Sunday, December 10, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 10/12

CHÀO MNG NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN


Tin Thế Giới


1.

Căng thẳng leo thang vì quyết định của TT Trump - - - Tổng thống Palestine từ chối gặp Phó TT Mỹ vì quyết định về Jerusalem - - - Các đồng minh Arab công kích quyết định của Trump


Một người Palestine hôm 10/12 đã đâm một nhân viên an ninh của Israel tại bến xe buýt chính của thành phố Jerusalem, trong khi bạo lực bùng ra gần đại sứ quán Mỹ ở Beirut, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.


Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nói trên Đài phát thanh Quân đội: “Chúng tôi hy vọng rằng mọi chuyện sẽ lắng xuống và rằng cuộc sống bình thường sẽ trở lại, không còn bạo loạn và bạo lực”.


Nhưng tại Jerusalem, một nhân viên an ninh đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị một thanh niên Palestine 24 tuổi từ vùng Bờ Tây đâm tại cửa vào bến xe buýt trung tâm, nơi đặt máy dò kim loại.


Còn tại Beirut, các lực lượng an ninh Libăng đã bắn hơi cay và phun vòi rồng vào những người biểu tình, gồm cả những người vẫy cờ Palestine, gần đại sứ quán Mỹ.


Những người phản đối đã nổi lửa trên đường phố, đốt cờ Mỹ và Israel cũng như ném nhiều thứ về phía các lực lượng an ninh đã chặn con đường chính dẫn tới khu đại sứ quán.


Trong phát biểu hôm 10/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người thường chỉ trích Israel, đã gọi nước này là “quốc gia xâm lược” và “nhà nước khủng bố”.


Các ngoại trưởng Ảrập họp bàn tại Cairo hôm 9/12 thúc giục Hoa Kỳ từ bỏ quyết định về Jerusalem và nói rằng bước đi đó sẽ dẫn tới bạo lực khắp khu vực. - VOA


***

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ không gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm của ông Pence tới khu vực này trong tháng này, một cử chỉ đáp lại việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Ngoại trưởng Palestine cho biết hôm thứ Bảy.


Bạo lực bùng phát sang ngày thứ ba ở Dải Gaza sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư, đảo ngược chính sách của Mỹ kéo dài hàng thập kỷ đối với vùng Trung Đông. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của người Palestine bớt dữ dội hơn hai ngày trước đó.


Các cuộc không kích của Israel giết chết hai tay súng người Palestine hôm thứ Bảy sau khi những phần tử chủ chiến này bắn hỏa tiễn từ Gaza vào Israel hôm thứ Sáu, được các phe phái người Palestine tuyên bố là "Ngày Thịnh nộ."


Việc ông Trump công nhận Jerusalem đã khiến thế giới Ả-rập phẫn nộ và làm các nước đồng minh phương Tây bất mãn. Họ nói rằng việc này là một đòn giáng vào những nỗ lực hòa bình và có nguy cơ khơi lên thêm bạo lực trong khu vực.


Israel nói rằng toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của một quốc gia độc lập của họ trong tương lai.


Hầu hết các nước coi Đông Jerusalem, bị Israel sáp nhập sau khi họ chiếm giữ trong cuộc chiến tranh năm 1967, là lãnh thổ bị chiếm đóng, và nói rằng tư cách của thành phố này phải được định đoạt tại các cuộc đàm phán Israel-Palestine trong tương lai.


Chính quyền Trump nói rằng họ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán Palestine-Israel, rằng thủ đô của Israel sẽ ở Jerusalem theo bất kỳ kế hoạch hòa bình nghiêm túc nào, và rằng họ chưa xác định lập trường về ranh giới của thành phố. Họ nói rằng các cuộc đàm phán đang tàn lụi chỉ có thể được hồi sinh bằng cách từ bỏ những chính sách đã lỗi thời.


Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói người Palestine sẽ tìm kiếm một bên điều giải hòa bình mới thay cho Mỹ và sẽ mưu tìm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về quyết định của ông Trump.


"Chúng tôi sẽ tìm kiếm một bên trung gian điều giải mới từ các nước anh em Ả-rập của chúng tôi và cộng đồng quốc tế," ông Maliki nói với các phóng viên tại Cairo trước một cuộc họp của Liên đoàn Ả-rập để thảo luận về quyết định công nhận Jerusalem của ông Trump.


Một nguồn tin của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ hợp tác để cố gắng thuyết phục Mỹ xem xét lại bước đi này, Reuters cho hay.


Một cuộc gặp khả dĩ với ông Pence cũng đã bị Giáo hội Coptic Ai Cập khước từ, thông tấn xã nhà nước MENA của Ai Cập đưa tin.


Reuters nói họ không thể liên lạc được ngay tức thì với các quan chức Nhà Trắng để yêu cầu bình luận và các quan chức Bộ Ngoại giao không hồi đáp yêu cầu bình luận ngay lập tức. Các quan chức Palestine cho biết ông Pence lẽ ra sẽ gặp ông Abbas vào ngày 19 tháng 12.


Cố vấn và con rể của ông Trump, Jared Kushner, đang dẫn đầu các nỗ lực để khởi động lại các cuộc đàm phán, mặc dù nỗ lực của anh tới giờ cho thấy ít tiến bộ công khai. - VOA


***

Giới chức Ả rập nói rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đem lại nguy cơ khiến Trung Đông rơi vào "bạo lực và hỗn loạn".


Động thái này chấm dứt sự trung lập của Mỹ đối với một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của khu vực.


Các bộ trưởng Ngoại giao Liên đoàn Ả Rập cho biết điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ không còn được tin tưởng làm nhà trung gian hòa bình Trung Đông.


Tuyên bố của 22 quốc gia, kể cả các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, được loan báo sau ngày thứ ba diễn ra bạo lực và các cuộc biểu tình ở Bờ Tây và Dải Gaza.


Israel luôn xem Jerusalem là thủ đô của họ, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem - bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967 - là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai.


Với ông Trump, quyết định này nhằm hoàn tất lời hứa trong chiến dịch tranh cử và ông nói rằng "đây chỉ là sự công nhận thực tế."

Nhưng ông đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt.


Nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập được thông qua vào lúc 03:00 giờ địa phương sau nhiều giờ hội đàm ở Cairo. Nghị quyết nhận được sự ủng hộ từ một số đồng minh của Mỹ, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Ảrập Saudi và Jordan, những nước đã lên tiếng về mối quan ngại của họ.


Nghị quyết nói:


Với quyết định này, Mỹ đã "rút vai trò nhà bảo trợ và trung gian" của bất kỳ tiến trình hòa bình nào giữa Israel và Palestine


Động thái của ông Trump "làm trầm trọng thêm căng thẳng, khơi mòi giận dữ và đem lại nguy cơ nhấn chìm khu vực vào bạo lực và hỗn loạn"


Một thỉnh cầu sẽ được gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để lên án động thái này


Tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 8/12, Mỹ bị cô lập, trong lúc 14 thành viên khác lên án tuyên bố của ông Trump.


Tuy nhiên, đại sứ Mỹ Nikki Haley cáo buộc Liên Hiệp Quốc có sự thiên vị và tuyên bố tổ chức này "là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới đầy hằn thù với Israel".


Bà nhấn mạnh Hoa Kỳ vẫn cam kết tìm kiếm hòa bình ở khu vực này. - BBC

|

|


2.

Israel: Biểu tình trên toàn quốc đòi thủ tướng Netanyahu từ chức


Vài chục nghìn người dân Israel đã xuống đường biểu tình ngày 09/12/2017 phản đối chính phủ và đòi thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chức, trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.


Thông tín viên RFI Michel Paul tường trình từ Tel-Aviv :


« "Đất nước này là của chúng ta, và không thuộc về Netanyahu", "Bibi về nhà ông đi", "Xấu hổ"… Đó là một vài biểu ngữ được vài chục nghìn người biểu tình giương cao ở tất cả các thành phố lớn của Israel, đặc biệt tại Tel-Aviv.


Người biểu tình đòi thủ tướng Israel từ chức vì các vụ tham nhũng và loạt điều tra mà ông là đối tượng từ vài tháng nay. Nhiều lãnh đạo khác trong đảng Likoud của ông Netanyahu cũng bị nhắm đến.


Với ông Laurent Cigé, một thành viên đảng Lao Động Israel, tình trạng tham nhũng tại Israel tác động trực tiếp đến các giá trị dân chủ quốc gia. Ông nói : "Hiện mọi người lên án nạn tham nhũng đang gặm nhấm xã hội Israel. Có rất nhiều người, từ cánh tả đến cánh hữu hay trung lập, ngán ngẩm khi nhìn thấy các nghị sĩ, trợ lý hay bộ trưởng liên tục bị bắt giữ, bị nghi ngờ và bị cảnh sát thẩm vấn".


Những người biểu tình cũng phản đối các đạo luật do những người thân cận của ông Benjamin Netanyahu trình lên Nghị Viện Israel nhằm tăng cường quyền miễn trừ cho thủ tướng Israel.


Người đứng đầu chính phủ Israel từng bị cảnh sát thẩm vấn về các vụ nhận tiền hối lộ và lạm dụng quyền lực. Ngoài ra, rất nhiều cố vấn thân cận của ông Netanyahu cũng bị điều tra trong thương vụ mua bán tầu ngầm với một công ty của Đức”. - RFI

|

|


3.

Đức ‘lột mặt nạ’ của tình báo Trung Quốc


Cơ quan tình báo Đức đã công bố các thông tin chi tiết của các trang trên mạng xã hội họ cho là được tình báo Trung Quốc làm giả để thu thập các thông tin cá nhân về các quan chức và chính trị gia Đức.


Theo Reuters, bước đi bất thường này nhằm cảnh báo các quan chức về nguy cơ tiết lộ các thông tin cá nhân quan trọng qua truyền thông xã hội.


BfV nói rằng “các cơ quan tình báo Trung quốc đã hoạt động mạnh trên các trang như LinkedIn và lâu nay đã tìm cách thu thập thông tin cũng như các nguồn tình báo theo cách này”, trong đó bao gồm việc tìm dữ liệu về thói quen hay sở thích chính trị.


Trong chín tháng nghiên cứu, cơ quan tình báo Đức đã phát hiện ra rằng hơn 10 nghìn công dân Đức đã được liên lạc trên trang web kết nối nghề nghiệp bởi các trang giả dạng làm người tuyển dụng, người cố vấn hay các học giả.


Theo BfV, nhiều hình ảnh đăng trên các trang web giả mạo là những người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi ăn mặc sành điệu và bắt mắt lấy từ các tạp chí thời trang.


Reuters cho biết đã xem xét một số trang giả mạo và thấy có liên hệ với các nhà ngoại giao và chính trị gia cấp cao từ một số quốc gia châu Âu.


Cảnh báo trên phản ánh mối quan ngại gia tăng của các cơ quan tình báo phương Tây và châu Âu về các hoạt động bí mật của Trung Quốc ở nước mình, cũng như sau cảnh báo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ về nỗ lực tuyển dụng công dân Hoa Kỳ làm tình báo của Trung Quốc.


BfV đã thúc giục những người sử dụng liên hệ với cơ quan này nếu phát hiện ra các trang đáng ngờ trên mạng xã hội. - VOA

|

|


4.

Mỹ, Nhật và Hàn Quốc diễn tập theo dõi tên lửa


Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 11/12 sẽ bắt đầu hai ngày diễn tập theo dõi tên lửa, theo Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật.


Reuters dẫn lời lực lượng trên nói rằng các cuộc diễn tập trong tuần này sẽ là các đợt thao dượt thứ sáu nhằm chia sẻ thông tin về việc theo dõi và định vị các tên lửa đạn đạo giữa ba quốc gia.


Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật không cho biết liệu hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi, viết tắt là THAAD, mà Mỹ lắp đặt ở Hàn Quốc, có được sử dụng hay không.


Bắc Hàn thời gian qua đã bắn tên lửa bay qua Nhật Bản, trong nỗ lực theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và sự lên án của cộng đồng quốc tế.


Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.


Vụ thử nghiệm tên lửa tháng trước đã dẫn tới cảnh báo của Mỹ rằng giới lãnh đạo của Bắc Hàn sẽ bị “triệt hạ” nếu chiến tranh bùng ra.


Hôm 10/12, Hàn Quốc cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với 20 tổ chức và hơn chục cá nhân ở Bắc Hàn bằng cách cấm trao đổi tài chính với bất kỳ người Hàn Quốc nào.


Theo Reuters, bước đi này chỉ mang tính biểu tượng vì các trao đổi thương mại và tài chính giữa hai miền Triều Tiên đã bị cấm kể từ tháng Năm 2010 sau vụ tàu chiến Hàn Quốc bị ngư lôi đâm chìm. - VOA

|

|


5.

Giáo hoàng kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân


Giáo hoàng Francis hôm 10/12 kêu gọi các lãnh đạo trên thế giới nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân để bảo vệ nhân quyền, nhất là những người yếu thế.


Theo Reuters, người đứng đầu Tòa thánh Vatican nói rằng cần thiết phải “quyết tâm gây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.


Lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis được nêu lên đúng ngày nhóm đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay thúc giục các cường quốc hạt nhân thông qua một hiệp định của Liên Hiệp Quốc về cấm vũ khí nguyên tử.


Trong khi căng thẳng dâng cao giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn, Giáo hoàng Francis đã nhiều lần cảnh báo về tác động thảm khốc đối với môi trường và con người từ các thiết bị hạt nhân, và kêu gọi một nước thứ ba làm trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.


Trong bài phát biểu hàng tuần trước giáo dân, Giáo hoàng Francis nói rằng mọi người trên thế giới “có tự do, trí tuệ và khả năng kiểm soát công nghệ, giới hạn sức mạnh của chúng, vì hòa bình và tiến bộ thực sự”.


Phát biểu trên chuyến bay trở về Vatican mới đây sau khi thăm Miến Điện và Bangladesh, Giáo hoàng Francis cho rằng một số lãnh đạo trên thế giới có thái độ “phi lý” về vũ khí hạt nhân.


Tháng trước, theo Reuters, Vantican dường như thể hiện giáo lý cứng rắn hơn đối với vũ khí hạt nhân, cho rằng các nước không nên lưu trữ chúng, kể cả với mục đích bảo vệ. - VOA

|

|


6.

Thủ tướng Iraq tuyên bố cuộc chiến 3 năm chống IS đã kết thúc


Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm thứ Bảy tuyên bố cuộc chiến kéo dài ba năm nhằm đánh đuổi Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi Iraq đã thành công và đã đi đến kết thúc.


"Lực lượng của chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn biên giới Iraq-Syria và do đó tôi tuyên bố chấm dứt cuộc chiến chống Daesh [IS]," ông Abadi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Baghdad do hiệp hội các nhà báo Iraq tổ chức.


Loan báo này được đưa ra hai ngày sau khi Nga tuyên bố đã đánh bại IS ở Syria, nơi mà Moscow đang yểm trợ quân đội Syria.


Chính phủ Iraq nói tuyên bố chiến thắng có nghĩa là các lực lượng của họ đã chiếm giữ được vùng sa mạc ở phía tây, ngoài biên giới Iraq-Syria ra.


Những chiến binh IS chiếm quyền kiểm soát gần một phần ba lãnh thổ Iraq vào mùa hè năm 2014, đe dọa sự tồn tại của chính nhà nước Iraq. Tuy nhiên, trong ba năm rưỡi qua, lực lượng Iraq được yểm trợ bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu đã chiếm lại toàn bộ lãnh thổ.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm thứ Bảy chúc mừng người dân Iraq và lực lượng an ninh của nước này, nói rằng "Loan báo của Iraq cho thấy những tàn dư cuối cùng của lãnh địa ‘caliphate’ tự xưng của ISIS tại Iraq đã bị xóa sạch và những người dân sống trong những khu vực này đã được giải thoát khỏi sự kìm kẹp tàn bạo của ISIS."


Nhóm chủ chiến này vẫn có khả năng thực hiện các vụ tấn công nổi dậy ở Iraq, giống như hồi tháng 11 khi họ giành lại quyền kiểm soát Rawah, thành phố cuối cùng mà họ nắm giữ, gần biên giới với Syria trước khi từ bỏ nó trong những tuần tiếp theo.

Bà Nauert thừa nhận cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Iraq vẫn chưa kết thúc và nói Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho đất nước.


"Cùng nhau, chúng ta phải cảnh giác trong việc chống lại tất cả các hệ tư tưởng cực đoan để ngăn chặn sự trở lại của ISIS hoặc sự trỗi dậy của những mối đe dọa từ các nhóm khủng bố khác," bà nói.


Iraq giờ chuyển sự chú ý sang việc tái thiết nhiều khu vực của đất nước bị tàn phá bởi chiến sự và hỗ trợ khoảng 3 triệu người Iraq vẫn còn tản cư.


Bà Nauert nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này để những người Iraq tản cư có thể trở về nhà và "bắt đầu xây dựng lại cuộc sống của họ."


Thủ tướng Abadi tuyên bố ngày 10 tháng 12 là ngày lễ quốc gia mà sẽ được đón mừng hàng năm. - VOA

|

|


7.

LHQ: Cần khẩn cấp duy trì đối thoại với Bắc Hàn - - - Bắc Triều Tiên: Sứ giả Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ "tính lầm"


Một quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nói với các nhân vật cấp cao của Bắc Hàn rằng có "nhu cầu cấp bách" giữ cho các kênh đối thoại được mở để tránh nguy cơ chiến tranh.


Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của ông Jeffrey Feltman, chuyến cong du cấp cao nhất của một quan chức LHQ tới quốc gia bị cô lập trong sáu năm.


Bắc Hàn nói rằng họ đã đồng ý về liên lạc thường xuyên với LHQ.


Những căng thẳng về chương trình vũ khí của Bắc Hàn đã được nâng lên sau khi một cuộc thử hỏa tiễn đạn đạo mới được tiến hành tuần trước.

Bắc Hàn nói rằng đó là hỏa tiễn tiên tiến nhất của họ, có khả năng tiếp cận nội địa Hoa Kỳ.


Cuộc thử nghiệm này là một cuộc thử nghiệm mới nhất trong một loạt các cuộc thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn chống lại lệnh trừng phạt của LHQ.


Bổ sung biện pháp


Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong một chương trình vũ trang.


Hôm Chủ nhật 10/12/2017, Hàn Quốc nói sẽ tham gia cùng với Hoa Kỳ trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Hàn.


Hai mươi công ty của Bắc Hàn và 12 cá nhân đã được đưa vào một danh sách đen của Hàn Quốc, vốn sẽ có hiệu lực từ thứ Hai.


Động thái của Seoul, một loạt lệnh trừng phạt đơn phương thứ hai trong vòng một tháng, được thiết lập để cắt đứt các nguồn tài trợ quốc tế cho chương trình hỏa tiễn hạt nhân của Bắc Hàn.


Các biện pháp này được cho là thêm vào các biện pháp do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt.


Trong một diễn biến từ trước có liên quan, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho rằng khả năng chiến tranh đang gia tăng mỗi ngày, nhưng xung đột vũ trang Mỹ - Triều không phải là giải pháp duy nhất.


Bình luận của ông McMaster trước một diễn đàn quốc phòng được đưa ra ba ngày sau khi Bắc Hàn tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên trong vòng hai tháng, trái với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. - BBC


***

Sai một ly đi một dặm, chiến tranh có thể « bùng nổ vì tính tóan sai lầm ». Trên đây răn đe của phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm thứ bảy 09/12/2017, sau bốn ngày viếng thăm Bắc Triều Tiên, kèm theo lời khuyến cáo Bình Nhưỡng nên duy trì các kênh liên lạc.


Thông cáo của Liên Hiệp Quốc được bản tin của AFP ngày 10/12/2017 trích dẫn cho biết : Trong các cuộc hội kiến, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman cùng với ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho và thứ trưởng ngoại giao Pak Myong Kuk, đều nhìn nhận « tình hình hiện nay căng thẳng tột độ và nguy hiểm cho an ninh, hoà bình thế giới ».


Nhấn mạnh đến « nhu cầu khẩn cấp ngăn ngừa những tính tóan sai lầm đưa đến xung đột », phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên « mở các kênh tiếp cận hầu giảm thiểu rủi ro chiến tranh ». Jeffrey Feltman cũng nhấn mạnh đến « nhu cầu thi hành toàn bộ các nghị quyết trừng phạt của Hội Đồng Bảo An » và dùng « thiện chí đối thọai » để giải quyết cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên « bằng con đường duy nhất là ngoại giao ».


Thông báo của Liên Hiệp Quốc không nói gì đến « thỏa thuận tổ chức các cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp độ khác nhau » mà hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA loan tin. Cũng theo KCNA, Bình Nhưỡng than phiền với sứ giả Liên Hiệp Quốc là bị Hoa Kỳ « bắt chẹt bằng đe dọa hạt nhân » mà cụ thể là « các cuộc tập trận Mỹ - Hàn » thường xuyên diễn ra ở phía nam vĩ tuyến 38.


KCNA không cho biết Jeffrey Feltman có gặp Kim Jong Un hay không.

Vào thời điểm phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc quá cảnh Bắc Kinh, sau bốn ngày thăm viếng Bình Nhưỡng, bộ ngoại giao Trung Quốc công bố một tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị với nhận định « bi quan » về tình hình bán đảo Triều Tiên: « vẫn nằm trong vòng xóay đối đầu và bạo lực”. - RFI

|

|


8.

Trung Quốc dọa tấn công Đài Loan "ngày chiến hạm Mỹ ghé thăm"


Người đưa ra lời đe dọa này là Lý Khắc Tân, nhân vật số hai của sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ : « Ngày chiến hạm Mỹ đến quân cảng Cao Hùng là ngày quân đội Trung Quốc tấn công Đài Loan ». Theo AP, tình hình châu Á có thêm dấu hiệu căng thẳng với thái độ cường điệu của Trung Quốc trước chương trình giao lưu hải quân Mỹ với Đài Loan.


Trong một cuộc nói chuyện với 200 sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ và có mời một số kiều dân Đài Loan và báo chí, công sứ Lý Khắc Tân (Li Ke Xin) tuyên bố là nếu Hoa Kỳ vi phạm "đạo luật chống ly khai của Trung Quốc" ban hành từ năm 2005, nếu cho tàu chiến cặp bến cảng Đài Loan.


Theo trích dẫn của báo Đài Loan Liberty Times, thì nhân vật số hai của của sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố như sau: "Ngày hải quân Mỹ đến cảng Cao Hùng, cũng là ngày Giải Phóng Quân Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng quân sự".


Theo ông Lý Khắc Tân, quyết định chung Mỹ-Đài Loan tổ chức cho hải thuyền thăm viếng lẫn nhau là vi phạm đạo luật "Phản phân ly quốc gia pháp" của Trung Quốc, ban hành năm 2005 sau khi ông Trần Thủy Biển, lãnh đạo đảng Dân Tiến, đắc cử tổng thống Đài Loan.


Chương trình thăm viếng này được Quốc Hội Mỹ thông qua gần đây. Bộ Ngoại Giao Đài Loan thẩm định những lời tuyên bố mang tính đe dọa của một viên chức Trung Quốc chỉ gây xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Hoa Lục và Đài Loan, không hữu ích gì cho nỗ lực cải thiện quan hệ hai bờ eo biển.


Trong khi đó, Alexander Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc đại học Tam Cương, Đài Loan cho rằng tuyên bố trên đây của viên công sứ Trung Quốc là nhắm vào dư luận nội bộ. Bắc Kinh thừa biêt không có phương tiện để cản trở Quốc Hội Mỹ ủng hộ Đài Bắc nên dùng lời đe dọa để đánh phá nỗ lực của những người có cảm tình với Đài Loan.


Hãng AP lưu ý thêm là Trung Quốc cũng tăng cường sức mạnh và hiện diện quân sự tại Biển Đông kể cả xây dựng thêm quân cảng và phi trường. - RFI

|

|


9.

TQ: Cuộc đối thoại 'tốn nhiều tiền dân'


Một cuộc đối thoại chính trị cấp cao quy mô lớn với hơn 200 lãnh đạo từ 120 đảng phái quốc tế về Bắc Kinh nhằm ca ngợi thành quả của Trung Quốc và sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng lại chỉ là một sự kiện 'tốn nhiều tiền của' của người dân nước này, theo một nhà báo từ BBC Tiếng Trung.


Mục đích chính của ông Tập Cận Bình là muốn 'nâng cao vị thế', 'tạo nên sức ảnh hưởng lớn hơn' trên chính trường quốc tế của Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đầy tính thách thức đặt ra với cả ông Tập lẫn ban lãnh đạo của nước này, theo nhà báo Howard Zhang, Chủ biên BBC Tiếng Trung.



Trước câu hỏi của Bàn tròn thứ Năm hôm 07/12/2017 về đâu là mục đích chính của cuộc Đối thoại cao cấp về chính trị do ông Tập Cận Bình chủ trì với sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị trên thế giới và liệu ông Tập Cận Bình có đạt được mục đích đó hay không, nhà báo Howard Zhang cho BBC Tiếng Việt hay:


"Từ những gì mà tôi nghe được sau khi nói chuyện với giới phân tích ở cả trong lẫn ngoài Trung Quốc, hơn một trăm đảng phái từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có một số cựu thủ tướng, cựu tổng thống của nhiều nước khác nhau đã tới Trung Quốc, tham dự Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới tại Bắc Kinh.

"Chính phủ Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền cho các khoản như vé máy bay, chi phí khách sạn và quà tặng cao cấp cho các đoàn đại biểu tham dự. Và tất cả chi phí chi tiêu rộng rãi này đều lấy từ nguồn thu thuế của người dân Trung Quốc.


"Mục đích chính của ông Tập ở đây là vì Trung Quốc chưa có tiếng nói mang tầm vóc quốc tế mà nước này nên có vào thời điểm này.


"Ví dụ như ở các cuộc họp của Liên hiệp Quốc thì Trung Quốc chỉ có thể đưa ra ý kiến và tiếng nói của nước này không có ảnh hưởng mấy, mặc dù Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và thường xuyên có những quan điểm bất đồng, bế tắc với Mỹ, thành viên mà tiếng nói có sức ảnh hưởng mạnh hơn.


"Ngay cả ở các diễn đàn liên quan đến Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc mặc dù là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng tiếng nói chưa có sức ảnh hưởng nhiều so với Mỹ, thành viên có quyền phủ quyết mạnh nhất trong các diễn đàn thế giới.


"Có thể diễn giải từ góc độ chính quyền của ông Tập thì đây là thời điểm thích hợp để Trung Quốc nâng cao vị thế, tao nên sức ảnh hưởng lớn hơn trên chính trường quốc tế bằng cách sử dụng đồng tiền của nước này để xây dựng và mở rộng mạng lưới ảnh hưởng trên thế giới."

Những câu hỏi lớn


Nhà báo Howard Zhang trong dịp này cũng lưu ý tới một diễn biến đáng lưu ý khác xảy ra đồng thời với cuộc Đối thoại cao cấp chính trị ở Bắc Kinh, ông cho hay:


"Đồng thời trong thời gian này, Trung Quốc cũng tổ chức một Hội nghị về Công nghệ và tương lai của Công nghệ với tất cả các công ty lớn hàng đầu về internet trên thế giới. Hội nghị Công nghệ này diễn ra gần Thượng Hải, và hai Hội nghị này diễn ra song song với nhau.


"Một bên là gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị của thế giới, bên còn lại là đối thoại với các lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook và tất cả những nhân vật quan trọng của nền kinh tế mới của Trung Quốc như Doanh nhân Jack Ma và các ông trùm lớn của nền kinh tế Trung Quốc.

"Như vậy đây có thể được xem như một động thái thiết lập diễn đàn kinh tế chính trị tương lai cho Trung Quốc trên lãnh thổ và theo luật định của nước này.


"Nhưng liệu cuộc chạy đua về vị thế và sức ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc với cường quốc giữ vị thế và ảnh hưởng lớn hiện tại như Mỹ có thành công hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.


"Nếu những dự đoán hiện tại của cộng đồng quốc tế chính xác thì chỉ trong năm hoặc 10 năm tới, thì đồng tiền của Trung Quốc sẽ mạnh nhất và sức mua tương đương của đồng tiền Trung Quốc lớn gấp đôi đồng tiền Mỹ. Một đất nước mà có tỷ giá hối đoái gấp đôi đồng đô-la Mỹ thì có sức mạnh và tiếng nói và đó là điều Trung Quốc đang đánh cược trong cuộc chạy đua này.



"Như cuộc trao đổi trước đây với một chương trình Bàn tròn thứ Năm, có thời điểm giá trị vốn hóa thị trường của WeChat vượt xa Facebook. Đó chỉ là một ví dụ.


"Nhưng một ngày nào đó có thể Alibaba sẽ lớn mạnh hơn Amazon. Nghĩa là các nhà đầu tư cần phải lựa chọn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh.


"Nếu Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế chính trong tương lai, thì liệu thế giới có lựa chọn Trung Quốc để đầu tư kinh doanh? Đó cũng là một câu hỏi lớn được đặt ra."


Được biết trong Hội nghị đối thoại cấp cao lần đầu diễn ra từ 30/11 đến 3/12, với hơn 200 nhân vật chính trị, gồm cả các vị đương nhiệm và cựu lãnh đạo đã tới Bắc Kinh tham dự.


Đại biểu khách mời là đại diện của ban lãnh đạo đảng Việt Nam là ông Phan Đình Trạc, người được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương hồi tháng 2/2016.


Trong số các khách châu Á khác còn có bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn cao cấp của nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, bà Choo Mi-ae lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền ở Nam Hàn.


Từ châu Âu, tới dự Đối thoại được cho là khá quy mô này còn có các lãnh đạo đảng phái chính trị đến từ Nga, Serbia và cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin đến từ Pháp và nhiều chính khách, cựu lãnh đạo tổ chức chính trị khác tới từ nhiều nơi trên thế giới. - BBC

|

|


10.

Nobel Hòa Bình 2017: Tổ chức chống hạt nhân ICAN nhận giải thưởng


ICAN, Chiến Dịch Quốc Tế Giải Trừ Vũ Khí Hạt Nhân, nhận giải Nobel Hoà bình trong buổi lễ Chủ Nhật 10/12/2017 tại Oslo, thủ đô Thụy Điển trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Nhiều nạn nhân sống sót sau hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki tham dự. ICAN kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng xuống thang trong lúc các nước có vũ khí hạt nhân vắng mặt trong buổi lễ trao giải.


Trả lời phỏng vấn AFP, trước giờ nhận giải Nobel Hoà Bình 2017, giám đốc ICAN, bà Beatrice Fihn, tuyên bố là « Tình hình thế giới hiện nay rất nguy hiểm. Chúng ta lo ngại vì Donald Trump và Kim Jong Un đều có vũ khí hạt nhân thì cũng phải lo ngại loại vũ khí này, bởi vì chính con người làm ra nó ».


Người đứng lên nhận giải Nobel Hoà Bình năm 2017, nhân danh tổ chức ICAN, là bà cụ người Nhật Bản Setsuko Thurlow, 85 tuổi, một trong những nạn nhân sống sót sau quả bom ở Hiroshima, hiện sống tại Canada. Bà Setsuko Thurlow đặc biệt lo âu vì cuộc khủng hoảng Triều Tiên và vì hai nhân vật Donald Trump và Kim Jong Un mà theo bà là « hai kẻ rất nông nổi và rất nguy hiểm ».


Các nước Tây phương cũng bị lên án là những kẻ « phá hoại » nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong buổi lễ trao giải thưởng tại Oslo ngày 10/12, vắng mặt nhiều cường quốc hạt nhân. Dự đóan sẽ bị chỉ trích là « hành động không đi đôi với lời cam kết », ba nước Mỹ Anh Pháp đều chỉ gửi đại diện ngoại giao cấp thấp tham dự lễ trao giải, theo nhận định của một thành viên người Pháp của tổ chức Chiến Dịch Quốc Tế Giải Trừ Vũ Khí Hạt Nhân ICAN. - RFI

|

|


11.

Quách Văn Quý: Tỉ phú Trung Quốc quyết định thay đổi chế độ


Từ căn hộ sang trọng trong một tòa nhà chọc trời tại Manhattan, tỉ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui), hiện đang tị nạn tại Mỹ, hứa làm tất cả để dân chủ hóa chế độ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông khẳng định không có tham vọng trở thành một « Trump Trung Hoa »« thích được tự do, du lịch và tận hưởng cuộc sống ».


Trả lời phỏng vấn AFP và được hãng tin Pháp đăng ngày 10/12/2017, ông Quách Văn Quý hướng tới mục tiêu « đi đến một Nhà nước pháp quyền, đi đến một nền dân chủ, tự do, một sự thay đổi chế độ từ giờ đến 3 năm nữa » nếu có thể được.


Theo AFP, hiếm khi các nhà tỉ phú Trung Quốc chọn con đường ly khai, nhưng kể từ khi tỉ phú Quách Văn Quý rời Trung Quốc vào mùa hè 2014, tài sản của ông bị tịch thu, hai anh em trai bị bắt. Trước đó, một người em khác bị chết trong sự kiện Thiên An Môn 1989 và chính bản thân ông cũng bị bắt và bị dọa giết trong suốt 22 tháng sau sự kiện này. Chính từ trong tù, ông quyết định « đấu tranh chống hệ thống phi nhân tính, phản dân chủ và bất công ».


Ông cũng cho biết, chính quyền Bắc Kinh từng cử nhân viên đến viếng thăm ông ngay tại Manhattan vào tháng 05/2017 với một mục đích duy nhất : Buộc ông im lặng và « chấm dứt nêu tên các quan chức tham nhũng ». Nhận định về giới doanh nhân thành đạt Trung Quốc, ông Quách Văn Quý cho rằng họ chỉ có hai khả năng : « hoặc rời đất nước, hoặc ở lại chờ bị loại ».


Tỉ phú Quách Văn Quý khẳng định suy nghĩ kế hoạch thay đổi chế độ Trung Quốc từ 28 năm nay và đã thảo luận kế hoạch này với ông Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


12.

Luật cải tổ thuế chưa xong nhưng Cộng Hòa muốn cắt an sinh xã hội


Ngay cả trước khi hoàn tất dự luật về cải tổ thuế, thành phần đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ nay bắt đầu nhắm tới việc cắt giảm các chương trình an sinh xã hội.


Tổng Thống Donald Trump, Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, và các giới chức khác trong đảng Cộng Hòa, qua các phát biểu thời gian gần đây đã nói rõ rằng, cải cách “quyền được hưởng-entitlement” sẽ là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.


“Sang năm tới, chúng ta sẽ quay sang vấn đề cải cách các chương trình về entitlement,” ông Ryan cho hay trong một chương trình phát thanh hôm Thứ Tư, 6 Tháng Mười Hai.


Đối với phía Cộng Hòa, các chương trình “entitlement” này gồm food stamp, trợ giúp gia cư, Medicare và Medicaid cho người cao niên, người nghèo và tàn tật, cũng như các chương trình khác được lập ra để trợ giúp người nghèo.


Thành phần Dân Chủ ở Washington, DC, báo động rằng những phát biểu của ông Ryan có nghĩa là phía Cộng Hòa sẽ cắt giảm các chương trình welfare để lấy tiền trả cho việc giảm thuế, cũng theo Reuters.


Kế hoạch giảm thuế cho các công ty và giới giàu có ở Mỹ sẽ khiến mức thâm thủng ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ tăng khoảng $1,000 tỷ trong 10 năm. Phía đảng Cộng Hòa cho hay họ sẽ có biện pháp đối phó với vấn đề này. - nguoiviet

|

|


13.

TT Trump kêu gọi cử tri Alabama bỏ phiếu cho Roy Moore


Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Roy Moore, ứng cử viên đảng Cộng Hòa tại Alabama tranh cử Thượng Viện Mỹ, hiện bị nhiều tố cáo về các hành động sai trái liên quan đến tính dục.


Theo bản tin của hãng thông tấn Reuters, trong cuộc gặp gỡ giới ủng hộ tại thành phố Pensacola, tiểu bang Florida, gần biên giới với Alabama, ông Trump khoe thành tích rút khỏi hoặc tái thương thảo các thỏa thuận thương mại mà ông coi là bất lợi cho Mỹ, đồng thời kêu gọi phía đảng Dân Chủ hỗ trợ một biện pháp nhằm giúp tránh việc chính phủ phải đóng cửa.


Tổng Thống Trump nêu lên những đề tài ông thường nói tới trong các cuộc tập họp chính trị như chỉ trích tình trạng bạo động ở thành phố Chicago, nơi ông cho là không an toàn bằng ở Afghanistan, cũng như quyết tâm cải thiện an ninh biên giới và ngăn chặn di dân bất hợp pháp.


Tuy nhiên, lần này ông cũng kêu gọi sự ủng hộ của cử tri Alabama dành cho ông Roy Moore.


“Hãy đi bầu và bỏ phiếu cho ông Roy Moore,” ông Trump nhắn gửi cử tri Alabama về cuộc bầu cử ngày Thứ Ba này.


Cuộc tranh cử trong khu vực đông đảo cử tri đảng Cộng Hòa đã sôi động lên hồi tháng qua sau khi có các cáo buộc rằng ông Moore tấn công tính dục hay có hành động xâm phạm một số phụ nữ khi họ ở tuổi vị thành niên và lúc đó ông ngoài 30 tuổi.


Ông Roy Moore bác bỏ các cáo buộc này. - nguoiviet

|

|


Tin Việt Nam


14.

Vụ bắt giam ông Đinh La Thăng ‘có động cơ chính trị’? - - - Khởi tố Đinh La Thăng, TBT gửi thông điệp cứng rắn cho đối tượng kế tiếp


Vụ khởi tố và bắt giam người từng được đánh giá là “ngôi sao đang lên” trên chính trường Việt Nam vẫn tiếp tục gây ra nhiều tranh luận.


Reuters, hãng tin Anh hiện có văn phòng ở Việt Nam, hôm 9/12 đưa tin, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam “bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc chiến chống tham nhũng có động cơ chính trị” và “nhắm vào những người thân cận với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, người hãng này cho rằng đã “thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 2016” với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Sau khi bị tước tư cách đại biểu quốc hội, mất đi quyền miễn trừ, ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt giam hôm 8/12 về “hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thời còn làm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.


Theo quan sát, vụ bắt giữ ông Thăng là một trong các chủ đề được chia sẻ và bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội ở Việt Nam ba ngày qua.


Reuters cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam đã nổi lên trên truyền thông khắp thế giới hồi tháng Tám sau khi Đức cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.


Cũng cùng quan điểm, AFP dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng “các chiến dịch nhắm vào các chính trị gia và các doanh nhân lớn thường là do đấu đá nội bộ, chứ không phải vì cam kết thực sự để chống tham nhũng hoặc cải cách”.


Hãng tin của Pháp hiện cũng có văn phòng đại diện ở Hà Nội đưa tin rằng Việt Nam hiện đứng thứ 113 trong danh sách 176 nước nơi nạn tham nhũng lan tràn của Tổ chức Minh bạc Quốc tế.


Hôm 5/10, Asia Times đăng bài viết của nhà báo David Hutt từ Phnom Penh, Campuchia, nhận định rằng “xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, tăng cường sự kiểm soát trong Đảng, đấu tranh phe phái, cải thiện hình ảnh của lĩnh vực nhà nước và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài có thể là một số nguyên nhân khiến cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt”. - VOA


***

Sự kiện ông Đinh La Thăng bị khởi tố không chỉ là cú “ngã ngựa” gây kinh ngạc của một ngôi sao đang lên trên chính trường Việt Nam mà nó còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng đang gia tăng cường độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, giới quan sát nhận định. Kết cục của ông Thăng có phần chắc sẽ khơi lên nhiều đồn đoán về những đối tượng khả dĩ sẽ bị ông Trọng nhắm tới kế tiếp.


Ông Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hôm thứ Sáu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tạm giam vì những sai phạm trong quản lý kinh tế. Trước đó cùng ngày, Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hai nghị quyết cho thôi tư cách đại biểu quốc hội của ông, mở đường cho việc truy tố.


Được bổ nhiệm làm bộ trưởng giao thông ở tuổi 51, ông Thăng thuộc lứa lãnh đạo được xem là tương đối trẻ nằm trong diện quy hoạch nhân sự cho những vị trí cao hơn.


Ông nổi lên trên chính trường với những lời lẽ hùng hồn thu hút sự chú ý của giới truyền thông và người dân. Sau khi được điều về làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp tục chiếm lĩnh các hàng tít báo với những phát biểu hứa hẹn giải quyết những vấn đề như tham nhũng, tội phạm, giao thông và giáo dục.


Nhưng sự nghiệp chính trị của ông coi như chấm hết sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng 5 thi hành kỷ luật đối với ông và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị. Diễn biến này khơi lên đồn đoán rằng việc ông bị truy tố chỉ còn là vấn đề thời gian.


Lần gần đây nhất mà một cựu ủy viên Bộ chính trị bị khởi tố là từ hàng chục năm trước. Vào năm 1979, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt về tội phản quốc sau khi đào thoát qua Trung Quốc.


Giới phân tích nhận định ông Thăng là quân cờ lớn nhất bị đốn ngã tính tới giờ trên bàn cờ chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang đi những nước cờ ngày càng quyết đoán.


“Ông Trọng là người đặc biệt quan tâm đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa,” Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam, nói. “Trong quan điểm của ông ấy muốn duy trì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì phải có được niềm tin của dân chúng,” vốn đã bị xói mòn vì tình trạng tham nhũng tràn lan.


Tiến sĩ Dũng nhắc tới việc ông Trọng từng nghẹn ngào tại Hội nghị Trung ương 6 vào năm 2012 khi ông đọc bài diễn văn bế mạc. Ông đã thay mặt Bộ Chính trị nhận lỗi về hàng loạt những sai phạm xảy ra trong việc điều hành tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng.


“Điều đó để lại một ấn tượng tôi nghĩ là buồn và đau đớn lắm đối với ông Trọng,” Tiến sĩ Dũng nói về việc ông Trọng đã không thể kỷ luật được ông Dũng tại hội nghị đó. “Ông ấy không thể bỏ qua được chuyện đó và phải gỡ gạc thể diện. Một trong những chuyện gỡ gạc thể diện chính là chuyện ông Trọng đang làm hiện nay, chưa phải trực tiếp đối với ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng mà đối với những người của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn như ông Đinh La Thăng.”


Truyền thông trong nước cho biết ông Thăng, người từng là chủ tịch chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đang bị điều tra vì sự dính líu trong hai vụ án kinh tế được mô tả là “nghiêm trọng.”


Ông bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).


Ông cũng bị quy trách về việc làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.


Tiến sĩ Dũng nhận định việc khởi tố ông Thăng đánh dấu một cột mốc đặc biệt quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Nó cho thấy ông Trọng đã vượt qua điều mà ông Dũng gọi là “giới hạn tâm lý” của lớp lãnh đạo đương quyền, e sợ rằng những hành động mạnh tay của họ bây giờ sẽ bị thế hệ kế nhiệm “hồi tố.”


“Và bây giờ ông ấy leo lên lưng cọp luôn,” nhà bình luận chính trị này nói. “Đó là cơ sở để cho thấy rằng ông Trọng không chỉ dừng lại ở Đinh La Thăng. Khi mà đã cho bắt Đinh La Thăng rồi thì gần như chắc chắn là mục tiêu của ông Trọng là sẽ hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng. Vấn đề là có làm được hay không.”


Ông Dũng lưu ý sự tương đồng giữa chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng vào năm 2017 và điểm khởi đầu chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2012.


“Tập Cận Bình lúc đó đã xác định một cái điểm hỏa và đã thanh toán cái điểm hỏa đó là Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng khánh và cũng là ủy viên Bộ Chính trị, đưa Bạc Hy Lai ra tòa và phải nhận án chung thân,” ông nói.

“Tình hình như thế này thì chắc chắn nhẹ nhất là Đinh La Thăng sẽ phải nhận án chung thân.” - VOA

|

|


15.

Vụ PetroVietnam: Báo chí phải xin lỗi vì đăng tin “sai” của TTXVN


Chiều ngày 09/12/2017, hầu như tất cả các báo có trang mạng tại Việt Nam đều nhất loạt đưa tin về việc bộ Công An Việt Nam đã quyết định « khởi tố bị can » đối với hai cựu tổng giám đốc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam). Xuất xứ của thông tin là một bản tin chính thức của hãng tin Nhà Nước Thông Tấn Xã Việt Nam TTXVN. Thế nhưng vào buổi tối, mọi tờ báo đều đồng loạt cải chính thông tin này, xác nhận đó là tin sai lạc và xin lỗi độc giả cũng như hai nhân vật bị nêu tên.


Điểm đáng chú ý nhất là chính Thông Tấn Xã Việt Nam, trên nguyên tắc là cơ quan thông tin chính thức của Nhà Nước, và đưa những thông tin đã được kiểm chứng, lần này lại có động thái hiếm hoi là ra thông cáo cải chính bản tin mình đã đánh đi.


Nguyên văn bản cải chính của Thông Tấn Xã Việt Nam như sau : « Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi. Lúc 17h25 ngày 9/12/2017, Thông tấn xã Việt Nam phát tin số TTN1209.031 với tiêu đề "Khởi tố bị can đối với 2 nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu". Tuy nhiên, do chưa thẩm định kỹ nguồn tin, thông tin trên là chưa chính xác. Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi cùng Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an; cá nhân ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu, cùng các khách hàng sử dụng thông tin! ».


Vấn đề đặt ra là bản tin mà TTXVN sau đó tự nhận là « chưa chính xác », đã được rất nhiều phương tiện truyền thông báo chí trong nước cũng như ngoài nước tin tưởng và đăng lại, ví dụ như hãng tin Anh Reuters, trong bản tin đánh đi lúc 15 giờ 20, giờ Paris hôm qua.


Còn ở trong nước, từ tờ Nhân Dân, trong bản tin truyền hình, cho đến Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ, và các tờ báo có uy tín khác, đều loan tin theo TTXVN.


Nội dung chính của thông tin là « Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ ».


Thậm chí có những tờ báo đã đăng cả những bài tường trình dài, kể chi tiết về những sai phạm của hai ông Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, và những biện pháp kỷ luật mà hai ông đã phải chịu trong thời gian qua. Một ví dụ là hai bài viết đăng trên trang mạng của tờ An Ninh Thủ Đô, báo mạng của Công An Hà Nội.


Hiện không có thông tin nào về nguyên nhân dẫn đến việc tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam, từ TTXVN của Nhà Nước, cho đến báo của Đảng, của chính phủ, đồng loạt đưa tin sai rồi sau đó lại đồng loạt cải chính.


Tuy nhiên, căn cứ vào lời cải chính do một số tờ báo công bố, chính bộ Công An Việt Nam, vào buổi tối ngày 09/12 đã ra thông cáo khẳng định rằng tin tức được tiết lộ về việc khởi tố hai ông Đỗ Văn Hậu và Phùng Đình Thực « không đúng sự thật ». Không những thế, thông báo được đăng trên cổng thông tin của Bộ Công An còn yêu cầu « kiểm tra, xử lý những cá nhân đã đưa tin không đúng sự thật”. - RFI


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment