Friday, October 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 30/10

Tin Thế Giới

1.
Lãnh đạo thế giới theo dõi sát cuộc họp về Syria ở Áo

Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm nay theo dõi sát các diễn biến ở Vienna, Áo, nơi Hoa Kỳ và một số nước nhóm họp về vấn đề Syria tìm cách dùng các cuộc đàm phàn này để mở đường cho một tương lai không có Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói:

“Chúng tôi tề tựu ở đây sáng nay để đánh giá xem liệu có cách nào thu hẹp các bất đồng giữa lập trường của một bên là Nga và Iran và một bên là các nước khác. Đây là một cuộc thảo luận mang tính thăm dò. Chúng tôi muốn xem liệu có thể tìm ra một giải pháp tiến tới, hay một phương cách thiết lập một tiến trình nhằm chấm dứt nỗi thống khổ và giết chóc ở Syria hay không”.

Việc đạt được một khuôn khổ sẽ không dễ dàng, và sẽ khó mà đạt được bất kỳ sự khai thông nào quan trọng trong cuộc họp giữa 15 nước ở Vienna ngày hôm nay.

Trong một cuộc điều trần về Syria tại quốc hội Mỹ trong tuần này, một số nhà lập pháp đã bày tỏ quan ngại về yếu tố Iran-Nga cũng như về sứ mạng của Mỹ ở Syria.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin nói:

“Trong khi Assad đang được Nga giúp đỡ và yểm trợ, chúng ta lại đi chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo. Chúng ta không bảo vệ những người có thể thiết lập an ninh ở Syria. Tình hình rất rối ren. Thật khó để chúng ta có thể nói rằng, đó là “kế hoạch chung cuộc của chúng tôi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng kế hoạch chung cuộc là phải có một sự chuyển tiếp mà ông Assad không còn nắm quyền ở Syria, nhưng để đạt được mục đích đó với sự đồng thuận của các nước như Nga và Iran dự kiến sẽ không phải là dễ dàng. - VOA
|
|

2.
Chiến thuật ‘biển tàu’: Vũ khí lợi hại của Bắc Kinh ở Biển Đông?

Từng nổi tiếng với chiến thuật "biển người" trên bộ, phải chăng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hình thức "biển tàu" tại Biển Đông để ngăn chặn Mỹ? Câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra vào lúc Washington khẳng định sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải, đi sâu vào bên trong vùng mà Trung Quốc cho là lãnh hải của họ tại Biển Đông, bất chấp quy định ngược lại của luật lệ quốc tế.

Khi thực hiện chiến dịch tuần tra bên trong vùng 12 hải lý bao quanh đảo nhân tạo Xu Bi (Subi Reef) - và cả đảo Vành Khăn (Mischief Reef), theo một số nguồn tin – tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hầu như không gặp một sự cản trở nào.

Thế nhưng, với việc Washington cho biết là sắp tới đây, họ sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch tương tự, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên.

Một trong những chiến thuật mà Trung Quốc có thể viện đến là sử dụng đội tàu đông đảo của họ, cả quân sự, và nhất là bán quân sự để bao vây và cản đường tàu Mỹ, buộc đối phương phải thối lui nếu không muốn gây ra sự cố.

Thua Mỹ về chất lượng tàu, nhưng hơn hẳn về số lượng 

Theo hãng tin Anh Reuters, Sam Bateman, một sĩ quan hải quân Úc đã về hưu, hiện là cố vấn cho Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng dù về tinh nhuệ và hiện đại, tàu Trung Quốc còn kém tàu Mỹ, nhưng không nên coi thường vấn đề số đông.

"Ở bất kỳ thời điểm nào, họ (tức là Trung Quốc) đều có số đông... và số lượng, chứ không phải chất lượng, có thể mang tính chất quan trọng trong một số tình huống", bao gồm cả việc đối đầu với những kẻ bị cho là xâm nhập vào vùng biển của mình.

Chuyên gia Bateman và nhiều nhà phân tích an ninh khu vực khác đã cho rằng các chiến hạm Mỹ có thể lâm vào tình thế bị tàu Trung Quốc bao vây nếu Bắc Kinh quyết định ngăn chặn các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trong tương lai.

Trên báo chí Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích đã gợi lên khả năng tàu Trung Quốc cản đường, thậm chí đâm thẳng vào tàu chiến của Mỹ. Theo chuyên gia Bateman, vấn đề là tàu Mỹ vì tôn trọng các quy tắc hành xử trong các trường hợp đó, sẽ không thể nổ súng ngăn chặn, làm cho tình hình xấu đi, và chỉ còn cách rút lui.

Tình hình có thể rắc rối hơn cho Mỹ nếu lực lượng Trung Quốc ra ngăn chặn không phải là tàu quân sự, mà là tàu tuần duyên, trên nguyên tắc thuộc diện bán quân sự, hay chỉ là tàu cá của lực lượng dân quân biển rất đông của Trung Quốc.

Đã dùng số đông để áp đảo Việt Nam và Philippines ở Biển Đông 

Kịch bản kể trên không phải là một điều không tưởng, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc đã tính đến khả năng dùng số đông để áp đảo đối phương, đặc biệt là tại vùng Biển Đông.

Theo một công trình nghiên cứu của Lầu Năm Góc công bố vào tháng Tư vừa qua, với 116 chiếc tàu đủ loại, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phụ trách Biển Đông, là hạm đội lớn nhất so với hai hạm đội còn lại của nước này là Bắc Hải và Đông Hải.

Hạm đội 7 của Mỹ, tuy rất hùng mạnh, chỉ có vỏn vẹn 55 tàu, đặt căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản. Ngoài ra, hạm đội này không chỉ tập trung ở vùng Đông Nam Á như Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, mà phải trải rộng hoạt động từ Tây Thái Bình Dương qua một phần lớn của Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội tàu tuần duyên hùng hậu trong đó có hơn 200 chiếc trên 500 tấn, bao gồm nhiều chiếc trên 1.000 tấn. Về số lượng, đội tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã hơn gấp bội tổng cộng các đội tàu của tất cả các đối thủ châu Á gộp lại. Hơn nữa, như tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane từng tố cáo hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh rõ ràng đã và đang tiếp tục chuyển đổi tàu hải quân thành tàu bảo vệ bờ biển.

Trong thời gian qua, đội tàu này đã được Bắc Kinh tung vào mọi chiến dịch áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, từ vụ mặc nhiên chiếm bãi Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, cho đến vụ bảo vệ giàn khoan HD-981 cắm trong vùng biển Việt Nam năm 2014.

Như đã ý thức được sự lợi hại của số lượng tàu Trung Quốc đông đảo, Bộ trưởng Bộ Hải quân của Mỹ, ông Ray Mabus trong những năm gần đây, đã xem việc tăng cường số lượng tàu trong Hải quân Mỹ là một ưu tiên. Trong nhiều bài phát biểu, ông Mabus khẳng định "Số lượng cũng có giá trị riêng của nó". - RFI
|
|

3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt bị đảng cầm quyền hạ bệ

Phó Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt thuộc đảng đối lập bị đảng cầm quyền phế truất ngày 30/10/2015, qua một cuộc bỏ phiếu. Các nghị sĩ đối lập tẩy chay để phản đối. Khả năng căng thẳng giữa đảng cầm quyền và đối lập bùng phát thành xung đột chính trị.

Theo Reuters, toàn bộ 68 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Nhân dân Cam Bốt đã ủng hộ việc phế truất ông Kem Sokha, với lý do lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc vi phạm thỏa thuận chính trị, với nội dung chính là không bôi nhọ đảng cầm quyền. Dân biểu đảng cầm quyền Cheam Yeap nói: "Ông Kem Sokha luôn có ý đồ phá hoại thỏa thuận, phá hủy mối quan hệ giữa hai đảng chính trị".

Các nghị sĩ đối lập đảng Cứu nguy Dân tộc lên án cuộc bỏ phiếu là vi hiến.

Theo một số nhà quan sát, việc phế truất Phó Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt Kem Sokha là biến cố mới nhất, cho thấy thỏa thuận chính trị giữa hai đảng, theo sáng kiến "văn hóa đối thoại mới" của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, đã đổ vỡ. Việc ông Kem Sokha được cử vào vị trí lãnh đạo Quốc hội là một phần của thỏa thuận nói trên.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Cam Bốt được tổ chức, sau khi hàng trăm người ủng hộ đảng cầm quyền lấy chữ ký yêu cầu phế truất ông Kem Sokha. Phe ủng hộ đảng cầm quyền tổ chức một cuộc biểu tình hôm thứ Hai tuần này. Hai dân biểu đối lập bị một số người lạ mặt tấn công. Thủ tướng Hun Sen lên án vụ này, nhưng cho rằng vụ hành hung không phải do những người ủng hộ đảng Nhân dân Cam Bốt.

Trên thực tế, cuộc đối đầu tạm ngưng giữa hai đảng Cam Bốt bùng phát trở lại khi 11 thành viên đảng Cứu nguy Dân tộc bị bắt hồi tháng 7/2015, vì biểu tình bất hợp pháp, phản đối kết quả bầu cử 2013.

Thoạt tiên những người này được thả, theo thỏa thuận giữa hai đảng, nhưng không lâu sau đó họ bị bắt lại, sau khi Thủ tướng Hun Sen thúc ép các thẩm phán trừng phạt mạnh. Thủ tướng Cam Bốt cũng cảnh báo, nếu đảng Cứu nguy Dân tộc thắng cử năm 2018, đất nước có nguy cơ nội chiến. Vụ việc nói trên xảy ra trong bối cảnh không khí dân tộc chủ nghĩa tại Cam Bốt dâng cao, với việc đảng Cứu nguy Dân tộc lên án chính quyền của ông Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam trước đây. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Các đảng viên Cộng Hòa bầu ông Paul Ryan làm Chủ tịch Hạ viện

Một thành trì bảo thủ, dân biểu Paul Ryan, đại diện tiểu bang Wisconsin, đã được bầu làm tân chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.

Trong cuộc biểu quyết mang tính đảng phái với phía đối lập là đảng Dân chủ, các đảng viên Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện đã chọn ông Ryan, 45 tuối vào chức vụ cao nhất tại Quốc hội. Trong tư cách chủ tịch Hạ viên, ông lập tức trở thành một trong những người có quyền lực chính trị cao nhất ở Washington, và đứng thứ 2 trên danh sách người kế vị tổng thống.

Ông Ryan kế nhiệm ông John Boehner, một dân biểu đại diện tiểu bang Ohio sắp rời ghế quốc hội sau 25 năm làm dân biểu và 5 năm làm chủ tịch Hạ Viện. Trong một bài phát biểu từ biệt đầy xúc động, ông Boehner tuyên bố ông ra đi “mà không hối tiếc và vướng mắc gì” sau khi đã đề ra một kế hoạch dự chí mới cho chính phủ trong những ngày cuối tại chức.

Ông Ryan lên nhận chức vụ mới sau 17 năm tại Hạ viện và trở thành chủ tịch thứ 54 tại Hạ viện Ông yêu cầu các nhà lập pháp Cộng Hòa và Dân chủ, thường bất đồng về nhiều vấn đề chính sách và chi tiêu, có một thời gian hàn gắn chia rẽ.

Ông nói, “Viện này đang có trục trặc. Chúng ta không giải quyết các vấn đề, lại còn làm tăng thêm các vấn đề.”

Ông Ryan cam kết các nhà lập pháp bình thường sẽ có tiếng nói lớn hơn trong cách thức hình thành luật lệ. Ông nói với các nhà lập pháp: “Tôi tin rằng một sự rõ ràng hơn giữa chúng ta có thể dẫn tới sự từ ái lớn hơn trong chúng ta.”

Sau khi các bạn đồng viện hôm thứ tư chọn ông lên giữ chức chủ tịch, ông Ryan nói các nhà lập pháp của đảng “nghĩ rằng đất nước đang đi không đúng hướng.”

Họ thường tấn công các chính sách do Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ đề xuất, nhưng hầu hết đều không giành được sự chấp thuận của Tòa Bạch Ốc đối với các đề xuất có tính chất bảo thủ về các chương trình xã hội và cắt giảm chi tiêu.

Ông Ryan tuyên bố, “Chúng ta có nghĩa vụ ở đây trong tòa nhà của nhân dân, làm công việc cho nhân dân, đem lại cho đất nước này một con đường tốt hơn để đi tới.”

Phe Dân chủ đối lập đã công kích ông Ryan là tán thành các chính sách mà họ cho là cắt giảm thuế cho những người giàu có nhất ở Hoa Kỳ và cắt giảm chi tiêu cho y tế và kế hoạch hưu trí của những người Mỹ cao tuổi.

Khi tiểu ban Cộng Hòa họp vào ngày thứ tư, các nhà lập pháp bảo thủ nhất liên kết với Tiểu ban Tự do ủng hộ dân biểu Florida David Webster lên làm chủ tịch, nhưng không có đảng viên Cộng hòa nào ngoài ông Ryan được đề cử tại diễn đàn Hạ viện hôm thứ năm. Các đảng viên Dân chủ thiểu số ủng hộ cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một nữ dân biểu kỳ cựu của tiểu bang California, nhưng đã dễ dàng bị vượt qua bởi số phiếu bầu của các đồng sự Cộng hòa của ông Ryan.

Ông Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống năm 2012, đã chọn ông Ryan làm ứng viên phó tổng thống, nhưng hai ông đã thua cuộc trong cuộc chạy đua với Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden. Ông Romney và vợ của ông, bà Ann, đã dự khán cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ Viện với tư cách khách mời của ông tại Hạ Viện. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thắng lợi bước đầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc

Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, mới ra phán quyết chống Trung Quốc và ủng hộ Philippines, theo đó đồng ý xem xét vụ kiện Bắc Kinh của Manila liên quan tới biển Đông.

Tòa trọng tài Thường trực hôm qua, 29/10, đã ra phán quyết nói rằng tòa này có đủ thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Đơn kiện của Philippines cho rằng Trung Quốc đã hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).

Trung Quốc từng tuyên bố rằng đây là tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo trên biển, và điều đó vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.

Tòa án cho biết sẽ cân nhắc 7 trong số 15 khiếu nại của Philippines đối với Trung Quốc, trong khi không xem xét 7 khiếu nại khác, đồng thời muốn làm rõ với Manila về một việc.

Philippines đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài Thường trực năm 2013. Tòa án dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng vào năm sau.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm nay đã lặp lại quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia vào vụ xử cũng như không chấp nhận phán quyết cuối cùng của tòa.

Luật sư chính của Philippines, Florin Hilbay, hoan nghênh quyết định của tòa, đồng thời gọi đó là “một bước tiến lớn trong nỗ lực tìm một giải pháp ôn hòa và bất thiên vị giữa các bên cũng như làm rõ quyền lợi của họ theo UNCLOS”.

‘Quyền lợi của Việt Nam’

Washington cũng đã hoan nghênh phán quyết, theo một quan chức quốc phòng cấp cao.

Việt Nam cũng từng lên tiếng ‘bày tỏ lập trường’ đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cuối năm ngoái cho biết: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.

Trung Quốc lập tức lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh.

Phán quyết vừa kể của tòa được đưa ra 2 ngày sau khi Hoa Kỳ điều một tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý gần một trong các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa.

Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục đưa tàu tới bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. - VOA
|
|

6.
Ông Ban Ki-moon có gốc gác Việt Nam?

Sáng ngày 30/10, mạng xã hội tại Việt Nam lan tin bản tin và bút tích được cho là của ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong một chuyến ông đến Sài Sơn, xứ Đoài (huyện Quốc Oai, Hà Nội) để thăm nhà thờ họ Phan Huy.

Facebook của tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện có đăng bức hình ông Ban đang ghi sổ lưu niệm với chú thích: Hình ảnh đầu tiên về việc Ngài Ban Ki moon tại nhà thờ họ Phan ở Quốc Oai, Hà Nội.

Ngày ông Ban đến đây được cho là 23/5/2015.

Tiến sỹ Diện nói ông được người quen làm quan chức địa phương cho hay ông Ban đã tới "chiêm bái, dâng hương tại nhà thờ dòng họ Phan Huy và nhận mình là hậu duệ của dòng họ".

Ông cũng nói thêm tên Ban Ki-moon theo Hán tự là Phan Cơ Văn.

Trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – công tác tại viện nghiên cứu Hán Nôm, thuộc viện hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: “Vào lúc sáng sớm hôm nay, một Facebooker ở Mỹ có đưa một thông tin là ngài Ban Ki-moon đã về Việt Nam trong một chuyến đi âm thầm, và ngài có đến nhà thờ của dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngài đến thăm, dâng hương và có để lại lưu bút.”

Ông Nguyễn Xuân Diện cũng cho biết thêm, người chụp bức ảnh có trang lưu bút của ông Ban Ki-moon là học giả Lê Vĩnh Trương. Đồng thời ông nói: “Chúng tôi đã so sánh nét chữ của ngài cùng với chữ ký thì đúng là thủ bút của ngài Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.”

Quan hệ dòng họ

Ông Diện bình luận chuyến thăm “riêng tư” của tổng thư ký LHQ cho thấy có thể có "gốc tích và mối quan hệ của dòng họ Phan của ngài với dòng họ Phan Huy ở Quốc Oai".

Nội dung của trang lưu bút của ông Ban Ki-moon tại nhà thờ họ Phan Huy tạm dịch: “Tôi tỏ lòng cung kính sâu sắc khi đến thăm và thể hiện sự kính trọng sâu sắc đến Nhà thờ họ Phan Huy Chú và các thành viên khác của gia đình họ Phan. Cảm ơn vì đã gìn giữ ngôi nhà thờ này. Là một thành viên của họ Phan, nay làm chức Tổng thư ký LHQ, tôi cam kết với chính mình sẽ luôn cố gắng đi theo những lời dạy của tổ tiên.

Ban Ki-moon
Tổng thư ký LHQ"

Nói về dòng họ Phan Huy tại Việt Nam, ông Diện nói "đây là dòng họ rất lớn khởi phát từ làng Thu Hoạch, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó có một chi rời ra đến xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nằm ngay dưới chân Chùa Thầy".

"Dòng họ này có một số điểm đáng chú ý: Rất nhiều người trong dòng họ đi sứ, như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú. Ông Phan Huy Chú đã đi sứ Trung Quốc hai lần với vai trò phó sứ, đi Indonesia một lần.

Dòng họ này nổi bật về văn chương và khảo cứu như TS Phan Huy Ôn, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Phan Huy Sảng đều là nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam.

Đặc biệt là Phan Huy Chú, người cùng với Lê Quý Đôn được gọi là hai nhà bác học trong lịch sử Trung đại Việt Nam".

Trích dẫn tư liệu, TS Diện cho biết: "Theo nghiên cứu của TS Ngữ văn Lý Xuân Chung, nghiên cứu về bang giao Việt-Hàn thời xưa thì đoàn sứ bộ của Việt Nam và Cao Ly khi đến Yên Kinh - Trung Quốc thì được bố trí ở chung một nhà khách, thì họ có giao lưu với nhau và để lại rất nhiều thơ văn hiện có lưu ở viện nghiên cứu Hán Nôm cũng như ở Hàn Quốc".

"Cũng như cuộc xướng họa của sứ thần hai nước. Đặc biệt là chuyến đi sứ cầu phong dưới triều Tây Sơn, một trong những người trong đoàn đi sứ là cụ Phan Huy Ích. Và cụ cũng đã xướng họa thơ văn với các sứ thần Triều Tiên và để lại thơ văn đến tận bây giờ." - BBC

No comments:

Post a Comment