Monday, April 18, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 18/4

Tin Thế Giới

1.
Hội nghị Qatar không đạt thoả thuận về cắt giảm sản lượng dầu

Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới kết thúc cuộc họp tại thủ đô của Qatar hôm chủ nhật mà không đạt được thoả thuận đóng băng sản lượng dầu để làm cho giá dầu thế giới gia tăng. Iran không chịu giảm sản lượng và không phái đại diện đến Doha. Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nước sản xuất dầu nhiều nhất thế giới, cũng không tham dự hội nghị. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.

Ông Mohammed bin Saleh al-Sada, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Qatar, cho biết 18 nước họp tại Doha không đạt được thoả thuận đóng băng sản lượng dầu.

"Hội nghị kết luận là tất cả các nước chúng tôi cần có thời giờ để tham khảo ý kiến với nhau từ nay cho tới hội nghị OPEC vào tháng 6."

Các nhà phân tích cho biết việc này xảy ra phần lớn là vì vụ giằng co giữa Ả rập Xê út với Iran.

Ả rập Xê út, nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới, đã tỏ ý cho biết họ sẽ đồng ý đóng băng sản lượng nếu Iran cũng làm như vậy. Nhưng Tehran nhất định không chịu cắt giảm sản lượng và cho rằng họ cần lấy lại thị phần đã mất vì những biện pháp chế tài quốc tế. Bộ trưởng Dầu lửa Iran, ông Bijan Zanganeh, cho biết như sau.

"Nếu chúng tôi phái đại diện tới Doha, thì việc đó chứng tỏ chúng tôi ủng hộ quyết định này, nhưng vì chúng tôi sẽ không ký kết thoả thuận nào và vì chúng tôi không tham gia quyết định đóng băng sản lượng, cho nên chúng tôi không cử đại diện đến dự cuộc họp."

Vì lượng cung ứng trên thị trường toàn cầu cao hơn nhu cầu quá nhiều nhiều nên giá dầu thô đã giảm tới mức 27 đô la một thùng hồi đầu năm nay, so với giá 115 đô la hồi tháng 6 năm 2014.

Một số các nhà phân tích cho rằng đóng băng sản lượng sẽ không làm cho giá dầu gia tăng trong ngắn hạn.

Ông Spencer Welch, một chuyên gia về thị trường dầu lửa của công ty IHS Global Insights ở Washington, nhận định như sau.

"Trên thực tế, điều này không có ý nghĩa gì nhiều, bởi vì những nước liên hệ đang nói về việc đóng băng sản lượng của họ ở mức vốn dĩ đã cao trong lúc nguồn cung vẫn còn dư dôi quá nhiều."

Ecuador và Venezuela là hai nước xuất khẩu dầu bị tác động nhiều bởi tình trạng giá dầu ở mức thấp. Kinh tế Nga cũng bị thiệt hại đáng kể.

Vài ngày trước khi diễn ra hội nghị Doha, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính phủ ông định tư hữu hoá từng phần đại công ty dầu quốc doanh Rosneft.

"Chúng tôi sẽ tìm kiếm một đối tác chiến lược, một đối tác hiểu được là họ không nên tham lam khi mua 19% phần hùn của Rosneft và không nên chú tâm tới giá cổ phần hiện nay mà nên nhìn xa hơn vào tương lai."

Tuần trước giá dầu đã tăng tới mức hơn 40 đô la một thùng vì nhiều người nghĩ rằng sẽ có được thoả thuận tại hội nghị ở Doha. Tuy nhiên, vì không có được thoả thuận, giá dầu giao tương lai đã giảm 6,8% trên thị trường New York, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 1 tháng 2. - VOA
|
|

2.
Bà Aung San Suu Kyi quyết thay đổi hiến pháp Myanmar --- Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi muốn dành quyền tự trị rộng rãi cho các sắc tộc

Bà Aung San Suu Kyi cho rằng cần phải sửa đổi hiến pháp Myanmar để biến quốc gia từng nằm dưới sự cai trị của phe quân nhân trở thành một quốc gia thực sự dân chủ.

Trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc hôm nay, người phụ nữ từng giành giải Nobel Hòa bình cũng như đang là nguyên thủ “ở hậu trường” ở Myanmar, lặp lại cam kết sẽ sửa đổi hiến pháp của nước này.

Đây là một phần của mục tiêu “hòa giải dân tộc” của bà, bao gồm cả việc đối xử công bằng đối với các nhóm sắc dân khác nhau.

Kể từ khi giành được độc lập từ Anh Quốc năm 1948, Myanmar đã phải đối mặt với nhiều cuộc nổi dậy của các nhóm sắc tộc khác nhau.

Hiến pháp hiện thời được soạn thảo vào năm 2010, ngay trước khi tập đoàn quân nhân nắm quyền lâu năm ở Myanmar trao quyền cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa.

Nhưng phe quân nhân vẫn có thực quyền chính trị lớn, chiếm tới 25% số ghế trong quốc hội, cộng thêm với các vị trí chính trong chính phủ như bộ trưởng nội vụ và quốc phòng, và như vậy có đủ quyền để bỏ phiếu chống bất kỳ đề xuất thay đổi hiến pháp nào.

Hiến pháp cũng cản trở bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống vì bà cưới và có con với một người nước ngoài. - VOA

***
Bà Aung San Suu Kyi hôm nay 18/04/2016 hứa hẹn sẽ gây áp lực để các sắc tộc thiểu số Miến Điện có được quyền tự trị rộng rãi. Đây là một dấu hiệu cởi mở hướng về phía nhiều lực lượng nổi dậy đang chống đối lại chính quyền trung ương tại nhiều khu vực.

Trong bài nói chuyện trên truyền hình nhân dịp Năm mới, bà Suu Kyi tuyên bố rằng đảng của bà – vừa lên nắm quyền vào đầu tháng Tư sau cuộc bầu cử lịch sử tháng 11/2015 - sẽ nỗ lực « xây dựng một liên bang dân chủ thực sự ». Theo bà, vì nền hòa bình có liên quan đến vấn đề này, nên « cần phải sửa đổi Hiến Pháp », và « điều quan trọng nhất là hòa giải dân tộc ».

Từ khi giành độc lập năm 1948, Miến Điện luôn phải đối phó với những cuộc nổi dậy của các nhóm thiểu số đòi hỏi quyền tự trị rộng rãi hơn, nhưng Hiến Pháp hiện hành do tập đoàn quân sự soạn thảo năm 2008 quy định tập quyền vào trung ương.

Tại nhiều vùng biên giới, các trận đánh đẫm máu thường xuyên diễn ra giữa quân đội và các nhóm sắc tộc. Tình hình càng phức tạp thêm với việc giành quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên như hồng ngọc hay gỗ quý.

Trong cuộc bầu cử tháng 11/2015, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) đã đạt được số phiếu cao tại các vùng sắc tộc. Tuy nhiên muốn sửa đổi Hiến Pháp cần phải có được trên 75% số phiếu bầu, trong khi quân đội hiện đang chiếm một phần tư số ghế trong Quốc Hội. - RFI
|
|

3.
Hạ viện Brazil thông qua dự luật luận tội tổng thống

Các nhà lập pháp Brazil đã bỏ phiếu ủng hộ tiến trình luận tội để truất nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Các nhà lập pháp của Hạ viện Brazil đã reo mừng khi phe chống bà Rousseff đạt được 342 phiếu cần thiết để đưa vấn đề này lên Thượng viện, là cơ quan sẽ cứu xét có nên đưa tổng thống ra xét xử hay không.

Các thành viên của liên minh cầm quyền của bà Rousseff xem cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua như là một vụ đảo chánh chính trị.

Ông Jean Wyllys, một nhà lập pháp về phe bà Rousseff, phát biểu như sau:

“Trước tiên tôi cảm thấy xấu hổ vì tham dự vào hài kịch này, trong một cuộc bầu cử gián tiếp được cầm đầu bởi một kẻ ăn cắp và một kẻ phản bội, một kẻ âm mưu và được sự hỗ trợ của những kẻ tra tấn, những người hèn nhát không biết gì về chính trị, và những kẻ phản bội, với màn kịch kỳ thị phái tính này. Nhân danh quyền của những người đồng tính luyến ái, của những người da đen bị giết tại vùng ngoại ô, của những nhân viên văn hóa làm việc với những người không nhà, của những phong trào xã hội của những người không có đất đai, tôi bỏ phiếu không đối với cuộc đảo chánh."

Bà Rousseff bị cáo buộc che dấu bất hợp pháp tình trạng thiếu hụt ngân sách của chính phủ trong năm 2014 để gia tăng cơ may tái đắc cử của bà - một cáo buộc mà bà cực lực phủ nhận. Bà cũng bị đổ lỗi về cuộc suy thoái tại Brazil và vụ tai tiếng tham nhũng liên hệ đến công ty dầu khí quốc doanh Petrobras.

Trên đường phố thủ đô Brasilia, hàng ngàn người biểu tình thuộc cả hai phe thân và chống bà Rousseff đã bày tỏ quan điểm của họ khi lá phiếu cuối cùng được kiểm xong.

Ông Luiz Nogueira, một người biểu tình ủng hộ việc luận tội tổng thống, nói:

“Tôi nghĩ kết quả này là đúng như mong đợi vì chúng tôi đã làm việc trong một thời gian dài và tin rằng cần phải thay đổi cái gì đó. Và việc thay đổi này sẽ thật sự xảy ra từ nay về sau.”

Ông Sandro Ergueira, một người biểu tình chống luận tội tổng thống, cho biết như sau:

“Không ai sẽ bỏ cuộc ở đây. Không ai sẽ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, cuộc chiến tiếp tục trong mọi trường hợp bằng những phương cách cần thiết và Brazil sẽ tiếp tục thay đổi và cải thiện với chúng tôi.”

Những cuộc biểu tình rầm rộ cũng được tổ chức tại Sao Paulo và Rio de Janiero, nơi hàng ngàn người tụ tập để xem tiến trình bỏ phiếu luận tội tổng thống trên màn ảnh lớn được dựng lên tại bãi biển nổi tiếng Copacabana của thành phố.

Nếu Thượng viện đồng ý tiến hành những phiên toà luận tội, bà Rousseff - 68 tuổi, có thể bị ngưng chức và được Phó Tổng thống Michael Temer thay thế. Ông Michael Temer bị Tổng thống Rousseff cáo buộc là đã tham gia cuộc vận động để loại bà ra khỏi chức vụ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter hôm 18/4 đã đặt chân tới Iraq để thảo luận với các chỉ huy dưới quyền cũng như các lãnh đạo Iraq về cách thức Mỹ sẽ tăng cường cuộc chiến chống các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. 

Trong chuyến thăm tới Iraq hôm 18/4, ông Carter cũng muốn tìm hiểu thông tin cập nhật về cuộc chiến giành lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của nước này. 

Ngày 24/3, các lực lượng Iraq đã bắt đầu cuộc phản công để giành lại thành phố Mosul nay trở thành cứ địa của Nhà nước Hồi giáo. 

Đây là chuyến thăm thứ 3 tới Iraq trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của ông Carter. 

Trước đó, khi phát biểu trước các phóng viên tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất hôm 16/4, ông Carter bày tỏ tự tin rằng Nhà Trắng sẽ chấp thuận các đề xuất. 

Ông Carter nói tại căn cứ không quân Al Dhafra gần Abu Dhabi: “Chúng tôi dự tính sẽ hành động thêm, từ trên không cũng như trên bộ. Quý vị thấy chúng tôi hành động thêm nữa”. 

Liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu đã sử dụng căn cứ không quân này để làm bàn đạp cho các cuộc không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo cũng như để thực hiện các phi vụ thu thập thông tin tình báo và trinh sát. 

Chuyến thăm của ông Carter tới khu vực diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang cân nhắc con số binh sĩ Mỹ tại Iraq. 

Quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ nói rằng “điều quan trọng hơn cả là khả năng chiến đấu”, và “sự hiện diện của binh sĩ [Mỹ] trên bộ sẽ tiếp tục tăng cường, chứ không phải thay thế, cho các lực lượng địa phương”.  - VOA
|
|

5.
Donald Trump, Ted Cruz giành giật từng đại biểu Đảng Cộng hòa

Người Mỹ đang ngày càng tập trung vào cơ chế vận hành của hệ thống đề cử tổng thống trong khi phía Đảng Cộng hòa đối mặt khả năng không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối về số lượng đại biểu để tới đại hội toàn quốc của đảng này vào tháng 7.

Khả năng đó nổi bật hôm thứ Bảy khi ứng cử viên Ted Cruz giành được tất cả 14 đại biểu Cộng hòa mà các ứng cử viên có thể chia nhau tại đại hội đảng cấp bang ở Wyoming.

"Chúng ta phải đoàn kết. Chúng ta phải quy tụ lại và hợp nhất," Thượng nghị sĩ bang Texas nói.

Trong khi các ứng cử viên tổng thống của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhắm mục tiêu giành được tổng số phiếu bầu phổ thông theo từng bang, họ cũng đang ve vãn những đại biểu - những người mà cuối cùng sẽ chọn người được đề cử của đảng họ tại đại hội.

Ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump được rất nhiều người trông được sẽ chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày thứ Ba tại bang nhà của ông ta ở New York, và gia tăng cách biệt dẫn đầu về số lượng đại biểu.

"Bây giờ tôi đang dẫn trước hàng triệu phiếu so với đối thủ gần nhất của tôi, hàng triệu phiếu," tỉ phú bất động sản này phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử hồi gần đây. "Bạn biết đấy, người ta không nói về phiếu bầu nữa. Họ nói về những đại biểu. Và tiện thể, tôi cũng đang dẫn trước hàng trăm đại biểu."

Nhưng ông Cruz đang dồn toàn lực để thu hút những đại biểu trung thành với ông ta và lấy đi nhiều đại biểu nhất có thể từ ông Trump. Ông Cruz đã đến bang Wyoming để trực tiếp thỉnh cầu đại hội Đảng Cộng hòa cấp bang ở đây.

"Chúng tôi đã có một danh sách những đại biểu cam kết ủng hộ tôi ở Cleveland," ông Cruz nói. "Nếu quý vị không muốn trao cuộc tổng tuyển cử này cho Hillary Clinton, điều sẽ xảy ra nếu Trump được đề cử, thì tôi yêu cầu quý vị ủng hộ những người trên danh sách này."

Ông Trump đang phàn nàn mình bị đối xử bất công

"Hệ thống này bị gian lận. Đó là một hệ thống tồi tệ. Đó là một hệ thống bẩn thỉu," ông Trump nói. "Những người cầm đầu đảng đang chọn đại biểu, và đó là một điều rất tệ."

Ông Trump đã thuê những hoạt vụ chính trị kỳ cựu để giúp ông ta trong cuộc chiến giành đại biểu. Nhưng những quan chức của đảng đã lên tiếng bác bỏ phàn nàn của ông Trump về hệ thống đại biểu.

"Hệ thống này đã tồn tại từ lâu," Chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc Reince Priebus nói. "Nó đủ tốt đối với Abraham Lincoln. Tôi nghĩ là nó cũng đủ tốt cho bất cứ người nào sẽ được đề cử của chúng tôi."

Hai ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và Bernie Sanders cũng đang tranh giành đại biểu. Nhưng trừ phi ông Sanders chiến thắng hầu như tất cả những bang còn lại với cách biệt to lớn, bà Clinton được rất nhiều người trông đợi sẽ tiến tới Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc với đa số đại biểu mà bà ta sẽ cần để giành được đề cử.

"Tôi trân trọng mỗi một cử tri," bà Clinton nói trên chương trình This Week của đài ABC. "Tôi không xem nhẹ bất cứ ngươi nào, và tôi chắc chắn không xem nhẹ bất cứ bang nào hoặc vùng nào của đất nước chúng ta."

Về phía Đảng Cộng hòa, nếu ôngTrump không đạt được đa số tuyệt đối, phiếu bầu của hơn 100 đại biểu chưa cam kết sẽ có vai trò trọng yếu, cũng như sự trung thành của tất cả những đại biểu. Nhiều người trong số họ có thể bỏ phiếu theo ý mình nếu không có người nào được đề cử trong vòng bỏ phiếu kín đầu tiên tại đại hội. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Chiến đấu cơ Trung Quốc hạ cánh công khai xuống Đá Chữ Thập --- Việt Nam cam kết ‘củng cố tin cậy chính trị với Trung Quốc’ --- Mỹ có ý định đưa tàu ngầm tự hành đến Biển Đông để đối phó với Trung Quốc

Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc PLA Dailyhôm 18/4 đưa tin một phi cơ quân sự Trung Quốc đã hạ cánh công khai lần đầu tiên hôm 17/4 trên đá Chữ Thập có tranh chấp, làm gia tăng quan ngại là Bắc Kinh có thể bố trí các chiến đấu cơ ở đó.

Theo bài báo của PLA Daily, phi cơ kể trên đang tuần tiễu phía trên đá Chữ Thập thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp đề nghị chuyển đi 3 công nhân bị ốm.

Đường băng dài 900 mét trên đá Chữ Thập là một trong 3 cơ sở phục vụ phi cơ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc đã xây các đường băng này bất chấp những phản đối từ Việt Nam, một số nước trong khu vực và Mỹ.

Biển Đông là nơi diễn ra tranh chấp chủ quyền gay gắt chủ yếu giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Các bên khác gồm Brunei, Malaysia, và Taiwan cũng tuyên bố chủ quyền về một vài phần của vùng biển.

Trước đây, Trung Quốc đã tiến hành các thử nghiệm bằng phi cơ dân sự với đường băng trên đá Chữ Thập sau khi hoàn thành xây dựng hồi tháng 1 năm nay.

Một chuyên gia quân sự kiêm chủ biên tạp chí Kiến thức Hàng không Vũ trụ được tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời nói rằng việc phi cơ tuần tiễu Y-8 hạ cánh đã chứng minh rằng đường băng đã sẵn sàng phục vụ quân sự.

Theo hãng tin Reuters, các đường băng của Trung Quốc ở Trường Sa có thể tiếp nhận các phi cơ vận tải và oanh tạc cơ tầm xa, cũng như các chiến đấu cơ tốt nhất của nước này.

Cách đây 4 ngày, sau khi Trung Quốc điều các chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói với báo chí rằng "Việt Nam kiên quyết phản đối” và “mạnh mẽ yêu cầu” Trung Quốc đưa các máy bay ra khỏi khu vực. - VOA

***
Quan chức Việt Nam và Trung Quốc họp bàn về việc thúc đẩy “hợp tác chiến lược toàn diện” trong khi Bắc Kinh công khai đáp máy bay quân sự xuống Trường Sa.

Báo chí trong nước đưa tin, từ ngày 16/4 – 17/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã có cuộc gặp với người đồng cấp từ Trung Quốc Lưu Chấn Dân đang thăm Việt Nam.

Theo truyền thông Việt Nam, cuộc họp song phương được cho là “tập trung trao đổi việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực và các vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước”.

Đôi bên cũng đánh giá rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc trong năm qua “tiếp tục tiến triển tích cực”, đồng thời “nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, củng cố tin cậy chính trị, mở rộng giao lưu hữu nghị nhân dân; đẩy mạnh hợp tác thực chất cùng có lợi; kiểm soát tốt và giải quyết thỏa đáng bất đồng”.

Ngoài ra, ông Trung cũng cám ơn Trung Quốc “vừa qua đã tăng lưu lượng xả nước xuống hạ lưu sông Mê Kông để hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”.

Trong khi quan chức hai bên họp bàn nhằm củng cố tình hữu nghị, một máy bay quân sự Trung Quốc hôm 17/4 đã lần đầu tiên đáp xuống đường băng dài 3 nghìn mét mà nước này mới xây trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa ở biển Đông.

Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc hôm 18/4 đưa tin, máy bay này đang tuần tra  trên biển Đông thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp đề nghị đáp xuống bãi đá trên để đưa 3 công nhân bị ốm về đất liền.

Việt Nam chưa lên tiếng về diễn biến mới nhất này, nhưng tuần trước từng lên tiếng phản đối Trung Quốc điều các chiến đấu cơ ra Hoàng Sa. - VOA

***
Trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, quân đội Mỹ đang đặt cược vào công nghệ mới, trong đó có các tàu ngầm tự hành. Tờ Financial Times ngày 17/04/2016 nhận định, sáu tháng gần đây Lầu Năm Góc đã công khai đề cập đến việc sử dụng tàu ngầm không người lái để đối phó với âm mưu thống trị khu vực của Bắc Kinh

Khi lên thăm chiến hạm USS Stennis tại Biển Đông hôm thứ Sáu 15/4, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã nhấn mạnh đến vai trò của tàu ngầm tự hành trong chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á, có thể được sử dụng tại Biển Đông vốn có đa số diện tích là vùng biển nông. Ông cho biết Lầu Năm Góc đầu tư vào nhiều loại tàu ngầm tự hành mới có kích thước và trọng tải đa dạng tại các vùng biển nông, nơi các loại tàu ngầm thông dụng không thể hoạt động.

Với việc vén màn bí mật về các công nghệ mới như loại tàu ngầm tự hành có thể đưa vào hoạt động vào cuối thập kỷ, Lầu Năm Góc hy vọng răn đe được các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc và Nga. Chuyên gia Shawn Brimley của Center for a New American Security nhận xét, trong trường hợp xảy ra xung đột tại Biển Đông, ưu thế quân sự của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh bớt hung hăng.

Trong cuộc chạy đua quân sự Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương, tàu ngầm đã trở thành một trong những lãnh vực chủ chốt. Đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào hỏa tiễn đã khiến các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực và một số chiến hạm Mỹ bị đe dọa. Ông Carter cho biết như thế nên Lầu Năm Góc sẽ đầu tư 8 tỉ đô la trong năm tới để "đảm bảo lực lượng tàu ngầm và chống tàu ngầm của Mỹ là vũ khí sát thương hiện đại nhất thế giới".

Lâu nay các loại tàu ngầm tự hành nhỏ được sử dụng trong việc tìm kiếm, cứu hộ ; nhưng loại mới sẽ tự động hóa nhiều hơn và có thể mang theo vũ khí. Một kiểu được gọi là « búp bê Nga » được đề nghị, gồm tàu ngầm mẹ có thể phóng ra một loạt tàu ngầm con, có thể sử dụng như mìn, truy lùng các tàu ngầm địch hoặc bắn ra hỏa tiễn. - RFI

No comments:

Post a Comment