Tin Thế Giới
1.
Biển Đông sôi động ngay trong những ngày đầu năm 2017 --- Nga muốn tập trận với Philippines tại Biển Đông --- Philippines muốn dời nơi tập trận với Mỹ ra khỏi Biển Đông
Cả 3 cường quốc trên thế giới là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đều có các hoạt động và kế hoạch quân sự tại Biển Đông, khiến cho tình hình tại vùng biển nhiều tranh chấp này trở nên sôi động ngay trong những ngày đầu năm 2017.
Trung Quốc tập trận qui mô
Quân đội Trung Quốc hôm 2/1/2017 lên tiếng xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh của nước này lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông cùng với các chiến đấu cơ và các loại tàu chiến khác.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết hồi chiều thứ Hai rằng một số chiến đấu cơ J-15 đã cất và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh vào cùng ngày.
Việc xác nhận như vừa nêu được đưa ra vào chiều tối hôm qua, chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Đài Loan lên tiếng rằng tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc và 5 tàu chiến khác đã di chuyển vào khu vực Biển Đông hồi tuần trước, băng qua vùng biển phía Nam của Đài Loan, nơi đảo quốc này triển khai các chiến đấu cơ để giám sát hạm đội.
Trung Quốc gọi cuộc diễn tập vừa nêu là một phần trong chương trình diễn tập trên biển.
Tuy nhiên cuộc diễn tập này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc cũng như khiến các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thêm phần quan ngại.
Nga lên kế hoạch tập trận với nhiều nước
Sau khi Trung Quốc lên tiếng xác nhận lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành cuộc tập trận tại Biển Đông, Nga hôm nay thông báo đang lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Philippines, khi mà 2 tàu chiến của Nga đến thăm Manila.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov về thông tin vừa nêu, cho biết thêm đôi bên sẽ thảo luận về vấn đề này và mục tiêu của hoạt động tập trận chung giữa hải quân đôi bên là nhằm tập trung vào hai mối quan ngại an ninh hàng đầu trong khu vực là cướp biển và khủng bố.
Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov nói thêm rằng Nga có khả năng sẽ tập trận chung với Trung Quốc và Malaysia ở khu vực Biển Đông. Ông này cho báo giới biết Nga đã tiến hành tập trận chung với hải quân Indonesia rồi.
Chuyến thăm của hai tàu hải quân Nga đến Philippines kéo dài trong 4 ngày.
Mỹ xem xét triển khai vũ khí hạng nặng
Cùng lúc đó tin tức từ Washington cho biết, các chiến lược gia, giới hoạch định chính sách cũng như quan chức quân đội cao cấp của Hoa Kỳ đang xem xét cách thức triển khai những loại vũ khí của nước này tại những nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có khu vực Biển Đông.
Mạng báo National Interest loan tin này hôm đầu năm 2017 cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa mang tính cạnh tranh vừa hợp tác rất phức tạp; và động thái gần đây của Bắc Kinh cho bố trí hệ thống tên lửa phòng không tại những đảo nhân tạo ở Biển Đông gây gia tăng căng thẳng buộc phía quốc phòng Hoa Kỳ phải xem xét đến những giải pháp khác nhau.
Dù chưa có những quyết định nào đưa ra vào lúc này, nhưng biện pháp bố trí vũ khí ở Biển Đông vẫn được xem xét.
Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ công khai nhắc lại Washington tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải; tức cho tàu đi vào khu vực 12 hải lý của những đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng.
Ngoài hoạt động này thì Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tìm cách bố trí thêm những vũ khí phòng vệ và phản công tại khu vực Biển Đông. - RFA
***
Hai tàu quân sự Nga, gồm một khu trục hạm chống tàu ngầm và một tàu tiếp liệu đã cập bến Manila, hôm nay 03/01/2017. Trong cuộc thăm viếng hữu nghị được xem là hiếm hoi này, tư lệnh phó hạm đội Thái Bình Dương của Nga cho biết hy vọng sẽ có những cuộc tập trận chung trong tương lai với Philippines và nhiều nước khác ở Biển Đông.
Đây là lần thứ ba chiến hạm Nga đến thăm Philippines, đồng minh kỳ cựu của Mỹ tại Đông Nam Á. Theo AFP, trong cuộc tiếp xúc với báo chí, phó đô đốc Nga Eduard Mikhailov, phó tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Nga tuyên bố hải quân Nga dự kiến sẽ cùng Philippines tập trận chung chống khủng bố và hải tặc, hai mối nguy hiểm lớn tại Biển Đông.
Theo AFP, thật ra chưa có kế hoạch cụ thể nhưng phó tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Nga tỏ hy vọng chắc chắn các cuộc tập trận trong tương lai, hoặc là thao dượt chung, nhưng cũng có thể sẽ sử dụng một vài “hệ thống tác chiến”, hàm ý Nga sẽ cung cấp vũ khí cho hải quân Philippines.
Cũng theo tuyên bố của phó đô đốc Nga Eduard Mikhailov, kế hoạch Biển Đông của Nga không dừng lại với Philippines, mà sẽ mở rộng đến các thành viên khác của Đông nam Á, như Malaysia và Trung Quốc.
Đích thân tư lệnh hải quân Philippines, đô đốc Francisco Cabudao đón tiếp hai chiến hạm Nga ghé thăm và cho biết đây là chuyến thăm viếng lần thứ ba trong lịch sử hai nước.
Từ khi lên cầm quyền ngày 30/06/2016, tổng thống Rodrigo Duterte tỏ ra lạnh nhạt với đồng minh Hoa Kỳ, từng bước “ chuyển hướng” Philippines sang Trung Quốc và Nga. - RFI
***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng chuyển các cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ ra khỏi khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Hành động này diễn ra giữa lúc ông Duterte cố gắng cải thiện mối quan hệ của Manila với Trung Quốc.
Sau khi ông Duterte tuyên bố chuyển sang mối quan hệ thân mật hơn với Trung Quốc, Philippines gần đây đã quyết định giảm số lượng các cuộc tập trận với đồng minh Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte trước đó khuyên ông nên tìm một địa điểm mới để tập trận với Hoa Kỳ, có thể là đến khu vực Mindanao, và nên tránh khu vực Biển Đông đầy nhạy cảm.
“Chúng ta có thể dời các cuộc tập trận hải quân đối diện Biển Đông tới khu vực Mindanao để tránh gây khó chịu cho láng giềng của chúng ta, hãy tinh tế với các nước láng giềng,” ông nói.
Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 10 vừa qua, Tổng thống Duterte loan báo ông đang nới lỏng các mối quan hệ với Washington, đồng minh cung cấp cho Manila gần 800 triệu đô la viện trợ quân sự từ năm 2002 tới nay.
Hôm thứ năm tuần trước, ông Duterte nhắc lại rằng ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và không thấy cần phải cấp thiết thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc về đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông. - VOA
|
|
2.
Nhật – Đài Loan bắt tay đối phó với đe dọa Trung Quốc
Cục diện địa chính trị Đông Á đối diện với những diễn biến khó đoán định trong năm 2017, trong đó quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan là một dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh tổng thống tương lai Hoa Kỳ có xu hướng tập trung chủ yếu cho quyền lợi của nước Mỹ, giảm bớt sự ủng hộ dành cho các đồng minh Đông Á, tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Đài Loan và Nhật Bản, kể cả về quân sự, ngày càng trở nên một nhu cầu chiến lược của hai quốc gia láng giềng, để sẵn sàng kháng cự trước các tham vọng và thậm chí hành động gây hấn của Bắc Kinh.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai bên thông qua việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện không chính thức tại Đài Loan là một diễn biến nổi bật. Hôm nay, ngày mùng 3 tháng Giêng 2017, cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Đài Loan chính thức khai trương tên gọi mới « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản-Đài Loan », thay cho tên gọi cũ « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản ».
Theo một số nhà quan sát, đây là một bước đi cho thấy, Tokyo đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc công nhận Đài Loan, trong trường hợp cần thiết (trang Forbes). Cũng trong hướng thay đổi này, trong chính giới Đài Loan cũng có nhiều ý kiến đề nghị đổi tên cơ quan đại diện của Đài Bắc tại Nhật Bản thành « Hiệp Hội Trao Đổi Đài-Nhật ».
Theo các số liệu chính thức, quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Nhật Bản là rất quan trọng đối với cả hai bên. Nhật Bản là đối tác kinh tế thứ ba của Đài Loan (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), trong khi Đài Loan là đối tác thứ tư của Nhật (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông). Thương mại song phương năm 2015 đạt tổng trị giá 57 tỉ đô la.
Báo Đài Loan The China Post cho biết tên gọi cũ « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản » đầy tính mơ hồ, không phản ánh quan hệ thực sự của cơ quan đại diện không chính thức. Việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện này được nhìn nhận như là một hành động trả đũa lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cô lập đảo quốc « ly khai » hơn nữa về ngoại giao, với việc lôi kéo thêm một vài trong số hai chục quốc gia nhỏ bé còn duy trì quan hệ chính thức với Đài Bắc.
Trên thực tế, nhu cầu tăng cường hợp tác Đài-Nhật không chỉ là về mặt kinh tế và văn hóa. Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự tại vùng Biển Hoa Đông và đặc biệt là Biển Đông đang dẫn đến sự đảo lộn thế cân bằng chiến lược chính trị và quân sự hiện nay, đặc biệt nếu như Hoa Kỳ giảm bớt các hợp tác trong vùng.
Stratfor, trang mạng phân tích thông tin tư nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 28/12/2016, có bài « Nói tóm lại, Đài Loan đã tìm được một đồng minh », nhận xét : Trong bối cảnh ngày càng bất trắc này, cùng với Philippines, « Đài Loan trở thành trung tâm trong chiến lược an ninh khu vực của Nhật Bản ». Chiến lược hợp tác an ninh - quân sự của Nhật Bản với Đài Loan và một số quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, và Singapore, cho phép ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Mà để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, bảo vệ nền độc lập trên thực tế của Đài Loan trước đe dọa tấn công của Trung Quốc là một điều thiết yếu.
Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Mỹ với tổng thống Đài Loan, đầu tháng 12/2016, phá vỡ thỏa thuận ngầm bốn thập niên giữa Washington và Bắc Kinh, về nguyên tắc một nước Trung Hoa, đang khiến bộ Quốc Phòng Trung Quốc sôi sục. Một giới chức cao cấp của quân đội đe dọa Trung Quốc sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận sát Đài Loan trong thời gian tới, để chứng tỏ khả năng sẵn sàng tấn công hòn đảo, nếu cần.
Trong đảng cầm quyền Nhật Bản, bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Đài Loan. Theo Kyodo, hồi giữa tháng 12/2016, một dân biểu đảng Tự Do Dân Chủ cầm quyền, ông Keisuke Suzuki, nhấn mạnh « sự tồn tại của một nước Đài Loan tự do là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản (…). Việc Đài Loan chịu áp lực quá mạnh từ Hoa Lục cũng là vấn đề an ninh của chính nước Nhật ». Dân biểu nói trên đề nghị Tokyo ưu tiên hỗ trợ Đài Loan tự chế tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Theo dự kiến, chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên của Đài Loan sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2025, và loạt máy bay tiêm kích đầu tiên sẽ là vào năm 2023. - RFI
|
|
3.
Campuchia sẽ có tòa tháp đôi cao nhất thế giới nhờ Trung Quốc
Trung Quốc vừa loan báo sẽ xây tòa tháp đôi cao nhất thế giới tại thủ đô Pnom Penh của Campuchia, dự kiến chiều cao vượt quá tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur.
Tân Hoa Xã cho biết một hợp đồng xây dựng tòa tháp đôi trị giá 2,7 tỷ đô la đã được ký kết hôm 31/12. Theo hợp đồng, một số công ty Trung Quốc sẽ là nhà thầu cùng với tập đoàn Thai Boon Roong (TBR) của Campuchia.
Tòa tháp đôi có tên là Trung Tâm Thương Mại Thế Giới TBR ở Phnom Penh cao 560m, theo tin của Tân Hoa Xã hôm 1/1, và sẽ được xây dọc theo sông Mekong tại thủ đô của Campuchia. Tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia đang giữ kỷ lục thế giới về độ cao nhưng tòa tháp đôi mới mà Trung Quốc sắp xây ở Campuchia dự kiến sẽ cao hơn toà tháp đôi Petronas 88 tầng của Malaysia 108m.
Trang mạng Tin Tức 24h cho rằngcông trình tháp đôi “minh chứng cho quan hệ thân thiết anh em giữa 2 nước Trung Quốc và Campuchia sau hàng loạt các ưu đãi đầu tư trong vòng 2 năm trở lại đây.”
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh đồng ý với nhận định đó:
"Rõ ràng Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào Campuchia. Trung Quốc đã thuê 20% bờ biển của Campuchia, dài 90km, để xây dựng 1 cảng nước sâu ở đó. Họ thuê 99 năm."
Theo Trung Tâm Nhân Quyền Campuchia, Trung Quốc đã thuê 4,6 triệu ha đất của Campuchia từ năm 1994-2012 với hợp đồng 99 năm và mỗi ha chỉ đáng giá vài đô la Mỹ.
Theo truyền thông trong nước, Trung Quốc xây dựng tòa tháp đôi ở Phnom Penh là để thắt chặt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Campuchia, nước được coi là đồng minh của Trung Quốc trong nhiều vấn đề khu vực, và cũng là nước đang nắm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Cựu chuyên gia kinh tế của viện Nghiên Cứu Kinh Tế Trung Ương Lê Đăng Doanh nhận định với VOA Việt Ngữ về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Phnom Penh:
"Campuchia có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc và trong khi họp các nước ASEAN, Campuchia là nước luôn thể hiện quan điểm của Trung Quốc gây ra những bất đồng và những khó khăn rất lớn kể cả khi Campuchia làm chủ tịch luân phiên ASEAN thì lần đầu tiên trong lịch sử các bộ trưởng ngoại giao ASEAN không thể ra được 1 tuyên bố chung. Đấy là những điểm rất đáng lo ngại."
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng “vai trò của Campuchia trong ASEAN hiện nay đang đặt ra rất nhiều dấu hỏi” và việc “Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào Campuchia rõ ràng có ý đồ chiến lược, muốn lôi kéo Campuchia về phía Trung Quốc. Ông nói Campuchia sẽ trở thành 1 bàn đạp của Trung Quốc”, và cảnh báo “Việt Nam sẽ phải rút ra những kết luận cần thiết.” - VOA
|
|
4.
Quân đội Ấn mong hợp tác, không muốn đối đầu với TQ
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ ngày 3/1 tuyên bố quân đội nước này chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến hai mặt trận cùng lúc liên quan đến Pakistan và Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh cần phải hướng tới hợp tác chứ không phải đối đầu với Bắc Kinh.
Phát biểu của Tướng Bipin Rawat được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về việc Ấn thử phi đạn Agni 5 có tầm bắn 5000 km, có khả năng đưa toàn bộ Trung Quốc vào tầm ngắm.
Tướng Rawat nói mặc dù Ấn-Trung có thể đang cạnh tranh với nhau về không gian, phát triển kinh tế, thịnh vượng, nhưng cũng có những lĩnh vực hợp tác và nên đặt điều này làm trọng tâm.
Trước khi hồi hưu vào tháng trước, Tư lệnh Không quân Ấn, Marshal Arup Raha, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu, từng tuyên bố rằng Ấn chỉ xây dựng khả năng nghênh cản mà thôi.
Về các hoạt động hiện đại hóa quy mô lớn dọc theo biên giới với Trung Quốc, mua máy bay chiến đấu Rafale cũng như tàu và tàu ngầm mới, ông Raha cho biết Ấn ‘hiển nhiên đang gầy dựng’ khả năng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các bước này không phải để chiến đấu trong một cuộc xung đột vì New Delhi tin tưởng vào hòa bình. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Paul Ryan tái đắc cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ
Dân biểu Mỹ Paul Ryan ngày 3/1 tái đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện trong khi Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa dẫn đầu bắt đầu kỳ họp mới.
Dân biểu bang Wisconsin được bầu chọn với tỷ lệ 239-189.
Ông Ryan được bầu làm Chủ tịch Hạ viện vào tháng 10 năm 2015, lên thay thế khi người tiền nhiệm John Boehner từ chức vì gặp chống đối trong đảng Cộng hòa. - VOA
|
|
6.
Mỹ tuyên bố có thể bảo vệ đồng minh trước đe dọa từ Bắc Triều Tiên --- Trump nói vụ Bắc Hàn thử tên lửa tầm xa 'sẽ không xảy ra'
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/1 tuyên bố Ngũ Giác Đài tự tin về khả năng bảo vệ các đồng minh và lãnh thổ của Hoa Kỳ trước những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Cách đây 2 ngày, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un loan báo Bình Nhưỡng sắp thử một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Tại cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Peter Cook, nhấn mạnh: “Chúng ta có hệ thống phòng thủ phi đạn đạn đạo…chiếc ô mà chúng ta tự tin che chắn cho khu vực và bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ.” - VOA
***
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump xem nhẹ tuyên bố của Bắc Hàn đang phát triển tên lửa có khả năng tấn công nước Mỹ.
Viết trên Twitter, Tổng thống Mỹ đắc cử chế giễu tuyên bố của lãnh đạo Kim Jong-un rằng việc chuẩn bị thử tên lửa liên lục địa đang ở giai đoạn cuối cùng và nói: "Điều đó sẽ không xảy ra."
