Wednesday, August 5, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 5/8

Tin Thế Giới

1.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi TQ ngưng các hành động 'có vấn đề' ở Biển Đông --- Lịch trình làm việc của Ngoại trưởng Kerry tại Việt Nam

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry bày tỏ quan tâm về những hoạt động lấp biển xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc thảo luận với vị đồng nhiệm Trung Quốc hôm nay, theo một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hãng tin Reuters hôm nay tường thuật rằng Ngoại trưởng John Kerry đã nêu lên quan tâm của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề các buổi họp của 10 nước thành viên ASEAN đang diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia, nơi mà các căng thẳng ở Biển Đông đã trở thành trọng tâm của các cuộc họp quy tụ các ngoại trưởng ASEAN mà Ngoại Trưởng Kerry và Ngoại Trưởng Trung Quốc được mời tham dự.

Vẫn theo giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry nói với ông Vương rằng mặc dầu Washington không ngả về bên nào trong vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ mong muốn các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Kerry cũng lặp lại mối quan ngại của Mỹ về việc ‘quân sự hoá’ các cơ sở đã xây trên các đảo mà Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, và khuyến khích Trung Quốc cùng với các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển có tính chiến lược này ngưng mọi hoạt động mà ông miêu tả là ‘có vấn đề’, để tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề.

Trong diễn văn đọc tại hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và Hoa Kỳ tải lên trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ sáng nay, Ngoại Trưởng Kerry nói rằng Hoa Kỳ chia sẻ mong muốn của nhiều nước hội viên ASEAN là duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Ông nói:

“Chúng tôi muốn bảo đảm sự an ninh của các tuyến hàng hải thiết yếu và các ngư trường tại đó. Chúng tôi muốn thấy các vụ tranh chấp trong khu vực được giải quyết một cách hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế.”

Về cuộc gặp với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói:

“Có thể nói chúng tôi mới có một buổi họp tốt đẹp. Tôi hy vọng là tại các cuộc họp này trong ngày hôm nay và ngày mai, chúng tôi sẽ tìm được một phương cách để tất cả chúng ta cùng nhau tiến tới phía trước.”

Trong những lời phát biểu ngắn với báo chí sau các cuộc thảo luận với ông Kerry, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Trung Quốc sẽ theo đuổi ‘các cuộc thảo luận hoà bình’ để giải quyết cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết nào khác.

Cách đây 2 ngày, ông Vương đã bác bỏ trước những lời kêu gọi các bên hãy ‘đóng băng’ các hoạt động ở Biển Đông, nói rằng đó là điều ‘không thực tiễn’.

Hãng tin AP tường thuật rằng ông Vương không tỏ dấu hiệu nào cho thấy lập trường của ông đã lung lay phần nào sau khi nói chuyện với ông Kerry. Ông nói với các nhà báo rằng các nước bên ngoài nên ủng hộ kế hoạch của Bắc Kinh và ASEAN đẩy nhanh các cuộc thương thuyết để đạt một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển. Ông Vương nói:

“Chúng tôi muốn đánh đi một thông điệp rõ ràng tới cộng đồng quốc tế là Trung Quốc và ASEAN có thừa khả năng và sự khôn ngoan để giải quyết vấn đề đặc biệt này trong nội bộ chúng tôi. Trung Quốc không thể để cho vùng Biển Nam Trung Hoa trở nên bất ổn.”

Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn tất dự án xây một phi đạo dài 3.000m trên một trong 7 đảo mà họ mới tạo ra ở quần đảo Trường Sa.

Trong bài diễn văn của ông, Ngoại Trưởng Kerry tái khẳng định ASEAN nằm ở tâm điểm của cấu trúc đa phương vùng Á Châu-Thái Bình Dương, và đó chính là khu vực mà Hoa Kỳ muốn duy trì sự hiện diện của mình.

Ông nêu bật sự thiết yếu của ASEAN trong việc duy trì một hệ thống dựa trên pháp luật ở Châu Á, bảo đảm tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, phải có tiếng nói trong việc giải quyết những thách thức chung, kể cả trong lĩnh vực phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, nạn buôn người và bảo vệ môi trường sinh thái biển. - VOA

***
Ngày 31/07/2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp một số thông tin liên quan đến hoạt động của Ngoại trưởng John Kerry nhân chuyến công du Việt Nam sắp tới.

Ngày 07/08, ông Kerry tới Việt Nam và sẽ có nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Ngoại trưởng Mỹ gặp và hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh.

Theo Washington, ông Kerry có quan hệ đặc biệt với Việt Nam và nhân chuyến công du lần này, ông sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam nhiều chủ đề, từ hợp tác giáo dục cho đến hồ sơ biến đổi khí hậu, an ninh khu vực và nhân quyền.

Đây cũng dịp để hai bên kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hoa Kỳ hy vọng tăng cường quan hệ song phuơng, hợp tác với Việt Nam trên các vấn đề khu vực, hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, hồ sơ Biển Đông. Vẫn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chương trình nghị sự, hai bên cũng sẽ thảo luận vấn đề nhân quyền, lao động.

Khi được hỏi về khả năng bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, việc Hoa Kỳ giúp đỡ lực lượng tuần duyên Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, do cấm vận vũ khí được bãi bỏ một phần, nên Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển. Hiện chưa có triển vọng thay đổi chính sách này do vẫn chưa có những tiến bộ đáng kể trên những lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả nhân quyền.

Tuy nhiên, Washington vẫn tìm cách giúp đỡ các nước duyên hải trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để nâng cao khả năng thực thi pháp luật trên biển, đối phó với các thảm họa thiên tai, bảo đảm an ninh và an toàn những vùng biển của các nước này. - RFI
|
|

2.
Cựu đệ nhất phu nhân Nam Hàn thăm Bắc Triều Tiên

Quả phụ của cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung) thực hiện một chuyến thăm hiếm có đến Bắc Triều Tiên để giúp cải thiện những căng thẳng cố hữu trong quan hệ giữa hai nước thù địch lâu đời.

Bà Lee Hee-ho dẫn đầu phái đoàn 18 người đến Bình Nhưỡng hôm thứ Tư, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày. Chuyến thăm không bị chính phủ Nam Triều Tiên chính thức ngăn cấm.

Cựu đệ nhất phu nhân, 92 tuổi, hy vọng chuyến thăm của bà góp phần "giảm những nỗi đau và hàn gắn những vết thương của 70 năm hai miền Triều Tiên bị chia cắt," theo như phát biểu của cựu bộ trưởng văn hóa Kim Sung Jae của Nam Triều Tiên, người cùng đi với bà Lee.

Trước khi khởi hành, ông Kim nói: "Bà Lee cũng ước muốn hai miền Triều Tiên hòa giải, hợp tác, yêu thương và thăm viếng nhau trong không khí hòa bình."

Chuyến thăm của bà Lee được loan báo như là một nỗ lực nhân đạo, nhưng cũng có những đồn đoán rằng bà có thể sẽ gặp gỡ với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, người đã mời cựu đệ nhất phu nhân thăm Bình Nhưỡng.

Bà Lee và Lãnh tụ Kim đã gặp nhau vào năm 2011, khi bà Lee đến viếng đám tang của thân phụ Lãnh tụ Kim là cựu Lãnh tụ Kim Jong Il.

Chồng của bà Lee, ông Kim Dae-jung làm tổng thống Nam Triều Tiên từ năm 1998 đến 2003. "Chính sách Ánh dương" của ông đã giúp khai thông những quan hệ tốt đẹp hơn trong một thời gian ngắn với Bắc Triều Tiên.

Giai đoạn tái lập quan hệ đã kết thúc vào năm 2007 khi một chính phủ bảo thủ hơn được bầu lên. Các mối quan hệ từ đó cũng đã trở nên xấu đi sau khi miền bắc thực hiện những thử nghiệm hạt nhân và phi đạn.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục căng thẳng. Hai nước trên nguyên tắc vẫn còn chiến tranh với nhau sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào thập niên 1950, cuộc chiến chấm dứt bằng một hiệp ước đình chiến thay vì một hòa ước. - VOA
|
|

3.
Nhật Bản xúc tiến kế hoạch nới rộng sứ mạng của quân đội

Các nhà phân tích cho rằng sự ủng hộ của công chúng dành cho thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị sút giảm có thể tạo ra cho ông một số phiền toái về mặt chính trị, nhưng nó sẽ không ngăn chận kế hoạch của ông nhằm nới rộng sứ mạng của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản. Họ cũng nói rằng nó cũng sẽ không làm thay đổi nhận thức của các nước trong khu vực là Nhật Bản muốn phục hồi vị thế của một cường quốc quân sự ở Á Châu. Thông tín viên Brian Padden tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Bắc Á của đài VOA ở Seoul.

Hôm thứ ba (04-08-2015), chính phủ Nhật loan báo quyết định tạm ngưng dự án xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ trên đảo Okinawa. Những cuộc biểu tình chống đối căn cứ này trong năm vừa qua, cùng với việc Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga, yêu cầu giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ, cho thấy sự mâu thuẫn giữa dân chúng Okinawa với Thủ tướng Abe, là người mạnh mẽ ủng hộ cho việc tăng cường quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật.

Dự án nới rộng Trại Schwab của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ có mục đích thay thế căn cứ không quân Futenma trong vùng dân cư đông đúc ở miền nam Okinawa. Sự chống đối dự án này phát xuất từ những sự bất mãn của người dân địa phương đối với việc các căn cứ Mỹ chiếm đến 20% diện tích Okinawa và đối với điều được xem là chính phủ trung ương không giữ lời hứa là sẽ giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Ông Junichi Tomita, chủ nhiệm của một báo lớn ở Okinawa là tờ Ryukyu Shimpo, cho biết như sau.

"Dân chúng Okinawa chống đối bởi vì chính phủ Nhật Bản cứ nói đây là một sự giảm thiểu, nhưng trên thực tế đây không phải là một sự giảm thiểu."

Việc tạm ngưng dự án tại Trại Schwab được một số người cho là có mục đích giảm bớt những thiệt hại chính trị mà Thủ tướng Abe đang gánh chịu vì sự ủng hộ của ông đối với các dự luật quốc phòng đang được quốc hội xem xét. Những dự luật đó, nếu được thông qua, sẽ dành cho quân đội nhiều quyền hạn hơn, như tham gia các hoạt động tự vệ tập thể và bảo vệ cho các nước đồng minh như Hoa Kỳ.

Ông Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Á Châu Đương đại của Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng các dự luật đó sẽ không làm thay đổi đáng kể thái độ ngần ngại của Nhật Bản sau Đệ nhị Thế chiến trong việc sử dụng sức mạnh quân sự mà cũng chẳng làm thay đổi vị thế thứ yếu của Tokyo trong liên minh Mỹ-Nhật.

"Nước Nhật sau khi các dự luật này được thông qua sẽ không khác gì mấy so với nước Nhật trước đây."

Tuy nhiên, ký ức về sự hung hãn của Nhật trong thời chiến tiếp tục làm cho kế hoạch của Thủ tướng Abe gặp phải sự chống đối của phe chủ hoà trong nước và những sự chỉ trích của các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

Những mối liên hệ gia đình cùng với những hành động của ông Abe cũng góp phần khích động vụ tranh cãi này.

Ông ngoại của ông Abe là ông Nobusuke Kishi, một chính khách cực hữu từng giữ chức bộ trưởng công thương trong thời thế chiến thứ hai và từng bị lực lượng đồng minh bắt giam vì bị nghi là phạm tội ác chiến tranh.

Giáo sư Dujarric cho rằng những chuyến viếng thăm của ông Abe tới đền Yasukuni và những phát biểu bị cho là có mục đích làm giảm bớt sự nghiêm trọng của những hành vi tàn ác của quân đội Nhật trong quá khứ chứng tỏ ông Abe đã thiếu khôn khéo trong lúc tranh thủ sự ủng hộ cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự.

"Người mà chúng ta đang nói không phải một chính khách thượng hạng. Ý tôi muốn nói là ông ấy không nằm trong số 10% chính khách tài ba nhất."

Hàng vạn người Nhật đã xuống đường biểu tình sau khi dự luật an ninh được Hạ viện thông qua. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy đa số người Nhật hiện nay chống đối các dự luật an ninh và tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Abe chưa tới 40%.

Sự chống đối đang trên đà gia tăng, nhưng vẫn chưa đủ mạnh hoặc được tổ chức để có thể ngăn chận sự thông qua của các dự luật này tại Thượng viện, nơi liên minh của ông Abe đang nắm thế đa số hai phần ba.

Sự chống đối đó cũng không làm giảm bớt lo ngại của các nước láng giềng về điều mà họ cho là sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nhật Bản.

Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong ở Nam Triều Tiên, nhận định như sau.

"Ông Abe lên nắm quyền đã 3 năm rồi mà sự chống cự của dân chúng Nhật Bản bây giờ mới bắt đầu."

Nhiều nhà lãnh đạo Á Châu đã thúc giục Thủ tướng Abe trấn an thế giới về những ý định của nước ông trong lãnh vực quân sự bằng cách đưa ra một lời tạ lỗi thành khẩn về những hành vi tàn ác trong thời chiến khi ông phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ, LHQ kêu gọi ứng phó mạnh mẽ hơn với khí hậu biến đổi

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ ba (04-08-2015) hối thúc các nước trên thế giới làm nhiều hơn nữa để chống lại nạn biến đổi khí hậu. Ông Obama kêu gọi như vậy trong cuộc họp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tại Washington, một ngày sau khi loan báo kế hoạch mới về giảm thiểu khí thải của các nhà máy phát điện ở Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, ông Ban Ki Moon tán dương kế hoạch đó và thúc giục Washington dẫn đầu nỗ lực toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Obama và Tổng thư ký Ban Ki Moon cho biết biến đổi khí hậu là đề tài chính trong cuộc thảo luận giữa hai ông trong ngày thứ ba. Hai nhà lãnh đạo đồng ý thúc đẩy cho một sự ứng phó mạnh mẽ hơn đối với thách thức này tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu ở Paris vào cuối năm nay.

"Chúng ta cần hội nghị Paris thành công và thế giới phải tăng cường nỗ lực một cách nhịp nhàng cho con em của mình và những thế hệ mai sau."

Hôm thứ hai, nhà lãnh đạo Mỹ loan báo kế hoạch mới về năng lượng sạch, trong đó có việc giảm thiểu lượng khí thái của các nhà máy điện chạy bằng than đá và xây dựng thêm những nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo. Kế hoạch đó đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của một số nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hoà.

Thượng nghị sĩ John Barrasso, đại diện tiểu bang Wyoming, phát biểu như sau.

"Các vị thống đốc biết rằng kế hoạch này là một kế hoạch xấu xét về tính chất đáng tin cậy của năng lượng trong tiểu bang của họ, bất lợi cho công ăn việc làm và bất lợi cho kinh tế của họ, và nó sẽ làm tăng chi phí năng lượng của dân chúng trong tiểu bang của họ."

Thượng nghị sĩ Roy Blunt, đại diện tiểu bang Missouri, cũng có một nhận định tương tự.

"Kế hoạch này sẽ có một ảnh hưởng bất tương xứng đối với những gia đình nghèo và những gia đình trong giới lao động và những gia đình trung lưu, những người vốn đã bị chật vật trong việc thanh toán hoá đơn điện nước."

Tuy nhiên, Tổng thư ký Ban Ki Moon ca ngợi kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ.

"Về vấn đề biến đổi khí hậu, tôi hết sức tán thưởng quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống Obama kể từ ngày đầu tiên ông lên nhậm chức cho tới nay, và tôi mong ông tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo cho tới khi nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và có được một hiệp định về biến đổi khí hậu tại Paris vào tháng 12."

Cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ là một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Than đá cung ứng hơn một phần ba lượng điện ở Mỹ, trong lúc sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời, chỉ chiếm có 5%. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Quân đội Trung Quốc muốn mở rộng không lực để đối phó với Việt Nam --- Trung Quốc xây xong cảng tàu sân bay lớn nhất thế giới ở Hải Nam

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kêu gọi chính phủ Bắc Kinh cho mở rộng hoạt động giám sát trên không và khả năng tấn công với các phi đạn hành trình cao tốc và các máy bay ném bom thế hệ mới để đối phó với các ‘mối đe dọa’ từ Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật, và Mỹ.

Trong phúc trình không được công bố công khai, Học viện Tư lệnh Không quân Trung Quốc liệt kê Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, và Việt Nam là ‘các mối đe dọa’ đối với không phận quân sự của Bắc Kinh cho tới năm 2030, theo tường thuật của hãng thông tấn Kyodo vừa được báo chí Ấn trích dẫn.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc tới 2 chuỗi đảo chiến lược là các khu vực phòng không chính yếu của Trung Quốc trong tương lai. Chuỗi đảo đầu tiên nối liền Okinawa, Đài Loan, và Philippines được nói là khu vực mà giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc xem là thành trì phòng thủ quan trọng, nhất là để chống lại sự hiện quân sự của Hoa Kỳ. Chuỗi đảo thứ nhì bao gồm một vùng rộng hơn trải dài từ chuỗi đảo Izu của Nhật tới đảo Guam và ra tận Tân Guinea mà theo báo cáo là có thể sẽ được Trung Quốc dùng để mở các cuộc tấn công.

Giữa lúc kế hoạch khuyếch trương của hải quân Trung Quốc với một tàu sân bay thứ nhì và một máy bay ném bom mới đang khiến thế giới chú ý, cuộc khảo sát vừa kể cho thấy không lực Trung Quốc cũng đã khởi sự phát triển một sách lược mở rộng tương tự.

Cuộc nghiên cứu kêu gọi chính phủ Trung Quốc đầu tư 9 loại trang thiết bị chiến lược để đối phó với các ‘mối đe dọa.’ Trong số thiết bị đó có các phi đạn hành trình cao tốc phóng từ trên không, các máy bay vận tải cỡ lớn, máy bay chiến đấu thế hệ mới, máy bay tấn công không người lái, các vệ tinh không quân, và các loại bom đạn tự hoạt có điều khiển chính xác.

Phúc trình nói quân đội hùng mạnh của Trung Quốc cần mở rộng khả năng giám sát trên không và khả năng tấn công tới vùng Tây Thái Bình Dương, bao gồm các khu vực gần Nhật Bản.

Phúc trình do viện nghiên cứu của tổ chức chuyên đào tạo lãnh đạo cho không quân Trung Quốc soạn thảo từ tháng 11 năm ngoái.

Báo cáo của học viện này cũng đề nghị hợp tác giữa không quân với hải quân để tăng cường khả năng phòng không trong Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc lập ra ở Biển Hoa Đông cách đây hai năm và nhấn mạnh tới nhu cầu gia tăng hoạt động tập huấn hỗn hợp.

Phúc trình không đề cập tới việc liệu các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông có nằm trong khuôn khổ kế hoạch quốc phòng của Bắc Kinh hay không.

Tuy nhiên, tiến độ dự án hiện đại hóa không lực Trung Quốc hiện đang chậm hơn so với dự kiến. - VOA

***
Nhằm mở rộng sự hiện diện của Hải quân và nâng cao khả năng điều quân tác chiến xuống Biển Đông, chính quyền Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng cảng tàu sân bay lớn nhất thế giới ở đảo Hải Nam. Bến cảng cho tàu sân bay này dài hơn 200 mét (700 ft) và cùng một lúc có thể đón tiếp hai hàng không mẫu hạm.

Theo Reuters, ngày hôm qua, 04/08/2015, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) cho biết, cảng này bao gồm các bến cảng cho hàng không mẫu hạm, vận tải hàng không và các cơ sở phục vụ huấn luyện.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ có một hàng không mẫu hạm, tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định đang đóng hàng tàu sân bay thứ hai và có thể chạy bằng động cơ nguyên tử.

Theo tiết lộ của báo chí, các ưu tiên chế tạo tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử đang được thực hiện một cách xuôn xẻ.

Cũng có tin đồn là Bắc Kinh có thể cho đóng thêm 4 hàng không mẫu hạm nữa. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chương trình tự đóng tàu sân bay và có thể đóng nhiều hàng không mẫu hạm.

Trong khi đó, Hoa Kỳ có 10 tàu sân bay đang hoạt động và đang đóng thêm 2 tàu nữa.

Các cường quốc khu vực, trong những tháng gần đây, đã chỉ trích chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Ngay từ năm 2012, Bắc Kinh đã bày tỏ tham vọng trở thành một cường quốc hải quân lớn để bá chủ vùng Thái Bình Dương.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã hối hả bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trong các khu vực đang có tranh chấp tại Biển Đông. Giới chuyên gia lo ngại Bắc Kinh xây cất các căn cứ quân sự trên những thực thể này. - RFI
|
|

6.
Thủ tướng CSVN yêu cầu Sơn La báo cáo về tượng đài

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư Đề án xây dựng quần thể tượng đài “Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc” có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.

Trang web chính phủ Việt Nam ngày 5/8 nói báo chí đã phản ánh rằng dự án “chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.

Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La “báo cáo về việc đầu tư Đề án này và làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8”.

Cùng ngày 5/8, lãnh đạo tỉnh Sơn La nói truyền thông 'chưa hiểu đúng nghĩa' của công trình tượng đài 'Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc'.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, người phụ trách dự án, có phát biểu trên trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 5/8.

Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin dự án có tổng kinh phí lên đến 1.400 tỷ đồng.

"Một số phóng viên đang hiểu chưa đúng hết nghĩa của công trình này", ông Thủy nói.

"Số tiền 1.400 tỷ là cho chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La đến năm 2020, còn nhiều hạng mục về an sinh xã hội lắm, trong đó có nhiều thiết chế văn hóa và các nội dung khác nữa."

Ông cũng cho biết "hầu hết kinh phí cho chương trình là nguồn vốn xã hội hóa" và đến nay chưa có quyết định gì về nguồn vốn từ trung ương.

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với BBC, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, cũng nói báo chí hiểu "chưa chính xác" về công trình.

"Chẳng biết nguồn thông tin ở đâu ra, cứ đưa lên báo như thế, nên tỉnh bây giờ phải làm một báo cáo", ông nói.

"Anh em tất cả các sở đang tổng hợp lại chi tiết từng hạng mục, Sở Kế hoạch đầu tư sẽ xây dựng kế hoạch cuối cùng để trình lên UBND tỉnh và UBND sẽ có phát ngôn chính thức".

Ông Tuấn cũng cho biết kinh phí từ công trình chủ yếu là từ các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Ngày 5/8, báo Dân Trí dẫn lời ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La bác bỏ tin nói tượng đài có trị giá 1.400 tỷ đồng.

“Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ trong đề án này, với kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng", ông nói.

Thế nhưng văn bản Nghị quyết thông qua của Hội đồng Nhân dân tỉnh mà BBC có trong tay có dòng: "Tổng mức đầu tư: khoảng 1.400 tỷ đồng".

Hôm 4/8, báo VnExperss dẫn lời người phát ngôn Bộ Văn hóa Phan Đình Tân cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo từ tỉnh Sơn La về đề án xây dựng khu tượng đài.

Sơn La là tỉnh miền núi cao ở phía Tây Bắc đất nước, dân số khoảng 1,1 triệu người.

Đây là một trong các tỉnh nghèo của Việt Nam, với tổng số hộ nghèo gần 71.000 hộ, chỉ sau Nghệ An và Thanh Hóa.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng năm nay của UBND tỉnh Sơn La cho biết tỉnh này còn hơn 36.000 hộ thiếu đói.

"Không có quy hoạch chung"

Hôm 3/8, Đại biểu Quốc Lê Việt Trường đã chất vấn Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về trào lưu xây dựng quảng trường.

Ông Trường cho rằng trào lưu này "đi ngược lại sự chỉ đạo của chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển".

"Việc xây dựng quảng trường của các tỉnh, thành phố có nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt không? Kinh phí lấy từ nguồn nào?", ông đặt câu hỏi.

Văn bản trả lời của ông Dũng, được báo Tuổi Trẻ dẫn lại ngày 5/5, nói "đến thời điểm hiện nay, không có quy hoạch quảng trường chung cho cả nước."

“Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố".

"Trên thực tế, hầu hết quảng trường tại các tỉnh, thành phố được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác", ông nói.

Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến 2030 

Trang web chính phủ Việt Nam ngày 5/8 nói Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Thông tin này được đăng tải dường như xuất phát từ tranh cãi mấy ngày qua về đề án tại Sơn La.

Bài trên trang web chính phủ nói dự thảo nêu rõ hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ưu tiên xây dựng đến năm 2030 tại 14 địa phương: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Trong đó, từ nay đến 2030, tại tỉnh Bắc Kạn “sẽ xây dựng tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong”; tại Bắc Ninh sẽ “xây dựng tượng đài Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh”; tại Đà Nẵng sẽ “xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tại Sơn La sẽ xây dựng “tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”.

Chính phủ Việt Nam nói người dân có thể góp ý dự thảo này qua mạng internet. - BBC

No comments:

Post a Comment