Sunday, September 27, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 27/9

Tin Thế Giới

1.
Pháp không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria --- Mỹ quay sang Iran để tìm giải pháp ở Syria

Gần ba tuần sau tuyên bố mở không kích nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, sáng nay 27/09/2015, Phủ Tổng thống Pháp chính thức thông báo các cuộc tấn công đầu tiên đã được tiến hành. Thông báo nói trên ưu tiên cho một giải pháp chính trị cho Syria.

Trong thông điệp nói trên, điện Elysee khẳng định Pháp đã tấn công vào các vị trí của IS dựa trên các tin tức tình báo thu thập được từ hơn hai tuần nay qua máy bay do thám. Paris nhấn mạnh các cuộc không tập được thực hiện "độc lập", nhưng có "phối hợp với các đối tác tại khu vực". Thông báo không nêu ra bất cứ thông tin nào về mục tiêu, cũng như khu vực cụ thể.

Ngày 07/09, Tổng thống Pháp François Hollande giải thích quyết định không kích IS tại Syria là để "tự vệ" trước nguy cơ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tấn công, đồng thời để "bảo vệ dân cư Syria".

Tin Pháp chính thức không kích IS được đưa ra đúng vào lúc, tại New York, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, diễn ra nhiều thương lượng để tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các quốc gia. Hôm qua, trong một cuộc họp báo tại New York, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định điều cơ bản hiện nay là khởi sự đàm phán về "một tiến trình chuyển tiếp chính trị" tại Syria.

Nhấn mạnh "tình trạng hỗn loạn tại Syria hiện nay phải có được một câu trả lời toàn thể" và "dân cư phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, cũng như do "các vụ ném bom gây chết người hàng loạt của Bachar al-Assad", thông báo của Phủ Tổng thống Pháp hôm nay nói rõ: chính phủ quá độ của Syria cần bao gồm "một số thành phần của chế độ Damas và đối lập ôn hoà". Tái khởi động đàm phán cho một giải pháp chính trị cho Syria sẽ là nội dung của nhiều tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Pháp và các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Nga, Iran, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Trong những ngày gần đây, giới quan sát ghi nhận có một số thay đổi về chiến lược ngoại giao với Moscow, và kể cả với chính quyền Damas, trước mức độ can dự quân sự ngày càng gia tăng của Nga tại Syria. - RFI

***
Các nước Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, như đang cầu viện đến Iran để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Vào hôm qua, 26/09/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Iran đã tiếp xúc với nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đây là lần đầu tiên mà hai người gặp nhau kể từ khi Teheran và Lục cường đạt được thỏa thuận về hạt nhân Iran vào tháng 7 vừa qua.

Phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, ông John Kerry đã bày tỏ hy vọng: "Tôi xem tuần lễ này là một cơ hội lớn cho mọi nước để đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết một số vấn đề cấp bách của Trung Đông… Chúng ta cần phải đạt được hòa bình và tìm ra một giải pháp cho Syria, Yemen ngay từ trong khu vực…".

Theo giới quan sát, vào lúc Moscow  đang có dấu hiệu ghi điểm trong việc thúc đẩy một giải pháp cho Syria trong đó Nga có vai trò quan trọng, và vào lúc Washington đang bị vố đau trong chủ trương huấn luyện và võ trang cho lực lượng nổi dậy Syria gọi là "ôn hoà", việc phương Tây tìm cách lôi kéo Iran vào có thể được giải thích bằng sự kiện Teheran là đồng minh của cả Moscow lẫn Damas.

Cho đến nay, Washington vẫn chủ trương gạt bỏ Bashar al-Assad ra khỏi mọi giải pháp cho vấn đề Syria, kể cả trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Trong khuôn khổ chiến lược đó, Washington đã chi phí rất nhiều cho một chương trình đào tạo và trang bị vũ khí cho một lực lượng nổi dậy Syria được đánh giá là ôn hòa để cho lực lượng này đối phó được với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Vố đau mới nhất của Mỹ tại Syria

Thế nhưng, mới đây, Lầu Năm Góc đã phải miễn cưỡng thừa nhận một số thất bại đau đớn. Hôm 25/09 vừa qua, Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ ở Trung Đông (Centcom) đã thừa nhận rằng mới đây, một đơn vị quân nổi dậy Syria được Mỹ huấn luyện và trang bị đã giao nộp 25% vũ khí được cung cấp cho "một trung gian tình nghi thuộc Mặt trận al-Nosra (chi nhánh của Al Qaeda tại Syria)". Số vũ khí nộp cho một lực lượng thuộc diện kẻ thù của Mỹ này gồm "6 chiếc xe pick-up và một phần đạn dược".

Chương trình huấn luyện của Mỹ đề ra mục tiêu đào tạo và võ trang cho khoảng 5.000 phiến quân mỗi năm và trong vòng ba năm. Thế nhưng, cho đến nay, mới chỉ có hai nhóm gồm 54 và 70 chiến binh hoàn tất chương trình đào tạo. Khi nhóm đầu tiên được cử trở lại Syria vào tháng Bảy vừa qua, nhiều thành viên của nhóm này đã bị Mặt trận al-Nosra bắt cóc. - RFI
|
|

2.
Berlin đề nghị mở cửa Hội đồng Bảo an cho Đức, Nhật, Ấn và Brazil

Hôm qua 26/09/2015, phái đoàn Đức tại New York gửi một thông điệp kêu gọi Hội đồng Bảo an cải cách triệt để. Nội dung đặc biệt được chú ý trong thông điệp nói trên là định chế đầy quyền lực này cần được mở rộng cho nhiều cường quốc tham gia, với tư cách thành viên thường trực.

Trong thông điệp này, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc, để định chế này "phản ánh được đầy đủ hơn thực tế quyền lực trên thế giới" và khẳng định đây là một đòi hỏi "cấp thiết". Đề nghị của Thủ tướng Đức được đưa ra sau cuộc họp với Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil. Bà Merkel đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, về khả năng cả bốn nước cùng ra ứng cử.

Theo người đứng đầu chính phủ Đức, việc mở rộng Hội đồng Bảo an cho nhóm 4 cường quốc mới sẽ cho phép Hội đồng Bảo an "hiệu quả hơn và có tính đại diện hơn" trong việc "giải quyết các khủng hoảng và xung đột mang tính toàn cầu mới xuất hiện những năm gần đây".

Hiện tại, Hội đồng Bảo an gồm 5 thành viên thường trực, cùng 10 thành viên không thường trực. Năm thành viên thường trực (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) có quyền phủ quyết. Thực tế vừa qua cho thấy quyết định phủ quyết của duy nhất một thành viên thường trực có thể ngăn chặn một giải pháp chung của Hội đồng Bảo an đối với các khủng hoảng Syria hay Ukraine.

Trước đó, cũng trong tháng này, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đạt một đồng thuận về cải cách Hội đồng Bảo an, nhưng bị Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga từ chối tham gia. - RFI
|
|

3.
Catalonia biểu quyết đòi tách khỏi Tây Ban Nha

Cử tri Catalonia hôm nay đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để có thể dẫn đến quyết định liệu khu vực này có nên tách khỏi Tây Ban Nha hay không.

Các đảng phái của những người đòi ly khai theo trông đợi sẽ giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội, theo kết quả của các cuộc thăm dò công luận.

Các thủ lãnh đòi ly khai thề quyết rằng nếu đảng của họ giành thắng lợi, họ sẽ đưa Catalonia và thành phố chính của khu vực này là Barcelona vào con đường ly khai với Tây Ban Nha và trở thành một quốc gia độc lập mới trước năm 2017.

Khu vực có 7,5 triệu người này hồi năm 2006 đã chính thức tuyên bố là một quốc gia, nhưng sau đó Tòa Bảo hiến đã bác bỏ tuyên bố đó.

Thủ tướng Mariano Rajoy nói hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép các khu tự trị như Catalonia tách ra độc lập.

Catalonia, một trong những khu vực giàu có nhất của Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng, lâu nay luôn tranh đấu để đòi quyền tự trị nhiều hơn. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ðức giáo hoàng Phanxicô kết thúc chuyến thăm Mỹ

Ðức giáo hoàng Phanxicô sẽ kết thúc tuần lễ đi thăm nước Mỹ trong ngày hôm nay, Chủ nhật, bằng một thánh lễ tại thành phố Philadelphia, mà theo trông đợi sẽ có hai triệu người tham dự.

Di dân và đối xử nhân đạo với di dân là chủ đề trong các phát biểu của Ðức giáo hoàng kể từ khi ngài đến Mỹ cách đây một tuần.

Ðức giáo hoàng nói: "Xin đừng quên những gì đã xảy ra ở tại đây cách nay 2 thế kỷ. Xin đừng quên tuyên ngôn rằng mọi người nam và nữ sinh ra đều bình đẳng. Họ được tạo hóa ban cho những quyền không thể bị tước đoạt và các chính phủ hiện hữu để che chở vào bảo vệ cho những quyền đó."

Thông điệp chung của Ðức giáo hoàng vang vọng đến những người lo sợ rằng Giáo hội có lẽ đã lánh xa họ.

Chiều tối thứ Bảy, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã chú tâm vào Đại hội Gia đình Thế giới.

Hội nghị quốc tế được Tòa thánh Vatican và Địa phận Philadelphia bảo trợ này nhằm mục tiêu tăng cường "sự kết nối thiêng liêng của gia đình trên khắp thế giới."

Trong thánh lễ Chủ nhật chiều tối nay dự kiến sẽ có đám đông lớn nhất tham dự so trong một tuần lễ qua của chuyến thăm Ðức giáo hoàng đến Hoa Kỳ, đầu tiên là ở thủ đô Washington, tiếp đến là New York và cuối cùng là ở thành phố Philadelphia. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Con rể thủ tướng làm "bầu" bóng rổ

Doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, con rể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bầu làm chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF).

Báo Tuổi Trẻ cho hay sáng Chủ nhật 27/9 tại Đại hội Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam lần thứ 6 ở TP HCM, ông Nguyễn Bảo Hoàng đã được bầu giữ chức chủ tịch VBF nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Hoàng, còn có tên Henry Nguyễn, là người ham mê môn thể thao bóng rổ. Ông là Chủ tịch Học viện thể thao Sài Gòn (SSA) và là chủ Saigon Heat - đội bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Ông từng tâm sự muốn đưa ngành bóng rổ Việt Nam lên số 1 Đông Nam Á.

Ông cũng là đồng sở hữu đội bóng Los Angeles FC, dự kiến sẽ ra mắt tại Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) năm 2017.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói sau khi chính thức nhậm chức rằng "chúng ta phải cùng nhau nỗ lực vượt bậc... đưa bóng rổ phát triển thành môn thể thao Olympic số hai tại Việt Nam; phát triển phong trào tập luyện, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, góp phần làm tăng sức khỏe và nâng cao tầm vóc người Việt Nam”.

Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, được thành lập năm 1962, là một trong những liên đoàn thể thao được nhà nước cho phép thành lập sớm nhất.

Đầu tư ở Việt Nam

Ông Nguyễn Bảo Hoàng là chồng bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái duy nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hai ông bà kết hôn năm 2008 và hiện có hai con.

Sinh năm 1974 tại Sài Gòn trong gia đình có bốn anh em, năm 1975 ông cùng gia đình chuyển sang định cư tại bang Virginia, Hoa Kỳ.

Hiện ông là Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam, chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, truyền thông và công nghệ kể từ năm 2004.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt mà vợ ông là thành viên sáng lập.

Công ty Cổ phần Good Day Hospitality của ông, được thành lập giữa năm 2012 với ngành kinh doanh chính là tour du lịch, cùng với dịch vụ ăn uống, đã mang hệ thống fastfood McDonald's vào Việt Nam.

Hồi tháng Sáu 2013, một công ty của ông đã cho ra mắt phiên bản tiếng Việt của tạp chí nổi tiếng Forbes theo hình thức nhượng quyền. - BBC
|
|

6.
Đồ chơi nhập từ Trung Quốc đe dọa sản phẩm truyền thống Việt Nam

Hôm nay 27/09/2015 là Tết Trung thu tại Việt Nam. Trong một bài phóng sự vừa công bố, hãng tin Pháp AFP đã nêu bật một thực tế đáng buồn: Mặt nạ giấy bồi, một loại đồ chơi truyền thống của thiếu nhi Việt Nam nhân Tết Trung Thu ngày càng bị đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc cạnh tranh.

Phóng viên hãng tin Pháp đã đi một vòng phố Hàng Mã ở Hà Nội, được xem là trung tâm cung ứng đồ chơi trẻ em, đặc biệt là các loại mặt nạ làm bằng giấy bồi như mặt nạ Ông Địa, nhân dịp Trung Thu. Ghi nhận của AFP là đồ chơi Trung Quốc ngày càng tràn ngập các gian hàng, vốn trước đây chuyên bán mặt nạ truyền thống. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng giảm lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc, sự kiện đồ chơi Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam nhân tết Trung Thu, có nguy cơ đẩy hàng Việt Nam vào tình trạng thất thế. Điều này đã khiến giới thủ công nghệ và doanh nhân Việt Nam bất bình, và những lời chỉ trích vang lên ngày càng nhiều. 

Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – chẳng hạn đã tố cáo xu hướng mua mặt nạ bằng nhựa được sản xuất công nghiệp hàng loạt và nhập từ Trung Quốc, chủ yếu là của các nhân vật siêu anh hùng. Theo ông, "Mặt nạ nhân ngày lễ Trung thu phải được làm bằng giấy bồi".

Năm nay, Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã mở lớp dạy trẻ em tự làm mặt nạ cho mình, một sáng kiến đáng trân trọng trong bối cảnh thợ thủ công chuyên làm loại mặt nạ này ngày càng ít đi.

Bà Vũ Thị Thoan, 55 tuổi, giải thích là gia đình bà làm mặt nạ này từ 40 năm nay, và là một trong những người hiếm hoi còn duy trì một cơ sở sản xuất ở làng của bà ở Hưng Yên (miền Bắc Việt Nam), trước đây chuyên sinh sống về nghề này, và hầu như nhà nào cũng làm mặt nạ. Giờ đây thì chỉ còn có ba hộ mà thôi.

Vấn đề đặt ra là trẻ em lại có vẻ thích các mặt nạ hình các siêu anh hùng như Batman - Người dơi hay Superman – Siêu nhân chẳng hạn. Do đó, để bảo vệ truyền thống, vấn đề giáo dục sở thích cho các em cần được đẩy mạnh. - RFI

No comments:

Post a Comment