Monday, February 20, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 20/2

Tin Thế Giới

1.
PTT Pence: Mỹ tìm điểm chung mới với Nga

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục ‘bắt Nga phải chịu trách nhiệm’ nhưng Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo tìm cách tìm kiếm một điểm chung mới với Nga.

Phát biểu tại Brussels hôm 20/2 bên cạnh Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, ông Pence nhấn mạnh trước nỗ lực của Nga muốn dùng võ lực để vẽ lại các đường biên giới quốc tế, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực tại Ba Lan và tại các nước Baltic thông qua sáng kiến của NATO tăng cường sự hiện diện.

Về vấn đề Ukraine, ông Pence nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bắt Nga phải chịu trách nhiệm và đòi hỏi Nga phải tôn trọng thỏa thuận Minsk khởi sự bằng việc hạ thang bạo lực ở Đông Ukraine.”

Phó Tổng thống Mỹ không cho biết chi tiết về khả năng quan hệ Mỹ-Nga có thể gần gũi hơn.

Ông Pence đang thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Châu Âu kể từ khi nhậm chức Phó Tổng thống, nhằm trấn an các đồng minh rằng Mỹ vẫn là một người bạn khắng khít giữa những quan ngại về chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của tân chính quyền Trump.

Phó Tổng thống Pence tuyên bố chuyến thăm của ông nhằm bày tỏ cam kết vững mạnh của Washington về mối quan hệ hợp tác-đối tác tiếp diễn với EU.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, nhận xét những lời lẽ của ông Pence đầy hứa hẹn về tương lai quan hệ Mỹ-EU và cho thấy đường hướng của tân chính quyền Mỹ.

Theo dự kiến, trước khi kết thúc chuyến công du Châu Âu, Phó Tổng thống Mỹ sẽ gặp Tổng thư ký NATO. - VOA
|
|

2.
Vladimir Putin muốn gì trong bầu cử tổng thống Pháp?

Sau Hoa Kỳ giờ đến lượt Pháp. Yếu tố Nga lấp ló bóng dáng trong các cuộc tranh luận chính trị, từ đối nội cho đến đối ngoại của các ứng viên tổng thống Pháp. Câu hỏi đặt ra là điện Kremlin trông đợi điều gì trong đợt bầu cử sắp tới tại Pháp ?

Marine Le Pen đến Nga vay tiền năm 2014 và dự định công nhận việc sáp nhập Crimée nếu đắc cử. François Fillon, vốn cũng được Nga vỗ tay hoan nghênh ầm ĩ khi giành thắng lợi chức ứng viên tổng thống trong bầu cử sơ bộ đảng Những Người Cộng Hòa, cam kết tái lập đối thoại với Putin. Jean-Luc Melenchon bảo vệ chính sách về Syria của Matxcơva. Chỉ có Emmanuel Macron là tin rằng đang bị Nga tìm cách phá hoại chiến dịch tranh cử.

Từ những quan sát trên, liên quan đến bốn ứng viên nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Libération số ra ngày thứ Bảy 18/02/2017 nhận định giới lãnh đạo Nga rất quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay. Sau thắng lợi của ông Donald Trump tại Hoa Kỳ, vốn có lập trường ủng hộ Nga, điện Kremlin mong muốn điện Elysée cũng sẽ đón tiếp một chủ nhân mới “không có” hay “ít thù nghịch” với Nga.

Thậm chí, theo phân tích của chuyên gia Andrei Kolesnikov, thuộc trung tâm Carnegie tại Matxcơva, trong một chừng mực nào đó, bầu cử ở Pháp còn quan trọng hơn, bởi vì “thắng lợi của một ứng viên thân Nga sẽ tạo nên một trục Mỹ-Pháp. Đối với chính quyền Putin, điều đó có nghĩa là một sự chia cắt phương Tây”.

Trong con mắt của điện Kremlin, sự chia cắt này có ý nghĩa quan trọng, vì điều đó làm suy yếu mặt trận chống Nga trong chính sách đối ngoại của phương Tây, được thể hiện rõ nét qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga ngay sau vụ sáp nhập Crimée năm 2014 và việc Nga can thiệp vào xung đột ở miền đông Ukraina.

Libération trích dẫn phân tích của chuyên gia Tatiana Kastoueva-Jean, giám đốc trung tâm Nga-NEI, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri) cho rằng, “Nga trông mong có một sự đổi hướng trong vấn đề trừng phạt, nếu không gỡ bỏ được thì chí ít cũng là nới lỏng. Về hồ sơ Ukraina, điện Kremlin mong muốn Liên Hiệp Châu Âu gây nhiều áp lực lên Kiev hơn là lên Matxcơva, các tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận Minks phải được tách rời ra khỏi vấn đề trừng phạt Nga”.

Trong chiều hướng suy nghĩ này, các cơ quan tình báo của Pháp nghi ngờ Matxcơva sẽ tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống. Ngoài việc sử dụng tin tặc, Nga khai thác hết công suất các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, từ báo mạng cho đến cả các mạng xã hội. Những trang mạng thông tin được chính phủ Nga tài trợ như Russia Today và Sputnik, đôi khi bày tỏ không chút giấu giếm lập trường ủng hộ đảng Những Người Cộng Hòa – LR, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia – FN và chống lại phong trào “Tiến Bước” (En Marche).

Báo chí Nga còn phát tán những tuyên bố mơ hồ của người sáng lập trang Wikileaks, Julian Assange cho rằng đang nắm trong tay nhiều thông tin “thú vị” về ứng viên Emmanuel Macron, hay như truyền tải những phát biểu của vài nghị sĩ Pháp được cho là có lập trường thân Nga.

Theo quan sát của bà Kastoueva-Jean, thì “ngần ấy phương tiện quan trọng đã được triển khai và dường như chỉ quy tụ vào một mục đích duy nhất. Điều đó khiến người ta nghĩ đến "một chiến dịch đặc biệt" muôn mặt, có điều khiển hơn là những sáng kiến đơn lẻ và độc lập”.

Với những lập luận và lo ngại như trên, liệu có đánh giá quá cao khả năng can dự của Nga vào bầu cử của nước Pháp hay không ? Bởi vì theo quan điểm của chuyên gia Andrei Kolesnikov, “điện Kremlin hiện cũng chưa biết nhắm vào ai”. Từ lâu, giới lãnh đạo ở Matxcơva luôn tin rằng, với kịch bản Fillon – Le Pen vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, thì ai thắng cũng đều có lợi cho Nga cả. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Nga rõ ràng đã bị bất ngờ trước việc Macron liên tục tăng điểm trong các cuộc thăm dò.

Do vậy, theo ông Andrei Kortounov, giám đốc Hội Đồng Nga, một tổ chức tư vấn, được Liberation trích dẫn, thì đối với điện Kremlin, ông Macron là “một ứng viên phức tạp”, nhưng không có việc tổng thống Nga đích thân chỉ thị đánh đổ Macron, bởi vì "nếu Macron đắc cử thì sao? Ông ấy có nhiều cơ may. Và sẽ thật là xuẩn ngốc khi tự gây ra những vấn đề trong quan hệ với Pháp". - RFI
|
|

3.
Nga sắp chuyển giao trực thăng cho Ấn

Nga sẽ khởi sự các chuyến giao hàng đầu tiên chuyên chở trực thăng quân sự tới Ấn Độ vào năm 2019, giám đốc điều hành công ty quốc doanh sản xuất trực thăng của Nga Russian Helicopters loan báo ngày 20/2.

Ấn và Nga ký thỏa thuận vào tháng 10 năm ngoái cùng sản xuất 200 trực thăng KA-226T cho lực lượng võ trang Ấn.

Cả hai nước nhất trí hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng trong lúc Ấn đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng võ trang và xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân và quốc gia đang bị chế tài Nga đang tìm kiếm các nguồn đầu tư và thị trường mới.

“Liên doanh đang tiến triển và chuyến hàng đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2019. Dịch vụ hậu mãi cũng sẽ được cung cấp tại Ấn,” ông Andrey Boginsky, CEO của công ty Russian Helicopters cho biết.

Vẫn theo nguồn tin này, khoảng 60 trực thăng sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ và 140 chiếc còn lại sẽ được lắp ráp hoặc sản xuất tại Ấn.

Ông Boginsky cho biết thêm công ty của Nga đã khởi sự sản xuất trực thăng Mi-171A2 tiên tiến đảm nhiệm nhiều vai trò và rằng Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu quan tâm đến sản phẩm này.

Công ty Russian Helicopters dự kiến sẽ bán được 220 chiếc trực thăng trong năm nay so với 190 chiếc bán trong năm ngoái. Trực thăng quân sự chiếm 2/3 doanh số. - VOA
|
|

4.
Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á

Nhật muốn cung cấp các xe vận tải quân sự đã qua sử dụng cho các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN giữa các quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong kỳ họp Quốc hội hiện tại, Nhật dự định thông qua một dự luật cho phép Tokyo tặng thiết bị quốc phòng cho các đối tác nước ngoài.

Nhật mong muốn thảo luận với các nước sẽ trao tặng như Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia, và Indonesia sớm nhất là mùa hè này, đồng thời cũng đang tính tới việc gửi các binh sĩ sang các nước để huấn luyện cách vận hành.

Nhật cấm xuất khẩu võ khí, nhưng từ năm 2014 đã nới lỏng những hạn chế khi thông qua 3 nguyên tắc chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng.

Mới tuần trước, Nhật nhắc lại ý định sẵn sàng phát huy hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN.

Hai chiếc máy bay TC-90 đầu tiên trong gói năm chiếc mà Nhật cho Philippines thuê để tuần tra biển sẽ được chuyển giao vào cuối tháng ba năm nay giữa lúc Tokyo đề nghị tăng cường hợp tác quốc phòng với Manila thông qua các hoạt động trao đổi và chuyển giao thiết bị quốc phòng.

Trong khi đó, Nhật cũng đang soạn thảo khung sườn pháp lý cho phép chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Thái Lan. Đôi bên hy vọng khung sườn chung quyết sẽ hoàn tất để ký kết vào giữa năm nay.

Nhật có kho dự trữ lớn các thiết bị quốc phòng đã qua sử dụng nhưng được bảo trì tốt như phản lực cơ chiến đấu hay các tàu khu trục.

Hợp tác quốc phòng giữa Nhật với ASEAN đang dần chuyển hóa từ trao đổi quân sự thành gầy dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tính chất sự hợp tác này ngày càng trở nên chiến lược hơn, bao gồm hợp tác xây dựng khả năng quân sự và chuyển giao kỹ thuật quân sự.

Năm ngoái, Nhật đã cung cấp tàu cho Philippines và Việt Nam giúp củng cố an ninh hàng hải cho hai nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc lâu nay cũng đã cung cấp xe quân sự đã qua sử dụng cho các nước ASEAN trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng. - VOA
|
|

5.
ASEAN-Trung Quốc nỗ lực với Quy tắc Biển Đông

Philippines loan báo Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á đang nỗ lực hết mình để hoàn thành khung sườn của Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) trước thời hạn đã đề ra.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, ngày 19/2 cho báo giới biết ASEAN và Trung Quốc đã có cam kết tới giữa năm nay phải đạt được khung sườn COC.

Vẫn theo lời ông Jose, giới chức đôi bên đang nỗ lực hết mình để hoàn tất trước thời hạn này.

Trước đó, Philippines, nước chủ tịch ASEAN năm nay, cho hay ASEAN nhắm đạt được khung sườn COC trong năm, một thỏa thuận mang tính ràng buộc hầu đảm bảo hòa bình-ổn định Biển Đông.

Khung sườn COC là bước quan trọng tiến tới việc chung quyết một Bộ quy tắc COC thực thụ.

Các cuộc thương lượng giữa ASEAN với Trung Quốc về COC đã kéo dài hơn chục năm nay.

Phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines được đưa ra trong lúc Ngoại trưởng các nước ASEAN chuẩn bị họp tại Boracay vao ngày 21/2. Trong số các đề tài thảo luận dịp này có phần chắc sẽ đề cập đến tân chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, cùng các mối quan tâm khác trong khu vực. - VOA
|
|

6.
Washington 'sắp đưa Bắc Hàn sang hội đàm'

Các bước chuẩn bị đang được tiến hành để đưa giới chức Bắc Triều Tiên sang Mỹ hội đàm với các cựu quan chức Hoa Kỳ trong cuộc họp đầu tiên sau hơn 5 năm, Reuters dẫn tin từ Washington Post hôm 19/2.

Các cuộc thảo luận này sẽ là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên muốn giao tiếp với tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Tờ Washington Post dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết kế hoạch cho các cuộc đàm phán mang tên ‘Track 1.5’ còn đang ở bước chuẩn bị.

Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin này, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa chấp thuận visa cho phái đoàn giới chức Bắc Triều Tiên.

Một phát ngôn nhân của Bộ nói với Reuters rằng chỉ có các cuộc họp ‘Track 2’ thường kỳ diễn ra, độc lập với chính phủ Mỹ, thảo luận về các vấn đề xung quanh thế giới.

Một giới chức Tòa Bạc Ốc cho hay chính phủ Mỹ chưa có kế hoạch gặp Bắc Triều Tiên.

Sau cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo tầm trung hồi tuần rồi của Bình Nhưỡng khiến quốc tế lên án, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rõ ràng Bắc Triều Tiên là một vấn đề lớn và chúng ta sẽ đối phó với việc này một cách cực kỳ mạnh mẽ. - VOA
|
|

7.
Thụy Điển đòi tổng thống Mỹ giải thích một vụ tấn công khủng bố tưởng tượng

Để biện minh cho chính sách đóng cửa biên giới, tổng thống Mỹ gián tiếp phao tin Thụy Điển phải hứng chịu hậu quả tai hại vì chính sách hào phóng đón nhận người nhập cư. Phát biểu nói trên được chủ nhân Nhà Trắng đưa ra nhân một cuộc mít tinh tại Florida, ngày 18/02/2017. Lập tức, tòa đại sứ Thụy Điển tại Washington yêu cầu bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải thích về phát biểu của ông Trump.

Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington, Anne – Marie Capomaccio cho biết thêm :

''Hãy nhìn xem những gì xảy ra tại Đức. Hãy nhìn xem điều gì xảy ra tại Thủy Điển tối hôm qua. Ai có thể ngờ là Thụy Điển, một quốc gia đã mở cửa đón nhận biết bao nhiêu người, để rồi phải đối mặt với nhiều vấn đề ". Tổng thống Trump tuyên bố như trên trước khi nhắc tới các vụ khủng bố ở Nice, ở Paris. Một cách gián tiếp, ông đã đề cập đến một vụ tấn công xảy ra trên lãnh thổ Thủy Điển vào ngày thứ Sáu vừa qua.

Tương tự như vậy, vài ngày trước, cố vấn đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ đã phao tin một vụ khủng bố đã xảy ra ngay tại Mỹ. Giờ đây một số các phương tiện truyền thông tẩy chay bà Kellyanne Conway. Bà cố vấn tổng thống bị xem là một nguồn cung cấp thông tin không đáng tin cậy.

Nhưng trong trường hợp với Thụy Điển, thì đích thân tổng thống Mỹ lên tiếng. Cho đến nay, mỗi lần bị bắt quả tang phao tin thất thiệt, Donald Trump thường chống chế là ông đã " nghe phong phanh thấy tin này ở đâu đó ".

Lần này, trên mạng Twitter, tổng thống Hoa Kỳ giải thích là ông đã " xem một phóng sự về tội phạm hình sự tại Thụy Điển ", và phóng sự này được chiếu trên kênh truyền hình nổi tiếng là có lập trường bảo thủ FoxNews.

Dù vậy, sau phản ứng bàng hoàng ban đầu, Stockholm chính thức lên tiếng yêu cầu bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải thích về những lời lẽ của tổng thống Trump. Không chắc là tin nhắn trên mạng xã hội có đủ sức thuyết phục". - RFI
|
|

8.
Châu Á và Trung Đông làm thị trường vũ khí thế giới tăng kỷ lục

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Vì Hòa Bình Stockholm SIPRI hôm nay 20/02/2017, các thương vụ mua bán vũ khí trên thế giới trong vòng 5 năm qua đạt mức kỷ lục từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh, do nhu cầu không ngừng tăng của châu Á và Trung Đông.

Theo SIPRI, trong khoảng từ 2012 đến 2016, châu Á và châu Đại Dương đã nhập khẩu 43% lượng vũ khí thông thường bán ra trên thế giới, tức là tăng 7,7% so với cùng giai đoạn 5 năm trước đó ( 2007-2011). Cùng thời điểm này, nhập khẩu vũ khí của các nước trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh đã tăng vọt từ 17% lên 29%.

Chuyên gia Pieter Wazeman thuộc SIPRI nhận định : « Trong 5 năm qua, phần lớn các quốc gia Trung Đông đều hướng về Mỹ và châu Âu để tìm cách nâng cao khả năng quân sự ». Mặc dù có khó khăn về giá dầu giảm, nhưng các nước này vẫn không ngừng gia tăng mua sắm vũ khí trong năm 2016. Nguyên do là các cuộc xung đột và căng thẳng trong vùng ngày càng phổ biến.

Ả Rập Xê Út là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới với mức tăng đều đặn 212% trong 5 năm và chỉ xếp sau Ấn Độ.

Về thị phần xuất khẩu vũ khí, Hoa Kỳ vẫn luôn đứng đầu với 33%, xếp trên Nga 23%, tiếp đó là Trung Quốc với 6,2% và Pháp 6% cuối cùng là Đức chiếm 5,6% thị phần.

Theo SIPRI, chỉ riêng 5 nước trên đã chiếm 75% vũ khí hạng nặng bán ra trên thế giới.

Hoa Kỳ và Pháp là hai nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Trung Đông, trong khi Nga và Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường châu Á. - RFI
|
|

9.
Philippines: Một cựu cảnh sát tố tổng thống Duterte chỉ đạo giết người

Hôm nay, 20/02 /2017, một cảnh sát về hưu đã tố tổng thống Philppines Rodrigo Duterte khi còn là thị trưởng đã lãnh đạo biệt đội tử thần tham gia sát hại nhiều người? trong đó có một nhà báo và một phụ nữ mang thai.

Theo AFP, cựu nhân viên cảnh sát là Arthur Lascanas. Hôm nay, ngồi giữa ba luật sư bảo vệ nhân quyền trong một cuộc họp báo tại Manila, ông đã bật khóc khi kể lại hàng loạt các vụ giết người tại Davao, thành phố lớn phía nam Philippines, nơi ông Duterte làm thị trưởng hơn 20 năm trước khi đắc cử tổng thống Philippines,

Nhân chứng tố cáo ông Duterte đã chỉ đạo các vụ sát hại như vậy vừa để chống tội phạm, vừa nhằm loại bỏ đối lập.

Cựu cảnh sát Lascana còn khẳng định chính ông đã giết hai anh em dính líu đến ma túy chỉ vì « lòng trung thành mù quáng » đối với ông Duterte và để lĩnh thưởng.

Ông Lascanas khẳng định, hồi năm 2003, ông Duterte đã chi 3 triệu peso ( gần 60 000 đô la Mỹ) cho ông và một số cảnh sát để hạ thủ ông Jun Pala, một nhà báo nổi tiếng vì chống đối thị trưởng.

Năm ngoái, trước ủy ban điều tra của Thượng Viện Philippines, một người đàn ông được cho là sát thủ đã khai chính ông Lascanas là một trong số các chỉ huy của biệt đội tử thần. Khi đó, ông Lascanas đã phủ nhận trước Thượng Viện. Giờ đây ông giải thích, sau khi về hưu cảm thấy lương tâm cắn rứt và cần phải nói lên sự thật.

Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống R. Duterte bị tố cáo đã chỉ huy biệt đội tử thần của thành phố Davao.

Thời gian qua, có lúc ông Duterte thừa nhận, nhưng có khi lại phủ nhận về sự tồn tại của biệt đội tử thần ở Davao. Gần đây ông cũng đã khoe từng đích thân bắn chết một đối tượng ma túy để làm gương cho cảnh sát.

Phát ngôn viên của phủ tổng thống, Martin Anadanar, đã bác bỏ các tố giác của ông Lascanas và coi đó là hành vi tiếp tay cho âm mưu lật đổ tổng thống và chính phủ. - RFI
|
|

10.
Malaysia sắp công bố kết quả khám nghiệm Kim Jong Nam --- Con trai Kim Jong Nam sắp tới Malaysia --- Phía VN "chưa được tiếp xúc lãnh sự với Đoàn Thị Hương"

Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, ngày 20/2 khẳng định cuộc điều tra vụ ám sát Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên, sẽ ‘khách quan’ giữa bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa hai nước.

Trước đó trong ngày hôm nay, Malaysia loan báo đã triệu hồi đại sứ từ Bình Nhưỡng và triệu đại sứ Bắc Triều Tiên tại Kuala Lumpur, người đã lên tiếng ngờ vực về tính khách quan của cuộc điều tra mà Malaysia đang tiến hành đồng thời cũng tuyên bố là nạn nhân không phải là ông Kim Jong Nam.

“Chúng tôi không có lý do gì mà bêu xấu Bắc Triều Tiên, nhưng chúng tôi sẽ khách quan,” Thủ tướng Malaysia nói với báo giới tại thủ đô Kuala Lumpur.

Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy ông Kim Jong Nam bị tấn công tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur hôm thứ hai tuần trước bởi một phụ nữ, người bị cho là đã ụp vào mặt ông Kim một chất độc kích hoạt nhanh.

Ông Kim Jong Nam, 46 tuổi, từng sinh sống trên lãnh thổ Macau của Trung Quốc dưới sự bảo vệ của Bắc Kinh. Ông từng lên tiếng công khai phản đối triều đại cai trị của gia đình ông đối với đất nước Bắc Triều Tiên cô lập nhưng có võ khí hạt nhân.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc tuần trước dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo cho hay lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, đã ra lệnh ám sát người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam và rằng vào năm 2012 tùng có một âm mưu đoạt mạng ông Kim Jong Nam nhưng bất thành.

Cảnh sát Malaysia đang truy lùng 4 người Bắc Triều Tiên đã rời khỏi Malaysia ngay trong ngày diễn ra vụ ám sát. Tới nay, đã có 1 người Bắc Triều Tiên, 1 phụ nữ mang giấy tờ Việt Nam, một phụ nữ Indonesia, và một công dân Malaysia bị bắt.

Trong 4 người Bắc Triều Tiên đang bị truy nã, có ít nhất 3 người đã lên chuyến bay của hãng hàng không Emirates từ Jakarta đi Dubai vào chiều tối thứ hai tuần trước, một giới chức di trú tại Indonesia cho Reuters biết.

Theo tờ Star của Malaysia, cả 4 nghi can này đã trở về Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Y tế Malaysia cho hay kết quả khám nghiệm tử thi ông Kim Jong Nam có thể sẽ được công bố vào ngày thứ tư tuần này. - VOA

***
Con trai ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên bị ám sát tại Malaysia tuần trước, chiều tối nay sẽ đáp máy bay tới thủ đô Malaysia.

Reuters dẫn nguồn tin từ một hãng máy bay cho biết ông Kim Han Sol sẽ tới Kuala Lumpur trên chuyến bay của hãng AirAsia cất cánh từ Macau.

Chính quyền Malaysia đã tuyên bố sẽ bàn giao thi thể nạn nhân cho thân nhân. Người ta nghi rằng ông Kim Jong Nam bị đặc vụ Bắc Triều Tiên ám sát. - VOA

***
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phía Malaysia chưa cho tiếp xúc lãnh sự với Đoàn Thị Hương, người bị nghi liên quan vụ sát hại Kim Jong-nam.

Tin mới nhất cho hay "ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc Malaysia bắt giữ một nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan".

Website Chính phủ Việt Nam dẫn lời đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói do phía Malaysia "cho biết do đây là vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ" nên "quá trình xác minh chưa có tiến triển".

Trước đó một người đàn ông ở Nam Định nói với hãng Reuters rằng ông tin em gái mình là nghi phạm Đoàn Thị Hương.

Người đàn ông họ Đoàn và có tên thánh là Joseph (Giuse) khẳng định rằng em mình tên Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988 tại tỉnh Nam Định.

Những chi tiết này khớp v thông tin do cảnh sát Malaysia công bố.

"Chúng tôi nghe tin này trên Internet và xem hình ảnh nghi phạm thì thấy có vẻ như em gái tôi. Tôi không thể chắc 100% vì lâu rồi anh em không gặp nhau," ông nói.

Người nông dân này cho biết em gái mình dường như là người phụ nữ mặc áo thun ghi chữ 'LOL' trong ảnh chụp lại từ camera an ninh của sân bay.

Ông cho biết "chính quyền Việt Nam đã liên lạc và trợ giúp", theo Reuters.

Ông cho biết em mình đi khỏi nhà năm 18 tuổi và thỉnh thoảng mới về và không cho ai biết khi nào sẽ về lại.

"Mỗi lần em gái về, tôi chỉ biết khuyên nó học hành và làm việc chăm chỉ," ông nói.

Hình của cảnh sát Malaysia công bố ghi rõ số hộ chiếu Việt Nam số C1031046 của nghi phạm 'Doan Thi Huong', ngày quá cảnh từ Hà Nội 04/02/2017 và ngày dự kiến rời Malaysia 23/02 để về Hà Nội.

Tất cả các báo nước ngoài hiện vẫn ghi họ tên người này theo dạng không dấu, Doan Thi Huong.

Trong khi đó báo Thanh Niên đưa tin cho hay theo hồ sơ tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nam Định, có một người là Đoàn Thị Hương có trùng một số thông tin, đặc biệt là trùng ngày sinh 31.5.1988, đã làm hộ chiếu phổ thông tại phòng này vào ngày 21.10.2015.

Báo VnExpress trong khi đó mô tả bố của Đoàn Thị Hương "đã được nhà chức trách mời cung cấp thông tin".

Người thương binh hạng 2/4 được dẫn lời nói con gái ông, Đoàn Thị Hương là út, sống khép kín, ít chia sẻ với người thân và "thoát ly" gia đình từ khi về Hà Nội học trung cấp dược và 2-3 tháng về thăm nhà một lần.

Bố của Đoàn Thị Hương cũng được dẫn lời nói suốt 10 năm qua mặc dù gia đình gặng hỏi nhưng Hương "lảng tránh, không trả lời địa chỉ tạm trú cũng như nơi làm việc."

Trong khi đó, Phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla đã lên tiếng bảo vệ nghi phạm Siti Aishah là công dân Indonesia. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
TNS McCain, TT Trump và 'những kẻ độc tài'

Bênh vực báo chí trước sự công kích mới nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo rằng đàn áp tự do báo chí là “cách những kẻ độc tài khởi sự”.

Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa từ tiểu bang Arizona trả lời như vậy sau khi ông Trump lên Twitter để cáo buộc truyền thông là “kẻ thù của người dân Mỹ”.

Trả lời phỏng vấn của chương trình “Meet the Press” của kênh NBC, phát sóng sáng 19/2, ông McCain, người từng nhiều lần chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng trật tự quốc tế sau Thế Chiến II được thiết lập một phần dựa trên tự do báo chí.

“Tôi ghét báo chí. Tôi đặc biệt ghét anh”, ông McCain nói với người phỏng vấn Chuck Todd từ một hội thảo an ninh quốc tế ở Munich. “Nhưng thực tế là chúng ta cần anh. Chúng ta cần một nền báo chí tự do. Chúng ta cần phải có nó. Đó là điều sống còn”.

Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ nói tiếp: “Nghiêm túc mà nói, nếu chúng ta muốn duy trì nền dân chủ như chúng ta đều biết, thì ta phải có một nền báo chí tự do, và nhiều khi, đối nghịch. Và nếu thiếu nó, tôi e rằng về lâu dài, chúng ta sẽ đánh mất đi nhiều quyền tự do cá nhân. Đó là cách những kẻ độc tài khởi sự”.

“Chúng khởi sự bằng cách đàn áp tự do báo chí. Nói một cách khác, một sự củng cố quyền lực. Khi ta nhìn lại quá khứ, điều đầu tiên những kẻ độc tài làm là bịt miệng báo chí. Tôi không nói là Tổng thống Trump đang tìm cách trở thành một kẻ độc tài. Tôi chỉ nói rằng chúng ta cần phải học bài học lịch sử”, ông McCain được Reuters dẫn lời nói.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jeanne Shaheen thuộc Đảng Dân chủ từ tiểu bang New Hampshire, nói tại cuộc hội thảo ở Đức rằng bà cũng quan ngại về các phát biểu của ông Trump.

“Mối nguy thực sự là chuyện tổng thống chỉ trích truyền thông. Một nền báo chí tự do là điều rất quan trọng dể duy trì dân chủ, và nỗ lực của tổng thống nhằm gây tổn hại và kiểm soát báo chí là điều rất nguy hiểm”, bà Sheheen nói.

Bình luận của các nhà lập pháp Hoa Kỳ được đưa ra vài ngày sau cuộc họp báo của ông Trump, trong đó Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp chỉ trích các tin tức về tình trạng hỗn loạn tại Nhà Trắng, cũng như việc để lộ nội dung các cuộc điện đàm giữa ông với các nhà lãnh đạo của Mexico và Australia. - VOA
|
|

12.
Graham đòi TT Trump trừng phạt Nga 'can thiệp bầu cử'

Một thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hòa Mỹ hôm Chủ nhật, 19/2, kêu gọi Tổng thống Donald Trump có hành động chống lại nước Nga liên quan đến những cáo buộc Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử đưa ông lên nắm quyền.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã nói với ông Trump rằng Moscow đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cử tri bằng cách tấn công tin tặc vào email của đảng Dân chủ và một số trang web truyền thông xã hội, nhưng ông Trump đã tìm cách xem nhẹ vai trò của Nga trong cuộc bầu cử.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng tại Hội nghị An ninh Munich, Thượng nghị sĩ South Carolina Lindsey Graham nói Quốc hội cần tham gia để đảm bảo rằng vụ tấn công tin tặc như đã cáo buộc phải chịu "những hậu quả''.

Ông Graham nói: "2017 sẽ là một năm mà Quốc hội cho Nga một trận”.

Đề cập đến các cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp và Đức trong năm nay và những lo ngại về sự can thiệp bên ngoài, ông Graham nói: "Tôi hứa với tất cả mọi người trong căn phòng này rằng Quốc hội Mỹ sẽ có xem xét kỹ lưỡng những gì mà Nga đã làm để phá hoại cuộc bầu cử của chúng tôi, nhờ vậy, quỹ vị bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn khi họ tiến đến quý vị''.

Ông cho biết ông có kế hoạch trình lên một dự luật lưỡng đảng về các biện pháp mới trừng phạt Nga và nó sẽ nhận được "hơn 75 phiếu bầu''.

Ông Graham nói: "Mục tiêu của tôi là để đặt nó trên bàn của ông Trump và tôi hy vọng ông ấy sẽ chấp nhận ý tưởng là với cương vị nhà lãnh đạo của thế giới tự do, ông ấy cần phải làm việc với chúng tôi để trừng phạt Nga''. - VOA
|
|

13.
Ông Trump làm việc trở lại sau cuộc mít-tinh lớn

Tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông ở Florida, nơi ông nghỉ cuối tuần, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có kế hoạch dành ngày Chủ nhật để phỏng vấn một số ứng cử viên đang nhắm đến chức cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống.

Trong số những người có lịch gặp ông Trump để bàn về chức vụ này là cố vấn tạm quyền, Trung tướng Lục quân hồi hưu Keith Kellogg; John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc; Trung tướng Lục quân H.R. McMaster; và giám đốc của Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, Trung tướng Robert Caslen.

Ông Trump cũng có kế hoạch điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài và có cuộc họp bàn về chính sách chăm sóc y tế.

Hôm thứ Bảy, tại cuộc mít tinh lớn ở Melbourne, Florida, ông Trump tuyên bố chính quyền của ông đã có những "tiến bộ đáng kinh ngạc", nhưng một lần nữa ông đã phàn nàn về điều mà ông gọi là truyền thông Mỹ không đưa tin trung thực.

Cảnh sát Melbourne cho biết khoảng 9.000 người đã tham dự cuộc mít tinh của tổng thống.

Ông Trump bác bỏ các tin tức nói rằng các nhân viên Tòa Bạch Ốc vô tổ chức, không hiệu quả và quá nhiều tranh cãi. Ông nói rằng một lần nữa đó là kết quả của việc đưa tin sai.

Ông đã nhắc lại lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông về trường học tốt hơn, công việc tốt hơn cho người lao động Mỹ và một hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn.

Ông Trump nói thêm: "Nhân đây, trong vài tuần nữa chúng tôi sẽ đệ trình một kế hoạch chăm sóc y tế tuyệt vời sẽ thay thế cho thảm họa có tên là Obamacare" - một tên gọi khác của Luật Chăm sóc Y tế Giá cả Phải chăng, được thông qua trong thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Trump hứa rằng hệ thống chăm sóc y tế do chính phủ đứng sau "sẽ bị bãi bỏ và thay thế", mặc dù ông không đưa ra các chi tiết. - VOA
|
|

14.
Tên lửa SpaceX cất cánh từ bệ phóng lịch sử NASA

Hãng SpaceX đã phóng thành công tên lửa vận tải Falcon 9 không người lái của hãng từ Bãi phóng thuộc Trung tâm vũ trụ Kennedy tại Mũi Canaveral, Florida.

Tên lửa vận tải sẽ mang thực phẩm và các hàng hóa khác đến cho các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế. Đây là đợt chuyển hàng thứ 10 trong số 20 đợt mà NASA ký hợp đồng để SpaceX thực hiện.

Đây là lần phóng thành công đầu tiên của SpaceX tại Florida sau vụ một trong những tên lửa của công ty đã phát nổ ở đó vào tháng 9/2016. Bệ phóng này lần cuối được sử dụng cho chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi của NASA là gần sáu năm trước.

Vào ngày 18/1, SpaceX đã phóng thành công một trong những tên lửa Falcon 9 từ Căn cứ không quân Vandenberg ở miền nam California. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

15.
Cuộc gặp cấp cao Việt-Mỹ đầu tiên thời TT Trump

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 17/2 gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong cuộc tiếp xúc được coi là cấp cao nhất đầu tiên giữa phía Hà Nội và chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Cuộc gặp giữa ông Minh và ông Tillerson diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Bonn của Đức.

Theo cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Minh “đánh giá cao sự hiểu biết và đóng góp của Ngoại trưởng Tillerson vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung”.

Ông Minh cũng được dẫn lời khẳng định rằng “Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước”.

Ngoài ra, theo VGP News, ông Minh “nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã mời Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp tại Đà Nẵng tháng 11/2017”. Ông Minh cũng mời Ngoại trưởng Mỹ “sớm thăm Việt Nam”.

Theo phía Việt Nam, quan chức ngoại giao hàng đầu của đôi bên cũng “đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”. Chưa rõ các vấn đề đó là gì. Trong cuộc điều trần chuẩn thuận vào chức Ngoại trưởng Mỹ cuối năm ngoái, ông Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông.

Trong chuyến công du châu Á đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 4/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ông Tillerson, ông Minh cũng gặp Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Brazil José Serra.

Phía Mỹ chưa công bố thông tin gì về cuộc gặp giữa ông Tillerson và Phó Thủ tướng Việt Nam. Một bức ảnh được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cho thấy Ngoại trưởng Hoa Kỳ chụp ảnh chung với nhiều quan chức ngoại giao hàng đầu các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 17/2 cũng gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp cấp cao nhất giữa quan chức hai nước kể từ khi ông Trump nhậm chức, theo AFP. - VOA
|
|

16.
Lý do gây vệt nước đỏ Vũng Áng là gì?

Việc nói dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng "là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải", như giải thích của UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là "không thuyết phục", một chuyên gia độc học môi trường Việt Nam bình luận với BBC.

Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ "không bao giờ là màu đỏ" mà thường có màu đen hay màu xanh đen. "Màu đỏ là màu của oxit sắt 3".

Hai hiện tượng dải nước đỏ

Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào 19/1, truyền thông trong nước đưa tin.

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về hiện tượng một dải nước màu đỏ đục xuất hiện vào sáng 18/2 tại khu vực cảng Sơn Dương thuộc công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã đến kiểm tra và lấy mẫu nước đi phân tích.

Đồng thời, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay dòng nước màu đỏ chảy ra từ một miệng cống xuống biển.

Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh được trang tin VietnamNet dẫn lời, nói hôm 19/2 về kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra hồi tháng Một ở Vũng Áng: "Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, co con người sinh hoạt, xả thải." Đây cũng là kết quả được Viện Công nghệ và Môi trường gửi cho Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.

Một lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói "hiện tượng vệt nước đỏ xuất hiện ngày 17.2 tại cảng Sơn Dương và Vũng Áng không có gì nguy hiểm", và "hải sản tại khu vực đó vẫn phát triển bình thường", báo Lao động đưa tin.

Hôm 20/2, BBC đã liên hệ qua điện thoại với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh đồng thời là Trưởng ban Khu kinh tế Hà Tĩnh, nhưng ông từ chối bình luận.

Nguyên nhân hiện tượng dải nước đỏ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước biển đỏ, Giáo sư Lê Huy Bá nói với BBC.

Chẳng hạn như hiện tượng này có thể xảy ra khi "đất nhiệt đới có mầu đỏ vì chứa nhiều chất sắt, sau khi mưa nước chảy ra biển mang màu đỏ", và trường hợp này, theo ông Bá, là "không đáng ngại".

Một hiện tượng tự nhiên khác có thể khiến nước biển chuyển màu đó là hiện tượng thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa). Tuy nhiên, giáo sư Bá khẳng định hiện tượng này thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ "không vào thời kỳ này".

Một nguyên nhân khác có thể có, là do sản phẩm của chất xả thải công nghiệp, nhưng muốn khẳng định được nguyên nhân của hiện tượng này, các nhà khoa học phải được "tận mắt tận tay quan sát", Giáo sư Bá nói.

Ông Lê Xuân Thế, một ngư dân sống cách vùng biển Vũng Áng 3km, nói với BBC ông đi biển tới nay đã hơn 50 năm nhưng "chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ trên biển".

Chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói đến dường như không được công bố một cách chính thức và rộng rãi.

"Bản thân chúng tôi [các nhà khoa học] rất được muốn biết để hiểu được thực chất của vấn đề một cách khách quan nhưng có được xem đâu," Giáo sư Lê Huy Bá nói, và cho biết mình cũng chỉ biết theo dõi tin trên báo chí.

Tuy nhiên, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, bộ phận trắc quan của Bộ Tài Nguyên Môi trường và đại diện của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa đã kiểm tra các cống xả thải của Formosa và kết luận doanh nghiệp này "không có đường ống xả thải nào như clip phát tán trên mạng xã hội", trang tin Zing tường thuật.

Giới chức tới giờ chưa có bình luận nào về địa điểm có thể của cống xả thải quay trong video clip nói trên. - BBC
|
|

17.
Cướp biển giết một và bắt cóc sáu thuyền viên VN ở biển Philippines

Một tàu vận tải thuộc Công ty cổ phần Vận tải biển quốc tế của Việt Nam bị cướp biển có vũ trang tấn công ở vùng biển Philippines vào chiều tối ngày 19/2/2017, giết chết một thuyền viên và bắt cóc 6 thuyền viên.

Chủ tàu Giang Hải thuộc công ty vận tải biển nói trên đã gửi báo cáo cho Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam về vụ tấn công trong đó thuyền trưởng và hai thuyền phó cùng các thợ máy và thủy thủ hiện đang bị bắt cóc, và thuyền viên Vũ Đức Hạnh bị những kẻ tấn công bắn chết.

Được biết hiện tàu vận tải biển này đang đậu ngoài cảng Sandakan của Malaysia; cảnh sát Philipines đang phối hợp điều tra.

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải biển quốc tế được báo điện tử Giao thông trích dẫn cho biết tàu Giang Hải với thủy thủ đoàn 17 người đã bị tấn công khi đang trên đường đến Philippines, chở 4.500 tấn xi măng khởi hành từ cảng Biringkassi của Indonesia.

Phát ngôn viên lực lượng duyên hải Philippines, ông Armand Balilo, cho biết tàu bị cướp biển tấn công vào đêm Chủ nhật, cách Pearl Bank ở Tawi-Tawi thuộc tỉnh cực nam Philippines chừng 31 cây số.

Con tàu trôi nổi gần đảo Baguan của tỉnh này khi tàu cứu hộ của lực lượng duyên hải Philippines tìm thấy con tàu với 10 thuyền viên còn sống sót.

Phát ngôn viên quân đội Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, nói còn quá sớm để nói được liệu những kẻ tấn công tàu có phải là thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan Philippines Abu Sayyaf chuyên bắt cóc người để đòi tiền chuộc đã hoạt động tại vùng biển này từ hàng chục năm nay hay không.

Vùng biển giữa Malaysia và nam Philippines đã trở nên ngày càng nguy hiểm trong những năm gần đây khi các nhóm Hồi giáo cực đoan Philippines quay ra cướp biển, lên tàu bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc.

Các viên chức hàng hải cảnh báo tình trạng kiểu "cướp biển Somalia" đang nổi lên tại vùng biển nếu những vụ tấn công như thế này không được xử lý.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, trước đó hồi trong tháng cho biết Philippines có kế hoạch yêu cầu Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của họ, tiến hành các cuộc tập trận chung tại vùng biển phía nam.

Hồi tháng 11/2016, một tàu của Việt Nam, tàu Royal 16 khởi hành từ Quảng Ninh trên đường vận chuyển xi măng đến Philippines cũng đã bị cướp biển tấn công ở vùng biển thuộc Philippines và bắt đi sáu thuyền viên.

Hồi năm 2012, 26 thủy thủ đã bị bắt trên con tàu đánh cá Đài Loan FV Naham 3, trong đó có ba người Việt Nam và các thủy thủ quốc tịch Philippines, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Đài Loan. - BBC
|
|

18.
Biển Đông: Việt Nam bắt đầu có chiến lược mới chống Trung Quốc

Theo các chuyên gia quân sự, đối sách chủ yếu chống Trung Quốc trên Biển Đông của Việt Nam gần đây là chiến lược gọi là sea denial - chống tiếp cận từ ngoài biển -nghĩa là dùng các phương tiện thông thường ngăn không cho lực lượng đối phương thâm nhập.

Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng trên trang mạng tờ báo Mỹ The National Interest ngày 16/02/2017, chuyên gia về Hải Quân Đông Nam Á Koh Swee Lean Collin thuộc trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore cho rằng Hải Quân Việt Nam đã thay đổi đối sách để chuyển sang sử dụng chiến lược counter-intervention – chống can thiệp – mà chủ lực sẽ là 6 tàu ngầm lớp Kilo có trang bị tên lửa hành trình Klub-S đã được Nga bàn giao đầy đủ.

Với tầm bắn 300 km, loại tên lửa này - gọi là SLCM (sea launched land-attack cruise missile), phóng đi từ ngoài biển nhắm vào các mục tiêu trên bờ - có thể đánh vào các căn cứ và sân bay Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ hải quân gần Tam Á (Sanya) ở phía nam đảo Hải Nam, nơi tập trung chủ lực các lực lượng Trung Quốc phụ trách Biển Đông.

Bài báo mở đầu bằng nhận xét ca ngợi hai chiến thắng Bạch Đằng của người xưa trước quân Trung Quốc xâm lược.

Năm 1287, tướng Ô Mã Nhi của nhà Nguyên dẫn đầu một đạo quân hùng hậu cùng vô số chiến thuyền đến xâm lược nước Đại Việt (tức Việt Nam ngày nay). Với đội quân tiên phong thiện chiến người Mông Cổ, có vẻ như đây sẽ là một trận thắng dễ dàng của quân Nguyên. Nhưng thực tế lại ngược lại với trận hải chiến một năm sau đó. Ở cửa sông Bạch Đằng gần Vịnh Hạ Long, tướng Trần Hưng Đạo đã tái hiện lại trận đánh năm xưa của Ngô Quyền chống quân xâm lược Nam Hán năm 938.

Theo cách đánh của Ngô Quyền, tướng Trần Hưng Đạo đã cho cắm các cây cọc đầu bọc sắt ở dưới lòng ba phụ lưu con sông, và chờ lúc thủy triều lên cao thì dụ chiến thuyền Mông Cổ tiến vào vùng nước nông. Khi thủy triều rút xuống, chiến thuyền Mông Cổ đã bị cọc sắt đâm vào làm mắc cạn. Những chiến thuyền nhỏ của quân Đại Việt khi đó bắt đầu tiến ra vây quanh đội chiến thuyền của Mông Cổ và ồ ạt phóng hỏa đốt cháy các chiến thuyền của quân địch bị bất động. Trận Bạch Đằng là một thất bại nặng nề của hạm đội xâm lược của nhà Nguyên.

Theo tác giả bài nghiên cứu, nếu chiến thắng năm 938 góp phần kết thúc thời kỳ Trung Hoa đô hộ Đại Việt lần thứ nhất, thì chiến thắng hải quân năm 1288 không làm thay đổi quan hệ song phương, với việc nhà Trần chấp nhận bá quyền của nhà Nguyên cho đến khi đế chế này bị lật đổ.

Theo The National Interest, trận Bạch Đằng là một ví dụ hiếm hoi về cách Việt Nam vận dụng các chiến thuật chủ yếu trên bộ để dùng vào một trận hải chiến. Cũng đáng ghi nhận là trận Bạch Đằng diễn ra ở vùng nước gần bờ của Việt Nam, thay vì là vùng biển khơi trên Biển Đông, nơi mà chiến thuyền Mông Cổ chắc chắn có thể chiến đấu hiệu quả hơn.

Chiến lược chống tiếp cận trên biển

Đối với tờ báo Mỹ, cũng dễ hiểu là vì sao mà vào năm 1988, Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh bại trong một trận hải chiến trên biển khơi ở khu vực quần đảo Trường Sa. Vào lúc đó, Hải Quân Trung Quốc đã cho thấy là họ hơn hẳn Hải Quân Việt Nam, chưa quen với các trận đánh ngoài biển khơi, đồng thời cũng bị lấn át về quân số và vũ khí.

Trận chiến năm đó là một nỗ lực nhằm ngăn không cho Trung Quốc xâm phạm quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên vì chiến đấu quá xa bờ, lại không được tiếp viện kịp thời và đầy đủ, kết quả của trận đánh đã được an bài một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Việt Nam đã bị Trung Quốc cướp lấy một số đảo đá sau trận hải chiến đó, và đối với giới lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam, việc giành lại các thực thể đó là điều không cần phải bàn cãi.

Theo tờ báo Mỹ, Việt Nam đã nhận thức được những hạn chế về mặt hải quân của mình và thừa biết là không thể nào tái lập chiến công hiển hách của người xưa. Do đó, căn cứ vào tình trạng bất đối xứng về lực lượng ngày càng sâu đậm với Trung Quốc, Việt Nam đã phải thực thi chiến lược chống tiếp cận trên biển – sea denial.

Về cơ bản, chiến lược chống tiếp cận trên biển nhằm việc ngăn chận hay phá vỡ đường tiến của đối phương vào các vùng biển có liên quan, đồng thời không để cho đối thủ được tự do hành động trong cùng một khu vực.

Chuyên gia Đài Loan Ngô Thượng Tô (Wu Shang-su) chẳng hạn, đã cho rằng vì ít có khả năng chiến thắng trước đối thủ Trung Quốc (mạnh hơn gấp bội nếu đối đầu trực diện), nên Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến lược chống tiếp cận trên biển.

Đồng thời yếu tố tài chính cũng buộc Việt Nam phải hành động như vậy vì Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương Đổi Mới thực hiện từ đầu những năm 1990 (cũng là thời điểm quân đội Việt Nam tinh giản biên chế). (...)

Việt Nam cải tiến chiến lược

Tuy nhiên, chuyên gia trên tờ The National Interest nhận định, sẽ hết sức sai lầm khi cho rằng Việt Nam dễ cam chịu. Việt Nam từ lâu đã nhận thức được những giới hạn trong chiến lược chống tiếp cận trên biển kiểu truyền thống, và do đó đã tìm cách cải tiến chiến lược để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc dùng quân sự xâm lược trên Biển Đông.

Theo National Interest, vào lúc Hải Quân Việt Nam vừa nhận được đầy đủ 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga và sắp sửa vận hành được một đội tàu ngầm hoàn chỉnh trong năm 2017, mọi người vẫn nghĩ rằng chiến lược hải quân đặt trọng tâm vào việc chống tiếp cận trên biển của Việt Nam vẫn đang được áp dụng.

Xây dựng lực lượng phản công

Đối với nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, quả đúng là tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm quy ước, thường được gắn với một chiến lược chống tiếp cận, tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, cần phải nhìn xa hơn bình thường. Cả 6 chiếc tàu không chỉ được trang bị bằng các loại vũ khí chống tiếp cận truyền thống như ngư lôi và thủy lôi chẳng hạn, mà còn có tên lửa hành trình hải đối địa Klub-S – tên tắt tiếng Anh là SLCM (sea launched land-attack cruise missile), có thể bắn trúng mục tiêu cách xa đến ba trăm cây số...

Nhà quan sát kỳ cựu về quân đội Việt Nam Carlyle Thayer đã cho rằng loại tên lửa này của Việt Nam sẽ được dùng để tấn công các cảng và các sân bay Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam, hơn là nhắm vào các thành phố trải dọc theo bờ biển phía nam lục địaTrung Quốc.

Vai trò lực lượng phản công này vẫn phù hợp với chiến lược phòng thủ răn đe của Hà Nội, nhưng việc có thêm một khả năng tấn công như vậy rõ ràng là một bước chuyển ra khỏi chiến lược chống tiếp cận trên biển.

Người Việt Nam không thể hy vọng ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Quốc nếu không có phương tiện bắt Bắc Kinh trả giá đắt, như nguy cơ lực lượng Hải Quân tiền phương của Trung Quốc ở Tam Á bị tiêu diệt chẳng hạn. (...)

Vào lúc này, Việt Nam chưa có năng lực tấn công Trung Quốc sâu trong đất liền. Tuy nhiên, sự thiếu hụt đó không cản trở khả năng phản công của Việt Nam chống lại các mục tiêu ven biển.

Căn cứ Hải Quân Tam Á của Trung Quốc chẳng hạn, có thể bị tấn công một cách dễ dàng bằng các loại tên lửa bay trên mặt nước không cần đến hệ thống định vị vệ tinh tinh vi mà Việt Nam chưa có. Và Hà Nội đã chú ý đến việc tăng cường khả năng trừng phạt Bắc Kinh và bắt Trung Quốc trả giá nặng nề nếu xâm lăng Việt Nam. Vào tháng 9 năm 2014, một quan chức quân sự ở Hà Nội nhận xét rằng tầu ngầm Kilo không phải là vũ khí duy nhất của Việt Nam, mà chỉ là một phần trong số vũ khí mà Việt Nam đang phát triển để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình.

Vì vậy, để đạt mục tiêu đó, Việt Nam đã có thêm những động thái nhằm định hình một chiến lược chống can thiệp mạnh mẽ hơn, phản ánh sự rời xa cách chống tiếp cận trên biển truyền thống. Ví dụ, thủy quân lục chiến Việt Nam đã tập trận « tái chiếm đảo », tại khu vực quần đảo Trường Sa, điều không thể tưởng tượng được từ năm 1988.

Trong tháng 5 năm 2016, có tin là Việt Nam đã đàm phán với Nga để mua thêm một cặp chiến hạm Gepard 3.9 được trang bị tên lửa dẫn đường. Điều đặc biệt của thương vụ này các các chiến hạm mới đó sẽ được trang bị tên lửa hành trình Klub. Việt Nam có lẽ lấy cảm hứng từ sự kiện các hộ tống hạm cùng cỡ với loại Gepard 3.9 trong Tiểu Hạm Đội Caspi của Nga, đã phối hợp tốt với tàu ngầm Rostov-on-Don thuộc lớp Kilo để phát động thành công những cuộc tấn công bằng tên lửa hải đối địa.

Tóm lại, theo nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, để đối phó với tiềm lực quân sự to lớn của Trung Quốc, Việt Nam đang từng bước chuyển hướng chiến lược, từ chống tiếp cận trên biển qua một chiến lược mới sẽ làm tăng chi phí mà Trung Quốc phải trả cho hành động xâm lăng của họ. Việc hoàn chỉnh hạm đội tàu ngầm của Việt Nam vào năm 2017 này chỉ là bước quan trọng đầu tiên theo hướng đó. - RFI

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment