Tin Thế Giới
1.
Đại hội Đảng Bắc Triều Tiên: Chưa nước nào nhận lời tham dự --- Bắc Triều Tiên có thể sẽ trang bị tên lửa liên lục địa
Chính quyền Bình Nhưỡng sẽ tổ chức Đại Hội Đảng Lao động Triều Tiên trong tháng 5/2016, lần đầu tiên kể từ 36 năm nay. Hiện tại chưa có quốc gia nào nhận lời tham dự. Việc Bắc Triều Tiên kiên quyết không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp các cảnh cáo quốc tế, khiến quốc gia Đông Bắc Á này bị cô lập hơn bao giờ hết.
Hãng tin UPI dẫn lại nguồn tin của Yonhap, hôm qua, 19/04/2016, cho biết một giới chức cấp cao của chính quyền Bình Nhưỡng, ông Kim Yong Choi, đã được phái đến Lào và một số quốc gia Đông Nam Á khác vào tháng 2, nhưng cho đến nay chưa có nước nào trả lời chính thức về việc sẽ tham dự.
Việc các quốc gia được coi là bạn bè truyền thống dường như không còn mặn mà với Bắc Triều Tiên cũng nằm trong xu thế chung. Hồi tháng 1/2016, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Davos cũng đã hủy giấy mời Bắc Triều Tiên, sau vụ thử bom hạt nhân lần thứ tư, mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom « nhiệt hạch ». Bất chấp loạt trừng phạt bổ sung của Hội Đồng Bảo An, Bắc Triều Tiên khẳng định sẽ thực hiện thêm một vụ thử hạt nhân mới để phô trương thanh thế trước Đại Hội Đảng.
Tình trạng cô lập của Bắc Triều Tiên trước kỳ Đại Hội Đảng lần thứ 7 này tương phản với Đại Hội lần thứ 6, được tổ chức vào năm 1980, khi khách mời là 177 phái đoàn từ 118 quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Nga, đã đến dự.
Chính quyền Bình Nhưỡng rất có thể sẽ giảm quy mô của các hoạt động được tổ chức nhân dịp này, do áp lực của loạt trừng phạt quốc tế mới. Truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên thông báo nhiều cuộc tập hợp quần chúng, nhưng theo các giới chức bộ Thống Nhất Hàn Quốc, không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành các cuộc biểu dương lực lượng quy mô lớn.
Theo một số tin tức tình báo Hàn Quốc, Đại Hội của Đảng Lao Động Triều Tiên sẽ được tổ chức vào ngày 07/05, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng không đưa ra thông tin chính thức nào. - RFI
***
Ngày 19/04/2016, viên tướng Mỹ đang được chỉ định làm tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại hàn Quốc đã nhận định, nếu các nước không có biện pháp ngăn chặn, Bắc Triều Tiên sẽ có thể trang bị tên lửa liên lục địa.
Trong một buổi điều trần trước Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Mỹ, tướng Vincent Brooks nói rằng, nhìn qua những trong các cuộc diễu binh của Bắc Triều Tiên, mọi người đều thấy rõ họ đã có những hệ thống tên lửa nào và họ sẽ có đủ khả năng trang bị hệ thống tên lửa liên lục địa, nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Ông muốn nói đến khả năng Bắc Triều Tiên chế tạo các loại tên lửa có tầm bắn xa tới tận Hoa Kỳ. Tướng Vincent Brook cũng đánh giá chủ trương phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng là rất đáng lo ngại và vẫn chưa có gì ngăn được họ.
Tướng Brooks cũng bày tỏ lo ngại Bắc Triều Tiên có đủ khả năng chế tạo được tên lửa đạn đạo bắn đi từ tàu ngầm. Ông ví von : “ Dù họ chưa thành công, nhưng giống như người tập xe đạp ban đầu có bị ngã, cuối cũng vẫn có thể trở thành nhà vô địch đua xe địa hình”.
Quân đội Mỹ vẫn duy trì một lực lượng lớn tại Hàn Quốc từ sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Hiện có khoảng gần 30 nghìn quân Mỹ đóng thường xuyên tại Hàn Quốc. Hàng năm quân đội Mỹ- Hàn vẫn đều đặn tổ chức các cuộc tập trận chung.
Từ sau những vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân và thử tên lửa gần đây, Washington và Seoul đang thảo luận khả năng triển khai tại Hàn Quốc hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại của Mỹ THAAD.
Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn quả quyết có đủ phương tiện cần thiết để có thể tự bảo vệ trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên ngày càng có nhiều quan chức Mỹ lo ngại trước những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang có tiến bộ trong chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hôm qua, ba nước đồng minh, Nhật, Mỹ, Hàn đã lên tiếng cảnh cáo Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu những trừng phạt nặng nề hơn nữa nếu họ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 hoặc có bất kỳ hành động khiêu khích nào khác. - RFI
|
|
2.
Ông Raul Castro lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba thêm 5 năm nữa
Đảng Cộng sản Cuba cho biết Chủ tịch Raul Castro 84 tuổi sẽ giữ cương vị cao nhất của đảng thêm năm năm nữa, cùng với cấp phó chính của mình, ông Jose Ramon Machado Ventura 85 tuổi có chủ trương cứng rắn.
Những tiết lộ này được công bố hôm thứ Ba, đỉnh điểm của đại hội đảng bí mật kéo dài bốn ngày mà nhiều nhà phân tích dự báo là sẽ có những dấu hiệu cho thấy những đảng viên kỳ cựu - nhiều người trong số họ trong độ tuổi 70 và 80 - sẽ bắt đầu nhường chỗ cho những nhà lãnh đạo trẻ hơn.
Những trang tin của chính phủ cho biết ông Castro, người mà nhiệm kỳ chủ tịch nước kết thúc vào năm 2018, vẫn sẽ là bí thư thứ nhất và ông Machado Ventura sẽ giữ chức bí thư thứ hai.
Ông Castro trước đó đã kêu gọi thay đổi triệt để nền kinh tế tập trung kiểu Soviet của Cuba, trong khi kêu gọi những nhà lãnh đạo hàng đầu nghỉ hưu ở tuổi 70. Tuy nhiên, ông cũng cho biết những điều lệ mới của đảng sẽ không được thi hành cho đến khi đại hội đảng kế tiếp diễn ra vào năm 2021.
Những bản tin cho biết đảng cũng đã chọn bộ chính trị đầy quyền lực gồm 15 thành viên của mình, và những nhà quan sát cho rằng bộ chính trị phần lớn thiếu vắng những thành viên mới và trẻ hơn.
Đại hội đảng diễn ra năm năm một lần kết thúc một tháng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Havana, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm gần 90 năm qua. Kể từ đó, những nhà lãnh đạo của Cuba đã tìm cách mô tả chuyến thăm là một nỗ lực của Mỹ nhằm lôi cuốn người dân Cuba bình thường rời xa những giá trị xã hội chủ nghĩa của đất nước và hướng tới một nền dân chủ đa đảng. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Tổng Thống Obama đến Ả Rập Xê Út --- Vụ 11/09 phủ bóng lên chuyến đi Ả Rập Xê Út của tổng thống Mỹ --- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi tập trung vào nỗ lực chống IS
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay tới Ả Rập Xê Út, và theo dự kiến ông sẽ thảo luận với Quốc vương Salman về một loạt vấn đề, kể cả về Iran, nước đối nghịch với Ả Rập Xê Út, về cuộc xung đột ở Yemen và các nỗ lực nhằm đánh bại nhóm Nhà Nước Hồi giáo IS.
Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út là đồng minh lâu năm, nhưng trong thời gian gần đây đã có những căng thẳng giữa đôi bên.
Ông Obama chỉ trích Ả Rập Xê Út là đã không làm đủ trong cuộc chiến chống lại Nhà Nước Hồi giáo, và Mỹ đã cùng một nhóm cường quốc thế giới đạt một thoả thuận hạt nhân với Iran, theo đó nhiều tỉ đô la của Iran sẽ được tháo ngân qua các biện pháp gỡ bỏ cấm vận đối với nước này.
Sau các cuộc thảo luận hôm nay, Thứ Tư 20/4, là một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm 6 nước. - VOA
***
Hôm nay 20/04/2016, tổng thống Hoa Kỳ tới Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ chuyến công du nhằm trấn an các nước vùng Vịnh trước thế đang lên của cường quốc khu vực Iran. Trước chuyến công du của tổng thống Mỹ, chính trường Hoa Kỳ sôi sục vì một dự luật liên quan đến loạt khủng bố năm 2001 nhắm vào World Trade Center và trụ sở bộ Quốc Phòng Mỹ. Nếu được thông qua, luật này sẽ cho phép các gia đình nạn nhân kiện chính quyền Ả Rập Xê Út để đòi được bồi thường.
Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York:
"Kể từ 15 năm nay, vai trò của Ả Rập Xê Út trong loạt tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, người ta biết rằng Oussama Ben Laden, thủ lĩnh Al-Qaida, là người gốc Ả Rập Xê Út, cũng như 15 trong số 19 không tặc tham gia các cuộc tấn công này. Công dân Pháp Zacarias Moussaoui, người đáng lẽ cũng có mặt trong số những thành viên nhóm khủng bố tự sát, đã khai nhận là hoàng gia Ả Rập Xê Út từng tài trợ rất nhiều cho Al-Qaida trong những năm 1990.
Nhà Trắng đã rất nỗ lực trong những tuần gần đây để điều luật về vai trò của Ả Rập Xê Út không được đưa ra trước Quốc Hội Mỹ, nhưng cuộc tranh luận về chủ đề này vẫn còn chưa chấm dứt.
Trong bản báo cáo của một ủy ban điều tra Mỹ, 28 trang hiện thời vẫn còn được giữ bí mật. Phần tài liệu này phải chăng chứa đựng những yếu tố cho thấy vai trò của Ả Rập Xê Út ? Quan điểm của Phủ Tổng Thống Mỹ là cần ưu tiên con đường ngoại giao hơn là đưa vụ việc ra tòa. Bởi vì, nếu xem xét lại nguyên tắc các Nhà nước không thể bị buộc tội, Hoa Kỳ sẽ tạo ra một tiền lệ, và đến lượt Washington sẽ bị tấn công trở lại trong nhiều hồ sơ khác về mặt pháp lý.
Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố ông sẽ sử dụng quyền phủ quyết, nếu luật này được thông qua tại Quốc Hội. Thái độ này có thể làm giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út an lòng. Ryad từng tuyên bố sẵn sàng trả đũa Hoa Kỳ về kinh tế, ví dụ như cho bán các trái phiếu của bộ Tài Chính Mỹ và các tài sản khác tại Hoa Kỳ, với tổng giá trị 750 tỷ đô la".
Theo Reuters, sau cuộc hội kiến với quốc vương Ả Rập Xê Út Salman, tổng thống Obama sẽ tham dự thượng đỉnh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh. Các quốc gia vùng Vịnh hy vọng mua của Hoa Kỳ các hệ thống tên lửa mới, trong bối cảnh ý tưởng về một hiệp ước quốc phòng để đối phó với Iran đã bị loại khỏi thượng đỉnh lần trước.
Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo The Atlantic trước chuyến công du này, tổng thống Mỹ đề nghị các nước vùng Vịnh nên « chia sẻ » vùng Trung Đông với Iran. - RFI
***
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tham gia nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà Nước Hồi giáo - IS.
Phát biểu trong cuộc họp quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ở Riyadh tại Dinh Diriyah của Ả Rập Xê-út hôm nay, ông Carter nói Mỹ và các nước GCC đang “hoạt động dựa trên nền tảng của một quan hệ đối tác vững mạnh” đã kéo dài trong nhiều thập niên.
Một giới chức quốc phòng cấp cao nói rằng hai trọng tâm của chuyến đi thăm của ông Carter là chống lại những hoạt động gây bất ổn của Iran, và đánh bại nhóm Nhà Nước Hồi giáo.
Ông Carter hối thúc các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tham gia sâu rộng hơn để giúp chính quyền Iraq chiến đấu chống nhóm Nhà Nước Hồi giáo và tái thiết các khu vực mà các phần tử chủ chiến đã bị đánh bật.
Các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cho tới nay vẫn do dự, không muốn giúp Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi bởi vì theo lời một giới chức quốc phòng cấp cao Mỹ, “các nước vùng Vịnh luôn quan tâm tới các vấn đề chính trị, và về ảnh hưởng của Iran trong khu vực.”
Giới chức này nói thêm rằng “lập luận của chúng tôi là, nếu quý vị quan tâm tới ảnh hưởng của nước ngoài tại Iraq, thì cách tốt nhất để đối phó với vấn đề đó là hãy dấn thân và tham gia.”
Hôm thứ Hai, Mỹ loan báo sẽ điều thêm 217 binh sĩ tới Iraq, đồng thời đưa nhiều máy bay trực thăng tác chiến Apache và các Hệ thống Phóng Phi đạn HIMARS, cùng với 415 triệu đô la tiền viện trợ cho lực lượng Peshmerga của người Kurd, trong tình huống chính quyền Kurd đang chật vật xoay sở để trả lương cho binh sĩ vì hậu quả của giá dầu sụt giảm mạnh.
Trong chuyến đi thăm Baghdad, ông Carter hôm thứ Hai nói rằng các binh sĩ phụ trội, các thiết bị và tiền viện trợ sẽ tăng khả năng cho các lực lượng địa phương trong các nỗ lực quân sự của họ nhằm tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq đang là tâm điểm của các hoạt động của quân chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo. - VOA
|
|
4.
Ông Trump, bà Clinton thắng lớn tại New York
Ông Donald Trump của Ðảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New York hôm thứ Ba. Ông Trump giành phần lớn nhất số phiếu đại biểu của bang New York, còn bà Clinton tăng thêm khoảng cách biệt trước đối thủ Bernie Sanders. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường thuật từ New York.
Đó là một đêm tưng bừng tại bang nhà New York của người dẫn đầu Ðảng Cộng hòa - ông Donald Trump.
"Tôi hết sức ngưỡng mộ và xin chúc tụng thành phố New York và bang New York. Tôi không thể tưởng tượng tôi có được một chiến thắng xứng đáng như thế này ở bất cứ nơi nào khác. Tôi yêu mến tất cả các bạn. Chúng ta mừng chiến thắng và ngày mai chúng ta trở lại làm việc."
Ông Trump dễ dàng đánh bại hai đối thủ John Kasich và Ted Cruz.
Doanh gia tỉ phú này tăng khoảng cách dẫn trước về số phiếu đại biểu và đạt một bước tiến lớn hướng đến việc giành quyền đề cử của Ðảng Cộng hòa để tranh chức tổng thống.
Cả hai ứng cử viên Kasich và Cruz đều kiên quyết đua tranh với hy vọng sẽ dẫn đến đại hội toàn quốc của Ðảng Cộng hòa vào tháng 7.
Ông Kasich đang đi vận động tại bang Maryland để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sơ bộ ở bang này vào tuần tới.
"Tôi nghĩ công chúng sẽ chọn lựa theo đường lối của tôi, và đó là điều tôi tin. Còn một điều nữa -- tôi là người duy nhất mang theo thông điệp tích cực, đó là thông điệp hợp nhất. Tôi nghĩ đảng sẽ phải chọn khi cơ hội đó đến."
Ông Cruz nói chuyện với những người ủng hộ ở Pennsylvania, bang cũng sẽ bầu cử sơ bộ vào thứ Ba tới.
"Liệu chúng ta sẽ tiếp tục sống với quá khứ bằng những gì chúng ta biết rõ là không còn thích hợp nữa? Hay liệu chúng ta sẽ tiến lên để đi đến một tương lai mới tốt đẹp hơn? Công chúng từ tiểu bang này đến tiểu bang khác đã làm rõ điều đó. Họ lên tiếng đòi một hướng đi mới."
Trong cuộc bầu cử sơ bộ bên Ðảng Dân chủ, ứng cử viên đang dẫn đầu là bà Clinton giành một chiến thắng lớn trước đối thủ kiên trì tranh đua – ông Sanders.
"Cám ơn New York. Cuộc đua giành quyền đề cử của đảng gần hoàn thiện và đã có thể thấy được chiến thắng."
Bà Clinton sẽ được nhiều phiếu đại biểu ở bang New York hơn ông Sanders để càng tăng thêm khoảng cách biệt trong cuộc đua.
Nhưng ông Sanders kiên quyết tiếp tục đua tranh khi ông đi vận động ở bang Pennsylvania, và ông quả quyết rằng ông là ứng cử viên mạnh hơn của Ðảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
"Và người dân Mỹ đang chọn lấy cơ hội đó nếu chúng ta phải chặn ông Trump hay một ai khác của Ðảng Cộng hòa tiến vào chiếm Tòa Bạch Ốc, bởi vì điều đó sẽ là một thảm họa cho đất nước chúng ta. Chúng ta phải vận động để bảo đảm rằng thảm họa đó không xảy ra."
Cả bà Clinton và ông Trump đã bỏ phiếu bầu cho chính mình hôm thứ Ba tại New York vì đó là bang nhà của cả hai ứng cử viên này.
Kết quả hôm thứ Ba ở bang New York tăng thêm khả năng hai ứng cử viên dẫn đầu ở mỗi đảng sẽ đối mặt với nhau trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ đến thăm Hệ sinh thái thung lũng Silicon tại Việt nam vào ngày mai 21/4.
Ông Antony Blinken sẽ gặp các quan chức Việt Nam tại Hà Nội, các doanh nhân và các thành viên của xã hội dân sự tại Việt Nam.
Chuyến thăm này diễn ra trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Obama đến Việt Nam dự kiến trong tháng 5/2016 này.
Theo dự kiến ông Blinken có hai buổi diễn thuyết, với cộng đồng khởi nghiệp và các sinh viên tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn tại Hà Nội, theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Thông cáo cho hay nội dung trao đổi của ông tại Việt Nam xoay quanh "chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Vào đầu tuần này, ông Blinken đang công du Đông Á trong nỗ lực làm việc với các đồng minh của Hoa Kỳ tại khu vực trước một loạt động thái thách đố của Bình Nhưỡng.
Vào hôm thứ Ba 19/04, giới ngoại giao cấp cao Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản cảnh báo Bắc Hàn tiếp tục các hành động khiêu khích sau khi có chỉ dấu cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị vụ thử hạt nhân lần thứ năm.
"Nếu Bắc Hàn thực sự thực hiện thêm các hành động khiêu khích thì nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi thực hiện các biện pháp đáng kể them nữa,” ông Blinken được báo giới dẫn lời. - BBC
|
|
6.
Việt Nam tiếp tục nằm gần cuối bảng Tự do Báo chí Thế giới 2016
Việt Nam tiếp tục nằm trong các nước chót bảng về Tự do Báo chí 2016 do Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa công bố hôm nay.
Vị trí của Việt Nam năm nay vẫn duy trì ở hạng 175 như năm ngoái trên tổng số 180 quốc gia được khảo sát, nhưng về điểm số đánh giá, Việt Nam bị sụt mất 1.64 điểm so với năm rồi.
Trưởng phụ trách khu vực Châu Á trong RSF, ông Benjamin Ismail, cho VOA Việt ngữ biết:
“Dù Việt Nam vẫn duy trì mức hạng như năm ngoái nhưng tình hình tự do báo chí năm nay tại Việt Nam tệ đi rất nhiều thể hiện rõ qua điểm số bị sụt bởi chiến dịch đàn áp không nương tay của nhà cầm quyền đối với các blogger, các ký giả độc lập không có cùng quan điểm với nhà nước. RSF tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cải thiện quyền tự do báo chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quốc tế lưu tâm hơn nữa về tình hình tự do báo chí của Việt Nam nói riêng và tình hình nhân quyền Việt Nam nói chung.”
Tổ chức bảo vệ ký giả và bênh vực cho quyền tự do báo chí thế giới có trụ sở tại Pháp nhận xét thông tin độc lập duy nhất ở Việt Nam là từ các blogger và các ký giả công dân nhưng họ đã bị biến thành mục tiêu của các hình thức tấn công vô cùng khắc nghiệt trong chiến dịch đàn áp của nhà cầm quyền kể cả việc sử dụng bạo lực công an.
Một số dẫn dụ cụ thể được RSF đưa ra để minh chứng cho tình trạng thiếu tự do báo chí tại Việt Nam bao gồm tất cả truyền thông nội địa đều được đặt dưới sự kiểm soát và chỉ thị của đảng cộng sản; quyền tự do sử dụng Internet bị hạn chế bởi Nghị định 72 trong khi quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận bị ngăn trở bởi các điều khoản bao quát, mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như Điều 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.’
RSF nói các điều luật này cho phép nhà cầm quyền bóp nghẹt mọi hình thức bất đồng chính kiến tại Việt Nam, nơi toàn bộ báo chí-truyền thông đều thuộc quốc doanh.
Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn bị liệt kê vào nhóm tồi tệ nhất ở cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới thường niên do RSF thực hiện. Giới phân tích nói điều này thể hiện chính sách không lay chuyển của Hà Nội trong việc đàn áp quyền tự do báo chí, không hề có sự cải thiện hay thay đổi đáng kể nào.
Ngoài tên của quốc gia Việt Nam, tên của các nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam cũng bị RSF liệt kê vào danh sách ‘Kẻ thù của Internet’ liên tục trong những năm vừa qua.
Như các phúc trình khác trên thế giới về nhân quyền Việt Nam, các báo cáo của Phóng viên Không biên giới luôn bị Hà Nội xem là ‘xuyên tạc’, ‘thiếu khách quan’, ‘không phản ánh đúng tình hình.’
Chính phủ Việt Nam khẳng định quyền tự do báo chí được tôn trọng với hàng trăm ấn phẩm báo chí-truyền thông đa dạng được phép xuất bản.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói hàng trăm báo đài tại Việt Nam làm theo lệnh của một tổng biên tập là đảng cộng sản để phản ánh tiếng nói một chiều của nhà cầm quyền, phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước, và ca ngợi chế độ.
Kể từ năm 2002, Phóng viên Không Biên giới khảo sát và công bố xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới để đo lường mức độ tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu dựa trên các tiêu chí như tính đa nguyên, phương tiện truyền thông độc lập, môi trường truyền thông và tự kiểm duyệt, môi trường pháp lý, tính minh bạch, cơ sở hạ tầng, và tình trạng vi phạm.
Được xem là thước đo về tự do báo chí toàn cầu, Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay cho thấy Châu Âu dẫn đầu về khu vực có tự do báo chí tốt nhất trên thế giới. Lần đầu tiên khu vực Châu Phi chiếm vị trí thứ nhì, dẫn trước Châu Mỹ. Tiếp theo sau là Châu Á và Đông Âu/Trung Á. Bắc Phi và Trung Đông là khu vực có ký giả bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.
3 nước EU đứng đầu bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay bao gồm Phần Lan, Hà Lan, và Nauy.
Các quốc gia cuối bảng là Việt Nam, Trung Quốc, Syria, Turkmenistan, Bắc Triều Tiên, và Eritrea. - VOA
No comments:
Post a Comment