kêu gọi Bắc Kinh phải theo đuổi con đường riêng của mình.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 5 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho tiến hành chiến dịch trấn áp sâu rộng nhắm vào xã hội dân sự, tăng cường kiểm soát xã hội, truyền thông và internet.

Ông Tập cam kết cổ súy điều mà đảng cộng sản Trung Quốc gọi là các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tinh thần ái quốc, văn hóa truyền thống, pháp quyền, sự hài hòa và thịnh vượng cùng nhiều yếu tố khác.

Ông Huang Kunming, người đứng đầu ngành tuyên truyền của Trung Quốc, viết trên Nhân dân Nhật báo rằng có một số nước Tây phương dùng lợi thế kỹ thuật và ưu thế ảnh hưởng lâu nay để khuấy động ‘các giá trị phổ quát.’

Ông Huang nói các nước này đang tìm cách mê muội người ta vào ‘vẻ đẹp Tây phương’ và tuân thủ với Tây phương và tự làm suy yếu hoặc thậm chí từ bỏ văn hóa tinh thần của chính mình.

Truyền thống văn hóa đặc biệt của Trung Quốc, vận mệnh lịch sử độc đáo và tình hình quốc gia đòi hỏi công dân phải bảo vệ các giá trị riêng xuất phát từ nền văn hóa Trung Quốc, ông Huang kêu gọi.

Chỉ bằng cách phát huy các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, người dân Trung Quốc mới có thể ngẩng cao đầu, giới chức tuyên truyền của Trung Quốc nói.

Trung Quốc lâu nay phản đối việc áp đặt các khái niệm Tây phương lên Trung Quốc, chẳng hạn như một nền dân chủ đa đảng cạnh tranh hay phân chia quyền lực. Đảng cộng sản Trung Quốc không chấp nhận bất cứ ai thách thức quyền lực của họ.

Các nhà hoạt động kêu gọi đa nguyên thường bị bỏ tù và những ai chỉ trích chế độ độc tài Trung Quốc thường bị đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói. - VOA
|
|

3.
Campuchia có thể bị chế tài sau khi giải thể đối lập

Hoa Kỳ ngưng ủng hộ bầu cử tại Campuchia và hứa sẽ có “những bước cụ thể” trong khi Liên hiệp Châu Âu đe dọa bãi bỏ ưu đãi mậu dịch dành cho Campuchia sau khi đảng đối lập chính ở nước này bị giải thể.

Tuy nhiên Trung Quốc cho biết ủng hộ việc Campuchia đi theo đường lối riêng của mình, không chỉ trích chính phủ do cựu chỉ huy Khmer Đỏ lãnh đạo. Ông Hun Sen là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á sau hơn 3 thập niên cầm quyền.

Đảng Cứu quốc Campuchia đã bị giải thể theo phán quyết của Tối cao Pháp viện do yêu cầu của chính phủ, tiếp theo việc bắt giữ các nhà lãnh đạo đảng của này về tội phản quốc. Ông Kem Sokha bị cáo buộc âm mưu chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Những người chỉ trích ông Hun Sen gọi việc giải thể Đảng Cứu quốc Campuchia là một nỗ lực ‘trấn lột’ bầu cử và là hồi chuông khai tử nền dân chủ Campuchia. Các nước cấp viện phương Tây đã chi cho Campuchia hàng tỉ đô la kể từ năm 1993 để xây dựng một hệ thống đa đảng sau nhiều thập niên chiến tranh.

“Theo tình hình hiện nay, cuộc bầu cử năm tới sẽ không thể nào hợp pháp, tự do và công bằng,” một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói, và hứa sẽ có “những bước cụ thể.”

Bước đầu tiên là chấm dứt hỗ trợ cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia trước cuộc bầu cử năm 2018, tuyên bố nói. Vào tháng 4 năm nay, Tòa đại sứ Hoa Kỳ loan báo cấp 1,8 triệu đô la để giúp các cuộc bầu cử địa phương trong năm 2017 và cuộc tổng tuyển cử năm tới.

Tại Brussels, phát ngôn viên EU cho biết cuộc bầu cử không thể nào hợp pháp mà không có đối lập và nói là tôn trọng nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Campuchia được hưởng ưu đãi mậu dịch của EU dưới điều khoản “Được ưu đãi tất cả trừ buôn bán vũ khí.”

Điều khoản này, miễn thuế quan và tương tự như ưu đãi mậu dịch tại Mỹ đã giúp Campuchia xây dựng được một ngành may mặc với chi phí lao động thấp.

Thị trường EU và Mỹ chiếm 60% hàng xuất khẩu của Campuchia.

Trong một động thái biểu tượng, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết kêu gọi Bộ Tài chánh và Bộ Ngoại giao cứu xét việc đặt các giới chức Campuchia lạm dụng quyền hành vào một danh sách theo dõi để phong tỏa tài sản và cấm du hành.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo là Trung Quốc ủng hộ Campuchia theo đuổi con đường phát triển riêng. Cho tới nay Trung Quốc là nhà cấp viện lớn nhất đối với Campuchia và cũng là nhà đầu tư lớn nhất.

Ông Hun Sen đang trong cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt với tòa đại sứ Mỹ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc đàn áp những người chỉ trích, nhưng vào cuối tuần đã chụp ảnh với Tổng thống Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh và ca ngợi chính sách bất can thiệp của ông.

Việc đe dọa hành động đến từ Tòa Bạch Ốc nặng ký hơn những tuyên bố trước đây của Bộ Ngoại giao kêu gọi trả tự do cho Kem Sokha.

Cho tới nay các nước phương Tây chứng tỏ ít quan tâm đến chế tài và phe đối lập cũng tránh kêu gọi hạn chế xuất khẩu hàng may mặc vì hàng ngàn công nhân Campuchia dựa vào mặt hàng này.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia hiện nay nói họ ủng hộ một số chế tài.

Chưa có những cuộc biểu tình nào về việc giải thể đảng đối lập và nhiều người tại thủ đô Phnom Penh nói họ sợ không dám lên tiếng phản đối. - VOA
|
|

4.
Nga-Trung diễn tập mô phỏng chống phi đạn

Quân đội Trung Quốc và Nga tháng tới sẽ tổ chức các cuộc diễn tập chống phi đạn tại Bắc Kinh, theo loan báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/11 giữa quan ngại của đôi bên về việc Mỹ bố trí hệ thống chống phi đạn ở Hàn Quốc.

Trung Quốc và Nga đều phản đối việc Hàn Quốc để cho Mỹ đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD mà Hoa Kỳ nói là cần thiết để tự vệ trước đe dọa phi đạn từ Triều Tiên.

Trung Quốc cùng với Nga nhiều lần nói rằng bố trí THAAD ở Hàn Quốc không giúp gì trong vấn đề giảm căng thẳng bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh cũng e rằng hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể ‘thăm dò’ vào sâu bên trong lãnh thổ của Trung Quốc, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay một cuộc diễn tập máy tính sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16/12.

Mục đích nhằm cùng nhau thực tập phương cách tự vệ trước phi đạn và xử lý cá cuộc tấn công khiêu khích đột xuất bằng phi đạn đạn đạo và phi đạn hành trình vào lãnh thổ hai nước.

“Cuộc diễn tập này không nhắm vào một bên thứ ba nào,” Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh.

Dù Trung Quốc và Hàn Quốc tháng trước đồng ý sẽ gác qua xích mích kéo dài cả năm nay liên quan đến THAAD, nhưng tranh cãi đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc.

Trung-Nga có các mối quan hệ quân sự và ngoại giao gần gũi và đã nhiều lần kêu gọi giải pháp ôn hòa, thương thảo cho cuộc khủng hoảng hạt nhân và phi đạn Triều Tiên. - VOA
|
|

5.
Tuyên bố ASEAN phớt lờ chuyện Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông

Các quốc gia Đông Nam Á hôm 16/11 tránh đề cập tới việc Trung Quốc xây cất đảo ở Biển Đông cũng như một phán quyết của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, phát biểu thay mặt các nguyên thủ quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng né tránh bất kỳ biểu hiện lo lắng nào về những lo ngại nhân quyền nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm tình cảnh của người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar và chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông ta trong một tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh thường niên ở Manila.

Những tuyên bố như vậy được công bố ngay sau hội nghị hàng năm của các nhà lãnh đạo thuộc khối 10 quốc gia nhưng không có lời giải thích nào ngay lập tức về sự trì hoãn ba ngày, điều đã thu hút sự chú ý của một số nhà ngoại giao ở Manila. Những trường hợp chậm trễ trong quá khứ là do những khác biệt về cách dùng từ đối với các vấn đề gai góc lâu nay, giống như tranh chấp lãnh thổ.

Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đáng kể đến ASEAN, đã kiên quyết phản đối những lời chỉ trích về những đảo nhân tạo của nước này, nơi mà Trung Quốc được cho là đã lắp đặt một hệ thống phòng thủ phi đạn bất chấp lo ngại rộng khắp, bao gồm của Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Ông Duterte, nhậm chức vào năm ngoái và giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, đã công khai nỗ lực ve vãn mối quan hệ hữu nghị, thương mại, đầu tư và tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Ông

đã hạ giảm những chỉ trích gay gắt nhắm vào những hành động quyết đoán của Trung Quốc trong tuyến đường thủy chiến lược thuộc loại tấp nập nhất thế giới này, và từ chối mưu tìm sự tuân thủ ngay lập tức của Trung Quốc với một phán quyết trọng tài vào năm ngoái phán quyết những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên cơ sở lịch sử là vô hiệu.

Trong tuyên bố của ASEAN, ông Duterte nhắc lại rằng những lời kêu gọi trước đó cho một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, tuân thủ pháp trị và hoan nghênh việc phê chuẩn một khuôn khổ hoặc một phác thảo "bộ quy tắc ứng xử" nhắm mục tiêu ngăn ngừa sự đối đầu trong vùng biển tranh chấp. Các vụ đụng độ gây chết người đã nổ ra trong quá khứ giữa lực lượng Trung Quốc và Việt Nam. - VOA
|
|

6.
TT Mugabe xuất hiện trước công chúng sau mấy ngày bị quân đội quản thúc

Ông Robert Mugabe, tổng thống gần bốn mươi qua của Zimbabwe, xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên hôm thứ Sáu 17/11 kể từ khi ông bị quân đội quản thúc tại gia hồi trước đây trong tuần.

Ông Mugabe, trong áo mão lễ tốt nghiệp, đến dự lễ tại một đại học ở thủ đô Harare, và được đám đông tung hô.

Người dân Zimbabwe hy vọng sớm có một giải pháp nhanh chóng và suôn sẻ cho cuộc khủng hoảng chính trị bất ngờ vừa xảy tại quốc gia nam Phi châu này, trong lúc các nhân vật đối lập, các nhóm xã hội và tôn giáo hối thúc ông Mugabe từ chức sau khi quân đội chiếm quyền kiểm soát chính phủ.

Nhưng các tin tức hôm thứ Năm nói rằng ông Mugabe phản đối các đề nghị đòi ông từ chức, và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bày tỏ hy vọng sẽ có một giải pháp chung cuộc nhanh chóng. Ông Zuma nói với quốc hội Nam Phi rằng “Còn quá sớm để đưa ra bất cứ quyết định chắc chắn nào.”

Hình ảnh được truyền thông chính thức phổ biến cho thấy ông Mugabe hôm thứ Năm đứng cạnh tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga. Nhà lãnh đạo 93 tuổi đến dự lễ tốt nghiệp ở đại học là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên kể từ hôm thứ Ba khi ông bị quân đội quản thúc tại gia.

Hãng Bloomberg hôm 17/11 dẫn nguồn tin của bốn giới chức biết rành về nỗ lực điều giải để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe nói rằng ông Mugabe có thể bị luận tội nếu ông không chịu tứ chức. - VOA
|
|

7.
Các nước gia nhập liên minh toàn cầu dần loại bỏ than đá trước 2030

Ít nhất 15 nước đã gia nhập một liên minh quốc tế để dần dần loại bỏ than đá ra khỏi việc sản xuất điện năng đến trước năm 2030, các đại biểu tham dự cuộc họp về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Bonn cho biết hôm thứ Năm.

Anh, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Bỉ, Thụy Sĩ, New Zealand, Ethiopia, Mexico và Quần đảo Marshall đã gia nhập Liên minh Phát điện Không dùng Than (Powering Past Coal), các đại biểu cho biết.

Liên minh nhắm mục tiêu kết nạp 50 thành viên trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kế tiếp của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018 được tổ chức tại thành phố Katowice của Ba Lan, một trong những thành phố bị ô nhiễm nhất Châu Âu.

Nhưng một số nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Đức và Nga vẫn chưa gia nhập.

Liên minh Phát điện Không dùng Than hình thành chỉ vài ngày sau khi các quan chức chính phủ Mỹ, cùng với các đại diện của các công ty năng lượng, dẫn đầu một sự kiện bên lề các cuộc hội đàm để quảng bá "nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân để khắc phục khí hậu."

Sự kiện này đã khơi ra một cuộc biểu tình ôn hòa của những người biểu tình chống than đá và xung khắc với nhiều bộ trưởng đang soạn thảo một bộ quy tắc để thi hành Hiệp định Paris năm 2015, nhắm mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới rời xa nhiên liệu hóa thạch.

Liên minh này đã được khởi động bởi Anh, Canada và Quần đảo Marshall, những nước đã thúc giục các nước khác tham gia cùng họ, Reuters cho biết, dẫn một bức thư mà hãng tin này đã xem qua hôm thứ Tư.

Reuters nói một nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết các bên ký tham gia liên minh cho đến nay ít nhất là 12, ngoài một số bang của Mỹ, các tỉnh của Canada và các doanh nghiệp. - VOA
|
|

8.
Israel sẵn sàng hợp tác tình báo với Ả Rập Xê Út chống Iran

Teheran chỉ trích Paris « thiếu khách quan » và sẽ làm tình hình khủng hoảng Trung Đông nghiêm trọng hơn vì thái độ ủng hộ Ryad. Trong khi đó, để ngăn chận ảnh hưởng Iran trong khu vực, tổng tham mưu trưởng quân đội Israel tuyên bố sẵn sàng « chia sẻ thông tin tình báo » với Ả Rập Xê Út.

Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Guilhem Delteil tường thuật :

« Sự kiện tổng tham mưu trưởng quân đội Israel trả lời phỏng vấn một nhật báo của Ả Rập Xê Út cũng là một tín hiệu hai bên tiến lại gần nhau. Nhưng khi Israel lại bày tỏ ý định chia sẻ tin tình báo và kinh nghiệm hoạt động với vương quốc thì đúng là một bước tiến đột phá giữa hai nước không có quan hệ ngoại giao.

Tướng Gadi Eisenkot biện minh rằng do diễn biến tình thế, cần phải đối phó với các dự án của Iran, mà ông gọi là quốc gia « nguy hiểm nhất trong khu vực ». Theo tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, kế hoạch của Iran là « kiểm soát toàn vùng Trung Cận Đông qua hai trục Shia. Trục thứ nhất là Irak, Syria và Liban. Trục thứ hai là Iran, Bahrein và Yemen. Đó là lý do mà « cần phải ngăn chận ý đồ này ».

Cũng theo tướng Gadi Eisenkot, đối đầu với Iran, hai nước Israel và Ả Rập Xê Út có cùng « quyền lợi chung » cũng như « những nước Hồi Giáo ôn hòa khác ». Tổng tham mưu trưởng quân đội cũng cho rằng bối cảnh quốc tế hiện nay rất thuận lợi cho việc thành lập một mặt trận chung : Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng ta có thời cơ xây dựng một liên minh quốc tế mới trong khu vực ».

Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Iran trong bản tuyên bố ngày 17/11, chỉ trích các động thái ngoại giao của Pháp bị cho là « một chiều » thân Ả Rập Xê Út, có thể làm tình hình Trung Đông xấu đi.

Theo AFP, phản ứng này của Iran có lẽ để đáp lại tuyên bố của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Ryad ngày hôm trước. Ngoại trưởng Pháp tỏ ý lo ngại trước tham vọng « bành trướng » của Iran, cụ thể là qua chương trình « tên lửa đạn đạo”. - RFI
|
|

9.
Liệu Trung Quốc sẽ phá dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil tại Việt Nam?

Trong hội nghị thượng đỉnh APEC tuần trước tại Đà Nẵng, Việt Nam, báo chí rất chờ đợi bài diễn văn của tổng thống Mỹ Donald Trump và quan điểm của ông về một « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở », trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo tham gia diễn đàn hy vọng Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến khu vực.

Theo nhà phân tích Gary Sand trên The Diplomat, tuy Donald Trump có thái độ chừng mực, không tung ra những tin Twitter gây bối rối, nhưng chính sách « Nước Mỹ trước hết » của ông cũng khiến cho các nước lo ngại.

Ngoài thương mại, các nhà lãnh đạo Việt Nam còn tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Trong những tháng trước khi diễn ra thượng đỉnh APEC, tập đoàn năng lượng Mỹ ExxonMobil đã khuyến khích Hà Nội loan báo chính thức khởi động dự án mỏ khí đốt Cá Voi Xanh trị giá 10 tỉ đô la trong hội nghị này.

Mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale) có trữ lượng ước tính 150 tỉ mét khối, sẽ đóng góp vào ngân sách Việt Nam gần 20 tỉ đô la. Nằm trong dự án này còn có một đường ống dẫn khí đốt từ ngoài khơi cung cấp cho bốn tổ máy điện sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Nam, và tổ máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023.

Khu vực mỏ Cá Voi Xanh nằm tại lô 118, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam. Tuy nhiên với đường lưỡi bò tự vẽ, và đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết là vô căn cứ, Bắc Kinh cũng yêu sách khu vực này. Đường 9 đoạn của Trung Quốc cách bờ biển miền Trung Việt Nam có 50 hải lý, trùm lên một phần ba phía đông của lô 118.

Tập đoàn Exxon dự định khoan thăm dò cách đường lưỡi bò 10 hải lý, khoảng 88 km tính từ bờ biển Việt Nam. Cho dù địa điểm khoan không nằm trong đường lưỡi bò, nhưng lại trong cùng lưu vực mà Trung Quốc đã khai thác năm 2014 với giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 (HY981). Vào lúc đó, việc kéo giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa đã gây ra một loạt các đợt biểu tình phản đối và bạo động tại Việt Nam.

Tuy nhiên việc khởi động mỏ Cá Voi Xanh, dự tính thông báo vào tuần trước, đã không mấy tiến triển. Phát biểu trong diễn đàn APEC hôm 7/11, giám đốc ExxonMobil Development Company là Liam Mallon nói « có những thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc », và hoãn lại quyết định đầu tư đến năm 2019.

Hà Nội có lẽ muốn một APEC yên lành vào cuối năm, thay vì chọc giận Bắc Kinh. Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam tại Trường Sa, nếu không ngưng thăm dò khí đốt trong khu vực. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh tức tối khi lô 136-3 ở bãi Tư Chính, được một liên doanh giữa Việt Nam với công ty Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala Development Co. của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất chuẩn bị khoan thăm dò.

Tuy Repsol đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (một ước tính khác cho rằng đến 300 triệu đô la), Hà Nội đành phải cho ngưng khoan. Việc Bắc Kinh đe dọa được biết đến khi thượng tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc bỏ về nước, không dự một cuộc họp ở Hà Nội chỉ vài ngày trước thời điểm khoan 21/6. Phạm Trường Long còn hủy bỏ hoạt động « giao lưu quốc phòng Việt-Trung ».

Theo chuyên gia Bill Hayton, Trung Quốc cũng đã từng đe dọa tương tự với khu vực mỏ khí đốt ngoài khơi Việt Nam của tập đoàn Anh British Petroleum (BP) năm 2007. Bắc Kinh hăm dọa khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa lục, và đe rằng sẽ không bảo đảm an toàn cho đội ngũ của BP làm việc tại khu vực « tranh chấp ».

Việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực với Việt Nam trong vụ Repsol, theo giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales là rất đáng quan ngại. Ông gọi vụ hăm dọa này là « một bước dấn tới đáng báo động về sự quyết đoán của Trung Quốc » và là « một sự leo thang quan trọng ». Giáo sư Thayer cũng đặt câu hỏi về tác động của đe dọa quân sự từ Trung Quốc đối với tương lai kỹ nghệ dầu khí ngoài khơi của Việt Nam, nhận định « Nếu Việt Nam ngưng hẳn thăm dò, sẽ gây tác động lâu dài đến các hợp đồng hiện nay với các công ty nước ngoài, và nhất là an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai ».

Ông Alexander L.Vuving, thuộc Daniel K.Inouye Asia-Pacific Center for Security ở Hawai, có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về vụ Repsol, cho rằng Hà Nội đã chọn lựa một sự « rút lui chiến thuật » do lo ngại bạo động xã hội. Ông nêu ví dụ về vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tháng 5/2014 và phong trào phản đối nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm nặng vùng biển miền Trung Việt Nam.

Tuy vậy trong tương lai gần, ông Vuving tin rằng chính sách của Hoa Kỳ về châu Á « quá yếu để chống lại Trung Quốc ». Tại Đà Nẵng vừa rồi và ở khu vực châu Á, người ta cảm thấy « America First » quá thiên về lợi ích tự thân trong kinh tế, để có thể chống lại bá quyền Trung Quốc. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực trong Đại hội Đảng 19, và chủ trương một quân đội mạnh hơn. Nay Bắc Kinh có thể chọn lựa việc phô trương sức mạnh ấy.

Theo tác giả Gary Sand, tuần trước, viễn cảnh Bắc Kinh dọa nạt Hà Nội một lần nữa đã lùi xa, sau khi ExxonMobil hoãn lại thông báo khởi động. Tuy vậy nếu dự án mỏ Cá Voi Xanh có tiến triển, rất có thể Hà Nội sẽ lại bị đe dọa một khi tiến hành khoan thăm dò trên Biển Đông. Các mỏ của ExxonMobil có thể an toàn hơn so với Repsol, vì tầm vóc đại quy mô và ảnh hưởng toàn cầu của tập đoàn Mỹ, tiềm năng đầu tư đáng kể, địa điểm nằm gần đất liền của Việt Nam hơn và ở ngoài đường lưỡi bò. Bên cạnh đó tập đoàn này có liên hệ chặt chẽ với đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.

Nhưng từ nay đến năm 2019, năng lực quân sự của Trung Quốc sẽ tăng lên ; chiến lược « khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở » của Washington hoặc được đẩy mạnh, hoặc bị lãng quên ; và các tham số về giao dịch khí đốt có thể thay đổi. Vào lúc đó, Hà Nội sẽ phải thận trọng cân nhắc. Hoặc một sự « rút lui chiến thuật » khác, hoặc thách thức mối đe dọa quân sự tiềm ẩn của Bắc Kinh và tin rằng Washington sẽ yểm trợ.

Mặc cho các cam kết hòa bình qua chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của hai ông Donald Trump và Tập Cập Bình, lòng tin giữa ba nhà lãnh đạo Việt-Mỹ-Trung vẫn còn ở mức thấp, và Hà Nội sẽ phải tìm cách xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước khác trong khu vực. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế - - - Mỹ: 700 tỷ đô la cho ngân sách Quốc Phòng 2018

Hạ viện Mỹ hôm 16/11 đã thông dự luật thuế với những thay đổi đáng kể trong ba thập niên qua. Việc thông qua dự luật thuế này tạo điều kiện cho Tổng thống Donald Trump và những thành viên Cộng hòa trong Quốc hội một chiến thắng rất cần thiết sau một năm thất bại về mặt lập pháp.

Sau kết quả biểu quyết, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan nói đạt được 218 phiếu cần thiết để thông qua bất cứ vấn đề gì là một thành tựu.

Hôm 16/11, ông Steve Scalise, thủ lãnh khối Đa số Hạ viện ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong dự luật thuế: “Tổng thống Trump theo sát từng bước dự luật này, ông muốn cắt giảm thuế nhiều hơn, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, để đảm bảo luật thuế này công bằng cho mọi người.”

Mặc dù các dân biểu Cộng hòa trong Hạ viện đang lạc quan, dự luật này giờ đây đối mặt với những khó khăn hơn ở Thượng viện.

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối mạnh mẽ dự luật này, họ cho rằng dự luật chỉ cắt giảm thuế cho người giàu. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc ủng hộ dự luật này. Vì vậy, dự luật khó có thể được thượng viện chấp thuận.

Các thành viên của cả hai đảng cũng bày tỏ quan ngại về những thay đổi đáng kể trong luật thuế phức tạp của Hoa Kỳ mà chỉ được xem xét trong một thời gian ngắn để kịp chuyển sang cho Tòa Bạch Ốc trước cuối năm nay.

Cuộc biểu quyết ở Hạ viện với kết quả 227 phiếu thuận, 205 phiếu chống, trong đó có 13 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống vì lo ngại những ảnh hưởng về tài chính của luật thuế này lên cử tri của họ. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump được Quốc Hội cho thêm 4% so với yêu cầu về ngân sách Quốc Phòng 2018. Cùng lúc, Lầu Năm Góc thông báo đã tăng viện cho Afghanistan 3.000 quân.

Theo AFP, trong cuộc biểu quyết ngày 16/11/2017, toàn thể thượng nghị sĩ Mỹ đã hoàn toàn chấp thuận ngân sách Quốc Phòng năm 2018 là 700 tỷ đôla, cao hơn yêu cầu của hành pháp 26 tỷ.

Trước mối đe dọa đặc biệt của tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên, Thượng Viện Mỹ cũng chấp thuận tăng đặc biệt 50% ngân sách của Cơ quan Phòng chống Tên lửa từ 8,2 tỷ lên 12,3 tỷ đôla để bố trí thêm hàng chục dàn lá chắn.

Ngân sách mới cho phép ba binh chủng Hải-Lục-Không Quân Mỹ trang bị thêm 90 chiến đấu cơ F-35, hàng trăm trực thăng võ trang, chiến xa thiết giáp mới, 14 chiến hạm và tàu ngầm. Lương của quân nhân cũng được tăng 2,4%.

Cùng ngày, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết đã gửi thêm 3.000 quân sang Afghanistan, theo đúng « chiến lược mới » của tổng thống Donald Trump.

Tổng số lực lượng Mỹ tại đây như vậy lên đến 14.000 người. Các đơn vị tăng viện có nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ quân đội chính phủ Afghanistan đang gặp khó khăn trên chiến trường trước phe Taliban.

Các nước đồng minh trong khối NATO cũng đã cam kết tăng quân tại Afghanistan. - RFI
|
|

11.
Mỹ tái xét thủ tục nhận đơn xin gia hạn DACA

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho biết sẽ xem xét đơn xin gia hạn DACA bị trì hoãn qua đường bưu điện, sau khi hạn chót đã qua, để xem liệu các đơn ấu có nên được nhận hay không.

Khi chính quyền của Tổng thống Trump chấm dứt chương trình Hoãn hành động cho thành phần nhập cảnh vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ từ lúc còn bé (DACA) hồi tháng 9, Washington cho phép những người thuộc thành phần DACA có giấy tờ sắp hết hạn được phép gia hạn thêm một lần cuối cùng, nếu họ nộp đơn trước hạn chót ngày 5 tháng 10.

Theo các quan chức, thì mục đích của sáng kiến này là để không một người nào được hưởng quy chế DACA bị mất quyền lợi trong sáu tháng, trước ngày 5 tháng 3 năm 2018.

Chương trình DACA bảo vệ khoảng 800.000 thanh thiếu niên đến Mỹ từ lúc còn nhỏ không có giấy tờ nhập cư hợp lệ, khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, và được cấp giấy phép làm việc với điều kiện phải gia hạn mỗi hai năm.

Tờ New York Times hôm Thứ Sáu tuần trước đưa tin rằng tại New York và Chicago, có khoảng 75 đơn xin gia hạn được gửi đi lâu trước thời hạn, tuy nhiên bị trì hoãn qua đường bưu điện.

Trong khi Bưu điện Hoa Kỳ đã lên tiếng xin lỗi, báo chí tường thuật rằng rằng Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) thoạt đầu đã từ chối nhận đơn.

Quyết định này đã được lật ngược vào đêm thứ Tư, USCIS cho biết sẽ xem xét lại các đơn xin gia hạn bị trì hoãn qua đường bưu điện, nếu người gửi có thể chứng minh "hồ sơ ban đầu đã được gửi trước thời hạn, và nguyên nhân đơn đến chậm, sau hạn chót ngày 5 tháng 10/2017, là do lỗi của dịch vụ Bưu Điện Hoa Kỳ."

Ngoài ra, USCIS cho biết còn đang xem xét các trường hợp khi "hồ sơ xin gia hạn DACA tới điểm đến được chỉ định đúng hạn, nhưng nơi nhận từ chối, không nhận đơn."

Các trường hợp này đã đươc bao gộp trong một hồ sơ khiếu nại đệ trình lên tòa án liên bang New York hôm thứ Ba. Các luật sư di trú và các nhóm ủng hộ cáo buộc chính phủ là đã bác đơn xin gia hạn để bảo vệ DACA, viện lý do là các hồ sơ ấy đã được giao nộp trễ hơn thời hạn, dù cho các đơn này đã được nộp trước thời hạn và đã xuất hiện trong hộp thư của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ USCIS ..

“Hồ sơ khiếu nại được sửa đổi đã được đệ trình tại khu vực miền Đông New York như một phần trong vụ kiện trước đó chống quyết định DACA của chính quyền.

Các nguyên đơn gồm tổ chức ‘Make the Road New York’, Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, các luật sư và sinh viên luật của Đại học Yale nói rằng việc Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ không thông báo cho người nộp đơn biết rằng không phải tất cả các đơn đều được nhận trong ngày hạn chót, vi phạm các thủ tục pháp lý theo tinh thần Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp.

Hồ sơ khiếu nại còn than phiền rằng nhiều đơn đã tới Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ trước thời hạn, sau đó bị bác một cách tùy hứng.

Trong một trường hợp, đơn của một thân chủ của của tổ chức Make the Road New York bị trả lại, bởi vì nhân viên USCIS đọc sai ngày ghi trên đơn là 2012 thay vì năm 2017.

Trong thông báo hôm thứ Tư, USCIS cho biết sẽ "chủ động tiếp cận" những người đứng đơn xin gia hạn DACA đã bị bác đơn một cách bất công, và báo cho họ biết họ có thể nộp đơn lại.

"Nếu một ứng viên DACA không nhận được thông báo đó và tin rằng đơn của họ đã được nhận tại địa điểm được chỉ định trước hạn ấn định, thì họ có thể gửi đơn lại với bằng chứng cho thấy đơn của họ đã được nhận vào ngày, hoặc trước hạn chót tại địa điểm nộp hồ sơ được chỉ định. USCIS cho biết là những hướng dẫn phụ trội sẽ được công bố sau.

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho biết 132.000 người nhập cư đã nộp đơn đúng hạn. Tuy nhiên USCIS cũng báo cáo trong một hồ sơ đệ nạp ngày 18 tháng 10 cho vụ kiện ban đầu của nhóm, rằng có thêm 4.000 đơn nộp trễ và đã bị bác. - VOA
|
|

12.
Lạm dụng tình dục ở Mỹ: thêm một nhân vật tiếng tăm bị tố

Một thượng nghị sĩ từ bang Minnesota là người mới nhất trong một loạt nhân vật có tiếng tăm trong làng giải trí và thế giới chính trị bị tố cáo về tội quấy rối tình dục. Dân biểu Al Franken thuộc Đảng Dân chủ, là mục tiêu bị nhắm tới sau khi một phát thanh viên tố cáo ông đã ôm hôn và có cử chỉ sàm sỡ mà không có sự đồng ý của cô trong một chuyến đi ủy lạo binh sĩ ở Trung Đông vào năm 2006. Lúc đó cả hai tham gia một chương trình văn nghệ trong đó có một vở kịch ngắn do ông Franken sáng tác để đóng góp cho chương trình ủy lạo binh sĩ Mỹ ở nước ngoài. Trong khi đó, một ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang dự tranh để dành một ghế tại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đang chống chế trước những cáo buộc về tội lạm dụng tình dục mà nạn nhân là gái vị thành niên.

Phụ nữ Mỹ dường như đang tìm cách bù đắp lại cho những năm tháng dài giữ im lặng, khi hết người này tới người khác xuất hiện với những câu chuyện về những hành vi lạm dụng mà họ đã chịu đựng từ tay những người đàn ông có quyền lực. Hôm thứ Năm, phát thanh viên Leeann Tweeden, từ California, tố cáo ông Franken đã bất ngờ thay đổi kịch bản và dùng sức mạnh ôm hôn cô trong một buổi tập diễn cho một chương trình giải trí để phục vụ binh sĩ Mỹ ở Afghanistan cách đây 11 năm.

Tweeden cho biết cô đã yêu cầu ông Franken chớ bao giờ lặp lại cử chỉ đó. Nhưng sau này, cô được biết ông Franken đã chụp một tấm ảnh trong chuyến bay trở về. Trong ảnh, Franken dường như đang sờ soạng Tweeden trong lúc cô đang ngủ. Ông Franken không phủ nhận những cáo buộc và hôm thứ năm, ông ngỏ lời xin lỗi, nói rằng bức ảnh đó chỉ là một trò đùa. Nhưng cô phát thanh viên đến từ California bày tỏ sự bất bình.

"Chuyện đó không có gì là buồn cười cả, thử hỏi có buồn cười không nếu ông ta làm điều đó với em gái, con gái hoặc là vợ của bạn?"

Một chính khách khác cũng đang chật vật chống chế các cáo buộc về lạm dụng tình dục là cựu thẩm phán bang Alabama, ông Roy Moore. Ông là ứng cử viên của đảng Cộng hòa tromg cuộc đua giành một chiếc ghế tại Thượng viện Hoa Kỳ. Ông Moore bị buộc tội tấn công tình dục gái vị thành niên. Ông nói ông đã được mẹ của các thiếu nữ trong cuộc cho phép theo đuổi họ. Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói ông Moore nên từ bỏ cuộc đua và Ủy ban Đạo đức của Thượng viện nên xem xét lại trường hợp của ông Franken.

Ông Franken không phản đối, nhưng ông Moore đáp trả như sau:

"Nhiều người trong các bạn đã nhận ra đây là một nỗ lực của ông Mitch McConnell và các tay chân của ông, muốn cướp cuộc bầu cử này từ tay của người dân Alabama, họ sẽ không chấp nhận điều đó."

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ủng hộ ứng cử viên của Moore. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông hôm thứ Năm không xác định liệu ông Trump có còn ủng hộ ông Moore hay không.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders, nói:

"Này Tổng thống cho rằng những lời cáo buộc đó là rất đáng quan tâm và cần được xem xét nghiêm túc. Ông nghĩ rằng người dân Alabama nên được quyền quyết định ai là thượng nghị sĩ kế tiếp đại diện cho họ".

Những cáo buộc về hành vi lạm dụng tình dục chống những nhân vật tiếng tăm, chính khách và nhiều người khác đã tăng vọt kể từ tháng trước, khi nhà làm phim Hollywood Harvey Weinstein bị thất sủng sau khi bị tố cáo là đã có hành vi lạm dụng tình dục. - VOA
|
|

13.
TT Trump ăn súp vi cá mập tại Hà Nội bị các nhà môi trường lên án

Trong quốc yến do lãnh đạo Việt Nam thiết đãi tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump đã chọn món súp vi cá mập và đã bị các nhà bảo vệ động vật chỉ trích rằng ông không hiểu biết gì về "số phận của các loài động vật đang nguy cấp trên toàn thế giới."

Theo Tin tức E & E và Associated Press, ông Trump được phục vụ món súp vi cá mập tại buổi chiêu đãi hôm tối thứ Bảy 11/11 ở Hà Nội.

E & E xác nhận rằng món súp vi cá mập là món thứ năm trong thực đơn của quốc yến.

Báo USA Today đăng tin rằng ông Trump đã được phục vụ món này và chính ông cũng đã thưởng thức món súp hải sản do lãnh đạo Hà Nội thiết đãi.

Tuy nhiên, tờ Huffington Post dẫn nguồn tin từ các phóng viên tháp tùng chuyến đi của ông Trump cho hay nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không đưa ra bình luận gì về món súp vi cá mập khi món này được dọn ra.

Hôm 11/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự quốc yến tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội, do Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, thiết đãi.

Báo Văn hóa và Thể thao và Báo Người Lao động có liệt kê 9 món ăn chính của buổi quốc yên hôm ấy, và món thứ năm là súp bóng cá thủ tam hoa.

Hãng tin AP mô tả rằng ông Trump đã dùng "món súp hải sản được chế biến từ bóng cá, tôm, sò điệp và vi cá mập", trong quốc yến tại Hà Nội.

Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật (IFAW) đã đưa ra tuyên bố hôm thứ Hai 13/11 chỉ trích ông Trump không hiểu gì về "tình trạng của các loài nguy cấp trên toàn thế giới".

Ông Azzedine Downes, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IFAW cho biết: "Chúng tôi đang rất thất vọng trước thông tin rằng Tổng thống Trump đã được phục vụ và ăn súp vi cá mập trong chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của ông tại Việt Nam."

Ông Downes nó thêm: “hàng chục loài cá mập được liệt kê là dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Các hành động như thế này làm suy yếu các nỗ lực bảo tồn toàn cầu và báo hiệu với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Hoa Kỳ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình."

Vì món súp được yêu chuộng ở các quốc gia Đông Nam Á mà 70 triệu con cá mập được cho là đã bị giết hàng năm.

Súp vi cá mập, một món ăn đắt tiền ở một số nước, bị các nhóm bảo vệ môi trường và dư luận rộng khắp lên án.

Việc ông Trump chọn món súp này – dù tình cờ hay cố ý - cũng cho thấy có ý kiến trái chiều trên bình diện quốc tế.

Trong khi Thượng viện, Quốc hội và giới văn nghệ sĩ của Hoa Kỳ phản đối món ăn này, thì việc thưởng thức món vi cá mập của Tổng thống Trump gửi đi thông điệp gì? - VOA
|
|

14.
Phấn và ung thư: Johnson & Johnson thắng kiện

Một bồi thẩm đoàn ở bang California (Mỹ) ngày 16/11 ra phán quyết có lợi cho công ty nổi tiếng về các sản phẩm trẻ em Johnson & Johnson trong vụ một nữ khách hàng kiện rằng bà phát triển bệnh u trung biểu mô, một loại ung thư phát triển trong niêm mạc bao phủ bên ngoài của một số bộ phận cơ thể, sau khi tiếp xúc với các chất amiang trong những sản phẩm phấn bột của công ty kể cả phấn trẻ em.

Bản án của bồi thẩm đoàn Tòa Tối cao Los Angeles hôm nay là phiên xử đầu tiên về các tố cáo rằng sản phẩm phấn bột của Johnson & Johnson có chứa chất amiang.

Hiện công ty đang phải đối mặt với hàng ngàn vụ kiện cho rằng các sản phẩm phấn bột của họ gây ung thư buồng trứng.

Vụ kiện được phán quyết hôm nay do bà Tina Herford đệ đơn.

Bày tỏ vui mừng trước kết quả xét xử, công ty nói “Phấn trẻ em Johnson & Johnson có mặt từ 1894 tới nay, không chứa chất amiang hay gây ra u trung biểu mô hoặc ung thư buồng trứng.”

Trong 5 phiên xử ở Missouri về các đơn kiện tố cáo sản phẩm của Johnson & Johnson gây ung thư buồng trứng, công ty thua kiện 4 vụ và bị buộc bồi thường cho các đương đơn 307 triệu đô la.

Tại bang California, một bồi thẩm đoàn hôm 21/8 đã ra lệnh cho công ty phải trả 417 triệu đô la cho bà Eva Echeverria, nay đã qua đời, người tố cáo rằng bà bị ung thư buồng trứng sau một thời gian dùng phấn bột trẻ em của Johnson cho mục đích vệ sinh phụ nữ. - VOA
|
|

15.
Mỹ: Kế hoạch dùng công nghệ nhận dạng di dân bị phản đối

Một liên minh các nhóm hoạt động nhân quyền ngày 16/11 phát động thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi tập đoàn IBM từ chối đề nghị của chính quyền Mỹ muốn IBM dùng công nghệ nhận dạng nhân thân phục vụ cho công tác từ chối visa nhập cảnh Mỹ và trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Công ty sản xuất chip điện tử IBM bị ‘nhắm mục tiêu’ vì cùng với một số công ty và các nhà thầu khác, IBM đã tham dự cuộc họp hồi tháng 7 của các giới chức thực thi di trú bàn về phát triển công nghệ sàng lọc an ninh, ông Steven Renderos thuộc Trung tâm Công lý Truyền thông phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư cho biết.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này nói sử dụng công nghệ như thế là đi ngược lại với mục tiêu của IBM trong việc bảo vệ để các di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ bé khỏi bị trục xuất.

Chiến dịch này nằm trong khuôn khổ một cuộc vận động lớn hơn khởi sự ngày 16/11 phản đối ‘Sáng kiến Rà soát Gắt gao’ mà Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ ICE đang xúc tiến để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump: siết chặt các khâu sàng lọc an ninh đối với di dân vào đất Mỹ.

IBM chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, hơn 50 tổ chức xã hội dân sự và trên 50 chuyên gia kỹ thuật ngày 16/11 gửi thư tới Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng chương trình rà soát vừa kể mang tính kỳ thị và rằng trí tuệ nhân tạo không thể nào cung cấp thông tin mà ICE muốn có.

Sau cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, một số hãng internet đã cam kế sẽ không hỗ trợ ông Trump xây dựng kho dữ liệu ‘lần dấu’ di dân dựa trên căn cứ tôn giáo hay hỗ trợ các đợt trục xuất tập thể.

IBM nằm trong số hàng chục công ty công nghệ phản đối quyết định của ông Trump chấm dứt chương trình DACA vốn bảo vệ chừng 900 ngàn di dân được ba mẹ đưa sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ. - VOA
|
|

16.
Những người tố TT Trump tấn công tình dục đòi công lý

Những cáo buộc tấn công tình dục gần đây đối với các tay tổ ở Hollywood cũng như ở các lãnh vực khác, nhận được sự tin tưởng rộng rãi, khiến nhiều người phải từ chức, mất việc và rớt đài.

Đồng thời, theo tạp chí People, một số phụ nữ đứng ra tố cáo Tổng Thống Donald Trump sách nhiễu hoặc tấn công tình dục trong thời gian ông vận động tranh cử, tự hỏi đến bao giờ ông Trump mới phải trả giá cho những gì ông làm đối với họ.

Bà Jessica Leeds, 75 tuổi, người tố cáo ông Trump tìm cách hôn, sờ ngực, và luồn tay dưới váy bà trên một chuyến bay đến New York hồi đầu thập niên 1980, nói: “Những cáo buộc liên quan đến ông Trump đều bị phớt lờ khiến tôi hết sức thất vọng.”

Bà Natasha Stoynoff, một cây bút của People, tố cáo ông Trump tấn công bà vào năm 2005 bằng cách đè bà vào một bức tường ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago rồi “thọc lưỡi của ông xuống tận cổ họng” bà.

Câu chuyện của họ được đồng sự, bạn bè hay người thân trong gia đình hậu thuẫn.

Những tuần sau đó, nhiều phụ nữ cáo buộc ông Trump sờ mó, bóp hoặc hôn mà không có sự đồng ý của họ.

Trong thời gian tranh cử, hơn 10 phụ nữ ra mặt tố cáo ông.

Bà Summer Zervos, cựu thí sinh chương trình truyền hình Apprentice, tố cáo ông Trump hôn bà một cách thô bạo và đặt tay lên ngực bà hồi năm 2007.

Bà Zervos nộp đơn kiện, sau khi ông Trump liên tục gọi những người tố cáo ông là láo khoét.

Bà Norm Eisen, cựu luật sư trưởng về đạo đức của Tòa Bạch Ốc cho Tổng Thống Barack Obama, nói vụ kiện này là “hết sức quan trọng” vì “những cáo buộc tổng thống sách nhiễu, tấn công tình dục các phụ nữ, là rất nghiêm trọng, còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những vụ mà hậu quả người ta phải chịu mất việc làm.”

Bà Eisen tiếp: “Cần phải được xét lại hoàn toàn và thật công bằng và vào lúc này kiện là phương cách tốt nhất mà chúng ta phải làm.”

Trong khi đó Tổng Thống Trump gọi vụ kiện đang diễn tiến chống lại ông là “hoàn toàn cuội, chỉ là bịa đặt, là chuyện phịa. Toàn là dựng chuyện và đáng kinh tởm.”

Qua một văn bản gởi cho tạp chí People, ông Marc Kasowitz, luật sư của tổng thống, nói rằng vụ kiện “dựa vào những sự kiện chưa hề xảy ra.”

Bà Stoynoff nói, ông Trump nên xin lỗi và đưa ra một văn bản nói rằng “chúng tôi không phải là kẻ nói dối.”

Bà Melinda McGillivray, 38 tuổi, cư dân Florida, nói ông Trump chụp vào mông bà khi bà đang giúp một nhiếp ảnh gia trong một sự kiện tổ chức tại Mar-a-Lago vào năm 2003.

Bà nói bà “kinh hoàng” khi thấy ngày càng có nhiều người Cộng Hòa tin lời các phụ nữ tố cáo ông Roy Moore, ứng cử viên thượng nghị sĩ tiểu bang Alabama, nhưng lại có vẻ không tin lời những người tố cáo ông Trump, hay phớt lờ những gì họ nói. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

17.
Việt Nam: 27 cuộc tấn công mạng ‘có chủ đích’ nhắm vào APEC

Trong phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc Hội hôm 17/11, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí của Hội nghị APEC.

Người đứng đầu Bộ TTTT cho biết tính đến nay, Việt Nam đã phát hiện hơn 11.000 cuộc tấn công mạng, trong đó các các cuộc tấn công nhắm vào Hội nghị APEC.

Tuần lễ APEC tại Đà Nẵng đã thu hút khoảng 11.000 người tham gia, trong đó có hơn 2.800 phóng viên Việt Nam và nước ngoài thường xuyên làm việc tại trung tâm truyền thông quốc tế APEC từ ngày 6/11 đến 11/11.

Ông Trương Minh Tuấn cho biết có đến 41% các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam không đánh giá rủi ro về an ninh thông tin nên không phát hiện ra mã độc trong hệ thống, 51% cơ quan, tổ chức vẫn chưa áp dụng các thao tác tiêu chuẩn trong việc đối phó với sự cố mạng, và 73% vẫn chưa có biện pháp để bảo vệ an toàn mạng.

Cũng trong buổi chất vấn, Bộ trưởng TTTT cho biết đã làm việc với Google và YouTube để gỡ “thông tin xấu độc”. Hiện Việt Nam đã gỡ được 5.000 video xấu độc trên YouTube, theo lời ông Tuấn. Trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết Việt Nam sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội và đề nghị phải có các chính sách đồng bộ, ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các mạng xã hội có thể thay thế được Facebook, Google, YouTube trong vòng 5-7 năm. - VOA
|
|

18.
Gặp EU về nhân quyền, 3 nhà hoạt động ‘bị bắt cóc’

Ba trong bốn nhà hoạt động dân chủ cáo buộc họ đã bị lực lượng an ninh Việt Nam “bắt cóc” hôm 16/11 sau khi gặp và thảo luận về nhân quyền với phái bộ của Liên hiệp châu Âu ở Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ giữa phái bộ ngoại giao của EU với 4 đại diện của giới xã hội dân sự diễn ra trước đối thoại nhân quyền thường niên vào đầu tháng 12 giữa EU và Việt Nam, trong bối cảnh hai bên dự kiến tiến đến ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2018 sắp tới.

Các nhà hoạt động đã họp với phái bộ EU gồm có tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, nhà báo vào blogger Phạm Đoan Trang, và ông Nguyễn Chí Tuyến. Họ đều được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho VOA biết nhóm các nhà hoạt động đã đề nghị EU thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cam kết đưa ra hồi năm 2014 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền. Tiến sĩ Quang A đề xuất thêm rằng EU nên cứng rắn hơn với Việt Nam:

“Bên cạnh những phương pháp rất là mềm dẻo, rất là xây dựng, thì cũng cần có những yêu cầu rất là khắt khe đối với Việt Nam về những nghĩa vụ pháp lý mà Việt Nam phải thực hiện, bởi vì Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế. Thì lưu ý cả đến điểm đó nữa, chứ không phải là tùy Việt Nam thích làm thế nào thì làm”.

Bà Phạm Đoan Trang đã trao cho EU 3 văn bản gồm báo cáo và kiến nghị chung của một số tổ chức XHDS độc lập, báo cáo về môi trường và vi phạm nhân quyền có liên quan, và báo cáo về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Bản báo cáo của các tổ chức XHDS cho rằng tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2017 vẫn có nhiều biểu hiện xấu, nổi bật là việc nhà nước kiểm duyệt truyền thông, bắt bớ một loạt các nhà hoạt động và blogger, tuyên các bản án nặng đối với các nhà hoạt động, ngoài ra là các vụ đàn áp các cuộc hội họp ôn hoà và đàn áp tôn giáo.

Liệu những gì nêu trong báo cáo cũng đồng nghĩa là tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn, tiến sĩ Quang A bày tỏ ý kiến:

“Điều đó hoàn toàn đúng và có thể thấy rất là rõ rệt từ khoảng 2 năm trở lại đây sau đại hội vừa rồi của Đảng Cộng sản Việt Nam mà có một dàn lãnh đạo mới”.

Chính quyền Việt Nam lâu nay luôn khẳng định họ “cố gắng tạo điều kiện” để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và Việt Nam đã đạt được “nhiều thành tựu nhân quyền” trên thực tế. Chính quyền cũng thường xuyên cáo buộc một số tổ chức trong và ngoài nước sử dụng vấn đề nhân quyền một cách “thiếu thiện chí” để “can thiệp vào nội bộ” của Việt Nam.

Sau cuộc gặp với EU hôm 16/11, ba trong bốn nhà hoạt động là tiến sĩ Quang A, hai bà Bùi Thị Minh Hằng và Phạm Đoan Trang đã bị các nhân viên ngành an ninh của nhà nước bắt đi khi ba người này rời khỏi văn phòng của EU ở Hà Nội. Tiến sĩ Quang A cho biết thêm:

“Thực sự là họ bắt cóc, họ chà đạp lên pháp luật. Tôi đi xuống khỏi cơ quan của EU, đến trước đại sứ quán Australia, thì 4 người hùng hổ đến và họ quăng tôi vào xe. Họ chở về đồn công an phường Gia Thụy là nơi họ đã giữ tôi trái pháp luật rất nhiều lần rồi”.

Tại đồn công an, ông A bị yêu cầu cung cấp thông tin về những người tham gia và nội dung thảo luận tại cuộc gặp với EU. Tuy nhiên, ông A từ chối, đáp lại rằng ông “không làm chỉ điểm”.

Tiến sĩ A và bà Bùi Thị Minh Hằng được thả sau một thời gian ngắn bị tạm giữ. Riêng bà Phạm Đoan Trang bị giữ đến tối 16/11, sau đó phía công an đưa bà về nhà và đặt bà trong tình trạng giam lỏng.

Viết trên Facebook cá nhân vào tối khuya 17/11, bà Trang xác nhận đã “bị cơ quan an ninh bắt” và điện thoại di động của bà “bị cướp mất”. Bà mô tả các câu hỏi cũng như nghiệp vụ của phía an ninh khi họ “làm việc” với bà là “lố bịch” và “cực xoàng”. VOA không thể liên lạc với cơ quan hữu quan Việt Nam để có tiếng nói từ phía họ về vụ việc.

Trong một bài viết đăng hôm 17/11 trên trang web luatkhoa.org, bà Trang tường thuật rằng Đại sứ của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, nói với các nhà hoạt động tại cuộc gặp hôm 16/11 rằng việc yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền là một “quá trình lâu dài”, và sự thay đổi “không thể diễn ra trong một đêm”.

Thông tin từ EU cho hay đối thoại nhân quyền giữa họ với Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Tình trạng Hà Nội gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua là một nội dung chính trong cuộc đối thoại, theo bài viết của bà Trang trên luatkhoa.org. Bên cạnh bảo vệ nhân quyền, EU cũng dự định bàn về những vấn đề lớn mà họ mong muốn Việt Nam cải thiện, như xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, và phát triển bền vững. - VOA
|
|

19.
Vì sao VN không mặn mà với lời chào mua vũ khí của Trump?

Trong chuyến công du dài ngày đến châu Á và dự APEC tại Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “chào hàng” tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ ngay trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bloomberg dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Mỹ thậm chí nói ông Phúc “còn chần chờ gì nữa” khi ông đã lên nắm cương vị đứng đầu nước Mỹ được 10 tháng rồi.

Bán vũ khí cho Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ khi đến Việt Nam. Vẫn theo Bloomberg, một thương vụ vũ khí với Việt Nam còn là “thắng lợi nhanh” giúp cho ông Trump có thêm lợi thế khi ra tái tranh cử.

Trên trang web chính thức, Tòa Bạch Ốc còn đăng lời “quảng cáo” của ông Trump với ông Phúc rằng “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ là nơi sản xuất các trang thiết bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên”.

Tuy nhiên, bất chấp kỹ năng thương trường của Tổng thống Mỹ, Việt Nam cho đến phút chót của APEC vẫn không ký một hợp đồng mua bán vũ khí nào trong số một loạt thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ đôla ký với Hoa Kỳ.

Một nhà phân tích chính trị Việt Nam và quốc tế, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của trường đại học George Mason, Mỹ, nhận định rằng có nhiều yếu tố khiến mục tiêu của ông Trump không thành công tại Việt Nam. Ông nói:

“Mua vũ khí không phải là dễ. Có nhiều vấn đề đặt ra lắm. Thí dụ, một khi đã mua vũ khí của một số nước khác rồi, bây giờ mua vũ khí của Mỹ thì các hệ thống có dùng lẫn với nhau được hay không, hay là mua của Mỹ thì phải mua hoàn toàn của Mỹ, bỏ tất cả các thứ khác”.

Trở ngại thứ hai, theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng, là vấn đề tiền bạc, vì ngân sách mà Việt Nam dành cho việc mua vũ khí khá “eo hẹp” so với các nước khác.

Ông nói thêm: “Ngoài ra, mua vũ khí của Mỹ cũng cần rất nhiều chuyện như huấn luyện và các thứ khác. Ví dụ như Việt Nam mua [chiến đấu cơ] Sukhoi của Nga thì phải sang Ấn Độ để huấn luyện vì Ấn Độ cũng mua cùng loại vũ khí đó”.

Vài tháng trước khi diễn ra Hội nghị APEC ở Việt Nam, một số chuyên gia quân sự của Nga liên tục lên tiếng trên truyền thông khuyên Việt Nam không nên mua vũ khí của Mỹ và Israel. Các chuyên gia này còn đưa ra các phân tích kỹ thuật để cho thấy sự ưu việt của vũ khí Nga trong việc tích hợp vũ khí khác hệ so với vũ khí của Israel và Mỹ.

Trong khi đó, một chuyên gia quân sự Việt Nam, Phó giáo sư-Tiến sĩ-Thiếu tướng an ninh Lê Văn Cương, trong cuộc phỏng vấn với Spunik ngày 14/11 nói “Qua thực tế kháng chiến người Việt Nam đã biết rằng vũ khí Mỹ thua kém về các đặc tính hơn là vũ khí tương tự của Liên Xô, ngoài ra lại đắt giá hơn nhiều”.

Nhận định về yếu tố này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:

“Khi người ta đã quen với vũ khí nào thì dĩ nhiên người ta thích vũ khí đó. Nhưng tôi nghĩ ẩn ý trong đó là vấn đề tiền bạc. Mua đồ của Nga thì vấn đề tiền bạc dễ hơn. Có thể có tham nhũng trong đó nữa. Còn mua vũ khí Mỹ thì không thể đi lót tay được”.

Hệ thống vũ khí của Việt Nam trước đây chủ yếu do Liên Xô cung cấp từ đầu những năm 1950. Gần đây, Việt Nam và Nga cũng ký kết nhiều hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hơn 4,5 tỷ đôla, trong đó có các tàu ngầm lớp Varshavyanka, hệ thống phòng không Buk, Tor và S-300. Đa số chiến đấu cơ của Việt Nam cũng là máy bay Mi-8 của Nga và mới đây là tiêm kích Su-27 và Su-30MK2.

Những năm gần đây, Việt Nam chi khá mạnh tay trong việc mua sắm vũ khí với mục tiêu “hiện đại hóa quân đội”. Trong vòng từ năm 2006 – 2015, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%). Vệc phân bổ ngân sách quốc phòng của Việt Nam cũng cho thấy có sự thay đổi về căn bản so với trước, tập trung nhiều về khả năng hàng hải và bảo vệ lợi ích trên biển trước bối cảnh xung đột ở Biển Đông đang ngày càng phức tạp và căng thẳng.

Tuần trước, báo Nga dẫn lời Phó cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuận quân sự Nga Mikhail Petukhov tiết lộ Việt Nam đang thương thảo với Nga trong việc mua một lô lớn vũ khí tiên tiến, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-400. Trước sự kiện này, báo Trung Quốc Sina Trung ngày 9/11 cho rằng Việt Nam sắm vũ khí từ Nga theo kiểu chạy đua với Trung Quốc. Mỗi khi Trung Quốc mua vũ khí nào của Nga, thì Việt Nam cũng phải cố mua vũ khí tương tự từ Moscow và đây là công tác “tuyên truyền” khá thành công của Moscow nhằm bán vũ khí cho các quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự nhận định vì điểm yếu của hải quân Việt Nam là khả năng tác chiến chống ngầm, nên việc sắm máy bay tuần tra chống Ngầm có “giá phải chăng” của Mỹ vẫn được cho là một mục tiêu mà Việt Nam có thể đang nhắm tới, bên cạnh những “chào mời” hấp dẫn từ Nga, Ấn Độ và cả Pháp. - VOA
|
|

20.
Chính phủ Việt Nam “sẽ không nới trần nợ công”

Chính phủ Việt Nam quyết định giữ nguyên trần nợ công ở mức 65% GDP để đảm bảo khả năng trả nợ. Trong khi đó, một chuyên gia trong nước khuyến cáo Nhà nước “phải tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu” trong bối cảnh chi tiêu ngân sách căng thẳng.

Phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn vào sáng ngày 16/11, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết rằng đã có nhiều lời kêu gọi từ các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế rằng Nhà nước nên tăng trần nợ công lên hơn 65% GDP để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, theo trang nhà của Chính phủ Việt Nam.

“Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công,” ông Huệ được dẫn lời nói trước Quốc hội.

Theo báo cáo của ông Huệ trước Quốc hội thì nợ công hiện nay của Việt Nam đạt mức 62,6% GDP (dưới trần) và 25% GDP được dùng để trả nợ.

Trao đổi với VOA, kinh tế gia Phạm Chi Lan, người từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng, nói bà tán thành chủ trương này của Chính phủ.

“Nếu tăng trần thì sẽ tạo ra tâm lý rằng nợ công vẫn có thể tiếp tục tăng. Còn nếu giữ nguyên trần sẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ làm thế nào để hạ trần xuống và giảm nợ công dần dần,” bà Lan phân tích.

Theo bà Lan để giải quyết tình trạng khó khăn ngân sách của Việt Nam thì Chính phủ “phải làm mọi cách giảm chi tiêu thường xuyên.”

“Chi phí chi thường xuyên quá cao, cộng với nghĩa vụ trả nợ các khoản vay ODA trước đó làm cho ngân sách đầu tư cho phát triển kém đi,” bà nói, “Ngoài ra còn rất nhiều hiện tượng tham nhũng, lãng phí, thất thoát.”

“Trào lưu các tỉnh xây dựng trụ sở to, làm các tượng đài cần phải rà soát lại, cái nào thật sự cần thiết mới làm,” bà nói thêm.

Khi được hỏi liệu số tiền mà Chính phủ Việt Nam đã vay có được sử dụng hiệu quả, bà nói: “Bản thân nợ công cứ tăng lên đã chứng tỏ Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được, chưa làm cho đầu tư công có hiệu quả. Nếu đầu tư công có hiệu quả thì sẽ đem lại lợi ích về kinh tế để dần dần bù đắp cho các khoản nợ công.”

Bà cũng cho rằng một phần nợ công Việt Nam tăng nhanh là do “vay trong nước với thời hạn ngắn với lãi suất cao” trong khi “vay nợ nước ngoài chỉ là một phần thôi”.

Để giải quyết bài toán ngân sách, bà Lan đề xuất để cho khu vực tư nhân hợp tác với Nhà nước để đầu tư phát triển theo mô hình công tư.

“Phải xem xét lại vai trò của Nhà nước để giảm bớt đầu tư. Có nhiều việc Nhà nước đang làm thay quá nhiều cho doanh nghiệp, cho xã hội,” bà nói và dẫn lại lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng sắp tới “Nhà nước sẽ không làm công việc bán bia, bán sữa nữa” (các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này).

Trước câu hỏi tăng thuế có phải làm một giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách, bà Lan nói: “Mức thuế ở Việt Nam đã tương đối cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Trước mắt là làm sao thu cho đủ các sắc thuế đã đặt ra và không để tình trạng trốn thuế xảy ra tràn lan như hiện nay. Ngoài ra thu thuế từ các doanh nghiệp Nhà nước không tương xứng với lượng tài nguyên, tài sản của đất nước mà họ sử dụng.”

“Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh tốt để các doanh nghiệp có thể làm ăn, phát triển được. Như thế mới có thêm người đóng thuế,” bà nói thêm, “Tình hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay khó khăn quá khiến cho khả năng đóng thuế của các doanh nghiệp bị eo hẹp.”

Tuy nhiên, bà Lan nói rằng bà không lo lắm về khả năng Việt Nam sẽ đổ vỡ về kinh tế do gáng nặng về nợ công vì “nguồn lực để tận dụng còn nhiều” mặc dù vấn đề nợ công vẫn là một mối lo lớn cho Việt Nam về trung hạn.

Tình hình nợ công Việt Nam trong những năm vừa qua, nhất là dưới hai nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tăng nhanh dẫn đến nghĩa vụ trả nợ lớn cho Chính phủ kế nhiệm. Tình hình nan giải về nợ công đã khiến hệ thống chính trị Việt Nam phải vào cuộc tìm giải pháp từ những cấp cao nhất.

Đại hội Đảng lần thứ 12 đã xác định đảm bảo an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020. Đại hội nhận định rằng trong nhiệm kỳ của chính quyền mới phải tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước khiến cho dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng đề án cơ cấu lại về thu chi ngân sách để quản lý an toàn nợ công. Sau đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết chuyên đề về nợ công.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra là tổng thu ngân sách tăng 1,65 lần, kiềm chế chi ngân sách ở khoảng 24% GDP, giảm bội chi để tới năm 2020 bội chi chỉ còn 3,5% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP, cũng theo website chính phủ. - VOA

|
|

21.
Thêm một trường hợp tử vong tại đồn công an

Việt Nam có thêm một trường hợp được cho là người dân bị công an đánh chết trong thời gian tạm giữ.

Truyền thông trong nước hôm 17/11 cho biết vụ việc xảy ra ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Đại tá Nguyễn Văn Tảo nói với báo giới rằng công an địa phương bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Nhân, sinh năm 1988 vì trên người có tàng trữ chất ma túy, vào chiều ngày 16 tháng 11 và ông Nhân tử vong vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày với kết quả khám nghiệm tử thi là chết do nhồi máu cơ tim.

Gia đình của ông Nhân, vào 2 giờ chiều ngày 17 tháng 11 được thông báo đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Tân Phú Đông nhận xác người thân. Gia đình mang xác nạn nhân về chôn cất vì được cho biết người thân chết do tai biến. Tuy nhiên, trong lúc tẩm liệm thì phát hiện có nhiều vết bầm tím ở lưng và các dấu tích bị còng xiết, bị chích điện.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, cha của nạn nhân Nguyễn Ngọc Nhân đến công an huyện đề nghị trả lời về các vết thương trên người của con trai. Tuy nhiên yêu cầu của ông Tân không được giải đáp.

Gia đình làm đơn cầu cứu làm rõ nguyên nhân gây tử vong cho người thân và Công an tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiến hành điều tra.

Hồi năm 2015, một báo cáo của Bộ Công An đưa ra số liệu từ năm 2011 đến 2014 có 226 người chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi Việt Nam phải điều tra các trường hợp tử vong do bị công an dùng nhục hình tra tấn cũng như phải chấm dứt tình trạng này theo Công ước Quốc tế chống tra tấn mà Việt Nam đã ký kết. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment