Tuesday, October 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 11/10

Tin Thế Giới


1.

Ba nhà máy điện hạt nhân TQ nằm ‘sát nách’ VN


Thông tin ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nằm cách Việt Nam không xa, mới chính thức đi vào hoạt động, đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.


Theo Viện Năng lượng Nguyên tử, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa đi vào vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây), Trường Giang (Quảng Đông) và Sương Giang (đảo Hải Nam).


Nhà máy ở Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh, 50 km, và cách Hà Nội dưới 500 km, trong khi Sương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ hơn 100km.


Báo chí đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này với những hàng tít như “Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc” hay “Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân đặt gần Việt Nam”.


Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử hôm 11/10 nhận định với VOA Việt Ngữ về sự quan tâm của công chúng:


“Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, về nguyên tắc, họ cũng phải làm để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, nhưng mà mọi người vẫn cứ nghi ngại rằng là Trung Quốc thì chắc không thể an toàn bằng các thiết kế của các nước khác. Thiết bị của họ cũng không thể tốt bằng các nước khác. Cho nên, xác suất nó có thể xảy ra trục trặc, sự cố, rò rỉ phóng xạ ra ngoài là có. Nguy cơ cao hơn các nhà máy của các nước như Mỹ, Nga và Nhật”.


Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng số nhà máy điện hạt nhân lên 170 vào năm 2050, từ con số 35 hiện nay.


Trước lo ngại về khả năng xảy ra sự cố hạt nhân ở nước láng giềng, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ) cho hay, Việt Nam “có thể nắm được ngay thông tin khi bất kỳ vụ việc nào xảy ra”.


Ông cho VOA Việt Ngữ biết thêm:


“Việt Nam tham gia công ước thông báo sớm của IAEA từ năm 1987, và khi có bất kỳ sự cố bức xạ hạt nhân trên thế giới thì theo hệ thống đó, mình cũng được thông báo thông tin đấy. Ngay cả Việt Nam nếu mình có sự cố, mình cũng phải báo cáo qua hệ thống đấy”.


Trong khi đó, các chuyên gia về hạt nhân Việt Nam cho rằng cần lập các điểm quan trắc, cảnh báo phóng xạ, ở các tỉnh biên giới để kịp thời ứng phó trong trường hợp xấu.


Về việc này, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết rằng “chính phủ ký quyết định từ năm 2010” và “bây giờ chỉ chờ kinh phí để triển khai công việc”.


Ông Thành nói thêm rằng hiện Việt Nam “vẫn có thể đo được phóng xạ, nhưng chỉ đo trực tiếp, theo cách thủ công, chứ còn đo tự động thì chưa”. - VOA

|

|


2.

Biển Đông: Trung Quốc "chỉ trích" New Zealand


Tại lễ khai mạc Diễn đàn Quốc phòng Hương Sơn (Xiangshan forum) tại Bắc Kinh ngày 11/10/2016, Trung Quốc đã chỉ trích lập trường của bộ trưởng Quốc Phòng New Zealand liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời khuyến cáo các nước "không liên quan" thì không nên can thiệp.


Là người chủ trì phiên khai mạc, bà Phó Oánh (Fu Ying), chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội, nhấn mạnh "chúng tôi hy vọng rằng các nước không liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông tôn trọng các nước đang có tranh chấp… để làm việc cùng nhau". Đây cũng chính là luận điểm đã được Trung Quốc đưa ra trong cuộc Đối thoại An ninh thường niên Shangri-La tại Singapore.


Vị cựu thứ trưởng ngoại giao nói thêm: "Tôi nghĩ là các diễn tiến cho thấy rõ sự can thiệp của các nước không liên can chỉ làm phức tạp thêm các mối bất đồng và đôi khi còn gây thêm căng thẳng".


Tuyên bố của bà Phó Oánh được đưa ra ngay sau bài diễn văn đọc tại buổi khai mạc phiên họp của bộ trưởng Quốc Phòng New Zealand Gerry Brownlee. Ông nói: "Chúng tôi phản đối mọi hành động phá hoại hòa bình, làm xói mòn niềm tin và hy vọng tất cả các bên tích cực tìm ra các biện pháp để giảm bớt căng thẳng... Là một quốc gia nhỏ tham gia thương mại hàng hải, nên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là điều rất quan trọng đối với New Zealand. Chúng tôi ủng hộ phán quyết trọng tài và tin rằng các nước có quyền tìm kiếm một giải pháp quốc tế".


Tại diễn đàn, bộ trưởng Quốc Phòng New Zealand còn đề cập đến việc Trung Quốc gia tăng bồi đắp và xây dựng nhiều công trình trên các đảo nhân tạo, trong đó có đường băng mới.


Sau lời chỉ trích của bà Phó Oánh, ông Gerry Brownlee phát biểu với Reuters rằng New Zealand có trách nhiệm nói rõ những quan ngại của mình, dù là một nước nhỏ, nhưng các bên đều có tư cách để bày tỏ quan điểm.


Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chỉ trích New Zealand về tranh chấp tại Biển Đông. Vào tháng 02/2016, Wellington từng khuyến cáo Bắc Kinh kiềm chế sau khi Trung Quốc dường như triển khải một hệ thống tên lửa tối tân tại một hòn đảo ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh lại cho rằng đề xuất trên của Wellington là "không mang tính xây dựng".


Cũng tại diễn đàn Hương Sơn, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wan Quan) cho biết Trung Quốc và ASEAN duy trì tập trận trên biển vào năm 2017, song ông không cho biết thêm chi tiết, đồng thời nói thêm Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp. - RFI

|

|


3.

Hàn Quốc sẵn sàng bắn tàu Trung Quốc đánh cá trái phép --- Nhật Bản cũng tăng cường lực lượng chống tàu cá Trung Quốc


Sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu tuần duyên Hàn Quốc, Seoul hôm nay 11/10/2016 công khai tuyên bố sẵn sàng dùng võ lực mạnh hơn, kể cả vũ khí, để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt trái phép trong vùng biển Hàn Quốc. Để nhấn mạnh thái độ phẫn nộ của mình, Hàn Quốc đã triệu đại sứ Trung Quốc ở Seoul lên để phản đối.


Phát biểu nhân một cuộc họp báo tại Seoul, ông Lee Choon Jae, phó tư lệnh lực lượng Tuần Duyên Hàn Quốc, xác nhận rằng các cảnh sát biển Hàn Quốc sẽ được phép sử dụng vũ khí, trong đó có súng lục và đại bác gắn trên tàu, để đối phó với các tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc, nếu cảm thấy bị đe dọa.


Theo ông Lee Chon Jae: "Chúng tôi sẽ kiên quyết đối phó với các tàu cá Trung Quốc cản trở việc thực thi luật pháp bằng mọi biện pháp khi cần thiết, chẳng hạn như trực tiếp tấn công và giành quyền kiểm soát tàu cá Trung Quốc, hay là dùng các loại vũ khí thông thường".


Các cơ quan chức năng Hàn Quốc hôm qua cho biết là một tàu tuần duyên của nước này vào tuần trước đã bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm khi đang thực hiện một cuộc săn đuổi một đội tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép ngoài khơi bờ biển phía tây bán đảo Triều Tiên. Sau khi phạm tội, tàu Trung Quốc đã bỏ trốn khỏi hiện trường và trở về cảng xuất phát tại Trung Quốc.


Seoul triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối


Ngoài lời đe dọa sẽ dùng đến súng ống, Seoul vẫn tiếp tục tỏ thái độ bất bình về mặt ngoại giao. Hôm nay, đến lượt đại sứ Trung Quốc tại Seoul bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc để nghe phản đối về vụ việc được gọi là "thách thức công quyền" Hàn Quốc. Hôm Chủ Nhật vừa qua, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Seoul cũng đã bị triệu mời.


Hàn Quốc như đã không nguôi cơn giận trong bối cảnh Bắc Kinh có dấu hiệu xem nhẹ phản ứng của Seoul. Hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ cho biết là chính quyền nước này đang xác minh vụ việc, nhưng kêu gọi Hàn Quốc giữ bình tĩnh.


Tuần Duyên Hàn Quốc đã phải thường xuyên săn đuổi tàu Trung Quốc tràn vào đánh bắt trái phép ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc, và nhiều khi đã xẩy ra những vụ đụng độ dữ dội. Seoul đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh có biện pháp lâu dài để ngăn không cho ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc. - RFI


***

Vào lúc Hàn Quốc công khai đe dọa dùng súng ống để đối phó với hạm đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc, một nước khác cũng cũng chuẩn bị ra tay, đó là Nhật Bản, vốn thường xuyên bị ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm. Đài Truyền Hình Nhật Bản vào hôm qua 10/10/2016 tiết lộ: Tokyo sắp cho triển khai loại tàu tuần tra mới vững chắc và hiện đại hơn trên biển Hoa Đông, và nhân gấp bốn lần lực lượng hoạt động trong khu vực.


Theo NHK, ngay từ tháng 11 tới đây, Tokyo bắt đầu đầu phái những chiếc tàu tuần tra mới đầu tiên đến vùng biển Hoa Đông, trong khuôn khổ kế hoạch triển khai 9 chiếc tàu loại này trong khu vực từ nay đến năm 2018.


Đặc điểm của loại tàu mới này là đã được thiết kế với vỏ tàu được gia cố đáng kể để có thể chịu được tác động từ những vụ đâm va với tàu đánh cá Trung Quốc. Trên tàu còn có thêm thiết bị giám sát, theo dõi với công nghệ được cải thiện.


Nhật Bản đã bắt đầu cho đóng ba tàu tuần tra loại này vào năm 2014 khi thấy rằng lực lượng tàu thuyền Trung Quốc áp sát vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Bắc Kinh tranh chấp càng lúc càng đông. Ba chiếc này đã được hạ thủy và kể từ tháng 11 tới đây, sẽ được triển khai tại vùng quần đảo Miyako thuộc tỉnh đảo Okinawa.


Theo kế hoạch, Nhật Bản cũng dự kiến cho đóng một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn - 6.500 tấn - có thể mang theo một phi cơ trực thăng.


Tokyo còn có kế hoạch tăng gấp bốn lần lực lượng và trang thiết bị đặc trách giám sát vùng biển có tranh chấp, từ 55 người phụ trách tuần tra vùng Senkaku/Điếu Ngư hiện nay, con số này sẽ được nâng lên thành 200 trong vòng 1 năm rưỡi tới đây.


Đối thủ của tuần duyên Nhật không ai khác hơn là Trung Quốc, mà đặc biệt là đội tàu cá vừa là kẻ đi đánh cắp tài nguyên của nước khác, vừa là công cụ được Bắc Kinh sử dụng nhắm áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.


Theo thống kê của Nhật Bản, từ 99 chiếc xâm phạm vùng biển Nhật Bản vào năm 2015, con số này đã tăng vọt lên thành 135 chiếc trong năm nay, và chiếm đóng 70% khu vực đánh cá của người Nhật một cách thường xuyên. Một ví dụ mới đây là đầu tháng Tám, đã có đến 230 chiếc tàu cá Trung Quốc, được tàu hải cảnh bảo vệ, thâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản.


Giới chuyên gia đã thẩm định rằng đội tàu cá của Trung Quốc không chỉ là tàu thương mại đơn thuần mà là một công cụ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hàng hải của Trung Quốc.


Theo giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, ở Biển Đông, các tàu cá là một bộ phận trong lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự ẩn nấp dưới cái vỏ dân sự để tiến hành các hành vi xâm lược.


Đối với phía Nhật Bản, chiến lược dùng tàu cá áp đặt chủ quyền đã được áp dụng tại Biển Đông, do vậy, không có lý do gì mà Bắc Kinh lại không mang qua dùng tại biển Hoa Đông.


Quyết định tăng cường lực lượng đối phó với tàu cá Trung Quốc của Nhật Bản phải nói là rất kịp thời trong bối cảnh tàu cá Trung Quốc vừa lộ rõ bộ mặt hung hăng khi hai chiếc tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu tuần tra Hàn Quốc hôm 07/10 vừa qua.


Hành vi coi thường phép tắc đó đã khiến Seoul nổi giận, và khi loan báo ý định bật đèn xanh cho dùng súng đối với tàu cá Trung Quốc, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã cho thấy là họ không còn nhẫn nhịn được nữa.


Tóm lại, tàu cá Trung Quốc, với những cách hành xử thô bạo, đang trở thành đối tượng phải xua đuổi thẳng tay, từ Indonesia, Malaysia trên Biển Đông, cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc tại vùng biển Hoa Đông. - RFI

|

|


4.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ký dự án đường dẫn khí đốt TurkStream


Hôm qua, 10/10/2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ký kết dự án xây dựng đường dẫn khí đốt TurkStream, dự kiến đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu qua Hắc Hải, với lưu lượng hơn 30 tỉ mét khối khí đốt/năm. Dự án nói trên bị đình chỉ sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một oanh tạc cơ của Nga tại khu vực đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hồi tháng 11/2015. 


Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul,


"Đây là sự kiện mới nhất trong quá trình hòa giải giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Nga Vladimir Putin đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi hai nước kết thúc giai đoạn bất hòa. Để đánh dấu việc cải thiện quan hệ, hai nguyên thủ Nga-Thổ đã ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt TurkStream, dự kiến đưa khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Dự án TurkStream được đưa ra cách nay hai năm cùng lúc với việc dự án South Stream bị Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ do khủng hoảng Syria. 


Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thỏa thuận tăng tốc dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ do Nga xây dựng. Tóm lại là, hồ sơ năng lượng đã được sử dụng để hàn gắn quan hệ giữa hai láng giềng. Đổi lại kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt TurkStream, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được mua khí đốt từ Nga với giá rẻ. 


Một chủ đề lớn khác là Syria. Matxcơva và Ankara vẫn chưa đạt thỏa thuận về số phận của tổng thống Bachar al-Assad. Tuy nhiên về chuyện này, hai bên ít căng thẳng hơn nhiều so với trước. Thay đổi này chắc chắn có liên quan đến việc quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây trở nên giá lạnh kể từ cú đảo chính hụt ngày 15/07/2016". - RFI

|

|


5.

Samsung bỏ sản xuất model Note 7


Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã ngừng sản xuất model Galaxy Note 7 sau khi có quá nhiều người nói máy bị bắt cháy.


Samsung thu hồi 2,5 triệu điện thoại trong tháng 9/2016, sau khi có phàn nàn máy bị nổ pin, và sau đó hãng nói sẽ đổi các máy mới an toàn.


Tuy nhiên, giờ đây tin cho biết ngay cả các máy được đổi mới cũng bắt lửa.


Một người đàn ông ở Kentucky nói ông tỉnh dậy trong phòng ngủ bị đầy khói từ chiếc điện thoại Note 7 đã được đổi mới, nhiều ngày sau vụ một chuyến bay ở Hoa Kỳ phải sơ tán sau khi một điện thoại mới có khói phát ra trong khoang hành khách.


"Vì sự an toàn của người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, Samsung sẽ yêu cầu tất cả các nhà mạng và đại lý bán lẻ toàn cầu ngưng bán và ngưng đổi điện thoại Galaxy Note 7 trong khi quá trình điều tra được tiến hành," công ty này nói.


"Người sử dụng dù có máy Galaxy Note 7 cũ hay máy Galaxy Note 7 đã thay thế nên tắt máy và ngừng sử dụng thiết bị và đưa máy đi sửa ở nơi nào có dịch vụ," hãng này nói.


Vấn đề của Samsung xảy ra vào thời điểm quan trọng của công ty này, nhà phân tích công nghệ Andrew Milroy của công ty Frost & Sullivan nói với BBC.


"Samsung đã trở lại đối đầu với các hãng đối thủ. Lỗi sản phẩm nghiêm trọng này sẽ hủy hoại vị trí cạnh tranh của hãng trên thị trường điện thoại thông minh," ông nói.


Jake Saunders của hãng nghiên cứu ABI nói tình huống của Samsung giờ "rất nghiêm trọng" và "hệ quả có thể như hiện tượng cầu tuyết".


"Quan ngại hiện thời là sẽ có thể dẫn đến hệ quả không thể tránh khỏi ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu."


Nhà phân tích người tiêu dùng công nghệ Caroline Milanesi từ công ty Creative Strategies nói với BBC Samsung có thể ngưng sản xuất sản phẩm Galaxy Note 7 để hạn chế nguy cơ lâu dài tới thương hiệu.


Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc cảnh báo ngành xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng nếu sản phẩm này bị ngưng bán hoàn toàn.


"Giờ đây chúng ta không thể nói sẽ có ảnh hưởng gì về lâu dài. Điều đó tùy thuộc vào công ty và chính phủ không thể can thiệp," Yoo Il-ho. "Nhưng nếu họ bỏ hẳn sản phẩm này, điều đó sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu."


Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ cảnh báo mọi người không nên sử dụng điện thoại đã được Samsung thay thế.


"Không ai buộc phải quan ngại về chiếc điện thoại sẽ gây nguy hiểm cho họ, gia đình hay tài sản của họ," Elliot Kaye, chủ tịch của ủy ban an toàn nói. Ông nhận xét quyết định ngưng bán sản phẩm của Samsung là "động thái đúng đắn" với cân nhắc "có những lo ngại về an toàn".


Bộ Giao thông Hàn Quốc nói hôm thứ Ba 11/10 khuyên mọi người không nên sử dụng hay sạc điện thoại Note 7 trên máy bay.


Điện thoại Note 7 phiên bản ban đầu đã bị nhiều cơ quan hàng không và hãng hàng không cấm đưa lên máy bay.


Hôm thứ Hai 10/10, nhà mạng AT&T và T-Mobile của Hoa Kỳ đã ngưng nhận thay thế hay bán sản phẩm mới. Ở Anh Quốc, Vodafone và EE đã tạm ngừng việc thay mới máy. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Đảng Cộng hoà tiếp tục chia rẽ về ứng cử viên Trump


Một ngày sau một cuộc tranh luận gay gắt và có nhiều lúc căng thẳng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, các đảng viên của Đảng Cộng hoà vẫn tiếp tục chia rẽ về liệu có nên ủng hộ ứng cử viên đại diện cho đảng trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc hay không. Trong cuộc tranh luận vào đêm Chủ nhật, ông Trump đã gay gắt tấn công bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống bên Đảng Dân chủ, và đã được các ủng hộ viên kiên cường theo ông ca tụng. Nhưng hôm thứ Hai tại quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói với các đảng viên trong Đảng Cộng hoà của ông rằng từ nay, ông sẽ không còn bênh vực ông Trump trên đường vận động nữa. Thông tín viên Jim Malone tường trình về quang cảnh chính trường Mỹ sau cuộc tranh luận lần 2 giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ.


Một ngày sau cuộc tranh luận, ông Trump tiếp tục chiến dịch vận động của ông tại bang Pennsylvania, tại đây ông nói với những người ủng hộ rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ là cơ hội cuối cùng của họ để cứu lấy đất nước:


“Thưa các bạn, cuộc bầu cử này nó cũng tương tự như cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc tách ra khỏi EU. Các bạn cứ chờ mà xem. Chúng ta muốn lấy lại nền độc lập của chúng ta. Chúng ta muốn củng cố các đường biên giới của chúng ta. Chúng ta không muốn những người từ Syria nhập vào lãnh thổ chúng ta, những người mà chúng ta không hề biết là ai, không hề có ý niệm họ là ai.”


Ông Trump vẫn bị chỉ trích sau khi xuất hiện một băng video được quay cách đây 11 năm, trong đó ông đưa ra những lời phát biểu thô tục về việc sờ soạng phụ nữ.

 

Anderson Cooper, người dẫn chương trình của đài CNN chủ trì cuộc tranh luận, chất vấn:


“Ông khoe khoang việc ông tấn công tình dục phụ nữ. Ông hiểu điều đó chứ?”


Ông Trump chống chế:


“Không, tôi không hề nói như vậy. Đây chỉ là những mẫu đối thoại giữa đàn ông với nhau như trong phòng thay đồ của các vận động viên thể thao. Tôi không tự hào về điều đó. Tôi xin lỗi gia đình tôi. Tôi xin lỗi nhân dân Mỹ. Chắc chắn là tôi không tự hào về việc này.”


Bà Hillary Clinton vận động ở bang Michigan hôm thứ Hai, tại đó bà xoáy vào lời xin lỗi nửa vời của ông Trump trong cuộc tranh luận. Bà nói:


“Ông ta lại lặp lại lời xin lỗi rằng đây chỉ là những lời phát biểu linh tinh trong phòng thay quần áo của các vận động viên. Tôi sẽ trả lời như thế này: Phụ nữ và đàn ông trên khắp nước Mỹ này hiểu rằng đây chỉ là một lời xin lỗi có lệ về cách cư xử tệ hại và đối xử xấu xa với người khác.”


Ông Trump tiếp tục gây chia rẽ trong Đảng Cộng hoà. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói với các đồng viện trong Đảng Cộng hoà của ông rằng ông sẽ không bênh vực ông Trump nữa trong chiến dịch vận động của ông này.


Ngay cả trước cuộc tranh luận, ông Ryan nói trọng tâm của ông là bảo đảm các thành viên Đảng Cộng hoà sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát quốc hội. Ông Ryan nói:


“Chúng tôi thảo luận về các ý kiến của chúng ta. Chúng tôi bàn về những giải pháp. Chúng tôi nói về các nguyên tắc bảo thủ của chúng ta.”


Các cuộc tấn công gay gắt của ông Trump nhắm vào bà Hillary Clinton có thể đã giúp ông được những người ủng hộ biểu dương, nhưng ông cấp thiết cần mở rộng thêm thành phần ủng hộ, theo nhà phân tích John Fortier. Ông nói:


“Thành phần cốt cán của Đảng Cộng hoà ít nhiều đều ngả về ông, nhưng theo tôi, có một số nghi vấn về liệu ông Trump có khả năng thu phục đông đảo người khác ngoài giới cử tri da trắng thuộc thành phần lao động, trong khi ông sẽ đánh mất sự ủng hộ của một số đảng viên truyền thống của Đảng Cộng hoà, cũng như của một số thành phần cư ngụ tại các khu ngoại ô hạng sang, vốn không lấy gì làm thoải mái về ông Trump.”


Một cuộc thăm dò mới do tờ Wall Street Journal và chương trình tin tức đài NBC thực hiện cho thấy sau khi video về ông Trump được phát tán, ông Trump thua bà Hillary Clinton tới 11 điểm trên toàn quốc. - VOA

|

|


7.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ ‘quay lưng’ với ông Trump --- 'Gần 50% người Mỹ gốc Việt ngả về bà Clinton’


Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan hôm 10/10 nói với một số đảng viên Cộng Hoà rằng ông sẽ không tiếp tục bảo vệ và vận động tranh cử cùng với ông Donald Trump nữa.


Thay vào đó, dân biểu cấp cao này sẽ sử dụng 1 tháng tới để củng cố vị thế đa số của đảng Cộng Hoà trong Quốc hội.


Bà AshLee Strong, nữ phát ngôn viên của ông Ryan, cho biết:


“Ngài Chủ tịch Hạ viện sẽ dành thời gian trong tháng tới để toàn tâm toàn ý bảo vệ vị thế đa số của đảng Cộng Hoà trong Quốc hội.”


Đây là một động thái hiếm thấy trong suốt chiều dài lịch sử chính trị Hoa Kỳ, trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa cuộc bầu cử tổng thống sẽ chính thức diễn ra.


Ông Donald Trump đã ngay lập tức đáp trả trên trang Twitter của mình.


Tỷ phú bất động sản viết: “Ông Paul Ryan nên bỏ nhiều thời gian hơn để cân đối ngân sách, giải quyết các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư bất hợp pháp, thay vì công kích ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hoà.”


Theo CNN, đã có ít nhất tám thành viên của đảng Cộng Hoà phản đối động thái mới này của ông Paul Ryan, lo ngại sự rạn nứt trong chính nội bộ đảng này.


Trước đó, ông Ryan đã rút lại lời mời ông Donald Trump đến tham dự một sự kiện của đảng Cộng hoà tại bang Wisconsin hôm thứ Bảy (8/10), sau khi một đoạn băng ghi lại những lời lẽ tục tĩu của ông Trump nhắm vào phụ nữ bị tờ Washington Post công bố. - VOA


***

Một cuộc thăm dò mới công bố tại Hoa Kỳ cho thấy rằng gần một nửa số người Việt ở Mỹ đủ điều kiện đi bầu cho biết ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.


Trong cuộc thăm dò có tên gọi “Tiếng nói của người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử 2016”, công bố hôm 5/10, 46% số người được hỏi cho biết họ sẽ “bầu hoặc ngả về” cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ.


Số hậu thuẫn ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump là 20%. Trong khi đó, số người “không biết bỏ phiếu cho ai, hoặc từ chối trả lời” là 29%.


Trong toàn bộ cuộc thăm dò, 55% số người Mỹ gốc Á được hỏi cho biết dự kiến sẽ bầu cho bà Clinton; 14% bầu cho ông Trump và 8% muốn bầu cho người khác.


Có 295 người Mỹ gốc Việt trong số hơn 2 nghìn người Mỹ gốc Á tham gia cuộc thăm dò ý kiến kéo dài từ ngày 10/8 tới 29/9 năm nay.


Cuộc thăm dò này cũng cho thấy, vấn đề cử tri gốc Á quan tâm nhất là “kinh tế và việc làm”, và kế đến là “khủng bố, Nhà nước hồi giáo và an ninh quốc gia”. Vấn đề được quan tâm thứ ba là “phân biệt chủng tộc”. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

VN điều tra thép Trung Quốc, Bắc Kinh lo ngại


Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10/10 bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam tiến hành điều tra các mặt hàng thép của nước này, đồng thời hối thúc Hà Nội “thận trọng và kiềm chế việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”.


Mới đây, Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành quyết định về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép chữ H có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông.


Trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc dẫn lời một quan chức nước này nói rằng “các mặt hàng thép của Trung Quốc đã đóng góp nhiều vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam”.


Hôm 7/10, Việt Nam loan báo điều tra sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (Cơ quan điều tra) nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép chữ H từ Trung Quốc, “với cáo buộc hàng hóa nhập khẩu cản trở đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước”.


Quan chức không nêu danh tính còn được Tân Hoa Xã dẫn lời nói trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc rằng “khôi phục các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gây tổn hại tới quan hệ kinh tế song phương”, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng việc điều tra của Việt Nam sẽ “công bằng và minh bạch”.


Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc lượng thép thành phẩm lên đến hơn 7,29 triệu tấn, chiếm 59% trong tổng lượng thép nhập khẩu.


Liên minh châu Âu mới đây cũng đã áp thuế chống bán phá giá mới đối với hai loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng thép và nhôm giá rẻ của nước này tràn ngập thị trường. - VOA

|

|


9.

'Chống suy thoái nhưng chưa có đột phá’


Khai mạc Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng này và đề ra nhiệm vụ chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ vì đây là vấn đề hệ trọng và cơ bản.


Ông thừa nhận 'tình trạng suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.


Giáo sư Nguyễn Phú Trọng coi nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là trọng tâm, theo các báo Việt Nam tường thuật về Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII tại Hà Nội hôm 8/10.


Về tình hình đất nước, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận còn nhiều lĩnh vực thiếu “đột phá” hoặc chưa có chuyển biến gì rõ rệt:


“Đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chậm, chưa có bước đột phá về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường.”


“Chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong cải cách căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kết nối mạng.”


Nhìn chung, bài diễn văn của TBT Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiều câu hỏi cho chính Đảng và hệ thống chính trị hơn là có gợi ý rõ rệt về giải pháp:


“Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa?”


“Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì?”


“Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp cần có thêm quy định, hướng dẫn thì cách thức tổ chức thực hiện thế nào?” ông Trọng tự hỏi.


Các giải pháp, định hướng nếu có, theo GS Trọng, vẫn là mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.


Ông nói:


“Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam,”


“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.”


Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo lực nội bộ nghiêm trọng như nổ súng bắn chết bí thư tỉnh ủy Yên Bái, và khiếu kiện đông tới hàng nghìn người ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đòi tập đoàn Formosa rời Việt Nam sau khi xả thải gây nhiễm độc biển.


Sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang bỏ trốn biệt tăm cũng khiến dư luận chú ý đến các vấn đề nội bộ của Đảng và chính quyền tại Việt Nam.


'Chủ nghĩa cộng sản tốt hơn dân chủ'


Sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 1/2016, GS Nguyễn Phú Trọng được báo chí quốc tế mô tả là “nhà lý luận 71 tuổi tái đắc cử làm người đứng đầu đảng và cũng thực tế là người đứng đầu bộ máy chính quyền”.


Trang Guardian ở Anh và South China Morning Post ở Hong Kong khi đó đều trích lời của GS Trọng cho rằng “chủ nghĩa cộng sản tốt hơn nền dân chủ” (communism is better than democracy).


Tại nước láng giềng Trung Quốc, lãnh tụ Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình trong mấy năm qua đã thực hiện chiến lược 'dùng Đảng trị Nước' và tung ra các chiến dịch 'đả hổ diệt ruồi' nhắm vào các nhóm đối thủ.


Trong động thái tương tự, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu cao ngọn cờ chống tham nhũng và sau khi thay đổi chính phủ hồi giữa năm, ông chỉ đạo giải quyết sáu 'đại án tham nhũng' theo báo chí Việt Nam.


Hôm 1/10 vừa qua, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo chống tham nhũng, GS Trọng nói sẽ đem "sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017".


Đó là các vụ xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank, Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam, Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin.


Ngoài ra là vụ tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam- Chi nhánh Tp.HCM, và tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương, theo báo Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment