Tin Thế Giới
1.
Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter hôm 8/1 nói rằng Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn nếu nó đe dọa Mỹ và đồng minh.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Meet the Press” của kênh truyền hình NBC, ông Carter nói rằng khả năng vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với Hoa Kỳ.
Theo Reuters, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ còn nói thêm rằng Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn “nếu nó bay về hướng lãnh thổ của chúng ta hay lãnh thổ của các nước bạn hữu và đồng minh”.
Trước đó, Bắc Hàn tuyên bố có thể phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “vào bất cứ lúc nào” từ "bất kỳ địa điểm nào do lãnh tụ Kim Jong Un quyết định".
Hãng thông tấn KCNA đưa tin rằng chính sách mang tính thù nghịch của Mỹ đã khiến nước này phải thực thi chương trình phát triển vũ khí.
Theo Reuters, hôm 1/1, ông Kim cho biết rằng Bình Nhưỡng gần xong việc chuẩn bị tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Đáp lại, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “điều đó sẽ không xảy ra!”
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước nói rằng Hoa Kỳ không tin là Bắc Hàn có đủ khả năng lắp một đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo.
Bắc Hàn bị áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2006 vì các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân và đạn đạo của nước này.
Các biện pháp chế tài đã được thắt chặt tháng trước sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ năm và cũng là lớn nhất từ trước tới nay hồi tháng Chín năm 2016, theo Reuters. - VOA
|
|
2.
Ông Trump 'không gặp' bà Thái Anh Văn
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm thứ Bảy đáp xuống Houston, Mỹ, trong chặng nối chuyến bay đi thăm các đồng minh ở Mỹ Latin.
Trung Quốc đã liên tục yêu cầu Hoa Kỳ không cho phép bà đáp xuống Mỹ sau sự kiện bà Thái có cuộc điện đàm với ông Donald Trump khiến Bắc Kinh khó chịu.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump nói cả vị tổng thống tân cử lẫn nhân viên của ông sẽ đều không gặp gỡ bà Thái trong dịp bà tạm dừng chân.
Tuy nhiên, ông Trump để ngỏ khả năng sẽ gặp tổng thống Đài Loan nếu bà tới thăm Hoa Kỳ sau khi ông chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới đây, theo Reuters.
Việc ông Trump có cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà Thái sau khi đắc cử tổng thống khiến Trung Quốc giận dữ. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy chính phủ mới tại Hoa Kỳ có thể sẽ có những thay đổi đối với chính sách "Một Trung Quốc".
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của mình.
Hoa Kỳ đã chuyển việc công nhận ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc từ 1979, và thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh theo đó chỉ có 'một Trung Quốc' và Đài Loan là một phần của nước này.
Bà Thái Anh Văn sẽ có một lần nối chuyến bay nữa tại Hoa Kỳ vào tuần tới, lần này là ở San Francisco, sau khi kết thúc chuyến công du Mỹ Latin.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của mình.
Hoa Kỳ đã chuyển việc công nhận ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc từ 1979, và thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh theo đó chỉ có 'một Trung Quốc' và Đài Loan là một phần của nước này.
Bà Thái Anh Văn sẽ có một lần nối chuyến bay nữa tại Hoa Kỳ vào tuần tới, lần này là ở San Francisco, sau khi kết thúc chuyến công du Mỹ Latin. - BBC
|
|
3.
Sri Lanka: Biểu tình chống dự án TQ đầu tư
Nhiều người bị thương tại miền nam Sri Lanka trong cuộc phản đối việc cho phép Trung Quốc xây dựng một cảng và khu công nghiệp.
Kế hoạch này dự kiến sẽ buộc hàng ngàn người dân xung quanh cảng Hambantota phải di dời.
Cảng này cách thủ đô Colombo 240km về phía đông nam.
Cảnh sát đã dùng hơi cay vì cuộc biểu tình làm trì hoãn buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Ranil Wickeremesinghe.
Những người phản đối nói rằng khu vực này đang bị biến thành điều họ gọi là một thuộc địa của Trung Quốc.
Chính phủ Sri Lanka đang hoàn tất một hợp đồng cho một công ty Trung Quốc nắm 80% cổ phần thuê đất cảng này với thời hạn 99 năm.
Khu vực gần đó sẽ được dùng làm khu công nghiệp, nơi các công ty Trung Quốc sẽ được mời gọi đặt nhà máy.
Chính phủ cho biết người dân địa phương sẽ được phân đất mới.
Dự án phát triển cảng là một trong những thỏa thuận mới nhất trong một loạt các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Sri Lanka.
Trung Quốc đã bơm hàng triệu đô la vào cơ sở hạ tầng Sri Lanka kể từ khi kết thúc nội chiến 26 năm vào năm 2009.
Chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” của Trung Quốc - một nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Á – là kế hoạch gây tranh cãi - và được Ấn Độ theo dõi với mối nghi ngại đặc biệt, phóng viên BBC Jill McGivering cho hay.
Việc đầu tư này là một phần của tham vọng lớn của Bắc Kinh nhằm tạo "Con đường Tơ lụa Hàng hải" dẫn tới các nước có nhiều dầu mỏ tại Trung Đông và tiếp đó nối với châu Âu, nhà phân tích Nam Á của BBC nói. - BBC
|
|
4.
Nam Hàn: Nhà sư tự thiêu chống thỏa thuận về nô lệ tình dục Nhật-Hàn
Một nhà sư Phật giáo hiện đang trong tình trạng nguy kịch sau khi tự thiêu để phản đối thỏa thuận giữa Nam Hàn và Nhật Bản liên quan đến việc phụ nữ Nam Hàn bị ép làm nô lệ tình dục hồi Thế chiến thứ Hai.
Giới chức nói vị sư 64 tuổi bị bỏng độ ba và vẫn ở trong tình trạng hôn mê tại bệnh viện.
Nhà sư tự thiêu trong lúc tham gia cuộc biểu tình vào hôm thứ Bảy 07/01 kêu gọi phế truất Tổng thống Park Geun-hye.
Cuộc tuần hành tại Seoul cũng đánh dấu tuần thứ 11 của các cuộc biểu tình chống lại bà Park.
Nhà sư, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, để lại di thư kêu gọi chính quyền bắt giữ bà Park vì tội 'phản quốc' do đồng ý với thỏa thuận bồi thường của Nhật Bản vào hồi 2015, theo lời cảnh sát cho hay.
Nam Hàn đã kêu gọi từ rất lâu về việc bồi thường cho những người 'phụ nữ mua vui' bị ép buộc phục vụ trong những doanh trại quân đội Nhật Bản trong thời gian chiến tranh.
Một thỏa thuận giữa hai quốc gia đã đạt được vào hồi 2015 trong đó Nhật Bản đồng ý bồi thường và xin lỗi - sẽ là giải pháp 'cuối cùng và không thể thay đổi' để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích vẫn cho rằng thỏa thuận chưa làm rõ trách nhiệm của Nhật Bản đối với những hành động ngược đãi trong thời chiến.
Căng thẳng giữa hai quốc gia lên cao vào hôm thứ Sáu 06/01, sau khi Tokyo triệu hồi Đại sứ Seoul Hàn để phản đối việc Nam Hàn dựng bức tượng 'phụ nữ mua vui'.
Nhật Bản nói bức tượng cao khoảng 1,5m màu đồng khắc họa một cô gái trẻ, chân trần và ngồi trên ghế là vi phạm thỏa thuận 2015.
Vào hôm Chủ Nhật, 08/01, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra yêu cầu di dời đối với bức tượng được dựng bên ngoài trụ sở Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Busan của Nam Hàn.
"Phía Nam Hàn nên biểu lộ sự chân thành," Thủ tướng Abe nói trên truyền hình Nhật Bản. Ông nói thỏa thuận 2015 sẽ được áp dụng bất kể sự thay đổi về lãnh đạo như thế nào vì đó là 'vấn đề về uy tín'.
Tại thời điểm thỏa thuận đạt được, 46 người từng là 'phụ nữ mua vui' vẫn còn sống tại Nam Hàn.
Vụ bê bối liên quan Tổng thống Park
Vào tháng 12, bà Park bị áp lực phải rời bỏ chức vụ sau nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong nhiều tuần lễ, dẫn đến việc luận tội. Nhưng những người biểu tình kêu gọi bà phải bị bãi nhiệm hoàn toàn.
Tổng thống bị cáo buộc đã để người bạn thân tư lợi từ các mối quan hệ với giới cầm quyền.
Tâm điểm của các cáo buộc là mối quan hệ của tổng thống và bà Choi Soon-sil, là người đang đối diện với cáo buộc lạm dụng quyền lực và gây áp lực.
Cáo buộc nói sau khi bà Park trở thành tổng thống vào năm 2013, bà Choi, năm nay 60 tuổi, đã lợi dụng mối quan hệ bạn bè để gây áp lực khiến các công ty đóng góp vào những quĩ do bà kiểm soát, sau đó rút tiền để tư lợi cá nhân.
Các công tố viên còn điều tra những cáo buộc nói bà Choi chuyển tài sản trị giá hàng trăm triệu dollar ra nước ngoài. - BBC
|
|
5.
Pháp phá vỡ 24.000 vụ tấn công tin học nhắm vào bộ Quốc Phòng năm 2016
Các vụ tấn công tin học nhắm vào bộ Quốc Pháp « hàng năm tăng gấp đôi » và tình báo Pháp đã phá vỡ « 24.000 vụ tấn công từ bên ngoài » trong năm 2016. Thông tin trên được bộ trưởng Quốc Phòng tuyên bố trong bài phỏng vấn với báo Journal du Dimanche ngày 08/01/2017.
Ông Jean-Yves Le Drian nhận xét từ khi ông nhậm chức bộ trưởng Quốc Phòng vào năm 2012 « và đặc biệt từ ba năm gần đây, mối đe dọa mạng ngày càng nghiêm trọng, kể cả đối với trang thiết bị quân sự của chúng ta ».
Trong khi Nga bị tình báo Mỹ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp cho rằng một chiến dịch như vậy « do một Nhà nước tiến hành là sự can dự không thể chấp nhận được ». Vậy liệu Pháp có thể tránh được các vụ tấn công như vậy không ? Ông Le Drian trả lời : « Dĩ nhiên là không, đừng ngây thơ quá ».
Ông cũng khẳng định bộ Quốc Phòng Pháp đã chặn được 24.000 vụ tấn công tin học từ bên ngoài, thường nhằm mục đích « bôi xấu hình ảnh của bộ, hay cũng có nhiều vụ mang mục đích chiến lược (như quấy rối, xác định vị trí, gián điệp) và thậm chí là có nhiều vụ tấn công nhằm gây rối loạn hệ thống máy bay không người lái của Pháp ».
Vẫn theo ông Le Drian, « Pháp giữ quyền đáp trả bằng mọi hình thức mà Pháp cho là thích hợp. Có thể là bằng vũ khí không gian mạng hoặc bằng các con đường theo quy ước. Tất cả đều phụ thuộc vào hệ quả của vụ tấn công ».
Theo khởi xướng của bộ trưởng Quốc Phòng Le Drian, Pháp đang trang bị một bộ chỉ huy các chiến dịch mạng, có tên CYBERCOM, nằm dưới quyền kiểm soát của tham mưu trưởng quân đội. Từ nay đến năm 2019, bộ chỉ huy mới sẽ quản lý khoảng 2.600 "quân nhân kỹ thuật số". - RFI
|
|
6.
Khủng bố đẫm máu ở Syria và Irak
Một chiếc xe tải gài bom đã nổ tung ngày 07/01/2017 tại một khu chợ nằm đối diện với tòa án Hồi giáo ở thành phố Azaz, tỉnh Aleppo, nằm giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và do phe nổi dậy kiểm soát. Ít nhất 48 người bị thiệt mạng, chủ yếu là thường dân và vài chục người bị thương.
AFP trích thống kê của Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, trong số các nạn nhân có 5 thẩm phán tôn giáo thuộc nhiều đơn vị của phe nổi dậy và 14 chiến binh nổi dậy. Tuy chưa có phe nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng ông Osama Al Merhi, một luật sư có mặt tại hiện trường, cáo buộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Người dân địa phương cũng có cùng ý kiến này.
Thành phố Azaz từng là mục tiêu của nhiều vụ tấn công của quân thánh chiến Daech. Tháng 11/2016, 25 người, cả thường dân và quân nổi dậy, bị thiệt mạng trong một vụ khủng bố bằng xe bom ở một khu vực trụ sở của quân nổi dậy.
Vụ khủng bố xảy ra vào ngày thứ 9 thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực trên nhiều mặt trận, song loại trừ các vùng nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm thánh chiến.
Thỏa thuận ngừng bắn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng đang bị đe dọa do các cuộc giao tranh vẫn diễn ra. Tại Wadi Barada, nơi cung cấp nguồn nước cho thủ đô Damas, song do phe nổi dậy chiếm đóng, vẫn xảy ra các cuộc đụng độ khiến 9 người chết trong đêm 07/01.
Chế độ Bachar Al Assad khẳng định nhóm thánh chiến Fateh Al Cham có mặt tại Wadi Barada và cáo buộc các phe nổi dậy « đầu độc nguồn nước bằng dầu diesel ». Các cuộc giao tranh không ngừng nghỉ đã khiến nước trở nên khan hiếm ở Damas. Truyền hình Syria cho biết nhiều nhóm bảo dưỡng đã đến khu vực bên ngoài Wadi Barada và sẵn sàng vào thành phố để sửa chữa. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, các nhóm này đã phải quay lại vì bị lính bắn tỉa của phe nổi dây chặn đường.
Iraq: 12 người chết vì khủng bố tự sát tại Bagdad
Vẫn bằng hình thức khủng bố tự sát bằng xe gài bom, ít nhất 12 người chết và 35 người bị thương tại khu chợ Jamala bán hoa quả thủ đô Bagdad, Irak, ngày 08/01/2017.
Theo chính quyền, đây là vụ tấn công đẫm máu mới nhất xảy ra tại Irak. Dù đã bị một cảnh sát gác ở lối vào cửa nhắm bắn sau khi nhận được cảnh báo, kẻ đánh bom tự sát vẫn lao vào và cho nổ tung chiếc xe. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ khủng bố. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Ông Obama nói đã "đánh giá thấp" tác động của Nga đối với bầu cử
Sau khi có kết luận của tình báo Hoa Kỳ là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông đã "đánh giá thấp" tác động của chiến dịch đưa thông tin sai lạc và xâm nhập máy tính đối với một nền dân chủ.
Còn 12 ngày nữa là rời nhiệm sở, ông Obama nói với ABC News (chương trình This Week) rằng ông không nghĩ rằng ông đánh giá thấp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc đã ra lệnh thực hiện nỗ lực làm suy yếu hệ thống bầu cử dân chủ Mỹ, cũng như làm suy yếu đối ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, đối thủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Mặc dù vậy, ông Obama nói: "Tôi nghĩ rằng, trong thời đại thông tin mới này, tôi đã đánh giá thấp mức độ mà việc đưa thông tin sai lạc và xâm nhập trên mạng, v.v… có thể có tác động vào các xã hội cởi mở của chúng ta, các hệ thống mở của chúng ta, để họ luồn vào các hoạt động dân chủ của chúng ta theo những cách thức mà tôi nghĩ rằng đang gia tăng nhanh chóng".
Ông cho biết ông đã công bố một báo cáo tình báo được rút ngắn của Mỹ về hành động xâm nhập mạng của Nga "để đảm bảo rằng chúng ta hiểu đây là một việc mà ông Putin đã làm trong một thời gian đáng kể ở châu Âu, ban đầu ở các quốc gia chư hầu cũ, nơi có rất nhiều người nói tiếng Nga, nhưng ngày càng gia tăng trong các nền dân chủ phương Tây".
Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ kết luận rằng Nga đã xâm nhập hàng ngàn email của John Podesta, người đứng đầu chiến dịch vận động của bà Clinton và công bố chúng thông qua trang WikiLeaks là trang cổ súy sự minh bạch trong vòng một tháng trước cuộc bầu cử ngày 08 tháng 11. Trong số các email đó, nhiều email đã tiết lộ những chi tiết gây mất thể diện cho thấy các nhân viên đảng Dân chủ tìm cách giúp Clinton đánh bại đối thủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont để được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống.
Bản báo cáo đã không đánh giá liệu việc rò rỉ có làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử không, đó là một điểm mà ông Trump đã lưu ý trong một loạt các bài viết ngắn trên Twitter kể từ khi nghe báo cáo tình báo hôm thứ Sáu. - VOA
|
|
8.
Mỹ có thể là nhà xuất khẩu ròng về năng lượng
Các nghiên cứu cho thấy Hoa Kỳ có thể trở thành một nước xuất khẩu ròng về năng lượng. Đó là một thay đổi lớn là kết quả của các công nghệ mới đang trở nên hiệu quả hơn.
Việc tăng gần gấp đôi sản lượng dầu của Mỹ trong một vài năm đang cản trở nỗ lực của nhóm các nước xuất khẩu dầu OPEC nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trường năng lượng.
Và các nhà phân tích đã luôn đánh giá thấp tác động của sự phát triển công nghệ nhanh chóng đối với ngành năng lượng.
Theo người đứng đầu của Cục Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ Adam Siminski, sản xuất năng lượng dồi dào của Hoa Kỳ và nhu cầu tương đối đi ngang (nhu cầu đang tăng rất chậm) có nghĩa là nền kinh tế lớn nhất thế giới có lẽ sẽ có thừa năng lượng.
Ông Siminski nói: "Hoa Kỳ có thể trở thành một nước xuất khẩu ròng về năng lượng ".
Một vài năm trước, nguồn cung dầu tăng, nhu cầu trì trệ, và giá dầu giảm mạnh.
Trong quá khứ, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu đối phó với giá thấp bằng cách đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng, việc này đẩy giá lên. Nhưng lần này, OPEC vẫn bơm ra dầu thô và để cho giá giảm.
Các nhà phân tích nói rằng OPEC hy vọng giá thấp sẽ đè bẹp đối thủ cạnh tranh có chi phí cao, đặc biệt là các công ty Hoa Kỳ sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như fracking. Việc này cuối cùng giúp cho những nước sản xuất có chi phí thấp, như A-rập Xê-út được tự do tăng giá và thu lợi lớn.
Tuy nhiên, một chuyên gia năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các chiến thuật cũ đã không có tác dụng trong tình hình mới.
Chuyên gia Amos Hochstein nói rằng nhiều nhà sản xuất Mỹ đã trở nên hiệu quả hơn nhiều: "Khả năng duy trì sản xuất có ý nghĩa với OPEC là Hoa Kỳ đã không ra đi, sản xuất dầu đá phiến đã không ra đi, vì vậy việc cứ để giá ở mức thấp sẽ không phải là câu trả lời".
Giá dầu thô thế giới đã tăng trở lại một chút kể từ khi có thỏa thuận hồi tháng 11/2016 của OPEC và các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác về cắt giảm sản lượng.
Nhưng học giả Benjamin Zycher của Viện Doanh nghiệp Mỹ nói nhiều nước sản xuất phải đối mặt với những thách thức kinh tế phức tạp, làm cho thỏa thuận thật là mong manh: "Tôi nghĩ rằng thỏa thuận đó không thể dùy trì được".
Các chuyên gia nói rằng ngay cả khi thỏa thuận đó có tác dụng, mức giá cao hơn sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến sản xuất dầu càng nhiều hơn, do đó có thể làm dư cung trên thị trường và lại đẩy giá xuống. - VOA
|
|
9.
Viên chức lãnh sự Mỹ bị bắn bị thương ở Mexico --- Mexico bắt nghi can bắn viên chức Mỹ
Một viên chức lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Guadalajara, Mexico đã bị bắn và bị thương vào tối thứ Sáu, 6/1. Nhà chức trách đang cố gắng xác định danh tính một nghi phạm.
Viên chức Mỹ được xác định danh tính là Christopher Ashcraft, một nhân viên ngoại giao có thâm niên 13 năm. Theo một tuyên bố từ văn phòng tổng chưởng lý Mexico, viên chức này cho là trong tình trạng ổn định.
Một video được đăng trên trang Facebook của Lãnh sự quán Hoa Kỳ cho thấy tay súng đã chờ bên ngoài một bãi đỗ xe trước khi nổ súng vào xe của viên chức vào tối thứ sáu.
Ngay trước đó, tay súng đã bám theo viên chức lãnh sự quán xuyên qua bãi đỗ xe, nhưng không hành động gì cho đến khi viên chức rời khỏi bãi đỗ xe trên xe của ông.
Tay súng sau đó đã bắn một phát vào kính chắn gió của xe dường như cố giết chết viên chức đó.
Chưa ra động cơ vụ bắn súng là gì.
Đoạn video cho thấy một người đàn ông mặc một chiếc áo màu xanh lam và đeo kính râm, nhưng không có thêm thông tin được công bố về tay súng.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hiện đưa ra phần thưởng 20.000 đôla cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ nghi can. - VOA
***
Một nghi can trong vụ bắn viên chức lãnh sự Mỹ ở Mexico đã bị bắt giữ ở thành phố Guadalajara hôm 8/1.
Reuters trích văn phòng công tố tiểu bang Jalisco viết trên Twitter rằng các mật vụ Mexico đã thực hiện vụ bắt giữ, nhưng không cho biết thêm chi tiết về họ tên của nghi can cũng như động cơ của vụ việc.
Ông Christopher Ashcraft bị một tay súng bắn bị thương khi đang rời khỏi một bãi đỗ xe hôm 6/1. Hiện viên chức này đang trong tình trạng ổn định trong bệnh viện.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin nói rằng ông Ashcraft bị bắn vào ngực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cám ơn chính phủ Mexico “nhanh chóng bắt giữ nghi can”.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ trước đó đã treo thưởng 20 nghìn đôla cho ai cung cấp thông tin giúp nhận dạng được tay súng.
Guadalajara là thành phố lớn thứ hai của Mexico, và là một phần của tiểu bang Jalisco, nơi thường xảy ra tình trạng bạo lực do các băng đảng ma túy gây ra. - VOA
|
|
10.
Ông Trump mắng phe phản đối quan hệ tốt với Nga --- Căng thẳng giữa Donald Trump và bộ trưởng quốc phòng chỉ định --- Một số ứng viên Nội các của ông Trump chưa đáp ứng quy định đạo đức
Tổng thống tân cử Donald Trump đăng một loạt ý kiến trên Twitter, chỉ trích những người phản đối mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Ông gọi những người phản đối là 'ngu dốt' hoặc 'điên rồ'.
Ông Trump tuyên bố sẽ hợp tác với Nga để 'giải quyết một số trong rất nhiều những vấn đề và thách thức của THẾ GIỚI!'
Các bình luận của ông được đưa ra sau khi có báo cáo của các cơ quan tình báo nói Tổng thống Nga đã tìm cách giúp đỡ để ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Ông Trump đổ lỗi cho đảng Dân chủ đã 'khinh suất' khiến cho hệ thống máy tính bị xâm nhập.
Cũng trong một số nhận định đăng trên Twitter vào hôm thứ Bảy 07/01, ông Trump nói tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga 'không có gì xấu' và chỉ có 'những kẻ ngu dốt, hoặc điên rồ, mới cho rằng chuyện này là tệ hại!'
Ông Trump nói thêm rằng Nga sẽ tôn trọng Hoa Kỳ hơn khi ông là tổng thống.
Khi còn tranh cử, ông Trump cũng thường xuyên nói rằng sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Nga.
Ông cũng nhiều lần đặt dấu hỏi với cơ quan tình báo về cáo buộc Nga tấn công tin tặc để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ.
Ông Trump viết trên Twitter: "Lý do duy nhất vụ tấn công tin tặc được đem ra thảo luận là vì đảng Dân chủ đã thất bại nặng nề khiến họ đang rất xấu hổ!"
Ông ám chỉ về việc email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ bị xâm nhập trong thời gian đang diễn ra tranh cử.
Những kết luận chính trong báo cáo của các cơ quan tình báo:
Tài khoản email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và một số nhân vật chủ chốt của Đảng Dân chủ bị xâm nhập.
Dùng những trang như WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để công bố thông tin có được sau khi xâm nhập.
Dùng kinh phí từ nhà nước để tuyên truyền và trả cho các mạng xã hội hoặc các tranh 'châm biếm' để đưa những nhận định xấu. - BBC
***
Tổng thống tân cử Mỹ chưa nhậm chức, bộ trưởng Quốc Phòng chưa được quốc hội chấp thuận nhưng giữa ông Donald Trump và tướng James Mattis đã xảy ra lủng củng. Tuy nhiên cũng có tin cho là tướng James Mattis nắm vai trò trọng yếu chọn lựa ban chỉ huy Lầu năm góc sau khi một tỷ phú thân tổng thống tân cử được bổ nhiệm vào vị trí then chốt trong lục quân.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường thuật :
"Tướng James Mattis, biệt danh « chó điên » nhờ những chiến công hiển hách tại Afghanistan và Irak không phải là người dễ bị lấn áp. Bộ trưởng Quốc Phòng tương lai muốn thành lập một ban cộng sự theo ý của ông gồm những người trung kiên. Tuy nhiên, bộ sậu chính quyền chuyển tiếp của tổng thống tân cử Donald Trump cũng muốn đặt người của họ vào Lầu Năm Góc. Do vậy, chính quyền mới chưa chính thức hoạt động mà đã xảy ra xung khắc trong nội bộ.
Lúc đầu, việc chọn lựa những nhân vật trọng yếu trong bộ Quốc Phòng phải được đôi bên hội ý . Tuy nhiên, ông Donald Trump khi bổ nhiệm Vincent Viola, một cựu chiến binh tỷ phú làm bộ trưởng Lục Quân, lại không hỏi ý kiến tướng James Mattis. Vụ này làm « chó điên » nổi giận. Nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra. Nhóm thân cận của ông Donald Trump ưu tiên chọn người trung thành với tổng thống tân cử hơn là người có khả năng. Nhiều nhân vật do bộ trưởng Quốc Phòng tương lai tiến cử cũng bị từ chối chỉ vì những người này chống ông Donald Trump trong suốt mùa tranh cử.
Sean Spicer, phát ngôn viên của ông Donald Trump phủ nhận mọi căng thẳng trong nội bộ với thông điệp bắn lên mạng xã hội Tweeter: "đại chuyển tiếp trong bộ Quốc Phòng". - RFI
***
Nhiều lựa chọn nội các của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump theo lịch trình sẽ xuất hiện tại những phiên điều trần của Thượng viện vào tuần sau, mặc dù một số người vẫn chưa hoàn tất quá trình thẩm duyệt đạo đức bắt buộc nhằm bảo đảm họ không vướng vào mâu thuẫn lợi ích sau khi trở thành quan chức chính phủ.
Walter Shaub, giám đốc Văn phòng Đạo đức Chính phủ phi đảng phái, đã viết thư cho những nhà lãnh đạo Thượng viện phàn nàn rằng một số ứng viên rất giàu có vẫn chưa nộp giấy tờ, bao gồm báo cáo công khai tài chính, bắt buộc đối với bất cứ ai đang được cứu xét cho một chức vụ trong Nội các.
Thượng viện phải biểu quyết chuẩn thuận những người được tổng thống đề cử cho những chức vụ cấp Nội các, và một nhiệm vụ chính yếu là xác định liệu mâu thuẫn lợi ích có thể nảy sinh hay không nếu một ứng viên phải lựa chọn giữa những quy định của việc phục vụ trong chính phủ và những hoạt động và việc kinh doanh cá nhân.
Những bộ trưởng nội các tiềm năng phải giải thích làm thế nào mà họ tránh được những mâu thuẫn như vậy, thường bằng cách bán tháo tài sản cá nhân hoặc rời khỏi những nhiệm vụ điều hành trong một doanh nghiệp.
Theo lệ thường, những ủy ban Thượng viện duyệt xét một đề cử nội các của tổng thống mới sẽ trì hoãn biểu quyết ứng viên có thích hợp cho chức vụ hay không cho đến khi những giấy tờ thẩm duyệt đạo đức hoàn tất.
Ông Shaub không chỉ ra ứng viên nào của ông Trump vẫn chưa có giấy tờ hoàn chỉnh, nhưng cho biết việc một số người chưa công khai giấy tờ về những vấn đề này dẫn tới "một số vấn đề đạo đức có thể là mập mờ hoặc chưa được giải quyết" trong những ngày dẫn tới phiên điều trần của họ.
Ứng viên của ông Trump cho chức vụ bộ trưởng tư pháp, Jeff Sessions, và lựa chọn của ông cho chức vụ bộ trưởng ngoại giao, Rex Tillerson, là hai trong số sáu bộ trưởng nội các được đề xuất mà sẽ ra điều trần trước Thượng viện vào ngày thứ Tư. (Phiên điều trần của ông Sessions bắt đầu vào ngày thứ Ba nhưng sẽ tiếp tục qua ngày thứ Tư.)
Cũng xuất hiện trước các ủy ban Thượng viện trong cùng ngày còn có những người được ông Trump đề cử làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, bộ trưởng giao thông, bộ trưởng an ninh nội địa và bộ trưởng quốc phòng. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
11.
Trung Quốc xác nhận chuyến thăm của Tổng bí thư Trọng
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ công du Trung Quốc từ ngày 12 tới ngày 15/1 theo lời mời của ông Tập Cận Bình.
Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức nước này cho biết như vậy hôm 8/1, xác nhận thông báo ít ngày trước của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Tuy nhiên, bản tin ngắn dài chưa đầy 100 chữ của hãng thông tấn lớn nhất Trung Quốc không đưa lý do vì sao ông Trọng lại tới nước láng giềng phương bắc vào thời điểm này.
Trước đó, báo điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Minh trả lời truyền thông trong nước hôm 5/1 rằng “chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc; khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tăng cường quan hệ với các nước, trong đó Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói thêm rằng việc ông Trọng thăm Trung Quốc vào những ngày đầu năm 2017 “khẳng định rõ chúng ta hết sức mong muốn đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu ổn định, mang lại lợi ích cho hai nước đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực”, theo VGP News.
Cuối năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc đã đôi lần "lời qua tiếng lại" sau khi xuất hiện các tin tức về việc Hà Nội và Bắc Kinh cùng có những hành động khẳng định chủ quyền ở những vùng lãnh hải tranh chấp trên biển Đông.
Hồi tháng tư năm 2015, trước khi có chuyến công du lịch sử tới Mỹ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã sang Bắc Kinh, và nhấn mạnh tới “chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc”.
Chuyến thăm lần này của ông Trọng diễn ra ít ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. Ông Trump cuối năm ngoái đã chỉ trích việc Bắc Kinh "quân sự hóa biển Đông".
Trao đổi với báo chí đầu năm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đề cập chuyện Việt Nam chủ trì hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, vào cuối năm 2017.
Ông Minh cho biết rằng trong cuộc điện đàm với ông Trump hôm 4/12, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc “đã chuyển lời mời” ông Trump tới dự sự kiện sẽ được tổ chức ở Đà Nẵng này. - VOA
|
|
12.
Đài Loan ‘bắt 40 người Việt’
Một tàu đánh cá của Đài Loan chở “di dân lậu” người Việt với đã bị chặn bắt ngoài khơi bờ biển Nghi Lan hôm 6/1.
CNA dẫn lời lực lượng tuần duyên hôm 7/1 nói rằng 40 người trên tàu là các di dân bất hợp pháp từ Việt Nam gồm 25 đàn ông và 15 phụ nữ. Ngoài ra, trên tàu còn có một thuyền trưởng, thuyền viên Đài Loan và Indonesia.
Con tàu đăng ký ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan, sau đó đã được giao cho văn phòng công tố Nghi Lan để xử lý và điều tra vì vi phạm luật nhập cư.
Một bức ảnh được truyền thông Đài Loan đăng tải cho thấy những người Việt bị bắt mặc áo có đánh số và đeo khẩu trang, và bên cạnh họ là một người lính vũ trang đứng canh.
Kênh Focus Taiwan dẫn lời quan chức cho biết rằng những người Việt bị bắt tới Trung Quốc rồi lên tàu cá đi Đài Loan trong chuyến hải hành mất khoảng 4 ngày.
Theo lực lượng tuần duyên Đài Loan, các công dân Việt Nam phải trả mỗi người từ 4 nghìn cho tới gần 7 nghìn đôla Mỹ cho chuyến đi này.
Một quan chức của cơ quan này được CNA dẫn lời nói rằng trước đây, những người Việt muốn nhập cư trái phép vào Đài Loan thường hùn tiền mua tàu cá ở Trung Quốc rồi sau đó bỏ tàu đó khi họ đặt chân tới Đài Loan.
Vụ việc mới nhất cho thấy các “di dân lậu” người Việt đã “thay đổi chiến thuật”, theo CNA.
Đài Loan là một trong những thị trường thu hút nhiều lao động người Việt. Theo số liệu thống kê được báo trong nước loan tải, có hàng chục nghìn công nhân Việt Nam đang làm việc ở Đài Loan. - VOA
|
|
13.
Bộ trưởng lý giải vụ cá chết ‘trượt’ các sự kiện nổi bật
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà mới lên tiếng về việc không đưa vụ cá chết ở biển miền Trung vào danh sách các thành quả mà ngành do mình quản lý đạt được năm 2016.
Trả lời trang Soha News hôm 7/1, ông Hà nói rằng top các sự kiện trong năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường “mang tính chất động viên, khích lệ và cho thấy mình làm được điều gì có đóng góp cho sự phát triển đất nước”.
Vì thế, ông cho rằng việc đưa sự cố môi trường mà công ty Đài Loan Formosa đã thừa nhận trách nhiệm gây ra ở các tỉnh miền Trung vào các sự kiện đó là “không phù hợp”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được trích lời nói thêm rằng cá nhân ông “đồng tình với ý kiến là đối với môi trường hiện nay thì không chỉ bầu chọn các sự kiện cơ quan nhà nước đã làm được mà phải đánh giá vào tiêu chí dựa trên thực tế hiện nay”, theo Soha News.
Ông Hà được dẫn lời nói tiếp: “Cụ thể, ngoài những việc đã làm tốt thì các việc về môi trường đặt ra vấn đề phức tạp, bức xúc, nóng bỏng của năm như các sự cố môi trường cũng phải coi là sự kiện và kể cả địa phương nào làm tốt, làm chưa tốt về môi trường cũng cần phải đánh giá. Khi đó, yêu cầu của người dân sẽ được đáp ứng và muốn làm như vậy thì sẽ cần phải bổ sung, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí đánh giá về các vấn đề môi trường..."
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay rằng ông có nắm được các thông tin trái chiều về việc không đưa sự cố biển miền trung vào danh sách 10 sự kiện tiêu biểu.
Ông nói tiếp rằng việc lập danh sách các dự kiện liên quan tới môi trường sau này “có thể được công khai trên mạng hoặc thông qua báo chí để mọi người trong xã hội đều có thể lựa chọn một cách khách quan, chính xác nhất”, theo Soha News.
Sau phản hồi của ông Hà, luật sư Trần Vũ Hải, một người nhiều lần lên tiếng về sự cố môi trường Formosa, viết trên trang Facebook cá nhân: “Sự kiện thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra 4 tỉnh miền Trung là sự kiện lớn nhất trong năm của Việt nam năm 2016. Bộ TN và MT có trách nhiệm lớn nhất trong sự kiện này, tuy nhiện theo biện hộ của Bộ Trưởng Trần Hồng Hà, do Bộ TN và MT chỉ xếp các sự kiện "tích cực" nên không xếp sự kiện này vào 10 sự kiện nổi bật nhất về tài nguyên và môi trường ở Việt nam, dù có xét. Như vậy, chính Bộ TN và MT thừa nhận bộ này thực hiện không tốt trách nhiệm ngay theo khía cạnh "tích cực", tức thừa nhận thất bại của chính Bộ TN và MT trong vụ việc này?”
Chính phủ Việt Nam hồi giữa năm ngoái xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm” và đền bù 500 triệu đôla.
Tuy nhiên, kết luận đó vẫn chưa làm nguôi ngoai những người dân bị tác động trực tiếp của “thảm họa môi trường biển”, dẫn tới nhiều vụ phản đối và khiếu kiện thời gian qua. - VOA
No comments:
Post a Comment