Tin Thế Giới
1.
'Không ai sống sót' vụ phi cơ Nga gặp nạn
Toàn bộ 224 người trên khoang đều thiệt mạng trong vụ máy bay dân dụng gặp nạn ở miền trung bán đảo Sinai, theo các quan chức Ai Cập tới điều tra hiện trường.
Xác máy bay đã được tìm thấy tại khu vực Hassana và các thi thể đã được đưa đi cùng hộp đen của chiếc phi cơ.
Chuyến bay KGL9286 biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao khoảng 31.000ft (9.500m).
Điều tra hình sự
Tổng thống Nga Valadimir Putin đã ra lệnh mở cuộc điều tra chính thức về vụ tai nạn, và cho gửi các nhóm cứu hộ tới hiện trường.
Ông Putin tuyên bố cả nước Nga để tang vào ngày Chủ Nhật.
Một ủy ban do Bộ trưởng Giao thông Maksim Sokolov dẫn đầu sẽ tới Ai Cập vào chiều thứ Bảy.
Hồ sơ hình sự cũng đã được mở đối với hãng hàng không Kogalymavia về tội "vi phạm các quy định bay và công tác chuẩn bị bay", hãng tin Nga Ria tường thuật.
Tin tức nói cảnh sát hiện đang lục soát các văn phòng của hãng.
Hãng hàng không có trụ sở tại tây Siberia này hoạt động dưới tên gọi Metrojet.
Tin cho hay trên khoang có 217 hành khách và phi hành đoàn bảy người. Truyền thông Nga nói trong số 217 hành khách có 200 người lớn và 17 trẻ em.
Các quan chức Ai Cập nói có 214 hành khách là người Nga và 3 người là người Ukraine.
Hãng tin Tass nói một trung tâm hỗ trợ thân nhân của các hành khách vừa được mở tại sân bay Pulkovo, St Petersburg.
Bất ngờ mất độ cao
Trước khi rơi, máy bay bị cho là đã mất độ cao rất nhanh.
Ban đầu đã có những tường thuật trái ngược về số phận của chiếc phi cơ, với một số tin tức cho rằng máy bay biến mất trên bầu trời Cyprus.
Tuy nhiên, văn phòng Thủ tướng Ai Cập Sharif Ismail xác nhận trong một tuyên bố rằng một "phi cơ dân dụng Nga... đã lao xuống ở miền trung Sinai".
Thông cáo từ văn phòng thủ tướng nói chiếc máy bay Airbus A-321 khi đó vừa cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên bờ Hồng Hải, lên đường về St Petersburg.
Thông cáo cũng nói thêm rằng ông Ismail đã thành lập một ủy ban khủng hoảng nhằm xử lý vụ việc.
Truyền thông nói có ít nhất 50 xe cứu thương tới hiện trường.
Việc tiếp cận vào nơi này hiện do quân đội kiểm soát và địa hình nơi đây khá hiểm trở, các phóng viên nói.
Một quan chức nói với hãng tin Reuters là đã có ít nhất 100 thi thể được tìm thấy.
"Có rất nhiều người chết trên mặt đất và nhiều người chết trong lúc vẫn kẹt trong ghế ngồi của mình," quan chức này nói.
Chiếc phi cơ bị gãy đôi, một phần bị bốc cháy còn một phần lao vào tảng đá, ông cho biết thêm.
Hãng hàng không nhỏ
Máy bay này do hãng Kogalymavia của Nga vận hành. Đây là hãng hàng không nhỏ, trụ sở chính ở thành phố Tyumen, vùng Siberia của Nga.
Cơ quan quản lý hàng không Nga Rosaviatsiya ra thông cáo nói chuyến bay số hiệu 7K 9268 rời Sharm el-Sheikh vào lúc 06:51 giờ Moscow (10:51 sáng giờ Hà Nội) và theo lịch trình phải tới sân bay Pulkovo ở St Petersburg lúc 12:10 sáng (16:10 giờ Hà Nội).
Thông cáo này nói máy bay đã mất liên lạc với quản lý không lưu Cyprus 23 phút sau khi cất cánh và biến mất khỏi radar.
Hãng tin Nga Ria-Novosti cho hay phi công chiếc máy bay trước khi mất tín hiệu đã xin chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Cairo vì lý do trục trặc kỹ thuật.
Mikail Robertson từ hãng dịch vụ theo dõi trực tiếp các chuyến bay Flight Radar 24 xác nhận độ cao của máy bay khi mất tích là 9.500m.
Ông nói với BBC rằng chiếc phi cơ đã rớt xuống rất nhanh, mất 1.500m chỉ một phút sau khi mất liên lạc.
Phóng viên BBC Orla Guerin từ Cairo nói nhiều khả năng sẽ có đồn đoán về can dự quân sự trong vụ tai nạn này - Sinai là nơi có một mạng lưới các tay súng hoạt động tích cực, trong đó có nhóm thánh chiến Jihadis địa phương tự coi mình là đồng minh với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, độ cao của chiếc phi cơ vào thời điểm gặp nạn cho thấy đó không thể là hậu quả của một vụ tấn công từ dưới mặt đất, phóng viên BBC nói thêm. - BBC
|
|
2.
TQ vẫn thừa nam nên sẽ hung hăng? --- Biển Đông: Tên lửa siêu âm TQ khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng --- TQ không muốn Thủ tướng Nhật nêu Biển Đông tại thượng đỉnh Seoul
Hàng chục triệu thanh niên nam Trung Quốc ế vợ sẽ tạo ra vấn đề xã hội và có thể khiến chính quyền theo đuổi chính sách quân sự hung hãn, theo một nhà nghiên cứu gốc Hoa ở Anh.
Phát biểu trên trang The Guardian hôm 29/10 nhân tin Trung Quốc sẽ cho các cặp vợ chồng tới đây được có hai con, ông Steve Tsang, giáo sư chuyên về TQ tại ĐH Nottingham nói:
"Mất cân bằng giới tính sẽ vẫn là vấn đề rất lớn."
"Chúng ta nói đến 20 triệu tới 30 triệu người đàn ông trẻ không thể có vợ. Điều này gây ra căng thẳng xã hội và tạo ra một số lớn những người bực bội."
"Lịch sử cho thấy các nước với số đàn ông không vợ rất đông ở tuổi quân dịch thường dễ theo đuổi chính sách ngoại giao mang tính quân phiệt, hung hăng."
Chính sách mỗi gia đình chỉ được có một con, đưa ra thời Đặng Tiểu Bình, bị cho là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng cho mấy thế hệ tại Trung Quốc.
Muộn mất nhiều năm
Nay chính sách 'hai con' được hoan nghênh những cũng bị cho là quá muộn để hạn chế tác động của quá trình lão hóa dân số đã bắt đầu.
Số liệu chính thức của Trung Quốc cho hay con số lao động từ 16 đến 59 đã lên đỉnh cao năm 2011 và từ đó bắt đầu giảm.
Năm 2014, số người ở độ tuổi này đã là 916 triệu, bằng 66% dân số cả nước Trung Quốc, giảm nhanh từ 74,5% năm 2010.
Với tin về chính sách một con của Trung Quốc sắp dần được bỏ, các con số khủng khiếp được nêu ra về quá trình thực hiện chính sách này.
Trung Quốc nói từ 1979, nước này đã 'ngăn ngừa 400 triệu trẻ sinh ra' như thể giúp cho thế giới giảm đi từng đó nhân khẩu.
Nhưng cũng theo chính Bộ Y tế Trung Quốc, đã có trên 350 triệu vụ phá thai, nhiều khi là cưỡng bức, được thực hiện trên cả nước.
Tính trung bình mỗi giờ ở Trung Quốc có 1500 vụ phá thai, theo cách tính chính thức.
Cũng từ 1979, Trung Quốc thực hiện 196 vụ triệt sản, trong nhiều trường hợp cũng là cưỡng bức.
Chính sách 'hai con' tới đây cũng sẽ có tác động đến vấn đề nhận con nuôi.
Được biết hàng chục nghìn trẻ em tại Trung Quốc mỗi năm được người nước ngoài đón về làm con nuôi.
Nhiều trẻ là em gái bị mẹ bỏ vì thói trọng nam khinh nữ truyền thống mà nhà nước chỉ cho có một con nên nhiều gia đình chọn con trai. - BBC
***
Nguy cơ xung đột vũ trang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Trung Quốc ở Biển Đông gia tăng cùng với mức độ ngày càng tinh vi của các tên lửa bắn từ tàu ngầm của Trung Quốc. Đó là cảnh báo được đưa ra trong một báo cáo mới, vừa được gởi lên Quốc hội Hoa Kỳ ngày 28/10/2015.
Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, loại tên lửa phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc, được biết dưới cái tên YJ-18 (Ưng Kích 18), là một mối đe dọa thật sự, bởi vì tên lửa này trước khi chạm mục tiêu sẽ tăng tốc lên vận tốc siêu âm, cho nên sẽ rất khó cho thủy thủ đoàn của Mỹ bảo vệ chiến hạm của họ.
Tên lửa YJ-18 có thể bay với vận tốc gần bằng với vận tốc âm thanh chỉ vài mét trên mực nước biển, rồi đến khi chỉ còn cách mục tiêu khoảng 20 hải lý, sẽ tăng tốc lên đến gấp ba vận tốc âm thanh. Theo lời ông Larry Wortzel, một thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, tốc độ siêu âm của YJ-18 khiến cho súng trên tàu chiến của Mỹ khó mà bắn chặn tên lửa này.
Uỷ ban nói trên báo động rằng, vận tốc và tầm bắn của tên lửa YJ-18, cũng như việc triển khai rộng rãi loại tên lửa này, sẽ gây những tác động nghiêm trọng đến khả năng của các tàu trên mặt biển của hải quân Mỹ hoạt động vùng Tây Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra xung đột.
Lãnh đạo quốc phòng của nhiều nước Đông Nam Á trong những tháng gần đây đã lên tiếng báo động về nguy cơ của các tên lửa bắn từ dưới biển, vào lúc mà các quốc gia trong khu vực đua nhau phát triển hạm đội tàu ngầm và trong bối cảnh mà Hoa Kỳ thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ đi vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Trường Sa, nhằm khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này. Tuy cực lực phản đối, nhưng Trung Quốc đã không ngăn chận, mà chỉ điều động hai tàu hải quân bám theo tàu Mỹ. Nhưng nếu chiến hạm Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra sát cạnh các đảo nhân tạo Trung Quốc, chưa biết Bắc Kinh có sẽ còn giữ thái độ kềm chế như vậy hay không.
Hôm thứ năm vừa qua, trong cuộc hội đàm với Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, đô đốc Ngô Toàn Thắng, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã cảnh báo là hành động "khiêu khích" của Mỹ có thể dẫn đến những vụ đụng độ giữa hải quân giữa hai nước.
Ngoài tên lửa siêu âm YJ-18, Trung Quốc hiện cũng đang có trong tay tên lửa đạn đạo Đông Phong-21 (DF-21), được mệnh danh là tên lửa "diệt hàng không mẫu hạm", mà Bắc Kinh đã phô diễn trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Loại tên lửa này được bắn từ các dàn phóng tên lửa di động đặt trên đất liền. - RFI
***
Hôm nay, 31/10/2015, Trung Quốc tuyên bố chống lại ý định của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc hội đàm giữa ông với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Seoul ngày mai.
Tuyên bố với các phóng viên tại thủ đô Hàn Quốc hôm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Tôi tự hỏi là Nhật Bản có dính dáng gì đến Biển Đông". Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn yêu cầu Tokyo không can dự vào các vấn đề liên quan đến những yêu sách chủ quyền, cũng như những công trình bồi đắp đảo của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Ngày mai, tại Seoul, lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Trung Quốc hôm nay cũng đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Về vấn đề Biển Đông, cho tới nay, Seoul vẫn cố giữ một thái độ trung lập, không chỉ trích Trung Quốc nhưng cũng không công khai ủng hộ Hoa Kỳ. Một quan chức bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm nay chỉ nhấn mạnh rằng Seoul vẫn chủ trương là tự do lưu thông hàng hải phải được bảo đảm ở vùng Biển Đông. The thông tin báo chí, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi gặp Tổng thống Park Geun Hye đã tỏ ý muốn là Seoul sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông. - RFI
***
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay 31/10/2015 đã tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc để chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh Đông Bắc Á quy tụ lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Thông qua cuộc họp lần này, Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ thương mại và góp phần thúc đẩy nên kinh tế đang bị chựng lại.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có một buổi gặp riêng với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vào cuối ngày hôm nay. Vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đến Seoul vào đầu giờ chiều Chủ nhật 01/11, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây đã duy trì được mối quan hệ thương mại chặt chẽ. Cả hai nước cùng muốn gây ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng để hạn chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh đã trở nên nồng ấm hơn trong những năm gần đây. Tổng thống Park Geun Hye và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau sáu lần và có mối quan hệ cá nhân khá thân mật.
Tuy nhiên, bà Park đang phải đối mặt với vấn đề cân bằng quan hệ ngoại giao khá tế nhị giữa Bắc Kinh và Washington. Sáu mươi năm liên minh quân sự giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn là nền tảng quốc phòng của quốc gia Đông Á này và Seoul không muốn trở thành một lá bài trong cuộc chiến tăng sức ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Châu Á.
Tuy nhiên, trận chiến có vẻ đang nóng lên vì trong tuần này, một tầu khu trục của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Biển Đông.
Xuất phát từ cơ chế hội nghị thượng đỉnh hàng năm, cuộc họp ba bên bị gián đoạn từ năm 2012 khi quan hệ giữa ba cường quốc kinh tế Đông Bắc Á ngày càng trở nên căng thẳng. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ngoại trưởng Kerry bắt đầu chuyến công du 5 ngày ở Trung Á
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tới thủ đô Bishket của Kyrgyzstan, trong chặng đầu của chuyến công du 5 nước Trung Á, giữa lúc các tổ chức nhân quyền hối thúc ông lên tiếng về vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận.
Ông Kerry tới Kyrgyzstan để thực hiện chuyến viếng thăm một ngày, chuyến đầu tiên trong cuộc du hành mỗi ngày một nước còn bao gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenistan.
Các giới chức Mỹ xem chuyến công du của ông Kerry là dịp để trấn an các nước Trung Á về sự vững mạnh của mối quan hệ của họ với Mỹ trong lúc quan hệ giữa Mỹ với nước Nga láng giềng của họ bị nguội lạnh. Nhưng ông Kerry cũng gặp áp lực đòi ông công khai đề cập tới những khuyết điểm của những nước thuộc Liên Sô cũ này.
Hôm qua, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã gửi cho ông Kerry một lá thư công khai để yêu cầu ông thúc đẩy cho việc thả tù chính trị tại mỗi nước mà ông đến thăm.
Ông Cardin yêu cầu ông Kerry khẳng định “cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với những nguyên tắc dân chủ phổ quát” khi ông hội kiến các vị Ngoại trưởng của những nước vùng Trung Á.
Tổ chức Human Rights Watch cũng yêu cầu ông Kerry bày tỏ quan tâm về thành tích nhân quyền của những nước này và hối thúc họ trả tự do cho những người bị tù oan, chấm dứt nạn tra tấn và tôn trọng các quyền tự do cơ bản.
Hồi đầu tuần này, Ủy ban Bảo vệ Ký giả yêu cầu ông Kerry lưu ý tới các nhà báo bị cầm tù vì lý do chính trị, vấn đề kiểm duyệt mạng internet, và những vụ hành hung nhà báo. Tổ chức này nói thêm rằng các cuộc nghiên cứu của họ cho thấy tự do truyền thông “đã xấu đi một cách đều đặn” tại các nước đó trong thời hậu Sô Viết. - VOA
|
|
4.
Thượng viện Hoa Kỳ thông qua thỏa thuận ngân sách 2 năm
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật hồi sớm hôm thứ Sáu để ngăn Washington khỏi rơi vào các cuộc chiến tài chính kinh niên cho đến hết các cuộc bầu cử năm tới. Dự luật nay sẽ được đưa lên Tổng thống Obama để ký thành luật.
Thượng viện chấp thuận dự luật với 64 phiếu thuận và 35 phiếu chống sau 2 giờ rưỡi sáng thứ Sáu.
Dự luật ấn định mức chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ trong 2 năm và nâng mức trần nợ đến đầu năm 2017, tránh nguy cơ chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần hoặc Hoa Kỳ không trả được nợ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ ông Obama.
Hạ viện Hoa Kỳ chấp thuận dự luật hôm thứ Tư. Phe Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội và đã tranh cãi với phe Dân Chủ về các vấn đề tài chính từ nhiều năm nay.
Các thượng nghị sĩ bảo thủ trong đảng Cộng Hòa lên án thỏa thuận là vô trách nhiệm về mặt tài chính và là một sự đầu hàng trước phe Dân Chủ.
Trưởng khối đa số Thượng viện Mitch McConnell nói: “Thỏa thuận này không toàn hảo”. Ông McConnell đã tham gia nhiều tuần lễ thương nghị giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tòa Bạch Ốc.
Theo ông, mặc dù có những khuyết điểm, dự luật này “bác bỏ việc tăng thuế, bảo đảm tiết kiệm dài hạn thông qua các cải cách luật lệ và cung cấp sự hỗ trợ thêm cho quân đội”.
Ông nói thêm rằng: “Mỗi một điều khoản này là một mục tiêu của đảng Cộng hòa khi bước vào việc thương nghị”.
Trưởng khối Dân chủ Harry Reid đồng ý với ông McConnell rằng dự luật đó không phải là lý tưởng.
Ông Reid nói: “Nhưng thỏa thuận ngân sách này hoàn tất 2 ưu tiên chính mà phe Dân Chủ vẫn từng ủng hộ lâu nay. Thứ nhất, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tránh được những cắt giảm gây thiệt hại trong thời gian 2 năm. Và nó bảo đảm chúng ta đầu tư một cách tương xứng vào Ngũ Giác Đài và giới trung lưu”.
Dự luật bãi bỏ việc tự động cắt giảm chi tiêu hàng chục tỷ đôla áp dụng cho các chương trình quân sự và nội địa trong năm 2013. Nói chung, mức chi liên bang sẽ tăng 80 tỷ đôla trên mức cắt giảm trong 2 năm tới.
Để chi trả cho việc tăng chi, dự luật tìm cách tiết kiệm chi phí dành cho các chương trình lợi ích cho người già và tăng thu nhập qua một loạt các biện pháp áp dụng nhất thời, như bán dầu trong lượng dự trữ khẩn cấp của chính phủ.
Tại Hạ viện, các đảng viên ôn hòa của đảng Cộng Hòa đã cùng với phe Dân Chủ thông qua dự luật, vượt qua sự chống đối kịch liệt của khối cực bảo thủ.
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, người đang ra tranh cử tổng thống, nói: “Tôi phản đối dự luật này”.
Trong một thông cáo, ông Rubio nói dự luật “không giải quyết một cách nghiêm túc những động cơ dài hạn của khối nợ nần, và không bao gồm biện pháp cải cách cơ bản nào để ngăn Washington chi tiêu khoản tiền không có được”.
Ông Rubio nói thêm: “Chúng ta thất bại về mặt lãnh đạo ở cấp tổng thống và một thể chế chính trị tiếp tục kín đáo thương nghị các thỏa thuận chỉ làm cho con cháu chúng ta rơi vào tình trạng nợ nần ngập đầu ngập cổ”.
Bản thân là một người có chủ trương rất bảo thủ về tài chính, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch nói đó là thỏa thuận tốt nhất có thể đạt được trong một kỷ nguyên chính phủ chia rẽ.
Ông Hatch nói: “Nếu ta chờ để có được một dự luật toàn hảo, thì kinh nghiệm dạy cho tôi biết rằng có phần chắc sẽ phải chờ một thời gian lâu, rất lâu”. - VOA
|
|
5.
Mỹ điều binh sĩ tác chiến đặc chủng tới Syria
Một nhóm nhỏ bộ binh Mỹ sẽ được điều động tới miền bắc Syria để giúp hỗ trợ những nhóm đối lập trong cuộc chiến chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết Tổng thống đã cho phép ít hơn 50 binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến đặc chủng của Mỹ phối hợp những chiến binh địa phương ở Syria với những nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Việc triển khai những binh sĩ này đánh dấu lần đầu tiên lực lượng trên bộ được gửi tới Syria để phục vụ trong hơn là một cuộc đột kích hay một nhiệm vụ cụ thể.
Những binh sĩ Mỹ được triển khai tới Syria sẽ cung cấp "một số hoạt động đào tạo, một số lời khuyên và một số hỗ trợ" cho những người chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan IS, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói với các phóng viên.
"Đây là sự tăng cường một chiến lược mà Tổng thống đã loan báo hơn một năm trước," ông Earnest nói, thêm rằng "cốt lõi" của chiến lược của Mỹ ở Iraq và Syria vẫn là "xây dựng năng lực cho những lực lượng địa phương trên thực địa."
Các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc được cho biết rằng Tổng thống Obama cũng phê chuẩn những cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo của Iraq để thành lập một lực lượng đặc nhiệm tác chiến đặc chủng để củng cố những nỗ lực làm suy yếu và đánh bại những thủ lĩnh và mạng lưới của IS.
Thêm chiến đấu cơ tới Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ cũng sẽ điều thêm chiến đấu cơ A-10 và F-15 đến Căn cứ không quân Incirlik của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo một quan chức cao cấp của chính quyền.
"Chúng tôi đang dự tính tăng thêm thiết bị quân sự tại Incirlik," Tướng Philip Breedlove, quan chức quân sự hàng đầu tại NATO và Chỉ huy Bộ Tư Lệnh châu Âu của Mỹ, nói với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu trước loan báo của Tòa Bạch Ốc.
Trong khi những chi tiết vẫn đang được thảo luận, những thiết bị được đưa thêm tới Incirlik sẽ "tăng cường hỗ trợ" cho sứ mệnh chống IS, theo ông Breedlove. Ông nói thêm những thiết bị này cũng sẽ được sử dụng để giúp Thổ Nhĩ Kỳ "giải quyết những lo ngại về không phận của mình."
Những kẻ cực đoan đã trở nên khét tiếng với những chiến thuật tàn bạo, trong đó có những vụ chặt đầu, nhắm mục tiêu tấn công bừa bãi kể cả những người Hồi giáo khác không cùng đức tin với họ. Những thủ lĩnh của nhóm này cho biết mục tiêu của họ là thành lập một lãnh địa "caliphate" Hồi giáo, rõ ràng là ở Syria, và nỗ lực tối đa hóa lãnh thổ mà họ kiểm soát ở Trung Đông.
Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ đã đạt được "tiến triển tốt" ở Iraq và Syria khi họ làm việc chặt chẽ với những đối tác hữu hiệu trên thực địa, và giờ đã tăng cường khả năng của mình hợp tác với những lực lượng đó.
Trong khi Mỹ gia tăng nỗ lực quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo, các quan chức nhấn mạnh rằng những nỗ lực ngoại giao cũng được gia tăng để đạt được một giải pháp chính trị ở Syria - bao gồm những cuộc thương thuyết đa quốc gia đang diễn ra ở Vienna, nơi Ngoại trưởng John Kerry đang gặp gỡ những nhà ngoại giao từ Iran và Nga, hai đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang gặp nguy khốn. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
TQ không gọi vùng biển 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông là lãnh hải --- Hải quân Mỹ, Nhật thao dượt chung lần đầu ở Biển Đông
Trung Quốc không còn gọi vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà họ xây ở Biển Đông là lãnh hải, theo bản tin hôm thứ 5 của nhật báo Thế giới (World Journal) ở New York.
Bài báo trích phát biểu hôm thứ Tư (28-10-2015) của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng “chiến hạm Mỹ tự tiện đi vào vùng biển phụ cận của các đảo liên hệ là một sự khiêu khích chính trị nhắm vào Trung Quốc.”
Ông Lục Khảng phát biểu như thế một ngày sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến vào vùng biển 12 hải lý của đảo đá Subi trong Chiến dịch Tự do Hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ.
Mặc dù cho rằng hành động của Hoa Kỳ là “cố ý khiêu khích”, “xâm nhập trái phép”, người phát ngôn Trung Quốc chỉ gọi vùng biển đó là “hải vực phụ cận”, thay vì “lãnh hải” như tuyên bố hồi đầu tháng này của bà Hoa Xuân Oánh, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh.
Ông Lục Khảng cũng cho rằng hành động của Mỹ vi phạm các luật lệ quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và luật pháp Trung Quốc.
Tuy nhiên, trang mạng Phượng Hoàng ở Hồng Kông trích lời ông Lưu Nam Lai, một chuyên gia người Trung Quốc về Luật Biển Quốc tế, nói rằng dựa theo Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết, rất khó để nói chiến hạm của Mỹ “xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc.” - VOA
***
Báo chí Nhật Bản cho biết Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật và Hải quân Hoa Kỳ đang thực hiện một cuộc thao dượt chung ở Biển Đông. Tờ Yomiuri Shimbun nói rằng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ và Nhật Bản thực hiện một cuộc thao dượt song phương tại vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác ở Đông Nam Á.
Tờ Mainichi, một nhật báo khác ở Nhật, cho biết khu trục hạm JS Fuyuzuki của Nhật và hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang thao dượt ở vùng biển phía bắc đảo Borneo. Bài báo nói rằng chiếc Fuyuzuki dự kiến sẽ về nước ngày 10 tháng 11 và như thế có nghĩa là cuộc diễn tập này kéo dài gần hai tuần lễ. Hai chiến hạm này trước đó đã tham gia cuộc diễn tập Malabar 2015 – là cuộc thao dượt hải quân ba bên với Ấn Độ, kết thúc ngày 19 tháng 10.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật nói với tờ Yomiuri rằng cuộc diễn tập giữa hai nước đồng minh này là một cuộc thao dượt thông thường và không liên hệ tới những hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, các giới chức Nhật trước đây đã tỏ ý cho biết họ đang xem xét tới việc thực hiện những cuộc tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông. - VOA
No comments:
Post a Comment