Wednesday, December 20, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 20/12

Tin Thế Giới


1.

Đại hội đồng LHQ sẽ họp khẩn về Jerusalem


Đại hội đồng Liên hiệp quốc gồm 193 thành viên ngày 21/12 sẽ tổ chức cuộc họp khẩn đặc biệt theo yêu cầu của các nước Ả Rập và Hồi giáo liên quan đến quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.


Đại sứ Palestine tại Liên hiệp quốc, Riyad Mansour, cho hay Đại hội đồng sẽ bỏ hiếu một dự thảo nghị quyết kêu gọi rút lại lời tuyên bố của ông Trump.


Lời kêu gọi này hôm đầu tuần đã bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an đã biểu quyết ủng hộ nghị quyết do Ai Cập soạn thảo, dù không đề cập cụ thể tới nước Mỹ hay ông Trump, rằng các quyết định gần đây về tình trạng Jerusalem là điều đáng tiếc.


Đại sứ Mansour ngày 18/12 nói ông hy vọng nghị quyết sẽ được ủng hộ áp đảo tại Đại Hội đồng. Cuộc biểu quyết đó không có tính ràng buộc nhưng mang giá trị chính trị.


Theo một nghị quyết năm 1950, có thể kêu gọi Đại Hội đồng triệu tập một kỳ họp khẩn đặc biệt để cân nhắc một vấn đề trên tinh thần ra khuyến nghị thích hợp với các thành viên về các biện pháp chung, nếu không thông qua được ở Hội đồng Bảo an.


Tới nay đã có 10 cuộc họp như thế và lần cuối diễn ra vào năm 2009 bàn về khu vực phía Đông Jerusalem đang bị Israel chiếm đóng và lãnh thổ của người Palestine.


Tháng này, Tổng thống Trump đột ngột đảo chiều nhiều năm chính sách Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, khiến người Palestine và thế giới Ả Rập phẫn nộ và gây quan ngại cho các đồng minh Tây phương của Washington.


Ông Trump cũng định dời đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Dự thảo nghị quyết của Liên hiệp quốc cũng kêu gọi các nước chớ lập phái bộ ngoại giao ở Jerusalem.


Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley ngày 18/12 tuyên bố Mỹ phủ quyết nghị quyết ở Hội đồng Bảo an để bảo vệ chủ quyền Mỹ và vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông.


Israel xem Jerusalem là thủ đô của họ và muốn các nước đặt đại sứ quán ở đây. Người Palestine muốn khu vực phía đông của Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Khu vực này bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập, một động thái chưa được quốc tế công nhận. - VOA

|

|


2.

Trump liệt kê Nga là quốc gia ‘chơi xấu’ - - - Nga gọi chiến lược an ninh quốc gia của TT Trump là ‘đế quốc’


Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 18/12 gọi Nga là một quốc gia chơi xấu trên sân khấu thế giới trong một tài liệu ngoại giao phân tích Moscow như là một đối thủ dù Tổng thống Trump đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo ra một mối liên hệ nồng ấm với Tổng thống Vladimir Putin.


Những chỉ trích về Nga được phác họa trong một chiến lược an ninh quốc gia mới từ chính sách ngoại giao “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, phản ánh quan điểm từ lâu của các nhà ngoại giao Mỹ là Nga tích cực phá hoại những quyền lợi của Mỹ trong nước và ở nước ngoài.


Những trích đoạn của tài liệu chiến lược được công bố ngày 18/12 không đề cập trực tiếp đến những cáo buộc của Mỹ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Giới điều tra liên bang Mỹ đang tìm xem liệu các phụ tá của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử có thông đồng với Nga hay không, điều mà cả Moscow lẫn ông Trump đều bác bỏ.


Ông Trump thường xuyên nói về ý muốn cải thiện quan hệ với ông Putin, ngay cả khi Nga bất bình về những tham vọng của Mỹ tại Syria và Ukraine và không giúp ích Washington gì nhiều trong cuộc đối đầu với Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm lần thứ nhì trong vòng một tuần lễ, ông Putin hôm Chủ nhật cảm ơn ông Trump về việc Mỹ cung cấp tin tình báo giúp phá vỡ một âm mưu tấn công khủng bố vào thành phố St. Petersbugh của Nga. Hôm thứ năm, ông Putin và ông Trump đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Triều Tiên.


Quốc hội Mỹ buộc mỗi chính quyền Mỹ phải đưa ra chiến lược an ninh quốc gia. Chiến lược mới của ông Trump chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ý kiến của các giới chức an ninh quốc gia hàng đầu hơn là chính ý kiến của Tổng thống, một giới chức có liên hệ với việc soạn thảo tài liệu cho biết.


Chiến lược của ông Trump phản ánh những ưu tiên về “Nước Mỹ trên hết”, bảo vệ nội địa và biên giới, xây dựng lại quân đội, sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài và theo đuổi những chính sách mậu dịch thuận lợi hơn cho Hoa Kỳ, theo như một trích đoạn của chiến lược được Tòa Bạch Ốc công bố.


Các phụ tá cũng cho biết là chiến lược mới bác bỏ việc mô tả của cựu Tổng thống Barack Obama là biến đổi khí hậu là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Ông Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris trừ phi có những thay đổi trong thỏa thuận này.


Hai giờ chiều cùng ngày (giờ địa phương) Tổng thống Trump đọc bài diễn văn về bản chiến lược mới. - VOA


***

Giới chức chính quyền Nga và Trung Quốc chỉ trích chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng Thống Donald Trump là “đế quốc” và trở lại tinh thần thời “Chiến Tranh Lạnh”. Tuy nhiên, phản ứng của Moscow cũng cho thấy là họ thấy có cùng một số điểm tương đồng với Mỹ.


Tài liệu về chiến lược, do ông Trump công bố hôm Thứ Hai, coi thế giới là nơi sự tranh đua của các cường quốc đang trở lại và chỉ có thể đối đầu bằng chủ trương “Nước Mỹ Trước Nhất”.


Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, nói rằng đây là một chiến thắng cho thành phần bảo thủ cứng rắn trong chính phủ Mỹ.


Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng Thống Vladimir Putin cho hay tài liệu Mỹ vừa công bố ” có tính cách đế quốc” và cho thấy việc không chịu từ bỏ ý tưởng về một “thế giới đơn cực”.


Tuy vậy, phía Nga cũng cho hay rằng thấy có những điều tích cực trong tài liệu nói trên, nhất là việc kêu gọi hai quốc gia Nga-Mỹ phải hợp tác trong những lãnh vực mà cả hai đều có quyền lợi—một điều ông Putin từng nêu lên trước đây. - nguoiviet

|

|


3.

Ông Trump chưa tìm ra giải pháp về Triều Tiên - - - ‘Thăng trầm’ trong chính sách áp lực tối đa lên Triều Tiên - - - TQ: chiến tranh Triều Tiên có thể nổ ra trước tháng 3/2018 - - - Mỹ tố cáo Triều Tiên gây ra cuộc tấn công mạng toàn cầu


‘Chẩn đoán’ của Tổng thống Donald Trump về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với kinh tế Mỹ chưa tìm được ‘phương thuốc chữa trị.’ Trong chiến lược an ninh mới, Tổng thống Mỹ dự kiến chỉ trích sức mạnh tài chánh đang gia tăng của Bắc Kinh như là một đe dọa an ninh quốc gia và sự chỉ trích này cho thấy có thể Mỹ sắp có hành động về thuế quan liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác. Đồng thời, các phụ tá của Tổng thống cho hay Mỹ cần được Trung Quốc giúp về vấn đề Triều Tiên.


Chính quyền Trump đã tạo nên một sự đối đầu về kinh tế với Trung Quốc. Vào mùa xuân, Hoa Kỳ mở cuộc điều tra về những tập tục thương mại không công bằng xung quanh thép và nhôm đe dọa an ninh quốc gia. Vào tháng 8, Tòa Bạch Ốc mở cuộc điều tra thêm, cứu xét liệu chính sách của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ có làm tổn hại các doanh nghiệp Hoa Kỳ hay không.


Trong một bài diễn văn đọc ngày 18/12 về chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền, ông Trump dự kiến gọi Trung Quốc như là một nhà cạnh tranh chiến lược và là cường quốc xét lại. Chẳng hạn như Bắc Kinh bị xem như là một quốc gia thách thức nghiêm trọng đối với điều mà các giới chức cao cấp trong chính quyền hôm 17/12 gọi là sáng kiến an ninh quốc gia, trong đó có việc đánh cắp sở hữu trí tuệ.


Những chỉ trích này có thể là bước mào đầu cho việc tăng thuế quan hay các biện pháp trừng phạt khác. Các giới chức chính quyền cũng cho biết chính phủ sẽ tăng cường việc bảo vệ các dữ liệu và nghiên cứu, phát triển, nâng cấp khuôn khổ của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ, vốn là nơi xem xét việc nước ngoài mua lại các công ty Mỹ vì những quan ngại về an ninh quốc gia.


Tuy nhiên, các giới chức cho hay Tòa Bạch Ốc cũng cần Trung Quốc giúp kiềm chế thái độ hung hăng của Triều Tiên. Hồi tháng 9, Trung Quốc loan báo ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ thị các nhà cho vay địa phương nghiêm ngặt thi hành những chế tài của Liên hiệp quốc, theo Reuters. Tuy nhiên Tòa Bạch Ốc vẫn cho rằng Bắc Kinh chưa làm đủ.


Trong khi đó, các luận điểm gay gắt của Mỹ có thể khiến Trung Quốc trả đũa. Đại sứ Thôi Thiên Khải của Trung Quốc gần đây đã cảnh báo về hậu quả của cuộc chiến thương mại với những ảnh hưởng toàn cầu.


Tòa Bạch Ốc đang muốn đạt cả hai mục tiêu: vừa trừng phạt các thực hành thương mại bất công của Trung Quốc, vừa được Bắc Kinh hỗ trợ kiềm chế Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hai mục tiêu này tỷ lệ nghịch với nhau.Trước mối đe dọa an ninh hiện hữu từ Triều Tiên, thật khó để thấy được căng thẳng gia tăng với Trung Quốc có thể giúp ích gì cho Mỹ hay cho thế giới. - VOA


***

Với một tin nhắn trên Twitter vào đầu tháng 1 năm nay rằng “Việc này sẽ không xảy ra!”, ông Donald Trump lúc đó chưa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, đã tạo ra một cuộc đối đầu để ngăn Triều Tiên phát triển một phi đạn đạn đạo mang vũ khí hạt nhân có thể bắn tới đất liền nước Mỹ.


Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống, ông Trump làm các nước đồng minh châu Á lo ngại với phương châm ‘Nước Mỹ Trên hết’ đe dọa rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, trừ phi hai nước tăng gia đóng góp quốc phòng và ông bày tỏ mong muốn thương thuyết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.


Áp lực tối đa


Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, ông Trump đưa vấn đề chấm dứt đe dọa hạt nhân của Triều Tiên lên ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia, và áp dụng chiến lược “áp lực tối đa” áp đặt những chế tài mạnh mẽ lên chính phủ Kim Jong Un với mối đe dọa quân sự hậu thuẫn.


“Ông đã nâng cao tất cả những hy vọng về điều ông sẽ làm đối với Triều Tiên. Và nếu ông không làm những điều này thì uy tín ông bị đe dọa nghiêm trọng, ” nhà phân tích John Delury thuộc Trường đại học Yonsei ở Seoul nói.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách cứng rắn của ông về Triều Tiên từ một đồng minh châu Á quan trọng.


Vào tháng 2 năm nay, tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Tokyo và Seoul để tái xác nhận cam kết của Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ trong vùng, trong khi giảm nhẹ những chỉ trích trước đây của ông Trump về chi phí quốc phòng.


Vào tháng 4, cùng ngày Tổng thống Trump ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, ông đã ra lệnh đơn phương tấn công bằng phi đạn vào Syria vì nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân.


Việc biểu dượng lực lượng quân sự của ông Trump, những người ủng hộ nói, đã gởi một thông điệp cho ông Tập, rằng nếu Trung Quốc không hành động để ngăn chặn những khiêu khích của Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ hành động.


Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã đến thăm vùng này, cảnh báo là Hoa Kỳ không loại trừ việc tấn công phủ đầu để hủy diệt mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên đối với đất liền Hoa Kỳ.


Tuy nhiên, Hàn Quốc sau khi luận tội Tổng thống bảo thủ Park Geun-hye đã bầu Tổng thống cấp tiến Moon Jae-in. Ông này mạnh mẽ chống lại việc sử dụng lực lượng quân sự tấn công tại bán đảo Triều Tiên.


Tuy nhiên, ông Moon lại ‘sánh vai’ chặt chẽ với Hoa Kỳ về những hành động ngăn chặn và những chế tài trong khi nỗ lực của ông muốn giảm bớt căng thẳng khu vực bằng giao tiếp và đối thoại bị Triều Tiên bác bỏ.


Trong năm, Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như đã dịu giọng, chuyển sang ủng hộ các cuộc thảo luận vô điều kiện với các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, bỏ đòi hỏi là Triều Tiên phải từ bỏ trước tiên chương trình hạt nhân của nước này.


Thế nhưng, Tổng thống Trump liên tiếp bác bỏ chính sách của ông Tillerson, công khai viết trên Twitter hồi tháng 10 rằng ông Tillerson “mất thì giờ” khi nỗ lực tái tục các cuộc thảo luận với Triều Tiên.


Ông Tillerson sau đó minh định lại lập trường là Triều Tiên chỉ có thể đến bàn hội nghị sau khi ngưng các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân.

Bất chấp những đe dọa của Washington và những chế tài kinh tế gia tăng, Bình Nhưỡng trong năm tiếp tục thử nghiệm phi đạn đạn đạo, cải tiến đáng kể tầm bắn và khả năng kỹ thuật của phi đạn.


Vào tháng Hai, tính cách tàn bạo của chế độ Bình Nhưỡng bộc lộ rõ ràng khi những điệp viên của Triều Tiên bị truy tố với cáo buộc dùng chất độc ám sát Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un, tại phi trường Kuala Lumpur ở Malaysia.


Và vào tháng 6, người Mỹ phẫn nộ khi Triều Tiên trả tự do cho sinh viên Mỹ Otto Wambier trong tình trạng bất tỉnh. Wamber bị bắt vào năm 2016 vì đã lấy cắp một bích chương tuyên truyền trong khách sạn, nơi anh ở trọ. Wamber chết không lâu sau khi được trả về Mỹ.


Để đáp trả, quốc hội Mỹ thông qua luật cấm du hành đến Triều Tiên. - VOA


***

Chiến tranh ở Triều Tiên có thể nổ ra bất cứ lúc nào, một viên tướng hàng đầu Trung Quốc cảnh báo.


Trung tướng Vương Công Quảng nói Bắc Kinh nên đưa quân tới biên giới với đất nước hiếu chiến theo mô hình Stalinist này để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào trong thời gian từ nay đến tháng 3/2018.


Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo tiếng Anh trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, trích lời tướng Vương cảnh báo về sự cần thiết phải "chuẩn bị tinh thần cho tình huống đó vào bất cứ lúc nào".


Ông nói thêm: "Trung Quốc nên chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến Triều Tiên có thể xảy ra, và các khu vực Đông Bắc Trung Quốc cần được huy động để đối phó với tình huống này".


Tướng Vương kêu gọi triển khai các hệ thống chống tên lửa và binh lính ở khu vực biên giới với Triều Tiên, dự phòng cho xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như với các nước khác như Nhật Bản và Hoa Kỳ.


Nếu chiến tranh nổ ra, Hàn Quốc sẽ là nước bị thiệt hại nặng nề nhất, tiếp theo là Trung Quốc, theo ông Vương. Ông nói thêm rằng sẽ có nguy cơ lớn về ô nhiễm hạt nhân và động đất.


"Huy động lực lượng như vậy không phải là để khai chiến, mà là để phòng thủ", ông nói. - VOA


***

Chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức tố cáo Triều Tiên là đã phát động một đợt tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn máy tính trên toàn cầu trước đây trong năm.


Trong một bài xã luận đăng trên tờ Wall Street Journal vào đêm thứ Hai 18/12, chuyên gia tư vấn về an ninh nội địa Hoa Kỳ Tom Bossert viết rằng cuộc tấn công này có quy mô lớn, làm thiệt hại hàng tỷ đô la.


Từ lâu Bình Nhưỡng bị nghi là đã phát tán virus máy tính có tên gọi là “WannaCry” hồi tháng 5 – virus này làm người dùng máy tính tại 150 nước không thể truy cập các tập dữ liệu và không sử dụng được một số chức năng quan trọng khác.


Mã độc Wannacry đòi chủ máy tính phải trả một khoản tiền chuộc mới giải mã độc, cho phép người dùng truy cập các tập tin được phục hồi trên những máy tính bị nhiễm virus.


Cuộc tấn công mạng toàn cầu cuối cùng bị chặn lại nhờ một hacker người Anh. Anh kỹ sư này đã phát hiện ra “kill switch”, tạm gọi là “công tắc tiêu diệt”, để vô hiệu hóa virus Wannacry. - VOA

|

|


4.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ thăng tiến hòa bình - - - Chiến đấu cơ Trung Quốc xâm phạm ADIZ Nhật Bản, Hàn Quốc


Trung Quốc kêu gọi Washington thăng tiến “tin cậy chiến lược hỗ tương” trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ chiến lược an ninh quốc gia hôm 18/12 mà theo dự kiến sẽ liệt kê Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh.


Chính phủ Trung Quốc chưa thấy phúc trình này nên không thể bình luận được, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói. Tuy nhiên bà nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác Mỹ-Trung.


Các giới chức Mỹ ngày 17/12 cho báo giới biết phúc trình sẽ xem các nước như là những nước cạnh tranh và giảm nhẹ những thỏa thuận đa quốc. Các giới chức cho hay phúc trình này liệt kê Trung Quốc là một “nước cạnh tranh chiến lược.’


Trong văn kiện này, ông Trump dự kiến cũng sẽ đề cập tới những đe dọa mà ông gọi là của những “chế độ bất hảo” như Triều Tiên và các cường quốc muốn thay đổi nguyên trạng như Nga trong hành động với Ukraine và Georgia và Trung Quốc trong những hoạt động tại Biển Đông. - VOA


***

Trung Quốc đã điều một số máy bay chiến đấu thực hiện một cuộc thao dượt tầm xa ở Biển Nhật Bản hôm thứ Hai 18/12, đồng thời cũng tiến hành diễn tập quanh Đài Loan.


Phát ngôn viên của Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho hay lực lượng này đã điều nhiều máy bay gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát, bay qua eo biển Tsushima tới Biển Nhật Bản để "kiểm tra khả năng chiến đấu trên đại dương".


Ông Thân nói đây là một cuộc thao dượt thường kỳ hàng năm và không nhằm vào bất kỳ quốc gia, khu vực hay mục tiêu cụ thể nào.


Ủy ban các Tham mưu trưởng Liên quân của Hàn Quốc cho hay 5 máy bay quân sự Trung Quốc – gồm 2 máy bay ném bom, 2 máy bay tiêm kích và một máy bay trinh sát - đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc ở ngoài khơi một hòn đảo phía Nam Hàn Quốc hôm 18/12.


Sau đó, các máy bay này tiếp tục cuộc hành trình tới vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản bên trên vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, một quan chức của Ban Tham mưu trưởng Liên quân cho biết, với điều kiện không nêu tên.


Quan chức này cho hay, máy bay Trung Quốc lại bay vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc một lần nữa trước khi trở về Trung Quốc.


Hàn Quốc đã sử dụng đường dây nóng quân sự để cảnh báo Trung Quốc về vụ máy bay TQ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc. Trung Quốc trả lời rằng đó là một phần trong một chương trình huấn luyện thường kỳ của họ.


Quân đội của Đài Loan tự trị cho biết không quân Trung Quốc đã thực hiện một cuộc diễn tập khác vào sáng 18/12, đi qua kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines, rồi sau đó đi qua Eo biển Miyako, nằm phía bắc Đài Loan và phía nam Nhật Bản.


Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Nhật Bản đã điều các máy bay tiêm kích F-15 để chặn máy bay Trung Quốc.


Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 18/12 nói 3 máy bay quân sự Trung Quốc - một máy bay trinh sát Y-8 và hai máy bay tác chiến điện tử Y-8 - đã khiến máy bay tiêm kích Nhật Bản phải bay lên chặn đường hôm 17/12.


Bộ nói các máy bay đó vi phạm vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản khi bay trên vùng Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương giữa các đảo phía nam Nhật Bản là Okinawa và Miyako. - VOA

|

|


5.

Myanmar vẫn im lặng về tung tích 2 phóng viên Reuters


Đã 1 tuần kể từ khi 2 nhà báo của Reuters bị giam giữ ở Myanmar, mà vẫn không có lời nào từ nhà chức trách nước này cho biết nơi giam giữ họ. Theo Reuters, 2 nhà báo đang bị điều tra xem họ có vi phạm Đạo luật Bí mật đã có từ thời thuộc địa.


Nhà báo Wa Lone, 31 tuổi, và đồng nghiệp Kyaw Soe Oo, 27 tuổi, bị bắt vào tối 12/12 sau khi họ được mời ăn tối với cảnh sát ở ngoại ô Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.


Trong một tuyên bố kêu gọi Myanmar hãy trả tự do ngay lập tức cho 2 nhà báo, Chủ tịch Reuters và cũng là Tổng biên tập Stephen J. Adler nói: "Chúng tôi và gia đình vẫn bị chặn, không cho tiếp cận hai nhà báo, chúng tôi không được biết cả những thông tin cơ bản nhất về tình trạng sức khỏe họ ra sao, hoặc nơi họ bị giam cầm."


Ông Adler nhấn mạnh: "Wa Lone và Kyaw Soe Oo là những nhà báo đóng một vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ các tin tức gây quan tâm trên toàn cầu, họ vô tội và không làm điều gì sai trái.”


Tổng Thống Myanmar Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi, cho phép cảnh sát tiến hành vụ kiện chống các phóng viên, theo một phát ngôn viên cấp cao của chính phủ cho biết hôm 17/12.


Cần có sự chấp thuận của Văn phòng Tổng thống trước khi có thể bắt đầu các thủ tục tố tụng trong những trường hợp được xử theo Đạo luật Bí mật, mức phạt cao nhất nếu bị kết tội theo đạo luật này, là 14 năm tù.


Trước khi bị bắt, hai nhà báo của Reuters tường trình về cuộc khủng hoảng đã đẩy 655.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy đi lánh nạn, để tránh một chiến dịch trấn áp quân sự khốc liệt nhắm vào thành phần chủ chiến ở bang Rakhine, nằm về phía Tây Myanmar.


Một số chính phủ, kể cả Hoa Kỳ, Canada và Anh, và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cũng như nhiều nhà báo và các nhóm bênh vực nhân quyền, chỉ trích vụ bắt giữ các nhà báo như là một cuộc tấn công vào tự do báo chí. Họ kêu gọi Myanmar hãy thả ngay 2 nhà báo.

Lên tiếng hôm thứ Hai 18/12, người chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini, nói vụ bắt giữ hai nhà báo "thực sự đáng quan ngại".


Người phát ngôn của bà Mogherini nói: "Tự do báo chí và truyền thông là cơ sở và nền tảng của bất kỳ nền dân chủ nào."


Myanmar đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của các phương tiện truyền thông độc lập kể từ khi chế độ kiểm duyệt dưới chính quyền quân nhân được xóa bỏ vào năm 2012.


Các nhóm nhân quyền đã hy vọng quyền tự do báo chí sẽ được mở rộng sau khi bà Aung San Suu Kyi, Khôi nguyên giải Nobel hòa bình, lên nắm quyền hồi năm ngoái trong cuộc chuyển tiếp từ chế độ hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội, khiến bà Suu Kyi từ một tù nhân chính trị trở thành một nhà lãnh đạo dân cử.


Tuy nhiên, các nhóm vận động nói rằng quyền tự do ngôn luận đã bị xói mòn kể từ khi bà Suu Kyi nhậm chức, với nhiều vụ bắt bớ các nhà báo, những hạn chế tại bang Rakhine và việc sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để kiểm soát hoạt động của các phóng viên.


Ông Myo Nyunt, Phó Giám đốc Thông tin của Myanmar, nói với Reuters rằng trường hợp của các nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo không có liên quan gì đến tự do báo chí, ông tuyên bố các nhà báo được "tự do viết và nói".


Tuần trước, Bộ Thông Tin nói 2 nhà báo của Reuters đã "thu thập thông tin bất hợp pháp với ý định chia sẻ thông tin với các phương tiện truyền thông nước ngoài", sau đó Bộ công bố một bức ảnh chụp hai nhà báo bị còng tay.


Một luật sư nói với Reuters là từ khi bị bắt, các giới chức chính quyền không cho phép các nhà báo liên lạc với gia đình.


Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) kêu gọi nhà chức trách Myanmar hãy lập tức cho biết 2 nhà báo hiện đang ở đâu. - VOA

|

|


6.

Nhật sẽ mua 2 hệ thống chống tên lửa của Mỹ


Nhật Bản sẽ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ do Hoa Kỳ sản xuất để đối phó với mối nguy từ Triều Tiên mà Nhật cho là đang tăng nhanh.


Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một kế hoạch hôm thứ Ba 19/12 để mua 2 hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore với mức giá gần 2 tỷ USD.


Hệ thống Aegis Ashore mới, giống với phiên bản trên biển được triển khai trên các tàu chiến Nhật, có nhiều khả năng sẽ không đi vào hoạt động đầy đủ cho đến năm 2023.


Các quan chức quốc phòng Nhật Bản cũng cân nhắc mua Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Mỹ, nhưng rốt cuộc đã chọn Aegis Ashore do giá cả vừa túi tiền hơn.


Một thông báo của nội các Nhật ngay sau khi thông qua kế hoạch cho biết, Nhật Bản cần gấp rút nâng cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình trước mối đe dọa "trước mắt" do các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng đặt ra.


Vào cuối tháng trước, Triều Tiên đã bắn thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có khả năng bắn tới tận miền đông của lục địa Hoa Kỳ.


Tokyo cũng đang có kế hoạch mua các tên lửa hành trình tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất – một quyết định có thể gây nhiều tranh cãi bởi vì Hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2 tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh. - VOA

|

|


7.

Đại học Trung Quốc cấm mừng Giáng sinh


Một trường đại học của Trung Quốc cấm các sinh hoạt mừng Lễ Giáng sinh với mục đích giúp những người trẻ tuổi kháng cự lại “sự gặm mòn của văn hóa tôn giáo phương Tây.”


Theo Hoàn cầu Thời báo và tờ Telegraph, Đoàn Thanh niên Cộng sản của trường Đại học Y dược Thẩm Dương, ở vùng đông bắc Trung Quốc, đăng thông báo trên mạng cho sinh viên biết rằng lệnh cấm này có mục đích giúp họ phát triển “sự tự tin vào văn hóa” của chính họ.


Thông báo viết: “Trong những năm gần đây, do bị ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và các hoạt động thương mại cá nhân cũng như ý kiến sai trái của công chúng được phát tán trên internet, một số người trẻ tuổi đã cảm thấy phấn khích một cách mù quáng về những ngày lễ của phương Tây, đặc biệt những ngày lễ như đêm trước Giáng Sinh và ngày Giáng sinh.”


Theo thông báo này, đoàn của sinh viên – một nhánh của thành đoàn trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, không được phép tổ chức các hoạt động liên quan đến Giáng sinh.


Lệnh cấm được áp dụng để “hướng dẫn các thành viên của hội đoàn xây dựng sự tự tin văn hóa, chống lại sự gặm mòn của văn hóa tôn giáo phương Tây,” theo thông báo của trường đại học ở Thẩm Dương.


Giáng sinh không phải là quốc lễ ở Trung Quốc và không có nhiều người hiểu ý nghĩa truyền thống hay nguồn gốc tôn giáo của nó.


Tuy nhiên, Giáng sinh đang ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc.


Cách đây 3 năm, Khoa các môn học hiện đại của Trường Đại học Tây-Bắc ở tỉnh Thiên Tân ở miền bắc Trung Quốc cũng cấm sinh viên mừng lễ Giáng sinh.


Các biểu ngữ được treo khắp khuôn viên trường học với những câu như “Hãy cố gắng là những đứa con xuất sắc của bố mẹ Trung Hoa, đừng theo những ngày lễ phương Tây hào nhoáng" và “Hãy kháng cự lại sự bành trướng của văn hóa phương Tây.”


Tờ Telegraph trích lời một sinh viên nói với Beijing News rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu họ không tham dự một buổi chiếu bắt buộc dài 3 tiếng đồng hồ các bộ phim tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản. Các giáo viên đứng xung quanh để cản sinh viên, không cho rời buổi chiếu phim.


“Chúng tôi không làm gì được cả, chúng tôi không thể bỏ trốn,” sinh viên này cho tờ báo biết.


Ôn Châu, một thành phố của tỉnh Chiết Giang giàu có ở miền Đông Trung Quốc, cấm mọi hoạt động mừng Giáng sinh ở các trường học và trường mầm non, theo Tân Hoa Xã.


Một số học giả Trung Quốc phàn nàn về các nỗ lực siết chặt tư tưởng kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cách đây 5 năm. - VOA

|

|


8.

LHQ: 136 thường dân chết trong các cuộc không kích do Ả Rập Saudi lãnh đạo


Các cuộc không kích của liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu ở Yemen đã giết chết ít nhất 136 thường dân kể từ ngày 6/12, người phát ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm Thứ Ba 19/12.


Các giới chức LHQ nói liên minh này vẫn hạn chế chặt chẽ sự đi lại của tàu bè muốn cập bến ở Yemen bất chấp 8 triệu người dân nước này đang trong có nguy cơ bị chết đói vì phần lớn các mặt hàng thiết yếu như lương thực, nhiên liệu và thuốc men của nước này phụ thuộc vào nhập khẩu.


Người phát ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Rupert Colville, nói trong một buổi họp báo: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về sự tăng vọt trong số thương vong nơi thường dân ở Yemen hồi gần đây do hậu quả của các cuộc không kích của liên minh, sau khi cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh bị giết ở Sanaa hôm 4/12.”


Các cuộc tấn công được cơ quan nhân quyền LHQ xác thực gồm 7 cuộc không kích vào một nhà tù ở quận Shaub ở Sanaa hôm 13/12, giết chết ít nhất 45 tù nhân được cho là trung thành với Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, người được Ả Rập Saudi hậu thuẫn.


Người phát ngôn của LHQ Coville nói: “Người ta có thể cho rằng đây là một vụ tấn công vì nhầm lẫn, họ không có ý định giết những tù nhân của phe họ. Điều này là một minh chứng cho thấy sự thiếu cẩn trọng.”


Vẫn theo người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc, các cuộc không kích khác đã làm 14 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng tại một nông trại ở tỉnh Hodeidah hôm 15/12, và giết chết một phụ nữ cùng 9 trẻ em đang trên đường trở về từ một đám cưới ở tỉnh Marib hôm 16/12.


Các cuộc không kích được xác nhận bởi cơ quan nhân quyền LHQ ở các tỉnh Sanaa, Saada, Hodeidah và Taiz đã giết hại 87 thường dân.


Ông Colville nói: “Trong một trường hợp cụ thể, nếu bên tấn công tỏ ra thiếu cận trọng, hoặc có chủ đích nhắm tấn công vào thường dân, thì hành động này có thể được coi là một tội ác chiến tranh.”


Theo người phát ngôn nhân quyền của LHQ, phán quyết đó tùy thuộc vào tòa án nhưng đã có quá nhiều vụ tấn công tương tự ở Yemen, nên khó có thể đi đến kết luận là tội ác chiến tranh không xảy ra ở đó.


Các biện pháp hạn chế tiếp cận Yemen do liên minh quân sự ban hành đã trở thành một cuộc phong tỏa toàn diện hôm 6/11, mặc dù các điều kiện đã được nới lỏng hôm 25/11 để cho phép các tàu cứu trợ và một số tàu hàng thương mại đến bán đảo Ả Rập.


Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ đã mang vào Yemen số lượng lương thực đủ để nuôi 1,8 triệu người trong hai tháng, nhưng nhu cầu còn cao hơn nhiều. - VOA

|

|


9.

Chính quyền quân sự Thái Lan sắp cho phép hoạt động chính trị


Theo Reuters, hôm nay, 19/12/2017, lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan, thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo sắp tới sẽ hủy bỏ lệnh cấm mọi hoạt động chính trị trong dân chúng, được ban hành kể từ cuộc đảo chính tháng 5/2014. Quyết định này sẽ tạo điều kiện để tổ chức cuộc bầu cử lập pháp như đã dự kiến vào năm tới.


Từ nhiều tháng nay, các đảng phái chính trị tại Thái lan đã hối thúc chính phủ hủy bỏ lệnh cấm nói trên để có thể chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử sắp tới như chính quyền quân sự đã dự trù.


Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hồi tháng 10 vừa qua đã thông báo tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2018. Tuy nhiên ông không nói rõ khi nào thì gỡ bỏ lệnh cấm các hoạt động chính trị.


Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống Độc tài, một tổ chức đối lập với chính quyền quân sự đã đánh giá thông báo của thủ tướng Thái hôm nay là « bước đầu tiên hướng tới cuộc tuyển cử và dân chủ ».


Phát ngôn viên của phong trào « Áo Đỏ », những người ủng hộ gia đình cựu thủ tướng Shinawatra và chống phe bảo hoàng (Áo Vàng), ông Thanawut Wichaidit, cũng ghi nhận đây là một tin tốt, đồng thời hy vọng chính quyền chấm dứt lệnh cấm các cuộc tập hợp nơi công cộng.


Sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014 lật đổ chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra, quan hệ giữa Thái Lan và các nước phương Tây bị xấu đi nghiêm trọng. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu, tuần trước, cho biết sẽ nối lại các cuộc tiếp xúc chính trị « ở mọi cấp độ » với Thái Lan. - RFI

|

|


10.

Biển Đông: Philippines ngày càng ngả theo Trung Quốc


Chính quyền Philippines của tổng thống Duterte càng lúc càng nói theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Ví dụ mới nhất là phản ứng của Manila trước bản báo cáo ngày 14/12/2017 của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), theo đó trong năm 2017, lợi dụng việc quốc tế dồn chú ý vào bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã tiếp tục phát triển thêm các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông.


Trung tâm AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tại Washington, đã dẫn các hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh, cho thấy Trung Quốc đã mở rộng và xây dựng thêm khoảng 290.000m2 trên nhiều đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, đặt ra-đa cao tần và các cơ sở có thể dùng cho quân sự.


Một cách cụ thể, Bắc Kinh đã tập trung củng cố và mở rộng ba thực thể tạo thành điều được giới chuyên gia quân sự gọi là tam giác sắt chiến lược của Trung Quốc tại Trường Sa bao gồm Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief).


Một hệ thống ra-đa được thiết lập ở phía bắc đá Chữ Thập, một đường hầm được hoàn tất trên đá Xu Bi, có thể dùng để trữ đạn dược và hệ thống ra-đa. Còn trên đá Vành Khăn, Bắc Kinh đã xây thêm hầm chứa đạn dược, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và ra-đa. Đó là chưa kể đến các công trình khác ở Hoàng Sa, cụ thể là trên đảo Cây và đảo Tri Tôn.


Hình ảnh vệ tinh chụp rất rõ, các công trình mới đều nổi bật khi so sánh với những bức ảnh chụp vào đầu năm ngoái. Thế nhưng đối với ngoại trưởng Philippines Cayetano ngày 15/12 vừa qua, thì trong thời gian gần đây, Trung Quốc không hề chiếm đóng hay củng cố thêm một thực thể mới nào tại Biển Đông.


Về các công trình xây dựng của Trung Quốc bị trung tâm AMTI vạch trần, ngoại trưởng Philippines không phủ nhận, nhưng lại giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc khi cho rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất có hoạt động xây dựng tại Biển Đông. Theo ông, nhiều nước khác, trong đó có Philippines, « vẫn tiếp tục xây dựng tại những vùng họ đã chiếm giữ. Trên đảo Pag-asa, chúng ta (tức Philippines) cũng đang tu bổ. Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc cũng tu bổ, và ai cũng nói rằng việc đó chỉ mang tính chất phòng thủ mà thôi ».


Một dấu hiệu thứ hai cho thấy là Manila vào lúc này hoàn toàn đi theo lập luận của Trung Quốc về Biển Đông là sự kiện hôm 15/12/2017, các quan chức quốc phòng Philippines và Trung Quốc có cuộc họp quan trọng tại Philippines để bàn về các biện pháp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Theo báo chí Philippines, bản báo cáo của AMTI về hoạt động của Trung Quốc không hề được nêu lên trong cuộc họp.


Theo các nhà phân tích, sự kiện Manila đi theo lập trường của Trung Quốc từng được thể hiện rõ nét nhân Hội nghị ASEAN tháng 8 vừa qua tại Manila, khi Philippines, trong tư cách chủ tịch khối nước Đông Nam Á đã tìm cách loại bỏ hai từ ngữ « quân sự hóa – militarization » và « cải tạo, bồi đắp đảo đá – land reclamation » trong bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN.


Trên vấn đề này, hôm 15/12 vừa qua, ông Cayetano đã công nhận rằng chính ông đã không muốn đưa hai từ ngữ này vào khi soạn thảo văn kiện này, vì theo ông « điều đó không phù hợp với thực tế… Trung Quốc không còn bồi đắp đảo đá nữa ». Có điều là khi đa số các thành viên ASEAN đòi đưa hai từ ngữ đó vào Thông Cáo Chung, ông đã đành phải chấp nhận.


Thái độ theo đuôi Bắc Kinh của Manila trong vấn đề Biển Đông đã tạo nên phản ứng bất bình trong dư luận Philippines. Trong một bài phỏng vấn vào hôm nay, 18/12/2017, chuyên gia Philippines Richard Heydarian đã tỏ ý quan ngại trước thông tin từ trung tâm AMTI liên quan đến việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở thường trực tại Biển Đông.


Đối với chuyên gia tên tuổi này, các hoạt động đó cho thấy là Trung Quốc đã đi ngược lại các cam kết, và chính quyền Philippines phải có một lập trường vững chắc hơn trên vấn đề này và các quan chức không nên phủ nhận những gì thực sự xảy ra trên hiện trường. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


11.

Cải tổ thuế quan trọng sắp thành luật ở Mỹ. Đây là những gì bạn cần biết.


Hạ viện Hoa Kỳ do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cải tổ thuế sâu rộng hôm thứ Ba và chuyển nó sang Thượng viện, nơi mà các nhà lập pháp có phần chắc sẽ biểu quyết vào buổi tối.


Đây là cuộc cải tổ lớn nhất đối với hệ thống thuế của Mỹ trong hơn 30 năm qua mà có thể được Tổng thống Donald Trump ký thành luật sớm nhất là thứ Tư, nếu cả hai viện Quốc hội đều chuẩn thuận.


Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders phấn khởi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chiều thứ Ba rằng cuộc biểu quyết của Hạ viện đưa ông Trump tiến một bước gần hơn tới việc mang tới "những khoản cắt giảm thuế cho dịp Giáng Sinh."


Hạ viện thông qua dự luật bằng một cuộc biểu quyết với tỉ lệ 227-203, vượt qua sự chống đối của toàn thể các nghị sĩ của phe Dân chủ cùng với 12 nghị sĩ Cộng hòa.


Dự luật này gần như chắc chắn sẽ được lưỡng viện Quốc hội thông qua vì Thượng viện cũng do phe Cộng hòa kiểm soát, dù với tỉ lệ mong manh 51-48.


Các cuộc biểu quyết nước rút vào cuối năm cho thấy phe Cộng hòa quyết tâm gượng dậy kể từ giữa năm nay, khi mà nỗ lực bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare của Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama sụp đổ ở Thượng viện và triển vọng cải cách thuế dường như bị lu mờ do đấu đá nội bộ trong đảng.


Phó Tổng thống Mike Pence đã lùi chuyến công du Ai Cập và Israel sang tháng 1 để ông có mặt ở Washington trong tuần này trong trường hợp cần tới quyền biểu quyết của ông để thông qua dự luật tại Thượng viện.

Những điểm chính của dự luật này là gì?


Kế hoạch này bao gồm những khoản cắt giảm thuế cho các đại công ty và người đóng thuế giàu có, cũng như những khoản cắt giảm thuế tạm thời cho một số cá nhân và gia đình. Nó bãi bỏ một phần của hệ thống y tế Obamacare và cho phép khoan dầu tại Khu Bảo tồn Dã sinh Quốc gia Bắc cực ở bang Alaska, chỉ hai trong số những thay đổi nhỏ được bổ sung vào dự luật để giành đủ sự ủng hộ để nó được thông qua.


Theo Trung tâm Chính sách Thuế, một viện nghiên cứu chính sách độc lập ở Washington, những hộ gia đình có thu nhập trung bình sẽ được giảm thuế một khoản trung bình là 900 đôla vào năm sau, trong khi 1 phần trăm những người Mỹ giàu nhất sẽ được giảm trung bình là 51.000 đôla.


Bạn là người đóng thuế ở Mỹ? Công cụ tương tác này sẽ cho bạn biết tiền thuế của bạn sẽ tăng hay giảm trong năm 2018 theo dự luật của phe Cộng hòa.


Phe Cộng hòa và Dân chủ bất đồng ra sao về dự luật này?


Phe Cộng hòa khẳng định rằng gói cải tổ thuế này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tăng trưởng việc làm. Họ cũng coi dự luật này này chìa khóa để duy trì thế đa số của họ trong Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm sau.


"Hôm nay, chúng ta trả lại tiền cho người dân của đất nước này. Dù gì đi nữa thì đây là tiền của họ," Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói ngay trước cuộc biểu quyết.


Phe Dân chủ thì nói rằng dự luật này sẽ nới rộng cách biệt thu nhập giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ, trong khi thêm 1,5 ngàn tỉ đôla vào khối nợ quốc gia vốn đã ở mức 20 ngàn tỉ đôla trong 10 năm tới.


Lãnh đạo phe Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi gọi dự luật này là một "con quái vật Frankenstein" chứa đầy những khoản chia chác và lỗ hổng mà không giữ được lời hứa của phe Cộng hòa là đơn giản hóa luật thuế.


"Con quái vật này sẽ trở lại ám ảnh bọn họ," bà nói trên sàn tranh luận của Hạ viện.


Giới chuyên gia nói gì?


Dù phe Cộng hòa và Tổng thống Trump ca ngợi dự luật này sẽ làm lợi cho tầng lớp trung lưu ở Mỹ, song khoảng 23 phần trăm các khoản cắt giảm thuế là dành cho tầng lớp này dưới dự luật thuế được đề xuất, theo Ủy ban Liên hợp về Thuế vụ (JCT), một nhóm phi đảng phái chuyên phân tích các dự luật thuế cho Quốc hội.


Một phân tích mới được ủy ban công bố hôm thứ Hai cho biết những người nộp thuế thuộc tầng lớp trung lưu sẽ được giảm 61 tỉ đôla tiền thuế trong năm 2019 theo dự luật mà phe Cộng hòa biểu quyết. Tuy nhiên, những người này sẽ thấy tiền thuế của mình nhìn chung tăng lên sau một thập niên.


Tầng lớp trung lưu, những người có thu nhập trong khoảng từ 20.000 tới 100.000 đôla một năm, chiếm khoảng phân nửa số người khai thuế ở Mỹ, báo The Wall Street Journal cho biết.


Khung thuế cao nhất được phân tích trong bản báo cáo của JCT, áp dụng cho những người có thu nhập 500.000 hoặc hơn mỗi năm, sẽ được cắt giảm 61 tỉ đôla tiền thuế trong năm 2019. Mức thu nhập đó chiếm khoảng 1 phần trăm số người khai thuế hàng năm, theo tờ Journal.


Ngoài ra, 37 trên 38 nhà kinh tế được khảo sát bởi Chương trình Thị trường Toàn Cầu của Đại học Chicago hồi tháng 11 nói rằng các dự luật thuế của phe Cộng hòa sẽ khiến nợ của của Mỹ tăng nhanh hơn "đáng kể" so với nền kinh tế. Người thứ 38 nói rằng ông hiểu lầm câu hỏi và sau đó nói rằng ông đồng tình với các nhà kinh tế khác.


Quan điểm của công chúng thế nào?


Trong khi phe Cộng hòa gấp rút thông qua dự luật cải tổ thuế, sự chống đối của công chúng tăng dần trong các cuộc khảo sát ý kiến.


Cuộc khảo sát của CNN công bố hôm thứ Ba cho thấy 55 phần trăm những người được hỏi chống đối dự luật của phe Cộng hòa trong khi chỉ có 33 phần trăm ủng hộ. Tỉ lệ chống đối tăng 10 điểm phần trăm so với khi CNN thực hiện một cuộc cuộc thăm dò trước đó vào tháng 11.


Hai phần ba số người được hỏi nhìn nhận rằng dự luật thuế của phe Cộng hòa làm lợi cho những người giàu có nhiều hơn là tầng lớp trung lưu, với tỉ lệ 66-27 phần trăm.


Một cuộc khảo sát của NBC/Wall Street Journal công bố hôm thứ Ba cho thấy 24 phần trăm những người được hỏi ủng hộ dự luật này, trong khi 41 phần trăm chống đối. Và 63 phần trăm nói nằng nó được thiết kế chủ yếu là để làm lợi cho các đại công ty và người giàu, so với 22 phần trăm nói nó nhắm tới tất cả người Mỹ đồng đều, và chỉ 7 phần trăm nói nó làm lợi cho tầng lớp trung lưu.


Các cuộc khảo sát riêng rẽ của Quinnipiac, Marist và Monmoth trong tháng này nhận thấy mức ủng hộ cho các nỗ lực cải tổ thuế của phe Cộng hòa ở khoảng giữa 20 phần trăm, với một số cuộc thăm dò khác cho thấy cao hơn đôi chút.


Chuyện gì xảy đến kế tiếp?


Nếu được cả lưỡng viện thông qua - điều gần như chắc chắn - thì dự luật thuế này sẽ mang về chiến thắng lập pháp quan trọng đầu tiên cho phe Cộng hòa và Tổng thống Trump, trong năm đầu tiên mà Đảng này nắm toàn quyền kiểm soát cả Quốc hội lẫn Nhà Trắng.


“Và liệu những khoản cắt giảm thuế của Tổng thống Trump có bền vững hay không vẫn còn là điều chưa rõ ràng,” nhà báo Andrew Taylor của hãng tin AP viết, nhắc nhở rằng luật cắt giảm thuế của Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981 đã bị thu hẹp vài lần cũng như việc ba trong số bốn tổng thống sau đó đều ký luật tăng thuế.


Với việc phe Cộng hòa đang nhắm tới cắt giảm chi tiêu chính phủ để kìm chế thâm hụt ngân sách vì giảm thuế, nhà báo kỳ cựu này nói những gì đang diễn ra bây giờ giống như những gì từng diễn ra dưới thời Tổng thống George W. Bush, đặc biệt là khi ông tìm cách cắt chi tiêu An sinh Xã hội vào năm 2005.


Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, phe Cộng hòa mất quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện. - VOA

|

|


12.

Mỹ: Hoãn trục xuất 50 người Campuchia vào giờ chót


Một tòa án ở California vừa tạm thời đình hoãn lệnh trục xuất hàng chục người Campuchia đối mặt với việc hồi hương sau khi bị tuyên án phạm tội hình sự.


Theo hồ sơ tòa án, khoảng 50 người theo lịch trình phải bị đưa trả về Campuchia hôm nay, 18/12.


Đa số những người này tới Mỹ trong tư cách các trẻ em tị nạn trong hoặc sau thời Khmer Đỏ diệt chủng ở Campuchia hồi thập niên 70. Tuy nhiên, họ chưa có quốc tịch Mỹ.


Các luật sư nói rằng thân chủ của họ sẽ bị tổn thương không thể nào hàn gắn nếu bị trả về cố quốc, nơi mà đối với họ hoàn toàn xa lạ. Các luật sư xin có thêm một cơ hội mở lại các vụ án di trú để có thể kháng cáo các lệnh trục xuất.


Ông Jenny Zhao, một trong những luật sư đại diện nhóm này, nói “Chúng tôi bảo nếu gom họ lại kiểu này, tống lên máy bay đưa về nước trước khi họ có được một quy trình tố tụng trước tòa là vi phạm quyền của họ.”


Nhiều người trong nhóm này được sinh ra trong các trại tị nạn trước khi tới Mỹ. Luật sư Zhao cho biết thậm chí trong số này có những người chưa từng đặt chân tới Campuchia bao giờ.


Tối thứ sáu tuần trước, thẩm phán Cormac Carney ở Santa Ana, California, ra lệnh tạm thời đình hoãn trục xuất họ trong khi hồ sơ tranh tụng pháp lý của họ được xem xét.


Hồ sơ tòa án cho thấy khoảng 100 người bị trục xuất đã bị gom lại, giam giữ ở California và Texas kể từ tháng 10 tới nay và được lên lịch trục xuất trong tuần này.


“Đa số họ có quan hệ gia đình chặt chẽ với công dân Mỹ. Họ đã kết hôn, có con cái, nhiều người đang chăm sóc cha mẹ già và là trụ cột tài chính đối với nhiều thân nhân,” luật sư Zhao cho biết. 


Christina Soh, phát ngôn nhân cho Nhóm thăng tiến công lý cho người Mỹ gốc Á có trụ sở tại San Francisco, nói với Phnom Penh Post rằng lệnh tạm ngừng trục xuất đã ‘thật sự chặn đứng’ một chuyến bay ở Texas dự trù đưa số này rời khỏi lãnh thổ Mỹ vĩnh viễn.


Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho hay có hơn 1900 công dân Campuchia đang sinh sống tại Mỹ đối mặt với lệnh trục xuất chung cuộc, 1412 người trong số này có án hình sự.


Dù Mỹ và Campuchia đã thương lượng về thỏa thuận trục xuất vào năm 2002, nhưng Campuchia trước nay không mặn mà với việc nhận lại công dân của mình, khiến số phận những người bị giam giữ chờ ngày trục xuất trở nên bất định.


Kể từ 2002 tới nay, khoảng 500 người Campuchia đã bị hồi hương.

Năm ngoái, chính phủ Campuchia ngưng nhận người hồi hương viện lý do nhân đạo, khiến quan hệ ngoại giao song phương bị căng thẳng.


Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á tại Mỹ cho biết năm sau, khoảng 200 người Campuchia sẽ bị trục xuất, con số lớn nhất trong thời gian một năm từ trước tới nay. - VOA

|

|


13.

Mỹ: Tai nạn tàu hỏa chết người gần Seattle


Tàu cao tốc 501 trật bánh và rơi xuống đường cao tốc tại gần thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ vào sáng thứ Hai 18/12.


Ngoài ba người thiệt mạng, khoảng 100 người đã được chuyển đến bệnh viện, nhiều người trong tình trạng nguy kịch.


Các nhà chức trách cho biết đã tìm kiếm nạn nhân tại tất cả các toa tàu, nhưng không loại trừ số người chết sẽ tiếp tục tăng.


Bảy phương tiện giao thông, hai trong số đó là xe tải hạng nặng bị các toa tàu rơi trúng. Hiện chưa rõ có ai bị thương khi đang lưu thông trên đoạn đường này hay không.


Đây là dịch vụ chở khách đầu tiên của Amtrak trên một tuyến đường mới, ngắn hơn.


Tàu 501 rời Seattle, đi về hướng nam Portland, vào 06:00 giờ địa phương (14:00 GMT). Tàu trật bánh tại đoạn đường ray phía nam Tacoma vốn trước đây chỉ được sử dụng cho tàu hỏa chở hàng.



Hiện trường cho thấy một toa tàu treo lơ lửng trên cầu, trong khi một số toa khác nằm rải rác trên đường và khu rừng cạnh đường ray.


Một bức ảnh do Cảnh sát Tuần tra Bang Washington đăng tải cho thấy một toa tàu bị lật ngược với mảnh vỡ vương vãi xung quanh.


Có 77 hành khách và bảy nhân viên xe lửa trên tàu.


Bản ghi âm cuộc gọi khẩn cấp từ đoàn tàu đến ban điều hành đường sắt đã được cung cấp cho truyền thông Mỹ.

"Khẩn cấp! Chúng đang ở dưới đất!" giọng một người đàn ông, có thể là người lái tàu.



Một nhân viên khác cho hay chỉ có một số toa phía sau còn nằm lại trên dường ray.


"Tất cả những toa khác dường như nằm hỗn độn trên mặt đất", ông này nói.


Một kỹ sư của tàu bị chấn thương ở đầu.


Phản ứng đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là đăng trên tweeter rằng là vụ tai nạn cho thấy sự cần thiết đối với kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng của ông.


Đoạn đường ray nơi xảy ra tai nạn vừa mới được nâng cấp bằng tiền quỹ liên bang.


Chris Karnes, một hành khách có mặt trên chuyến tàu cho biết toa của ông lao xuống đê sau đó dừng lại: "Chúng tôi có thể nghe thấy và cảm thấy những chiếc xe hơi vỡ vụn và nước chảy từ trần xuống."


"Để thoát ra ... chúng tôi phải đập vỡ cửa sổ khẩn cấp," ông nói.



Một phóng viên địa phương có mặt trên chuyến tàu, nhưng xuống ở ga ngay trước vụ tai nạn, cho biết nhiều hành khách trên tàu là người đam mê đường sắt, muốn trải nghiệm chuyến tàu cao tốc đầu tiên trên tuyến đường mới.


Mỗi hành khách đều được tặng một chiếc dây đeo và huy hiệu kỷ niệm cuộc hành trình.


Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ đang điều tra vụ tại nạn.


Hiện chưa rõ tốc độ của đoàn tàu khi đến điểm rẽ hay cũng như không rõ có bất thường gì trên đường ray hay không.


Thông tin về đoàn tàu


Đoàn tàu 501 được vận hành bởi Amtrak và chuyến đi hôm thứ Hai là chuyến đầu tiên khởi hành lúc 6h sáng theo lịch trình mới và trên tuyến đường mới Point Defiance Bypass.


Tàu gồm 14 toa, trong đó có hai toa đầu tầu.


12 toa chở khách có thể chứa 36 khách mỗi toa, nhưng chỉ có 77 khách hàng trên tàu lúc xảy ra tai nạn. - BBC

|

|


Tin Việt Nam


14.

Gần 120 luật sư lên tiếng bênh vực đồng nghiệp Võ An Đôn


Tính đến ngày 19/12, đã có 118 luật sư ký vào một văn bản kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét lại quyết định kỷ luật đối với luật sư Võ An Đôn, theo thông tin cập nhật trên trang Facebook cá nhân của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc.


Bản kiến nghị được các luật sư đưa ra ngày 10/12 sau khi Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ban hành một quyết định hồi cuối tháng 11, xóa tên ông Võ An Đôn khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh.


Quyết định nêu lý do rằng luật sư Đôn đã “lợi dụng quyền tự do ngôn luận … bịa đặt, nói xấu … gây ảnh hưởng đặc biệt đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tố tụng và luật sư Việt Nam”.


Đáp lại quyết định này, hôm 5/12, luật sư Đôn đã gửi đơn khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam.


Trong bản kiến nghị hôm 10/12, các luật sư ký tên cho rằng Đoàn Luật sư Phú Yên “chưa làm đúng trình tự” khi bỏ qua một loạt thủ tục như luật sư Đôn không được mời đến phiên họp kỷ luật, quyết định không căn cứ vào biên bản phiên họp xét kỷ luật nào, ông Đôn không có cơ hội trình bày, đối chất về các cáo buộc, và trên thực tế không có ai khiếu nại tố cáo rằng họ bị ảnh hưởng vì ông “lợi dụng tự do ngôn luận”.


Ngoài việc thiếu căn cứ pháp lý, bản kiến nghị nói quyết định kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn là “quá khắc nghiệt và mang tính áp đặt”, vì vậy những người viết kiến nghị cho rằng quyết định đó “cần phải được xem xét lại”.


Các luật sư tham gia ký kiến nghị viết rằng họ “khẩn thiết đề nghị” các vị lãnh đạo Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết đơn khiếu nại của luật sư Đôn “trên tinh thần bảo vệ nghề luật sư, bảo vệ công bằng và lẽ phải”.


Bản kiến nghị đề cập đến một thực tế “không thể phủ nhận” rằng ông Đôn là một luật sư được “xã hội và nhiều đồng nghiệp ghi nhận sự dấn thân phục vụ công lý và cộng đồng”.


Theo một bài báo trên tờ Pháp luật Việt Nam hồi tháng 4 năm nay, tính đến hết năm 2016, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thống kê có gần 11.000 luật sư đăng ký hành nghề.


Trong cùng năm, các đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 73 luật sư, trong đó 17 trường hợp do vi phạm đạo đức nghề nghiệp, phần lớn các trường hợp còn lại do không nộp phí thành viên. - VOA

|

|


15.

Thêm một lãnh đạo ‘thân thế’ của Tập đoàn dầu khí bị khởi tố


Việt Nam vừa khởi tố thêm một lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.


Quyết định khởi tố ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên PVN, được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn vào ngày 18/12.

Đây là diễn tiến mới nhất của đại án đứng đầu chuỗi án tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải “khẩn trương kết thúc điều tra” và đưa ra xét xử vào tháng 1, 2/2018.


Thân thế


Ông Phan Đình Đức sinh ra trong một gia đình có thân thế. Cha ông là ông Phan Đình Dinh (hay Đinh Đức Thiện), một trong những lãnh đạo chủ chốt xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh trong thời Chiến tranh Việt Nam. Ông Dinh là một thượng tướng trong quân đội và là nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ông Phan Đình Dinh là em ruột của ông Lê Đức Thọ và là anh của Đại Tướng Mai Chí Thọ.


Trước khi trở thành thành viên Hội đồng thành viên PVN, ông Phan Đình Đức, 57 tuổi, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Giám đốc Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc, Tổng Công ty Khí (PVGas), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh PVN…


Ông Đức bị khởi tố trong vụ án tham nhũng đang được Bộ Công an điều tra với cáo buộc gây thất thoát 800 tỷ đồng khi PVN góp vốn với Oceanbank.


Tính đến nay, đã có hơn 20 lãnh đạo PVN đã bị bắt và khởi tố trong vụ án này, trong đó có nguyên Bí thư TPHCM Đinh La Thăng, người bị bắt gần đây nhất, hôm 8/12.


Hồi tháng 9, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Xuân Sơn đã bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình, trong khi nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm bị tuyên án tù chung thân.

Củ hành nhiều lớp


Đại án PVN được xem là trọng tâm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vào cuối tháng trước, ông Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phải “kết thúc điều tra, truy tố, xét xử” 15 vụ đại án, đứng đầu là vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ PVN-Oceanbank.


Giới quan sát chính trị Việt Nam cho rằng “lò chống tham nhũng” của ông Trọng đang ngày càng có nhiều diễn tiến gây chú ý, giống như một “củ hành nhiều lớp”, đặc biệt sau vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, nhân vật được xem là khó có thể bị truy tố.


Phó giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, nói:


“Cách làm và xử lý cán bộ trong bối cảnh cải cách hiện nay thì việc làm từng bước là cần thiết. Tuy nhiên, rất khó đoán định các lớp tiếp theo sẽ là gì. Nhưng chúng ta hãy chờ xem, theo những tuyên bố, phát ngôn của các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thì ‘không có vùng cấm’. Cho nên nếu xét xử đúng pháp luật và công khai, và nếu không có cản trở gì khác, thì những ai liên quan sẽ bị xử tiếp”.


Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam bắt đầu gây sự chú ý của thế giới từ hồi tháng 8 năm nay, khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam Petrovietnam (PVC, thuộc PVN), ở Berlin sau khi ông Thanh bị Việt Nam truy nã và xin tị nạn ở Đức.


Phía Việt Nam phủ nhận cáo buộc này và nói ông Thanh tự ý trở về Việt Nam đầu thú. - VOA

|

|


16.

Thêm một ‘thái tử Đảng’ bị cỗ máy ông Trọng ‘trảm’


Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "xóa tên đảng" và hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm được cho là không đúng trước đó.


Đây được xem là vụ “trảm thái tử” nặng không thua gì vụ xử Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư tỉnh Đà Nẵng, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia chính trị Jonathan London, đây là một diễn tiến “không bất ngờ”.


Tiến sĩ Jonathan London, Giáo sư giảng dạy Kinh tế-Chính trị Á châu tại Đại học Leiden, Hà Lan, giải thích về nhận định trên:


“Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam có hiện tượng là nhiều người còn khá trẻ đã được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy. Nếu trước đây điều đó làm cho khá nhiều người bất ngờ, thì việc ngày nay những nhân vật đó rơi cũng là điều không bất ngờ bởi vì đó là hậu quả của những quyết định phản ánh mối quan hệ thân mật hơn là những tiêu chuẩn khách quan”.


Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh.


Ông Bảo được xem là một trong những “hạt giống đỏ” trong danh sách các “thái tử Đảng” xuất hiện gần đây trong bộ máy chính trị Việt Nam, trong đó có Nguyễn Thanh Nghị, 41 tuổi, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi.


Sau đại hội đảng 12 hồi đầu năm ngoái, Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) và Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Đà Nẵng) trở thành hai ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất của Bộ Chính trị và cũng là các bí thư tỉnh trẻ tuổi nhất. Còn Lê Phước Hoài Bảo là tỉnh ủy viên trẻ nhất, với quan lộ “thần tốc”, leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, khi mới 30 tuổi.


Sau khi công chúng thắc mắc về việc bổ nhiệm ông Bảo, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra và kết luận việc bổ nhiệm này là “đúng quy trình”.


Tiếp theo vụ ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy và các chức vụ khác hồi đầu tháng 10, quyết định “xóa tên đảng” và tước chức vụ của ông Lê Phước Hoài Bảo được công luận chú ý và xem đây là một động thái “mạnh tay”, theo chiều hướng thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Nhận định về chiến dịch này, Tiến sĩ Jonathan London cho rằng việc xử những vụ cụ thể như hiện nay tuy quan trọng nhưng không phải là giải pháp để khắc phục “lỗi hệ thống” tại Việt Nam.


Ông nói: “Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung”.


Riêng với các “hạt giống đỏ”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ủy viên cao tuổi nhất (72 tuổi) trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị, đã không quên đề cập đến họ trong phát biểu tại đại hội Đảng hồi năm ngoái. Ông Trọng nói: “Còn nhiều việc phải làm, cố gắng tạo điều kiện anh em trẻ làm lãnh đạo”, theo báo Đất Việt.


Trong số những gương mặt lọt vào danh sách quyền lực của khóa 12 còn có ông Đinh La Thăng, người được “đề cử thêm” ngoài danh sách đã được Ban chấp hành Trung ương khóa trước chuẩn bị.


Ngày 8/12, ông Thăng bị khởi tố liên quan đến một “đại án” tham nhũng được cho là phức tạp chưa từng có tại Việt Nam.


Cho đến nay, hàng loại quan chức cấp cao đã bị bắt, khởi tố và kỷ luật trong vụ này, bao gồm nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và nhiều người khác. - VOA

|

|


17.

Ngư dân Việt tuyệt thực ở Indonesia, sứ quán VN hứa dự phiên xử


4 trong số 5 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc vi phạm vùng biển của Indonesia đã tuyệt thực sau khi tòa án nước này tuyên phạt họ 500 triệu Rupee (gần 37.000 đôla), hoặc 5 tháng tù giam hôm 12/12.


Ngày 18/12, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết đã đến thăm các ngư dân để tìm hiểu lý do họ tuyệt thực.


Báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng trong buổi gặp, các ngư dân bị bắt tại Indonesia đã đặt câu hỏi với Tham tán Chính trị Trần Minh Cừ rằng tại sao họ đi đánh cá với bản đồ và giấy phép của chính quyền Việt Nam mà lại bị Indonesia bắt giữ vì “xâm phạm vùng biển” của Indonesia?


Các ngư dân cho biết trong phiên xử, tòa án Indonesia đã không lấy tọa độ nơi họ bị bắt ra làm bằng chứng, mà lấy tọa độ nơi họ bị kéo vào vùng biển Indonesia để buộc tội.


Vẫn theo tờ Tuổi Trẻ, ngư dân Việt Nam tuyên bố sẽ tiếp tục tuyệt thực cho tới khi đại diện đại sứ quán cam kết sẽ có mặt tại các phiên tòa xét xử ngư dân Việt sắp tới ở Indonesia.


Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn kêu gọi ngư dân không nên tuyệt thực và hứa “Đại sứ quán sẽ bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của các ngư dân, yêu cầu tòa xét xử minh bạch và sẽ tiếp tục công việc bảo hộ ngư dân trong suốt tiến trình pháp lý”, Zing.vn dẫn trang Facebook của ông Tuấn cho biết ngày 14/12.


Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam cũng thừa nhận có những khó khăn trong việc hỗ trợ công dân khi tòa án Indonesia chỉ dựa vào bản khai có chữ ký của ngư dân.


Ngày 19/12, Tuổi Trẻ dẫn lời Đại sứ Hoàng Anh Tuấn trên trang Facebook cam kết sẽ có mặt tại Natuna trong phiên tòa xét xử ngư dân còn lại, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2018.


Nhóm 5 ngư dân của các tàu cá tỉnh Kiên Giang đã bị Indonesia bắt hôm 21/5 tại khu vực Natuna với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này.


Tòa án Indonesia hôm 12/12 ra phán quyết phạt các ngư dân Việt Nam 500 triệu Rupee, hoặc 5 tháng tù giam. - VOA

|

|


18.

Việt Nam cải tạo đảo ở Biển Đông, theo chân TQ


Cùng lúc Trung Quốc tiếp tục biến vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông thành các thực thể có khả năng duy trì các căn cứ không quân và hải quân, Việt Nam cũng đang nâng cấp các khu vực họ chiếm đóng.


Các ảnh do các vệ tinh DigitalGlobe chụp hồi tháng 9 cho thấy một số cơ sở mới, trong đó có thể có một ụ cạn, ở Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 680 km về hướng đông nam, có thể cho phép tàu thuyền ghé qua để bảo dưỡng và tuần tra trong thời gian dài hơn.


Tuy quy mô rất nhỏ nếu so với những gì Trung Quốc đang làm, điều này cho thấy Hà Nội muốn giữ đất ở tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp, ngay cả khi điều đó có nguy cơ làm Bắc Kinh bực bội.


Việt Nam đã bồi đắp khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ kể từ năm 2014, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ. Việt Nam đã kéo dài đường băng và tăng cường khả năng về radar và tuần tra.


Để so sánh, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên bảy thực thể ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cảng, hải đăng và đường băng, họ nói rằng chủ yếu là nhằm mục đích dân sự hoặc phòng thủ.


Trung Quốc đòi chủ quyền với hơn 80% Biển Đông, nơi có lượng thương mại toàn cầu khoảng 3,4 nghìn tỷ đôla qua lại. Tuyên bố của Trung Quốc chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan. Trong năm qua, Hà Nội đã trở thành nước có tiếng nói mạnh nhất chống lại các tuyên bố của Trung Quốc.


Theo Bill Hayton, một nhà nghiên cứu tại Viện Chatham, hoạt động nâng cấp mới nhất của Việt Nam ở Đá Tây diễn ra sau khi tin cho hay Trung Quốc đã gây áp lực, buộc Việt Nam phải ngừng khoan tại một khu vực tranh chấp đã cho Repsol SA của Tây Ban Nha thuê.


Một điều khác cũng gây mâu thuẫn tiềm tàng giữa Hà Nội và Bắc Kinh là cuộc đàm phán được nối lại về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên.


Mặc dù đã thông qua văn kiện khung dài một trang hồi tháng 8, trong đó kêu gọi các bên cam kết với các nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Trung Quốc muốn bộ quy tắc này có tính tự nguyện, trong khi Việt Nam lại muốn nó có tính ràng buộc pháp lý. - VOA

|

|


19.

Việt Nam bán Sabeco là mất ‘gà đẻ trứng vàng’?


Nhà nước Việt Nam dự kiến thu về 4,8 tỉ đôla từ việc bán hơn 53% cổ phần của công ty Sabeco cho một nhà đầu tư Thái Lan, theo tin tức trên báo chí Việt Nam mới đây. Một số nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đã mang việc bán Sabeco ra so sánh với việc bán đi ‘con gà đẻ trứng vàng’ để bình luận về giao dịch này.


Trong phiên đấu giá hôm 18/12 do Bộ Công thương tổ chức, công ty Vietnam Beverage thuộc sở hữu gián tiếp của nhà đầu tư Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lô 343,66 triệu cổ phiếu của Sabeco với tổng giá trị lên đến gần 110 nghìn tỉ đồng.


Sabeco, với tên đầy đủ là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét việc bán một lượng rất lớn cổ phiếu Sabeco với giá cao hơn đáng kể giá chào ban đầu và giao dịch diễn ra mau lẹ “có thể xem là một thành công”, xét về mặt kỹ thuật trong quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước.


Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói có một khía cạnh “cần rút kinh nghiệm” từ giao dịch này:


“Sabeco là một con gà đẻ trứng vàng mà [Việt Nam] chúng ta lại bán cho nhà đầu tư Thái Lan lên đến tỉ lệ 53%, làm cho nhà đầu tư Thái Lan sẽ có thế thượng phong trong việc điều hành doanh nghiệp này, là điều cần rút kinh nghiệm. Bởi vì nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta”.


Trong một báo cáo trước quốc hội Việt Nam hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay tính đến hết tháng 8, chính phủ đã hoàn thành cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước và ước tính cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa tổng cộng 38 doanh nghiệp nhà nước.


Cổ phần hóa là thuật ngữ nhà nước Việt Nam dùng để chỉ việc tư nhân hóa một phần hoặc đa phần một doanh nghiệp nhà nước.


Trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có những tên tuổi hàng đầu như Vinamilk, 3 thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), 1 thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).


Đối với các hãng sản xuất hàng tiêu dùng thông thường như Vinamilk hay Sabeco, Tiến sĩ Doanh nói việc cổ phần hóa là “có thể hiểu được”:


“Các doanh nghiệp như là bia hay sữa không phải là các doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Đấy là các doanh nghiệp có lãi nhưng hoàn toàn có tính chất thương mại và phục vụ trong một thị trường bây giờ đã hội nhập sâu và phải cạnh tranh quốc tế”.


Theo một số hãng nghiên cứu thị trường, trích dẫn số liệu của chính các công ty liên quan, hết năm 2016, dù Sabeco nắm giữ thị phần hơn 40% so với 25% của Heineken Việt Nam song lợi nhuận trước thuế của Sabeco chỉ bằng 60% của con số gần 9 nghìn 500 tỉ đồng mà Heineken đạt được.


Sau phiên đấu giá hôm 18/12, một số người nêu lên băn khoăn liệu khi Sabeco thuộc về nhà đầu tư Thái, điều này có đồng nghĩa với thương hiệu bia Sài Gòn sẽ biến mất và bị thay thế bằng sản phẩm mang thương hiệu Thái? Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng điều đó là một khả năng có tính thực tiễn cao, nhưng ông chủ mới của hãng sẽ phải rất cân nhắc trước khi làm như vậy:


“Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động”.


Chưa có thông tin chính thức từ chính phủ Việt Nam về việc số tiền 4,8 tỉ đôla thu được sau giao dịch bán cổ phần Sabeco sẽ được nộp vào đâu và quản lý như thế nào.


Một số chuyên gia theo dõi cổ phần hóa ở Việt Nam dẫn Luật Ngân sách và Nghị định 126 của năm 2017 đưa ra tiên liệu rằng số tiền đó có thể chảy về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, một phần do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước quản lý, bên cạnh đó là nộp vào ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương.


Hồi tháng 5, báo chí Việt Nam cho hay chính phủ muốn cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ vào năm 2020. Số tiền thu về cho ngân sách nhà nước từ quá trình này có thể lên đến khoảng 11 tỷ đôla, tương đương hơn 10% tổng nợ công quốc gia. - VOA


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment