Thursday, July 6, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 6/7

Tin Thế Giới

1.
Cuộc gặp Trump-Putin: theo dõi nhiều, kỳ vọng ít --- Thượng đỉnh G20 và các hồ sơ bất đồng --- Thế yếu của tổng thống Trump tại thượng đỉnh G20

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày thứ Sáu 7/7 sẽ được theo sát, nhưng lý do không phải là vì có nhiều kỳ vọng hai bên sẽ đạt được tiến bộ. Trong khi cả hai nhà lãnh đạo đều tỏ ý muốn chấn chỉnh lại mối quan hệ song phương, vốn đã rạn nứt vì hành động của Nga can thiệp vào Ukraina, ít có hy vọng sẽ giảm được căng thẳng trong cái gọi là ‘cuộc chiến tranh lạnh mới’. Thông tín viên Daniel Schearf của VOA tường thuật rằng cuộc họp này đã bị lu mờ vì các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành về những sự liên kết giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga, và các vụ tin tặc do Nga thực hiện mà các cơ quan tình báo Mỹ tin là có mục đích giúp ông Trump thắng cử.

Buổi gặp mặt đầu tiên sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hamburg, Đức. Điện Kremlin nói vấn đề khủng bố, Syria và Ukraine sẽ đứng đầu chương trình nghị sự.

Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Trump sẽ quyết định đề tài thảo luận, và mô tả đây là một "cuộc họp song phương bình thường". Nhưng theo các nhà phân tích, ông Trump có thể nêu bất kỳ chủ đề nào trong cuộc gặp này.

Ông Stephen Sestanovich, Hội đồng Chính sách Đối ngoại nói:

"Tổng thống Trump có những ý tưởng bốc đồng riêng. Ông có thể quyết định đẩy cuộc họp theo một hướng bất ngờ, và chúng ta phải chuẩn bị cho điều này. Phong cách của ông ấy là như vậy."

Tuy nhiên, các cuộc điều tra đang tiếp diễn về cáo buộc là có sự thông đồng giữa toán vận động tranh cử của ông Trump với Nga đã phủ bóng lên niềm hy vọng của chính quyền ông Trump rằng cuộc gặp gỡ này có thể cải thiện mối quan hệ hai nước.

Bà Hannah Thoburn, Viện Hudson nói:

“Mọi việc xảy ra giữa ông Trump và ông Putin sẽ được quan sát trong bối cảnh đó. Ông Trump có quá thân thiện hay không? Liệu ông có thực sự tỏ ra cứng rắn với Nga để xoa dịu giới chỉ trích ở trong nước? Tôi nghĩ có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta sẽ sớm tìm ra câu trả lời."

Tuy nhiên, ít ai mong đợi ông Trump sẽ mang vấn đề các vụ tin tặc của Nga mà cơ quan tình báo Mỹ nói là có mục đích giúp ông Trump thắng cử.

Trên đường phố thủ đô Moscow, người Nga vẫn hy vọng quan hệ Mỹ-Nga sẽ tốt hơn - sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Ông Konstantin, một cư dân Moscow, nói:

"Tình huống này không thể kéo dài. Ai đó nên nhận ra rằng nếu không hợp tác với nhau, chúng ta sẽ không tiến bộ".

Các nhà phê bình cho rằng bất kỳ bước tiến nào hướng tới hợp tác cũng chỉ sẽ dừng lại ở trong những lời phát biểu.

Ông Andrei Kolesnikov thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie ở Moscow:

"Hiện chưa thấy có một chương trình nghị sự cụ thể, cũng không có mục tiêu cụ thể cho cả hai nhà lãnh đạo, thậm chí chưa thấy ý chí để thực hiện các mục tiêu đó. Ông Putin dường như đang chờ đợi ông Trump đi trước vài bước, trong khi ông Trump không thể đối phó với những khó khăn của riêng ông ở trong nước Mỹ. Ông Trump không biết làm thế nào để định hình thái độ của ông đối với ông Putin. Không có mục tiêu, không có ý chí, thì không tiến bộ."

Ông Kolesnikov nói bất kể kết quả ra sao, cuộc gặp song phương là một chiến thắng đối với điện Kremlin.

Nếu cuộc gặp không có kết quả, Nga sẽ đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Nếu mọi việc suôn sẻ, ông Putin sẽ được cho là có công. - VOA

***
Thượng đỉnh G20 bắt đầu ngày 07/07/2017 tại thành phố Hamburg- Đức, được cho là một trong những cuộc họp bất đồng nhất trong những năm gần đây. Trong hai ngày làm việc, lãnh đạo 20 nước phải đề cập đến năm hồ sơ khó khăn nhất, như biến đổi khí hậu, tự do thương mại, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, khủng hoảng Syria và Ukraina.

Trên hồ sơ khí hậu, kể từ khi Hoa Kỳ thông báo ngày 01/06/2017 rút khỏi Hiệp định Paris, hầu như không có cơ may đạt được một sự đồng thuận tại G20 lần này. Tổng thống Mỹ cam kết giúp thủ tướng Đức tổ chức thành công thượng đỉnh G20, song không một nước nào hy vọng nguyên thủ Mỹ thay đổi lập trường về khí hậu chỉ trong vòng hai ngày. Trong khi đó, khối 20 nước giầu nhất thế giới thải đến 75% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.

Vấn đề thương mại là cội nguồn gây bất đồng giữa các nước với chính sách bảo hộ mậu dịch « Nước Mỹ trước đã » của tổng thống Donald Trump. Tiếp theo là vấn đề sản xuất dư thừa của Trung Quốc, trong đó có sản lượng thép. Cuối cùng là quan hệ giữa Berlin và Washington không mấy tốt đẹp vì tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích thặng dư thương mại của Đức và đe dọa đánh thuế để đáp trả.

Chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên là điểm gây bất đồng giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Trong vài ngày qua, với những lời lẽ thiếu ngoại giao, tổng thống Mỹ đã thúc giục Bắc Kinh gây thêm sức ép với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, chính quyền Tập Cận Bình vừa kêu gọi Washington bình tĩnh trước cuộc khủng hoảng đang làm quan hệ hai nước xấu đi, vừa khẳng định « đã nỗ lực hết sức » để giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên.

Khủng hoảng Syria gây bất đồng giữa Nga và Hoa Kỳ và sẽ được đề cập trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương bên lề G20. Cả hai ông Putin và Trump đều thừa nhận quan hệ giữa hai nước xấu đi trong những tháng vừa qua, do bất đồng về các bước đi tiếp theo ở Syria.

Cuối cùng, lập trường của Nga và Mỹ vẫn cách xa nhau trong hồ sơ xung đột tại miền đông Ukraina. Cả hai phe chính phủ và ly khai Ukraina đều cáo buộc nhau vi phạm ngừng bắn theo thỏa thuận Minks 2015. Bên lề G20, một cuộc gặp bốn bên, bao gồm Nga, Mỹ, Pháp, Đức sẽ được tổ chức để bàn về cuộc khủng hoảng Ukraina. - RFI

***
Nhiều hồ sơ nhậy cảm chờ đợi nguyên thủ 20 cường quốc phát triển nhất thế giới tại thượng đỉnh G20 mở ra trong hai ngày 7 và 08/07/207 tại Hamburg, Đức. Công luận và báo chí Mỹ không chờ đợi tổng thống Donald Trump gặt hái được nhiều thắng lợi ngoại giao.

Lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đến dự G20 trong hoàn cảnh tế nhị. Chính sách ngoại giao của tổng thống Trump bị các đối tác chỉ trích. Có quá nhiều bất đồng giữa ông Trump với 19 đối tác còn lại của G20. Trong số đó phải kể đến khủng hoảng Syria, vấn đề Ukraina và nhất là hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump gây sóng gió trong đối thoại với Đức, hay Trung Quốc và kể cả Canada. Quyết định rời khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP là cái gai trong quan hệ giữa Washington và Tokyo. Với Pháp, việc từ bỏ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu là rạn nứt khó có thể hàn gắn trong cuộc tiếp xúc với tân tổng thống Emmanuel Macron.

Một nhược điểm khác của tổng thống Trump lần này tại G20 là mối quan hệ giữa ban tham mưu của ứng cử viên Donald Trump với Nga.

Báo chí Mỹ không tin Donald Trump sẽ đạt được những thắng lợi ngọai giao tại G-20, nhất là với Putin hay Tập Cận Bình. - RFI
|
|

2.
Thế giới kỳ vọng Bắc Kinh tăng áp lực Bình Nhưỡng --- Nga và Trung Quốc chống gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên --- Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Donald Trump bế tắc

Hoa Kỳ kêu gọi phải có phản ứng cứng rắn để đáp lại việc Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tuần này, và Trung Quốc là quốc gia then chốt mà Washington và những nước khác đang vận động sự giúp đỡ, đặc biệt là giữa lúc Mỹ đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn.

Dự kiến Bắc Triều Tiên sẽ là chủ đề quan trọng khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hamburg, Đức.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán ba bên về vấn đề Bắc Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu và thứ Bảy.

Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson, cũng kêu gọi Trung Quốc tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Ông Johnson nói trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC:

"Điều quan trọng nhất là Trung Quốc, quốc gia có quan hệ kinh tế trực tiếp nhất với Bắc Triều Tiên, phải tiếp tục gây áp lực. Trong 6 tháng gần đây, chúng ta thấy đã có một số thay đổi thực sự trong thái độ của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh cần tiến xa hơn nữa."

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban tiếng Quan Thoại của VOA, ông Cai Jian, giáo sư đại học Fudan ở Thượng Hải nói điều mà Bắc Hàn thực sự cần là được bảo đảmvề mặt an ninh, và đây là điều mà Trung Quốc không thể đáp ứng.

Cho đến nay, Trung Quốc và các nước khác đều lên án vụ phóng ICBM của Bắc Triều Tiên, và cho đó là một sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, Trung Quốc không nói gì cụ thể về các biện pháp trừng phạt. - VOA

***
Tại New York, ngày 05/07/2017, Hội Đồng Bảo An họp khẩn về hồ sơ nóng Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo. Tất cả các thành viên Hội Đồng Bảo An đều lên án Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng lại bất đồng về phương án gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Pháp thông báo chuẩn bị một nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc kêu gọi nối lại đối thoại với Bắc Triều Tiên thay vì gia tăng trừng phạt.

Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tại New York, tường trình :

"Về vấn đề Bắc Triều Tiên, căng thẳng đã vượt qua ngoài bán đảo Triều Tiên và biển Nhật Bản. Ngày hôm qua, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các cuộc khẩu chiến giữa đại diện Mỹ và Nga đã cho thấy không một giải pháp nào có được sự nhất trí hoàn toàn.

Matxcơva cho biết muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, trong khii Hoa Kỳ thì đã chuẩn bị một văn kiện tăng cường trừng phạt.

Trong khi chưa có gì bảo đảm việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới thì bà đại sứ Mỹ Nikki Halay quả quyết rằng mọi phương án đề đã được chuẩn bị. Bà nói :

« Lực lượng quân sự lớn của chúng tôi nói lên một trong những khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng khả năng đó, nhưng chúng tôi không thích đi theo hướng này. Chúng tôi có các phương tiện khác để đáp trả những ai đe dọa chúng tôi và những ai gieo rắc đe dọa. Mỹ có thể hành động mạnh trong lĩnh vực thương mại ».

Qua diễn đàn này, bà Nikki Haley cũng ngầm tố cáo Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các trao đổi buôn bán với Bắc Triều Tiên.

Cách đây vài tháng được ông Donald rump đánh giá như là trung gian tiềm tàng, Bắc Kinh giờ đây bị Washington đe dọa bằng các biện pháp trả đũa thương mại.

Đại sứ Trung Quốc đã đáp lại rằng đó là những lời lẽ hiếu chiến là không cần thiết. Chính việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa Mỹ trên đất Hàn Quốc vài tháng trước đây đã góp phân làm leo thang căng thẳng trong vùng". - RFI

***
Châu Âu không tìm được giải pháp trước làn sóng thuyền nhân vào Ý, thượng đỉnh khối G20 tại Hamburg đầy bất trắc và nguy cơ khủng hoảng Bắc Triều Tiên vượt tầm kiểm soát là một số chủ đề thời sự chính trên báo Pháp ngày 06/07/2017. Về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài phân tích « Trump bế tắc trong vấn đề Bắc Triều Tiên ».

Trong cuộc điện đàm ngày thứ Hai 03/07, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc có cùng một nhận định chung, đó là quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi. Donald Trump đe dọa sẽ hành động đơn phương trong « hồ sơ Bắc Triều Tiên gai góc » không cần đến Trung Quốc. Chỉ 24 giờ sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công hỏa tiễn xuyên lục địa đầu tiên, có thể bắn đến Mỹ. Ngày tiếp theo, Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn hơn với cuộc tập trận chung trên biển cùng Hàn Quốc, một loạt tên lửa được phóng cùng với những lời đe dọa.

Hy vọng dùng Trung Quốc để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ đã không mang lại kết quả. « Tuần trăng mật » ngắn ngủi giữa Washington và Bắc Kinh, mở đầu với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại tư dinh của tổng thống Mỹ ở Florida, hồi tháng 4/2017, dường như đã kết thúc. Cuộc gặp dự kiến giữa Trump và Tập tại thượng đỉnh G20 ở Hamburg cuối tuần này chắc chắn « sẽ lạnh nhạt hơn nhiều » so với cuộc gặp lần trước.

Theo Le Monde, chủ trương của tổng thống Trump cho đến nay là gắn liền triển vọng của quan hệ Mỹ-Trung với việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, những tiến triển trong vấn đề này sẽ không thể nhanh chóng. Nói một cách khác, Washington sẽ khó có thể trông cậy ở Bắc Kinh.

Các giải pháp thu hẹp

Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William Perry, vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa vừa qua làm thay đổi « mọi tính toán », thu hẹp các giải pháp của Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Cựu bộ trưởng Perry là người từng chủ trương đánh phủ đầu để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Năm 2006, ông ủng hộ việc tấn công trực tiếp để phá hủy các hỏa tiễn ngay trên bệ phóng. Tuy nhiên, mới đây cựu lãnh đạo quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận là ý tưởng này đã lạc hậu, bởi hiện tại Bình Nhưỡng đã phát triển được một hệ thống « quá đa dạng », khiến chiến thuật này bị vô hiệu hóa.

Cũng trong bài phân tích nói trên, Le Monde chỉ ra tính mơ hồ trong chiến lược của Donald Trump. Khác với tổng thống George W. Bush hồi 2006, sau vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, đã đặt ra một « lằn ranh đỏ ». Đó là Bình Nhưỡng sẽ phải chịu « hoàn toàn trách nhiệm » nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia hay một tổ chức khủng bố. Còn đối với Donald Trump, đã không có một lằn ranh đỏ rõ ràng. Trong một tweet tung ra hồi đầu năm, ông Trump chỉ tuyên bố chung chung là Bắc Triều Tiên sẽ không thể có được tên lửa tấn công Hoa Kỳ.

Quan điểm của Bình Nhưỡng

Về phía Bình Nhưỡng, hồi tháng trước, đại diện của Bắc Triều Tiên tại Pháp, ông Kim Yong Il, nhắc lại quan điểm của Bắc Triều Tiên là muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ và Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ ngưng tập trận tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là một đề nghị của Trung Quốc mà đưa ra từ lâu. Trong thượng đỉnh Nga-Trung hôm 04/07, tổng thống Nga Putin cũng ủng hộ quan điểm này.

Tổng thống Mỹ không có chiến lược đối phó

Vẫn về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro có bài « Bắc Triều Tiên : Trump tìm cách trả đũa » và nhận xét : « Các tweet của Donald Trump có thể hiệu quả khi đả phá truyền thông, nhưng sẽ không giúp gì trong các khủng hoảng quốc tế ».

Theo Le Figaro, tổng thống Mỹ tới Hamburg dự thượng đỉnh G20, đã không hề có chiến lược nào để đối phó với thách thức khẩn cấp Bắc Triều Tiên. Trước khi lên máy bay, ông Trump chỉ nói : « Chúng tôi sẽ lo liệu ổn thỏa ».

Tối hôm qua, 05/07, tại Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ được sự ủng hộ của Pháp cho biết sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết đề nghị gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng, trong những ngày tới. Tuy nhiên Matxcơva phản đối các trừng phạt mới và không chấp nhận biện pháp quân sự.

Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, Les Echos phỏng vấn ông Scott Snyder, thuộc Council on Foreign Relations (CFR), một tổ chức tư vấn Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Chuyên gia về Triều Tiên này thừa nhận chính quyền Mỹ không có một chiến lược thực sự trong giai đoạn hiện tại.

Ông dự báo vụ thử hỏa tiễn xuyên lục địa, có thể tấn công nước Mỹ, sẽ dấy lên tranh luận dữ dội tại Hoa Kỳ. Chuyên gia CFR vẫn đặt hy vọng vào việc quốc tế gia tăng áp lực và trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời sẵn sàng cho khả năng can thiệp quân sự. - RFI
|
|

3.
Mỹ-Nga thảo luận về các vùng cấm bay tại Syria

Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận với Nga về các nỗ lực chung nhằm ổn định tình hình tại Syria, trong đó có cả việc lập các vùng cấm bay. Thông tin được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra trước buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ và Nga diễn ra ngày 06/07/2017.

Trong một bản thông cáo được Reuters trích dẫn, ông Tillerson nhấn mạnh đến « trọng trách » của Nga, đồng minh của chế độ Damas, để tái thiết lập « ổn định » tại Syria. Hoa Kỳ sẵn sàng khai thác khả năng thiết lập với Nga những cơ chế chung đảm bảo ổn định tại Syria, trong đó có cả các vùng cấm bay, cử quan sát viên theo dõi lệnh ngừng bắn và điều phối cứu trợ nhân đạo cho người dân Syria ».

Ngoại trưởng Tillerson cũng cho rằng : « Nếu Mỹ và Nga làm việc chung với nhau để thiết lập ổn định tại chỗ, điều này sẽ tạo nền móng cho một thỏa thuận về tương lai chính trị của Syria ».

Ngoài ra, ngoại trưởng Mỹ còn cho rằng Nga phải ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ông cũng kêu gọi Matxcơva bảo đàm rằng không một nhóm nào có thể lấy lại một cách bất hợp pháp hoặc chiếm lại « các vùng được giải phóng khỏi tay tổ chức Daech hay các nhóm thánh chiến khác ».

Bản thông cáo được ngoại trưởng Mỹ công bố trước khi nhập phái đoàn của tổng thống thống Donald Trump đang ở châu Âu để dự thượng đỉnh G20. Syria sẽ là chủ đề chính trong buổi làm việc chung giữa hai nguyên thủ Mỹ và Nga vào tối 07/07.

Đàm phán Astana về Syria lại thất bại

Sau hai ngày đàm phán 04 và 05/07/2017 về tình hình Syria tại Astana- Kazarkhstan lại thất bại. Đặc phái viên của chế độ Syria, đại diện của các phe nổi dậy cùng với quan chức ngoại giao Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không đạt được một thỏa thuận nào để triển khai bốn « vùng giảm căng thẳng »cho khu vực Idleb, tỉnh Homs.

Vòng đàm phán tiếp theo được dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tám, vẫn tại Astana. Nhưng trước đó, đại diện của chế độ Damas và quân nổi dậy sẽ gặp nhau ngày 10/07/2017 tại Geneve -Thụy Sĩ trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 7 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. - RFI
|
|

4.
Ả Rập Xê Út và các đồng minh duy trì trừng phạt Qatar --- Khủng hoảng vùng Vịnh: Ả Rập Xê Út không cho "chư hầu" ly khai

Khủng hoảng vùng Vịnh vẫn chưa có hồi kết. Ả Rập Xê Út và các đồng minh ngày 05/07/2017, sau cuộc họp tại Cairo, thủ đô Ai Cập, đã quyết định duy trì các lệnh trừng phạt nhắm vào Qatar, bị cáo buộc ủng hộ khủng bố.

Trong một thông cáo chung, lãnh đạo ngoại giao bốn nước Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrain, « lấy làm tiếc trước hành động đáp trả tiêu cực của Qatar ».

Theo phát biểu của ngoại trưởng Ai Cập, Adel al Jubeir, trong cuộc họp báo, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Qatar vẫn sẽ được duy trì và có khả năng sẽ đưa ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt khác. Ông thông báo là một cuộc họp bốn bên khác sẽ được tổ chức tại Manama, thủ đô Bahrain, nhưng không cho biết ngày giờ cụ thể.

AFP trích dẫn phát biểu của ngoại trưởng Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Anwar Gargash, trên Twitter cảnh báo khủng hoảng này sẽ « còn kéo dài và tác động xấu đến Qatar ». Theo đó, « các bước kế tiếp sẽ củng cố thêm việc cô lập nước này ».

Qatar, trước ngày diễn ra cuộc họp tại Cairo, ngoại trưởng Mohamed ben Abderrahmane Al Thani từ Luân Đôn tuyên bố Doha « sẵn sàng đàm phán trong một khuôn khổ rõ ràng bảo đảm chủ quyền lãnh thổ », nhưng đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt nhắm vào Qatar là một « hành động gây hấn hiển nhiên và một sự thóa mạ nhắm vào tất cả các hiệp ước quốc tế ».

Cũng trong ngày 05/07/2017, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Ai Cập, Abdel Fattah al Sissi, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi « đàm phán mang tính xây dựng giữa tất cả các bên nhằm giải quyết bất đồng". - RFI

***
Một cuộc khủng hoảng mới đe dọa Trung Đông từ đầu tháng 6/2017 nhân danh chống khủng bố. Với sự đồng ý của tổng thống Mỹ, Ả Rập Xê Út thống lĩnh ba vương triều Ả Rập vùng Vịnh, cùng với Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấm vận kinh tế Qatar. Vì sao xảy ra cuộc khủng hoảng này ? Đâu là những căn nguyên nguồn cội gây ra xung khắc giữa Riyad và Doha ?

Chiến thuật liên hoàn

Đầu tháng 6/2017 Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, một thành viên trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, đồng minh trong liên quân chống khủng bố. Tiếp theo đó, ba vương quốc trong liên minh này gồm Ả Rập Xê Út ,Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain - trừ Koweit và Oman - ra tối hậu thư buộc Qatar tuân thủ những điều kiện khó khăn như giảm quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và đài truyền hình Al-Jazeera.

Ai Cập, cũng liên đới với Ả Rập Xê Út, nhà tài trợ hào phóng của Cairo, tham gia vào chiến dịch cô lập Doha.

Vụ việc có thể nói bắt đầu từ sau chuyến công du của tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5/2017. Khác với tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, lãnh đạm với Riyad để thuyết phục Teheran ký hiệp định từ bỏ hạt nhân quân sự, tổng thống Donald Trump làm ngược lại tất cả, dọa xé hiệp định hạt nhân với Iran để vuốt ve Ả Rập Xê Út.

Câu hỏi đầu tiên là tại Riyad, tổng thống Donald Trump đã cam kết gì với Ả Rập Xê Út mà chỉ vài tuần sau Qatar bị lên án là « bao dung » chế độ Iran và các nhóm khủng bố ?

Chuyên gia Denis Bauchard, nguyên là nhà ngoại giao Pháp ở Liên Hiệp Quốc, đại sứ ở Jordani, vụ trưởng vụ Bắc Phi và Trung Đông ở bộ Ngoại Giao, cựu chủ tịch Trung Tâm Thế Giới Ả Rập tại Paris, một người am tường tình hình Trung Đông, giải thích trong chương trình Địa Chính Trị của RFI:

"Tôi không có mặt trong buổi họp đó. Nhưng Mohamad ben Salman, bộ trưởng Quốc Phòng Ả Rập Xê Út là một người có quyền lực đã trình bày kế hoạch với Donald Trump và đã được tổng thống Mỹ chấp thuận. Qua các tuyên bố trên Twitter, Donald Trump tỏ ra rất hài lòng vì Riyad tham gia chống khủng bố Hồi Giáo và đồng hóa Qatar với khủng bố.

Về mặt ngoại giao, tình hình diễn biến cách khác. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tìm cách hạ nhiệt. Washington chợt nhớ là còn một căn cứ không quân tại Qatar, với 2000 quân, từ đó tung máy bay oanh kích Daech ở Irak và Syria.

Thêm vào đó, Washington vừa ký một hợp đồng quân sự 15 tỷ đô la bán máy bay chiến đấu cho Qatar. Sự kiện tổng thống Donald Trump bật đèn xanh cho Riyad chống Qatar không hợp lý cho lắm".

Thùng thuốc nổ của Trump và Salman

Theo nhiều nhà quan sát, cho dù Mỹ có kích động thì cũng không phải là nguyên nhân chính nếu Riyad không có những toan tính riêng.

Sử gia Pierre Conesa, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về mặt trái chính trường Ả Rập Xê Út và chiến lược ngoại giao tôn giáo của Ả Rập Xê Út (La Fabrication de l’ennemi ou Comment tuer avec sa conscience pour soi và Docteur Saoud et Mister Djihad : la diplomatie religieuse de l'Arabie saoudite) phân tích:

"Donald Trump bật đèn xanh nhưng thật ra tình thế đã bắt đầu sôi sục từ lâu nay. Trong hoàng gia Xê Út, có nhiều xu hướng xung khắc nhau, lúc thì chi nhánh này nổi lên, khi thì dòng dõi kia thắng thế. Khi có một nhân vật trẻ năng nổ lên cầm quyền thì đường lối chính trị thay đổi.

Tuy nhiên, hoàng gia Xê Út với khoảng 10.000 hoàng tử, hoàng thân vây quanh, đồng nhất trên hai điểm. Một là họ sinh hoạt như mafia, giải quyết tranh chấp trong nội bộ với nhau, không bao giờ đưa ra báo chí, công luận. Điểm đồng nhất thứ hai là về tư tưởng : tất cả đều chống người Ba Tư (Iran) và thù hệ phái Shia một cách bản năng.

Hoàng gia Xê Út không dung thứ một thái độ « ly khai » nào.

Thế mà Qatar là một thành phần ly khai cần phải kéo về « đường ngay nẻo chánh ». Riyad đòi hỏi các nước vùng Vịnh phải đứng sau lưng mình cho dù trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như trong việc « xử lý » Qatar.

Do vậy, theo tôi, âm mưu giữa Donald Trump và quốc vương Ả Rập Xê Út nguy hiểm như một thùng thuốc nổ với những hệ quả khó lường".

Thiếu kinh nghiệm ngoại giao

Tổng thống Barack Obama trước đây đã nhẫn nại từng bước dọ tìm những đồng thuận cho dù nhỏ nhất để hòa giải với Iran và cân bằng tương quan lực lượng giữa hai phe, Shia do Teheran lãnh đạo và Suni do Riyad đứng đầu.

Vì sao Donald Trump quay ngược 180 độ ?

Theo chuyên gia Pierre Conesa, chẳng qua là do tình trạng thiếu kiến thức chính trị quốc tế của chủ nhân Nhà Trắng và ông vua vương quốc dầu hỏa Ả Rập:

"Trước tiên, Donald Trump không có một chút kinh nghiệm về quan hệ quốc tế. Ông ấy là một doanh nhân địa ốc, một sớm một chiều trở thành lãnh đạo siêu cường thế giới. Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út cũng thế.

Chúng ta đừng quên không có một ông vua Ả Rập Xê Út nào lên đại học. Họ được đào tạo trong các trường dạy kinh điển, giáo lý đạo Hồi. Ngay quốc vương Salman, có tiếng cải cách, nhưng chỉ học đại học hoàng gia, học luật Hồi Giáo chứ không phải luật quốc tế. Do vậy, khi hai người không kinh nghiệm ngoại giao ngồi lại với nhau để luyện phép thì chỉ tạo ra một nồi thuốc nổ.

Thật ra, thông điệp gửi thế giới Hồi Giáo của tổng thống Donald Trump được các nhà bình luận chính trị khen ngợi là rất khôn ngoan, hoàn toàn khác hẳn với những lời tuyên bố bốc đồng, đồng hóa người theo đạo Hồi với khủng bố. Lời đe dọa Iran chắc là phải có tính toán".

Chuyên gia Denis Bauchard phân tích thêm :

"Phải nghe kỹ tuyên bố của tổng thống Mỹ. Donald Trump pha trộn lẫn lộn, gom hết vào một giỏ : Daech, Al Qaida, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, Iran, tất cả đều là khủng bố.

Trong chuyến công du Trung Đông hồi tháng 05/2017, tổng thống Mỹ gửi thông điệp hâm nóng quan hệ giữa Hoa kỳ với thế giới Hồi Giáo nhưng ông lại kêu gọi thay đổi chế độ chính trị tại Iran. Đúng là Donald Trump quay ngược lại chính sách của Barack Obama hoà giải với Iran. Chính lời kêu gọi này đã làm hài lòng Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, những tuyên bố hùng hổ nói trên chỉ dừng lại ở đó chưa có những hệ quả cụ thể cũng như chưa thấy Hoa Kỳ có động thái tiến tới hủy bỏ hiệp định hạt nhân tháng 7 năm 2015".

Thóat vòng ảnh hưởng của Hồi Giáo Salafi

Ngoài những lý do nêu trên, xung khắc giữa Riyad và Doha thật ra bắt nguồn từ những tính tóan chiến lược. Phải đi ngược thời gian về năm 1981.

Cảm thấy Iran, dưới sự thống lĩnh của Cách Mạng Hồi Giáo trở thành mối đe dọa, các nước ven biển như Koweit, Bahrain, Qatar và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, hy sinh một phần chủ quyền quốc gia, gia nhập Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh để được Ả Rập Xê Út, hùng mạnh nhất bảo vệ.

Thế nhưng, vào năm 1990, Irak của Saddam đánh chiếm Koweit, đàn anh Ả Rập Xê Út bất lực không bảo vệ các nước nhỏ trong quỹ đạo mà phải cần Hoa Kỳ đưa quân giải cứu dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc.

Do vậy, Koweit và Qatar ý thức phải tìm cách khác để tự vệ mà vũ khí hiệu quả nhất là phát huy văn hóa ra khắp địa cầu. Qatar, với lợi thế có trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ ba trên thế giới, không ngần ngại đầu tư vào thể thao, giáo dục, du lịch,nghệ thuật, những địa hạt chinh phục cảm tình và thán phục quốc tế. Mà muốn khai phóng văn hóa thì phải chống lại những giáo điều hủ lậu. Phải giải phóng ra khỏi Hồi Giáo nguyên thủy Salafi của Ả Rập Xê Út.

Vương triều Riyad, cảm thấy uy thế bị đe dọa, không chấp nhận « ly khai ».

Sử gia Pierre Conesa : "Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có lý do tay mơ thiếu kinh nghiệm mà Denis Bauchard đã phân tích. Ngay trong chính quyền Mỹ cũng có nhiều người ngạc nhiên trước lập trường cực đoan đối với Qatar.

Các hồ sơ bất đồng giữa Ả Rập Xê Út và Qatar rất nhiều và phát sinh từ lâu. Nhưng theo tôi, xung khắc lớn nhất là chuyện tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Trước thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất- năm 1991, Ả Rập Xê Út cũng như Qatar cho thành viên Hồi Giáo chính trị này tị nạn. Từ thời Nasser, Huynh Đệ Hồi Giáo bị Ai Cập truy nã, đàn áp, giải thể.

Khi xảy ra chiến tranh vùng Vịnh, Huynh Đệ Hồi Giáo lên án Hoa Kỳ tấn công Irak. Là đồng minh của Mỹ, Riyad trục xuất Huynh Đệ Hồi Giáo trong khi đó Qatar tiếp tục cho thành viên tổ chức này dung thân.

Chuyện bất đồng thứ hai là Qatar ủng hộ phiến quân Houti ở Yemen chống lại chính quyền trung ương do Riyad hậu thuẫn.

Còn chuyện đài truyền hình Al Jazeera, mà Riyad đòi đóng cửa thì lúc ban đầu mới thành lập, đài truyền hình này được khen là độc lập và có tinh thần phản biện. Sau đó, Al Jazeera dần dần trở thành công cụ phục vụ đường lối ngoại giao của Qatar, chỉ trích chế độ vương quyền Ả Rập Xê Út cũng như phê phán giới lãnh đạo các nước Ả Rập.

Nhưng nguyên nhân sâu xa làm Ryad căm giận Qatar là một nước nhỏ bé với 200.000 dân bản địa (không kể 2 triệu dân nhập cư) Qatar có tham vọng đóng vai trò quan trọng, ngang ngửa với các nước lớn trên bàn cờ Trung Đông. Một lý do nữa, cũng rất quan trọng, là lúc xảy ra phong trào Mùa Xuân Ả Rập, Qatar ủng hộ cách mạng đường phố qua tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ở Tunisie và Ai Cập trong khi Ả Rập Xê Út cố gắng tổ chức kế hoạch phản cách mạng".

Hy sinh Al Jazeera ?

Từ khi khủng hoảng nổ ra, dù bị bao vây, Qatar không đơn độc. Doha một mặt tuyên bố đủ sức tự cường tự túc lương thực. Iran tổ chức cầu không vận , Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không bỏ rơi Qatar. Trong hậu trường, các quốc gia Tây phương như Anh, Pháp, Mỹ vận động các bên xuống thang. Đồng minh của Iran, Matxcơva cũng tỏ thái độ chừng mực.

Theo nhiều suy đóan, một giải pháp dung hoà sẽ được các bên chấp thuận để không bên nào bị mất mặt. Rất có thể đài Al Jazeera, mà một phóng viên đang bị giam không xét xử tại Ai Cập, với cáo buộc tiếp tay tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bị giải thể, sẽ làm vật tế thần, theo nghĩa phải bớt công kích các chế độ Ả Rập. - RFI
|
|

5.
Ukraine đột kích hãng phần mềm liên quan tin tặc

Cảnh sát vũ trang ở Kiev đã đột kích một công ty phần mềm cung cấp các chương trình thuế và kế toán được sử dụng rộng rãi nhất ở Ukraine. Cảnh sát nói họ đã hành động để ngăn chặn một cuộc tấn công mới và lớn trên mạng.

Cảnh sát đã thu giữ các máy chủ tại văn phòng chính của công ty phần mềm M.E.Doc ở thủ đô Ukraine.

Một người phát ngôn cảnh sát cho biết: "Chúng tôi đã ngăn chặn sự khởi phát làn sóng virus thứ hai”. Ông nói thêm rằng các điều tra viên đã tìm thấy "bằng chứng về sự hiện diện của Nga trong các máy chủ này", nhưng không đưa ra thêm chi tiết.

Ukraine đã quy trách nhiệm cho Kremlin về cuộc tấn công trên mạng, nhưng Nga đã phủ nhận về bất kỳ dính líu nào.

Người ta ước tính các chương trình của Hãng M.E.Doc được cài đặt trên hơn một triệu hệ thống máy tính. Hãng đã phủ nhận về bất kỳ mối liên hệ nào với phần mềm độc hại từng làm tê liệt mạng lưới máy tính của chính phủ và doanh nghiệp tại Ukraine và hơn 10 quốc gia khác, bắt đầu từ ngày 27/6.

Tuy nhiên, công ty này hôm 5/7 thừa nhận họ đã bị các hacker xâm nhập trong một cuộc tấn công qua "cửa sau" vào các máy chủ của họ, và đó chính là sự sơ ý khởi nguồn cho phần mềm độc hại. Một số chuyên gia bảo mật máy tính đặt tên cho phần mềm này là virus "NotPetya". - VOA
|
|

6.
VN và Ấn Độ tăng cường quan hệ để đối phó TQ?

Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại châu Á đang khiến cho Việt Nam và Ấn Độ tính đến những bước đi "chắc chắn và khả thi" nhằm bảo vệ lợi ích của mình, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ nói.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang có những bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Hôm 6/7, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố 'vững vàng giữ chủ quyền' ở Biển Đông sau khi Việt Nam cho tiến hành khoan tìm dầu tại vùng biển có tranh chấp.

Trên bộ, đã xảy ra tình trạng đối đầu quân sự Trung-Ấn tại vùng Sikkim kéo dài suốt bốn tuần qua trên một phần đường biên giới chung kéo dài 3.500km giữa hai nước.

Trong cuộc phỏng vấn với PTI, được thực hiện trong chuyến thăm mới đây tới Ấn Độ, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam cho biết hai nước đã thảo luận về tiến độ triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ song phương "một cách mạnh mẽ".

Ông Phạm Bình Minh nhắc tới hoạt động đầu tư của các hãng Ấn Độ vào Việt Nam, đáng kể là hãng ONGC Videsh hoạt động khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc luôn phản đối các dự án khai thác dầu Ấn Độ ký với Việt Nam tại một số địa điểm trên Biển Đông mà Bắc Kinh nói thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ấn Độ nói rằng nước này đang hợp tác với Việt Nam theo đúng luật quốc tế, và muốn sự hợp tác đó tiếp tục phát triển, PTI nói.

Trong chuyến đi kéo dài từ ngày 3 đến 5/7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ tay đôi với giới lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee và Ngoại trưởng Sushma Swaraj.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó ra thông cáo nói hai bên nhấn mạnh việc ủng hộ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tự do bay, tự do thương mại, dựa trên luật pháp quốc tế.

Hai bên lặp lại quan điểm trong bối cảnh cùng ghi nhận nội dung phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) đưa ra hồi tháng Bảy năm ngoái, theo đó bác yêu sách của Bắc Kinh về đường chín đoạn trên Biển Đông.

Hồi 9/2016, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, sau khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập hồi 2007.

Việc nâng cấp quan hệ này, ông Phạm Bình Minh được PTI dẫn lời, đã tạo khung hoạt động quan trọng cho sự hợp tác song phương sâu rộng trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, và các lĩnh vực khác.

Về mặt kinh tế, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. - BBC
|
|

7.
Venezuela: Phe ủng hộ tổng thống gây hỗn loạn ở Quốc Hội

Sáng ngày 05/07/2017, Quốc Hội Venezuela đã bị một phen náo loạn. Những người ủng hộ tổng thống Nicolas Maduro, tay cầm thanh sắt đã bất ngờ xông vào Quốc Hội hiện do phe đối lập chiếm đa số và đã hành hung nhiều dân biểu.

Theo chủ tịch Quốc Hội, ẩu đả xảy ra đã làm ít nhất 5 dân biểu đối lập bị thương. Hành động bạo lực này diễn ra vào lúc bầu không khí chính trị tại Venezuela đặc biệt căng thẳng. Tổng thống Nicolas Maduro đã triệu tập một Quốc Hội Lập Hiến mà cuộc bỏ phiếu được ấn định vào ngày 30/07/2017. Một trong những đặc quyền của Quốc Hội Lập Hiến là soạn thảo lại Hiến Pháp.

Từ Caracas, thông tín viên RFI, Julien Gonzalez cho biết thêm :

« Phải đợi đến đầu giờ tối, sau hơn 7 tiếng đồng hồ bị phong tỏa, các dân biểu và nhà báo mới được rời Quốc Hội. Chủ tịch Quốc Hội Julio Borges tin rằng: “đó chỉ là một mẫu hình thu nhỏ của những gì sắp diễn ra với Quốc Hội Lập Hiến gian lận của Nicolas Maduro”.

Vào khoảng buổi trưa, hàng chục người ủng hộ chính phủ, vài người tay cầm gậy đã phá cửa xông vào đến tận hành lang Quốc Hội. Nhiều dân biểu đối lập đã bị thương : người bị nặng nhất, bị đánh vào đầu, đã phải đưa đi cấp cứu.

Cảnh bạo lực này gợi nhắc lại không khí căng thẳng của tuần qua : Nhiều dân biểu đã cáo buộc các nhóm người hung dữ ngăn cản họ ra khỏi Quốc Hội trong nhiều giờ liền.

Tuy vậy, thứ Tư tuần trước, các dân biểu đã bật đèn xanh cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà phe đối lập mong muốn tiến hành vào ngày 16/07/2017. Khi kêu gọi người dân Venezuela đến bỏ phiếu ủng hộ hay chống Quốc Hội lập hiến, phe đối lập muốn gia tăng áp lực đối với tổng thống Nicolas Maduro.

Về phần mình, tổng thống Maduro đã tham dự một cuộc diễu binh nhân ngày đất nước giành độc lập. Khi lên án những hành động bạo lực mà ông cho là “kỳ lạ”, Nicolas Maduro đã yêu cầu mở một điều tra". - RFI
|
|

8.
Ankara bắt giám đốc Ân Xá Quốc phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ

Giám đốc Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt cùng với một số nhà bảo vệ nhân quyền ngày 05/07/2017 trên một hòn đảo ngoài khơi Istanbul. Amnesty International ngay lập tức lên tiếng tố cáo và yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt.

Theo thông cáo ngày 06/07/2017 của tổ chức bảo vệ nhân quyền, bà Idil Eser, giám đốc Ân Xá Quốc Tế Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt cùng với 7 người khác trong một buổi huấn luyện về quản lý và an ninh mạng ở Buyukada.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế « vô cùng giận dữ vì một số nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nữ giám đốc Amnesty International tại nước này, bị bắt mà không có lý do ».

Phía cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra bất kỳ bình luận nào, kể cả lý do bắt giữ các nhà đấu tranh, thậm chí nơi giam giữ họ cũng không được tiết lộ.

Theo Ân Xá Quốc Tế, các vụ bắt giữ trên xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi chủ tịch Amnesty Internatinal tại Thổ Nhĩ Kỳ, Taner Kilic, bị tạm giam dựa trên những « cáo buộc vô căn cứ » cho rằng ông có liên quan đến vụ đảo chính hụt ngày 15/07/2016. - RFI
|
|

9.
Thực hư gạo nhựa, gạo giả?

Bất chấp việc có rất ít chứng cứ cho thấy gạo nhựa là sự thật, những tin đồn về việc gạo nhựa được bán ở châu Phi, cũng như ở Việt Nam vẫn đầy rẫy trên mạng xã hội. Vậy những lý giải cho tin đồn vô lý này là gì?

Trong vài tuần qua, những tin đồn liên quan tới gạo giả làm từ nhựa bắt đầu dấy lên ở các nước Senegal, Gambia và Ghana. Mức độ ầm ĩ của tin đồn thậm chí gây hoang mang tới mức Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Ghana quyết định phải mở cuộc điều tra về vấn đề này.

Theo đó, họ đã mời người tiêu dùng và các tiểu thương nộp lên cơ quan chức năng những mẫu gạo của mọi thương hiệu mà họ nghi ngờ là gạo nhựa.

Rốt cuộc, các nhà điều tra kết luận rằng không có loại gạo nào là gạo nhựa được bán trên thị trường Ghana như thông tin đồn đại.

Vì sao người ta tin có gạo nhựa?

Tin đồn về gạo nhựa khởi nguồn từ Trung Quốc. Các tin đồn dạng này lây lan trên mạng xã hội vào khoảng từ năm 2010 khi xuất hiện những thông tin nói rằng một số đối tượng đã sản xuất ra gạo nhựa để trộn với gạo thật và bán cho người tiêu dùng.

Những tin đồn dạng này thoạt tiên được khởi lên từ những bê bối "gạo giả" mặc dù chúng không nhất thiết liên quan tới việc gạo giả được làm từ nhựa.

Chẳng hạn trong một vụ bê bối gạo giả như thế, người ta phát hiện thấy các công ty lập lờ đánh lận những loại gạo bình thường trở thành gạo Wuchang, một loại gạo cao cấp để trục lợi.

Sau đó tới năm 2011 xuất hiện những thông tin nói rằng loại gạo giả đó được làm bằng khoai tây và có thêm chất keo dính công nghiệp.

Những tin đồn tiếp tục dấy lên sau khi một quan chức hiệp hội nhà hàng Trung Quốc cảnh báo việc ăn ba bát cơm "gạo nhựa" tương đương với việc ăn một cái túi nilon.

Thế rồi những tin đồn về gạo nhựa lại tiếp tục được thổi thêm lên một tầng nấc mới trên mạng xã hội tại châu Phi trong năm ngoái khi hải quan Nigeria công bố tịch thu 2,5 tấn gạo mà thoạt đầu họ nói đó là gạo nhựa.

Tuy nhiên sau đó hải quan Nigeria buộc phải rút lại tuyên bố này khi Bộ trưởng y tế Nigeria cho rằng không có bằng chứng nào để nói đó là gạo nhựa.

Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Nigeria, các kiểm tra sau đó cũng cho thấy đó là gạo thật, tuy nhiên có chứa một lượng vi khuẩn ở mức cao.

Gạo có thể nẩy như bóng?

Dẫu vậy thì các tin đồn về gạo nhựa vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng, khi "tiếp sức" cho tin đồn là các video quay cảnh người ta làm động tác xóc nảy với những "quả bóng gạo".

Một số video thậm chí còn phô diễn cảnh gạo nhựa được sản xuất trong các nhà máy như thế nào.

Ông Alexander Waugh, giám đốc Hiệp hội gạo tại Anh, nói với BBC rằng những video đó có thể là thật.

Theo ông, vì gạo khi được chế biến đúng cách cũng có thể bật nảy được.

Ông giải thích: "Đặc tính tự nhiên của gạo là carbohydrate và protein, do đó bạn hoàn toàn có thể làm một chuyện tương tự như vậy với gạo".

Còn theo tờ Observer, dẫn lời nhà báo Alexandre Capron của đài truyền hình France 24, rất có thể chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp trong nước và xu hướng bài trừ hàng ngoại nhập khẩu đã là nguyên nhân đứng sau sự tồn tại dai dẳng của những tin đồn về gạo nhựa.

Nhà báo Capron từng tham gia điều tra chuyên đề về gạo nhựa cho biết ông nhận thấy một số người cố ý chia sẻ các video về gạo nhựa để kêu gọi người tiêu dùng quay về mua lúa gạo trong nước.

"Những tin đồn như vậy thường phổ biến hơn tại những nước vốn lệ thuộc vào gạo nhập khẩu như Bờ biển Ngà hay Senegal", Capron nói.

"Tin đồn ầm ĩ tới mức các chính phủ buộc phải đưa ra những thông cáo để giải thích vì sao không có gạo nhựa".

Hassan Arouni, tổng biển tập BBC Focus về Châu Phi, đồng ý với việc các nhà chức trách Tây Phi quyết tâm giải quyết tin đồn 'gạo nhựa' vì ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu gạo khác như Trung Quốc.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải trấn an dư luận và chỉ rõ cho họ thấy đây chỉ là những tin đồn nhảm trên Internet". - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Mỹ hủy lệnh cấm laptop trên máy bay Emirates, Qatar, Thổ

Hãng hàng không Qatar cho biết hành khách của hãng có thể mang máy tính xách tay và các thiết bị điện tử cá nhân khác như trước đây khi bay trực tiếp đến Hoa Kỳ.

Hãng hàng không này nói Qatar Airways và sân bay chính của hãng là sân bay Quốc tế Hamad đã đáp ứng các yêu cầu an ninh mới của Hoa Kỳ.

Vào tháng 3, Mỹ ra lệnh cấm mang máy tính xách tay và thiết bị điện tử lớn vào khoang hành khách trên các chuyến bay trực tiếp đến Hoa Kỳ từ 10 sân bay ở Trung Đông và Bắc Phi, do những lo ngại rằng những kẻ khủng bố có thể giấu bom bên trong các thiết bị này.

Tuần trước Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho hay các hãng hàng không cần thi hành công nghệ ghi ảnh tinh vi cho máy X-quang và quét siêu âm hành lý xách tay, hoặc tiếp tục cấm hành khách đưa các thiết bị điện tử đó lên máy bay.

Qatar Airways là hãng hàng không thứ Tư thông báo hủy lệnh cấm trong tuần này.

Hãng Etihad có trụ sở ở Abu Dhabi, hãng Emirates có trụ sở ở Dubai và Turkish Airlines, trụ sở ở Istanbul, cũng cho biết đã đáp ứng các quy định mới của Hoa Kỳ.

Ông Henry Harteveldt, một nhà phân tích công nghiệp du lịch và là chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Atmosphere ở San Francisco, nói với VOA rằng ông không ngạc nhiên về việc các hãng hàng không và các sân bay liên quan đã nhanh chóng thực thi những thay đổi vì họ đã đầu tư rất nhiều tiền để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm tra của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

Ông Harteveldt nói hành khách cần quan tâm đến những điểm sau đây:

"Trước hết công đoạn kiểm tra có thể mất nhiều thời gian hơn những gì mà chúng ta đã quen thuộc. Có thể có kiểm tra phụ trội tại cửa vào máy bay, hoặc là trước khi vào khu vực chờ lên máy bay, hoặc trước khi khách rời khu vực chờ để lên máy bay."

Một phát ngôn viên của hãng Emirates cho biết công nghệ ghi ảnh mới đã được áp dụng tại sân bay quốc tế Dubai, sân bay nhộn nhịp nhất thế giới.

Hãng hàng không Emirates báo cáo lượng khách bay tới Hoa Kỳ đã sụt giảm trong tháng qua, và do đó hãng này đã cắt giảm số chuyến bay từ thủ đô Dubai đến 5 thành phố của Hoa Kỳ.

Lệnh cấm này vẫn áp dụng cho các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ từ các sân bay ở Jordan, Kuwait, Ai Cập, Ả-rập Xê-út và Ma-rốc. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Duterte thề 'ăn tươi nuốt sống' phiến quân chặt đầu thủy thủ Việt

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa sẽ “ăn sống nuốt tươi” những phiến quân Hồi giáo đã bắt cóc và chặt đầu 2 thủy thủ Việt Nam.

Hãng tin AFP và truyền thông Philippines trích lời ông Duterte thề như vậy trong một phát biểu với các giới chức địa phương hôm 5/7, cùng ngày tử thi bị chặt đầu của 2 thủy thủ Việt Nam được dân địa phương phát hiện trên đảo Basilan.

Quân đội Philippines nói nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf là thủ phạm trong hành động bạo lực này. Nhóm Abu Sayyaf khét tiếng về những vụ bắt cóc để tống tiền, hay chặt đầu các con tin nếu không nhận được tiền chuộc.

Tổng thống Philippines được AFP trích lời nói: “Tôi sẽ ăn sống gan của các ngươi nếu các ngươi muốn vậy. Đưa muối và dấm đây, tôi sẽ ăn sống trước mặt mọi người.”

Theo hãng thông tấn Pháp, ông Duterte còn nói “Tôi ăn được mọi thứ. Tôi không kén chọn. Tôi ăn cả những thứ không thể nuốt được.”

Tay cầm điện thoại với hình ảnh hai thủy thủ Việt Nam bị giết hại, Hoàng Thông và Hoàng Văn Hải, ông Duterte tỏ thái độ giận dữ và dùng những lời lẽ nặng nề khi nói tới phiến quân Abu Sayyaf hôm thứ 4.

“Chúng ta cho phép bản thân mình trở thành nô lệ bởi hạng người này sao? Đồ chó đẻ.”

Nhà lãnh đạo Philippines đã từng dùng những ngôn từ tương tự để nói về phiến quân Hồi giáo.

Năm ngoái, ông Duterte tuyên bố sẽ ăn sống phiến quân Abu Sayyad và thề trả thù đẫm máu sau một vụ đánh bom của nhóm Abu Sayyaf tại Davao, quê hương của ông, giết chết 15 người.

Ông tổng thống 72 tuổi của Philippines hồi năm ngoái đã phát động 1 chiến dịch quân sự để truy quét nhóm Abu Sayyaf và các nhóm phiến quân khác ở miền nam Philippines.

Ông Duterte cho biết Việt Nam đã nêu lên lo ngại về một loạt vụ bắt cóc trên biển được cho là do nhóm Abu Sayyaf thực hiện, khi ông tới thăm Hà Nội năm ngoái.

Hôm thứ 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án vụ giết hại và đề nghị các cơ quan chức năng của Philippines xác nhận thông tin này, đồng thời cung cấp những “hỗ trợ cần thiết trong thời gian sớm nhất.”

Hai thủy thủ Việt Nam bị sát hại thuộc nhóm 6 thuyền viên bị Abu Sayyaf bắt cóc hồi đầu tháng 11 năm ngoái.

Quân đội Philippines được AFP trích lời cho biết, ngoài 1 người đã chạy thoát và được cứu vào tháng trước, những thuyền viên còn lại vẫn đang nằm trong tay của nhóm chủ chiến Hồi giáo này.

Cũng theo nguồn tin này, phiến quân Abu Sayyaf đang nắm giữ 22 con tin, trong đó có 8 người Việt Nam. - VOA
|
|

12.
Biển Đông: Hải Quân Mỹ-Việt diễn tập tại cảng Cam Ranh

Theo trang mạng stripes.com ngày 05/07/2017, sau khi vào gần vùng đảo có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan tại Biển Đông, tàu chiến Mỹ đã tới quân cảng Cam Ranh để tiến hành các cuộc thao dượt với Hải Quân Việt Nam.

Hải Quân Mỹ cho biết, hai chiến hạm USS Coronado và USNS Salvor cập cảng Cam Ranh, bắt đầu các hoạt động diễn tập khuôn khổ hoạt động hợp tác thường niên. Trong 5 ngày, Hải Quân hai nước sẽ tiến hành các bài tập như tiếp liệu, cứu hộ và xử lý các tình huống va chạm bất thường trên biển. Qua các bài tập trên, đôi bên sẽ trao đổi với nhau về kỹ năng kiểm soát các tai nạn, sự cố và luật lệ trên biển.

Trong thông cáo, Don Gabrielson, tư lệnh Task Force 73, đơn vị hậu cần tác chiến của Hải Quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, tuyên bố Hoa Kỳ đánh giá cao quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và mong muốn thắt chặt mối quan hệ đó qua các hoạt động giao lưu Hải Quân giữa hai nước kiểu như thế này.

Trong cuộc gặp mới đây với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh hợp tác an ninh song phương chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận giữa hai nước.

Hoạt động diễn tập giữa Hải Quân Mỹ- Việt đã trở nên thường niên từ năm 2010, nhưng đây là lần đầu tiên quân cảng Cam Ranh được lấy làm căn cứ cho các hoạt động diễn tập. Năm ngoái cuộc thao dượt diễn ra ở cách bờ biển phía bắc Đà Nẵng 300 hải lý.

Trang tin stripes.com nhắc lại, trong chuyến thăm vịnh Cam Ranh hồi năm 2012, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khi đó là Leon Panetta đã ngỏ ý muốn Hải Quân Mỹ có thể vào cảng Cam Ranh, một vị trí được ông đánh giá như là « bộ phận mấu chốt » trong quan hệ Mỹ-Việt.

Cuộc diễn tập Hải Quân Mỹ-Việt lần này diễn ra trong bối cảnh hôm Chủ Nhật (02/07/2017) vừa qua, chiến hạm mang tên lửa Mỹ USS Stethem đã đi vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, trong quần đảo Hoàng Sa hiện Trung Quốc đang chiếm của Việt Nam từ ba chục năm nay. Bắc Kinh coi đó là hành động « khiêu khích », « xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và đe dọa an ninh của Trung Quốc". - RFI

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment