Tin Thế Giới
1.
Mỹ lưu ý tổng thống Duterte về những tuyên bố bốc đồng --- Bỏ Mỹ theo Tàu: Bốn điều tổng thống Philippines cần biết
Lời lẽ "bốc đồng" và cuộc chiến chống tội phạm đẫm máu của tổng thống Philippines làm thế giới ngày càng quan ngại. Một quan chức ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ hôm nay 24/10/2016 đã đưa ra cảnh báo như trên tại Manila.
Trong buổi gặp bộ trưởng Quốc Phòng và ngoại trưởng Philippines, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách vùng Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel lấy làm lo lắng về những "chuỗi tuyên bố gây tranh cãi, những bình phẩm và bầu không khí mập mờ về những ý định của Philippines đã khiến nhiều nước sửng sốt."
Theo ông Daniel Russel, mối lo đó không chỉ riêng Hoa Kỳ, nhiều chính phủ trong khu vực lo ngại mà còn "lan rộng trong nhiều cộng đồng khác, cộng đồng người Phi ở hải ngoại, trong các phòng họp doanh nghiệp. Đó là một chiều hướng không mấy tích cực".
Trao đổi trực tiếp với ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, ông Daniel Russel còn bày tỏ mối quan ngại của Hoa Kỳ về cuộc chiến chống tội phạm ma túy của tổng thống Duterte. Chỉ trong vòng có 4 tháng, hơn 3700 người đã bị giết chết mà không thông qua một quy trình xét xử nào.
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại "tầm quan trọng" của "trình tự tố tụng và việc tôn trọng quyền công dân phải được xem như là một phần quan trọng trong việc bảo vệ các cộng đồng đôi bên". Ông cho rằng "tính bất ổn ngày càng lớn về vấn đề này cũng như trên nhiều hồ sơ khác cũng sẽ làm cho việc kinh doanh thêm xấu đi".
Những lời cảnh báo trên của trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ được đưa ra trong bối cảnh hồi cuối tuần vừa qua, tổng thống Philippines trong chuyến công du Bắc Kinh bốn ngày đã thông báo « chia tay » với Hoa Kỳ. Nhưng ngay sau đó, ông Duterte đã hạ giọng, giải thích lại rằng ông không có ý định cắt đứt hẳn mối liên kết Hoa Kỳ - Philippines có được từ 70 năm qua.
Biển Đông: Manila muốn Bắc Kinh tỏ thiện chí trước
Liên quan đến Biển Đông, ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, khi trả lời phỏng vấn đài ABS-CBN cho biết chính quyền Manila hy vọng Bắc Kinh "sẽ có bước đi đầu tiên xa hơn sao cho có thể tiến hành mở cuộc đàm phán đầu tiên giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông và càng sớm càng tốt".
Philippines trông đợi phía Trung Quốc sẽ đưa ra những thiện chí trước trong vài tuần tới đây, để từ đó Manila sẽ có những cử chỉ đáp trả, mở ra khả năng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. - RFI
***
Tuyên bố tại Bắc Kinh của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 20/10/2016 - "Tôi loan báo quyết định chia tay với Mỹ, cả về quân sự lẫn kinh tế" - đã làm dấy lên biết bao bình luận, đặc biệt trong các nước khu vực Đông Nam Á. Nhật báo Singapore The Straits Times ngày 22 tháng 10 vừa qua, đã phân tích tình hình Philippines, để nhắc nhở vị tổng thống nổi tiếng ăn nói lung tung này là phải chú ý đến một số thực tế khi quyết định "bỏ Mỹ theo Tàu".
Đối với Ravi Velloor, tác giả bài viết trên tờ báo Singapore, lời lẽ của ông Duterte không có gì là đáng ngạc nhiên. Là một người có xu hướng hơi thiên tả một chút, trong nhiều tháng qua, ông đã không tiếc lời đả kích siêu cường duy nhất hiện nay, vốn là đồng minh kết ước của nước ông.
Thế nhưng bối cảnh lần này đáng chú ý hơn, vì tuyên bố gây sửng sốt đó đã được thực hiện trước một nhóm doanh nhân Trung Quốc và Philippines, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu dựa trên chỉ số sức mua theo đầu người (PPP). Và để cho câu nói của mình thêm trọng lượng, ông Duterte đã kèm theo một số lời nguyền rủa tổng thống Barack Obama như thường lệ.
Theo The Straits Times, ông Duterte rất tức giận phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vì đã chỉ trích ông về mặt nhân quyền kể từ khi ông tung chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines, trong khi ông lại được Bắc Kinh loan báo tặng 15 triệu đô la để hỗ trợ chương trình chống ma túy của ông. Tuy nhiên, đối với tờ báo Singapore, ông Duterte có lẽ đã đẩy vấn đề đến cực hạn, và đã lao vào một canh bạc hệ trọng nhất trong cuộc đời ông.
Chủ nghĩa dân tộc Philippines
Tờ báo đã nhắc nhở tân lãnh đạo Philippines 4 điều, mà đầu tiên hết là chủ nghĩa dân tộc tại Philippines.
Trước đây, chủ nghĩa dân tộc đó có đối thủ là Mỹ, một tình trạng kéo dài cho đến khi Hoa Kỳ rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark trong những năm 1990. Thế nhưng hiện nay, chủ nghĩa dân tộc đó đã chuyển thành chống Trung Quốc sau các hành vi hung hăng và quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Cho dù ngành công nghiệp và kinh doanh ở Philippines, cũng như ở nhiều quốc gia ở Đông Nam Á khác, đều do người gốc Hoa thống tri, nhưng tâm lý chống Trung Quốc do vấn đề Biển Đông lại rất phổ biến. Chính yếu tố đó đã khiến cho người tiền nhiệm của ông Duterte là cựu tổng thống Benigno Aquino rất được lòng dân.
Có lẽ cựu thị trưởng thành phố Davao đã nghĩ rằng chỉ số được lòng dân cực cao của ông - ông đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các tổng thống được lòng dân nhất sau 100 ngày đầu tiên tại chức, chỉ thua ông Fidel Ramos mà thôi – sẽ đủ để giúp ông chống lại tình cảm chung của người dân Philippines, mà một kết quả thăm dò mới nhất cho thấy là có đến hai trên ba người có thiện cảm với Mỹ, so với vỏn vẹn 31% không thích Mỹ và Trung Quốc.
Trọng lượng phương Tây trong kinh tế Philippines
Điểm thứ hai, mà ông Duterte cần ghi nhớ là trọng lượng của phương Tây và Mỹ trong kinh tế Philippines.
Khi ông loan báo "chia tay" với Mỹ cả trên mặt kinh tế, có lẽ ông đã không tính đến một thực tế không gì lay chuyển nổi : đó là việc kinh tế Philippines đã khởi sắc nhờ vào việc giành được một mảng lớn chưa từng thấy của ngành công nghiệp gia công "thuê ngoài (outsourcing)" trên thế giới, bắt nguồn từ quan hệ chặt chẽ của Philippines với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ.
Manila hiện nay được coi đã vượt qua Mumbai (Ấn Độ) trong tư cách là điểm đến được ưa chuộng của những tập đoàn công ty muốn thuê ngoài để xử lý các dịch vụ gia công. Các thành phố như Cebu ở Philippines cũng xuất hiện trên bản đồ ngành outsourcing, vì thế giới ngày càng phát hiện ra tài năng nói tiếng Anh của cư dân trong quần đảo.
Kể từ khi tập đoàn hàng đầu thế giới là Accenture thiết lập các đơn vị outsourcing đầu tiên tại Philippines vào năm 1992, ngành này hiện đang sử dụng gần một triệu người và mang lại hơn 16 tỷ đô la doanh thu cho Philippines.
Do việc các khách hàng của Philippines đều là các tập đoàn đa quốc gia phương Tây, ông Duterte có thể đẩy vận mệnh của hàng trăm ngàn thanh niên Philippines vào hiểm cảnh nếu xa rời Mỹ về mặt chiến lược.
Ngoài ra, theo The Straits Times, còn có vấn đề kiều hối, nguồn ngoại tệ quan trọng cho Philippines.
Hơn hầu như bất kỳ nền kinh tế nào khác, Philippines lệ thuộc rất nhiều vào số 30 tỷ đô la mà nước này nhận được hàng năm từ những người lao động ở ngoại quốc gửi về. Nguồn kiều hối từ Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh đứng đầu bảng, nhưng sát theo sau là Hoa Kỳ. Với giá dầu sụt giảm, nguồn kiều hối từ vùng Vịnh đang ít đi.
Trong trường hợp mà Mỹ áp đặt các hạn chế hoặc đánh thuế trên các khoản kiều hối gởi về Philippines để trả đũa ông Duterte, có thể sẽ có làn sóng phản đối của các gia đình trên toàn quốc vốn đang sống nhờ vào các khoản tiền này.
Cựu Tổng thống Ramos, người đã từng khuyến khích ông Duterte ra tranh chức tổng thống, và vẫn có ảnh hưởng rộng rãi ở Philippines, giờ đây đã rời xa người ông bảo trợ.
Quân đội cũng đang lo lắng quan sát xem người đứng đầu nhà nước ra lệnh tháo dỡ những cấu trúc chiến lược đã được thử nghiệm trong một thời gian dài.
Và các nước Đông Nam Á cũng không tránh khỏi một giai đoạn bất an khi thấy ông Duterte cố tìm cách xét lại quan hệ hữu cơ trong hàng thập kỷ giữa nước ông với Washington
Động thái của Tập Cận Bình ?
Tuy nhiên, theo The Straits Times, điều cần theo dõi sắp tới đây không phải là động thái của ông Duterte, mà là của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nếu ông Tập Cận Bình không cho phép ngư dân Philippines trở lại ngư trường truyền thống của họ xung quanh bãi cạn Scarborough, điều đó nó sẽ chứng tỏ là ông bỏ rơi một người hâm mộ mới trong khối ASEAN, và như vậy sẽ giáng một đòn chính trị chí mạng trên đầu ông Duterte.
Nhưng trả bãi Scarborough lại cho Manila, là điều trước mắt không thể làm được cho dù đã có một phán quyết trọng tài có lợi cho Manila. Bởi vì Bắc Kinh sẽ phải cẩn trọng về những gì có thể xẩy ra nếu chẳng may ông Duterte đột ngột rời khỏi chính trường, hay là bị cách chức. Dẫu sao thì Philippines, đã có một lịch sử lâu dài về các các cuộc đảo chính nối tiếp nhau...
Washington, cũng không thể ngồi yên trong lúc ông Duterte tìm cách thay đổi bàn cờ mà Mỹ đã thiết lập ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Dẫu sao thì chính bà Hillary Clinton là người trong tư cách ngoại trưởng Mỹ, đã đứng trên một tàu chiến Mỹ neo đậu trong vịnh Manila và lần đầu tiên gọi Biển Đông là "Biển Tây Philippines".
Tóm lại, trong mắt The Straits Times, Đông Nam Á đang bước vào một thời kỳ thú vị rất đáng được theo dõi. - RFI
|
|
2.
Cam Bốt cấm lãnh đạo đối lập Sam Rainsy hồi hương
Nhật báo Cambodia Daily, số ra ngày 24/10/2016, cho biết, trong tuần qua, chính quyền Phnom Penh đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong tại Pháp.
Theo nguồn tin này, ngày 12/10, Hội đồng bộ trưởng Cam Bốt đã ra chỉ thị cấm ông Sam Rainsy nhập cảnh qua đường hàng không. Trên cơ sở này, ngày 18/10, bộ phận xuất nhập cảnh bộ Nội Vụ Cam Bốt đã ra thông báo cấm lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc nhập cảnh qua đường bộ, hàng không hay đường biển.
Ông Sam Rainsy đang bị tư pháp Cam Bốt truy nã với tội danh xuyên tạc, nói xấu. Từ tháng 11/2015, chính trị gia này quay sang Pháp để tránh phải thụ án tù 2 năm.
Chủ nhật, 23/10, qua thư điện tử, ông Rainsy cho biết vẫn quyết tâm trở về Cam Bốt bằng cách nay hay cách khác, nhưng hiện nay chưa thể tiết lộ kế hoạch này. Trước đây, lãnh đạo đảng đối lập bày tỏ mong muốn trở về Cam Bốt trước khi có cuộc bầu cử lập pháp vào năm 2018.
Đại diện đảng cầm quyền, đảng Nhân Dân Campuchia, cho rằng việc ông Rainsy hồi hương sẽ gây ra rối loạn như biểu tình, bạo loạn, đổ máu.
Giới luật gia cho rằng lệnh cấm nhập cảnh đối với ông Raincy mâu thuẫn với luật pháp và Hiến Pháp của Cam Bốt. - RFI
|
|
3.
Tây Ban Nha có chính phủ sau 10 tháng khủng hoảng chính trị
Hôm qua, 23/10/2016, đảng Xã Hội Tây Ban Nha đã chấp nhận không tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại Quốc Hội, qua đó, cho phép Tây Ban Nha có được một chính phủ sau hơn 10 tháng khủng hoảng chính trị.
Ông Mariano Rajoy tuy trở thành thủ tướng, nhưng lãnh đạo một chính phủ cách hữu thiểu số tại nghị viện.
Từ Madrid, thông tín viên François Musseau phân tích hệ quả của việc đảng cánh tả Xã Hội chấp nhận để cho cánh hữu lập chính phủ :
"Quyết định của đảng Xã Hội có nhiều hệ quả quan trọng, ngoài việc cho phép ông Mariano Rajoy tiếp tục làm thủ tướng.
Trước tiên, quyết định này cho thấy đảng Xã Hội đã bị suy yếu nghiêm trọng, bị mất hơn một triệu rưỡi phiếu trong hai năm qua. Quyết định cũng thể hiện rõ sự chia rẽ sâu sắc bên trong đảng này, giữa một bên là những người chấp nhận để phe bảo thủ tiếp tục cầm quyền và bên kia là những người chống lại bằng mọi giá với lý do đó là một đảng tham nhũng, áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.
Về phía cánh hữu của thủ tướng Rajoy, phe này tỏ ra hài lòng cho dù về mặt chính thức thì tỏ ra thận trọng và nói tới tinh thần cởi mở, chấp nhận thỏa hiệp.
Một đảng khác cũng thủ lợi nhiều là đảng cánh tả cấp tiến Podemos, lực lượng chính trị đứng hàng thứ ba ở nghị viện. Với quyết định của đảng Xã Hội chấp nhận cho cánh hữu lên cầm quyền, Podemos trở thành lực lượng đối lập duy nhất đối mặt với tân chính phủ của ông Rajoy. Podemos tự tuyên bố là chính đảng thay thế duy nhất cho các đảng phái truyền thống, cổ hủ và giới tinh hoa.
Đây là một nguy cơ to lớn đối với đảng Xã Hội, được thành lập cách nay hơn một thế kỷ. Đảng này giờ đây bị coi là một thằng ngốc cần thiết của cánh hữu và đang trên đà suy thoái không cưỡng lại nổi". - RFI
|
|
4.
Trung Quốc: Hội Nghị Trung Ương Đảng nhấn mạnh đến kỷ luật --- Ý đồ chính trị của Tập Cận Bình vẫn là một ẩn số --- Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực?
Gần 400 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc tập hợp về Bắc Kinh dự hội nghị mở ra từ ngày 24 đến 27/10/2016. Kỷ luật Đảng là trọng tâm Hội nghị 6 khóa 18 nhưng theo giới quan sát, ở hậu trường, sẽ là một cuộc đọ sức quyết liệt giữa các phe phái để giành quyền kiểm soát nền kinh tế thứ 2 toàn cầu.
Một chuyên gia về tình hình chính trị Trung Quốc thuộc đại học Mỹ Harvard Anthony Saich được AFP trích dẫn, cho rằng tại cuộc họp lần này ở Bắc Kinh, phe cánh của ông Tập Cận Bình và những thành phần cảm thấy quyền lợi của họ bị đe dọa sẽ đọ sức với nhau. Về phần mình, giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), đại học Hồng Kông thì lưu ý "tham vọng chính trị vô đáy" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tất cả các nhà quan sát đều nhận định, Hội Nghị Trung Ương lần này sẽ bàn thảo về vấn đề nhân sự để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, mở ra vào tháng 10/2017.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại tầm mức quan trọng của cuộc họp thường niên này. Năm 2015, Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chính thức thông báo chấm dứt chính sách một con. Theo các nguồn tin chính thức từ Bắc Kinh, trọng tâm năm nay là "các điều lệ giám sát trong nội bộ Đảng", đây là cụm từ để chỉ chính sách bài trừ tham nhũng đã được ông Tập Cận Bình đề xuất từ khi lên cầm quyền cuối 2012- đầu 2013.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập phát động đã tấn công cả vào thành trì kiên cố của cựu lãnh đạo công an Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang. - RFI
***
Một năm trước Đại Hội Đảng lần thứ 19 được dự trù tổ chức vào tháng 10/2017, ý đồ chính trị của tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn được giữ kín. Ẩn số vẫn còn nguyên vẹn về danh tính những người có thể lên thay thế hai ông Tập Cận Bình- Lý Khắc Cường sau 10 năm họ điều hành đất nước.
Nhiều dấu hiệu rạn nứt giữa hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường càng khiến giới quan sát quốc tế thận trọng trước những nước cờ của chủ tịch Trung Quốc.
Vào lúc 370 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp kín tại Bắc Kinh, giới phân tích xem đây là một khóa họp quan trọng, vì có thể hé lộ một vài thông tin về về vai trò của Tập Cận Bình sau 10 năm lãnh đạo đất nước.
Kể từ khi lên cầm quyền, cuối năm 2012- đầu 2013, ông Tập Cận Bình đã từng bước thâu tóm quyền lực. Chính sách bài trừ tham nhũng, « đả hổ diệt ruồi » của ông đã khiến nhiều nhân vật trong hàng ngũ quân đội, đảng viên ở mọi cấp phải run sợ. Theo thống kê chính thức của Cơ quan Kỷ luật Trung ương Đảng, từ năm 2013 tới nay, hơn một triệu đảng viên đã bị trừng phạt hay đình chỉ chức vụ vì tội tham nhũng.
Ở cấp cao nhất, sau việc loại Chu Vĩnh Khang, nguyên bộ trưởng bộ Công An, từng là ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và cũng là người từng lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc, ông Tập đã "thêm thù, bớt bạn".
Trên chính trường Bắc Kinh, một số người xem chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" là phương tiện để ông Tập loại các đối thủ cả trong hàng ngũ Đảng lẫn bên quân đội.
Dù vậy, như nhận xét của Dexter Roberts , hãng tin Bloomberg, ông Tập Cận Bình, từng phục vụ trong quân đội, vẫn còn duy trì ảnh hưởng lớn với bộ phận này.
Cho tới thời gian gần đây, hai nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc là các ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhoa), Tôn Chánh Tài (Sun Zhengcai) bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và Trùng Khánh được coi là có triển vọng được đề cử thay thế cặp bài trùng Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường.
Nhưng theo như ghi nhận của nhà chính trị học Joseph Fewsmith, đại học Boston, Hoa Kỳ chưa chắc là hai ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chánh Tài đã "lọt vào mắt xanh" của ông Tập.
Trong trường hợp hai nhân vật nói trên bị gạt ra ngoài danh sách những người có thể lên thay thế Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường, điều đó có nghĩa là ông Tập cảm thấy an tâm về thế lực của mình. Chuyên gia Joseph Fewsmith đại học Boston không loại trừ khả năng lãnh đạo số một Trung Quốc gài một người thân tín, xuất thân từ Chiết Giang, bệ phóng chính trị của họ Tập. Trong thời gian từ 2002 đến 2007, ông Tập Cận Bình từng là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.
Giả thuyết chủ tịch Trung Quốc chọn người thừa kế xuất thân từ Chiết Giang lại càng được củng cố khi một số nhà quan sát nhận thấy rằng, giữa ông Tập và thủ tướng Lý Khắc Cường có nhiều bất đồng.
Mùa xuân năm nay ông Tập Cận Bình đã tấn công Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, vốn được coi là lò đào tạo các lãnh đạo tương lai. Đoàn Thanh Niên Cộng Sản là điểm khởi đầu cho sự nghiệp chính trị của thủ tướng Lý Khắc Cường và tổ chức này từng được cựu chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào ưu ái.
Do vậy, giới phân tích không loại trừ khả năng, qua Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Tập Cận Bình gián tiếp tấn công ông Hồ Cẩm Đào và phe nhóm, đồng thời làm suy yếu thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Tập có thể viện cớ các chương trình cải tổ kinh tế do thủ tướng họ Lý tiến hành chậm đem lại kết quả mong muốn, để triệt hạ một đối thủ tiềm tàng.
Tuy vậy, như ghi nhận của hãng tin Bloomberg, những tính toán của ông Tập Cận Bình nhắm vào người tiền nhiệm và trong một chừng mực nào đó là nhắm vào thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chẳng mấy rõ ràng.
Gần đây, ông Tập đã chính thức ca ngợi những đóng góp to lớn của ông Hồ Cẩm Đào cho sự thành công của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lại cũng nhân vật số một trong guồng máy lãnh đạo Bắc Kinh vừa cất nhắc một người thân cận với Hồ Cẩm Đào.
Nói tóm lại, như đánh giá của giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), đại học Hồng Kông, tham vọng chính trị của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không biết đâu mà lường.
Hội Nghị Trung Ương 6, khóa 18, có thể là dịp để các phe phái xem chừng lẫn nhau, và chắc chắn là ở hậu trường chính trị Bắc Kinh đang diễn ra những vụ thanh toán, hoặc dàn xếp để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào mùa thu năm tới. - RFI
***
Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc cần các luật lệ nhằm củng cố “đội ngũ lãnh đạo cốt lõi”, Reuters dẫn lại Nhân dân Nhật báo, nhận định rằng tờ báo đảng đang ám chỉ việc tập trung hóa quyền lực thêm nữa cho Chủ tịch Tập Cận Bình sau nhiều thập kỷ duy trì hình thức lãnh đạo tập thể.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông báo rằng các quy định về đời sống chính trị bên trong đảng sẽ được mang ra thảo luận trong hội nghị trung ương kéo dài 4 ngày, khai mạc hôm 24/10.
Các quy định này được giới thiệu năm 1980 nhằm ngăn chặn tình trạng tôn sùng cá nhân, sau khi sự nắm quyền của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Các quy định nhằm mục đích làm rõ rằng quyền lực không thể được đặt trong tay của một người, hoặc một nhóm nhỏ như Bè lũ Bốn tên, do vợ của ông Mao đứng đầu nhằm thâu tóm quyền lực sau khi chồng qua đời năm 1976.
Trong bài bình luận dài trên trang nhất, Nhân nhân Nhật báo viết rằng kể từ năm 1980, các quy định trên đã bảo đảm rằng đời sống chính trị bên trong đảng đã “trở lại bình thường”, và giúp mang lại ba thập kỷ bùng nổ kinh tế.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết thêm rằng sau 36 năm, các nhà lãnh đạo tại hội nghị trung ương sẽ đặt ra các quy định mới.
Điều này sẽ “củng cố đội ngũ lãnh đạo cốt lõi năng động hơn và mạnh hơn, sẵn sàng và chờ đợi dẫn dắt Trung Quốc tại điểm khởi đầu mới”.
Nhân dân Nhật báo không nói rõ các quy định sẽ được thay đổi như thế nào.
Cố lãnh đạo đầy quyền lực của Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, là người khởi xướng thuật ngữ lãnh đạo “cốt lõi” để chỉ ông Mao Trạch Đông là lãnh đạo thế hệ đầu của Trung Quốc, bản thân ông Đặng là thế hệ hai và ông Giang Trạch Dân là thế hệ thứ ba.
Thuật ngữ này có nghĩa là họ có quyền lực tối thượng và không thể bị xét hỏi. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình chưa xác nhận tiếp tục theo đuổi xu hướng đó.
Kể từ khi nhậm chức gần 4 năm trước, ông Tập đã nhanh chóng củng cố quyền lực, trong đó có việc đứng đầu một nhóm cải cách kinh tế và tự bổ nhiệm mình làm tổng tư lệnh quân đội.
Theo Reuters, hội nghị trung ương sẽ diễn ra một cách bí mật, và khi bế mạc vào ngày 27/10, Tân Hoa Xã sẽ đăng tải một thông cáo dài, đầy rẫy các thuật ngữ cường điệu của cộng sản về những điều hội nghị đã đạt được.
Các quy định mới nhằm thúc đẩy chiến dịch của ông Tập nhắm vào tình trạng tham nhũng bám rễ sâu ở Trung Quốc cũng sẽ được công bố vào cuối kỳ hội nghị, báo chí nhà nước đưa tin. - VOA
|
|
5.
Ngoại giao con thoi Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 24/10 đặt chân tới thủ đô của Bắc Hàn, trong khi có tin quan chức ngoại giao hàng đầu nước này sắp sang Việt Nam.
Reuters dẫn lại hãng tin Nhật Bản, Kyodo, nói rằng đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc kể từ tháng Hai.
Chuyến công du của ông Lưu diễn ra trong bối cảnh Washington và các đồng minh đang thúc giục Bắc Kinh đồng ý với các biện pháp trừng phạt mới, nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an đối với Bình Nhưỡng sau khi Bắc Hàn thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 5 hồi tháng trước.
Hãng tin KCNA của Bắc Hàn đưa tin rằng ông Lưu dẫn đầu một phái đoàn Trung Quốc tới tham dự một cuộc họp thứ ba của ủy ban biên giới chung giữa Bắc Hàn và Trung Quốc.
Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn, nhưng thời gian qua phật lòng vì các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Kyodo đưa tin, quan chức hàng đầu phụ trách về đối ngoại của Bắc Hàn, Ri Su Yong, hôm 24/10 đã đặt chân tới Bắc Kinh, trên đường tới Việt Nam và Indonesia.
Hãng tin của Nhật cho biết rằng người ta đã nhìn thấy phó chủ tịch của Đảng Công nhân Triều Tiên ra khỏi cửa VIP tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, và được chào đón bởi quan chức Trung Quốc.
Kyodo đưa tin rằng ông Ri, một nhân vật thân tín của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, dự kiến sẽ tham dự một sự kiện của đảng cộng sản quốc tế kéo dài trong ba ngày từ ngày 28/10 ở Hà Nội.
Tuy nhiên, báo chí cũng như chính phủ Việt Nam chưa xác nhận thông tin về chuyến thăm của quan chức Bắc Hàn cũng như sự kiện mà Kyodo loan tin. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Mỹ và Bắc Triều Tiên bí mật gặp nhau ở Malaysia
Một số nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã bí mật gặp quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào cuối tuần qua, 22-23/10/2016. Cuộc họp diễn ra chỉ ít ngày sau khi Bắc Triều Tiên thử tên lửa Musudan tầm trung, vụ thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, và vào lúc cộng đồng quốc tế tìm cách cô lập hơn nữa Bình Nhưỡng vì các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tham gia phái đoàn Hoa Kỳ có ông Robert Galluci, trưởng đoàn đàm phán từng đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Bình Nhưỡng vào năm 1994 về chương trình tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên để đổi lấy sự giúp đỡ về kinh tế. Đại diện phía Bắc Triều Tiên có trợ lý ngoại trưởng Han Song Ryol, từng là trợ lý đại sứ tại Liên Hiệp Quốc.
Hãng tin Pháp AFP, trích nhiều nguồn tin, trong đó có thông tin từ bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, cho biết, hai ngày làm việc diễn ra trong khuôn khổ liên lạc không chính thức được biết dưới tên "Track 2". Hoạt động này được tổ chức không thường xuyên từ nhiều năm nay tại các địa điểm như Bắc Kinh, Singapore.
Theo chuyên gia Leon Sigal, người tham dự các buổi làm việc giữa hai bên, chủ đề trọng tâm vẫn là chương trình hạt nhân của chế độ Kim Jong Un. Trả lời hãng tin Hàn Quốc Yonhap, chuyên gia về hai miền Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng tái khẳng định cần đạt được một hiệp ước hòa bình với Washington trước khi đưa ra mọi quyết định về chương trình vũ khí. Còn phái đoàn Hoa Kỳ nhắc lại, trước hết Bắc Triều Tiên cần phải ngừng chương trình hạt nhân.
Dưới nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ từ chối đối thoại chính thức với Bắc Triều Tiên. Do không có bất kỳ liên lạc chính thức nào giữa Washington và Bình Nhưỡng, nên các buổi gặp gỡ như trên luôn được quan tâm theo dõi. Một số người chỉ trích chính sách hiện hành thì cho rằng các lệnh trừng phạt và thiếu đàm phán vẫn không ngăn được Bình Nhưỡng tăng cường chạy đua vũ khí và có thể đe dọa châu Mỹ.
Vào tháng 07/2016, Bắc Triều Tiên đã cắt đứt kênh đối thoại ngoại giao duy nhất còn lại với Hoa Kỳ nhằm trả đũa những biện pháp trừng phạt của Washington đối với chế độ Kim Jong Un. "Kênh New York" trên cho phép quan chức ngoại giao Mỹ và phái đoàn Bắc Triều Tiên trao đổi với nhau tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York).
Hội Đồng Bảo An hiện đang thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới sau vụ thử tên lửa lần thứ năm của Bắc Triều Tiên vào ngày 09/09/2016. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
7.
Đề nghị kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng: bước đầu của quy trình xử lý?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách vì có liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự khi còn tại chức, trong đó có việc bổ nhiệm con trai và ông Trịnh Xuân Thanh, giới chức hiện đang bị đảng Cộng sản truy lùng.
Tin cho hay tại kỳ họp thứ VII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đã bị đề nghị kỷ luật vì có các vi phạm, khuyết điểm, bao gồm thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một nhà phân tích chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác nhận tin này với VOA:
“Có cái đề nghị đó, nhưng liên quan phần lớn là về việc bổ nhiệm thôi, chứ còn Trịnh Xuân Thanh với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì người ta chưa xác định nguyên nhân cụ thể. Nhưng trong quá trình bổ nhiệm một số lãnh đạo, trong đó có con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì có liên quan”.
Ủy ban cho rằng ông Vũ Huy Hoàng đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp khi bổ nhiệm con trai là ông Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, sau đó tiếp tục đề cử con trai vào Hội đồng Quản trị và lên chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng cũng bị cho là có sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị truy lùng gắt gao vì các cáo buộc gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng khi còn đương chức ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
TS. Phạm Quý Thọ cho biết từ trước tới nay, đã xử lý kỷ luật như thể này hiếm khi xảy ra và chỉ ở cấp thấp, chưa bao giờ lên đến cấp bộ trưởng như bây giờ:
“Lần này có vẻ như có những tín hiệu thúc đẩy việc này một cách gọi là ‘không có vùng cấm’. Tuy nhiên, người ta đương chờ đợi, truyền thông và báo chí đang chờ đợi để xem là ‘không có vùng cấm’ đến đâu. Đó là điều mà người ta đang rất chờ đợi. Chắc là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng là một trong những trường hợp mà người ta thấy cụ thể nhất, liên quan đến những việc như là vụ Trịnh Xuân Thanh, một trong những cán bộ đã từng là, nguyên là Chánh văn phòng Bộ Công thương, sau đó mới giới thiệu vào trong tỉnh Hậu Giang”.
Trong khi đó, một số người trong dư luận cho rằng hình thức kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách” là quá nhẹ, quá nương tay so với những sai phạm được nêu của ông Vũ Huy Hoàng. Nhưng theo TS. Phạm Quý Thọ, đây có thể là bước đầu tiên trong quá trình xử lý kỷ luật theo quy trình:
“Theo quy định hiện hành của các lãnh đạo Việt Nam thì có 2 lần [kỷ luật]. Lần đầu tiên là những ai là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam thì đầu tiên người ta phải xử lý về hình thức Đảng trước, sau đó mới xử lý về mặt chính quyền. Thường thường các quan chức có tính chất chính sách, hoặc nguyên là chính sách thì người ta xử lý ở mức hoặc khiển trách, hoặc cảnh cáo. Xử lý xong về Đảng thì mới xử lý được phần kia”.
Ông Vũ Huy Hoàng có bằng tiến sĩ về kinh tế. Trước khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2016, ông từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch UBND các tỉnh Hà Tây và Lạng Sơn. - VOA
|
|
8.
Hải tặc Somalia phóng thích thủy thủ Việt
26 thủy thủ châu Á, trong đó có người Việt, đã được hải tặc Somalia trả tự do, sau gần 5 năm bị bắt giữ và phải ăn cả thịt chuột để cầm cự.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 23/10 ra thông cáo ngỏ lời cám ơn tới tất cả các cơ quan và cá nhân tham gia vào nỗ lực giải cứu các con tin, cũng như chuyển lời chúc mừng chân thành tới những người được thả.
Theo Reuters, bà Hoa cho biết rằng 26 thuyền viên Naham 3, tàu cá của Đài Loan bị các hải tặc Somalia bắt giữ tháng Ba năm 2012, đã được giải cứu hôm 22/10, và được đưa tới Kenya hôm 23/10 với sự trợ giúp của các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
29 thủy thủ trên Naham 3 bị giữ khi chiếc tàu treo cờ Oman bị bắt ở phía nam quần đảo Seychelles. Họ gồm 10 người Trung Quốc từ đại lục, 2 người Đài Loan, và 17 người khác từ Philippines, Indonesia, Việt Nam và Campuchia. Theo bà Hoa, ba người thiệt mạng sau vụ hải tặc.
Hãng tin AP dẫn lời ông Bile Hussein, đại diện của các hải tặc, nói rằng 1,5 triệu đôla đã được chi trả để các thủy thủ được tự do. Tuy nhiên, tuyên bố này không thể được kiểm chứng độc lập.
Báo Thanh Niên dẫn lời đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania (kiêm nhiệm Somalia và Kenya) hôm 23/10 cho biết rằng 3 con tin người Việt đã được trả tự do và đang làm thủ tục để về nước.
Còn báo điện tử VnExpress hôm 24/10 dẫn lời mẹ của một thuyền viên được phóng thích cho biết con bà đã gọi điện thông báo cho gia đình ở Hà Tĩnh, và “thông báo sẽ về Việt Nam trong hai ngày nữa”. - VOA
|
|
9.
Thủ tướng VN: Nếu xa rời Đảng, quân đội mất phương hướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như thế hôm 23/10, đồng thời nói rằng “không chấp nhận tư tưởng 'phi chính trị hóa' lực lượng vũ trang”.
Báo Dân Trí dẫn lời ông Phúc nói tại sự kiện trao huân chương hạng nhất cho Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) rằng “trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp”.
Thủ tướng Việt Nam được trích lời nói thêm: “Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt, đặc biệt là ở Biển Đông. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa; đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”.
Theo ông Phúc, trong bối cảnh đó, quân đội Việt Nam phải “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Thủ tướng Việt Nam được trích dẫn nói tiếp rằng “việc xây dựng quân đội về chính trị là phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đây là giải pháp then chốt có tính bao trùm, xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội”.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam được VnExpress dẫn lời nói tiếp: “Nếu xa rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quân đội sẽ mất phương hướng chính trị trong xây dựng và chiến đấu, sẽ phân rã về tư tưởng và tổ chức. Chúng ta kiên quyết không chấp nhận tư tưởng “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang”. - VOA
|
|
10.
Hàng trăm người nghiện ‘phá trại’ ở Việt Nam
Hơn 500 học viên cai nghiện ở tỉnh Đồng Nai đã “phá trại”, “tràn ra đường đập phá”, và “gây ách tắc giao thông” hôm 23/10.
Sự việc đã khiến công an tỉnh này phải huy động lực lượng tối đa để đi chặn bắt những học viên trên, theo báo Tuổi Trẻ.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời người dân cho biết rằng “những người này đi thành từng đoàn, la hét khiến người đi đường và dân địa phương ai cũng khiếp sợ”.
“Nhiều nhóm chặn xe người đi đường xin tiền, một số xông vào nhà dân đập phá đồ đạc”, tờ báo điện tử viết tiếp.
Báo chí trong nước cho hay, Trung tâm cai nghiện Đồng Nai hiện có khoảng gần 1.500 học viên. Và “đa số những người được đưa vào trung tâm đều có tiền án, tiền sự và bị bệnh HIV, lao, tâm thần…”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin rằng trung tâm này chỉ “có sức chứa chỉ khoảng 600 học viên”, nhưng nay con số đã “gấp đôi”, “nên điều kiện ăn ở sinh hoạt khá kém khiến họ bức xúc”.
Đây không phải là lần đầu tiên người cai nghiện ở Việt Nam “phá trại”, tìm cách bỏ trốn.
Hiện trên toàn quốc có hơn 200 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, theo thống kê chính thức.
Tổ chức Human Rights Watch từng chỉ trích điều kiện sinh hoạt trong những trại cai nghiện ở Việt Nam, gọi đây là những “trại lao động cưỡng bức”. - VOA
No comments:
Post a Comment