Tin Thế Giới
1.
Nga chỉ trích đề xuất của Mỹ trừng phạt vụ tin tặc --- Mỹ bổ sung 7 quan chức Nga vào danh sách trừng phạt --- Nghị sĩ Nga cáo buộc danh sách đen của Mỹ là 'hành động chọc tức'
Nga đã bác bỏ việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống theo đó ông Donald Trump đã giành thắng lợi. Một phát ngôn viên Nga cho biết đề xuất luật trừng phạt Nga của Hoa Kỳ sẽ đe dọa mối quan hệ giữa hai nước.
Hãng Reuters cho biết các Thượng nghị sĩ John McCain, Ben Cardin và Robert Menendez đang chuẩn bị đề xuất một dự luật trừng phạt "toàn diện" đối với Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov cho biết động thái này là một sự tiếp nối những hành động nhằm loại trừ đối thoại. Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Peskov cho biết các cáo buộc chống lại Nga "không có gì để chứng minh " và là hành động mang tính "nghiệp dư".
Hôm thứ Sáu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cho biết họ "tin chắc " rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân ra lệnh thực hiện chiến dịch phá hoại cuộc bầu cử tổng thống dân chủ tại Hoa Kỳ.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng các hành động của Nga có ý định làm cho bà Hillary Clinton thất cử và giúp nâng cơ hội thắng cử cho ông Trump.
Ông Peskov cho biết Nga "phủ nhận bất kỳ báo buộc nào" và rằng Nga không chịu trách nhiệm về việc xâm nhập hàng ngàn email ở máy tính của ông John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton và phát tán các tài liệu thông qua WikiLeaks.
Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo tình báo mật trong đó có một nửa đã trình lên cho ông Obama xem vào ngày thứ Năm, và ngày hôm sau đã gửi cho Tổng thống đắc cử Trump.
Phát ngôn viên điện Kremlin cho biết khi ông Trump lên nhậm chức tại Washington thì Nga sẽ thu xếp cho hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau lần đầu tiên.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest biện hộ cho bản báo cáo tình báo. Ông nói rằng cơ quan tình báo của Hoa Kỳ tin chắc rằng các kết luận của bản báo cáo nêu rõ các chứng cứ rất toàn diện.
Ông Earnest nói với các phóng viên rằng: "Tôi cho rằng báo cáo này khớp với những gì mà chính quyền và các quan chức an ninh, tình báo quốc gia đã nói trong nhiều tháng qua. Các phân tích đưa ra bởi CIA, FBI và NSA cho thấy rõ ràng hành động vi phạm của Nga. Điều này đã giúp chúng ta biết rõ ý định của Nga là gì."
Hôm qua ông Reince Priebus, Chánh văn phòng sắp tới của ông Trump cho biết Tổng thống đắc cử "không thể phủ nhận việc Nga đứng đằng sau vụ tấn công tin tặc này."
Nhưng trong một chuỗi các Twitter bình luận vào cuối tuần qua, ông Trump cho biết "Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã hết sức sơ suất để bị tin tặc tấn công”. Ông lý giải hậu quả lớn từ việc này đã khiến cho DNC “xấu hổ”. - VOA
***
Hôm thứ Ba, 10/1, Nga chỉ trích việc Hoa Kỳ trừng phạt một loạt quan chức Nga, cho rằng động thái này là một bước làm phương hại thêm quan hệ giữa hai nước.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga lấy làm tiếc về việc quan hệ đi xuống trong nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng thống Barack Obama và hy vọng về sự cải thiện tích cực trong tương lai.
Hôm thứ Hai, Mỹ công bố trừng phạt đối với điều tra viên hàng đầu của Nga và bốn quan chức khác vì "vi phạm nhân quyền khét tiếng", theo cách gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ.
5 người Nga này, cùng với hai người đàn ông khác bị cáo buộc có quan hệ với Hezbollah, đã bị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky.
Các quan chức Hoa Kỳ không nói 7 người này bị trừng phạt chính xác là vì lý do gì. Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói "Từng người một trong số những người có tên bị bổ sung gần đây đều đã được cân nhắc sau khi đã được nghiên cứu kỹ".
Ông Kirby nói 5 người Nga này đóng "vai trò trong bộ máy đàn áp của hệ thống cưỡng hành pháp luật của Nga, cũng như là cá nhân dính líu đến vi phạm nhân quyền khét tiếng".
44 người hiện trong nằm danh sách không được phép vào Hoa Kỳ và tài sản ở Mỹ của họ bị phong tỏa. Công dân Mỹ bị cấm thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với những người đó. - VOA
***
Một trong năm người Nga có tên tuổi bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen cáo buộc động thái này là hành động "chọc tức" cuối cùng trước khi Tổng thống Barack Obama nhượng quyền cho ông Donald Trump.
Nghị sĩ Andrei Lugovoi, một trong hai nghi phạm đầu độc cựu tình báo KGB Alexander Litvinenko ở London năm 2006, nói ông thấy ngạc nhiên vì động thái này.
Ông Trump, người nhậm chức tổng thống hôm 20 tháng Một, hứa sẽ phục hồi quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói ông hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện "sớm".
35 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất từ đất Mỹ sau khi Mỹ cáo buộc Nga có chiến dịch tin tặc để ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nga phủ nhận cáo buộc này là cuộc "săn phù thủy".
Giới chức Hoa Kỳ nói vụ trừng phạt năm người Nga được tuyên bố hôm thứ Hai không liên quan đến vụ tin tặc mà thực hiện theo Luật Magnitsky 2012. Bộ luật này được lập ra để trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền và cấm họ không được tới Mỹ và phong tỏa tài sản của họ ở Mỹ.
Hai người đàn ông bị truy nã ở Anh vì đã sát hại Litvinenko, ông Lugovoi và Dmitry Kovtun, cũng nằm trong danh sách này.
Alexander Bastrykin, trưởng Ban Điều tra Nga, cũng nằm trong danh sách. Ông này phụ trách cuộc điều tra vụ Sergei Magnitsky bị bắt giữ và chết trong khi bị cảnh sát bắt giam và là người kết luận cảnh sát không gây tội nào.
Ông này trước đây từng nói được vào danh sách Magnitsky "sẽ là một vinh dự lớn".
Hai người còn lại là người đứng đầu Ngân hàng Universal Savings Bank, ông Gennady Plaksin và cựu quan chức cơ quan điều tra, ông Stanislav Gordiyevsky.
Tuy nhiên hôm thứ ba ông Lugovoi nói ông ta "thấy bối rối".
"Tôi nghĩ là [Tổng thống] Obama đang vội vàng trước khi bàn giao đặc quyền để làm hại và chọc tức Nga bằng mọi cách có thể, và điều này đã dẫn tới nhiều chuyện kỳ cục", hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời ông Lugovoi.
"Mối quan hệ xuống cấp chưa từng thấy"
Ông Peskov nói với các nhà báo ở Moscow rằng động thái trừng phạt 5 người Nga này "là các bước làm mối quan hệ giữa chúng ta ngày càng xuống cấp".
Ông từ chối không bình luận liệu Nga có trả đũa không.
Về di sản của chính quyền Obama, ông Peskov nói: "Chúng tôi chỉ có thể thể hiện sự thất vọng sâu sắc rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, chúng ta thấy sự xuống cấp chưa từng có và kéo dài trong quan hệ song phương.
"Chúng tôi tin chắc rằng điều này không có lợi cho chúng tôi, hay những người ở Washington. Chúng tôi nghĩ thật đáng tiếc là điều này đã xảy ra. Đồng thời, chúng tôi vẫn hy vọng rằng bằng cách này hay cách khác chúng tôi có thể sớm tìm được hướng đi tích cực hơn cho mối quan hệ với Hoa Kỳ."
Ông Litvinenko qua đời sau khi uống trà nhiễm chất phóng xạ hiếm tại một khách sạn ở London.
Cả ông Lugovoi và ông Kovtun đều phủ nhận có liên quan đến vụ sát hại này, và các nỗ lực để dẫn độ hai ông về Anh đều thất bại. - BBC
|
|
2.
Biển Đông: Tuần duyên Nhật tăng cường hoạt động giúp Đông Nam Á --- Biển Đông: Malaysia vẫn thường xuyên giám sát tàu Trung Quốc
Bắt đầu từ tháng Tư 2017, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản sẽ triển khai kế hoạch đào tạo đồng nghiệp tại các nước Đông Nam Á với mục tiêu giúp các nước này nâng cao năng lực giám sát Biển Đông. Vế đào tạo này sẽ bổ sung cho việc chính quyền Nhật Bản cung cấp thêm tàu tuần duyên cho các đối tác như Việt Nam hay Philippines để kháng lại các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nhật báo Yomiuiri Shimbun (Nhật Bản) ngày 10/01/2017, để tiến hành công việc đào tạo, Tuần Duyên Nhật Bản sẽ thành lập ngay một đơn vị đặc biệt chuyên trách việc giúp các đối tác Đông Nam Á, cung cấp giảng viên, đào tạo cán bộ, mở rộng diện quốc gia được cử người đến đào tạo tại Nhật Bản, tổ chức hội thảo quốc tế để tăng cường quan hệ và học tập kinh nghiệm về duy trì luật lệ trên biển.
Báo The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, khi đề cập đến kế hoạch này trong một bài phân tích ngày 10/01, cho rằng cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong sự can dự của Tokyo vào lãnh vực bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Ngoài các nước ASEAN như Philippines và Việt Nam mà Nhật Bản đã có quan hệ đối tác chặt chẽ trong lãnh vực an ninh trên biển, hay là những nước như Malaysia và Indonesia đã có sẵn lực lượng tuần duyên (một lực lượng mà không phải nước Đông Nam Á nào cũng có), cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật có thể lôi kéo các nước khác vào cuộc, cho phép Tokyo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lực lượng chấp pháp biển trong vùng.
Việc đào tạo năng lực cho Thái Lan hay Miến Điện có ý nghĩa sâu xa, vì hai nước này là những tác nhân không thể thiếu vắng trong việc bảo đảm an ninh dọc theo vùng Vịnh Bengal hay biển Andaman.
Riêng về Biển Đông, báo chí Nhật Bản nói chung đều cho rằng vấn đề ứng phó với các sự cố hoặc thiên tai đã trở thành những nhu cầu tối quan trọng, bên cạnh các diễn biến phức tạp khác liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các lực lượng tuần duyên để duy trì trật tự an ninh đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Theo nhật báo Yomiuri, khi quyết định cho lực lượng tuần duyên can dự trực tiếp vào Biển Đông, các quan chức Nhật Bản đã xuất phát từ nhận định theo đó các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, là một nhân tố gây bất ổn định.
Chính vì vậy mà Nhật Bản cần giúp toàn khu vực tăng cưởng năng lực xử lý các vấn đề trên biển. Trong việc này, vai trò của các lực lượng tuần duyên đặc biệt quan trọng vì có tác dụng giúp các bên tránh xảy ra xung đột quân sự.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã không ngần ngại cho tàu Hải Cảnh (tức là tuần duyên) vào các vùng biển mà Việt Nam, Philippines hay một vài nước khác đòi chủ quyền. Thực tế đó đã thúc giục các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia là phải hoàn thiện lực lượng tuần duyên còn non trẻ của mình, để có thể ứng phó có hiệu quả với tình hình mà Trung Quốc tạo nên. Việt Nam chẳng hạn, chỉ mới lập ra lực lượng Cảnh Sát Biển vào năm 2013, và Indonesia một năm sau. - RFI
***
Các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục gây quan ngại cho các láng giềng. Ngày 10/01/2017, trang mạng báo Free Malaysia Times cho biết là lực lượng Hải Quân Malaysia kết hợp với Cơ Quan Chấp Pháp Biển MMEA của nước này vẫn thường xuyên tuần tra ở khu vực bãi Luconia Shoals để kiểm tra những vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc vào lãnh hải Malaysia.
Chỉ huy Cơ Quan Chấp Pháp Biển Malaysia – tức là lực lượng tuần duyên - khu vực Sarawak, đô đốc Ismaili Bujang Pit cho biết là các cuộc tuần tra « thường » được tiến hành để « kiểm soát các tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển quanh bãi cạn Luconia.
Đối với quan chức này, dù không có sự cố không mong muốn xảy ra trong khu vực đó, nhưng chính quyền vẫn phải nỗ lực đảm bảo sao cho ngư dân Malaysia cũng như những cộng đồng khác hoạt động trong khu vực đó được an toàn.
Bãi Luconia, nằm sâu trong vùng lãnh hải của Malaysia và do Malaysia quản lý.
Thế nhưng vùng này đã bị Trung Quốc đòi chủ quyền và Bắc Kinh đã thường xuyên cho tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vào khu vực và xua đuổi ngư dân Malaysia, buộc chính quyền Kuala Lumpur phải lên tiếng phản đối. Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ Trung Quốc cho khoảng 100 tàu cá lớn nhỏ ồ ạt xâm nhập vùng biển gần bãi cạn Luconia vào tháng Ba năm 2016.
Bài báo trên tờ Free Malaysia Times hôm nay được xem là một lời cảnh giác đối với chính quyền Malaysia về những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông có hại cho Malaysia, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực chiêu dụ thủ tướng Najib Razak.
Một ví dụ gần đây về nỗ lực thuần phục Malaysia của Bắc Kinh là việc Hải Quân Trung Quốc ngày 03/01 vừa qua, trong một động thái chưa từng thấy, đã cho một tàu ngầm tấn công ghé thăm hữu nghị cảng Kota Kinabalu của Malaysia nhìn ra Biển Đông. - RFI
|
|
3.
Oanh tạc cơ Trung Quốc xâm nhập vùng ADIZ Nhật, Hàn
Hôm qua, 09/01/2017, Nhật Bản và Hàn Quốc phải cho nhiều máy bay chiến đấu cất cánh, sau khi Trung Quốc đưa một đội phi cơ, gồm nhiều oanh tạc cơ chiến lược xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của hai nước tại eo biển Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, khoảng 10 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc KADIZ trong nhiều giờ (từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều), buộc không quân nước này phải đưa 10 chiến đấu cơ, bao gồm F-15Ks và KF-16s, lên để ngăn chặn. Máy bay Hàn Quốc đã gửi tín hiệu cảnh báo đến phi cơ Trung Quốc. Cùng lúc đó, Không Quân Hàn Quốc cũng báo động phía Trung Quốc, qua đường dây nóng giữa lực lượng không quân hai nước.
Các phi cơ Trung Quốc xâm nhập vào khu vực ADIZ của Hàn Quốc, gần cụm đảo đá Ieo (trên quốc tế là Socotra), cách tỉnh đảo Jeju của Hàn Quốc khoảng 150 km về phía tây nam. Cụm đảo đá Ieo do Hàn Quốc kiểm soát.
Trong khi đó, kênh truyền thông Nhật Bản NKH TV, dẫn lại nguồn tin từ bộ Quốc Phòng nước này, cho biết trong phi đội Trung Quốc nói trên có 6 oanh tạc cơ chiến lược H-6. Đội máy bay Trung Quốc bay xuyên qua eo biển Triều Tiên về hướng biển Nhật Bản, trước khi trở về Biển Hoa Đông. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng khẳng định nhiều chiến đấu cơ đã được lệnh cất cánh để canh chừng, cho dù máy bay Trung Quốc không xâm phạm không phận Nhật Bản.
Việc chiến đấu cơ Trung Quốc đi qua eo biển Triều Tiên không phải là hiếm. Hồi tháng Giêng năm ngoái, hai máy bay Trung Quốc đã đi qua khu vực này, và ba chiếc khác hồi tháng 8/2016. Nhưng đây là lần đầu tiên gần đây nhất Trung Quốc cử một số lượng lớn máy bay như vậy.
Theo báo chí Hàn Quốc, vùng nhận dạng phòng không không được coi là thuộc chủ quyền quốc gia của nước nào, nhưng theo thông lệ quốc tế, các máy bay quân sự khi đi qua khu vực này cần « xin phép ».
Báo Chosun Ilbo Hàn Quốc dẫn một nguồn tin chính phủ theo đó, « vụ xâm nhập này dường như là nhằm để gửi các tín hiệu cảnh cáo đến Hàn Quốc, sau khi Seoul chấp thuận kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Hoa Kỳ ».
Diễn biến nói trên xảy ra không lâu sau loạt tập trận rầm rộ với đạn thật của hải quân Trung Quốc tại các vùng biển giáp với Hàn Quốc và Nhật Bản, cuối năm 2016. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ông Jack Ma bàn chuyện mở rộng bán hàng Mỹ với ông Trump
Ông Jack Ma, chủ tịch hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc hôm thứ Hai, 9/1, đã họp với Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ ở New York để bàn về việc bán các sản phẩm của Mỹ cho người dân ở khắp châu Á trên mạng lưới phân phối trực tuyến của Alibaba, đồng thời tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ở Mỹ. Ông Ma gọi đó là một sự dàn xếp mà cả hai bên đều thắng.
Sau đó hai ông đã gặp các phóng viên trong một khoảng thời gian ngắn, và ông Trump mô tả rằng cuộc họp thật tuyệt vời, hứa hẹn sẽ làm một số việc to tát với nhà tỷ phú Trung Quốc mà ông gọi là một doanh nhân lớn.
Theo hãng tin Bloomberg, chiến lược của Alibaba từ lâu là đưa thêm hàng hoá nước ngoài vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Hãng đã bán trái anh đào vùng tây bắc Thái Bình Dương, táo của bang Washington và hải sản Alaska.
Giáo sư khoa học chính trị Dali Yang thuộc Đại học Chicago nói với VOA rằng bất chấp một số tuyên bố cứng rắn của ông Trump về Bắc Kinh, quan hệ thương mại vẫn mạnh mẽ với xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc ngày càng tăng và đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ cùng tăng. - VOA
|
|
5.
Trump cử con rể Kushner làm cố vấn cấp cao
Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm con rể, Jared Kushner, làm một trong những cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng.
Kushner, 35 tuổi, đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử. Với công việc mới tại Nhà Trắng, ông sẽ phụ trách chính sách đối nội và đối ngoại.
Kushner, kết hôn với Ivanka Trump, là nhà đầu tư bất động sản.Đảng Dân chủ ngay lập tức kêu gọi đánh giá việc bổ nhiệm này, viện dẫn luật về gia đình trị và xung đột lợi ích.
Các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện thúc giục Bộ Tư pháp và Cơ quan Đạo đức Chính phủ phải can thiệp.
Trước đó, ông Trump ca ngợi con rể là "tài sản to lớn" và ông tự hào trao cho Kushner "vai trò lãnh đạo chủ chốt" trong chính quyền.
Doanh nhân New York sẽ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ hôm 20/1.
Thành viên của êkip chuyển giao của ông Trump lập luận rằng đạo luật cấm quan chức trao những công việc của chính phủ cho người thân không áp dụng cho các vị trí tại Nhà Trắng.
'Tuân thủ'
Luật sư của Kushner nói rằng ông sẽ từ bỏ vai trò điều hành kinh doanh bất động sản của gia đình một khi nhận việc ở Nhà Trắng và chuyển giao sở hữu một số tài sản.
Jamie Gorelick, đại diện hãng luật WilmerHale nói Kushner cam kết tuân thủ luật đạo đức liên bang và đã tham khảo ý kiến với Cơ quan Đạo đức Chính phủ.
Kushner thường được nhìn thấy sát cánh bố vợ trong chiến dịch tranh cử.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington phân tích:
"Dù Kushner là người thân cận với ông Trump trong chiến dịch tranh cử, một vị trí chính thức trong chính quyền Trump khiến người ta đặt vấn đề xung đột với luật chống gia đình trị ban hành từ thập niên 1960.
Tuy nhiên, theo truyền thông, nhóm luật sư cố vấn của Trump tin rằng họ tìm được cách vượt qua rào cản này và nói luật chỉ bao hàm "cơ quan" nhà nước chứ không gồm văn phòng Nhà Trắng.
Cũng có ghi nhận rằng ông Kushner có thể làm việc tại Nhà Trắng mà không nhận lương chính phủ.
Ông Kushner, giống ông Trump, đầu tư bất động sản khu vực New York, bắt đầu rút khỏi một số hoạt động kinh doanh.
Tuy vậy, điều đó nói dễ hơn làm, vì gia đình ông nắm giữ khối bất động sản rất lớn. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam hướng tới thị trường thanh toán không dùng tiền mặt
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước với một kế hoạch phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 2016-2020 vừa được thông qua.
Theo một đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Đề án được thông báo trên trang web Chinhphu.vn cho biết, mục tiêu trong 5 năm nữa sẽ có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối có thiết bị nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Kế hoạch này cũng nhắm mục tiêu đến năm 2020, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt, và 50% cá nhân và các hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đề án này không khả thi.
"Bởi vì đối tượng thanh toán qua các siêu thị rất là khác mà chủ yếu là người tiêu dùng. Hai nữa là nó tùy thuộc vào sự phân phối sản phẩm ở Việt Nam, ví dụ bao nhiêu phần trăm buôn bán qua siêu thị và bao nhiêu phần trăm là những thị trường bán lẻ - những người bán lẻ và những shop nhỏ. Tôi không nghĩ (đề án) là khả thi lắm."
Theo giải thích của tiến sỹ kinh tế này, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người Việt là một “rào cản lớn nhất” cho đề án mới được phê duyệt của chính phủ. Chuyên gia của CIEM nói sự tiện dụng trong sử dụng tiền mặt ở Việt Nam luôn là lý do để người mua không thích dùng thẻ khi thanh toán.
"Thói quen là một cái rất là khó. Trong thời gian tới thì tôi nghĩa là nó dần dần, chứ nếu đặt ngay một mục đích là từ giờ đến 2020 thì nó tương đối là hơi quá tham vọng."
Để thực hiện đề án mới, Việt Nam sẽ lắm đặt hơn 300.000 máy nhận thẻ tại các điểm bán hàng trên toàn quốc cho tới cuối năm 2020 với dự tính thực hiện 200 triệu giao dịch thanh toán một năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ từ số liệu của Sở Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, đã có 106 triệu thẻ ngân hàng đang được sử dụng ở Việt Nam tính đến giữa năm 2016, tăng 3,5 lần so với con số này của năm 2010. Cũng theo thống kê này, đã có hơn 17.330 máy rút tiền tự động ATM và hơn 240.660 thiết bị nhận thanh toán bằng thẻ tại các điểm bán hàng.
Để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ đã đưa ra các mức phí thấp cho người trả thuế và các dịch vụ hành chính qua mạng và giảm thiểu các mức phí cho các giao dịch liên ngân hàng trong khi mức phí này sẽ bị đánh cao hơn cho người giao dịch bằng tiền mặt.
Tuy nhiên các điều lệ ngân hàng phức tạp và tình trạng gian lận trên mạng tăng cao làm cho nhiều người không mặn mà với phương thức thanh toán bằng thẻ, theo chủ tịch công ty ngân hàng và công nghệ thanh toán Komtek Nguyễn Hoàng Ly được báo Nikkei trích lời.
Tiến sỹ Thắng nói người Việt Nam có “lo ngại về sự an toàn của hệ thống ngân hàng – không biết lúc nào nó đổ chẳng hạn,” nhưng cho rằng “đại thể dân chúng thì tôi nghĩ niềm tin vào ngân hàng vẫn là lớn.”
Cũng theo ghi nhận của Nikkei, ngoài việc hệ thống ngân hàng địa phương còn yếu kém, việc đồng tiền Việt luôn mất giá là một trong những yếu tố khiến người dân không muốn giữ tiền nhiều mà chuyển thành vàng và ngoại tệ cho an toàn.
Một trong những hình ảnh rất phổ biến ở Việt Nam trên truyền thông trong nước là những công nhân ở các khu công nghiệp xếp hàng rút tiền từ máy ATM sau mỗi kỳ trả lương để tiêu và thanh toán.
Theo thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu Ken về các xu thế trong thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam đưa ra vào tháng 9/2016, hơn 90% các giao dịch thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.
Chuyên gia của CIEM nói để thực hiện việc thanh toán bằng thẻ phải mất thời gian và “phải cải cách từ hệ thống bán lẻ.”
"Kênh phân phối nhỏ lẻ ở Việt Nam hiện nay – cái gọi là facilities (phương tiện) để phục vụ cho việc thanh toán bằng thẻ chưa sẵng sàng. Và cải thiện cái đó cần rất nhiều thời gian."
Một trong những nỗ lực của chính phủ để thực hiện mục tiêu của đề án đến năm 2020 là nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70%. - VOA
|
|
7.
Tổng Bí thư Trọng đi TQ thăm dò cách đối phó với ông Trump
Việt Nam loan tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc vào thứ Năm tuần này. Ông Trọng dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Tập Cận Bình.
Hôm Chủ nhật, Tân Hoa xã cũng xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 01, theo lời mời của ông Tập.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng lần này chỉ mang tính xã giao, “không có thông điệp gì quan trọng.” Việt Nam sẽ phải tiếp tục giữ thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Thế nhưng khi Mỹ có chính quyền mới, trong mối bang giao giữa ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ tiếp tục đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phục vụ cho mục tiêu này. Ngoài ra khi hai nhà lãnh đạo Việt - Trung gặp nhau, ông Tập dĩ nhiên là muốn biết chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đi đến đâu và thái độ của Việt Nam đối với chính quyền mới của Mỹ ra sao.”
Được biết sau khi tái đắc cử chức tổng bí thư ở đại hội đảng lần thứ XII, ông Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng với châm ngôn “đánh chuột không vỡ bình”. Tuy nhiên, chiến dịch này đang giậm chân tại chỗ và ông Trọng đã tuyên bố rằng việc chống tham nhũng hiện nay vô cùng khó khăn, bởi vì “ta đánh vào ta.”
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, khi ông Trọng hội đàm với ông Tập, ông Trọng rất mong muốn lắng nghe những suy nghĩ và thái độ của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đối với những chính sách Á châu sau ngày 20/01 khi Hoa Kỳ chính thức có tân thổng thống.
“Ông Trọng cũng muốn biết ông Tập nghĩ gì và sẽ làm gì đối với chính quyền mới của ông Trump.”
Giáo sư Hùng cũng nhận định rằng rất khó đoán việc chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Việt Như như thế nào. Bởi vì, hiện nay chính sách của ông Trump về châu Á và Biển Đông chưa rõ ràng.
“Tuy nhiên, căn cứ vào qua những điều mà ông Trump tuyên bố cho đến giờ phút này và căn cứ vào những người mà ông ấy bổ nhiệm thì ông ấy có nói đến Biển Đông, nhưng ưu tiên tầm quan trọng của ông Trump là quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề kinh tế được ưu tiên hơn vấn đề chiến lược.”
Giáo sư Hùng cũng cho rằng các nước nhỏ ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam rất quan tâm đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bởi vì hai cường quốc này vì lợi ích kinh tế của mình mà mang các vấn đề khác trao đổi lẫn nhau. Một khi các nước lớn không thể thỏa hiệp được các lợi kinh tế thì vấn đề Biển Đông sẽ mang ra làm vật trao đổi, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ tầm quan trọng trong chính sách của tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm:
“Việt Nam chưa lộ rõ hình ảnh quan trọng đối với ông Trump. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam không quan trọng. Bởi vì nó tùy thuộc vào thái độ của ông ấy và thái độ các nước khác đối với Mỹ. Thí dụ, nếu Trung Quốc và Mỹ không giải quyết được vấn đề tranh chấp kinh tế, dĩ nhiên là có ảnh hưởng đến hai nước và trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Trump có thể đổi chác vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.”
Khi phân tích lý do trên, Giáo sư Hùng dự đoán rằng có thể vấn đề Biển Đông cũng sẽ được sắp xếp trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng. Tuy báo chí Việt Nam chưa đề cập vấn đề Biển Đông trong nghị trình của ông Trọng vì đây là chủ đề rất nhạy cảm và “tế nhị”, nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra.
Ngoài ra, Giáo sư Hùng cũng chắc chắn rằng ông Trọng sẽ không như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã dám tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ. Bởi vì ngoài Trung Quốc ra, Hoa Kỳ vẫn là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam. - VOA
|
|
8.
Nên hay không nên bỏ Tết ta?
Sau khi Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân lặp lại ý kiến của 11 năm trước cho rằng Việt Nam không nên ăn Tết cổ truyền nữa mà nên theo Nhật Bản, chỉ tổ chức mừng Tết dương lịch, một số trí thức trong nước đã lên tiếng tán thành, ủng hộ đề nghị này của ông, nhưng cũng có người cho đây là bản sắc của Việt Nam, không thể bỏ được.
Trả lời VTC News, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ nói việc tổ chức Tết Nguyên Đán dài ngày sẽ khiến cho Việt Nam mất nhiều cơ hội làm ăn, giao thương với các đối tác nước ngoài, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn là một nước nghèo. Ủng hộ quan điểm của GS. Xuân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng ăn Tết cổ truyền gây ra nhiều lãng phí, giảm hiệu quả kinh tế vì bỏ lỡ các giao dịch, hội nghị, giao ước quốc tế… Kinh tế gia Phạm Chi Lan cũng đồng ý quan điểm trên. Theo bà, nếu gộp Tết tây và Tết ta với nhau, con cháu những người Việt ở nước ngoài sẽ thuận tiện về thăm gia đình, họ hàng tại Việt Nam.
Là một trong những người ủng hộ bỏ Tết ta, nhà giáo Phạm Toàn từ Hà Nội, người đứng đầu nhóm biên soạn bộ sách giáo khoa mới cho học sinh Việt Nam, nói với VOA rằng việc bỏ Tết ta còn giúp hạn chế nhiều điều tiêu cực trong xã hội như nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông… Ông nói:
“Từ lâu mình vẫn nghĩ Việt Nam chỉ nên làm một cái Tết dương lịch thôi. Là vì thế này, cái Tết ta chỉ phù hợp với một nước nông nghiệp, nên có cái bài ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’. Ngày xưa thì được, bây giờ thì không được. Bây giờ là phải làm việc có kỷ luật, tính đến chuyện làm, chuyện học, chuyện con người. Con người Việt Nam bây giờ năng suất thì kém. Tết ra thì cơ quan, học sinh, sinh viên, giáo viên lè phè lè phè. Dư âm của Tết Việt Nam tệ lắm. Trước Tết thì chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia…”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, hiện đang có 3 luồng ý kiến xung quanh chuyện tổ chức Tết âm lịch. Một luồng ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn Tết âm lịch và chỉ mừng Tết dương lịch như các nước phương Tây hay Nhật Bản. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng vẫn nên tổ chức cả hai dịp Tết dương và âm lịch như lâu nay. Ý kiến thứ ba cho rằng nên gộp hai dịp Tết làm một. TS. Nguyễn Xuân Diện giải thích nguyên nhân của vấn đề gây tranh luận này.
“Sở dĩ có cái tâm lý như thế này là bởi vì cái Tết bây giờ nó không như ngày xưa nữa. Ngày xưa, người ta chờ đợi một cái Tết để được ăn uống, chơi bời, ăn mặc đẹp, thăm thú… Nhưng bây giờ tất cả những nhu cầu đấy không còn như xưa nữa. Ngay cả Tết cổ truyền, người ta thay vì về quê quán, thì cũng có những người thích đi du lịch v.v… Tâm lý của người Việt Nam trước cái Tết cổ truyền cũng không còn như ngày xưa”.
Nhà giáo Phạm Toàn và nhiều trí thức khác cho rằng Việt Nam chỉ nên giữ lại những tập tục đẹp của dịp Tết âm lịch và gộp chung vào dịp Tết dương lịch cho phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước. Ông nói:
“Nếu cần thì cho Tết dương lịch nghỉ hẳn từ Giáng sinh đến Tết dương lịch. Hoặc có thể Tết dương lịch cho nghỉ hẳn 3 ngày, 4 ngày, tùy. Cái đó là cái quyền của mình. Nhưng ngày Tết chỉ nên nghỉ một lần thôi”.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Diện lại cho rằng Tết âm lịch là một dịp tết cổ truyền của Việt Nam, có liên quan đến những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như mùa vụ, lễ hội, cúng tế… hay tâm lý hướng về cội nguồn của người Việt. Vì vậy cho dù có đang trên đường hiện đại hóa, Việt Nam vẫn nên giữ cái hồn này.
“Xã hội hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là không Tết cổ truyền nữa thì đó là một ý kiến sai lầm và nó sẽ làm cho xã hội Việt Nam mất cân bằng về mặt văn hóa và tâm linh. Bởi điều đó sẽ biến con người thành những con rôbốt, chỉ biết kiếm tiền và làm việc như một cái máy”.
Với quá trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, TS. Diện ủng hộ ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn nên giữ cả hai dịp Tết. Ông cho biết thêm:
“Việt Nam hiện đang chuẩn bị một hồ sơ để trình lên UNESCO để công nhận Tết cổ truyền âm lịch là một di sản văn hóa phi vật thể. Là một người nghiên cứu về cổ truyền đã lâu, tôi vẫn tán thành việc vẫn tiến hành song song cả hai cái Tết âm lịch và dương lịch để giữ lại những nét văn hóa đặc sắc về phong tục và mọi mặt của đời sống văn hóa và tâm lịch của Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm cho rằng để hạn chế những điều tiêu cực của việc tổ chức Tết Nguyên đán dài ngày, Việt Nam nên tiến hành các nghiên cứu, điều tra khoa học để đưa ra quyết định phù hợp với xã hội hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc Việt.
Ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu năm nay rơi vào ngày 28/1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ra thông báo chính thức nghỉ Tết liên tục 7 ngày, từ 26/1 – 1/2/2017. - VOA
|
|
9.
New Delhi khuyến khích Hà Nội mua tên lửa phòng không Ấn Độ --- VN cân nhắc mua tên lửa đất đối không của Ấn Độ?
Theo báo chí Ấn Độ ngày 09/01/2017, New Delhi hiện đang tích cực thảo luận với Hà Nội về khả năng bán cho Việt Nam một hệ thống tên lửa phòng không hoàn toàn do Ấn Độ chế tạo. Đề nghị được phía Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh cả New Delhi lẫn Hà Nội đều quan ngại trước đà bành trướng càng lúc càng rõ nét của Trung Quốc tại vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật báo Times Of India đã trích dẫn một số nguồn tin thông thạo từ phía Ấn Độ cho biết là đàm phán đang được thúc đẩy về thương vụ bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không khu vực Akash. Hệ thống này có khả năng tiêu diệt được các loại phi cơ chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái UAV trong phạm vi 25km.
Theo các nguồn tin trên, phía Việt Nam đã tỏ ý rất quan tâm đến hệ thống tên lửa phòng không Akash, nhưng muốn được chuyển giao công nghệ và liên doanh sản xuất. Ấn Độ tuy nhiên lại muốn tiến hành theo từng bước, thoạt đầu chỉ bán tên lửa « chế tạo sẵn », rồi sau đó mới tính đến việc chuyển giao công nghệ.
Theo nhật báo Ấn Độ, đàm phán tiến triển thuận lợi, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước sẽ sớm gặp nhau trong những ngày tới đây để thúc đẩy thương vụ được lồng vào trong khuôn khổ khoản tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la mà thủ tướng Ấn Độ Modi đã chính thức loan báo cho Việt Nam vào tháng Chín năm 2016.
Các nguồn tin được Times of India cũng nhắc đến việc Ấn Độ từng đề nghị bán cho Việt Nam loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos, có tầm bắn xa đến 290 km. Thương vụ này cho đến nay chưa thấy có dấu hiệu tiến triển thêm vì lẽ tên lửa Brahmos do một liên doanh Nga-Ấn hợp tác sản xuất. Theo tờ báo Ấn, việc bán Brahmos cho Việt Nam do đó phức tạp hơn.
Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh đà tăng cường quan hệ quân sự đặc biệt là với hai nước đang bị Trung Quốc lấn lướt trên biển là Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, và Việt Nam ở Biển Đông.
Riêng đối với Việt Nam, tờ báo trích dẫn bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar khẳng định rằng Việt Nam là « một người bạn thân thiết », và đã có nhiều sáng kiến nhằm đẩy mạnh việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước, từ việc giúp Việt Nam nâng cấp vũ khí đến đào tạo nhân sự điều khiển tàu ngầm và chiến đấu cơ.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Ấn, có từ năm 2007, đã được nâng lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » nhân dịp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Hà Nội tháng 09/2016. - RFI
***
New Delhi đang tích cực đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa Akash cho Việt Nam, truyền thông Ấn Độ loan tin hôm thứ Hai 9/1/2017.
Lời chào mời được đưa ra vào thời điểm cả hai nước đều đang muốn đối phó việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt xác quyết vai trò tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trang tin Sputnik của Nga nhận xét.
Tin tức nói Bắc Kinh đang ngày càng muốn khẳng định vị thế thống trị của mình tại cả Ấn Độ Dương và vùng Biển Đông có tranh chấp.
Ấn Độ từ trước tới nay đã giúp Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc về Biển Đông. Gần đây, New Delhi đã bảo lãnh chi phí sản xuất bốn tàu tuần tra thiết kế riêng cho Việt Nam.
Akash là hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm trung, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển.
Akash có khả năng phá hủy mục tiêu cách xa tới 25 km, gồm phi cơ, trực thăng, máy bay không người lái, theo trang tin Times of India.
Tin tức nói Việt Nam tỏ ý 'rất quan tâm' tới việc mua tên lửa Akash và bước đầu, Ấn Độ sẽ cung ứng tên lửa, trong lúc phía Việt Nam muốn về sau có thể tiến tới sản xuất chung hệ thống phòng không này.
Việt Nam là một đồng minh thân cận của Ấn Độ tại Đông Nam Á.
Hồi tháng Chín năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam, hai nước đã nâng mối quan hệ chiến lược lên thành mối quan hệ chiến lược toàn diện.
Trong chuyến đi này, phía Ấn Độ tuyên bố cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam ở mức 500 triệu đôla.
Quan hệ quốc phòng Việt - Ấn là một phần quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược song phương.
Trước đây, Ấn Độ đã chào mời Việt Nam tàu hải quân và hệ thống tên lửa tuần du siêu thanh BrahMos.
Ấn Độ cũng huấn luyện phi công quân sự cho Việt Nam, bởi quân đội hai nước cùng sử dụng chủ yếu là các chiến đấu cơ Nga. - BBC
|
|
10.
Hàng chục chuyến bay Trung Quốc xâm phạm vùng kiểm soát của Việt Nam
Khu vực máy bay Trung Quốc hoạt động những ngày qua có các đường bay quốc tế mà các quốc gia và ICAO thoả thuận thông thương ở khu vực biển Đông.
Trao đổi với báo chí chiều 8/1, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, từ ngày 1 đến 8/1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng bay Hồ Chí Minh (FIR). Riêng sáng 8/1 có 4 chuyến bay (2 chuyến bay vào, 2 chuyến bay ra) mà không thông báo để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Cục Hàng không xác định, các máy bay này đã vi phạm quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay như không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.
Theo ông Thanh, khu vực máy bay Trung Quốc hoạt động những ngày qua có các đường bay quốc tế mà các quốc gia và ICAO thoả thuận thông thương ở khu vực biển Đông. Những đường bay ở đây có mật độ cao nên việc máy bay lạ xâm nhập đã uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong khu vực.
Theo quy định của ICAO, máy bay bay trong vùng trời có kiểm soát của Việt Nam phải gửi thông báo bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của Việt Nam. Khi thực hiện chuyến bay, hãng phải có liên lạc với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để được nhận thông tin liên quan.
Ngày 7/1, Cục hàng không Việt Nam đã có thư thông báo về máy bay lạ xâm nhập vùng FIR Hồ Chí Minh cho Văn phòng ICAO ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Bangkok để đề nghị ICAO có biện pháp giải quyết nhưng hiện chưa nhận được phản hồi. Cục Hàng không sẽ có thông báo cho các quốc gia lân cận cùng phối hợp, phản đối hoạt động bay uy hiếp an toàn hàng không.
Ngày 6/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này tiếp tục cho phép 2 máy bay đáp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc ra đá Chữ Thập diễn ra vào ngày 2/1.
Sau vụ việc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối. "Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói. - vnexpress
No comments:
Post a Comment