Tin Thế Giới
1.
'Hỗn loạn' trong trại di dân ở Hungary --- Hoa Kỳ sẽ nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tới
Xuất hiện đoạn phim cho thấy các túi thực phẩm được ném vào di dân tại một trại trú tạm ở Hungary, gần biên giới với Serbia.
Một phụ nữ Áo quay video nói di dân đang bị đối xử như “thú vật” và kêu gọi các nước châu Âu mở cửa biên giới.
Các bộ trưởng Trung Âu một lần nữa bác bỏ hệ thống quota bắt buộc họ chia sẻ số di dân nhập cư.
Ủy ban châu Âu, được Đức ủng hộ, đang đề nghị 23 trong số 28 nước của EU chia sẻ 160.000 người xin tị nạn mỗi năm.
Nhưng các nước Trung Âu vẫn bác bỏ đề xuất.
Hungary đang trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình của di dân, chủ yếu từ Syria và Lybia.
Đoạn phim quay cảnh ném túi thức ăn được quay ở trại tại Roszke.
Bà Michaela Spritzendorfer, vợ một chính khách người Áo, đã quay cảnh này cùng với nhà báo Klaus Kufner.
Bà kêu gọi: “Các chính khách châu Âu có trách nhiệm mở cửa biên giới.”
Hôm thứ Tư, quân đội Hungary đã bắt đầu tập luyện chuẩn bị cho khả năng can thiệp để canh gác biên giới và cản dòng người. - BBC
***
Hoa Kỳ cho biết sẽ nhận ít nhất 10.000 người tị nạn Syria trong năm tới và gia tăng cứu trợ nhân đạo cho những người đi trốn tránh bạo động tại Syria. Việc này diễn ra vào lúc một số nhà lập pháp Mỹ đang làm áp lực yêu cầu chính quyền Obama phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Thông tín viên Đài VOA Mike Richman ghi nhận chi tiết.
Hoa Kỳ đã nhận khoảng 1,500 người tị nạn Syria kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ tại nước này cách đây hơn 4 năm.
Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ loan báo kế hoạch giúp người tị nạn Syria nhiều hơn nữa và cho biết sẽ nhận ít nhất 10.000 người tị nạn Syria trong năm tới.
Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Barack Obama đồng ý nhận người tị nạn vào nước Mỹ bắt đầu vào tháng tới. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:
“Tổng thống đã chỉ thị cho nhân viên cứu xét làm thế nào chúng ta có thể tăng cường đáp ứng thêm nữa. Và một điều Hoa Kỳ có thể làm là bắt đầu nhận thêm người tị nạn Syria vào nước Mỹ”.
Tòa Bạch Ốc đã bị đặt dưới áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại châu Âu.
Hôm thứ Tư, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain đã đưa ra lời phát biểu xúc động hối thúc Hoa Kỳ giúp đỡ người tị nạn Syria tốt hơn nữa. Ông đứng cạnh một tấm ảnh phóng lớn xác một em bé Syria 3 tuổi trôi dạt vào bãi biển sau khi em chết đuối cùng với anh và mẹ, khi chiếc thuyền nhỏ của họ bị lật trên đường đến Hy Lạp.
Thượng nghị sĩ McCain nói tấm hình này “đã ám ảnh toàn thế giới”.
“Làm thế nào dân chúng Mỹ có thể hòa hợp được lời nói với hình ảnh của những trẻ em thiệt mạng và những người tị nạn đang tuyệt vọng trốn chạy vì mạng sống của mình? Làm thế nào Tổng thống Obama có thể nói nghĩa vụ của chúng ta là làm những gì có thể được để ngăn những vụ tàn sát tệ hại nhất trong thế giới chúng ta, nhưng lại từ chối làm bất cứ việc gì để chấm dứt những vụ tàn sát đang xảy ra hàng ngày tại Syria và khắp Trung Đông?”.
Thông báo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm được đưa ra vào lúc một con số kỷ lục những người tị nạn tràn qua bán đảo Balkan vào Hungary, buộc Áo phải ngưng các chuyến tàu xuyên biên giới vì “quá tải”.
Hungary là một điểm trung chuyển chính đối với những người tị nạn hy vọng đến được nước Đức và các quốc gia Tây phương khác. - VOA
|
|
2.
Cuba ân xá hơn 3,500 tù nhân trước khi đón Giáo hoàng
"Một quyết định chưa từng có" kể từ khi chế độ cộng sản nắm quyền tại Cuba: 3,522 tù nhân được ân xá, theo báo Granma. Lý do chính thức được đưa ra là chuyến công du của Giáo hoàng Phanxicô tới đảo quốc, từ ngày 19 đến 22/09/2015.
Theo nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của nhà nước cộng sản, trong số những người được trả tự do có nhiều người trên 60 tuổi, hoặc dưới 20 tuổi, không có tiền án hình sự, những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ, những người nước ngoài... Quyết định nói trên có hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Chính quyền Cuba không chính thức thông báo số lượng tù nhân trên toàn quốc, kể từ năm 2012. Vào thời điểm này, ước tính khoảng 57,000 người bị giam giữ tại hơn 200 trung tâm.
Sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền La Habana dần dần được bình thường hóa trong những năm 2000, sau chuyến công du của Giáo hoàng Jean-Paul II. Trước chuyến thăm của Giáo hoàng tiền nhiệm Benedicto XVI năm 2012, Cuba đã từng thả gần 3,000 tù nhân, khoảng 300 người được thả trước chuyến công du của Jean-Paul II năm 1998, báo Granma nhắc lại.
Năm 2010, Hồng y Jaime Ortega, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Cuba đã làm trung gian cho việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Từ đó đến nay đối thoại với chính quyền liên tục được duy trì. Về mặt chính thức, tại Cuba không còn tù nhân chính trị, sau đợt trả tự do cho 53 nhà ly khai (khoảng 60 người, theo Ủy ban Nhân quyền Cuba) trong quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Trong chuyến công du Cuba, Giáo hoàng có kế hoạch hội kiến với Chủ tịch Raoul Castro. Giáo hoàng Phanxicô người Agentina đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy Cuba và Hoa Kỳ xích lại gần nhau. - RFI
|
|
3.
Thủ tướng Anh lỡ lời nhạo xứ Yorkshire
Thủ tướng Anh, ông David Cameron bị ghi âm khi thử máy trước lúc đọc diễn văn nói 'người Yorkshire hóa ra ghét nhau thậm tệ'.
Chuẩn bị phát biểu tại Leeds, ông nói:
"Chúng ta cứ nghĩ người dân ở Yorkshire căm thù người nơi khác nhưng chúng ta không biết hóa ra họ còn thù ghét nhau thậm tệ hơn."
Hiện chưa rõ ông Cameron chỉ nói đùa để hay có ý gì không nhưng câu chuyện bị báo chí Anh loan tải trong bối cảnh lãnh đạo Anh chuẩn bị nói về chính sách tản quyền cho các vùng.
Đeo microphne nhưng chưa lên hình trên camera của máy quay, thủ tướng Anh khi đó sắp trả lời các câu hỏi về chính sách mới.
Cho đến chiều 11/9, Phủ Thủ tướng tức Downing Street từ chối bình luận về 'sự cố micro' này.
Theo BBC News, khi nói ra câu đó, có vẻ ông Cameron không ý thức được là dù chưa lên hình, máy ghi âm đã chạy.
'Coi thường dân'
Ngay lập tức, trang Yorkshire Post có bài phê phán Thủ tướng Anh phát biểu 'coi thường dân' và gợi lại các từ ngữ 'định kiến, cổ hủ' về Yorkshire.
Bài báo cũng nói dù chỉ là chuyện lỡ lời (gaffe), ông Cameron đã khiến dư luận mất tập trung vào quá trình chia quyền cho các vùng tại Anh Quốc, một chủ đề rất nghiêm túc mà đảng của ông cam kết với cử tri.
Báo này cũng nói 'Thủ tướng nên tự phê chính mình vì thông điệp của ông ta đã bị biến mất trong quá trình diễn dịch'.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Dameron, người vùng phía Đông Nam của Anh, gặp 'sự cố' tại Yorkshire.
Hồi tháng 10/2014, cũng trong một lần đến thành phố Leeds, ông bị một người dân cố ý va vào khi đi ngoài phố.
Năm ở phía Bắc Anh, Yorkshire là đơn vị hành chính (county) lớn nhất xứ Anh (England), có diện tích tương đương Scotland, và 5,3 triệu dân.
Thời cổ đại, đây là vương quốc Jorvik của người Đan Mạch và qua các thời đại khác nhau đều duy trì một bản sắc, giọng nói, văn hóa đặc trưng, có gốc từ vùng Bắc Âu và hòa trộn với các nhóm nhập cư từ châu Âu khác. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Thỏa thuận hạt nhân Iran: TT Obama thắng bước đầu --- Thượng viện Mỹ: Đối lập Cộng hòa ngăn cản thất bại việc thực thi hiệp định hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thắng được một phần trong thỏa thuận hạt nhân với Iran sau khi các thành viên trong đảng Dân chủ của ông tại Thượng viện ngăn chặn cuộc biểu quyết bác bỏ thỏa thuận của phe Cộng hòa chiếm đa số.
Nhưng biện pháp này dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức khó khăn hơn tại Hạ viện, nơi mà Chủ tịch viện này đã thề sẽ bác bỏ thỏa thuận với Iran.
Dân biểu Đảng Cộng hòa John Boehner, cũng là Chủ tịch Hạ viện, phát biểu:
"Thỏa thuận mà chúng ta đang có tệ hơn bất cứ điều gì tôi có thể tưởng tượng trong suốt năm qua. Buộc các dân biểu phải chịu trách nhiệm về hành động của họ là một phần quan trọng trong công việc của chúng ta, và vì thế họ sẽ phải biểu quyết".
Ngay lúc này, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã gạt sang một bên một nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ông Boehner nói họ đang xem xét khả năng tiến hành một vụ kiện chống Tổng thống Obama vì ông không trao lại cho Quốc hội những văn bản về các thỏa thuận bên lề giữa Iran và Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, nói rằng thời gian 60 ngày để duyệt xét thỏa thuận chưa thực sự bắt đầu.
Nhưng Tòa Bạch Ốc không đồng ý, nói rằng Quốc hội không còn bao nhiêu thời gian nữa để xem xét thỏa thuận với Iran.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:
"Vai trò của Quốc hội ở đây không phải là để thông qua thỏa thuận, mà chủ yếu họ có 60 ngày để phá bĩnh, và nếu cuộc biểu quyết đi theo hướng mà chúng tôi tin sẽ xảy ra, tôi nghĩ tất cả mọi người đều dự kiến cuộc biểu quyết sẽ đi theo hướng đó, thì cái cơ hội mà Quốc hội có để đóng vai trò ấy sẽ hết hạn vào tuần tới (17/9). Đó sẽ là tin vui, có nghĩa là cộng đồng quốc tế có thể tiến tới phía trước và thực thi thỏa thuận này".
Mặc dù những lợi ích của thỏa thuận hạt nhân với Iran vẫn đang trong vòng tranh cãi, các nhà lập pháp của cả hai bên đồng ý rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran có phần chắc là vấn đề quan trọng nhất được đưa ra tranh luận ở Điện Capitol, trong thời gian họ còn tại chức. - VOA
***
Một thắng lợi quan trọng đối với Tổng thống Barack Obama: Phe đối lập Cộng hòa tại Thượng viện đã thất bại trong việc ngăn chặn thực thi hiệp định hạt nhân mà Hoa Kỳ và nhóm các cường quốc đã ký với Iran.
Với 58 phiếu thuận và 42 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày hôm qua, 10/09/2015, đã bác bỏ dự thảo nghị quyết không cho phép Tổng thống Mỹ đình chỉ áp dụng các cấm vận kinh tế nhắm vào Iran, theo tinh thần thỏa thuận hạt nhân đã ký với chính quyền Teheran. Văn bản trên cần phải có được sự chấp thuận của 60 trên tổng số 100 Thượng nghị sĩ.
Thắng lợi này cho phép gạt bỏ mọi nguy cơ hiệp định hạt nhân ký với Iran bị lập pháp Mỹ ngăn cản.
Theo Tổng thống Barack Obama, "cuộc bỏ phiếu này là một thắng lợi đối với chính sách ngoại giao", bảo đảm an ninh quốc gia Hoa Kỳ và an ninh cho toàn thế giới.
Từ nay đến 17/09, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ có quyền đưa ra những ý kiến về hiệp định hạt nhân Iran. Tất cả các Thượng nghị sĩ thuộc phe Dân chủ, ngoại trừ 4 người, đều ủng hộ Tổng thống Obama, do vậy, ngay từ tuần trước, chính quyền Obama đã biết là phe đối lập Cộng hòa không có được đủ số phiếu cần thiết để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống.
Xin nhắc lại là Tổng thống Mỹ có quyền bác bỏ nghị quyết của Nghị viện Mỹ, nhưng ít khi nguyên thủ Mỹ phải dùng đến đặc quyền này.
Để cứu vớt danh dự và muốn chứng tỏ với công luận Mỹ là họ không ủng hộ hiệp định ký với Iran, trong hai ngày, hôm qua và hôm nay, các dân biểu ở Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số, đã thông qua nhiều biện pháp chống đối văn bản này, nhưng không có hiệu lực.
Theo thỏa thuận được ký kết với Iran ngày 14/07/2015, tại Vienna, Áo, nhóm cuờng quốc 5+1 (bao gồm 5 thành viên Hội Đồng Bảo An và Đức) sẽ đình chỉ các cấm vận kinh tế nhắm vào Iran, đổi lại, chính quyền Teheran chấp nhận một số nhượng bộ trong chương trình hạt nhân của họ, đặc biệt là việc để các chuyên gia quốc tế tới thanh tra một số cơ sở hạt nhân đáng nghi ngờ của Iran.
Đối với Tổng thống Obama, thỏa thuận được ký với Iran không phải dựa trên sự tin cậy, mà chỉ dựa vào các quy định cho phép thẩm tra chặt chẽ, ngăn chặn nguy cơ Iran chế tạo vũ khí nguyên tử. - RFI
|
|
5.
Khai trương Trung tâm Du khách tại địa điểm máy bay rơi ngày 11/9 ở Pennsylvania
Các diễn biến xảy ra trên bầu trời một vùng đồng ruộng ở Pennsylvania ngày 11 tháng 9 năm 2001 được kể lại qua những kỷ vật được trưng bày tại Trung tâm Du khách mới, ghi nhớ chuyến bay số 93. Phóng viên VOA từng tường thuật tại chỗ ngày 11/9 năm đó đi thăm lại hiện trường thảm họa, nay được biến thành một đài tưởng niệm quốc gia.
Bầu không khí hỗn loạn và hoang mang quanh vụ rớt chuyến bay 93 của hãng hàng không United bao trùm những cánh đồng trong quận Somerset ở tiểu bang Pennsylvania này, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, hôm nay đã được thay thế bằng sự yên tĩnh và bình lặng, 14 năm sau khi một trong những giờ khắc quyết định lịch sử Mỹ, chính là thảm kịch riêng của ông Gordon Felt.
“Có những lúc mọi sự dường như là siêu thực. Ban đầu chúng tôi nhận ra rất nhanh rằng những người thân yêu của mình, rằng các diễn biến quanh cái chết của họ, đã mang một ý nghĩa lịch sử đáng kể đối với đất nước chúng ta”.
Đó là lời kể của ông Gordon Felt. Người anh em của ông là Edward đã là một trong những hành khách trên chuyến bay 93 tìm cách chiếm lại buồng lái từ tay các phần tử khủng bố đã cướp chiếc máy bay.
35 phút cuối cùng của cuộc đời ông Edward Felt và những người đi cùng chuyến bay với ông đã được giải thích qua các kỷ vật được tái tạo và những phần triển lãm tương tác tại Trung tâm Du khách mới tưởng niệm chuyến bay 93, nơi các thành viên gia đình hy vọng du khách sẽ hiểu được tác động toàn bộ của các hành động của những người thân. Ông Gorden Felt nói:
“Họ sẽ cảm nhận được 40 người anh hùng này là ai, cũng như các hành động tập thể của họ đã giúp cho trụ sở Quốc hội sáng đó thoát được tai biến”.
Ông Stephen Clark, thanh tra đài kỷ niệm chuyến bay số 93, nói:
“Tôi thực là kinh ngạc khi nhận ra rằng chỉ có 18 phút nữa là chiếc máy bay này sẽ rơi xuống trúng thủ đô Washington”.
Ông Stephen Clark là tổng giám đốc sở Công viên Quốc gia, cơ quan chủ quản Trung tâm Du khách và khu vực bao quanh rộng 890 hecta, đã trở thành một nơi thu hút khách đến thăm.
“Số khách thăm hàng năm của chúng tôi vào khoảng 325.000, nhưng chắc chắn với trung tâm mới được khai trương này, số khách thăm dự kiến sẽ tăng gấp đôi hay gấp 3 trong một thời gian rất ngắn”.
Ông Gordon Felt nói:
“Đây là một câu chuyện mà 14 năm sau vẫn còn vang dội trong lòng mọi người”.
Mặc dầu sinh cư ở miền bắc tiểu bang New York, cách xa mấy trăm kilomet, ông Felt nói mỗi năm ông đi thăm địa điểm này khoảng 6 lần.
“Có mặt ở đây là điều rất quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy các thành viên gia đình tham dự vào tiến trình này là điều quan trọng”.
Và họ đã tham dự vào mọi chuyện, từ việc mua khoảng đất tại địa điểm, cho đến việc thiết kế Trung tâm Du khách với kinh phí 26 triệu đôla, cho đến số hàng tồn kho các cốc đựng cà phê và những chiếc áo thun trong cửa hàng lưu niệm. Ông Felt nói tất cả được thực hiện với hy vọng đem lại nguồn hứng khởi cho du khách.
“Tôi muốn khi ra khỏi đài tưởng niệm này, mọi người sẽ tự nhủ là 'Nếu là mình, liệu mình có thể làm được những gì họ đã làm hay không?'".
Đó là một câu hỏi những khách thăm có thể suy ngẫm trong khi hướng nhìn về nơi an nghỉ cuối cùng của 40 linh hồn, trong lúc đứng dọc theo con đường cuối cùng, nay được khắc vào đá, của chuyến bay United Airlines số 93. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Ảnh vệ tinh: Trung Quốc tăng tốc xây phi đạo tại đá Subi, Trường Sa
Báo The Diplomat, chuyên về chính trị Châu Á, hôm qua 10/09/2015, loan tin: các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang hoàn tất một phi đạo quân sự lớn tại đảo Subi Reef, quần đảo Trường Sa, bất chấp các phản đối và kêu gọi giữ nguyên trạng tại khu vực tranh chấp này.
Công trình này, nếu hoàn tất, có khả năng tiếp nhận được nhiều loại chiến đấu cơ, tạo điều kiện cho Bắc Kinh áp đặt ưu thế quân sự tại Biển Đông.
Theo The Diplomat, các bức ảnh chụp từ vệ tinh do công ty ảnh không gian Digital Globe, có trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố ngày 03/09/2015, cho thấy mặt bằng xây dựng mới có chiều rộng khoảng 60 mét, chiều dài 2.200 mét. Bề rộng của phi đạo tương đương với đường băng tại đảo nhân tạo Chữ Thập (Fiery Cross), mà Trung Quốc khởi sự xây dựng từ đầu năm.
Subi Reef (tên Việt Nam là đá Subi, Trung Quốc gọi là Chử Bích Tiều) như vậy đang trở thành căn cứ không quân thứ ba của Trung Quốc trên các vùng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tiếp theo đảo Chữ Thập (Trường Sa) và đảo Phú Lâm (Hoàng Sa).
Những thông tin trước đó cho thấy, Trung Quốc có khả năng xây dựng một phi đạo dài đến 3.300 mét tại đá Subi, cho phép tiếp nhận phần lớn các chiến đấu cơ và máy bay hậu cần, theo The Diplomat. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ra một báo cáo hồi cuối tháng 8/2015, theo đó, Trung Quốc gia tăng diện tích đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, đối tượng tranh chấp với Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Diện tích đảo Trung Quốc chiếm hữu tại Trường Sa trong tháng 6 là 2.900 acre (tức hơn 1,16 km²), tăng gấp rưỡi so với tháng 5. - RFI
No comments:
Post a Comment