Friday, August 21, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 21/8

Tin Thế Giới

1.
Thủ tướng Hy Lạp từ chức

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa tuyên bố từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Ngày bầu cử vẫn chưa được xác định, nhưng một số thông tin trước đó cho biết có thể là ngày 20/9 tới.

Ông Tsipras sẽ lãnh đạo đảng cánh tả Syriza ra tranh cử.

Tuy nhiên, ông cũng đang đối mặt với sự chống đối từ nội bộ đảng của mình do các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong gói cứu trợ mới nhất.

Ông đã chấp nhận cắt giảm chi tiêu và cải cách lương hưu nhằm đổi lại gói cứu trợ và giữ Hy Lạp lại trong khu vực đồng euro.

Hy Lạp đã nhận được 13 tỷ euro đầu tiên của gói cứu trợ vào hôm 20/8.

Gói cứu trợ đã giúp Hy Lạp hoàn trả khoản nợ 3,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu và tránh bị vỡ nợ.

Toàn bộ gói cứu trợ có trị giá 86 tỷ euro, sẽ được cung cấp cho Hy Lạp trong vòng ba năm tới.

Ông Alexis Tsipras đã tuyên bố từ chức trong một bài phát biểu trước toàn quốc được phát trên sóng truyền hình hôm 20/8.

"Tôi muốn thành thật với quý vị. Chúng tôi đã không thể đạt được thỏa thuận mà mình mong đợi trước cuộc bầu cử hồi tháng Một", ông nói.

Người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông Jeroen Dijsselbloem, nói ông hy vọng động thái từ nhiệm của ông Tsipras sẽ không ảnh hưởng đến các điều kiện của gói cứu trợ.

"Hy Lạp cần làm tròn trách nhiệm của nước này đối với khu vực đồng euro," ông nói.

43 trong số 149 nghị sỹ của đảng Syriza đã phản đối hoặc bỏ phiếu trống trong cuộc biểu quyết thông qua thỏa thuận này của Quốc hội Hy Lạp vào ngày 14/8.

Sự chống đối bên trong hàng ngũ đảng Syriza đồng nghĩa với việc ông Tsipras giờ đây đã mất sự ủng hộ từ đa số tại quốc hội.

Ông Tsipras đã thắng cử nhờ lời hứa sẽ chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà ông giờ đây đã chấp nhận.

Ông cho biết đã bị buộc phải làm vậy vì đa số người dân Hy Lạp muốn ở lại trong khu vực đồng euro. - BBC
|
|

2.
Quân đội Nga đến TQ chuẩn bị cho cuộc diễu hành ‘chưa từng có’

85 binh sĩ Nga đã tới Bắc Kinh hôm 19/8 để diễn tập cho một cuộc diễu hành được cho là chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Theo nguồn tin ngoại giao, cuộc diễu hành sẽ được tổ chức vào ngày 3 tháng 9 tới ở quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản.

Hoạt động này nhằm kỷ niệm chiến thắng năm 1945 của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Nhật trong Thế chiến II, mà Trung Quốc gọi là Chiến tranh thế giới chống phát xít. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã được mời tham dự.

Thiếu tướng Khứ Nhuế, chỉ huy phó của cuộc diễu hành cho biết: “Đây là sự kiện chưa từng có đối với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc diễu hành sắp tới có thể kết nối quá khứ với tương lai, tăng cường các mối quan hệ của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế và cùng truyền bá ý tưởng hòa bình và phát triển”.

Cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Trung Quốc đặc biệt ở việc không chỉ có quân đội Trung Quốc và nước ngoài, mà còn có các cựu chiến binh đã từng chiến đấu cho Quốc dân đảng, phe chủ nghĩa dân tộc trong nội chiến Trung Quốc.

Theo ông Aleksandr Isaev, Học viện Khoa học thuộc Viện Viễn Đông của Nga, mục tiêu của Trung Quốc trong cuộc diễu hành là để phô trương sức mạnh quân sự và chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc chiến thắng trong Thế chiến II.

Các nhà lãnh đạo của tất cả các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan - xác nhận họ sẽ tham dự sự kiện Bắc Kinh.

Ông Vương Trầm Dương, một cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: “Sự tham gia của nước ngoài sẽ làm nổi bật các chiến thắng chung của quốc gia và gửi thông điệp thống nhất liên quan đến các vấn đề khu vực ngày nay”.

Ông Vương nói, sự tham gia của các nước láng giềng là một cơ hội quan trọng để tăng cường mối quan hệ của Trung Quốc với họ. - VOA
|
|

3.
Bắc Triều Tiên tuyên bố ‘tình trạng tương tự như chiến tranh’ với miền Nam

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đặt quân đội nước này vào tình trạng báo động cao và tuyên bố “tình trạng tương tự như chiến tranh” ở các vùng tiền tuyến hôm 21/8 sau khi Bắc và Nam Triều Tiên bắn trọng pháo qua lại gần biên giới.

Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên, tiếp theo một cuộc họp khẩn với ban quân ủy trung ương Bắc Triều Tiên, ông Kim nói các đơn vị tiền phương sẽ “đi vào tình trạng chiến tranh” bắt đầu từ 5 giờ chiều, giờ địa phương ngày thứ Sáu.

Bình Nhưỡng đã từng đưa ra những tuyên bố tương tự trước đây, kể cả trong những thời kỳ căng thẳng tăng cao vào năm 2010 và 2013. Trên nguyên tắc, hai nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh bởi lẽ lệnh hưu chiến kết thúc xung đột vào thập niên 1950 đã không trở thành một hòa ước.

Bạo động ngày hôm qua bắt đầu khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào các vị trí quân sự của Nam Triều Tiên dọc theo biên giới phía tây. Miền Nam đã đáp lại bằng cách bắn đi mấy chục quả đại bác 155 ly nhắm vào miền Bắc.

Không có bên nào báo cáo thiệt hại hay thương vong vì đạn pháo phần lớn dường như rớt xuống dọc theo vùng phi quân sự 4 kilomet chia cách hai nước Triều Tiên.

Căng thẳng hai miền tăng cao

Quan hệ Nam-Bắc đã đặc biệt căng thẳng sau khi Seoul tố cáo Bình Nhưỡng cài những quả mìn đã phát nổ trong tháng này ở gần biên giới, làm 2 binh sĩ Nam Triều Tiên bị thương. Seoul đã đáp trả bằng cách tiếp tục phát đi những lời tuyên truyền chống miền Bắc bằng loa phóng thanh ở gần biên giới.

Hôm qua, miền Bắc cảnh báo sẽ tiến hành thêm các biện pháp quân sự nếu miền Nam không ngưng phát thanh trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Các giới chức Nam Triều Tiên nhấn mạnh rằng việc phát thanh sẽ tiếp tục.

Bắc Triều Tiên phủ nhận việc pháo kích. Nhưng các hành động khiêu khích của miền Bắc rất “rõ ràng”, theo lời phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Jeong Joon-hee.

Ông Jeong nói: “Sự phủ nhận có thể coi như một mưu toan lấy tay che mặt trời. Vì thế mà chúng tôi càng nghi ngờ về lòng thành thực của Bình Nhưỡng”.

Nhiều người trông đợi Bình Nhưỡng sẽ thực hiện lời đe dọa sẽ phát động một hình thức tấn công có giới hạn sau khi kỳ hạn 48 tiếng đồng hồ trôi qua vào ngày thứ Bảy.

Chuyên gia phân tích về Triều Tiên Daniel Pinkston thuộc Nhóm Khủng hoảng Kinh tế ở Seoul nói không bên nào cảm thấy có thể thoái lui, mà cũng không bên nào muốn có chiến tranh.

Ông Pinkston nói: “Tôi nghĩ cả hai bên đều muốn tránh một cuộc xung đột ở cường độ cao nhưng vẫn có khả năng tính toán sai hoặc vô tình leo thang”.

Hôm qua, Hoa Kỳ tỏ ý quan ngại về bạo động xuyên biên giới và các giới chức ở Washington nói họ đang theo dõi sát tình hình.

Hoa Kỳ kêu gọi tự chế

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby tuyên bố những “hành vi khiêu khích” như thế của miền Bắc chỉ làm cho căng thẳng tăng cao hơn. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng tự chế trước các hành động và lập luận đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.

Căng thẳng diễn ra vào lúc các cuộc thao diễn hỗn hợp thường niên bắt đầu hôm thứ Hai và miền Bắc lên án là để chuẩn bị cho chiến tranh. Những cuộc tập trận này có sự tham gia của Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác trong đó có Vương quốc Anh, Canada và Australia.

Ông Pinkston cho rằng sự hiện diện quân sự đa quốc trên bán đảo Triều Tiên có thể răn đe miền Bắc nhưng cũng có nhiều phần chắc sẽ có ảnh hưởng kiềm chế đối với miền Nam.

Ông Pinkston nói: “Các nước ấy không muốn bị mắc kẹt và lôi cuốn vào một cuộc xung đột quân sự chỉ vì một vài xô xát nhẹ và ít quả đại bác phóng qua vùng phi quân sự”.

Soeul nâng mức cảnh báo

Nam Triều Tiên đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng ở mức cao nhất, gọi là Jindogae 1, có nghĩa là nguy hiểm tức thời, có thể có tấn công hay xâm lược.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nam Triều Tiên đã họp với Tổng thống Park Geun-hye về việc Bắc Triều Tiên pháo kích ở vùng biên giới. Hôm nay, bà Park đã đi thăm bản doanh của quân đoàn 3 ở phía Nam Seoul.

Hôm nay Nam Triều Tiên cũng hạn chế việc ra vào khu công nghiệp Kaesong, một liên doanh giữa hai nước nằm ngay biên giới phía Bắc.

Đây là vụ nổ súng qua lại đầu tiên giữa hai nước Triều Tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, khi binh sĩ bắc Triều Tiên đến gần biên giới quân sự và không rút về sau khi miền Nam nổ súng cảnh báo, theo lời Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên khi đó. Các binh sĩ miền Bắc đã bắn trả trong cuộc nổ súng qua lại kéo dài 10 phút, mà không có thương vong. - VOA
|
|

4.
Thị trường chứng khoán châu Á sụt giá vì Trung Quốc

Cổ phiếu sụt giá mạnh ở Trung Quốc và khắp châu Á hôm 21/8, sau khi các số liệu mới công bố về lĩnh vực sản xuất mang tính sống còn của Bắc Kinh thấp hơn so với dự kiến.

Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải giảm 4,2% lúc đóng cửa, kéo dài tình trạng sụt giá trong tuần này tới mức 11%. Trong khi đó, chỉ số chính Thâm Quyến sụt giá 5,4%.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 3% lúc đóng cửa. Giá cổ phiếu cũng sụt giảm ở Hồng Kông, Seoul, Sydney, Singapore, Đài Loan, Bangkok và Jakarta.

Tại Hoa Kỳ, các chỉ số chứng khoán hôm qua cũng đồng loạt giảm giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và Standard & Poor’s 500 đều giảm 2,1%. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất ở Phố Wall trong vòng 18 tháng.

Trong khi đó, hôm 21/8, tình trạng bán tháo ở châu Á vẫn gia tăng sau khi chỉ số quản lý sức mua Tài Tân, thường được theo dõi sát, cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm ở Trung Quốc trong tháng Tám.

Các nhà đầu tư cũng vẫn lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng như việc liệu Bắc Kinh có tiếp tục tìm cách chống đỡ thị trường chứng khoán bất ổn hay không.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng chậm và có nhiều quan ngại rằng nước này có thể sẽ không đạt được mục tiêu GDP trong năm 2015 là khoảng “7%”. Mức tăng trưởng đó bị coi là thấp nhất của Trung Quốc trong vòng 11 năm, nhưng lại cao hơn so với mức của nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng được coi là một giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì hàng hóa xuất khẩu của nước này ở các thị trường nước ngoài sẽ rẻ hơn nhiều.

Nhưng việc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây ra một cuộc chiến tiền tệ trong khu vực, vì nhiều nước khác có thể giảm giá đồng tiền của họ để bảo vệ các thị trường xuất khẩu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
HSBC: 'VN có thể phá giá nội tệ thêm 2%'

Ngân hàng HSBC dự báo Việt Nam có thể phá giá đồng nội tệ thêm 2% từ đây đến cuối năm, nâng tổng mức điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong cả năm lên 5%.

Mức này cao hơn một số dự đoán từ giới chuyên gia trước đó, vốn cho rằng phạm vi điều chỉnh tỷ giá trong cả năm sẽ từ 3% đến 4%.

Bên cạnh đó, HSBC cũng cho rằng Việt Nam sẽ phải phá giá VND thêm 2% trong cả năm 2016.

Tỷ giá cuối năm nay, theo ước tính của HSBC, sẽ ở mức 22.800 VND/USD. 

HSBC cho rằng đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm giá, khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng trước áp lực bảo đảm tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, tiền đồng cũng sẽ đứng trước nhiều áp lực nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất cuối năm nay, ngân hàng này cho biết.

Hôm 19/8, ngân hàng trung ương của Việt Nam thông báo phá giá VND thêm 1%, đồng thời nâng biên độ tỷ giá VND/USD từ 2% lên 3%.

Đồng nội tệ của Việt Nam đã được điều chỉnh tổng cộng 3% từ đầu năm đến nay, bất chấp cam kết của Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá VND/USD quá 2% trong cả năm.

Thông cáo từ Ngân hàng Nhà nước hôm 19/8 cho biết việc điều chỉnh tỷ giá là "nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới".

Điều này giúp "tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", thông cáo của cơ quan này nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, các chuyên gia đã chỉ trích việc NHNN ấn định mức phá giá VND tối đa là 2% hồi đầu năm là thiếu linh hoạt.

Bên cạnh đó, cũng đã có quan ngại rằng áp lực hạ giá VND sẽ làm gia tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và tăng gánh nặng nợ công.

Bán tháo chứng khoán

Sáng 21/8, thị trường chứng khoán tại Việt nam đã chứng kiến một phiên bán tháo mạnh.

Báo điện tử VnEconomy cho biết vào lúc 11 giờ sáng, VN-Index chạm đáy ở 542,31 điểm, giảm đến 4,3%.

Trả lời BBC chiều cùng ngày, bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cho biết "việc giảm này đã bắt đầu từ mấy hôm".

"Hôm nay chỉ là đỉnh điểm, có thể là tâm lý lo ngại của nhà đầu tư lo ngại trước tình trạng bán giải chấp", bà nói.

"Nhà đầu tư cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố như bất ổn tỷ giá và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương chưa được chốt lại."

"Phiên bán tháo ngày hôm nay chỉ là cộng hưởng của nhiều ngày trước đó."

"Sau phiên hôm nay thì có thể sẽ có hồi phục nhẹ trong vài phiên tới nhưng sự hồi phục này có thể chỉ mang tính chất ngắn hạn, thị trường sẽ cần thêm thời gian." - BBC
|
|

6.
Hàng nghìn khách Việt bị Singapore từ chối nhập cảnh

Hãng hàng không VietjetAir vừa có văn bản khẩn yêu cầu Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore có biện pháp hỗ trợ do hơn 1.500 hành khách người Việt của hãng này bị Singapore từ chối nhập cảnh trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tin cho hay VietJetAir thiệt hại khoảng 450.000 đôla Singapore.

Truyền thông Việt Nam đang có nhiều bài về các trường hợp phụ nữ Việt Nam bị từ chối nhập cảnh vào Singapore và thiệt hại của các hãng hàng không trong những vụ tương tự.

Theo một bài viết trên báo Thanh Niên, hãng hàng không nào có hành khách bị xếp diện Not to land (không thuộc diện tội phạm nhưng bị từ chối nhập cảnh) đến Singapore thì có trách nhiệm mang trả họ về nơi xuất phát,và phải đóng phí 17 SGD (280.000 đồng)/khách/giờ bị tạm giữ, cùng phí áp giải họ từ chỗ này đến chỗ khác trong sân bay.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng yêu cầu du khách từ Việt Nam tới Singapore ký Giấy Cam kết Đi đường, trong đó có đoạn yêu cầu hành khách không khiếu nại và phải hoàn mọi chi phí phát sinh cho hãng hàng không Việt Nam.

BBC Tiếng Việt đang chờ trả lời của VietjetAir và Vietnam Airlines về các vấn đề liên quan.

Tra hỏi

Phụ nữ Việt Nam có lẽ không phải là đối tượng duy nhất bị từ chối nhập cảnh vào Singapore.

Một phóng viên BBC cũng đã bị gây khó dễ khi nhập cảnh vào Singapore hồi cuối tháng 07/2015.

Katewadee Kulabkaew (Kate) của BBC tiếng Thái cho biết, cô bay từ London tới Singapore để dự hội thảo và dù đã nhiều lần tới Singapore, cô chưa lần nào bị nhân viên nhập cảnh tra hỏi kỹ như lần này.

Họ hỏi cô nhiều lần cùng một câu hỏi về kế hoạch của cô ở Singapore và vì sao cô đi một mình.

Sau khoảng gần 10 phút bị tra hỏi, cô đưa thư mời của nơi tổ chức hội thảo - một đại học danh tiếng của Singapore - rồi mới được cho qua.

Kate cho rằng có lẽ do cô là phụ nữ Thái Lan, đi một mình, lại dùng hộ chiếu mới không có dấu nhập cảnh của Singapore, khiến nhân viên Singapore nghi ngờ.

Singapore là địa điểm du lịch phổ biến đối với người Thái, và rất nhiều phụ nữ Thái Lan cũng bị từ chối nhập cảnh. Ở Singapore có khu phố đèn đỏ Geylang, các cô gái hoạt động ở đây chủ yếu là người Thái, theo Kate.

Phóng viên BBC nói, điều này cũng xảy ra với những phụ nữ Thái Lan tới Hàn Quốc, và dường như phụ nữ vẫn là đối tượng bị tra hỏi nhiều hơn nam giới.

Tuy nhiên, Nhật Bản - địa điểm du lịch được nhiều người Thái Lan ưa thích - nay cũng siết chặt hơn với du khách nước này, dù đã miễn visa du lịch với thời hạn 15 ngày, do nhiều người ở lại và làm việc bất hợp pháp.

Trên mạng xã hội Thái Lan đã có nhiều nhóm bày tỏ ý kiến nói họ 'thích kiểu cũ' hơn, vì nhiều người đã tốn tiền chi phí đi lại, đặt phòng khách sạn mà bị trả về.

Báo Thanh Niên có loạt bài về vụ việc, và cũng đưa ra một số hướng dẫn cho du khách Việt muốn tới Singapore. - BBC

No comments:

Post a Comment