Thursday, August 13, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 13/8

Tin Thế Giới

1.
Nổ lớn ở thành phố cảng Trung Quốc, ít nhất 44 người thiệt mạng ---  Quân đội TQ vào nơi có vụ nổ Thiên Tân

Hơn 12 giờ đồng hồ sau vụ nổ lớn tại hải cảng Thiên Tân ở đông bắc Trung Quốc làm ít nhất 44 người thiệt mạng và mấy trăm người bị thương, lính cứu hoả vẫn đang ra sức dập tắt đám cháy trong lúc cư dân tụ tập ngoài đường phố ở những khu xóm trông không khác gì một vùng có chiến tranh. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật từ hiện trường nơi xảy ra vụ nổ.

Cảnh sát đã phong toả đường sá và áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm nhặt để ngăn không cho dân chúng tiến tới quá gần hiện trường. Cảnh sát cho biết có mối rủi ro xảy ra thêm những vụ nổ khác. Nhiều người cũng lo ngại về việc ngửi phải khói độc toả ra từ đám cháy có thể có hoá chất.

Sáng sớm thứ Năm, các nhà báo, nhân viên cứu hộ, những người chủ tiệm và những người hiếu kỳ vẫn lảng vảng gần các chốt kiểm soát để xem những khu vực bị tàn phá dữ dội nhất, nơi nhiều toà nhà bị hư hại và xe cộ bị cháy đen trên đường phố. Một số cư dân đang tìm cách thu thập đồ đạc của cải trong nhà.

Một công nhân tên Ngô Kim Bảo cho biết trong lúc anh đang ngủ anh nghe thấy một tiếng nổ lớn. Một người bạn họ Tống ở chung cư xá với anh kêu mọi người thức dậy và chạy ra ngoài đường sau khi nghe thấy tiếng nổ thứ nhì.

Nhiều người đeo khẩu trang để bảo vệ trước những đám khói có thể phát xuất từ những vật liệu độc hại bị cháy trong vụ nổ chưa biết rõ nguyên do.

Tại khu chung cư Kim Ngọc, với 10 toà nhà cao tầng, ở gần đó, chấn động của vụ nổ đã làm hầu hết cửa kính bị vỡ. Mảnh kính và những vật đổ nát vương vãi đầy đường.

Một chiếc xe cảnh sát đậu ở gần đó để canh gác trong lúc một số người quay về nhà để lấy đồ đạc.

Một thanh niên làm nghề xây dựng ngồi bệt trên lề đường với một số bạn bè. Anh nói cũng như nhiều người khác, lúc đầu anh cứ tưởng là xảy ra một trận động đất.

Hiện chưa rõ nguyên do của vụ nổ mà truyền thông nhà nước nói là xảy ra tại một nhà kho của Công ty Hậu cần Quốc tế Thuỵ Hải.

Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc cho biết vụ nổ thứ nhất, xảy ra lúc 11 giờ rưỡi tối giờ địa phương, có sức mạnh tương đương với 3 tấn thuốc nổ TNT; và vụ nổ thứ nhì xảy ra khoảng 30 giây sau đó tương đương với 21 tấn TNT.

Thành phố cảng Thiên Tân nằm cách Bắc Kinh khoảng 150 kilomét về hướng đông nam và có hơn 7 triệu dân. Đây là thành phố lớn thứ tư Trung Quốc.

***
Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, hứa sẽ tiến hành điều tra kỹ càng những gì đã xảy ra và "sẽ công bố các thông tin minh bạch cho công chúng", Tân Hoa Xã đưa tin.

Được biết bốn xe chở binh lính và cảnh sát quân sự đã được điều vào khu vực sau vụ nổ để tìm kiếm người mất tích và dọn dẹp hiện trường vụ nổ.

Chừng 214 binh sỹ có phương tiện phòng chống hóa chất độc hại đã từ Bắc Kinh đến Thiên Tân.

Tổ chức môi sinh Greenpeace vừa nói các hóa chất tại khu công nghiệp bị nạn ở Thiên Tân 'tiếp tục gây nguy hiểm' cho con người.

Các bệnh viện đã bị quá tải khi cư dân đổ về đó để được chữa trị các thương tích hoặc tìm người thân đang bị mất tích.

Chừng 10 nghìn y bác sỹ đang làm việc để chạy chữa các bệnh nhân.

Nhiều người nghe lời kêu gọi hiến máu đã tới xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm hiến máu.

Hai vụ nổ xảy ra đêm 12/08 ở thành phố Thiên Tân phía bắc Trung Quốc, làm hàng chục người chết.

Một số báo Anh cho biết số người chết lên tới 50 và 701 người bị thương và bỏng.

Tin cho hay 12 lính cứu hỏa nằm trong số người chết và báo chí nhà nước nói vụ nổ xảy ra tại nhà kho chứa hoá chất và vật liệu cháy nổ ở khu cảng trong thành phố đêm thứ Tư.

Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin các vụ nổ xảy ra sau khi một chuyến hàng chứa chất nổ đã phát nổ tại một nhà kho thuộc về công ty Ruihai Logistics, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển các loại hóa chất độc hại và nguy hiểm.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết ít nhất một người từ "công ty có liên quan" đã bị bắt giữ để thẩm vấn.

Đang có một số chỉ trích trong truyền thông Trung Quốc rằng một nhà kho chứa các hóa chất nguy hiểm như vậy lại được đặt gần một con đường chính, các khu tổ hợp nhà cửa và văn phòng.

Thiên Tân, nơi có 15 triệu người sinh sống, là một cảng lớn và một khu công nghiệp ở phía đông nam thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Các hình ảnh vào video trên mạng xã hội cho thấy lửa cháy sáng bầu trời và được biết có những tòa nhà bị sập.

Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục "nỗ lực tối đa để cứu nạn nhân và dập tắt đám cháy".

Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào lúc 23:30 giời địa phương và sau đó ít giây có tiếp vụ nổ thứ hai. Có thêm các vụ nổ xảy ra sau đó, theo Tân Hoa Xã.

Cửa kính của nhiều tòa nhà trong bán kính 2km đã bị vỡ tung, các khu văn phòng bị phá hỏng và hàng trăm xe hơi bị thiêu cháy.

Những hình ảnh trên truyền thông Trung Quốc cho thấy người dân và công nhân địa phương bỏ chạy khỏi, một số máu me đầy người vì mảnh kính vỡ.

Vào lúc 12:00 giờ địa phương (04:00 GMT), 44 people thiệt mạng và tổng cộng 520 người đã được điều trị tại bệnh viện trong đó 66 người trong tình trạng nguy kịch, Tân Hoa Xã đưa tin.

Vụ nổ đầu xảy ra lúc khoảng 23:30 giờ địa phương (15:30 GMT) hôm thứ Tư và vụ thứ hai lớn hơn theo sau vài giây và tiếp đó là một loạt vụ nổ nhỏ hơn.

Nhân chứng nói mặt đất rung chuyển ở xa nhiều cây số cách nơi xảy ra vụ nổ và chấn động được cơ quan Khảo sát địa lý của Hoa Kỳ tại Bắc Kinh cách đó 160km ghi nhận như một địa chấn.

Trưởng ban tiếng Trung của BBC, Raymond Li, mô tả điều ông gọi là mọi chỉ dấu cho thấy đây là một tai nạn công nghiệp.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nói một lô thuốc nổ được vận chuyển phát nổ nhưng tin này chưa được xác nhận.

Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc nói mức độ rung chuyển của vụ nổ thứ nhất tương đương với việc kích hoạt 3 tấn thuốc nổ TNT, trong khi vụ nổ thứ hai tương đương với khoảng 21 tấn thuốc nổ.

Khoảng 1.000 lính cứu hỏa cùng với 140 xe cứu hỏa cả đêm qua tìm cách dập các đám cháy.

Một số được tin đã có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ nổ vì được gọi tới do tin có một đám cháy ở trong khu vực này.

Có tin 36 lính cứu hỏa vẫn đang bị mất tích và 33 người khác đang được chữa trị tại các bệnh viện gần đó.

Ảnh và video đưa lên mạng xã hội cho thấy lửa cháy sáng bầu trời.

Người ta nói mặt đất rung chuyển tại nơi xa địa điểm xảy ra nhiều cây số.

Phóng viên Xinyan Yu từ văn phòng Bắc Kinh của BBC là một trong những nhà báo đầu tiên có mặt tại hiện trường.

Hình ảnh mà phóng viên này đưa lên twitter cho thấy thảm họa "kinh hoàng" của vụ nổ làm rung chuyển thành phố Thiên Tân, cách Bắc Kinh 120 km.

Hồi đầu tháng Tư năm nay đã xảy ra vụ nổ lớn ở nhà máy hóa chất đặt tại tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, gây hỏa hoạn.

Việc xây dựng các nhà máy PX đã gặp phản đối từ phía người dân địa phương Trung Quốc, năm ngoái tại tỉnh Quảng Đông cũng vì lý do này mà nổ ra biểu tình bạo lực.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin đây là vụ nổ thứ hai ở nhà máy này trong hai năm qua. - BBC
|
|

2.
Trung Quốc lại phá giá đồng nhân dân tệ, ngày thứ ba liên tiếp --- Bắc Kinh dùng vũ khí tiền tệ, Đông Nam Á gồng mình chống đỡ

Bất chấp các phản ứng lo ngại đã nổi lên trong hai ngày qua, Chính quyền Trung Quốc vào hôm nay, 13/08/2015 đã lại giảm 1% tỷ giá đồng yuan, hay nhân dân tệ so với đông đô la Mỹ. Một đô la hôm nay chính thức đổi được 6,4010 yuan, so với 6,3306 yuan hôm qua.

Dù đã quyết định tiếp tục hạ giá đồng tiền, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn cố gắng trấn an, khẳng định rằng "không có cơ sở" nào cho sự mất giá kéo dài, và chính quyền Trung Quốc sẵn sàng can thiệp trong trường hợp "biến động" quá mức. 

Ngay từ hôm 11/08, Bắc Kinh đã bắt đầu hạ tỷ giá tham khảo của đồng yuan so với đồng đô la Mỹ với mức gần 2%, qua ngày hôm sau, 12/08, tỷ giá đó tiếp tục bị giảm thêm 1,6%. Các quyết định này đồng nghĩa với việc giảm giá đồng tiền nhân dân tệ, cho dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không công nhận điều đó. 

Theo giới phân tích, khi quyết định giảm mạnh tỷ giá của đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh nhắm tới việc khôi phục năng lực xuất khẩu và nền kinh tế gặp khó khăn . Thế nhưng quyết định của Trung Quốc đã khiến nhiều thị trường tài chánh trên thế giới đồng loạt sụt giá, cũng như đẩy giá cả nguyên liệu đi xuống. 

Nhiều tiếng nói đã vang lên, tố cáo Bắc Kinh khởi động một cuộc "chiến tranh tiền tệ" mới, thậm chí có tin cho rằng mục tiêu tối hậu của Trung Quốc đẩy cho đồng yuan giảm đến 10% giá trị. 

Như để bác bỏ các cáo buộc về việc khởi động cuộc chiến tiền tệ, trong cuộc họp báo hiếm hoi tổ chức vào hôm nay, Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Trương Hiểu Hoa (Zhang Xiaohui) đã cho rằng: "Hiện không có cơ sở nào cho một sự suy giảm kéo dài trong tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ" và Trung Quốc có đủ "khả năng giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định ở một mức hợp lý và cân bằng".

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương (Yi Gang) nhấn mạnh: "Ý tưởng cho rằng chúng tôi muốn hạ giá đồng tiền với tỷ lệ 10% để kích thích xuất khẩu là một điều hoàn toàn vô lý, đó là những tuyên bố quá đáng".

Theo hãng AFP, chính quyền Trung Quốc có dấu hiệu muốn ngăn chặn đà tụt giá của đồng yuan. Hãng tin Mỹ Bloomberg tiết lộ là vào hôm qua, vài phút trước kết kết thúc các giao dịch ngoại tệ tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương đã ồ ạt thu mua đô la, giúp cho đồng nhân dân tệ tăng mạnh đột ngột.. 

Theo giới phân tích, Bắc Kinh không thể để cho đồng tiền của họ trượt giá quá mức vì điều đó có thể khuyến khích hiện tượng vốn chạy ra khỏi Trung Quốc, làm chi phí nhập khẩu gia tăng, và thổi phồng khối nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc. - RFI

***
Có thể nói là hôm 11/08/2015, Bắc Kinh đã bất ngờ khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ khi quyết định hạ giá đồng yuan (nhân dân tệ), bất chấp tác hại có thể có trên các nước khác, nhất là trên các láng giềng bị lệ thuộc rất mạnh vào kinh tế Trung Quốc. Hệ quả đã được thấy ngay lập tức, đồng tiền nhiều nước trong khu vực đã rớt giá theo gót đồng yuan buộc một số nước phải khổ nhọc tìm cách đối phó.

Trong bài phân tích đề ngày 12/08/2015, nhật báo Mỹ Wall Street Journal đã nêu bật tác động mà quyết định hạ giá đồng yuan đã gây ra nơi các láng giềng Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Theo lời một quan chức Ngân hàng Trung ương nước Châu Á được tờ báo Mỹ trích dẫn, thì đó là một cú sốc bất ngờ, không hề báo trước. 

Đối với ba nền kinh tế trọng lượng tại Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia, và Việt Nam, hệ quả rất tức thời. Ngay sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng yuan, đồng ringgit của Malaysia đã giảm khoảng 2% giá trị so với đồng đô la Mỹ. Với tỷ giá phải mất 4,0375 ringgit mới đổi được một đô la, đồng tiền Malaysia đã ở mức thấp nhất kể từ khi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 đến nay. 

Tương tự như vậy, đồng rupiah của Indonesia cũng rơi xuống mức của năm 1998, với 13.789 rupiah đổi được một đô la, trong lúc đồng tiền Việt Nam thì giảm giá 1%, tuột xuống mức 1 đô la ăn 22.040 đồng. 

Ngoài ba nước trên, Wall Street Journal cũng ghi nhân tình trạng mất giá của đồng won Hàn Quốc, giảm khoảng 2,3% so với đô la Mỹ, đồng rupee của Ấn Độ cũng mất khoảng 1,6%, xuống mức thấp nhất trong gần hai năm nay. Đồng đô la Úc, yen Nhật Bản cũng bị sụt giá. 

Tình trạng đồng tiền quốc gia bị sụt giá đã gây nên một tình trạng bấp bênh mà các nước liên can cần nhanh chóng ổn định. Việt Nam là nước đã tung ra biện pháp phòng thủ rõ nét nhất với quyết định hôm qua, 12/08 là mở rộng biên độ tỷ giá đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la, ra thành 2% so với 1% trước đó. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận là việc Trung Quốc hạ giá đồng yuan theo một tỷ lệ lớn nhất trong hai thập kỷ qua chắc chắn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam do quy mô rộng lớn của các mối quan hệ thương mại Việt Trung. 

Chính quyền Malaysia cũng lập tức hủy bỏ cơ chế gắn đồng ringgit vào đồng đô la Mỹ mà họ đã duy trì trong suốt 7 năm qua. 

Tại Indonesia, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng ra thông báo khẳng định các nỗ lực đang thực hiện để ổn định đồng rupiah. Đối với giới phân tích, thông báo đó có nghĩa là Indonesia cũng quyết định bán đô la dự trữ để giữ giá đồng rupiah. Giới chuyên môn ước lượng là riêng trong ngày 12/08, Jakarta đã bán đi 500 triệu đô la. Có điều là biện pháp đó vẫn không chặn được đà sụt giá của đồng tiền Indonesia, đã bị rơi xuống mức thấp nhất từ 17 năm nay. 

Theo Wall Street Journal, việc Bắc Kinh phải dùng đến vũ khí nhân dân tệ để tự cứu mình, bất chấp láng giềng, có thể có hệ quả không tốt cho chính sách khu vực của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang rất muốn dùng lợi ích kinh tế để thuyết phục các nước chấp nhận quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông, hay hậu thuẫn cho định chế tài chánh đa phương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á mà Trung Quốc mới thành lập, cũng như ủng hộ Trung Quốc trong việc đòi Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận đồng yuan là ngoại tệ dự trữ toàn cầu.

Để nhử các láng giềng, vào tháng Ba vừa qua, ông Tập Cận Bình đã đưa ra ba con số: 10.000 tỷ đô la hàng hóa nhập vào Trung Quốc trong 5 năm tới, 500 tỷ đô la đầu tư ra ngoài nước, và 500 triệu chuyến du lịch ngoại quốc của Trung Quốc. 

Thế nhưng, với đồng yuan suy yếu, sức mua của Trung Quốc suy giảm, du khách Trung Quốc cũng ít đi. Chính vì thế mà các chuyên gia phân tích thuộc trung tâm nghiên cứu ngân hàng ANZ vào hôm qua đã dựa trên sự kiện yuan bị phá giá để cắt giảm từ 0,5% đến 0,75% tỷ lệ tăng trưởng dự kiến năm 2015 cho một số nước châu Á. - RFI
|
|

3.
Chủ tịch đảng cầm quyền Myanmar bị truất chức

Chủ tịch Quốc hội Myanmar (Miến Điện), Shwe Mann, vừa bị truất chức Chủ tịch đảng cầm quyền USDP sau một cuộc tranh giành quyền lực trong đảng.

Hôm thứ Tư, lực lượng an ninh chặn xung quanh các văn phòng của đảng USDP để ngăn không cho các viên chức rời khỏi đây.

Myanmar sẽ tổ chức tuyển cử trong vòng ba tháng tới, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau các cải tổ dân chủ bắt đầu từ năm 2011.

Có tin nói rằng Shwe Mann đang thảo luận về một liên minh với lãnh tụ đối lập, bà Aung San Suu Kyi.

Đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi được cho là sẽ thu được kết quả tốt trong cuộc bầu cử tổ chức vào ngày 8 tháng Mười Một tới đây, trong khi nhiều người tin rằng đảng cầm quyền, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) sẽ đạt kết quả kém.

Tuy nhiên bà Suu Kyi bị Hiến pháp cấm không được ra tranh cử Tổng thống vì thế các cuộc thương thuyết giữa hai đảng NLD và USDP có thể giúp quyết định ai cuối cùng sẽ là người lãnh đạo Myanmar.

Cho tới tối hôm qua, Shwe Mann, một trong những vị tướng có khả năng nhất từ thể chế quân nhân cũ, vẫn được nhìn nhận là một người có nhiều khả năng sẽ thay thế Tổng thống Thein Sein, phóng viên BBC tại Đông Nam Á, Jonathan Head, nói.

Thein Sein và Shwe Mann được nói là có quan hệ khá căng thẳng và cả hai ông gợi ý rằng họ sẵn sàng nhận chức Tổng thống.

Cả hai ông cũng có ý kiến bất đồng với nhau về các ứng viên tranh cử có tiềm năng, tin tức cho hay.

Các nguồn tin nói rằng một người có quan điểm bảo thủ vẫn được biết là khá thân cận với ông Thein Sein và từng là cựu chỉ huy quân đội, ông Than Shwe, nay đã thay thế ông Shwe Mann.

Có thể nhìn thấy lực lượng an ninh bên ngoài tư gia của ông vào hôm thứ Năm.

"Shwe Mann không còn là Chủ tịch đảng nữa," một thành viên đảng USDP nói với hãng thông tấn Reuters. "Sức khỏe của ông tốt và ông hiện đang ở nhà."

Một chính phủ dân sự được thiết lập tại Myanmar hồi năm 2011, kết thúc gần 50 năm dưới sự cầm quyền của giới quân nhân.

Tổng thống Thein Sein đã thực thi các cải tổ bao gồm việc thả hàng trăm tù nhân và nới lỏng kiểm duyệt truyền thông.

Tuy nhiên quân đội vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính trường Myanmar, với một phần tư (1/4) ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện nước này được giành cho giới chức trong quân đội. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Diễn viên gốc Việt sẽ xuất hiện trong phim bom tấn 'X-Men' --- Diễn viên 'Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên' chạy đua vào Quốc Hội

Nữ diễn viên Lana Condor (Trần Đồng Lan) sẽ khởi nghiệp với vai diễn đầu tiên trong trong bộ phim Marvel “X-Men: Apocalypse”, dự kiến ra mắt ngày 27/05/2016.

Nữ diễn viên Trần Đồng Lan sinh năm 1996 ở Việt Nam và vào năm 1997, Đồng Lan được ông Bob và bà Mary Condor nhận làm con nuôi.

Năm 2014, Đồng Lan tốt nghiệp Học viện Notre Dame, một trường tư dành cho nữ sinh ở phía Tây Los Angeles, California.

Vừa là một diễn viên chuyên nghiệp, Đồng Lan còn là một vũ công tài năng. Cô từng học tại trường Ballet Joffrey nổi tiếng và biểu diễn với đoàn ballet Los Angeles.

Cô từng đóng vai Amber Von Tussle trong bộ phim “Hairspray” do trường sản xuất và vai Leilani trong vở nhạc kịch “Legally Blonde”.

X-Men là một nhóm các siêu anh hùng trong các truyện tranh Marvel được sáng tác bởi Stan Lee và Jack Kirby.

Phim điện ảnh “X-Men: The Last Stand” phát hành năm 2006 thu về tới 210 triệu USD. “X-Men: First Class” năm 2011 thu về 160 triệu USD và “X-Men: Days of Future Past” năm 2014 cũng thu về 200 triệu USD.

X-Men từng được chuyển thể sang cả điện ảnh và truyền hình. - VOA

***
Melissa Gilbert, nữ diễn viên nổi tiếng với vai Laura Ingalls Wilder trong bộ phim truyền hình thập niên 70 “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” đã chính thức chạy đua để giành ghế dân biểu ở tiểu bang Michigan.

Bà Melissa Gilbert, 51 tuổi, cho biết trên mạng xã hội vào hôm 10/8 rằng bà “rất vui mừng thông báo đại diện cho quận hạt 8 chạy đua vào Quốc hội tiểu bang Michigan. Hãy cùng tôi tham gia vào cuộc tranh đấu cho các gia đình lao động”.

Trong một thông cáo báo chí của đảng Dân chủ ở Michigan hôm thứ Hai, bà Gilbert nói: “Tôi tin rằng việc xây dựng một nền kinh tế mới là nỗ lực chung của mọi người và chúng ta cần những khuôn mặt mới để hoàn thành điều đó. Hãy tham gia cuộc vận động của tôi và chúng ta có thể cùng nhau xây dựng nền kinh tế mới cho Michigan”.

Bà Gilbert không có thành tích chính trị nhưng đã phục vụ hai nhiệm kỳ trong vai trò chủ tịch của Hiêp hội Diễn viên điện ảnh Mỹ từ năm 2001 tới năm 2005. Bà cũng đã viết ba cuốn sách, trong đó có cuốn bán chạy nhất của New York Times “Prairie Tale: A Memoir”, nói về vai diễn của bà trong phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.

Trang tin Detroit Free Press đưa tin, cựu diễn viên nhí Melissa Gilbert chạy đua với tư cách thành viên đảng Dân chủ tại quận hạt là thành trì của đảng Cộng hòa.

Trong chiến dịch chạy đua của mình, bà Gilbert cũng đặc biệt quan tâm tới các vấn đề mà phụ nữ, trẻ em và các gia đình đang phải đối mặt.

Daily Press & Argus, một tờ báo ở hạt Livingston, Michigan, đưa tin bà Gilbert đã bị Sở thuế đệ đơn kiện hồi tháng trước với cáo buộc còn nợ hơn 360 nghìn USD tiền thuế.

Ban vận động của bà Gilbert hôm 10/8 đã không trả lời ngay đề nghị bình luận. - VOA
|
|

5.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter mắc bệnh ung thư

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hôm thứ Tư loan báo rằng ông mắc bệnh ung thư, được phát hiện trong quá trình phẫu thuật gan hồi gần đây.

Ông Carter, 90 tuổi, loan báo kết quả chẩn đoán trong một thông cáo ngắn. Ông không nói rõ là loại ung thư gì, chỉ biết rằng đó là "những bộ phận khác" của cơ thể.

"Một thông cáo công khai đầy đủ hơn sẽ được đưa ra khi biết thêm thông tin, có thể là tuần sau," ông nói. Tổng thống thứ 39 của Mỹ sẽ được điều trị tại hệ thống chăm sóc y tế Emory Healthcare tại thành phố Atlanta, miền nam của Mỹ.

Ông Carter đã trải qua phẫu thuật vào ngày 3 tháng 8 để loại bỏ một khối nhỏ trong gan của ông. Phát ngôn viên của Trung tâm Carter Deanna Congileo gọi cuộc phẫu thuật này là "tự chọn'' và nói rằng tiên lượng cho cựu tổng thống là rất tốt để bình phục hoàn toàn. Bà từ chối trả lời những câu hỏi khác vào thời điểm này.

Kể từ khi rời phòng Bầu dục vào năm 1981, cựu Tổng thống Carter đã thành lập Quỹ Carter và đã đi khắp thế giới làm việc về những vấn đề như y tế và dân chủ toàn cầu.

Ông vừa mới hoàn thành một chuyến đi quảng bá sách có tên là A Full Life: Reflections at 90 (Một cuộc đời trọn vẹn: Những suy ngẫm ở tuổi 90), tác phẩm mới nhất của ông. Ông đã viết hơn 20 cuốn sách từ khi rời nhiệm sở. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Bộ Công an khuyên Tạ Phong Tần đi Mỹ

Từ trại giam Thanh Hóa, nhà hoạt động Tạ Phong Tần cho người nhà biết bà được cán bộ thuộc bộ Công An khuyên 'làm đơn xin đi định cư Hoa Kỳ’.

Hôm 13/8, trao đổi với BBC qua điện thoại, bà Tạ Minh Tú, em gái của bà Tạ Phong Tần, cho biết vừa đi thăm bà Tần ở trại giam số 5, Thanh Hóa trước đó một ngày.

Bà Tần cho em gái biết ba cán bộ thuộc bộ Công An khuyên bà 'làm đơn xin đi định cư Mỹ' thì họ sẽ xin giùm. Bà Tần nói không làm theo điều này.

“Chị tôi khẳng định với họ rằng mình không có tội mà phải xin. Trừ phi đại diện phía Mỹ trao yêu cầu này trực tiếp đến chị tôi hoặc người nhà”, bà Tú nói.

Bà Tú cho biết trong cuộc gặp, bà có nói với chị gái là ‘không cần làm đơn, họ cũng tống cổ chị đi giống như anh Điếu Cày sớm thôi!’.

Tuy vậy, bà Tú khẳng định đến nay, chưa có bất kỳ người thuộc Tổng lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Hoa Kỳ liên hệ gia đình về việc này.

Ngoài ra, bà Tú cho biết bà Tần đang bị khối u ở đùi hành hạ đau từng cơn nhưng không có điều kiện chữa trị trong trại giam.

Tháng 6/2015, gia đình Tạ Phong Tần nói bà đã ăn uống trở lại từ ngày 14/6 sau nhiều tuần tuyệt thực.

Bà Tần, trong cuộc gặp đã nói là bà thôi tuyệt thực từ 14/6 và đã ăn cơm trở lại, nhưng với bà bây giờ thì ‘sống cũng như chết, không tuyệt thực cũng chết mà tuyệt thực cũng chết’, theo lời bà Tạ Minh Tú.

Trước đó, bà Tần nói với gia đình bà quyết định tuyệt thực vì bị "cán bộ trại giam ngược đãi tù chính trị, giam trong trong phòng giam không có cửa sổ và còn xây tường cao chắn ngang cửa chính", bà Tú nói.

Bà Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công lý và Sự thật, bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án tù 10 năm vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu tên một số nhà báo mà Mỹ nói là ‘bị bỏ tù sai trái’, trong đó có bà Tạ Phong Tần.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói bà Tạ Phong Tần ‘đang thụ án 10 năm tù ở Việt Nam vì vạch trần tham nhũng của chính phủ’.

Trước đó, bà Tạ Phong Tần cũng được ông John Kerry và Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama trao giải Phụ nữ Can đảm của Thế giới hồi tháng 3/2013. - BBC

No comments:

Post a Comment