Hiện chưa rõ ông Trump bày tỏ mối nghi ngờ về khả năng hạt nhân của Bắc Hàn hoặc đang có kế hoạch ngăn chặn.
Ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc không giúp kiềm chế đồng minh Bắc Hàn của họ.
"Trung Quốc đang thu được lượng lớn tiền và tài sản từ nước Mỹ trong giao thương một chiều, nhưng lại không giúp kiểm soát Bắc Hàn. Hay nhỉ!"
Trong thông điệp mừng năm mới, ông Kim Jong-un cho biết Bắc Hàn gần thử được tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Bắc Hàn tiến hành hai vụ thử hạt nhân năm 2016, trong đó có vụ lớn nhất đến nay. Điều này dấy lên quan ngại rằng Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến hạt nhân đáng kể.
Nhưng nước này chưa bao giờ thử tên lửa thành công.
Nghị quyết Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Hàn chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Steve Evans, phóng viên BBC tại Seoul phân tích: "Dòng tweet của ông Trump chỉ đơn giản là những lời: "Điều đó sẽ không xảy ra".
Câu đó có thể nghĩa rằng ông Trump tin rằng Bắc Hàn sẽ không đạt được tiến bộ công nghệ, hoặc rằng chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ, hoặc ông có thể thuyết phục Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân.
Hoặc cũng có thể ông Trump đang cân nhắc hành động quân sự. Nếu vậy, các chuyên gia cho rằng chọn lựa này có những hạn chế nhất định.
Một chuyên gia nói với BBC rằng cả bom công phá hầm lẫn chiến dịch lực lượng đặc biệt cũng không chắc phá hủy được chương trình hạt nhân." - BBC
|
|
7.
Thượng viện Mỹ ra nghị quyết hủy bỏ Obamacare
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Enzi ngày 3/1 đưa ra nghị quyết cho phép hủy bỏ Obamacare, chương trình bảo hiểm y tế mang đậm dấu ấn của Tổng thống Barack Obama cung cấp bảo hiểm cho hàng triệu người Mỹ, theo loan báo từ văn phòng Thượng nghị sĩ Enzi.
Hành động của Chủ tịch Ủy ban ngân sách Thượng viện ngay ngày đầu làm việc của tân Quốc hội Mỹ đã biến những cam kết của phe Cộng hòa thành hành động rằng bãi bỏ Obamacare là ưu tiên lập pháp hàng đầu của họ khi bắt đầu chương trình làm việc.
Các đảng viên Cộng hòa, đảng của Tổng thống tân cử Donald Trump, cho biết tiến trình hủy bỏ hoàn toàn Obamacare sẽ mất nhiều tháng trời và phải tốn nhiều năm để phát triển các chương trình bảo hiểm sức khỏe thay thế. - VOA
|
|
8.
Ông Trump chọn một nhân vật chỉ trích TQ cho chức Đại diện Thương mại Mỹ --- 100 ngày đầu bận rộn của tân chính phủ Ðảng Cộng hòa Mỹ
Tổng thống tân cử Donald Trump đã chọn Luật sư Robert Lighthizer, một nhân vật hay chỉ trích Trung Quốc, ra đứng đầu Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, uỷ ban chuyển tiếp của ông Trump cho hay hôm thứ Ba 3/1.
Đây là thêm một dấu hiệu khác cho thấy tân chính phủ Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Trong một email, ông Trump ca ngợi người được ông đề cử như sau:
“Ông ấy có kinh nghiệm sâu rộng trong việc đạt được những thoả thuận sẽ bảo vệ các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế của chúng ta, trong quá khứ ông ấy đã liên tục đấu tranh với lĩnh vực tư để tránh những thoả thuận bất lợi cho người dân Mỹ. Ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc để lật ngược những chính sách thương mại thất bại đã cướp đi cơ hội đạt thịnh vượng của biết bao người Mỹ.”
Ông Lightizer, 69 tuổi, từng là phó Đại diện Thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan. Ông sẽ thay thế ông Froman, đại diện thương mại của chính phủ Tổng Thống Obama, nguoi72u đã thương thuyết thoả thuận về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà nếu được xúc tiến, sẽ bao gộp gần 40% nền kinh tế toàn cầu, và được coi là nhằm mục đích kiềm chế thế lực thương mại đang tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump cho rằng các thoả thuận thương mại đa phương như NAFTA, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, và Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là không có lợi cho công việc làm ăn ở Mỹ. - VOA
***
Tổng thống đắc cử Donald Trump tiến vào giai đoạn quan trọng là 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông với một cơ hội vàng, đó là một Quốc hội do Ðảng Cộng hòa của ông kiểm soát. Nhưng theo tường trình của thông tín viên đài VOA Katherine Gypson gởi về từ Điện Capitol thì các kế hoạch nhiều tham vọng của Ðảng Cộng hòa về chương trình chăm sóc y tế, cải cách thuế khóa và giảm công chi chưa có gì là bảo đảm.
Đảng Cộng hoà bày tỏ tình đoàn kết tiếp theo sau cuộc họp giữa Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan với Tổng thống tân cử Donald Trump hồi đầu tháng 12.
Ông Ryan phát biểu:
"Chúng tôi rất phấn khởi và nóng lòng mong đợi tới năm 2017 để đưa đất nước trở lại đi theo đúng hướng."
Đối với tân tổng thống, thành công sẽ được xác định bằng những thay đổi chính sách mang dấu ấn của chính ông.
Ông Norm Ornstein là chuyên gia của Viện Nghiên cứu American Enterprise. Ông nói:
"Ông Donald Trump sẽ muốn giảm thuế triệt để, kết hợp với hứa hẹn sẽ tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng, và cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng để có thể tuyên bố chiến thắng về một loạt biện pháp thay đổi lớn sau một trăm ngày đầu làm tổng thống."
Đối với cử tri, những người đã bầu cho chính phủ Đảng Cộng hoà đoàn kết đó ở Washington, thành công có nghĩa là Quốc hội phải hành động về vấn đề di dân, kinh tế và cắt giảm các chương trình của chính phủ.
Hành động đầu tiên của Quốc hội ngay cả trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức là gì? Đó là lật ngược chương trình chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Obama...
Nhưng với đa số ít ỏi ở Thượng viện, Ðảng Cộng hòa cần thận trọng, không hoàn toàn phá bỏ toàn bộ chương trình Obamacare trong đó có nhiều phần được dân chúng ủng hộ để có thể tiếp tục duy trì số vốn chính trị của đảng để thực hiện các dự án khác.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell là lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, ông nói:
"Ðảng Dân chủ có đủ số phiếu để có thể phá hỏng tiến trình đó, nếu họ chọn, nhưng làm như thế để làm gì?"
Những người được ông Trump chọn vào nội các sẽ đối diện với các cuộc điều trần ở Thượng viện để được chuẩn thuận. Tại đó, cả hai đảng theo trông đợi sẽ đặt ra nhiều câu hỏi khó cho những nhân vật được tiến cử, nhiều người trong số đó chưa từng có kinh nghiệm quản lý chính phủ.
Tại Hạ viện, phe Dân chủ sẽ chống các kế hoạch của Chủ tịch Paul Ryan từ lâu, đòi cắt các chương trình trợ cấp quan trọng của chính phủ.
Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối Dân chủ thiểu số ở Hạ viện nói: "Các đại biểu Dân chủ ở Quốc hội và hàng triệu người người dân Mỹ trên cả nước sẽ kiên quyết nói rất rõ rằng chớ có đụng chạm chương trình trợ cấp y tế Medicare."
Cắt giảm các phúc lợi này có thể mâu thuẫn với hứa hẹn của ông Trump là sẽ duy trì các chương trình đó.
Trong khi đó trong lãnh vực thương mại, ông Trump có thể gặp sự chống đối mạnh của chính Ðảng Cộng hòa của ông.
Ông Norm Orsstein của Viện Nghiên cứu American Enterprise nhận định:
"Chúng ta biết là có nhiều thứ ông Trump hứa hẹn không phải là điều mà các đại biểu Cộng hòa ở Quốc hội muốn. Vấn đề là ông Trump sẽ bất mãn đến mức nào vì Quốc hội không làm theo những gì ông muốn, và liệu ông có dùng quyền hành pháp để làm theo ý ông."
Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể xác định liệu các đảng viên Cộng hòa có duy trì được một chính phủ đoàn kết sau khi 100 ngày đầu trong nhiệm quyền tổng thống của ông Trump đã qua hay không. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
9.
Đài Loan phản đối Việt Nam trục xuất nghi phạm Đài Loan sang TQ
Đài Loan ngày 3/1 mạnh mẽ phản đối việc Việt Nam trục xuất sang Trung Quốc bốn công dân Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông. Đài Loan cho rằng việc này do áp lực từ Bắc Kinh.
Vụ trục xuất mới nhất này diễn ra sau một loạt các trường hợp tương tự trong năm khi công dân Đài Loan ở Kenya, Malaysia, Armenia, và Campuchia bị bắt vì cáo buộc dính líu tới các nhóm chuyên lừa đảo viễn thông xuyên biên giới và bị trục xuất tới Trung Quốc.
Các vụ trục xuất này dựa trên chính sách "một nước Trung Hoa" đang áp dụng tại hầu hết các nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng không có quan hệ chính thức với Đài Loan, một hòn đảo tự trị bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.
Trong vụ việc mới đây, bốn nghi phạm quốc tịch Đài Loan và một nghi phạm quốc tịch Trung Quốc bị bắt tại Hải Phòng hồi tháng 12. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay dù đặc phái viên của họ tại Việt Nam liên tục yêu cầu trục xuất bốn người mang quốc tịch Đài Loan về Đài Loan, nhưng các nghi phạm này vẫn bị cưỡng ép đưa sang Trung Quốc.
Hôm 3/1, hãng tin CNA dẫn lời Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc Việt Nam quyết định trục xuất 4 nghi phạm này cho Trung Quốc là việc rất đáng tiếc.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan viết: “Trung Quốc nói các nạn nhân trong vụ này hầu hết ở Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải dẫn độ tất các nghi phạm tới Trung Quốc (dựa trên một hiệp ước pháp lý song phương), gây cản trở nỗ lực của chúng tôi trong việc tìm hiểu sự việc và thăm các nghi phạm Đài Loan.”
Cùng ngày, cơ quan quyết định các chính sách của Đài Loan về Trung Quốc, Hội đồng Đại lục Sự vụ (MAC) kêu gọi Bắc Kinh đối thoại càng sớm càng tốt và nói rằng hành động của Trung Quốc không giúp ích cho công tác truy tìm nguồn gốc các nhóm lừa đảo xuyên biên giới và làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng lẫn nhau của hai bên trong nỗ lực chống tội phạm.
Trung Quốc đã đình chỉ đối thoại với Đài Bắc kể từ tháng 6, một tháng sau khi Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, nhậm chức. Bà Thái là người không chấp nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa" do Bắc Kinh đề ra.
Theo các quan chức MAC, trong năm nay có hơn 200 người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông đã bị trục xuất từ các nước thứ ba tới Trung Quốc. - VOA
|
|
10.
2016 - năm các triệu phú Việt lộ diện
Năm 2016 được coi là năm nhiều triệu phú tiền đô la ở Việt Nam xuất đầu lộ diện.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng trong năm qua, đã có nhiều tên tuổi mới sở hữu ngàn tỷ đồng.
Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu là những đại gia của sàn chứng khoán. Theo công bố của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) trong năm qua, Việt Nam đã lọt vào Top 5 thị trường chứng khoán Đông Nam Á tăng trưởng cao nhất. VNMedia trích lời chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 1.76 triệu tỉ đồng trong năm 2016, tương đương với 42% GDP.
Theo đánh giá của kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “số tỷ phú Việt Nam gần đây đã xuất hiện đông đảo hơn và tất cả họ đều liên quan đến bất động sản.”
Nguyên viện trưởng viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương còn cho rằng nhiều người giàu lên nhanh nhờ vào chứng khoán bằng những cách thức rất “khôn ngoan.”
"Cách của họ là họ lập ra nhiều công ty sân sau của chứng khoán – nhiều công ty con. Các công ty đó lại phát hành chứng khoán rồi họ mua bán lẫn nhau – tức là công ty mẹ mua ở công ty con, công ty con mua ở công ty mẹ. Vì vậy số tài sản, số cổ phiếu mà họ sở hữu đã tăng lên một cách rất nhanh chóng và đó cũng là một mẹo để họ làm giàu nhanh."
Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016, theo báo Pháp Luật, có 4 đại gia lần đầu tiên được ghi tên trên danh sách tỷ phú đô la. Một nửa trong số những người này là những doanh nhân kinh doanh bất động sản và số còn lại trong ngành thép, bán lẻ, thủy sản, ô tô…
Nổi bật trong năm qua là sự thăng tiến của chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, chiếm lĩnh ngôi vị cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, đánh bật chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng ra khỏi vị trí này. Tổng tài sản thính theo trị giá cổ phiếu của ông Quyết, theo truyền thông trong nước, ước tính lên tới hơn 33.800 tỷ đồng. Với hàng loạt dự án bất động sản, tập đoàn FLC được xem là một trong số ít công ty kinh doanh đình đám nhất trên thị trường địa ốc tại Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới khi có tổng tài sản trị giá 1,5 tỷ đô la vào năm 2013.
Tiến sỹ Doanh nhận định rằng “những tỷ phú Việt Nam là những người khôn ngoan trong việc vun đắp các mối quan hệ với giới quyền lực để chia sẻ "địa tô", tức chênh lệch giá đất, khai thác khoáng sản, đốn gỗ phá rừng.” Ông Doanh nói:
"Họ làm giàu bằng bất động sản, tức là họ ăn chênh lệnh giá đất. Rồi họ được thuê với giá đất tương đối thuận tiện. Rồi họ đầu tư bất động sản và họ ăn lãi. Điều đó có liên quan đến việc đất đai là sở hữu toàn dân mà toàn dân không phải là pháp nhân. Và nhà nước thực hiện quyền người sử dụng và vì vậy cho nên bộ máy nhà nước có thể thu hồi đất của nông dân với một giá rất thấp rồi dùng quyền của mình biến đất đó trở thành đất xây dựng và trao lại cho người là nhà đầu tư và nhà đầu tư đó chắc sẽ phải có một động thái gì đó để làm vừa lòng phía chính quyền."
Một người kinh doanh bất động sản đã có “bước nhảy ngoạn mục” trong năm qua để lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu Tư Dịch Vụ Tài Chính Hoàng Huy, ông Đỗ Hữu Hạ. Theo báo Pháp Luật, tổng tài sản chứng khoán của ông Hạ lên tới hơn 2.430 tỷ đồng.
Mặc dù một số tỷ phú mới nổi của Việt Nam được đánh giá là có góp phần đẩy mức tăng trường của thị trường chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam, nhưng theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “những tỷ phú mới giàu lên rất nhanh nhưng không có đóng góp gì vào công nghệ, “họ không có bằng sáng chế, phát minh”, và năng lực cạnh tranh quốc tế của họ “rất hạn chế.”
Ông Doanh cho rằng “họ là sản phẩm của thể chế hiện hành, của chủ nghia tư bản hoang dã”, “khác hẳn với Bill Gates hay Elon Musk.”
"So họ với Bill Gates, so họ với Elon Musk, thì rõ ràng Bill Gates là người có bản quyền có sáng chế và phần mềm Microsoft là một đóng góp rất quan trọng cho tiến bộ của xã hội. Còn Elon Musk, với ô tô Tesla và với nhiều dự án khác như SolarCity của anh ta thì cũng có những đóng góp rất là quan trọng. Đấy là 2 loại hình (giữa tỷ phú thế giới và tỷ phú Việt Nam) rất xa nhau và rất khác nhau."
Theo tạp chí Forbes, Việt Nam quyết tâm trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á và Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất là 1.200 đô la Mỹ, theo Ngân Hàng Thế Giới.
Nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lưu ý về mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam hiện rất cao và sẽ ngày càng tăng nếu không có thay đổi liên quan tới “bất động sản và quyền sở hữu đất đai” và không kiểm soát được “chế độ tư bản thân hữu.” Khoảng chênh lệch giàu nghèo quá lớn, theo ông Doanh, “sẽ dẫn đến những diễn biến rất phức tạp”. - VOA
|
|
11.
Nghi công an Bình Định đánh chết người, dân phản ứng mạnh
Vào đêm 2/1, người dân ở một xã của tỉnh Bình Định đã vây đánh 2 nhân viên công an vì nghi họ đã đánh chết một người địa phương.
Thông tin trên mạng xã hội và một số báo Việt Nam cho hay vụ việc xảy ra trong khoảng 22h15 đến 22h30 ngày 2/1, khi công an bắt một nhóm đánh bạc tại một khu chợ thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Tin cho hay khoảng 20-30 người đánh bạc đã “bỏ chạy tán loạn” khi thấy 6 nhân viên công an, nhưng không có thông tin chi tiết về diễn biến cụ thể nào đã làm anh Phạm Đặng Toàn, 29 tuổi, bị thiệt mạng trong vụ này.
Mạng xã hội và báo chí nói người dân đã đưa nạn nhân đến một bệnh viện và bắt giữ hai công an có tên Trần Đức Thuận và Nquyễn Ngọc Khánh vì nghi hai người này đã đánh chết anh Toàn. Có thông tin là nhiều người không kiềm chế tức giận đã đánh và bắt hai nhân viên công an quỳ gối.
Sáng 3/1, thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Định, cho báo chí biết nhà chức trách “đang làm rõ nguyên nhân tử vong của anh Phạm Đặng Toàn” và “điều tra những người vây đánh 2 chiến sĩ công an để xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo khách quan”.
Không có con số thống kê chính thức về các vụ dân tử vong liên quan đến các vụ bắt bớ của công an Việt Nam song tin tức về các vụ như vậy xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội.
Hồi tháng 3/2015, Bộ Công an Việt Nam ra báo cáo cho biết có 226 người chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ vì “bệnh lý và tự sát”. Những người này chưa bị coi là tội phạm.
Từ Hà Nội, anh Trịnh Bá Phương, một người đấu tranh vì quyền đất đai, nói với VOA về hành xử bạo lực của công an Việt Nam:
“Tình trạng chung ở Việt Nam thì do thể chế độc tài, và cái thể chế lấy công an để cai trị người dân, trong thời gian vừa qua, trong những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ người dân bị công an đánh chết. 260 người chết trong vòng ba năm thì tôi nghĩ con số báo cáo đó chỉ là một phần nổi thôi. Trên thực tế, rất nhiều người bị chấn thương, thương tật, rồi nhiều người ở những nơi không có thông tin, truyền thông, mạng xã hội, thì hầu hết các vụ đó không được thông tin. Ở Việt Nam tôi thấy là đặc biệt trong các nhà tù nhiều người bị chết và các con số đó chưa được thống kê”.
Anh Phương, con của nhà hoạt động Cấn Thị Thêu đang ngồi tù, cho biết thêm bố mẹ, em trai anh và bản thân anh nhiều lần bị công an đánh đập dã man khi đấu tranh về quyền đất đai trong những năm qua.
Theo Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành đầu năm 2016, nhiều nhân viên Bộ Công an Việt Nam có hành động giết người tùy tiện hoặc trái luật cũng như lạm dụng bạo lực gây chết người. Báo cáo Nhân quyền nói trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách Việt Nam chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra, và có một vài vụ chính quyền buộc một số quan chức phải chịu trách nhiệm.
Nhà đấu tranh Trịnh Bá Phương nói với VOA nhiều người Việt Nam hy vọng Luật Magnitsky của Mỹ về trừng phạt các quan chức đàn áp hoặc vi phạm nhân quyền có thể tác động thay đổi cách hành xử của các quan chức Việt Nam, kể cả giới công an. Anh nói trong thời gian tới nhiều người sẽ ghi lại các bằng chứng về những quan chức, nhân viên nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền để chuyển cho phía Mỹ và mong Mỹ có các biện pháp trừng phạt. - VOA
|
|
12.
Việt Nam “không tán thành” Mỹ bổ nhiệm ông Bob Kerrey tại Đại học Fulbright
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn nói Việt Nam không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey tại trường đại học Fulbright Việt Nam.
Ý kiến trên được nêu ra trong bài viết dài của bộ trưởng Trương Minh Tuấn được nhiều báo lớn trong nước đăng hôm 3/1. Nhan đề bài viết này là “Vui buồn với báo chí Việt Nam năm 2016”.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố việc thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học tư độc lập kiểu Mỹ đầu tiên ở Việt Nam. Ông Bob Kerrey, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Quyết định bổ nhiệm này đã làm dấy lên tranh cãi trong nhiều giới ở Việt Nam vào giữa năm 2016, vì ông Kerrey từng trực tiếp dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong thời Chiến tranh Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng các bài viết của chính họ cũng như các bài thể hiện ý kiến cá nhân của một số quan chức, cựu quan chức, học giả bày tỏ lập trường ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm này.
Trong bài viết của ông hôm 3/1, Bộ trưởng Tuấn cho rằng “cuộc tranh luận trong giới báo chí” về ông Kerrey “là một sự cố báo chí đáng buồn, khi vấn đề được một số báo đẩy quá xa đến mức làm lẫn lộn phải - trái trong lịch sử”.
Bộ trưởng Tuấn viết rằng vì chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam “không truy cứu” ông Kerrey về việc làm của ông trong quá khứ, mà còn “ghi nhận, hoan nghênh” một số hoạt động tích cực của ông, góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng Minh Tuấn tiếp đó nêu rõ: “Chúng ta chỉ không tán thành việc bổ nhiệm ông vào vị trí đứng đầu một trường đại học, nơi có nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ của Việt Nam. Việc không tán thành đó là thuộc về đạo lý của người Việt Nam chúng ta”.
Nhận định về một số bài viết trên báo chí chính thống và một số người ủng hộ việc bổ nhiệm ông Kerrey, ông Tuấn nói làm như vậy là “biện minh cho tội ác”, đồng thời ông đặt ra nghi vấn rằng đó có thể là “cuộc vận động bất thường” để bảo vệ vị trí của ông Kerrey tại trường đại học Fulbright.
Ông Tuấn viết: “Ðó thật sự là việc làm rất đáng buồn của một số nhà báo, một số tờ báo ở Việt Nam, vì như thế là đồng lõa với tội ác, làm tổn thương vong linh của những người lương thiện đã chết vì tội ác”.
Cựu nhà báo và nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang nói với VOA rằng Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đã có quan điểm mang tính “áp đặt” về cuộc tranh luận của báo chí xoay quanh vấn đề của ông Kerrey:
“Nguyên tắc của báo chí chúng ta đều biết là trung thực và khách quan. Vấn đề là ông Tuấn trong thâm tâm ông ấy không nghĩ ông là nhà báo hay là ở Việt Nam có một thứ gọi là báo chí. Ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoàn toàn không có khái niệm về viết thuyết phục. Đây là sự định hướng và áp đặt. Ông không đủ trình độ để thuyết phục ai cả. Cho nên các quan điểm ông ấy đưa ra, cũng như các quan điểm của nhiều nhà báo trong vụ Bob Kerrey ở trường Fulbright nó áp đặt, có màu sắc định hướng mà không định hướng nổi. Không đủ trình độ để định hướng, không đủ trình độ để thuyết phục dư luận”.
Khi nổ ra tranh luận trên báo chí về việc bổ nhiệm ông Kerrey, tại một cuộc họp báo ngày 2/6/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình không nói cụ thể Việt Nam tán thành hay không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey. Ông Bình chỉ nói "chúng tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo đại học Fulbright sẽ có một quyết định đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước".
Ít ngày sau phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 7/6, nghị sĩ Bob Kerrey nói trong một chương trình trên một đài phát thanh ở thành phố Boston, bang Massachusetts, rằng phản ứng dữ dội về việc bổ nhiệm ông ở Đại học Fulbright Việt Nam không thể ngăn ông tiếp tục giúp phát triển trường đại học này. Ông khẳng định sẽ không từ chức chủ tịch hội đồng tín thác của trường. - VOA
|
|
13
Nixon đã cản trở hòa đàm ở Việt Nam như thế nào?
Tư liệu mới phát hiện cho hay Tổng thống Richard Nixon có thể đã tìm cách cản trở hòa đàm với hai phe ở Việt Nam năm 1968 vì quan ngại bầu cử.
John A. Farrell, tác giả cuốn "Richard Nixon: The Life" sắp xuất bản, nói Nixon đã yêu cầu các trợ lý ngăn cản tiến trình hòa đàm mà ông cho là có thể giúp đối thủ của ông, Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey, chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1968.
Trong bài viết trên báo The New York Times hôm 31/12/2016 với tựa đề 'Sự phản bội Việt Nam của Nixon' (Nixon's Vietnam Treachery), Farrell công bố một số chi tiết mới tìm thấy trong các thư từ của H. R. Haldeman, trợ lý thân cận của Nixon.
Việc kìm hãm hòa đàm này có thể đã khiến Hoa Kỳ dấn thêm bốn năm nữa vào cuộc chiến Việt Nam.
Nixon thực tế luôn luôn bác bỏ điều này. Trong một cuốn băng ghi lại cuộc trò chuyện giữa ông ta và người tiền nhiệm Nixon ở Nhà Trắng, ông nói: "Trời ạ. Tôi không bao giờ làm điều gì để phía Nam Việt Nam không muốn ngồi vào bàn đàm phán".
Tuy nhiên các thư từ của Haldeman cho thấy là ông ta đã nói dối.
Theo Farrell, hậu quả của hành động này của Nixon có thể còn kinh khủng hơn những gì xảy ra trong bê bối Watergate.
Vào mùa thu năm 1968, Nixon đang ở thế thắng so với Humphrey, nhưng khoảng cách thu hẹp lại vào khoảng tháng 10. Henry A. Kissinger, lúc đó chỉ là một cố vấn theo đảng Cộng hòa, báo cho Nixon rằng Johnson đang cân nhắc ngừng ném bom Bắc Việt Nam với điều kiện Liên Xô hứa khuyến khích Hà Nội tham gia đàm phán chấm dứt cuộc chiến mà tới khi đó đã làm 30.000 người Mỹ thiệt mạng.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa khi đó là Nguyễn Văn Thiệu đang lo lắng Johnson có thể bán đứng ông ta. Tính toán của Nixon là nếu có thể cản trở Thiệu tham gia đàm phán thì ông ta có thể tuyên bố rằng các động thái của Johnson chỉ là xảo thuật chính trị.
Người được giao thực hiện công việc này là Anna Chennault (Trần Hương Mai), người Mỹ gốc Hoa, chuyên trách gây quỹ cho Nixon và có quan hệ rộng khắp châu Á.
Trong một văn bản mà Hadelman ghi lại lời của Nixon có dòng "! Hãy để Anna Chennault làm việc" với Nam Việt Nam.
"Có cách nào khác để ngăn cản nữa không? RN [Richard Nixon] có thể làm bất cứ điều gì."
Nixon cũng ra lệnh cho Haldeman bảo Rose Mary Woods, thư ký riêng của ông ta, liên lạc với một người gốc Hoa khác có quan hệ với phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa là Louis Kung và kiến nghị ông ta gây thêm áp lực với ông Thiệu.
Nixon nói: "Bảo ông ta cứng rắn nhé".
Phạm luật
Một người khác cũng giúp Nixon lúc đó là Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch.
Nixon còn ra lệnh cho người cùng tranh cử với ông ở chức phó tổng thống, Spiro T. Agnew, dọa Giám đốc Cục Tình báo Trung ương CIA Richard Helms là nếu muốn giữ chức thì phải hợp tác trong việc này.
Sở dĩ Nixon giấu nhẹm các hành động nói trên là vì chúng vi phạm luật liên bang cấm các công dân tìm cách "cản trở các chính sách của Nhà nước."
Các luật sư của ông được lệnh giữ bí mật cuộc vận động bầu cử 1968. Thế nhưng qua nhiều năm, các chi tiết dần dần vỡ lở.
Tất nhiên không có gì bảo đảm rằng nếu không có can thiệp của Nixon thì tiến trình hòa đàm sẽ diễn ra cũng như chiến tranh sẽ chấm dứt.
Nhưng vào thời điểm đó, Tổng thống Johnson và các cố vấn của ông đã từng tin tưởng vào khả năng này.
Khi Johnson được tin về can thiệp của Nixon, ông đã ra lệnh theo dõi các bước đi của Nixon và thậm chí còn cho đây là một "sự phản bội".
Tuy nhiên ông đã không công bố điều này vì cho rằng chưa đủ chứng cứ.
Nixon sau đó được bầu làm tổng thống. - BBC
No comments:
Post a Comment