Tin Thế Giới
1.
Thái Lan: Vụ đánh bom Bangkok không liên hệ đến ‘khủng bố quốc tế’ --- 'Nghi phạm' Bangkok trình diện cảnh sát --- Nổ bom Bangkok và chính trường Thái lan
Các giới chức Thái Lan nay nói rằng vụ tấn công chết người tại một ngôi đền ở Bangkok có phần chắc là do ít nhất 10 người, trong đó có một số người nước ngoài, hoạch định hơn 1 tháng trước. Nhưng họ cho rằng vụ nổ, làm 22 người thiệt mạng và 120 người bị thương, không phải do một nhóm khủng bố quốc tế thực hiện. Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật từ thủ đô Thái Lan.
Tập đoàn quân nhân cầm quyền Thái Lan đang tìm cách trấn an du khách nước ngoài rằng các nhóm khủng bố toàn cầu không nhắm mục tiêu vào Thái Lan, và những người Trung Quốc cũng không phải là những nạn nhân bị nhắm mục tiêu trong vụ đánh bom đền Erawan.
Trưa hôm nay, giờ địa phương, tập đoàn cầm quyền đã đưa ra một thông báo đặc biệt trên tất cả các kênh truyền hình, được lập lại bằng tiếng Anh và tiếng Quan Thoại.
Phát thanh viên Pariya Netvichien đã đọc thông cáo bằng tiếng Anh. Thông cáo cho biết các cơ quan an ninh đã hợp tác với các cơ quan tình báo của các nước đồng minh và đã đi đến cùng một kết luận sơ bộ là vụ việc có phần chắc không có liên hệ đến khủng bố quốc tế, và du khách Trung Quốc không phải là mục tiêu trực tiếp.
Hôm qua, chính phủ đã công bố trát bắt và phổ biến một bức phác họa chân dung một người đàn ông nước ngoài mà họ tin là đã thực hiện vụ tấn công.
Người thanh niên cao dong dỏng mặc một chiếc áo thun màu vàng được nhìn thấy trong đoạn phim ghi được qua máy thu hình an ninh bình tĩnh bước ra khỏi khu đền sau khi để lại một túi đeo lưng dưới gầm ghế, ngay trước khi xảy ra vụ nổ.
Các giới chức cảnh sát nói có ít nhất 2 người đàn ông khác, một người mặc áo đỏ và một người mặc áo trắng trong video của máy thu hình an ninh, cũng là nghi can trong vụ tấn công.
Một cố vấn của Bộ Quốc phòng, ông Panitan Wattanayagorn, nói với đài VOA rằng cuộc điều tra là một nhiệm vụ của cảnh sát Thái Lan và vào thời điểm này họ có thể xử lý mà không cần đến sự hỗ trợ quốc tế.
“Một số kỹ thuật hoặc phân tích ở mức độ cao có thể được yêu cầu, nếu xét ra là cần thiết. Nhưng cho đến giờ này, nhà chức trách Thái hoàn toàn có đủ khả năng xử lý vụ việc.”
Chưa xác định được động cơ nào dẫn đến vụ tấn công. Cũng chưa rõ có nghi can nào đã bỏ trốn ra khỏi nước hay không. Thủ tướng Thái đã tuyên bố vụ này có thể mang động cơ chính trị, nhằm gây thiệt hại cho ngành du lịch hay nền kinh tế. - VOA
***
Hai người bị tình nghi là tham gia đánh bom đền thờ Erawan ở Bangkok vừa ra trình diện cảnh sát.
Hai người này khẳng định họ là hướng dẫn viên du lịch.
Hình ảnh của họ đã bị camera CCTV ghi lại ngay trước vụ nổ bom tối thứ Hai.
Trong đó, một người mặc áo đỏ và người kia mặc áo trắng, đứng dậy ngay sau khi nghi phạm chính mặc áo vàng ngồi xuống và sau đó bước đi để lại ba lô ở đằng sau.
Một lúc ngắn sau, quả bom phát nổ, làm 20 người chết và hàng chục người khác bị thương.
Cảnh sát hiện đang thẩm vấn hai người này.
Cũng theo cảnh sát, ít nhất 10 người bị tình nghi liên quan trong vụ tấn công và nghi phạm chính là người nước ngoài.
Tuy nhiên sáng thứ Năm 20/8, người phát ngôn cho chính quyền quân sự Thái, Đại tá Winthai Suvaree, nói kết luận ban đầu cho thấy dường như đây không phải hành động của một nhóm khủng bố quốc tế.
Tuy nhiên ông lại nói với hãng tin Mỹ Associated Press rằng không thể loại trừ liên hệ với mạng lưới khủng bố toàn cầu và cho rằng cảnh sát Thái Lan "cần điều tra mọi chi tiết".
Điều tra
Chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Phóng viên BBC Jonathan Head tại Bangkok nói cảnh sát cũng đang thẩm vấn một người lái xe tuk-tuk được cho đã chở nghi phạm chính tới Đền Erawan, nhưng vẫn chưa tìm ra danh tính cũng như quốc tịch người đàn ông mặc áo vàng này.
Phóng viên của chúng tôi nói thêm rằng tuy đền thờ đã được dọn dẹp, nhóm phóng viên BBC vẫn phát hiện ra mảnh bom găm trong tường bên cạnh đó, có nghĩa đội điều tra của cảnh sát chưa thu thập hết các bằng chứng tại hiện trường.
Cảnh sát trưởng quốc gia Somyot Pumpanmuang nói ông tin rằng vụ tấn công này được lên kế hoạch ít nhất một tháng trước.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha họi đây là "cuộc tấn công tồi tệ nhất vào Thái Lan".
12 trong số 20 người chết hôm thứ Hai là người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc, Hong Kong, Anh quốc, Indonesia, Malaysia và Singapore. - BBC
***
Vụ nổ bom gây thương vong tại khu đền Erawan ở thủ đô Bangkok đến hôm nay vẫn chưa bắt được thủ phạm và dư luận đang nêu ra nhiều câu hỏi.
Việc đánh bom đền thờ Hindu Erawan, một điểm du lịch thu hút nhiều du khách tại khu vực trung tâm thủ đô Bangkok, vào tối ngày 17/8/2015 làm 20 người chết và 123 người bị thương, được coi là một vụ khủng bố ghê rợn nhất chưa từng có ở Thái lan. Tuy vậy cho đến lúc này cơ quan điều tra của CS Thái lan vẫn chưa xác định rõ thủ phạm là ai.
Đánh giá về vụ đánh bom nói trên, GS. Ekachai Chivilad tại Viện Chính trị Quốc vương Prapokkao (KPI - King Prajadhipok's Institute) nhận định:
Đại ý ông khẳng định vụ đánh bom lần này nhằm mục đích giết người hàng loạt, vì ai cũng biết khu đền Erawan vào lúc chiều tối có người đến lễ rất đông, khu vực ấy là ngã tư, nên tắc xe liên tục và kéo dài. Hơn nữa việc kẻ khủng bố dùng các đầu đạn ở bên trong, khi chế tạo quả bom cho thấy họ muốn tạo ra sức sát thương lớn để giết được nhiều người.
Về thủ phạm của vụ đánh bom này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện đang làm việc cho Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore chia sẻ:
“Cái vụ đánh bom này cho đến bây giờ họ chưa xác định được thủ phạm là ai, nhưng có một số nhận định cho rằng thủ phạm có thể liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, họ đã trả thù chính quyền Thái lan vì đã trục xuất những người tỵ nạn về xét xử ở Trung quốc. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng và tác động xấu đến tình hình an ninh của Thái lan.”
Khi được hỏi, vụ đánh bom trên có liên quan đến các cá nhân và các nhóm chịnh trị ở Thái lan hiện nay hay không? TS. An ninh chính trị Panithan Wattanayakorn, Đại học Chulalongkorn cho biết:
Đại ý, ông cho biết theo tôi, việc còn tồn tại các đối thủ chính trị không đồng tình với chính phủ hiện tại và vẫn có các hoạt động là điều có thật. Bước đầu thì cũng có thể thấy hoạt động của các nhóm trong thời gian qua đã diễn ra thế nào, có thể là không nhiều song cũng có một số nhóm cần phải chú ý theo dõi. Tuy vậy tôi nghĩ rằng nên để dành câu trả lời cho cơ quan điều tra thì tốt hơn.
GS. Ekachai Chivilad tiếp lời:
Đại ý ông thấy rằng, việc có những nhóm không ủng hộ việc cải cách chính trị hay không đồng tình với việc soạn thảo hiến pháp mới là có thật, song theo ông không nghĩ việc nổ bom này liên quan đến chính trị trong nước. Vì theo ông vào thời điểm này, căng thẳng chính trị ở Thái lan hầu như không đáng kể, nếu muốn gây áp lực chính trị thì lúc biểu tình trước đây, người đông đến cả triệu người, đánh bom lúc đó không hơn hay sao?
Theo GS. Ekachai Chivilad vụ nổ bom có yếu tố nước ngoài. Ông cho rằng có nhiều cái cho thấy có vấn đề nước ngoài liên quan đến Thái lan. Bằng chứng là câu hỏi tại sao kẻ khủng bố lại nhằm vào những chỗ có đông người Trung quốc? Theo ông khách du lịch Malaysia hay Singapore đến đền Erawan cũng đều là người Hoa cả, đây là điều cần phải chú ý.
Sau vụ nổ bom hôm tối thứ hai, vào lúc 14h ngày thứ Ba 18/8/2015, một vụ nổ bom khác xảy ra tiếp theo tại bến tàu thủy Sathorn trên sông Chaopraya nơi tập trung rất nhiều du khách người Hoa. Quả bom được kẻ khủng bố ném từ trên cao xuống, song rất may quả bom bị ném chệch hướng và rơi xuống sông đã không gây thiệt hại gì đáng kể. Đáng chú ý là hai quả bom phát nổ vừa qua tại Bangkok, được chế tạo theo phương pháp giống nhau và không giống như các trái bom thường thấy của phiến quân miền Nam Thái lan sử dụng.
Ngay sau đó, nói với báo chí Thủ tướng Thái lan Tướng Prayuth Chan- ocha cho biết: hiện nay ở Thái lan đang có các cá nhân hoặc các nhóm có các hoạt động nhằm mục đích chính trị, giữa bối cảnh cải cách chính trị và Hiến pháp mới.
Bình luận về phát biểu của tướng Prayuth Chan-ocha, TS. Panithan Wattanayakorn nhận định:
Đại ý ông cho rằng Thủ tướng nói như vậy chỉ là nói chung một cách tổng thể về tình hình chính trị hiện nay, chứ không có chủ ý nhằm vào nhóm cụ thể nào. Phát biểu đó cũng có nhiều người hiểu khác đi, họ lại nghĩ nặng về mâu thuẫn chính trị giữa các nhóm. Theo ông, cũng có thể ngài Thủ tướng muốn ám chỉ rằng các nhóm đó không vừa lòng với việc cải cách chính trị hiện nay, họ muốn gây sức ép lên chính quyền để đòi thay đổi hoặc nhằm để đe dọa dân chúng kể cả việc gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước.
TS. Lê Hồng Hiệp thấy rằng:
“Trong trường hợp này thì chính quyền quân sự sẽ coi là một cái cớ để tiếp tục duy trì chính quyền của họ và trì hoãn việc trả lại quyền lực cho chính quyền Dân sự. Đó là một khả năng. Tuy nhiên do thủ phạm chưa được làm rõ, nên tôi nghĩ chúng ta cần chờ đợi thêm để biết thủ phạm là ai và nguyên nhân do đâu đã khiến các thủ phạm hành động thì mới có thể biết rõ được.”
GS. Ekachai Chivilad không tin vào những nhận định đó, trả lời câu hỏi vụ đánh bom nói trên có ảnh hưởng đến tiến trình cải cách chính trị hoặc sẽ kéo dài thời gian cầm quyền của Chính phủ quân sự hay không? Ông cho biết:
Đại ý theo ông là không, vì tiến trình cải cách chính trị đã ghi rất rõ trong bản Hiến pháp mới sắp được thông qua, hơn nữa hôm qua là ngày làm việc cuối cùng của Ủy ban Cải cách Hiến pháp, nghĩa là mọi việc đã đâu vào đấy. Đáng chú ý, trong chính trị khi xảy ra các vấn đề thế này thì các phe sẽ chỉ trích chính phủ mạnh mẽ hoặc cáo buộc là do chính phủ dựng chuyện, nhưng lần này không có chuyện như thế xảy ra.
Liên quan các nghi vấn của dư luận đang hướng về lực lượng Áo đỏ, TS. Lê Hồng Hiệp khẳng định:
“Các cáo buộc đấy vẫn chưa có đủ các chứng cứ, kể cả ông Thủ tướng có nói thì đó có lẽ có ý đồ chính trị của họ, chúng ta cần phải chờ đợi thêm để xác minh đó có là sự thật hay không? Còn quá sớm nếu có ai nghĩ là do phe Áo đỏ vì chưa có bằng chứng và họ không có lý do gì để làm việc ấy. Vì nếu họ có làm thì càng tạo cái cớ cho cho quân đội tiếp tục duy trì quyền lực. Theo tôi nghĩ điều đó là vô lý.”
Vụ nổ bom mới nhất ở Bangkok xảy ra trong bối cảnh tập đoàn quân nhân Thái lan đang nắm quyền và xúc tiến việc cải cách chính trị tại xứ này. Khoảng một thập kỷ trở lại đây, chính trường Thái lan luôn bị xáo trộn bởi sự tranh chấp quyền lực giữa 2 phe chính, đó là lực lượng Áo đỏ là lực lượng ủng hộ cựu thủ tướng Thatsin Shinawatra đã bị lật đổ sau một cuộc đảo chính và đang lưu vong ở nước ngoài. Bên kia là lực lượng Áo vàng, ủng hộ Hoàng gia và được giới quân sự ủng hộ. Song song với đó, tại 3 tỉnh miền Nam Thái lan, khu vực của người Hồi giáo luôn bất ổn bởi những vụ đánh bom khủng bố do các phiến quân ly khai tiến hành. - RFA
|
|
2.
Tổng thống Hàn Quốc sẽ dự lễ kỷ niệm Thế chiến thứ II ở Bắc Kinh
Một giới chức cấp cao ở Seoul hôm nay loan báo Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye sẽ đến Bắc Kinh để dự các buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, nhưng chưa rõ vị nữ tổng thống này có dự khán cuộc duyệt binh được nhiều người bàn tán hay không. Thông tín viên đài VOA tường trình từ Seoul.
Ông Ju Chul Ki, Bí thư Ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc, cho báo chí biết rằng bà Park Guen Hye sẽ lên đường đi Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 9 để thực hiện chuyến viếng thăm 3 ngày có thể bao gồm một cuộc họp thượng đỉnh hoặc một cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ông Ju nói rằng hiện chưa có quyết định là phải chăng vị nữ tổng thống này sẽ dự khán cuộc duyệt binh qui mô lớn ở Bắc Kinh mà một số nhà quan sát cho là có thể được dùng để bôi nhọ Nhật Bản và phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Vào thời điểm này các chi tiết vẫn còn đang được xem xét.
Theo dự liệu, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự khán cuộc duyệt binh mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Tây phương không muốn tham dự vì có những mối quan tâm về sắc thái quân sự quá nặng của sự kiện này.
Đại sứ Liên hiệp Âu Châu tại Bắc Kinh, ông Hans Dietmar Schweisgut, mới đây cho biết sự phô trương sức mạnh quân sự có thể tạo ra những câu hỏi là “sự kiện này sẽ thúc đẩy cho hoà giải hay là khích động thù hận.”
Những mối căng thẳng đang trên đà gia tăng với Trung Quốc vì những hành động quân sự hung hăng ở Biển Đông, mối lo ngại là Bắc Kinh sẽ dùng cuộc duyệt binh để gây xấu hổ cho Nhật Bản, và ký ức về sự đàn áp tàn bạo của Bắc Kinh đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn năm 1989 cũng làm cho nhiều nhà lãnh đạo không muốn tham dự một cuộc duyệt binh tại cùng một địa điểm.
Washington chưa loan báo là có giới chức nào của Mỹ sẽ đến dự hay không và thậm chí họ còn chưa xác nhận là có nhận được lời mời của Bắc Kinh hay không.
Nhà lãnh đạo của Hàn Quốc có thể có những cảm xúc lẫn lộn về việc tham dự cuộc duyệt binh của Bắc Kinh. Tuy cả hai nước đều đã gánh chịu nhiều nỗi đau khổ vì sự xâm lăng của Nhật cho tới khi thế chiến thứ hai chấm dứt, nhưng Trung Quốc sau đó đã chiến đấu chống lại Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, và hỗ trợ cho các lực lượng Cộng Sản miền bắc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Quyết định của bà Park Guen Hye đến dự lễ kỷ niệm ở Bắc Kinh sẽ làm mạnh thêm những nỗ lực của bà nhằm xây dựng một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã ký một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào năm 2014, và hồi đầu năm nay, đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu do Trung Quốc dẫn đầu.
Chính phủ ở Seoul cũng tìm cách cân bằng những nỗ lực siết chặt quan hệ với Trung Quốc với việc duy trì một mối quan hệ đồng minh quân sự mật thiết với Washington. Năm 2014 Hàn Quốc và Hoa Kỳ đồng ý triển hạn quyền kiểm soát của Mỹ đối với các lực lượng hỗn hợp ở Hàn Quốc vì sự lo ngại đối với mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên. Quân đội hai nước đang tiến hành những cuộc tập trận chung.
Ông Robert Kelly, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, nói rằng việc bà Park Guen Hye xích lại gần hơn với Trung Quốc không có nghĩa là Seoul muốn tránh xa Washington mà là một phần của một chiến lược dài hạn nhằm gây thương tổn cho mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Trung Quốc.
"Nếu chúng ta có thể kéo Trung Quốc ra xa Bắc Triều Tiên thì Bắc Triều Tiên sẽ phải đứng một mình và hy vọng là một lúc nào đó Bắc Triều Tiên sẽ bị sụp đổ. Ý nghĩa thật sự của việc này là như vậy."
Ông Kelly cho rằng thông điệp mà bà Park Guen Hye muốn đưa ra qua những hoạt động ngoại giao cá nhân và việc tăng cường các mối liên hệ kinh tế với Trung Quốc là một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Seoul sẽ có ích cho hoà bình và ổn định của khu vực.
Hiện chưa rõ lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên có đến dự các buổi lễ ở Trung Quốc hay không. Nếu có, đó sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo độc tài này du hành ra nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011 sau cái chết của thân phụ ông, là ông Kim Jong Il. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Sắp có trường đại học Harvard tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa cấp 2,5 triệu đôla cho trường đại học danh tiếng Harvard để chuyển chương trình giảng dạy về chính sách công của trường này tại Việt Nam thành một trường đại học độc lập, phi lợi nhuận, chi nhánh của trường đại học tại Mỹ ở TP HCM.
Trường đại học mới, có tên Fulbright University Vietnam, được mở rộng ra từ chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright hiện tại, vốn là một chương trình thạc sĩ về chính sách công do trường đại học Harvard lập ra vào năm 1994 cùng với Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Một phần kinh phí của chương trình học bổng Fulbright là do Phòng Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Trường đại học mới của Harvard, sẽ được xây dựng tại Khu Công nghệ cao TP HCM và dự kiến khai trương vào tháng 9/2016, bao gồm 3 trường là trường Quản lý và Chính sách công, trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng và trường Fulbright đào tạo các chương trình cử nhân khoa học xã hội và nhân văn.
Tờ The Crimson trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elaine Clayton cho biết chương trình thạc sĩ về Quản lý và Chính sách công dự kiến sẽ bắt đầu cho sinh viên ghi danh vào học kỳ Mùa Thu năm 2016.
Trường đại học của Harvard đã được Việt Nam cấp phép vào năm ngoái nhưng các nhà quản lý vẫn đang tìm kiếm kinh phí cho dự án này. Mục tiêu gây quỹ là 100 triệu đô-la và sẽ tuyển sinh 2.000 sinh viên trong 5 năm đầu tiên. Tính cho đến lúc, đã có 40 triệu đô-la cam kết tài trợ cho trường.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nói trường đại học mới của Harvard tại Việt Nam là một bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao và hợp tác giáo dục giữa hai nước. Chương trình học bổng Fulbright được lập ra một năm trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 6/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói việc có được trường đại học Fulbright Việt Nam là một điều phi thường và ông cam kết sẽ hỗ trợ hết lòng để biến điều này sớm thành hiện thực. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Nguyên tham tán Campuchia tại VN ra tòa vì làm giả giấy tờ nhập khẩu gỗ
Cựu phó tổng lãnh sự Campuchia tại TP. HCM trong phiên tòa hôm 17/8 đã phủ nhận việc làm giấy tờ giả để cho phép xuất khẩu gỗ cao cấp cho các công ty Việt Nam.
Ông Taing Sok Ngy, 38 tuổi, đã bị bắt tại Phnom Penh vào tháng 6 năm ngoái với cáo buộc làm giấy tờ giả để cho phép xuất khẩu hơn 100 tấn gỗ quý một cách bất hợp pháp vào Việt Nam từ năm 2012 đến 2014, và nhận hối lộ của các công ty Việt Nam.
Ông Sok Ngy thú nhận trước tòa là ông đã gửi một công hàm ngoại giao yêu cầu Bộ Thương mại và Bộ Công thương Việt Nam cho phép một công ty Campuchia tên là Heng Le vận chuyển gỗ cao cấp đến 11 công ty tại Việt Nam.
Nhưng trong phiên tòa hôm 17/8, ông Sok Ngy khăng khăng nói ông đã bị lừa làm giấy tờ giả. Trước tòa, ông Sok Ngy khai rằng đại diện của Công ty Đầu tư Heng Ly là ông La On, đã chuyển đến ông một lá thư vào tháng 11/2013 và nói là của Bộ Thương mại Campuchia cho phép xuất khẩu 1.000 met khối gỗ. Ông Sok Ngy nói ông đã email cho trưởng ban pháp lý của bộ này là ông Mak Osaphea để xác minh về lá thư và đã được “bật tín hiệu xanh” để gửi đến Bộ Thương mại Việt Nam một công hàm ngoại giao cho phép giao dịch.
Ông Osaphea đã không có mặt tại tòa, nhưng thư ký tòa án đã đọc một thông báo từ giới chức Bộ Thương mại Campuchia phủ nhận lời khai của ông Sok Ngy.
Ngoài ra, tờ Khmer Times cho biết ông Sok Ngy nói ông gửi công hàm ngoại giao đi là vì ông nhận được 6 lá thư từ 6 công ty xuất khẩu gỗ của Campuchia.
Nhưng tòa án đã công bố thông báo của cả 6 công ty, tất cả đều nói họ không biết ông Sok Ngy và ông La On. Một số thậm chí còn nói họ không hề kinh doanh về gỗ. Cảnh sát cũng xác nhận không có mối liên hệ giữa các công ty trên với ông Sok Ngy hay công ty Heng Ly.
Vụ việc bị phanh phui sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia yêu cầu Bộ Thương mại nước này xác minh lá thư và Bộ này cho biết đã không đưa ra lá thư trên. Ngoài ra, Bộ Thương mại Campuchia cũng cho biết công tu Heng Ly có thể là một “công ty ma” vì không hề có đăng ký với chính quyền sở tại nước này.
Cuộc điều tra ông Sok Ngy được tiến hành sau khi Bộ trưởng Thương mai Sun Chan Thol báo cáo về những dấu hiệu bất thường trong các vụ vận chuyển gỗ đến Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông đã bị đặt câu hỏi tại sao một số công ty được phép nhập khẩu gỗ trong khi các công ty khác lại không. Ông Sun Chanthol sau đó đã phát hiện ra bộ ba trên đã giả chữ ký của ông và làm các bức thư giả của bộ này để cho phép xuất khẩu gỗ lậu.
Cảnh sát Campuchia cho biết công ty Heng Ly không nhận tiền trực tiếp từ các công ty nhập khẩu của Việt Nam, mà chuyển tiền vào tài khoản hiện có của một công ty tại Campuchia nhưng không tiết lộ tên của công ty.
Bốn đồng phạm trong vụ này đều vắng mặt trong phiên tòa hôm 17/8 mà không có sự giải thích lý do.
Phiên xử vụ này sẽ tiếp tục vào ngày 3/9. - VOA
|
|
5.
‘Xử nghiêm báo đăng tin vụ án giật gân’
Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam cảnh báo sẽ ‘xử lý nghiêm khắc những cơ quan báo chí vi phạm quy định của pháp luật’.
Hôm 19/8, báo VietnamNet dẫn công văn số 2673/BTTTT-CBC do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký về việc ‘xử lý nghiêm khắc những cơ quan báo chí vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí’.
Theo đó, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ ‘xử lý lãnh đạo tòa báo nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong thời gian tới’.
Bộ Thông tin & Truyền thông nêu rõ, “thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã khai thác và cho đăng tải liên tiếp nhiều tin bài về cùng một vụ án, tường thuật theo thời gian và diễn biến vụ việc, mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rùng rợn hoặc khai thác thông tin giật gân”, báo Vietnamnet viết.
Việc này được cho là ‘đã vô tình hoặc cố ý xâm phạm quyền riêng tư của công dân, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình điều tra, gây hiệu ứng xấu cho xã hội’.
VietnamNet cho biết Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí ‘thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, chấp hành đúng các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, hạn chế những hành vi đưa tin giật gân, câu khách gây phản cảm’.
Trong ba vụ thảm sát xảy ra tại tỉnh Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái vào tháng 7 và giữa tháng 8/2015, hầu hết các báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Pháp Luật TP HCM, VnExpress… đều có những loạt bài và clip khai thác chi tiết gia cảnh nạn nhân, lời khai của nghi can, hung thủ, thủ đoạn gây án, hung khí, thực nghiệm hiện trường…
Đề cập đến chuyện các báo trong nước có nguy cơ bị Bộ Thông tin & Truyền thông phạt vì đăng tin vụ án quá đà, hôm 20/8, từ TP Hồ Chí Minh, nhà báo Hoàng Linh chia sẻ ý kiến cá nhân trên Facebook:
"Vấn đề này bắt đầu manh nha từ vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường ngộ sát rồi ném nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang với các tình tiết dị biệt đã thu hút đặc biệt sự quan tâm của công chúng.
Truyền thông từ đây manh nha bê nguyên tình tiết tội ác và trở nên ăn khách với thủ pháp đó".
Nhà báo này cho rằng việc xử phạt các báo đăng mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rung rợn hoặc khai thác thông tin giật gân chung quanh vụ án là kịp thời, ngăn chận xu hướng hết sức nguy hiểm dẫn dắt và chạy theo sự tò mò bản năng của một bộ phận truyền thông hiện nay".
Trao đổi với BBC qua mạng xã hội, ông Linh phủ nhận chuyện một số báo chính thống, 'chiếu trên' như Tuổi Trẻ, Thanh Niên gần đây cũng phải chạy theo tường thuật chi tiết các vụ án như các báo thuộc ngành công an vốn thường bị xem là 'chiếu dưới'.
Bên dưới bài trên VietnamNet có ý kiến phản hồi của một bạn đọc tên Nguyễn Thị Tình.
Người này viết: "Tôi rất đồng tình với việc xử phạt. Vừa qua báo Thanh niên còn đăng các tít giật gân về nạn hiếp dâm để câu khách nữa. Những bài báo không hề có tác dụng gì tốt cho xã hội mà chỉ làm cho thanh niên hư hơn mà thôi. Xin phải có biện pháp để ngăn chặn và phạt thật nặng để răn đe". - BBC
|
|
6.
Lãnh đạo TP HCM 'có thiếu sót'
Một tờ báo trong nước đăng bài về ‘sai phạm' của Chủ tịch TP HCM Lê Hoàng Quân và thực trạng 'thất thoát tài chính’.
Báo Một Thế Giới trong hai ngày đăng các bài dẫn nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ mô tả về điều họ gọi là "ít tiếp dân, thanh tra sơ sài, để thất thoát tài chính," và rằng "cần làm rõ hơn những hạn chế, thiếu sót trong điều hành của ông Quân".
Bản Kết luận thanh tra được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình ký ngày 17/8 được báo này dẫn lại viết:
“Nhiều vụ việc thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo nhưng chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố chưa quyết liệt xử lý hoặc đã chỉ đạo thực hiện nhưng các sở ngành, quận huyện còn viện dẫn nhiều lý do, chậm triển khai thực hiện, nên người khiếu nại còn bức xúc kéo dài."
Báo này còn đề cập đến việc một số dự án chậm triển khai hoặc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá, nhưng không tố chức đấu giá.
“Để xảy ra tình trạng sai phạm, hạn chế, thiếu sót trên, Ủy ban Nhân dân thành phố phải chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng trên địa bàn”, báo Một Thế Giới viết.
Một loạt báo khác như Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vnxpress ...cũng đã đưa tin về nội dung trong bản kết luận của thanh tra.
‘Sai phạm khó tin’
Trước đó, hôm 19/8, Một Thế Giới có bài ‘Những sai phạm khó tin ở TP Hồ Chí Minh dưới quyền Chủ tịch Lê Hoàng Quân’.
Bài báo nhấn mạnh ông Quân ‘đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, đặc biệt là trong việc thực hiện các giải pháp, quy định về phòng chống tham nhũng’.
Bài báo điểm qua một số sai phạm cụ thể từ kết luận thanh tra: 3.390 tỷ đồng tiền thuê, sử dụng đất có nguy cơ không thu được, việc mua sắm, sử dụng tài sản cũng như việc sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số sở ngành, quận huyện không công khai, không báo cáo Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân thành phố.
“Hầu hết các kết luận thanh tra hành chính đều có phát hiện vi phạm. Kiểm tra một số kết luận và xử lý sau thanh tra còn cho thấy một số kết luận xử lý chậm, hoặc chưa được xử lý nghiêm túc.
"Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Ủy ban Nhân dân thành phố và cá nhân các chức danh liên quan,” báo Một Thế Giới viết.
Ông Lê Hoàng Quân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội.
Ông được Hội đồng Nhân dân TP HCM bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố vào giữa tháng 7/2006.
Tháng 5/2015, trong bài " Vietnam's Leadership Transition in 2016: A Preliminary Analysis", Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên Khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, đã bàn về nhân sự cấp cao trong đại hội Đảng vào năm sau.
Trong phần kết luận tác giả cho rằng quá trình chuẩn bị của Đảng Cộng sản Việt Nam cho sự chuyển tiếp lãnh đạo sắp tới vẫn còn dang dở.
"Những đua tranh và mặc cả về quyền lực sẽ tiếp tục gay gắt, ít nhất là đến trước thềm đại hội. Hiện nay cục diện trận đấu có vẻ như đang có lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tỉ số chung cuộc còn lâu mới được quyết định," tác giả nhận định. - BBC
No comments:
Post a Comment