Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc: ‘Thuyết trách nhiệm của Trung Quốc’ về Bắc Triều Tiên phải chấm dứt --- Trung Quốc đưa quân trấn đóng căn cứ tại châu Phi --- Biển Đông: Bắc Kinh toàn thắng khi chống phán quyết La Haye?
Ngày 11/7 Trung Quốc đáp trả một cách mạnh mẽ ít thấy đối với lời kêu gọi liên tục của Hoa Kỳ yêu cầu nước này làm áp lực nhiều hơn đối với Bắc Triều Tiên. Trung Quốc yêu cầu ngưng điều họ gọi là “thuyết trách nhiệm của Trung Quốc”, và nói thêm tất cả các bên cần phải đảm đương phần việc của mình.
Tổng thống Donald Trump có giọng điệu hòa giải hơn trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/7 nhưng ông cũng tỏ ra mất kiên nhẫn là Trung Quốc, với các mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế và ngoại giao với Bình Nhưỡng, không làm đủ để kìm chế Bắc Triều Tiên.
Cảm nghĩ này trở nên đặc biệt chính xác kể từ khi Bình Nhưỡng phóng một phi đạn đạn đạo liên lục địa mà một số chuyên gia tin là có tầm bắn tới Alaska, và những phần đất Bờ Tây nước Mỹ.
Được hỏi về những lời kêu gọi của Hoa Kỳ, Nhật Bản và những nước khác yêu cầu Trung Quốc tăng thêm áp lực đối với Bắc Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc không phải là nước làm căng thẳng gia tăng và chìa khóa của một giải pháp không nằm trong tay Bắc Kinh.
“Gần đây, một số người, khi nói đến vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, đã cường điệu và làm nổi bật lên điều được gọi là ‘thuyết trách nhiệm của Trung Quốc,” ông Cảnh Sảng tuyên bố tại một cuộc họp báo hàng ngày, nhưng không nêu rõ tên ai cả.
“Tôi nghĩ việc này hoặc là thiếu hiểu biết đầy đủ và chính xác về vấn đề, hay có những động cơ tối hậu nào đó, nỗ lực tráo đổi trách nhiệm,” ông Cảnh Sảng nói.
Trung Quốc đã có những nỗ lực không ngừng và đã đóng một vai trò xây dựng, nhưng tất cả các bên đều gặp nhau nửa vời, ông Cảnh nói tiếp.
“Yêu cầu người khác làm việc, nhưng phần mình không làm gì thì không đúng,” Ông nói thêm “Bị đâm sau lưng thì thực sự không tốt.”
Trong khi Trung Quốc tức giận vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn liên tục của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cũng đổ lỗi cho Hoa Kỳ và Hàn quốc làm cho tình hình căng thẳng tệ hại thêm với những cuộc tập trận giữa hai nước.
Trung Quốc cũng bất bình với việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống chống phi đạn tối tân tại Hàn quốc mà Trung Quốc nói là đe dọa chính an ninh của nước này và không giúp giảm bớt căng thẳng.
Thêm vào đó Bắc Kinh khiếu nại về việc Washington áp đặt đơn phương các chế tài đối với các công ty Trung Quốc và các cá nhân vì đã giao dịch với Bắc Triều Tiên.
Ông Cảnh đặt câu hỏi là làm thế nào những nỗ lực của Trung Quốc có thể mang lại kết quả nếu trong khi Trung Quốc cố gắng dập tắt những ngọn lửa thì các quốc gia khác lại chế thêm dầu vào lửa, và trong khi Trung Quốc thi hành những chế tài của Liên hiệp quốc thì các quốc gia khác làm hại những quyền lợi của Bắc Kinh.
Ông Cảnh nói mỗi người cần nhận trách nhiệm của mình để đưa vấn đề Bắc Triều Tiên trở lại một giải pháp hòa bình qua thương thuyết.
Ông Cảnh nói thêm “Thuyết trách nhiệm của Trung Quốc’ về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải chấm dứt.” - VOA
***
Nhiều tàu quân sự Trung Quốc rời Trạm Giang (Zhanjiang) chở quân sang Djibouti, một nước nhỏ ở châu Phi, nơi Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, nằm trong vành đai « chuỗi trân châu » từ Biển Đông xuyên qua Ấn Độ Dương.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 11/07/2017, binh sĩ Trung Quốc lên tàu rời quân cảng Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) đi Djibouti. Quốc gia nhỏ bé nằm ở Sừng Phi Châu là nơi Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, khởi công từ năm 2016.
Báo «Giải Phóng Quân Nhân Dân» khẳng định, Bắc Kinh không có tham vọng bành trướng cũng không có ý đồ chạy đua vũ trang. Căn cứ ở Djibouti chỉ là «cơ sở hậu cần» tiếp đón chiến hạm Trung Quốc tham gia các chiến dịch nhân đạo và duy trì hoà bình, nhất là ở hai nước Yemen và Somalia.
Nhưng theo báo chí Djibouti, căn cứ tiếp liệu này thực chất là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở bên ngoài Hoa lục.
Ba cường quốc khác là Mỹ, Pháp và Nhật, mỗi nước đều có một căn cứ quân sự tại Djibouti.
Còn theo Reuters, sự kiện Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại Sừng Phi Châu làm Ấn Độ lo lắng. New Delhi nghi ngờ Bắc Kinh thêm Djibouti vào «chuỗi trân châu» , gồm một loạt dự án từ Miến Điện, Bangladesh cho đến Sri Lanka đón tiếp tàu chiến Trung Quốc.
AFP cho biết thêm, trong một bản phúc trình hồi tháng Sáu, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng thẩm định, Trung Quốc sử dụng căn cứ ở vị trí chiến lược này và việc thường xuyên cử chiến hạm « thăm viếng các hải cảng nước ngoài » là nhằm gia tăng tầm hoạt động của quân đội.
Tuy có 800.000 dân, Djibouti được Bắc Kinh đầu tư hơn 14 tỷ đôla thực hiện 14 dự án kể cả một đường xe lửa nối liền Djibouti đến Addis-Abebas ở Ethiopia
Nhiều nhà quan sát xem các dự án này nằm trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương và Sừng Phi Châu. - VOA
***
Vào đúng ngày này năm ngoái, 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết về đơn Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh, gói trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà họ đơn phương vẽ ra. Trung Quốc đã cực lực phủ nhận phán quyết này, và tung ra cả một chiến dịch ngoại giao, kèm theo sức ép kinh tế để lôi kéo các nước khác cùng bác bỏ phán quyết La Haye.
Một năm sau, đánh giá về kết quả mà Bắc Kinh thu hoạch được, hầu hết các nhà quan sát đều công nhận là Trung Quốc đã thành công trong việc vô hiệu hóa phán quyết quốc tế, ngăn chặn được phản ứng bất đồng công khai, đặc biệt là từ các nước trong khu vực, đồng thời tiếp tục các công việc bồi đắp, xây dựng, cấm đoán hoạt động của các nước khác trong vùng mà Bắc Kinh đòi chủ quyền mà không gặp phản kháng mạnh bạo của quốc tế.
Phân tích rõ nhất về thắng lợi của Bắc Kinh được nêu bật trong bài viết đề ngày hôm nay, 12/07, của giáo sư luật Julian Ku trên trang mạng Mỹ có uy tín Lawfare, ghi nhận rằng « Trung Quốc đã thành công trong việc biến một thất bại pháp lý thành một chiến thắng về chính sách, bằng cách duy trì đường lối hoạt động hung hăng trên Biển Đông mà không hề bị trừng phạt vì không tuân thủ luật quốc tế ».
Đối với chuyên gia này, thắng lợi rõ rệt nhất của Bắc Kinh là không những vô hiệu hóa được Philippines, nước đâm đơn kiện Trung Quốc trước tòa quốc tế, mà còn mua chuộc được tân chính quyền Manila để họ nhắm mắt làm ngơ trong thực tế trước các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh vốn đã bị tòa quốc tế phủ nhận.
Trong tư cách là nguyên đơn, Philippines đã có thể tìm kiếm hậu thuẫn của khu vực và quốc tế để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết trọng tài. Manila cũng có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ - hoặc ít ra là tiếp tục nhấn mạnh trên mọi diễn đàn các quyền của Philippines được quốc tế chính thức công nhận bằng văn bản. Thậm chí Philippines cũng có thể đưa vấn đề ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, cũng như trong các cuộc họp của các quốc gia thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
Thế nhưng, chính phủ mới tại Philippines của tổng thống Rodrigo Duterte đã mặc nhiên từ bỏ phán quyết trọng tài để tìm kiếm một quan hệ ấm áp hơn với Trung Quốc, đặc biệt là các mối lợi kinh tế to lớn. Nguyên đơn mà như thế thì những nước khác làm sao có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trong lãnh vực ngoại giao cũng thế, theo giáo sư Julian Ku, Trung Quốc cũng đã thành công, không những trong việc bịt miệng ASEAN, mà còn bịt miệng gần như cả thế giới, để không ai nói tiếng nào về việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết quốc tế về Biển Đông.
Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực được công bố, Bắc Kinh đã tung ra cả một chiến dịch ngoại giao lẫn thông tin tuyên truyền nhằm bảo vệ lập trường phủ nhận phán quyết quốc tế về Biển Đông. Theo giáo sư Julian Ku, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Mỹ đã từng thống kê xem trên thế giới có nước nào công khai ủng hộ hay chống đối quan điểm của Trung Quốc về phán quyết Biển Đông.
Kết quả thật rõ ràng : Đúng là chỉ có 7 quốc gia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết và 6 nước công khai ủng hộ Trung Quốc, nhưng đại bộ phận các nước còn lại phần lớn đều im lặng hoặc trung lập, điều mà Bắc Kinh mong muốn. Ngay cả khối Liên Hiệp Châu Âu, bình thường rất năng nổ trong việc yêu cầu tôn trọng luật quốc tế, cũng đã không đưa ra được tuyên bố nào đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông.
Như vậy, phải chăng là Bắc Kinh đã hoàn toàn chiến thắng ? Trên vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng không hẳn là như vậy. Dẫu sao thì phán quyết Biển Đông đã là một thực tế, và dù không nhắc đến công khai, nhưng trong hành động của mình, Trung Quốc cũng phải ít nhiều tự kềm chế.
Một bài viết trên báo The Independent (Singapore) hôm nay ghi nhận : « Trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc cũng đã bị kiềm chế, và tránh lớn tiếng thêm về vấn đề này, mà đồng ý tích cực hơn trong việc đàm phán một bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) về Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý". - RFI
|
|
2.
Ngoại Trưởng Mỹ ký thỏa thuận với Qatar để cắt tài trợ cho khủng bố
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm Thứ Tư 12/7 đã bay tới thành phố Jedda từ Kuwait City, nơi ông đạt một thắng lợi ngoại giao nhằm giải quyết cuộc phong tỏa Qatar kéo dài một tháng do các nước láng giềng trong vùng Vịnh Ba Tư thực hiện. Thông tín viên Cindy Saine của VOA có thêm chi tiết sau đây:
Đứng cạnh Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, ông Tillerson hôm thứ Ba 11/7 loan báo một bản ghi nhớ giữa Hoa Kỳ và Qatar nhằm thực hiện những bước để cắt đứt nguồn tài trợ cho khủng bố.
Ông Tillerson nói:
"Hôm nay tôi có mặt ở Qatar, mang theo thông điệp mà Tổng thống Trump đã mang tới thủ đô Riyadh vào hồi tháng 5. Hoa Kỳ chỉ có một mục tiêu, đó là xóa sổ chủ nghĩa khủng bố trên trái đất."
Vào ngày 5/ 6, các nước Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain, Ai Cập và các quốc gia khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, và thiết lập một cuộc phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với nước này. Nhóm các nước láng giềng do Ả-rập Xê-út dẫn đầu cáo buộc Qatar đã hỗ trợ khủng bố và giao cho chính quyền Qatar tại Doha một danh sách với 13 yêu sách.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump có vẻ ngả về phía Ả-rập Xê-út, khi ông chỉ trích Qatar là đã tài trợ cho khủng bố, nhưng phần lớn các nhà phân tích nói ông Tillerson vẫn giữ thái độ trung lập trong vụ khủng hoảng Qatar.
Ông Aaron David Miller thuộc trung tâm Wilson nói với VOA rằng thành công trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực này có thể nối lại sự đoàn giữa ông Tillerson và ông Trump.
Ông Aaron David Miller giải thích:
"Nếu ông Tillerson có thể đạt được một giải pháp nào đó, cho phép người Ả Rập Xê-út và Qatar rút ra khỏi tình trạng bế tắc này mà không bên nàò bị mất mặt, thì tôi nghĩ Tổng thống Trump sẽ hoan nghênh và ủng hộ giải pháp đó."
Ông Miller nói ông tin rằng ông Tillerson, từng là cựu giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Exxon, có những kỹ năng để đàm phán một thỏa thuận.
Ông Miller nói tiếp:
"Ông Tillerson thành thạo khu vực này, đặc biệt là vùng Vịnh. Tôi nghĩ ông được mọi người kính trọng, ông đã đảm nhận nhiệm vụ mới được giao phó, và hành xử như một Bộ trưởng ngoại giao."
Ông Tillerson hôm thứ Tư 12/7 sẽ tới thành phố Jeddah của Ả Rập Xê-út để lắng nghe lập luận của phía bên kia trong cuộc khủng hoảng liên quan tới Qatar. - VOA
|
|
3.
Trump thăm Pháp, kỷ niệm 100 năm Mỹ tham chiến trong Thế chiến I
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 12/7 lên đường sang Pháp, trọng tâm chuyến đi là thảo luận với Tổng thống Emmanuel Macron về vấn đề chống khủng bố, và dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày quân đội Hoa Kỳ tham gia Thế chiến thứ Nhất.
Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào ngày thứ Năm 13/7 tại thủ đô Paris trước khi nói chuyện với các nhà báo.
Tổng thống Macron cho biết:
"Chúng tôi sẽ bàn về tất cả những vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm, kể cả những vấn đề mà chúng tôi có bất đồng, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi đang cùng làm việc, chẳng hạn như mối đe dọa khủng bố, khủng hoảng ở Syria và Libya, và rất nhiều vấn đề mà hai bên quan tâm."
Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng Tòa Bạch Ốc dự kiến chương trình nghị sự sẽ bao gồm tình hình ở Syria và quan hệ hợp tác Mỹ-Pháp, và các vấn đề chống khủng bố, ngoài ra có thể hai bên cũng sẽ tiếp tục bàn về các vấn đề đã nêu lên tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Đức hồi cuối tuần trước.
Pháp nằm trong liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq từ cuối năm 2014. Phần lớn các cuộc không kích năm nay diễn ra ở Syria, nơi phiến quân IS lập thủ đô trên thực tế của họ tại thành phố Raqqa.
Ông Trump và ông Macron đều đang trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, hai ông cho thấy là có khác biệt về chính sách liên quan tới các nỗ lực quốc tế chống biến đổi khí hậu. Nhưng hai nhà lãnh đạo cũng có chung những mục tiêu nhất định, như giảm số lượng công chức phục vụ trong các cơ quan chính phủ.
Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ mô tả mối quan hệ giữa hai vị tổng thống là "rất tích cực".
Vào thứ Sáu 14/7, Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania sẽ dự Lễ kỷ niệm ngày chiếm ngục Bastille, trong đó các quân nhân Pháp và Mỹ sẽ cùng diễu hành.
Quan chức Mỹ cao cấp nói:
"Việc đất nước chúng ta tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất, sát cánh với người Pháp, rõ ràng là đi song song với những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay. Chúng ta vẫn sống trong một thế giới đầy nguy hiểm. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những mối đe dọa." - VOA
|
|
4.
Liên minh chống IS tăng cường áp lực lên tổ chức khủng bố
Từ việc ngăn chặn làn sóng các chiến binh nước ngoài cho đến truy lùng các nguồn tài trợ của khủng bố, các nhà lãnh đạo Liên minh toàn cầu trong tuần này gặp nhau tại Washington để tìm kiếm các phương cách tăng cường áp lực hơn nữa đối với tổ chức hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.
Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức hội nghị bắt đầu một ngày sau khi chính phủ Iraq chính thức tuyên bố giải phóng Mosul khỏi tay các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.
Các giới chức Mỹ nói 72 thành viên của Liên minh chống IS ngày 12/7 sẽ cứu xét cách thức làm thế nào tăng cường nỗ lực toàn cầu để đánh bại IS trong những khu vực còn lại tổ chức này đang chiếm giữ tại Iraq và Syria, trong khi tối đa hóa những áp lực toàn cầu lên các chi nhánh, các tổ chức phụ thuộc, và các mạng lưới của IS.
Ngày 13/7, khoảng 30 thành viên trong số “Những thành viên Liên minh chủ chốt “ sẽ họp để thảo luận những ưu tiên nhằm đặt IS vào “một con đường bị đánh bại không thể đảo ngược được và lâu dài,” được xây dựng trên những tiến bộ tại Mosul và Raqqa. Nhóm này cũng sẽ chú trọng đến những nỗ lực ổn định tại Iraq để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tình nguyện trở về nhà của những người phải rời bỏ nhà cửa vì bạo động, theo như Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Đại diện của một số nước châu Phi cũng được mời tham dự cuộc họp theo từng nhóm nhỏ vào ngày 13/7.
Tuần trước Hoa Kỳ loan báo sẽ cung cấp thêm 150 triệu đô la để giúp ổn định Iraq sau khi các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo bị đánh bật khỏi nước này.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ làm việc qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc.
“Quỹ này sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực thiết lập an ninh căn bản, tái thiết lập những dịch vụ cần thiết, phục hồi kinh tế địa phương, ổn định các cộng đồng và cuối cùng cho phép người Iraq được trở về nhà,” bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Tài trợ của Hoa Kỳ, một phần trong tổng số cam kết của Mỹ cấp hơn 265 triệu đô la trong vòng 2 năm, sẽ cũng cung cấp tạm thời, tiền mặt để bắt đầu khởi động kinh tế địa phương, các giới chức nói.
Hội nghị gần nhất của Liên minh ở cấp bộ trưởng ngoại giao được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 5 năm nay với sự chủ trì của Ngoại trưởng Rex Tillerson. - VOA
|
|
5.
Nga chuẩn bị giáng trả việc Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga
Nga bất bình vì Hoa Kỳ chưa giải quyết những vấn đề tiếp sau vụ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vào tháng 12 năm ngoái.
Moscow đang cứu xét các biện pháp trả đủa, bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 11/7 cho biết, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
“Chúng tôi đang nghĩ về những bước rõ rệt, và tôi không tin việc này nên thảo luận công khai,”ông Lavrov nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo truyền hình.
Ông Sergei Ryabkov, phụ tá của ông Lavrov, nói với Thông tấn xã Sputnik—một hãng tin do chính phủ Nga kiểm soát –trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/7 là “những giải pháp khác nhau đang được cứu xét, nhưng một phản ứng cứng rắn đã được chuẩn bị.”
Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama lúc bấy giờ đã áp đặt các chế tài lên hai cơ quan tình báo, trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, và đóng cửa hai khu nhà của Nga tại Mỹ. Nga lập tức lên án những chế tài này là bất hợp pháp và đe dọa trả đủa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định chống lại việc trả đủa trực tiếp và không trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ--một quyết định được Tổng thống Donald Trump ca ngợi là “một động thái tốt.”
Tuy nhiên Moscow mong muốn lấy lại những tài sản này tại Mỹ, hầu hết tại Maryland, bên ngoài Washington D.C., và tại tiểu bang New York. Đề tài này nằm trong nghị trình tại cuộc họp mặt đối mặt giữa ông Putin và ông Trump tại Hamburg, theo như Điện Kremlin cho biết. - VOA
|
|
6.
Indonesia ra sắc lệnh cấm mọi tổ chức cực đoan
Indonesia ban hành một sắc lệnh cấm các tổ chức đi ngược với hệ tư tưởng chính thức của Nhà nước. Đây là một động thái nhằm vào các tổ chức Hồi Giáo cực đoan ở quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới.
Hãng tin AFP cho biết, đạo luật được tổng thống Joko Widodo ký ngày 10/07/2017, trong bối cảnh lo ngại tư tưởng cực đoan ảnh hưởng ngày càng lớn đến quốc gia Đông Nam Á, nơi phần lớn người dân theo Hồi Giáo ôn hòa.
Trong tuyên bố ngày 12/07, bộ trưởng An Ninh Wiranto cho biết, quyết định trên được đưa ra, vì một số nhóm đang « đe dọa sự tồn vong của Nhà nước và gây xung đột trong xã hội ».
Đạo luật mới cho phép chính phủ giải thể, mà không cần xét xử, một tổ chức thách thức nguyên tắc lập quốc Pancasila của Indonesia, đề cao tính đa dạng và lòng khoan dung.
Cả sắc lệnh lẫn tuyên bố của bộ trưởng An Ninh Indonesia không nêu tên bất kỳ tổ chức nào. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng biện pháp này nhằm giải thể tổ chức Hizb ut-Tahrir Indonesia (HTI), một chi nhánh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đang tìm cách thống nhất người Hồi Giáo trong cùng một đế chế.
Vào tháng 05/2017, Jakarta từng tuyên bố muốn đưa ra những biện pháp hợp pháp để giải thể nhóm này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tuyên truyền các hệ tư tưởng như thuyết vô thần và chủ nghĩa cộng sản cũng đã từng bị chính quyền Indonesia ra sắc lệnh cấm.
Ông Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Human Right Watch, nhận định : « Cấm các tổ chức mà chỉ dựa trên hệ tư tưởng của họ là hành động hà khắc vi phạm các quyền và tự do lập hội và ngôn luận ».
Ông Asfinawati, người đứng đầu Tổ chức Hỗ trợ Tư pháp Indonesia, nhận xét : « Sắc lệnh trên đi ngược với nền dân chủ Indonesia ».
Bộ trưởng An Ninh Wiranto bác bỏ mọi cáo buộc sắc lệnh trên là nhằm bóp nghẹt các tổ chức phi chính phủ. - RFI
|
|
7.
Mỹ loan báo THAAD bắn chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung
Đúng một tuần lễ sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa, quân đội Mỹ ngày 11/07/2017 loan báo đã thành công trong việc dùng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung, thuộc loại tương tự với những gì Bình Nhưỡng đang phát triển.
Trong một thông cáo, quân đội Mỹ cho biết là một hệ thống lá chắn THAAD, đặt tại Kodiak, tiểu bang Alaska, đã «phát hiện, bám sát và ngăn chặn được» một tên lửa đạn đạo bắn đi từ một chiếc máy bay vận tải C-17 của không quân Mỹ, bay ngoài khơi Hawaii.
Lockheed Martin, tập đoàn chế tạo ra hệ thống THAAD tiết lộ rằng đây là lần đầu tiên mà việc bắn chặn tên lửa tầm trung được thử nghiệm, cho dù lá chắn THAAD vốn được thiết kế để phá hủy hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, tầm vừa hay tầm trung (gọi là IRBM - với tầm bay từ 3.000-5.500 km).
Richard McDaniel, phó chủ tịch Lockheed Martin, được AFP trích dẫn, nhận định, trong vụ bắn chặn, hệ thống THAAD đã vận hành «không một chút sai sót».
Theo quân đội Mỹ, cuộc bắn thử hôm qua là lần thử nghiệm thứ 14 của hệ thống lá chắn THAAD, và lần nào cũng thành công.
Hoa Kỳ đang lắp đặt lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc nhằm ngăn chận hỏa tiễn Bắc Triều Tiên, nhưng việc triển khai bị tân tổng thống Hàn Quốc tạm đình chỉ.
Theo các chuyên gia, thành công lần này rất có ý nghĩa vì loại tên lửa tầm trung IRBM khó chặn hơn là loại tầm ngắn. Tuy nhiên, THAAD không được thiết kế để đánh chặn hỏa tiễn liên lục địa ICBM mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công hôm 04/07 vừa qua, và được cho là có thể bắn tới Alaska.
Để phá hủy ICBM, Mỹ đã phát triển hệ thống phòng không cố định đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa GMD, nhưng cho đến nay, tỷ lệ thành công của hệ thống GMD chỉ 55% sau các lần thử nghiệm. - RFI
|
|
8.
Thượng đỉnh Liên Âu và Balkan tăng cường hợp tác cấp vùng
Giúp sáu nước Balkan hội nhập vào không gian châu Âu, dọn đường cho khả năng trở thành thành viên trong tương lai, là chủ đề của thượng đỉnh diễn ra vào ngày thứ Tư 12/07/2017 tại Trieste, đông bắc nước Ý. Sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel cùng tham dự cho thấy Paris và Berlin không xem nhẹ khu vực chiến lược của châu Âu, hiện đang đối phó với làn sóng di dân.
Slovenia và Croatia đã gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Sáu nước còn lại, trong đó đa phần là thuộc Nam Tư cũ như Serbia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Macedonia, Kosovo, cùng với Albani đang còn chờ, nhưng đã hết kiên nhẫn.
Từ Belgrade, thông tín viên Jean-Arnault Dérens tường thuật :
Các nước Balkan, ở mức độ khác nhau nhưng tất cả đều dấn thân vào tiến trình lâu dài hội nhập Liên Hiệp Châu Âu. Họ không muốn bị hy sinh vì châu Âu đang bị khủng hoảng. Thái độ mất kiên nhẫn được thể hiện rõ trong nhóm đi đầu gồm Albani, Serbia và Montenegro đã đàm phán với Bruxelles từ nhiều năm nay. Ngay ba nước này cũng lo bị các nước láng giềng chậm chân gây chậm trễ lan truyền. Bosnia-Herzegovina và Macedonia chưa bắt đầu đàm phán gì cả. Kosovo còn chưa có được quy chế ứng cử viên « ảo ».
Mối lo âu càng cao, vì tất cả các nhà lãnh đạo trong vùng, kể cả phe dân tộc chủ nghĩa tại Serbia, đều lấy mục tiêu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu làm chính sách.
Điều trớ trêu là xu hướng nghiêng theo châu Âu của giới lãnh đạo Balkan xảy ra vào lúc viễn cảnh gia nhập xa dần. Về phần Liên Hiệp Châu Âu, từ lâu nay, Bruxelles chỉ dừng lại ở những hành động hình thức ủng hộ các dự án của châu Âu, được xem như là để bảo đảm ổn định trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình này không thể kéo dài, trong bối cảnh Balkan vẫn không thoát ra được tình trạng kinh tế đình đốn.
Tại thượng đỉnh Trieste, sáu nước Balkan muốn biết rõ là châu Âu có còn ý định thu nhận thành viên hay không? - RFI
|
|
9.
Ông Lưu Hiểu Ba suy hô hấp, gia đình không cho đặt ống thở?
Bệnh viện đang điều trị ung thư gan giai đoạn cuối cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba nói rằng người đoạt giải khôi nguyên Nobel Hoà bình đang bị suy hô hấp.
Bệnh viện Đệ Nhất của Đại học Y khoa Trung Quốc tọa lạc ở đông bắc thành phố Thẩm Dương loan báo trên trang mạng hôm thứ Tư 12/7 rằng gia đình ông Lưu đã từ chối cho phép các bác sĩ thực hiện việc mở thông khí quản, đặt ống thở cho ông.
Bệnh viện thông báo trước đó trong ngày rằng nhà bất đồng chính kiến 61 tuổi đang bị sốc và tê liệt. Thông báo cho biết thêm rằng chứng nghẽn mạch máu đã hình thành khắp cơ thể ông.
Ông Lưu được tạm tha để điều trị bệnh vào tháng 5 vừa rồi, sau khi ông được chẩn đoán ung thư. Bắc Kinh phớt lờ lời yêu cầu từ Hoa Kỳ, Đức và nhiều nhóm nhân quyền nhằm cho phép Lưu và vợ ông ra nước ngoài điều trị. Chính quyền nói rằng ông quá yếu không thể đi được và đang được điều trị tốt nhất ở Trung Quốc.
Hai bác sĩ từ Hoa Kỳ và Đức đến thăm ông Lưu vào tuần trước tại bệnh viện Thẩm Dương và tuyên bố ông đủ sức khỏe để ra nước ngoài. Nhưng một đoạn video quay cảnh chuyến thăm của họ được phổ biến hồi đầu tuần cho thấy các bác sĩ này ca ngợi khả năng điều trị của những đồng nghiệp Trung Quốc.
Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố hôm thứ Hai 10/7 chỉ trích Trung Quốc, nói rằng "các cơ quan an ninh đang chỉ đạo việc điều trị chứ không phải các chuyên gia y tế." - VOA
|
|
10.
Xuất hiện vết nứt lớn tại núi băng ở Nam Cực
Băng đảo khổng lồ này có diện tích ước tính khoảng 6000 km vuông; tương đương với 1/4 diện tích xứ Wales.
Theo những hình ảnh một vệ tinh của Hoa Kỳ ghi lại được, một băng đảo lớn đã trôi từ một dải băng được biết đến với tên gọi Larsen C hôm thứ tư.
Các nhà khoa học không bất ngờ về sự việc này. Họ đã theo dõi sự phát triển của vết nứt lớn tại Larsen từ hơn một thập kỷ qua.
Vết nứt này bắt đầu lan rộng từ năm 2014 và vỡ ra thành nhiều băng đảo nhỏ.
Băng đảo dày hơn 200 mét này sẽ không thể di chuyển quá xa và quá nhanh trong một thời gian ngắn nhưng vẫn cần được giám sát.Tình hình thời tiết và hướng gió hiện tại có thể đẩy băng đảo trôi lên phía bắc Nam Cực, trở thành một mối nguy hiểm cho ngành hàng hải.
Một thiết bị cảm ứng trên vệ tinh Aqua của Hoa Kỳ đã nhận thấy dấu hiệu của nước tại rãnh băng hôm thứ tư do nước có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ âm của môi trường xung quanh bao gồm băng và không khí.
Giáo sư Adrian Luckman, người đã theo dõi sự biến đổi của núi băng này trong nhiều năm với dự án Midas của trường Đại học Swansea cho biết: "Hiện trạng của vết nứt trên mặt băng chưa hiện rõ trong các dữ liệu thu được gần đây, nhưng các dấu hiệu đều cho thấy vết nứt này đã lan rộng một cách đáng kể."
So sánh với tình hình trước đây
Băng đảo Larsen là một trong 10 băng đảo lớn nhất trong lịch sử, nhưng kích thước đó vẫn không là gì khi so sánh với những con 'quái vật' trước đây tại Nam Cực.
Núi băng trôi lớn nhất từng quan sát được qua vệ tinh có kí hiệu là B-15. Băng đảo này bị tách khỏi dải băng Ross năm 2000 và có kích thước 11,000km vuông. Sáu năm sau, các mảnh vỡ của băng đảo khổng lồ này vẫn tồn tại và trôi dạt tới New Zealand.
Năm 1956, một tàu phá băng của Hải quân Mỹ đã chạm trán với một băng đảo với diện tích khoảng 32,000km vuông, lớn hơn diện tích của Vương quốc Bỉ. Đáng tiếc, thời kì này chưa phát triển vệ tinh theo dõi để có thể kiểm chứng quan sát này.
Dải băng Larsen C cũng được biết đến là nguồn gốc của những băng đảo khổng lồ khác, có thể kể đến một băng đảo có diện tích khoảng 9,000km vuông vào năm 1986. Nhiều băng đảo trôi từ Larsen C đã liên kết lại với nhau tại vùng biển Weddell hoặc xa hơn nữa, biển phía Nam Đại Tây Dương.
Phần lớn băng đảo trôi từ khu vực này sẽ liên kết với những dải đất nông của các vùng lãnh thổ nước ngoài quanh khu vực Nam Georgia, Vương quốc Anh, và dần dần tan biến. - BBC
|
|
11.
Nông dân Myanmar biểu tình suốt tuần chống lấy đất
Cuộc biểu tình chống lấy đất của hằng trăm nông dân Myanmar tại Mandalay đến ngày 12 tháng 7 bước sang ngày thứ bảy.
Hãng thông tấn AFP loan tin chừng 300 nông dân tập trung dưới chân đồi Mandalay bên những trại được dựng tạm vừa hát vang vừa vẫy những khẩu hiệu đòi chính quyền trả lại ruộng đất cũng như phản đối những vụ truy tố do tranh chấp tài sản.
Một người dẫn đầu nhóm biểu tình nói với hãng thông tấn AFP là họ đã bỏ phiếu bầu cho chính phủ mới thế nhưng tân chính quyền không làm gì để bảo vệ nông dân cả. Người này nói thêm là dân hiểu chính quyền khó có thể giải quyết những vụ việc đất đai tồn tại nhiều năm kể từ thời của chính quyền quân sự để lại; thế nhưng ngày càng có nhiều nông dân phải đối mặt với những vụ kiện do tranh chấp đất đai, tài sản.
Theo giới hoạt động tại Myanmar thì hầu hết những vụ tịch thu đất đai diễn ra từ những thập niên 90 thế kỷ trước và thập niên đầu thế kỷ 2; lúc đó chính quyền quân sự và giới thân thuộc lấy đất của hằng ngàn dân và những nông dân sở hữu ruộng nhỏ.
Nông dân tại Mandalay nói rằng họ sinh sống trên đất ruộng của họ qua nhiều thế hệ nhưng chỉ ít người nay có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.
Chính sự phẫn nộ của nông dân đối với tình trạng thu hồi đất đai là yếu tố chính giúp cho Đảng của bà Aung San Suu Kyi thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2015.
Tuy nhiên từ khi lên nắm quyền đến nay, chính quyền của lãnh tụ Aung San Suu Kyi không làm được gì nhiều để giải quyết vấn nạn thu hồi đất dưới thời chính quyền quân nhân; trong khi đó chỉ riêng tại Mandalay có gần 500 dân làng đang bị truy tố vì liên quan đến chuyện đất đai. - RFA
|
|
Tin Hoa Kỳ
12.
Ông Trump ca ngợi con trai vụ tiết lộ email --- Trump 'không biết con trai gặp luật sư Nga'
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 12/7 đã nhắc lại quan điểm của ông về các nghi vấn trong mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống và Nga là "cuộc lùng diệt phù thủy lớn nhất trong lịch sử."
Lời bình luận trên Twitter này đã xuất hiện một ngày sau khi con trai cả của ông Trump tiết lộ các email cho thấy người con trai này và những người khác trong chiến dịch tranh cử đã gặp một luật sư người Nga để tìm thông tin gây tổn hại cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Ông Donald Trump Jr. cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tối thứ Ba 11/7 trên kênh truyền hình Fox News rằng ông không nói cho cha mình biết về cuộc gặp với Nga, và cũng bác bỏ cáo buộc ban tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga, và cho rằng đó là điều "vô lý."
Trong bình luận trên Twitter, Tổng thống Trump hôm thứ Tư 12/7 đã ca ngợi cuộc phỏng vấn trên truyền hình của con trai.
Ông Trump viết: "Con trai tôi Donald đã làm một việc tốt tối qua. Con tôi cởi mở, minh bạch và vô tội.”
Trước đó, thư ký báo chí của ông Trump nêu lời bình luận duy nhất của tổng thống trong một tuyên bố, nói rằng con trai ông là "một người có phẩm chất cao," trong khi đó tuyên bố không đề cập các chi tiết của việc trao đổi email.
Các thông tín viên của đài VOA tại điện Capitol nói rằng các thông tin mà ông Donald Trump Jr. tích cực tìm kiếm là thông tin gây hại cho bà Clinton trước cuộc bầu cử tháng 11, đã gây ra những làn sóng tranh cãi ở Quốc hội và khiến các thành viên của đảng Dân chủ phản ứng mạnh mẽ.
Ông Donald Trump Jr. đã công bố các email vào sáng thứ Ba 11/7 sau khi biết rằng báo The New York Times sắp đưa tin về vấn đề này. Tờ báo này phỏng vấn ông Rob Goldstone, một nhà quảng cáo âm nhạc người Anh, đại diện cho bà Natalia Veselnitskaya, một luật sư người Nga, người đã gặp ông Donald Trump Jr. ngay sau khi cha ông được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.
'Thông tin cấp cao và nhạy cảm'
Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, như ông Chris Murphy đại diện bang Connecticut, hôm thứ Ba nói rằng những diễn biến trong câu chuyện của ông Donald Trump Jr. và cuộc gặp với luật sư Nga "bắt đầu trông giống như là thông đồng ...”
Thông tín viên VOA Michael Bowman cho biết, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã thận trọng hơn trong phản ứng của họ, nhưng thượng nghị sĩ Susan Collins của tiểu bang Maine cho biết "các email cần được Ủy ban Tình báo Thượng viện điều tra kỹ lưỡng."
Thông tín viên Katherine Gypson của đài VOA cho biết dân biểu Adam Schiff của tiểu bang California, đảng viên Dân chủ cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho hay việc tiết lộ email này là "một diễn biến nghiêm trọng, và gây lo ngại" và nói rằng ông muốn con trai của ông Trump phải ra điều trần trước ủy ban của ông.
Ông Schiff nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba: "Điều này hoàn toàn không chỉ là một sự vi phạm các quy tắc mà là một sự vi phạm trách nhiệm dân sự đối với đất nước. Khi quý vị bị một chính phủ nước ngoài tiếp cận để can thiệp vào một cuộc bầu cử, quý vị phải trình báo cho FBI."
Dân biểu Dân chủ Elijah Cummings nói rằng "Chúng ta phải điều tra", bởi vì chuỗi email này "khẳng định rằng con trai của tổng thống vừa nhận biết và vừa ủng hộ nỗ lực của chính phủ Nga để giúp ông Trump thắng cử."
Tòa Bạch Ốc bác bỏ cáo buộc "vô lý"
Một thượng nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa, ông Lindsey Graham đại diện bang South Carolina, nói rằng chuyện này "có vấn đề" và rằng ông Trump Jr. "chắc chắn phải ra điều trần".
Các nhà lập pháp khác đã đưa ra nhiều nhận xét sắc bén hơn về tác động của các email này. Khi được hỏi tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ôc về những nhà lập pháp đang công khai thảo luận về khả năng các nhà điều tra có thể xem xét hành vi này phạm tội phản quốc hoặc cản trở công lý, thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders nói rằng "những cụm từ mới này nghe rất vô lý".
Trong email gửi cho Trump Jr., ông Goldstone đã đề cập đến bà Veselnitskaya là "luật sư của chính phủ Nga đang bay từ Moscow sang". Chính phủ Nga đã phủ nhận thông tin về bà Veselnitskaya và bác bỏ tuyên bố của Hoa Kỳ rằng họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử.
Cuộc gặp tiếp theo sau đó cũng có sự tham dự của ông Paul Manafort, người quản lý chiến dịch tranh cử lúc ấy của ông Trump, và con rể của ông là Jared Kushner, chồng của Ivanka, con gái của ông Trump. Cả ông Kushner và vợ ông hiện là cố vấn cho ông Trump tại tòa Bạch Ốc.
Những tiết lộ trong tuần này về các hoạt động của ông Donald Trump Jr. xảy ra trong năm ngoái, giữa lúc đang có các cuộc điều tra của Quốc hội và một cuộc điều tra hình sự của công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái. - VOA
***
Con trai Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông không nói cho cha về một cuộc gặp với luật sư người Nga từng nói bà sẽ có thể giúp cho chiến dịch tranh cử.
Donald Trump Jr nói với Fox News cuộc gặp "chẳng là cái gì" nhưng nói ông đáng ra nên hành xử khác.
Ông đưa ra các email cho thấy ông hoan nghênh một đề nghị gặp một luật sư, người bị cho là có quan hệ với Kremlin và có thông tin gây hại cho bà Hillary Clinton.
FBI và Quốc hội Hoa Kỳ hiện đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, trong đó có việc điều tra xem liệu ai trong số các cộng sự của Tổng thống Trump đã cấu kết với chính phủ Nga để gây ảnh hưởng kết quả bầu cử hay không.
Cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra bằng chứng về việc thông đồng.
Kể từ khi được bầu, Tổng thống Trump bị kẹt bởi các cáo buộc rằng Nga cố phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Ông Trump bác bỏ biết bất kỳ điều gì về việc này và Nga liên tục bác bỏ đã can thiệp.
Khi được phóng viên Sean Hannity của Fox News nói liệu ông có nói cho cha mình về cuộc gặp hồi năm ngoái hay không, con ông Trump (Trump Jr) nói: "Không. Chẳng là cái gì cả. Chẳng có gì để nói.
"Ý tôi muốn nói là tôi thậm chí chẳng nhớ cho tới khi người ta bới móc ra. Thực ra chỉ là cuộc gặp 20 phút phí thời gian, thật đúng là như vậy.
Con trai Tổng thống Trump, Donald Trump Jr, luôn khẳng định rằng luật sư Natalia Veselnitskaya chẳng cung cấp "thông tin nào có ý nghĩa" về đối thủ của cha mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Con rể tổng thống, Jared Kushner, và người phụ trách chiến dịch vận động tranh cử, Paul J Manafort, cũng có mặt tại cuộc họp.
Cuộc gặp với bà Veselnitskaya diễn ra vào ngày 9/6/2016 tại tháp Trump ở New York, chỉ hai tuần sau khi ông Donald Trump giành được đề cử của đảng Cộng hòa.
Đây được coi là cuộc gặp riêng tư đầu tiên được xác nhận giữa một người Nga với một người thân tín của ông Trump.
Tờ New York Times công bố về cuộc gặp này hôm 8/7.
Thời điểm đó, cả ông Trump Jr lẫn bà Veselnitskaya đều xác nhận có cuộc gặp này nhưng cho biết họ không bàn về chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Hôm 9/7, New York Times cho biết, ông Trump Jr đã đồng ý đến cuộc gặp sau khi được hứa hẹn cung cấp thông tin có khả năng gây bất lợi cho bà Clinton, ứng viên đảng Dân chủ.
Tờ báo dẫn lời ba cố vấn của Nhà Trắng được báo cáo về cuộc gặp và hai người khác biết về sự kiện này. - BBC
|
|
13.
Triển vọng kinh tế khả quan, Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi xuất
Chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen, hôm Thứ Tư xác nhận với Quốc Hội rằng sẽ dần dần tăng mức lãi xuất căn bản, và cũng sẽ khởi sự giảm bớt việc giữ trái phiếu năm nay để giảm lưu lượng tiền tệ.
Trong cuộc điều trần về tình hình kinh tế trước Quốc Hội, được ấn định là hai lần mỗi năm, bà Yellen nêu lên một số yếu tố khích lệ, như tình hình việc làm vững chắc và sự gia tăng trong giá trị tài sản của các gia đình Mỹ, vốn theo bà sẽ giúp phát triển kinh tế Mỹ trong hai năm tới.
Bà giải thích mức lạm phát có phần chậm lại trong thời gian gần đây do một số yếu tố tạm thời. Tuy nhiên, bà Yellen nói rằng các giới chức Fed đang theo dõi kỹ càng tình hình này để mức lạm phát được giữ đúng theo mức 2%, là mục tiêu của Fed.
Nhiều kinh tế gia cho rằng Fed, vốn đã ba lần tăng mức lãi xuất từ Tháng Chạp năm ngoái tới nay, sẽ tăng một lần nữa trong năm nay.
Trong bài trình bày trước Ủy Ban Dịch Vụ Tài Chánh Hạ Viện, bà Yellen lập lại điều bà từng nói suốt trong năm nay: đó là nền kinh tế Mỹ nay cải thiện đủ mạnh để không cần đến sự trợ giúp dồi dào từ Quỹ Dự Trữ Liên Bang như đã có từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chánh và cuộc suy trầm lớn nhất từ thập niên 30.
Bà Yellen cho hay kể từ thời kỳ đen tối nhất của cuộc suy trầm tới nay, mức thất nghiệp nay là 4.4%, thấp nhất trong gần 16 năm nay.
Trong khi đó, tuy mức phát triển của nền kinh tế vào đầu năm nay chỉ là 1.4%, hiện đang cho thấy có lại được động năng mấy tháng gần đây, qua số việc làm gia tăng, đầu tư của doanh gia nhiều hơn và nền kinh tế của các quốc gia khác có phần mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, bà Yellen cũng cảnh báo rằng vẫn còn những yếu tố bất trắc đáng kể, như mức lạm phát có tăng lên không và liệu chương trình kinh tế của Tổng Thống Trump sẽ có được thi hành như dự trù hay không. - nguoiviet
|
|
14.
Thượng viện Mỹ điều trần để chuẩn thuận tân giám đốc FBI
Người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ra đứng đầu Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI), ông Christopher Wray, tại buổi điều trần chuẩn thuận chức vụ tại Thượng viện hôm 12/7, khẳng định kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động của cơ quan FBI, chỉ là “sự thật, luật pháp và việc theo đuổi công lý”.
Ông Wray là một luật sư bào chữa và cựu giới chức Bộ Tư pháp. Ông đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi từ các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Một số thành viên muốn ông Wray bảo đảm rằng ông có thể hoạt động một cách độc lập, và không bị sự chi phối của Tòa Bạch Ốc.
Trong phát biểu khai mạc, một thành viên trong Ủy ban, bà Dianne Feinstein, nói FBI phải tiếp tục hoạt động độc lập, không chịu áp lực chính trị.
“Giám đốc FBI không phục vụ tổng thống, ông phải phục vụ Hiến pháp, pháp luật và nhân dân Mỹ”, bà Feinstein nói.
“Vì vậy, giám đốc FBI phải là một nhà lãnh đạo trung thực và mạnh mẽ để có thể chống lại bất kỳ âm mưu can thiệp chính trị nào”.
Nếu được chuẩn thuận, ông Wray sẽ thay thế ông James Comey, người đã bị Tổng thống Trump sa thải giữa lúc ông đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về những cáo buộc cho rằng ban vận động tranh cử của ông đã cấu kết với các quan chức Nga nhằm giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Cáo buộc còn cho rằng ông Trump có thể đã “cản trở công lý” khi sa thải ông Comey.
Các nhà lập pháp có phần chắc sẽ chất vấn ông Wray làm thế nào có thể hoạt động dưới quyền một tổng thống đã từng yêu cầu người tiền nhiệm, là ông Comey, phải trung thành với cá nhân ông. Ông Comey là người chiếm được cảm tình của nhiều người trong cơ quan thi hành công lực lớn nhất nước Mỹ.
Các nhân viên FBI và các luật sư từng làm việc với ông Wray miêu tả ông là một người tận tâm và kín đáo, có khả năng tránh những ảnh hưởng chính trị.
Ông Wray cũng có thể phải đối mặt với các câu hỏi về mối quan hệ giữa ông với ông Comey và ông Robert Mueller, một cựu giám đốc FBI được Bộ Tư pháp chỉ định làm chuyên gia tư vấn đặc biệt phụ trách cuộc điều tra về Nga. Ông Wray làm việc tại Bộ Tư pháp vào năm 2004 khi ông Comey là Phó Bộ trưởng Tư pháp và ông Mueller là Giám đốc FBI.
Cuộc điều trần diễn ra giữa lúc có những phát hiện mới về những tiếp xúc giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga hồi năm ngoái.
Con trai lớn của ông Trump, Donald Trump Jr., hôm thứ Ba (11/7) công bố một loạt email cho thấy ông đã gặp một luật sư Nga hồi tháng 6 năm ngoái để thảo luận về những thông tin được tin là bất lợi cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton. Các email được công bố cho thấy Trump Jr. được cho biết là những thông tin ấy là một phần trong một chiến dịch của chính phủ Nga nhằm giúp cha ông, Donald Trump, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Cộng đồng tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tung ra một chiến dịch đưa tin giả liên quan đến bầu cử trên các phương tiện truyền thông xã hội Mỹ và xâm nhập vào các hồ sơ trên máy tính của ông John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Tổng thống Trump nhiều lần lặp đi lặp lại rằng các cuộc điều tra này là một ‘trò săn lùng phù thủy’. Trong một Tweet vào sáng sớm thứ Tư, ông khen ngợi con trai về một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đêm thứ Ba. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
15.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga đối mặt ‘bản án có chỉ đạo’
Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam thông báo họ xét xử nhà hoạt động Trần Thị Nga trong hai ngày 25 và 26/7 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Một trong ba luật sư bào chữa nói nhiều khả năng bà Nga phải đối mặt với một bản án “có sự chỉ đạo”.
Theo báo chí trong nước, nhà hoạt động nữ 40 tuổi bị nhà chức trách Hà Nam bắt hồi cuối tháng 1 năm nay, đúng lúc bà “đang truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Bà Nga được nhiều người biết đến qua các hoạt động như nhiều lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành vì môi trường, phản đối hãng Formosa trong thảm họa môi trường ven biển miền Trung, cũng như giúp đỡ dân oan khiếu kiện.
Luật sư Hà Huy Sơn cho VOA biết ông cùng hai đồng nghiệp là Lê Văn Luân và Ngô Anh Tuấn sẽ bào chữa cho bà Nga. Ông nói khó “dự đoán” về việc tranh tụng tại tòa:
“Đối với tội tuyên truyền chống nhà nước, từ xưa đến nay, người ta vẫn theo một công thức chung. Tức là người ta đưa ra các kết luận giám định, các thông tin, bài viết. Từ đó, người ta kết án. Trong phiên tòa này, chúng tôi tập trung vào chuyện yêu cầu triệu tập các giám định viên để chúng tôi tranh tụng tại tòa. Trong quyết định đưa ra xét xử, cũng có triệu tập các giám định viên. Nhưng thực tế không biết các giám định viên sẽ có mặt hay không, nên phiên tòa như thế nào chúng tôi cũng chưa dự đoán được”.
Phiên xét xử bà Nga diễn ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi một tòa án ở Khánh Hòa kết án một nhà hoạt động nữ khác, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tới 10 năm tù giam cũng vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Nhận định về những thách thức cho phía luật sư bào chữa trong những phiên tòa kiểu này, luật sư Sơn nói:
“Chắc là bản án này cũng có chỉ đạo giống như các bản án mang màu sắc chính trị. Cái khó khăn của chúng tôi là không được tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát người ta không tranh tụng với luật sư. Hoặc là các ý kiến của luật sư đưa ra không được tòa tiếp thu để ra bản án. Và cái chính là các phiên tòa này tuy là công khai nhưng báo chí rất bị hạn chế và người dân không được tự do tham dự, nên nó giảm đi tiếng nói của luật sư tại phiên tòa”.
Báo chí Việt Nam tường thuật lại rằng tại phiên tòa xử bà Như Quỳnh, còn gọi là blogger Mẹ Nấm, đại diện Viện kiểm sát Khánh Hòa và Hội đồng xét xử có cùng nhận định rằng bà Như Quỳnh “luôn giữ thái độ chống đối nhà nước, không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình”, do vậy “cần xử lý nghiêm minh”.
Bản án 10 năm dành cho bà Quỳnh bị giới quan sát cho là nặng một cách bất thường. Sau đó, một số người viết trên mạng xã hội rằng những bị cáo như bà Quỳnh hay bà Nga khó có thể được trắng án, vì vậy, bị cáo và luật sư nên cân nhắc thái độ và lời lẽ để được nhận bản án nhẹ nhất có thể.
Về điều này, luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA việc bào chữa sẽ thực hiện trên hai nguyên tắc là dựa vào pháp luật hiện hành và dựa vào ý chí, mong muốn của thân chủ. Vị luật sư không cho biết về những bàn bạc giữa ông và bà Nga trong giai đoạn chuẩn bị cho phiên tòa sắp tới. - VOA
|
|
16.
Bộ Quốc phòng tỏ ý muốn nhường đất sân golf
Người đứng đầu Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói hôm thứ Tư ngày 12/7 rằng quân đội sẵn sàng bàn giao lại phần đất sân golf giáp ranh phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất mà họ đang nắm giữ để phục vụ nhu cầu mở rộng sân bay, các báo trong nước đưa tin.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch lên tiếng giữa lúc dư luận đang bất bình về việc quân đội chiếm hữu một vùng đất lớn để phục vụ sân golf trong khi tình trạng ách tắc bên trong và xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng trầm trọng.
Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc mở thêm đường băng hay mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc, liệu có khả thi và hiệu quả hay không bởi vì thu hồi khu vực để mở rộng sân bay đòi hỏi một số tiền bồi thường quá lớn cho nhà đầu tư và người dân.
Trong buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có sự hiện diện của người đứng đầu chính quyền thành phố, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, ông Lịch được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời nói với ông Phong rằng Bộ Quốc phòng “đã sẵn sàng thu hồi và bàn giao để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nếu có yêu cầu”. Không thấy ông đề cập cụ thể tới lộ trình và thời hạn của việc bàn giao.
Mặt khác, ông lưu ý rằng việc giải tỏa, thu hồi phần đất sân golf phải tính đến lợi ích của các nhà đầu tư đã đổ tiền ra xây dựng sân golf này.
Ông cho biết từ đầu năm 2017 Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngừng xây dựng hoàn toàn các công trình phục vụ như khách sạn, nhà hàng, căn hộ và biệt thự trên phần đất mà quân đội nắm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Bộ trưởng thì trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2017, Bộ Quốc phòng đã bốn lần bàn giao tổng cộng 98,7 ha đất cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng đường băng, sân đỗ máy bay và khu vực đảm bảo kỹ thuật cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại Tướng Ngô Xuân Lịch cho biết phía thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu quân đội nhường đất để mở rộng một số tuyến đường xung quanh sân bay và Thường vụ Quân ủy Trung ương đã nhất trí bàn giao tiếp 14 ha, sau khi 10.5 ha đất đã được bàn giao từ năm 2004 cho đến 2017.
Trước tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông-Vận tải đặt mục tiêu nâng cấp, mở rộng để có thể đáp ứng công suất từ 43 đến 45 triệu hành khách một năm. Ngoài ra còn có ý kiến nên xây một sân bay quốc tế ở Long Thành, nhưng chưa rõ tính khả thi của đề xuất này.
Liên quan đến những phần đất do quân đội nắm giữ trên cả nước, Bộ trưởng Quốc phòng Lịch nói quân đội không thể bàn giao những vị trí trọng yếu dành cho công tác phòng thủ, để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tình trạng quân đội làm kinh tế ở Việt Nam đã trở thành đề tài tranh cãi trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại việc kinh tế quân đội phục vụ lợi ích nhóm hay tạo điều kiện cho nạn tham nhũng, trong khi một số tướng lĩnh cao cấp trong quân đội khẳng định việc quân đội làm kinh tế là để phục vụ mục đích chính trị. - VOA
|
|
17.
Thêm con tin Việt Nam trong tay Abu Sayyaf thiệt mạng ở Philippines
Quân đội Philippines xác nhận con tin người Việt Nam thứ ba bị Abu Sayyaf cầm giữ đã thiệt mạng.
Chuẩn tướng Cirilito Sobejana, Tư lệnh Lực lượng Tác chiến Hỗn hợp Sulu, cho hay quân đội đã tìm thấy thi thể của con tin này hôm 8/7 tại làng Buhanginan thuộc cụm đảo Sulu.
Công tác nhận dạng đã được quân đội tiến hành, và kết quả so sánh vân tay được công bố hôm 10/7 khẳng định danh tính của người thiệt mạng là ông Trần Việt Văn, theo lời tướng Sobejana.
Tin cho hay trên thi thể nạn nhân có nhiều vết đạn. Tướng Sobejana chưa thể xác định ngay liệu ông Văn bị Abu Sayyaf hạ sát, hay đã trúng đạn trong cuộc đấu súng giữa quân đội và phiến quân.
Ông Văn là một trong sáu thủy thủ Việt Nam bị nhóm cực đoan Abu Sayyaf bắt cóc ngoài khơi đảo Baguan ở vùng Tawi-Tawi hồi tháng 2 năm nay.
Trong một tuyên bố ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình công dân Trần Việt Văn và hy vọng gia đình sớm vượt qua những thời khắc đau thương, mất mát to lớn này, ổn định cuộc sống".
Bộ cho biết đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang phối hợp với phía nước chủ nhà để đưa thi hài hoặc di hài của nạn nhân về nước.
Trước khi nhóm ông Văn bị bắt cóc, hồi tháng 11/2016, một nhóm 6 thủy thủ Việt Nam khác cũng đã rơi vào tay Abu Sayyaf ở gần đảo Basilan.
Hai người trong nhóm bị bắt cuối năm ngoái đã bị Abu Sayyaf chặt đầu mới đây. Thi thể của họ được tìm thấy hôm 5/7, và được xác định danh tính là Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải.
Một ngày sau khi có tin hai ông Thông và Hải bị hành quyết, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ông “rất đau buồn và phẫn nộ” về tin này. Ông nhấn mạnh rằng “Những kẻ khủng bố gây ra cái chết của công dân Việt Nam phải bị trừng trị đích đáng”.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay vào sáng 11/7, đại diện của bộ đã triệu tập Đại biện Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam. Trong cuộc gặp, phía Việt Nam đề nghị Philippines “khẩn trương hỗ trợ giải quyết vụ việc, đồng thời, đảm bảo an toàn cho các công dân của Việt Nam đang bị giữ”.
Abu Sayyaf là nhóm các phần tử Hồi giáo vũ trang thành lập vào những năm 1990. Nhóm này đã thề trung thành với thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo là Abu Bakr al-Baghdadi.
Theo một phát ngôn viên quân đội Philippines, tính đến ngày 5/7, nhóm này giữ 22 con tin, trong đó có 16 người nước ngoài. - VOA
|
|
18.
Giáo sư Ngô Bảo Châu 'có quan điểm trái với sự giáo điều'
Một giảng viên ở Hà Nội nói với BBC rằng bà tin "Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng để ý chuyện ông đang bị bôi nhọ" và rằng bà khâm phục "một trí thức thành danh ở nước ngoài vẫn tha thiết với những vấn đề xã hội của Việt Nam".
Mạng xã hội tại Việt Nam đang lan truyền những bài 'Tiếc cho nhân tài Ngô Bảo Châu; Ngô Bảo Châu - một con trâu biết làm toán' hay 'Ngô Bảo Châu - một con chó phản chủ…'
Một bài trong số này đăng trên blog có đoạn viết: "Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm..."
Cuối tháng trước, Giáo sư Châu là một trong 15 nhà khoa học của nhiều quốc gia được bầu làm viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp.
Hồi tháng 12/2016, ông quyết định hiến toàn bộ tiền thưởng giải Fields năm 2010 để tài trợ cho Tạp chí Pi dành cho các học sinh, sinh viên yêu toán.
Trên trang cá nhân có nhiều lượt theo dõi, gần đây ông chia sẻ link ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).
Tháng 6/2017, đề cập về tập thơ Thành Phố Dịu Dàng bị thu hồi, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: "Đã vào thiên niên kỷ thứ ba lâu rồi mà ở đâu đó trên quả đất này vẫn có ai đó muốn kiểm soát thơ, cho rằng thơ không được chủ quan, thơ phải hợp lý. Có phải họ nuối tiếc một cái gì đó mà đáng ra nên vĩnh viễn cho yên nghỉ với thiên niên kỷ trước hay không?"
'Dũng cảm và dấn thân'
Hôm 12/7, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học nói với BBC từ Hà Nội: "Tôi tin Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng để ý chuyện ông đang bị bôi nhọ đâu."
Chắc ông thừa hiểu xã hội Việt Nam giống như căn nhà đóng cửa lâu năm, mới mở cửa đón làn gió mới, nên có thể một số người bên trong có phản ứng không phù hợp."
"Tôi cũng không cho rằng chuyện ông bị bôi nhọ liên quan đến chính quyền, vì không có tin nào như vậy trên báo chính thống."
"Theo như tôi thấy, có thể nguyên do của việc này là vì ông có những quan điểm trái với sự giáo điều về tôn sùng Hồ Chí Minh hay phản đối việc bắt giam blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh."
"Ông Châu là một trí thức chân chính, nói theo kiểu ngày xưa là "uy vũ bất năng khuất (người cương trực không chịu khuất phục kẻ có quyền thế)."
"Trí thức người Việt thành danh ở nước ngoài thì nhiều, nhưng người tha thiết quay về đóng góp cả về nghề nghiệp và về những vấn đề xã hội của Việt Nam như Giáo sư Châu là rất hiếm hoi," bà Nguyễn Hoàng Ánh, nói. "Tôi cho đó là sự dũng cảm và dấn thân."
Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách Hóa Nông Thôn nói với BBC: "Theo tôi, việc một số trang mạng hạ bệ giáo sư Ngô Bảo Châu thì không thể gọi nó là chiến dịch và không đáng bận tâm."
"Điều đáng nghĩ là những phát ngôn rất đỗi hiển nhiên mà người có tri thức nào cũng có khái quát và phóng ngôn lại thu hút số đông quan tâm và cả đám đông chống đối."
"Điều này, một phần phản ánh tính yếu của đám đông, họ xả ẩn ức về thực trạng xã hội qua quan điểm của một cá nhân, và một đám đông khác không chấp nhận quan điểm trái chiều. Xã hội có đám đông chỉ dừng ở xả ẩn ức qua và bằng ngôn từ thì thiếu sức mạnh nội thân để đấu tranh chống lại cái xấu và kiến tạo văn minh quốc gia."
"Hạ bệ một trí thức cụ thể nào đó là chỉ số xấu. Nhưng sự hạ bệ kinh khủng nhất và kéo lùi sự phát triển của xã hội là sự hạ bệ tri thức của đám đông."
"Sự hạ bệ đó được thể hiện qua những người lớn khẳng định 'trẻ em không đọc sách', nhà trường không giúp trẻ em đọc sách, và xã hội vẫn để hơn 14 triệu trẻ em chưa được nghe và đọc sách. Vậy, để một ngày đẹp trời, những phát ngôn hiển nhiên của một trí thức nào đó không bị chụp mũ, thì cần một đám đông trân quý tri thức bằng cách chia sẻ nó rộng rãi."
Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: "Đừng nghĩ truyền thông Việt Nam đã "dựng" Ngô Bảo Châu lên như dựng vài thần tượng khác."
"Chính truyền thông và một vài chính trị gia đã khai thác sự ngưỡng mộ của dân chúng trước tài năng toán học xuất chúng của ông để đánh bóng hình ảnh cho họ."
"Chắc giờ đây có người nhận ra Ngô Bảo Châu là một học giả tầm cỡ quốc tế chứ không phải là "một con cừu" nội địa. Nhưng, quý vị nên nhớ, danh tiếng của Giáo sư Ngô Bảo Châu là có thật chứ không phải là một sản phẩm của truyền thông để quý vị có thể sử dụng truyền thông, ngay cả chính thống, mà hạ bệ."
Trước đó, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse, Pháp, viết: "Thật ra, những điều Giáo sư Ngô Bảo Châu nói ra, từ bô xít cho đến Mẹ Nấm… mới chỉ ở mức nhẹ, chẳng có gì là ghê gớm hay bí mật, ai có khả năng tự tìm thông tin và suy luận đúng đắn cũng nhận thấy được."
"Tuy nhiên, trong thời đại Internet này, chính sách ngu dân có thể làm chậm lại sự tiến bộ của xã hội, nhưng cuối cùng thì làm sao có thể ngăn cản nổi nhu cầu văn minh hoá, tự do hoá về tư tưởng của cả trăm triệu người dân."
Giáo sư Ngô Bảo Châu vào hè năm ngoái gỡ một bình luận gây tranh cãi của mình trên Facebook.
Vào hôm 19/05/2016, trên Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Châu viết: "Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta."
Bình luận này nhận được trên dưới 20.000 người "thích", hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ nhưng đã được gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng. - BBC
|
|
19.
Võ sư Đoàn Bảo Châu bị võ sư Flores hạ đo ván
Với ưu thế vượt trội về thể hình, Võ sư Vịnh Xuân Pierre-Francois Flores (91kg) đến từ Canada đã hạ đo ván võ sư karate Việt Nam Đoàn Bảo Châu trong cuộc tỉ thí hôm 12/7 tại Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Trong cuộc đấu đối kháng diễn ra trong vòng khoảng hai phút, mặc dù đã có một số lần ra đòn chân và đòn tay, ông Đoàn Bảo Châu đã có ba lần bị nằm đất, trong đó có cú nặng nhất là khi võ sư của Việt Nam bị đối thủ ra đòn chân ở tầm cao hạ gục ở cuối trận khiến ông phải nhận sự chăm sóc tại chỗ ngay sau trận đấu.
"Tôi thua tâm phục khẩu phục. Kỹ thuật, thể lực và tốc độ ra đòn của Pierre đều rất tốt. Sau cuộc giao lưu này, tôi càng cảm thấy yêu mến Pierre hơn vì tinh thần thượng võ trong thi đấu," ông Đoàn Bảo Châu nói với VnExpress sau trận tỉ thí.
Trước đó có quan ngại cho rằng cuộc tỉ thí đang được mong đợi giữa võ sư Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores và võ sư karate Đoàn Bảo Châu có thể không được diễn ra.
Theo một cán bộ Phòng Quản lý của Sở Văn hóa-Thể thao, Sở đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thể dục Thể Thao về việc cấm trận đấu này diễn ra.
Báo Dân Trí dẫn lý do:
"Trận đấu không được phép tổ chức, gây mất trật tự công cộng. Đó là chưa kể việc các võ sư thách đấu tự do có thể gây thương tích, mà điều này thì không được cho phép vì có hành vi 'gây sát thương', gây hại sức khoẻ tới con người."
Vụ thách đấu dự tính sẽ ra hôm 20/7 nhưng Sở VH-TT cho biết sẽ làm việc với công an Hà Nội về trận đấu này.
"Nếu chỉ là giao lưu, học hỏi nhau thì không sao, nhưng những lời thách đấu như này rõ ràng không đúng quy định", cán bộ Phòng Quản lý này nói, theo báo Dân Trí.
Nhưng trước đó, võ sư Đoàn Bảo Châu đã đăng trên Facebook rằng cuộc tỉ thí là "một sự giao lưu về nghệ thuật chiến đấu và tất nhiên trên tinh thần thân ái và thượng võ."
Phản ứng trước lệnh cấm trên của Sở, võ sư người Việt cũng đăng trên trang cá nhân nói:
"Theo tôi hiểu thì các cơ quan nhà nước chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, các doanh nghiệp, cá nhân được làm những điều luật pháp không cấm."
"Các ông cần phải đưa ra văn bản pháp luật về việc này. Ở đây chúng tôi không tổ chức bán vé, chỉ là việc của hai cá nhân, sao lại cấm? "
Võ sư Đoàn Bảo Châu là võ sư Karate Huyền đai đệ ngũ đẳng của Hệ phái Đoàn Long Karatedo tại Hà Nội.
Võ sư Pierre Flores là đệ tử của của chưởng môn Vịnh Xuân Nam Anh hiện ở Canada, còn gọi là Việt Nam Vịnh Xuân Chính Thống phái.
Trước đó võ sư Flores có ý định tỉ thí với Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt nhưng không thành.
Tin tức về chuyến thăm đến Hà Nội để giao lưu cùng võ sư Đoàn Bảo Châu đã được lưu truyền một thời gian trước.
Đại sư Nam Anh, sinh tại Nam Việt Nam, tập võ Thiếu Lâm từ lúc nhỏ tuổi, còn là một luật sư thuộc Luật sư Đoàn - Sài Gòn trước 1975.
Ông cũng đóng vai trò cố vấn pháp lý cho Đại sứ quán Pháp ở Sài Gòn 1973 -1975.
Năm 1975, ông bị bắt đi cải tạo và trong tù được Đại sư Hạng Văn Giai truyền các sở học Phương Đông trong trại Chí Hòa cho đến năm 1977, theo một trang web về võ đường tại Canada.
Được Đại sư Hạng Văn Giai gửi gắm, sau khi ra tù, ông đã tìm đến Đại sư Nguyên Minh và được làm đệ tử chân truyền.
Năm 1986, ông sang Canada định cư ở Québec và hoàn tất chương trình tiến sỹ luật thương mại quốc tế và mở võ đường Nam Anh tại Montreal.
Hiện cơ sở này có trường dạy võ là Shaolin Wing Chun Nam Anh Kung fu tại thành phố Montreal và thu hút nhiều võ sinh gốc châu Á, người bản xứ và người đến từ các quốc gia khác.
Bản thân ông Pierre Francois Flores là một võ sư có tiếng tại đây, và được Radio Canada giới thiệu mới hồi tháng 5/2017 về việc ông thi đấu tại Việt Nam và quyết bảo vệ danh dự cho môn phái.
Ông cũng từng được một đài truyền hình Trung Quốc phỏng vấn. - BBC
|
|
20.
Orange County tăng thuế bất động sản 2%
Năm nay, những người có tài sản tại Orange County sẽ phải trả thêm 2% vì tỷ lệ lạm phát. Đây là vụ tăng thuế cao nhất trong bốn năm gần đây, theo nhật báo Orange County Register (OCR).
Sự gia tăng của giá trị bất động sản cũng làm mức thu nhập của các trường học và các cơ quan chính phủ địa phương gia tăng theo.
Theo báo cáo của Văn Phòng Thẩm Định Thuế Orange County (Orange County Tax Assessor’s Office), hôm 10 Tháng Bảy, bản tường trình thuế bất động sản năm 2017-2018 cho thấy giá trị của bất động sản tại Orange County tăng 6.02%, lên đến gần $558 tỉ năm nay, vẫn theo OCR.
Việc tăng thuế này sẽ được loan báo trong hóa đơn thuế tài sản gởi đi vào Tháng Chín, và chủ nhà có thể trả làm hai lần, vào Tháng Mười Hai và vào Tháng Tư năm tới.
Một nhân viên thẩm định thuế nói: “Trị giá thay đổi phản ảnh việc thị trường địa ốc tại Orange County tiếp tục đánh giá bất động sản và phục hồi những bất động sản bị giảm giá trước đây trong giai đoạn suy thoái.”
Theo Dự luật 13, thuế bất động sản tùy thuộc vào tỷ lệ lạm phát, không được tăng quá 2% trong một năm.
Lạm phát trên toàn tiểu bang California chưa hề lên đến 2% từ 2013, mặc dù hai năm trước đã có lúc gần lên đến mức này. Thuế nhà lên 1.5% năm 2016, 1.998% năm 2015 và 0.5% năm 2014.
Việc tăng thuế có thể vượt mức 2% chỉ khi nào bất động sản được sang nhượng hay được phục hồi sau khi bị giảm giá dẫn đến việc giảm thuế từ trước, tờ OCR viết.
Năm nay, tổng giá trị bất động sản tăng $31.7 tỉ so với năm 2016-2017.
Theo Văn Phòng Thẩm Định Thuế Orange County, địa ốc đóng góp $537 tỉ, là 96.3% tiền thuế tài sản.
Số $20.4 tỉ còn lại được dựa trên trị giá của “tài sản cá nhân” như thiết bị kinh doanh, và 23,900 thuyền, và 768 phi cơ.
Văn Phòng Thẩm Định Thuế Orange County cho hay rằng Irvine có cả phần thuế bất động sản nhiều nhất và tiền thuế gia tăng cao nhất năm nay. Giá trị tài sản tăng 8.8%, lên đến $71.6 tỉ, theo OCR.
Newport Beach có thuế bất động sản cao hàng thứ nhì, ở mức $53.8 tỉ.
Anaheim ở hàng thứ ba với tiền thuế là $43.3 tỉ.
La Palma tăng thuế rất thấp nhất năm nay, với trị giá gia tăng có 2.5%, chỉ trên $2 tỉ.
Thành phố duy nhất với thuế tài sản kém La Palma là Villa Park, với giá trị bất động sản thấp hơn $1.8 tỉ.
Những chủ nhân tài sản tại Orange County có đến 30 Tháng Mười Một để kháng báo thẩm định tài sản của họ. Để biết thêm chi tiết về thủ tục kháng báo, xin đến trang web ocgov.com/gov/cob.
Người đóng thuế có thể liên lạc văn phòng thẩm định ở số 714-834-2727. - nguoiviet
|
|
21.
Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình thăm Malaysia
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình của Việt Nam đang có thăm Malaysia trong 3 ngày 11 đến 13 tháng 7, năm 2017.
Tờ Strait Times loan tin cho biết tiếp ông Trương Hòa Bình là Phó Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ahmad Zahid Hamidi. Trong buổi làm việc kéo dài khoảng một giờ, hai bên đã bàn nhiều về vấn đề hợp tác an ninh song phương.
Ngoài ra hai bên cũng bàn đến các vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và lao động.
Hai bên đồng ý sẽ gia tăng khối lượng thương mại và đầu tư giữa hai nước lên đến 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.
Cũng tin liên quan, cảnh sát Malaysia đang bố ráp để bắt giữ và trục xuất các công nhân nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại nước này.
Có tất cả 77 người nước ngoài bị bắt giữ trong ngày 12 tháng 7, nâng tổng số bị bắt trong một tháng qua lên đến 3100 người.
Malaysia có 30 triệu dân, và với nền kinh tế phát triển hơn nhiều so với các lân bang, nhiều người nước ngoài đến đây làm những công việc tay chân mà người bản xứ không muốn làm.
Thống kê cho thấy trong số những công nhân bất hợp pháp thì đông nhất là người Bangladesh, kế đến là Indonesia và Myanmar.
Tại Malaysia cũng có nhiều công nhân Việt Nam làm việc. Nhưng trong các bản tin về vụ bố ráp người nhập cư để làm việc bất hợp pháp tại Malaysia không nói rõ là có người Việt Nam hay không. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment