Tin Thế Giới
1.
Tên Chủ tịch Tập Cận Bình được ghi trong điều lệ Đảng --- ĐH Đảng Cộng Sản Trung Quốc 19: Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông
Tên của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được ghi trong điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nâng vị thế của ông Tập lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng sản Trung Quốc.
Điều lệ sửa đổi bao gồm khái niệm "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc cho thời đại mới," đã được Đảng thông qua hôm thứ Ba 23/10 trong phiên bế mạc Đại hội toàn quốc mỗi nhiệm kỳ 5 năm ở thủ đô Bắc Kinh. Khái niệm này đưa Đảng Cộng sản lên hàng đầu trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc, từ việc giám sát nền kinh tế và an ninh quốc gia đến việc ra hướng dẫn về đạo đức cho người dân.
Sự sửa đổi này thể hiện vị thế mới của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cương vị là nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Ông là nhà lãnh đạo Trung Quốc thứ ba có tên trong điều lệ Đảng, bên cạnh Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, những lãnh tụ có chính sách cải cách kinh tế đưa Trung Quốc tiến lên như một cường quốc kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Vào thứ Tư 25/10, ông Tập Cận Bình sẽ chính thức đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng, nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai khi các thành viên mới của Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị được chọn, và việc sửa đổi điều lệ có thể lót đường để Chủ tịch Tập tiếp tục duy trì quyền lực một khi nhiệm kỳ hai của ông kết thúc vào năm 2022. - VOA
***
Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức kết thúc vào hôm nay 24/10/2017. Trên 2.300 đại biểu đã bầu ra 205 ủy viên trung ương, và sửa đổi điều lệ để ghi thêm « tư tưởng Tập Cận Bình » vào. Ông Tập rõ ràng đã trở thành lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc từ 40 năm qua, ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :
« Không phản đối », người ta có thể nghe thấy như vậy trong Đại Lễ Đường Nhân Dân rộng mênh mông. Tất cả 2.300 đại biểu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đều nhất loạt giơ tay để bật đèn xanh cho việc ghi tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng.
Nay Tập Cận Bình đã qua mặt hai người tiền nhiệm : cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào đều không được khắc ghi tư tưởng của mình vào Điều lệ như thế. Phải quay trở lại thời Mao Trạch Đông, người sáng lập ra chế độ, mới tìm lại được vinh dự tương đương.
Điều này có vẻ chỉ mang tính biểu tượng, nhưng trong thế giới bí mật và mang tính quy tắc của ĐCSTQ, việc ghi tên tổng bí thư Tập Cận Bình cho thấy rõ quyền lực tuyệt đối của ông Tập trên 89 triệu đảng viên và đối với đất nước. Còn có ai dám thách thức con người nay đã ngồi ngang hàng với Mao Trạch Đông, vẫn luôn được gọi là « Người cầm lái vĩ đại » ?
Bây giờ không còn là lúc để tranh luận mà là tuân phục. Nhiều quan chức cao cấp đã kêu gọi các đảng viên nghiên cứu kỹ lưỡng « chủ nghĩa xã hội của thời kỳ mới ». Bộ trưởng Giáo Dục Trần Bảo Sinh (Chen Baosheng) tỏ ra gương mẫu : ông hứa hẹn tư tưởng mới sẽ nhanh chóng được đưa vào sách giáo khoa, vào các lớp học và trong trí não học sinh.
« Tư tưởng Tập Cận Bình » là gì ? AFP dẫn những nét chính trong bài diễn văn khai mạc của ông Tập, cho thấy trước hết là « đại phục hưng quốc gia ». Tập Cận Bình hứa hẹn xây dựng một quân đội « hàng đầu thế giới » từ nay đến 2050, cải thiện phúc lợi xã hội, Nhà nước pháp quyền « xã hội chủ nghĩa », « chung sống hài hòa với thiên nhiên ».Nhưng « tất cả đều phải đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, từ chính phủ, quân đội cho đến xã hội dân sự ».
Dấu ấn quyền lực của Tập Cận Bình sẽ được xác nhận vào ngày mai, khi tên của bảy ủy viên thường trực Bộ Chính Trị được loan báo. Theo các nhà phân tích, do điều lệ sửa đổi ghi « Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ chỉ đạo cho Đảng », khi nào còn sống thì ông Tập vẫn là người quyết định cuối cùng. - RFI
|
|
2.
Singapore: ASEAN sắp tập trận chung với TQ trên Biển Đông
Hải quân Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á dự định sẽ khởi sự tập trận chung vào năm tới, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết hôm thứ Ba 24/10, trong lúc hai bên đang tìm cách xây dựng lòng tin giữa những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Không chỉ Trung Quốc, mà Mỹ cũng mở ngỏ khả năng tổ chức tập trận hải quân chung với các nước ASEAN ngay vào đầu năm tới, theo phát biểu của nhà lãnh đạo quốc phòng Singapore bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Philippines hôm thứ Ba 24/10.
Ông Ng sau khi họp riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nói rằng hai nhà lãnh đạo quốc phòng của Trung Quốc và Mỹ hoan nghênh cơ hội tham gia tập trận hải quân chung.
“Singapore ủng hộ kế hoạch đó,” Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen nói với các phóng viên báo chí khi được hỏi về đề nghị tổ chức thao diễn hải quân chung của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy kế hoạch đó vì chính lý do là toàn bộ ASEAN và Trung Quốc đều muốn điều đó. Nếu chúng ta tập trận hải quân chung với nhau, ít nhất chúng ta sẽ xây dựng sự thông hiểu và lòng tin với nhau.”
Singapore, trong nỗ lực tìm cách cân bằng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông lâu nay, hy vọng sẽ ở tuyến đầu trong các quan hệ của khu vực với hai cường quốc kể trên vào năm tới khi đảo quốc này giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore hồi tháng 3 cảnh báo rằng nước ông có nguy cơ “bị ép” phải chọn một trong hai.
Bộ trưởng Ng nói: “Trong quan điểm của Singapore, càng có nhiều hoạt động tập trận chung với các nước, càng có nhiều cơ hội xây dựng lòng tin với nhau.”
Ông Ng nói nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc bày tỏ hy vọng sẽ “lật sang trang mới” bằng việc tập trận hải quân chung với nhau.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển mang tính chiến lược, nơi có lưu lượng hàng hóa trị giá khoảng 3 ngàn tỉ đôla đôla lưu thông hàng năm. Các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Ðài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc nhiều phần chồng chéo nhau trong khu vực. Căng thẳng trong tranh chấp tăng cao khi Bắc Kinh tiến hành xây lắp đảo nhân tạo còn Washington thì thực hiện tuần tra tự do giao thông trong khu vực.
Bộ trưởng Ng nói: “Chúng tôi sẽ làm việc chi tiết, xem xét các kế hoạch hậu cần và định ra một khu vực thích hợp cho hải quân các nước ASEAN và Trung Quốc thao dượt chung.”
Singapore và Trung Quốc không phải luôn hài lòng nhau trong những tháng qua. Quân đội Singapore đã huấn luyện chung với quân đội của Ðài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh xem là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.
Tháng 11 năm ngoái, đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc đã bắt giữ chín xe bọc thép quân sự của Singapore khi đang trên đường vận chuyển từ Ðài Loan về Singapore. Sự việc đó đã khiến cho căng thẳng bùng lên. Hồng Kông sau đó đã trả cho Singapore các xe quân sự.
Bộ trưởng Ng nói Singapore cũng đưa ra đề nghị “giảm nguy cơ xảy ra xung đột thực sự” bằng cách thiết lập một bộ hướng dẫn xứ lý các tình huống đối đầu không lường trước trên không tiếp theo sau bộ quy tắc ứng xử trong trong những trường hợp đối đầu trên biển đã được ASEAN thông qua.
ASEAN và tám đối tác khu vực, gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand trước đó đã đồng ý thiết lập “kênh thông tin liên lạc trực tiếp” với nhau nhằm hạ giảm bớt căng thẳng. - VOA
|
|
3.
TNS Mỹ: Quan chức Campuchia chớ vào Mỹ nếu không thả lãnh đạo đối lập
Cuộc bầu cử toàn quốc của Campuchia vào năm 2018 sẽ không được coi là "tự do hay công bằng" nếu chính phủ không phóng thích nhà lãnh đạo phe đối lập đang bị cầm tù Kem Sokha trước tháng sau, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz cảnh báo hôm thứ Hai.
Ông Sokha đã bị giam giữ từ tháng 9 vì bị cáo buộc phạm tội phản quốc liên quan tới một video ghi lại bài phát biểu của ông từ năm 2013. Ông bị buộc tội âm mưu với Mỹ nhằm lật đổ chế độ của Thủ tướng Hun Sen.
Trong một bức thư gửi cho Đại sứ Mỹ tại Campuchia, thượng nghị sĩ bang Texas và từng là cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 nói rằng nền dân chủ Campuchia đang bị xói mòn bởi "nỗ lực né tránh sự giải trình trách nhiệm dân chủ" của ông Hun Sen.
"Nếu Kem Sokha vẫn bị cầm tù vào ngày 9 tháng 11, ngày cuối cùng cử tri đăng ký cho các cuộc bầu cử vào tháng 7, thì không có bất kỳ quan sát viên hay quốc gia công tâm nào có thể chứng thực rằng các cuộc bầu cử ở đất nước của quý vị là tự do hay công bằng," ông Cruz nói.
"Nỗ lực nhằm làm xói mòn niềm tin của người dân Campuchia đối với tiến trình dân chủ của họ phải chấm dứt ngay lập tức," ông nói, và nói thêm rằng ông sẽ có các biện pháp với chính quyền Trump để bảo đảm rằng các quan chức hữu trách sẽ bị cấm du hành đến Mỹ.
Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, bác bỏ cảnh báo này và nói rằng phát biểu của ông Cruz là bằng chứng cho thấy ông Kem Sokha "phản bội bằng cách thuyết phục người nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Campuchia."
"Chúng tôi dành ưu tiên cho chủ quyền và sự độc lập của Campuchia. Ra lệnh cho Campuchia thả một người bị buộc tội không được quy định trong luật pháp của Campuchia," ông nói với hãng tin Channel NewsAsia.
"Chúng tôi không chú ý đến phát biểu này. Nó vô giá trị. Chúng tôi ném nó vào thùng rác."
Đảng cầm quyền Campuchia đã thực hiện các bước để buộc đảng đối lập chính của nước này - Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) - giải thể, do những hành động bị cáo buộc của ông Kem Sokha. Các ghế của đảng này trong quốc hội và các vị trí cấp địa phương mà họ giành được trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 sẽ được phân bổ lại cho các đảng khác.
Ngoài ra, nhiều nhà lập pháp cao cấp của CNRP và các nhân vật hàng đầu đã trốn khỏi nước vì sợ bị bắt giữ hoặc sách nhiễu. - VOA
|
|
4.
Myanmar, Bangladesh đồng ý hợp tác hồi hương người tị nạn Rohingya
Myanmar và Bangladesh hôm thứ Ba đồng ý hợp tác về việc hồi hương người tị nạn Rohingya và thực hiện các bước để tăng cường an ninh biên giới trong khi mối quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn căng thẳng vì dòng người tị nạn tiếp tục đổ vào Bangladesh.
Hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi Myanmar kể từ ngày 25 tháng 8, khi các cuộc tấn công của những phần tử nổi dậy người Rohingya khơi ra một phản ứng quân sự ác liệt của quân đội Myanmar mà Liên Hiệp Quốc gọi là thanh lọc sắc tộc.
Tại một cuộc họp ở thủ đô Naypyitaw của Myanmar có sự tham dự của Bộ trưởng Nội vụ Myanmar Kyaw Swe và người tương nhiệm Asaduzzaman Khan của Bangladesh, hai nước đã ký hai thỏa thuận về an ninh và hợp tác biên giới.
Hai bên cũng đồng ý "ngăn chặn dòng cư dân ở Myanmar đổ sang Bangladesh" và "thành lập một nhóm công tác chung," Tin Myint, thư ký thường trực bộ nội vụ Myanmar nói với các phóng viên sau cuộc họp.
"Sau nhóm công tác chung và xác minh, hai nước đã đồng ý sắp xếp các bước khác nhau để những người này có thể trở về quê hương một cách an toàn và được tôn trọng và trong những điều kiện an toàn," Mostafa Kamal Uddin, thư ký bộ nội vụ Bangladesh cho biết.
Hai quan chức không nêu cụ thể các bước mà nhà chức trách sẽ thực hiện cho công tác hồi hương, và cho biết rằng phần lớn các cuộc thảo luận đã được dành cho các thỏa thuận hợp tác về biên giới và an ninh vốn được thương thuyết từ lâu.
Hàng ngàn người tị nạn tiếp tục băng qua sông Naf, ngăn cách bang Rakhine ở miền tây Myanmar và Bangladesh trong những ngày gần đây, dù Myanmar nói rằng các hoạt động quân sự đã chấm dứt vào ngày 5 tháng 9.
Mỹ hôm thứ Hai rằng họ đang xem xét một loạt các hành động tiếp theo liên qua tới sự đối đãi của Myanmar đối với người Hồi giáo Rohingya thiểu số.
Dù hôm thứ Ba các quan chức nói rằng các cuộc hội đàm diễn ra thân thiện, song căng thẳng vẫn còn cao giữa hai nước. Bangladesh tháng trước đã cáo buộc Myanmar liên tục xâm phạm không phận của họ và cảnh báo rằng bất cứ hành động khiêu khích nào cũng có thể đưa tới "hậu quả không đáng có." - VOA
|
|
5.
Donald Trump phá chính sách Đông Nam Á của Barack Obama?
Vào lúc tổng thống Mỹ sắp lên đường công du châu Á với hai điểm hẹn tiêu biểu, hai căn cứ không quân Đà Nẳng và Clark, câu hỏi then chốt được nêu lên là liệu Donald Trump tìm cách phát huy hay sẽ phá bỏ chiến lược Đông Nam Á của người tiền nhiệm ?
Trong hai nhiệm kỳ 8 năm kết thúc vào tháng 01/2017, tổng thống Barack Obama để lại những thành tựu quan trọng trong vùng Đông Nam Á và được kính trọng. Ông đặt khu vực này vào trung tâm điểm của chiến lược « xoay trục » quân sự và dự án mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương TPP mà mục đích là đối đầu với thế thượng phong của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.
Thái độ dấn thân của chính quyền Obama đã trấn an được các nước ASEAN.
Trong lãnh vực nhân quyền, với nỗ lực phối hợp trừng phạt và vận động ngoại giao, Washington đã giúp cho Miến Điện thực hiện tiến trình dân chủ hóa.
Giờ đây, ở Washington, chính quyền kế nhiệm đã bước vào tháng thứ 10. Một trong những lo ngại chính đáng của khu vực là liệu tổng thống Donald Trump có tìm cách phá bỏ di sản chiến lược của tổng thống tiền nhiệm hay không ?
Câu hỏi này được nêu lên cùng lúc trên hai nhật báo lớn ở Đông Nam Á : The Bangkok Post của Thái Lan và The Myanmar Times của Miến Điện. Theo tác giả, Kavi Chongkittavorn, câu trả lời là vừa có vừa không.
Có, bởi vì TPP bị Trump xếp lại. Không, bởi vì trên thực tế, cho đến bây giờ, sau mười tháng cầm quyền, không có dấu hiệu chủ nhân Nhà Trắng lạnh nhạt với một thành viên ASEAN.
Sử dụng tài nghệ giao dịch của một doanh nhân, tổng thống Donald Trump tạo được quan hệ tốt với Singapore, Malaysia, Philippines của Duterte, Thái Lan của Chan-O-Cha, Indonesia và Việt Nam. Đây là những quốc gia có vị trí then chốt cho nền an ninh và quyền lợi của Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Về quân sự, Singapore và Malaysia còn là thành viên trong nhóm « ngũ cường » với Anh, Úc và New Zealand. Bây giờ Washington muốn có thêm hai đối tác chiến lược mới là Việt Nam và Indonesia.
Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ II, vị thế của Mỹ trong khu vực bị Trung Quốc công khai cạnh tranh. Chính quyền Trump ý thức rõ mối nguy này nên cố gắng cân bằng lực lượng. Từ tháng 5/2017, tổng thống Donald Trump tiếp kiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ thủ tướng Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam trong khi phó tổng thống Mike Pence gặp tổng thống Indonesia tại Djakarta. Ngày 23/10, đến lượt thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, lãnh đạo thành viên Đông Nam Á sau cùng kết thúc loạt tiếp xúc của Donald Trump trước khi chủ nhân Nhà Trắng gặp toàn bộ lãnh đạo 10 lãnh đạo ASEAN, nhân Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẳng và sau đó tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Clark, Philippines.
Đối với Philippines, tuy tổng thống Duterte hay « Trump châu Á » có cường điệu với Mỹ, nhưng quan hệ song phương rất vững chắc, hợp tác quốc phòng được tăng cường trong năm 2018.
Ẩn số còn lại là Việt Nam và Miến Điện. Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng năm tại Nhà Trắng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn tăng cường trao đổi thương mại với Mỹ và trong bản tuyên bố chung, hai bên chống lại mọi hành động « quân sự hóa Biển Đông ».
Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, chuyện lý thú là để coi tổng thống Donald Trump xếp Việt Nam vào vị trí nào trong chiến lược toàn diện. Hà Nội đã được chính quyền Obama hủy lệnh cấm vận vũ khí kéo dài suốt 50 năm, nâng Việt Nam lên thành một trong những đối tác chiến lược trong vùng. Riêng đối với Miến Điện, một di sản của Obama vừa bị tấn công: Mỹ ban hành một số biện pháp trừng phạt quân đội Miến Điện, thủ phạm sát hại người Rohingya.
Nhìn chung, vì quyền lợi cốt lõi, Hoa Kỳ tiếp tục xây dựng và củng cố một liên minh trong vùng Đông Nam Á nhưng phải chờ hai cuộc hẹn ở Đà Nẵng và Clark vào đầu tháng 11 để xem tổng thống thứ 45 của Mỹ « tiếp cận » di sản của Barack Obama như thế nào. - RFI
|
|
6.
Chống khủng bố: Ngoại trưởng Mỹ đi Pakistan và Ấn Độ
Hôm qua, 23/10/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bất ngờ tới Afghanistan, trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Nhân dịp này, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ thông báo quân đội Mỹ củng cố và duy trì vô thời hạn sự hiện diện tại nước này. Sau đó, ông Tillerson sang Pakistan và Ấn Độ, để thảo luận về hồ sơ Afghanistan.
Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia Karim Pakzad, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) nhận định rằng Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược ngoại giao trong hồ sơ Afghanistan:
« Kể từ khi tổng thống Donald Trump thông báo chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan, chính quyền Washington gây áp lực với Islamabad và tìm cách yêu cầu New Delhi can dự nhiều hơn vào hồ sơ này.
Để thực hiện chiến lược mới trong khu vực này, Ấn Độ trở thành một đồng minh ưu tiên. Chuyến đi của Rex Tillerson là nhằm triển khai chiến lược đó, tìm cách xích lại gần Ấn Độ hơn và thúc đẩy New Delhi can dự nhiều hơn trong hồ sơ Afghanistan, đồng thời gây áp lực với Pakistan để nước này từ bỏ việc ủng hộ quân Taliban Afghanistan. Rất có thể, Hoa Kỳ sẽ tập trung tấn công các căn cứ của quân Taliban đặt trên lãnh thổ Pakistan”. - RFI
|
|
7.
Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tới Philippines đúng vào lúc Manila trong tuần này mừng chiến thắng chống các chiến binh Hồi giáo tại thành phố Marawi - với sự hỗ trợ thiết yếu của quân đội Hoa Kỳ.
Ông Mattis gặp Tổng thống Rodrigo Duterte hôm thứ Ba 24/10, cùng lúc 5 tàu chiến của Nga neo đậu ngoài khơi Philippines và Moscow đang chuẩn bị chính thức bàn giao hàng ngàn khẩu súng trường, cùng đạn dược và 20 xe tải quân đội trong một buổi lễ vào thứ Tư 25/10.
Nhưng ngay trước khi gặp ông Mattis, ông Duterte đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Ba 24/10. Cũng giống như ông Mattis, ông Shoigu đang dự cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng châu Á ở phía bắc Manila. Ông Shoigu đã ký kết hai thỏa thuận quân sự, gồm việc mua sắm thiết bị quân sư không nêu rõ là gì.
Hôm 25/10, ông Duterte dự kiến thăm tàu chống tàu ngầm của Nga, tàu Đô đốc Pantaleyev, đang cập cảng Manila.
Đại sứ Hoa Kỳ Sung Kim cố tình làm giảm nhẹ các mối quan ngại của Mỹ về việc ông Duterte tiếp cận Trung Quốc và Nga, và lưu ý rằng Hoa Kỳ, cường quốc chủ thuộc địa cũ của Philippines, là đồng minh duy nhất có ký hiệp ước với Philippines, và có nhiều quan hệ sâu sắc hơn với nước này..
Đại sứ Kim nói với các nhà báo tháp tùng Tướng Mattis:
"Tôi thực sự không cảm thấy bị đe dọa về chuyện Trung Quốc hay Nga cung cấp một số thiết bị quân sự cho Philippines."
"Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã cung cấp các thiết bị rất quan trọng cho Philippines. Việc người Trung Quốc và người Nga giờ cung cấp một số súng trường cho Philippines, tôi đảm bảo đây không phải là một lý do để Hoa Kỳ quan tâm."
Trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Philippines, nhà ngoại giao Mỹ đơn cử một sự cải tiến về "lời lẽ và thực chất" trong mối quan hệ song phương trong 10 tháng qua, kể từ khi ông Trump đảm nhận chức vụ tổng thống.
Cùng ngày ông Mattis tới Philippines, Manila tuyên bố kết thúc 5 tháng hoạt động quân sự ở thành phố Marawi phía Nam Philippines, nơi nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân Nhà Nước Hồi giáo, sau một cuộc chiến ác liệt trong nội thành, đánh dấu cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất tại nước này trong nhiều năm qua.
Vào tối thứ Hai, Tư lệnh quân đội Philippines, Tướng Eduardo Ano, nói sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ đã "làm nghiêng thế cân bằng" bởi vì "chúng tôi không nắm bắt rõ tình hình trong những ngày đầu", cho đến khi có thông tin và giúp đánh bại các chiến binh.
Tuy nhiên ngay cả trong chiến thắng ở Marawi, ông Duterte cũng ghi công sự hỗ trợ của Trung Quốc, một đối thủ của Hoa Kỳ.
Ông Duterte nói chính một trong 100 khẩu súng trường bắn tỉa do Trung Quốc gửi tặng đã bắn đi phát đạn đã giết chết Isnilon Hapilon, người tự xưng là “vua” Nhà Nước Hồi giáo tại Đông Nam Á vào ngày 16/10. - VOA
|
|
8.
Dân Thái Lan chuẩn bị dự lễ hỏa táng cố Quốc vương Bhumipol
Hơn 250.000 ngàn thần dân Thái Lan trong tuần này sẽ dự lễ hỏa táng Quốc vương Bhumipol Adulyedaj, nhà vua Thái Lan được nhân dân sùng kính.
Quốc vương Bhumipol, 88 tuổi, băng hà hồi tháng 10 năm ngoái. Cho đến nay đã có gần 13 triệu lượt người đến viếng, nhiều khi họ phải xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ, chỉ để bày tỏ sự tôn kính và vĩnh biệt một nhà vua đã trị vì trong suốt 70 năm. Hoàng tử, và là người thừa kế ngai vàng, Vua Maha Vajiralongkorn, chủ trì các nghi lễ trang trọng, có sự tham dự của các nhà vua và gia đình hoàng gia đến hơn 10 quốc gia, gồm: Anh, Nhật, Bhutan, Lesotho, Thụy Điển và Hà Lan.
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nhiều quan chức quốc tế đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Úc Châu. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ đại diện Hoa Kỳ đến dự lễ hỏa táng. Hoa Kỳ cũng là nơi nhà vua quá cố ra đời vào năm 1927 tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Ông Gavan Butler, một nhà kinh tế chính trị thuộc Đại học Sydney và là cựu giảng viên ở Thái Lan cho biết Vua Bhumipol tiếp tục được nhiều thế thệ tôn kính bằng tình cảm sâu sắc.
Ông Butler nói: "Tôi nghe những người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30 nói về quốc vương Bhumipol như "nhà vua của tôi,” với tất cả lòng kính mến. Họ sẽ rất đau buồn trong lễ hỏa táng."
Các lăng mộ hoàng gia, được gọi là Phra Meru Mas, đã được thợ thủ công Thái Lan xây dựng với kinh phí 90 triệu đôla, cao hơn 50 mét, có nền là ba bậc vuông, mỗi cạnh dài 60 mét.
Khu lăng mộ được trang trí và thiết kế tinh vi, phản ánh các chủ đề tôn giáo gồm cả Ấn Độ giáo và Phật giáo, bệ dưới rộng, trên có mái nhọn, bên trên cùng có gắn một ngọn đuốc.
Lăng mộ chính là nơi lưu giữ tro cốt nhà vua, chậu đựng tro làm bằng gỗ đàn hương.
Lễ hỏa táng chính thức sẽ bắt đầu vào ngày 25/10 và buổi lễ cuối cùng diễn ra vào buổi chiều và tối ngày hôm sau với các sự kiện tiếp tục cho đến hết ngày 29/10.
Lễ hỏa táng kéo dài một tuần lễ đã làm lu mờ các hoạt động khác trên cả nước, ngày 26/10 được tuyên bố là nghỉ lễ chính thức. Trong ngày này, các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, địa điểm giải trí, thị trường tài chính và các tổ chức khác phải đóng cửa. - VOA
|
|
9.
Pháp-Ai Cập: An ninh, thương mại được ưu tiên so với nhân quyền
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi hôm nay 24/10/2017 hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm chính thức ba ngày bắt đầu từ hôm qua. Pháp vốn có quan hệ mật thiết với Ai Cập về thương mại và an ninh, nhưng nhiều tổ chức phi chính phủ kêu gọi tổng thống Macron thẳng thừng nêu ra vấn đề nhân quyền.
Thông tín viên RFI tại Cairo, Alexandre Buccianti cho biết ba hồ sơ chính trị, quân sự và kinh tế là trọng tâm cuộc hội đàm giữa tổng thống Ai Cập Sissi và tổng thống Pháp Macron. Vấn đề nhân quyền cũng được đề cập đến, nhưng cũng như trước đây, sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Paris và Cairo.
« Hồ sơ khủng bố sẽ là ưu tiên, đặc biệt khi Ai Cập vừa phải gánh chịu một loạt các vụ tấn công liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, từng tiến hành nhiều vụ khủng bố tại Pháp. Hai vị tổng thống sẽ bàn bạc về vấn đề Libya, vốn có nguy cơ lại trở thành nơi trú ẩn mới của quân thánh chiến bị truy đuổi khỏi Syria và Irak. Đây là mối đe dọa cho Ai Cập và các nước láng giềng, và cho cả nước Pháp.
Về mặt quân sự, Pháp sẽ tiếp tục giao các loại vũ khí mà Ai Cập đã đặt mua, nhất là chiến đấu cơ Rafale. Nhưng chính về kinh tế mà quan hệ đôi bên có bước tiến lớn. Chỉ riêng cho hệ thống xe điện ngầm ở Cairo, các công ty Pháp đã giành được đến hai tỉ euro hợp đồng. Các trao đổi thương mại cũng tăng 12% trong sáu tháng đầu năm nay. Tổng thống Sissi sẽ gặp gỡ các chủ doanh nghiệp lớn của Pháp để tìm cách khuyến khích họ đầu tư vào Ai Cập. »
Từ năm 2015, Ai Cập đã mua của Pháp 6 tỉ euro vũ khí, trong đó có 24 chiến đấu cơ Rafale, một chiến hạm, hai tàu chở trực thăng Mistral và nhiều hỏa tiễn.
Đối với Pháp, Ai Cập là « nhân tố trung tâm cho sự ổn định khu vực ». Paris hứa sẽ đề cập đến nhân quyền, nhưng các tổ chức Human Rights Watch (HRW), Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Phóng viên Không biên giới (RSF) đòi hỏi cần có những động thái cụ thể.
Abdel Fattah Al Sissi lên nắm quyền từ năm 2013, sau khi lật đổ tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Không chỉ phe Huynh đệ Hồi giáo, mà những người đối lập, báo chí, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự cũng bị trấn áp. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Tăng cường rà soát an ninh các chuyến bay tới Mỹ
Các biện pháp an ninh mới bao gồm rà soát hành khách nghiêm ngặt hơn bắt đầu có hiệu lực ngày 26/10 trên tất cả các chuyến bay tới Mỹ để tuân thủ những quy định của chính phủ thay vì một lệnh cấm tuyệt đối không mang máy laptop lên cabin, các hãng hàng không nói với Reuters.
Các hãng hàng không mà Reuters liên lạc cho biết các biện pháp mới, có thể bao gồm các cuộc phỏng vấn an ninh ngắn với hành khách, tới thứ Năm này sẽ được áp dụng.
Những biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến 325.000 hành khách trên 2.000 chuyến bay thương mại đến Mỹ mỗi ngày, trên 180 hãng hàng không từ 280 sân bay ở 105 quốc gia.
Mỹ công bố các quy định mới vào tháng 6 để chấm dứt những hạn chế về các thiết bị điện tử xách tay lên máy bay xuất phát từ 10 sân bay ở tám nước ở vùng Trung Đông và Bắc Phi để đáp lại các mối đe dọa an ninh không xác định cụ thể.
Những hạn chế này đã được dỡ bỏ vào tháng 7, nhưng chính quyền Trump cho biết họ có thể áp đặt lại các biện pháp này trên cơ sở từng trường hợp nếu các hãng hàng không và các sân bay không tăng cường an ninh.
Các quan chức châu Âu và Mỹ nói với Reuters vào thời điểm đó rằng các hãng hàng không có 120 ngày để tuân thủ các biện pháp này, bao gồm tăng cường kiểm tra rà soát hành khách. Hạn chót cho khoảng thời gian 120 ngày là thứ Năm. Các hãng hàng không có đến cuối tháng 7 để mở rộng việc thử nghiệm phát hiện dấu vết chất nổ.
Nhà chức trách Mỹ vào tháng 6 cũng tăng cường an ninh quanh máy bay và trong các khu vực hành khách, và ở những nơi khác mà hành khách có thể được giới chức Mỹ kiểm tra an ninh trước khi rời đi. - VOA
|
|
11.
Mỹ đình hoãn xét duyệt tị nạn cho công dân từ 11 nước
Chính quyền Mỹ sẽ tạm thời trì hoãn việc giải quyết hồ sơ xin tị nạn của hầu hết ứng viên từ 11 quốc gia được xem là có "nguy cơ cao," theo bản ghi nhớ của các giới chức hàng đầu trong nội các đệ trình Tổng thống Donald Trump.
Bản ghi nhớ được chính quyền Trump cung cấp cho các thành viên bên Quốc hội chiều ngày 24/10 nêu rõ phía hành pháp sẽ "tiến hành đánh giá, phân tích chi tiết về các mối đe dọa" đối với công dân từ 11 nước ‘nguy cơ cao. Trong khi đó, chính quyền sẽ tạm thời ưu tiên cho đơn xin tị nạn của công dân các nước khác.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng tạm thời ngưng chương trình cho phép dân tị nạn đang ở Mỹ xin cho thân nhân của họ từ nước ngoài sang Mỹ đoàn tụ với họ cho tới khi nào có thêm biện pháp an ninh được thực thi trong chương trình này.
Bản ghi nhớ có chữ ký của Ngoại trưởng Rex Tillerson, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke, và Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia, Dan Coats. - VOA
|
|
12.
Tướng Mỹ: ‘vụ bốn lính Mỹ thiệt mạng tại Nigeria cần được điều tra nhanh và chính xác’
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ nói vụ bốn lính Mỹ thiệt mạng tại Nigeria cần được điều tra nhanh chóng và chính xác.
Đại Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford nói chuyện với các phóng viên hôm thứ Hai 23/10 khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cố làm sáng tỏ những chi tiết vẫn còn chưa rõ ràng về những gì đã xảy ra trong một hoạt động quân sự của lực lượng Hoa Kỳ ngày 3/10.
Tướng Joseph Dunford nói:
"Chúng ta đã mất bốn người Mỹ trong sự cố này, và hai người khác bị thương, điều đó làm tôi cảm thấy đau lòng. Chúng ta phải khẩn trương xác định chính xác những gì đã xảy ra, phải tường trình cho gia đình và người dân Mỹ biết chính xác những gì đã xảy ra. Vì vậy, cá nhân tôi không so sánh vụ việc này với bất kỳ sự cố nào khác. Điều quan trọng nhất đối với tôi, ngoài việc tìm hiểu sự thật, là phải xác định những điều mà chúng tôi có thể làm tốt hơn trong tương lai, và đó là trọng tâm của tôi."
Tướng Dunford nói rằng theo các đánh giá ban đầu, các lực lượng Hoa Kỳ đã bị các phiến quân Nhà nước Hồi giáo thuộc bộ tộc địa phương tấn công.
Những nghi vấn khác cần được điều tra kỹ lưỡng bao gồm việc liệu Hoa Kỳ có đủ thông tin và đánh giá chính xác mối đe dọa trong khu vực hay không? - và tại sao phải mất tới hai ngày mới có thể thu hồi thi thể của Trung sĩ La David Johnson?
Hoa Kỳ hiện có gần 1.000 binh sĩ tham gia sứ mệnh do Pháp lãnh đạo để giúp các lực lượng châu Phi đối đầu với Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda ở Tây Phi. - VOA
|
|
13.
Huân chương cho cựu chiến binh Việt Nam tham gia ‘Chiến dịch Đuôi gió’
Tổng thống Donald Trump vừa trao Huân chương danh dự cho một bác sĩ quân đội hồi hưu trong một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc.
Cựu Đại úy quân đội Gary Rose lao vào lằn đạn kẻ thù, để giải cứu và chữa trị vết thương cho hàng chục đồng đội trong một chiến dịch đặc biệt của lực lượng bí mật vào tháng 11/1970 chống lại lực lượng Bắc Việt trong rừng nhiệt đới Hạ Lào gọi là "Chiến dịch Đuôi gió."
Sau buổi lễ, ông Rose cho biết giải thưởng này là huy chương tập thể dành cho tất cả những người tham gia chiến dịch.
Đại úy Gary Rose nói:
"Để tôn vinh tất cả những cá nhân mà bao nhiêu năm nay, quân đội thậm chí không thừa nhận ngay cả sự hiện diện của Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam, Nhóm Nghiên cứu và Quan sát Việt Nam, còn gọi là MACV-SOG, và tất cả những quân nhân đã chiến đấu trong thời gian đó, bây giờ họ kể lại câu chuyện của họ. Giờ đây, với giải thưởng này, tôi tin tưởng rằng họ đã được công nhận vì tinh thần phục vụ tuyệt vời của họ cho đất nước."
Cá nhân Đại úy Rose cũng bị thương trong thời gian đó.
Hành động ghi nhận công trạng đối ông Rose vào thứ Hai 23/10 diễn ra giữa lúc Tổng thống Trump bị liên lụy trong một vụ tranh cãi về một cú điện thoại chia buồn giữa ông và người góa phụ của một trung sĩ bị giết gần đây trong khi làm nhiệm vụ ở Nigeria. - VOA
|
|
14.
Phe Cộng hòa Hạ viện điều tra quyết định của FBI về vụ email của Clinton
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hôm thứ Ba đã khởi động một cuộc điều tra về một trong những nỗi bất mãn chính trị của Tổng thống Donald Trump là cuộc điều tra của FBI nhắm vào những email của bà Hillary Clinton.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Bob Goodlatte và Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Trey Gowdy loan báo một cuộc điều tra nhằm giải quyết “những câu hỏi còn tồn đọng” về việc tại sao cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey lại công khai tiết lộ cuộc điều tra của cục về bà Clinton nhưng không bao giờ tiết lộ cuộc điều tra nhắm vào các cộng sự của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
"Các cuộc điều tra này được khởi xướng trên cơ sở đảng phái, và sẽ không làm sáng tỏ điều gì về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, chúng không có chủ đích như vậy," Dân biểu Adam Schiff, nghị sĩ Đảng Dân chủ hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói hôm thứ Ba trong một thông cáo.
Thay vào đó, ông Schiff nói, "chúng được thiết kế để gây phân tán sự chú ý và theo đuổi mục tiêu mà Tổng thống muốn là công kích Clinton và Obama."
Các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội cũng đang điều tra xem các quan chức trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama có do thám ban vận động tranh cử của ông Trump hay không và liệu Nga có giúp trả tiền cho một hồ sơ về ông Trump được ủy thác thực hiện bởi công ty Fusion GPS, một công ty chuyên truy tìm điểm yếu của ứng viên chính trị, hay không. Cho tới giờ, không có bằng chứng nào củng cố cả hai cáo buộc đó.
Bà Clinton là đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ và đã đối diện với những câu hỏi về cách thức bà xử lý những tài liệu mật sau khi tin tức công khai rằng bà đã sử dụng một máy chủ email cá nhân trong nhà riêng để làm công vụ.
Kể từ khi chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái, ông Trump đã bị đeo bám bởi những câu hỏi về những nỗ lực của Nga nhằm thao túng cuộc bầu cử của Mỹ và liệu bất kỳ cố vấn vận động tranh cử nào của ông, một số người trong đó có liên lạc với các quan chức Nga, có dính líu hay không. - VOA
|
|
15.
Ủy ban Hạ viện điều tra vụ công ty Nga mua uranium của Mỹ
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa của hai ủy ban tại Hạ viện Mỹ đã khởi động một cuộc điều tra vào thứ Ba về vụ một công ty Nga mua một công ty Canada sở hữu khoảng 20 phần trăm uranium của Mỹ vài năm trước.
Các nhà lập pháp Cộng hòa nói rằng họ muốn biết liệu giao dịch này có được FBI hay các cơ quan khác điều tra đầy đủ hay không trước khi nó được phê chuẩn bởi một ban giám sát đầu tư nước ngoài vào các tài sản chiến lược của Mỹ.
Một số nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời bà Hillary Clinton lãnh đạo đã chấp thuận thương vụ này sau khi tổ chức từ thiện của chồng bà nhận được khoản quyên góp trị giá 145 triệu đôla Mỹ, nhưng Bộ Ngoại giao chỉ kiểm soát một ghế trong ban phê chuẩn giao dịch này và báo The New York Times đã đưa tin rằng bà Clinton không tham gia vào quyết định này. - VOA
|
|
16.
Tổng thống Trump ‘cãi cọ’ với Thượng nghị sĩ Corker
Một thượng nghị sĩ cao cấp của Đảng Cộng hòa hôm thứ Ba gọi Tổng thống Donald Trump là "hết sức không trung thực" trong những lời lẽ qua lại trên Twitter trước khi Tổng thống gặp các nhà lập pháp ở Điện Capitol để xây dựng sự đồng thuận cho kế hoạch cải tổ thuế.
Ông Trump đã yêu cầu các nghị sĩ đồng đảng Cộng hòa của ông hiện đang kiểm soát Quốc hội thông qua một gói các khoản cắt giảm thuế, bao gồm giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp trước cuối năm nay, và cuộc họp của ông với các thượng nghị sĩ Cộng hòa vào chiều thứ Ba là nhằm tăng cường sự ủng hộ cho đảng của chính ông.
Nhưng vài giờ trước cuộc họp, ông Trump buông lời xỉ vả một trong những thượng nghị sĩ đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker. Gây mất lòng bất kỳ thành viên nào trong đảng của ông có thể khiến những kế hoạch lập pháp của ông gặp nguy ở Thượng viện vì phe Cộng hòa chỉ nắm quyền kiểm soát với tỉ lệ mong manh 52-48.
"Bob Corker, người không thể thắng cử nổi ở bang Tennessee, giờ đang chống phá những khoản cắt giảm thuế," ông Trump viết trên Twitter sáng thứ Ba.
"Lại những điều sai sự thật từ một tổng thống hết sức không trung thực. #AlertTheDaycareStaff (Báo động cho nhân viên giữ trẻ)," ông Corker phản pháo ông Trump một cách mỉa mai trên Twitter của riêng ông. Ông Corker trước đây từng chế giễu Nhà Trắng là một "trung tâm giữ trẻ."
Ông Corker, người từng nói rằng ông sẽ không vận động tái tranh cử vào năm sau, đã công khai tranh cãi với tổng thống từ mấy tuần qua. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông nói thẳng rằng Tổng thống luôn không trung thực, hạ thấp nước Mỹ và làm suy yếu các mối quan hệ của Mỹ khắp thế giới.
Ông Corker vào tháng 8 nói rằng ông Trump đã "chưa thể chứng tỏ sự ổn định cũng như một số năng lực mà ông ta cần chứng tỏ để thành công."
Ông Corker cảnh báo ông Trump trong một loạt các cuộc phỏng vấn khác trên truyền hình chớ can thiệp vào nỗ lực của Quốc hội chung quyết luật cắt giảm thuế và gọi chuyến thăm các thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện của ông chỉ là "hình thức."
Vụ cãi cọ với ông Corker, cũng như các cuộc cãi cọ trước đó của Tổng thống với các nhà lập pháp khác của Đảng Cộng hòa, càng làm phức tạp thêm nỗ lực của đảng này để ấn định phiên bản cuối cùng của đề xuất thuế, vốn được soạn thảo mà không có sự đóng góp của phe Dân chủ đối lập. - VOA
|
|
17.
GAO: Thay đổi khí hậu làm Mỹ thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm
Một cơ quan thanh tra độc lập của chính phủ Mỹ cho hay vấn đề thay đổi khí hậu đang gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm cho giới trả thuế ở Mỹ, và các phí tổn này sẽ tiếp tục tăng lên vì các trận bão lụt ghê gớm, các trận cháy rừng và khô hạn sẽ ngày càng nhiều hơn trong các thập niên tới đây.
Văn Phòng Thanh Tra Chính Phủ (GAO), trong bản báo cáo đưa ra hôm Thứ Hai, nói rằng chính quyền liên bang chi hơn $350 tỷ trong thập niên vừa qua cho việc trợ giúp nạn nhân thiên tai cùng là chi trả bảo hiểm lụt cũng như bảo hiểm mùa màng.
Con số này không kể tới các thiệt hại lớn lao sau ba trận bão lốc lớn trong năm nay và cháy rừng, dự trù sẽ ở mức nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Báo cáo này cho hay các chi phí trên sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, có thể ở mức $35 tỷ mỗi năm vào năm 2050.
Theo bản báo cáo, chính phủ liên bang hiện không có các chuẩn bị chiến lược ở cấp chính phủ để đương đầu với các rủi ro do thời tiết gây ra, bằng cách dùng các dữ kiện liên quan đến ảnh hưởng kinh tế do thay đổi khí hậu nhằm xác định các nguy cơ và chuẩn bị các biện pháp đối phó của liên bang. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
18.
Mỹ Việt muốn tăng cường quan hệ quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết hợp tác ‘với các đối tác như Việt Nam’.
Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.
"Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN để đảm bảo một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.
"Họ cũng tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải, và nêu bật những tiến bộ kể từ cuộc họp hồi tháng Tám tại Washington.
"Ông Mattis nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ là hợp tác với các đối tác như Việt Nam để thúc đẩy một khu vực hòa bình và ổn định," người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Dana W. White nói trong một thông cáo.
ADMM-Plus được mô tả là nền tảng cho các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề quốc phòng và an ninh chiến lược bao gồm Bắc Hàn, khủng bố và an ninh biển…
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được dẫn lời nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là lĩnh vực để có hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và ASEAN.
Hoa Kỳ đề xuất tổ chức một cuộc tập trận hải quân mới với các đối tác ASEAN năm 2018, cũng như tổ chức một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải với các lực lượng hải quân khu vực và thực thi luật hàng hải.
"Bộ trưởng Mattis khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không, đi lại trên biển và tiến hành hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép," bà White nói.
Được biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm gây áp lực với Bắc Hàn nhằm loại bỏ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược được tại bán đảo Triều Tiên. - BBC
|
|
19.
Vì sao Việt Nam bị EU ‘rút thẻ vàng’ đối với hải sản?
Trong thông cáo báo chí ngày 23/10, Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết đã chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam, nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).
Thông cáo dẫn lời Ủy viên EU phụ trách các vấn đề về Môi trường, Hàng hải và Thủy sản của EU, ông Karmenu Vella, nói:
“Với hành động này ngày hôm nay, chúng tôi thể hiện cam kết mạnh mẽ chống lại tình trạng đánh bắt trái phép trên toàn cầu. Chúng tôi không thể bỏ qua các tác động do hoạt động bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam gây ra đối với hệ sinh thái biển ở Thái Bình Dương. Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến để chúng tôi có thể nhanh chóng đảo ngược quyết định này”.
Theo thông cáo của EU, hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.
EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ - 19 tỷ euro.
“Là nhà nhập khẩu cá lớn nhất thế giới, EU không muốn gặp rắc rối khi nhận các sản phẩm này vào thị trường của mình”, thông cáo nói.
EU cho biết kể từ năm 2012, EU đã có các cuộc đối thoại không chính thức với Việt Nam trước khi đưa ra quyết định rút “thẻ vàng”, nhưng Hà Nội đã không có hành động hiệu quả trong việc thể hiện cam kết chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Ủy viên Karmenu Vella cho biết EU đang hỗ trợ cho Hà Nội về mặt kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này. Việt Nam có 6 tháng để khắc phục tình hình và EU sẽ ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” tùy theo hành động từ phía Việt Nam.
Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp là một phần trong cam kết của EU nhằm đảm bảo sử dụng bền vững biển và tài nguyên đã được nêu trong chương trình nghị sự Quản lý Đại dương Quốc tế của EU.
Hồi cuối tháng trước, tại một hội nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), báo Tuổi Trẻ dẫn lời Trưởng hiệp hội cho biết “thẻ vàng” của EU “thực sự là một thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU, và tiếp theo là ở nhiều thị trường quan trọng khác như Mỹ”. - VOA
|
|
20.
Cựu đại sứ: ‘Việt Nam bị Trung Quốc bao vây chiến lược’
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/10 với An Tôn của VOA rằng Trung Quốc đã và đang có những động thái không khác gì bao vây Việt Nam. Và vì vậy, Việt Nam phải có đối sách.
Là người từng nắm các nhiệm kỳ đại sứ Việt Nam ở 5 quốc gia, Tiến sĩ Trường nêu ra nhận định về những điều Việt Nam có thể làm trong bối cảnh đang hình thành “tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ có mục đích bảo đảm hòa bình, thịnh vượng, tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, còn gọi là vòng cung Ấn-Thái.
VOA: Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuần trước tuyên bố sẽ ưu tiên xây dựng quan hệ đối tác với Ấn Độ hơn là với Trung Quốc trong cả thế kỷ tới, như lời ông nói. Đây có thể coi là sự xoay trục mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ?
Ts. Nguyễn Ngọc Trường: Cái mới ở đây là chính quyền của ông Trump đã xác định một nội hàm quan trọng của chính sách châu Á-Thái Bình Dương, đó là xây dựng, thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, coi như là một trọng tâm của chiến lược đối ngoại của chính quyền mới. Đó là một sự nhấn mạnh rất quan trọng.
Việc ông ấy nói sẽ coi trọng quan hệ với Ấn Độ hơn quan hệ với Trung Quốc đấy là sự nhấn mạnh về tập hợp lực lượng về liên minh, đồng minh và đối tác. Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực vòng cung Ấn-Thái.
Điều đó không có nghĩa là chính sách với Ấn Độ sẽ quan trọng hơn chính sách đối với Trung Quốc. Bởi vì, tôi nghĩ, ở châu Á-TBD, chính sách đối với Trung Quốc vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất.
VOA: Trong diễn văn tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson có nói Mỹ muốn 4 nước chủ chốt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia như những mỏ neo giữ cho khu vực châu Á được hòa bình, ổn định và được thông suốt trên biển ở cả Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương. Đây có phải là bước mới để thu hút Ấn Độ vào một trục mới, một liên minh mới để kiềm chế, kiểm soát Trung Quốc hay không?
Ts. Nguyễn Ngọc Trường: Cái này là sự tiếp tục xu hướng chính sách của Mỹ là xem trọng quan hệ với Ấn Độ. Cái mà phóng viên vừa đề cập chính là “tứ giác kim cương”. Cái đấy đã được đề cập từ thời chính quyền Obama. Nhưng lần này có sự nhấn mạnh mới như thế, đấy là cái điểm rất đáng lưu ý và quan trọng của chính quyền Trump đối với châu Á-TBD.
Trong khi về mặt toàn cầu, Mỹ chưa đưa ra những nét hài hòa, nhưng đối với chính sách châu Á-TBD thì những điểm nhấn ngày càng rõ rệt. Chính sách đối với châu Á-TBD về cơ bản đã định hình những hướng ưu tiên của chính quyền Trump.
VOA: Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần phải hành động, tham gia như thế nào vào tứ giác kim cương đó, hay Việt Nam là ngư ông đắc lợi?
Ts. Nguyễn Ngọc Trường: Có cái gì mà ngư ông đắc lợi. Việt Nam có vị trí địa chiến lược rất quan trọng. Đồng thời, ở nơi này Mỹ có nhiều lợi ích, trong đó có đảm bảo thông thương hàng hải. Và những hoạt động gần đây của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông còn cho thấy Mỹ rất chú trọng đến cuộc đối đầu về tàu ngầm ở dưới lòng Biển Đông. Bởi vì Biển Đông là nơi Trung Quốc ẩn giấu những lực lượng tàu ngầm chiến lược của họ.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy biên giới biển của mình ra khoảng hơn 1.000 cây số về phía nam Biển Đông.
Cái đấy nó đang tạo nên một tình hình phức tạp trong tương quan lực lượng các nước trên Biển Đông. Thế thì Việt Nam phải bình tĩnh, tham gia vào các cái có thể nói là tập hợp lực lượng theo hướng bảo vệ tự do hàng hải và thông qua đó bảo vệ chủ quyền biển và các quyền lợi an ninh biển của Việt Nam.
Việt Nam sẽ không đi với nước này để chống nước kia, cũng không cho nước này sử dụng căn cứ quân sự để chống nước kia. Nhưng Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các đòn bảy chiến lược và chiến thuật mình có để nâng cao năng lực bảo vệ an ninh quốc gia, với những liên kết rất linh hoạt và đa dạng.
VOA: Như vậy Việt Nam vẫn sẽ có những tính toán và những bước đi rất khó khăn để cân bằng giữa các nước lớn và để bảo vệ lợi ích của mình?
Ts. Nguyễn Ngọc Trường: Bây giờ với việc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược ở khu vực này càng ngày càng gay gắt, các nước nhỏ và vừa ở khu vực đều phải có tính toán như thế nào cho phù hợp.
Trước đây, một số nước đi với Mỹ về an ninh, đi với Trung Quốc về kinh tế. Nhưng ngày nay, khi mà Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ trên hết và có những chính sách quay về củng cố bên trong nước Mỹ, thì cái này tác động quá lớn đến tính toán chiến lược và chiến thuật của tất cả các quốc gia ở khu vực Đông Á. Việt Nam cũng nằm trong tình hình chung đó, và rõ ràng là phải tính toán.
Phải nói là với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên với 7 đảo nhân tạo, và sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Campuchia, sự hiện diện ngày càng mạnh ở Lào, thì Trung Quốc đang thực hiện sự bao vây chiến lược đối với Việt Nam.
Trong tình hình đó, Việt Nam phải có những động thái, đối sách thích hợp. Trong đó cân bằng quan hệ với các nước lớn cũng là một phương pháp mà các nước nhỏ và vừa cần phải thực hiện trong điều kiện hiện nay.
VOA: Trong tất cả những diễn biến như vậy, việc Việt Nam tới đây trong năm 2018 sẽ đón tiếp tàu sân bay Mỹ trong một cảng của Việt Nam sẽ có ý nghĩa hay thông điệp thế nào?
Ts. Nguyễn Ngọc Trường: Về phía Mỹ, Mỹ muốn khẳng định sự hiện diện mạnh của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Còn Việt Nam cũng chú ý thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Mỹ đóng vai trò rất quan trọng ở khu vực Đông Á, châu Á-TBD hay vòng cung Ấn-Thái. Cho nên Việt Nam hoan nghênh tàu sân bay của Mỹ vào thăm các cảng biển chiến lược của Việt Nam. Cái đấy là sự phát triển phù hợp với thực tế của tình hình ở trên biển, đồng thời cũng phù hợp với sự phát triển, nâng cao chất lượng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhưng đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng mở các cảng biển chiến lược của mình để đón các tàu có vai trò lớn của các nước khác.
Việt Nam thực hiện không những là đa dạng hóa về chính sách đối ngoại mà cũng đa dạng hóa về các quan hệ an ninh nữa.
VOA: Xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường! - VOA
|
|
21.
HRW đòi VN phóng thích thành viên YSEALI trước APEC
Tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các cáo buộc và phóng thích sinh viên Phan Kim Khánh trước khi diễn ra thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu -Thái Bình Dương (APEC) vào đầu tháng tới.
Trong thông cáo báo chí ngày 24/10, HRW còn yêu cầu các nhà tài trợ và giới lãnh đạo thế giới hãy đòi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị quan trọng này.
“Chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng APEC như một sân khấu cho thấy mọi thứ đều tốt đẹp ở Việt Nam: Kinh tế đang phất lên, con người hạnh phúc, chính quyền có trách nhiệm với người dân… tất cả hình ảnh đẹp mà Việt Nam muốn thuyết phục các lãnh đạo thế giới tin rằng đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, nói với VOA tối 24/10.
Đại diện của HRW nói APEC không chỉ là cơ hội cho chính quyền Việt Nam, mà còn là cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới nhìn vào thành tích nhân quyền của Việt Nam, và không nên để Việt Nam sử dụng sự kiện APEC như một diễn đàn để tuyên truyền và che đậy vấn đề nhân quyền.
Thông cáo của HRW đưa ra một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử sinh viên Phan Kim Khánh vào ngày 25/10.
Phan Kim Khánh là một sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Anh được xem là một “thủ lĩnh sinh viên” năng động, từng tham gia thành lập và điều hành một câu lạc bộ sinh viên trong trường để hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của sinh viên, sau đó trở thành ủy viên ban thư ký của Hội Sinh viên, nhận được nhiều bằng khen từ Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.
Phan Kim Khánh bị bắt hồi tháng 3 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì đã thành lập và điều hành hai trang blog có tên “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Việt Nam”.
Chính quyền Việt Nam nói Phan Kim Khánh “liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác”, trích Thông cáo báo chí của HRW.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế nói những người như Phan Kim Khánh lẽ ra phải được chính quyền Việt Nam “cảm ơn”:
“Điều quan trọng là một sinh viên trẻ hoạt động như thế này lẽ ra không phải đối mặt với án tù chỉ vì có cách nghĩ khác với chính quyền Việt Nam, và nói lên suy nghĩ của mình. Một khía cạnh rất quan trọng của giáo dục là trao đổi thông tin, trao đổi quan điểm và tranh luận, phản biện. Chính quyền nên cảm ơn những người như anh ấy vì đã lên tiếng về những vấn đề họ quan tâm. Thay vì bịt miệng họ, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe, xem xét những vấn đề họ nêu ra, và hành động để giải quyết vấn đề đó”, theo lời ông Robertson.
Cập nhật thông tin về Phan Kim Khánh, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Khánh, cho biết ông vừa có buổi gặp ngắn với Khánh vào chiều 24/10, sức khỏe cũng như tinh thần của Khánh đều “ổn” và “tốt”.
Theo LS. Hà Huy Sơn, cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, về mặt khách quan, khó có đủ cơ sở để kết tội bất cứ ai.
Ông nói: “Tội tuyên truyền chống nhà nước rất mơ hồ. Nếu nói về mặt khách quan thì khó có cơ sở để kết tội một ai đó theo tội này. Nhưng trong thực tế, có nhiều người đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam rồi. Cho nên, có tội nay không có tội thuộc về chủ quan của Hội đồng Xét xử của phiên tòa ngày mai”.
Trong khi đó, Phó Giám đốc châu Á của HRW, ông Phil Robertson, cho rằng lý do “dựa trên luật pháp Việt Nam” mà Hà Nội hay đưa ra trong các vụ bắt giữ, kết án tù người bất đồng chính kiến cần phải được “chỉnh” vào dịp Thượng đỉnh APEC, thông qua các lãnh đạo thế giới đến tham dự hội nghị này.
Ông Robertson nói: “Có một sự phân cách cực lớn giữa luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc tế. Việt Nam vẫn luôn nói rằng ‘chúng tôi dựa trên luật pháp Việt Nam và mọi thứ đều ổn’. Cho nên các lãnh đạo thế giới đến dự APEC cần phải nói ‘Không, điều đó không đúng. Việt Nam có thành tích nhân quyền đặc biệt tệ. Các anh đã bỏ tù rất nhiều người. Hãy phóng thích một số người trước khi chúng tôi tới đó’”.
HRW nói vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhắm vào các blogger và nhà hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức này cho biết trong vòng 12 tháng qua, Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người và cáo buộc họ với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia. - VOA
|
|
22.
Bộ Chính trị VN điều động cán bộ ở Sóc Trăng
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 24/10 nói với Quốc hội rằng Bộ Chính trị đồng ý để ông Phan Văn Sáu thôi giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ để giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Cùng ngày cũng trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu.
Trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin ông Phan Văn Sáu nộp đơn xin thôi nhiệm vụ Tổng Thanh tra vì lý do sức khỏe, gia đình.
Hiện tại, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng là ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong nhiệm kỳ trước.
Nhiều khả năng ông Nguyễn Văn Thể sẽ được điều ra Hà Nội cho chức Bộ trưởng Giao thông.
Điểm khá đặc biệt tại Sóc Trăng hiện nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cũng đang là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh.
Ông Trương Quang Nghĩa đã được Bộ Chính trị thuyên chuyển từ Bộ trưởng Giao thông về làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng sau việc kỷ luật lãnh đạo thành phố này.
Mặc dù Bộ Chính trị đã quyết, nhưng theo quy trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn trình ra Quốc hội xin phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ngày 25/10, Quốc hội Việt Nam chính thức bỏ phiếu và thông qua nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tên nhân sự giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Sau đó, các đoàn Quốc hội sẽ thảo luận về hai nhân vật mới này.
Đến ngày 26/10, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín phê chuẩn nhân sự mới nắm giữ Bộ Giao thông vận tải và Thanh tra Chính phủ. - BBC
|
|
23.
Hoàng Sa nay thành điểm du lịch của dân Trung Quốc
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) vào ngày 23 tháng 10 loan tin dẫn lời của bí thư thành phố Tam Sa, đơn vị quản lý hành chánh khu vực các đảo và vùng nước tại Biển Đông do Trung Quốc lập nên trên đảo Phú Lâm, cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay có 59 đoàn du khách Hoa Lục ra tham quan quần đảo Hoàng Sa.
Phát biểu của vị bí thư thành phố Tam Sa đưa ra bên lề Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh. Con số 59 đoàn du khách đi thăm Hoàng Sa như thế còn được cho biết tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016.
Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39 ngàn người. Mỗi tour bốn ngày- ba đêm đưa du khách đến các đảo Áp Công (Yagong), Toàn Phú (Quanfu) và Ngân Tự (Yinyu). Hai hoạt động dành cho khách tham quan Hoàng Sa là lễ thượng kỳ và xem các tài liệu tuyên truyền về lòng yêu nước.
Ngoài hai hoạt động như vừa nêu là tham dự lễ chào cờ và xem tài liệu tuyên truyền cho lòng ái quốc, du khách Hoa Lục còn được lặn biển, thăm các làng chài địa phương.
Tàu đưa du khách đi Hoàng Sa khởi hành từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam và khi kết thúc tua cũng tại Tam Á, Hải Nam.
Bí thư Thiên Tường của đơn vị hành chánh Tam Sa còn nói rõ tua du lịch Tây Sa ( từ mà Trung Quốc gọi Hoàng Sa) càng ngày càng trở nên phổ biến đối với giới du khách Hoa Lục. Đây cũng là điểm thu hút mới của ‘nền công nghiệp không khói’ tỉnh Hải Nam.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời của một nhân viên lữ hành tại thành phố Tam Á khi chào bán tour đi Hoàng Sa rằng nước ở đó rất sạch mà hiếm nơi nào khác ở Hoa Lục có được. Người này xác nhận năm nay tour đi Hoàng Sa bán chạy hơn năm ngoái. Tuy nhiên, người nhân viên lữ hành này bày tỏ sự lo ngại không rõ về khả năng phát triển thị trường trong năm tới bởi tất cả phụ thuộc vào chính sách của nhà nước Trung Quốc.
Đúng Kế hoạch của Trung Quốc
Chính sách đưa du khách người Hoa Lục đến thăm những đảo do Trung Quốc quản lý tại Biển Đông được giới chuyên gia dự báo trước đây. Theo các nhà quan sát thì chính sách này nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh trong việc độc chiếm Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt Nam, trong một lần nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do trong năm 2017, nhắc lại ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông:
“Có thể thấy rằng Trung Quốc là nước luôn tìm mọi cách để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn, mà chúng ta gọi là đường lưỡi bò. Họ bằng mọi thủ thuật, mọi thủ đoạn đề làm bằng được điều đó.
Như các bạn đều biết không chỉ đối với Việt Nam họ đánh chiếm Hoàng Sa và đánh chiếm một số thực thể tại Trường Sa; mà đối với Philippines họ chiếm quyền kiểm soát tại Bãi cạn Scaborough. Ai cũng biết họ sử dụng mọi thủ thuật, thủ đoạn về quân sự, ngoại giao, gây sức ép về kinh tế…Không chỉ Việt Nam thấy mà ai cũng thấy, thế giới cũng thấy.”
Hợp tác hình thức?
Trung Quốc tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền gần đến 90% tại khu vực có tuyến đường biển quan trọng từ Ấn Độ Dương ở phía nam qua Thái Bình Dương lên đến Bắc Á.
Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế (PCA) ở La Haye ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn. PCA tuyên rằng đường đứt khúc để tuyên bố chủ quyền như thế không có giá trị cả về mặt lịch sử cũng như pháp lý.
Trước thời điểm có phán quyết của PCA về đường đứt khúc 9 đoạn, Bắc Kinh cho gấp rút bồi lấp, cải tạo 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Trên những đảo nhân tạo đó, Bắc Kinh tiến hành xây dựng những cơ sở hạ tầng mà theo hình ảnh vệ tinh ghi nhận được gồm các đường băng, nhà chứa máy bay, các công trình kiên cố…
Thực tế cho thấy Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng những thực thể đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước khác trong khu vực. Điều này được qui định trong Tuyên Bố Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết vào năm 2002.
Vừa tháng 8 qua, ASEAN và Trung Quốc đạt được thống nhất về dự thảo khung Bản Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (COC). Đây là bước từng được đề ra từ khi ký kết DOC và các bên kỳ vọng COC mang tính ràng buộc hơn DOC.
Bấy lâu nay Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông mà thôi; tuy nhiên vấn đề như tiến sĩ Trần Công Trục cho biết thì cả thế giới đều quan tâm và biết rõ nên Trung Quốc gần đây dường như có thay đổi chiến thuật.
Đề nghị hợp tác trong khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông được đưa ra và mới nhất là chuyện diễn tập chung tại khu vực ‘nóng’ này.
Tin tức vào ngày 24 tháng 10 cho biết Trung Quốc và 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới có thể tiến hành diễn tập hải quân chung theo như đề nghị từ Bắc Kinh.
Mặc dù chi tiết cụ thể của hoạt động diễn tập chung như thế chưa được công bố; nhưng giới quan sát đều dự đoán chắc chắn sẽ gồm những hoạt động dẫn đường, phát tín hiệu, cứu hộ- cứu nạn.
Người đứng đầu nhóm chuyên nghiên cứu toàn cầu sự vụ thuộc Đại học Yale-NUS của Singapore, thì nói hoạt động diễn tập hải quân chung Trung Quốc- ASEAN hẳn sẽ đưa vào thi hành Bộ Qui Tắc Ứng xử Trong những trường hợp đối đầu không lường trước trên biển (CUES) mà các bên đạt được vào năm 2014.
Một số nước như Singapore thì cho rằng đó là cách thức để xây dựng lòng tin giữa các bên trong khu vực. Tuy vậy, thực tế cho thấy Trung Quốc đã thành công phần nào trong chiến lược ‘tằm ăn dâu’ của họ tại khu vực Biển Đông, sau khi biến quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể tại Trường Sa là nơi phải có phép của Trung Quốc mới được đặt chân đến. Đơn cử như tua du lịch biển Hoàng Sa chỉ dành riêng cho công dân Hoa Lục mà thôi. - RFA.
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment