Monday, November 6, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 5/11

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Trump tới Nhật, sát cánh cùng đồng minh --- Người dân Nhật Bản cần Mỹ nhưng ít tin cậy Donald Trump --- Người Hàn Quốc phản đối chuyến thăm của ông Trump --- TT Trump ‘để ngỏ’ khả năng gặp Kim Jong Un

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 5/11 đặt chân tới Nhật và gia tăng các tuyên bố cứng rắn nhắm vào Bắc Hàn, đồng thời khẳng định rằng Mỹ cùng đồng minh sẵn sàng bảo vệ tự do.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ông Trump tới thăm trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, và theo Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ muốn thể hiện sự đoàn kết với Tokyo trước Bình Nhưỡng thông qua các cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh căng thẳng tăng cao vì các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

“Không kẻ độc tài nào, chế độ nào, quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ”, ông Trump nói trước hàng trăm binh sĩ Mỹ và Nhật tại Căn cứ không quân Yokota nằm ở phía tây thủ đô Tokyo ngay sau khi đặt chân tới xứ sở mặt trời mọc.

Các hành động gần đây của Bắc Hàn, trong đó có việc bắn một số quả tên lửa bay qua Nhật Bản và vụ thử hạt nhân thứ sáu và lớn nhất của Bình Nhưỡng, đã trở thành một thách thức mang tính quốc tế nghiêm trọng nhất của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Các cuộc diễn tập trên bầu trời Hàn Quốc của các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ gần đây đã gia tăng thêm căng thẳng.

“Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ dao động và không bao giờ nao núng để bảo vệ tự do”, ông Trump nói.

Theo Reuters, trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ nói trên chuyên cơ Air Force One về chuyện sẽ sớm ra quyết định có đưa Bắc Hàn vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố hay không.

Ông cũng nói thêm rằng chính quyền của ông dự tính sẽ có cách tiếp cận khác về Bắc Hàn sau nhiều năm ông nói rằng “hoàn toàn yếu kém”.

“Đó là một vấn đề lớn cho quốc gia của chúng tôi và thế giới, và chúng tôi muốn giải quyết nó”, ông Trump nói.

Trong nỗ lực phân biệt rõ giới lãnh đạo Bắc Hàn và dân thường, theo Reuters, Tổng tống Trump nói rằng ông nghĩ người dân Bắc Hàn là “những người tuyệt vời”.

***
Theo chương trình, trong ngày Chủ Nhật, tổng thống Mỹ lần lượt hội kiến với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên và sau đó triều kiến Nhật hoàng.

An ninh bị đe dọa, công luận Nhật vừa kỳ vọng vào tổng thống siêu cường nhưng cũng vừa lo ngại tính khí thất thường của chủ nhân Nhà Trắng.

Từ cố đô Kyoto, thông tín viên Alexandre Barbe tường thuật :

Sự kiện Donald Trump đến Nhật Bản, chặng đầu tiên trong vòng công du châu Á, diễn ra vào lúc tình hình vẫn căng thẳng cao độ với Bắc Triều Tiên. Do vậy, tổng thống Mỹ được xem là người khách quý theo nhận định của Gakuho, một sinh viên ở Kyodo : « Trong bối cảnh hiện nay, chuyến viếng thăm này rất quan trọng và cần thiết để thắt chặt liên minh giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như để ấn định một chính sách chung đối với Bắc Triều Tiên ».

Tuy nhiên, cá tính của Donald Trump làm dân Nhật lo ngại. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, ba phần tư người được hỏi tỏ ra không tin tưởng vào vị tổng thống này. Một phụ nữ tên Sana cho biết : « Trump không tạo được hình ảnh tốt tại nước Nhật do những lời tuyên bố cực đoan và đường lối chính sách quá ư đơn giản ». Sana nghĩ rằng « Trump ưu tiên lo cho quyền lợi riêng nhiều hơn ».

Dân Nhật cũng hy vọng rằng tổng thống Trump không thốt ra những lời cực đoan khi gặp Thiên Hoàng. Shun, xem cuộc diện kiến giữa tổng thống Mỹ và Hoàng đế Nhật là một sự kiện kích thích tính tò mò. Anh không nghĩ là Donald Trump sẽ có « những lời tuyên bố không đúng chỗ với Nhật hoàng. Chỉ có trên Twitter là ông ấy khiếm nhã ». Điều quan trọng cuộc triều kiến diễn ra trong « tinh thần » nào.

Trước khi vào hoàng cung, tổng thống Mỹ có vài giờ thư giãn. Ông bắt đầu công du với trận đánh « gôn » với thủ tướng Shinzo Abe. - RFI

***
Hàng nghìn người Hàn Quốc hôm 5/11 đã đổ ra đường phố để phản đối chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo Mỹ đã đặt chân tới Tokyo và dự kiến sẽ tới thăm Seoul từ ngày 7/11 tới 8/11 trong chuyến công du châu Á còn đưa ông tới Việt Nam, Trung Quốc và Philippines.

Theo kế hoạch, ông Trump sẽ hội đàm với người đồng nhiệm nước chủ nhà Moon Jae-In cũng như sẽ tới thăm một căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc. Nhiều người sẽ chú tâm tới tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ tới lãnh tụ Bắc Hàn Kim Hong Un, theo AFP.

Hàn Quốc là một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ và là nơi đồn trú của gần 30 nghìn binh sĩ Mỹ, nhưng nhiều người chỉ trích ông Trump ở Hàn Quốc cho rằng những lời lẽ kích động chiến tranh của ông, nhất là cuộc khẩu chiến gần đây của ông với ông Kim, đã làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi phản đối chiến tranh! Đàm phán hòa bình”, người biểu tình hô vang ở trung tâm Seoul, vẫy các biểu ngữ và giơ cao các quả bóng bay viết hàng chữ “Hòa bình, không chiến tranh” hay “Chúng tôi muốn hòa bình”.

Nhiều người biểu tình phản đối cả ông Trump và ông Kim đã nâng cao nguy cơ xung đột.

“Cả Trump và Kim đang sử dụng sự giằng co quân sự hiện thời cho mục đích chính trị của riêng mình, trong khi người dân Hàn Quốc chúng ta run rẩy vì lo sợ chiến tranh”, một nhà hoạt động nói tại cuộc biểu tình, theo AFP.

Một người mẹ có con đang nhập ngũ hai năm theo chính sách bắt buộc cáo buộc ông Trump đã đẩy mạng sống của con bà vào tình thế hiểm nguy. “Tim tôi quặn thắt mỗi khi Trump nói về Bắc hàn”, bà nói.

Các nhà tổ chức cho biết rằng con số người biểu tình ước tính là khoảng 5 nghìn người.

Cũng trong ngày 5/11, một nhóm các nhà hoạt động bảo thủ đã tổ chức một cuộc tuần hành chào đón ông Trump, kêu gọi Washington triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tới Hàn Quốc để bảo vệ nước này trước Bắc Hàn.

Các cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim đã khiến người Hàn Quốc quan ngại, dù nhiều thập kỷ qua, họ khá lãnh đạm trước các lời đe dọa tấn công từ Bắc Hàn.

Thủ đô Seoul là nơi sinh sống, làm việc của khoảng 10 triệu người và chỉ cách biên giới với Bắc Hàn 50 km cũng như nằm trong tầm bắn của Bình Nhưỡng. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới tuyên bố “để ngỏ” khả năng gặp gỡ lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.

Khi được hỏi trong chương trình truyền hình “Full Measure” phát sóng hôm 5/11 về việc liệu ông có “cân nhắc ngồi xuống với kẻ độc tài”, ông Trump nói rằng ông đã gặp gỡ với nhiều nhà lãnh đạo châu Á.

“Tôi sẽ ngồi xuống với bất kỳ ai”, nhà lãnh đạo Mỹ nói. “Tôi không nghĩ nó thể hiện sức mạnh hay sự nhu nhược. Tôi nghĩ rằng ngồi xuống với ai đó không phải là điều tồi”.

Theo AFP, ông Trump nói thêm: “Vì thế, tôi dĩ nhiên sẽ để ngỏ chuyện đó, nhưng chúng ta phải xem diễn tiến mọi chuyện. Tôi nghĩ rằng còn quá sớm”.

Những bình luận dịu giọng bớt của ông Trump được đưa ra vài tháng sau các cuộc khẩu chiến giữa nhà lãnh đạo Mỹ và phía Bắc Hàn, dẫn đến các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nó cũng dường như cho thấy một sự thay đổi so với một tuyên bố của ông Trump trên Twitter một tháng trước, trong đó ông nói rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson “mất thời gian” đàm phán với lãnh tụ Bắc Hàn.

Việc lời qua tiếng lại giữa Washington và Bình Nhưỡng khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Nhật, cảm thấy bất an, theo AFP.

Ông Trump hôm 5/11 đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe và ngày 7/11 sẽ sang Hàn Quốc, một đồng minh khác của Hoa Kỳ.

Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Cuộc phỏng vấn trên được phát sóng vào thời điểm một lá thư của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng một cuộc xâm chiếm trên bộ là cách duy nhất để định vị và chiếm giữ mọi địa điểm vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. - VOA
|
|

2.
Châu Á: Sàn đấu tay ba cho “Trump – Tập – Kim”?

Sau chuyến ghé thăm Hawai vào cuối tuần này, tổng thống Mỹ ngày Chủ Nhật 05/11/2017, chính thức bắt đầu vòng công du châu Á đầy tế nhị. Ngoài thương mại, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là mối bận tâm lớn của Hoa Kỳ. Le Figaro số ra cuối tuần ngày 04/11/2017 có ba bài viết trình bày quan điểm từ phía Mỹ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên về chuyến đi này của ông Donald Trump.

Hoa Kỳ phô trương sức mạnh để uy hiếp Bắc Triều Tiên ?

Nhìn từ phía Hoa Kỳ, Le Figaro cho rằng « Tại châu Á, Trump triển khai 'chính sách ngoại giao cưỡng bức' đối phó với Kim ». Ông Donald Trump không đơn độc công du châu Á. Mỹ triển khai cả một đạo quân hùng hậu hiếm thấy tháp tùng cùng tổng thống Mỹ. Trong suốt 10 ngày công du châu Á, ba tầu sân bay – Nimitz, Theodore Roosevelt và Ronald Reagan tiến hành tuần tra khu vực giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Ba tổ hợp tác chiến này huy động cả một đại hạm đội 17 tầu chiến, 200 chiến đấu cơ và chừng 20 000 binh sĩ. Theo nhận định của ông Jerry Hendrix, cựu đại tá Hải Quân và là nhà nghiên cứu tại Center For A New American Security, điều này cho thấy thông điệp được gởi đi, nếu không phải là chuẩn bị cho cuộc chiến thì chí ít cũng cho thấy một «chính sách ngoại giao cưỡng chế ».

Dĩ nhiên Washington, thông qua lời tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia, phải giải thích rằng lo cho an ninh của tổng thống trước mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng. Không đi thăm vùng phi quân sự DMZ nằm giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên có lẽ cũng chẳng phải do lo sợ an ninh, thế nhưng các chiến lược gia Nhà Trắng vẫn lo rằng một sự đối đầu trực diện có thể dẫn đến một sự khiêu khích.

Thay vào đó, tổng thống Trump sẽ đến thăm khu căn cứ quân sự mới Humphrey, do Hàn Quốc tài trợ, cho phép đồn trú một bộ phận của khoảng 28 500 binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại đây. Một biểu tượng cho việc « chia sẻ gánh nặng » như mong muốn của ông Trump.

Theo nhận xét của Le Figaro, thách thức « hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên » sẽ đeo bám tổng thống Mỹ tại mỗi điểm dừng chân trong chuyến công du đưa ông đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Trước đó, tướng McMaster đặt ra ba mục tiêu chính cho chuyến công du này : « Gia tăng giải pháp quốc tế cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm soát được bán đảo Triều Tiên. Một khu vực 'Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Và trao đổi mậu dịch cân bằng và có qua có lại ».

Le Figaro lưu ý là cụm từ « Ấn Độ – Thái Bình Dương » được đưa ra ở đây cho phép Washington mời New Dehli tham gia vào « chiến lược khu vực » của mình, với ý định kềm chế Bắc Kinh, bởi đà bành trướng của Trung Quốc trong khu vực đang gây quan ngại cho Mỹ và các đồng minh của nước này.

Thế nhưng, hồ sơ Bắc Triều Tiên đang trói tay tổng thống Mỹ. Một nhà ngoại giao Mỹ nhìn nhận đây là một trong những hồ sơ Hoa Kỳ có đề ra một chiến lược nhưng bất thành. « Tổng thống Trump có ý định dùng thương mại để bẻ quặt tay Trung Quốc với hy vọng đến lượt mình, họ sẽ trói tay Bắc Triều Tiên trên hồ sơ hạt nhân ».

Nếu như ông Trump đã không kiệm lời chỉ trích « chính sách kiên nhẫn » và từ bỏ « chính sách xoay trục sang châu Á » qua việc lên án Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của người tiền nhiệm Barack Obama, thì những gì ông đang làm hiện nay chẳng khác nào là một « chiến lược Obama cộng », theo như đánh giá của ông Michael Auslin, chuyên gia tại Hoover Institution. Giờ đến lượt tướng McMaster cũng phải kêu gọi nên « có chút kiên nhẫn ».

Trung Quốc cũng như các quốc gia đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ việc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng lo lắng cho hậu quả của một thất bại. Không một quốc gia nào mong muốn nổ ra xung đột cho dù là hữu ý hay vô tình.

Những tuyên bố trái ngược, lời nói không đi đôi với việc làm của tổng thống Mỹ càng làm cho các đồng minh thêm lo lắng. Một mặt ông khuyên bảo ngoại trưởng Rex Tillerson không nên phí thời gian với đối thoại, nhưng mặt khác tổng thống Mỹ vẫn để cho đặc sứ Joseph Yun khai thác « kênh New York » với các đại diện của Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc. Những dòng tweet bốc lửa của tổng thống Trump lần lượt khép dần các cánh cửa ngoại giao.

Đến mức, một nhà phân tích của bộ Ngoại Giao Mỹ phải thốt lên rằng : « Giải pháp mang đến cho Kim Jong-Un đó là buông vũ khí không cần chiến đấu hoặc biến họ thành những chiến binh ». Vấn đề là chỉ có một phần tư dân Mỹ ủng hộ hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên theo như một thăm dò của CBS News. Đối với tổng thống Mỹ, lắng nghe người dân là một chuyện, nhưng hành động thế nào là một chuyện khác. Ông khẳng định chỉ nghe theo «bản năng » của ông mà thôi.

Tình hình đáng lo đến mức ba nghị sĩ đảng Dân Chủ đề xuất một dự thảo luật nhằm đặt quyền phát động chiến tranh dưới tay Quốc Hội. Tuy đề nghị đã không được phe đa số ủng hộ, nhưng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Bob Corker, chủ tịch ủy ban đối ngoại đã phải tổ chức một buổi điều trần về quyền hạn chiến tranh của tổng thống.

Giờ đây để củng cố cho chính sách « ngoại giao cưỡng chế», Washington tìm cách không những« cô lập Bình Nhưỡng về mặt kinh tế và chính trị », gia tăng sức mạnh quân sự cho phía Nam mà còn có thể đưa Bắc Triều Tiên trở vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Chính quyền Donald Trump còn đang nghiền ngẫm ý tưởng tổ chức một hội nghị tập hợp các nước đã từng tham gia vào cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Thế nhưng, những nước đó dường như không mấy hồ hởi tìm lại những hồi ức không mấy đẹp đẽ gì.

Quan hệ Trung – Mỹ : Sao đổi ngôi ?

Nhìn từ Bắc Kinh, « Tập Cận Bình trên đỉnh cao quyền lực đợi đón Trump », là nhận định của thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của nguyên thủ Mỹ lộ rõ một nét tương phản về vị thế giữa hai nguyên thủ cường quốc hàng đầu thế giới. Một bên là Tập Cận Bình đầy quyền lực sau kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19. Và bên kia là một Donald Trump, uy tín đang bị suy yếu trong các cuộc thăm dò sau một năm lên nắm quyền vì những tiến triển cuộc điều tra Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ.

Đến thăm chính thức Trung Quốc lần này, tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận tăng thêm các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhất là cấm vận xuất khẩu dầu hỏa sang « vương quốc khép kín » này. Thế nhưng, theo đánh giá của ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia tại viện Carnegie-Thanh Hoa, ở Bắc Kinh, « khó có cơ may Trung Quốc thay đổi nghiêm túc lập trường chỉ vì Hoa Kỳ gia tăng áp lực ».

Bắc Kinh không mong muốn sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng có khả năng dẫn đến sự thống nhất bán đảo Triều Tiên có lợi cho Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ của nước này. Nhất là, vào thời điểm Tập Cận Bình hứa hẹn một «thời đại mới » cho đế chế Trung Hoa sau một thời gian dài bị sỉ nhục.

Đương nhiên, Trung Quốc dù không ưa gì những vụ thử hạt nhân và bắn thử tên lửa của nhà lãnh đạo độc tài trẻ tuổi nhưng cho đến giờ vẫn chưa thể áp đặt uy quyền của mình lên quốc gia láng giềng « khó bảo ». Từ một thời gian nay, dường như chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa có ý định có những cuộc thảo luận cấp cao với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý đến một sự kiện bất ngờ đã diễn ra trong tuần này. Trước chuyến công du châu Á của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình từ hơn một năm nay không viết thư cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đã phúc đáp thông điệp chúc mừng từ lãnh đạo nước này sau kỳ đại hội Đảng.

Lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ ý định « xúc tiến hơn nữa các mối quan hệ » giữa hai nước. Cuộc trao đổi này lại do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA công bố. Theo nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu Trung Quốc học trường Đại học Baptiste Hồng Kông, điều đó « rất có thể là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại liên lạc với Bắc Kinh ».

Vế kinh tế là một thách thức lớn khác trong chuyến đi châu Á của ông Donald Trump. Theo Le Figaro, tổng thống Mỹ đến gặp đồng nhiệm Trung Quốc lần này trong một vị thế hết sức tế nhị vì phải đưa ra được những cam kết rõ ràng với các cử tri. Để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại mà ông Trump từng đánh giá là « đáng lo » và « đáng sợ hãi », tổng thống Mỹ rất có thể cố gắng dàn xếp với Tập Cận Bình nhằm bảo đảm một sự hợp tác của Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng rất có thể Bắc Kinh sẽ có một số nhượng bộ trên hồ sơ này cho phép tổng thống Mỹ giữ được thể diện. Dấu hiện thiện chí là chính quyền Trung Quốc tuần này thông báo giảm bớt hàng rào thuế quan nhưng không nêu rõ chi tiết.

Có một điều chắc chắn là « vị hoàng đế đỏ », ngoài việc tiếp đón một cách long trọng đồng nhiệm Mỹ tới đây, sẽ còn tìm cách đặt mình ngang hàng với lãnh đạo cường quốc số một thế giới, đồng thời tìm cách thể hiện một sự đối lập về mặt phong thái, tạo dựng cho mình hình ảnh một lãnh đạo có trách nhiệm với địa cầu.

Lần lượt thông qua các bài diễn văn, ông Tập Cận Bình năm nay đã tự vẽ mình trước bàn dân thiên hạ như là một hình mẫu lý tưởng kêu gọi ủng hộ toàn cầu hóa hay như bảo vệ môi trường, hoàn toàn trái ngược với Donald Trump, được bầu lên nhờ vào một chương trình cô lập và « hoài nghi biến đổi khí hậu ». Ở bên ngoài, vị tổng bí thư đảng Cộng sản bí hiểm liên tục đưa ra những đề nghị rất hợp lòng người, trong khi mà cả thế giới lại quá quen thuộc với những dòng tweet nảy lửa và gay gắt từ nhà tỷ phú Mỹ.

Dù vậy, thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh nhận thấy cùng còn có một điểm tương đồng giữa hai vị nguyên thủ. Trước mặt các cử tọa của mình, cả hai lãnh đạo đều hứa hẹn mang lại « uy thế » cho đất nước. Cả hai « gần như đều nói cùng một giọng điệu » như nhận xét của ông Philippe Le Corre, chuyên gia tại Belfer Center for Science and International Affairs.

Giờ đây sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng đáng quan ngại. Lo lắng trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện trên vùng Biển Đông và Hoa Đông, cũng như là tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn mạnh, Hoa Kỳ lại muốn tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực qua việc bảo vệ vùng « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở ».

Hành động tái định vị chiến lược này mà ông donald Trump sẽ phải nêu rõ chi tiết càng làm cho các quan chức chính phủ Trung Quốc thêm bực bội. Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) gần đây đã có phản ứng mạnh mẽ nhắc rằng : « Tôi không tin là việc tìm cách cản trở Trung Quốc là sẽ có lợi cho bất kỳ quốc gia nào ». Như vậy là lại có thêm một bài toán hóc búa dành cho ông Donald Trump, Le Figaro kết luận.

Trump và Kim : Một cuộc đấu cân não ?

Cuối cùng là góc nhìn từ Bình Nhưỡng cho rằng « Bắc Triều Tiên muốn bắn thử tên lửa chống Trump, găng-tơ đế quốc ». Chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Mỹ, dưới cái bóng của hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang đặt cả khu vực trong trạng thái báo động. « Lãnh đạo tối cao » Kim Jong Un có thể có một hành động « khiêu khích » cho bắn thử tên lửa đạn đạo hay thử bom nguyên tử.

Một nguồn tin quân sự phương Tây tại Seoul phân tích : « Chuyến viếng thăm này là một giai đoạn mang tính rủi ro ». Theo khẳng định của tình báo Hàn Quốc, rất có khả năng Bình Nhưỡng lại cho thực hiện một vụ thử nguyên tử ngay tại hầm số 3 điểm thử Punggye-ri, bất chấp vụ sập hầm số 4 sau vụ thử « bom nhiệt hạch » lần thứ 6 hôm 03/09/2017.

Câu hỏi đặt ra: Liệu rằng lãnh đạo họ Kim có dám làm một cú phát nổ ngay vào lúc vị tổng tư lệnh Hoa Kỳ đến thăm Seoul hay không ? Một quyết định mà giới quan sát cho rằng đẩy rủi ro. Điều đáng chú ý kể từ sau vụ thử nguyên tử mới đây nhất, Kim Jong-Un tỏ ra im hơi lặng tiếng trên trường quốc tế, đặc biệt trong suốt thời kỳ diễn ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng như kỳ đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Vẫn theo phân tích của nguồn tin quân sự trên, « Kim Jong-Un không phải là một người phi lý, mà thậm chí rất ư là thực tế. Ông đợi xem các tín hiệu được đưa ra trong suốt chuyến đi này, để rồi tùy theo đó mà ông điều chỉnh cách đáp trả. Ông ấy đương nhiên đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án ».

Hiện tại, Washington đơn phương đe dọa Bình Nhưỡng thông qua một chuỗi các biện pháp trừng phạt kinh tế và đang tìm cách thuyết phục Seoul hành động tương tự. Hoa Kỳ còn dọa đưa trở lại Bắc Triều Tiên vào trong « danh sách đen » về « các quốc gia khủng bố ».

Nếu như Donald Trump từ chối thách thức Kim Jong Un tại vùng phi quân sự DMZ như hai vị tiền nhiệm, chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của ông lại được tháp tùng bằng một cuộc biểu dương sức mạnh qua việc điều hai oanh tạc cơ B-1B đến từ đảo Guam quần đảo trên không phận bán đảo Triều Tiên. Sự việc đã khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ, gọi đó là « những tên găng-tơ đế quốc », quy trách nhiệm cho Washington về mọi hành động leo thang trong khu vực.

Tuy chưa chắc chắn về ngày giờ cụ thể, các chuyên gia dự đoán sắp tới sẽ có những vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM, một điều không thể thiếu trên bình diện công nghệ cho phép Bắc Triều Tiên tự trang bị một sức mạnh tấn công đáng tin có khả năng đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ.

Về điểm này, giáo sư Andrei Lankov, trường đại học Kookmin, tại Seoul nhận định như sau : « Kim chỉ mới hơn 30 tuổi, nhưng ông ấy đã có tầm nhìn dài hạn. Ông không muốn bị Mỹ « đánh đuổi » như trường hợp của Saddam hay Kadhafi. Chương trình nguyên tử là một vấn đề sống còn ».

Theo quan điểm của chuyên gia David Wright, các nhà khoa học của Bình Nhưỡng giờ còn phải vượt qua nhiều trở ngại quan trọng, nhất là làm thế nào đưa được đầu đạn hạt nhân đang chịu một nhiệt năng lên đến hàng ngàn độ C vào tầng khí quyển. - RFI
|
|

3.
'Tấn công là cách duy nhất giải giáp Bắc Hàn'

Một đánh giá của Lầu Năm Góc tuyên bố cách duy nhất để loại trừ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là tấn công thực địa.

Chuẩn đô đốc Michael Dumont nêu ý kiến ​​thay mặt cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ trong bức thư gửi Nghị sĩ Ted Lieu.

Ông Dumont cho biết việc ước lượng số liệu nguy cơ tổn thất nhân mạng sẽ vô cùng khó khăn.

'Hệ lụy'

Ông cũng cho biết chi tiết về những giờ đầu tiên của cuộc chiến tranh sẽ dẫn đến những hệ lụy gì.

"Cách duy nhất để định vị và tiêu diệt toàn bộ tất cả các cơ sở của chương trình vũ khí hạt nhân tại Bắc Hàn là tấn công thực địa," ông hồi đáp câu hỏi của Nghị sĩ Lieu về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Những hệ lụy gồm nguy cơ Bắc Hàn đánh trả bằng vũ khí hạt nhân trong khi quân đội Hoa Kỳ cố gắng vô hiệu hóa "các cơ sở hạt nhân ngầm", ông nói.

Ông nói thêm: "Một cuộc họp tối mật là cách tốt nhất để bàn thảo chi tiết về việc này."

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ trực tiếp cố vấn cho Tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề quân sự.

Trong một tuyên bố chung với hơn mười dân biểu từng là cựu chiến binh, ông Lieu, một người phe Dân chủ, nói rằng đánh giá nêu trên "gây quan ngại sâu sắc" và cảnh báo rằng một cuộc xung đột quân sự "có thể dẫn đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người thiệt mạng chỉ trong vài ngày đầu của cuộc chiến".

"Đánh giá của họ nhấn mạnh những gì chúng ta đã biết từ lâu: không có lựa chọn quân sự nào tốt cho vấn đề Bắc Hàn," nội dung tuyên bố viết.

Lá thư được công bố trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu có chuyến công du châu Á dài ngày, trong đó mối đe dọa của Bắc Hàn được trông đợi ​​sẽ là chủ đề chính của các cuộc thảo luận.

Tổng thống Trump trước đó nói rằng nếu Mỹ buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ các đồng minh, ông "sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt Bắc Hàn hoàn toàn."

"Tổng thống cần ngừng đưa ra những tuyên bố khiêu khích gây khó cho các lựa chọn giải pháp ngoại giao và đặt quân đội Hoa Kỳ vào tình trạng nguy hiểm hơn," tuyên bố chung của ông Lieu và các dân biểu khác nói.


Bản đánh giá tình hình do Hội đồng Tham mưu trưởng đưa ra sau việc công bố một phúc trình từ một cơ quan nghiên cứu phi đảng phái trong Quốc hội trong đó cảnh báo rằng ngay cả khi xảy ra một cuộc xung đột ngắn không dùng đến các loại vũ khi bị cấm thì nó cũng đã có thể cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng. - BBC
|
|

4.
Ả Rập Xê Út: Bài trừ tham nhũng ở thượng tầng lãnh đạo

Một cuộc thanh trừng đang diễn ra tại vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út. Vài giờ sau khi ủy ban chống tham nhũng được thành lập, hàng chục quan chức có thế lực bị tống giam. Theo tin đầu tiên, 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng đang tại chức và « nhiều chục » cựu bộ trưởng bị bắt vào tối thứ Bảy 04/11/2017.

Theo truyền thông Ả Rập Xê Út, chiến dịch trong sạch hóa guồng máy vương triều được tiến hành nhanh chóng. An ninh tung lưới tóm gọn : Phi cơ riêng bị cấm bay, không một đại gia hay hoàng tử nào có thể trốn ra nước ngoài. Trong số những nhân vật nặng ký bị bắt có hoàng tử al Walid ben Talal, nhà tỷ phú doanh nhân đầy thế lực và hoàng tử Miteb ben Abdalla, bộ trưởng kinh tế.

Vài giờ trước, Ryad thông báo thành lập xong ủy ban chống tham nhũng với nhiệm vụ trừng phạt « những kẻ dựa vào thế lực để biển thủ công quỹ ». Theo giới phân tích, dường như người chủ động là thái tử nối ngôi Mohammed ben Salman, đang dọn đường kế nghiệp vua cha 81 tuổi.

Được mệnh danh là « MBS », thái tử Mohammed ben Salman, với vai trò phó thủ tướng đã tiến hành nhiều cuộc cải cách trong vương quốc bảo thủ này, gần đây nhất là cho phép phụ nữ lái xe một mình.

Mohammed ben Salman muốn áp đặt nhãn quan của một nhà lãnh đạo trẻ 32 tuổi trên mọi lĩnh vực, dù phải loại trừ những tiếng nói khác biệt trong hoàng gia. - RFI
|
|

5.
Bầu cử tại Câtlunya: Phe đòi độc lập tìm kiếm chiến lược

Catalunya sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 21/12/2017. Các đảng chính trị chủ trương độc lập độc lập thăm dò một chiến lược chung trong bối cảnh nguyên chủ tịch vùng bị chính quyền trung ương Madrid truy nã và một số cựu bộ trưởng vùng đã bị tạm giam với tội danh « nổi loạn ».

Theo AFP, từ Bruxelles, nơi ẩn náo, Carles Puigdemont kêu gọi các phe ly khai thành lập mặt trận chung, nhưng tất cả đều do dự.

Từ Barcelona, thông tín viên Leticia Farine tường thuật :

« Trưa thứ Bảy (04/11), Marta Rovira xuất hiện dưới tràng vỗ tay của các thành viên có mặt tại trụ sở của đảng Esquerra Republicana, một đảng cánh tả tiến bộ. Tổng thư ký của đảng đến khai mạc Hội đồng Quốc gia của phong trào. Mục tiêu của cuộc gặp : quyết định xem có nên hay không đề cử một ứng viên hợp nhất với các đảng chính trị đòi độc lập khác.

Nếu như thông báo về một liên minh vẫn còn chưa chính thức hôm qua, thách thức của cuộc bầu cử là quá rõ ràng. Bà Marta Rovira tuyên bố :

“Chúng ta không thể đặt vùng này vào tay những đảng lớn nhưng lại không chiếm đa số ở đây. Chúng ta không thể để đất nước trong tay những tầng lớp lãnh đạo Tây Ban Nha không đại diện cho người dân ở đây và đi ngược lại với nhu cầu của công dân chúng ta và chống lại xu hướng tiến bộ của chúng ta ».

Đối với ông Albano-Dante Fachin, cựu dân biểu của liên minh « Catalunya sống cùng nhau » và tổng thư ký của đảng cánh tả Podemos-Catalunya, vốn dĩ ủng hộ một ứng viên duy nhất, cho rằng cần phải đáp trả Madrid bằng một tiếng nói chung và thông qua lá phiếu.

Ông nói : « Có một điều cần phải rõ ràng : chúng ta phải đáp trả một cách dân chủ với một nhà nước vào ngày 21/12 sao cho họ run rẩy nghĩ rằng những gì họ đang làm tại Catalunya là không thể dung thứ được. Còn đối với chúng ta, điều không thể chấp nhận được là trong khi các nhà chính trị bị lao tù thế mà các đảng phái lại chăm lo cho quyền lợi riêng thay vì nỗ lực trả đũa, một thái độ cần thiết hơn bao giờ hết. »

Các đảng đòi độc lập có mấy ngày từ đây đến ngày thứ Ba 07/11 để lập ra một liên minh và công bố danh sách ứng cử viên trong mười ngày tới”.
|
|

6.
Biểu tình phản đối TT Putin khắp nước Nga, 380 người bị bắt

Cảnh sát Nga bắt giữ ít nhất 380 người trên khắp nước hôm Chủ Nhật với lý do là tham gia biểu tình bất hợp pháp chống lại Tổng Thống Vladimir Putin.

Bản tin của hãng thông tấn AFP cho hay các cuộc biểu tình này diễn ra sau khi lãnh đạo đối lập Vyacheslav Maltsev đưa ra lời kêu gọi trên trang web của ông là hãy biểu tình khắp nước và có “cuộc cách mạng của dân chúng nhằm chấm dứt chế độ độc tài Putin.”

“Chúng tôi biết có 380 người bị bắt, gồm 13 ở Saint Petersburg và 346 ở Mosow,” theo tin của OVD-Info, một tổ chức theo dõi nhân quyền ở Nga.

Cảnh sát Moscow trước đó nói rằng họ bắt giữ 263 người về tội vi phạm trật tự công cộng.

Hãng thông tấn Tass của nhà nước Nga nói rằng nhiều người biểu tình mang theo dao và súng lục bắn đạn cao su.

Một ký giả của đài phát thanh đối lập, Echo of Moscow, cho hay ông ta bị cảnh sát bắt giữ nhưng sau đó được thả ra, theo UPI.

Một lãnh tụ đối lập khác ở Nga, ông Alexei Navalny, người muốn ra tranh cử chống Putin năm tới, cũng kêu gọi người ủng hộ ông hãy xuống đường biểu tình. Hồi Tháng Sáu, khoảng 1,500 người ủng hộ ông Navalny bị bắt trong các cuộc biểu tình khắp nước Nga nhằm chống lại chế độ độc tài Putin. - nguoiviet

|
|

7.
Thiên đường thuế: Rò rỉ bí mật tài chính giới siêu giàu

Bộ hồ sơ tài chính mới bị rò rỉ đã cho thấy cách tầng lớp siêu giàu và đầy quyền lực, gồm cả công ty đầu tư của Nữ hoàng Anh, đã đầu tư tiền vào các "thiên đường thuế".

Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị phát hiện có cổ phần trong một công ty làm ăn với chính những người Nga bị Mỹ trừng phạt.

Vụ rò rỉ, được đặt tên Hồ sơ Thiên đường, gồm tới 13,4 triệu văn bản, đa số là của một công ty hàng đầu về tài chính bình phong hải ngoại.

Chương trình BBC Panorama tham gia cùng gần 100 cơ quan truyền thông điều tra kho tài liệu này.

Giống như vụ Hồ sơ Panama năm 2016, các văn bản lần này cũng do tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập.

Tờ báo này đã nhờ tới Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ) phụ trách cuộc điều tra.

Các tiết lộ mới nhất hôm Chủ nhật 5/11 chỉ mới là một phần nhỏ, và những tuần tới, các báo sẽ còn công bố chi tiết hồ sơ tài chính và thuế của nhiều cá nhân và công ty bị nêu trong kho dữ liệu.

Chúng cho thấy nhiều chính trị gia, công ty đa quốc gia, người nổi tiếng, người giàu có đã dùng mạng lưới phức tạp của các quỹ, công ty bình phong để giấu tiền khỏi sở thuế hoặc che giấu các thương vụ của họ.

Đa số các thương vụ này không phạm luật.

Vì sao dính líu Nữ hoàng Anh?

Hồ sơ Thiên đường cho thấy khoảng 10 triệu bảng tiền của Nữ hoàng Anh từng được đầu tư tại lãnh thổ ưu đãi hoặc không đánh thuế.

Tiền được Duchy of Lancaster cho vào các quỹ ở Quần đảo Cayman và Bermuda.

Duchy of Lancaster là nơi cung cấp thu nhập cho Nữ hoàng, và quản lý các khoản đầu tư cho bất động sản 500 triệu bảng của Nữ hoàng.

Các khoản đầu tư này đều hợp pháp, và không có bằng chứng là Nữ hoàng không đóng thuế. Nhưng có thể có câu hỏi liệu Hoàng gia Anh có nên đầu tư ở các "thiên đường thuế" hay không.

Có những khoản đầu tư nhỏ vào nhà bán lẻ BrightHouse, từng bị tố cáo bóc lột người nghèo, và chuỗi cửa hàng Threshers, sau này phá sản và nợ 17,5 triệu bảng tiền thuế.

Duchy of Lancaster nói họ không dính líu các quyết định của các quỹ, và không có bằng chứng là Nữ hoàng biết về các khoản đầu tư cụ thể nhân danh bà.

Khó xử cho Ross và Trump?

Ông Wilbur Ross từng giúp ông Donald Trump thoát khỏi phá sản hồi thập niên 1990 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại dưới thời Tổng thống Trump.

Tài liệu cho biết ông Ross vẫn có lợi ích trong một công ty tàu biển thu hàng triệu đôla mỗi năm nhờ vận chuẩn dầu khí cho một công ty năng lượng Nga. Cổ đông công ty này có con rể Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai người bị Mỹ trừng phạt.

Sẽ lại có câu hỏi về mối liên hệ giữa Nga và nhóm cố vấn của ông Donald Trump.

Chính quyền của ông Trump đã dính cáo buộc rằng Nga đồng lõa để tác động cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump đã gọi cáo buộc là "tin giả".

Rò rỉ tài liệu từ đâu?

Đa phần dữ liệu là từ một công ty pháp lý đặt ở Bermuda, Appleby. Họ giúp khách hàng ở các khu vực có mức thuế thấp hoặc bằng không.

Tờ báo Süddeutsche Zeitung lấy được tài liệu của công ty này, và các công ty chủ yếu ở khu vực Caribê. Tờ báo không cho biết nguồn cung cấp.

Các cơ quan truyền thông tham gia điều tra nói việc này có lợi cho công chúng vì tài liệu rò rỉ từ các thiên đường thuế thường bộc lộ những sai phạm.

Công ty Appleby phản hồi rằng "không có bằng chứng sai phạm về chúng tôi hay khách hàng".

Một số tin liên quan công bố hôm 5/11

Một cố vấn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau dính líu các khoản đầu tư hải ngoại, có thể khiến Canada thiệt hàng triệu đôla tiền thuế.

Rò rỉ đặt câu hỏi về Stephen Bronfman, người gây quỹ cho đảng của ông Trudeau, và cũng là bạn thân của ông.

Nhà tài trợ của đảng Bảo thủ Anh, Lord Ashcroft, đã bỏ qua các quy định về việc quản lý đầu tư hải ngoại, theo tài liệu rò rỉ. Ông đã cho Quỹ Punta Gorda ở Bermuda các tài sản trị giá hàng trăm triệu đôla năm 2000. Hồ sơ Thiên đường cho thấy ông thỉnh thoảng ra quyết định mà không hỏi viên chức của quỹ.

Hồ sơ Thiên đường cũng đặt câu hỏi ai kiểm soát câu lạc bộ bóng đá Everton FC và liệu quy định của Premier League có bị phá vỡ không.

Farhard Moshiri bán cổ phần Arsenal năm 2016 để mua gần 50% Everton. Nhưng rò rỉ cho thấy cổ phần gốc của ông ở Arsenal là "quà" của đại gia Alisher Usmanov, người kiểm soát 30,4% Arsenal.

Điều này đặt câu hỏi phải chăng tiền của ông Usmanov nay ở trong Everton. Ông Moshiri đã bác bỏ cáo buộc tiền này là quà.

Thuật ngữ "tài chính hải ngoại" là gì?

Tóm gọn lại, đó là nơi nằm ngoài kiểm soát một quốc gia, để công ty hay cá nhân có thể chuyển tiền, tài sản, lợi nhuận nhằm tranh thủ thuế thấp.

Chúng thường được gọi là "thiên đường thuế" hay trong ngành thì gọi là "trung tâm tài chính hải ngoại". Đó thường là các hòn đảo nhỏ, ổn định, bí mật, có những mức độ kiểm tra sai phạm khác nhau.

Vương quốc Anh có vai trò lớn, một phần vì nhiều lãnh thổ hải ngoại của Anh chính là "trung tâm tài chính hải ngoại". Và còn vì nhiều luật sư, kế toán, ngân hàng ngồi ở London và làm cho ngành công nghiệp này.

Brooke Harrington, tác giả cuốn Capital Without Borders: Wealth Managers and the One Percent, cho rằng tài chính hải ngoại chỉ dính líu tới .001% người giàu toàn thế giới. Những tài sản khoảng 500.000 đôla cũng là quá nhỏ, không đủ để đóng các khoản phí. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Mỹ: Xả súng ở Texas, nhiều thương vong

Một tay súng đã nhả đạn tại nhà thờ nằm ở một thị trấn nhỏ ở đông nam tiểu bang Texas hôm 5/11, gây ra nhiều thương vong, theo Reuters.

Theo hãng tin này, tay súng duy nhất bước vào nhà thờ First Baptist Church ở Sutherland Springs, cách San Antonio 65 km về phía đông, rồi xả súng.

Cảnh sát trưởng Joe Tackitt cho Wilson County News biết rằng có nhiều thương vong, trong đó có cả trẻ em.

AP dẫn lời quan chức địa phương cho biết rằng hơn 20 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương.

Hãng tin này cũng đưa rằng kẻ tấn công sau đó đã bị triệt hạ sau khi bỏ chạy khỏi hiện trường.

Còn Reuters viết rằng danh tính của nghi can và động cơ của vụ tấn công chưa được giới hữu trách công bố.

Tới chiều tối 5/11, hãng tin Anh này cũng nói rằng con số chính xác người thiệt mạng và bị thương cũng chưa được tiết lộ.

Theo AFP, một số cơ quan truyền thông của Mỹ dẫn các nguồn tin không nêu tên cho biết con số người thiệt mạng lên tới 27.

Tin tức cho hay, nhân viên của các cơ quan chức năng đang có mặt tại hiện trường để xử lý và điều tra vụ việc.

Đây là vụ xả súng mới nhất ở Mỹ. Vài tuần trước, một tay súng bắn tỉa đã giết chết 58 người tham dự một buổi hòa nhạc ở ngoài trời tại Las Vegas.

Tổng thống Donald Trump cho biết rằng ông đang theo dõi tình hình từ Nhật Bản, nơi nhà lãnh đạo này đang bắt đầu chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày. - VOA
|
|

9.
Mỹ giải mật những ghi chép của FBI “lên án thậm tệ” Martin Luther King

Viện Lưu Trữ Quốc Gia Hoa Kỳ vừa cho công bố một loạt 676 hồ sơ liên quan đến những tài liệu mật về vụ ám sát cố tổng thống John Kennedy vào năm 1963. Trong số những hồ sơ được giải mật có một báo cáo được xem « mang dụng tâm ác ý » của FBI dài 20 trang về lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền công dân Martin Luther King.

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet giải thích :

« Bản báo cáo do FBI soạn thảo vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát mục sư Martin Luther King vào tháng 4/1968 là một lời lên án thật sự nhắm vào nhà lãnh đạo đấu tranh cho quyền công dân. Sự thù hằn của Edgard Hoover, vị giám đốc huyền thoại của ‘Những người không thể mua chuộc’, dành cho mục sư King thì đã quá rõ. Hoover tin rằng mục sư là một người cộng sản vào lúc mà ông King đã giữ khoảng cách với chủ nghĩa Mác-xít.

Bản báo cáo của FBI mô tả mục sư như là một người trung thành với Mác-xít, có nghiên cứu về chủ nghĩa Mác, tin tưởng Mác, nhưng bởi vì ông là mục sư nên không thể công khai bày tỏ những ý tưởng của mình. Lời cáo buộc này đã bị các sử gia bác bỏ.

FBI còn điều tra cả đời tư của giải Nobel Hòa Bình. Theo báo cáo, ông không đáng là những tấm gương : ông có lẽ có nhiều mối tình ngoài giá thú, trong đó có một cuộc tình với nữ ca sĩ Joan Baez, và dường như có một con với vợ của một bác sĩ nha khoa da đen rất nổi tiếng.

Hoover có lẽ còn cho nghe lén tại những nhà trọ mỗi lần mục sư dừng chân. Một ngày, Martin Luther King đã nhận được một bức thư xúi ông tự vẫn. Một ủy ban của Quốc Hội những năm sau đó đã phát hiện ra rằng bức thư đó là do FBI soạn thảo.” - RFI
|
|

10.
Điều Tra Viên Đặc Biệt có thể đủ chứng cớ truy tố cựu cố vấn Flynn

Các điều tra viên liên nay có thể đã thu thập đầy đủ chứng cớ để truy tố cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Donald Trump và con trai của ông, trong cuộc điều tra liên quan đến tố giác Nga can dự bầu cử Mỹ năm 2016, theo một số nguồn tin thông thạo.

Bản tin của NBC News cho hay ông Michael T. Flynn, người bị giải nhiệm chỉ sau 24 ngày ở chức vụ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Trump, là một trong những phụ tá đầu tiên của ông bị nhắm tới trong cuộc điều tra liên bang do ông Robert Mueller chỉ huy.

Theo NBC News thì các nguồn tin riêng của họ cho biết rằng Điều Tra Viên Đặc Biệt Mueller nay đang tạo áp lực lên ông Flynn sau khi truy tố cựu chủ tịch ủy ban tranh cử của ông Trump là Paul Manafort.

Các điều tra viên sẽ nói chuyện với nhiều nhân chứng trong những ngày tới đây để có thêm tin tức liên quan đến công việc vận động hành lang của ông Flynn, gồm cả việc là liệu ông có hành động rửa tiền hoặc nói dối nhân viên điều tra liên bang hay không.

Các điều tra viên cũng đang xem xét là liệu ông Flynn có tìm cách vận động để giải giao về Thổ Nhĩ Kỳ một đối thủ chính trị của Tổng Thống Recep Erdogan hay không. Hai giới chức cho hay ông Flynn được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn trả hàng triệu đô la cho công việc này, cũng theo NBC News. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

11.
Lãnh đạo VN kỷ niệm, giới trẻ ‘không nhớ’ CM tháng 10 Nga --- Ông Nguyễn Phú Trọng: ‘Cách Mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới’

Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm trọng thể ngày nổ ra cuộc cách mạng tháng 10 Nga cách đây 100 năm, 7/11/1917, trong khi giới trẻ tỏ ra ít quan tâm đến sự kiện này.

Khoảng một tuần nay, trải rộng từ trung tâm ra đến vùng ngoại ô cách chừng 10 kilomet, nhiều đường phố Hà Nội treo các biểu ngữ nền đỏ chữ vàng, mang nội dung “100 năm tinh thần cách mạng tháng 10 Nga bất diệt!” hoặc “Nhiệt liệt chào mừng 100 năm cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại”. Nhiều công sở cũng treo các khẩu hiệu này.

Đồng thời, cũng ở thủ đô Việt Nam, đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm cuộc cách mạng của Nga, từ các triển lãm, hòa nhạc, cho đến đỉnh điểm là buổi lễ trọng thể sáng ngày 5/11 do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm với sự có mặt của toàn bộ các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam và 3.500 đại biểu, vị tổng bí thư nói cách mạng tháng 10 Nga thành công đã “tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”.

Ông Trọng tiếp đó khẳng định rằng “mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” đều gắn liền với ảnh hưởng của cuộc cách mạng ở Nga, ngoài ra là nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trước đây.

Tin tức trên báo chí Việt Nam không cho hay liệu có nhà ngoại giao nào của đại sứ quán Nga dự lễ kỷ niệm do đảng cộng sản Việt Nam tổ chức hay không. VOA liên lạc với đại sứ quán Nga hôm 6/11 nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ một người nói tiếng Nga là họ đang nghỉ lễ.

Một nữ phó bí thư đoàn thanh niên cộng sản thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong vai trò là đại diện thế hệ trẻ Việt Nam tại buổi lễ, đã phát biểu rằng thế hệ trẻ hôm nay “hiểu được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại to lớn” của cách mạng tháng 10 Nga đối với “cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam.

“Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện trung thành với mục tiêu, lý tưởng của đảng”, nữ phó bí thư khẳng định.

Nhưng những lời phát biểu trong hội trường không có sự cộng hưởng với những gì người ta có thể thực sự nghe thấy trên đường phố.

Trên quảng trường dưới chân tượng Lenin, nằm trong công viên mang cùng tên của lãnh tụ cuộc cách mạng Nga, ở ngay gần trung tâm Hà Nội, hàng trăm sinh viên, học sinh không chú ý đến những việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm vào những ngày này. Họ dành thời gian cho giải trí cá nhân hay các trò chơi tập thể.

Nam sinh viên Triệu Quang Minh, 17 tuổi, nói với VOA:

“Thực ra cuộc cách mạng này bọn cháu học từ mấy năm trước rồi cho nên là bây giờ cháu cũng không nhớ nữa ạ”.

Minh cho rằng những người đồng trang lứa như cậu quan tâm nhiều hơn đến những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện tại, thay vì các vấn đề lịch sử:

“Người ta quan tâm làm sao học cho giỏi, sau này kiếm được nhiều tiền. Theo xu thế, mọi người muốn là nếu có điều kiện thì đi du học, ra nước ngoài học càng nhiều càng tốt. Tại vì môi trường bên đấy vừa tốt hơn, sau này bằng cấp cũng sẽ tốt hơn ở Việt Nam, sau này sẽ kiếm được thu nhập nhiều hơn”.

Cựu chiến binh Đào Văn Quân, 75 tuổi, nói ông giữ nhiều tình cảm tốt đẹp về Liên Xô trước đây và Nga sau này vì họ đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong “các cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Đứng trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự, đối diện tượng Lenin, ông tỏ ý lo lắng về việc nhiều người trong giới trẻ Việt Nam không nắm về lịch sử:

“Nếu như Việt Nam không học lịch sử, không học truyền thống với bạn bè, thì sau này tất nhiên có thể mai một đi đấy. Nếu nhà nước không giáo dục lớp trẻ bây giờ, học sinh bây giờ, thì nó mai một đi nhiều đấy. Lớp trẻ bây giờ quên lịch sử, quên quá khứ nhiều quá”.

Các lãnh đạo chính trị và các cán bộ tuyên giáo Việt Nam lâu nay nhiều lần cảnh báo rằng sự “phai nhạt” trong nhận thức của người Việt Nam về “lịch sử cách mạng”, nhất là trong giới trẻ, có thể dẫn đến những thay đổi sâu xa.

Đối với đại tá an ninh đã nghỉ hưu Nguyễn Như Phong, 63 tuổi, ông có cái nhìn thực tế. Người từng là phó tổng biên tập báo Công an Nhân dân nói với VOA ngay dưới chân tượng Lenin:

“Sự thay đổi là tất yếu. Không có cái gì bền vững mãi mãi được. Người ta cũng phải theo quy luật sinh lão bệnh tử. Một giá trị lớn như cách mạng tháng 10 Nga đã tồn tại rất lâu rồi, nhưng khi thời cuộc thay đổi, cuộc sống thay đổi, thì bây giờ tư tưởng, tâm tư tình cảm của mọi người cũng sẽ thay đổi, và rồi cũng sẽ đến lúc nó phải đi vào dĩ vãng”.

Tuy nhiên, nhà báo kỳ cựu của Việt Nam cho rằng giá trị của cuộc cách mạng Nga, văn hóa và tính cách Nga sẽ vẫn có âm hưởng lâu dài trong nhiều người Việt, một phần do yếu tố lịch sử, một phần khác là nhờ những hợp tác vẫn tiếp tục, và có thể còn gia tăng giữa Việt Nam với Nga.

Nhận xét về việc đảng cộng sản Việt Nam kỷ niệm “rất trang trọng” 100 năm cuộc cách mạng tháng 10, trong khi chính nước Nga gần như không có hoạt động chính thức gì đáng kể, ông Phong nói điều đó thể hiện “tình cảm của đất nước Việt Nam đối với đất nước Xô Viết xưa”.

Vị cựu đại tá an ninh đưa ra quan điểm cũng trùng với những gì nhiều lãnh đạo Việt Nam đã nói, đó là nếu không có cách mạng tháng 10 Nga, Việt Nam “chưa chắc” đã có cách mạng tháng 8, và cũng “chưa chắc” đã có một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như hôm nay.

Mặc dù vậy, ông Phong đánh giá rằng các hoạt động kỷ niệm có thể ít ảnh hưởng đến dân chúng:

“Tôi nghĩ nó có hiệu quả nhưng mà có lẽ không nhiều, bởi vì bây giờ thời thế đã đổi khác nhiều rồi. Cách nghĩ, cách sống, đặc biệt là thế hệ hiện nay thì họ cũng đã nhìn nước Nga bằng con mắt khác. Và thực tế thì người Nga cũng đã nhìn người Việt Nam bằng con mắt khác. Bây giờ đó là sự hợp tác cùng phát triển kinh tế”.

Trước buổi lễ chính thức hôm 5/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt lẵng hoa dưới chân tượng Lenin trong một nghi lễ chỉ kéo dài chừng hơn 5 phút.

Gần đó, nhiều bạn trẻ ở độ tuổi dưới 19 như sinh viên Triệu Quang Minh đứng chờ ở ngoài “hàng rào” các nhân viên công an, an ninh bảo vệ cho nghi lễ.

Ngay khi vị lãnh đạo đảng và các quan chức hàng đầu kết thúc nghi lễ và rời đi, các bạn trẻ tấp nập đổ vào quảng trường dưới chân tượng, sôi nổi trượt patin, đánh cầu lông hay các trò chơi tập thể, dường như không để ý gì tới các khẩu hiệu về kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga ở quanh đó. - VOA

***
Ngày 5 Tháng Mười Một, đồng loạt các báo ở Việt Nam đưa tin đảng CSVN tổ chức “lễ kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga” trong khi ở miền Trung có hàng chục người chết, hàng ngàn nhà sập do bão.

Theo báo Tuổi Trẻ, tại lễ kỷ niệm này, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, nói: “Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn, sâu xa như thế. Cách Mạng Tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới cho lịch sử nhân loại.”

Và trên các tờ báo của đảng, chi chít tựa bài rất “kêu” như: “Tổng Bí Thư: Cách Mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới” của báo Người Lao Động, “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Cách Mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại” của báo Lao Động…

Cùng thời điểm Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm này thì miền Trung Việt Nam phải hứng chịu mưa bão Damrey (bão số 12) làm ít nhất 27 người chết, 22 người còn mất tích, hàng chục ngàn căn nhà bị sập, tốc mái… Mạng xã hội ghi nhận phản ứng trái ngược về sự kiện đối lập này.

Nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, viết trên trang Facebook cá nhân: “Bão gió ngập lụt tang tóc như thế mà kéo nhau ra hội trường ngồi than khóc cho một cuộc cách mạng đổ máu kìm hãm nhân loại, kể ra cũng mặt dày. Cứ như ông cụ già lý luận nói sáng nay ‘Cách Mạng Tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới cho lịch sử nhân loại’ thì cuộc cách mạng này đúng là mở ra một thời đại mới, nhưng cần nói rõ điều mà cụ non giấu: đó là thời đại nghèo đói bị bóc lột, kìm hãm kiểu mới.”

“Nói chính xác, nó đã kìm hãm nhân loại suốt trăm năm nay, đã đẩy nhân loại vào sự chia rẽ hai phe, đã gây ra bao nhiêu cuộc chiến tranh, đấu đá, đã chồng chất xương máu của cả trăm triệu sinh mạng ở khắp nơi. Nói đâu xa, chính nước Nga nếu không bị cuộc cách mạng này, có lẽ giờ đây nước Nga chả kém gì những nước phồn vinh cực thịnh hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, họ phải xóa sạch, làm lại từ đầu, chỉ có điều vẫn còn vướng một tay gốc KGB hung hăng độc tài nên chưa bay cao được,” theo Facebook ông Nguyễn Thông.

Cũng trên Facebook, Luật Sư Luân Lê ở Hà Nội bình luận: “Chính nước Nga đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội và xây dựng chính quyền theo thể chế cộng hòa lưỡng tính – lai tạp giữa cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị – một chính thể gồm tổng thống và thủ tướng ở nhánh hành pháp (thuyết triết học chính trị). Và Putin đã phải thừa nhận Stalin là nhà độc tài khát máu, và nhân dân họ đập bỏ tượng của ông ta. Người Nga cũng đang xem xét về việc bỏ xác của Lenin khỏi lăng ở Quảng Trường Đỏ – một nữ ứng viên tổng thống Nga đã tuyên bố điều này nếu trúng cử vào vị trí đứng đầu Điện Kremlin.” - nguoiviet
|
|

12.
Quan chức Mỹ: ‘Việt Nam là đối tác xuất sắc’

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đưa ra nhận xét trên ít ngày trước khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đặt chân tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong chuyến công du tới nhiều quốc gia châu Á.

“Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đối tác xuất sắc trong khu vực, và rằng còn có nhiều cơ hội để chúng tôi trao đổi, tìm ra cách thức cùng nhau làm việc cả song phương và cả khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng khắp khu vực”, quan chức cấp cao nói trong buổi cung cấp thông tin về chuyến đi của ông Trump hôm 31/10 tại Nhà Trắng.

“Như chúng ta biết, APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu của khu vực. Nó đã rất tích cực thúc đẩy một khu vực châu Á – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tổng thống [Trump] ủng hộ nghị trình đó”.

Quan chức cấp cao không nêu tên nói thêm: “Đó là một cơ hội để nói về các ưu tiên của ông, trong đó có việc các nước cần phải thông qua [chính sách] thương mại bình đẳng và công bằng; tầm quan trọng của việc bảo đảm rằng thương mại số vẫn là một động lực chính thúc đẩy kinh tế ở khu vực; thảo luận về các cải cách cơ cấu nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, trong đó có việc gia tăng sự minh bạch và giảm bớt tham nhũng; và cải thiện sự cạnh tranh của các ngành dịch vụ, vốn là một ưu tiên của nền kinh tế Mỹ, đóng góp hơn 70% GDP của chúng tôi”.

Nhà Trắng thông báo rằng ông Trump sẽ tới Đà Nẵng vào ngày 10/11 để dự hội nghị thượng đỉnh APEC và sẽ có bài phát biểu, trong đó ông sẽ “trình bày tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của khu vực trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng cũng như an ninh của Mỹ”.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói: “Sự tham dự APEC của Tổng thống [Trump] sẽ củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một hệ thống kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ, bền vững và công bằng trên các nguyên tắc thị trường”.

Ngày 11/11, ông Trump sẽ tới Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam và sẽ có các cuộc trao đổi với Chủ tịch Trần Đại Quang cũng như các quan chức cấp cao khác của Việt Nam khác.

“Đây sẽ là cuộc gặp thứ hai của Tổng thống [Trump] với giới lãnh đạo Việt Nam tiếp sau chuyến công du của Thủ tướng Phúc tới Nhà Trắng vào tháng Năm vừa qua, cho thấy tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt vào mối quan hệ đối tác với Việt Nam”, quan chức cấp cao của Mỹ nói.

Ngoài Việt Nam, ông Trump còn tới Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines trong chuyến công du châu Á dài hơi nhất trong vòng 25 năm qua. - VOA
|
|

13.
Ông Tập tới thăm VN 'chỉ mang tính biểu tượng'

Một nhà quan sát dự báo với BBC rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "chỉ mang tính biểu tượng nhưng không hứa hẹn cải thiện tình hình ở Biển Đông."

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn được truyền thông Việt Nam dẫn lời đánh giá chuyến thăm của ông Tập nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao APEC là "mốc son mới" trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hôm 6/11, trả lời BBC, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói: "Nhìn chung thì chuyến thăm Việt Nam của ông Tập chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện chuyện Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm sau khi tái đắc cử."

"Điều này là do sự trùng hợp về mặt thời gian APEC diễn ra sau khi Trung Quốc vừa kết thúc Đại hội Đảng 19, còn nếu APEC diễn ra ở thời điểm khác thì chưa chắc."

"Tuy nhiên, cũng không thể bác bỏ ý nghĩa của chuyến thăm. Thời gian qua, giữa hai nước có những căng thẳng, Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam nhằm ngăn việc Hà Nội bị các kình địch như Mỹ, Nhật gia tăng ảnh hưởng."

'Biện pháp trấn an'

"Riêng về vấn đề Biển Đông, tôi không có hy vọng chuyến thăm sẽ đem lại hứa hẹn cải thiện tình hình tại khu vực này."

"Theo tôi hiểu thì trước chuyến đi của ông Tập, hai ngoại trưởng Việt Nam, Trung Quốc đã gặp nhau, thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình."


"Tuy nhiên, những cam kết, hứa hẹn như thế không phải là điều gì mới mẻ và không đảm bảo thời gian tới căng thẳng trên Biển Đông sẽ giảm xuống."

"Trước đây, nhiều lần hai bên đạt được nhận thức chung về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với nội dung tương tự như thỏa thuận năm nay, như hồi chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2011 của ông Nguyễn Phú Trọng hoặc sau sự kiện giàn khoan năm 2014."

"Sau những lần đó, tình hình không có chuyển biến rõ nét, nên tôi không hy vọng có bước tiến mới trong năm nay, mà đó chỉ là biện pháp trấn an của Bắc Kinh trước khi có những bước xác quyết hơn thời gian tới."

"Gần đây, Bắc Kinh cho hạ thủy tàu nạo vét khổng lồ, được cho là sẽ được đưa đến Hoàng Sa nhằm xây đảo nhân tạo."

"Nếu vậy thì Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực, khó khăn trong việc vận động sự ủng hộ từ quốc tế vì tranh chấp ở Hoàng Sa chủ yếu là giữa Việt Nam và Trung Quốc chứ không như tranh chấp ở Trường Sa có nhiều bên liên quan."


Đề cập về chiến lược cân bằng quan hệ giữa các nước lớn của Hà Nội, ông Hiệp nói: "Chiến lược này tương đối nhất quán và phát huy tác dụng, dù không hoàn toàn hiệu quả do Hà Nội còn chịu sức ép, phụ thuộc vào Bắc Kinh về nhiều khía cạnh, đặc biệt là kinh tế."

"Tuy nhiên, việc Việt Nam đã cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật, Ấn Độ… giúp Hà Nội có vị thế tốt hơn trong đàm phán với Trung Quốc."

Một bài trên tờ South China Morning Post hôm 6/11 cho hay, Bắc Kinh và Hà Nội đang cố gắng làm dịu căng thẳng ở Biển Đông trong lúc ông Tập chuẩn bị đối phó với việc ông Trump tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Tờ báo dẫn nguồn tin từ giới chức ngoại giao cao cấp cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận về cách giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Hồi tháng Tám, Trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định hoạt động khoan dầu với Repsol nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha nói họ đã ngừng khoan dầu trong khu vực "tranh chấp với Trung Quốc".

Một cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao Việt, Trung tại Hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Manila hồi tháng Tám đã bị hủy, dù hai bên đã làm việc để hàn gắn quan hệ song phương trong những tuần gần đây. - BBC
|
|

14.
Bão 12 gây thiệt hại nặng cho Việt Nam ngay trước APEC

Có gần 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, tính đến 9 giờ tối ngày 6/11, sau khi cơn bão số 12 với tên gọi quốc tế là Damrey đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào ngày 4 tháng 11. Đây là thời điểm ngay trước thềm Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC lần thứ 29.

Đà Nẵng, nơi tổ chức Hội nghị APEC, đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cơn bão đã đổ bộ vào phố cổ Hội An, một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng là nơi phu nhân của các vị lãnh đạo cấp cao tham dự APEC lần này sẽ đến tham quan vào cuối tuần này.

Những nhà hàng và khách sạn tại Hội An đã bị ngập trong nước, và khoảng 300.000 người dân và du khách được di tản ra khỏi đây bằng thuyền. Công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành nhanh chóng.

Cựu bí thư thành phố Hội An, ông Nguyễn Sự, vào chiều tối ngày 6 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin về tình trạng mưa lũ tại phố cổ này:

Mấy ngày qua ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam mưa rất lớn, mưa trên nguồn kết hợp với triều cường đúng ngày 16 và 17 âm lịch và gió mùa đông bắc. Đồng thời vì lượng mưa quá lớn nên các hồ trên núi phải xả lũ dẫn đến nước Hội An lên rất nhanh và lên cao. Đêm qua lúc 2 giờ sáng nước ở Hội an đã lên mức 3m17 trên báo động 3 là 1m17 tương đương lũ năm 1999. 6 năm nay lượng mưa đã giảm kể cả ở hạ du và đầu nguồn. Hiện nay mực nước đang rút xuống mà xuống chậm, hiện nay mực nước ở Hội An còn cao, dù là ở mức 2m97 tức là trên mức báo động ba là 0m97 và tình hình đến bây giờ là ổn hơn hôm qua nhiều.

Thiệt hại về vật chất do bão số 12 gây nên ở miền Trung hiện đã ở mức chục ngàn tỷ đồng. Đến giờ, tin cho hay có hơn 1.000 căn nhà bị sập đổ, và gần 115.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Khánh Hòa là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất với 27 người chết, 5 người mất tích và 89 người bị thương. Bản tin trên mạng của Người Lao Động online viết rằng: Khánh Hòa tan hoang như bình địa, người chết tăng không ngừng.

Ông Huỳnh Ngọc Đông, Chánh văn phòng tỉnh Khánh Hòa vào chiều ngày 6 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết công tác khắc phục và việc bồi thường do trận bão gây nên tại địa phương này:

“Chiều này chính phủ tiến hành họp trực tuyến, trong đó có Khánh Hòa, nghe các biện pháp khắc phục sau bão. Hiện nay chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai xuống các địa phương thực hiện công tác hỗ trợ cho người dân trong công tác khắc phục hậu quả.

Về chính sách thì chúng tôi cũng bảo đảm theo qui định mức hỗ trợ cho người bị thiệt mạng, nhà bị sập, nhà bị đổ. Đó là người bị chết hỗ trợ 20 triệu đồng một người, một nhà bị sập hoàn toàn 20 triệu đồng, một nhà bị đỗ 15 triệu đồng… Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức cùng tham gia hỗ trợ vào quĩ từ thiện để giúp cho dân.”

Như lời ông Huỳnh Ngọc Đông thì vào chiều nay, ngày 6 tháng 11 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, để cùng thảo luận về công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 12.

Sau cuộc họp, văn phòng chính phủ cho biết những công tác được thực hiện ngay là hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu để người dân không bị đói rét hay thiếu nước uống, đồng thời tập trung lực lượng và phương tiện để tìm người mất tích, và cứu chữa những người bị thương.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho biết mưa to vẫn tiếp tục diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, phải đến hết ngày 8 tháng 11 mới chấm dứt.

Những bản tin chúng tôi ghi nhận được cho thấy mực nước sông ở các tỉnh vừa nói tiếp tục dâng cao, có thể dẫn đến tình trạng vớ đê điều, hồ đập.

VNExpress dẫn lời ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển-Nông Thôn nói rằng: Tất cả những khu vực đang bị đe dọa ảnh hưởng nặng nề, tất cả các hồ và sông đều ngập nước.

Mưa to, lũ lớn cũng gây nguy cơ sạt lở đất đai ở những khu vực miền núi. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment