Tin Thế Giới
1.
Nam Triều Tiên, TQ lo ngại về thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật
Thoả thuận quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gây ra những mối lo ngại ở hai lân bang Nam Triều Tiên và Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, tuy Nam Triều Tiên có thể hưởng lợi từ một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Nhật Bản để ứng phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc, các giới chức ở Seoul vẫn tiếp tục lo ngại vì những mối căng thẳng còn tồn đọng từ quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Seok đã có thái độ không dứt khoát khi được hỏi về những hướng dẫn được sửa đổi về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật. Ông phát biểu như sau tại cuộc họp báo ngày hôm nay ở Seoul.
Ông Kim cho biết Nam Triều Tiên sẽ thảo luận về những vấn đề này dựa theo tình hình. Ông nói trong trường hợp xảy ra chiến tranh những hướng dẫn này sẽ được xác nhận bởi người lãnh đạo quốc gia là tổng thống.
Những hướng dẫn mới cho phép Nhật Bản hành sử “quyền tự vệ tập thể” để trợ giúp các nước trong khu vực khi những nước này bị tấn công. Thoả thuận mới cũng tán thành một nghị quyết hồi năm ngoái của nội các Nhật để nới rộng vai trò của Lực lượng Tự vệ Nhật bằng cách giải thích lại bản hiến pháp chủ hoà của nước này.
Mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên đã được viện dẫn để biện minh cho việc Nhật Bản cần có một lực lượng quân sự mạnh hơn.
Hãng thông tấn Trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay đăng tải một bài bình luận lên án thoả thuận giữa Washington với Tokyo.
Tại Trung Quốc, giới hữu trách cho biết họ sẽ chờ xem liên minh Mỹ-Nhật phát triển như thế nào và đường lối mà liên minh này theo đuổi là gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng liên minh Mỹ-Nhật được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh, mà “Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt từ lâu.”
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm nay, ông Hồng nói rằng điều quan trọng nhất là liên minh này có lợi cho hoà bình và ổn định khu vực hay không và phải không gây tổn hại cho quyền lợi của một nước thứ ba, kể cả Trung Quốc.
Ông Hồng Lỗi cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã thuyết trình cho Bắc Kinh về thoả thuận mới trước khi văn kiện này được đúc kết. Ông nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc thoả thuận này bao trùm quần đảo Điếu Ngư, là những đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình. Thoả thuận Mỹ-Nhật khẳng định quần đảo Senkaku hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh nói rằng văn kiện hướng dẫn mới sẽ không “loại bỏ những sự hợp tác có tính chất thực dụng”, nhưng “Hoa Kỳ không thể thay đổi xu thế trỗi dậy của Trung Quốc cho dù họ dùng Nhật Bản như một con cờ.”
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ là đồng minh quân sự mật thiết, nhưng Seoul cũng có những mối liên hệ kinh tế rất mạnh mẽ với Bắc Kinh. Cả Seoul lẫn Bắc Kinh đều phê phán một cách kịch liệt điều mà họ cho là những mưu toan của những thành phần dân tộc cực đoan ở Nhật, trong đó có thủ tướng Shinzo Abe, nhằm chối bỏ những hành vi tàn ác mà thực dân Nhật Bản đã làm từ đầu thế kỷ 20 cho tới khi thế chiến thứ hai chấm dứt.
Seoul và Tokyo cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một quần đảo và thậm chí còn bất đồng với nhau về tên gọi của vùng biển nằm giữa hai nước. Nhật Bản gọi biển này là Biển Nhật Bản trong lúc Nam Triều Tiên gọi đây là Biển Đông.
Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong, cho biết căng thẳng giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản khiến cho việc kiềm chế và răn đe kẻ thù chung là Bắc Triều Tiên trở nên phức tạp hơn.
Ông Hosaya nói những quyết định được thực hiện dựa theo liên minh Mỹ-Nhật ảnh hưởng tới quan hệ liên minh giữa Mỹ với Nam Triều Tiên và Nam Triều Tiên cần phải thảo luận một cách cặn kẽ về những phần có trùng lấp với liên minh Mỹ-Nhật.
Truyền thông Nam Triều Tiên đã chỉ trích các giới chức ở Seoul về điều mà họ cho là không trình bày một cách rõ ràng và bảo vệ lập trường của mình đối với những qui định mới về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đi thăm Hoa Kỳ và chuẩn bị đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ để nhấn mạnh tới mối quan hệ đồng minh gần gũi mà hai nước đã xây dựng sau khi giao chiến với nhau trong thế chiến thứ hai cách nay hơn 70 năm. - VOA
|
|
2.
Ngoại trưởng Mỹ thăm nơi cư ngụ của nhà ngoại giao Iran
Trong một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ Hoa Kỳ-Iran đã tan băng giữa lúc những cuộc thương thuyết về chương trình hạt nhân của Iran có được tiến bộ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zarif ngày hôm qua tại tư dinh ở New York của Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật Từ trụ sở Liên hiệp quốc.
Ngoại trưởng John Kerry đã đến ngôi nhà tại thành phố New York mà theo tập tục ngoại giao được xem là lãnh thổ của Iran.
Hoa Kỳ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979, và hai nước chỉ mới bắt đầu giao tiếp vì chương trình hạt nhân của Tehran.
Một thỏa thuận khung nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được vào ngày 2 tháng 4 tại Thụy Sĩ giữa 6 cường quốc thế giới và Iran. Các bên hy vọng đạt được thỏa thuận chung cuộc trước thời hạn chót là ngày 30 tháng 6 năm nay.
Hai nhà ngoại giao đang có mặt tại New York để tham dự hội nghị thường niên để duyệt xét Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (NPT). Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị Liên hiệp quốc, Ngoại trưởng Kerry ca ngợi tiến bộ của những cuộc thảo luận về hạt nhân của Iran.
“Tôi muốn quí vị biết là còn khá lâu mới chấm dứt những công việc của chúng tôi và một số vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, nhưng trên thực tế chúng tôi đã gần đạt được một thỏa thuận toàn diện, hoàn hảo mà chúng tôi mưu tìm. Nếu chúng tôi có thể đạt được việc này, toàn thế giới sẽ an toàn hơn.”
Phát biểu nhân danh 120 quốc gia thành viên của Phong trào Không Liên kết mà Iran hiện là chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zariff nói các quốc gia có quyền bất khả chuyển nhượng là phát triển năng lượng hạt nhân.
“Sự lựa chọn và quyết định của mỗi quốc gia thành viên trong lãnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình phải được tôn trọng một cách đầy đủ.”
Ngoại trưởng Kerry nói với các phóng viên là ông cũng sẽ nêu lên cuộc xung đột tại Yemen với Bộ trưởng Zarif vì Iran hậu thuẫn cho phiến quân Houthi.
“Tôi tin là Yemen sẽ chắc chắn được đề cập đến, vì rõ ràng Iran hậu thuẫn cho Houthi.”
Cuộc gặp gỡ riêng tư tại tư dinh của Đại sứ Iran, nhìn ra công viên Central Park ở New York, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. - VOA
|
|
3.
Biển Đông: ASEAN chia rẽ và mềm yếu trước Trung Quốc --- Mỹ không huy động được ASEAN đối đầu với TQ
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 họp tại Kuala Lumpur đã kết thúc và ra được ba thông cáo chung. "Tuyên bố Langkawi về Phong trào Ôn hòa Toàn cầu" liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều thành viên ASEAN và Trung Quốc tại Biển Đông.
Về hồ sơ này, trang mạng AsiaNews tổng kết hội nghị thượng đỉnh này như sau: "Một ASEAN chia rẽ áp dụng đường lối mềm dẻo chống lại Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông".
Lãnh đạo các nước Đông Nam Á, ngày 27/04/2015, đã không đưa ra đường lối cứng rắn chống lại các đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng Thủ tướng Najib Razak của Malaysia, nước đón tiếp hội nghị thượng đỉnh nói rằng Hiệp hội sẽ thúc đẩy để có thể sớm ký được một bộ luật mang tính ràng buộc, chỉ đạo cách ứng xử trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Lãnh đạo Malaysia đã phát biểu khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (bao gồm 10 thành viên), được tổ chức vào đầu tuần này tại Kuala Lumpur. Vào lúc cuối cuộc họp báo, ông nói rằng Hiệp hội sẽ tiếp tục cách tiếp cận không đối đầu và xây dựng để giải quyết tranh chấp, hiện đang gây căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này khác xa với các đòi hỏi của một số thành viên là cần phải có lập trường cứng rắn.
Thủ tướng Malaysia nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục lôi kéo Trung Quốc đi theo hướng xây dựng và Trung Quốc hiểu được lập trường của chúng tôi" và "chúng tôi hy vọng có thể làm cho Trung Quốc hiểu được rằng đó cũng là vì lợi ích của mình mà Trung Quốc không nên coi đây là một sự đối đầu với ASEAN, mọi ý đồ gây mất ổn định vùng này cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc".
Tuy nhiên, Manila đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành "kiểm soát trên thực tế" Biển Đông, với việc xây dựng các đảo nhân tạo trên những bãi đá có tranh chấp với những nước khác ở trong vùng. Theo Tổng thống Benigno Aquino, việc Trung Quốc tiến hành ồ ạt các hoạt động nhằm khẳng định đòi hỏi của mình là "một mối đe dọa đối với an ninh và ổn định của vùng, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển và đe dọa các phương tiện sinh sống của nhiều người dân Philippines".
Tổng thống Philippines nói rằng ASEAN phải có quyết tâm chính trị và đoàn kết chống lại "các động gây căng thẳng" trong vùng. Vào lúc bắt đầu hội nghị, dường như là ASEAN muốn có một đường lối cứng rắn chống lại các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Thế nhưng, cuối cùng, Thủ tướng Razak đã tái khẳng định cách tiếp cận mềm dịu của Hiệp hội đối với nước Trung Quốc khổng lồ.
Vấn đề chính là ASEAN bị chia rẽ. Trong quá khứ, Philippines đã chỉ trích Cam Bốt, một đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương, là bị khuất phục trước áp lực của Bắc Kinh và ngăn cản ASEAN ra được thông cáo và các tài liệu gây khó chịu đối với Bắc Kinh. Chính vì lý do này mà Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN 2012 đã không ra được thông cáo chung.
Không phải chỉ có Philippines lo ngại về "chủ nghĩa đế quốc" Trung Hoa tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Việt Nam cũng đã bày tỏ sự phản đối. Tuy nhiên, Manila tiến xa hơn một bước và đã đưa vụ tranh chấp này ra trước Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, cho dù các phán quyết của định chế này không mang tính ràng buộc.
Nói chung, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền một phần lớn biển Hoa Đông và Biển Đông (gần 85%), bao gồm cả quần đảo Trường Sa nơi mà Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia cũng có đòi hỏi, đồng thời Bắc Kinh cũng chiếm cả Hoàng Sa, nơi có tranh chấp với Hà Nội.
Các nước Đông Nam Á có được sự ủng hộ của Mỹ. Chính quyền Washington coi bản đồ "hình lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông là "phi pháp" và "phi lý", vì các đòi hỏi này chiếm tới 80% trong tổng diện tích 3,5 triệu km vuông của Biển Đông.
Với nguồn dầu khí dưới đáy biển, Biển Đông có tầm quan trọng to lớn về kinh tế và địa chính trị và có một giá trị quan trọng về chiến lược đối với mọi chính sách bành trướng.
Có phải chăng Trung Quốc đã thành công phân hóa nội bộ ASEAN? Khi đương kim chủ tịch ASEAN là Malaysia chọn thái độ ôn hòa đối với Trung Quốc trong khi Philippines thúc giục các nước thành viên "đương đầu" với âm mưu lấn chiếm toàn vùng biển Đông.
Theo giới phân tích, bất đồng quan điểm trong ASEAN sẽ cản trở Hoa Kỳ thành lập một liên minh NATO châu Á. Sự kiện Trung Quốc tăng tốc lấn chiếm biển Đông nam Á, xây dựng cơ sở tính chuyện chiếm đóng lâu dài gây lo âu cho nhiều nước khu vực. Tuy nhiên, phản ứng của mỗi thành viên ASEAN không giống nhau. Nếu tổng thống Philippines Benigno Aquino dứt khoát lên án Bắc Kinh đang hoàn tất kế hoạch "đương nhiên kiểm soát biển Đông, phá hoại hòa bình ổn định" thì Malaysia gạt lập trường cứng cỏi này qua một bên.
Trong diễn văn kết thúc Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đưa ra một đường lối tránh xung đột với Trung Quốc và cũng là lập trường "chính thức" của các nước Đông Nam Á: thuyết phục Bắc Kinh đàm phán với ASEAN một giải pháp "xây dựng".
Theo nhà phân tích Jean-Paul Baquiast của Mediapart, trang báo điện tử có uy tín nhất nhì tại Pháp, đằng sau những tuyên bố dị biệt của các lãnh đạo Đông Nam Á là cả một cuộc đối đầu càng ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington muốn tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế trong vùng châu Á Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc cũng muốn bành trướng thế lực.
Trong khu vực này, Hoa Kỳ có hai nhóm đồng minh thân thiết. Ở Đông Bắc Á, Washington trông cậy vào Hàn Quốc và nhất là Nhật Bản mà trong chuyến công du của thủ tướng Shinzo Abe, hai bên đã quyết định tăng cường hợp tác quân sự, cho phép quân đội Nhật mở rộng thẩm quyền can thiệp ra bên ngoài biên giới.
Ở phía nam, theo nhà báo Jean-Paul Baquiast, nhiều nước Đông Nam Á cũng đặt kỳ vọng vào sự can thiệp của Mỹ và muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ nhưng lại không dám trực tiếp đương đầu với Bắc Kinh dù chỉ qua những tuyên bố.
NATO Á châu?
Trong khuôn khổ kế hoạch "tái định vị" hay "chuyển trục" về châu Á để đối phó với hiểm họa Trung Quốc tuy Mỹ không nói thẳng ra, nhiều nhà phân tích cho rằng tổng thống Barack Obama muốn thành lập một liên minh quân sự theo mô hình tổ chức Bắc Đại Tây dương NATO, cũng do Hoa Kỳ lãnh đạo với các thành viên là một số nước ASEAN. Đặc biệt, tổng thống Barack Obama kỳ vọng vào quyết tâm của Philippines, Việt Nam, của Malaysia và Brunei để củng cố vị thế chiến lược trong khu vực.
Trước thượng đỉnh Kuala Lumpur, cơ quan tình báo Mỹ đã tiết lộ một số hình ảnh vệ tinh liên quan đến những hoạt động xâm lấn của Trung Quốc, xây dựng phi trường trong lãnh hải của Philippines.
Tổng thống Benigno Aquino cho biết thêm những động thái khác của hải quân Trung Quốc uy hiếp ngư dân Philippines. Được Washington khuyến khích, Manila muốn Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 là cơ hội để đưa ra một lập trường chung mạnh mẽ lên án Trung Quốc, bất chấp rủi ro xảy ra hải chiến.
Tuy nhiên, nhiều thành viên khác của Hiệp hội Đông Nam Á xem trọng quyền lợi thương mại và quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hơn là chủ quyền biển đảo.
Hoa Kỳ có thể đã thất bại huy động Đông Nam Á vào chiến lược "chuyển trục" nhưng liệu lập trường "mềm mỏng" của một số nước thành viên ASEAN có sẽ thành công buộc Trung Quốc đàm phán nghiêm túc? Hay trái lại, nói theo ngôn ngữ của ngư dân: ASEAN có nguy cơ mất cả chì lẫn chài. - RFI
|
|
4.
Indonesia hành quyết chín tử tội
Chín tử tội đang bị biệt giam tại một nhà tù trên đảo, được canh gác cẩn mật ở Indonesia, sẽ bị hành quyết tối nay 28/04/2015, bất chấp các áp lực quốc tế chống án tử hình. Gia đình của họ được phép viếng thăm lần cuối. Riêng tội nhân người Pháp Serge Atlaoui được tạm hoãn thi hành án trong đợt này.
Tám người ngoại quốc gồm hai người Úc, bốn người Nigeria, một người Philippine, một người Brazil cùng với một người Indonesia bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy, đã nhận được quyết định thi hành án từ chiều tối ngày 25/04/2015. Các quan tài sơn trắng đã được chuyển đến nhà tù. Thân nhân các tử tội được phép đến thăm và nói lời vĩnh biệt, cho đến 20 giờ địa phương tối nay.
Từ Jakarta, thông tín viên RFI Marie Dhumières tường trình.
"Gia đình các tử tội sáng nay đã đến cảng Cilacap, để từ đó đi tàu đến hòn đảo ngục tù. Nhiều người thân của các tù nhân này đẫm lệ, đây là những giờ phút cuối cùng bên cạnh thân nhân của mình. Cuộc hành quyết sẽ diễn ra tối nay, sau nửa đêm theo giờ địa phương, và các quan tài đang được chuyển đến nhà giam.
Serge Atlaoui dường như là người sống sót duy nhất trong đợt hành quyết này, nhưng bản án treo có thể không kéo dài được bao lâu. Nếu đơn khiếu nại của ông ở Tòa án Hành chính bị bác, thì Atlaoui sẽ bị thi hành án riêng rẽ – theo như Viện Kiểm sát Indonesia.
Tử tội người Pháp phản đối quyết định bác đơn xin khoan hồng của Tổng thống Indonesia, và kiện lên Tòa Hành chính. Quyết định của tòa sẽ được đưa ra trong tuần này hay tuần tới, nhưng rất ít hy vọng đạt được kết quả. Như vậy các luật sư của Serge Atlaoui và chính phủ Pháp chỉ có vài tuần để cố gắng cứu sống công dân Pháp khỏi bị hành hình." - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Vệ binh Quốc gia được điều tới Baltimore để vãn hồi trật tự
Các binh sĩ thuộc lực lượng vệ binh quốc gia đã được điều tới thành phố Baltimore ở miền đông Hoa Kỳ trong lúc giới hữu trách tìm cách vãn hồi trật tự một ngày sau khi xảy ra những vụ bạo loạn. Thông tín viên đài VOA Smita Nordwall tường thuật.
Thống đốc bang Maryland tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời động viên lực lượng vệ binh quốc gia sau khi bạo lực vượt tầm kiểm soát ở Baltimore sau đám tang của Freddie Grey, 25 tuổi. Cái chết của người thanh niên da đen này là vụ việc mới nhất đã làm bùng lên các cuộc biểu tình về cách đối xử của cảnh sát đối với các nhóm thiểu số tại Hoa Kỳ.
Hàng trăm thanh niên đã rủ nhau kéo tới các khu xóm ở Baltimore, nổi lửa đốt xe, cướp bóc các cửa hàng và phá hoại tài sản. Đối mặt với cảnh sát trang bị chống bạo loạn, những người biểu tình ném đá, gạch, chai thủy tinh và các vật thể khác vào họ.
Đại uý Cảnh sát Eric Kowalczyk cho biết 15 nhân viên cảnh sát bị thương, trong đó có 6 người phải vào bệnh viện.
"Ngay trong lúc này thì có một nhóm các cá nhân vô luật pháp đã bất kể sự an toàn của những người sinh sống trong cộng đồng tại đó, và không lý gì tới sự an toàn của các nhân viên cảnh sát chúng tôi, những người đang có mặt ở đây để đảm bảo những người sinh sống và làm việc trong khu vực này được tiếp tục sinh hoạt trong an toàn."
Grey bị tổn thương cột sống nghiêm trọng sau khi anh bị bắt ngày 12 tháng Tư. Các giới chức nói anh không cài giây an toàn đúng cách trong khi đang được vận chuyển trên một chiếc xe của cảnh sát. 6 nhân viên cảnh sát Baltimore đã bị đình chỉ công tác, trong lúc chờ đợi kết quả điều tra.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đang tiến hành một cuộc điều tra dân quyền về vụ này. Sở cảnh sát Baltimore cho biết họ sẽ cung cấp thêm thông tin vào ngày thứ sáu tới đây.
Gia đình của nạn nhân kêu gọi chấm dứt bạo động. Phát biểu tại lễ tang, luật sư của gia đình, ông William Murphy, yêu cầu các nhân viên cảnh sát có dính líu trong cái chết của Gray phải cung cấp những lời giải thích đầy đủ về vụ việc này. Ông Murphy nói:
"Chúng tôi yêu cầu cảnh sát, tất cả 6 nhân viên cảnh sát có dính líu ít nhất là một phần, nếu không là toàn bộ, trong vụ này hãy đứng lên và thuật lại tất cả mọi sự, cũng như cảnh sát thường bảo công dân chúng tôi phải làm."
Những người biểu tình đã đòi công lý trong các cuộc biểu tình diễn ra mỗi ngày, mà phần lớn đã diễn ra một cách ôn hoà cho tới ngày thứ Hai. Tối thứ hai, thị trưởng Baltimore công bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
Nhân viên cứu hoả đã vất vả để tìm cách giập tắt nhiều đám cháy cho tới tảng sáng hôm nay, trong đó có một trung tâm dưỡng lão do một nhà thờ bảo trợ đang xây dở dang.
Trong khi bạo lực vẫn chưa lan tới trung tâm thành phố ở ven biển, các trận tranh tài của đội bóng chày chuyên nghiệp Baltimore Orioles đã bị đình hoãn vì lý do an toàn, cũng như tất cả các chuyến tham quan do các trường học tổ chức tới thành phố này cũng bị hoãn lại. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Đánh dấu ngày 30/4: Kẻ khóc, người cười
Hai ngày trước ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và ở trong nước đón chờ ngày này với hai tâm trạng trái ngược hẳn nhau.
Tại sân vận động của trường trung học Bolsa Grande ở Little Saigon, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn, hàng nghìn người hôm 25/4 đã tới dự ngày được đặt tên là Quốc hận.
Trong buổi lễ này, những người tham dự đã đứng chào cờ quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa và hòa giọng vào bản quốc ca của chính quyền Sài Gòn cũ.
Một ngày sau đó, tại San Diego cũng tại California, nhiều người Việt đã tới Viện bảo tàng hàng không mẫu hạm USS Midway ở San Diego để tưởng niệm ngày họ gọi là "Tháng tư đen".
Bà Đỗ Thái Kiều, một người Mỹ gốc Việt sang Hoa Kỳ từ năm 16 tuổi đã tham dự sự kiện này. Bà cho biết khi ngày 30/4 đến gần, không khí trong cộng đồng “rất là xúc động và buồn tủi vì có rất nhiều kỷ niệm, nhiều người đã mất bà con họ hàng, bạn bè”.
“Chúng tôi không thích chính quyền cộng sản vì thế chúng tôi phải rời xứ sở để ra đi. Chữ hận, theo tôi nghĩ, không những tôi mà nhiều người ở đây thì thời gian trôi qua thì chữ hận bớt đi. Nhưng mà chúng tôi không bao giờ quên rằng chúng tôi đã mất xứ sở của chúng tôi, và chúng tôi mong một ngày nào đó xứ sở sẽ trở về là một xứ sở dân chủ để giúp cho dân Việt Nam ở Việt Nam có một đời sống khá hơn, độc lập và tự do hơn.”
Ông Nguyễn Khanh, phát ngôn viên của ban tổ chức sự kiện trên, nói với VOA Việt Ngữ rằng lễ tưởng niệm muốn “cho giới trẻ Việt Nam biết và hiểu rõ rằng từ đâu mà người Việt Nam có mặt ở Hoa Kỳ, và hiểu rõ hơn về những thành quả, những đóng góp của người Việt trong 40 năm.”
Trong khi đó, cùng chung tâm trạng với bà Kiều, bà Nguyễn Kim Hoa ở California, nói mỗi dịp 30/4 tới, bà cảm thấy “rất là buồn”.
Bà cũng không nghĩ nên coi đó là ngày “thống nhất đất nước” như chính quyền Hà Nội đã nói.
“Mỗi lần 30/4 về, tôi nghĩ lại cái ngày chót, tức là ngày 29/4. Coi như là ngày chót rời khỏi Việt Nam. Lúc đó coi như không có còn ai đi nữa ngoài những chiếc trực thăng thôi. Và tôi cùng với mấy người bạn coi như chót nhất rời khỏi Việt Nam. Buồn là tại vì mình không phải như hồi xưa nữa, cảm giác giống như hồi xưa nữa, coi như mình bị mất nước. Trong lòng tôi cái ngày đó là ngày mất nước, mất chính thể”.
Trong khi tại các nước, nhiều người Việt đánh dấu ngày 30/4 trong không khí u buồn thì nhiều buổi lễ tưng bừng với những màn bắn pháo hoa và diễu binh hoành tráng sắp diễn ra tại Việt Nam.
6.000 người sẽ tham gia diễu hành trong lễ kỷ niệm 40 năm mà chính quyền trong nước gọi là thống nhất đất nước tại TP HCM.
Ngoài việc bắn pháo hoa tại nhiều điểm, tối 30/4, chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt chào mừng lễ với chủ đề "Đất nước trọn niềm vui" sẽ được tổ chức trên trục đường Lê Duẩn, trước cửa Hội trường Thống Nhất với sự tham gia của hơn 4.000 văn nghệ sỹ.
Bà Kiều nói rằng đối với người Mỹ gốc Việt cũng như người Việt ở các xứ sở tự do khác, ngày 30/4 “không phải là ngày chiến thắng, và đó chỉ là quan điểm của chính quyền Việt Nam”.
Bà cũng nói rằng những khác biệt về quan điểm như vậy sẽ “làm cho dân Việt Nam ở hải ngoại và trong nước không gần nhau được”. - VOA
No comments:
Post a Comment