Tin Thế Giới
1.
TT Trump: Đừng tốn thời gian đàm phán với Bắc Hàn --- Theo Washington, Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 1/10 cho biết rằng ông đã nói với Ngoại trưởng Rex Tillerson đừng tốn thời gian tìm cách đàm phán với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, người từng bị ông Trump gọi là “gã rocket”.
Reuters dẫn lời ông Trump viết trên Twitter: “Tôi đã nói với Rex Tillerson, Ngoại trưởng tuyệt vời của chúng tôi, rằng ông ấy đang tốn thời gian khi tìm cách đàm phán với Gã Rocket Nhỏ bé”.
Tổng thống Mỹ lên tiếng như vậy một ngày sau khi ông Tillerson tiết lộ rằng Hoa Kỳ đã liên lạc trực tiếp với Bắc Hàn về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, nhưng Bình Nhưỡng không cho thấy sự quan tâm tới đối thoại.
Ông Trump viết thêm: “Hãy để dành năng lượng, Rex, chúng ta sẽ làm điều cần phải làm!”
Theo Reuters, khi được yêu cầu làm rõ về đoạn tweet sáng 1/10 của ông Trump, một quan chức cấp cao của Mỹ đã giảm nhẹ tầm quan trọng của các kênh liên lạc.
"Khi mà Bắc Hàn tiếp tục khiêu khích, tổng thống không nghĩ giờ là lúc để đàm phán với họ", quan chức này nói.
Còn về các kênh ngoại giao hiện còn tồn tại giữa Washington và Bình Nhưỡng, theo Reuters, quan chức này nói rằng chúng nhằm mục đích đưa các công dân Mỹ bị Bắc Hàn bắt giữ trở về Hoa Kỳ an toàn.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 23/9 gia tăng công kích chính quyền Bình Nhưỡng, nhất là lãnh tụ họ Kim, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong Ho nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng việc dùng tên lửa nhắm mục tiêu vào Mỹ là điều không thể tránh khỏi.
Cả tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Hàn gần đây gia tăng những lời lẽ đe dọa và cả sỉ nhục nhau, trong bối cảnh Bình Nhưỡng gấp rút tiến tới mục tiêu phát triển một tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân có thể đánh trúng Hoa Kỳ, một điều ông Trump thề sẽ ngăn chặn.
Trong một tuyên bố trực tiếp chưa có tiền lệ hôm 22/9, ông Kim miêu tả ông Trump là “một lão già Mỹ loạn trí”, mà lãnh tụ Bắc Hàn tuyên bố sẽ dùng lửa để khống chế. - VOA
***
Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết Bắc Triều Tiên dường như không « hào hứng » thương thuyết với Hoa Kỳ về việc giải trừ hạt nhân.
Trong thông cáo công bố ngày 30/09/2017, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Heather Nauert, nói : « Các quan chức Bắc Triều Tiên không cho thấy một dấu hiệu nào có quan tâm đến việc đàm phán về phi hạt nhân hóa ».
Vài giờ trước đó, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, sau cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước giới báo chí, đã khẳng định là Hoa Kỳ từng « thăm dò » ý định của chế độ Kim Jong Un muốn tiến hành thương thuyết về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, thông qua nhiều kênh liên lạc mà Hoa Kỳ có được.
Vẫn theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, cho đến giờ phút này, Washington vẫn chưa nhận được một tín hiệu nào từ Bình Nhưỡng vào lúc căng thẳng leo thang do các cuộc khẩu chiến giữa Donald Trump và Kim Jong Un.
Ông Rex Tillerson nhận định, quốc tế nên tiếp tục gây « áp lực » một cách hòa bình, lên Bình Nhưỡng thông qua việc gia tăng các trừng phạt, đồng thời hợp tác với Bắc Kinh nhằm siết chặt gọng kềm xung quanh chế độ Kim Jong Un.
Washington nhìn nhận là giải pháp quân sự có lẽ sẽ còn làm cho tình hình trên bán đảo thêm phức tạp, đặt người dân Hàn Quốc trong thế hiểm nghèo vì nằm trong tầm nã pháo trả đũa của Bắc Triều Tiên.
Đây cũng là một giải pháp bị Bắc Kinh phản đối quyết liệt ngay từ đầu. Một mặt, Trung Quốc tỏ thiện chí áp dụng «đầy đủ » các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, mặt khác, Bắc Kinh chủ trương « đôi bên cùng tạm ngưng ».
Nghĩa là Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, còn Hàn Quốc và Hoa Kỳ ngừng các chiến dịch tập trận. Một đề xuất mà theo đánh giá của AFP, Hoa Kỳ dường như không muốn đề cập đến. - RFI
|
|
2.
Chủ tịch Trung Quốc coi Tổng thống Trump là 'bạn'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành những lời tốt đẹp và nồng ấm cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, gọi nhà lãnh đạo Mỹ là một người bạn, cũng như nói rằng ông kỳ vọng chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump vào tháng 11 tới sẽ thành công.
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng vì những lời chỉ trích của chính quyền của ông Trump về chính sách thương mại của Trung Quốc cũng như yêu cầu Bắc Kinh phải hành động thêm nữa nhằm khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn, theo Reuters.
Ông Tập và tổng thống Mỹ gặp mặt lần đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump tại Florida hồi tháng Tư. Kể từ đó, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ luôn nêu mối quan hệ cá nhân với ông Tập, kể cả khi lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về thương mại và Bắc Hàn.
Gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 30/9, ông Tập nói rằng ông hài lòng với các cuộc gặp với ông Trump và rằng đôi bên đã nỗ lực đáng kể để thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung.
“Hai chúng tôi cũng đã duy trì mối quan hệ bạn hữu cá nhân và mối quan hệ công việc tốt đẹp”, ông Tập bình luận trước các phóng viên.
“Tôi tin rằng chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Trump là cơ hội quan trọng nhằm phát triển thêm nữa mối quan hệ Mỹ - Trung. Và tôi tin rằng chuyến thăm của ông sẽ đặc biệt, tuyệt vời và thành công”.
Còn Ngoại trưởng Tillerson nói với ông Tập rằng Tổng thống Trump và phu nhân Melania nóng lòng muốn tới Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ nói thêm: “Mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện dựa trên sức mạnh của mối quan hệ giữa ngài và Tổng thống Trump. Và chúng tôi trông chờ thúc đẩy mối quan hệ trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới”.
Trong các bình luận sau đó được Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan báo, ông Tập nói thêm rằng hợp tác là lựa chọn đúng đắn nhất cho hai nước mà mối quan tâm chung có sức nặng lớn hơn các khác biệt.
Reuters dẫn tuyên bố trích lời ông Tập nói rằng hai nước phải “xử lý phù hợp các khác biệt và các vấn đề nhạy cảm thông qua đối thoại và tham vấn, dựa trên nền tảng tôn trọng quyền lợi cốt lõi của nhau và các mối quan tâm quan trọng”.
Lần đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Trump sẽ tới châu Á vào tháng 11 với các chặng dừng chân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, và dự kiến mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn sẽ bao trùm nghị trình. - VOA
|
|
3.
Người Hong Kong biểu tình đòi dân chủ
Hàng nghìn người ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hôm 1/10 đã đổ ra đường phố để biểu tình phản đối điều họ coi là việc chính quyền được Bắc Kinh hậu thuẫn sử dụng tòa án để trấn áp những người có quan điểm trái chiều.
Cuộc tuần hành tại Hong Kong diễn ra cùng ngày Trung Quốc kỷ niệm 68 năm ngày quốc khánh.
Theo AP, những người tham gia mang theo các biểu ngữ kêu gọi phản bác “chính quyền chuyên chế” và yêu cầu người phụ trách về tư pháp của Hong Kong phải từ chức.
Người phản đối cho rằng việc ông này yêu cầu tòa án xem xét lại án tù dành cho ba nhà hoạt động dân chủ đã khiến họ bị tống giam, làm xói mòn pháp quyền của thành phố.
Nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi mặc áo phông đen của những người tổ chức để thể hiện sự hậu thuẫn đối với ba nhà hoạt động trẻ tuổi, trong đó có thủ lĩnh Joshua Wong.
Chính quyền ra tuyên bố nói rằng cơ quan tư pháp đã xử lý mọi trường hợp theo đúng quy định của pháp luật.
“Không có chuyện xem xét tới yếu tố chính trị. Các cáo buộc về tình trạng đàn áp chính trị hoàn toàn vô căn cứ”, thông cáo viết tiếp.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời những người tổ chức đưa tin rằng 40 nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình, trong khi cảnh sát ước tính có hơn 4 nghìn người.
Theo AP, nhiều người Hong Kong cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại tới nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” sau khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. - VOA
|
|
4.
Lính Pháp bắn chết kẻ tấn công ở Marseille
Binh sĩ Pháp hôm 1/10 đã bắn chết một người đàn ông sau khi kẻ này dùng dao giết chết hai người tại ga tàu ở miền nam nước Pháp.
Hãng tin Reuters dẫn lời ba nguồn tin cảnh sát nói rằng nghi can đã hét "Thượng đế vĩ đại nhất" khi thực hiện vụ tấn công.
Hiện chưa có ngay các thông tin chi tiết về vụ này. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và yêu cầu người dân tránh xa.
Một nhân chứng nói với Reuters rằng bà nhìn thấy một người đàn ông rút một con dao từ tay áo rồi đâm một cô bé và một người phụ nữ, hét vang "Thượng đế vĩ đại nhất".
Bà cho biết thêm rằng các binh sĩ đang tuần tra gần đó đổ tới nhà ga Gare Saint-Charles.
Trên Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb cho biết đang tới Marseille sau khi xảy ra vụ tấn công.
Trong khi đó, một nguồn tin tư pháp cho biết rằng công tố viên chống khủng bố của Pháp đã mở cuộc điều tra.
Pháp hiện trong tình trạng báo động sau khi xảy ra một loạt các vụ tấn công do các chiến binh Hồi giáo thực hiện trong vòng hai năm qua, trong đó có các vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm 2015 làm 130 người chết. - VOA
|
|
5.
Hải quân Mỹ tập trận tại Biển Đông
Tình hình khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên không làm Mỹ lơi là Biển Đông. Hôm 30/09/2017, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tiến hành một cuộc tập trận thường lệ trong vùng biển mà Bắc Kinh tranh giành với các láng giềng Đông Nam Á, dưới sự theo dõi của tàu chiến Trung Quốc.
Ngày thứ Bảy vừa qua, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan thuộc hải đội tác chiến chủ chốt của hạm đội 7 cùng với các chiến đấu cơ F-18 tiến hành một cuộc thao dượt thường lệ ở Biển Đông. Và cũng như thường lệ, các động thái của hải đội luôn luôn bị Trung Quốc theo dõi khi từ xa, lúc tiến gần. Theo phó đô đốc Marc Dalton, chỉ huy trưởng hải đội, vào lúc máy bay Mỹ thao dượt, hai chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong tầm nhìn. Trong quá khứ, đôi khi chiến hạm Trung Quốc ở trong tầm ra-đa của USS Ronald Reagan trong nhiều ngày liên tiếp.
Cũng theo nguồn tin này, có lần hàng không mẫu hạm Mỹ yêu cầu chiến hạm Trung Quốc «hộ tống» một đoạn đường khi có «thay đổi quan trọng trong lộ trình».
Tình hình Biển Đông bất ổn định do Bắc Kinh tự cho có chủ quyền trên phần lớn diện tích. Hoa Kỳ và hai đồng minh châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối điều mà các nước này gọi là thái độ của Trung Quốc « khi dễ » hải quân các nước láng giềng. Mỹ đã nhiều lần yêu cầu hải quân Trung Quốc rút khỏi những vùng biển đảo không thuộc chủ quyền.
Cuộc thao dượt của hải đội tác chiến Mỹ tại Biển Đông diễn ra vào lúc Washington và Bình Nhưỡng đang lao vào một cuộc chiến tranh cân não, đe dọa hủy diệt lẫn nhau.
Hãng tin Iran , PressTV.ir, trích dẫn một nguồn tin quân sự Mỹ từ Washington, cho biết là trong hai tuần lễ tới, USS Ronald Reagan có thể sẽ được điều động lên phía bắc để cùng tập dợt ở «mức độ cao» với hải quân Hàn Quốc. - RFI
|
|
6.
Tổng thống Philippines từ chối hợp tác điều tra tham nhũng
Bị cáo buộc « biển thủ công quỹ », tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte ngày 30/09/2017 thông báo không hợp tác với các cơ quan điều tra, đồng thời khẳng định không chịu trách nhiệm trước cơ quan này.
Trong một phát biểu nặng lời, xỉ vả, tổng thống Rodrigo Duterte giận dữ chỉ trích cơ quan điều tra chống tham nhũng là « vô tích sự », những lời cáo buộc là những lời « dối trá », các bằng chứng đưa ra là « tạo dựng », và các nhà điều tra là những kẻ « nói dối như Cuội »…
Tổng thống Philippines đã có thái độ như trên là do hồi tuần trước cơ quan chống tham nhũng thông báo điều tra về những cáo buộc cho rằng ông Duterte cất giấu nhiều tài khoản ngân hàng trị giá ước tính hàng triệu đô la.
Tuy nhiên, phản ứng trên của tổng thống Philippines đã trái ngược hoàn toàn với thông cáo trước đó. Phát ngôn viên phủ tổng thống khẳng định ông Duterte sẽ tuân thủ và tin tưởng vào sự công minh của cơ quan điều tra.
Cuộc điều tra được mở ra theo đơn kiện của nghị sĩ đối lập, Antonio Trillanes, cáo buộc tổng thống Philippines đã biển thủ công quỹ trong suốt hai thập niên làm thị trưởng thành phố Davao, một thành phố lớn ở phía nam Philippines.
AFP nhắc lại ông Rodrigo Duterte, 72 tuổi, được bầu làm tổng thống vào năm 2016 dựa trên một chương trình chống buôn ma túy và tham nhũng triệt để. - RFI
|
|
7.
Catalunya: Cảnh sát Tây Ban Nha can thiệp ngăn bỏ phiếu
Gần 40 người bị thương khi cảnh sát Tây Ban Nha can thiệp ngăn cản cử tri vùng Catalunya tham gia trưng cầu dân ý do chính quyền địa phương, thuộc xu hướng đòi độc lập, tổ chức.
Theo AFP , vào sáng sớm Chủ nhật 01/10/2017, hàng ngàn dân Catalunya xếp hàng chờ bỏ phiếu bất chấp khuyến cáo của chính quyền Tây Ban Nha. Nhiều phòng phiếu đặt ở một số trường học bị cảnh sát bao vây và tịch thu phiếu bầu. Cảnh sát chống bạo động cũng can thiệp, sử dụng lựu đạn gây tiếng nổ lớn để áp đảo tinh thần. Cử tri chống cự lại, bảo vệ phòng phiếu, nhưng không đương cự nổi với lực lượng cảnh sát đông đảo . Theo thông tin từ các bệnh viện, vào trưa nay, ít nhất 38 người bị thương nhưng đa số chỉ bị thương nhẹ.
Chủ tịch vùng tự trị Carles Puigdemont lên án cảnh sát hành động «thô bạo không cần thiết».
Trong khi đó, đại diện của chính quyền trung ương tại Barcelona kêu gọi chấm dứt «trò hề» trưng cầu dân ý.
Sự kiện cảnh sát ngăn chận một cách thô bạo làm các đại biểu dân cử xúc động. Thị trưởng thành phố Barcelona, Ada Colau, kêu gọi thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy từ chức.
Theo thăm dò ý kiến, phe đòi độc lập chiếm số đông áp đảo. - RFI
|
|
8.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa: Kurdistan sẽ phải trả giá vì đòi độc lập
Sau cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập, được tổ chức vào ngày 25/09 vừa qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục đe dọa người Kurdistan Irak là sẽ trả đũa và chỉ trích mạnh mẽ lãnh đạo Kurdistan Irak, ông Massoud Barzani. Hôm qua, 30/09/2017, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa là người Kurdistan sẽ phải trả giá vì đòi độc lập.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm thông tin:
«Thay vì cho thực hiện các đe dọa trừng phạt được nêu ra trong suốt cả tuần qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục lớn tiếng chỉ trích người Kurdistan Irak. Ông cam kết sẽ đánh vào túi tiền của vùng tự trị này, bằng cách đóng cửa biên giới, khóa van ống dẫn dầu, không cho xuất khẩu dầu lửa của vùng này được trung chuyển qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cho rằng đã bị ông Massoud Barzani, chủ tịch vùng Kurdistan Irak đánh lừa, vì trước đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ chủ tịch Kurdistan Irak khi phải đối mặt với Bagdad, bằng cách cấp cho vùng này các khoản tín dụng trị giá hơn một tỷ đô la và đã từng đón tiếp lãnh đạo Kurdistan một cách trọng thị tại phủ tổng thống ở Ankara. Do vậy, hôm qua, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ có một bài diễn văn rất cứng rắn. Ông nói: Chúng ta không ân hận về những gì chúng ta đã làm cho họ trong quá khứ. Giờ đây, do các các điều kiện đã thay đổi, do chính phủ vùng phía bắc Irak mà chúng ta đã liên tục ủng hộ, đã cho tổ chức trưng cầu dân ý bất chấp ý kiến của chúng ta, vậy thì họ sẽ phải trả giá.
Vẫn theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm thứ Hai vừa qua chỉ mở lại một vết thương trong khu vực. Trước đó, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng nêu ra nguy cơ một cuộc chiến tranh sắc tộc và tín ngưỡng.
Ông Erdogan cũng gợi ý là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại can thiệp vào Irak, nhất là để bảo vệ người Irak gốc Thổ ở Kirkouk. Tỉnh nàycó trong phạm vi cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, cho dù nằm ở ngoài vùng Kurdistan và để cho người Kurdistan kiểm soát từ năm 2014 khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tấn công". - RFI
|
|
9.
Hàng chục ngàn người Hồng Kông biểu tình phản đối Trung Quốc
Hàng chục ngàn người dân Hồng Kông hôm Chủ Nhật xuống đường biểu tình để “phản đối chế độ độc tài” và đòi hỏi giới chức tư pháp cao cấp nhất của đặc khu này phải từ chức do ra lệnh bắt giữ thành phần trẻ tranh đấu đòi tự do dân chủ.
Cuộc biểu tình này được tổ chức hàng năm nhân ngày Quốc Khách 1 Tháng Mười của Trung Quốc, diễn ra vào lúc ngày càng có nhiều người dân Hồng Kông lo ngại rằng vùng đất này nay mất dần sự độc lập về tư pháp, không như đã từng hứa hẹn giữa chính phủ Anh và Trung Quốc khi ký kết thỏa thuận trao trả, theo bản tin hãng thông tấn Reuters.
“Nếu không có dân chủ thì làm sao chúng ta có pháp quyền,” đám đông hô lớn khi họ tuần hành dưới cơn mưa, ngang tòa nhà hành chánh đặc khu.
Ban tổ chức cho hay có khoảng 40,000 người tham dự cuộc tuần hành.
Nhiều người bày tỏ sự bất bình trước việc Bộ Trưởng Tư Pháp Hồng Kông, Rimsky Yuen, người ra lệnh bắt giữ và truy tố ba nhà tranh đấu trẻ là Joshua Wong, Nathan Law và Alex Chow, cho rằng người này là nhân vật chính trong nỗ lực phá hủy độc lập tư pháp của Hồng Kông, cũng theo Reuters. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Google điều tra nội bộ về ảnh hưởng Nga trong bầu cử 2016
Công ty Google mới đây đã khởi sự cuộc điều tra nội bộ để xem là các quảng cáo hay dịch vụ của họ được thành phần xuất xứ từ Nga sử dụng để ảnh hưởng đến cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ hay không.
Google, một công ty trực thuộc công ty Alphabet Inc., đã mở cuộc điều tra nội bộ rộng lớn và đang thảo luận với các giới chức quốc hội đang xem xét các nỗ lực của Nga nhằm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm ngoái, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.
Công ty dự trù sẽ công bố các kết luận có được sau khi hoàn tất cuộc điều tra.
Google nói rằng “chúng tôi sẽ hợp tác với các cuộc điều tra của quốc hội cũng như cơ quan công lực; chúng tôi sẽ cung cấp các tin tức cần thiết,” bản tin UPI cho hay.
Mới đây, Facebook cho hay các trương mục với các dữ kiện giả, có xuất xứ từ Nga, đã được dùng để mua khoảng 3,000 quảng cáo kể từ giữa năm 2015, chú trọng vào việc “làm tăng sự chia rẽ xã hội và chính trị.”
Twitter cũng cho hay thấy hơn 200 trương mục được dùng để đưa ra các tuyên truyền từ Nga, gồm cả 22 trương mục có liên hệ tới 450 trương mục cá nhân giả trên Facebook. - nguoiviet
|
|
11.
Mỹ: Rex Tillerson, sự cô đơn của vị tổng giám đốc đi làm ngoại giao
Những cuộc tiếp xúc song phương liên tục, những cuộc họp cấp bộ với cùng nhịp độ…Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ ngày 18 đến 22/09/2017 bắt đầu khám phá nhịp sống thường nhật tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Một tuần lễ hết sức bận rộn, nhưng vẫn không thể thoát được một từ ghép được lan truyền tại Washington từ mùa hè này: «Rexit» - tức sự ra đi được cho là không thể tránh khỏi của cựu tổng giám đốc tập đoàn dầu lửa ExxonMobil.
Một sự ra đi như thế, nhanh chóng diễn ra sau khi Thượng Viện phê duyệt đề xuất của tổng thống Donald Trump, sẽ là sự kiện chưa có tiền lệ, kể từ sau vụ ngoại trưởng Alexander Haig từ chức năm 1982 do bất đồng với chính quyền Reagan, một năm rưỡi sau khi nhậm chức. Những người tiền nhiệm gần đây của ông Tillerson đã làm việc ít nhất trọn một nhiệm kỳ.
Họ có những phẩm chất mà ngoại trưởng đương nhiệm không có được. Hoặc tầm vóc của một chính khách từng là ứng cử viên tổng thống, như bà Hillary Clinton (2009-2013) và ông John Kerry (2013-2017). Hoặc là người thân cận với tổng thống, như ông James Baker (1989-1993) hay bà Condoleezza Rice (2005-2009), lần lượt là ngoại trưởng dưới thời ông Bush cha và Bush con. Hoặc là chuyên gia về đối ngoại như ông Warren Christopher (1993-1997) và bà Madeleine Albright (1997-2001) thời Bill Clinton.
Sự nghiệp của ông Rex Tillerson không hề giống những cựu ngoại trưởng trước đây : không tham gia làm chính trị ở mức độ quan trọng, không hề biết công việc của chính quyền liên bang hay Quốc Hội. Hơn nữa, tên của ông chỉ được nêu lên rất muộn màng trong lúc thành lập nội các.
Trước ông, là những cái tên khác. Đó là Rudy Giuliani, cựu đô trưởng New York, đã theo ông Trump ngay từ đầu chiến dịch. Là Mitt Romney, người từng đả kích dữ dội nhà tỉ phú địa ốc, nhưng thất bại trong vòng sơ bộ. Hoặc David Petraeus, vị tướng nổi tiếng và là cựu giám đốc CIA; hay Bob Corker, thượng nghị sĩ Cộng Hòa ở Tennessee, chủ tịch ủy ban đối ngoại nhiều ảnh hưởng của Thượng Viện.
Tên ông Tillerson được những nhân vật uy tín thuộc phe bảo thủ đề nghị với tổng thống tân cử : bà Condoleezza Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Bob Gates. Nhanh chóng được phe đối lập cũng như những người ủng hộ xếp vào nhóm những «người lớn» trong chính quyền Trump, ông Tillerson tuy vậy vẫn luôn gặp phải những khó khăn, đôi khi do chính bản thân ông.
Bị cô lập trong chính phủ
Trước chuyến đi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc, hồi mùa hè đã xảy ra tranh cãi về số lượng phái đoàn Mỹ, mà ngoại trưởng Tillerson muốn giảm xuống, trong ý hướng cải cách cơ quan đồ sộ này. Ông Tillerson với kinh nghiệm quản trị một tập đoàn đa quốc gia, đã hăng hái lao vào nhiệm vụ này và huy động các cơ quan tư vấn. Nhiều nhà ngoại giao Mỹ giấu tên không đặt lại vấn đề là trong những năm gần đây đã có Một nhà ngoại giao nói: «Người ta làm tăng thêm mức độ quan liêu với việc đặt ra các chức đặc phái viên và đại sứ phụ trách những hồ sơ chuyên biệt, không chỉ trong nhiệm kỳ của bà Hillary Clinton mà cả ông John Kerry. Ông Tillerson cố gắng phản ánh quan điểm của Donald Trump, nhất là ông Trump vẫn chỉ trích nạn quan liêu và quan tâm đến hiệu quả ».
Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên đảng Cộng Hòa cũng không giấu sự coi thường ngành ngoại giao, chỉ trích sự thủ cựu của bộ Ngoại Giao – theo ông.
Những người đả kích ông Tillerson dữ dội nhất, trong đó có Daniel Drezner, giáo sư chính trị quốc tế ở Fletcher School of Law and Diplomacy của Tufts University (Medford, Massachusetts), phản đối sự chọn lựa ấy. Theo họ, Tillerson tập trung nỗ lực vào một nhiệm vụ không phù hợp, thường là của cấp phó. Họ cũng nghi ngờ khả năng áp đặt được những thay đổi triệt để, do cấu trúc của cơ quan này dựa trên một sự phân bổ địa lý rất khó sửa đổi.
Stewart Patrick, chuyên gia về quản trị thuộc cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations nhận định: «Rex Tillerson coi bộ Ngoại Giao như một công ty đang gặp khó khăn cần phải vực dậy, phải tái cấu trúc. Tuy nhiên ngoại giao không phải là business như những ngành kinh doanh khác, nó đòi hỏi sự kế tục. Cần liên tục là tiếng nói của Nhà nước, nhắc nhở lại các quan điểm, nếu không sẽ là một dạng đơn phương giải giáp của Mỹ».
Nhận xét này được nhiều nhà ngoại giao nước ngoài chia sẻ trên một số phương diện. Họ khó tiếp xúc được ở cấp cao vì những chức vụ chiến lược vẫn chưa có người phụ trách. Tương đối cô độc trong chính quyền, ông Tillerson còn đụng chạm với Quốc Hội, vốn không mấy thuyết phục về quan điểm kinh tế và không ủng hộ ý muốn cắt giảm ngân sách của ngành ngoại giao, tuy đây là yêu cầu của ông Trump. Ngoại trưởng Tillerson còn mất khá nhiều thời gian để tránh né báo chí, thay vì thông qua báo chí nói lên tiếng nói của mình.
Chưa hề biết đến ngoại giao, Rex Tillerson cố thích ứng kinh nghiệm doanh nhân vào thực tiễn của ngành. Stewart Patrick nhận xét: «Đó là một sai lầm. Sự tiếp xúc tay đôi, dấu ấn trên quan hệ cá nhân là điều tốt nếu bạn là ông chủ thực sự, nhưng trong trường hợp ngành ngoại giao Hoa Kỳ thì không», so với trọng lượng của Nhà Trắng. «Thế nên bạn gánh lấy nguy cơ phóng đại quyền lực của mình, mà không qua mắt được người đối diện».
Một thời gian dài không có được cánh tay mặt
Bản thân vị ngoại trưởng cũng nhìn nhận trước các nhà báo, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi hồi tháng Bảy, là ông đã nỗ lực hết mình để hòa giải giữa Qatar và láng giềng Ả Rập Xê Út, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, nhưng không thành công. «Chức vụ ngoại trưởng rất khác với chức tổng giám đốc ExxonMobil. Hồi đó tôi là người quyết định, nên mọi chuyện dễ dàng hơn» - Tillerson giải thích với giọng có phần nuối tiếc.
Richard Sokoksky, cựu viên chức cao cấp bộ Ngoại Giao, nay làm việc cho Carnegie Endowment for International Peace, tỏ ra khoan dung hơn: «Rex Tillerson có vấp phải những sai sót của người mới vào ngành. Nhưng tiếng nói của ông bị yếu đi nhiều do Trump không trao cho ông các phương tiện để trở thành tiếng nói của ngành ngoại giao Mỹ, trong các cơ quan chính phủ cũng như ở nước ngoài».
Trở ngại đầu tiên mà ông Tillerson gặp phải là thành phần trợ lý ngoại trưởng. Ngay từ hồi tháng Giêng, ông không còn thứ trưởng phụ trách quản trị, sau khi Patrick Kennedy – do ông George W.Bush bổ nhiệm và Barack Obama cho tại nhiệm – từ chức. Người thay thế là Eric Ueland, được đề cử vào tháng Sáu, vẫn chưa được Thượng Viện phê chuẩn.
Nhiều tuần lễ liền ngoại trưởng Tillerson không có cánh tay mặt nào trợ giúp, vì ông Trump từ chối Elliott Abrams, một nhà ngoại giao lão luyện được ông Tillerson đề cử, vì ông này từng chỉ trích Donald Trump trong chiến dịch tranh cử. Còn ông John Sullivan được đề cử từ tháng Tư, đến tháng Năm mới được Thượng Viện thông qua.
Stewart Patrick nói: «Nhà Trắng liệu có thực sự muốn bộ Ngoại Giao hoạt động được hay không? Ai cũng biết rằng Stephen Bannon, cựu cố vấn chiến lược của ông Trump đã bị mất chức vào tháng Tám, coi bộ Ngoại Giao Mỹ như một lãnh thổ bị nước ngoài chiếm đóng, đầy những nhân vật chủ trương toàn cầu hóa, mà theo ông ta là xa rời lợi ích của người Mỹ».
Bị bà Nikki Haley lấn át
Ngành ngoại giao vốn không thể có khoảng trống. Việc bộ Ngoại Giao bị yếu đi, đã mở ra cánh cửa cho những định chế cạnh tranh: Lầu Năm Góc, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng – hầu như đã trở thành một bộ Ngoại Giao bis dưới thời ông Obama. Hơn nữa, hôm 15/9 tại Nhà Trắng, trong cuộc họp báo trước khi bước vào phiên họp Đại hội đồng, ông Rex Tillerson cũng không hiện diện bên cạnh bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và tướng H.R.McMaster, cố vấn an ninh quốc gia.
Rất năng nổ về chính trị, bà Haley có được quyền ngồi vào văn phòng tổng thống. Bà nhanh chóng làm quên đi việc không có kinh nghiệm ngoại giao, và ngày nay không còn bị coi là cấp dưới của ông Tillerson mà hầu như bà mới là một ngoại trưởng quyền lực.
Tuy ban đầu bị ngờ vực vì mối quan hệ tốt đẹp với Nga trong thời gian lãnh đạo tập đoàn dầu khí, cựu tổng giám đốc ExxonMobil đã nhanh chóng dập tắt những chỉ trích, qua việc tỏ rõ quan điểm. Nhà cựu ngoại giao trên nhìn nhận: «Những phản ứng của ông Tillerson rất tốt. Mỗi lần ông đều bảo vệ những quan điểm hợp lý nhất, như về hiệp định nguyên tử với Iran, sự đối đầu giữa Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với Qatar, về Bắc Triều Tiên, hiệp định khí hậu Paris hay đối với Nga».
Tuy vậy ngoại trưởng Mỹ thường bị thượng cấp là ông Donald Trump lấn sân, thậm chí nói ngược lại. Hồi tháng Sáu, ông Trump cảnh cáo Syria về việc sử dụng vũ khí hóa học, sau đó ông Tillerson mới biết, trong khi các động thái loại này thường phải phối hợp chặt chẽ với ngành ngoại giao. Trước đó, ông Trump dường như biệt đãi Ả Rập Xê Út trong cuộc đối đầu ở vùng Vịnh, trong khi ông Tillerson công khai bảo vệ quan điểm Washington chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải, không thiên vị bên nào.
Quan hệ giữa tổng thống và ngoại trưởng ban đầu tốt đẹp - có lẽ do bị quyến rũ bởi quá trình thăng tiến của ông Tillerson, đi lên từ chức vụ thấp nhất ở ExxonMobil - đã có dấu hiệu sút giảm. Vị ngoại trưởng nằm trong số những quan chức hiếm hoi trong chính quyền tỏ ra cách biệt hẳn với ông Trump, sau những tuyên bố nhập nhằng của tổng thống về vụ đụng độ tại Charlottesville hồi tháng Tám, giữa hai phe tân quốc xã và chống phân biệt chủng tộc. Một nhà cựu ngoại giao nhận định: «Ông Tillerson nói những điều mình nghĩ, và điều này là cốt yếu trong một cuộc khủng hoảng lớn». Tuy vậy, thử thách lòng tự ái của Donald Trump là khá nguy hiểm – tổng thống ít thích bị chỉ trích.
Thiệt thòi vì sự thiếu nhất quán của Donald Trump
Một phần lớn những khó khăn của ngoại trưởng là hệ quả của tình hình lộn xộn trong những tháng đầu của tân chính phủ. Ông Tillerson bị tách khỏi hồ sơ Israel-Palestine - được giao cho con rể tổng thống, Jared Kushner - trong khi từ trước đến nay vẫn do ngoại trưởng chỉ đạo. Ông cũng bị cô lập trước nhóm các tướng lãnh gồm H.R.McMaster, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và tân chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly ; đồng thời còn phải đối mặt với phong trào dân tộc chủ nghĩa mà ông Bannon là đại diện.
Cuối cùng, ông Tillerson còn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao của ông Trump. Thoạt nhìn thì cả hai cùng chia sẻ quan điểm thực tiễn, và trên diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ một lần nữa đòi hỏi một «chủ nghĩa thực tế dựa trên các nguyên tắc». Tuyên bố này không mấy thuyết phục đối với Stephen Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế của Kennedy School of Government thuộc Havard, bản thân ông là một lý thuyết gia về luồng tư tưởng này.
Giáo sư Walt giải thích: «Những người thực tế luôn cố gắng cải thiện chủ trương liên quan đến quốc gia của chính quyền. Ngược với quan điểm của ông Trump, mục tiêu này thường trở nên dễ dàng hơn với việc hợp tác với các nước khác, chứ hiếm khi qua việc tỏ ra hiếu chiến, tìm kiếm đối đầu. Mỉa mai thay, Donald Trump lại trao cho các địch thủ, nhất là Iran, cơ hội tỏ ra biết điều và chừng mực. Do đó, tất cả những người thực tiễn mà tôi biết được đều nghĩ rằng Trump là một thảm họa».
Không thể loại trừ khả năng vị ngoại trưởng có các hành động tỏ ra gần gũi với định nghĩa của giáo sư Walt, đôi khi cũng chia sẻ kết luận này. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
12.
Việt Nam: Kêu gọi mới về đổi tên Đảng và cải tổ chính trị
Một cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa công bố một 'kiến nghị tâm huyết' trong đó kêu gọi đích danh Tổng bí thư Đảng CSVN ông Nguyễn Phú Trọng ra quyết định 'khép lại quá khứ', 'huy động toàn đảng' và 'dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước' tiến hành 'một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn'.
Kiến nghị do ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu trợ lý của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đề ngày 24/9 và công bố trên truyền thông hôm 27/9/2017 đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay 'lấy lại tên cũ' là đảng Lao động và tuyên bố 'trước quốc dân, đồng bào và quốc tế' quyết định đổi mới thành một 'đảng yêu nước của dân độc và dân chủ'.
Người từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng trong văn bản gồm 42 trang với ba phần lới và bốn phụ lục, cũng đề nghị Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngay sau khi có các tuyên bố cải tổ 'trả lại tự do' cho tất cả tù chính trị 'bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chính trị'.
Đồng thời kiến nghị đề nghị Đảng tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm thực hiện 'hòa giải và đoàn kết dân tộc', tạo ra 'đồng thuận' toàn dân tộc nhằm tiến hành 'thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước'.
Theo bản kiến nghị có tựa đề "Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Một kiến nghị tâm huyết', cuộc cải tổ đảng và cải cách chính trị có ba giai đoạn. Giai đoạn một là đảng tự thay đổi, 'cải cách trước về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động', mà trong đó đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức 'đảng cầm quyền' trong thể chế chính trị 'pháp quyền dân chủ' (coi như không còn 'điều 4' trên thực tế), lấy xã hội dân sự làm 'địa bàn hoạt động chủ yếu' v.v... duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra 'khoảng trống quyền lực'.
Giai đoạn hai theo kiến nghị là lúc 'thực hiện tiếp' những bước cải cách cụ thể 'đã đề ra trên cơ sở 'giữ bộ khung cũ' của toàn hệ thống hành chính sự nghiệp với 'những thay đổi cần thiết' về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự' v.v... và đặc biệt là 'ban hành dự thảo Hiến pháp mới' huy động 'toàn dân tham gia xây dựng', ban hành dự thảo và thông qua luật về 'các đảng phải chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội' nhằm xây dựng thành 'bộ luật chính' về sau làm 'cơ sở pháp lý' cho hoạt động của 'mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội'.
Giai đoạn cuối cùng, theo tác giả kiến nghị Nguyễn Trung là 'thông qua Hiến pháp mới', đồng thời thực hiện tiếp 'mọi bước đi của cải cách' xây dựng hay hoàn thiện 'những luật pháp và thể chế kinh tế' theo Hiến pháp và hệ thông pháp luật mới, trong đó nhấn mạnh 'thước đo nội dung và tiến triển' của cải cách ở giai đoạn này là 'thành tựu phát triển kinh tế' và 'sự ra đời của thể chế chính trị'.
Tham khảo mô hình và đội ngũ chuẩn bị
Theo ông Nguyễn Trung, để tiến hành cuộc cải tổ, cải cách chính trị quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam nên tham khảo một số mô hình, tác giả viết:
"Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
"Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
"Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp."
Kiến nghị cho rằng cần 'chuẩn bị sớm' một chiến lược cải cách để được 'thông qua sớm nhất có thể' tại một đại hội đảng 'toàn quốc bất thường' để sau đó 'triển khai thực hiện', tác giả viết:
"Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bày rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình."
Về hạt nhân nhóm được gọi là 'adhoc' có nhiệm vụ giúp đảng cộng sản 'xây dựng nội dung chiến lược' cải tổ, cải cách, người từng có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao và có 52 năm tuổi đảng, cho hay và đề nghị:
"Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên BCHTƯ Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa: Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách."
Lãnh đạo đổi mới và cải tổ đa đảng
Trong một văn bản được trình bày công phu 'không kém gì' một báo cáo chính trị, bản kiến nghị gồm 42 trang của tác giả Nguyễn Trung đề cập rất nhiều vấn đề, ý tưởng, được xắp sếp khá dày đặc, có luồng lạch, lôgíc, mang tính hệ thống, đặc biệt trong đó, ông dành một thời lượng nhất định đề cập hai nội dung giúp trả lời câu hỏi ai sẽ là hạt nhân, lãnh đạo cuộc đổi mới được gọi là 'cuộc đổi đời của đất nước' và nên cải tổ chính trị, đặc biệt là tái cấu trúc nền chính trị đảng phái mà hiện nay là 'độc đảng, toàn trị' cụ thể như thế nào.
Nhưng trước hết, về 'cái đích phải tới' của cải tổ, cải cách, bản kiến nghị có đoạn viết: "Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ "bình" hay sửa "bình". Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
"Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái "bình" hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng - phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang."
Theo kiến nghị, cuộc 'cải cách đổi đời đất nước' mang tầm vóc và nội dung quan trọng, 'bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước', làm nhiệm vụ 'thay đổi triệt để toàn bộ' hệ thống chính trị - nhà nước của quốc gia hiện có.
Về vai trò của chủ thể hay hạt nhân lãnh đạo cuộc cải tổ, cải cách quan trọng ấy, trong khi và mặc dù viết rằng 'cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân' với một nhấn mạnh 'trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước', tác giả bản kiến nghị nêu rõ quan điểm của mình:
"So sánh tương quan các lực lượng chính trị - kinh tế - xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là ĐCSVN đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi!"
Về tái cấu trúc, cải tổ hệ thống chính trị trong đó có hệ thống đảng phái từ độc đảng cầm quyền sang 'đa đảng tham chính', Nguyễn Trung nhấn mạnh và lưu ý: "Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước VNDCCH - đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội - song phải là hai đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.
"Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu: thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ một viện duy nhất là quốc hội; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử).
"Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ hay hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế."
Trân trọng đề nghị Tổng bí thư
Sau khi tóm lược nét chính yếu của cải cách được cho là gồm năm nội dung lớn, gồm thứ nhất cải cách chính trị sao cho nước Việt Nam là của người Việt Nam, theo đúng tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với các tiêu chí được nhấn mạnh là dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thứ hai lấy kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự làm ba trụ cột, thứ ba xây dựng thể chế chính trị là một nhà nước pháp quyền dân chủ, rạch ròi tam quyền phân định, thứ tư là bảo đảm các quyền công dân, quyền con người phổ quát giúp mang lại 'động lực cải cách' và thứ năm là nhấn mạnh toàn bộ đảng phái chính trị, hiệp hội phải hoạt đ trong khuôn khổ xã hội dân sự, hiến pháp và pháp luật, tác giả Nguyễn Trung viết trong phần kết luận kiến nghị:
"Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
"Tới đây tôi trân trọng đề nghị: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước!
"Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong hay ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi!
"Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước - đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước - hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!"
Bản kiến nghị của tác giả Nguyễn Trung được công bố chỉ vài tuần trước Hội nghị Trung ương 6 của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam được dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017.
Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".
Trong tuyên bố hôm 02/9/2017, Giáo sư Tương Lai viết "Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian."
Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 04/12/2013, một thời gian trước khi qua đời.
Liên quan bản kiến nghị hôm 24/9/2017 của Nguyễn Trung, được biết vài năm trước đây, tác giả kiến nghị cũng đã có tên trong một bức Thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, trong đó những người chấp bút và ký tên đã kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng CSVN 'đổi tên đảng và tên nước'.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một cuộc Tọa đàm của BBC bình luận về kiến nghị của ông Nguyễn Trung. - BBC
|
|
13.
Việt Nam ‘hết sức coi trọng’ quan hệ với Trung Quốc
“Tứ trụ” của Việt Nam đã gửi điện mừng tới lãnh đạo Trung Quốc nhân quốc khánh lần thứ 68 của quốc gia láng giềng, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác “toàn diện” với Bắc Kinh.
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 1/10 đăng “điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ngoài việc, “chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong 68 năm qua”, các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam còn “chúc Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp” và “bày tỏ tin tưởng” vào “sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân”.
Điện mừng được Tân Hoa Xã đăng lại còn “khẳng định đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác thực chất, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới”.
Giới quan sát cho rằng mối quan hệ từng được coi là “môi hở, răng lạnh” giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang ở trong “giai đoạn sóng gió nhất” trong nhiều năm, nhất là chuyện có tin Trung Quốc “đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính [ở Trường Sa]”, buộc Hà Nội “phải ngưng hoạt động của công ty Repsol của Tây Ban Nha tại đó”.
Phía Bắc Kinh được cho là đang tìm cách “xoa dịu” Việt Nam trước Đại hội Đảng 19 ở Trung Quốc, sau khi một phái đoàn quân sự nước này do Phó Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương Phạm Trường Long dẫn đầu tháng trước đã tham dự một cuộc giao lưu trên biên giới với Việt Nam, trong đó hai bên nhất trí duy trì ổn định biên giới và thúc đẩy quan hệ song phương, theo Tân Hoa Xã.
Tướng Phạm là người từng bất ngờ cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Sáu mà giới quan sát cho rằng do đôi bên bất đồng về dự án thăm dò dầu khí của công ty Tây Ban Nha Repsol với Việt Nam. - VOA
|
|
14.
Hy Lạp chặn người Việt tìm đường vào châu Âu
Cảnh sát Hy Lạp bắt giữ 8 kẻ buôn người tìm cách đưa 38 di dân, trong đó có người Việt, vào châu Âu qua đường biên giới trên bộ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin AP đưa tin rằng tất cả các vụ bắt giữ đã được tiến hành trong bốn vụ riêng rẽ hôm 29/9 ở miền bắc Hy Lạp.
Nhóm di dân lớn nhất, 10 người Việt, hai người Iraq, hai người Pakistan, được hai người Moldova và một người Romania đưa lậu vào EU.
Họ bị nhét vào một chiếc ôtô, trong khi hai kẻ buôn người khác lái một chiếc khác để làm nhiệm vụ kiểm tra các chốt kiểm tra của cảnh sát.
Tin cho hay, 10 người Syria và Somalia, được một người Bulgaria lái xe, cho cảnh sát biết rằng họ đã phải trả gần 3 nghìn đôla cho hành trình đi chui vào Trung Âu.
Bảy người Iraq, năm người Afghanistan và hai người Pakistan khác cũng được những kẻ buôn lậu đưa vào châu Âu.
AP dẫn lời cảnh sát Hy Lạp nói rằng các vụ việc tương tự như vậy xảy ra gần như hàng ngày. - VOA
|
|
15.
Thanh Hóa: Vụ ‘vợ bé bí thư tỉnh’ làm lộ 55 trường hợp bổ nhiệm sai trái
Từ việc kiểm tra sai phạm trong việc tuyển dụng bà Trần Vũ Quỳnh Anh, người được cho là “vợ bé” bí thư Tỉnh Ủy Thanh Hóa, ủy ban kiểm tra tỉnh này đã phát hiện thêm 54 trường hợp “bổ nhiệm thừa, sai trái” khác.
Hôm 1 Tháng Mười, Báo Người Lao Động loan tin, sau 6 tháng tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ “sai phạm trong việc bổ nhiệm ‘thần tốc’ bà Trần Vũ Quỳnh Anh, trưởng phòng Quản Lý Nhà và Thị Trường Bất Động Sản,” Ủy Ban kiểm Tra Tỉnh Ủy Thanh Hóa đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong bổ nhiệm lãnh đạo tại Sở Xây Dựng.
Theo đó, tại thông báo về kết quả kiểm tra ngày 19 Tháng Chín của Ủy Ban kiểm Tra Tỉnh Ủy Thanh Hóa “xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên có liên quan tại Sở Xây Dựng Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015, tính đến thời điểm ngày 31 Tháng Mười Hai, 2015, Sở này bổ nhiệm thừa 6 phó trưởng phòng chuyên môn, bổ nhiệm 4 trưởng phòng, phó trưởng phòng khi đã quá tuổi bổ nhiệm so với quy định; bổ nhiệm 45 trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn.
Trong số 55 trường hợp bổ nhiệm trái quy định trên, có bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm chức vụ trên khi chưa đủ tiêu chuẩn về “trình độ trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và thời gian công tác ở lĩnh vực được phân công phụ trách về chuyên môn, nghiệp vụ.”
Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Thanh Hóa chỉ rõ trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm trên thuộc về ông Ngô Văn Tuấn, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, nguyên giám đốc Sở Xây Dựng giai đoạn 2010-2015 và các thuộc cấp cùng thời.
Từ những sai phạm trên, tại cuộc họp Ban Chấp Hành Đảng Bộ Tỉnh Thanh Hóa ngày 29 Tháng Chín, cơ quan này đã quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Tuấn; kỷ luật khai trừ đảng bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản; khiển trách ông Trần Xuân Hoàn, chánh văn phòng Sở Xây Dựng và ông Lê Bá Hải, bí thư chi bộ, trưởng phòng Quản Lý Nhà và Thị Trường Bất Động Sản, Sở Xây Dựng.
Theo dư luận tại Việt Nam, ban đầu bà Trần Vũ Quỳnh Anh chỉ là chân chạy vặt tại Sở Xây Dựng Thanh Hóa, nhưng nhờ vào nhan sắc đã lọt vào tầm mắt của ông Ngô Văn Tuấn, giám đốc Sở Xây Dựng vào thời kỳ đó. Về sau, để phục vụ cho mục đích thăng tiến của mình, ông Tuấn đã “nhường” bà Quỳnh Anh cho ông Trịnh Văn Chiến, bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Kết quả, ông Tuấn trở thành phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, còn ông Chiến có với “vợ bé” Quỳnh Anh hai người con. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment