Tuesday, November 21, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Ba 21/11
Tin Thế Giới
1.
TT Trump liệt Triều Tiên vào danh sách nhà nước bảo trợ khủng bố - - - Ngoại trưởng Triều Tiên thăm Cuba
Hoa Kỳ đang áp dụng thêm các biện pháp chế tài và trừng phạt đối với Bình Nhưỡng bằng cách định danh Triều Tiên là nhà nước bảo trợ cho khủng bố, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố hôm thứ Hai 20/11/2017, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố các lệnh trừng phạt mạnh hơn nữa đối với Triều Tiên vào thứ Ba 21/11.
Trước đó, theo The Hill, các quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho biết trước chuyến công du châu Á của ông Trump rằng ông sẽ đưa Triều Tiên vào danh sách khủng bố để tăng sức cô lập lên cho Bình Nhưỡng do nước này theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia H.R.M McMaster cho biết quyết định này đang được "xem xét" sau khi người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bị sát hại tại sân bay Malaysia, cùng với các hành vi phạm tội khác của chế độ Bình Nhưỡng.
Cựu Tổng thống George W. Bush đã rút tên Triều Tiên ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố năm 2008 để mở đường cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Trước đó, vào năm 1987, Triều Tiên đã bị đưa vào danh sách này sau vụ đánh bom một chiếc máy bay chở khách Hàn Quốc. - VOA
***
Ngoại trưởng Triều Tiên theo trù liệu sẽ tới thăm Cuba hôm thứ Hai 20/11, để tìm kiếm sự ủng hộ trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị Mỹ và cộng đồng quốc tế gây áp lực chưa từng có để đòi nước này chấm dứt các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Trong một thông báo ngắn gọn trên trang web, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ gặp gỡ người đồng nhiệm Cuba Bruno Rodriguez, trong số các hoạt động nhưng không nêu cụ thể.
Triều Tiên đang theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa chống lại các biện pháp chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và tiết lộ kế hoạch phát triển một tên lửa có khả năng phóng đến lục địa Hoa Kỳ. Triều Tiên cũng đã bắn hai tên lửa bay ngang qua không phận Nhật.
Cuba và Triều Tiên đã duy trì quan hệ chính trị nồng ấm kể từ năm 1960 cho đến nay, bất chấp việc Hawana thường xuyên tuyên bố chống vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã tăng áp lực lên Cuba kể từ khi nhậm chức, đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama và đưa ra những lời phát biểu mang tính thù địch của Chiến tranh Lạnh.
Đồng thời, các nhà ngoại giao cho biết Cuba là một trong số ít các quốc gia có thể thuyết phục Triều Tiên hạ giảm căng thẳng với Mỹ.
Một nhà ngoại giao châu Á nói: "Chúng tôi thường đề nghị người Cuba xem họ có thể nói chuyện với người Triều Tiên được hay không."
Hai quốc gia Cộng sản này là những quốc gia duy nhất trên thế giới còn duy trì nền kinh tế trung ương tập quyền kiểu Liên Xô, mặc dù dưới thời Tổng thống Raul Castro, Cuba đã thực hiện một số bước cải cách nhỏ hướng tới kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu của Trung Quốc và Việt Nam.
Cuba hiện có đại sứ quán ở Triều Tiên, nhưng các giao dịch thương mại phần lớn lại với Hàn Quốc. - VOA
|
|
2.
Syria: Putin gặp Assad trước thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đồng nhiệm Syria Bachar Al Assad tối 20/11/2017 tại Sotchi, bên bờ Biển Đen, trước thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra ngày 22/11 nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Hãng tin AFP cho biết cuộc gặp bất ngờ này giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài bốn tiếng, nhưng chỉ được phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov công bố vào sáng 21/11 khi trả lời hãng tin Ria-Novosti.
Các hình ảnh được chiếu trên truyền hình cho thấy chủ nhân điện Kremlin đã « hoan nghênh » tổng thống Syria, vì những kết quả đã đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố đang gần kề với thất bại « hoàn toàn và không thể tránh được ». Vì vậy, ông Putin cho rằng « đã đến lúc chuyển sang tiến trình chính trị ». Còn tổng thống Assad bày tỏ « lòng biết ơn của dân tộc Syria » trước sự giúp đỡ của Nga trong quá trình bảo vệ « toàn vẹn lãnh thổ và độc lập » của Syria.
Ngoài ra, tổng thống Nga cũng nhấn mạnh là có ý định điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/11, cũng như với một số lãnh đạo các nước Ả Rập, trong đó có quốc vương Qatar, để « tham khảo ý kiến » về tình hình tại Syria.
Thượng đỉnh ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran sẽ diễn ra vào ngày 22/11 tại Sotchi nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria. Theo nhận định của chuyên gia Nga Ajdar Kourtov, ba nước « có những lợi ích riêng tại Syria. Dĩ nhiên sẽ có những bất đồng và họ gặp nhau trước để cố giảm bớt những bất đồng này ».
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nhấn mạnh, thượng đỉnh Sotchi nhằm mục đích trước tiên là « hỗ trợ việc tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Syria và các phe đối lập ».
Iran tuyên cáo ngày tàn của Daech
Trong một bài diễn văn truyền hình trực tiếp hôm nay, 21/11/2017, tổng thống Iran Hassan Rohani đã tuyên bố rằng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech đã cáo chung. Cùng ngày, tướng Qassam Soleimani, một lãnh đạo cao cấp của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran cũng có một tuyên bố tương tự trong thông điệp gởi đến giáo chủ Ali Khameini, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran.
Tuyên cáo về ngày tàn của Daech đã được đưa ra sau khi vùng lãnh thổ quan trọng cuối cùng mà quân thánh chiến còn kiểm soát là Al - Boukamal ở miền Tây Syria, đã bị lực lượng Hezbollah Liban đồng minh của Iran và chính quyền Bachar al Assad chiếm lại hôm 19/11, một chiến thắng được tướng Soleimani xác nhận vào hôm nay.
Hiện nay, sau khi mất đi Al - Boukamal, Daech chỉ còn kiểm soát được vài ngôi làng dọc sông Euphrate, và một vài điểm rải rác ở nơi khác trên đất Syria. - RFI
|
|
3.
‘Trấn lột lương bổng’ tại Australia, người Việt bị ảnh hưởng
Cứ 20 sinh viên quốc tế tại Australia thì có 5 sinh viên được trả lương dưới 12 đô la/giờ; lao động từ các nước Châu Á bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan được trả công thấp hơn những người đến từ Bắc Mỹ, Ireland, và Anh quốc, theo kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 21/11.
Cuộc thăm dò cho thấy sinh viên quốc tế và ‘khách ba lô’ làm việc tại Australia trở thành nạn nhân của tình trạng ‘trấn lột lương bổng có hệ thống.’
Hiện có hơn 900.000 dân nhập cư tạm thời tại Australia như du học sinh, chiếm khoảng 11% thị trường lao động nước này.
Tại thời điểm cuộc khảo sát được tiến hành cuối năm 2016, 30% trong số 4.322 dân nhập cư tạm thời được khảo sát cho biết họ được trả khoản phân nửa số lương tối thiểu hợp pháp đối với các công việc lao động thông thường quy định là 16,7 đô la/giờ.
Gần phân nửa số người được hỏi được trả công dưới 15 đô la/giờ, phúc trình nhan đề ‘Trấn lột Lương ở Australia’ nêu rõ.
Cuộc khảo sát thăm dò dân nhập cư mang 107 quốc tịch khác nhau, được thực hiện trên mạng với 13 ngôn ngữ khác nhau.
“Một trong những khám phá gây sốc là 86% các du học sinh và khách ba lô cho biết tất cả những lao động mang visa như họ đều bị trả lương thấp,” đồng tác giả cuộc khảo sát, Bassina Farbenblum thuộc đại học New South Wales, cho biết.
“Cho nên họ không muốn bỏ việc vì biết là ít cơ hội có được việc nào trả lương cao hơn,” tác giả này nói thêm.
Phản hồi trước báo cáo này, Bộ trưởng Lao động Michaelia Cash kêu gọi những ai cảm thấy bị trả lương thấp nên liên hệ với cơ quan của chính phủ chuyên trách về công bằng lao động.
Cuộc khảo sát phối hợp thực hiện với đại học Kỹ thuật Sydney cho thấy nạn ‘trấn lột lương bổng là đại dịch’ tràn lan sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Lao động đến từ Châu Á là các nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khoảng 2/3 số người Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tham gia cuộc khảo sát cho biết họ được trả dưới 12 đô la/giờ làm việc.
“Nhân công gốc Hoa thường được trả bằng tiền mặt,” phúc trình cho biết.
Những người thực hiện khảo sát kêu gọi chính phủ và doanh nghiệp Australia có hành động từ kết quả cuộc thăm dò được xem là đầy đủ nhất về tình trạng và lương bổng của dân nhập cư tại nước này. - VOA
|
|
4.
Luật sư nhân quyền TQ bị tuyên 2 năm tù
Một tòa án tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đã kết án luật sư nhân quyền Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong) hai năm tù giam với cáo buộc là kích động để lật đổ chính quyền.
Ông Giang là luật sư thứ 12 bị kết án từ khi Trung Quốc phát động một chiến dịch đàn áp quy mô cách đây hơn hai năm, nhắm mục tiêu vào 300 luật sư. Hai trong số những luật sư này đã đệ đơn kháng án.
Vợ của ông Giang và các nhà hoạt động nhân quyền lên án phán quyết của tòa, và miêu tả bản án là "bất hợp pháp". Họ nói nhà chức trách Trung Quốc dùng bản án này để răn đe giới bênh vực nhân quyền và quy cho những người cổ xúy các giá trị dân chủ phương Tây về tội “lật đổ chính quyền.”
Bà Kim Biến Linh nói
Người Trung Quốc có câu Giết gà dọa khỉ. Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng vụ án ông Giang để răn đe các luật sư nhân quyền khác, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả tương tự như ông Giang.".
Từ năm 2013 cho đến nay, bà Kim -vợ ông Giang, cư ngụ ở Hoa Kỳ cùng con gái để tránh những hành động sách nhiễu của chính quyền Trung Quốc.
Trước khi bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái, ông Giang, 46 tuổi, đã bào chữa trong nhiều vụ án, thân chủ của ông gồm các học viên Pháp Luân Công, người biểu tình Tây Tạng và nạn nhân của vụ bê bối sữa nhiễm bẩn năm 2008, trước khi ông bị tước quyền hành nghề luật sư vào năm 2009. - VOA
|
|
5.
Chủ tịch Quốc hội Indonesia bị bắt
Cơ quan chống tham nhũng Indonesia vừa bắt giữ người đứng đầu Quốc hội vì bị cáo buộc về vai trò của ông trong một vụ bê bối tham nhũng lên đến 170 triệu đôla.
Ông Setya Novanto bị đưa đến trại giam hôm Chủ nhật (19/11). Phát ngôn viên của Ủy ban chống tham nhũng cho biết ông Setya Novanto sẽ bị giam giữ 20 ngày để thẩm vấn.
Ông Setya Novanto phủ nhận có bất kỳ hành động sai trái nào.
Nhà chức trách cáo buộc ông Novanto nằm trong nhóm các quan chức Indonesia đã sử dụng hệ thống thẻ căn cước mới để lấy cắp ngân sách nhà nước.
Cảnh sát đã cố bắt ông Novanto trong một cuộc đột kích vào nhà ông hồi tuần trước, nhưng ông Novanto không có mặt ở nhà lúc đó.
Vào tối thứ Năm, có tin cho biết chiếc xe của ông Novanto bị đụng và ông đã vào bệnh viện Permata Hijau ở Nam Jakarta. Luật sư của ông Novanto cho biết ông đã bị các lực lượng vũ trang canh gác tại bệnh viện theo lệnh của các nhà điều tra tham nhũng.
Hôm Chủ nhật, các bác sĩ cho hay ông Novanto không cần phải nằm viện nữa, và người ta nhìn thấy ông trong chiếc áo tù màu da cam khi ông được chuyển từ bệnh viện đến trại giam. - VOA
|
|
6.
Thủ tướng Merkel nói các đối thủ: ủng hộ tôi, bằng không thì bầu cử lại
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà sẵn sàng đối diện lại với cử tri để phá bế tắt chính trị, với sự tự tin rằng dân Đức sẽ không đổ lỗi cho bà đã thất bại trong việc đàm phán với các chính đảng để thành lập chính phủ liên minh.
Tìm cách củng cố tư thế sau thất bại trong đàm phàn, bà Merkel nói rõ trong các cuộc phỏng vấn trên các đài truyền hình rằng bà dự tính phục vụ nhiệm kỳ thứ tư và muốn tổ chức bầu cử sớm để tiếp tục nắm quyền quản lý nền kinh tế lớn nhất Âu châu bằng một chính phủ không giữ thế đa số.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ bắt đầu tìm cách thuyết phục các chính đảng trở lại đàm phán với bà Merkel.
Bà Merkel nói trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ARD: “Tôi không dự kiến một chính phủ thiểu số trong kế hoạch của tôi. Tôi chắc chắn rằng một cuộc bầu cử sớm sẽ là phương cách tốt hơn.”
Sau 12 năm liên kết với đảng của Thủ tướng Merkel, các đảng liên minh cũ của bà không còn hào hứng với một liên minh mới sau khi rút khỏi các liên minh trước đó bị sứt mẻ hoặc đổ bể. Đó là một dấu hiệu ảnh hưởng của bà Merkel đi xuống sau cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu đã đẩy tỉ lệ ủng hộ khối CDU/CSU của bà xuống mức thấp lịch sử trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 trong khi tỉ lệ ủng hộ cho đảng AfD chống di dân tăng lên mạnh. - VOA
|
|
7.
Dân ăn mừng tin Tổng thống Zimbabwe từ chức - - - Zimbabwe: Mugabe từ chức, kết thúc bốn thập kỷ nắm quyền
Dân chúng ngày 21/11 đổ ra đường ở thủ đô Harare của Zimbabwe ăn mừng tin Tổng thống Robert Mugabe từ chức sau 37 nắm quyền.
Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 22 hoặc 23 tháng 11, theo các giới chức hàng đầu trong đảng cầm quyền ZANU-PF. Ông Mnangagwa, người chạy trốn khỏi nước sau khi bất ngờ bị sa thải hôm 6/11, ‘hiện ở gần đây thôi’, giới chức Lovemore Matuke của đảng đương quyền cho biết.
Xe bấm còi, dân nhảy múa hò reo sau khi Quốc hội công bố thư từ chức của ông Mugabe. Trước đó không lâu, Quốc hội đã tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống.
Vị Tổng thống 93 tuổi đã cai trị Zimbabwe từ khi nước này dành độc lập từ Anh quốc vào năm 1980.
Lịch sử vi phạm nhân quyền
Ông Mugabe thường bị chỉ trích về các vi phạm nhân quyền bao gồm đánh đập, tra tấn, giết hại các thành phần chống đối chính trị.
Các vấn đề kinh tế của Zimbabwe trong mấy năm gần đây càng trở nên tồi tệ vì tình trạng tham nhũng và các chính sách kinh tế ‘nặng tay’ của ông Mugabe khiến giới đầu tư sợ hãi bỏ đi.
Tòa đại sứ Mỹ tại Zimbabwe nói ngày 21/11 là thời khắc lịch sử cho Zimbabwe và thúc giục nước này tiến tới bầu cử tự do, chọn người lãnh đạo cho riêng mình.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, nói ‘Ông Mugabe từ chức là một cơ hội lịch sử, thời khắc lịch sử cho người dân Zimbabwe. Người dân nước này đã mạnh mẽ khẳng định khao khát một kỷ nguyên mới chấm dứt sự cô lập đối với Zimbabwe và tạo điều kiện cho đất nước tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.’
Thủ tướng Anh, Theresa May, nói ông Mugabe từ chức mở ra cơ hội cho đất nước theo đuổi con đường không có sự đàn áp.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi thế hệ lãnh đạo tiếp theo tại Zimbabwe hãy tuân thủ hiến pháp và đối xử với dân bằng sự tôn trọng.
Tuần trước, ông Mugabe đối mặt với áp lực từ chức khi quân đội chiếm quyền kiểm soát các định chế nhà nước và đặt hai vợ chồng ông dưới tình trạng quản thúc tại gia.
Mọi việc diễn ra sau khi ông Mugabe sa thải Phó Tổng thống Mnangagwa và tỏ dấu sẽ cho vợ lên thay thế, bà Grace Mugabe.
Trước ngày 21/11, ông Mugabe vẫn không tỏ tín hiệu thoái lui, thậm chí ông còn triệu họp nội các vào sáng ngày 21/11.
Ông Mugabe từng có ý định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống trong cuộc bầu cử năm sau, lúc ông bước sang tuổi 94. - VOA
***
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từ chức hôm thứ Ba 21/11, một tuần sau khi quân đội và các đồng minh chính trị của ông hành động chống lại ông, kết thúc chế độ cai trị kéo dài bốn thập kỷ của người từng được xem như một anh hùng độc lập trở thành một lãnh tụ đầy quyền lực tiêu biểu ở châu Phi.
Theo Reuters, một tuần sau khi quân đội tiếp quản chính quyền và trục xuất ông Mugabe ra khỏi đảng cầm quyền ZANU-PF, ông Mugabe từ chức sau khi quốc hội bắt đầu thủ tục luận tội ông, một hình thức để hợp thức hóa quyết định phế truất ông.
Dân chúng nhảy múa và bấm còi xe reo mừng trên các đường phố của thủ đô Harare khi biết tin thời đại của ông Mugabe đã kết thúc. Ông là người đã lãnh đạo Zimbabwe từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1980. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
8.
Ngoại trưởng Mỹ bị cáo buộc vi phạm luật liên quan tới trẻ em cầm súng
Một nhóm hơn mười viên chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có một bước hành động bất thường, là chính thức buộc tội Ngoại trưởng Rex Tillerson vi phạm luật liên bang có mục đích ngăn chặn các quân đội nước ngoài tuyển mộ trẻ em làm lính, theo các thông tư nội bộ của chính phủ Mỹ mà hãng tin Reuters có trong tay.
Bản ghi nhớ mật của “thành phần bất đồng” trong Bộ Ngoại giao nói rằng ông Tillerson đã vi phạm Đạo luật Hoa Kỳ về Phòng chống tuyển mộ lính trẻ em, khi ông quyết định đưa Iraq, Myanmar và Afghanistan ra khỏi danh sách những nước vi phạm luật cấm tuyển mộ trẻ em. Trong khi Bộ Ngoại giao công khai thừa nhận là những quốc gia vừa nêu tên có bắt trẻ em cầm súng.
Đưa các nước ra khỏi danh sách đó, Hoa Kỳ mới có thể trợ giúp quân sự dễ dàng hơn.
Các tài liệu mà Reuters tiếp cận được cũng cho thấy quyết định của ông Tillerson đi ngược lại với ý kiến chung của các quan chức đứng đầu các văn phòng khu vực của Bộ Ngoại giao, giám sát các đại sứ quán ở Trung Đông và Châu Á, Đặc sứ của Hoa Kỳ tại Afghanistan và Pakistan, Văn phòng nhân quyền của Bộ Ngoại giao và các luật sư của Bộ.
Thông tư nội bộ ngày 28/7 có đoạn:
"Ngoài vi phạm luật Hoa Kỳ, quyết định này còn có nguy cơ phương hại tới sự đáng tin cậy của các phúc trình và phân tích của Bộ Ngoại giao, và làm suy yếu một công cụ ngoại giao chủ yếu của chính phủ Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn các lực lượng vũ trang của các chính quyền hay các nhóm vũ trang được chính quyền hỗ trợ tuyển mộ trẻ em, bắt các em cầm súng chiến đấu hay hỗ trợ trong các cuộc chiến trên khắp thế giới."
Reuters vào tháng 6 đưa tin rằng ông Tillerson đã gạt sang một bên đề xuất nội bộ liên quan tới Iraq, Myanmar và Afghanistan.
Các tài liệu này phơi bày mức độ chống đối bên trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với cấp lãnh đạo, kể cả sử dụng "kênh bất đồng", điều hiếm khi xảy ra, như một phương tiện cho phép các giới chức ngoại giao phản đối chính sách của chính phủ Mỹ mà không sợ bị trả thù.
Được thông qua vào năm 2008, Luật liên bang chống tuyển mộ trẻ em vào lính nêu rõ rằng chính phủ Hoa Kỳ chỉ có thể rút tên một quốc gia ra khỏi danh sách, một khi nước đó không còn tuyển mộ, bắt lính, hoặc buộc trẻ em dưới 18 tuổi cầm súng chiến đấu."
Danh sách hiện tại của Hoa Kỳ ghi tên các nước sau đây: Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Mali, Sudan, Syria và Yemen. - VOA
|
|
9.
California chặn sắc lệnh của Trump về các thành phố bảo vệ người nhập cư
Một thẩm phán tại tòa án liên bang California hôm 20/11 chặn lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump, bác trợ cấp liên bang cho các thành phố bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, làm suy yếu chiến dịch của chính quyền ông Trump, càn quét người nhập cư bất hợp pháp.
Trong một vụ kiện do thành phố San Francisco và quận Santa Clara thụ lý, thẩm phán này đã ra lệnh chặn vĩnh viễn vì cho rằng sắc lệnh của tổng thống vi hiến. Hồi tháng Tư, cũng chính vị thẩm phán này đã ra lệnh phong tỏa lệnh cấm tạm thời của ông Trump.
Thẩm phán William Orrick viết trong phán quyết: "Các quận hạt đã chứng minh rằng Sắc Lệnh Hành pháp của Tổng thống đã làm họ bị tổn thương về mặt hiến pháp, vi phạm quy tắc tam quyền phân lập, và tước đi các quyền được ghi trong Tu chính án thứ 10 và thứ 5."
Vào tháng Giêng năm nay, ông Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp ngay sau khi nhậm chức, cắt trợ cấp cho các khu vực tài phán từ chối tuân thủ luật đòi hỏi các chính quyền địa phương phải chia sẻ thông tin với thẩm quyền di trú Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ chính sách đó, Bộ Tư pháp đã tìm cách trừng phạt các thành phố và các địa phương tham gia phong trào "lập khu an toàn" để bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị trục xuất.
Ông Devin O'Malley, người phát ngôn của Bộ Tư pháp, nói:
"Toà án cấp quận đã vượt quá thẩm quyền khi ngăn chặn Tổng thống chỉ thị cho các thành viên nội các thực thi luật hiện hành. Bộ Tư pháp sẽ chứng minh quyền hợp pháp của Tổng thống để chỉ đạo ngành hành pháp."
Bộ Tư pháp đã kháng cáo phán quyết hồi tháng Tư của thẩm phán Orrick.
Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng các chính quyền địa phương đã phương hại tới sự an toàn của công chúng khi từ chối giải giao những người nhập cư bất hợp pháp từng phạm tội, để tiến hành trục xuất.
Ngày càng có nhiều chính quyền địa phương và thành phố, trong đó có New York, Los Angeles và Chicago, tham gia phong trào lập "khu an toàn" để bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, khỏi bị trục xuất. - VOA
|
|
10.
Harvard bị tố cáo kỳ thị sinh viên Châu Á
Xuất phát từ một vụ kiện năm 2015 cáo buộc đại học Harvard phân biệt đối xử với ứng viên gốc Á, Bộ Tư pháp Mỹ dọa sẽ kiện đại học này để buộc trường phải giao nộp các văn kiện trong lúc điều tra xem các chính sách tiếp nhận sinh viên của trường có vi phạm luật dân sự Mỹ hay không.
Bộ ra thời hạn chót là trước ngày 1/12 trường phải nộp các giấy tờ về chính sách nhận sinh viên nhập học.
Đạo luật Dân sự 1964 cấm các định chế nhận ngân quỹ liên bang không được phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, màu da hay nguồn gốc xuất xứ.
Đại học Harvard lâu nay nhất mực khẳng định các chính sách nhận sinh viên của họ hoàn toàn tuân thủ luật pháp Mỹ và nói rằng họ đã nỗ lực tăng hỗ trợ tài chính để đảm bảo sinh viên của họ đa dạng về kinh tế và sắc tộc.
Trước đây trong năm, trường cho biết hơn phân nửa sinh viên được nhận vào trường trong năm 2017 là nữ giới, cứ 5 sinh viên thì có hơn 1 người là gốc châu Á và gần 15% sinh viên là người Mỹ gốc Phi.
Đại học Harvard chưa lên tiếng bình luận tức thời về loan báo của Bộ Tư pháp. - VOA
|
|
11.
Tòa Bạch Ốc yêu cầu Tòa Tối cao cho thi hành lệnh cấm nhập cảnh
Tòa Bạch Ốc hôm 20/11 yêu cầu Toà án Tối cao Hoa Kỳ cho phép thi hành đầy đủ lệnh cấm du hành mới nhất của Tổng thống Donald Trump, sau khi một tòa phúc thẩm ở bang California vào tuần trước ra phán quyết ban hành một phần của lệnh cấm này.
Trước đó, một ủy ban gồm 3 thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 ở San Francisco, bang California, hôm 13/11 cho phép thi hành một phần lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump, phán rằng chính phủ Mỹ có quyền cấm nhập cảnh những người đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, mà không có bất cứ quan hệ nào tại Mỹ.
Lệnh cấm của ông Trump ban hành ngày 24/9 thay thế hai phiên bản trước đã bị các tòa án liên bang cản trở.
Hồ sơ kháng cáo mà chính quyền Tổng thống Trump đệ lên Tòa án Tối cao lập luận rằng lệnh cấm du hành mới nhất khác với các lệnh cấm trước "cả về quy trình lẫn nội dung" và sự khác biệt này cho thấy lệnh cấm "dựa trên các mục tiêu an ninh quốc gia và đối ngoại, không phải do động cơ tôn giáo."
Với phán quyết mới của Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ, lệnh cấm của ông Trump sẽ được áp dụng đối với những người không có mối liên hệ nào tại Mỹ đến từ Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Chad.
Các mối liên hệ gồm: có thân nhân hoặc có liên hệ ‘chính thức’ với các tổ chức ở Mỹ như các trường đại học hay các cơ quan tái định cư.
Những trường hợp được phép nhập cảnh Mỹ là những người có bà con thân nhân như ông bà, con cháu, anh chị em, cô bác, cậu dì, họ hàng tại Hoa Kỳ.
Phán quyết đưa ra hôm 21/11 không ảnh hưởng tới những người đến từ 2 nước khác, cũng bị liệt kê trong lệnh cấm của ông Trump, là Triều Tiên và Venezuela.
Trong tuần lễ đầu tiên sau khi lên nhậm chức hồi tháng Giêng,Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm du hành nhắm vào một số nước có đa số dân theo Hồi giáo. Sau khi lệnh cấm đầu tiên bị các tòa án chặn lại, ông tung ra phiên bản sửa đổi, điều chỉnh lệnh cấm ban đầu.
Lệnh cấm du hành thứ nhì hết hạn hồi tháng 9 sau một cuộc giằng co pháp lý và được thay thế bằng phiên bản thứ ba.
Ông Trump nói lệnh cấm du hành là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố do các phần tử hiếu chiến Hồi giáo đặt ra. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump từng hứa hẹn sẽ cấm tuyệt đối không cho người Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ.
Phe chỉ trích nói lệnh cấm của ông Trump vi phạm Hiến pháp vì phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
12.
Trẻ sơ sinh tử vong đồng loạt ở Bắc Ninh là ‘do nhiễm khuẩn’
Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể là nguyên nhân khiến cho bốn trẻ sơ sinh tử vong đồng loạt ở tỉnh Bắc Ninh, theo kết luận ban đầu của Hội đồng Chuyên môn Sở Y tế Bắc Ninh được công bố vào chiều ngày 21/11, báo chí trong nước đưa tin.
Kết luận ban đầu của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự dựa trên kết quả giám định pháp y cũng cho thấy bốn trẻ tử vong là do ‘sốc nhiễm khuẩn’, theo báo mạng VnExpress.
Bốn bé sơ sinh này, được cho đều là trẻ sinh non, yếu, nhẹ cân và mang bệnh bẩm sinh, đã tử vong vào sáng ngày 20/11 tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, sau khi được chăm sóc trong lồng ấp và được cho thở máy.
Vụ việc đã khiến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải về Bắc Ninh thị sát tình hình và có buổi làm việc với giới hữu trách Y tế của tỉnh này trong ngày 21/11. Một Hội đồng Chuyên môn bao gồm các bác sỹ Nhi và Sản khoa đầu ngành cùng với giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh đã được thành lập để điều tra về vụ việc.
Ngoài 4 trẻ đã tử vong, 7 trẻ khác ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cũng đã được xác địch bị nhiễm trùng huyết và đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, ngay chiều tối 20/11 cùng với bốn trẻ khác cũng đang được điều trị tại bệnh viện này.
Theo công bố của bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, tại buổi họp báo chiều ngày 21/11, thì bốn trẻ tử vong này “đã nhiễm khuẩn sau 3-5 ngày điều trị tại bệnh viện” và “Nguyên nhân nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện”.
Hiện kíp trực trong ngày 20/11 đã bị Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đình chỉ để tường trình và phục vụ điều tra còn buồng cách ly bé sơ sinh tại đây cũng đã bị đóng cửa để khử khuẩn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhìn nhận đây là một vụ việc ‘bất bình thường’ vì bốn bé sơ sinh chết ‘trong cùng một ngày, cùng một khoa’.
Trao đổi với VOA, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người từng là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nói rằng “nhiễm khuẩn bệnh viện cũng có thể có”.
“Có những loại vị trùng thường xuyên có trong bệnh viện. Trẻ non tháng là rất dễ nhiễm bệnh, dễ chết,” bà giải thích, “Có một thắc mắc là tại sao các bé cùng tử vong trong một buổi sáng.”
“Cũng có khả năng là các cháu đã bị nhiễm trùng dài ngày rồi nhưng không được điều trị đúng mức đến mức các cháu yếu quá và bị chết cùng một lúc,” bà nói thêm.
Bà Phượng cũng nhận định rằng nếu để xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn thì lỗi là “ở bệnh viện”.
“Lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phải có trách nhiệm,” bà nói. “Có tai biến nghiêm trọng như vậy thì là lỗi hệ thống chứ không phải lỗi cá nhân.”
Tuy nhiên bà cũng mong dư luận đừng quá khắt khe đối với những người làm ngành y ở Việt Nam.
“Đã làm trong ngành Y khoa thì không ai muốn bệnh nhân mình bị tai biến. Đây là điều mình phải thông cảm cho người làm trong ngành.”
Bà nói rằng bên Mỹ cũng có những sơ suất trong ngành y làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Bà nói thêm:
“Xin dư luận đừng quá sức buộc tội những người làm trong ngành. Ngành y tế Việt Nam cũng phải nói là làm việc rất nặng nhọc. Cứ mỗi lần xảy ra tai biến như thế thì cả xã hội lên án.”
“Nếu áp lực nặng nề quá thì chắc là ngành y ai cũng ngán ngẩm lắm (không dám vào)”. - VOA
|
|
13.
‘Lạc quan’ về kinh tế VN đẩy điểm chứng khoán tăng cao
Chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đạt mức trên 900 điểm liên tiếp trong hai ngày nay, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Khi thị trường đóng cửa hôm 21/11, chỉ số VN-Index đạt 918,3 điểm. Mức này cao hơn 14,75 điểm, hay 1,63%, so với 903,55 điểm của ngày 20/11. Lần gần nhất chỉ số này trên 900 điểm là tháng 8/2007.
Hãng tin Bloomberg hôm 21/11 nói chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 10% trong tháng 11, phần nào nhờ các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào gia tăng sự hiện diện của họ trong nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á.
Các cổ phiếu đắt giá của hãng sữa Vinamilk, tập đoàn Vingroup, tập đoàn FPT, công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn Sabeco và một số hãng khác đã tạo động lực tăng lớn nhất cho thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, một chuyên gia tài chính, ngân hàng, nói với VOA rằng ngoài tác động của các nhà đầu tư ngoại, thị trường tăng do có niềm lạc quan của nhiều người về nền kinh tế Việt Nam.
Ông Hiếu nói các biểu hiện tốt của nền kinh tế bao gồm GDP nhiều khả năng đạt mức tăng 6,5 đến 6,7%, tỷ giá ổn định, tương tự như vậy đối với các thị trường bất động sản, vàng và ngân hàng.
“Tất cả những thị trường như thế đã có sự ổn định từ đầu năm và tạo ra sự lạc quan cho nền kinh tế tại thời điểm này”.
Bản tin của Bloomberg nói cổ phiếu của hãng bán lẻ Vincom Retail thuộc tập đoàn Vingroup đã tăng vọt 26% kể từ khi lên sàn hôm 6/11 vì nhiều người mua săn lùng cổ phiếu này. Tiếp đến, thị trường có thêm cú hích khi tập đoàn Jardine Matheson ở Hong Kong tuần trước tăng cổ phần trong hãng Vinamilk lên 10% và tuyên bố vẫn quan tâm mua thêm cổ phần.
Với con mắt chuyên gia, tiến sĩ Hiếu bình luận những sự kiện này có mối quan hệ hỗ tương giữa việc chỉ số chứng khoán tăng điểm và giá trị tài sản của các công ty quan trọng tăng thêm, và không phải là yếu tố giúp thị trường tăng bền vững:
“Cái tăng điểm qua sự hưng phấn của thị trường, qua những sự kiện, hoặc là do những cổ phiếu dẫn đầu mang tính hưng phấn và tăng điểm, thì cái tăng điểm đó có thể chỉ là có tính giai đoạn. Cái tăng điểm đó là do giá được định theo cung cầu trên thị trường. Chứ về thực chất, nó không phải là cái tăng giá trị từ nội lực của nền kinh tế”.
Chuyên gia kinh tế này nói rằng tin tức về chỉ số chứng khoán đạt trên 900 điểm trong những ngày này là “một dấu hiệu tốt”, và theo ông, “chúng ta nên lạc quan và mừng trong thận trọng”. - VOA
|
|
14.
GS. Đặng Hùng Võ: Cần kiểm tra kỹ đằng sau phát biểu ‘Thương dân’ trong vụ Sơn La
Phát biểu của một giới chức tỉnh Sơn La đã bị chỉ trích và phản đối trên mạng xã hội khi cho rằng 17 cán bộ tỉnh bị khởi tố liên quan đến công tác đền bù, tái định cư thủy điện Sơn La là “không liên quan đến chuyện tiền nong, tư túi, mà chỉ vì thương dân, làm lợi cho dân”. Tuy nhiên, một cựu giới chức Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng phát biểu trên có thể có căn cứ, nên cần xem xét kỹ hồ sơ vụ án, xem liệu có yếu tố “thương dân, làm lợi cho dân”, hay chỉ đơn thuần là tham nhũng trong vụ án liên quan đến dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này.
Thương dân?
Phát biểu trước báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 20/11 về vụ 17 cán bộ tỉnh Sơn La bị khởi tố, Đại biểu Quốc hội-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân nói vụ này “không liên quan đến chuyện tiền nong, tư túi, mà chỉ vì thương dân, làm lợi cho dân”.
Dân Trí trích lời khẳng định của bà Tráng Thị Xuân, nói: “Một số hồ sơ để giải quyết việc bồi thường, đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ nhưng anh em vì thương dân nên vẫn làm hoàn thiện sớm hồ sơ giúp dân nên người dân được lợi. Nhưng chính vì thế giờ cán bộ giải quyết lại phải chịu trách nhiệm chứ họ không tư túi gì, không đút một xu nào vào túi cá nhân.”
Phát biểu của bà Xuân đã vấp phải nhiều chỉ trích trên cả mạng xã hội lẫn các trang thông tin chính thống. Đa số người dân phản đối ý kiến của bà Xuân và cho rằng đây là một vụ án tham nhũng lớn cần phải được xử lý thấu đáo, một điển hình cho thấy quyết tâm chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.
Nhận xét về phát biểu của Đại biểu Tráng Thị Xuân, Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng cần phải xem xét kỹ vụ án sau phát biểu “có thể có căn cứ” của bà Xuân.
“Đại biểu Quốc hội mà phát biểu như vậy thì cũng là một điểm lưu ý trong việc xem xét hồ sơ cụ thể, xem nó có phải là sự trộn lẫn giữa yếu tố tham nhũng và yếu tố làm lợi cho dân hay không. Một động tác mà tôi biết ở Việt Nam rất hay làm là có những chi tiết được khai khống trong các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là có liên quan đến tham nhũng”.
Tuy nhiên, cựu giới chức Bộ TNMT nhận định khả năng về “bồi thường không thỏa đáng”, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến việc lách luật để “làm lợi cho dân”, khó có thể xảy ra trong một dự án lớn được dốc hầu bao để đầu tư như thủy điện Sơn La.
GS. Võ phân tích: “Dự án Sơn La là dự án cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tức là dự án thuộc loại đặc biệt. Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo tôi biết, có khá nhiều tiền ngân sách chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thành ra khả năng có vấn đề trong việc bồi thường không thỏa đáng trong dự án Sơn La thì tôi nghĩ không có”.
Sau dự án là vụ án
Thông tin trên báo chí hôm 19/11, tỉnh Sơn La cho biết trong số 17 cán bộ bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, có 15 đảng viên, trong đó có Giám đốc và 2 Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, nguyên Phó chủ tịch UBND và Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La và nhiều chuyên viên, cán bộ phòng, ban.
Kết quả điều tra cho biết sai phạm xảy ra ở các bước thẩm định, đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi và bồi thường không đúng quy định, trong đó có hơn 600 hộ dân có hồ sơ đất đai được lập khống, tăng diện tích đất hay không đúng loại đất quy định.
Nhận định về tình trạng tham nhũng trong việc bồi thường các dự án tại Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ thừa nhận khai khống là một “thủ pháp” xuất hiện khá phổ biến, đặc biệt trong các dự án lớn, có số lượng người nhận bồi thường đông như thủy điện Sơn La. Ông nói:
“Sự thực mà nói, trong các dự án, nhất là dự án lớn như thủy điện Sơn La, số lượng người được nhận bồi thường, hỗ trợ tái định cư là cực kỳ nhiều. Mà cực kỳ nhiều như vậy thì ai là người có thể rà soát lại toàn bộ? Từ đấy dẫn đến việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hay sử dụng thủ pháp đó”.
Cựu giới chức Bộ TNMT cho rằng cơ chế thanh tra, kiểm tra hiện nay của Việt Nam thiếu hiệu quả trong việc rà soát các lỗ hổng trong quản lý, chi tiêu đối với các dự án lớn.
GS. Võ nói thêm: “Hiện nay, cơ chế của Việt Nam có việc thanh tra, kiểm tra, nhưng không có quy trình hai cơ quan thực hiện kiểm tra chéo nhau. Không có quy trình đó, nên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn toàn lập phương án và tính toán cho từng trường hợp cụ thể. Việc kiểm tra, thanh tra có thể xảy ra từ cơ quan hành chính cấp trên, nhưng thực ra cũng không thể kiểm tra 100% được”.
Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công vào năm 2005, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 60% so với mức phê duyệt ban đầu (gần 45.000 tỷ đồng). Đây được xem là 1 trong 10 nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Để xây dựng công trình này, Việt Nam đã phải di chuyển hơn 20.000 hộ dân ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ra khỏi khu vực. Riêng tại tỉnh Sơn La, có hơn 12.000 hộ dân phải di chuyển đến định cư tại 276 điểm tái định cư trong tỉnh. - VOA
|
|
15.
Phi công VN chết trong vụ đâm máy bay ở Anh
Một phi công Việt Nam tham gia huấn luyện ở Anh đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giữa một chiếc trực thăng và một máy bay cánh cố định, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Trung là một trong 4 người đàn ông thiệt mạng khi hai máy bay đâm nhau gần Aylesbury, Buckinghamshire, hôm 17/11.
Ông Trung, 32 tuổi, tham gia chương trình huấn luyện dài hai tháng. Người kèm ông Trung trên chiếc trực thăng là cơ trưởng Mike Green, ông này cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Cảnh sát Thames Valley chưa xác nhận danh tính của những người thiệt mạng.
Ông Trung là phó giám đốc một trung tâm đào tạo của Quân đội Việt Nam và có mặt ở Anh để học làm huấn luyện viên bay quân sự.
Bộ Quốc phòng của Việt Nam cho biết một chiếc Cessna 152 giảm độ cao đột ngột và đâm vào đuôi chiếc trực thăng, gây ra tai nạn.
Các máy bay đó đã được đưa ra khỏi hiện trường và chuyển đến trụ sở của Cơ quan Điều tra Tai nạn Hàng không (AAIB) ở Hampshire.
Cuộc điều tra của AAIB về nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang diễn ra.
Hôm 19/11, các thi thể được đưa ra khỏi địa điểm vụ tai nạn, gần Điền trang Waddesdon thuộc sở hữu của National Trust.
Cảnh sát cho biết 3 nạn nhân còn lại là công dân Anh và việc khám nghiệm tử thi đối với tất cả các nạn nhân tiếp tục được tiến hành hôm 20/11.
Cả chiếc trực thăng lẫn chiếc Cessna 152 đều cất cánh từ sân bay Wycombe Air Park, còn có tên là Booker Airfield, nơi tổ chức các khóa huấn luyện bay. - VOA
|
|
16.
Nhà giáo, nhà XHH: ‘Cực khó’ thay đổi giáo dục VN
Đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, cũng là Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, xuất hiện những ý kiến của một số nhà giáo và nhà nghiên cứu cho rằng nền giáo dục Việt Nam chưa thực hiện tốt Điều 1 của Hiến chương. Họ cũng nhận định sẽ “cực khó” để thay đổi nền giáo dục này.
Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục, mà Việt Nam là một thành viên, đã thông qua bản Hiến chương các Nhà giáo được vào tháng 8/1954 trong một hội nghị ở Moscow.
Điều 1 của Hiến chương viết “Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển các năng lực, chăm lo việc giáo dục và đào tạo trẻ, nhắm mục tiêu không ngừng hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”.
Đánh giá về việc Việt Nam thực hiện điều này ra sao, thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội cho rằng hàng chục năm qua, nền giáo dục trong nước vẫn rất “áp đặt”:
“Chỉ có thầy đúng, học sinh không được phép cãi lại. Học sinh không được phép đưa ra ý kiến trái chiều, nếu không thì bị phê bình, bị kỷ luật. Nếu là trẻ em thì còn bị ăn đòn. Đây là một thực trạng rất là phổ biến”.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, chỉ ra thực tế rằng giảng dạy “theo kiểu một chiều” tồn tại trong suốt các cấp học phổ thông cho đến đại học:
“Thày cô giáo giảng bài, học sinh lắng nghe ghi chép, và học thuộc những bài thày cô đọc cho chép, hoặc là học thuộc trong sách giáo khoa hiện nay nó còn khá phổ biến. Cách học, cách dạy như vậy rõ ràng nó hạn chế sự sáng tạo của học sinh, và nó cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng đến tính cách của học sinh”.
Nhà giáo nổi tiếng về nhiều lần chống tiêu cực trong ngành giáo dục Đỗ Việt Khoa cho rằng vấn đề không tôn trọng tính cá nhân, độc lập của học sinh ở Việt Nam vừa có nguyên nhân sâu xa là văn hóa phong kiến nhiều đời, vừa do thể chế chính trị hiện tại. Ông nói:
“Mọi công dân Việt Nam cũng đều đang phải sống trong sự áp đặt về lý tưởng, về lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội. Đội ngũ thày cô, bộ máy lãnh đạo và những người quản lý họ không chấp nhận những em học sinh mà họ coi là bề dưới được phép cãi lại bề trên”.
CNXH mà thày Khoa nhắc đến được những người cộng sản Việt Nam du nhập từ Liên Xô thời những năm 1950, sau khi họ làm chủ miền bắc Việt Nam. Đất nước tiếp tục đi theo con đường XHCN kể từ năm 1975, khi hai miền thống nhất, cho đến nay.
Yếu tố thể chế chính trị-xã hội tác động đến giáo dục cũng được nhà xã hội học Khuất Thu Hồng xem là một trong những nguyên nhân chính. Bà phân tích thêm:
“Việc chúng ta học tập, vận dụng những lý thuyết phát triển xã hội của nước ngoài nhiều khi nó còn khá là giáo điều. Chính vì giáo điều nên nó được áp đặt một cách rất cứng nhắc. Thường là không có sự phát triển sáng tạo. Chính vì vậy nó ảnh hưởng rất nhiều đến lối tư duy của học sinh. Các thày cô cũng rất là sợ mình sẽ dạy sai đường lối, cho nên họ cứ áp dụng nguyên những gì họ được chỉ đạo vào trong việc giảng dạy của mình”.
Trong những năm gần đây, trên nhiều diễn đàn, kể cả tại Quốc hội, cũng như trên báo chí, nhiều nhà giáo, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề kể trên và thúc giục cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Nhưng theo thày Khoa, chưa có những cải thiện đáng kể. Nhà giáo này nhận định sẽ “cực khó” để thay đổi nền giáo dục Việt Nam:
“Kể cả giả sử có thay đổi thể chế đi chăng nữa thì cũng hết sức khó vì những tư duy cũ, những thói xấu cũ, cái quyền hành cũ khiến cho nhà giáo họ cũng thấy họ là người có quyền. Mà hễ có quyền thì lộng quyền, lạm quyền. Đấy là một tệ nạn chung, cho nên rất khó để có thể thay đổi được lúc này”.
Từ góc độ nhà nghiên cứu xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng lưu ý đến sức ỳ từ đội ngũ nhân lực ngành giáo dục. Bà nói họ được đào tạo trong rất nhiều thập kỷ theo công thức “giảng dạy một chiều, tầm chương trích cú, cho học sinh ‘học gạo’”, vì vậy, giờ đây không hề dễ dàng để thay đổi.
Nữ tiến sĩ nhận định nếu thay đổi được tư duy giáo dục ở Việt Nam, đó sẽ là một bước tiến rất quan trọng trong cách người Việt Nam nhận thức, nhìn nhận về dân chủ, cũng như về tham gia tranh luận, thảo luận trong xã hội về các ý tưởng, tư tưởng. - VOA
|
|
17.
Chuyên gia: ‘Thuế tài sản để ngăn đầu cơ là chệch hướng’
Dư luận Việt Nam đang phản ứng xôn xao, không tích cực đối với đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh về thu thuế tài sản. Một chuyên gia ngành tài nguyên-môi trường nói nếu mục đích thu thuế là để ngăn đầu cơ, việc đó không đi đúng hướng.
Thành phố đóng vai trò trung tâm kinh tế của Việt Nam hồi tuần trước đề xuất với Quốc hội về thí điểm đánh thuế tài sản. Đây là một phần trong một đề án lớn hơn về trao “cơ chế, chính sách đặc thù” để Tp. HCM phát triển.
Theo phân cấp thẩm quyền trong hệ thống chính trị Việt Nam, luật về thuế phải do Quốc hội thông qua. Tin cho hay tại Quốc hội hôm 14/11, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, cơ quan thẩm tra đề xuất của Tp. HCM, nói "Trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất".
Tường thuật của báo chí trong nước cho hay trong một cuộc gặp với các phóng viên bên hành lang Quốc hội hôm 20/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM Trần Vĩnh Tuyến giải thích rằng chính sách đánh thuế tài sản sẽ giúp "chống hành vi đầu cơ đất đai".
"Việc đánh thuế tài sản chủ yếu là chống đầu cơ chứ không phải Nhà nước tận thu", ông nhấn mạnh, theo tin trên VNExpress.
Thuế suất với đất phi nông nghiệp ở Việt Nam hiện là 0,03%, thấp hơn rất nhiều so với mức 1% ở Mỹ và cũng thấp hơn nhiều nước khác.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói với VOA rằng áp dụng thuế suất cao hơn đối với đất đai hay bất động sản là cơ hội để tăng thu ngân sách nhằm phát triển hạ tầng. Nhưng nếu đánh thuế chỉ để ngăn đầu cơ, theo ông, điều đó là việc làm chệch hướng:
“Nói rằng đánh vào để ngăn chặn đầu cơ, tôi cho rằng mục tiêu nó chưa đúng với cái chúng ta phải làm đối với thuế đánh vào bất động sản. Bởi vì mục tiêu đầu tiên của thuế đánh vào bất động sản là có kinh phí để nâng cấp hạ tầng, nâng cấp đô thị. Cái đó mới là chính”.
Sau khi đề án được nêu ra, Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM (HOREA) đã ra văn bản kiến nghị Quốc hội chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản ở thành phố tại thời điểm hiện nay. Hiệp hội nói thời điểm phù hợp để áp sắc thuế này là sau năm 2020.
Hiệp hội cũng cảnh báo việc đánh thuế cao hơn so với mức hiện nay có thể dẫn đến hệ quả là giá nhà, đất tại đô thị lớn nhất đất nước sẽ leo thang, ở mức độ nhất định sẽ làm chi phí cuộc sống đắt đỏ hơn đối với nhiều người. Giáo sư Võ đồng ý với cảnh báo của HOREA:
“Việc tăng thu thuế đối với đánh vào nhà sẽ làm hỏng nhiều chính sách về phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Việt Nam”.
Trong kiến nghị, HOREA viết thêm rằng việc đánh thuế tài sản cũng nên áp dụng đồng thời trên cả nước, chứ không chỉ thí điểm ở riêng Tp. HCM. Theo hiệp hội, sức cạnh tranh chung của thành phố có thể bị giảm đi nếu thành phố thực hiện sắc thuế mới trong khi các tỉnh, thành khác thì chưa.
Tp. HCM đang vận động Quốc hội trao cho một quy chế “đặc thù” với lập luận rằng thành phố đứng đầu Việt Nam về kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, cũng như chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment