Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Đến lượt Đài Loan bác bỏ quyết định của tòa quốc tế --- Châu Âu đứng về phía Mỹ trong vụ tàu chiến tuần tra biển Đông
Bắc Kinh không phải là bên duy nhất phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại Hà Lan theo đó Tòa có thẩm quyền xét xử đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vào hôm qua, 31/10/2015, chính quyền Đài Bắc đã lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của định chế quốc tế này, một lập trường cứng rắn hơn so với tuyên bố trước đó một hôm chỉ nói rằng không ai có quyền xét lại chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông.
Trong một thông cáo được hãng tin chính thức CNA công bố, Bộ Ngoại Giao Đài Loan khẳng định rằng họ không thừa nhận hay chấp nhận phán quyết của cơ quan trọng tài quốc tế đang thụ lý đơn của Philippines kiện Trung Quốc về Đường Lưỡi bò ở Biển Đông.
Bản thông cáo nhắc lại rằng Philippines đã không mời Đài Loan tham gia tranh tụng chống Trung Quốc, và Tòa trọng tài cũng không yêu cầu Đài Loan cho biết lập trường của mình, do vậy Đài Bắc thấy rằng: "Tiến trình trọng tài không tác động gì tới Đài Loan, và trong mọi trường hợp Đài Loan sẽ không thừa nhận và cũng không chấp nhận các phán quyết được đưa ra".
Tuyên bố hôm qua của Bộ Ngoại giao Đài Loan được cho là cứng rắn hơn hẳn so với phản ứng đầu tiên đưa ra hôm thứ Sáu 30/10/2015, khi họ chỉ tái khẳng định chủ quyền của mình trên 4 quần đảo vùng Biển Đông, xem đấy là một điều mà không ai có quyền xét lại.
Theo giới phân tích, tuyên bố phủ nhận thẩm quyền của Tòa án trọng tài quốc tế của Đài Bắc cũng dễ hiểu vì Đài Loan có cùng những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông như Trung Quốc, trên các quần đảo mà họ đặt tên là Nam Sa (tức Trường Sa), Tây Sa (tức Hoàng Sa), Trung Sa (Bãi Macclesfield) và Đông sa (Pratas).
Bản đồ lưỡi bò mà Bắc Kinh trình ra đề khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông chính là sáng tác của Quốc Dân Đảng, hiện đang cầm quyền ở Đài Loan. Và Đài Bắc cũng như Bắc Kinh đều nêu bật khía cạnh lịch sử để biện minh cho yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông của họ. - RFI
***
Liên hiệp châu Âu (EU) hôm qua đã cho thấy quan điểm ngả về phía Mỹ trong vụ điều tàu chiến tới gần đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa, dẫn tới phản ứng đầy tức tối của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới.
Động thái này có thể ảnh hưởng tới cuộc thảo luận giữa Brussel với Bắc Kinh tại cuộc họp của các ngoại trưởng Á-Âu (ASEM) vào tuần tới.
“Phía Mỹ chỉ thực thi quyền tự do hàng hải”, một quan chức cấp cao của EU nói tại một buổi họp báo, trùng với quan điểm bấy lâu nay của Washington.
Một phát ngôn viên của hải quân Mỹ trước đó nói rằng việc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen ở biển Đông là một phần của hoạt động nhằm thực thi quyền tự do hàng hải với mục đích “bảo vệ các quyền tự do và việc sử dụng đúng luật không phận và vùng biển của các nước theo luật quốc tế”.
Liên hiệp châu Âu quan ngại về kế hoạch xây đảo nhân tạo mới của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp, quan chức EU nói.
Tuyên bố đó có thể được các quốc gia châu Á phản đối việc Trung Quốc giành chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông hoan nghênh.
Trật tự hàng hải
“Trong khi không thể hiện quan điểm về các tuyên bố chủ quyền, EU cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS)”, một phát ngôn viên của Liên hiệp châu Âu nói trong thông cáo.
EU đang tìm cách củng cố quan hệ với Bắc Kinh nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế có tốc độ phát triển chậm chạp của khối.
Liên hiệp này cũng đang thương thảo thỏa thuận kinh tế và thương mại song phương với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bất chấp Washington, các chính phủ của một số nước EU cũng đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc lãnh đạo.
Các ngoại trưởng EU và châu Á sẽ nhóm họp ở Luxembourg vào tuần tới để dự hội nghị thường niên ASEM với sự tham gia của tất cả 28 nước EU và 21 quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. - RFA
|
|
2.
Hàn Quốc, TQ, Nhật Bản đồng ý khai thông các ách tắc ngoại giao
Các nhà lãnh đạo của ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý nối lại các cuộc họp thượng đỉnh ba bên hàng năm, bỏ sang một bên những tranh chấp và hận thù dai dẳng từ mấy thập niên qua.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Seoul hôm Chủ nhật tại hội nghị thượng đỉnh tam phương lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Các cuộc họp này đã bị khựng lại khi khi Thủ tướng Abe không chịu xin lỗi về cuộc xâm lược tàn bạo của Nhật trên Bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thế kỷ 20, nhất là việc bắt phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản, cùng với những tranh chấp chủ quyền nóng lên giữa Tokyo và Bắc Kinh của một nhóm đảo trong Biển Hoa Đông.
Tổng thống Park nói rằng bà, ông Abe và ông Lý hứa sẽ nối lại hợp tác "trên tinh thần đối diện trực tiếp với lịch sử và hướng tới tương lai".
Các nhà lãnh đạo đồng ý tăng nhanh đàm phán về hiệp định tự do thương mại ba bên, và tái khẳng định nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên lâu nay bị ách tắt.
Tổng thống Park sẽ họp riêng với Thủ tướng Abe vào thứ Hai. Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi bà lên nhậm chức tổng thống năm 2013.
Bà Park hôm thứ Bảy đã họp riêng với Thủ tướng Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đồng ý thúc đẩy cho việc phê chuẩn hiệp ước thương mại song phương chưa được các nhà lập pháp Hàn Quốc thông qua. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm khu phi quân sự Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter kêu gọi Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân trong chuyến đi thăm Khu Phi Quân sự ngăn cách hai nước Triều Tiên hôm Chủ nhật.
Ông Cater đi từ Seoul đến Khu Phi Quân sự và đi bộ đến Đồn Quan sát Ouellete, điểm gần nhất giữa hai nước Triều Tiên ở Khu Phi Quân sự bên phía Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng đã bỏ các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của họ với 5 nước – Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ - vào năm 2009.
Bộ trưởng Cater nói Washington vẫn sẵn sàng đàm phán, và kêu gọi quốc gia cộng sản này trở lại bàn thương nghị.
"Họ nên hướng đến hoạt động ít lại, và cuối cùng là không còn nữa trong lãnh vực vũ khí hạt nhân," ông Cater nói với các phóng viên báo chí.
Bộ trưởng Carter sẽ dự cuộc họp an ninh Mỹ-Hàn tại Seoul trong ngày Chủ nhật. - VOA
|
|
4.
Mỹ tìm thấy xác chiếc tàu mất tích El Faro
Các giới chức Mỹ nói đội tìm kiếm đã phát hiện xác của một chiếc tàu mà họ tin đó là chiếc El Faro bị đắm gần quần đảo Bahamas cùng với thủy thủ đoàn 33 người hôm 1 tháng 10 trong trận bão Joaquin.
Không ai sống sót trong vụ đắm tàu này.
Hội đồng An toàn Vận tải Quốc gia nói rằng "thiết bị định vị siêu âm tối tân" hôm thứ Bảy đã dò tìm được vật thể được cho chiếc El Faro bằng máy siêu âm dò quét Orion.
Hội đồng An toàn nói rằng các chuyên gia trên tàu USNS Apache sẽ dùng chiếc CURV 21, một tàu dò tìm sâu dưới biển được điều khiển từ xa, để quan sát và xác định lai lịch của chiết tàu đắm đó. Giới hữu trách nói rằng kế hoạch này sẽ bắt đầu vào Chủ nhật.
Hội đồng An toàn nói "mục tiêu tìm thấy được" dường như đang ở tư thế đứng và là một khối, ở độ sâu khoảng 4.500 mét.
Tàu El Faro chở hàng từ Jacksonville, bang Florida trên đường đến San Juan, Puerto Rico, thì gặp phải bão Joanquin – một trận bão mạnh cấp 4 với sức gió lên đến 215 kilômét giờ.
Chiếc tàu dài 240 mét gởi tin qua vệ tinh nói rằng tàu đang gặp nạn và sau đó giới hữu trách trên bộ mất liên lạc với con tàu.
Các giới chức đoán là tàu bị hư máy nên thuyền trưởng đã không lái được chiếc tàu đi qua vùng bão. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Ông Kim Quốc Hoa bị đề nghị truy tố
Cựu Tổng Biên tập báo Người Cao Tuổi, ông Kim Quốc Hoa, vừa bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ.
Báo Tuổi Trẻ cho hay Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố bị can Kim Quốc Hoa "về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật hình sự".
Truy tố bị can là bước tiếp theo trong quá trình tố tụng hình sự, trước khi mang bị cáo ra tòa.
Hồi tháng Năm ông Kim Quốc Hoa đã bị khởi tố "vì đã có hành vi viết, duyệt cho đăng trên Báo Người cao tuổi một số bài báo có nội dung sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của một số tổ chức, công dân".
Chỗ ở và chỗ làm việc của ông cũng bị khám xét. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe, ông Hoa được tại ngoại chữa bệnh.
Trước đó, hồi tháng Hai ông Hoa đã bị tạm dừng chức vụ tổng biên tập báo Người cao tuổi, theo quyết định của Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của báo và bị Hội Nhà báo Việt Nam ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo.
Kết luận điều tra
Cơ quan an ninh điều tra đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa sau khi đã kết thúc điều tra.
Trong vụ này được biết còn 11 người khác liên quan nhưng được cho là vi phạm mức độ nhẹ, "chưa cần thiết phải xử lý hình sự".
Tờ báo do ông Hoa làm chủ bút đã đăng nhiều bài điều tra cáo buộc tình trạng tham nhũng trong quan chức hoặc nêu ra các vấn đề khác nhau liên quan đến công an và quân đội ở Việt Nam.
Theo kết luận điều tra, ông Kim Quốc Hoa đã "duyệt cho đăng 23 bài báo có những tiêu đề và nội dung sai sự thật, không có căn cứ, suy diễn chủ quan, đưa thông tin phiến diện, một chiều".
Trước đó kết quả thanh tra đột xuất báo Người Cao Tuổi do Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo hôm 9/2 nói con số bài viết 'có dấu hiệu tội phạm' là 11.
Trong số đó có các bài báo như: 'Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất', 'Bàn về Thị trường sao và vạch' và 'Sự thật về Công tử Hà Thành ra Trường Sa'. Bài báo 'Bàn về thị trường Sao và vạch' nói về tình trạng mua quan bán tước trong quân đội.
Ông Kim Quốc Hoa luôn khẳng định mình vô tội.
Theo luật Việt Nam, sau giai đoạn truy tố sẽ là giai đoạn xét xử, nếu Viện Kiểm sát đồng tình với tài liệu điều tra bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố của cơ quan điều tra. - BBC
|
|
6.
Em Vợ Thủ Tướng & "Siêu Lừa" Dương Thanh Cường
Huy Đức
Vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm - em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - là "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Thế nhưng, khi tường thuật phiên tòa diễn từ 22-10-2015 và kéo dài suốt tuần, các nhà báo (lại) đều làm như không nhìn thấy "cặp voi này trong phòng khách".
Không một lần, cái tên Trần Quốc Liêm và vợ ông, Trần Hoa Mai, xuất hiện trong các bài tường thuật. Vụ án, vốn được xếp trong "tám Đại án tham nhũng", nếu vẫn được tuyên vào thứ Tư, 4-11-2015, sẽ đi qua như một vụ hình sự thường.
Dương Thanh Cường, sinh năm 1965, vào giữa thập niên 1990 đã từng đối diện án tử hình với 5 tội danh trong đó có tội lừa đảo và đưa hối lộ; sau đó được giảm xuống chung thân rồi 20 năm. Cường ở tù tới năm 2005 thì được tha.
Năm 2007, nhờ mối quan hệ riêng và trên cơ sở 5 ha đất của ông bà Trần Quốc Liêm - Trần Hoa Mai tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Cường lập dự án "cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát". Ngoài việc "chuyển nhượng" đất cho Dương Thanh Cường, bà Trần Hoa Mai còn nhận đứng ra "mua gom đất đai" cho Cường làm dự án.
Theo lời khai ban đầu của Cường, anh ta có nhờ tướng Trần Quốc Liêm "trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình, Tổng giám đốc Agribank" để ngân hàng cho Cường vay tiền. Cho dù khi bị tạm giam, Cường đã "rút lại lời khai" này, nhưng các diễn tiến của vụ án cho thấy, trong lịch sử làm ăn rất "liều" của mình, nếu không có sức ép đủ lớn, chưa bao giờ Agribank "giải ngân" theo kiểu "ném tiền" như thế.
Chỉ với 23 "sổ đỏ" đất nông nghiệp, "Dự án" chưa hề có một "bút phê" nào của cấp có thẩm quyền, vậy mà Dương Thanh Cường "xin vay 700 tỷ đồng", Agribank "duyệt ngay cho vay 700 tỷ đồng". Và, chỉ trong một thời gian mấy tháng, Agribank đã giải ngân 628 tỷ đồng cho dù "dự án" của Cường không hề có bất cứ dấu hiệu nào khởi động.
Theo Cáo trạng (liệt kê), có tới 566 tỷ đồng (một con số khác là 386,36 tỷ đồng - trong số 628 tỷ đồng này) ngân hàng Agribank chuyển cho Cường thông qua tài khoản cá nhân của bà Trần Hoa Mai.
"Giải ngân" xong, Agribank liền cho Cường "mượn" những cuốn "sổ đỏ" đang được thế chấp này đi làm thủ tục sang tên. Trưởng phòng tín dụng Agribank, chi nhánh 6, Hồ Văn Long khai, lẽ ra Agribank phải cử cán bộ "áp tải" những cuốn sổ đỏ này đến cơ quan chức năng, nhưng Long tin lời Dương Thanh Cường, "nếu để Cường trực tiếp cùng bà Trần Hoa Mai và ông Trần Quốc Liêm đi làm sẽ nhanh hơn".
Cường mang khối tài sản đã thế chấp này đi gặp ông Trầm Bê, ông Trầm Bê cho vay tiếp 1.500 lượng vàng (từ ngân hàng Phương Nam - chúng ta còn có cơ hội "gặp" lại ông Trầm Bê khi nói về gia đình này).
Những hành động tiếp tay khá đắc lực cho Dương Thanh Cường lừa đảo đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan tố tụng cho rằng, mối quan hệ giữa vợ chồng thiếu tướng Trần Quốc Liêm và Cường là "quan hệ dân sự".
Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao vừa đặt vấn đề áp dụng án lệ ở Việt Nam. Tham khảo án lệ trong trường hợp này không có ví dụ nào tốt hơn là đối chiếu với hợp đồng chuyển nhượng đất giữa công ty Bình Giã và Tamexco hồi 1994.
Ông Trần Quang Vinh, chủ công ty Bình Giã, vì bán đất cho Tamexco và sau đó số đất này được "định giá cao lên" để Tamexco đi thế chấp mà cả ông, ông giám đốc Tamexco và ông trưởng phòng công chứng Vũng Tàu đều bị tử hình.
Hội đồng thẩm định giá TP HCM định giá "23 sổ đỏ của Cường" chỉ tương đương 126 tỷ đồng - giá tại thời điểm thế chấp - vậy mà Agribank vẫn cho vay 628 tỷ. Và, chỉ riêng 5 hecta của vợ chồng thiếu tướng Trần Quốc Liêm, đã "bán" được cho Dương Thanh Cường 347,9 tỷ đồng (giá 7 triệu đồng/m2 đất ruộng). Vợ chồng ông Liêm bà Mai đã nhận 171,2 tỷ đồng (119 tỷ chuyển khoản; 52,2 tỷ do Cường nhiều lần mang tới tận nhà).
So sánh vụ này với Tamexco là xúc phạm vong linh các bị án trong vụ Tamexco, đặc biệt là xúc phạm ông Trần Quang Vinh. Ông Vinh là một nhà doanh nghiệp nghiêm túc. Ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm "cơ sở hạ tầng đổi đất", góp phần làm thay đổi bộ mặt Bãi Trước Vũng Tàu. Cho đến khi ông bị hành quyết, Chính quyền Vũng Tàu vẫn còn nợ ông Trần Quang Vinh 17 tỷ.
Khoản tiền "thất thoát" trong vụ án Dương Thanh Cường chủ yếu nằm ở "Dự án Thanh Phát". Một "Dự án ma" - có sự tham gia rất trực tiếp của ông bà Trần Quốc Liêm, Trần Hoa Mai - đã giúp Cường chiếm đoạt của Agribank 966 tỷ đồng (con số thiệt hại trên thực tế theo luật sư Trương Thị Hòa là 1.500 tỷ đồng). Vậy nhưng, trong mấy ngày xử án vừa qua, cho dù được các luật sư yêu cầu, Tòa cũng không triệu tập ông bà Liêm - Mai.
Đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng, không được chấp thuận làm dự án, được mua bán với giá 7 triệu/m2, có thể coi là một "giao dịch dân sự ngay tình" không.
Nếu đã xác định khoản tiền 171,2 tỷ đồng mà Dương Thanh Cường trả cho vợ chồng tướng Trần Quốc Liêm được lấy từ Agribank thì nên coi đó là những đồng tiền "do Cường phạm tội mà có" chứ không thể coi đó là tiền của Cường để xác nhận thương vụ này là bình thường.
Có một câu hỏi mà các "đồng chí trong Đảng" của ông Liêm cũng cần đối chiếu với Nghị quyết TW 4 để đặt ra là, khối tài sản khổng lồ mà tướng công an Trần Quốc Liêm có, liệu đã được kê khai trung thực.
Không phải tự nhiên mà vài bị cáo từ Agribank đã "đấm ngực" trước tòa. Những cán bộ ngân hàng ấy, nếu không có sức ép như các lời khai ban đầu, liệu họ có dám giải ngân một khoản tiền khổng lồ cho một người có nhân thân như Dương Thanh Cường với các điều kiện thế chấp vu vơ như thế.
Tòa án nhân dân TP HCM nên hoãn tuyên án; trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra lại từ đầu như đề nghị của một số luật sư. Và, theo tinh thần mà các vị đại biểu đang đề nghị ở Quốc hội: Với những vụ án liên quan đến những người quyền lực như thế này, nên trao cho một cơ quan điều tra đủ quyền độc lập.
Ông Trần Quốc Liêm không những là em của bà Trần Thanh Kiệm - phu nhân đương kim Thủ tướng - mà còn đang là một viên tướng quyền thế.
Năm 2010, Công an TP HCM (PC46) đã phát hiện, điều tra vụ án này và đã lên kế hoạch bắt "siêu lừa Dương Thanh Cường". Thiếu tướng Phan Anh Minh đích thân chỉ đạo. Nhưng ông Minh - một người được tiếng cương trực - cũng đã không vượt qua được những áp lực. Phải mất hơn hai năm sau, Cơ quan cảnh sát điều tra C48 của Bộ mới khởi tố được một vụ án "lừa đảo hai năm rõ mười".
Nếu phiên tòa xử "đại án tham nhũng" này khép lại vào thứ Tư, 4-11-2015. Và báo chí vẫn vờ như không có hai cái tên Trần Quốc Liêm - Trần Hoa Mai. Thì, cho dù Nghị quyết "Bốn, Năm" của TW có lấy chức Trưởng ban chống tham nhũng ra khỏi tay Thủ tướng. Trưởng ban chống tham nhũng mới, có vẻ như, vẫn chưa nắm được "thượng phương bảo kiếm". - FB Huy Đức
No comments:
Post a Comment