Thursday, October 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 13/10

Tin Thế Giới


1.

Quốc vương Thái Lan băng hà --- Cuộc đời Quốc vương Bhumibol của Thái Lan


Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa băng hà, hưởng thọ 88 tuổi.


Nhà vua được nhân dân Thái tôn kính băng hà hôm nay, 13/10, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông được coi là vị vua trị vì lâu năm nhất trên thế giới.


Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người gắn kết đất nước trải qua nhiều thăng trầm chính trị trong suốt 7 thập kỷ trị vì kể từ năm 1946.


Nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của nhà vua không được công bố, nhưng ông đã phải nhập viện để điều trị nhiều căn bệnh trong suốt năm qua.


Theo dự kiến, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 63 tuổi, sẽ lên ngôi.


Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phát biểu trước người dân ngay sau khi tin Quốc vương Bhumibol băng hà được loan báo.


Theo Reuters, ông Prayuth nói rằng người kế vị Quốc vương Bhumibol đã được xác định từ năm 1972, và rằng chính phủ sẽ thông báo cho quốc hội về sự lựa chọn đó.


Thủ tướng Thái Lan không nói tên của người kế vị, nhưng Quốc vương Bhumibol đã chỉ định Thái tử Vajiralongkorn.


Quốc hội Thái Lan dự kiến sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào vào cuối ngày 13/10.


Ông Prayuth kêu gọi người dân Thái thương yêu lẫn nhau và bảo vệ “tổ quốc” trong thời kỳ đau buồn này.


Thủ tướng Prayuth nói rằng các viên chức sẽ để tang một năm, đồng thời kêu gọi người Thái tránh các lễ hội trong 30 ngày. Ngoài ra, tất cả các tòa nhà chính phủ và trường học sẽ treo cờ rủ.


Quan ngại về người kế vị


Hơn một thập kỷ qua, người dân Thái đã lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol cũng như về người sẽ lên kế vị ngai vàng trong bối cảnh bất ổn chính trị, trong đó có hai vụ đảo chính.


Theo Reuters, hơn 1 nghìn người đã đổ tới bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol chữa trị. Nhiều người trong số họ khóc lóc khi nghe tin dữ.


Được coi là cột trụ giúp giữ vững ổn định đất nước, hiện có nhiều quan ngại rằng việc thiếu vắng Quốc vương Bhumibol sẽ khiến những chia rẽ ở Thái Lan trở nên trầm trọng hơn.


Tuy nhiên, theo Reuters, điều đó dường như khó xảy ra dưới sự nắm quyền cứng rắn của chính quyền quân nhân của Thủ tướng Prayuth sau khi lật đổ một chính phủ dân bầu năm 2014.


Hãng tin của Anh cũng cho rằng Thái tử Vajiralongkorn chưa được người dân kính trọng và quý mến như cha mình.


Trong hai năm trở lại đây, người kế vị này đã xuất hiện và đóng vai trò lớn hơn trong xã hội Thái do sức khỏe của Quốc vương Bhumibol suy yếu đi.


Thái tử Vajiralongkorn li dị người vợ thứ ba năm 2014. Các luật lệ cấm phạm thượng hà khắc của Thái Lan khiến công chúng ít có cơ hội thảo luận về người kế vị.


Việc hỏa táng theo nghi thức hoàng gia dự kiến sẽ phải mất nhiều tháng để chuẩn bị. - VOA


***

Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan là vị vua trị vì lâu nhất thế giới.


Ngài được coi như thế lực có ảnh hưởng, tạo sự ổn định tại đất nước vốn xảy ra nhiều cuộc đảo chính quân sự trong suốt thời gian Ngài ngự trên ngai vàng.


Dù được kính trọng như một vị cha hiền từ đứng trên các phe phái chính trị, nhưng Ngài đã có những lần can thiệp khi căng thẳng chính trị dâng cao.


Và cho dù Ngài ở ngôi vương trong quốc gia quân chủ lập hiến chỉ với những quyền hành hạn chế, đa phần người dân Thái Lan coi Ngài như á thánh.


Đức vua Bhumibol Adulyadej được sinh ra tại Cambridge, Massachusetts, vào ngày 5/12/1927.


Cha của Ngài, Hoàng tử Mahidol Adulyadej, khi đó đang theo học tại trường Harvard.


Sau đó, cả gia đình trở về Thái Lan, nơi thân phụ qua đời khi Ngài mới hai tuổi.


Sau cái chết của người cha, mẹ Ngài chuyển tới Thụy Sỹ, nơi hoàng tử bé theo học.


Thời trẻ, Ngài thích theo đuổi các hoạt động văn hóa như nhiếp ảnh, chơi và sáng tác các tác phẩm cho kèn saxophone, vẽ và viết lách.


Địa vị của Hoàng gia Thái Lan trở nên suy yếu kể từ sau viêc bãi bỏ chế độ quân chủ chuyên chế hồi năm 1932, và càng bị tổn hại sau khi Hoàng thúc của Ngài, Quốc vương Prajadhipok thoái vị vào năm 1935.


Việc truyền ngôi được trao cho hoàng huynh của Bhumibol, Ananda, khi đó lên chín tuổi.


'Làm vì'


Năm 1946, Vua Ananda tử nạn trong một vụ nổ súng cho đến nay vẫn là điều chưa thể giải thích tại hoàng cung ở Bangkok.


Bhumibol kế vị ngai vàng, khi đó Ngài 18 tuổi.


Trong những năm đầu, Thái Lan do một vị quan nhiếp chính cai quản, bởi Ngài trở lại Thụy Sỹ theo đuổi việc học.


Trong một chuyến tới Paris, Ngài đã gặp hoàng hậu tương lai, tiểu thư con gái vị đại sứ Thái Lan tại Pháp.


Hai người kết hôn ngày 28/4/1950, chỉ một tuần trước khi vị tân vương đăng quang tại Bangkok.


Trong bảy năm đầu tiên, kể từ khi Ngài lên ngôi, Thái Lan chịu sự điều hành như chế độ độc tài quân sự, và hoàng gia hầu như chỉ giữ vị trí 'làm vì'.


Vào tháng Chín 1957, Tướng Sarit Dhanarajata nắm quyền. Quốc vương ra chiếu chỉ phong cho vị tướng này là 'Sarit, Hộ vệ Đô thành'.


Dưới sự độc tài của Sarit, Bhumibol quyết làm sống lại vị trí vững mạnh của hoàng gia. 


Ngài đã có một loạt các chuyến đi tới các tỉnh, và để tên mình được dùng trong một số các hoạt động phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.


Về phần mình, Sarit đã lập lại thói quen theo đó mọi người phải khom mình bò bằng tay và đầu gối trước mặt nhà vua, và khôi phục một số các dịp nghi lễ hoàng gia vốn đã bị xếp lại từ nhiều năm.


Lật đổ


Quốc vương Bhumibol đã can thiệp một cách đầy kịch tính vào chính trị Thái hồi năm 1973, khi những người biểu tình đòi dân chủ bị binh lính nã súng vào.


Những người biểu tình được cho vào ẩn náu trong hoàng cung, bước đi đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ của thủ tướng khi đó, Tướng Thanom Kittikachorn.


Nhưng nhà vua đã bất thành trong việc ngăn chặn vụ đàn áp các sinh viên tả khuynh do các thành viên thuộc lực lượng bán quân sự tiến hành ba năm sau đó, là lúc hoàng gia lo sợ sự lớn mạnh của lực lượng có cảm tình với những người cộng sản sau khi Cuộc chiến Việt Nam kết thúc.


Đã có thêm những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền. Năm 1981, Đức vua đã dũng cảm đương đầu với một nhóm các sỹ quan quân đội, những người đã tiến hành đảo chính chống lại thủ tướng Prem Tinsulanond.


Những kẻ nổi loạn đã chiếm thành công thủ đô cho tới khi các đơn vị trung thành với nhà vua lấy lại được Bangkok.


Tuy nhiên, việc nhà vua có khuynh hướng ủng hộ chính phủ nắm quyền đã khiến một số người Thái đặt câu hỏi về sự công bằng của Ngài.


Bhumibol lại can thiệp vào năm 1992, khi hàng chục người biểu tình bị bắn sau khi phản đối việc một cựu lãnh đạo đảo chính, Tướng Suchinda Kraprayoon, muốn trở thành thủ tướng.


Ảnh hưởng


Quốc vương đã gọi Suchinda và lãnh đạo thiên dân chủ Chamlong Srimuang tới trước mặt Ngài, cả hai cùng quỳ gối theo đúng nghi thức diện kiến nhà vua.


Suchinda từ chức, và kỳ bầu cử sau đó đã được tổ chức, với kết quả là sự trở lại của một chính phủ dân sự dân chủ.


Trong cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006, Quốc vương đã thường xuyên được đề nghị can thiệp, nhưng Ngài nói điều đó là không thích hợp.


Tuy nhiên, Ngài vẫn được coi là đã có ảnh hưởng to lớn trong kỳ bầu cử được tổ chức tháng Tư năm đó, với phần thắng thuộc về ông Thaksin. Kết quả bầu cử sau đó đã bị tòa tuyên là vô hiệu.


Ông Thaksin cuối cùng đã bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính không đổ máu, trong sự kiện phe quân sự cam kết trung thành với Quốc vương.


Trong những năm sau đó, tên tuổi và hình ảnh của nhà vua đã được các phe phái, cả ủng hộ lẫn chống đối ông Thaksin, viện đến trong cuộc tranh giành quyền lực.


Cả nước đã có những buổi lễ ăn mừng sinh nhật xa hoa trong lần thứ 80 của Quốc vương Bhumibol vào năm 2008, cho thấy vị trí đặc biệt của Ngài trong xã hội Thái Lan.


Tôn kính


Tướng Prayuth Chan-ocha nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng Năm 2014, và được quốc hội do quân đội bổ nhiệm chỉ định vào vị trí thủ tướng vài tháng sau đó.


Ông cam kết cải tổ chính trị sâu rộng nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trở lại như trong những năm gần đó.


Nhưng những người chỉ trích tỏ ý ngờ vực rằng mối ưu tiên thực sự của ông thực ra là nhằm phá hủy đảng của cựu thủ tướng Thaksin, và nhằm đảm bảo là sự kế vị ngai vàng diễn ra suôn sẻ.


Lòng tôn kính của dân chúng đối với Quốc vương Bhumibol là điều có thật, nhưng đó cũng là kết quả của sự nuôi dưỡng, phát triển cẩn trọng của bộ máy tuyên truyền khổng lồ chuyên lo về quan hệ công chúng của hoàng gia.


Thái Lan có bộ luật 'khi quân' hà khắc, theo đó bất kỳ chỉ trích nào nhắm vào hoàng gia đều bị trừng trị nặng nề, và hạn chế việc truyền thông cả trong nước lẫn nước ngoài đưa tin đầy đủ về nhà vua.


Trong thời gian trị vì dài lâu của mình, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã phải đối diện với một đất nước liên tục bị chao đảo bởi những biến động chính trị.


Có thể nói với những gì Ngài từng thể hiện trong kỹ năng ngoại giao và trong việc gần gũi thần dân, lúc băng hà, Quốc vương đã để lại cho hoàng gia một vị thế vững mạnh hơn nhiều so với thời điểm Ngài lên ngôi. - BBC

|

|


2.

Chủ tịch Trung Quốc viếng thăm đồng minh Cam Bốt


Hôm nay, 13/10/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chân đến Cam Bốt, mở chuyến viếng thăm cấp Nhà nước một trong những đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh, vào lúc quan hệ hai nước được thắt chặt thêm sau khi Phnom Penh công khai ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.


Từ lâu Cam Bốt vẫn ủng hộ Trung Quốc hết mình và trong những năm gần đây, trong hồ sơ Biển Đông, Cam Bốt lại đứng hẳn về phe Trung Quốc, cản trở nỗ lực của các nước Đông Nam Á lập một mặt trận thống nhất chống những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.


Trước chuyến viếng thăm hôm nay, một tờ báo hàng đầu của Cam Bốt, tờ Rasmei Kampuchea đã đăng một bài viết của ông Tập Cận Bình khen ngợi quốc gia này đã bảo vệ lập trường của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.


Hãng tin AFP cho biết, theo dự kiến, ít nhất 28 hiệp định sẽ được ký kết hôm nay, nhân cuộc gặp giữa chủ tịch Tập Cận Bình với thủ tướng Hun Sen, trong đó có hiệp định nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông phẩm Cam Bốt sang thị trường Trung Quốc.


Hiện giờ Trung Quốc là nước đầu tư hàng đầu ở Cam Bốt và trong 31 năm cầm quyền của ông Hun Sen, Bắc Kinh đã cấp cho Phnom Penh hàng tỷ đôla viện trợ và khoản vay lãi suất thấp. Mới tháng 7 vừa qua, Trung Quốc lại cấp cho Cam Bốt 550 triệu đôla viện trợ, chỉ vài ngày sau khi Phnom Penh bị chỉ trích là phá hoại sự đoàn kết của khối ASEAN trên vấn đề Biển Đông.


Thủ tướng Hun Sen vẫn thường khen Bắc Kinh về việc không hề đặt điều kiện cho các khoản viện trợ, trong khi trợ giúp từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu thường đi kèm với những yêu cầu về chống tham nhũng và cải thiện nhân quyền ở Cam Bốt. - RFI

|

|


3.

Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ về con số tỷ phú


Danh sách người giàu hàng năm mới ra của Trung Quốc cho thấy một lần nữa con số tỷ phú ở nước này nhiều hơn ở Mỹ và khoảng cách ngày càng rộng. 


Ông trùm bất động sản Vương Kiện Lâm, chủ tập đoàn Dalian Wanda (Vạn Đạt Đại Liên), đứng đầu trong danh sách 594 tỷ phú Trung Quốc.


Số tỷ phú ở Mỹ là 535.


Ông chủ hãng Alibaba Jack Ma đứng ở vị trí thứ hai, với khối tài sản đã tăng 41% so với năm ngoái. 


Danh sách tỷ phú hàng năm của Trung Quốc do nhà xuất bản Hồ Nhuận ở Thượng Hải tổng hợp và thường được so sánh với danh sách tỷ phú của tạp chí Forbesở Hoa Kỳ.


Danh sách Hồ Nhuận Bách Phú được xem như đánh giá chính xác và được quan tâm nhất ở Trung Quốc, đã phát hành hàng năm 18 năm nay.


Đầu năm nay, Hồ Nhuận cũng cho ra một danh sách toàn cầu, cho thấy con số tỷ phú ở Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua Mỹ.


Tuy nhiên chưa có người Trung Quốc nào lọt vào danh sách 20 người giàu nhất thế giới.


Tầm cỡ toàn cầu


Đứng đầu danh sách Hồ Nhuận Bách Phú năm nay là Vương Kiện Lâm, với khối tài sản 32,1 tỷ đôla. 


Tập đoàn Dalian Wanda của ông năm nay nổi đình đám với các khoản đầu tư lớn vào thị trường điện ảnh Hoa Kỳ. Tập đoàn này đã mua lại hãng phim Legendary Pictures cũng như tham gia vào hệ thống chiếu bóng của Anh quốc và Mỹ, đồng thời liên minh với Sony Pictures.


Ông chủ Alibaba Jack Ma về nhì với tài sản khổng lồ trị giá 30.6 tỷ đôla, còn Pony Ma - chủ tập đoàn Tencent chuyên internet và trò chơi điện tử đứng thứ ba với 24,6 tỷ.


Người có tài sản tăng nhanh nhất là Diêu Chấn Hoa, chủ tập đoàn đầu tư và bất động sản Bảo Năng ở Thẩm Quyến. Tài sản của ông này trong một năm tăng tới 820% lên 17,2 tỷ đôla, đưa ông lên vị trí thứ tư.


Chủ tịch nhà xuất bản Hồ Nhuận Rupert Hoogewerf nói quá trình đi lên của ông Diêu cho thấy sự biến chuyển trong nền kinh tế Trung Quốc.


"Đầu tư tài chính của ông Diêu đại diện cho làn sóng mới về kiến tạo tài sản ở Trung Quốc."


Theo ông Hoogewerf, "20 năm trước doanh nhân Trung Quốc kiếm tiền từ thương mại, sau đó tới sản xuất và địa ốc, công nghệ thông tin. Ngày nay họ chuyển sang kiếm tiền ở thị trường tài chính".


Đa phần các tỷ phú Trung Quốc sống ở Bắc Kinh, tiếp đó là Thẩm Quyến, Thượng Hải và Hàng Châu.


Trên thế giới thì đứng đầu danh sách Forbes là nhà sáng lập hãng Microsoft Bill Gates với tài sản 75 tỷ đôla, sau đó là chủ tập đoàn Zara Amancio Ortega và nhà đầu tư Warren Buffett. - BBC

|

|


4.

Tổng thống Philippines tìm kiếm đầu tư và sự trọng vọng từ Trung Quốc --- Uy tín tổng thống Philippines vẫn cao sau 3 tháng cầm quyền


Sau khi dọa sẽ chấm dứt liên minh với Mỹ, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào tuần tới sẽ viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên, nhằm tìm kiếm hàng tỷ đôla đầu tư và cũng nhằm khẳng định vị thế của ông trên trường quốc tế, vào lúc lãnh đạo chính quyền Manila bị phương Tây chỉ trích nặng nề về chiến dịch bài trừ ma túy.


Ông Duterte sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 19/10/2016, dẫn theo một phái đoàn hàng trăm nhà doanh nghiệp, trong đó có những nhà tài phiệt có thế lực nhất ở Philippines, với hy vọng là thu hút nhiều đầu tư từ Trung Quốc, tranh thủ mối quan hệ đang nồng ấm trở lại giữa Manila và Bắc Kinh, sau nhiều năm căng thẳng.


Chỉ hơn 10 ngày sau khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Nhưng thay vì dùng phán quyết này để gây áp lực thêm với Trung Quốc như người tiền nhiệm Benigno Aquino sẽ làm nếu còn tại chức, ông Duterte đã cố xoa dịu Bắc Kinh, mặt khác lên tiếng chỉ trích nặng nề Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc trận chung và tuần tra chung với Mỹ.


Trong thời gian tranh cử, ông Duterte đã từng tuyên bố sẳn sàng để sang một bên chuyện tranh chấp Biển Đông, đổi lại việc Trung Quốc xây tuyến đường xe lửa xuyên qua vùng Mindanao nghèo ở miền Nam Philippines. Trong tuần này, ông cũng đã nói là Philippines không nên cứ nằng nặc đòi chủ quyền trên bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.


Ngoài hàng tỷ đôla đầu tư hy vọng sẽ tìm được từ Trung Quốc, tổng thống Duterte còn sang Bắc Kinh lần này để phần nào được trọng vọng, vào lúc mà ông đang bị phương Tây lên án về các vụ sát nhân ngoài khuôn khổ pháp luật trong chiến dịch bài trừ ma túy do ông phát động ở Philippines, mà cho tới nay đã có hơn 3.300 người bị giết chết.


Bị đích thân tổng thống Obama chỉ trích về chiến dịch bài trừ ma túy này, trong tháng này ông Duterte đã tuyên bố rằng có thể trong nhiệm kỳ của ông, Philippines sẽ cắt đứt liên minh với Hoa Kỳ, quay sang Nga hoặc Trung Quốc. Trong khi mạt sát hết lời tổng thống Obama, ông Duterte đã ca tụng Tập Cận Bình là "một chủ tịch vĩ đại", đồng thời khen Trung Quốc và Nga đã thể hiện sự tôn trọng ông, khi tránh chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy.


Cách đây hai ngày, tổng thống Philippines cũng cho biết là ngay sau Trung Quốc, ông sẽ thăm Nga, có thể là sau chuyến viếng thăm Nhật Bản từ ngày 25 đến 27/10.


Nhưng các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay đã lên tiếng cảnh báo về chính sách mới này của tổng thống Duterte, cho rằng đây là một ván bài lớn đối với Philippines và hiện giờ, kẻ thắng duy nhất chính là Trung Quốc. Theo lời giáo sư luật Jay Batongbacal, Đại học Philippines, ông Duterte đang đánh bài liều, chỉ trông chờ vào thiện chí và những mối lợi từ Trung Quốc, mà không có sự bảo đảm từ mối quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước bạn và nước đồng minh truyền thống.


Nhưng ông Richard Javad Haydarian, một chuyên gia thuộc Đại học De La Salle ở Manila, thì cho rằng hãy còn quá sớm để Bắc Kinh mừng chiến thắng, vì theo ông, nếu thua ván bài nói trên, tức là nếu không nhận được nhân nhượng thỏa đáng nào từ Trung Quốc, tổng thống Duterte sẽ "xoay trục" trở lại về phía Hoa Kỳ. - RFI


***

Cuộc chiến đẫm máu chống ma túy của tổng thống Philippines Duterte đã làm 3800 người thiệt mạng, nhưng uy tín của ông trong dư luận Philippines không bị sứt mẻ. Hai cuộc thăm dò vừa qua cho thấy đa số (hơn 70%) vẫn tin tưởng vào lãnh đạo, nhậm chức vào cuối tháng 6.


Thông tín viên RFI tại Manila, Marianne Dardard, cho biết thêm chi tiết:


"Uy tín của ông Rodrigo Duterte vẫn nguyên vẹn sau 3 tháng cầm quyền. Theo các cuộc thăm dò, người Philippines đánh giá tổng thống của họ thành thực trong ý muốn chấm dứt nạn buôn ma túy.


Theo báo chí tại chỗ, cuộc chiến chống ma túy của ông đã làm hơn 3 800 người chết. Họ bị cảnh sát hạ sát trong các chiến dịch chính thức và đồng thời bị người dân giết ngoài khuôn khổ pháp luật.


Đa số đánh giá tốt tổng thống, tuy nhiên nếu nhìn kỹ kết quả thăm dò thì người ta thấy đến 71% không tán đồng phương pháp thực hiện, không muốn giết chết những kẻ tình nghi buôn ma túy và cho là phải để những người này sống và bắt họ. Điều này rất quan trọng.


Phủ tổng thống, sau kết quả thăm dò này, khẳng định là không hậu thuẩn cho những vụ hạ sát thô bạo hay những vụ giết người ngoài vòng luật pháp.


Liên Hiệp Quốc cũng như Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ cũng từng nêu lên nổi lo ngại trước chiến dịch bài trừ ma túy đẩm máu như thế."


Tổng thổng Philippines mời Liên Hiệp Quốc điều tra


Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines vào hôm qua, 12/10, thông báo là Manila đã mời báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Agnès Callamard, đến để điều tra về cuộc chiến chống ma túy và đang đợi trả lời.


Cuối tháng 8, bà Agnès Callamard ngỏ ý muốn đến điều tra về những vụ giết người ngoài vòng luật pháp ở Philippines, nhưng Manila đã từ chối. - RFI

|

|


5.

Drone hàng chợ’ là đe dọa giết người


Trong vụ tấn công tuần rồi ở bắc Iraq, một thiết bị drone (thiết bị bay không người lái) đã giết chết hai tay súng Peshmerga và làm bị thương hai thành viên đặc nhiệm Pháp. Nó đánh dấu một kiểu sáng tạo trong chiến tranh hiện đại. 


Hoa Kỳ tiến hành tấn công bằng drone lần đầu tiên hồi tháng 10/2001. Kể từ đó, việc dùng thiết bị vũ trang này đã chỉ dành cho các đại cường quân sự trên thế giới. 


Israel và Mỹ dẫn trước về công nghệ, còn Nga và Trung Quốc cũng nhanh chóng phát triển công nghiệp drone của họ. Các thiết bị bay quân sự hiện đại có thể hoạt động ở khoảng cách rộng lớn, trong thời gian dài.


Chúng là phương tiện vô giá để thu thập tình báo, theo dõi. Những thiết bị gắn vũ khí thì có thể tấn công cực kỳ chính xác. 


Nhưng khi mà các drone rẻ tiền bắt đầu bán cho người chụp ảnh nghiệp dư và những ai tò mò, công nghệ này đã được cả những nhóm dân quân sử dụng.


Nhóm tự phong Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm như Mặt trận Nusra (có liên hệ chặt với al-Qaeda) đã dùng các drone rẻ tiền để theo dõi, hay quay video tuyên truyền. Nhưng nay họ chuyển chúng thành vũ khí.


Chưa rõ chi tiết vụ tấn công chết người tuần rồi ở bắc Iraq. Một số bản tin nói drone này phát nổ trong lúc nó đang bị phá hủy. Có tin lại nói một drone đã đâm vào tòa nhà rồi nổ.


Đây chưa phải là loại vũ khí tinh vi mà Mỹ và một số đồng minh dùng hàng ngày. Các drone thương mại nhỏ chỉ có tiềm năng phá hủy hạn chế, nhưng rõ ràng chúng có thể giết người, như vụ việc tuần rồi.


Quân Mỹ trong khu vực đã được cảnh báo phải che chắn khi thấy các thiết bị bay nhỏ - cho đến nay, chúng chỉ được xem là tương đối vô hại. 


Những drone thương mại rẻ tiền nay được bán khắp mọi nơi, và bất kỳ thiết bị nào mang được camera nhỏ thì cũng mang được thiết bị gây nổ nhỏ.


Có hai cách chính để đối phó đe dọa mới. Một là bắn hay tóm gọn nó. Hai là can thiệp vào tín hiệu dùng để dẫn đường cho drone.


Điều báo động là đe dọa mới này xảy ra như một ngạc nhiên. Giới chức an ninh và những nhà dự báo quân sự đã dự báo chuyện này. Từ lâu đã có lo ngại là các sự kiện thể thao lớn, như giải vô địch bóng đá châu Âu vừa rồi tại Pháp, hay bất kỳ sự kiện lớn nào, cũng có thể là mục tiêu của khủng bố dùng drone.


Và mặc dù đã có công nghệ để đối phó, nhưng có lẽ chúng chưa đủ tin cậy hay chưa đủ về số lượng. Hiện nay, những kẻ tấn công tạm thời có lợi thế khi mà bên phòng thủ phải tìm cách chạy theo.


Nó không áp dụng cho thế giới vũ khí tinh vi của Mỹ và phương Tây, có nhiều lợi thế. Nhưng ngay cả điều này cũng đang thay đổi. Mỹ đang xuất khẩu vũ khí cho một số đồng minh.


Trung Quốc cũng đang xuất khẩu drone vũ trang. Nỗ lực tìm kiếm hiệp định quốc tế theo dõi việc bán vũ khí này đến nay không có kết quả. 


Việc nở rộ các vũ khí này đang đi theo hai hướng: ở phần trên hiện đại, các hệ thống đang phân bổ tương đối nhanh, còn ở phần dưới, các nhóm du kích, khủng bố, buôn ma túy đang dùng các drone thô sơ vì nhiều mục tiêu.


Khi mà các nhà bán lẻ trên mạng dự định sẽ chuyển hàng bằng drone, dễ dàng nhận ra những ai có mục đích xấu cũng có thể dùng công nghệ này để giết người. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Thêm nhiều phụ nữ tố cáo ông Trump về hành vi sàm sỡ


Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump hôm thứ Tư lại phải đối đầu với những cáo buộc về các hành vi sàm sỡ không thích hợp đối với nhiều phụ nữ. 


Hai phụ nữ nói với tờ New York Times rằng ông Trump đã tấn công tình dục họ, một trong hai phụ nữ này là một doanh nhân. Bà nói ông Trump đã vồ lấy ngực bà và tìm cách lần tay dưới váy bà trên một chuyến bay vào năm 1978.


Chiến dịch vận động của ông Trump đã ra một thông báo bác bỏ bản tin của tờ New York Times là “hư cấu”, không có thực, đồng thời miêu tả câu chuyện này là một âm mưu để bôi bẩn ông Trump trong khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11.


Ông Trump trở thành mục tiêu bị chỉ trích sau khi xuất hiện một băng video hồi tuần trước, trong đó ông bị ghi âm khoe khoang về những hành động tán tỉnh và sờ soạng phụ nữ.


Băng video này và những lời cáo buộc được tung ra sau đó đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng hoà, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, rút lại sự hậu thuẫn mà họ đã từng dành cho doanh nhân giàu có gây nhiều tranh cãi này.


Ông Trump hôm thứ Ba tuần này đã gay gắt đả kích ông Ryan và gọi đối thủ của ông, bà Hillary Clinton, là một kẻ gian trong một cuộc tập họp vận động chính trị ở Florida. Ông nói:


“Các bạn có nghĩ là lẽ ra Paul Ryan phải gọi tôi để khen rằng mọi sự diễn ra suôn sẻ? Trước một cử toạ đông đảo nhất trong lịch sử nước Mỹ vào đêm tranh luận thứ nhì. Đấy, cứ tưởng họ sẽ khen rằng tốt lắm, Don, chúng ta hãy tiến tới, đánh bại kẻ gian này. Bà ta là một kẻ gian. Hãy đánh bại bà ta. Chúng ta phải chặn đứng việc này. Thế nhưng không, ông Ryan đã không làm như vậy.”


Trong cuộc tranh luận với ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm Chủ nhật, ông Trump gạt những phát biểu có tính cách xúc phạm phụ nữ của ông, nói rằng đó “chỉ là những chuyện linh tinh giữa đàn ông với nhau trong phòng thay đồ thể thao”. 


Trong cuộc tranh luận này, ông Trump chối bỏ lời cáo buộc, nói rằng ông không hề đối xử sàm sỡ như vậy.


Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng đối mặt với vụ tranh cãi liên quan tới hàng ngàn email của các nhân viên bị hack và được Wikileaks phát tán.


Trang web chuyên phơi bày những bí mật này đã công bố hàng ngàn email từ hôm thứ Sáu vừa rồi, bị lấy cắp từ tài khoản email của ông John Podesta, quản trị viên của chiến dịch vận động của bà Hillary Clinton. Theo cáo buộc thì những tin tặc người Nga là thủ phạm trong vụ hack này.


Một loạt các cuộc thăm dò công luận cho thấy mức độ ủng hộ dành cho bà Hillary Clinton, người đang vận động để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, đã tăng vọt và bỏ xa đối thủ, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump.


Kết quả tổng hợp các cuộc thăm dò do Real Clear Politics đưa ra, cho biết bà Clinton dẫn trước ông Trump trung bình 6,2 điểm trên toàn quốc. - VOA

|

|


7.

Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học 2016


Nhạc sĩ huyền thoại người Mỹ Bob Dylan đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2016. Ông là nghệ sĩ sáng tác nhạc đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này.


Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển nói ông Dylan được vinh danh "vì đã tạo ra những cách biểu đạt mới bằng thi ca bên trong truyền thống âm nhạc tuyệt vời của Mỹ". 


Viện Hàn lâm Thụy Điển là tổ chức mà hàng năm vẫn đưa ra quyết định chọn người xứng đáng để trao giải Nobel Văn học.


Trong những năm qua, ông Dylan nhiều lần được nhắc đến như một người có thể đoạt giải Nobel nhưng ông không được coi là một ứng viên nặng ký.


Ca sĩ kiêm nhạc sĩ 75 tuổi này tên thật là Robert Allen Zimmerman. Ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc vào năm 1959 với các buổi biểu diễn tại những quán cà phê ở Minnesota.


Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Bob Dylan được phát hành vào những năm 1960, khi đó các bài hát như “Blowin in the Wind” đã trở thành ca khúc ruột cho các phong trào dân quyền và chống chiến tranh Việt Nam. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

Sài Gòn dỡ bỏ Thương xá Tax


Sau 136 năm gắn liền với người Sài Gòn, sáng ngày 12/10, Thương xá Tax chính thức được dỡ bỏ để xây cao ốc 40 tầng với tên gọi mới: Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza. 


Theo phương án thiết kế cho đến nay, đến thời điểm hoàn thành công trình vào năm 2020, tại vị trí Thương xá Tax sẽ là một tòa nhà gồm 6 tầng hầm, 6 tầng bệ đế, và 40 tầng cao. Trong đó, 3 tầng đầu của phần bệ đế sẽ duy trì một phần kiểu dáng của Thương xá Tax cũ và các công trình bảo tồn cũng sẽ được tái hiện ở đây.


Mặc dù đồ án thiết kế vẫn đang chờ duyệt, phía Satra cũng cho biết sau khi hoàn thành, tầng hầm thứ 2 của tòa nhà sẽ kết nối với nhà ga Metro, và sân thượng có sân đậu máy bay trực thăng.


Trả lời báo Tuổi trẻ của Việt Nam, ông Đoàn Hoài Minh, Phó Tổng giám đốc Satra, đơn vị quản lý tòa nhà, cho biết Thương xá Tax có hai phần được bảo tồn.


Phần bên ngoài gồm bảng hiệu thương xá Tax; mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng (đặc biệt chú ý ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ).


Phần bên trong công trình cần bảo tồn gồm: không gian sảnh chính; cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính; các phần trang trí lót gạch mosaic và các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúng bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.


Tòa nhà Tax đã gắn với các giai đoạn của lịch sử kiến trúc Sài Gòn. Từ khi khánh thành năm 1924, tòa nhà có biển hiệu GMC (Grands Magasins Chaner), đến đầu những năm 1960 được đổi thành “Thương xá Tax”.


Sau năm 1975, toàn bộ tòa nhà thuộc sự quản lý của UBND TP.HCM. Sau 3 lần đổi tên, từ năm 1998 tòa nhà được đổi lại tên là Thương xá Tax. - VOA

|

|


9.

Cá lại chết hàng loạt, dân Bà Rịa đổ cá ra quốc lộ biểu tình


Bức xúc trước việc cá nuôi lại chết hàng loạt, người dân xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, đã chở cá chết đổ ra quốc lộ 51 để phản đối các công ty chế biến hải sản gây ô nhiễm, khiến đoạn đường này bị ách tắc trong nhiều giờ đồng hồ.


Tin từ báo chí trong nước cho hay đoạn ngã ba Long Sơn trên quốc lộ 51 đã bị tắc nghẽn từ khoảng 9, 10 giờ sáng 13/10 khi hàng chục người nuôi cá bè trên sông Chà Và đã đưa cá chết đổ ra đường, trong đó có nhiều con cá bớp nặng trên 5 kg. Những hình ảnh, video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân ngồi bệt giữa đường cùng với những con cá chết khá lớn, trong khi xe cộ phải đứng lại hoàn toàn.


Anh Dinh, một người buôn bán hải sản tại Long Sơn, xác nhận với VOA Việt ngữ về vụ biểu tình:


“Dạ có. Cách đây khoảng 7 cây số, tại nhà em ở Long Sơn, nghe nói kẹt xe dữ lắm”.


Người dân địa phương nói với báo Người Lao Động rằng nguyên nhân khiến cá chết là do việc xả thải tại cống số 6 của các công ty chế biến hải sản. Khi trời mưa, nước xả thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến cho cá chết hàng loạt.


Trong khi đó, báo VnExpress trích nguồn tin từ nhiều hộ dân địa phương cho biết trong 2 ngày vừa qua, nước trên sông Chà Và có màu đen và mùi hôi, khiến cá nuôi bị chết hàng loạt, đặc biệt là loại cá bớp.


Người Lao Động cho biết người dân trước đó đã chất cá chết để đưa ra đổ ở quốc lộ 51, nhưng đã bị lực lượng cảnh sát giao thông chặn lại nên không thể dùng xe ba gác để chuyển cá ra đường biểu tình. Người dân sau đó đã đổ cá chết ra các con hẻm, đồng thời mang một ít xác cá bớp ra xếp thành hàng để chặn không cho xe lưu thông qua đoạn quốc lộ này, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền.


Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Thắng, xác nhận với VOA về thông tin vụ biểu tình. Ông nói “Thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt là ai thì phải đợi kết luận của cơ quan chức năng, còn nhân dân thì chưa biết được là ai cả cho nên người ta bức xúc quá, người ta phải đem ra đường vậy thôi”.


Ông Thắng nói thêm:


“Trước kia thì một số cơ quan bảo vệ môi trường cũng đã xử lý một số nhà máy ở trong Dinh, nhưng bây giờ là ở chỗ khác, không phải chỗ cũ nữa, chỗ này thì chưa nắm được”.


Đây không phải là lần đầu tiên người dân khu vực dùng cá chết để đi biểu tình. Cũng theo VnExpress, vào tháng 9/2015, những người nuôi thủy sản ở sông Chà Và cũng đã chở hàng trăm kg cá chết đến Trung tâm hành chính đòi gặp Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để phản đối các công ty gây ô nhiễm.


Vào tháng 5 vừa qua, các cơ quan chức năng công bố 14 công ty chế biến hải sản thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã xả thải ra cống số 6 với tỷ lệ gây ô nhiễm 76,64%. 


Thống kê của Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn tỉnh này trước đây cho biết đã xảy ra 4 đợt cá chết, gây thiệt hại hơn 18,1 tỷ đồng cho người nuôi thủy sản trên sông Chà Và. 


Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tỉnh yêu cầu các công ty gây ô nhiễm phải bồi thường cho 33 hộ dân số tiền 13,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không thỏa thuận được với các công ty này về mức bồi thường thiệt hại, Hội Nông dân tỉnh và Sở NN-PTNT đã cùng với một nhóm 20 luật sư làm hồ sơ khởi kiện 14 công ty này. Đến nay, người dân vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường nào, trong khi cá vẫn tiếp tục chết hàng loạt, khiến nhiều người lâm cảnh nợ nần.


Báo VnExpress cho hay đến khoảng 12 giờ trưa 13/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phải trực tiếp đến hiện trường để thuyết phục người dân thu dọn cá và về trụ sở UBND tỉnh để đối thoại. Giới chức này cho biết sẽ đưa ra kết luận và thông báo công khai về vụ việc này vào ngày mai (14/10). - VOA

|

|


10.

VN lên tiếng trước thông tin Nga quay trở lại Cam Ranh


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 13/10 khẳng định Việt Nam giữ vững lập trường không liên minh quân sự trước những thông tin gần đây khi Nga đánh tiếng muốn trở lại cảng Cam Ranh chiến lược của Việt Nam.


Cuối tuần trước, Nga lên tiếng sẽ xem xét phục hồi lại các căn cứ quân sự thời Xô Viết ở Việt Nam và Cuba với mục đích tăng cường sự hiện diện của họ trên toàn cầu. Theo truyền thông Nga đưa tin hôm 7/10, tại phiên họp tại Viện Duma - Hạ Viện Nga, Thứ trưởng Quốc phòng Nikolai Pankov nói họ nhắm vào Cam Ranh và Lourdes của Cuba. Ông Pankov được hãng tin TASS trích lời nói “Chúng tôi đang xúc tiến việc này” khi được các nghị sỹ hỏi về vấn đề tái hiện diện quân sự tại Việt Nam và Cuba.


Cam Ranh là một cảng nước sâu ở miền Trung Việt Nam với một vị trí chiến lược trong khu vực nhất là trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải trên biển Đông tăng cao. Với sự hợp tác quân sự ngày càng tăng với Việt Nam, Mỹ cũng đang muốn có được nhiều sự tiếp cận hơn vào Cam Ranh.


Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của các phóng viên hôm 13/10 tại Hà Nội, ông Bình cho biết Việt Nam sẽ không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại đây.


Nhưng trước đây trong năm, đại sứ Việt Nam tại Moscow Nguyễn Thanh Sơn nói Việt Nam không phản đối với việc Nga muốn quay trở lại Cam Ranh để phục hồi căn cứ quân sự cũ. Ông Sơn nói với hãng tin RIA Novosti của Nga hôm 17/5 rằng “việc thực thi của cảng Cam Ranh cho sự hợp tác quốc tế đa phương là để đảm bảo rằng hòa bình và sự ổn định trong khu vực được đi đúng hướng.”


Theo lời người phát ngôn bộ ngoại giao nói với báo chí hôm 13/10, “Việt Nam và Liên Bang Nga cũng như các đối tác lớn khác trên thế giới đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ” trong thời gian qua. Nhưng ông Bình cũng nhất mạnh, Việt Nam sẽ “luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình” và đồng thời “sẽ không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ 3.” - VOA

|

|


11.

Thực chất Hội nghị Trung ương 4 --- Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông


Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo về tình trạng "tự diễn biến" và 'suy thoái' gây hậu quả "khôn lường", theo truyền thông Việt Nam.


Bàn về thực chất và hiệu quả của Hội nghị này, nhà quan sát xã hội dân sự, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 13/10/2016:


"Tôi thấy rằng toàn bộ những động tĩnh để dẫn đến Hội nghị Trung ương này, rồi bài phát biểu những vấn đề mà ông Tổng Bí thư xới lên, tôi không biết những người khác đọc ra những cái gì, nhưng tôi đọc ra toàn thấy vị là 'đấu tranh nội bộ' ở đây mà thôi.


"Tất cả những chuyện về suy thoái, chuyện về diễn biến rồi tự diễn biến, rồi tự chuyển hóa hay điều gì đó, thì 'nhằm triệt phe phái', nó không hợp. Bởi vì như tôi nói, bản thân hệ thống này sinh ra tất cả những căn bệnh đấy mà đúng như một bạn đọc nào đấy đã bảo rằng nó 'ung thư mọi nơi', 'chạy khắp tứ tung' rồi. 


"Cho nên tất cả những 'bài ấy' là những bài để họ tự làm với một vẻ là trị cái này, trị cái kia để làm an dân; bức xúc của người dân bây giờ lên một mức cùng cực rồi thì dùng những thủ pháp này, thủ pháp kia để cho nó xì cái bức xúc đó đi một chút, nhưng mà ở bên trong, lõi của nó là 'tranh nhau ghế', tranh nhau quyền và làm so để mà hạ được những đối thủ.


"Tôi thì tôi đọc ra như thế, có thể cách đọc của tôi nó hơi cực đoan, nhưng tôi nghĩ như vậy,"từ Bắc Ninh, Tiến sỹ Quang A nêu quan điểm với Bàn tròn của BBC.


Tìm cơ chế khác


Từ Sài Gòn, blogger Nguyễn An Dân, người mới đây có bài viết về Hội nghị TƯ 4 trên mục Diễn đàn của BBC Việt ngữ, bình luận thêm về thực chất của sự kiện này, ông nói:


"Thực chất của Hội nghị Trung ương 4, thứ nhất, là nó tiến hành các hội nghị thường kỳ, 6 tháng một lần, trong một nhiệm kỳ, một khóa của Đảng; thứ hai là Hội nghị Trung ương 4 tìm lối đi trong bối cảnh mà các khái niệm, các định nghĩa về quản trị xã hội hiện nay đã lỗi thời, cản trở Việt Nam hội nhập.


"Thứ ba là tìm cơ chế khác, tôi nghĩ là như vậy, để giải quyết bức xúc xã hội. Thí dụ như bây giờ vấn đề Formosa giải quyết như thế nào? Đóng cửa Formosa thì chắc là không, nhưng phải có một biện pháp phù hợp.


"Thì biện pháp này có khi lại làm cho Đảng phải ra những quyết định mà từ trước đến giờ Đảng chưa muốn thực hiện. Thí dụ như có những tin đồn hiện nay như sẽ cho ngưng chức (một cựu quan chức tỉnh ủy Hà Tĩnh) là gọi là một tác nhân đầu tiên góp phần chính yếu vấn đề đưa Formosa đi vào hoạt động... Đó là tôi cũng nghe một tin đồn thế thôi.


"Đó là xử đến cấp Ủy viên Trung ương (nếu có) thì đó cũng là một tiền lệ mới, từ trước đến giờ, vì vấn đề sai phạm pháp luật, hay là tham nhũng, thì cũng ít có khi nào mà xử các Ủy viên Trung ương lắm. Còn xử những Ủy viên Bộ Chính trị trước đây, chẳng hạn như ông Hoàng Văn Hoan, ông Trần Xuân Bách, thì nó chỉ là vấn đề chính trị, vấn đề đường lối, vấn đề quan điểm.


"Đây (nếu có) sẽ tạo ra một tiền lệ mới trong đảng về vấn đề xử lý, chứ không xử thì không yên với dân được về vấn đề Formosa đâu," blogger Nguyễn An Dân, một người làm việc trong lĩnh vưc tư vấn chính trị, chính sách ở Việt Nam nói với BBC.


Xa cách lý thuyết - thực tế


Cũng từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), nêu quan điểm về thực chất của Hội nghị, ông nói:


"Đến Hội nghị Trung ương 4 kỳ này, tôi có cảm giác là ông Nguyễn Phú Trọng đang bế tắc, nó khác hẳn với tâm thế được coi là thắng lợi gần như trọn vẹn của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 12, và dường như ông lặp lại một phương pháp luận từ thời ông ở Tạp chí Cộng sản, chứ không phải đi vào tình hình nước sôi, lửa bỏng như là bà con hay nhắc tới, điều mà dân có thể 'chết ngay lập tức', 'chết đứ đừ' lập tức.


"Sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế vẫn là một căn bệnh kinh khủng, căn bệnh mấu chốt và từ đời này sang đời khác của những người cộng sản, đặc biệt là những người 'cộng sản kinh viện' như ông Nguyễn Phú Trọng. Và đó là tử huyệt của Chủ nghĩa Cộng sản, nếu có chủ nghĩa cộng sản đó. Đó là vấn đề thứ nhất mà tôi muốn nêu.


"Vấn đề thứ hai, không có gì ngạc nhiên nếu trong diễn văn 'chào mừng' Hội nghị Trung ương 4, tôi dùng từ 'chào mừng' của ông Nguyễn Phú Trọng, lại không có từ Formosa nào ở trong đó, hoặc là nếu có, cũng chỉ ít mà thôi, tại vì nếu chúng ta so sánh thì sau vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014, thì thậm chí sau đó là Hội nghị Trung ương và sau đó Quốc hội cũng không có một báo cáo công khai nào và một Nghị quyết nào về vấn đề Biển Đông.


"Biển Đông lớn như thế mà còn không đặt ra thì huống chi là vấn đề Formosa, tôi cho rằng đây cũng là một sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế và người ta đang muốn ba không: 'không nghe, không thấy, không biết' và cuối cùng sẽ là không còn cái gì hết," Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) nói với BBC.


Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), nhà phân tích về chính trị và chính sách, chiến lược, chia sẻ với Bàn tròn thứ Năm về một khía cạnh trong thực chất của kỳ Hội nghị, ông nói:


"Những chuyện khác như chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa, đến ngay trong bài mở đầu ấy, ông cũng nói rằng phải xem thêm vì bản thân trong nội bộ họ (BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), họ cũng chưa hiểu lắm.


"Đưa ra chuyện ấy để mọi người ở trong Hội nghị Trung ương ấy bàn để xong rồi người ta công bố cái bàn (luận) ấy ra, rồi mình xem xem là họ hiểu như thế nào?", Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC. - BBC


***

Ngày 13/10 - ngày làm việc thứ năm của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương làm việc tại Hội trường.


Buổi sáng, Trung ương thảo luận về Đề án "Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới."


Ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.


Buổi chiều, Trung ương nghe hai báo cáo chuyên đề: Về tình hình Biển Đông gần đây và chủ trương, biện pháp của ta; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.


Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành hội nghị./. - vietnamplus

|

|


12.

Nga ‘võ mồm’ khi nói muốn quay lại căn cứ quân sự Cam Ranh


Bộ Trưởng Quốc phòng Nga mới đây nói với các nghị sĩ nước này rằng Nga đang xem xét khả năng quay lại các căn cứ quân sự của nước này ở Việt Nam và Cuba. Tại Việt Nam, Nga đã từng có căn cứ quân sự tại vịnh Cam Ranh cho đến năm 2002. Một chuyên gia về quân sự quốc tế cho rằng tuyên bố này của Nga rất khó thành sự thật vì sẽ đặt Việt Nam vào tình thế khó. 


Được cái này phải mất cái khác


Hôm 7 tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov nói với các nghị sĩ nước này rằng Nga sẽ xem xét khả năng thiết lập những cơ sở quân sự tại các vùng xa biên giới với Nga, mà cụ thể là lấy lại những căn cứ quân sự có từ thời Xô Viết ở Việt Nam và Cuba. Tuyên bố này một mặt cho thấy mong muốn trở lại vị trí siêu cường như dưới thời Liên Xô của Nga, mặt khác cũng cho thấy sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Nga và một siêu cường khác là Mỹ.


Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 13 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã khẳng định một lần nữa chính sách ba không của Việt Nam bao gồm không cho phép đặt căn cứ quân sự của nước ngoài trên đất Việt Nam.


Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về chính trị và quốc phòng thuộc học viện Quốc phòng Úc, cho rằng mong muốn này của Nga sẽ đặt Việt Nam vào một tình thế khó.


Gs. Carl Thayer: Việt Nam có chính sách 3 không trong đó có một cái không là không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài. Cho nên mặc dù Nga có tiếp cận đặc biệt đối với vịnh Cam Ranh nhưng đó không phải là căn cứ quân sự. Thứ hai điều này cũng đặt Việt Nam vào tình thế khó khi Nga tiến gần hơn lại với Trung Quốc. Vladimir Putin gần đây cũng lên tiếng phản đối kết luận của tòa quốc tế… điều này cho thấy là Nga được cái này phải mất cái kia. Họ không thể tiến gần lại với Trung Quốc mà lại để Việt Nam trả giá, trong khi vẫn trông đợi Việt Nam cho họ tiếp cận tới các cơ sở quân sự.


Nga đã thuê vịnh Cam Ranh của Việt Nam làm căn cứ quân sự từ hồi năm 1978 nhưng sau đó đã rút đi vào năm 2002 do những khó khăn về tài chính và theo như giới chức của Nga nói thì động thái rút quân khỏi căn cứ này là để cho thấy thiện chí của Tổng thống Nga Putin với Mỹ khi quan hệ hai bên đang tốt đẹp. Hồi tháng 3 năm nay, Việt Nam đã cho khai trương cảng quốc tế Cam Ranh là nơi tàu thuyền nước ngoài có thể đến vì các mục đích sửa chữa, bảo dưỡng. Đây cũng là nơi chứa đội tàu ngầm kilo mà Việt Nam mua của Nga và vì vậy cho phép Nga đặt các cơ sở giúp Việt Nam bảo trì, sửa chữa các thiết bị này tại đây.


Việt Nam hiện cũng đang vướng vào tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở biển Đông. Mối quan hệ hai nước đã xấu đi đặc biệt vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa mà cả hai nước đều đòi chủ quyền và hiện do Trung Quốc nắm giữ.


Để đối phó với sức ép từ Trung Quốc, Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng cường quan hệ về nhiều mặt với Hoa Kỳ. Vào năm 2010, khi là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam đã thành công khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố lần đầu tiên ở Hà Nội rằng Hoa Kỳ có quyền lợi tại khu vực biển Đông. Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao đã nói về quan điểm cân bằng quan hệ với các cường quốc mà Việt Nam đang theo đuổi liên quan đến tranh chấp biển Đông như sau:


Ts. Trần Trường Thủy: liên quan đến lợi ích các nước ngoài khu vực trong đấy thì lợi ích của Mỹ là quan trọng như Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố các lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, thì như thế Mỹ can dự hay như bà nói là can thiệp vào Biển Đông thì trên cơ sở lợi ích của Mỹ. Và cái phương thức đối ngoại của chúng ta là tăng các điểm đồng lợi ích, như vấn đề nào đồng lợi ích trong chính sách đối ngoại của Việt Nam mà cũng lợi ích thì chúng ta cùng khai thác. Trong đấy, đối với chính sách Biển Đông thì chúng tôi nghĩ là càng nhiều sự đan xen lợi ích quốc tế ở Biển Đông thì càng tốt trong việc biến Biển Đông thành vấn đề của khu vực và của thế giới, và qua đó kiềm chế các hành động có thể hung hăn hay hiếu chiến của Trung Quốc, và giữ hòa bình và ổn định để phục vụ lợi ích của ta.


Vì Nga, Việt Nam đã gặp phải tình thế khó khăn với Mỹ vào năm 2014, khi máy bay chiến đấu của Nga đến tiếp liệu tại vịnh Cam Ranh và sau đó bay qua căn cứ không quân của Mỹ tại Guam. Hoa Kỳ ngay sau đó đã lên tiếng yêu cầu Việt nam không cho phép Nga sử dụng vịnh Cam Ranh để tiếp liệu và thực hiện những chuyến bay khiêu khích như vậy.


Mặt khác, giáo sư Carl Thayer cho rằng, dù Nga là bạn lâu năm của Việt Nam, nhưng ở tình thế mới Việt Nam cũng khó đặt lòng tin vào sự giúp ích của căn cứ quân sự Nga đối với Việt Nam, và điều này cũng không thực sự có lợi cho Trung Quốc.


Gs. Carl Thayer: trước kia khi Nga còn có căn cứ ở Cam Ranh, họ có trạm thu nhận tín hiệu và thông tin tình báo, để thu thập thông tin về các tàu chiến ở Ấn Độ dương và vùng Tây Thái Bình Dương. Mặc dù Việt Nam không xác định Trung Quốc là kẻ thù nhưng những gì Việt Nam đang làm là chuẩn bị cho mình để ngăn chặn Trung Quốc. Vậy anh cần phải làm gì với Nga, nước muốn thân với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng lúc. Liệu bạn có thể tin tưởng họ được không nếu họ thiết lập cơ sở thu thập thông tin ở Việt Nam và nếu họ cung cấp thông tin cho Việt Nam thì điều này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của Trung Quốc.


Chỉ là ‘võ mồm’?


Tuyên bố mới của Nga được đưa ra giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Nga đang gia tăng. Hai nước có những bất đồng liên quan đến những thảo luận về ngưng bắn ở Syria. Nga mới đây cũng đã cho chuyển những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến gần biên giới với Ba Lan.


Hồi giữa tháng 9 vừa qua, Nga và Trung Quốc cũng tiến hành tập trận chung ở biển Đông. Theo các chuyên gia quốc tế, đây là một động thái cho thấy mối hợp tác quân sự gia tăng giữa hai nước để đối phó với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Giáo sư Carl Thayer cho rằng những hành động gần đây của Nga cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn quay lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Mặt khác điều này cũng đặt Việt nam vào tình thế khó và do đó những gì mà Nga tuyên bố có thể chỉ là ‘võ mồm’


Gs. Carl Thayer: Theo tôi Nga không thể đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh trong khu vực khi họ tập trận chung với Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến Nhật BẢn, hay cho máy bay tiếp nhiên liệu ở Việt Nam như vụ vài năm trước và khiến Việt Nam khó chịu… Việt Nam sau đó đã không muốn thảo luận vấn đề này vì nó quá nhạy cảm. Thái độ đó ép Việt nam phải chọn một bên nào đó. Việt nam rất độc lập về mặt này và họ sẽ kháng cự lại sức ép đó. Mộ người bạn truyền thống như Nga đối với Việt Nam thì không nên đặt Veietj nam vào vị trí khó xử. Cho nên có thể đây chỉ là võ mồ của Nga về những gì mà họ muốn làm.


Hiện Việt Nam cũng là nước mua rất nhiều vũ khí từ Nga. Theo giáo sư Carl Thayer, hơn 90% những vũ khí mà Việt Nam mua trong vòng 4 năm qua là đến từ Nga. Tuy nhiên điều này dường như đang thay đổi khi có những dấu hiệu trong năm nay cho thấy Việt Nam đang tìm mua những chiếc máy bay thay thế cho MiG 21 và SU 22 đã cũ của Nga bằng những máy bay từ những nguồn khác. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Nga đã có lúc chịu sức ép của Trung Quốc và giao hàng chậm cho Việt Nam. Điều này đã khiến Việt Nam khó chịu và vì vậy đang tìm cách đa dạng hóa nguồn mua vũ khí, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Điều này cũng tương tự như những gì Việt Nam đã làm khi mời tàu của nhiều nước ghé qua cảng Cam Ranh trong thời gian qua. - RFA

No comments:

Post a Comment