Tin Thế Giới
1.
Myanmar muốn Mỹ ngưng dùng từ 'Rohingya'
Một giới chức thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar cho đài VOA biết rằng họ muốn Đại sứ quán Mỹ ngưng dùng từ Rohingya khi nói tới sắc dân thiểu số không được công nhận ở nước họ. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.
Ông Aung Lin, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar, nói “Chúng tôi sẽ vui mừng nếu Đại sứ quán ngưng sử dụng từ ngữ này”, và việc tiếp tục sử dụng từ Rohingya “sẽ không có ích cho chúng tôi.”
Mặc dầu vậy, ông Lin nói ông chưa rõ là ngày hôm qua Bộ Ngoại giao có chính thức yêu cầu sứ quán Mỹ ngưng dùng từ ngữ đó hay không.
Hôm nay, sứ quán Mỹ không chịu xác nhận là có sự tiếp xúc về vấn đề này như tường thuật báo chí hay không. Một phát ngôn viên sứ quán ở Yangon nói với đài VOA “Chúng tôi không bình luận về những cuộc thảo luận ngoại giao với chính phủ.”
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 28 tháng 4, Đại sứ Mỹ Scot Marciel bác bỏ gợi ý cho rằng phía Hoa Kỳ không nên dùng từ Rohingya nếu chính phủ Myanmar không dùng từ này. Ông nói rằng Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có một cách làm việc thông thường là thừa nhận rằng “các cộng đồng ở bất cứ nơi nào đều có thể quyết định họ muốn được gọi bằng tên gì. Và thông thường thì khi chuyện đó xảy ra chúng tôi sẽ gọi họ bằng cái tên mà họ muốn. Đây không phải là một quyết định chính trị mà chỉ là một tập tục thông thường.”
Sứ quán Mỹ đã gặp phải sự chỉ trích của những người Myanmar có chủ trương dân tộc cực đoan từ khi đưa ra thông cáo chia buồn sau vụ chìm tàu ngày 19 tháng 4 làm cho khoảng 40 người Rohingya bị chết đuối.
Tai nạn xảy ra khi những người Rohingya đang đi tới một ngôi chợ và một bệnh viện từ một trại tản cư tại tiểu bang Rakhine ở miền tây.
Thông cáo của sứ quán liên kết thảm kịch này với sự thiếu thốn các dịch vụ cơ bản ở Rakhine mà họ cho là “có thể dẫn tới chỗ các cộng đồng phải đối mặt với sự rủi ro không cần thiết cho tính mạng để cố gắng cải thiện phẩm chất cuộc sống.”
Chính phủ Myanmar cho rằng những người tự gọi là người Rohingya là người Bengla nhập cảnh trái phép.
Myanmar, một nước đại đa số dân chúng theo đạo Phật, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì sự đối xử với người Rohingya. Sắc dân thiểu số này phần lớn là người theo đạo Hồi, không được cấp quốc tịch và bị tước đoạt nhiều quyền cơ bản của con người.
Nhiều người ở nước ngoài tin rằng tình cảnh của người Rohingya có thể được cải thiện sau khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền hồi tháng trước.
Tuy nhiên, một số người khác nêu ra rằng trước khi và sau khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi và những người phụ tá của bà không ai cho thấy sẽ có những sự thay đổi về chính sách đối với người Rohingya.
Hồi đầu tháng tư, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, đã dành cho chính phủ dân sự Myanmar 100 ngày để cải thiện điều kiện sống của người Rohingya.
Liên Hiệp Quốc đã không ngớt yêu cầu Myanmar cung cấp đầy đủ các quyền cho người Rohingya, những người mà hầu như toàn bộ đã bị tước quốc tịch vào năm 1982, bị mất hầu hết các quyền về giáo dục, quyền hưởng các dịch vụ công cộng và quyền tự do đi lại.
Các cơ quan Liên Hiệp Quốc ước tính 10% người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar trong 4 năm qua tiếp theo sau vụ bạo động tôn giáo năm 2012 làm cho hơn 200 người thiệt mạng.
Văn phòng Cứu trợ Liên Hiệp Quốc cho biết ngày hôm qua, một đám cháy xảy ra tại một trại tản cư của người Rohingya ở Sittwe đã thiêu hủy hoặc gây hư hại nặng cho nhà cửa của khoảng 2.000 người.
Ít nhất 14 người bị thương trong vụ hoả hoạn mà nguyên do dường như là một tai nạn trong khi nấu ăn.
Một thông cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết “các tổ chức ở địa phương và các tổ chức cứu trợ đang giúp giới hữu trách để thỏa mãn những nhu cầu cấp bách về chăm sóc y tế và nơi tạm trú, và trong những ngày tới đây để thẩm định và tìm cách đáp ứng những nhu cầu cứu trợ như lương thực, nước uống, vệ sinh và những nhu cầu cơ bản khác.” - VOA
|
|
2.
Tổng thống Brazil bị điều tra thêm
Truyền thông Brazil đưa tin công tố viên hàng đầu của nước này đã yêu cầu Tòa án Tối cao mở một cuộc điều tra về cáo buộc là Tổng thống Dilma Rousseff đang gặp rắc rối đã cản trở công lý.
Các quan chức chưa xác nhận tin này sau khi nó xuất hiện vào cuối ngày 3/5. Globo News của Brazil cho hay bà Rousseff bị nghi đã tìm cách cản trở một cuộc điều tra đối với công ty dầu khí Petrobras của nhà nước.
Báo chí Brazil dẫn lời công tố viên Rodrigo Janot nói rằng ông đã yêu cầu có thẩm quyền điều tra bà Rousseff và cả người tiền nhiệm và đồng minh của bà là Luiz Inacio Lula da Silva. Có tin cuộc điều tra tập trung vào các cuộc gọi điện thoại giữa hai người đã bị nghe trộm.
Bà Rousseff đang bị điều tra về một vấn đề khác và có thể phải đối mặt với một phiên tòa luận tội vào đầu tuần tới. Bà bị buộc tội che giấu thâm hụt ngân sách trong năm 2014 để cải thiện cơ hội tái đắc cử của mình. Bà Rousseff phủ nhận những cáo buộc trên.
Bà nói việc tiến hành quá trình luận tội sẽ gây tổn hại cho ổn định chính trị của đất nước.
Hạ viện đã bỏ phiếu để khởi động quá trình luận tội, và Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về vấn đề này chỉ trong vòng vài ngày nữa.
Chỉ cần đa số quá bán trong Thượng viện tán đồng là bà Roussef có thể bị đình chỉ chức vụ và phiên luận tội có thể kéo dài đến sáu tháng sẽ có thể bắt đầu. Nếu bị kết luận có tội, bà Rousseff sẽ là lãnh đạo Brazil đầu tiên bị phế truất trong hơn 20 năm qua. - VOA
|
|
3.
Ứng viên TT Philippines sẽ đi mô tô nước tới đảo Trung Quốc chiếm đóng
Thị trưởng thành phố Davao, người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò bầu cử tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, nói rằng ông sẽ đi mô tô nước đến một hòn đảo đang tranh chấp bị Trung Quốc chiếm đóng và đích thân bảo vệ chủ quyền của Philippines.
Ông Duterte nói: “Nếu chúng ta chiến thắng ở tòa trọng tài và Trung Quốc không tôn trọng phán quyết, tôi sẽ yêu cầu hải quân đưa tôi đến khu vực ranh giới gần nhất với bãi cạn Scarborough".
Ông nói tiếp: "Tôi sẽ dùng một chiếc mô tô nước, mang cờ Philippines và tôi sẽ đến sân bay của Trung Quốc, cắm cờ và nói đây là của chúng tôi, và làm những gì các người muốn với tôi. Tùy các người. Tôi sẽ khoanh vùng lãnh thổ này”.
Ông Duterte cho biết, ông sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nếu các cuộc thảo luận đa phương tiện hiện nay không mang lại kết quả trong vòng 2 năm.
Ông Duterte nói với những người ủng hộ vào đêm Chủ Nhật ở Quảng trường Liwasang Bonifacio rằng ông sẽ bảo vệ những yêu cầu của Philippines trong vùng biển tranh chấp, trong khi vẫn mở cửa cho khả năng thăm dò năng lượng chung với Trung Quốc.
Ông cũng có thể yêu cầu Trung Quốc xây dựng những dự án đường sắt chính kết nối Manila đến các tỉnh, và hỗ trợ một kế hoạch lâu dài cho hệ thống xe lửa ở Mindanao.
Trước đám đông khoảng 1.000 người, ông Duterte nói: “Nếu cuộc đàm phán vẫn không ngã ngũ trong 1 hoặc 2 năm, tôi sẽ nói chuyện với người Trung Quốc”.
Trung Quốc không ghi nhận tính hợp pháp của Tòa ánTrọng tài Thường trực tại La Haye và nói sẽ chỉ tham gia vào các cuộc đàm phán song phương trực tiếp với các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nơi có khoảng 5.000 tỉ đôla thương mại qua lại mỗi năm. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Donald Trump thắng Indiana, Ted Cruz bỏ cuộc --- Công dân mạng TQ mỉa mai ông Trump về việc dùng từ 'cưỡng hiếp'
Tỉ phủ bất động sản Donald Trump, một chính trị gia mới, hầu như giành được đề cử của Ðảng Cộng hòa để ra tranh cử tổng thống sau chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Indiana hôm thứ Ba. Ông Trump đã dễ dàng đánh bại đối thủ chính là ông Ted Cruz, người ngay sau đó đã ngưng cuộc vận động tranh cử, mở đường cho ông Trump tiến tới giành quyền đại diện của đảng. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường trình từ Washington
Ứng cử viên Donald Trump đã giáng một đòn chí tử vào đối thủ Ted Cruz tại bang Indiana, và hiện đang dường như trở thành đề cử của Ðảng Cộng hòa mà không có ai tranh lại sau cuộc vận động tranh cử trong nội bộ đảng gây nhiều chia rẽ và có lúc hết sức gay gắt.
"Thật là một điều tuyệt diệu để ngắm nhìn và là một điều tuyệt diệu để giành lấy, và chúng tôi sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại lại, làm cho nước Mỹ vĩ đại."
Ông Trump đã nhanh chóng chuyển hướng chú ý vào bà Hillary Clinton, người có nhiều khả năng trở thành đối thủ của ông bên phía Ðảng Dân chủ, và ông cũng hướng vào việc hợp nhất trong Ðảng Cộng hòa.
"Và người dân Mỹ đang kêu gọi chúng tôi, họ kêu gọi tất cả chúng tôi, và họ nói rằng họ muốn lên chuyến tàu –chuyến tàu ông Trump – nhưng chúng tôi muốn tập hợp lại thành một khối thống nhất."
Chiến thắng của ông Trump đặt dấu chấm hết cho niềm hy vọng vào Tòa Bạch Ốc của ông Ted Cruz, Thượng nghị sĩ bang Texas.
Ông Cruz loan báo quyết định trước những người ủng hộ đang thất vọng ở Indianapolis.
"Chúng tôi đã đưa ra tất cả những gì có được, nhưng cử tri chọn một con đường khác. Và do đó trong tâm trạng buồn, nhưng luôn lạc quan cho tương lai lâu dài của đất nước, chúng tôi ngưng cuộc vận động tranh cử của chúng tôi."
Trong cuộc đua bên Ðảng Dân chủ, ông Bernie Sanders giành chiến thắng sít sao trước người đang dẫn đầu là bà Hillary Clinton.
"Hàng triệu người hôm nay bắt đầu đứng lên tranh đấu đòi một chính phủ đại diện cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ của một nhóm nhỏ những tỉ phú."
Nhưng cho dù chiến thắng, ông Sanders cũng chỉ thu ngắn được rất ít khoảng cách dẫn trước quá xa của bà Clinton trong cuộc đua tranh quyền đề cử của Ðảng Dân chủ.
Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton sẽ trở người có nhiều triển vọng chiến thắng trong cuộc đua tranh với ông Trump ở cuộc tổng tuyển cử.
Ông John Fortier, một nhà phân tích ở Trung tâm chính sách lưỡng đảng bình luận rằng bản chất khó đoán trước của ông Trump có thể làm cho cuộc đua trở nên rất gây cấn.
"Nhưng ông Donald Trump là người có cá tính mà các đối thủ rất khó tranh lại, và ông ấy có cách thu hút đó trong suốt cuộc tranh đua trong nội bộ đảng. Đo là hai điểm mạnh mà ông ấy sẽ tiếp tục khai thác nếu ông ấy muốn làm cho cuộc đua trở nên gây cấn hơn so với dự đoán."
Ông Trump và bà Clinton theo trông đợi sẽ hướng sự chú ý trực tiếp vào nhau nhiều hơn trong những tuần lễ tới trong cuộc vận động sớm cho cuộc tổng tuyển cử. - VOA
***
Một ngày sau khi ông trùm bất động sản Donald Trump và hiện là ứng viên tổng thống Mỹ so sánh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc như việc Mỹ bị 'cưỡng hiếp', công chúng Trung Quốc đã phản ứng về phát biểu gây tranh cãi của ông Trump với sự mỉa mai sâu cay.
Hôm 1/5, ông Trump nói với đám đông cổ vũ ở Fort Wayne, Indiana rằng "chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng hiếp nước ta", khi ông đề cập đến cán cân thương mại nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ, người dẫn đầu của đảng Cộng hòa đã dùng chữ "cưỡng hiếp" để mô tả ưu thế thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ theo cách nhìn của ông, mặc dù ông đã sử dụng các từ này từ hồi đầu năm 2011 để cáo buộc Trung Quốc thao túng thương mại và tiền tệ.
Chính phủ Trung Quốc đã không có phản ứng chính thức đối với lời chỉ trích mới đây của ông Trump.
Nhưng điều đó đã không ngăn cản một số cư dân mạng Trung Quốc đả kích ông Trump, chủ yếu là mỉa mai ông.
Những lời sâu cay không kém
Một người sử dụng mạng Weibo còn gọi ông Trump là "kẻ to mồm, muốn làm cho mình nổi danh trên mạng", trong khi một người sử dụng khác nói "so sánh với cưỡng hiếp là không phù hợp. Thay vào đó, nếu nói [Trung Quốc] giải phóng Mỹ thì đúng hơn", tiếp theo là ba biểu tượng mặt cười.
Một blogger có biệt danh là Nhật ký của Kafka đã bày tỏ lo ngại về những nhận xét của ông Trump với bình luận rằng "tuyên bố mang tính chủ nghĩa cô lập của ông Trump sẽ có lợi cho chính quyền Trung Quốc, nhưng bất lợi cho nhân dân Trung Quốc" vì những chính sách như vậy sẽ tạo ra rào cản đối với hàng xuất khẩu đi Mỹ của Trung Quốc, một việc mà rốt cuộc sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp trong nước và làm người Trung Quốc mất việc làm.
Blogger này nói thêm: "Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc có thể đã bí mật tiếp tay cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vì họ hoan nghênh lập trường của ông ấy là không đụng chạm đến hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc".
Hơn thế nữa, một người sử dụng Weibo đã so ông Trump với nhà cựu độc tài Đức Adolf Hitler. Người này viết một cách chế giễu rằng "Nếu ông Trump được bầu, Mỹ sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn nữa".
Không phản đối chính thức
So với những lời bình sôi sục trên mạng, chính quyền Trung Quốc dường như im hơi lặng tiếng về lời phát biểu gây tranh cãi vào lúc dân chúng cả nước đang nghỉ lễ bảy ngày.
Truyền thông trong nước Trung Quốc trước đó đã gán cho ông Trump nhãn hiệu là người theo chủ nghĩa dân túy, một người nói năng kiểu giật gân chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Hôm 3/5, không có quan chức Trung Quốc nào thảo luận về việc ông Trump không tế nhị khi so sánh quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Vấn đề này cũng không xuất hiện trong các bài xã luận trên truyền thông nhà nước, kể cả Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo.
Chỉ có tờ Văn Hội Báo do nhà nước kiểm soát ở Hong Kong giải thích lý do đằng sau điều mà họ gọi là "hiện tượng Trump" trong bài xã luận của mình. Họ nói rằng điều đó phản ánh sự bất mãn lan tràn trong xã hội Mỹ đối với tầng lớp thượng lưu của nước này, bao gồm cả những người đang cầm quyền và có ưu thế tài chính.
Bài xã luận nói thêm hiện tượng Trump sẽ làm tăng sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa, điều mà cuối cùng có thể sẽ làm giảm triển vọng của đảng này giành được chiến thắng trong bầu cử tổng thống.
Thủ đoạn tranh cử?
Ông Chu Phong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, kêu gọi ông Trump kiềm chế sử dụng ngôn từ mà ông gọi là kịch tính và quá đà.
Ông Chu nói: "Tôi nghĩ rằng đó là một nhận thức rất méo mó, do ứng viên tổng thống nói ra. Nó không chỉ là cường điệu, mà cũng rất quá đà".
Vị giáo sư bác bỏ quan điểm cho rằng nhiều người ở Trung Quốc đang xem ông Trump như một trò đùa vì người có hy vọng thành tổng thống này vốn là một doanh nhân rất thành công, nên ông phải biết rằng sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước là kết quả của toàn cầu hóa, phân công lao động và các lợi thế kinh tế.
Tuy cảm thấy thú vị khi xem sự phân cực thể hiện ra sao trong chiến dịch tranh cử, vị giáo sư Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về vấn đề những phát biểu của ông Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai kinh tế của Trung Quốc với Mỹ vào thời điểm mà Trung Quốc bị loại khỏi các cuộc bàn thảo về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu.
Ông nói: "Chúng tôi nhận thức rõ về quan điểm và các ý kiến hướng nội của ông Donald Trump. Chúng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ rất hữu ích cho sự hội nhập kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh". - VOA
|
|
5.
TT Obama thăm các cư dân Flint, bàn về khủng hoảng nước
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Flint, Michigan, hôm 4/5 để gặp người dân có nguồn nước bị ô nhiễm và trực tiếp xem xét viện trợ liên bang đang được sử dụng ra sao để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng. Ông dự kiến sẽ gặp các quan chức phụ trách các kho thực phẩm vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng nước và sẽ đọc diễn văn trước khoảng 1.000 người tại một trường trung học địa phương có chủ yếu là người Mỹ gốc Phi. Chuyến thăm lần này được cho là để đáp lại lá thư của một bé gái 8 tuổi ở Flint.
Tòa Bạch Ốc hôm 3/5 cho biết chuyến thăm của ông Obama là một dấu hiệu về việc ông tiếp tục hỗ trợ cho người dân Flint.
Phát ngôn viên Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc nói: "Như tổng thống đã viết trong thư của ông hồi tuần trước gửi Mari Copeny, được cả thành phố biết đến với cái tên Tiểu thư Flint Nhỏ bé, cư dân Flint nên biết rằng khi các máy ảnh, máy quay phim đã rời đi, hỗ trợ của chính quyền đối với các nỗ lực ứng phó của bang và địa phương vẫn sẽ tiếp tục".
Cuộc khủng hoảng nước là hậu quả của việc chuyển đổi nguồn nước từ nhà máy tại Detroit sang sông Flint, có nồng độ muối cao. Muối đã ăn mòn đường ống nước và làm chì hòa vào nước. Cư dân địa phương đã bắt đầu thấy có chì trong máu đạt mức độ cao nguy hiểm, có thể làm suy yếu nghiêm trọng sức khỏe của trẻ em.
Bác sĩ nhi khoa Mona Hanna-Attisha nói: "Tôi nhìn thấy một gia đình ở phòng khám và khi nhìn sâu vào đôi mắt của người mẹ, ta thấy sự sợ hãi, và hoảng loạn. Người ta bị chấn thương, vì họ không biết điều gì sẽ xảy ra với con mình. Chì là một chất độc gây hại thần kinh không hồi phục với các vấn đề về nhận thức và hành vi trong thời gian dài".
Khi vụ bê bối nổ ra năm ngoái, người Mỹ - trong đó có Tổng thống Obama - đã phẫn nộ.
Ông Obama nói: "Con cái chúng ta lẽ ra không phải lo lắng nước uống tại các thành phố của Mỹ. Đó không phải là điều mà chúng ta chấp nhận được".
Tháng trước tổng chưởng lý Michigan đã truy tố ba quan chức liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm đe dọa sức khỏe của gần 100.000 người. Nhiều người biểu tình đòi Thống đốc Rick Snyder Michigan từ chức. Ông này nói ông không có hành động sai trái gì và cho biết ông sẽ yêu cầu liên bang viện trợ nhiều hơn trong một cuộc họp với Tổng thống Obama.
Ông Snyder đã công khai uống nước lọc từ Flint để chứng minh nước ở đây an toàn. Nhưng cư dân nói rằng nước có mùi hóa chất. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Cứu 34 ngư dân bị đâm tàu ở Hoàng Sa --- Trung Quốc đưa văn công ra biểu diễn ở Trường Sa
Quan chức Việt Nam nói hơn 30 ngư dân bị 'tàu lạ' đâm chìm đã được một tàu cá đi cùng cứu thoát và sẽ về tới Quảng Nam vào chiều thứ Năm 5/5.
Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, xác nhận với BBC rằng 34 ngư dân địa phương đã phải bám vào các thúng sau khi tàu của họ bị 'tàu lạ' đâm chìm trong vài tiếng trước khi được một tàu cá khác cũng của địa phương cứu thoát.
Báo Việt Nam nói vụ việc xảy ra vào lúc trời tối nên ngư dân không thể khẳng định tàu của nước nào.
Hoàng Sa là đảo mà chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Ông Bảy nói địa điểm tàu cá có trọng tải 60 tấn và 750 mã lực bị đâm tối 3/5 cách địa phương khoảng hai ngày hai đêm, khoảng 350 hải lý, và vì vậy phải tới chiều 5/5 ngư dân mới về tới xã.
Vị phó chủ tịch xã nói sức khỏe của các ngư dân "bình thường nhưng tinh thần hỗn loạn."
Theo ông đây là vụ thứ tư trong đó tàu của Quảng Nam bị "tàu lạ" đâm trong năm nay và là vụ đầu tiên của địa phương.
Ông cũng nói ngoài mất tàu, các ngư dân cũng mất toàn bộ 30 tấn mực khô mà họ đánh bắt được, sấy khô và chứa trong tàu.
VietnamNet nói tàu cá bị đâm chìm mang số hiệu QNa95959TS do ông Phạm Phú Thành làm thuyền trưởng và tàu ứng cứu mang số hiệu QNa94998TS do ông Phạm Phú Trung, cùng ở xã Bình Minh, làm thuyền trưởng. - BBC
***
Tiếp sau súng ống, tàu và máy bay chiến đấu, quân đội Trung Quốc sử dụng công cụ mới để chứng tỏ chủ quyền ở Biển Đông khi đưa đoàn văn nghệ sĩ ra biểu diễn trên các hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh vừa xây tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
AP hôm nay cho hay đoàn văn công tuần này ra phục vụ binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại đây do nữ ca sĩ nổi tiếng Tống Tổ Anh dẫn đầu.
Chương trình biểu diễn gồm các ca khúc khích lệ tinh thần yêu nước được đài truyền hình nhà nước quay và phát hình.
Ngoài Đá Chữ thập, nơi Trung Quốc đã xây một đường băng phục vụ cho các máy bay quân sự cỡ lớn của Bắc Kinh, các văn nghệ sĩ của Trung Quốc còn tới biểu diễn trên Đá Châu Viên.
Tin tức về buổi trình diễn được truyền thông nhà nước phổ biến rộng rãi hôm nay còn cho thấy những hình ảnh hiếm hoi về các công trình quy mô của Bắc Kinh trong khu vực, với các ngọn hải đăng, cảng biển, cao ốc được xây dựng bên trên các bãi đá và rạn san hô đã được phủ cát và bê tông.
Ngoài ra, người ta còn thấy tàu đổ bộ khổng lồ, lớp 071 của Hải Quân Trung Quốc có khả năng chuyên chở 4 trực thăng và 800 binh sĩ.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tuyên bố chủ quyền trên hầu hết toàn bộ Biển Đông cùng các đảo, đá tại đây.
Lực lượng hải quân và tuần duyên của Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực.
Cả máy bay dân sự và máy bay quân sự của Bắc Kinh đã hạ cánh xuống Đá Chữ Thập.
Các nỗ lực này chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm tiến tới bất chấp những chỉ trích từ các nước bao gồm Việt Nam và Hoa Kỳ phản đối Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. - VOA
|
|
7.
Quan chức bác thông tin đánh người TQ --- Hải quan Việt Nam bị cáo buộc ‘vòi tiền’ du khách Trung Quốc
Lãnh đạo sân bay Cam Ranh được dẫn lời bác bỏ thông tin nói du khách Trung Quốc bị đánh, sách nhiễu và vòi tiền.
Ngày 4/5 báo Thanh Niên dẫn lời ông Phan Lê Hoan, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, khẳng định không có việc như một số trang mạng Trung Quốc đưa tin.
Nhiều du khách Trung Quốc có mặt làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đêm hôm 2/5/2016 đã phản ứng lại thái độ và cách xử sự của các nhân viên an ninh sân bay, truyền thông Trung Quốc nói.
Một clip video chưa được kiểm chứng còn cho thấy hình nhân viên được cho là an ninh sân bay đánh vào người du khách.
Đang có kêu gọi trên mạng xã hội Trung Quốc tẩy chay du lịch Việt Nam cho tới khi các cáo buộc này được làm rõ.
Cơ quan Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được thông báo về vụ việc, theo bản tin của BBC tiếng Trung.
Máy bay bị trễ
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Phan Lê Hoan nói lúc 20:00 hôm 2/5 hành khách được mời vào chuẩn bị lên chuyến bay đi Thượng Hải đã trễ chuyến.
Ông Hoan cho hay "khi vào nhà ga, có một du khách gây mất trật tự".
"Lúc này, một hành khách Trung Quốc đã xông vào giật công cụ hỗ trợ của nhân viên an ninh sân bay. Nhân viên an ninh giằng lại công cụ, chứ không hề có chuyện 'đánh du khách'".
Về cáo buộc vòi tiền, ông Phan Lê Hoan nói: "Hôm đó, có trường hợp công an cửa khẩu kiểm tra một hành khách. Du khách này cũng phản ứng, vì họ cho rằng bị gây khó dễ. Nhưng sau đó, công an cửa khẩu cũng đóng dấu cho du khách xuất cảnh".
"Còn chuyện có lấy tiền của du khách hay không thì tôi không rõ."
Mạng Weibo của Trung Quốc trước đó cho hay sân bay Cam Ranh lúc xảy ra sự việc có khoảng 1.000 người, hầu hết là các du khách Trung Quốc.
Người dùng trang mạng Weibo lấy tên "Xuhang KEVIN", có mặt tại sân bay vào thời điểm đó, nói với Ban Tiếng Trung của BBC rằng một người Trung Quốc đi cùng vợ và đứa con trai chừng bốn tuổi đã từ chối "đưa tiền" cho các nhân viên hải quan Việt Nam vì "thái độ xấu".
"Xuhang KEVIN" nói ông đứng xếp hàng ngay đằng sau gia đình này. Ông nói các nhân viên Việt Nam đã tìm cách lấy hộ chiếu của họ nhưng không được. Cuối cùng, người đàn ông 'cho' 100 đồng nhân dân tệ, và được cho qua.
Tuy nhiên, "Xuhang KEVIN" nói đây không phải là vấn đề duy nhất dẫn đến các cuộc mâu thuẫn giữa du khách Trung Quốc và các nhân viên người Việt.
Ông nói một du khách phát hiện ra mình mất điện thoại khi qua điểm kiểm tra an ninh, và người này tin rằng chắc chắn điện thoại đã bị các nhân viên Việt Nam lấy mất. Sau đó, chiếc điện thoại di động đã được trả lại cho chủ nhân.
"Xuhang KEVIN" nói có một du khách lớn tuổi, người nói ông ta từng chiến đấu trong Cuộc chiến Việt Nam, đã gào lên. Một số nhân viên muốn cản ông lại, càng khiến cho cuộc mâu thuẫn hai bên trở nên nóng hơn.
"Xuhang KEVIN" nói với BBC tiếng Trung là hai bên không xảy ra xô xát, đụng chân đụng tay gì. Vào thời điểm xảy ra mâu thuẫn, có ba chuyến bay chuẩn bị cất cánh đi Trung Quốc, một chuyến đi Thượng Hải và hai chuyến đi Thành Đô, cho nên đa phần hành khách là các du khách Trung Quốc.
Một người dùng Weibo khác, "Mayaya Ya", cũng chứng kiến cảnh tượng này và nói bà thấy các nhân viên lôi súng phóng điện ra, nhưng không biết là liệu họ có dùng thứ đó đối với các du khách hay không.
Bà nói các du khách Trung Quốc chỉ hô vang các khẩu hiệu và hát quốc ca để tỏ ý bất bình trong thái độ ôn hòa.
Tuy nhiên, một người dùng Weibo khác, "coonsyz", nói một số du khách là người Trung Hoa đại lục đã bị đánh, không biết vì sao. - BBC
***
Các cán bộ hải quan Việt Nam bị cáo buộc đã cãi vã với các khách du lịch Trung Quốc về việc thu tiền để đi qua hải quan hôm thứ Hai, theo một bài đăng trên mạng xã hội Weibo.
Một số cán bộ được cho là đã chĩa súng điện vào một bà mẹ.
Một trong số các khách du lịch nói với truyền thông rằng mọi người trong nhóm của họ đã bị các cán bộ hải quan Việt Nam yêu cầu 10 nhân dân tệ như một điều kiện để đi qua sân bay Tp. Hồ Chí Minh.
Khi một người mẹ trong nhóm từ chối yêu cầu, một trong số các cán bộ đã giữ lại hộ chiếu của cô, đưa con cô đi và nói rằng họ không được phép đi qua trừ khi cô nộp 100 Nhân dân tệ.
Những du khách Trung Quốc xếp hàng phía sau người mẹ này đã bị yêu cầu 30 Nhân dân tệ để đi qua cửa khẩu.
Theo tin tức truyền thông, vụ việc này đã gây phẫn nộ trong nhóm du khách và khiến chuyến bay đến Trung Quốc bị chậm 40 phút.
Các nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết Lãnh sự quán đang điều tra vụ việc.
Đây không phải vụ tiêu cực đầu tiên liên quan đến hải quan Việt Nam được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.
Báo Đời sống và Pháp luật của Viêt Nam dẫn lời một Việt kiều đang sống tại Thành phố Ulsan (Hàn Quốc) khi được một nhân viên an ninh sân bay “ưu tiên” cho bà lên làm thủ tục trước vì có con nhỏ nhưng một nhân viên khác đã gợi ý “bồi dưỡng”:
"Lo lắng bị làm khó dễ trong quá trình làm thủ tục nên tôi "bấm bụng" rút 20 won tiền Hàn (khoảng 400 nghìn đồng tiền Việt) để bồi dưỡng cho anh này. Tưởng người ta tốt bụng thấy mình có con nhỏ nên thương, ai ngờ họ có mục đích hết". - VOA
|
|
8.
Ông Trương Minh Tam được trả tự do --- Cá biển chết ở Việt Nam: Hệ lụy có thể kéo dài 50 năm
Nhà hoạt động Trương Minh Tam, bị bắt vì liên quan vụ cá chết Vũng Áng, vừa được chính quyền trả tự do chiều 4/5.
Chị gái ông Tam, bà Trương Thị Ngà, xác nhận với BBC rằng ông Tam được thả khoảng lúc 7:00 tối và "đang trên đường về nhà".
Trước đó một nhà hoạt động khác là ông Chu Mạnh Sơn cũng được thả vào lúc 11:00 đêm hôm 2/5.
Cả hai ông bị bắt cùng một đợt, mà hôm 1/5 truyền thông Nhà nước chính thức loan tin là do "có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh, để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân".
Tối 1/5, trên bản tin tối, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) công bố việc cơ quan chức năng bắt hai ông Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn vì hai người này đã đến khu công nghiệp Formosa, và Kỳ Hà, Hà Tĩnh để ghi nhận tình hình đời sống ngư dân tại các khu vực này sau khi thảm họa cá biển chết hàng loạt xảy ra.
Bản tin của VTV nói ông Tam đã "phỏng vấn" và "biên tập phóng sự phát trên các trang mạng xấu".
Con Đường Việt Nam
Ông Trương Minh Tam là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam.
Tổ chức này cho hay ngày 26/4/2016, ông Tam đã có mặt tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh để tìm hiểu về vụ việc cá chết tại ven biển miền Trung từ đầu tháng Tư.
Con Đường Việt Nam nói: "Sau khi thực hiện phóng sự, ông Tam trở về Hà Nội nhưng đã mất liên lạc kể từ tối 28/4".
Ông Trương Minh Tam cũng bị cáo buộc nhận tiền của nước ngoài để làm tin 'kích động người dân' biểu tình.
Tuy nhiên dường như với việc thả ông Tam, nhà chức trách đã không đủ chứng cứ để buộc ông tội danh hình sự.
Phong trào Con Đường Việt Nam được thành lập vào ngày 10/6/2012. - BBC
***
Khi nước biển bị ô nhiễm nặng, hậu quả nghiêm trọng là điều khó tránh vì: thứ nhất, khó cô lập vùng ô nhiễm, thứ hai, các phân tích của mẫu được thu thập dễ bị sai lệch, và thứ ba, chuỗi thức ăn tự nhiên trong vùng như chim, động-thực vật dưới biển bị lây nhiễm. Cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là ung thư. Nếu có những độc chất không thể hòa tan, quá trình luân chuyển và hậu quả có thể kéo dài đến 50 năm, theo đánh giá của một chuyên gia Pháp, ông Jean Hetzel, khi trả lời phỏng vấn RFI.
Vụ cá biển chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền trung Việt nam cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức, dù đã sau gần một tháng. Giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là nguồn nước bị nhiễm độc do nước thải công nghiệp. Công ty Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh được cho là nghi phạm chính.
Vụ việc có thể coi là một thảm họa môi trường và đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Việt nam, cũng như thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Đứng về góc độ chuyên môn, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực môi trường của Pháp đã có những chia sẻ với RFI Việt ngữ khi được thông tin về vụ việc. Ông Jean HETZEL, hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững, hiện là chủ tịch công ty tư vấn JOHANSON International và đã tham gia xử lý các thảm họa môi trường như vụ Sandoz-sông Rhin năm 1986.
RFI : Xin chào ông Jean Hetzel, trước hết ông đánh giá như thế nào về vụ cá chết hàng loạt bị nghi là do ô nhiễm ở vùng biển miền trung Việt nam ?
Jean Hetzel : Vâng xin chào, tôi thấy đây là một vụ ô nhiễm nghiêm trọng. Đã rất lâu rồi tôi mới biết một vụ ô nhiễm môi trường như vậy, trải dài khoảng 200 km. Vụ việc xảy ra ở vùng biển thì khá hiếm vì hiện tượng này thường xảy ra ở các vùng sông. Rõ ràng đây là một cú sốc vì cá chết phơi bụng nhiều. Cũng không được quên các loài rong, tảo là nguồn thức ăn của cá, khi không chịu nổi chất gây ô nhiễm cũng sẽ chết.
Cú sốc này lớn vì hậu quả có thể là ngắn và trung hạn nhưng cũng có thể là dài hạn, tùy thuộc vào các chất bị thải ra, có thể từ 2 đến 50 năm. Những chất có thể hòa tan trong nước thì 2-3 năm, nhưng những chất kỵ nước thì nó sẽ còn tồn tại và tiếp tục chu trình luân chuyển.
RFI: Đứng ở góc độ chuyên môn, thì theo ông khi vụ việc vừa xảy ra, nên xử lý như thế nào ?
Jean Hetzel : Thường thì với trường hợp như thế này thì lập tức phải thu thập mẫu vật, như là xác loài vật chết, các loài chim trong vùng, tảo biển. Phải thực hiện biện pháp bảo vệ khẩn cấp như là dừng các hoạt động liên quan ngành thủy hải sản, dừng đánh bắt ở những vùng lân cận. Khó khăn lớn đối với Việt nam là vụ việc xảy ra ở biển, rất khó dừng ô nhiễm ở biển vì nó lan nhanh xuống các tầng nước, khi xuống tầng nước sâu thì khó tìm được dấu vết.
RFI : Ông có thể chia sẻ một kinh nghiệm của mình ?
Jean Hetzel : Ở Pháp thì cũng có những vụ ô nhiễm nguồn nước. Tôi đã tham gia xử lý 3 vụ ô nhiễm lớn, nhất là vụ Sandoz ở sông Rhin 1986, vụ ô nhiễm rất lớn, ảnh hưởng đến các kênh trong vùng, lan ra biển phía Bắc, như vậy trải rộng qua Thụy Sỹ, Pháp, Đức và Hà Lan. Người ta đã phải theo dõi hơn 5 năm để chắc rằng ô nhiễm đã được giải quyết, mà các chất ô nhiễm ở đây thuộc nhóm đơn giản. Nếu các chất phức tạp hơn thì thời gian chắc phải nhiều hơn.
RFI: Theo ông vì sao vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm nhiều hơn?
Jean Hetzel : Có nhiều lý do. Trước tiên là người dân được giáo dục tốt hơn. Người ta nhận biết rằng vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là các chất nguy hiểm, gây nguy hại cho sức khỏe. Người ta đầu tư hàng tỷ đô la để nâng cao sức khỏe, nhưng ô nhiễm có thể gây ra cái chết, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, tác động đến chuỗi thực phẩm, ung thư v.v.. Những hậu quả do ô nhiễm được biết vì vậy người ta cố gắng hạn chế và giảm ô nhiễm.
Vấn đề ô nhiễm quan trọng vì trong 50 năm qua, chúng ta làm nghiên cứu rất nhiều về môi trường, vì vậy có nhiều bằng chứng khoa học. Những đối thoại/yêu cầu về môi trường ngày càng nhiều, nhất là từ các tổ chức phi chính phủ, đòi các cơ quan nhà nước có những giải pháp phù hợp. Ở Pháp có chính sách riêng về nước (gồm những hoạt động hướng dẫn và kiểm tra nguồn nước, chất lượng nước, những người có trách nhiệm kiểm tra), về môi trường như là cảnh sát môi trường/cảnh sát nước.
RFI: Hiện nay có nhiều chủ đầu tư công nghiệp không muốn tăng chi phí môi trường, họ cho là tốn kém. Theo ông thì điều này có ảnh hưởng như thế nào?
Jean Hetzel : Đương nhiên là có chi phí, nhưng không nhiều so với mạng sống của con người. Chi phí trung bình so với tổng đầu tư nhà máy từ 5%-15% tuỳ trường hợp nhưng hiếm khi đạt mức cao nhất, vì mức cao nhất là dành cho những trường hợp yêu cầu gắt gao, như trong lĩnh vực hạt nhân. Chi phí đầu tư cho môi trường phải được tính là nếu không đầu tư thì sẽ bị mất thị phần, các tập đoàn lớn ngày càng nhạy cảm với vấn đề này nếu bị người tiêu dùng đưa vào danh sách đen. Vì vậy cần đầu tư ngay từ đầu để tránh những thiệt hại về hình ảnh và thị phần.
RFI: Ở những nước phát triển, như Pháp chẳng hạn, vì sao việc bảo vệ môi trường rất được ưu tiên ?
Jean Hetzel : Trước tiên là cần có cảnh sát môi trường, để môi trường được bảo vệ tốt nhất có thể. Đó là về phía chính phủ. Nhưng quan trọng hơn vẫn là hành động của người dân. Cụ thể là hoạt động ở quy mô địa phương của các hội đoàn độc lập, như hội những người đánh cá, hội những người đi săn v.v.., cũng như các tổ chức phi chính phủ, vì các tổ chức này có chuyên môn để thúc đẩy chuyện này.
Cũng cần sự bổ sung của giới công nghiệp, vì có những công ty chuyên xử lý, giảm ô nhiễm, ví dụ như ở Pháp có những công ty hàng đầu về vấn đề này. Và ngày càng nhiều thông tin được cung cấp bởi giới công nghiệp khi họ tham gia cùng các hội đoàn trong ban điều hành. Phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng ban hành các quy định hơn khi có sự đồng thuận giữa người dân, các ngành công nghiệp sản xuất và các hội đoàn, ONG. Cần hành động và cần bảo vệ môi trường. - RFI
No comments:
Post a Comment