Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Pháp: Máy bay Ai Cập đã bị rơi
Tổng thống Pháp Francois Hollande xác nhận máy bay của hãng EgyptAir mất tích hôm nay trên đường bay từ Paris đến Cairo đã bị rớt.
Trong một bài phát biểu truyền hình, ông Hollande nói, “Chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta biết tất cả mọi thứ về nguyên do những gì đã xảy ra. Không có giả thuyết nào được loại trừ hay tán đồng.”
Máy bay đã bay ngoặt nhiều lần và bay xuống độ thấp bất chợt trước khi biến mất trên màn hình radar, theo lời Bộ trưởng quốc phòng Hy Lạp Panos Kamennos trong một cuộc họp báo.
Ông Kamennos nói: “Máy bay đã quay 90 độ về bên trái và sau đó quay ngoặt 360 độ về bên phải, tụt từ độ cao 11.582 mét xuống 4.572 mét và sau đó mất tích ở độ cao khoảng 3.048 mét.
Các đội cứu hộ Hy Lạp và Ai Cập đang tìm kiếm một chiếc máy bay mất tích với 66 hành khách và nhân viên phi hành đoàn.
Các giới chức Hy Lạp cho hay các đội cứu hộ đang tìm kiếm trên biển, tại khu vực cách đảo Karpathos khoảng 130 hải lý về hướng đông nam.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho hay nước ông phái máy bay và tàu thuyền giúp tìm kiếm, và tiếp tục liên lạc chặt chẽ với giới hữu trách Ai Cập.
Ngoại trưởng Pháp và ngoại trưởng Ai Cập chia buồn về tai nạn.
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail nói với các phóng viên báo chí tại phi trường Cairo rằng còn quá sớm chưa thể kết luận là sự cố kỹ thuật hay tấn công khủng bố gây ra tai nạn máy bay này.
Ông Ismail nói: “Chúng tôi chưa thể xác nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì vào thời điểm này. Chúng tôi phải căn cứ và kết quả cuộc điều tra đang được tiến hành để có thể kết luận về tình huống dẫn đến tai nạn.”
Hãng hàng không nói đã mất liên lạc với chuyến bay MS804 vào lúc 2 giờ 30 giờ Cairo chiếc Airbus A320 này đang ở độ cao khoảng 11.278 mét và ở đã đi vào không phận Ai Cập khoảng 16 kilômét. Chưa biết nguyên nhân gây ra tai nạn, nhưng các giới chức hàng không nói rằng chiếc máy bay có lẽ đã rơi.
Hãng EgyptAir trước đó nói rằng các lực lượng vũ trang Ai Cập nhận được thông báo cầu cứu trước khi liên lạc với chiếc máy bay bị mất; tuy nhiên, một người phát ngôn quân đội sau đó đăng một thông báo lên Facebook bác bỏ tin nói có nhận được thông báo cầu cứu.
56 hành khách trên chiếc máy bay, trong đó có một trẻ em và hai trẻ sơ sinh. Các giới chức Ả Rập Xê-út cho hay trong số hành khách có người Pháp, Anh, Ai Cập, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê-út, Sudan, Chad, Bồ Ðào Nha, Algeria và Canada. Không có tin nói có hành khách Mỹ nào trên máy bay.
Đường bay của Egypt Air MS804
EgyptAir cung cấp số điện thoại cho thân nhân của các hành khách, và cung cấp thông dịch viên và bác sĩ tại phi trường Cairo.
Các chuyên gia hàng không cảnh báo không nên nghe theo các đồn đại suy đoán, và lập lại rằng cho đến thời điểm này mới có rất ít thông tin được biết nên chưa thể đi đến kết luận được.
Ông Scott Hamilton thuộc công ty Tham vấn Hàng không Leeham nói với đài VOA: “Tôi co1q thể nói khi một máy bay mất tích ở độ cao 37 ngàn bộ thì đó là một sự kiện khá bất thường. Hoặc nó cho thấy có một trục trặc gây tai họa, hay trục trặc khẩn cấp nào đó, hoặc như chúng ta biết cách đây không lâu là một quả bom có thể phát nổ...nhưng ta phải thận trọng không đi đến bất kỳ kết luận nào ở thời điểm này.”
Ông Hamilton giải thích rằng một toán tìm kiếm có phần chắc sẽ đến điểm cuối cùng nơi có thể truy tầm máy bay và đi tìm những mảnh vụn. Khi tìm ra mảnh vụn, thì hoặc một công cuộc truy tìm và cứu hộ hay tìm kiếm và phục hồi sẽ được phái đến để tìm người sống sót hay thi thể.
Ông nói thêm, “Cuối cùng họ sẽ đi tìm những chiệc hộp đen hay các thiết bị ghi dữ liệu chính của chiếc máy bay.
Vụ mất tích máy bay này đã khơi lại những quan ngại về an ninh vài tháng sau khi chiếc máy bay chở khách của Nga bị bắn hạ trên không phận bán đảo Sinai ngày 31 tháng 10, làm tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng. Moscow nói máy bay bị hạ bởi một thiết bị nổ, và một chi nhánh địa phương của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm gài bom.
Năm 1999, chuyến bay 1990 của Egypt Air đã dâm xuống Đại Tây Dương gần đảo Nantucket, ngoài khơi bang Massachusetts của Hoa Kỳ, làm tất cả 217 người trên máy bay thiệt mạng. Nhân viên điều tra Hoa Kỳ đã đệ trình báo cáo chung cộc với kết luận là viên phi công phụ đã tắt thiệt bị tự động và chúc đầu chiếc Boeing 767 xuống. Nhưng các giới chức Ai Cập bác bỏ toàn bộ khái niệm tự sát và nhấn mạnh rằng một lý do máy móc nào đó đã gây ra tai nạn rớt máy bay. - VOA
|
|
2.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN khai mạc ở Sotchi --- Nga muốn can thiệp vào tranh chấp Biển Đông thông qua ASEAN
Hôm nay 19/05/2016, hội nghị thượng đỉnh Nga và các nước Đông Nam Á khai mạc ở Sotchi, đánh dấu 20 năm quan hệ Nga-ASEAN. Chủ đề của hội nghị kéo dài hai ngày là "Hướng đến hợp tác chiến lược vì lợi ích chung"
Theo trợ lý tổng thống Nga, chương trình được khai mạc với lễ đón chính thức lãnh đạo các đoàn. Các cuộc làm việc trực tiếp sẽ diễn ra vào ngày mai 20/05/2016, khi lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á sẽ gặp các đại diện của Diễn Đàn Kinh Doanh.
Trong ngày làm việc đầu tiên, chủ đề hội nhập lục địa Á-Âu và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được thảo luận, cụ thể là triển vọng kết nối hội nhập Liên minh Kinh tế Âu Á Eurasia và Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo Nga và ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Sotchi, với những định hướng chung trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như công việc của các bên trong tương lai.
Một kế hoạch tổng thể về các giải pháp thúc đẩy hợp tác giai đoạn 2016-2020 cũng hy vọng được thông qua ở hội nghị này, như là một phụ lục của Tuyên bố Sotchi.
Hội nghị thượng đỉnh Sotchi là hội nghị lần thứ ba trong 20 năm quan hệ Nga-ASEAN. Hội nghị này đã được tổ chức lần đầu tiên ở Kuala Lumpur năm 2005 và sau đó ở Hà Nội năm 2010. Tổng thống Nga Putin sẽ dự họp báo kết thúc hội nghị.
Diễn Đàn Kinh Doanh đã được tổ chức trước hội nghị, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác Nga-ASEAN trong lĩnh vực kinh tế thương mại, tìm cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Nga. Trong các đối tác của Nga ở Đông Nam Á, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí. - RFI
***
Theo dự kiến, ngày mai, 20/05/2016, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Sotchi, Nga sẽ ký với ASEAN một hiệp định, trong đó có những phần nói về lưu thông hàng hải và quân sự hóa vùng Biển Đông. Hiệp định này cho thấy Matxcơva đang thông qua ASEAN can thiệp vào tranh chấp Biển Đông, đồng thời mở rộng ảnh hưởng ở châu Á.
Theo dự thảo hiệp định Nga-ASEAN, hai bên đồng ý sẽ "bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, quyền tự do lưu thông trên biển và trên không", đồng thời chủ trương rằng các bên phải "tự kềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo đúng các nguyên tắc được cả thế giới thừa nhận của luật pháp quốc tế"
Dự thảo hiệp định còn ghi rõ là Nga và ASEAN ủng hộ việc "thực thi đầy đủ và thật sự bản Tuyên bố chung của các bên trên Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)".
Trong khối ASEAN hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc trong khuôn khổ đa phương, trong khi Bắc Kinh vẫn đòi giải quyết tranh chấp này thông qua đàm phán song phương. Cam Bốt, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khu vực, ủng hộ lập trường của Bắc Kinh và vẫn bác bỏ những lời kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua ASEAN.
Cam Bốt và nước Lào láng giềng, hai nước vẫn nhận rất nhiều trợ giúp tài chính của Trung Quốc trong những năm gần đây, như vậy có thể sẽ lâm vào thế khó xử nếu buộc phải tuân thủ những nguyên tắc của hiệp định nói trên.
Để chiêu dụ các nước Đông Nam Á, trong bản hiệp định, Nga đề nghị một hiệp định tự do mậu dịch "toàn diện" giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Âu Á, một thị trường chung với tổng sản phẩm nội địa lên tới 4 ngàn tỉ đôla. Các nước ASEAN đã cho biết họ sẽ xem xét đề nghị đó.
Nhưng theo một số nhà quan sát, chưa chắc là hiệp định Sotchi sẽ tạo ra những tác động như mong muốn của Nga. Giáo sư John Ciorciari, một chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Đại học Michigan, nhắc lại rằng nước Nga của Putin đang tìm cách khôi phục sự hiện diện và vị thế của quá khứ cường quốc thế giới. Ông lưu ý rằng các công ty quốc phòng của Nga cũng đang tìm các thị trường xuất khẩu, mà châu Á là một thị trường hấp dẫn. Nga còn là đối tác lý tưởng cho những quốc gia ASEAN nào muốn đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn.
Theo lời ông Chheang Vannnarith, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Cam Bốt, cho dù hiệp định Sotchi là dấu hiệu cho thấy Nga tăng cường hợp tác với vùng Đông Nam Á, nó chưa hẳn có nghĩa rằng Nga sẽ trở thành một đối tác chiến lược của ASEAN.
Ông Vannnarith nhận định: "Do bị áp lực về ngoại giao và kinh tế từ phía châu Âu và Mỹ, trong những năm gần đây, Nga đã chuyển trọng tâm sang châu Á, như là một cửa ngõ để Nga tiếp tục phát triển kinh tế và tiếp tục vận động ngoại giao trong khu vực". Nhưng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Cam Bốt cho rằng Matxcơva nên tiếp tục giữ vai trò trung lập trên vấn đề Biển Đông, không nên đứng về phe nào. - RFI
|
|
3.
Hồng Kông: Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc cố trấn an dân chúng
Hôm nay, 19/05/2016, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) kết thúc chuyến thăm Hồng Kông. Trong một phát biểu tối qua, 18/05/2016, đặc phái viên cao cấp nhất được Bắc Kinh cử đến Hồng Kông kể từ bốn năm nay, đã cố gắng trấn an dân chúng đang hết sức thất vọng và lo ngại về tương lai, bởi các cam kết tôn trọng nền dân chủ của Hồng Kông bị chính quyền trung ương làm ngơ.
Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông:
Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc tuyên bố: "Những mong muốn của địa phương không phải là không phù hợp với chủ nghĩa yêu nước" . Phát biểu nói trên nằm trong bài diễn văn chính thức của ông Trương Đức Giang, được đọc vào cuối chuyến viếng thăm đặc khu hành chính Hồng Kông. Nói cách khác, người dân Hồng Kông có thể yêu xứ sở của mình, hay đơn vị hành chính của mình, với những bản sắc riêng biệt, nhưng vẫn trung thành với "đất mẹ", tức ‘‘tổ quốc Trung Hoa vĩ đại".
Từ nhiều năm nay, trước áp lực từ Hoa lục, người Hồng Kông lo sợ mất ngôn ngữ của họ - tiếng Quảng Đông, đang bị tiếng Hoa phổ thông áp đảo, đánh mất phong cách sống riêng của mình. Họ cảm thấy thời hạn 2047 đang tới gần, thời điểm mà quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông sẽ chấm dứt.
Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ cởi mở với mọi đề xuất và mọi quan điểm trên nền tảng tôn trọng nguyên tắc ‘‘một quốc gia, hai chế độ’". Mặt khác, ông Trương Đức Giang cũng nhấn mạnh rằng những lời kêu gọi độc lập cho Hồng Kông chỉ là của một thiểu số rất nhỏ.
Sáng hôm nay, ba lãnh đạo đảng chính trị mới của Hồng Kông, đảng Demosisto, trong đó có lãnh đạo sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), đã tổ chức một cuộc phục kích để ngăn chặn đoàn xe chở chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc tại một đường hầm. Theo họ, hành động này nhằm khẳng định quan điểm Hồng Kông có quyền tự quyết và bày tỏ nỗi giận dữ của dân chúng Hồng Kông trước việc Bắc Kinh can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu.
Theo một số nhà quan sát, mục tiêu thực sự của chuyến công du của nhân vật số ba của chính quyền Trung Quốc là nhằm xem xét kỹ tình hình chính trị tại chỗ, để Bắc Kinh quyết định có nên tiếp tục ủng hộ người đứng đầu đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) có lập trường thân Bắc Kinh, mà uy tín đang xuống rất thấp. Chiều hôm qua, ông Trương Đức Giang có một cuộc gặp gỡ với các dân biểu thuộc phe dân chủ. Đây được coi là một sự kiện hiếm hoi. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
TT Obama đối mặt với áp lực bãi bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam
41 năm sau khi kết thúc một trong các cuộc chiến tranh gây nhiều chia rẽ nhất trong lịch sử Mỹ, các chuyên gia nói quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bao giờ chặt chẽ hơn – và có những lời kêu gọi Washington củng cố mối quan hệ này bằng cách bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã áp dụng mấy chục năm nay. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện từng là tù binh chiến tranh ở Việt Nam tuyên bố ông sẽ hoan nghênh việc bãi bỏ cấm vận, nhưng phải kết nối việc này với những cải thiện về nhân quyền. Vấn đề này sẽ là vấn đề hàng đầu trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào chủ nhật này, theo tường trình của thông tín viên đài VOA Cindy Saine từ Tòa Bạch Ốc.
Đã có rất nhiều sự thay đổi giữa hai nước cựu thù thời chiến...
Và Thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa từng ra tranh cử tổng thống, ông John McCain biết rất rõ điều đó. Ông là một phi công của hải quân Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Máy bay của ông đã bị bắn hạ và ông đã bị bắt làm tù binh chiến tranh ở Hà Nội trong 5 năm rưỡi, chịu đựng cảnh tra tấn và bị bỏ rơi. Song ông không mang lòng hận thù, khi nói chuyện với đài VOA:
“Tôi nghĩ khi chúng ta bình thường hóa quan hệ thì đã có sự hòa giải giữa đất nước và nhân dân chúng ta. Hãy nhìn xem, có một số người đã ngược đãi tôi trong tù mà tôi hy vọng không bao giờ gặp lại. Nhưng điều đó không làm thay đổi ý kiến của tôi rằng người dân Việt Nam là những người bạn tuyệt với và thân mến, chúng ta cần họ và họ cũng cần chúng ta.”
Ông McCain cho biết ông muốn dành cho Việt Nam thêm các khả năng quân sự để chống lại sự hung hãn ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng ông tin rằng việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí phải liên kết với việc Hà Nội cải thiện nhân quyền. Việt Nam đã hối thúc việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm này.
Chuyên gia về châu Á thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ, ông Brian Harding nói an ninh sẽ là một trọng điểm chính trong chuyến thăm của ông Obama đến Hà Nội và TPHCM.
“Bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang đi theo một chiều hướng vô cùng tích cực. Đứng đầu nghị trình trong chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ là những vấn đề an ninh, nhân quyền và thương mại. Tôi nghĩ mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu Hoa Kỳ có bãi bỏ chính sách về một lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến đi này hay không.”
Ông Harding nói cuộc Chiến tranh Việt Nam vẫn phủ những bóng tối lên cả hai nước, nhưng tương lai có vẻ tươi sáng.
“Việt Nam là một nước với khối dân khá trẻ. Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, có những cảm nghĩ vô cùng tích cực đối với Hoa Kỳ.”
Trong chuyến đi này, tổng thống cũng sẽ đi thăm Nhật Bản, một cựu thù chiến tranh khác, và có phần chắc sẽ nêu bật sức mạnh hòa giải để chuyển biến quan hệ ở cả hai nước. - VOA
|
|
5.
Máy bay B-52 của Hoa Kỳ gặp nạn
Một chiếc máy bay ném bom B-52 đã bị rơi không lâu sau khi cất cánh từ căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở đảo Guam, Không quân Hoa Kỳ cho biết.
Mỹ nói toàn bộ bảy thành viên phi hành đoàn đã rời máy bay an toàn sau khi vụ việc xảy ra vào lúc 08:30 giờ địa phương ở Căn cứ Không quân Andersen.
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ nói với BBC rằng vụ việc được coi như một “rủi ro”.
Chiếc máy bay được huy động tới vùng đảo thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ từ North Dakota nhằm tiếp diễn sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Trang tin địa phương Kuam trích dẫn văn phòng thống đốc Guam: “Chúng tôi đảm bảo với người dân rằng đây có vẻ không phải là một vụ tấn công.”
Thành viên phi hành đoàn từ Phi đội Bom Viễn Trinh 69 (69th Expeditionary Bomb Squadron) đang trong quá trình tập huấn thông thường, lực lượng Không quân viết trong thông cáo.
Các bước cần thiết đã được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường, tuy nhiên thông cáo không ghi rõ thêm chi tiết.
Các máy bay B-52 vẫn hoạt động tốt sau 60 năm phục vụ quân đội Hoa Kỳ - từ cuộc chiến Việt Nam cho tới xung đột ở Afghanistan.
Chức năng chính của nó là phòng bị cho Hoa Kỳ khả năng tấn công tức thì trên toàn cầu cả về hạt nhân và tấn công thông thường.
Đảo Guam thuộc lãnh thổ của Hoa Kỳ ở vùng Micronesia ở phía Tây Thái Bình Dương, cách Hawaii khoảng 6.000 cây số.
Các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đây được cho là có vai trò chiến lược quan trọng nhất ở khu vực.
Năm 2008, sáu thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi một chiếc B-52 rơi xuống biển gần Guam. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Chiến đấu cơ TQ 'chặn' máy bay trinh sát Mỹ ở Biển Đông --- Ấn Độ triển khai tàu chiến tại Biển Đông
Ngũ Giác Đài cho hay 2 phản lực cơ chiến đấu của Trung Quốc đã bay trong phạm vi khoảng chỉ hơn 15 mét ngay cạnh một máy bay trinh sát của Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ ba trong không phận quốc tế ở Biển Đông.
Ngũ Giác Đài mô tả vụ việc này là một sự vi phạm nguy hiểm và cho biết đang xem xét nội vụ.
Một giới chức quân đội Hoa Kỳ cho hay 2 chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã bay ra để chặn chiếc máy bay EP-e Aries của Hoa Kỳ và bay gần đến độ buộc phi công phải bay thấp xuống mấy trăm bộ để tránh va chạm.
Chiếc máy bay trinh sát của Hoa Kỳ đang tiến hành các hoạt động thường lệ trong khu vực.
Giới chức vừa kể nói vụ việc xảy ra ở vùng phía bắc Biển Đông, nằm về hướng nam của Hong Kong. Vì không được phép thảo luận chi tiết vụ này một cách công khai, nên giới chức này yêu cầu không nêu danh tính. - VOA
***
Tiếp tục chính sách "Hướng Đông", Ấn Độ triển khai trong vòng hai tháng rưỡi một đội tàu chiến tới vùng Biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương. Trong thời gian này, tàu chiến Ấn Độ sẽ tới thăm nhiều quân cảng trong khu vực, trong đó có cảng Cam Ranh của Việt Nam và cảng Subic của Philippines.
Theo báo Hindustan Times, đội tàu thuộc hạm đội Đông Ấn Độ đã khởi hành từ hôm qua, 18/05/2016, dự kiến sẽ ghé thăm vịnh Cam Ranh (Việt Nam), vịnh Subic (Philippines), Sasebo (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Vladivostok (Nga) và cảng Klang (Malaysia). Vào tháng tới, cũng hạm đội này sẽ diễn tập chung cùng với hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận thường niên Malabar-16, do Nhật đăng cai tổ chức tại khu vực phía đông quần đảo Okinawa.
Đội tàu nói trên bao gồm hai tàu chiến tàng hình INS Satpura và INS Sahyadri, được trang bị tên lửa hành trình, do Ấn Độ tự chế tạo. Tàu tiếp dầu INS Shakti, do Ý sản xuất, có thể cùng một lúc tiếp nhiên liệu cho bốn tàu chiến, với tốc độ 1.300 tấn/giờ. Chiếc thứ tư là tàu hộ vệ INS Kirch, cũng do Ấn Độ sản xuất, được trang bị nhiều tên lửa phòng không và chống hạm.
Theo một thông cáo của Hải Quân Ấn Độ, đợt triển khai này là một nỗ lực « nhằm mở rộng tầm hoạt động và khẳng định chính sách Hướng Đông » của New Delhi, đặc biệt trong các cuộc phối hợp với quân đội Hoa Kỳ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Hồi tháng 6/2015, một đội bốn tàu chiến của Ấn Độ đã tiến hành tập trận tại Biển Đông với một loạt nước Đông Nam Á, Singapore, Indonesia, Malaysia và Cam Bốt, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi đắp và mở rộng nhiều đảo tranh chấp tại quần đảo Trường Sa.
Cho dù nhiều lần bác bỏ ý tưởng tuần tra chung với Hoa Kỳ tại Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải, New Delhi ngày càng thể hiện quyết tâm đảm nhiệm một vai trò quan trọng hơn tại khu vực này. Hôm 16/05, lần đầu tiên Ấn Độ và Hoa Kỳ tổ chức đối thoại về « an ninh hàng hải », tại New Delhi, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng hai nước. - RFI
|
|
7.
Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam
Hôm qua, 18/05/2015, thượng nghị sĩ John McCain đã nói rằng Hoa Kỳ nên bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo ông, quốc gia cựu thù của Mỹ giờ là một đồng minh quan trọng ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu trước chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Barack Obama, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Hoa Kỳ John McCain, cho biết "...Chuyến thăm cho thấy một phát triển tích cực khác trong quan hệ hai nước. Hiện nay, Việt Nam ngày càng trở thành một đối tác quan trọng trong khu vực, cam kết giữ gìn những nguyên tắc dựa trên luật định trong vùng Châu Á Thái Bình Dương: tự do hàng hải, tự do thương mại, các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế". Ông cũng đưa ra ba điểm mà Hoa Kỳ nên thực hiện trong những năm tới để khuyến khích Việt Nam tích cực hơn trong việc tăng cường ổn định và an ninh trong khu vực.
Ông McCain đã bị bắt làm tù binh từ năm 1967-1973 trong chiến tranh Việt Nam. Trong quan hệ Mỹ-Việt, ông là người có ảnh hưởng lớn.
Ủy ban Quân vụ Thượng Viện mà ông McCain làm chủ tịch vừa đề xuất bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong báo cáo công bố ngân sách quốc phòng 2017. Ủy ban này đề nghị ban hành một quy định xem xét việc bán vũ khí cho Việt Nam trong tương lai, nhưng với điều kiện Việt Nam phải cải thiện vấn đề nhân quyền và không được dùng những vũ khí này để vi phạm nhân quyền.
Trong một cuộc họp báo nhanh hôm qua, người phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Daniel Kritenbrink đã từ chối phát biểu về lệnh cấm vận. Tuy nhiên, ông cho biết lệnh cấm vận trong chừng mực nào đó đã được nới lỏng trong năm 2014, với việc Hoa Kỳ bán các thiết bị an ninh hàng hải cho Việt Nam. - RFI
|
|
8.
Campuchia nói gì về chuyến đi của Obama?
Chính giới ở Phnom Penh tỏ ra cẩn trọng, thậm chí hoài nghi, về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ.
Ông Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ 23/5-25/5.
Trong các cuộc hội đàm với phía chủ nhà, ông tổng thống được trông đợi sẽ đề cập các chủ đề như thương mại, an ninh, nhân quyền và hợp tác quốc phòng, trong đó có khả năng gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương toàn bộ hoặc từng phần c
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) chương trình tiếng Khmer đã phỏng vấn một số quan chức chính quyền Campuchia về chuyến thăm của tổng thống Mỹ.
Người phát ngôn chính phủ Phay Siphan được VOA dẫn lời nói hoan nghênh chuyến đi, cho rằng nó có thể giúp hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ, nhưng tỏ ra thận trọng trước khả năng Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Ông Phay Siphan được dẫn lời nói: "Chúng tôi có nghe rằng chuyến thăm [của ông Obama] cũng sẽ đề cập các chủ đề vũ khí và quân sự. Campuchia là nước yêu chuộng kiến thiết hòa bình nên chúng tôi không ủng hộ điều này".
Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương nhằm chứng tỏ lòng tin chiến lược và tăng năng lực phòng thủ, được cho là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Gần đây, Phnom Penh đã có nhiều động thái xích lại gần Bắc Kinh. Trung Quốc là nước cấp viện trợ quốc phòng đều đặn cho Campuchia.
Campuchia cũng nhiều lần công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, cho dù không phải là quốc gia liên quan.
'Có thể có lợi'
Một khía cạnh khác trong chuyến thăm của ông Obama là thúc đẩy hợp tác kinh tế, không chỉ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn giữa các quốc gia trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo các nhà bình luận, lĩnh vực hợp tác này có thể mang lại lợi ích cho các nước như Campuchia.
VOA cũng dẫn lời ông Kung Phoak, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Campuchia (CISS), nó́i rằng Campuchia “có thể được hưởng lợi từ chuyến thăm, nhưng cần có thảo luận mở với thêm nhiều quốc gia để tất cả các thành viên đều có lợi từ Cộng đồng Kinh tế Asean".
Tuy nhiên, dân biểu đối lập ở Campuchia - ông Son Chhay, thì cho rằng vì Campuchia không nằm trong phạm vi TPP, chuyến đi của Tổng thống Obama "không mang lại lợi lộc gì" cho nước này. - BBC
No comments:
Post a Comment