Monday, September 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 4/9

Tin Thế Giới

1.
Thượng đỉnh BRICS: Đóng góp khiêm tốn của Trung Quốc

Khai mạc thượng đỉnh nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy tại Hạ Môn (Xiamen), chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đẩy mạnh tự do mậu dịch và thông báo đầu tư thêm 80 triệu đô la cho các chương trình hợp tác của nhóm BRICS. Giới quan sát coi đây là một sự đóng góp quá nhỏ so với kế hoạch Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21.

Theo hãng tin Reuters, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên 04/09/2017 tại Hạ Môn với nguyên thủ bốn nước còn lại gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đóng góp 500 triệu nhân dân tệ, tương đương với 76,4 triệu đô la vào kế hoạch hợp tác kinh tế và kỹ thuật của khối BRICS. Ngoài ra Trung Quốc sẽ tài trợ 4 triệu đô la cho dự án thành lập Ngân Hàng Phát Triển Mới (NDB).

Khoản đầu tư trên 80 triệu đô la này, không thấm vào đâu so với con số 124 tỷ đô la đã được lãnh đạo Trung Quốc thông báo hồi tháng 5/2017, nhân thượng đỉnh Bắc Kinh, quy tụ 29 nước tham gia sáng kiến "Một Vành Đai, Một Con Đường".

Trong diễn văn gần 45 phút ngày hôm qua 03/09/2017, ông Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh tự do mậu dịch. Bắc Kinh quan niệm, một nền kinh tế mở rộng là chìa khóa đem lại thịnh vượng chung. Trung Quốc đưa ra lập trường như trên vào lúc tại Mỹ đang xét lại các thỏa thuận tự do mậu dịch với các đối tác thương mại chính. Tổng thống Trump đắc cử với khẩu hiệu "America First" và Nhà Trắng thiên về một chính sách bảo hộ.

Trong cương vị chủ nhà, lãnh đạo Trung Quốc có ý định mở rộng nhóm BRICS đến nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy khác. Thái Lan, Mêhicô, Ai Cập … được mời đến Hạ Môn với tư cách quan sát viên. Trong lúc tổng thống Trump đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch NAFTA với hai đối tác Bắc Mỹ là Canada và Mêhicô, ông Tập Cận Bình tiếp đón trọng thể tổng thống Mêhicô Enrique Pena Nieto với hai hồ sơ chính là thương mại và đầu tư. - RFI
|
|

2.
Hàn Quốc tập trận bắn tên lửa trả đũa vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân

Theo thông báo của bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, hôm nay, 04/09/2017, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận bắn tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa, với giả định tấn công vào khu vực phía đông bắc Bắc Triều Tiên, nơi mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch, ngày hôm qua.

Cuộc tập trận chỉ do quân đội Hàn Quốc tiến hành. Các hoạt động luyện tập khác với quân đội Mỹ cũng đang được chuẩn bị.

Đồng thời, Seoul thông báo sẽ tạm thời cho triển khai thêm 4 hệ thống bắn chặn tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, tổng thống Moon Jae In, vốn ủng hộ đối thoại với Bắc Triều Tiên, lần này, cũng cho rằng cần phải có những đáp trả về quân sự trước các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên.

Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias gửi về bài tường trình :

« Hàn Quốc biểu dương sức mạnh qua việc giả định một cuộc tấn công cơ sở thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, với việc bắn tên lửa đạn đạo và cho các oanh tạc cơ xuất kích.

Thế nhưng, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng nhắc lại rằng ông vẫn tìm kiếm một giải pháp đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Tại Seoul, người ta không nhận thấy sự hoảng sợ vì người dân Hàn Quốc đã quen với các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Nghệ sĩ Cho Ji Eun nói : Tôi không lo ngại. Điều làm tôi lo ngại không phải là quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên, mà là mối quan hệ với những cường quốc khác ở xung quanh bán đảo Triều Tiên. Từ 10 năm nay, hồ sơ Bắc Triều Tiên đã được thảo luận với những nước khác, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, trong khi bản thân người dân Triều Tiên lại không được tham khảo và đây thực sự là có vấn đề. Chúng tôi không thực sự cảm thấy bị Bắc Triều Tiên đe dọa.

Ngược lại, người dân Hàn Quốc ngày càng cảm thấy căng thẳng trước những tuyên bố gay gắt của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguyên thủ Hoa Kỳ, thông qua các tweet, lúc thì nói đối thoại, lúc thì nói tấn công quân sự. Chính thái độ khó lường của Mỹ, đồng minh lớn của Hàn Quốc, gây ra nhiều lo lắng". - RFI
|
|

3.
Bắc Hàn ‘có thể phóng thêm tên lửa’ --- Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về Bắc Hàn --- Bất chấp LHQ, Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam?

Hàn Quốc hôm 4/9 cho biết rằng nước này đã trao đổi với Mỹ về khả năng triển khai hàng không mẫu hạm và máy bay nem bom chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, sau khi có dấu hiệu cho thấy rằng Bắc Hàn có thể phóng thêm tên lửa sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu và cũng là lớn nhất.

Các quan chức nói rằng hoạt động quanh các địa điểm phóng tên lửa cho thấy rằng Bắc Hàn có kế hoạch thực hiện thêm các vụ thử tên lửa.

Ông Hang Kyoung-soo, Thứ trưởng tạm quyền của Hàn Quốc phụ trách về chính sách quốc phòng, được Reuters trích lời nói trước một cuộc điều trần trước quốc hội hôm 4/9: “Chúng tôi tiếp tục thấy các dấu hiệu về khả năng phóng các tên lửa đạn đạo. Chúng tôi dự báo Bắc Hàn có thể phóng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

Quân đội Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận có sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa không đối đất tầm xa hôm 4/9, sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn một ngày trước đó, theo Reuters.

Ngoài các cuộc diễn tập, theo ông Jang, Hàn Quốc cũng “sẽ hợp tác với Hoa Kỳ và mưu tìm việc triển khai các khí tài chiến lược như hàng không mẫu hạm và các máy bay ném bom chiến lược”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết sẽ triển khai bốn bệ phóng còn lại của hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, sau khi chính phủ hoàn tất việc đánh giá về môi trường.

Bắc Hàn hôm 3/9 tuyên bố đã phóng thử thành công bom nhiệt hạch có thể được gắn trên tên lửa tầm xa, khiến Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo phản ứng quân sự “rầm rộ” từ Mỹ nếu nước này hay các đồng minh của mình bị đe dọa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.

Theo Reuters, Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối ngày 4/9 để thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với quốc gia bị cô lập.

Ông Mattis cho biết rằng Tổng thống Donald Trump cũng đã yêu cầu được thông báo về tất cả các giải pháp quân sự hiện có. - VOA

***
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 4/9 tổ chức phiên họp khẩn, một ngày sau khi Bắc Hàn tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lớn.

Phát biểu tại cuộc họp, theo Reuters, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Lưu Kết Nhất, thúc giục Bắc Hàn “chấm dứt các hành động sai trái”.

Ông đồng thời kêu gọi tất cả các bên “nghiêm túc cân nhắc” đề xuất của Bắc Kinh về việc cùng ngưng chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng và các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.

Trong khi đó, đại diện của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ công bố một nghị quyết mới về Bắc Hàn trong tuần này và muốn đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an vào tuần tới.

Đại sứ Haley cũng thúc giục Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp mạnh nhất có thể nhằm chặn đứng Bắc Hàn tiến hành các bước đi tiếp theo trong chương trình hạt nhân của nước này.

Bà nói thêm rằng Washington tuần này sẽ thương thảo về nghị quyết mới, và cho rằng Bắc Hàn “đã tát vào mặt tất cả mọi người” bằng vụ thử hạt nhân.

Bắc Hàn hôm 3/9 tuyên bố đã phóng thử thành công bom nhiệt hạch có thể được gắn trên tên lửa tầm xa, khiến Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo phản ứng quân sự “rầm rộ” từ Mỹ nếu nước này hay các đồng minh của mình bị đe dọa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.

Còn đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia, kêu gọi Hội đồng Bảo an “ngay lập tức trở lại đối thoại và đàm phán”, đồng thời cảnh báo rằng “các giải pháp quân sự không thể giải quyết được vấn đề”.

Lần đầu tiên sau vụ thử nghiệm này, Tổng thống Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 4/9 đã điện đàm để bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, theo AP.

Một ngày trước đó, ông Trump viết trên Twitter: “Hàn Quốc đang thấy, như tôi từng nói với họ, rằng đối thoại mang tính xoa dịu với Bắc Hàn sẽ không hiệu quả. Họ [Bắc Hàn] chỉ hiểu đúng một điều!” ông Trump viết tiếp, nhưng không nói rõ điều đó là gì”.

Tổng thống Nga và Hàn Quốc hôm 4/9 cũng đã điện đàm, và cùng mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng. - VOA

***
Bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Bắc Hàn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng cấm sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay, một phúc trình cho hay.

Kyodo News dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tiết lộ như vậy từ tháng trước, nhưng thông tin này mới nổi lên sau khi Hoa Kỳ tuyên bố cân nhắc trừng phạt bất kỳ nước nào làm ăn với Bình Nhưỡng, tiếp sau việc Bắc Hàn thực hiện vụ thử hạt nhân.

Hãng tin Nhật trích phúc trình viết rằng “sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, Bình Nhưỡng đã chuyển hướng xuất than sang các nước thành viên [LHQ] khác là Malaysia và Việt Nam”.

Ngoài Kyodo News, kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc cũng đưa tin về hành động bất chấp LHQ của Bắc Hàn.

Theo báo cáo, được tổng hợp bởi một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi, viết rằng “việc thực thi lỏng lẻo” các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như “các kỹ thuật ‘lách’” của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của LHQ là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Phúc trình này cũng nhắc tới vụ sát hại người anh em cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un ở Malaysia đầu năm nay mà hai nữ nghi phạm Indonesia và Việt Nam bị cáo buộc có dính líu.

Đầu tháng trước, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản.

Tới tối 4/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi về thông tin Bắc Hàn xuất than sang nước mình.

Cùng ngày, phát biểu tại một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, đại sứ Mỹ Nikki Haley dường như dường như đã củng cố thêm các tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Tổng thống Donald Trump về việc có thể trừng phạt các nước làm ăn với Bắc Hàn.

Kênh truyền hình ABC trích lời bà nói: "Hoa Kỳ sẽ xem xét mọi quốc gia làm ăn với Bắc Hàn và coi đó là việc viện trợ các kế hoạch hạt nhân nguy hiểm và liều lĩnh của họ [Bắc Hàn]”. - VOA
|
|

4.
Mỹ cảnh báo dùng mọi phương tiện, kể cả nguyên tử, bảo vệ lãnh thổ và đồng minh --- Nga chỉ trích phản ứng của Mỹ về Bắc Hàn

Hôm qua, 03/09/2017, ngay sau khi Bắc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã họp với tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Phát biểu với báo chí, ông Mattis cảnh cáo Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ có nhiều giải pháp quân sự và tổng thống Trump muốn được thông báo về những giải pháp này.

Sau đó vài giờ, Nhà Trắng ra thông cáo về nội dung cuộc điện đàm giữa tổng thống Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, theo đó, nguyên thủ Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết bảo vệ đất nước, lãnh thổ và các đồng minh bằng cách sử dụng toàn bộ các khả năng ngoại giao, phương tiện quân sự truyền thống và cả nguyên tử.

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier nhận định:

"Mùa hè vừa qua, khi thể hiện thái độ cứng rắn, Donald Trump đã hy vọng kìm hãm được Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, Bình Nhưỡng vẫn cứ tiếp tục, do vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ bị rơi vào tình thế khó xử bởi chính những lời đe dọa của ông.

Vậy tổng thống Mỹ còn có những giải pháp nào nữa ? Do các biện pháp trừng phạt tỏ ra không hiệu quả, tổng thống Mỹ cảnh báo là ông rất có thể cắt đứt các quan thương mại với tất cả những quốc gia làm ăn với Bắc Triều Tiên, trong đó có Trung Quốc, đối tác thương mại chủ chốt.

Vậy tổng thống Trump có sẵn sàng lao vào một cuộc xung đột quân sự đối đầu với một nước mà từ nay dường như là một cường quốc nguyên tử hay không? Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis không bác bỏ giả thuyết này. Ông nói: mọi mối đe dọa nhắm vào Hoa Kỳ và lãnh thổ Mỹ, kể cả Guam hoặc nhắm vào các đồng minh của Mỹ sẽ phải hứng chịu phản ứng quân sự ồ ạt, hiệu quả và áp đảo. Kim Jong Un phải để ý tới lập trường đồng nhất của toàn bộ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi không tìm cách tiêu diệt một quốc gia, cụ thể là Bắc Triều Tiên, nhưng chúng tôi có rất nhiều giải pháp để làm việc này.

Tuần trước, một tên lửa của Bắc Triều Tiên đã bay qua không phận Nhật Bản, đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ.

Và hôm nay, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp để thảo luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Thái độ của Bình Nhưỡng đương nhiên sẽ bị lên án. Tuy nhiên, kể từ nay, cộng đồng quốc tế cũng cần phải thể hiện lập trường trước những tuyên bố quyết chiến của Hoa Kỳ ».

Vẫn trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, hôm nay, một quan chức bộ Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố trước nghị viện nước này là Bình Nhưỡng dường như đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho những vụ bắn thử tên lửa đạn đạo, thậm chí cả tên lửa liên lục địa. - RFI

***
Moscow hôm 4/9 lên án phản ứng của Mỹ và đồng minh trước vụ thử hạt nhân mới và mạnh mất của Bắc Hàn, và cảnh báo rằng bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng hết sức nguy hiểm.

Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với các phóng viên tại một hội nghị thượng đỉnh của nhóm năm cường quốc mới nổi gọi tắt là BRICS ở Trung Quốc: “Thật rõ rằng trong tình thế hiện nay, bất kỳ bước đi vụng về nào cũng có thể dẫn tới sự bùng nổ, bùng nổ về mặt chính trị, bùng nổ về quân sự, và không chỉ dẫn tới một vụ nổ hạt nhân”.

Việc Bắc Hàn tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch có thể dùng cho tên lửa tầm xa đã khiến cả thế giới lên án, cũng như tuyên bố của Mỹ về phản ứng ứng quân sự “rầm rộ” nếu nước này và các đồng minh bị đe dọa.

Ông Ryabkov nói: “Không nên để cho tình hình leo thang. Những ai thông minh và mạnh hơn nên kiềm chế”.

Washington tuyên bố có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, chính quyền này cũng thảo luận việc mở rộng hợp tác quân sự với Hàn Quốc, vốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, viết tắt THAAD, mà cả Nga và Trung Quốc đều kịch liệt phản đối.

Ông Ryabkov cho rằng việc Washington tính tới chuyện trừng phạt là điều đáng tiếc, và rằng không nước nào có quyền có hành động đơn phương.

Quan chức ngoại giao Nga này nói thêm rằng sự trừng phạt Bắc Hàn trước đây đã tới giới hạn tác động, và rằng những biện pháp mới chỉ làm tổn hại tới nền kinh tế của Bình Nhưỡng chứ không thể ảnh hưởng tới khả năng quân sự của nước này.

Nga và Trung Quốc là số ít các quốc gia có quan hệ kinh tế với quốc gia bị cô lập, và từng nhiều lần kêu gọi bình tĩnh xử lý cuộc khủng hoảng. Cả hai đều bày tỏ quan ngại về việc triển khai THAAD.

Theo Reuters, ông Ryabkov nói rằng “Moscow không coi Bắc Hàn là một mối đe dọa, ít nhất là đối với Nga”. - VOA
|
|

5.
Thử bom nguyên tử: Kim Jong Un "vỗ mặt" Tập Cận Bình ?

Chỉ vài giờ trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, ngày 03/09/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã cho nổ quả bom hạt nhân thứ sáu của mình. Hào quang quốc tế mà lẽ ra ông Tập Cận Bình được hưởng nhờ vai trò chủ nhà cuộc họp lãnh đạo năm nước năng động nhất hành tinh đã lập tức bị dư chấn của vụ thử bom làm lu mờ. Theo giới quan sát, việc chọn thời điểm thử bom không phải là ngẫu nhiên, và đây không phải là lần đầu tiên mà Kim Jong Un ngang nhiên thách thức Tập Cận Bình. Câu hỏi đặt ra là để làm gì ?

Phải nói là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chờ đợi rất nhiều từ hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, tập hợp về thành phố Hạ Môn (Xiamen), miền đông nam Trung Quốc, lãnh đạo 4 thành viên còn lại trong khối là Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, các nước cùng với Trung Quốc được cho là đại diện cho sức vươn lên của nền kinh tế thế giới hiện nay.

Ông Tập Cận Bình hy vọng là sự kiện này, được báo chí quốc tế loan báo rộng rãi, sẽ cho phép phô trương uy lực của Trung Quốc, điểm tô thêm cho uy tín bản thân ông, vài tuần lễ trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà ông muốn tranh thủ để củng cố thêm quyền lực.

Thế nhưng, theo ghi nhận của nhật báo Mỹ New York Times, số đề ngày hôm nay 04/09, ngay sau khi Bình Nhưỡng loan báo vụ thử bom hạt nhân, thông tin về vụ nổ đã lan tỏa trên thế giới, làm cho tin tức về cuộc họp của khối BRICS mờ nhạt ngay lập tức, gây chấn động ngay tại Trung Quốc và khơi dậy nỗi lo ngại về nguy cơ ô nhiễm hạt nhân tại miền đông bắc nước này.

Đối với nhật báo Mỹ The New York Times, trong số đề ngày hôm nay 04/09, rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang cố gắng tạo ra sự bối rối tối đa cho Trung Quốc và đây không phải là lần đầu tiên mà ông Kim Jong Un chọn đúng thời điểm một sự kiện quan trọng tại Trung Quốc để khiêu khích bằng cách phô trương vũ khí của mình. Vào tháng Năm vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã phóng tên lửa đạn đạo vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, tập hợp nhiều lãnh đạo thế giới ở Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, sự trùng hợp giữa các vụ thử vũ khí của Bắc Triều Tiên với các sự kiện trọng đại do ông Tập Cận Bình công khai chủ trì không phải là ngẫu nhiên, mà là nhằm cho thấy là bản thân ông Kim Jong Un, lãnh đạo quốc gia láng giềng nhỏ bé, bị cho là côn đồ, hoàn toàn có thể làm giảm uy quyền và uy tín của ông Tập Cận Bình trong tư cách chủ tịch Trung Quốc.

Một số chuyên gia, trả lời The New York Times, còn khẳng định rằng vụ thử bom hạt nhân mới nhất có thể nhằm gây áp lực trên ông Tập Cận Bình chứ không phải là trên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Peter Hayes, giám đốc của Viện Nautilus, một nhóm nghiên cứu chuyên về Bắc Triều Tiên : « Kim Jong Un biết rõ là Tập Cận Bình có khả năng thực sự ảnh hưởng đến tính toán ở Washington… Ông ta đang gây sức ép lên Trung Quốc để Bắc Kinh nói với Trump: "Hãy đàm phán với Kim Jong Un". »

Theo chuyên gia này, điều mà ông Kim Jong Un mong muốn nhất là nói chuyện được với Washington, với hy vọng đạt được một thỏa thuận cắt giảm quân số Mỹ tại Hàn Quốc và để yên cho Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Và trong tính toán của ông Kim Jong Un, Trung Quốc đủ sức thúc đẩy cho cuộc đàm phán đó xảy ra.

Một câu hỏi khác được đặt ra ông Tập Cận Bình sẽ phản ứng ra sao trước hành vi có thể nói khiêu khích của Kim Jong Un. Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên phải trả giá cho hành động coi thường Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại lớn.

Tuy nhiên, khả năng chủ tịch Trung Quốc đổi thái độ được cho là không nhiều vì lẽ, như The New York Times nhận định, một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân ít nguy hiểm đối với Trung Quốc hơn là việc chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ, bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và đồng minh Hàn Quốc. - RFI
|
|

6.
Vì sao tờ Cambodia Daily bị buộc phải đóng cửa? --- Bị dồn vào chân tường, đối lập Campuchia kêu cứu --- Mỹ lên án ông Hun Sen, Trung Quốc hậu thuẫn

Tờ nhật báo độc lập Cambodia Daily, một trong số ít những tờ báo độc lập ở Cambodia, vừa cảm ơn bạn đọc để rồi đóng cửa vào Thứ Hai 4/9 vì bị chính phủ Hun Sen giáng cho một hoá đơn thuế khổng lồ.

Tờ Cambodia Daily, được xuất bản bằng tiếng Anh và thường đăng các bài chỉ trích chính phủ, cho biết họ phải đóng cửa vì hóa đơn thuế lên tới 6,3 triệu USD.

Hôm Chủ nhật 3/9, lãnh tụ đối lập Kem Sokha bị công an Campuchia bắt vì tội "phản quốc".

Ông bị cáo buộc đã thông đồng với một số người nước ngoài làm hại đất nước.

Trang nhất của số báo cuối cùng, được xuất bản hôm thứ Hai 4/9, có bài mang tựa đề "Dấn sâu vào con đường độc tài" ("Descent Into Outright Dictatorship") trong bối cảnh Thủ tướng Hun Sen tấn công mạnh vào những cá nhân và tổ chức chỉ trích chính phủ, hãng tin Anh Reuters cho hay.

Vụ bắt giữ ông Kem Sokha là một trong số hàng loạt động thái chống lại các phe phái và tổ chức đối lập mà chính phủ của ông Hun Sen coi là quan trọng.

'Vấn đề nhạy cảm'

"Chúng tôi đã là cái gai đối với Hun Sen trong suốt thời gian tờ báo hoạt động. Tờ báo này tự hào là tờ viết về những vấn đề nhức nhối nhất, " Reuters dẫn lời bà Jodie DeJonge, tổng biên tập người Mỹ của tờ Cambodia Daily.

Hoạt động từ 1993, tờ Cambodia Daily chỉ phát hành vài ngàn bản mỗi ngày nhưng có tiếng là tờ báo đưa tin về những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng, lãng phí, các vấn đề về môi trường và quyền đất đai.

Hồi tháng 8, ông Hun Sen, bản thân từng là một chỉ huy của Khmer Đỏ nhưng sau rời bỏ hàng ngũ, và đã nắm quyền hơn 30 năm, gọi nhân viên của tờ Cambodia Daily là "kẻ cắp" và nói nếu hóa đơn thuế này không được trả trong vòng 30 ngày, tờ báo này phải "cuốn gói và ra khỏi Campuchia".

Trong bản thông báo ra hôm Chủ Nhật 3/9 về việc đóng cửa, tờ báo này nói: "Rất có thể có bất đồng giữa cục thuế và những người chủ tờ báo Cambodia Daily về khoản thuế báo này còn nợ và thời điểm phải trả. Nếu theo một quá trình bình thường, những vấn đề bất đồng sẽ được giải quyết sau khi có kiểm toán và thỏa thuận riêng.

Thay vào đó, tờ Cambodia Daily bị nhắm vào với một khoản thuế khổng lồ, với những thông tin vu khống và không chính thức. "

Thủ tướng Hun Sen nói tờ báo này cũng phải trả thuế như bất kỳ doanh nghiệp nào khác.

"Khi họ không trả thuế và chúng tôi yêu cầu họ rời khỏi Cambodia, họ nói chúng tôi là chế độ độc tài," ông Hunsen nói.

Hồi kết của tự do báo chí?

Cho tới thời gian gần đây, Campuchia có mức độ tự do báo chí tương đối cao so với các nước láng giềng như Việt Nam hay nước quân chủ Thái Lan.

"Khi tờ Cambodia Daily bị đóng cửa, điều đó có nghĩa tự do báo chí ở Cambodia đã hết," ông Chhorn Chansy, biên tập tin tức người Campuchia của tờ này nói. Tờ Cambodia Daily có hơn 30 nhà báo, một nửa trong số đó là người nước ngoài.

Chính phủ Campuchia trước đây đã từng đe dọa đóng cửa các hãng truyền thông mà họ cho là đe dọa "ổn định" của nước này.

Ngoài tờ Cambodia Daily, các hãng truyền thông độc lập khác, trong đó có Radio Free Asia và Voice of America cũng được cho là từng bị chính phủ cáo buộc không theo nghĩa vụ trả thuế. Những hãng này thường xuyên đưa tin về những vấn đề làm xấu mặt chính phủ, như tham nhũng và nhân quyền.

Tháng trước 18 đài phát thanh cũng phải ngừng phát sóng và các đài phát thanh địa phương không được phép cho Châu Á Tự do (Radio Free Asia) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) thuê làn sóng và thời lượng.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói bộ này "hết sức quan ngại vì bầu không khí dân chủ đi xuống ở Campuchia" trong những tuần qua.

Nhưng chính phủ Campuchia phủ nhận tầm quan trọng của những vụ việc này và nói rằng những nhà báo chủ chốt vẫn có quyền tự do đáng kể ở nước này. - BBC

***
Một nhân vật đối lập hàng đầu Campuchia hôm 4/9 kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế mở mắt để chứng kiến “nền dân chủ giả hiệu” của Campuchia cũng như gây thêm áp lực lên Thủ tướng Hun Sen, sau khi ông này ra lệnh bắt đối thủ chính Kem Sokha vì tội mưu phản.

Reuters dẫn lời bà Mu Sochua nói rằng phe đối lập đã làm hết sức mình, và sẽ không kêu gọi biểu tình vì phe này đặt niềm tin vào hình thức phản kháng bất bạo động.

Bà nói rằng giờ là lúc thế giới phải cứu giúp đất nước Campuchia, vốn mất nhiều thập kỷ để hồi phục sau thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ.

“Không có hòa bình thật sự. Luôn có nền dân chủ giả hiệu”, bà Mu Sochua, 63 tuổi, một trong ba người phó của ông Kem Sokha trong Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), nói.

Bà nói với Reuters: “Cộng đồng quốc tế sẵn lòng nhắm mắt làm ngơ. Giờ đây, mọi lằn ranh đỏ đã bị vượt qua”.

Lãnh đạo phe đối lập chính của Campuchia, ông Kem Sokha, đã bị bắt và bị cáo buộc “mưu phản” hôm 3/9, trong khi một tờ báo độc lập hàng đầu ở nước này bị buộc phải đóng cửa trong chiến dịch trấn pháp giới bất đồng của chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.

Ông Hun Sen nói rằng ông Kem Sokha đã lập mưu với Mỹ. Cáo buộc của Thủ tướng Campuchia cho thấy sự gia tăng các tuyên bố chống Mỹ, trong bối cảnh Campuchia chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ ông Ken Sokha và hành động nhắm vào truyền thông, đồng thời đặt nghi vấn về khả năng quốc gia Đông Nam Á này có thể tổ chức một cuộc bầu cử công bằng.

Bà Mu Sochua nói rằng đảng đối lập không kêu gọi cắt viện trợ hay hợp tác thương mại với Campuchia, nhưng theo bà, các nhà viện trợ cần phải nói rõ điều họ sẽ làm và thuyết phục ông Hun Sen rằng ông ta không có tính chính danh từ một cuộc bầu cử thiếu công bằng. - VOA

***
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhận được những lời hậu thuẫn của Trung Quốc hôm 4/9, sau khi nhà lãnh đạo Campuchia này bị Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu lên án vì bắt giữ đối thủ chính trị của mình trong chiến dịch trấn áp người bất đồng trước cuộc bầu cử năm sau.

Một ngày sau khi ông Kem Sokha bị bắt, một trong các người phó của ông kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế mở mắt để chứng kiến “nền dân chủ giả hiệu” của Campuchia, cũng như gây thêm áp lực lên Thủ tướng Hun Sen.

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, khi được hỏi về vụ bắt giữ trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc “ủng hộ nỗ lực của chính phủ Campuchia nhằm bảo vệ ổn định và an ninh quốc gia”.

Theo Reuters, các chính trị gia đối lập, các tổ chức nhân quyền và truyền thông độc lập đều chịu sức ép lớn khi cuộc bầu cử cận kề, vốn có thể là thách thức lớn nhất trong chiến dịch duy trì quyền lực hơn ba thập kỷ của ông Hun Sen.

​Là một trong các đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khu vực, ông Hun Sen ngày càng phớt lờ chỉ trích của các nhà tài trợ phương Tây vì sự hỗ trợ của họ giờ không bằng thời kỳ đầu khi ông này mới nắm quyền.

“Chúng ta không thể cho phép người nước ngoài sử dụng người Khmer để giết người Khmer nữa”, ông Hun Sen nói hôm 4/9, nhắc tới nạn diệt chủng Khmer Đỏ đã hủy hoại Campuchia trong những năm 70.

Trong khi đó, ông Kem Sokha hôm 4/9 đã được gặp luật sư trong nhà tù gần biên giới với Việt Nam, cách thủ đô Phnom Penh vài giờ đồng hồ.

Con gái ông, cô Monovithya Kem, lặp lại một đoạn tweet của ông từng viết trước đó rằng “tôi có thể mất tự do, nhưng tự do không bao giờ chết ở Campuchia”. - VOA
|
|

7.
Miến Điện: 87.000 người tị nạn Rohingya tràn qua Bangladesh

Sau 10 ngày bạo động tại miền tây Miến Điện, số lượng người Hồi Giáo Rohingya sang Bangladesh tiếp tục tăng nhanh. Theo văn phòng điều phối của Liên Hiệp Quốc tại Cox's Bazar cho đến sáng ngày 04/09/2017 gần 90.000 người vượt biên sang Bangladesh lánh nạn. Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền Naypyidaw và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyu.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, bạo động bùng lên tại bang Rakhin, miền tây Miến Điện từ hôm 25/08/2017, khoảng 30 đồn cảnh sát bị lực lượng nổi dậy ARSA tấn công nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng thiểu số người Rohingya.

Lực lượng quân đội Miến Điện trả đũa : 400 người thiệt mạng, hầu hết là người Rohingya ; hàng chục ngàn người phải sơ tán. Theo thẩm định Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng 20.000 người kẹt tại biên giới giữa Miến Điện – Bangladesh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại bạo động nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện dẫn tới một "cuộc khủng hoảng nhân đạo".

Vào hôm nay, người trên thực tế đang nắm quyền tại Miến Điện là bà Aung San Suu Kyu, cùng với tướng Min Aung Hlang, lãnh đạo quân đội Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi để tìm một ngõ thoát trên hồ sơ nhậy cảm này.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 người Pakistan, Malala Yousafzai, qua mạng Twitter chỉ trích khôi nguyên Hòa Bình Miến Điện năm 1991, Aung San Suu Kyu, làm ngơ trước thảm cảnh của người Rohingya trên xứ bà. - RFI
|
|

8.
Thủ tướng Đức muốn Liên Hiệp Châu Âu không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ

Một sự thay đổi hoàn toàn về quan điểm của Berlin trong hồ sơ Ankara gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Trong cuộc tranh luận tay đôi trên đài truyền hình ba tuần trước bầu cử Quốc Hội Đức, thủ tướng Merkel bất ngờ tuyên bố muốn chấm dứt đàm phán về thủ tục cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Âu.

Tối ngày 03/09/2017, trong cuộc tranh luận duy nhất trên đài truyền hình với đối lãnh đạo đảng đối lập ông Martin Schulz, thủ tướng Angela Merkel cho biết bà sẽ thảo luận với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu để cùng tìm ra đồng thuận ngưng đàm phán về thủ tục kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Berlin và Ankara xấu đi đáng kể từ đầu năm tới nay. Hiện có tới 12 công dân Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Bruxelles liên tục chỉ trích tổng thống Erdogan đàn áp mọi tiếng nói đối lập, nhất là sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.

Theo giới quan sát, lập trường của bà Merkel gây bất ngờ. Thủ tướng Đức đã đưa ra cùng một quan điểm so với ông Martin Schulz, lãnh đạo đảng đối lập Xã Hội Dân Chủ.

Vào ngày 24/09/2017 cử tri Đức được kêu gọi bầu lại Quốc Hội. Theo các cuộc thăm dò dư luận, bà Merkel, người đứng đầu đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo có khuynh hướng bảo thủ, đang dẫn đầu. Sau 12 năm giữ chức vụ thủ tướng, Angela Merkel được cho là có rất nhiều triển vọng tiếp tục lãnh đạo nước Đức thêm một nhiệm kỳ thứ tư.

Giới phân tích bình luận : trong cuộc tranh luận tay đôi tối hôm qua, đối thủ của bà Merkel, nguyên chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz, đã "không đảo ngược được thế cờ". - RFI
|
|

9.
Nga triệu tập nhà ngoại giao Mỹ phản đối kế hoạch khám xét cơ sở ngoại giao

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ tới Moscow để chính thức phản đối việc Mỹ dự định sẽ khám xét cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập ông Anthony F. Godfrey, phó trưởng sứ bộ của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow về kế hoạch "khám xét bất hợp pháp" nhắm vào một tòa nhà ngoại giao của Nga ở Washington, dự kiến đóng cửa vào ngày thứ Bảy.

Phía Nga gọi vụ khám xét được hoạch định này là "hành động hung hăng chưa từng thấy" và nói rằng chính quyền Mỹ có thể nhân cơ hội này để "gài tang chứng" trong khu nhà của Nga.

Khu nhà này ở Washington là một trong ba cơ sở bị ra lệnh đóng cửa trong khi Mỹ và Nga đã trả đũa ngoại giao qua lại trong mấy tháng qua. Hai tòa nhà ngoại giao khác bị ra lệnh đóng cửa là ở San Francisco và New York.

Ông Godfrey bị triệu tập một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc FBI dự định khám xét lãnh sự quán của họ ở San Francisco, sau khi ra lệnh đóng cửa cơ sở này hôm thứ Năm.

Mỹ chưa nói liệu họ có ý định khám xét một trong hai tòa nhà này hay không.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết vụ khám xét sẽ "tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của các công dân Nga".

Bà Zakharova nói trong một phát biểu hôm thứ Sáu, "các đặc vụ Mỹ định vào ngày 2 tháng 9 sẽ thực hiện một vụ khám xét lãnh sự quán tại San Francisco bao gồm các căn hộ của nhân viên đang sống trong tòa nhà và có quyền miễn trừ ngoại giao."

Trong khi đó, hãng tin AP loan tin nhân viên cứu hỏa đã được gọi đến địa điểm tòa lãnh sự, nhưng không được cho vào, sau khi người ta nhìn thấy khói đen bốc lên từ ống khói. Nhân viên cứu hỏa xác định rằng ngọn lửa được giới hạn trong một lò sưởi ở đâu đó trong tòa nhà.

Người phát ngôn Sở cứu hỏa San Francisco, Mindy Talmadge, nói với các phóng viên rằng bà không biết những người bên trong tòa nhà đang đốt thứ gì trong ngày mà nhiệt độ ngoài trời là khoảng 35 độ C.

Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, khói bốc ra là từ nỗ lực "bảo quản tòa nhà" vào thời điểm mà các quan chức đang chuẩn bị rời đi.

Quyết định đóng cửa tòa nhà ở San Francisco được đưa ra để đáp trả đòi hỏi của Moscow rằng Washington phải cắt giảm nhân viên ngoại giao của mình ở Nga.

"Trong tinh thần đối đẳng mà người Nga khơi ra, chúng tôi đang yêu cầu chính quyền Nga phải đóng cửa Tổng lãnh sự quán của họ tại San Francisco, một tòa nhà biệt sứ phụ cận tại Washington, D.C., và một tòa nhà lãnh sự phụ cận tại Thành phố New York," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong một thông cáo hôm thứ Năm, nói thêm rằng hạn chót đóng cửa là ngày 2 tháng 9. - VOA
|
|

10.
Toyota Mirai, ‘xe xanh’ của tương lai

Toyota Mirai 2017, chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen lỏng (fuel cell vehicle), là một loại nguyên liệu sạch, bởi vì khi phản ứng điện phân với oxy trong không khí, nó tạo ra điện để vận hành động cơ xe, và chất thải duy nhất là nước.

Khi ngồi trước tay lái của Toyota Mirai 2017, tài xế dễ tạm quên đi khía cạnh “bảo vệ môi trường” này, do bị dáng vẻ sang trọng của nó “hớp hồn.”

Chiếc Mirai cũng có kiểu dáng sang trọng tương tự như chiếc Lexus, chủng loại xe cao cấp của Toyota, nhưng có phần mạnh mẽ, cách tân hơn. Bên trong nội thất là ghế da êm ái. Chỗ ngồi rộng rãi, tiện nghi.

Màn hình điều khiển rộng. Bảng thông tin điều khiển nhìn rất tân kỳ. Có cả biểu đồ mô tả vận hành của một chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen: H2 kết hợp với O2 cho ra điện tử e-, tạo dòng điện đưa về bình điện để chạy mô tơ. Thiệt là sống động!

Khi khởi động chiếc Toyota Mirai, nhiều người còn không biết là nó đã nổ máy rồi, vì êm quá! Lý do là vì Mirai xài động cơ điện, không có bộ máy xăng cồng kềnh. Chạy trên đường phố, Mirai cũng có cảm giác êm ái tương tự.

Độ gia tốc rõ ràng là hơn chiếc Toyota Prius khá xa, cho dù chưa thể so sánh với các chiếc xe điện Tesla. Toyota Mirai được trang bị đầy đủ những tính năng hỗ trợ an toàn cho người lái, thí dụ như camera quan sát lúc lùi xe. Khi đổi lane mà quên bật đèn signal, là lập tức có tiếng động và màn hình cảnh báo ngay. Khi tiến quá gần đến xe phía trước, thì cũng sẽ có cảnh báo thắng liền. Có thể nói rằng người lái xe ngày nay đỡ căng thẳng hơn cách đây 10 năm rất nhiều.

Để hình dung rõ hơn về Toyota Mirai, hãy làm thử một so sánh nhanh giữa chiếc Mirai 2017 và chiếc Chevy Bolt 2017 – chiếc xe điện đang là niềm hãnh diện của nền công nghiệp xe hơi nước Mỹ.

Đầu tiên là về giá. Giá MSRP của một chiếc Mirai 2017 là $57,500, cộng thêm $865 phí vận chuyển giao hàng (destination fee). Khách hàng mua Mirai 2017 có thể đủ tiêu chuẩn hưởng khoản khấu trừ thuế liên bang $8,000, và $5,000 tiền rebate từ tiểu bang California. Như vậy, tiền khách hàng thực chi vào khoảng $43,000.

Trong khi chiếc Chevy Bolt 2017 có giá khởi điểm là $37,495, nhưng sau khi đã trừ những khoảng trợ cấp từ chính phủ, giá của Chevy Bolt chỉ còn khoảng $30,000. Như vậy là Chevy Bolt rẻ hơn. Tuy nhiên, Mirai được thiết kế như một chiếc xe cao cấp, còn Chevy Bolt chỉ là hạng trung. Giống như so sánh giữa Lexus và Camry vậy.

Về khoảng cách di chuyển sau một lần nạp năng lượng, Mirai đạt con số 312 dam, trong khi con số này của Chevy Bolt là 238 dặm.

Về thời gian nạp đầy năng lượng, Mirai đổ đầy bình hydrogen chỉ mất khoảng 5 phút. Trong khi Chevy Bolt sạc điện với chế độ nhanh nhất của phải mất gần nửa giờ. Nếu sạc ở chế độ bình thường thì phải tính đến hàng giờ.

Về mức độ gia tốc, Mirai tăng tốc từ 0-60 mph trong chừng 9 giây, trong khi Chevy Bolt chỉ mất 6.5 giây.

Về số lượng trạm để nạp năng lượng, lĩnh vực này thì Chevy Bolt cũng như các loại xe điện khác hơn hẳn. Hiện nay, trên toàn tiểu bang California chỉ có khoảng 30 trạm nạp hydrogen. Trong khi các trạm sạc dành cho xe điện trên toàn nước Mỹ đã đạt tới con số gần 16,000. Có nghĩa là người đi xe điện cảm thấy yên tâm hơn về vấn đề nạp năng lượng. Chưa kể là các chủ xe đều tự nạp điện cho xe tại nhà.

Qua sự so sánh, có thể thấy hai chiếc “xe xanh” này đều có những ưu điểm riêng của nó.

Có người thắc mắc chừng nào thì Toyota Mirai sẽ được nhiều người Việt mình lái như chiếc Toyota Prius? Có vài yếu tố có thể khiến cho điều này chưa xảy ra ngay.

Thứ nhất là giá của Mirai cao hơn khá nhiều so với Prius. Thứ hai là vì kỹ thuật Fuel Cell vẫn còn khá mới mẻ trên thị trường. Thứ ba là vì những trạm nạp hydrogen lỏng còn ít. Nhưng những nhà chế tạo xe chạy hydrogen đều tin rằng hễ số xe bán được nhiều, là lập tức số trạm nạp hydrogen sẽ phát triển theo tương ứng.

Hiện nay, sản xuất Hyrdogen lỏng không có gì khó khăn. Hydrogen là một nguyên tố có rất nhiều trên hành tinh này. Một hợp chất chứa hydrogen quan trọng nhất cho sự sống trên quả đất chính là nước, H2O. Chỉ cần điện phân nước là có hydrogen ngay. Tuy vậy, khoảng 95% nhiên liệu hydrogen hiện nay vẫn được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt. Hiện có ba phương pháp chính để sản xuất hydrogen:

-Sản xuất từ khí tự nhiên Methane (CH4). Khi tiếp xúc với hơi nước và nhiệt khí CH4 sẽ chuyển thành hydrogen H2 và CO2.

-Sản xuất từ than đá. Khi đốt than trong điều kiện nhiệt độ cao có hơi nước sẽ cho ra H2 và khí CO.

-Sản xuất bằng cách điện phân nước, để cho ra H2 và Oxy (O2). So với hai cách trên, cách này có lợi cho môi trường hơn nhiều. Bởi vì những chất tạo thành không làm ô nhiễm môi trường. Hai phương pháp đầu cho ra những khí tương tự như khí thải xe hơi là CO2 và CO. Đặc biệt là khí CO rất độc hại với sức khỏe con người! Hậu quả là xe chạy hydrogen thì sạch, nhưng khí thải ô nhiễm lại xuất hiện ở khu vực nhà máy! Sở dĩ hai phương pháp đầu vẫn được sử dụng phổ biến, đó là vì giá thành sản xuất H2 của nó rẻ hơn tới bốn lần so với phương pháp điện phân!

Cho đến nay, những phương pháp sản xuất hydrogen “sạch” thực sự vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, thí dụ như sử dụng vật liệu sinh học, tái chế; sử dụng phản ứng quang điện phân, phản ứng phân hủy nhiệt…

Có một điều chắc chắn, khuynh hướng sản xuất các loại xe sạch thay thế cho xe xăng truyền thống là một quá trình không thể đảo ngược. Cho dù nước Mỹ có thể bị chậm lại do những chính sách mới của chính phủ Donald Trump, nhưng cả thế giới vẫn đang hướng về những chiếc xe xanh, trong đó có chiếc Toyota Mirai của hãng Toyota. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Nắng nóng gay gắt, cháy rừng dữ dội, bao phủ Miền Tây nước Mỹ

Các trang trại trồng nho phải đổi giờ gặt hái vào buổi tối để mát mẻ hơn và các chuyến xe lửa chở hành khách ra vào thành phố phải chạy chậm lại vì sợ rằng thời tiết nóng nhất trong lịch sử vùng San Francisco Bay Area có thể làm đường rầy bị cong lên, giữa khi khí hậu gay gắt và các đám khói dày đặc vì cháy rừng bao phủ khắp bầu trời vùng miền Tây nước Mỹ.

Tại Los Angeles, một đám cháy rừng ở ngay phía Bắc trung tâm thành phố hôm Thứ Bảy đã nhanh chóng lan rộng và trở thành lớn nhất trong lịch sử thành phố, theo lời Thị Trưởng Eric Garcetti.

Giới chức cứu hỏa cho hay họ hy vọng sẽ ngăn chặn được sự lây lan của ngọn lửa nếu gió không trở nên mạnh mẽ hơn.

Cháy rừng cũng đang tiến vào khu vực có các cây sequoia có độ tuổi vào khoảng 2,700 năm, gần khu Lâm Viên Quốc Gia Yosemite và các đám cháy cũng khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở các tiểu bang Washington, Oregon, Montana, cùng nhiều khu vực khác đang phải đối phó với cơn nắng nóng từ một tuần nay.

Thành phố San Francisco đạt kỷ lục cho nhiệt độ nóng nhất trong ngày, trước giữa trưa, là 94 độ F. Trưa ngày Thứ Bảy, nhiệt độ nơi đây là 101 độ F, còn nóng hơn cả Phoenix.

Hôm Thứ Sáu, nhiệt độ thành phố ven biển này là 106 độ F, còn nóng hơn cả Phoenix ở Arizona và cũng là lần thứ ba kể từ khoảng năm 1870 tới nay mà thành phố liên tiếp có những ngày nhiệt độ lên tới 100 độ hoặc hơn.

Khu vực Bay Area nóng đến nỗi giới chức điều hành hệ thống xe lửa chuyên chở hành khách trong khu vực (BART) phải chậm lại vì sợ rằng đường rầy có thể bị giãn nở, theo lời nữ phát ngôn viên Alicia Trost.

Trong khi đó, tại San Diego, một hiện tượng thời tiết lạ lùng hiếm thấy đã xảy ra khi nhiệt độ bất ngờ lên tới 90 độ F ở trung tâm thành phố lúc rạng sáng hôm Chủ Nhật, do một mảng lớn khí nóng thổi từ sa mạc đến vùng bờ biển.

Hiện tượng này xảy ra là vì tàn dư bão nhiệt đới Lidia làm thay đổi vòng xoay trong bầu khí quyển, đẩy khí nóng từ hướng Đông sang Tây. Gió sau đó đột nhiên đổi chiều lúc 8 giờ sáng và nhiệt độ tại San Diego giảm xuống còn 77 độ.

“Tôi làm việc trong khu vực này từ 17 năm nay và tôi nghĩ điều này trước đây chỉ từng thấy xảy ra có một lần,” theo lời ông Phil Gonsalves, một chuyên gia khí tượng của NWS. - nguoiviet
|
|

12.
Bão Harvey có thể làm hư hại một triệu xe hơi

Bão Harvey có thể làm hư hại nhiều xe hơi hơn bất kỳ thiên tai nào trong lịch sử nước Mỹ.

Báo USA Today dựa theo tài liệu của công ty thông tin về xe cộ Black Book, ước lượng rằng trận bão này có thể làm hư hại đến một triệu chiếc xe ở duyên hải dọc theo vùng Vịnh Texas.

Theo phân tích của Evercore ISI, công ty khảo cứu và cố vấn đầu tư ngân hàng, tại khu vực Houston, cứ mỗi bảy chiếc xe có một chiếc bị hư.

Ông Jonathan Smoke, kinh tế gia của công ty Cox Automotive phỏng tính có khoảng 300,000 đến 500,000 chiếc xe bị hư do bão Harvey và các hãng bảo hiểm dự trù phải chịu đền bù phần lớn những mất mát này.

Tính toán của ông Smoke căn cứ vào thiệt hại do bão gây nên tại khu vực Houston và mức sở hữu xe hơi trong thành phố, so với mức xe bị phế bỏ và mức đòi bảo hiểm bồi thường sau trận siêu bão Sandy ở vùng New York vào năm 2012 và trận bão Katrina ở New Orleans vào năm 2005.

Ngoài ra, theo bà Jessica Caldwell, phân tích gia của trang mạng mua bán xe Edmunds, còn có thêm chừng 366,000 xe mới đậu ở bãi của các đại lý bán xe có lẽ cũng “bị ảnh hưởng,” với khoảng 150,000 đến 200,000 xe du lịch và xe tải nằm ở khu vực bị bão tàn phá nặng nhất.

Black Book nói, có hơn 500 đại lý bán xe ở khu vực Houston bị ảnh hưởng bão, trong đó có 17 địa điểm sở hữu bởi AutoNation, hệ thống đại lý lớn nhất Hoa Kỳ.

Black Book ước tính số xe cần thay mới vào khoảng từ nửa đến một triệu chiếc.

Mức mà người dân làm chủ xe hơi ở Houston cao hơn so với ở New Orleans lúc có bão Katrina và New York lúc bão Sandy.

Tại Houston trung bình cứ mỗi gia đình có 1.8 chiếc xe so với 1.6 chiếc ở New Orleans và 1.3 chiếc ở New York trong thời gian có những thiên tai trước đây.

Cũng theo Cox Automotive, bão Sandy được cho đã tiêu hủy khoảng 250,000 chiếc xe, trong khi 200,000 đối với bão Katrina. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

13.
Có dấu hiệu Đinh La Thăng sắp bị mang ra ‘xử’?

Sau khi mất chức ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, bí thư thành ủy Sài Gòn hồi Tháng Năm, ông Đinh La Thăng hiện đang bị truyền thông “lề trái” dự báo sẽ bị mang ra “xử” vì những sai phạm từ thời còn là chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam), bên cạnh những bê bối của các trạm BOT.

Hôm 1 Tháng Chín, nhà báo Huy Đức trên trang Facebook cá nhân đã dẫn link bài viết về vụ bắt giam ông Ninh Văn Quỳnh, cựu kế toán trưởng, đương kim phó tổng giám đốc PetroVietnam và bình luận: “Cảnh sát điều tra ‘đã vào tới cửa’ nhà anh Đinh La Thăng.”

Truyền thông Việt Nam cho hay, đến nay, ngoài ông Ninh, Bộ Công An Việt Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” tại PetroVietnam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, cựu thành viên Hội Đồng Thành Viên bị cho là “có hành vi cố ý làm trái” gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc tập đoàn này góp vốn điều lệ vào ngân hàng OceanBank.

Trong giai đoạn 2009-2011 ông Thăng làm chủ tịch Hội Đồng Thành Viên PetroVietnam, tập đoàn này có hàng loạt khoản đầu tư thông qua các công ty thành viên, trong đó không ít dự án đến nay thua lỗ lớn, bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm, báo Zing cho hay.

Hồi Tháng Tám, giới quan sát ở Hà Nội cho rằng các vụ việc như trạm thu phí đường bộ BOT tại Tiền Giang và các nơi khác “nhắm vào cựu Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng.”

Từ hai năm trở lại đây đã có thông tin cho rằng, việc xây đường và lập các trạm BOT có nhiều tiêu cực, vấn đề từ thời ông Đinh La Thăng còn làm bộ trưởng.

Hồi Tháng Năm, ông Thăng đột ngột bị mất chức Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn, kỷ luật cảnh cáo và mất chức ủy viên Bộ Chính Trị.

Thời điểm đó, hành động đó được cho là mở đường cho việc điều tra các sai phạm tại PetroVietnam cũng như các vấn đề có thể có tại Bộ Giao Thông Vận Tải thời ông còn là người đứng đầu.

Ông Thăng sau đó được cho là tạm tránh được nguy cơ bị truy tố khi được trao ghế mới là phó ban trong Ban Kinh Tế Trung Ương, cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đảng CSVN.

Từ đó đến nay gần như ông Đinh La Thăng hoàn toàn vằng bóng trên chính trường ở Việt Nam.

Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore được hãng tin AP hồi Tháng Năm dẫn lời mô tả ông Thăng là người “gần gũi với cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.”

“Vì vậy việc cách chức ông Thăng có thể được xem như động thái để xử lý những người theo ông Dũng.”

Ông Hiệp cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam tăng cường chống tham nhũng xảy ra trong các cơ quan thuộc đảng, vốn làm hoen ố uy tín của đảng cũng như gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng cho đất nước.

Thời điểm đó, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng nói việc kỷ luật đối với ông Thăng mới là xử lý vi phạm về mặt đảng, còn về mặt hình sự thì “đang làm.”

Liên quan đến vụ việc, một bài trên tạp chí Forbes hồi Tháng Tám đánh giá việc ông Thăng được đưa về Ban Kinh Tế Trung Ương, nơi có lãnh đạo là ông Nguyễn Văn Bình, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước được xem là “chiếu nghỉ” trước khi đảng CSVN sẽ có bước kỷ luật tiếp theo.

Cũng nhà báo Huy Đức, hồi Tháng Năm viết về việc ông Thăng bị kỷ luật: “Tôi hy vọng sẽ không còn phải viết về ai như ông Nguyễn Tấn Dũng, như ông Đinh La Thăng nữa…”

“Giật mặt nạ những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt là rất cần thiết. Nhưng không thể chỉ làm việc đó bằng một quy trình chính trị nội bộ. Nơi người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay. Cái quy trình đó lệ thuộc rất nhiều vào ý chí của những cá nhân. Khi những kẻ tham nhũng vận hành cái quy trình ấy đông hơn thì nhân dân bó tay.” - nguoiviet
|
|

14.
Xe 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' có dấu vết điều tra

Chủ chiếc xe cho thuê, bị nghi là phương tiện trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, đã được nhận lại tài sản của mình.

Ông Bùi Quang Hiếu cho BBC biết ông đã được cảnh sát Đức trả lại chiếc Multivan VW (Volkswagen) bảy chỗ mang biển số 2AB-3140 vào sáng 1/9 tại địa điểm lưu xe khá gần công viên Tiergarten, nơi phía Đức nói đã xảy ra vụ bắt cóc.

Tuy nhiên, viên thanh tra cảnh sát Đức phụ trách vụ việc hôm 4/9 từ chối bình luận với BBC về tình trạng pháp lý hiện thời của chiếc xe.

Trước đó ít hôm, ông Bùi Quang Hiếu, sống ở CH Czech, nói ông đã nhận được email thông báo việc điều tra đối với chiếc xe đã hoàn tất.

Ông được trao một giấy bàn giao xe, "có tác dụng đi đường, để nếu cảnh sát sơ suất không nhìn thấy cái xe đã hủy lệnh truy nã toàn cầu thì tôi có giấy tờ làm bằng chứng".

Ông nói chiếc xe lúc nhận lại có rất nhiều dấu hiệu, vết đánh dấu mà cảnh sát để lại.

'Nhiều vết giống như máu'

"Trong xe có những dấu giống như màu máu," ông Hiếu nói, là những vết không hề có trước thời điểm chiếc xe bị cảnh sát tịch thu.

"Khi nhận lại xe thuê vào hôm 24/7, tôi là người kiểm tra xe. Tôi đã rửa sàn xe rất sạch sẽ nhưng không để ý trên ghế có những vết gì.

"Thông thường chúng tôi chỉ kiểm tra mặt sàn, hút bụi, lau chùi sạch sẽ.

"Nếu khi đó có những vết máu thì tôi nghĩ cũng rất khó nhìn. Bởi máu khô thì sẽ chuyển sang màu đen. Nhưng lúc nhận lại xe từ cảnh sát thì chúng tôi nhìn thấy màu huyết dụ.

"Theo suy đoán cá nhân, tôi cho rằng cảnh sát dùng hóa chất đặc biệt xịt vào các ghế. Nếu chỗ nào có vết máu khô, kể cả lau chùi sạch rồi thì nó vẫn nổi lên."

Trên trần xe, cảnh sát có đánh dấu vào một vị trí bằng một mũi tên.

Ông Bùi Quang Hiếu nói theo suy luận của một số người có mặt cùng ông, thì đây rất có thể "là dấu vết đầu của một người bị đập vào, có tóc, có máu, cho nên cảnh sát tìm được, dán mũi tên vào".

Ngoài ra, trong xe còn có một số vật dụng như vỏ lon, vỏ chai nước, và đặc biệt là "có một ống nhựa trắng nắp đen".

"Duy nhất có một thứ, là một ống tuyp màu trắng trắng. Có một anh cầm nó lên và nói đó là thuốc mê. Nhưng tôi không biết đó có đúng là thuốc mê không.

"Đó là những thứ của những người thuê xe bỏ lại.

"Không biết đó là đồ của người thuê cuối cùng mà ông [Nguyễn Hải] Long thuê hộ, hay của những người thuê trước nữa, chúng tôi không biết vì chúng tôi không sử dụng mà chỉ cho thuê. Những người thuê bỏ rác lại trên xe thì chúng tôi chỉ dọn qua thôi, chủ yếu chỉ hút bụi giặt thảm và rửa xe phía bên ngoài. Còn những rác lặt vặt bên trong chúng tôi không để ý."

Quan hệ Việt - Đức và nguyên tắc pháp quyền

Trong vụ việc chính quyền Đức cho là an ninh Việt Nam đã xâm nhập nước họ và 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh nhưng Việt Nam nói ông Thanh "tự ra đầu thú', đã có một người mang quốc tịch Việt Nam được coi là liên quan bị dẫn độ từ Czech sang Đức.

Hôm 24/8, Tổng công tố Liên bang Đức ra thông cáo nói ông N. H. Long, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đã được di lý sang Đức.

Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Được biết Cục An ninh Liên bang Đức đã hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt tại Đức, liên kết bên trong và bên ngoài của họ và quan hệ với các cơ quan của Việt Nam tại Đức.

Báo chí Đức gần đây đưa tin về mối liên hệ giữa ông Hồ Ngọc Thắng, người từng làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Thắng đã bị cho nghỉ việc hôm 1/9 sau khi báo chí Đức, gồm cả đài Deutsche Welle của chính phủ nói ông ta đăng nhiều bài ủng hộ quan điểm của chính phủ Việt Nam, điều phía Đức cho là vi phạm nguyên tắc trung thành với chính quyền Liên bang mà một công chức phải tuân thủ.

Chính quyền Đức vẫn yêu cầu Việt Nam trao trả lại ông Trịnh Xuân Thanh và chuyến thăm nhằm làm xoa dịu tình hình của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã không đạt kết quả gì.

Căng thẳng quan hệ hai bên vẫn tiếp tục, khiến lễ kỷ niệm quốc khánh do Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tổ chức vừa qua không có người Đức nào đến dự hôm 31/08, theo các nguồn tin từ cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Trong buổi lễ năm ngoái, khoảng 400 khách Đức và quốc tế có mặt.

Trong dư luận Việt Nam hiện vẫn có nhiều luồng ý kiến về vụ 'bắt cóc xuyên biên giới' này trong bối cảnh quan hệ Việt - Đức thu hút nhiều bình luận.

Trong thư mừng Quốc khánh Việt Nam gửi cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức viết ông "muốn động viên đất nước Việt Nam tiếp tục kiên trì tiến bước trên con đường hiện đại hóa và tăng cường nhà nước pháp quyền".

Có Facebooker là Phan Van Thanh viết trên trang của BBC Tiếng Việt:

"Đó là một thông điệp khá rõ ràng về tình trạng nhà nước pháp quyền ở VN hiện nay trong ngôn ngữ ngoại giao của ông Tổng thống Đức."

Nhưng cũng có những người khác cho rằng Đức không nên 'bảo vệ' cho quan chức bị cáo buộc tham nhũng như ông Trịnh Xuân Thanh, và ủng hộ cách làm của an ninh Việt Nam.

Còn trong cộng đồng người Việt ở Berlin có ý kiến cho rằng chính giới Việt Nam chưa hiểu hết lập luận của chính quyền Đức trong vụ việc hiện đang "làm khổ ngành ngoại giao Việt Nam" dù họ không gây ra.

Ý kiến này cho BBC Tiếng Việt biết rằng, "với người Đức, từ sau vụ khủng bố Palestine vào Munich bắn các vận động viên Olympics năm 1972 thì chưa bao giờ họ bị an ninh nước khác xâm nhập và bắt người trên đất Đức".

Ngoài ra, theo ý kiến này, Đức "đang bảo vệ nguyên tắc pháp quyền của họ", và họ sẽ không khoan nhượng, chứ không phải họ bảo vệ cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.

"Ông ta chỉ là một trong hàng nghìn người xin tỵ nạn tại Đức, và không được ưu tiên gì, nhưng nếu Đức để cho một chính quyền nước ngoài làm như vậy thì Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran...cứ thế vào nước họ bắt người hay sao?"

Mặt khác, trong bối cảnh Anh ra khỏi châu Âu trong quá trình Brexit, nước Đức đang thực sự trở thành quốc gia lãnh đạo hàng đầu của EU và phải chứng tỏ vai trò "nhà nước pháp quyền" họ đề cao.

Hôm 01/09/2017, trang web của Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội công bố nội dung sau:

"Để có thể hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa Việt Nam và Đức cũng như tăng cường hiểu biết về văn hóa của nước sở tại, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ đăng bài về chủ đề ''Sốc văn hóa'' #Kulturshock (culture shock)."

Cũng liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh nhưng tại CH Czech mới đây nhật báo Aktuálně.cz của Czech đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã mời đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Prague tới và thông báo rằng nếu như có nhân viên ngoại giao nào của Tòa Đại sứ có liên quan tới vụ bắt cóc, Czech sẽ trục xuất người đó.

Cũng về vụ việc, Tiến sỹ Hoàng Xuân Phú, Đại học Heidelberg viết trên trang blog cá nhân:

"Nếu đúng như cáo buộc của phía Đức, là mật vụ Việt Nam đã bắt cóc TXT giữa Berlin để đem về Hà Nội, thì hành vi ấy không chỉ vi phạm thô bạo luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, mà còn vi phạm cả pháp luật Việt Nam. Vì Điều 492 (về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự) của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ:

"Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…" - BBC
|
|

15.
VinGroup triển khai dự án sản xuất ô tô

Việt Nam có thể sẽ có thương hiệu xe ô tô riêng chỉ trong vòng vài năm tới.

VINFAST, một nhánh của tập đoàn bất động sản Vingroup sẽ thử sức trong lĩnh vực sản xuất xe máy và ô tô hướng đến việc xuất khẩu, theo báo Vietnamnet.

Vingroup lên kế hoạch đến năm 2025 sẽ sản xuất 500.000 xe tại Việt Nam, bao gồm các phương tiện ô tô, xe máy chạy bằng xăng và điện.

Dự án này nhận được sự đồng thuận từ chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST hôm 2/9 tại Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng.

Thách thức lớn?

Dự án xe hơi sẽ là một thách thức "rất khó khăn", ông Michel Tosto, người đứng đầu tổ chức bán hàng và môi giới tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Viet Capital nói.

Công ty nên tìm kiếm liên doanh với một nhà sản xuất nước ngoài, ông nói.

"[Vingroup] không có chuyên môn hay vốn để làm điều đó," ông Tosto nói. "Đó là một không gian cạnh tranh cao mà các thương hiệu nước ngoài chi phối."

Các công ty Trung Quốc như Geely, BYD, Beijing Auto và Chery đã nỗ lực tạo ra một thương hiệu xe hơi trong nhiều năm.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, doanh số bán ô tô mang biển hiệu Trung Quốc chiếm 43,5% tổng doanh số bán hàng trong tháng Một đến tháng Bảy.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, Toyota là thị trường bán xe lớn nhất của Việt Nam với 23% thị phần trong tháng Bảy. Ford Motor thì chiếm 12%.

VINFAST rất có thể là thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam, tờ Nikkei, báo tài chính điện tử Nhật Bản, nhận định.

Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam hiện tại vẫn là Trường Hải Automobile, dưới dạng sản xuất hợp đồng, chuyên sản xuất xe cho tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc và các thương hiệu lớn khác trên thế giới.

Tờ báo này cũng cho rằng nhà máy đặt ở Hải Phòng có lợi thế gần cảng quốc tế Lạch Huyện, vốn có thể sẽ hoàn thành vào 2018.

Các tàu lớn sẽ có thể ghé cảng sau đó mang những chiếc xe của VINFAST đến Bắc Mỹ và Châu Âu.

VINFAST cũng có thể tận dụng việc bãi bỏ thuế quan giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, vốn có hiệu lực vào tháng Một.

Không có thuế quan, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với xe ô tô và xe máy các nước láng giềng sản xuất.

Tuy nhiên Vingroup có thể lợi dụng điều này để nhập khẩu các vật liệu lắp ráp giá rẻ từ các nước anh em ASEAN.

Theo báo Vietnamnet, Nhà máy VINFAST Hải Phòng có quy mô 335 ha gồm đầy đủ các phân xưởng cho quy trình sản xuất từ xưởng lắp ráp đến xưởng sơn.

Credit Suisse AG, một tập đoàn tài chính của Thụy Sĩ đồng ý vay 800 triệu đôla cho dự án này.

Vietnamnet dẫn lời ông Lito Camacho, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương rằng: "Quy mô đầu tư lớn thể hiện cam kết của Vingroup đối với ô tô - lĩnh vực đang phát triển nhanh tại Việt Nam, cũng như đối với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại, được kỳ vọng là lớn nhất nước, đạt tầm quốc tế.

"Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Vingroup và hỗ trợ Tập đoàn trong việc phát triển ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam." - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment