Tin Thế Giới
1.
Mỹ điều oanh tạc cơ chiến lược bay gần bờ biển Bắc Triều Tiên
Hôm qua, 23/09/2017, vài giờ trước khi ngoại trưởng Bắc Triều Tiên, tại Liên Hiệp Quốc, tố cáo tổng thống Mỹ đã có những phát biểu chống lại Bình Nhưỡng, coi nguyên thủ Hoa Kỳ là một « kẻ tâm thần », « hoang tưởng tự đại » và « trùm nói dối », chính quyền Mỹ đã điều máy bay ném bom B1, được tiêm kích F – 15 đi hộ tống, đã bay qua Nhật Bản, gần bờ biển Bắc Triều Tiên. Theo Washington, đây là một thông điệp gửi tới Bình Nhưỡng.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet gửi về bài tường trình :
« Kim Jong Un và Donald Trump không ngớt thóa mạ nhau : Lãnh đạo kính yêu của Bắc Triều Tiên gọi thủ lĩnh thế giới tự do là một lão già lẩm cẩm tâm thần, còn Donald Trump thì mỉa mai đó là một kẻ điên khùng và đặt cho cái tên người tên lửa nhỏ nhoi, ngụ ý nói đến sở thích bắn tên lửa đạn đạo của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Hôm qua, sự gia tăng khẩu chiến này đi kèm với việc Hoa Kỳ biểu dương sức mạnh : Được hộ tống bởi các tiêm kích F-15 xuất kích từ căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản, các máy bay ném bom B1 cất cánh từ Guam đã bay qua không phận Nhật Bản, ở phía đông bờ biển Bắc Triều Tiên.
Dana White, phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, trong thế kỷ 21, chưa bao giờ các máy bay của Mỹ lại tiến gần đến Bắc Triều Tiên như vậy. Bà giải thích, Washington muốn chứng tỏ là đang xem xét nghiêm túc hành vi nguy hiểm của Bình Nhưỡng và đồng thời có nhiều lựa chọn về mặt quân sự sẵn sàng được sử dụng để bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh.
Tuy nhiên, chưa chắc là Kim Jong Un bị ấn tượng bởi chính sách pháo hạm này đến mức ngừng bắn thử tên lửa ».
Còn tại Bắc Triều Tiên, hôm qua, chính quyền nước này đã cho tổ chức một cuộc biểu tình tại quảng trường Kim Nhật Thành, ở Bình Nhưỡng, với sự tham gia của hàng chục ngàn người, để bày tỏ sự ủng hộ đối với lãnh đạo Kim Jong Un. Theo giới quan sát, những cuộc biểu tình kiểu này thường xuyên được chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức.
Cũng trong ngày hôm qua, một trận động đất với cường độ 3,5 trên bậc thang Richter, đã xẩy ra ở Bắc Triều Tiên, gây lo ngại là Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.
Tuy nhiên, cho đến hôm nay, giới chuyên gia quốc tế vẫn có những dự đoán khác nhau. Theo Tổ chức Hiệp ước cấm hoàn toàn thử hạt nhân (OTICE), thì đó là thể là dư chấn của vụ thử hạt nhân ngày 03/09.
Còn thông cáo của Cơ quan địa chất Hoa Kỳ (USGS) thẩm định, vụ động đất này xẩy ra ở độ sâu 5 km, dường như tại nơi mà Bắc Triều Tiên đã tiến hành các thử hạt nhân trước đây và cách nơi mà Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch ngày 03/09 khoảng hai chục km.
Trong khi đó, các chuyên gia Hàn Quốc và Trung Quốc cho rằng đây chỉ là một vụ động đất tự nhiên. - RFI
|
|
2.
Donald Trump: "Iran thử tên lửa lộ rõ khe hở thỏa thuận 2015"
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/09/2017 đề nghị xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, đồng thời cáo buộc Iran câu kết với Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Teheran thông báo thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm xa trong cùng ngày.
Trên trang mạng Twitter, tổng thống Mỹ viết : « Iran vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến lãnh thổ Israel. Chính quyền Iran còn hợp tác với Bắc Triều Tiên. Chúng ta thật sự chưa đạt được một thỏa thuận ».
Sáng sớm ngày thứ Bảy 23/09, Teheran thông báo thử nghiệm « thành công » một loại tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn đến 2000km. Như vậy, về lý thuyết, tên lửa này có thể tấn công lãnh thổ Israel, kẻ thù không đội trời chung của Iran, cũng như là các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực.
Vụ bắn thử tên lửa lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng. Donald Trump từ khi bước vào Nhà Trắng không ngừng đe dọa rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân mà chính phủ Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Barack Obama và năm cường quốc khác (Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã ký kết với Iran vào năm 2015.
AFP nhắc lại thỏa thuận này không ngăn cấm Iran tiến hành các hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo, nhưng nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu Teheran không tiến hành các chương trình thử nghiệm cho phép phát triển các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thỏa thuận này có nghĩa vụ bảo đảm một cách nghiêm ngặt mục đích dân sự và hòa bình của chương trình hạt nhân Iran, nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ dần lệnh cấm vận nhắm vào Téhéran. - RFI
|
|
3.
Pháp: Người dân lại biểu tình chống cải cách Luật Lao Động
Chỉ một ngày sau khi năm sắc lệnh về cải cách Luật Lao Động được tổng thống Pháp Emmanuelle Macron ký và được đăng trên Công Báo, hôm qua 23/09/2017, theo lời kêu gọi của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất do ông Jean Luc Mélenchon lãnh đạo, đông đảo người dân đã xuống đường tuần hành phản đối việc cải cách Luật Lao Động mà thủ lĩnh Jean Luc Mélenchon gọi là « cuộc đảo chính về xã hội » của tổng thống Macron.
Ông Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất hôm qua khẳng định có khoảng 150.000 người xuống đường biểu tình chống Luật Lao Động mới mà tổng thống Macron mới ký hôm 22/09 và bắt đầu có hiệu lực từ tuần tới. Còn theo cảnh sát, chỉ có 30.000 người tham gia buổi tuần hành. Tại Paris, vào đầu giờ chiều hôm qua, đoàn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Bastille rồi tiến về quảng trường Cộng Hòa, nghe ông Jean Luc Mélenchon phát biểu.
Ông Mélenchon kêu gọi người biểu tình mang theo xong nồi để gõ, tạo càng nhiều tiếng ồn ào càng tốt với thông điệp nhắm vào chính quyền của ông Macron : « Các ông hủy hoại cuộc sống của chúng tôi, các ông ngăn cản chúng tôi ước mơ nên chúng tôi không để cho các ông được ngủ ngon giấc ». Trong bài phát biểu, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất cũng nhấn mạnh « cuộc chiến vẫn chưa kết thúc », mặc dù sắc lệnh về cải cách Luật Lao Động đã được đăng tải trên Công báo sáng hôm qua.
Ông Mélenchon còn kêu gọi « toàn dân đấu tranh », kêu gọi những người hưu trí tuần hành vào ngày 28/09 và các công chức nhà nước tuần hành vào ngày 10/10. Lãnh đạo đảng cực tả cũng nói tới khả năng huy động hàng triệu người biểu tình trên đại lộ Champs-Elysées và coi đó là « một cuộc chiến của nền Cộng Hòa » chứ không phải chỉ là « một cuộc chiến xã hội ». Để có hiệu lực vĩnh viễn, các sắc lệnh về Luật Lao Động mới còn phải được Quốc Hội phê chuẩn. - RFI
|
|
4.
Quân đội Syria chiếm thêm được một thành phố ở tỉnh Raqqa
Sau khi bị mất thủ phủ Raqqa, hôm qua, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech - lại bị quân đội Syria đánh bật khỏi thành phố Maadan.
Theo thông tín viên trong khu vực, Paul Khalifeh, Daech không còn sự hiện diện đáng kể tại tỉnh Raqqa, phía bắc Syria.
«Hôm qua, quân đội Syria và đồng minh đã kiểm soát được Maadan, ở phía đông nam tỉnh Raqqa. Đây là thành phố cuối cùng còn nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Các nguồn tin thân cận với chính quyền Damas khẳng định các tuyến phòng thủ của quân thánh chiến đã sụp đổ. Chỉ còn vài ổ kháng cự tại một số khu ở trong thành phố này. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria – OSDH – cho biết là quân đội Syria tiến sâu vào trong thành phố này, nằm ở hữu ngạn sông Euphrate.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cũng đã bị mất thành phố Raqqa, nơi mà Daech tự tuyên bố là thủ phủ. Trong tuần, lực lượng Ả Rập – Kurdistan, với sự hỗ trợ của Mỹ, và sau trận đánh kéo dài hơn 100 này, đã chiếm được nơi này.
Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, thông báo chính thức thành phố này được giải phóng còn phải chờ việc rà phá mìn và quét sạch các ổ kháng cự cuối cùng của quân thánh chiến, hiện vẫn đang lẩn trốn trong các nhà kho và tầng hầm các khu nhà.
Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria thẩm định, trận đánh tái chiếm Raqqa, do Lực Lượng Dân Chủ Syria, thân Hoa Kỳ, khởi chiến từ ngày 05/06, đã làm 3100 người thiệt mạng, trong đó có khoảng một ngàn thường dân". - RFI
|
|
5.
Bầu cử Đức: Nhiệm kỳ thứ tư cho Angela Merkel?
Ngày 24/09/2017, gần 62 triệu cử tri Đức được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội. Thủ tướng Đức mãn nhiệm Angela Merkel gần như chắc chắn tiếp tục lãnh đạo đất nước một nhiệm kỳ thứ 4. Cuộc bầu cử lần này cũng cho thấy diện mạo chính trường Đức có những biến đổi sâu sắc. Phong trào dân túy được dự báo có những đột phá trong kỳ bầu cử này.
Từ 8 giờ sáng, 299 điểm bỏ phiếu đã mở cửa. Hầu hết các kết quả thăm dò cho đến lúc này đều dự đoán thất bại nặng nề của lãnh đạo đảng Xã Hội-Dân Chủ, cựu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz, cũng như sự đột phá bất ngờ của đảng cực hữu AfD. Kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ vắng mặt có thể đạt mức kỷ lục, gần 37%. Toàn cảnh chính trường Đức sau bầu cử dự báo có nguy cơ rơi vào khủng hoảng do những bất cập trong chính phủ liên minh cầm quyền tương lai.
Đặc phái viên RFI, Anissa el-Jabri tường thuật từ Berlin:
"Angela Merkel cũng như Martin Schulz hôm qua đã cố gắng đến giờ phút chót của chiến dịch vận động ngằm thuyết phục những cử tri còn do dự. Martin Schulz liên tục đưa ra những cảnh báo chống lại phe cực hữu và xem những dân biểu của phe này là những kẻ đào mồ chôn từ nền dân chủ cho đến đảng bảo thủ CDU. Chính bộ trưởng Nội Vụ, Thomas de Maizière đã hùng hồn chỉ trích đảng cực hữu AfD, ví đảng này là « sói đội lốt cừu ».
Tuy nhiên, không dễ gì thuyết phục những cử tri đó, bởi vì cuộc bỏ phiếu hôm nay chẳng có vẻ gì là kịch tính, với thắng lợi báo trước của bà Merkel. Ngoài việc, tối nay nước Đức rất có thể được nhìn thấy một diện mạo chính trường tan vỡ chưa từng thấy với cuộc khủng hoảng của một đảng Xã Hội-Dân Chủ, một chính phủ liên minh ba bên được hình thành, trong đó có hai đối tác trái ngược hẳn với nhau: một bên chủ trương tự do và bên kia là đảng Xanh.
Cuối cùng, đảng cực hữu AfD trở thành một thế lực chính trị thứ ba, một cú sốc mạnh. Tại Đức, một số người đã bắt đầu chỉ trích trách nhiệm của bà thủ tướng Đức. Trong một bài xã luận với một lời lẽ hiếm thấy, nhật báo Der Spiegel đã mệnh danh cho bà Angela Merkel là ‘người mẹ của quỷ dữ’". - RFI
|
|
6.
Hơn 1000 binh sĩ, cảnh sát Brazil được điều đến khu dân nghèo lớn nhất ở Rio
Hôm qua, 23/09/2017, chính quyền Brazil đã điều khoảng 1000 binh sĩ quân đội và cảnh sát đến Rocinha, khu dân nghèo - còn gọi là khu ổ chuột - lớn nhất ở bang Rio de Janeiro, nhằm dập tắt bạo lực. Từ Chủ Nhật tuần trước, bạo lực đã bùng phát khi xẩy ra tranh giành giữa hai băng đảng buôn ma túy nhằm kiểm soát nơi này.
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên François Cardona tường trình:
"Các quân nhân trang bị đầy đủ súng ống đi tuần tra trong các ngõ, ở phía dưới khu dân nghèo ổ chuột, các xe thiết giáp phong tỏa những lối ra vào chính. Khoảng 70.000 người sinh sống tại Rocinha, trong những điều kiện bần hàn, mất vệ sinh. Từ một tuần qua, hai băng đảng có vũ trang xung đột với nhau để kiểm soát khu ổ chuột này, qua đó, kiểm soát mạng lưới buôn ma túy tại đây.
Từ khi quân đội triển khai binh sĩ, nhiều người đã bị bắt, hơn 15 khẩu súng bị tịch thu. Khu ổ chuột Rocinha ở trong tình trạng bị vây hãm. Ngay khi màn đêm buông xuống, phố xá không còn bóng người. Thỉnh thoảng, người ta vẫn nghe thấy tiếng súng. Chính quyền địa phương khẳng định, quân đội sẽ tiếp tục hiện diện trong một thời gian vô hạn định.
Khu ổ chuột Rocinha vốn là biểu tượng của chính sách bình định của bang Rio de Janeiro, nhằm xua đuổi các băng đảng vũ trang buôn lậu ma túy ra khỏi các khu dân nghèo, trước khi có Cúp Vô địch bóng đá thế giới năm 2014 và Thế vận hội hồi năm ngoái.
Thế nhưng, bạo lực và tình trạng tội phạm lại tái xuất hiện từ nhiều tháng qua ở Rio de Janeiro. Hầu như ngày nào cũng có những vụ đọ súng giữa cảnh sát với những kẻ buôn ma túy, và cư dân ở đây là những nạn nhân đầu tiên của các viên đạn lạc". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Donald Trump sỉ vả các vận động viên thể thao Mỹ
"Già không bỏ, nhỏ không tha ". Chưa hài lòng với việc đe dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và gọi Iran là « Nhà nước côn đồ », và sau khi chỉ trích Hollywood, tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu công kích giới thể thao.
Theo tường thuật của thông tín viên RFI, Jean Louis Pourtet tại Washington, đối tượng lần này chính là các cầu thủ bóng bầu dục đang tranh giải quốc gia tại Mỹ. Tổng thống Mỹ không chấp nhận được việc một số cầu thủ có thái độ phản kháng, từ chối quỳ một chân hát quốc ca trước khi khai mạc trận đấu nhằm phản đối hành động đối xử tệ của cảnh sát đối với người da màu.
Tối thứ Sáu 22/09, tại bang Alabama, trong buổi gặp những người ủng hộ, ông Donald Trump bày tỏ thái độ: «Khi có một ai thiếu tôn trọng quốc kỳ, chẳng lẽ quý vị không thích nghe một trong số chủ các câu lạc bộ NFL nói hãy tống cổ ‘thằng chó đẻ’ ra khỏi sân cho tôi, nó bị đuổi, bị đuổi rồi đó?»
Các cầu thủ bóng bầu dục không phải là nạn nhân duy nhất của nhà tỷ phú New York. Đội bóng rổ Warrior, từng giành chức vô địch giải bóng rổ NBA, hồi tháng 2/2017 cũng là nạn nhân của ông Donald Trump. Theo truyền thống, đội bóng sẽ phải được tiếp đón ở Nhà Trắng. Nhưng ngôi sao đội bóng, cầu thủ Stephen Curry, vốn bất đồng quan điểm chính trị với tổng thống Mỹ, đã có thái độ ngập ngừng.
Ngay lập tức, Donald Trump đã rút lời mời cả đội, tước đi điều mà ông gọi là «niềm vinh dự lớn». Để ủng hộ đồng môn, LeBron James, một ngôi sao bóng rổ khác, trong một tràng tweet trả thù viết rằng: «Đến Nhà Trắng từng là một vinh dự, trước khi ông ở đó". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
8.
Việt Nam nêu Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc
Đại diện Việt Nam hôm 22/9 phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó kêu gọi “kiềm chế” ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng “Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ cùng các nước ASEAN ứng phó với các thách thức chung”.
“Về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam và ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý”, ông nói tiếp.
Ngoài Biển Đông, theo tin từ LHQ, ông Minh cũng nhắc tới sự tin tưởng của Việt Nam vào “vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không đe doạ hay sử dụng vũ lực và giải quyết hoà bình các tranh chấp”.
Đại diện chính phủ Việt Nam còn kêu gọi “cần có những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm ngăn ngừa các xung đột, xây dựng lòng tin và giải quyết hoà bình các xung đột, tranh chấp, kể cả các xung đột, tranh chấp ở Trung Đông, Châu Phi và kêu gọi phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”, đồng thời nói rằng “việc bao vây cấm vận đơn phương Cuba là không phù hợp và phải được dỡ bỏ ngay”.
Ông Minh lên tiếng tại LHQ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu với ngôn từ mạnh, trong đó ông cũng nhắc tới Biển Đông.
“Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”, ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình”.
Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên như Bắc Hàn và các thỏa thuận thương mại đa phương bị cáo buộc đã lấy đi việc làm của người Mỹ, theo giới quan sát. - VOA
|
|
9.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu 'không bàn chuyện ai đi ai ở’
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hôm 23/9 đã lần đầu công khai lên tiếng, sau khi ông và Bí thư Nguyễn Xuân Anh bị phát hiện “dính” các vi phạm, gây nhiều đồn đoán về thay đổi nhân sự.
Trước tình trạng mà ông nói là “công chức Đà Nẵng xao lãng, phân tâm trong công việc” vì những diễn biến liên quan tới lãnh đạo của thành phố, theo VnExpress, ông Thơ khuyến cáo rằng "đừng suốt ngày ngồi quán xá bàn chuyện ai đi ai ở lại”.
“Chúng ta không nên sa đà vào những việc không phải của mình. Suốt ngày cứ tụ tập, trao đổi đủ thứ trong khi việc chính lại bê trễ”, ông nói tiếp.
“Công việc của mỗi người là phải làm tốt chức trách, nhiệm vụ đã được giao phó. Làm việc phải có bản lĩnh, trách nhiệm vì tình yêu với TP Đà Nẵng chứ không phải làm cho xong việc, làm cho có".
Do thành phố vấp phải nhiều vấn đề, ông Thơ cho biết đã mở rộng thành phần tham gia cuộc họp thường kỳ lần này với lãnh đạo các cấp của Đà Nẵng.
Thành phố miền Trung này là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm nay, và dự kiến sẽ có lãnh đạo nhiều nước tham gia.
Ông Thơ nói rằng “công tác chuẩn bị phải làm hết sức khẩn trương vì tại APEC có sự tham dự của các quan chức cấp cao từ các nước và giới doanh nhân, họ sẽ đánh giá tầm vóc và là phép thử trong công tác tổ chức các sự kiện của TP Đà Nẵng”, theo báo Tuổi Trẻ.
Hôm 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuyên bố rằng trên cương vị người đứng đầu UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị cũng như nhân sự ở một số cơ quan chính quyền thành phố.
Còn Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, tới ngày 24/9, chưa thấy lên tiếng sau khi ông bị cáo buộc “thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội” cũng như “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm”.
Trả lời VOA Việt Ngữ mới đây, Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập đồng thời còn là chủ tịch của California Southern University (CSU) xác nhận với VOA Việt Ngữ rằng ông Anh “nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006”. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment