Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc thúc giục các nước BRICS hợp tác
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc giục các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển cùng hợp tác để phát triển mạnh hơn và đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Tập nói ông hy vọng cuộc đối thoại với các nước BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ tạo ra động lực thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.
Trong hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông Tập còn gián tiếp chỉ trích chính sách về thay đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump,và cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt với rủi ro và tình trạng bất định ngày càng tăng do các nước tự thu mình về để chỉ chú trọng đến các lợi ích thương mại và chống` đối các nỗ lực đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Ông Tập không nêu đích danh Hoa Kỳ, mặc dù ông Trump từng tuyên bố rằng các hiệp định thương mại là một mối đe dọa đối với công ăn việc làm của Mỹ, và quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. - VOA
|
|
2.
Bắc Triều Tiên đạt mục tiêu "cường quốc hạt nhân"
Với sáu vụ thử hạt nhân từ năm 2006, Bắc Triều Tiên dường như đã nắm được công nghệ thu nhỏ đầu đạn và nghiễm nhiên chen chân vào câu lạc bộ cường quốc hạt nhân. Vì chia rẽ, cộng đồng quốc tế bị đặt trước sự đã rồi với một tương lai bất định. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Kim Jong Un không phải là thủ phạm duy nhất.
Sau gần 30 năm nghiên cứu, chế độ Bình Nhưỡng chứng tỏ có đủ khả năng chế tạo và trang bị một lực lượng răn đe hạt nhân đáng ngại. Đứng trước thực tế này, cộng đồng quốc tế chỉ có hai phản ứng : hoặc là dung thứ như đối với Pakistan Ấn Độ hay Israel hoặc là tìm cách ngăn chận bằng mọi biện pháp « từ kinh tế quân sự cho đến hạt nhân » như tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In.
Cả hai phản ứng này đều bất toàn đối với trường hợp Bắc Triều Tiên.
Sở dĩ Pakistan và Ấn Độ được dung thứ vì cuộc chạy đua vũ trang của hai quốc gia dị biệt và xung khắc tôn giáo này không vì mưu đồ đe dọa một nước thứ ba. Còn Israel thì được Mỹ (tổng thống Nixon) ủng hộ và Pháp giúp đỡ kỹ thuật để tự vệ (Le Figaro 07/05/2008).
Trong khi đó, Bình Nhưỡng công khai đe dọa « nhấn chìm »Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong « biển lửa ». Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể xem là đã bắt đầu từ thập niên 1980. Là thành viên của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân TNP từ năm 1985, Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi TNP vào năm 2003. Hai năm sau, Bắc Triều Tiên tuyên bố « có bom hạt nhân ».
Hiệp ước TNP có hiệu lực từ năm 1970 quy định chỉ có 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân và cam kết không chuyển giao trực tiếp hay gián tiếp.
Nhưng theo lập luận của Kim Jong Un, vũ khí hạt nhân là công cụ « hiệu quả nhất » để bảo vệ chế độ chống « mưu toan lật đổ » của Mỹ. Bình Nhưỡng đơn cử trường hợp chế độ Saddam Hussein của Irak và đại tá Kadhafi của Libya « do từ bỏ vũ khí hạt nhân » mà bị tiêu vong. Mọi nỗ lực ngoại giao từ năm 1990 điều đình một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị thất bại. Được Trung Quốc chống lưng ở Hội Đồng Bảo An, Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết trừng phạt.
Còn ngăn chận bằng cấm vận triệt để về kinh tế như Hàn Quốc và Nhật Bản chủ trương thì liệu Trung Quốc, bạn hàng chính của Bắc Triều Tiên có đồng ý và thi hành hay không ?
Giải pháp thứ ba là quân sự không được Hàn Quốc chấp nhận vì sợ Bình Nhưỡng trả đũa bằng tên lửa.
Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân từ năm 1998, Bắc Triều Tiên bước vào danh sách những cường quốc hạt nhân không chính thức, không ký vào Hiệp ước TNP, cũng giống như Israel, Ấn Độ và Pakistan.
Không phải chỉ có Bình Nhưỡng
Theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hoà Bình SIPRI ở Thụy Điển thì vào đầu năm 2017, chín quốc gia hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên - tích trữ tổng cộng 14.935 đầu đạn hạt nhân trong đó ít nhất 20 đầu đạn là của Bình Nhưỡng.
Sau một thời gian bình lặng do hệ quả của chiến tranh lạnh kết thúc, ba nước Mỹ , Nga, Trung Quốc lại canh tân kho vũ khí hạt nhân. Ấn độ và Pakistan cũng gia tăng số lượng vũ khí nguyên tử. Theo chuyên gia Pháp Nicolas Roche được nhật báo Công giáo La Croix (05/09/2017) trích dẫn thì Nga và các nước châu Á là những tác nhân chính trong cuộc chạy đua vũ trang. Trong chiều hướng này, hạt nhân sẽ đóng vai trò trung tâm trong mối tương quan lực lượng giữa các nước.
Chấp nhận chuyện đã rồi… và hệ quả
Trong bối cảnh này, cũng theo Nicolas Roche, thách thức hiện nay không phải là ngăn chận Bình Nhưỡng trang bị thêm vũ khí hạt nhân mà phải xây dựng một chiến lược phòng vệ răn đe và tập trung đối phó với nỗ lực biến Bắc Triều Tiên thành một « ổ hạt nhân hung hăng ».
Nói cách khác, thế giới phải chấp nhận sống chung với một « nguồn bất ổn định lâu dài tại châu Á ».
Nhưng dung thứ Bắc Triều Tiên có nguy cơ tạo thêm một nguồn bất ổn khác ở Trung Đông. Chế độ Hồi giáo Iran, cho dù đã ký với quốc tế Hiệp Định hạt nhân 2015, sẽ ngồi yên hay không? - RFI
|
|
3.
Cuba chuyển tiếp quyền lực, nhà Castro sắp ra đi?
Cuba hôm 4/9 bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp chính trị kéo dài trong 5 tháng tới, dự kiến sẽ kết thúc với việc ông Raul Castro rời nhiệm kỳ chủ tịch nước, đặt dấu chấm hết cho gần 60 năm gia đình ông thống trị hầu hết hệ thống chính trị Cuba.
Trong thời gian còn lại của tháng 9, nhân dân Cuba sẽ họp theo nhóm nhỏ để đề cử các đại biểu thành phố, đó là hoạt động đầu tiên trong một loạt các cuộc bầu cử để chọn các quan chức cấp địa phương, cấp tỉnh và cuối cùng là cấp quốc gia.
Trong giai đoạn bầu cử thứ hai, một ủy ban gồm chủ yếu là các tổ chức gắn với chính phủ sẽ chọn lọc tất cả các ứng cử viên cho các cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh và quốc hội Cuba.
Quốc hội dự kiến sẽ bầu ra chủ tịch nước và các thành viên của Hội đồng Nhà nước đầy quyền lực vào khoảng tháng 2/2018.
Ông Castro đã tuyên bố sẽ rời chức vụ chủ tịch nước vào thời điểm đó, nhưng dự kiến ông sẽ vẫn đứng đầu Đảng Cộng sản, và trong cương vị đó, vẫn nắm nhiều quyền lực ngang với hoặc còn hơn cả chủ tịch nước.
Các quan chức Cuba nói 12.515 khối phố sẽ đề cử ứng cử viên cho các cuộc bầu cử hội đồng thành phố được tổ chức vào ngày 22 tháng 10.
Ông Raul Castro, 86 tuổi, đã trở thành chủ tịch nước vào năm 2008. Ông đã đưa ra một loạt các cải cách kinh tế xã hội có nhịp độ chậm và quy mô hạn chế, sau khi anh trai ông là Fidel rời chức vụ do ốm yếu. Ông Fidel Castro qua đời năm ngoái, thọ 90 tuổi.
Người lâu nay được kỳ vọng sẽ là chủ tịch nước mới của Cuba là Phó Chủ tịch thứ nhất Miguel Diaz-Canel, một đảng viên 57 tuổi, người không xuất hiện nhiều trước công chúng trong những năm gần đây. - VOA
|
|
4.
Lãnh đạo đối lập Campuchia bị truy tố về tội phản quốc
Lãnh đạo phe đối lập Campuchia Kem Sokha chính thức bị truy tố về tội phản quốc và đang đối mặt với án tù từ 15 đến 30 năm, nếu bị kết án.
Một tòa án tại thủ đô Phnom Penh hôm thứ Ba 5/9 loan báo lãnh đạo của đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia bị cáo buộc là bí mật cấu kết với một tổ chức ở nước ngoài để phá hoại chính phủ.
Theo Twitter của con gái ông, bà Kem Monovithya, ông Sokha và các vệ sĩ của ông bị bắt hôm Chủ nhật 3/9 trong một cuộc đột kích tại nhà riêng của ông. Chính quyền Campuchia nói ông Sokha bị bắt dựa trên các bình luận của ông trong một đoạn băng ghi hình của Mạng lưới Phát thanh Campuchia, một kênh truyền hình tư nhân có trụ sở tại thành phố Melbourne, Australia.
Trong đoạn video được quay từ năm 2013, ông Sokha tuyên bố đã nhận được sự trợ giúp từ Hoa Kỳ để xây dựng một phong trào ủng hộ dân chủ ở Campuchia.
Một Twitter của ông Sokha hôm thứ Hai 4/9 viết: "Tôi có thể mất tự do cá nhân, nhưng tự do sẽ không bao giờ chết tại Campuchia."
Hành động đàn áp này là một nỗ lực rõ ràng của Thủ tướng độc tài Hun Sen nhằm chấm dứt những tiếng nói bất đồng trước cuộc bầu cử năm tới, mà mục đích là gia hạn thêm thời gian cầm quyền của ông Hun Sen đã kéo dài trong suột ba thập niên qua.
Chính phủ của ông Hun Sen gần như bị lật đổ trong các cuộc bầu cử toàn quốc gần đây nhất, vào năm 2013, giữa lúc mức độ ủng hộ dành cho phe đối lập đang gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ Campuchia. - VOA
|
|
5.
Trung Quốc khó có thể kiềm chế Bắc Hàn?
Thời điểm nhạy cảm chính trị trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nỗi lo sợ của Bắc Kinh về khả năng chính quyền nhà họ Kim sụp đổ đã khiến Trung Quốc ít có chọn lựa trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, báo New York Times nhận định.
Hôm Chủ nhật 3/9, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, đánh dấu lần thứ sáu nước này thử vũ khí hạt nhân. Hành động này đã khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump cảnh báo về một biện pháp“đáp trả quân sự quy mô lớn” và bị Trung Quốc “mạnh mẽ phản đối”.
Theo nhật báo New York Times thì Bắc Hàn đã tính toán kỹ lưỡng thời điểm thực hiện vụ thử hạt nhân vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp đón các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Mục đích của Bình Nhưỡng là muốn làm Bắc Kinh “bẽ mặt tối đa”.
Chỉ vài giờ trước khi ông Tập đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo BRICS, tin tức về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã lập tức phủ bóng đen lên hội nghị, tờ báo này cho biết.
“Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim Jong-un chọn thời điểm mang tính khiêu khích như vậy để khoe vũ khí,” New York Times viết và nhắc lại hồi tháng Năm năm nay ông Kim cũng đã thử tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước khi ông Tập phát biểu trước lãnh đạo các nước đến Bắc Kinh tham dự hội nghị về sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’.
Tờ báo dẫn lời các nhà phân tích cho biết việc Bắc Hàn thử hạt nhân xảy ra cùng lúc với sự xuất hiện của ông Tập không hề là một sự trùng hợp. Hành động này là nhằm cho thấy ông Kim Jong-un, lãnh đạo của một nước nhỏ được liệt vào loại bất hảo, có thể làm tổn thương quyền lực và uy tín của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Một số nhà phân tích còn cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng là nhằm gây sức ép với ông Tập, chứ không phải với ông Donald Trump.
“Ông Kim biết rằng ông Tập có quyền lực thật sự để tác động lên những tính toán ở Washington,” ông Peter Hayes, giám đốc Viện Nautilus chuyên nghiên cứu về các vấn đề Triều Tiên, được dẫn lời nói. “Ông ta gây áp lực để buộc Trung Quốc nói với Trump rằng: “Quý vị phải ngồi vào bàn đàm phán với Kim Jong-un.”
Theo ông Hayes thì điều Bắc Hàn muốn nhất là đạt được thỏa thuận với Washington về việc Mỹ giảm quân số của lực lượng Mỹ trú đóng ở miền Nam và để cho Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong suy tính của ông Kim, Trung Quốc có thể tác động để cuộc đàm phán này diễn ra.
Tuy nhiên, ngay cả hành động thử bom nhiệt hạch có khả năng được gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng không thể nào thay đổi lập trường của ông Tập đối với Bắc Hàn.
Theo các nhà quan sát thì giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường rằng việc Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân không nguy hiểm bằng việc chế độ nhà họ Kim sụp đổ vì nếu xảy ra, hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc và Mỹ.
Chính vì mối lo sợ đó mà Bắc Kinh không dùng vũ khí kinh tế lợi hại nhất đối với Bắc Hàn:cắt nguồn cung dầu thô, là nguồn năng lượng giúp nền kinh tế sơ khai của miền Bắc hoạt động.
Trung Quốc cung cấp đến hơn 80% lượng dầu thô tiêu thụ của Bắc Hàn và ngừng giao dầu có thể là biện pháp trừng phạt kinh tế cuối cùng và tác động tới Bắc Hàn hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Thay vào đó, Bắc Kinh đề nghị Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ ngừng tập trận trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, giữa lúc Đại hội Đảng lần thứ 19 đang đến gần, ông Tập đang dành hết tâm trí cho các vấn đề nội bộ, các nhà phân tích về Trung Quốc cho biết. Theo họ thì Bắc Kinh luôn muốn giữ cho tình hình trong nước yên ổn trong thời gian dẫn tới đại hội, do đó ít có khả năng Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó với Bắc Hàn trước ngày khai mạc Đại hội 19 vào ngày 18/10.
Ngay cả tờ Hoàn cầu Thời báo cách nay vài tháng cũng cho rằng Trung Quốc nên xem xét tạm ngưng cung cấp dầu mỏ cho Bắc Hàn, nếu Kim Jong-un thử hạt nhân lần thứ sáu. Tuy nhiên trong bối cảnh Đại hội Đảng sắp diễn ra, tờ báo này đã thay đổi lập trường.
“Căn nguyên của vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn là cảm giác bất an do các hành động quân sự của liên minh quân sự Mỹ-Hàn gây ra,” Hoàn cầu Thời báo viết, “Trung Quốc không nên bước lên đầu trong tình hình phức tạp và căng thẳng này.” - VOA
|
|
6.
Putin: ‘Chẳng thân thiết để phải bực bội với TT Trump’
Tổng Thống Nga Vladimir Putin tránh không trực tiếp chỉ trích Tổng Thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ở Trung Quốc hôm Thứ Ba, nhưng cũng nói rằng quyết định đóng cửa một số cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ được thi hành quá dở.
Lên tiếng trong cuộc họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh ở Trung Quốc hôm Thứ Ba, ông Putin khi được hỏi là có bực bội với Tổng Thống Trump hay không, đã gọi đây là câu hỏi “ngây thơ”.
Trong phát biểu được các hãng thông tấn nhà nước Nga loan tải, ông Putin nói Trump “không là vợ tôi và tôi cũng không là chồng ông ta.”
Khi được hỏi là Nga sẽ nghĩ thế nào nếu ông Trump bị đàn hặc để giải nhiệm, ông Putin nói rằng đây là điều “hoàn toàn sai trái” nếu Nga bàn luận về nội tình chính trị Mỹ.
Các giới chức chính phủ Nga hoan nghênh ông Trump khi ông đắc cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, và cá nhân ông Putin cũng ca ngợi Tổng Thống Trump là người muốn cải thiện mối quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, việc có thêm các biện pháp trừng phạt Nga cũng như đóng cửa một số cơ sở ngoại giao khiến có lo ngại là tiếp tục có rạn nứt.
Ông Putin nói rằng chính phủ Mỹ có quyền đóng cửa các cơ sở ngoại giao, nhưng “điều này đã được tiến hành một cách thô lỗ.”
Putin mỉa mai rằng “thật khó mà có cuộc thảo luân với những người lầm lẫn Áo với Úc,” nhắc lại một lầm lẫn cả chục năm trước của Tổng Thống George W. Bush khi viếng thăm Sydney năm 2007 và đề cập tới lính Áo (Austria) khi muốn nói về lính Úc (Australia).
“Nước Mỹ thật sự là một quốc gia vĩ đại và có những người dân vĩ đại khi họ có thể chịu đựng một số người đông đảo với mức hiểu biết văn hóa chính trị thấp kém như thế,” Putin nói. - nguoiviet
|
|
7.
Suu Kyi dưới áp lực về vấn đề người Rohingya
Bà Aung San Suu Kyi đang chịu áp lực từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, trong đó có Bangladesh, Indonesia và Pakistan, đòi bà phải ngăn chặn bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya sau khi gần 125.000 người chạy sang Bangladesh.
Đợt bạo lực gần đây nhất ở bang Rakhine thuộc vùng tây bắc Myanmar, bắt đầu ngày 25/8, khi những người nổi dậy Rohingya tấn công hàng chục đồn cảnh sát và một căn cứ quân đội. Các cuộc đụng độ tiếp theo và một cuộc phản công quân sự đã giết chết ít nhất 400 người và gây ra làn sóng di tản khi dân làng chạy sang Bangladesh.
Cách đối xử đối với khoảng 1,1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, nước có đa số dân theo Phật giáo, là thách thức lớn nhất đối với bà Suu Kyi. Bà bị những người chỉ trích ở phương Tây cáo buộc là đã không công khai lên tiếng bênh vực nhóm thiểu số lâu nay vẫn kêu than bị ngược đãi.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi sẽ đến Dhaka, thủ đô Bangladesh, hôm 5/9 sau khi gặp khôi nguyên giải Nobel hòa bình Suu Kyi và chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing để thúc giục Myanmar hãy chấm dứt vụ đổ máu.
H.T. Imam, một cố vấn chính trị của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, nói với Reuters: "Indonesia đang đóng vai trò chính, và hơn thế, có khả năng các nước ASEAN cũng tham gia. Nếu chúng ta có thể duy trì áp lực lên Myanmar, từ ASEAN, cũng như từ Ấn Độ, đó sẽ là điều tốt".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu công du Myanmar hôm 5/9. Trong chuyến thăm, đó ông sẽ gặp các quan chức hàng đầu, kể cả bà Suu Kyi.
Thổ Nhĩ Kỳ mô tả bạo lực nhắm vào người Rohingya là hành động “diệt chủng” và đề nghị giúp đỡ Bangladesh ứng phó với làn sóng người tị nạn.
Pakistan, nơi có một cộng đồng người Rohingya lớn, đã bày tỏ "đau buồn sâu sắc" và kêu gọi Tổ chức các Quốc gia Hồi giáo hãy hành động. - VOA
|
|
8.
Bão cấp 5 Irma đang tiến vào vùng biển Caribe
Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cho hay bão Irma đang được nâng cấp thành bão cấp 5 – cấp bão cao nhất.
Cư dân trên quần đảo Leeward trong vùng biển Caribbe đang chuẩn bị đối phó với bão Irma mà theo dự báo sẽ ập vào các khu vực phía tây bắc, từ Puerto Rico đến Cuba cho đến các vùng duyên hải nước Mỹ vào tối thứ Ba 5/9, hoặc sáng sớm thứ Tư 6/9.
Việc nâng cấp bão Irma lên thành bão cấp 5 có nghĩa là sức gió vượt quá 280 km/giờ, sẽ làm hư hại nghiêm trọng nhà cửa, cây cối và các trụ điện, làm mất điện ở các khu vực bị ảnh hưởng trong nhiều tuần liền. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Elon Musk tiên đoán Thế chiến III
Elon Musk đăng một số ý kiến trên Twitter về Thế chiến III trong dịp cuối tuần vừa qua, theo một bài đăng trên trang CNNMoney hôm 4/9.
Nhưng Tổng Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX không đưa ra dự đoán về ngày tận thế vì Bắc Hàn thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Trí thông minh nhân tạo mới là điều làm ông Musk lo hơn về nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới.
Trong một ý kiến đăng trên Twitter, ông Musk viết: "Tôi cho rằng cuộc cạnh tranh để đạt ưu thế về AI [trí thông minh nhân tạo] ở cấp độ quốc gia có thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3".
Dự đoán u ám này là lời đáp cho một phát biểu mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin nói: "Trí tuệ nhân tạo là tương lai không chỉ của Nga mà của toàn thể nhân loại. Ai trở thành người đi đầu trong lĩnh vực này sẽ trở thành người cai trị thế giới".
Hiện tại, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nước dẫn đầu cuộc đua về AI, theo Malcolm Frank, giám đốc chiến lược của Cognizant.
Nhưng ông Musk tin rằng những nước khác sẽ cố gắng đuổi kịp bằng bất cứ thủ đoạn nào. Ông viết trên Twitter:
"Các chính phủ không cần phải tuân theo luật thông thường. Nếu cần thiết, họ sẽ dùng súng để có được AI do các công ty phát triển".
Trong một ý kiến khác trên Twitter, ông Musk phỏng đoán rằng một hệ thống AI có thể chọn phương án khai chiến, "nếu nó kết luận rằng tấn công phủ đầu có xác xuất chiến thắng cao nhất". - VOA
|
|
10.
Texas cần di dân ‘lậu’ để tái thiết sau bão Harvey
Trận bão Harvey vừa đi qua, để lại cảnh đổ nát hoang tàn tại khu vực mênh mông thuộc miền Đông Nam Texas. Để tái thiết, Texas cần một đạo quân lao động khổng lồ, gồm cả những di dân bất hợp pháp.
Theo báo The Washington Post, tám ngày sau khi bão Katrina đổ bộ lên đất liền cách đây 12 năm, cựu Tổng Thống George W Bush phải nhân nhượng trước áp lực của các công ty xây dựng khi dễ dãi hơn về nguyên tắc tuyển chọn công nhân.
Vào lúc bấy giờ, ước tính khoảng hơn 25% ngân quỹ tài trợ của chính phủ liên bang dành cho công việc tái thiết, vào tay các di dân bất hợp pháp.
Với tình hình hiện nay, 10 ngày sau khi bão Harvey đánh vào Texas với những cơn mưa lớn kỷ lục, gây nên lụt lội chưa từng thấy, chính phủ Tổng Thống Donald Trump không đưa ra một quyết định tương tự.
Tệ hơn nữa, các tổ chức binh vực cho quyền lợi của di dân nói rằng, nhà chức trách liên bang đưa ra những tín hiệu không thống nhất về việc liệu họ có nên bắt đầu trục xuất các di dân lậu, những người vì bão lụt đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Dân Biểu Lamar Smith (Cộng Hòa-Texas), người từng chỉ trích quyết định của Tổng Thống Bush, hôm Chủ Nhật nói rằng ông công nhận việc tái thiết sau bão Harvey là một thách thức to lớn.
Tuy nhiên ông nói: “Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua luật di trú của liên bang,” theo đó các nhà thầu phải xét tình trạng hợp pháp của công nhân họ mướn để “bảo vệ người công nhân Hoa Kỳ và dân thọ thuế.”
Theo ước tính mới nhất, có hơn 200,000 căn nhà bị hư hại do trận bão Harvey, trong đó hơn 13,500 căn bị san bằng. Trong khi đó, giới lãnh đạo ngành xây dựng bắt đầu gióng tiếng chuông báo động rằng sẽ không có đủ công nhân hợp pháp để giúp cho việc tái thiết càng nhanh càng tốt. - nguoiviet
|
|
11.
Mỹ mở rộng dẹp trừ nạn mua nhà để rửa tiền
Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ nói rằng khoảng 30% những vụ mua bán nhà thuộc loại đắt tiền là đối tượng của một chương trình theo dõi mới liên quan đến những người đã bị chính phủ nhắm tới vì có hoạt động đáng ngờ và có thể là đang rửa tiền.
Bộ Ngân Khố vào tuần này đã mở rộng và kéo dài một chương trình nhắm vào những vụ mua bán nhà sang trọng ở New York, Miami, Los Angeles và những thị trường lớn khác để ngăn ngừa những người ngoại quốc sử dụng việc mua nhà để rửa tiền. Chương trình nhằm ngăn ngừa người mua để họ đừng sử dụng các công ty chỉ có cái vỏ bên ngoài hoặc các công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) để che giấu lý lịch của những người mua thực sự.
Nhiều người đã trông mong chương trình sẽ bị chính phủ Trump bãi bỏ, vì những liên hệ của Tổng Thống Donald Trump với ngành kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên chương trình đã được gia hạn vào Tháng Hai và hiện đang được mở rộng để đóng những lỗ hổng.
Các chuyên viên địa ốc nói việc mở rộng chương trình có thể gây áp lực lên các thị trường nhà đắt tiền vốn đang bị áp lực vì người ngoại quốc mua chậm lại và sự bất trắc tại Washington về vấn đề thuế má.
Các nhà phân tích nói hậu quả lớn nhất có thể diễn ra ở Miami và miền Nam Florida, những nơi đã bị thiệt hại vì sự dư thừa các condo mới có giá cao và đã trông cậy nặng nề vào những người mua từ Châu Mỹ La Tinh – vài người trong số họ đã bị điều tra vì tham nhũng hoặc rửa tiền.
Chương trình đòi hỏi các công ty bảo hiểm bằng khoán phải xác định chủ nhân thực sự của các công ty LLC hoặc các công ty bình phong đang thực hiện những vụ mua bán bằng tiền mặt để mua bất động sản trên một mức giá nào đó ở New York City, Miami, Dade, Broward và Palm Beach, San Diego, San Francisco, cũng như quận Bexar ở Texas. Bộ Ngân Khố sau đó sẽ xác định liệu các chủ nhân thực sự đó có nằm trên danh sách của bộ về hoạt động đáng ngờ hay không – hoặc những người đã được ghi nhận là có tiềm năng rửa tiền, tham nhũng hoặc có những tội phạm tài chánh khác.
Các quy tắc bao gồm những bất động sản được mua với giá hơn $3 triệu ở Manhattan, trên $1 triệu ở vài địa điểm của Nam Florida, trên $2 triệu ở vài địa điểm thuộc California, và trên $3 triệu tại vài địa điểm ở Hawaii.
Bộ Ngân Khố nói rằng trong số những vụ chuyển nhượng chi phối bởi các quy định trong năm vừa qua, khoảng 30% liên hệ một chủ nhân thực sự hoặc đại diện của người mua cũng là đối tượng của một báo cáo về hoạt động đáng ngờ trước đây.
Phần quan trọng nhất của quy định vào tuần này là đóng một lỗ hổng khổng lồ liên quan đến việc chuyển tiền bằng điện tử. Những nhà môi giới nói rằng kể từ khi các quy định được áp đặt vào năm 2016, người mua có thể dễ dàng tránh né bằng cách sử dụng những vụ chuyển tiền bằng điện tử.
Hiện giờ, những vụ chuyển tiền bằng điện tử cũng sẽ là đối tượng của quy định: lỗ hổng đang khép lại. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
12.
Đà Nẵng quyết tiến hành dự án du lịch ở Sơn Trà
Chính quyền Đà Nẵng thể hiện quyết tâm phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà, tuy nhiên đồng ý giảm bớt quy mô xây dựng để đảm bảo an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học của nơi này trước sức phản kháng mạnh mẽ của dư luận.
Một nhà bất đồng chính kiến ở Đà Nẵng nói ông phản đối việc xây dựng ở Sơn Trà bất kể là ở quy mô nào, và bán đảo Sơn Trà nên được giữ nguyên trạng.
Báo chí trong nước đưa tin, trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 5/9, chính quyền Đà Nẵng đưa ra đề xuất năm điểm về cách xử lý đối với các khu du lịch ở Sơn Trà trước những ý kiến không đồng tình trong thời gian qua.
Theo báo cáo của chính quyền Đà Nẵng, thì thành phố này vẫn muốn phát triển Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia theo hướng du lịch sinh thái, thể thao và nghỉ dưỡng cao cấp. Lý do mà chính quyền Đà Nẵng đưa ra là vì dự án đó “phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam”, “góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương” và được nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép với phương châm “bảo tồn đi đôi với phát triển”.
Bán đảo Sơn Trà được cho là có vị trị trọng yếu về an ninh quốc phòng và nơi đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật đặc hữu, trong đó có loài voọc chà vá. Chính quyền Đà Nẵng đồng ý rằng phát triển du lịch tại Sơn Trà phải đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Để đảm bảo các mục tiêu này, Ủy ban nhân dân Đà Nẵng đã đưa ra một số đề xuất, trong đó nổi bật là chỉ cho xây dựng từ độ cao 100 mét trở xuống và các công trình được xây dựng chỉ phục vụ mục đích lưu trú chứ không cho phép cư trú.
Ngoài ra Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu chỉ cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện để đảm bảo an ninh- quốc phòng. Các dự án đã hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động được Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cho phép giữ lại.
Xét trên các tiêu chí này thì trong số 18 dự án đã được Ủy ban nhân dân Đà Nẵng cấp phép xây dựng ở Sơn Trà đến thời điểm cuối năm 2012, có 6 dự án không phù hợp, 10 dự án cần phải cắt giảm quy mô và hai dự án được kiến nghị cho giữ nguyên, theo tường thuật của báo Người Lao Động. Tuy nhiên, không rõ 6 dự án không phù hợp sẽ được xử lý như thế nào.
Trao đổi với VOA, blogger Huỳnh Ngọc Chênh ở Đà Nẵng, nói ông “phản đối hoàn toàn mọi công trình xây dựng ở Sơn Trà dù là 100 mét trở xuống”.
“Chỉ xây ở 100 mét trở xuống cũng làm hỏng Sơn Trà. Sơn Trà phải giữ cho nguyên vẹn. Ngoài đoạn đường bên giới được khai thác du lịch thì không cho xây dựng gì thêm. Giữa thành phố có một ngọn núi đẹp như vậy, một khu rừng đẹp như vậy thì cần phải giữ,” ông Chênh nói.
“Sơn Trà đúng nghĩa là để ngắm. Nếu xây dựng trên thì sẽ làm mất đi sự hấp dẫn đối với du khách,” ông nói thêm.
Ông Chênh nói rằng những người dân ở Đà Nẵng mà ông quen biết và tiếp xúc “hầu hết đều nói phải giữ Sơn Trà cho nguyên vẹn và phải dọn hết các công trình”.
Nhà hoạt động này nói rằng việc xây dựng trên bán đảo Sơn Trà là “của các nhóm lợi ích có thế lực rất mạnh” khiến cho Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng đá qua đá lại – không ai dám ‘đụng đến’.
“Chắc chắn một điều là các công ty hoạt động về địa ốc ở Việt Nam phần đông đều là các nhóm lợi ích, đều có vốn hoặc có sự đỡ đầu của ông này ông khác,” ông Chênh nói, “Các công ty mua được đất, lấy được dự án ở Sơn Trà chắc chắn phải có thế lực đỡ đầu.”
“Các dự án ở Sơn Trà là do từ thời ông Nguyễn Bá Thanh để lại. Chính quyền mới của Đà Nẵng mới lên không dám đụng đến các nhóm lợi ích.”
Ông Chênh cho biết chính ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, là người vận động để cho phép xây dựng đến độ cao 200 mét ở Sơn Trà, để “bán được nhiều đất” và thu được nhiều tiền. - VOA
|
|
13.
Chính quyền Trump chấm dứt chương trình DACA
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba 5/9 tuyên bố chấm dứt chương trình DACA, là chương trình bảo vệ 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, tuy nhiên cho Quốc hội 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép thành phần di dân này ở lại Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump phê chuẩn quyết định này nhưng giao nhiệm vụ cho Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions, ra trước truyền thông để loan báo thay đổi chính sách gây nhiều tranh cãi này.
Với tuyên bố ngắn ngủi: "DACA đã bị hủy bỏ", ông Sessions kết thúc sắc lệnh hành chính của cựu Tổng thống Barack Obama được áp dụng trong 5 năm qua – là sắc lệnh tạo ra Chương trình Hoãn Hành động đối với những người nhập cư lúc còn nhỏ, còn gọi là DACA:
Tổng thống Donald Trump hôm 5/9 nói rằng Quốc hội cần phải hành động nếu muốn bảo vệ và không trục xuất 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư, báo hiệu ý định hủy bỏ chương trình của cựu Tổng thống Obama cho phép những người thuộc diện này làm việc và học tập ở Mỹ.
Tổng thống Trump viết trên trang Twitter:
"Quốc hội, xin hãy chuẩn bị sẵn sàng để làm công việc của mình –DACA."
Chương trình DACA bảo vệ những người mà thời niên thiếu đã theo gia đình nhập cảnh vào Hoa Kỳ, phần lớn khi mới lên 6 tuổi, chủ yếu từ Mexico và các nướcTrung Mỹ. Thành phần này được biết đến dưới tên gọi chung là ‘Dreamers’ theo đạo luật Dream Act, và xem Hoa Kỳ là quê hương duy nhất của họ.
Trong khi được bảo vệ khỏi bị trục xuất, thành phần này được học tập và làm việc, cũng như phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.
Dự kiến sẽ diễn ra một cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc vào sáng Thứ Ba để ủng hộ DACA và những đương đơn của chương trình này. Các cuộc biểu tình tương dự kiến sẽ diễn ra tại nhiều thành phố khác trên khắp Hoa Kỳ. - VOA
|
|
14.
Mang súng vào giáo xứ đòi ‘đối thoại’ với linh mục vì xúc phạm HCM
Ngày 4/9, một nhóm hơn chục người cầm loa, biểu ngữ và vũ khí xông vào Giáo xứ Thọ Hòa ở Đồng Nai đòi “đối thoại” với linh mục quản xứ vì đã “xúc phạm Hồ Chí Minh” và “đòi lật đổ chính quyền Cộng sản.
Theo lời kể của Linh mục Nguyễn Duy Tân, vào khoảng 10:23 sáng 4/9, một nhóm người đi bằng xe buýt đến Giáo xứ Thọ Hòa, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và đòi “đối thoại” với Linh mục Tân, quản xứ Thọ Hòa.
“Đối thoại” với súng và roi điện
“Họ đến và mang theo loa, băng rôn, làm ồn ào lắm nên tôi không tiếp. Họ bất lịch sự nữa”.
“Khoảng 15 phút sau, các ông trùm và giáo dân khoảng 20 người đến nói chuyện với họ. Nhưng họ vẫn cứ đòi đối thoại với tôi về 2 vấn đề. Thứ nhất là chuyện xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai, họ nói về vấn đề tôi đòi lật đổ chính quyền Cộng sản Việt Nam. Họ đòi đối thoại với tôi về hai vấn đề đó. Tôi không đối thoại với họ là vì họ vu khống. Nếu tôi có tội thì đã có nhà chức trách, nhà nước xét xử tôi”.
Bị giáo dân bao vây, nhóm người được gọi là “dư luận viên” đã ném một số vũ khí mang theo sang các nhà lân cận.
LM. Tân kể với VOA-Việt ngữ:
“Các ông trùm đã đóng cổng nhà thờ lại và công an tới muốn giải cứu họ bằng cách đưa về xã. Giáo dân họ báo cáo là trong nhóm người này có 2 khẩu súng. Khám xét họ thì họ chạy ra và ném súng sang nhà hàng xóm là nhà ông Khiêm”.
Ngoài ra nhóm này còn mang theo một roi điện và cũng ném sang một nhà ở kế cận khác trong khi bị bao vây.
Sau đó, lực lượng công an huyện, an ninh, công an chìm kéo đến khá đông tại Giáo xứ Thọ Hòa, đứng đầu là Thượng tá Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng Công an huyện Xuân Lộc.
“Chủ trương của ông Lợi vẫn là làm sao để giải cứu con tin, đưa về huyện. Nhưng giáo dân Thọ Hòa không chấp nhận vì không thể tin Cộng sản. Đưa về huyện, họ sẽ cùng phe với nhau và nói dối hết, khẩu súng sẽ trở thành cái hộp quẹt mà thôi”.
Khoảng 4 giờ chiều, sau khi từng người trong nhóm “dư luận viên” viết xong các bản tường trình về sự việc, giáo dân Thọ Hòa đã để cho công an dẫn giải 13 người về huyện Xuân Lộc.
Xúc phạm Hồ Chí Minh và Đảng
Thời gian gần đây, Linh mục Nguyễn Duy Tân thường xuyên bị một số người gọi điện thoại quấy rối với lý do muốn “đối thoại” với ông về một số chủ đề mà ông công khai bày tỏ trên trang Facebook cá nhân. Nhóm người đến giáo xứ Thọ Hòa hôm 4/9 cũng dựa vào cùng lý do.
Linh mục Tân giải thích quan điểm của ông về việc này:
“Về vấn đề xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã đối thoại với công an tỉnh Đồng Nai rất nhiều lần rồi. Tôi nói bác Hồ không phải là danh nhân văn hóa thế giới và tôi đã lý luận thua họ. Tôi đã phải về làm giấy chứng nhận bác Hồ là danh nhân văn hóa thế giới, có ký tên, đóng mộc hẳn hoi. Tôi đã tốt hơn UNESCO vì UNESCO chưa chứng nhận mà tôi đã chứng nhận như vậy là tốt rồi”.
“Báo chí nước Anh xếp 13 đồ tể giết người ác nhất thế giới, trong đó có tên bác Hồ. Đó đâu phải là tôi xúc phạm”.
“Còn vấn đề lật đổ chính quyền, tôi chưa bao giờ nói lật đổ chính quyền cả. Các bài viết của tôi chỉ thể hiện ước mong Cộng sản giải tán thôi. Bài hiến kế cho Sài Gòn hết kẹt xe thì gồm 3 bước. Bước 1 là giải tán Đảng Cộng sản. Bước 2, 3 mới đi vào chuyên môn kiến trúc của tôi. Tôi là một kiến trúc sư nên hiến kế rất thật lòng. Bước 1 phải giải tán Đảng Cộng sản đã thì mới thực hiện được bước 2, bước 3”.
Trước đây, vào dịp 30/4, Linh mục Nguyễn Duy Tân cũng bị chính quyền tỉnh Nghệ An ra công văn cấm giảng lễ trong địa phận tỉnh này. Cùng thời điểm, một linh mục của Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, cũng bị cấm xuất cảnh sau khi ông có bài giảng 30/4 gây chấn động cộng đồng mạng.
Đối diện với nguy cơ có thể gặp nguy hiểm vì những phát biểu “nhạy cảm”, LM Tân nói với VOA rằng ông không thể làm khác hơn vì ông là một linh mục Công giáo.
“Tôi là linh mục. Tôi sống theo tinh thần Chúa Kitô, phải công lý hóa xã hội, sự thật hóa xã hội và bác ái hóa xã hội. Nhưng vì trong chế độ Cộng sản độc tài không thực thi công lý, nên người Công giáo và các linh mục càng phải làm sao để công lý hóa xã hội”.
Theo LM Tân, chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Đảng Cộng sản đã có hiệu quả rất lớn trong việc khiến cho nhiều người dân quên đi “công lý” khi nhìn thấy những “củ cà rốt”- mối lợi trước mắt. - VOA
|
|
15.
18 ngàn tàu đánh cá Trung Quốc đang có mặt tại Biển Đông
Nhật báo Bưu điện Hoa nam tại Hồng Kong hôm 5/9 cho biết hiện có 18,000 tàu cá Trung Quốc có mặt ở biển Đông, và cho rằng việc này có thể sẽ gây căng thẳng về quyền đánh cá với ngư dân các quốc gia Đông Nam Á.
Theo tờ báo này thì việc hàng chục ngàn tàu đánh cá Trung Quốc tràn xuống biển Đông như vậy đã trở thành một hành động hàng năm của Bắc Kinh, tiếp theo lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của nước này được chấm dứt vào ngày 16 tháng Tám.
Ngay trong ngày 16 tháng Tám, một nghị sĩ Philippines là ông Gary Alejano, trích nguồn tin quân sự của Phi cho biết là tàu cá Trung Quốc với sự hộ vệ của tàu hải giám đã đuổi ngư dân Phi ra khỏi khu vực đánh cá xung quanh đảo Thị tứ, mà Manila đang kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa.
Các tàu đánh cá của Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam, được các tàu hải giám và hải quân của Bắc Kinh hộ tống.
Một ngư dân Trung Quốc nói với tờ Bưu điện Hoa Nam rằng không có gì phải lo ngại chuyện đụng chạm với ngư dân các nước khác vì đã có chính quyền Trung Quốc bảo vệ.
Không những tăng cường hoạt động ở Biển Đông, hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc từ tỉnh Triết Giang cũng bắt đầu tràn ra vùng biển Hoa Đông.
Điều này làm cho lực lượng tuần duyên Nhật Bản phải tăng cường hoạt động ngăn ngừa tàu Trung Quốc tràn vào khu vực quần đảo Senkaku mà Nhật đang kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Hồi năm ngoái có gần 300 tàu cá Trung Quốc được tàu biên phòng nước này đi kèm đã đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku. Việc này đã làm cho Bộ ngoại giao Tokyo triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật để phản đối.
Hiện chưa thấy có va chạm nào giữa tàu cá Trung Quốc với Việt Nam, nhưng hồi tháng Năm vừa qua khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên gần hết Biển Đông, Hà Nội cũng đã ra tuyên bố phản đối. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment