Tuesday, April 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 19/4

Tin Thế Giới

1.
Taliban tấn công thủ đô Kabul, 30 người thiệt mạng

Một nhóm phiến quân Taliban sáng hôm 19/4 đã thực hiện một cuộc tấn công vào thủ đô Kabul của Afghanistan, dùng bom và súng đạn, giết chết ít nhất 30 người và gây thương tích cho hơn 327 người, các giới chức tại đây cho biết.

Mục tiêu của vụ tấn công là một toà nhà mà theo các giới chức là nhà của một đơn vị đặc biệt của lực lượng an ninh Afghanistan làm việc dưới quyền cơ quan tình báo Afghanistan, phụ trách công tác bảo vệ các giới chức chính phủ.

Vụ tấn công khởi sự vào lúc 9 giờ sáng giờ địa phương, khi một kẻ đánh bom tự sát kích nổ chiếc xe chất đầy bom của y tại cổng vào toà nhà.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Afghanistan Sediq Siddiqi nói với các nhà báo rằng “hàng trăm kí lô chất nổ” đã được chất lên chiếc xe này. Ông cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định những chi tiết về con số những kẻ tấn công, nhưng ông thừa nhận là những sơ hở về an ninh đã dẫn tới vụ tấn công gây nhiều chết chóc này.

Các giới chức nói vụ chạm súng dữ dội tiếp theo sau giữa những kẻ tấn công và các lực lượng an ninh Afghanistan kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, tất cả những kẻ tấn công đều bị giết chết, một số bằng cách kích nổ bom mang trên người.

Tổng Thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lên án vụ tấn công “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất”. Ông nói rằng vụ tấn công “rõ ràng cho thấy sự thất bại của quân thù trong các trận giao tranh giáp mặt” với các lực lượng an ninh Afghanistan.

Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ bạo lực này. Trong môt thông báo gửi đến các nhà báo, ông này nói rằng vụ tấn công nhắm vào văn phòng của cơ quan tình báo Afghanistan, và mô tả cơ quan này là một trong những cơ quan tàn bạo nhất trong guồng máy chính quyền Afghanistan. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Nga-Trung đối đầu với Mỹ --- Vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông: Anh Quốc ủng hộ Philippines --- Mỹ cung cấp khí cầu trinh sát cho Philippines theo dõi Biển Đông

Vào lúc Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng Biển Đông để hỗ trợ Philippines và các quốc gia Đông Nam Á trước thái độ xác quyền chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, Nga lại tỏ thái độ ủng hộ Bắc Kinh trên hồ sơ này.

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ hôm qua tại Matxcơva, hai Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố rằng không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và các tranh chấp chủ quyền ở vùng này phải được giải quyết thông qua thương lượng.

Trong cuộc họp báo chung hôm qua với đồng nhiệm Nga, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định rằng Trung Quốc bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông và có toàn quyền quyết định nên giải quyết các căng thẳng trong khu vực này như thế nào.

Trước cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Trung Quốc hôm qua, Ngoại trưởng Lavrov, khi trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ ngày 12/04, cũng đã tuyên bố rằng cần phải chấm dứt những nỗ lực quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông.

Ngay hôm sau, Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, đã phản đối tuyên bố nói trên của ông Lavrov. Ông Lê Hải Bình nhắc lại rằng Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở khu vực này "thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC)".

Việc Matxcơva ủng hộ lập trường của Bắc Kinh không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông phải được đặt trong bối cảnh Nga hợp tác ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc ở châu Á, hay ít ra là hai nước có quan điểm ngày càng đồng nhất về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực này, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Cũng giống như Trung Quốc, Nga cho rằng chính Hoa Kỳ là thế lực gây mất ổn định ở Biển Đông, đồng thời sự hiện quân sự của Mỹ đe dọa nước Nga. Một ví dụ mà Matxcơva đưa ra đó là vào năm 2015, Hoa Kỳ đã áp lực lên Việt Nam để Hà Nội ngưng cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh làm nơi tiếp nhiên liệu cho các oanh tạc cơ.

Và cũng giống như Bắc Kinh, Matxcơva chống lại dự án của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Thật ra, thì chống sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau. Hiện đang bị phương Tây cô lập do xung đột ở Ukraina, Matxcơva đang rất cần có thêm bạn và nhất là có thêm khách hàng tiêu thụ dầu khí và vũ khí Nga, cũng như có thêm đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga. Khách hàng và nhà đầu tư lớn nhất hiện nay không ai khác hơn là Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng rất cần tiếp cận các tài nguyên của vùng này, nhất là dầu khí.

Với Trung Quốc là mội đối tác chiến lược hàng đầu, Nga cũng đang có tham vọng trở thành một cường quốc châu Á. Về phần Bắc Kinh, giữ được quan hệ hữu hảo với Nga, họ sẽ rảnh tay tập trung cho chiến lược bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông. - RFI

***
Thêm một cường quốc đòi Bắc Kinh phải thi hành quán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tuyên bố hôm qua, 18/04/2016, tại Washington, với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, Quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Anh Quốc đặc trách Đông Á Hugo Swire cho rằng phán quyết của tòa án nói trên phải mang tính bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên.

Cũng theo lời ông Hugo Swire, đối với Anh Quốc, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye là một cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Bắc Kinh hiện vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và đã tuyên bố trước là sẽ không tôn trọng phán quyết của tòa án La Haye.

Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ ra phán quyết vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, nhưng cho tới nay các phán quyết của tòa án này thường không được tôn trọng và tòa án cũng không có quyền hạn để bắt buộc các bên phải thi hành.

Tháng 2 vừa qua, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, mà Anh Quốc là thành viên, cũng đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế. Washington đã bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng một phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc làm cái cớ để tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ ) ở Biển Đông .

Về điểm này, Quốc vụ khanh Hugo Swire hôm qua cũng nói rằng đối với Anh Quốc, tự do lưu thông và hàng không là "tuyệt đối không thể thương lượng được".

Cũng về Biển Đông, hôm qua, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc điều một phi cơ quân sự đến Đá Chữ Thập hôm Chủ nhật để gọi là "sơ tán khẩn cấp ba công nhân bị bệnh". - RFI

***
Chính phủ Mỹ đang cấp viện trợ quân sự trị giá 42 triệu đôla cho Philippines để tăng năng lực do thám hàng hải vào lúc có những tranh chấp ở Biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN: “Chúng tôi sẽ bổ sung cho năng lực của họ, đưa các bộ cảm biến lên các tàu và khí cầu quan sát lên trời để nhìn vào không gian trên biển”.

Một quan chức quân đội Philippines cho hay khí cầu quan sát này mang theo radar để thu thập thông tin và phát hiện các di chuyển ở Biển Đông.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về toàn phần hay một vài phần của vùng biển.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ công bố Sáng kiến An ninh Hàng hải thực hiện trong 5 năm, là một cam kết giúp các nước đối tác trong đó có Việt Nam và Philippines đối phó với các thách thức chung. Ngân sách cho sáng kiến này là 425 triệu đôla.

Là đồng minh có hiệp ước với Mỹ, Philippines đã bắt đầu nhận viện trợ của Mỹ từ chương trình kể trên. Việt Nam không công bố nhận được viện trợ trị giá bao nhiêu từ Mỹ. Song mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho hay: “Chúng tôi đã giải ngân đợt một số tiền này, gần 80% số đó sẽ dành cho Philippines. Ngân quỹ đó sẽ giúp hiện đại hóa công nghệ và huấn luyến nhân viên tại Trung tâm Theo dõi Duyên hải Quốc gia Philippines, tăng cường mạng thông tin cho phép chia sẻ việc liên lạc mật giữa Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii và các trung tâm chỉ huy hàng hải chính của Philippine, cung cấp khí cầu trinh sát, và lắp các cảm biến tốt hơn cho các tàu tuần tiễu của Philippines để họ có thể nhìn thấy và làm được nhiều hơn ở các vùng biển trong khu vực”.

Manila sẽ nhận được 120 triệu đôla viện trợ quân sự của Mỹ trong năm nay, khoản lớn nhất kể từ năm 2000 khi quân đội Mỹ quay trở lại Philippines. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama: Iraq có thể chiếm lại Mosul vào cuối năm nay

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết ông dự kiến vào cuối năm nay các điều kiện sẽ chín muồi để binh sĩ Iraq chiếm lại thành phố Mosul từ tay nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo. Ông Obama cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn chiếu trên đài truyền hình CBS hôm thứ hai và tái khẳng định sự hỗ trợ dành cho các lực lượng Iraq đang tham gia cuộc chiến đấu trên bộ.

Tổng thống Obama cho biết mặc dù quân đội Mỹ không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng Washington có thể tiếp tục siết chặt thòng lọng trên cổ của nhóm Nhà nước Hồi giáo qua việc huấn luyện cho quân đội Iraq, phái lực lượng đặc biệt đến giúp họ và cung cấp thông tin tình báo cho họ.

Trước đó trong ngày thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter loan báo phái thêm 200 binh sĩ và một số máy bay trực thăng Apache đến giúp các lực lượng Iraq chiếm lại thành phố Mosul.

Ông Carter cho biết thành phần chính của toán quân mới là những viên cố vấn có nhiệm vụ giúp đỡ về mặt hậu cần cho binh sĩ Iraq khi họ bao vây Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq.

"Chúng tôi sẽ phái thêm cố vấn đến làm việc với lực lượng an ninh Iraq, tại các bộ chỉ huy cấp lữ đoàn và tiểu đoàn."

Các lực lượng Iraq đã phát động một cuộc phản công để chiếm lại cứ địa của Nhà nước Hồi giáo vào ngày 24 tháng 3.

Một viên chức quốc phòng cấp cao cho biết tổng cộng 8 chiếc trực thăng Apache sẽ được phái tới để trợ giúp trong trận đánh. Cần có binh sĩ Mỹ để lái và bảo trì những chiếc trực thăng tấn công này. Năm ngoái, các giới chức Iraq khước từ đề nghị của Mỹ để dùng trực thăng Apache trong trận đánh chiếm lại thành phố Ramadi từ tay Nhà nước Hồi giáo, nhưng các giới chức Mỹ nói cuộc chiến chiếm lại Mosul còn khó khăn hơn nhiều.

Thành phố này bị rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo vào mùa hè năm 2014.

Hôm thứ hai, ông Carter đã họp với Thủ tướng Haider al-Abadi và Bộ trưởng Quốc phòng Khaled al-Obaidi của Iraq. Ông cho biết thêm như sau về sự trợ giúp của Mỹ.

"Chúng tôi muốn các lực lượng Iraq hành động nhiều hơn nữa để chiến thắng, và hành động nhiều hơn đòi hỏi hoạt động hậu cần nhiều hơn, và do đó, sự trợ giúp này là một phần quan trọng của đà tiến mà chúng ta đang có mỗi lúc một nhiều."

Ngày hôm qua, Bộ trưởng Carter cũng loan báo cung cấp thêm ngân khoản cho các lực lượng Peshmerga của người Kurd ở miền bắc Iraq. Một giới chức cấp cao cho biết khoản tiền đó ước chừng 415 triệu đô la.

Chính phủ người Kurd ở miền bắc Iraq đang đối mặt với khó khăn tài chánh vì giá dầu tuộc giốc trên thị trường thế giới.

Đại tướng Sean MacFarland, Tư lệnh lực lượng liên minh chống Nhà nước Hồi giáo, cho biết như sau về sự trợ giúp tài chánh này.

"Vào thời điểm này lực lượng Peshmegar không có đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động trên chiến trường, do đó chúng tôi muốn bảo đảm là họ có đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến đấu."

Các giới chức cũng cảnh báo rằng những biện pháp mới có thể làm cho các binh sĩ Mỹ ở Iraq đối mặt với nhiều rủi ro hơn vì họ sẽ hoạt động gần mặt trận hơn trước. - VOA
|
|

4.
Bà Clinton, ông Trump dẫn đầu trong bầu cử sơ bộ ở New York

Giữa lúc bang New York tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên Tổng Thống Mỹ, kết quả sẽ quyết định ai sẽ nhận được số đại biểu đông đảo tại bang này. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên của Đảng Dân Chủ Hillary Clinton và ứng cử viên Đảng Cộng Hoà Donald Trump đang dẫn đầu khá xa các đối thủ của họ.

Cả hai đảng đều không áp dụng chế độ người thắng sẽ chiếm hết số đại biểu ở New York, cho nên bất kể ai là người thắng, những ứng cử viên về sau cũng sẽ nhận được một số đại biểu.

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders bày tỏ tự tin trước cuộc bầu cử, bất chấp kết quả thăm dò cho thấy ông thua bà Clinton ít nhất là 10 điểm.

Ông Sanders nói với đài NBC rằng ông đã đoạt được thắng lợi tại các bang khác, nơi mà các cuộc thăm dò nói ông về sau.

Bước sang ngày 19 tháng 4, bà Clinton dẫn đầu với 1.758 đại biểu, so với ông Sanders, đoạt được 1.076 phiếu, kể cả nhiều trăm siêu đại biểu đã cam kết ủng hộ cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, nhưng được tự do thay đổi ý kiến. Số đại biểu được tranh giành ở New York là 291 về phía Đảng Dân Chủ.

Vì Đảng Dân Chủ trao số đại biểu theo tỷ lệ, ông Sanders cần phải thắng lớn mới có thể bắt kịp đối thủ. Quản trị viên đặc trách chiến dịch vận động của bà Clinton hôm 18/4 nói rằng ông Sanders đang phấn đấu để được đề cử, nhưng dường như ông không thể nào với tới mục tiêu ấy.

Bên phía Đảng Cộng Hoà, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thống đốc Ohio John Kasich đang tìm cách gom được đủ số đại biểu cần thiết để ngăn ông Trump chiếm được 1.237 đại biểu, là đa số cần thiết để được Đảng Cộng Hoà đề cử trước đại hội đảng vào tháng Bảy tới đây.

Tính tới hôm 19/4, Ông Trump chiếm được 744 đại biểu, ông Cruz, 559 đại biểu và ông Kasich, 144 đại biểu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ông Nguyễn Phú Trọng ‘thúc’ xử lý nhanh các đại án

Tổng bí thư của Việt Nam “yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng” liên quan tới ngành ngân hàng.

Ông Trọng đã đưa ra lời thúc giục như vậy hôm qua trong một cuộc họp về phòng chống tham nhũng.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản cũng nêu cụ thể các vụ cần phải xử lý ngay đó là vụ án "cố ý làm trái các quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng " tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam cũng như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương; vụ án lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như…

Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Trọng nói rằng “công tác điều tra, giám định vừa qua đã tập trung làm nhưng chưa được như mong muốn, sắp tới phải thúc đẩy làm tốt hơn, nhanh hơn”.

Ông nói: “Kinh nghiệm là làm từng bước vững chắc, điều tra đến đâu xét xử đến đó không chờ điều tra đầy đủ mới đưa ra xét xử, kết luận đến đâu xử lý đến đấy, không cầu toàn chờ làm cùng một lúc, vụ nào có điều kiện thì làm trước”.

Ông Trọng cho rằng “khâu điều tra, giám định vẫn là một trong những khó khăn vướng mắc nhất trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Người lãnh đạo đảng cũng nói tới việc “cần sớm xây dựng quy chế để đẩy mạnh xử lý kỷ luật bên Đảng đối với các tập thể cá nhân để xảy ra tham nhũng”.

Viết trên trang Facebook cá nhân, luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định nói về chỉ thị của ông Trọng: “Ông lấy quyền gì theo hiến pháp để yêu cầu các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố và xét xử các vụ án? Điều 4 chưa cụ thể đến mức ban cho ông quyền đó. Hay ông quen nếp nghĩ, rằng tổng bí thư đảng cầm quyền mặc nhiên có quyền lực tối cao bất chấp hiến pháp và luật pháp?”

Cuối năm 2015, theo báo cáo của Ủy ban phòng chống tham nhũng của Việt Nam,  cơ quan điều tra và hội đồng xét xử sơ thẩm đã khởi tố 31 vụ với 329 bị can, đã xét xử sơ thẩm 14 với 149 bị cáo, tuyên phạt 7 bị cáo với 8 án tử hình, 13 bị cáo với 14 án chung thân.

Ngoài ra, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, với 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền hơn 40 tỷ đồng, trong khi cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 216 vụ với 460 bị can. - VOA
|
|

6.
Người Mỹ gốc Việt được giải Pulitzer

Một tác giả gốc Việt đã được giải thưởng cao quý của Mỹ, Pulitzer, trong hạng mục tiểu thuyết.

'Cảm tình viên' (The sympathizer), mở đầu ở năm 1975 ở Sài Gòn và kể về một cảm tình viên cộng sản trốn thoát sang Los Angeles. Anh ta đột nhập và theo dõi một nhóm người miền Nam Việt Nam.

Đây là tiểu thuyết đầu tay của ông Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt), sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên tại Mỹ. Ông hiện dạy tại Đại học Nam California (USC).

Giải thưởng tiểu thuyết cho ông Viet Thanh Nguyen là một trong các giải Pulitzer vừa được công bố ngày 18/4.

Tiểu thuyết này trước đã từng vào chung khảo giải PEN/Faulkner 2016 và giải của báo Los Angeles Times.

Báo New York Times chọn đây là một trong 100 cuốn sách quan trọng của năm 2015. - BBC

No comments:

Post a Comment