Monday, July 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 3/7

Tin Thế Giới

1.
Tập Cận Bình: Hy vọng Mỹ giải quyết Đài Loan hợp lý --- Tập: Nga, Trung cùng phản đối Mỹ về THAAD

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (3/7) rằng Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ có thể giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hợp lý, phù hợp với nguyên tắc “Một Trung Quốc”, truyền thông Trung Quốc cho biết.

Trong cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo, Chủ tịch Trung Quốc nói “Kể từ cuộc gặp với Tổng thống tại Mar-a-Lago, mối quan hệ Mỹ-Trung đã đạt được những kết quả quan trọng”, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tường thuật. “Nhưng đồng thời, quan hệ song phương cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố tiêu cực. Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm của mình đối với Hoa Kỳ”.

Phát biểu của ông Tập tiếp theo sau những bất bình của Bắc Kinh về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số ngân hàng Trung Quốc vì giao dịch với Bắc Triều Tiên và gần đây nhất là vụ tàu khu trục Mỹ di chuyển trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Báo cáo về buôn người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới công bố hồi tuần rồi cũng hạ thấp vị trí của Trung Quốc trong nỗ lực chống tệ nạn này.

Vẫn theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập còn nói với ông Trump rằng Bắc Kinh mong muốn Washington tiếp tục quản lý các mối quan hệ dựa trên cơ sở nguyên tắc “Một Trung Quốc”, loại bỏ các mối quan hệ chính thức với Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình.

Không rõ liệu những vấn đề trên có được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức vào tuần này, nơi ông Trump và ông Tập sẽ có một cuộc họp song phương, hay không.

Nhưng có vẻ như Trung Quốc hiện đang chống lại áp lực từ phía Hoa Kỳ, tạo cơ sở cho một cuộc đối đầu tiềm ẩn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và phá vỡ “hòa bình, an ninh và trật tự của vùng biển liên quan” sau khi tàu khu trục Mỹ USS Stethem ngày 2/7 đi vào khu vực 12 hải lý (22 km) của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, ông Trump và các trợ lý hàng đầu đã không che giấu sự tức giận đối với điều mà họ cho là sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Tháng trước, ông Trump đánh tiếng về sự mất kiên nhẫn của mình. Ông viết trên Twitter rằng đề nghị của ông về việc Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng “đã không hiệu quả”. - VOA

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa lên đường thăm Nga hôm 3/7. Ông nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đặt tại Hàn Quốc đối với lợi ích của cả Trung Quốc lẫn Nga.

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, yêu cầu ngừng triển khai và dỡ bỏ những phần đã lắp đặt.

Bắc Kinh nói hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể rà quét sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, phá hoại an ninh và thế cân bằng khu vực trong khi không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn Bắc Triều Tiên theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Hoa Kỳ và Hàn Quốc nói THAAD chỉ nhằm mục đích bảo vệ miền Nam khỏi mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Nga, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Nga đã duy trì liên lạc, phối hợp chặt chẽ và có những quan điểm tương đồng về vấn đề này.

“Bắc Kinh và Moscow đều phản đối không ngừng việc triển khai THAAD và nghiêm túc đề nghị các quốc gia liên quan hãy dừng lại và hủy bỏ việc lắp đặt”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.

Trung Quốc và Nga sẽ cùng nhau hoặc độc lập thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền lợi của mình, vẫn lời ông Tập.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói tiếp rằng Trung Quốc và Nga nên hợp tác để thúc đẩy thương mại và tăng cường hợp tác tài chính và đầu tư.

Ông Tập đến Moscow vào thứ Hai trong chuyến thăm cấp nhà nước trước khi tới Đức để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã trở nên căng thẳng vì việc triển khai THAAD, mặc dù cả hai đều có giọng điệu hòa nhã hơn kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền tại Hàn Quốc vào tháng Năm. - VOA
|
|

2.
Trump điện đàm với đồng minh châu Âu trước thượng đỉnh G20 --- Trump thảo luận với lãnh đạo Nhật, Trung về đe dọa hạt nhân Bắc Hàn

Hôm thứ Hai (3/7), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với lãnh đạo của ba nước đồng minh châu Âu: Đức, Pháp và Ý, trước chuyến công du tới hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần này ở Hamburg, Đức.

Trong những bình luận đầu tiên trên trang Twitter, ông Trump không đưa gợi ý nào về nội dung mà ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni.

Bà Merkel nói bà hy vọng các lãnh đạo thế giới tại cuộc họp G20 sẽ nhất trí về nhu cầu cấp thiết của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang diễn ra, nhưng có thể sẽ không đồng ý về các vấn đề khác.

Bà nói rằng ông Trump đang đối nghịch với các lãnh đạo toàn cầu khác về một số vấn đề, có lẽ đáng chú ý nhất là việc rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận quốc tế Paris năm 2015 nhằm kiềm chế phát thải khí nhà kính trong những năm tới.

Trước khi đến hội nghị thượng đỉnh, ông Trump cũng đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm Chủ nhật để thảo luận về mối đe dọa của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thảo luận về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tòa Bạch Ốc cho hay cả hai nhà lãnh đạo Nhật, Trung đều “tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên,” trong khi Tổng thống Trump còn nêu lên mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Chủ tịch Tập cũng nói với ông Trump rằng có “những yếu tố tiêu cực” đã ảnh hưởng quan hệ Mỹ-Trung, và ông hy vọng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ hành xử đúng đắn trong các vấn đề liên quan đến Ðài Loan theo nguyên tắc “một Trung Quốc.”

Kể từ năm 1979, Hoa Kỳ công nhận quan điểm chính thức của Bắc Kinh rằng Ðài Loan mà một phần của Trung Quốc. Tuần trước Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,42 tỉ đôla cho Ðài Loan.

Tòa Bạch Ốc cho hay trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Abe, hai nhà lãnh đạo nhất trí phải tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên để buộc nước này “từ bỏ con đường nguy hiểm” và rằng Mỹ và Nhật sẵn sàng đáp trả “bất cứ mối đe dọa hoặc hành động nào của Bắc Triều Tiên gây ra.”

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng ông Trump và ông Tập, và ông Trump và ông Abe trông chờ sẽ hội đàm trực tiếp với nhau trong tuần này tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg, Đức.

Ngoài các cuộc họp song phương với Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật, ông Trump theo dự trù cũng sẽ họp với Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm Chủ nhật, ít nhất 10.000 người đã biểu tình ôn hòa ở Hamburg để phản đối cuộc họp thượng đỉnh. Đây là một trong khoảng 30 cuộc biểu tình theo kế hoạch sẽ diễn ra trong những ngày tới, trong đó có những cuộc chống đối các chính sách của ông Trump, bao gồm tuyên bố của ông rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris năm 2015 về mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những năm tới.

Thông thường, hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới được tổ chức tại các khu nghỉ mát ở xa và biệt lập để dễ dàng cho công tác bảo vệ an ninh, tuy nhiên hội nghi năm nay lại được tổ chức ngày tại trung tâm thành phố Hamburg.

Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chọn thành phố Hamburg để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20, một phần để chứng tỏ với các nhà lãnh đạo thế giới rằng biểu tình phản đối đóng một vai trò được chấp nhận trong một nền dân chủ sinh động. - VOA
|
|

3.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc: Mỹ phá hoại ổn định Biển Đông

Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông sau khi tàu chiến của Mỹ di chuyển gần một đảo tranh chấp trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ Hai (3/7).

Tuyên bố được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng trên mạng xã hội nói bộ này “kiên quyết phản đối việc tàu chiến Mỹ đi vào lãnh thổ của Trung Quốc”.

“Các hoạt động của hải quân Hoa Kỳ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến bầu khí chính trị xung quanh việc phát triển quan hệ quân sự giữa hai nước”.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Stethem đã đi vào khu cực trong vòng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông gần đây, theo lời một giới chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. - VOA
|
|

4.
Các nước Ả Rập gia hạn 48 giờ cho Qatar

Ả Rập Xê-út và các đồng minh trong cuộc tranh chấp ngoại giao kéo dài với Qatar cho biết họ gia hạn thêm 48 giờ để Qatar đáp ứng các yêu cầu của họ.

Kuwait, quốc gia điều giải đang cố tìm một giải pháp ôn hòa chấm dứt việc phong tỏa Qatar của các nước Ả Rập ở vùng Vịnh, đã yêu cầu gia hạn hôm Chủ nhật (2/7), ngay sát lúc hết thời hạn mà Qatar phải trả lời cho liên minh do Ả Rập Xê-út dẫn đầu.

Một thông báo chung được công bố vào sáng sớm thứ Hai bởi cơ quan thông tấn nhà nước Kuwait, và Ả-Rập Xê-út cũng xác nhận thời hạn chót được gia hạn đến cuối ngày thứ Hai.

Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar vào ngày 5/6, cáo buộc chính phủ ở Doha liên minh với Iran hỗ trợ cho khủng bố.

Qatar bác bỏ các cáo buộc đó và nói điều đó là vô căn cứ.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, nói các yêu cầu của Ả Rập Xê-út và liên minh là không thể đáp ứng được mà không làm mất chủ quyền của Qatar. Các yêu cầu bao gồm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Qatar, đóng cửa tập đoàn truyền thông của nhà nước Al Jazeera và hạ cấp quan hệ của Qatar với Iran.

Mặc dù ông Al Thani ra dấu rằng các yêu cầu của Ả Rập Xê-út có phần chắc sẽ bị bác bỏ, Qatar vẫn chưa chính thức trả lời cho nhóm các nước Ả Rập.

Hãng thông tấn KUNA của Kuwait và Al Jazeera cho biết ông Al Thani đang ở Kuwait vào hôm thứ Hai.

Hôm Chủ nhật, Ai Cập cho biết bộ trưởng ngoại giao từ bốn quốc gia tẩy chay Qatar sẽ thảo luận tại Cairo vào ngày thứ Tư.

Cũng trong ngày Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận tình hình qua các cuộc điện thoại riêng rẽ với Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud, Quốc vương Qatar Emir Tamim bin Hamad Al Thani và Thái tử Mohamed bin Zayed Al Nahyan của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Trump đã bày tỏ quan ngại về vụ tranh chấp và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất trong khu vực, ngăn chặn việc tài trợ cho khủng bố và giảm thiểu tư tưởng cực đoan.

Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực làm trung gian hòa giải của Kuwait trong cuộc tranh chấp của các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Washington có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai phía: Hạm đội 5 của Hải quân Hoa Kỳ đóng tại Bahrain, và một căn cứ trên bộ ở Qatar là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, vụ tranh chấp cũng có thể làm ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán vũ khí hàng trăm tỷ đôla giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út. - VOA
|
|

5.
Ông Lý Hiển Long 'không muốn kiện hai em'

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói ông không muốn kiện hai người em vì cáo buộc ông lạm dụng quyền lực.

Ông phát biểu trước quốc hội, theo sau nhiều tuần công khai mâu thuẫn giữa ông và hai người em.

Hai người em của Thủ tướng Lý Hiển Long cáo buộc anh trai không nghe di nguyện của cha và lạm dụng quyền lực.

Tại buổi họp quốc hội hôm thứ Hai, ông Lý Hiển Long một lần nữa bác bỏ cáo buộc.

Ông nói nhiều người đã hỏi vì sao ông không kiện.

"Kiện em trai, em gái tại tòa sẽ càng bôi bẩn tên của bố mẹ," ông nói.

Vụ việc xoay quanh tranh cãi pháp lý về ngôi nhà của người cha.

Trước đó bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương ra thông cáo nói họ không còn tin tưởng sự lãnh đạo đất nước của anh trai.

Họ cáo buộc anh trai không chịu thực hiện di nguyện của cha, ghi rõ trong di chúc, là phá hủy căn nhà ở 38 đường Oxley, thay vì biến thành nơi tưởng niệm.

Trước quốc hội, Thủ tướng nói tháng Tám 2011, khi ông Lý Quang Diệu làm di chúc, ông muốn phá bỏ căn nhà.

Nhưng cho rằng quần chúng và chính phủ sẽ phản đối, Thủ tướng và vợ đã đề nghị sửa nhà và thay đổi hoàn toàn bên trong.

Theo đề nghị, họ sẽ phá bỏ các phòng riêng, nhưng giữ nguyên phòng ăn ở dưới tầng hầm.

Ông Lý Quang Diệu đồng ý, đã gặp kiến trúc sư, ký đơn sửa chữa để nộp cho giới chức tháng Ba 2012, và được chấp thuận.

Theo Thủ tướng Singapore, vợ chồng ông đã thông báo đầy đủ cho các người thân, và không ai phản đối.

Cũng theo tuyên bố của Thủ tướng trước quốc hội, tại một buổi đọc di chúc, Thủ tướng nhận ra điều khoản phá bỏ nhà lại được đưa vào di chúc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói ông không liên quan việc thành lập một ủy ban do phó thủ tướng Trương Chí Hiền đứng đầu để xem xét làm gì với căn nhà.

Về cáo buộc ưu đãi vợ và con, Thủ tướng Singapore nói con trai ông đã công khai tuyên bố không quan tâm chính trị. - BBC
|
|

6.
Dự án hạt nhân TQ đầu tư ở Anh 'đội vốn 1,5 tỷ bảng'

Dự án này đang được khởi công xây dựng sau khi Thủ tướng Anh bà Theresa May ký quyết định vào tháng 9/2016.

Chính phú nói thỏa thuận này sẽ giúp Anh sản xuất năng lượng với giá rẻ hơn và ít phải phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên giới phê bình quan ngại về sự tốn kém cũng như các vấn đề an toàn, an ninh và môi trường của dự án này.

Tổng vốn đầu tư để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C đã phụ trội thêm 1,5 tỷ bảng Anh, hiện ở mức 19,6 tỷ bảng Anh (khoảng 25 tỷ USD), theo chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Năng lượng EDF của Pháp.

Dự án này gây nhiều tranh cãi vì có 2/3 vốn do EDF của Pháp cung cấp.

Phần còn lại được cam kết tài trợ bởi một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Cũng theo EDF, dự án Hinkley Point C có thể đem lại 25000 cơ hội việc làm.

Hinkley Point C, nếu được xây dựng, sẽ là nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới đầu tiên của Anh.

Do vốn đầu tư cho Hinkley đã tăng lên 10% so với sự tính ban đầu, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia của Anh, một cơ quan giám sát chi tiêu, nói dự án này "nhiều rủi ro và đắt đỏ".

Trong khi đó, chủ thầu cho rằng thời gian xây dựng nhà máy hạt nhân Hinkley có thể sẽ phải kéo dài thêm 15 tháng. Tuy nhiên lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Hinkley dự kiến vẫn được hoàn thành vào năm 2025.

Lo ngại an ninh

Cuối năm 2015 hợp đồng này được ký kết trước sự chứng kiến của Chủ tịch TQ, Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh khi đó, ông David Cameron.

Nhưng nay ông Cameron đã không còn cầm quyền.

Người phát ngôn chính phủ Anh hiện nay cho biết:

"Người tiêu dùng sẽ không phải trả một đồng nào cho đến khi việc xây dựng nhà máy hạt nhân Hinkley hoàn thành. Nó cung cấp năng lượng điện sạch và đáng tin cậy cho khoảng sáu triệu người tiêu dùng."

Giới quan sát nói, dự án có thể mang lại những hệ lụy khó lường do hoàn toàn có vốn đầu tư nước ngoài.

Nick Timothy, cố vấn lâu năm của bà May, từng viết trên trang web của đảng Bảo thủ rằng cơ quan tình báo Anh MI5 tin rằng gián điệp Trung Quốc "tiếp tục hoạt động chống lại lợi ích của Anh ở trong nước và tại nước ngoài".

Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley gặp nhiều khó khăn cho thấy sự thận trọng của Chính phủ Anh trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như ảnh hưởng của chính sách an ninh năng lượng và hạt nhân.

Mặc dù gây tranh cãi, những dự án tốn kém và nhiều rủi ro như Hinkley Point C vẫn được chính phủ thông qua nếu có lợi cho việc tăng phiếu bầu và cơ hội việc làm cho cử tri. - BBC
|
|

7.
Pháp–Iran: Total giành được hợp đồng khí đốt Iran gần 5 tỷ đô la

Bất chấp khủng hoảng ngoại giao trong vùng Vịnh và việc Mỹ đòi tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran, Total là tập đoàn năng lượng phương Tây đầu tiên trở lại Iran, từ khi cộng đồng quốc tế bãi bỏ cấm vận Iran. Cùng với CNPCI của Trung Quốc, hãng Total, ngày 03/07/2017 ký hợp đồng 4,8 tỷ đô la để cùng khai thác khí đốt tại South Park, mỏ có trữ lượng khí đốt được coi là lớn nhất thế giới.

Siavosh Ghazi, thông tín viên đài RFI từ Teheran cho biết thêm :

"Đây là hợp đồng đầu tiên lớn như vậy được ký kết giữa một tập đoàn của phương Tây và Iran trong lĩnh vực khí đốt kể từ khi thỏa thuận về hạt nhân giữa Teheran và cộng đồng quốc tế được thông qua vào tháng 7/2015.

Đứng đầu một công ty liên doanh, cùng với một đối tác Trung Quốc và một của Iran, Total trở lại khu vực trong thế mạnh. Tập đoàn Pháp hy vọng sẽ giành được thêm những dự án khác trong ngành công nghệ dầu khí và hóa dầu. Teheran đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực này.

Thỏa thuận giữa Total với Iran được thông qua trong bối cảnh Hoa Kỳ vẫn có thái độ thù nghịch với Teheran kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Nhà Trắng nhiều lần tố cáo thỏa thuận hạt nhân được ký kết hồi tháng 7/2015.

Total ký thỏa thuận với Iran trong bối cảnh giữa tháng trước,Thượng Viện Mỹ đã thông qua các biện pháp gia tăng trừng phạt Iran với lý do Teheran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và ủng hộ khủng bố.


Trong hoàn cảnh đó, quyết định của Total đầu tư vào Iran còn mang ý nghĩa chính trị. Teheran chờ đợi sau hợp đồng này, sẽ có những công ty khác theo chân Total đầu tư vào Iran". - RFI
|
|

8.
Vụ phóng Trường Chinh của Trung Quốc thất bại

Vụ phóng tên lửa đẩy hạng nặng, thế hệ mới, có tên gọi Trường Chinh 5 Y2, vốn mang theo vệ tinh được coi là nặng nhất của Trung Quốc từ trước tới nay, đã thất bại hôm 2/7.

Reuters dẫn lại tin của Tân Hoa Xã cho biết như vậy. Đây chính là loại dự kiến sẽ đưa thiết bị thăm dò mới nhất của Trung Quốc lên mặt trăng trong năm nay với hy vọng mang về các mẫu vật.

Hiện chưa rõ liệu vụ phóng thất bại này có ảnh hưởng tới thời gian đưa thiết bị trên lên mặt trăng hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ưu tiên đối với chương trình không gian của nước này nhằm củng cố an ninh và quốc phòng.

“Một sự bất thường đã xảy ra trong hành trình bay của tên lửa”, Xinhua đưa tin sau khi tên lửa phóng đi đầu giờ tối ngày 2/7 từ tỉnh Hải Nam ở miền nam nước này.

Hãng tin nhà nước này nói rằng “một cuộc điều tra tiếp theo sẽ được tiến hành”, nhưng không cho biết cụ thể.

Chương trình không gian của Trung Quốc hầu như hoạt động mà không xảy ra nhiều sự cố lớn, dù nước này còn lâu mới bắt kịp được Mỹ và Nga, theo Reuters.

Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị đưa người lên mặt trăng, truyền thông nhà nước dẫn lời một quan chức chuyên về không gian nói như vậy tháng trước. - VOA
|
|

9
Trực thăng cứu nạn Indonesia rớt trên đường đi giúp sơ tán

Các giới chức Indonesia ngày 3/7 cho hay một chiếc trực thăng, chở 4 nhân viên cứu hộ và 4 sĩ quan hải quân, đã rơi trên đường đi giúp sơ tán người dân khỏi khu vực có núi lửa hoạt động, khiến tất cả những người trên máy bay thiệt mạng.

Trực thăng rơi đã đâm vào một ngọn núi ở Temanggung, thuộc tỉnh Trung Java, vào ngày 2/7.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia cho biết tất cả thi thể đã được tìm thấy.

Các giới chức Hải quân và nhân viên cứu hộ này đã gặp nạn khi đang tham gia công tác sơ tán cư dân ở cao nguyên Dieng, sau khi núi lửa phun nham thạch lạnh, tro và bùn cao tới 50 mét vào ngày 2/7, gây thương tích cho ít nhất 5 người.

Cao nguyên Dieng là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, với nhiều ngôi đền Hindu có từ thế kỷ thứ 9. - VOA
|
|

10.
Nhật Bản: Đảng bảo thủ cầm quyền mất đa số tại Tokyo

Đảng bảo thủ của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp thất bại lịch sử ngày 02/07/2017 trong cuộc bầu cử địa phương tại Tokyo trước phe của thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koibe, được bầu từ tháng 07/2016. Đảng TFK (e Tomin First no Kai - Người dân Tokyo trước đã) của bà Yuriko Koibe đã giành được 79 trên tổng số 127 ghế, chiếm đa số tuyệt đối tại hội đồng thành phố Tokyo.

Trong khi đó, đảng bảo thủ của ông Shinzo Abe bị mất hơn 40 ghế và đa số tuyệt đối. Thất bại này sẽ tác động đến chính phủ hiện tại, đồng thời có thể khiến bà Yuriko Koike ra đối đầu với thủ tướng Nhật Bản trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia năm 2018.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles giải thích :

« Bà Yuriko Koike là người phụ nữ đầu tiên điều hành Tokyo, một vùng có đến 14 triệu dân với mức GDP cao hơn cả GDP của Hà Lan. Tại thủ đô Tokyo, đảng TFK của bà đã thắng áp đảo đảng bảo thủ thường chiếm ưu thế trong đời sống chính trị Nhật Bản từ hơn một nửa thế kỷ qua.

Chiến thắng của đảng TFK có thể sẽ quyết định ai là người điều hành nền kinh tế thứ ba thế giới trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Tokyo 2020 hoặc sau đó. Hệ thống quan liêu đầy quyền lực Nhật Bản, vốn bị mất một phần đặc quyền kể từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền, hiện đang làm tất cả để làm suy yếu thủ tướng, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông phục vụ cho thống đốc Tokyo.

Ví dụ, ông Shinzo Abe bị cáo buộc thiên vị trong dự án xây một ngôi trường thú y mới. Mong muốn sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa cũng giải thích sự thất bại mà đảng của ông phải hứng chịu trong cuộc bầu cử cấp địa phương này.

Thống đốc Tokyo cam kết ngăn chặn việc bùng nổ chi phí cho quá trình chuẩn bị Thế Vận Hội 2020 trước lo lắng tăng thuế, hiện đã ở mức cao, của người dân Tokyo. Ngoài ra, bà cũng cam kết minh bạch hóa vấn đề quản lý thủ đô". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Ông Trump đăng video ‘hạ gục’ CNN --- TT Trump tweet đoạn video đánh đấm CNN, bị truyền thông phản đối kịch liệt

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 2/7 gia tăng cuộc chiến với truyền thông bằng cách tung lên Twitter một đoạn video, trong đó có cảnh “chế” ông vật và đấm một người đàn ông với hình ảnh biểu trưng của kênh tin tức CNN che hết mặt.

Theo Reuters, đoạn clip dường như là phiên bản mới của video quảng bá một sự kiện đấu vật xuất hiện năm 2007, trong đó ông Trump “hạ gục” chủ tịch Hiệp hội Đấu vật Giải trí (WWE), ông Vince McMahon.

Trong đoạn video ông Trump tweet hôm 2/7, đầu của ông McMahon được thay thế bằng hình ảnh biểu trưng của CNN.

Sau khi ông Trump hạ gục hình nộm CNN, một biểu trưng khác là "FNN Fraud News Network" (Hệ thống Tin tức Lừa đảo FNN) xuất hiện ở phía dưới màn hình với các chữ có ký tự giống như của CNN.

​Tổng thống Trump bổ nhiệm vợ ông McMahon, bà Linda McMahon, làm người đứng đầu cơ quan thuộc cấp nội các chuyên về các doanh nghiệp nhỏ. Bà McMahon từng tích cực tham gia vào công tác quản lý WWE trong nhiều năm.

Reuters cho rằng trên cương vị ứng viên tổng thống cũng như sau khi trở thành “ông chủ” Nhà Trắng, ông Trump gọi truyền thông là “kẻ thù của người Mỹ”, và từng cáo buộc CNN là hãng tung “tin giả”.

Một thông cáo của CNN nói rằng “đây là một ngày buồn khi Tổng thống Mỹ khuyến khích bạo lực đối với các phóng viên”.

"Thay vì chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài, cuộc gặp đầu tiên với ông Vladimir Putin, đối phó với Bắc Hàn và làm việc vì dự luật chăm sóc sức khỏe, ông lại có hành vi vị thành niên thấp kém hơn cả phẩm giá của cương vị tổng thống”, Reuters trích thông cáo của CNN đưa tin. - VOA

***
Trong hành động mới nhất nhằm đả phá truyền thông, Tổng Thống Donald Trump hôm Chủ Nhật gửi qua tweet một đoạn video trong đó có cảnh ông Trump đánh đấm một người đàn ông có mặt được che bằng logo của hệ thống truyền hình CNN, bên dưới một sàn võ đài đô vật.

Hiện chưa rõ ai là người thực hiện đoạn video ngắn này, vốn có vẻ là lấy lại từ một đoạn video có hồi năm 2007, khi ông Trump đến tham dự một buổi lễ quảng cáo cho World Wrestling Entertainment Inc. (WWE), và được chỉnh sửa bằng cách dùng kỹ thuật điện tử đưa logo CNN che mặt người đàn ông xuất hiện cùng với ông Trump khi đó, tổng giám đốc WWE Vince McMahon.

Đoạn video dài 28 giây này được gửi ra từ trang twitter của ông Trump với hàng chữ: “#FraudNewsCNN #FNN.”

Ông Bruce Brown, giám đốc điều hành tổ chức Ủy Ban Ký Giả cho Tự Do Báo Chí, lên án đoạn video này là “một đe dọa về hành vi võ lực nhắm vào ký giả.”

Ông nói rằng hành động của ông Trump “không xứng đáng với chức vụ mà ông đang nhận lãnh.”

Một phụ tá Tòa Bạch Ốc cho rằng không ai nên lo sợ về bản tweet này của ông Trump.

Ông Tom Bossert, cố vấn nội an Tòa Bạch Ốc, nói rằng: “Tôi nghĩ không ai nên coi đây là sự đe dọa. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng do Tổng Thống Trump bị tấn công trên các hệ thống truyền hình cáp, ông có quyền đáp trả.”

Đài CNN cáo buộc là Tổng Thống Trump “có thái độ trẻ con, đưa phẩm cách của vai trò tổng thống xuống quá thấp.”

Vợ ông McMahon, bà Linda McMahon, nay là giám đốc cơ quan Small Business Administration của chính phủ Trump.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “This Week” của hệ thống truyền hình ABC, Thống Đốc John Kasich (Cộng Hòa-Ohio) nói rằng ông hy vọng gia đình Tổng Thống Trump sẽ khuyên bảo ông ấy, “Thôi, dẹp mấy trò đó đi.” - nguoiviet
|
|

12.
Cảnh sát Mỹ dùng drone giữ an ninh trong Lễ Độc Lập

Trong lúc các thành phố trên khắp Hoa Kỳ đang chuẩn bị kỷ niệm ngày quốc khánh, các cơ quan công lực địa phương và các giới chức liên bang đang cùng làm việc để đảm bảo an toàn cho dịp lễ.

Dự kiến sẽ có hơn ba triệu người xem chương trình bắn pháo hoa lớn nhất nước Mỹ tại thành phố New York vào ngày 4/7.

Mặc dù Sở Cảnh sát New York nói “không có mối đe dọa đáng kể” nào về một cuộc tấn công trong các lễ hội, thị trưởng Bill de Blasio cho biết công tác chống khủng bố và các “cảnh sát vũ trang” sẽ được triển khai.

Thủ đô Washington dự kiến cũng sẽ có hàng trăm ngàn người tham gia các sự kiện của dịp lễ, bao gồm chương trình pháo hoa và buổi hòa nhạc tại Điện Capitol. Cảnh sát trưởng của thủ đô, Peter Newsham, tuần rồi cho biết không có mối đe dọa nào đối với lễ hội, nhưng cảnh sát sẽ “triển khai toàn bộ”.

Một ngày trước khi diễn ra các sự kiện theo kế hoạch, cảnh sát đã bố trí các rào chắn dọc quảng trường quốc gia ở thủ đô Washington. Nhiều trạm kiểm soát an ninh đã được thiết lập.

Cảnh sát ở Boston cũng cho biết họ sẽ có mặt khắp nơi trong dịp lễ, dù cho tới nay không hề có mối đe dọa an ninh nào.

Giới công lực địa phương sẽ phối hợp với FBI sử dụng drone (máy bay không người lái) để theo dõi an ninh ở các đám đông và các hoạt động trong chương trình bắn pháo hoa Boston Pops Fireworks Spectacular trên sông Charles, dự kiến thu hút khoảng 500.000 khán giả.

Hồi đầu năm nay, cảnh sát cũng đã sử dụng drone để giám sát đám đông tại cuộc chạy mararthon ở Boston, nơi đã xảy ra vụ đánh bom vào năm 2013 khiến 3 người thiệt mạng và hang trăm người bị thương. - VOA
|
|

13.
Cảnh sát: Xe tông 10 người bị thương gần sân bay Boston

Cảnh sát Bang Massachusetts cho biết vụ tai nạn làm bị thương 10 người đi bộ gần sân bay Boston không có vẻ là hành động cố ý.

Một quan chức cảnh sát nói họ tin rằng vụ tai nạn này là do "lỗi người điều khiển," trong đó người lái xe đạp chân ga thay vì phanh. Quan chức cảnh sát này không được phép bình luận công khai và trả lời hãng tin AP với điều kiện giấu tên.

Tài xế lái xe taxi 56 tuổi tông người đi bộ trong khu vực xe taxi xếp hàng vào chiều thứ Hai gần Sân bay Quốc tế Logan ở Đông Boston. Phát ngôn viên cảnh sát cấp bang David Procopio nói 10 người bị thương, một số người bị thương nặng.

Ông Procopio cho biết dựa trên điều tra sơ bộ, "không có thông tin cho thấy vụ tai nạn là cố ý." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Công An Hà Nội bắt thêm một người ‘phạm vào Điều 88’

Trần Hoàng Phúc, thành viên YSEALI – nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Đông Nam Á do tổng thống Barack Obama thành lập – đồng thời là người tham gia vào các hoạt động dân chủ, nhân quyền, vừa bị bắt tại Việt Nam.

Thông báo về việc “bắt bị can để tạm giam,” do đại tá Trần Quốc Khánh, Công An Hà Nội, ký tên ghi ngày 3 tháng Bảy, có đoạn, Trần Hoàng Phúc “có hành vi tàng trữ tài liệu, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống Nhà Nước CHXHCN Việt Nam trên mạng internet phạm vào Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.”

Thông báo được đề gởi cho bà Huỳnh Thị Út, là thân mẫu Trần Hoàng Phúc. Thông báo cũng viết Trần Hoàng Phúc “đang bị tạm giam tại Trại Tạm Giam số 1 – Công an TP Hà Nội.”

Các trang thông tin trên Facebook cho biết Trần Hoàng Phúc sinh năm 1994, “đã học hết năm cuối khoa luật, trường đại học luật Tp.HCM. Vì dấn thân hoạt động dân chủ nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.”

Trần Hoàng Phúc là thành viên nhóm sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do TT Obama sáng lập.

Hồi tháng Năm, 2016, trong tư cách thành viên chính thức của YSEALI, Trần Hoàng Phúc được thư mời tham dự giao lưu với ông Obama khi ông ghé thăm Sài Gòn. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã ngăn cản, không cho Phúc vào tham dự.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt khi ấy, Trần Hoàng Phúc nói phía Việt Nam “thẩm vấn tôi với các câu hỏi như: Nguyên nhân vì sao có vé mời? Thuộc tổ chức nào? Lý do vì sao có mặt ở đoàn người xếp hàng vào gặp tổng thống? Nói chung, họ muốn biết về mối quan hệ giữa tôi và các thành viên ở lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn.”

Và câu trả lời là: “Chuyện tôi tham dự buổi nói chuyện của tổng thống chỉ mang tính cá nhân, vì tôi là thành viên của tổ chức YSEALI do Tổng Thống Obama sáng lập. Còn mối quan hệ của tôi với các thành viên lãnh sự quán Hoa Kỳ là mối quan hệ hợp pháp, nên tôi không có gì phải trình bày với họ về những điều này, vì nó xâm phạm đời tư của tôi.”

Thông tin trên Facebook viết rằng, Trần Hoàng Phúc là “thanh niên trẻ năng động, có bản lĩnh, tiếp cận thông tin và môi trường học hiện đại qua nhiều khóa học về kỹ năng quản trị, đàm phán và kinh doanh. Phúc có mối quan hệ rộng và có một số hoạt động thiết thực trong phong trào dân chủ: tham gia hoạt động thúc đẩy nhân quyền ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, tham gia cứu trợ lũ lụt miền Trung, xuống Thạnh Hóa – Long An cùng mọi người tại Phiên tòa xử án em Nguyễn Mai Trung Tuấn.”

VOA Việt Ngữ chưa liên lạc được với Công An Hà Nội và bà Huỳnh Thị Út để kiểm chứng thông tin. - VOA
|
|

15.
Ủy ban đảng đề xuất kỷ luật nữ thứ trưởng công thương

Một ủy ban đảng của Việt Nam khẳng định hôm 3/7 rằng Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa có vi phạm khi cổ phần hóa một công ty nhà nước, cũng như kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Ủy ban nói vi phạm của bà Thoa nghiêm trọng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Các báo Việt Nam đưa tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xác định rằng khi còn nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất tại Công ty Bóng đèn Điện Quang, từ năm 2004 đến 2010, bà Thoa đã “vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp”.

Uỷ ban cũng phát hiện bà Thoa không làm đúng các “quy định, quyết định của nhà nước về quản lý đất đai” khi công ty Điện Quang hợp tác đầu tư với một công ty nhà nước khác để khai thác một khu đất ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cá nhân bà Thoa đã “mua cổ phần vượt mức quy định”, sau đó bà “chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định” trong điều lệ của công ty và cũng “vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Bên cạnh đó, ủy ban nói bà “nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ” theo các quy định của đảng trong thời gian dài.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá với VOA rằng động thái của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện chỉ thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về không có “vùng cấm”, không có “biệt lệ” trong chống tham nhũng, tiêu cực.

Lưu ý đến hệ thống chính trị Việt Nam, ông Doanh nói công chúng cần phải chờ xem phía đảng sẽ kỷ luật bà Thoa như thế nào để dự đoán về hình thức xử lý về mặt pháp luật:

“Chức thứ trưởng là chức thuộc Ban Bí thứ Trung ương Đảng giám sát, quyết định. Nếu quyết định về phía đảng chỉ ở mức khiển trách thì kỷ luật về phía chính quyền có lẽ cũng chỉ ở mức khiển trách. Nhưng nếu mà kết luận của Ủy ban Kiểm tra rằng đây là sai phạm có tính chất nghiêm trọng, và không phải chỉ có một sai phạm mà có nhiều sai phạm, thì chúng ta hãy xem xem hình thức kỷ luật sẽ là hình thức gì”.

Trong nhiều ngày đầu năm nay, báo chí Việt Nam đã làm dư luận chú ý khi đăng nhiều bài phản ánh về khối tài sản lớn của bà Thoa và người thân ở Công ty Bóng đèn Điện Quang. Hồi cuối tháng 2, bà Thoa nói bà “không giận báo chí”.

Tiến sĩ Doanh bình luận rằng đảng ngày càng coi trọng thông tin từ báo chí về các quan chức bị cho là “có vấn đề”:

“Sự phát hiện của báo chí là một nguồn thông tin. Và bây giờ đã được các cơ quan đảng, chính quyền coi đấy là những thông tin cần thiết để tham khảo, và dựa vào đó đã tiến hành kiểm tra. Đấy cũng là dấu hiệu đáng trân trọng, và có sự tiến bộ nhất định trong quan hệ giữa ý kiến của người dân và và hành xử của các cơ quan có thẩm quyền”.

Báo chí Việt Nam ước tính tổng tài sản của bà Thoa lên đến 700 tỷ đồng, tương đương khoảng 30,5 triệu đôla.

Tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Thoa phụ trách công tác thanh niên, đoàn thể; chỉ đạo ngành công thương các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh... và trực tiếp chỉ đạo Vụ tài chính, Vụ thị trường trong nước, Vụ thương mại biên giới và miền núi. - VOA
|
|

16.
Về đảo Tri Tôn và thông điệp của tàu chiến Mỹ

Tàu USS Stethem hôm 02/07/2017 áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, khiến Bắc Kinh gọi đây là "khiêu khích quân sự".

Vậy thông điệp từ hoạt động của tàu USS Stethem là gì và lịch sử tranh chấp tại vùng này có gì liên quan đến hòn đảo nhỏ này?

BBC Tiếng Việt điểm qua năm vấn đề cơ bản:

1. Không công nhận đường cơ sở quanh Hoàng Sa

Đài Fox News ở Hoa Kỳ nói đi vào phạm vi 12 hải lý cách đảo Tri Tôn là thông điệp "Hoa Kỳ không công nhận" chủ quyền của Trung Quốc tại đây.

Lucas Tomlinson trên trang Fox News, kênh truyền hình "yêu thích" của Tổng thống Trump, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ nói USS Stethem cũng "thách thức cả tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan" về đảo này.


"Phạm vi 12 dặm biển là biên giới lãnh hải bao quanh mọi quốc gia có biển, và đi tàu vào bên trong phạm vi này chính là cách gửi ra thông điệp Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền đó."

Cùng lúc, trang Independent ở Anh trích lời bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Center for a New American Security, nói:

"Khác với Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo mấy năm qua, tại Hoàng Sa, nước này trên thực tế đã kiểm soát toàn bộ từ 1974."

Bà giải thích mục đích của Hoa Kỳ sử dụng quyền tự do hàng hải (freedom-of-navigation operation, gọi tắt là FONOP) là nhằm thử thách "đường cơ sở bất hợp pháp của Trung Quốc quanh vùng Hoàng Sa".

2. Trump bắt đầu nản về Trung Quốc

Nhưng động thái mới nhất của Hải quân Mỹ còn được thực hiện trong bối cảnh "có vẻ như chính quyền Trump hết kiên nhẫn với Bắc Kinh về các công tác tiếp tục xây đắp quân sự ở Biển Nam Trung Hoa", tác giả Tomlinson viết.

Bên cạnh đó, "Hoa Kỳ cũng thất vọng rằng Bắc Kinh không kiềm chế được Bắc Hàn về chương trình nguyên tử và hỏa tiễn".

Hôm 1/7, báo The Guardian ở Anh cũng nhận định rằng "tuần trăng mật của hai ông Trump và Tập Cận Bình đã chấm dứt".

Hoa Kỳ cố ý chọn ngày ông Tập Cận Bình sang duyệt binh ở Hong Kong tuần qua để kêu gọi "thêm dân chủ cho Hong Kong và rằng Trung Quốc phải tôn trọng các quyền tự do, gồm cả tự do báo chí".

3. Vì sao Tri Tôn quan trọng?

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) gồm 130 đảo san hô, bãi đá và đá ngầm, cách miền Trung Việt Nam 250 hải lý (400 km) về phía Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc 220 hải lý (350 km) về phía Nam, theo Britannica.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, là nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây, và nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông.

Đảo Tri Tôn - có tên theo chiếc tàu của Anh HMS Triton, nằm riêng lẻ ra về phía Nam và thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm. Trung Quốc gọi đây là đảo Trung Kiến.

Khoảng cách từ Tri Tôn vào đảo Lý Sơn của Việt Nam lại chỉ có 123 hải lý.

Khoảng cách từ Tri Tôn đến mũi Ba Làng An trên đất liền Việt Nam chỉ có 135 hải lý, gần hơn khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến đảo Lăng Thuỷ thuộc Hải Nam của Trung Quốc (140 hải lý).

Cũng vì vị trí nằm ngoài hẳn nhóm đảo chính, Tri Tôn có ý nghĩa phòng thủ, chặn lối vào các đảo còn lại.

Trước lần vào gần đảo Tri Tôn hôm đầu tháng 7 mới đây, một chiến hạm của Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2016 cũng đi vào gần đảo này.

Để thách thức chủ quyền của bất cứ nước nào đang kiểm soát Hoàng Sa, Hoa Kỳ không cần phải vào sâu trong nhóm đảo An Vĩnh và Lưỡi Liềm mà chỉ cần đến gần đảo Tri Tôn là đủ.

4. Lịch sử chủ quyền và quyền kiểm soát

Năm 1932, Pháp tuyên bố đưa quần đảo Hoàng Sa vào thuộc Liên bang Đông Dương và lập một trạm khí tượng tại đây.

Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ra Nghị định đặt Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và Hoàng Sa tách khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào Thừa Thiên.

Trong Thế Chiến 2, Nhật Bản chiếm một số đảo nhưng rút đi để rồi đến năm 1951 tuyên bố từ bỏ chủ quyền tại đây.

Năm 1947, quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất trong nhóm An Vĩnh (phía Đông).

Cùng thời gian, trên đảo Hoàng Sa (Prattle Island), là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (phía Tây), người Pháp vẫn vận hành trạm khí tượng và sau đó, Quốc gia Việt Nam tiếp tục công tác này.

Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.

Sau năm 1954, khi Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam (tạm thời), con số quốc gia tuyên bố chủ quyền tăng lên gấp đôi.

Sau khi tiếp quản từ Trung Hoa Dân quốc, Trung Quốc cộng sản và Việt Nam Cộng hòa là hai nước kiểm soát trên thực tế một số đảo, bên giữ nhóm đảo phía Đông, và bên giữ nhóm phía Tây.

Nhưng hai nước khác cũng nói họ là bên tiếp nhận chủ quyền đã nêu.

Trong trường hợp Đài Loan thì họ vẫn tiếp tục coi mình là Trung Hoa Dân quốc cùng mọi chủ quyền tại quần đảo này trước khi mất về tay Bắc Kinh.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nói họ mới là bên có chủ quyền chính đáng từ tất cả những gì người Pháp trao trả lại.

5. Khai thác dầu khí và căn nguyên xung đột

Theo Bách khoa Toàn thư Anh, xung đột ở Biển Đông bùng lên năm 1974 sau khi Việt Nam Cộng hòa bắt đầu ký các hợp đồng khai thác dầu khí với công ty nước ngoài, khiến Trung Quốc có phản ứng.

Trung Quốc đã tấn công các đảo ở Quần đảo Hoàng Sa bằng không quân và hải quân, chiếm trạm khí tượng (trên đảo Phú Lâm), và kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa từ đó.

Nhưng kể từ đó đến nay, chủ quyền các hòn đảo ở đây vẫn là cốt lõi của tranh chấp, theo Britannica.

Các vấn đề lại bùng nổ năm 2014 khi giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được kéo xuống khu vực gần Quần đảo Hoàng Sa, khiến Việt Nam phải đối.

Tin tức về một giàn khoan khác mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông gần đây dù không được nước này xác nhận, đang tiếp tục làm nóng lên bầu không khí xung quanh các vùng đảo ở đây. - BBC
|
|

17.
Chính phủ VN 'trả nợ' cho nhà máy đạm Ninh Bình?

Một chuyên gia kinh tế nói trong việc nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam bảo lãnh khoản vay từ Trung Quốc nên phải có "trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ".

Truyền thông Việt Nam cho hay nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, xin ngân hàng Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ và nơi này cho biết "người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam".

Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình, theo VnEconomy.

Trong dự án này, Eximbank Trung Quốc cho vay Vinachem 250 triệu USD, với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.

VnEconomy tường thuật, Bộ Tài chính Việt Nam yêu cầu: "Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ".

Hôm 3/7, trả lời BBC từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú cho hay: "Đạm Ninh Bình là dự án do một doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%. Các khoản nợ vay, nhất là đối với Eximbank Trung Quốc là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, do đó trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ là của chính phủ."

"Chính vì vậy mà Chính phủ đã có yêu cầu Vinachem cố gắng trả nợ đúng hạn, để không ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ."

"Tuy nhiên, đây là cách nói tu từ, vì cuối cùng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm mọi cách để trả nợ đúng hạn cho Trung Quốc, dù đang ở trong bối cảnh nợ công, nợ xấu rất cao."

'Vấn đề chung'

"Theo như tôi biết, việc Đạm Ninh Bình thua lỗ có yếu tố khách quan từ thị trường (giá vật liệu tăng...), nhưng cũng có yếu tố do nhà máy không hoạt động đúng công suất và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thiết kế."

"Phần này liên quan đến công ty HQC, tổng thầu xây dựng nhà máy."

"Tuy nhiên, không biết là Đạm Ninh Bình và Vinachem có yêu cầu bồi thường gì trong hợp đồng hay không."

Chuyên gia nói thêm: "Việc Đạm Ninh Bình thua lỗ cho thấy vấn đề chung của các doanh nghiệp nhà nước: lập dự án, vay vốn nước ngoài, dự án xây dưng nhà máy hoàn thành nhưng không đúng yêu cầu, hoạt động thua lỗ và cuối cùng là xin nhà nước can thiệp để giảm lỗ (can thiệp về vốn hoặc thuế). Nhưng cuối cùng thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lên ngân sách nhà nước và nợ công, nhất là nợ nước ngoài."

"Việc Eximbank Trung Quốc nói nợ của Đạm Ninh Bình là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh giống như vụ 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có Tập đoàn dầu khí."

"Hơn nữa, đến nay cách tính nợ công của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng."

"Trong nợ công, phải tính đến các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cuối cùng là do chính phủ bảo lãnh."

"Như vậy cần phải minh bạch là nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu, trong đó có tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh hay chưa?"

"Theo tôi tìm hiểu, nợ công đã vượt trần quy định (65% GDP) rất xa."

"Việc để nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, có nguy cơ vỡ nợ."

"Các khoản nợ nước ngoài này nếu cộng dồn lại đều là những nghìn tỷ đồng và đều do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh hết."

Trong một diễn biến khác, tờ Nikkei Asian Review cho hay trước mức trần nợ công, chính phủ Việt Nam đang phải vật lộn để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho các dự án hạ tầng, tìm kiếm các nhà tài chính sẵn sàng rót vốn cho khu vực tư nhân.

"Chính phủ Việt Nam có những kỳ vọng cao đối với đầu tư của Nhật. Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật không tỏ vẻ mặn mà, đưa ra một số yêu cầu cho chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sở hữu. Cải cách là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam để thu hút các khoản tiền cần thiết," tờ báo viết.

"Cán cân nợ công của Việt Nam đã ở mức 64,7% GDP vào cuối năm 2016, cao nhất khu vực Đông Nam Á, tương đương với Lào, và sát ngưỡng 65% mà chính phủ tự áp mức trần." - BBC
|
|

18.
Sân bay Tân Sơn Nhất: Có thể được mở rộng hơn nữa

Nên xây dựng sân bay Long Thành hay mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đó là vấn đề vẫn gây tranh cãi ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cuộc tranh cãi này chưa hoàn toàn chấm dứt cho dù thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/06/2017 đã ra quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, dừng các công trình sân golf ở khu vực này và nghiên cứu làm các đường băng mới.

Được xây dựng từ năm 1930 vào thời Pháp thuộc, Tân Sơn Nhất hiện vẫn là sân bay quốc tế lớn nhất miền Nam Việt Nam và sân bay có số lượng hành khách cao nhất Việt Nam. Vì Tân Sơn Nhất bị xem là sắp quá tải và không thể được mở rộng được nữa, nên vào tháng 6 năm 2015, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua chủ trương xây sân bay Long Thành, cách Sài Gòn khoảng 40 km, với công suất dự kiến lên đến 100 triệu hành khách/năm và dự kiến được khánh thành vào năm 2025.

Theo lời tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ & Quản Lý TP.HCM HASCON, từ năm 2014 đến nay, họ đã nhiều lần viết bài trên các báo chính thức, khẳng định rằng chưa cần thiết phải xây sân bay Long Thành vì quá tốn kém và không cần thiết, mà nên mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Cho nên, cũng như các chuyên gia khác và dư luận Việt Nam nói chung, ông Nguyễn Bách Phúc hoan nghênh quyết định nói trên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, ông đề nghị là phải mở rộng hơn nữa Tân Sơn Nhất để sân bay này có thể tiếp nhận nhiều hành khách hơn.

Song song với việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, có một vấn đề khác đang ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến nhiều hành khách, đó là tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường chung quanh sân bay bay này. Như vụ kẹt xe chiều ngày 31/05 vừa qua, kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ, đặc biệt trên đường Trường Sơn, tức con đường đi vào sân bay, khiến nhiều hành khách buộc phải xuống xe, kéo valise đi bộ đến sân bay vì sợ trễ chuyến bay.

Theo lời ông Nguyễn Bách Phúc, tình trạng kẹt xe, bị xem là do số hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất quá đông, đã là một trong những lý do được bộ Giao Thông Việt Nam đưa ra để biện minh cho việc không mở rộng sân bay và để thúc đẩy dự án xây sân bay Long Thành. Nhưng ông Nguyễn Bách Phúc phản bác lập luận đó, vì theo ông tình trạng kẹt xe ở khu vực này là do những yếu tố khác, chứ không phải là do số người ra vào sân bay.

Cầu vượt dẫn vào sân bay và cầu vượt ngang vòng xoay Nguyễn Thái Sơn theo dự kiến được đưa vào hoạt động ngày 03/07 sẽ giảm được phần nào tình trạng kẹt xe chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Như vậy việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải được tính toán làm sao để tránh cho tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng. Theo báo chí trong nước, hiện đang có tranh cãi giữa bộ Giao Thông với các chuyên gia về việc mở rộng sân bay như thế nào. Bộ trưởng bộ Giao Thông Trương Quang Nghĩa đã phát biểu tại Quốc Hội ngày 08/06 là không thể mở rộng Tân Sơn Nhất lên phía bắc, nhưng tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia kỹ thuật hàng không, thì cho rằng hoàn toàn có thể mở rộng sân bay này về phía bắc, phần đất đang làm sân golf.

Hiện giờ, chưa biết sân bay Tân Sơn Nhất cụ thể sẽ được mở rộng như thế nào. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu độc lập về hồ sơ này, rồi mới công bố kế hoạch chi tiết.

Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có thể nói là sẽ không phải dễ dàng vì trong sân bay này có rất nhiều đất quốc phòng, tức là hiện do quân đội quản lý khai thác, mà trên đó có rất nhiều công trình xây dựng bất hợp pháp.

Theo tờ Người Lao Động ngày 27/06, Uỷ Ban Nhân Dân quận Tân Bình đã đề nghị chính quyền thành phố tổng kiểm tra các công trình bị xem là trái phép đó. Chẳng hạn hiện nay Sư đoàn 370 Không Quân ký hợp đồng với các đơn vị kinh tế triển khai xây dựng các công trình khu vui chơi giải trí, các dịch vụ… trong khu đất thuộc đất sân bay Tân Sơn Nhất, thuộc quận Tân Bình, đa số các công trình không có giấy phép xây dựng, mà chính quyền địa phương cho tới nay không được phép vào để kiểm tra.

Tuy quyết định sẽ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn duy trì công trình xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, với lý do là các sân bay quốc tế khác của Việt Nam, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, trong tương lai sẽ không thể đáp ứng nhu cầu với số lượng khách quốc tế tăng nhanh từng năm. Nhưng ông Nguyễn Bách Phúc bác bỏ lập luận đó, vì ông cho rằng các sân bay Việt Nam không hề quá tải, chỉ riêng ở Tân Sơn Nhất, vào dịp Tết là có số hành khách tăng vọt. - RFI
|
|

19.
Lao động nhập cư ‘nóng’ ở Đại hội Di dân Giáo phận Vinh lần II

Khoảng 1.500 bạn trẻ Công giáo sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 tập trung tham gia Đại hội Di dân giáo phận Vinh lần thứ hai, trong bối cảnh Lao động mới của nước sở tại được thực thi, khiến nhiều di dân rất lo lắng.

Giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận Vinh, sang Thái Lan chủ sự đại hội. Trước tình hình được cho là ‘nóng’ hiện nay đối với lao động nhập cư, đức giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp có ý kiến đề đạt với chính quyền Việt Nam trong việc hỗ trợ cho người Việt Nam phải sang làm ăn trên Xứ Chùa Vàng.

“Ít nhất phải có một kiến nghị gửi thẳng tới Tòa Đại sứ, gửi về Bộ lao động, gửi về bên nhà rồi cho lên mạng.” Theo Giám mục Giáo phận Vinh vấn đề cần thiết phải có Hiệp ước lao động giữa 2 nước.

Ngày 23/6/2017, luật Lao động nhập cư mới của Chính phủ Thái Lan có hiệu lực, cảnh sát Thái Lan tổ chức nhiều đội truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp trong đó có Việt Nam.

Thực tế những di dân từ Việt Nam đều cầm hộ chiếu du lịch và làm trong những ngành nghề may mặc, bán hàng rong… là những ngành cấm lao động nước ngoài.

Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp nói, ông rất thông cảm với các di dân Việt Nam vì hầu hết đều làm việc “chui”.

Tuy nhiên “chui” vẫn là công dân VN cho nên “chúng ta có thể liên kết ở VN để yêu cầu nhà nước phải giải quyết vấn đề bang giao cụ thể với những hiệp ước cụ thể về vấn đề trao đổi nhân sự với đất nước Thái Lan.”

“Cha ước mong 1 ngày nào đó được cầm những cái Kiến nghị của di dân VN ở Thái Lan để rồi yêu cầu nhà cầm quyền phải nghĩ đến điều kiện làm việc của công nhân của mình với tình trạng bất bình đẳng, với tình trạng lao động rất là khó khăn”, ông nói thêm.

Theo qui định mới của Thái Lan thì lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, bị phạt tiền từ 20.000 Baht đến 100.000 Baht (khoảng 13 triệu - 67 triệu VNĐ) .

Trong khi đó chủ sử dụng lao động vi phạm có thể bị phạt đến mức 800 ngàn bath Thái, tương đương hơn 23 ngàn đô la Mỹ theo tỷ giá hiện hành.

Cùng cầu nguyện cho nạn nhân Formosa

Ngoài lo lắng cho tình hình thực tế tại Thái Lan khi lao động nhập cư bất hợp pháp bị truy lùng, thì những bạn trẻ từ các tỉnh miền Trung sang Thái Lan tiếp tục lo lắng cho người thân tại những nơi chịu tác động trực tiếp của thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên.

Tuy nhiên vì cách trở về địa lý nên họ cũng chỉ biết cùng nhau dâng lời cầu nguyện.

Anh Nguyễn Văn Long, quê ở Hà Tĩnh có thâm niên 10 năm ở Thái Lan, hiện nay đang làm công nhân may mặc, anh cho hay:

“Sau biến cố thảm họa môi trường của 4 tỉnh miền Trung, trong đó tỉnh Hà Tĩnh của chúng em là tỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng.

“Chúng em đi xa nhưng vẫn cảm thấy xót thương cho đồng bào cũng như con em 4 tỉnh miền Trung. Mặc dù không giúp được gì chỉ biết bằng những lời cầu nguyện cho quê nhà sớm khắc phục thảm họa môi trường”,anh Long chia sẻ.

Còn anh Trần Văn Sơn, làm thợ may ở Thái Lan 13 năm và tham gia Đại hội di dân Giáo phận Vinh với vai trò bảo vệ an ninh nói: “Mong muốn những nhà lãnh đạo biết suy nghĩ biết lo lắng, giải quyết vấn đề thảm họa môi trường thật minh bạch, người dân 3 tỉnh miền trung (Giáo phận Vinh) mình rất là khổ, thảm họa môi trường, thảm họa thiên tai, đất đai khô cằn….
“Tụi em đi xa quê làm ăn chỉ mong sao chính quyền và các nhà lãnh đạo tìm ra nguyên nhân để dân đỡ khổ 1 chút”, anh Sơn cho biết.

Số tham gia Đại hội Di dân Giáo phận Vinh lần thứ hai không đông như lần thứ nhất vì lý do chiến dịch truy bắt, buộc lao động nhập cư bất hợp pháp về nước.

Hãng tin Reuters vào ngày 3 tháng 7 loan tin dẫn phát biểu của một viên chức Văn phòng Nhập cư Thái Lan cho biết từ ngày 23 đến 28 tháng 6 có chừng 60 ngàn lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan. Trong số này có đủ quốc tịch; nhưng nhóm đông nhất là người Miến Điện. Trong những ngày sắp tới số lao động nhập cư bất hợp pháp phãi rời xứ Chùa Vàng được nhận định còn tăng lên nữa.

Thống kệ của Tổ chức Quốc tế Di dân cho thấy tại Thái Lan có hơn 3 triệu lao động nhập cư; tuy nhiên những tổ chức theo dõi nhân quyền nói con số này phải cao hơn nữa. - RFA
|
|

20.
Việt Nam lại hâm nóng chuyện vay vàng và đô la của dân

Do ngân sách thâm thủng trong khi thiếu tiền trả nợ nước ngoài và nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính quyền Việt Nam lại hâm nóng chuyện nhà nước vay đô la và vàng của dân chúng.

Hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Bảy, trong phiên họp của Hội Đồng Tư Vấn Chính Sách Tài Chính Tiền Tệ Quốc Gia, người ta lại thấy có “kiến nghị” rằng “Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la trong dân vào sản xuất, kinh doanh; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp.”

Phiên họp vừa kể do Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ chủ tọa. Ông này từng có lời tuyên bố hồi Tháng Mười năm ngoái là “Vàng trong dân còn nhiều lắm.”

Theo bản tin tường thuật của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, “các thành viên hội đồng đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong sáu tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 – 4.15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm, đúng theo kế hoạch điều hành của ban chỉ đạo điều hành giá.”

Đồng thời, “Thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao, chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5.73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5.65%. GDP của quý 2 cũng tăng mạnh so với quý 1 (6.13% so với 5.15%).”

Bản tin mô tả vẻ tốt đẹp bề ngoài của nền kinh tế Việt Nam theo kiểu tuyên truyền quen thuộc của chế độ. Nhưng cách đây hai ngày, báo tài chính Nikkei của Nhật nói thẳng ra một sự thật. Kinh tế Việt Nam có thành tích tăng trưởng được là nhờ công ty điện tử Samsung (Nam Hàn) xuất cảng đi khắp thế giới các sản phẩm của họ lắp ráp tại Việt Nam.

Thành tích tăng trưởng kinh tế và xuất cảng của Việt Nam tụt dốc khi hãng Samsung gặp đại nạn với chiếc điện thoại Galaxy Note 7 bị thu hồi vì dễ bị cháy. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở quý 2 khá hơn với 6.2% nhờ Samsung đưa ra sản phẩm mới. Trị giá hàng hóa xuất cảng của Samsung chiếm đến 20% trị giá hàng hóa xuất cảng của toàn thể Việt Nam.

Khi Samsung làm ăn suôn sẻ, kinh tế Việt Nam có dịp khoe khoang thành tích tăng trưởng tốt đẹp. Nhưng nếu Samsung hắt hơi sổ mũi, lập tức Việt Nam trở thành con bệnh. Người ta nhiều lần nói đến phát triển kinh tế Việt Nam bằng nội lực của chính mình, nhưng đến nay, hơn 60% trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam là từ khu vực ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Hôm Chủ Nhật, báo Nikkei nêu ra một thí dụ cho thấy, chính quyền Việt Nam thiếu trước hụt sau cụ thể như thế nào qua việc trả nợ trễ hạn khiến cho dự án đường sắt đô thị ở Sài Gòn bị đình trệ.

Theo Nikkei, hồi đầu Tháng Năm vừa qua, ông Kumio Umeda, đại sứ Nhật tại Việt Nam, thúc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nhanh chóng trả khoản thiếu vốn đã bị trì hoãn từ lâu mà Việt Nam phải góp để tiến hành dự án đường sắt đô thị Sài Gòn – Suối Tiên. Đây là lời thúc giục khá bất thường, theo báo Nikkei.

Dự án do hai nhà thầu Sumimoto và Shimizu của Nhật và một số nhà thầu khác thực hiện, dài 19.7 km là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại miền Nam Việt Nam. Khởi công từ năm 2012 sau nhiều năm trì hoãn, nhưng có hoàn tất vào năm 2020 như kế hoạch hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Theo Nikkei, nhà cầm quyền Việt Nam mới chỉ góp khoảng 30% trên tổng số 20,000 tỷ đồng (khoảng $87.9 triệu) mà họ phải góp trong năm 2016, dựa trên báo cáo của chính quyền thành phố Sài Gòn.

Không đào ở đâu ra tiền để góp, muốn vay thêm để bù chi, nhưng chính quyền lại vướng vào chính cái quy định của mình. Theo những gì thấy nêu ra, nợ công của nhà cầm quyền CSVN đang ở khoảng 64.7% trên GDP (tổng sản lượng quốc gia) vào cuối năm 2016. Hà Nội tự xác định không vay mượn quá đà như những năm trước khiến công nợ “phi mã,” hiện cố giữ nợ công ở cái “trần” là 65% GDP.

Hôm 22 Tháng Mười, 2016, ông Huệ nói với báo chí bên lề một phiên họp của Quốc Hội là “dứt khoát không nới trần nợ công.” Bây giờ, trong tình thế kẹt, chính quyền muốn “lách” cái lời nguyền này bằng biện pháp vay vàng và đô la của dân mà một số chuyên viên kinh tế cho rằng khó khả thi. - nguoiviet
|
|

21.
Ba tỉnh ở Việt Nam có 38 tàu cá vỏ thép nằm bờ

Ba tỉnh ở miền Trung báo cáo ít nhất có 38 tàu đánh cá vỏ thép bị nằm bờ, hậu quả của trò làm ăn gian dối của hai công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu.

Theo báo Tuổi Trẻ, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, và Thanh Hóa đã gửi báo cáo tới Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn về “tàu vỏ thép đóng mới theo chương trình 67” do nhà cầm quyền trung ương tài trợ đã “hư hỏng,” dù mới chỉ bắt đầu ra khơi khai thác.

Bản báo cáo liệt kê ra cho thấy tỉnh Bình Định có 18 tàu, tỉnh Phú Yên bị 2 tàu, và tỉnh Thanh Hóa bị 18 tàu.

Riêng tỉnh Quảng Nam có một tàu đã hạ thủy, nhưng chưa hoạt động, do chủ tàu không chấp nhận máy chính đã lắp trên tàu, theo báo Đất Việt hôm Chủ nhật.

Mấy tháng gần đây, tin tức về các tàu đánh cá vỏ thép, công suất lớn được đóng mới theo chương trình giúp ngư dân đánh cá hiệu quả hơn nhưng lại bị máy hư, ngư cụ hỏng, còn vỏ tàu thì rỉ sét nhanh chóng.

Trước các lời kêu ca của giới ngư dân, chính quyền tỉnh Bình Định tổ chức kiểm định độc lập thì dần dần thấy lộ ra đủ mọi thứ gian dối của các công ty đóng tàu, với sự tiếp tay của cơ quan đăng kiểm của nhà nước, giải thích tại sao vừa ra khơi thì tàu đã hỏng máy. Cuối cùng, hàng chục tàu đã buộc phải “nằm bờ” vì không thể ra khơi trong khi ngư dân vẫn phải trả nợ ngân hàng, đối diện với khả năng phá sản.

Công ty Đại Nguyên Dương ở tỉnh Nam Định và công ty đóng tàu Nam Triệu ở Hải Phòng là các công ty nhận mối thầu đóng tàu với ngư dân Bình Định. Điều đáng nói là công ty đóng tàu Nam Triệu là cơ sở kinh tài của Bộ Công An lại cũng làm ăn gian dối.

Hợp đồng ký với ngư dân là vỏ tàu đóng bằng thép và máy tàu là Nhật hoặc Nam Hàn.

Khi có cuộc kiểm tra độc lập các con tàu này mới lộ ra rằng thép là thép xấu của Trung Quốc, máy tàu chỉ có cái vỏ bề ngoài là máy Mitsubishi của Nhật còn ruột bên trong thì là “hàng trôi nổi” đâu đó. Tệ hơn nữa, những máy tàu này không phải là loại “máy thủy” mà là “máy bộ.”

Ban đầu, các công ty đóng tàu còn đổ lỗi cho ngư dân không biết vận hành các loại máy tàu cỡ lớn và tân tiến, còn vỏ tàu mau rỉ sét thì tại “nước biển quá mặn.” Sau cuộc kiểm định độc lập, các công ty đóng tàu cho người đi điều đình ngầm để xin sửa chữa “khắc phục.”

Theo báo chí trong nước, tỉnh Bình Định yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố ven biển hướng dẫn ngư dân khởi kiện ngay công ty đóng tàu vỏ thép bị hư hỏng nhưng lẩn tránh trách nhiệm.

Hồi Tháng Năm, đã có tin chỉ riêng tỉnh Bình Định có tới 67 tàu vỏ thép bị hư hỏng ở nhiều cấp độ khác nhau. Có vẻ đã có những sự “đi đêm” giữa các công ty đóng tàu với một số ngư dân để sửa chữa thay vì kiện bắt đền tàu mới nên số con tàu bị ghi nhận là hư hỏng giảm xuống. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment