Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Mỹ lại tố cáo Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo
Hôm qua, 13/05/2016, Lầu Năm Góc ra một báo cáo mới cho biết Trung Quốc đã bồi đắp thêm gần 1.300 hectare trên 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở quần đảo Trường Sa, Biển Đông và nay tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng và quân sự hóa các đảo nhân tạo này. Đây là báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ về các hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2015.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, một khi hoàn tất các công trình xây dựng, 3 trong số các đảo nhân tạo của Trung Quốc nay sẽ là 3 phi đạo dài khoảng 3 km có thể tiếp nhận các chiến đấu cơ phản lực và các hải cảng lớn. Bắc Kinh cũng đã đào các con kênh sâu, nạo vét các cảng, đồng thời xây dựng các cơ sở thông tin liên lạc, hậu cần và thu thập tin tình báo.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng tố cáo Trung Quốc có những hành động “cưỡng ép” để khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông, cho dù cho tới nay Bắc Kinh tránh sử dụng các phương tiện quân sự.
Theo lời ông Abraham Denmark, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á, thỉnh thoảng, một vài tàu cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc có hành động “không chuyên nghiệp” đối với các tàu cá và chiến hạm của những nước khác. Ông Denmark cho biết Bắc Kinh có thiết lập một mức độ kiểm soát trong khu vực, nhưng vẫn giữ dưới mức xung đột vũ trang.
Cũng theo báo cáo trên, việc bồi đắp các đảo không cho Trung Quốc thêm bất cứ chủ quyền lãnh thổ nào, nhưng những phi đạo, hải cảng, các thiết bị vũ khí, thiết bị giám sát sẽ giúp Bắc Kinh củng cố sự hiện diện dài hạn ở Biển Đông.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc lại tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh chỉ khiến cho quan hệ giữa Mỹ với các nước châu Á thêm chặt chẽ. Bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ nhắc lại là trong khoảng một chục năm trở lại đây, Trung Quốc đã tăng rất mạnh chi tiêu quân sự, cụ thể là tăng trung bình 9,8% mỗi năm, từ 2006 đến 2015. - RFI
|
|
2.
Tổ chức chống hàng giả đình chỉ tư cách hội viên của công ty Alibaba của TQ
Một tổ chức chống hàng giả đã đình chỉ tư cách hội viên của đại công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc sau khi nhiều công ty hội viên cho rằng Alibaba là nơi bán hàng giả lớn nhất thế giới.
Trong vài tuần qua, các công ty Gucci America, Michael Kors và Tiffani đã rút khỏi Liên minh Quốc tế Chống Hàng giả (IACC) để phản đối sự hiện diện của Alibaba trong liên minh.
Hôm thứ 6 IACC cũng thừa nhận có tình trạng xung đột lợi ích và cho biết họ đã không tiết lộ sự liên hệ giữa Alibaba với ông Robert Barchiesi, người giữ chức chủ tịch của liên minh.
Trước đó trong ngày thứ 6, hãng thông tấn AP loan tin ông Barchiesi có cổ phần của Alibaba, có liên hệ mật thiết với một viên giám đốc của Alibaba và đã dùng người trong gia đình để điều hành liên minh.
IACC cho biết họ đang thuê một công ty độc lập để duyệt xét những chính sách quản trị công ty.
Tờ Wall Street Journal cho biết thị trường Trung Quốc của Alibaba xử lý một số lượng hàng hoá trị giá 485 tỉ đô la trong năm tài chánh kết thúc ngày 31 tháng 3, lớn hơn con số gộp chung của Amazon và eBay.
Những người chỉ trích Alibaba nói rằng các website của Alibaba tràn ngập hàng giả, phương hại tới lợi nhuận của các công ty sản xuất, gây thiệt hại cho những người mua phải hàng giả, và hỗ trợ cho những hoạt động rửa tiền của những tổ chức tội phạm.
Bà Jennifer Kuperman, người phát ngôn của Alibaba, nói bất kể có phải là thành viên của IACC hay không, hãng này vẫn tiếp tục những nỗ lực chống hàng giả với các thương hiệu, các chính phủ và tất cả các đối tác trong ngành thương mại điện tử. - VOA
|
|
3.
Nhà sư Phật giáo bị chém chết ở Bangladesh
Một nhà sư Phật giáo cao tuổi đã bị chém chết tại một khu vực hẻo lánh ở Bangladesh.
Cảnh sát cho biết xác của nhà sư Mong Shwe U Chak, 75 tuổi, được phát giác sáng sớm hôm nay tại một ngôi chùa biệt lập trong một ngôi làng nằm cách thủ đô Dhaka 350 kilo mét về hướng đông nam.
Cảnh sát nói họ chưa biết động cơ của vụ sát hại nhà sư sống một mình trong chùa.
Tờ Daily Star ở Bangladesh cho biết cư dân địa phương cảm thấy lo sợ sau khi biết tin về vụ giết người này.
Con trai của nhà sư này nói cha ông “không có thù oán với ai trong vùng.”
Luật sư nhân quyền Jyotirmoy Barua nói với hãng thông tấn Pháp rằng nhà sư này đã nhận được những lời hăm doạ giết hại, “nhưng không ai xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.”
Án mạng hôm nay là vụ mới nhất trong một loạt những vụ giết hại một cách dã man những nhân vật theo chủ nghĩa tự do, các học giả, blogger người nước ngoài, và những người thuộc các tôn giáo thiểu số ở Bangladesh. Những vụ giết hại này làm nhiều người e rằng đường lối thế tục của Bangladesh, nơi đại đa số dân chúng là người theo đạo Hồi, đang bị đe dọa bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Những nhóm liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida đã nhận trách nhiệm đối với hầu hết những vụ giết hại, nhưng chính phủ Bangladesh nói rằng những nhóm khủng bố quốc tế này không có sự hiện diện ở nước họ và thủ phạm của những vụ này là những nhóm hiếu chiến trong nước. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Pfizer không cho dùng thuốc của họ để thi hành án tử hình
Đại công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ đã trở thành công ty mới nhất không cho phép dùng thuốc của họ để thi hành án tử hình.
Người phát ngôn của Pfizer, bà Rachel Hooper, hôm thứ 6 cho biết trước đây công ty này đã không để cho thuốc của mình được dùng trong những vụ xử tử, nhưng những sự hạn chế mới “sẽ cải thiện” hệ thống hiện nay.
Tin về quyết định của Pfizer được báo New York Times loan tải lần đầu hôm thứ 6.
Trong những năm gần đây, khoảng 20 công ty dược phẩm trên thế giới đã quyết định không để cho thuốc của họ được dùng trong những vụ xử tử.
Theo chính sách mới của Pfizer, 7 loại thuốc của họ chỉ được bán với điều kiện người mua không bán lại cho các nhà tù để dùng trong những vụ tiêm thuốc độc cho tử tù. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
VN: báo Thế giới Tiếp thị bị đình bản
Hôm 14/5, Cục Báo chí của Việt Nam ra quyết định phạt tiền 140 triệu đồng đối với báo Nông thôn Ngày nay và tờ báo này 'xin tự đình bản' ba tháng ấn phẩm Thế giới Tiếp thị của họ, theo truyền thông Việt Nam.
Thế giới Tiếp thị là một trong những ấn phẩm của báo Nông thôn Ngày nay, với một phần đội ngũ phóng viên chuyển từ báo Sài Gòn Tiếp thị từng bị đóng cửa từ trước.
Quyết định số 104/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính của Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay hai bài viết đăng trên ấn phẩm Thế giới tiếp thị là ‘Mãi mãi là người đến sau’ và ‘Lời than thở của các loài cá’ đã “vi phạm quy định Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 159/2013/N D-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản”.
Cả hai bài báo này hiện đã bị gỡ khỏi trang mạng của báo Thế giới Tiếp thị, nhưng vẫn có thể đọc được ở những trang mạng khác.
'Phần đen đủi nhất'
Tác giả của bài báo ‘Mãi mãi là người đến sau’ là nhạc sĩ Tuấn Khanh và nội dung bài được cho là có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung.
"Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác".
"Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. Và đường đi đến đó, chẳng thong dong gì, mà có thể thông qua những ống dẫn chất thải như của Formosa", nhạc sĩ viết.
Hôm 14/5, một số báo Việt Nam tường thuật “Báo Nông thôn Ngày nay đã nhận khuyết điểm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc các cá nhân liên quan”.
“Cục Báo chí cũng đã đồng ý với đề nghị của Báo Nông thôn Ngày nay xin tự đình bản ba tháng đối với ấn phẩm Thế giới Tiếp thị từ ngày 14/5/2016 để kiện toàn đội ngũ cán bộ, xây dựng lại quy trình xuất bản ấn phẩm, tránh xảy ra các sai sót trong thời gian tới,” vẫn theo truyền thông Việt Nam cho biết.
Hôm 14/5, một phóng viên báo Nông thôn Ngày nay đề nghị không nêu danh tính nói với BBC:
“Tôi vừa bất ngờ vừa buồn, vì lệnh phạt được ban hành trong bối cảnh báo chí ngày càng khó khăn trong việc kiếm quảng cáo”.
“Hơn nữa, một trong hai bài bị lệnh phạt là bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh, một tác giả có lượng bạn đọc nhất định do ông là người trăn trở với những vấn đề nóng bỏng của đất nước và bài của ông luôn được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội,” phóng viên này nói với BBC. - BBC
|
|
6.
Ông Nguyễn Minh Cần qua đời
Một trong những nhân vật trong "Vụ án Xét lại chống Đảng" thập niên 1960 vừa qua đời tại Moscow, Nga.
Nhà hoạt động chính trị, nhà báo Nguyễn Minh Cần, qua đời hôm 13/5 vì bệnh nhồi máu cơ tim, thọ 88 tuổi.
Ông đã tham gia Cách mạng tháng Tám, tổ chức và lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế và các vùng phụ cận Huế, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng như Ủy viên Thường vụ Thành ủy Huế, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội...
Năm 1962, ông được cử đi học ở Trường Đảng Cao cấp của Liên Xô.
Do bị cáo buộc theo Chủ nghĩa Xét lại, năm 1964, ông ly khai khỏi Đảng Lao động Việt Nam, xin cư trú chính trị ở Liên Xô và sống tại Nga cho đến khi qua đời.
Ông Cần là tác giả một số cuốn sách xuất bản ở hải ngoại, đặc biệt là cuốn “Ðảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng Sản Quốc Tế” ấn hành năm 2001.
Hôm 14/5, trả lời BBC từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên cho hay: “Tôi quý ông Cần ở chỗ ông là người có tâm thiện, trung thực với bản thân”.
“Ông thuộc một thế hệ yêu nước và muốn đấu tranh giành lại nền độc lập chứ không nghĩ đến chuyện xây dựng một chính quyền như bây giờ”.
“Trong những năm tháng phụ trách nông thôn. Ông ấy đã nhận ra vấn đề chính sách có sai lầm. Khi sang Liên Xô, ông thấy mình được mở mắt và thấy con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội sinh ra những điều tệ hại”, nhà văn nói thêm.
'Hối tiếc'
“Quãng đời sống tại Moscow, ông vẫn tiếp tục con đường đấu tranh cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ông viết sách và lập Phật giáo Thảo đường cho những người muốn tìm hiểu tinh thần thật sự của Phật giáo”.
“Ông nói với tôi rằng điều tệ hại nhất là chính quyền Việt Nam khống chế tôn giáo, làm người dân mất lòng tin vào tôn giáo và tạo ra tôn giáo giả hiệu nếu họ không đàn áp được”.
Ông Hiên cũng cho hay: “Những năm tháng cuối đời, ông Cần buồn về chuyện xa xứ nhưng ông không thể trở về quê hương vì điều này không có lợi gì cho việc đấu tranh. Ngoài ra ông còn sự hối tiếc vì đã không làm được gì có kết quả cho đất nước”.
Trên mạng xã hội hôm 14/5, nhà báo Đinh Quang Anh Thái viết: “Với tôi, ông Cần tiêu biểu cho một lớp người trong hàng ngũ cộng sản yêu nước thật sự, họ dấn thân vì đất nước chứ chẳng vì cái gì khác, và một khi họ thấy được bề trái nhếch nhác của cộng sản thì họ tự quyết định chia tay cái đảng tôn thờ chủ nghĩa duy vật này và vẫn tận tụy mưu tìm một con đường khác hòng đem đến no ấm hạnh phúc cho con người và đất nước Việt Nam”. - BBC
No comments:
Post a Comment