Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Tập Cận Bình không nhân nhượng Obama --- Chủ tịch Tập hứa đóng góp 2 tỉ đô la giúp phát triển các nước nghèo
Bên cạnh hồ sơ nhân quyền, có một hồ sơ khác mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dứt khoát không nhân nhượng Tổng thống Mỹ Barack Obama, đó là Biển Đông, cho dù lần đầu tiên ông cam kết sẽ không "quân sự hoá" các đảo nhân tạo.
Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Nhà Trắng trong bối cảnh mà từ nhiều tuần qua, các lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ thay phiên nhau lên án việc Bắc Kinh ráo riết bồi đắp và quân sự hóa đảo thuộc khu vực đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, đồng thời đã yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay những hoạt động xây dựng này.
Trung Quốc cũng đã nhiều lần nói rõ là các cơ sở được xây dựng trên đảo nhân tạo này cũng có thể sẽ được sử dụng vào mục đích quốc phòng và các hình ảnh vệ tinh cho thấy là Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng một phi đạo quân sự và dường như đang xây thêm 2 phi đạo khác.
Trong cuộc họp báo chung ngày 25/09/2015, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nhắc lại mối quan ngại nói trên của Hoa Kỳ, vì ông cho rằng việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang tranh chấp, "khiến cho các nước trong vùng càng khó mà đạt đến một giải pháp hòa bình cho các bất đồng".
Đáp lại ông Obama, Chủ tịch Trung Quốc bác bỏ lời cáo buộc rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa các đảo nhân tạo. Ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng những hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) không nhắm vào nước nào hay ảnh hưởng đến nước nào, và Bắc Kinh không hề có ý định quân sự hóa các đảo này.
Theo lời một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ, cam kết nói trên của ông Tập Cận Bình là một điều mới, mặc dù các quan chức cấp thấp hơn của Trung Quốc cũng đã từng cam kết như vậy với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào mùa hè vừa qua.
Về phần bà Bonnie Glaser, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tai Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, nêu lên câu hỏi không hiểu ông Tập Cận Bình dùng chữ "quân sự hoá" ở đây nghĩa là gì? Nghĩa là sẽ không để chiến đấu cơ sử dụng các phi đạo? Hay sẽ không triển khai tên lửa trên các đảo này?.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama hôm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không nói rõ là cam kết nói trên của ông có ảnh hưởng gì đến các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa hay không.
Một chuyên gia khác về quân sự Trung Quốc, ông Taylor Fravel, thuộc Viện Công nghệ Massachussets, cũng nhận định rằng tất cả là tùy thuộc vào việc ông Tập Cận Bình hay Trung Quốc định nghĩa thế nào là quân sự hóa. Thật ra theo ông Fravel, các đảo hiện do Trung Quốc và các nước tranh chấp khác chiếm giữ trên thực tế đã được quân sự hóa rồi, vì trên các đảo đó đã có một số binh sĩ trú đóng và một số vũ khí phòng thủ.
Tóm lại, trên hồ sơ Biển Đông, Tập Cận Bình vẫn không lùi bước, cho dù bị Tổng thống Obama thúc ép ngưng ngay các hoạt động xây dựng trên những đảo đang tranh chấp. Nói cách khác, cuộc họp thượng đỉnh ở Nhà Trắng hôm qua đã chẳng giải quyết được gì. Hoa Kỳ thật sự có quyết tâm ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, thời gian sẽ trả lời. - RFI
***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa đóng góp 2 tỉ đô la vào quỹ trợ giúp toàn cầu để giúp phát triển các nước nghèo.
Trong bài diễn văn đọc hôm thứ Bảy tại Hội nghị Thượng đỉnh Phát triển Bền vững ở Liên Hiệp Quốc, ông Tập nói Trung Quốc hy vọng quỹ trợ giúp toàn cầu sẽ lên đến 30 tỉ đô la trong vòng 15 năm tới.
Chủ tịch Trung Quốc hứa tiếp tục đầu tư vào những quốc gia kém phát triển nhất, và hứa chính phủ ông sẽ hủy bỏ các khoản tiền vay không lời mà các nước kém phát triển nhất và các đảo quốc nhỏ phải trả cho Bắc Kinh trong năm nay.
Ông Tập loan báo các lời hứa này trong bài diễn văn ông đọc lần đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc. Trong quá khứ, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ và các nước phát triển khác chỉ trích vì không làm tròn các nghĩa vụ quốc tế và không hành động phù hợp với ước vọng của Trung Quốc muốn đóng một vai trò có nhiều ảnh hưởng hơn trên thế giới.
Ông Tập cũng sẽ đọc diễn văn tại cuộc thảo luận thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu vào ngày thứ Hai tới. - VOA
|
|
2.
Chủ tịch FIFA bị điều tra hình sự
Thuỵ Sĩ đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự nhắm vào ông Sepp Blatter, Chủ tịch FIFA sắp rời khỏi chức vụ.
Công tố viên Thuỵ Sĩ đang điều tra xem ông Blatter có quản lý sai trái và sử dụng sai trái các ngân khoản của FIFA hay không.
Công tố viên này cho biết văn phòng của ông Blatter tại trụ sở FIFA đã bị lục soát và giới hữu trách đã tịch thu nhiều tài liệu.
Ông Blatter, 79 tuổi, loan báo ông sẽ từ chức vào tháng hai vì những cáo giác tham nhũng nhắm vào các giới chức cấp cao của tổ chức này.
Hoa Kỳ cũng đang điều tra về những vụ tham nhũng của FIFA. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ, Trung Quốc đồng ý không thực hiện hay hỗ trợ hoạt động tin tặc
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý với nhau rằng chính phủ hai nước sẽ không thực hiện hoặc “cố tình” hỗ trợ việc đánh cắp trên mạng những tài sản trí thức hay bí mật thương mại, một vấn đề đã là một nguồn gây căng thẳng trong những năm qua.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc thảo luận với ông Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ sáu, ông Obama nói thoả thuận này là một sự tiến bộ, “nhưng tôi phải khẳng định là công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn tất.”
Ông Tập Cận Bình nói với báo chí rằng đôi bên đạt được đồng thuận về vấn đề này và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chống đối mọi hình thức đánh cắp trên mạng. “Trung Quốc mạnh mẽ chống đối tin tặc nhưng chúng ta cần phải ngưng đối đầu và không chính trị hoá,” ông nói.
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết đôi bên đồng ý thiết lập “một cơ chế đối thoại chung cấp cao về phòng chống tội phạm mạng và các vấn đề liên hệ.”
Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc là thủ phạm của một loạt những vụ tấn công mạng qui mô lớn nhắm vào chính phủ và doanh nghiệp Mỹ trong những năm gần đây. Một vụ gây nhiều chấn động đã xảy ra đầu năm nay, khi tin tặc xâm nhập máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân viên và đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 21 triệu công chức liên bang Mỹ.
Các giới chức Mỹ nghi thủ phạm là tin tặc Trung Quốc, tuy chính phủ của Tổng thống Obama không công khai quy trách nhiệm cho Bắc Kinh.
Biển Đông
Một lãnh vực bất đồng khác giữa hai nước là những yêu sách chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại cuộc họp báo chung hôm thứ sáu, ông Tập Cận Bình bênh vực cho yêu sách của Trung Quốc và nói rằng hoạt động xây dựng trên những hòn đảo nhân tạo không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào và nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không có ý định theo đuổi mục tiêu quân sự hoá.”
Những hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc diễn ra trên quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chống chéo nhau.
Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế và có thể làm bùng ra những vụ xung đột ở Biển Đông.
Biến đổi khí hậu
Một lãnh vực hợp tác chính được ông Tập Cận Bình và ông Obama nêu bật hôm thứ sáu là biến đổi khí hậu, với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc trình bày một chương trình định mức trần và mua bán (cap and trade) nhằm giảm thiểu lượng khí thải của Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.
Ông Obama nói: “Tôi muốn tán dương Trung Quốc về việc loan báo sẽ bắt đầu một hệ thống định mức trần và mua bán để hạn chế khí thải.”
Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Trung Quốc hồi năm ngoái, hai nước đã đồng ý giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong một diễn tiến được xem là có tính chất dấu mốc đối với hai nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ sáu cho biết ông Obama và ông Tập Cận Bình tái khẳng định sự tin tưởng chung là “biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại và hai nước có một vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề này.”
Nhân quyền
Đối với một vấn đề gai góc giữa hai nước là vấn đề nhân quyền, ông Obama cho biết ông đã có một cuộc thảo luận “thẳng thắn” với ông Tập Cận Bình.
Ông nói “Với những từ ngữ thẳng thắn, tôi đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi là ngăn không cho các nhà báo, các luật sư, các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức xã hội dân sự được hoạt động một cách tự do hoặc đóng cửa nhà thờ và tước đoạt quyền được đối xử bình đẳng của các nhóm thiểu số là có vấn đề” và điều đó “thật sự làm cho Trung Quốc và nhân dân của họ không thể thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình.”
Ông Tập Cận Bình nói rằng hai nước có “những tiến trình lịch sử và thực tế” khác nhau nhưng Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các vấn đề nhân quyền.
Trước cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ sáu, nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi ông Obama nêu ra vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình.
Bà Sophie Richardson, giám đốc bộ phận Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch, nói “Đây là một mối quan hệ lớn và phức tạp. Điều này tuyệt đối chính xác. Và do đó, có rất nhiều đề tài cần lưu ý. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự xuống cấp của tình hình nhân quyền ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình là một việc cần đặc biệt lưu tâm.”
Quốc yến
Tối thứ sáu, ông Tập Cận Bình được ông Obama chiêu đãi tại Tòa Bạch Ốc với một buổi quốc yến, qui tụ hơn 200 nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh, ngoại giao và thương gia.
Sau bữa tiệc, ông Tập Cận Bình lên đường đi New York. Ngày hôm nay ông sẽ đọc một bài diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững. - VOA
|
|
4.
Ngoại trưởng Mỹ họp với Ngoại trưởng Iran để bàn về thoả thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay sẽ gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại New York để thảo luận về việc thực thi thoả thuận hạt nhân Iran.
Cuộc họp diễn ra chưa đầy một tháng trước ngày 18 tháng 10, là ngày Iran phải bắt đầu tuân hành các điều khoản trong thoả thuận.
Iran sẽ phải giảm thiểu lượng uranium tồn kho, tháo dỡ hàng ngàn máy ly tâm và thực hiện những sự sửa đổi tại các cơ sở hạt nhân để phù hợp với thoả thuận.
Tehran hy vọng các biện pháp chế tài sẽ được dỡ bỏ sau khi Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế xác nhận họ tuân hành thoả thuận.
Vụ khủng hoảng Syria dự kiến cũng được hai nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ và Iran mang ra bàn thảo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Chủ tịch Việt Nam ‘cài’ biển Đông vào bài phát biểu tại LHQ
Ông Trương Tấn Sang hôm 25/9 đã đưa vấn đề biển Đông vào bài phát biểu tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (LHQ), và giới quan sát cho rằng đây là một bước đi “khôn ngoan”.
Cuộc họp của Đại hội đồng LHQ lần thứ 70 ở New York, với sự tham gia của hơn 100 nguyên thủ các nước và kéo dài từ cuối tháng Chín tới đầu tháng Mười, dự kiến sẽ thông qua việc chuyển đổi từ Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), kéo dài hơn một thập kỷ qua, sang các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) cho 15 năm tới.
Chủ tịch Việt Nam tuyên bố Việt Nam “đã đạt và vượt trước hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ” đồng thời cam kết sẽ dốc toàn lực cho SDG.
Ông Sang cũng nói rằng “hòa bình và phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với nhau”.
“Các mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn. Chúng ta chỉ tập trung được mọi nguồn lực cần thiết cho phát triển trong môi trường hòa bình và ổn định”, ông nói.
Nguyên thủ của Việt Nam nói thêm: “Do đó, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
"Chúng ta cần thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các xung đột, các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi”, ông nói.
Quan chức Việt Nam thường sử dụng những lời lẽ tương tự để kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.
Giải quyết hòa bình
Trong bài phát biểu dài hơn 7 phút, ông Sang cũng nói với nguyên thủ các nước rằng “Việt Nam cũng đang nỗ lực cùng các nước ASEAN và các nước liên quan duy trì, củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn và dự do hàng hải, hàng không trên biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác”.
Ông Sang nói thêm: “Chúng tôi kiên trì và nhất quán chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ tuyên bố giữa các bên ở biển Đông (DOC)”.
Giới quan sát nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc Chủ tịch Việt Nam gắn việc xử lý tình hình ở biển Đông với vấn đề phát triển bền vững là điều “đáng hoan nghênh”, nhưng ông Sang không đưa ra được sáng kiến nào, mà chỉ nhắc lại những điều mà chính quyền Hà Nội đã nói.
Theo họ, trước đó, hôm 24/9, có lẽ nhà lãnh đạo của Việt đã trao đổi vấn đề biển Đông với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nên sau đó người đứng đầu tổ chức lớn nhất thế giới đã lên tiếng về cuộc tranh chấp này.
Thông cáo báo chí nói ông Ban “nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp” cũng như kêu gọi các bên cần phải “tăng cường sự minh bạch cũng như có các hành động dễ đoán định nhằm tránh gây ra các cuộc đụng độ ngoài ý muốn”. - VOA
|
|
6.
Đề án quy hoạch lại báo chí của Việt Nam gây hoang mang
Việt Nam muốn cải tổ lại sâu sắc mạng lưới truyền thông hiện nay, xóa bỏ xu hướng "thương mại hóa" đã mang lại "ảnh hưởng tiêu cực lên dư luận". Hãng tin Reuters hôm nay 26/09/2015 dẫn thông tin từ báo chí trong nước cho biết như trên.
Số lượng báo chí tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 15 năm qua, đạt đến con số khoảng 1.100 cơ quan báo đài, và quyền lực của chính quyền cộng sản đang bị thách thức bởi sự phát triển của internet và các mạng xã hội.
Đài truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và ba tờ báo do đảng Cộng sản, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ quản lý (Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân) được phép chuyển đổi thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Các cơ quan vừa sở hữu báo giấy vừa có báo mạng có thể duy trì phiên bản điện tử.
Theo đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025, các cơ quan dưới cấp bộ, ngành, tỉnh (là cấp không được xuất bản báo in) có báo điện tử sẽ phải chuyển tờ báo lên cấp trên; các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ được sở hữu tạp chí điện tử chứ không được có báo điện tử.
Việc sắp xếp lại báo chí sẽ được bắt đầu thử nghiệm trước cuối năm 2016 và hoàn tất vào năm 2020 – Reuters dẫn tin từ Tuổi Trẻ cho biết. Tờ báo này tóm lược các điểm đáng chú ý trong đề án: "Không còn cơ quan báo chí thuộc cấp sở, 70% chương trình truyền hình phải sản xuất trong nước, không tư nhân hóa báo chí".
Các báo trong nước dẫn ra những ý kiến trong cuộc họp phổ biến nội dung của đề án trên, cho rằng có những bài toán khó phải giải quyết. Một số báo và tạp chí sẽ phải đóng cửa, hậu quả là nhiều phóng viên, biên tập viên, nhân viên hành chính bị mất việc.
Trường hợp các tờ báo như Tuổi Trẻ, thuộc cấp sở tức không được phép ra báo, nhưng thực tế là một nhật báo uy tín có lượng độc giả rất lớn ; hoặc báo mạng Dân Trí trực thuộc Hội Khuyến học (không được ra báo điện tử) nhưng hiện được đọc khá nhiều…đã được nêu ra, và được Bộ Thông tin Truyền thông hứa xem xét.
Dư luận cho rằng việc thu gọn một số đầu mối, chấn chỉnh xu hướng thông tin giật gân, câu khách…tuy cần thiết, nhưng đề án này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn Saigon vốn có nhiều tờ báo quen thuộc với người đọc sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển thành phụ bản vì chỉ là cấp địa phương, được phép sở hữu duy nhất một tờ báo in. Các cơ quan quyền lực của nhà nước vẫn được phép nắm giữ những cơ quan ngôn luận, bên cạnh đó còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với tư nhân.
Đặc biệt chủ trương "không tư nhân hóa báo chí", chứng tỏ tư duy cũ vẫn tồn tại, Đảng vẫn muốn lãnh đạo trực tiếp các cơ quan truyền thông trong khi Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Từ Saigon, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định:
"Đề án này được đưa ra vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Khi đó đã có nhiều ý kiến cho đây là một sự hạn chế về quyền tự do báo chí của Việt Nam. Nhưng cho tới giờ vẫn hầu như không có gì thay đổi. Và có thể nói, dựa trên lý do là ngăn cản việc thương mại hóa báo chí, những hiện tượng "cướp, hiếp, giết" tràn ngập trên mặt báo… Điều đó cũng có lý, nhưng chỉ là một lý do đưa ra để bao biện cho việc chính quyền hạn chế quyền tự do của báo chí mà thôi.
Chúng ta thấy có những điểm vô lý như thế này. Trên hết, vẫn không có báo chí được phép tư nhân hóa. Thứ hai, một số tờ báo thuộc cấp sở sẽ không còn được tồn tại nữa. Chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều tờ báo tiếng tăm, có lượng truy cập, lượng độc giả lớn như báo Người Lao Động, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là báo Tuổi Trẻ.
Đó là những tờ báo truyền thống, và có tính chất phản biện hơn hẳn những tờ báo của Đảng như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân; nhưng sẽ có thể chỉ trở thành phụ bản của báo Saigon Giải phóng mà thôi. Thật là một điều hết sức vô lý.
Còn một quy định nữa là bản điện tử của các báo sẽ phải đăng y nguyên bản báo in. Như vậy cũng phi lý, không mở rộng được quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, làm hạn chế tính chất nghiệp vụ lẫn tính phong phú của báo chí.
Cho nên lý do chính mà tôi hiểu, là (đề án) nhằm hạn chế việc tự do hóa báo chí đang lan tràn, trên cơ sở sự phát triển dân chủ của xã hội. Và một khi đã hạn chế được tự do hóa báo chí, thì cũng hạn chế tính chất dân chủ trong báo chí, không làm cho báo chí trở thành quyền lực thứ tư và thành một mối đe dọa đối với Đảng và Nhà nước.
Đúng ra, báo chí nói lên tiếng nói của dân thì báo chí mạnh có nghĩa là chính quyền, nhà nước, chính thể mạnh. Nhưng hạn chế tiếng nói của báo chí cũng là hạn chế tiếng nói của dân – có nghĩa là chính quyền yếu. Và như vậy đặt ra vấn đề: chính quyền đó không phải là của dân, do dân, vì dân nữa, mà là ngược lại". - RFI
No comments:
Post a Comment