Tuesday, August 4, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 4/8

Tin Thế Giới

1.
Lực lượng dân quân biển: Chiến lược mới của Bắc Kinh ở Biển Đông --- Áp lực đòi ngưng xây đảo ở Biển Đông gia tăng

Trung Quốc đang mở rộng vai trò của dân quân biển, biến lực lượng này thành một ‘hạm đội’ đánh cá mới ở Biển Đông, một động thái có thể gây thêm căng thẳng trong khu vực tranh chấp. Tờ Want China Times dẫn lời của một chuyên gia nghiên cứu quốc tế cho biết như vậy trong cuộc hội thảo 2 ngày tại Trung tâm Phân tích Hải quân, Mỹ, hôm 3/8.

Theo chuyên gia Trương Hồng Châu của trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, dân quân biển của Trung Quốc là một trong những lực lượng ít được để ý tới trong việc phô trương sức mạnh của Trung Quốc. Trước đây, chính quyền Trung Quốc thường sử dụng lực lượng này để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ giải cứu các tàu bị mắc cạn đến việc cập bờ ở các hòn đảo có tranh chấp. Để tăng cường hoạt động cho lực lượng này, lần đầu tiên Bắc Kinh xem xét đến việc hình thành đội tàu đánh cá quốc doanh đầu tiên, truyền thông quốc tế trích lời ông Trương.

“Có vẻ như Trung Quốc đang xây dựng một đội tàu đánh cá quốc doanh cho lực lượng dân quân biển của họ ở Biển Đông”.

Trên thưc tế, việc tăng cường vai trò cho lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã có từ năm 2013 khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm thị trấn đánh cá Đàm Môn thuộc tỉnh Hải Nam. Ông Tập nói nhiệm vụ của lực lượng này không chỉ là dẫn đầu về các hoạt động đánh bắt cá trong khu vực, mà còn là thu thập các thông tin về biển và hỗ trợ việc xây đảo nhân tạo và các bãi đá.

Có một đội tàu đánh cá quốc doanh đồng nghĩa với việc lực lượng dân quân biển Trung Quốc không còn phải phụ thuộc vào các tàu cá thuê mướn nữa, mà đội tàu đánh cá quốc doanh sẽ cung cấp tàu cho họ.

“Những chiếc tàu này đương nhiên là sẽ được triển khai ở Trường Sa”, ông Trương khẳng định.

Theo ông Trương, sự thay đổi chiến lược của chính quyền còn phản ánh thất vọng về sự bất lực của Bắc Kinh trong việc quản lý ngư dân. Sau một chuỗi các vấn đề đang gia tăng, bao gồm những khiếu nại đang diễn ra về mức trả lương thấp cho việc tham gia vào các sáng kiến của chính quyền, chẳng hạn như việc tham gia bảo vệ giàn khoan dầu 981 của Trung Quốc khi xảy ra đụng độ với Việt Nam hồi năm ngoái. Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã quyết định tăng cường kiểm soát và chỉ đạo các hoạt động của lực lượng này.

Quyết định mở rộng vai trò của lực lượng dân quân biển được xem là một âm mưu của Bắc Kinh vừa kiểm soát được ngư dân, vừa củng cố vị thế của Trung Quốc ở Trường Sa.

Đối với ngư dân Trung Quốc, khu vực biển trên là một ngư trường đầy tiềm năng. Tỉnh Hải Nam gần đây đã đặt hàng 84 tàu đánh cá lớn cho thành phố Tam Sa. Thành phố này nằm trên một hòn đảo có tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và có trách nhiệm quản lý cả 2 quần đảo Trường Sa và Trung Sa. 10 chiếc sẽ được giao trước cuối năm 2015 để tăng cường cho lực lượng hiện tại ở đây đã có 4 chiếc. Do đó, việc hoàn tất một đội tàu đánh cá như trên phải mất một thời gian nữa, theo ông Trương, có thể là một vài năm.

Nhà nghiên cứu ở Singapore cũng cảnh báo việc tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh có thể sẽ làm gia tăng tranh chấp trong khu vực và làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc vì những hoạt động bất hợp pháp mà lực lượng này có thể sẽ thực hiện trong khu vực đang có tranh chấp với các nước láng giềng. - VOA

***
Philippines cho biết tại hội nghị an ninh khu vực tổ chức ở Kuala Lumpur vào ngày mai họ sẽ ủng hộ cho những biện pháp mà Hoa Kỳ kêu gọi thực hiện để giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông. Từ Manila, thông tín viên đài VOA Simone Orendain gởi về bài tường thuật sau đây.

Theo dự liệu, Philippines sẽ nêu lên vấn đề liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong những cuộc họp của ASEAN trong tuần này.

Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm nay phổ biến một thông cáo, trong đó ông cho biết Philippines sẽ chính thức bày tỏ sự tán thành đối với lời kêu gọi của Mỹ đòi ngưng ngay tất cả những công trình xây dựng và bất kỳ hành động quân sự nào tại những hòn đảo và bãi cạn có tranh chấp.

Ông del Rosario nói “Như một cách để giảm thiểu căng thẳng trong khu vực, Philippines hoàn toàn ủng hộ và sẽ chủ động thúc đẩy cho lời kêu gọi “ba ngưng” của Mỹ -- đó là ngưng lấp biển lấy đất, ngưng xây dựng và ngưng những hành động hung hăng có thể làm cho căng thẳng gia tăng thêm nữa.

Mặc dầu vậy, ông cũng nói rằng Philippines chỉ tán đồng những biện pháp này nếu các nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc, cũng làm như vậy. Ông nói thêm rằng điều này không có nghĩa là hoạt động xây cất của Trung Quốc trên ít nhất 7 bãi đá, bãi cạn là hợp pháp.

Ông Carl Baker, giám đốc chương trình của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định như sau.

"Đây là lập trường của Mỹ trong gần hai năm nay. Họ nói rằng mọi người nên ngưng phát triển những khu vực mà họ đang chiếm cứ. Nhưng mọi người ai nấy đều biết là tuyên bố đó thật ra là nhắm vào Trung Quốc."

Trung Quốc nhất mực cho rằng các diễn đàn của ASEAN không phài là nơi để nêu lên những vụ tranh chấp lãnh thổ này.

Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, trong khi Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chồng lấn nhau. Philippines đã nộp đơn cho Toà án Trọng tài Thường trực để xin phân xử về điều mà họ gọi là “những yêu sách quá đáng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ vụ kiện và không tham gia.

Ông Baker cho rằng lập trường của Hoa Kỳ sẽ không có gì thay đổi trong thời gian tới đây và ông dự kiến Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi lập trường, nhất là vì họ đã xây những hòn đảo nhân tạo. Ông cũng nói rằng vụ giằng co này sẽ gây phương hại cho sự hợp tác an ninh ở Đông Nam Á.

Khi phát biểu tại Singapore hôm thứ hai, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách giảm bớt những mối lo ngại về hoạt động xây đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ráo riết thực hiện. Ông nói “Tình hình tổng thể ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) vào lúc này là ổn định và Trung Quốc có quyết tâm hợp tác với các bên liên hệ để duy trì cuộc diện hiện nay, một cuộc diện mà khó khăn lắm mới có được. Và chúng tôi sẽ không bao giờ để cho bất kỳ nước nào gây bất ổn ở Nam Hải.”

Ông cũng trình bày điều mà ông gọi là “5 cái kiên trì”của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông: duy trì hoà bình ổn định, thông qua hiệp thương đàm phán để giải quyết tranh chấp, thông qua cơ chế qui tắc để kiểm soát xích mích, duy trì tự do hàng hải và tự do bay ngang, và hợp tác cùng có lợi. - VOA
|
|

2.
Hội nghị ASEAN khai mạc: Biển Đông được nêu lên bất chấp Trung Quốc

Ngày 04/08/2015, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 chính thức khai mạc tại thủ đô Malaysia. Trọng tâm của hội nghị là mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Hồ sơ tranh chấp Biển Đông cũng được đề cập đến, bất chấp phản đối của Bắc Kinh. 

Ngoại trưởng Malaysia kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa thuận, trong lúc đồng nhiệm Philippines xác định sẽ nêu bật hồ sơ này trong các cuộc họp.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận sự kiện là trong phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman không quên giành một đoạn cho vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Hiệp hội ASEAN: "ASEAN có thể và cần phải đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm ra một giải pháp hòa thuận" cho vấn đề Biển Đông.

Đối với Ngoại trưởng Anifah Aman: "ASEAN đã có những bước khởi đầu tích cực, tuy nhiên cần nỗ lực nhiều hơn nữa, và trước tiên hết phải cho thấy là mình giải quyết vấn đề một cách hòa bình, trong tinh thần hợp tác".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Malaysia, nước hiện làm chủ tịch ASEAN đã mặc nhiên bác bỏ các tuyên bố liên tiếp của Trung Quốc trong hai ngày nay, theo đó các Hội nghị ASEAN không phải là diễn đàn để đề cập đến hồ sơ Biển Đông.

Sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhengmin) lên tiếng, đến lượt chính Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhập cuộc. Phát biểu ngày 03/08/2015 tại Singapore, ông Vương Nghị đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh là không muốn ASEAN đề cập đến hồ sơ Biển Đông.

Theo nhân vật này "Trung Quốc không hề tin rằng một diễn đàn đa phương là địa điểm thích hợp để giải quyết những tranh chấp song phương". Ngoại trưởng Trung Quốc không ngần ngại cảnh cáo là nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN sẽ "phản tác dụng" và làm tình trạng đối đầu thêm nghiêm trọng. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Puerto Rico không thanh toán được khoản nợ đáo hạn 58 triệu đôla

Chính quyền Puerto Rico xác nhận đã không thanh toán đúng hạn khoản nợ 58 triệu đôla đã đáo hạn hôm thứ Bảy vừa rồi. Đây là lần đầu tiên Puerto Rico không trả được nợ từ khi trở thành một phần thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ cách nay 117 năm.

Các giới chức Puerto Rico hôm thứ Sáu cảnh báo họ sẽ không thanh toán món nợ bởi vì viện lập pháp của họ không cung cấp các ngân khoản cần thiết, nhưng lập luận rằng không nên coi động thái này là quỵt nợ.

Nhưng công ty Dịch vụ Đầu tư Moody hôm qua nói đây là vụ đầu tiên trong một loạt những vụ không trả được nợ của vùng lãnh thổ này.

Puerto Rico đã trả 628.000 đô la tiền lãi, và giải thích rằng họ không có đủ tài chánh để hoàn trả toàn bộ món nợ.

Thống đốc Alejandro Garcia Padilla đã làm giới đầu tư chấn động hồi tháng 6 khi ông nói Puerto Rico không thể thanh toán món nợ tổng cộng lên tới 72 tỉ đôla, và yêu cầu tái cấu trúc món nợ này.

Puerto Rico không có luật bảo vệ trong trường hợp vỡ nợ, tức là khả năng tái cơ cấu để có thể trả nợ. Luật bảo vệ trong trường hợp vỡ nợ chỉ áp dụng cho các thành phố thuộc một tiểu bang, chứ không áp dụng đối với các vùng lãnh thổ.

Hai Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal và Charles Schumer mới đây đã trình một dự luật, mà nếu được thông qua, sẽ cho phép Puerto Rico tuyên bố vỡ nợ dưới sự giám sát của toà án.

Vùng lãnh thổ này đã rơi vào tình trạng suy thoái từ năm 2005 khi quốc hội Mỹ chấm dứt biện pháp cấp tín dụng về thuế má nhằm thu hút các doanh nghiệp tới làm ăn tại Puerto Rico. Từ đó tới nay, vùng lãnh thổ này đã phải vay tiền để có thể xoay sở về mặt tài chính. - VOA
|
|

4.
Ngoại trưởng Mỹ: Đàm phán TPP 'tiến triển tốt đẹp' --- Tổng thư ký LHQ gặp Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay cho biết 12 nước trong cuộc đàm phán hiệp định thương mại TPP đã có được “những tiến bộ tốt đẹp” hướng tới một thoả thuận chung cuộc, nhưng vẫn còn một số chi tiết cần được giải quyết. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của đài VOA, ông Kerry cho biết như thế trong lúc ghé thăm Singapore.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng hiệp định TPP chẳng những tạo ra những cơ hội kinh tế cho các nước trong cuộc, mà còn được dùng để chứng tỏ sự ủng hộ đối với “sự cai trị tốt đẹp, sự minh bạch và sự làm việc với tinh thần trách nhiệm.”

Ông Kerry đang công du 3 nước Đông Nam Á để thúc đẩy cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ với các nền kinh tế Á châu. Ông đến Kuala Lumpur tối thứ ba và sẽ tham dự một diễn đàn của khối ASEAN tại thủ đô của Malaysia vào ngày mai.

Cuộc đàm phán TPP đã kéo dài nhiều năm và tuần vừa qua các vị bộ trưởng thương mại đã không đạt được thoả thuận chung cuộc trong cuộc thương thuyết tại Hawaii.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng TPP sẽ nâng cao các tiêu chuẩn qua việc đòi hỏi các nước tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về lao động và môi trường, đòi hỏi các công ty do nhà nước làm chủ phải cạnh tranh công bằng với khu vực tư, và đòi hỏi các doanh nghiệp không được sử dụng lao động dưới tuổi luật định và phải bảo đảm an toàn nơi làm việc.

"Nó sẽ làm chứng cho những gì mà chúng ta đã nhìn thấy tại cả Singapore lẫn Hoa Kỳ. Đó là sự phát triển lâu bền và sự thịnh vượng được nuôi dưỡng bởi sự tự do để sáng tạo, thử nghiệm và cạnh tranh về mặt kinh tế trên một sân chơi rộng mở và bằng phẳng."

Ông cũng đề cập tới kế hoạch mới của Tổng thống Barack Obama nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon của các nhà máy điện ở Mỹ, và cho rằng giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu là thay đổi chính sách năng lượng và vấn đề này là “một cơ hội kinh tế vô cùng to lớn.”

"Biến đổi khí hậu là một vụ khủng hoảng không chờ đợi một ai và không tôn trọng đường biên giới nào. Nhưng theo nhà khoa học, chúng ta vẫn có thời giờ để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn không cho xảy ra những hậu quả tai hại nhất. Và những người nói khác với quí vị là những người nói sai và không dựa trên sự thật khoa học."

Một vấn đề chính khác mà Ngoại trưởng Kerry sẽ bàn tới trong chuyến công du Đông Nam Á là vụ tranh chấp Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây những hòn đảo nhân tạo trong vùng biển mà Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.

Sau khi rời Kuala Lumpur, ông Kerry sẽ đến thăm Hà Nội để tham dự những sự kiện đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. - VOA

***
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ đến thăm Tòa Bạch Ốc hôm nay để thảo luận với Tổng Thống Obama về một loạt các vấn đề.

Một người phát ngôn của Tổng Thư Ký Ban Ki Moon nói rằng những đề tài sẽ được ông Ban và Tổng Thống Obama thảo luận gồm có Biến đổi Khí hậu, và các cuộc xung đột quân sự đang tiếp diễn, cũng như về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria và Libăng.

Cuộc gặp mặt hôm nay giữa hai nhà lãnh đạo thế giới diễn ra giữa lúc cả hai ông bắt đầu cổ vũ cho các sáng kiến xã hội quan trọng trong nghị trình làm việc riêng của mình.

Tổng Thống Obama hôm thứ Hai 3/8 đã phác họa một kế hoạch mới nhằm giảm thiểu nạn ô nhiễm khí carbon từ các nhà máy điện của Hoa Kỳ trước năm 2030, qua một loạt quy định được đề nghị.

Tổng Thư Ký Ban Ki Moon cổ vũ cho một sự dàn xếp mới về phát triển toàn cầu đã đạt được hôm Chủ nhật vừa rồi giữa 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi chấm dứt nạn nghèo đói, đạt công bằng giới tính, và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trước năm 2030. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chồng chết ở đồn công an, vợ mang quan tài ‘diễu phố’

Một người phụ nữ ở Hà Nội cùng người thân đã mang quan tài tới yêu cầu chính quyền điều tra và làm rõ cái chết của chồng, xảy ra trong lúc bị giam trong đồn công an.

Theo báo chí trong nước, hôm 3/8, chị Phùng Thị Tâm bất ngờ nhận được tin báo chồng chị đã tử vong từ công an Huyện Quốc Oai, sau 3 ngày bị tạm giữ tại nơi này.

Theo chị Tâm, chồng chị, anh Nguyễn Quảng Trường (35 tuổi), có đến hiện trường vụ cưỡng chế đất đai giữa anh Nguyễn Quảng Quang (anh họ anh Trường) và chị Nguyễn Thị Lừng tại tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai khoảng 11 giờ sáng ngày 31/7.

Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 30 phút sáng cùng ngày, anh Trường và một số người khác bị công an bắt đưa về Trại tạm giam Công an huyện Quốc Oai.

Chị Tâm cho biết: “Chồng tôi bị bắt từ ngày 31/7, trước đó anh ấy vẫn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, từ khi bị bắt cho đến nay, gia đình tôi không được vào thăm, cho đến hôm nay nhận được tin báo anh đã tử vong”.

Nghi ngờ chồng mình bị đánh chết, chị Tâm và người nhà hôm 3/8 đã mang quan tài đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân.

Một đoạn video trên Youtube cho thấy, hàng trăm người dân đã đến vây kín xung quanh nhà xác của bệnh viện để theo dõi lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi. Hàng chục cảnh sát đã được huy động để ổn định trật tự an ninh khu vực.

Thượng tá Vũ Bá Xiêm - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành khám nghiệm pháp y để điều tra làm rõ cái chết của anh Trường.

Cũng liên quan tới việc người bị giam giữ chết bất thường, người nhà Vũ Nam Ninh, 45 tuổi, bị giam giữ ở Trại tạm giam số 1 (Hỏa Lò), Hà Nội cũng nhận được một cú điện thoại từ cán bộ trại giam cho biết anh Ninh đã chết vào hôm 20/7.

Gia đình đã không nhận được câu trả lời, hoặc trả lời lấp liếm về việc ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của anh Ninh.

Những vụ việc ‘khó hiểu’ trên xảy ra liên tiếp khiến người dân ngày càng lo ngại về tình trạng người bị giam giữ bị chết đột ngột mà không có lý giải xác đáng. - VOA
|
|

6.
TPP: VN đã thỏa thuận với Mỹ những gì?

Hôm 3/8, báo trong nước đồng loạt dẫn thông báo từ Bộ Công Thương Việt Nam cho biết nước này đã hoàn tất đàm phán song phương với 11 nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Hoa Kỳ.

Điều này dẫn đến một số ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng Hà Nội và Washington đã tìm được tiếng nói chung về những vấn đề vướng mắc lâu nay, trong đó có vấn đề nghiệp đoàn và định nghĩa nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Những thỏa thuận giữa Việt Nam và phía Hoa Kỳ không được tiết lộ rộng rãi trong các bản tin trong nước.

Báo New York Times hôm 3/8 cho biết trong vòng đàm phán tại Hawaii, phía Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các lợi ích mà các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phản đối lập trường từ Hoa Kỳ và Nhật Bản rằng không nước nào được phép lấy lý do thiếu nguồn lực để không đảm bảo việc thực thi các quy định chung.

"Tôi tin là sau chuyến đi của Tổng bí thư [Đảng Cộng sản Việt Nam] Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ thì lập trường hai bên đã gần nhau hơn và sẵn sàng đi tới thỏa thuận", Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 4/8.

"Tôi cho rằng phía Việt Nam cũng đã hiểu những yêu cầu cơ bản của Hoa Kỳ, thực sự mong muốn tham gia TPP và sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết".

"Về phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng họ hiểu Việt Nam hơn qua chuyến thăm của ông Trọng. Có thể thấy họ đã làm hết mức để tổ chức tốt chuyến đi đó, mở đường cho hai bên trong quan hệ kinh tế và giải tỏa những khúc mắc còn lại trong đàm phán TPP".

Trả lời BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng thông báo hoàn tất đàm phán cho thấy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã "có sự nhất trí" về vấn đề nghiệp đoàn và kinh tế thị trường.

"Theo những thông tin chúng ta được biết thì cuộc đàm phán bốn ngày tại Hawaii đã được tiến bộ đáng kể và thống nhất được 98%. 2% còn lại chưa thống nhất được nên chưa đi đến ký kết được".

"Theo tôi đây là một trong những chứng minh rằng yêu cầu của TPP là rất cao và quá trình đi đến thống nhất đòi hỏi có những sự nhượng bộ và thỏa hiệp với nhau chứ không thể chỉ là các yêu cầu có tính chất đơn phương của một phía nào đó."

Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm 7/8, cho biết "Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế" cũng như "ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường".

Xuất khẩu giảm sau TPP?

Thông báo về việc Việt Nam hoàn tất đàm phán song phương được đưa ra giữa lúc một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Việt Nam cho rằng việc tham gia TPP có thể giúp nâng GDP của Việt Nam lên trong thời gian tới, nhưng có thể làm xuất khẩu suy giảm.

Báo cáo của VEPR cho rằng sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có mức tăng đầu tư lớn nhất trong các nước, tương đương mức tăng của Nhật Bản và gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm do sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP.

Bên cạnh đó, các dòng thuế khi giảm về 0% sẽ khiến doanh thu từ thuế giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách, báo cáo nói thêm.

"TPP là cơ hội và môi trường mới, nhưng là tốt hay xấu thì còn phụ thuộc vào phía Việt Nam", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói với BBC ngày 4/8.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết báo cáo của VEPR "đã có gây tranh cãi".

"Nhiều người đã đặt câu hỏi và bày tỏ sự nghi ngờ về việc xuất khẩu giảm", ông nói.

"Đấy là xét trên quan điểm tĩnh chứ không phải quan điểm động. Nền kinh tế sau khi hội nhập rồi thì sẽ có thay đổi về cấu trúc kinh tế và có thêm đầu tư từ bên ngoài vào, và rất có thể kết quả xuất khẩu sẽ thay đổi."

"Mặc dù vậy, ý kiến này cũng nên được xem xét ở giác độ là việc tăng xuất khẩu Việt Nam có đáp ứng được quy tắc xuất xứ và các yêu cầu rào cản kỹ thuật về thương mại hay và nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hay không."

"Khả năng tăng xuất khẩu thì có nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được đến đâu thì chưa rõ ràng." - BBC

No comments:

Post a Comment