Sunday, April 17, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 17/4

Tin Thế Giới

1.
Động đất mạnh ở Ecuador, ít nhất 77 người thiệt mạng

Tổng số thiệt mạng trong trận động đất mạnh tại Ecuador nay lên đến ít nhất là 77 người. Mấy trăm người bị thương.

Phó Tổng thống Jorge Glas nói rằng số nạn nhân thiệt mạng có thể còn tăng trong lúc báo cáo về tổn thất từ các nơi còn tiếp tục gởi về.

Các đội cứu hộ đang chật vật tìm cách đến các điểm rãi rác của ngư dân và các bãi biễn du lịch bị ảnh hưởng động đất tối thứ Bảy.

Phó Tổng thống Glas nói: “Người dân Ecuador cần phải bình tĩnh trong tình hình khẩn cấp này là điều quan trọng.”

Trung tâm khảo sát địa chấn của Mỹ cho hay trận động đất gần mặt đất mạnh 7,8 độ xảy ra vào chiều tồi thứ Bảy dọc theo bờ biển của Ecuador.

Rung động có thể cảm nhận được tại thủ đô Quito cách đó 170 kilômét. Đường dây điện đổ và hệ thống điện thoại di động gián đoạn tại nhiều khu vực.  

Nhà cửa ở Quinto chao đảo trong khoảng 40 giây, làm nhiều người lo sợ chạy ra ngoài đường.

Một cây cầu ở thành phố cảng Guayaquil bị sập.

Phi trường ở Manta phải đóng cửa sau khi tháp kiểm soát bị thiệt hại.

Phó Tổng thống Glas nói rằng vệ binh quốc gia Ecuador được điều động giữ trật tự công công.

Cảnh báo sóng thần được phát ra, nhưng chưa có báo cáo mới nào về sóng lớn.

Tổng thống Rafael Correa không có mặt ở Ecuador khi động đất xảy ra.  Ông đang ở Rome sau khi tham dự một hội nghị ở Vatican hôm thứ Sáu.  Ông Correa cho hay ông sẽ về đến Ecuador sớm nhất là chiều Chủ nhật. - VOA
|
|

2.
Thêm vụ chiến đấu cơ Nga 'chặn đầu' máy bay Mỹ trên Biển Baltic

Quân đội Mỹ cho hay một máy bay trinh sát của Không quân Mỹ bay trên biển Baltic đã bị một phản lực cơ SU-27 của Nga bay chặn đầu “theo cách thức thiếu an toàn và không chuyên nghiệp.”

Thông báo của Bộ tư lệnh châu Âu của Mỹ hôm thứ Bảy nói rằng vụ việc xảy ra trong không phận quốc tế và máy bay của Mỹ không hề bay vào không phận Nga.  

Một người phát ngôn của quân đội Mỹ nói với đài truyền hình CNN rằng chiếc phản lực cơ “bay theo kiểu hung hăng, ẩu tả” và chỉ cách máy bay Mỹ khoảng 15 mét.  

Trước đó mấy ngày, mấy chiếc chiến đấu cơ của Nga đã bay rất gần tàu USS Donald Cook của hải quân Mỹ trong hải phận quốc tế ở Biển Baltic.  

Các thủy thủ Mỹ đã kinh ngạc khi thấy mấy chiếc SU-24 hình như không vũ trang bay cách khu trục hạm của họ chỉ khoảng 9 mét, và thấp đến mức gây ra sóng trên mặt nước.

Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận đó là hành động khiêu khích và nói rằng máy bay của họ đang bay thử và chỉ quan sát tàu Donald Cook trước khi rẽ sang hướng khác,” theo cách tuân thủ mọi biện pháp an toàn. - VOA
|
|

3.
Tổng thống Myanmar ân xá cho hơn 80 tù nhân

Tổng thống Myanmar Htin Kyaw vừa ân xá cho 83 tù nhân được cho là đã bị giam cầm vì những lý do chính trị.

Văn phòng tổng thống loan báo lệnh ân xá hôm Chủ nhật, và cho biết ông Htin Kyaw ký lệnh này với mục tiêu “hòa giải trên cả nước” nhân khởi đầu năm mới của Phật giáo.

Tân chính phủ được bầu chọn dân chủ của Myanmar do Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi thống lãnh bãi bỏ cáo buộc đối với mấy trăm người hoạt động dân chủ bị truy tố dưới chế độ quân nhân cầm quyền trước đó đã cai trị nước này năm thập niên cho đến khi giao lại quyền hành cho chính phủ bán dân sự vào năm 2011.

Trong phát biểu trên truyền hình toàn quốc, Tổng thống Htin Kyaw hứa sẽ trả tự do cho “các tù nhân chính trị, những người hoạt động chính trị, và các sinh viên bị truy tố liên quan đến chính trị.”

Liên minh Dân chủ Toàn quốc lên nắm quyền tại Myanmar, còn gọi là Miến Ðiện, hồi tháng trước sau khi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11.  

Bà Aung San Suu Kyi, người bị quản thúc tại gia hai thập niên, không làm tổng thống được theo quy định của hiến pháp do quân đội đặt ra trước đó.  Nhưng bà giữ chức ngoại trưởng và chức “cố vấn nhà nước,” và cách đó cho phép bà lãnh đạo chính phủ thông qua người làm tổng thống. - VOA
|
|

4.
Quốc hội Brazil biểu quyết luận tội Tổng thống Rousseff

Các nhà lập pháp Brazil hôm nay sẽ biểu quyết liệu có tiến hành luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, trong lúc nước này đang chìm ngập trong cuộc khủng hoảng chính trị.

Đề nghị luận tội cần được hai phần ba số dân biểu Hạ viện (342 trên 513 đại biểu) thông qua mới được chuyển lên cho Thượng viện. Ở đó bà Rousseff sẽ phải đối mặt với một cuộc biểu quyết nữa liệu sẽ phế truất  bà giữa nhiệm kỳ tổng thống thứ hai này hay không.

Tiến trình biểu qyết này bắt đầu hôm thứ Sáu vừa rồi.

Sự chống đối bà Rousseff gia tăng trong mấy tháng qua, với những cáo buộc nổi lên cho rằng bà đã sử dụng các nguyên tắc kế toán bất hợp pháp và cẩu thả để che dấu các khoản thâm thủng của chính phủ trong cuộc vận động tái tranh cử của bà năm 2014.  

Bà Rousseff bác bỏ mọi cáo buộc.

Những người chỉ trích còn quy lỗi cho bà về cuộc khủng hoảng kinh tế của Brazil và một vụ bê bối tham nhũng lớn trong công ty dầu khí nhà nước Petrobas.  

Nhà lãnh đạo 68 tuổi này được bầu lên làm tổng thống lần đầu vào năm 2010, và tái đắc cử lần thứ nhì vào năm 2014 – tiếp nối 13 năm cầm quyền của Đảng Công nhân cánh tả.

Người đứng đầu danh sách lên thay bà trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ là Phó Tổng thống Michael Temer thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil, người bị bà Rousseff cáo buộc tham giam âm mưu lật đổ bà. - VOA
|
|

5.
Tổng thống Pháp thăm Ai Cập: Hồ sơ vũ khí nổi bật

Trong khuôn khổ vòng công du 4 ngày tại vùng Trung Cận Đông, tổng thống François Hollande đã ghé Liban vào hôm qua, nơi ông đã cam kết hỗ trợ chính quyền Beyrouth về phương diện quân sự. Tuy nhiên, cao điểm vòng công du là hai ngày thăm Ai Cập vào hôm nay, 17/04/2016 và ngày mai, với nhiều hợp đồng vũ khí trên bàn đàm phán.

Thu hút sự chú ý nhiều nhất có lẽ là khả năng Ai Cập mua thêm chiến đấu cơ rất đắt tiền của Pháp là loại Rafale.

Pháp đã bất ngờ bán được cho Ai Cập 24 chiếc tiêm kích Rafale vào tháng 02/2015, nhưng tập đoàn máy bay tư nhân Dassault đang hy vọng bán thêm được 12 chiếc khác cho Cairo, nếu căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng trước. 

Khi đặt mua 24 chiếc Rafale của Pháp, Ai Cập đã nghĩ đến phương án bán 20 chiếc máy bay Mirage 2000 – mua của Pháp trước đây - cho Irak để có thêm tiền mua Rafale.

Ngoài ra, tập đoàn Airbus cũng hy vọng ký được hợp đồng bán hơn 10 máy bay cho Ai Cập nhân chuyến thăm của tổng thống Pháp. 

Lãnh vực tàu chiến cũng nổi bật, với khả năng Cairo đặt mua thêm hai chiếc tàu đổ bộ lớp Mistral. Vào tháng 09/2015, Ai Cập cũng bất ngờ mua lại 2 chiếc Mistral mà Pháp định bán cho Nga. Theo thông tin trên nhật báo kinh tế La Tribune tại Pháp, Ai Cập dự kiến triển khai hai chiếc Mistral đã mua tại Địa Trung Hải, và hai chiếc sắp mua tại Hồng Hải.

Bên cạnh đó, còn có hợp đồng bán 4 tàu chiến trị giá khoảng 550 triệu euro cho Ai Cập, trong đó có 2 hộ tống hạm loại Gowind, cùng hai tàu tuần tra. Tập đoàn Pháp DCNS từng bán 4 chiếc Gowind cho Ai Cập vào tháng 07/2014. 

Cũng theo các nguồn tin báo chí Pháp trong những ngày qua, nhân chuyến thăm của ông Francois Hollande, Paris sẽ cố đúc kết với Cairo hợp đồng cung cấp một vệ tinh viễn thông quân sự cho Ai Cập do tập đoàn Airbus và Thalès sản xuất. Cộng thêm với 4 tàu chiến của DCNS, hợp động sẽ vượt mức 1 tỷ euro. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc: Hạm đội Nam Hải tập trận với tình huống lâm chiến thực

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành những cuộc tập trận với những bài khóa được nâng cấp theo hướng phù hợp với những điều kiện chiến đấu thực tế. Theo tờ báo của quân đội Trung Quốc phát hành ngày 17/04/2016, mục tiêu nhằm tăng cường hiệu năng chiến đấu của đơn vị Hải Quân.

Theo bài báo, được hãng Reuters trích dẫn, loạt tập trận mới này đã khởi sự từ ngày 07/04, bao gồm các phương án tác chiến mới như chiến đấu trong môi trường điện từ. Trước đó, các đơn vị tàu chiến cũng đã tiến hành các bài tập chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, tập hoạt động khi tầm nhìn bị thu hẹp, tập bay thấp và nhanh đối với các phi công.

Tờ báo trích lời một sĩ quan chỉ huy xác định rằng các tình huống phức tạp đề xuất trong các bài tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tác chiến của các đơn vị Hải Quân và Không Quân Trung Quốc. Có điều là bài báo không cho biết là các cuộc tập trận diễn ra cụ thể ở khu vực nào trên Biển Đông.

Tờ báo của Quận Đội Trung Quốc còn cho biết thêm là sắp tới đây, sẽ có những bài tập tấn công trên biển trong vòng 24 tiếng đồng hộ liên tục, tập phòng thủ không phận ở một độ cao tối thiểu cũng như các chiến thuật quân sự khác.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có những bài tập phối hợp tác chiến với các đơn vị quân đội khác như lực lượng phụ trách cảnh báo sớm trên không, chiến hạm trên biển và các hệ thống phòng không trên bờ.

Thông tin về các cuộc tập trận trên đây được đưa ra trong bối cảnh một số quan sát viên không loại trừ khả năng Trung Quốc làm càn, xua lực lượng đánh chiếm các bãi đá đang nằm trong tay các láng giềng. Một trong những mục tiêu tiềm tàng được cho là Bãi Cỏ Mây, Second Thomas Shoal, hiện do khoảng một chục lính thủy quân lục chiến Philippines trấn giữ. - RFI
|
|

7.
Báo chí quốc tế nói gì về chuyến đi Trường Sa của tướng Trung Quốc?

Thông tin về việc phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc đến thị sát các công trình mà Bắc Kinh đang xây dựng tại quần đảo Trường Sa tiếp tục được báo chí phân tích. Theo nhận xét chung, đây là một động thái mới của Bắc Kinh nhằm thách thức Mỹ trên vấn đề Biển Đông.

Như tin chúng tôi đã loan, bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 15/04 đã loan báo rằng tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc vừa thực hiện một chuyến đi thị sát Biển Đông.

Bản thông báo không nói là ông Long đi lúc nào, và đã ghé những hòn đảo nào, nhưng cho biết là nhân vật này đã dẫn đầu một phái đoàn đi thăm Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa), và đã thị sát một số công trình xây dựng trong đó có hải đăng, trạm khí tượng.

Trong một bài viết được cập nhật ngày hôm nay, 17/04/2016 trên trang web của mình, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post đã nêu bật sự kiện đây là một chuyến thăm chưa từng thấy của nhân vật đứng hàng thứ hai trong cơ chế lãnh đạo quân đội Trung Quốc, chỉ sau duy nhất chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Hồng Kông, tướng Phạm Trường Long như vậy đã trở thành lãnh đạo Trung Quốc cao cấp nhất đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, theo tình báo Đài Loan, vào tháng 09/2014, cũng có một viên tướng nhưng cấp thấp hơn – đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh Hải Quân Trung Quốc - đến Trường Sa thanh tra công việc bồi đắp đảo nhân tạo.

Nhật báo Hồng Kông đặc biệt ghi nhận là chuyến thị sát Trường Sa của tướng Long trùng hợp cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines có sự tham gia của Úc, Nhật Bản trong khu vực. Ngoài ra, thông tin về chuyến đi được loan báo đúng vào hôm bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cùng đồng nhiệm Philippines bay ra thăm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis đang hoạt động trên Biển Đông.

Nhật báo Mỹ The New York Times hôm 15/04 cũng phân tích về chuyến thị sát Trường Sa của ông Phạm Trường Long và ghi nhận ý đồ khiêu khích của Trung Quốc: « Chuyên thăm dường như nhằm mục tiêu chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bác bỏ bất kỳ thách thức nào chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa vốn cũng được Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đòi chủ quyền ».

Đây là một bước leo thang mới của Bắc Kinh, vì theo New York Times, trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo quân sự hay dân sự Trung Quốc cũng từng đi thăm Biển Đông, nhưng là đến quần đảo Hoàng Sa gần lục địa Trung Quốc hơn.

New York Times cũng gắn liền thông tin về chuyến thị sát Trường Sa của nhân vật số hai trong quân đội Trung Quốc, với chuyến thăm hàng không mẫu hạm Mỹ trên Biển Đông của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter. - RFI

No comments:

Post a Comment