Tin Thế Giới
1.
ASEAN lại chia rẽ về Biển Đông, Cam Bốt bị nghi bảo vệ Trung Quốc --- Mỹ công khai tố cáo Trung Quốc về Biển Đông
Điều một số nhà quan sát chờ đợi đã lại xẩy ra trong nội bộ khối ASEAN. Vào sáng nay, 06/08/2015, hai ngày sau khi kết thúc Hội nghị các Ngoại trưởng tại Kuala Lumpur, khối ASEAN vẫn chưa công bố được bản Tuyên bố chung đúc kết hội nghị. Ngoại trưởng Singapore đã công khai thừa nhận là bất đồng giữa một số nước về đoạn nói về Biển Đông đã khiến văn kiện này chưa thể đúc kết được.
Trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam đã không ngần ngại cho biết là lẽ ra văn kiện này phải được hoàn chỉnh xong từ hôm qua, 05/08, thế nhưng điều đó "vẫn chưa xong" vì đang có "một số khó khăn". Ngoại trưởng Singapore cho biết thêm: "Đoạn liên quan đến Biển Đông đang gây ra một số vấn đề", và "chưa có đồng thuận về việc đoạn này phải như thế nào".
Một số nguồn tin ngoại giao đã tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng Philippines và Việt Nam đã muốn có lời lẽ mạnh mẽ phản đối các hành động cải tạo đảo đá của Trung Quốc. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị đồng minh truyền thống của Trung Quốc trong ASEAN bác bỏ.
Một nhà ngoại giao thông thạo vấn đề soạn thảo văn kiện ASEAN) đã xác nhận rằng "Những người bạn của Trung Quốc đang tỏ rõ lập trường cứng rắn". Nhân vật này không nói rõ các nước bênh Trung Quốc là ai, nhưng theo AFP, các quốc gia Đông Nam Á như Cam Bốt, Lào và Miến Điện thường bị coi là đồng minh của Trung Quốc.
Riêng Cam Bốt đã bộc lộ thái độ công khai ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông khi sẵn sàng phá hoại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012 để cho những lời chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông không bị nêu lên trong văn kiện của ASEAN. Vào năm ấy, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, ASEAN không ra được bản Tuyên bố chung đúc kết hội nghị Ngoại trưởng.
Lần này, kịch bản đó đã được một nhà ngoại giao ASEAN nhắc lại với AFP: "Trung Quốc đã biết ASEAN hoạt động ra sao trên vấn đề Biển Đông, họ biết làm gì để chia rẽ chúng tôi. Cứ nhìn vào những gì đã xảy ra ở Cam Bốt thì thấy".
Cho dù vậy, giới ngoại giao vẫn hy vọng là với Malaysia trong vai trò chủ tịch, một Tuyên bố chung sẽ đạt được. Vấn đề là từ ngữ và nội dung liên quan đến Biển Đông sẽ như thế nào mà thôi.
Theo hãng tin Pháp AFP, một bản dự thảo Tuyên bố chung được tiết lộ trong những ngày qua, có đoạn cảnh báo rằng những diễn biến gần đây ở Biển Đông có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, nhưng không đề cập gì đến yêu cầu các bên tranh chấp phải ngừng các hoạt động bồi đắp các bãi đá và xây dựng trên các đảo nhân tạo, những hoạt động mà Trung Quốc đang rầm rộ tiến hành bất chấp phản đối của các láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Trong những ngày qua, một số nước ASEAN, đi đầu là Philippines đã đã yêu cầu đình chỉ mọi công trình xây dựng cũng như mọi hành động làm căng thẳng leo thang. - RFI
***
Trong một tuyên bố được đánh giá là cứng rắn nhất của ông từ trước đến nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào hôm nay, 06/08/2015 đã cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp, bất chấp những lời bảo đảm từng được Bắc Kinh đưa ra là không cản trở lưu thông.
Phát biểu nhân phiên họp Ngoại trưởng các nước thuộc khối Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS tổ chức tại Kuala Lumpur, và trước mặt đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, hiện diện trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cho rằng các hoạt động xây dựng các cơ sở dùng vào "mục đích quân sự" mà Trung Quốc đang tiến hành trên các hòn đảo nhân tạo đã làm tình hình căng thẳng thêm lên và kéo theo nguy cơ "quân sự hoá".
Theo ông Kerry: "Tự do hàng hải và hàng không là một trong những trụ cột quan trọng của luật biển quốc tế… Mặc dù đã có sự đảm bảo rằng những quyền tự do đó sẽ được tôn trọng, trong những tháng gần đây chúng ta đã thấy việc ban hành những lời cảnh báo, và những mưu toan hạn chế tự do".
Ngoại trưởng Mỹ kết luận: "Xin cho tôi được nói rõ: Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hạn chế về tự do hàng hải và hàng không, hoặc hạn chế việc sử dụng biển một cách hợp pháp".
Tuyên bố của ông Kerry đã gợi lại sự kiện Trung Quốc bị quân đội Philippines tố cáo là đã nhiều lần xua đuổi máy bay quân sự Philippines ra khỏi khu vực các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng quần đảo Trường Sa của Biển Đông.
Bên cạnh đó là việc Hải quân Trung Quốc đã tám lần cảnh cáo phi hành đoàn của chiếc phi cơ tuần thám Mỹ P8-A Poseidon hồi tháng năm vừa qua, khi chiếc máy bay này bay trên khu vực.
Theo giới phân tích, lời chỉ trích thẳng thừng của ông Kerry là dấu hiệu dự báo là hồ sơ Biển Đông sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự Mỹ-Trung nhân chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trả lời hãng Reuters, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, ghi nhận sự kiện Hoa Kỳ đã cứng giọng hơn, nhưng cho rằng lời nói của ông Kerry phải được nối tiếp bằng những hành động cụ thể. - RFI
|
|
2.
Kênh đào Suez: Ai Cập rầm rộ khai trương tuyến thông thương thứ nhì
Ai Cập vào hôm nay 06/08/2015 rầm rộ khánh thành tuyến thông thương thứ hai trên kênh đào Suez với các màn biểu diễn của không quân và hải quân. Đây là một dự án nhằm khôi phục nền kinh tế đất nước. Tổng thống Pháp François Hollande là khách mời danh dự cho buổi lễ.
Với chiều dài 72 km, tuyến thông thương mới cho phép nhân đôi lượng tàu bè qua lại cho đến năm 2023. Theo ước tính, vào thời điểm đó, khoảng gần 100 chiếc tàu sẽ đi ngang qua kênh đào này mỗi ngày thay vì là 49 như hiện nay. Làn giao thông mới này cũng cho phép lưu thông được cả hai chiều, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 18 xuống còn 11 tiếng đồng hồ.
Theo ước tính, với tuyến thông thương mới, nguồn thu cho Ai Cập từ kênh đào Suez sẽ tăng từ 5,3 tỉ đô-la (theo dự đoán cho năm 2015) lên 13,2 tỉ đô-la vào năm 2023. Tính đến ngày hôm nay, Cairo đã chi ra 4,5 tỉ euro cho dự án làn thông thương thứ hai. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống al-Sissi đã bỏ ra 25 triệu euro cho buổi lễ khánh thành rầm rộ và các chiến dịch quảng bá trên thế giới. Một chiến dịch bị phe đối lập kịch liệt chỉ trích. Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti cho biết thêm thông tin:
"Đó là một chiến dịch quảng cáo rầm rộ chưa từng thấy tại Ai Cập do chính phủ lên kế hoạch. Để thực hiện, chính phủ đã nhờ đến một trong những tập đoàn quốc tế lớn chuyên tổ chức các sự kiện. Một chiến dịch bao gồm cả đoạn phim quảng cáo trên các truyền thông quốc tế, lẫn trên những quảng trường mang tính biểu tượng như Times Square tại New York. Lễ hội khai trương sẽ được phát sóng lại trên các kênh truyền hình lớn tại nhiều thủ đô.
Một sự rầm rộ đang bị phe đối lập chỉ trích cho là "ném tiền qua cửa sổ". Nhưng ông Samy Abdel Aziz, một trong những quan chức phụ trách lễ hội đã bác bỏ lời chỉ trích. Ông nói: "Tôi đố ai chứng minh được chính phủ hay như nguồn đóng góp của người dân Ai Cập đã bị mất một xu cho lễ hội này. Đầu tiên hết, sáng kiến này là do các tập đoàn quốc tế đề xuất, những tập đoàn đã tham dự vào công trình. Nguồn quỹ thu được từ các doanh nghiệp và người dân Ai Cập có thể tổ chức được 5 cái lễ hội như thế".
Giờ phải chờ xem liệu chiến dịch quảng cáo này có giúp thu hút được các nhà đầu tư như mong muốn của chính quyền Cairo hay không". - RFI
|
|
3.
Nga chỉ trích Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á
Nga tiếp tục lo ngại Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á. Hôm nay, 06/08/2015, trang mạng The Diplomat trích dẫn nhận định trên của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc phỏng vấn của với đài truyền hình Channel News Asia. Không chỉ công kích quân đội Hoa Kỳ tăng cường triển khai lực lượng hải quân và các chiến dịch tại khu vực Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Nga còn cáo buộc Washington thổi phồng các mối đe dọa tại khu vực này.
Theo ông Lavrov: "Hoa Kỳ đã tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á, trong đó viện cả lý do chống mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, quy mô lại quá chênh lệch và vượt quá nhu cầu cần thiết". Ngoài ra, theo ông, việc Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để xây dựng "hệ thống tên lửa phòng thủ không hề có lợi cho các bên".
Ông cũng công kích việc Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và nhận định sự kiện này là "một yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng cho thế giới, có thể dẫn tới logic hủy diệt lẫn nhau vì liên quan tới chính sách ổn định chiến lược".
Ông nói thêm: "Nga không muốn bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào và Nga sẽ không tham gia vào cuộc đua này. Chúng tôi đã có đủ phương tiện công nghệ để đáp trả mọi nỗ lực xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ, đặc biệt là từ khi vấn đề hạt nhân của Iran đã được giải quyết".
Tuyên bố của ông Lavrov rất hợp tai Bắc Kinh vì Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hậu thuẫn của Moscow sẽ rất quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại có vẻ bất đồng ý kiến về khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là về Biển Đông.
Nga từ chối ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại đây, vì dù sao Việt Nam là một trong những đối tác thân cận của Nga trong khu vực và là một khách hàng quân sự quan trọng. Do đó, ông Lavrov tỏ ra kiềm chế hơn khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ông chỉ đơn thuần nhận định rằng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế để phân giải mọi tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông, hay tại vùng biển Hoa Đông, trước hết là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, và trên cơ sở cam kết giữa Trung Quốc và khối ASEAN". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Obama kêu gọi dân Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hối thúc dân chúng ủng hộ thoả thuận hạt nhân Iran mà ông nói là cách tốt nhất để ngăn không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong bài diễn văn dài một giờ đông hồ tại American University hôm thứ tư, ông Obama nói rằng việc tiếp tục cô lập Iran sẽ làm cho Tehran chế tạo bom hạt nhân một cách nhanh chóng và làm bùng ra một cuộc chiến tranh khác nữa ở Trung Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, một số nhà lập pháp vẫn có thái độ hoài nghi và một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này sẽ diễn ra trước cuộc biểu quyết ở quốc hội.
Tổng thống Obama nói rằng việc nới lỏng chế tài Iran để đổi lấy sự kiểm soát của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Tehran làm cho nước Mỹ được an toàn hơn, bởi vì những biện pháp kiểm tra nghiêm nhặt sẽ làm cho Tehran hầu như hoàn toàn không thể lén lút chế bom hạt nhân.
"Trong nhiều thập niên, các thanh sát viên sẽ có quyền truy cập toàn bộ dây chuyền cung ứng hạt nhân của Iran -- từ mỏ uranium và nhà máy sản xuất uranium, nơi họ lấy nguyên vật liệu; cho tới những cơ sở sản xuất máy ly tâm, nơi họ chế tạo những loại máy móc để tinh luyện uranium."
Ông Obama nói rằng việc nới lỏng chế tài sẽ không làm cho Iran trở thành bá chủ của khu vực Trung Đông.
"Khả năng vũ khí qui ước của họ không bao giờ có thể sánh với Israel, và cam kết của chúng ta đối với ưu thế quân sự của Israel về mặt chất lượng sẽ góp phần bảo đảm cho việc này."
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nếu không có thoả thuận này, Iran có thể chế tạo một quả bom hạt nhân một cách nhanh chóng, làm bùng ra một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông.
"Có ai thật sự không tin là những người đang lên tiếng chống đối thoả thuận này sẽ đòi bất kỳ người nào làm tổng thống khi đó phải dội bom những cơ sở hạt nhân của Iran?"
Một số nhà lập pháp Mỹ tiếp tục có thái độ hoài nghi đối với bất kỳ thoả thuận nào với Iran.
Thượng nghị sĩ John Thune, thuộc phe Cộng hoà, đại diện tiểu bang South Dakota, phát biểu như sau.
"Chúng ta có thể đặt sự tin tưởng vào những nhà lãnh đạo Iran, những người tiếp tục hô hào “đả đảo nước Mỹ”, hay không? Và sẽ có những hậu quả như thế nào nếu thoả thuận này không ngăn được Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân?"
Theo ông Robert Hunter, cựu Đại sứ Mỹ tại liên minh NATO, Tổng thống Obama đã giải toả những mối lo ngại này và những mối quan tâm khác trong bài diễn văn hôm thứ tư.
"Nó cũng làm rõ mối quan hệ mà Tổng thống Obama tin là quan trọng với các nước trong khu vực, trong vùng Vịnh Ba Tư, cũng như với Israel, và ông ấy cũng kêu gọi quốc hội Mỹ nhận lãnh những trách nhiệm để thăng tiến an ninh quốc gia."
Ông Hunter cho rằng quốc hội Mỹ rốt cuộc sẽ chấp thuận hiệp định này và Iran sẽ tuân thủ vì làm như vậy là phù hợp với lợi ích của họ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Lãnh đạo công an nhận huân chương
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Thứ trưởng Tô Lâm vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Quân công hạng nhất.
Đây là huân chương cao quý trao tặng cho tập thể hoặc cá nhân trong các Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam khi lập được chiến công lớn.
Sáng thứ Tư 5/8, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội thi đua “Vì an ninh tổ quốc” trong toàn lực lượng Công an nhân dân lần thứ VII.
Tại buổi lễ, ông thủ tướng ca ngợi các cán bộ, chiến sỹ ngành công an "đã nêu cao tinh thần xả thân vì nước, vì dân, vượt lên khó khăn, gian khổ và cám dỗ đời thường...".
Ông kêu gọi "dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng Công an nhân dân cũng phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Nhà nước".
Ông vạch ra các mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt cho ngành công an là "giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo; giữ vững trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng".
Ông Tô Lâm là thứ trưởng duy nhất trong bảy thứ trưởng của Bộ Công an được trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất đợt này.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, được trao tặng Huân chương Quân công hạng nhì.
Theo Luật Thi đua, Khen thưởng của Việt Nam, Huân chương Quân công hạng nhất để "tặng hoặc truy tặng cho cá nhân công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ lập được chiến công xuất sắc, quả cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hoặc hy sinh anh dũng, có tác dụng nêu gương sáng trong toàn quốc".
Ông Tô Lâm sinh năm 1957, là một trong các thượng tướng trẻ của Việt Nam.
Ông trở thành Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 8/2010.
Trước đó, ông từng giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, chuyên về an ninh đối ngoại. Ông được giới quan sát nước ngoài cho là "ngôi sao đang lên" trong Bộ Công an của Việt Nam. - BBC
|
|
6.
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ gặp gỡ các nhà hoạt động VN
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski vào hôm qua ngày 5 tháng 8 có buổi ăn tối với một số nhà hoạt động Việt Nam tại tư gia của tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn.
Gia Minh liên lạc với một số nhà hoạt động có mặt trong cuộc gặp và được họ cho biết một số điểm đáng chú ý trong phần trình bày sau.
Công đoàn độc lập: trở ngại TPP!
Ba nhà hoạt động có giấy mời và đến được buổi ăn tối với ông Tom Malinowski tại nhà của tổng lãnh sự Hoa Kỳ Rena Bitter mà chúng tôi liên lạc được trong ngày 6 tháng 8 gồm nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ký giả- cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Đức và cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải.
Cả ba đều chia sẻ vấn đề tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP của Việt Nam được chính những nhà hoạt động tại Việt Nam nêu ra với ông Tom Malinowski và trở ngại được chính ông này thừa nhận là việc thành lập công đoàn độc lập cho giới công nhân trong nước.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết lại về điểm này:
“Có nhiều điều nhưng trong đó có một điểm tôi nhớ là bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Vấn đề công đoàn độc lập vẫn còn những trắc trở. Nhiều anh em có ý kiến TPP mang nhiều cái lợi cho chính quyền Việt Nam, cho nước Việt Nam. Thế nhưng ông trợ lý bộ trưởng nói rằng nếu có lợi cho chính quyền Việt Nam thì họ đã ký rồi. Vẫn có điều kiện này khác không lợi cho họ ví dụ vấn đề công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên chính vì điều đó mà người ta vẫn chưa ký. Đó là trở ngại.”
Ký giả, cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Đức cho biết:
“Ông tiếp những nhà bất đồng chính kiến để trao đổi những chủ đề như xung quanh vấn đề Hiệp định TPP đối với Việt Nam hiện nay thì còn đang trong quá trình ‘dai dẳng’ chưa gọi là kết thúc, chưa gọi là dừng lại mà đang bàn thảo thêm. Những người bất đồng chính kiến cũng trao đổi qua vấn đề dân chủ, nhân quyền, trả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm đồng thời cũng tôn trọng quyền lợi của người lao động.
Tôi là người làm truyền thông cho Lao động Việt nên tôi cũng có những trao đổi với ông Malinowski là nếu phía chính phủ Mỹ có một vè vào TPP dành cho Việt Nam thì mong rằng có tiếng nói hữu hiệu trong đàm phán TPP. Chẳng hạn hiện nay quyền lợi của công nhân Việt Nam đang bị xâm phạm; nhưng chúng tôi ở trong nước hoạt động công đoàn bị bắt bớ như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đến nay vẫn chưa được trả tự do.
Trong tiến trình đàm phán TPP, chúng tôi mong chính quyền Hoa Kỳ có tiếng nói với chính quyền Việt Nam cho chúng tôi thành lập công đoàn độc lập ở cơ sở và các cấp để bảo vệ cho quyền lợi của công nhân. Hiện nay quyền lợi của công nhân Việt Nam đang bị bóc lột, trong đó có giới chủ Hoa Kỳ và giới chủ các nước đang làm ăn tại Việt Nam. Điển hình như một tập đoàn chúng tôi gửi đơn để thành lập nhưng họ trả đơn lại cho chúng tôi.
Hiện nay tại Việt Nam cũng có công đoàn nhưng do Nhà nước và đảng lập ra là Liên doàn Lao động Việt Nam. Họ không bảo vệ gì cho quyền lợi của công nhân, trong khi công nhân phải đóng từ 1-2% lương cho Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là điều bất hợp lý.”
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải cũng trình bày lại điểm này:
“Ông Tom Malinowski cũng trình bày khái quát về tiến trình TPP và một số khó khăn mà các quốc gia tham gia đàm phán gặp phải và chưa đạt được thỏa thuận. Riêng phần Việt Nam, ông cũng nói các khó khăn không phải là những điều khoản về kinh tế mà là công đoàn độc lập. Nhưng ông tin cuộc thương thảo với Việt Nam sẽ có kết quả trong thời gian tới.
Vấn đề công đoàn độc lập là một vấn đề rất lớn mà Việt Nam còn do dự là ở chỗ TPP đòi hỏi phải độc lập hoàn toàn từ các cấp, ngành trên toàn quốc. Nhưng Việt Nam vì cơ chế chính trị nên chưa đồng ý cho tổ chức các công đoàn độc lập. Hiện nay chưa có công đoàn độc lập nào cả. Việt Nam chỉ cho lập công đoàn cơ sở. Đây là khó khăn vì nếu như sau này có công đoàn độc lập cơ sở xung đột quyền lợi với Tổng công đoàn lao động Việt Nam thì xử thế nào; và một tòa có thẩm quyền độc lập ra sao để xét xử quyền lợi của các công đoàn, xí nghiệp và chủ sở hữu công ty… Ông thừa nhận chuyện này.”
Vấn đề vũ khí sát thương
Tại buổi ăn tối nói chuyện với một số nhà hoạt động tại Việt Nam, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ- nhân quyền và lao động- Tom Malinowski cũng đề cập đến việc Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí và bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Ký giả Trương Minh Đức nhắc lại trình bày của ông Tom Malinowski trong vấn đề này:
“Thêm vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì ông ta nói vấn đề ở đây không phải bán 50%, 30%... hay bán toàn diện; nhưng do tình hình biển đảo của Việt Nam hiện nay nên Hoa Kỳ cũng bán một số vũ khí cho Việt Nam với mục đích tuần duyên, bảo vệ biển đảo; chứ không phải bán vũ khí sát thương để chống lại người dân.”
Tình hình nhân quyền
Dĩ nhiên đề tài nhân quyền không thể thiếu trong cuộc gặp giữa trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ- nhân quyền- lao động với các nhà hoạt động vì quyền con người tại Việt Nam.
Theo lời ba người tham dự thì ông Tom Malinowski thừa nhận chính quyền Hà Nội có một số cải thiện trong lĩnh vực này.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết:
“Ông ta cũng thông báo những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Rồi ông ta cũng nói về vấn đề nhân quyền trong đó nhấn mạnh về chuyện ông Obama đã bỏ nhiều thời giờ để nói về vấn đề nhân quyền với ông Nguyễn Phú Trọng.”
Tuy nhiên trong thực tế một số người muốn đến được nhà của bà tổng lãnh sự Hoa Kỳ vào chiều tối ngày 5 tháng 8 để tham dự buổi ăn tối gặp gỡ ông Tom Malinowski đã phải rời khỏi nhà một ngày trước đó để không bị ngăn chặn như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế hay của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. - RFA
No comments:
Post a Comment