Friday, March 24, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 24/3

Tin Thế Giới

1.
Hiệp định đối thủ của TPP có thể hoàn tất năm nay

Thương thuyết gia trưởng của hiệp định thương mại tự do RCEP gồm 16 quốc gia bày tỏ hy vọng rằng tiến trình đàm phán có thể kết thúc năm nay nếu các nước thành viên không chèn vào những điều khoản từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Ông Iman Pambagyo, trưởng hội đồng thương thuyết của Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực, cho hay các chính phủ tham gia có ý chí chính trị chung quyết hiệp định này bất chấp những khác biệt quan điểm về lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, một phần nhằm gửi ra một thông điệp trước tình trạng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng ở khắp nơi. Ông cho biết, văn kiện hiệp định tới nay hoàn tất được 10%.

“Tôi cược là RCEP sẽ được ký kết vào năm sau,” ông Pambagyo tuyên bố tại một hội thảo ở Singapore ngày 22/3, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng thương hảo về tiếp cận thị trường và thương lượng trên văn bản sẽ được chung quyết trong năm nay.

Tuy nhiên, trưởng đàm phán của RCEP nói các nước thành viên như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, cùng các nước Đông Nam Á cần phải chấp thuận ý kiến đa số trên một số vấn đề. Ông Pambagyo thúc giục các nước tham gia RCEP tránh ‘du nhập’ các phần trong Hiệp định TPP giữa 12 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu nhưng đã rút chân dưới thời tân Tổng thống Donald Trump.

Ông Pambagyo kêu gọi các nước chớ ‘TPP hóa’ RCEP vì RCEP là chuyện của khu vực, viện dẫn rằng các thành viên nên hoàn tất ‘chuyện nhà’ trước khi bàn đến ‘chuyện thiên hạ.’

RCEP được xem là hiệp ước mở rộng quan hệ mậu dịch của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, và Nhật Bản. RCEP phủ rộng gần phân nửa dân số thế giới và 30% nền kinh tế toàn cầu. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc-ASEAN sắp họp về COC

Trung Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp với ASEAN vào tháng 5 để đi tới thỏa thuận sơ khởi về khung sường cho Bộ Quy tắc Ứng xử nhằm xoa dịu căng thẳng Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, trong cuộc họp báo bên lề chuyến thăm Thái Lan của Tổng thống Rodrigo Duterte, phát biểu: “Có thể đến lúc đó, chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể về khung sườn này.”

Trước đó, ông Manalo cho biết dự thảo khung sườn đã được lưu chuyển để 10 nước thành viên ký duyệt.

“Tôi không nói là sẽ xảy ra, nhưng mọi người có thể hy vọng là trước cuộc họp vào tháng 5, các giới chức cao cấp có thể ít nhất đã có được một thỏa thuận sơ khởi về khung sườn đó,” Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh.

Ông từ chối cho biết chi tiết nội dung nhưng nói rằng sẽ bao gồm những yếu tố đã được nhất trí theo Tuyên bố Ứng xử các bên ở Biển Đông 2002.

Trong Tuyên bố đó, các bên đồng ý tự chế, tránh các hành động làm phức tạp hay leo thang căng thẳng.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết ASEAN trông đợi đúc kết khung sườn Bộ Quy tắc COC trước tháng 6 năm nay. - VOA
|
|

3.
Tổng thống Philippines: Mỹ án binh bất động là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông --- Tàu hải quân TQ sắp thăm Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/03/2017 tố cáo Hoa Kỳ có thái độ khiêu khích trên Biển Đông, cho rằng việc Mỹ không hành động gì khi Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực. Ông cho biết sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ông Duterte nói rằng việc Washington cho các chiến hạm tuần tra để khẳng định tự do hàng hải là một « tính toán sai lầm », có thể gây ra xung đột. Ông cũng tố cáo chính quyền Obama trước đây đã ép Manila phải đối đầu với Bắc Kinh mà lại không bảo đảm yểm trợ về quân sự.

Tổng thống Philippines tỏ ra bực tức với đồng minh lâu đời nhất là Hoa Kỳ, vốn ràng buộc với Manila qua một hiệp ước hỗ tương, nhưng đã không hành động gì khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại Biển Đông.

Ông Duterte tuyên bố : « Chỉ cần bắn một phát súng là xung đột có thể bùng nổ, dẫn đến chiến tranh (…). Tại sao Mỹ là nước duy nhất có thể hành động, lại muốn hải quân chúng tôi phải đến ? Đó sẽ là một cuộc thảm sát lính Philippines (…). Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng, tại sao các vị không phản ứng, không gởi năm hàng không mẫu hạm đến ? Mỹ đã có thể dập tắt vấn đề từ trong trứng nước nếu hành động dứt khoát ».

Reuters nhận xét, ngược với những lời đả kích Hoa Kỳ, ông Duterte lại không chỉ trích Trung Quốc mà ông đang hy vọng sẽ mua nông sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Philippines. Chính sách mở cửa của ông đối với người láng giềng khổng lồ xưa nay vẫn bị Manila coi là kẻ hung hăng muốn xâm chiếm Biển Đông, là một bước ngoặt so với chính phủ tiền nhiệm đã đưa Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye.

Trong cuộc nói chuyện với các luật sư ở Manila ngày 23/03, tổng thống Philippines còn cho biết ông sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên với Trung Quốc tại vùng biển mà tòa án La Haye đã khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila, vì không đủ năng lực khai thác.

Những tuyên bố của ông Rodrigo Duterte được đưa ra trong bối cảnh quan ngại đang tăng lên về việc Trung Quốc sẽ xây nhiều trạm quan trắc môi trường tại Biển Đông, kể cả trên bãi cạn Scarborough đã chiếm của Philippines tháng 6/2012.

Ngày 24/03, tại Sydney trong cuộc hội đàm với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường biện minh Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông, nói rằng các thiết trí quân sự trên các đảo nhân tạo « chủ yếu » là nhằm phục vụ mục đích dân sự. - RFI

***
Trung Quốc ngày 24/3 tuyên bố đang liên lạc với Philippines về chuyến thăm có thể có của một tàu hải quân Trung Quốc tới Philippines.

Một ngày trước đó, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, loan báo đã mời tàu chiến Bắc Kinh sang thăm.

Đáp câu hỏi về tin tàu hải quân Trung Quốc sắp thăm Philippines, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nói trao đổi quân sự giữa hai nước là một phần quan trọng trong bang giao song phương.

Bà Hoa cho biết các cơ quan liên hệ của đôi bên đang liên lạc với nhau về kế hoạch này.

Diễn tiến này diễn ra giữa những quan ngại tại Philippines rằng Trung Quốc sắp xây một số trạm quan trắc môi trường ở Biển Đông, kể cả trên bãi cạn Scarborough, một cáo buộc mà Trung Quốc khẳng định là ‘không đúng sự thật.’ - VOA
|
|

4.
Lý Khắc Cường thăm Australia, thúc đẩy thương mại

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có mặt ở Australia trong chuyến công du 5 ngày. Trọng tâm của chuyến đi là nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu. Thông tín viên Phil Mercer có thêm chi tiết từ Sydney.

Trong một bài viết trên một nhật báo Úc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cập đến những lập luận có tính cách cô lập hoá của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người mà hồi đầu năm nay đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dã được ký kết bởi 12 quốc gia mà nếu được thành lập, có thể chiếm tới 40 % sản lượng kinh tế thế giới.

Ông Lý nói "chủ nghĩa bảo hộ không thực sự bảo vệ ai cả. Lịch sử không thể bị xoay chiều, cũng giống như chúng ta không thể đảo ngược xu thế của thời đại."

Các nhà phân tích tin rằng các chính sách của ông Trump đang tạo ra một cơ hội cho Trung Quốc để lấp đầy một "khoảng trống chiến lược", cho phép nước này vươn lên để đóng vai trò một nước dẫn đầu về tự do thương mại.

Australia là nước nhiệt tình ủng hộ xu hướng toàn cầu hoá và đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, kể cả các thoả thuận với Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây nhất, với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

Nhưng phức tạp hoá thêm bức tranh ngoại giao toàn cảnh là liên minh quân sự lâu dài giữa Canberra với Washington. Mối quan hệ đó ngày càng bị thử thách bởi những căng thẳng đang tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo bà Jane Golley, Phó Giám đốc Trung tâm Australia về Trung Quốc trên Thế giới của Đại học Quốc gia Australia.

Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, dự kiến Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ khuyến khích các công ty Úc tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc – bao gồm một loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trải dài từ Trung Á đến Châu Âu, băng qua Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi.

Các quan chức Úc theo dự kiến cũng sẽ nêu vấn đề về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cho biết ông sẽ "nói chuyện thẳng thắn và một cách xây dựng" với Thủ tướng Lý Khắc Cường về những căng thẳng trong khu vực. - VOA
|
|

5.
Mỹ giao thêm 4 máy bay F-16 cho Indonesia

Hoa Kỳ giao thêm 4 máy bay chiến đấu Falcon F-16 tân trang do hãng Lockheed Martin chế tạo cho Không lực Indonesia.

Động thái này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận trị giá 700 triệu đô la được ký vào năm 2012 để cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á này 24 máy bay chiến đấu loại F-16C/D của không lực Mỹ được nâng cấp từ tiêu chuẩn Block 25 sang Block 52 vào cuối năm 2017.

Các máy bay F-16 này trước đây đã được Không lực Mỹ và các đơn vị Vệ binh Quốc gia sử dụng, nhưng sau đó ngưng hoạt động và tồn kho vài năm, một tuyên bố của Không lực Mỹ ngày 17 tháng 3 cho biết.

Không lực Mỹ nói thêm là “mỗi máy bay đều nhận được một loạt các bộ phận mới và được nâng cấp bao gồm cánh mới, bộ phận giữ thăng bằng, và bộ phận đáp, cùng các nâng cấp về cấu trúc và khả năng phi hành. - VOA
|
|

6.
Cách Malaysia nâng cấp hải quân hàm chứa nhiều rủi ro

Việc Malaysia đặt mua tàu hải quân của Trung Quốc và tăng cường tuần tra chống tàu tuần dương Bắc Kinh xâm nhập hải phận càng làm phức tạp cho quan hệ giữa hai nước và đề ra những lo ngại lớn về quốc phòng.

Các giới chức của Malaysia, quốc gia Ðông Nam Á có bờ biển trải dài từ Biển Sulu đến Ấn Ðộ dương, hồi tháng 11 cho hay họ sẽ mua bốn chiếc tàu tuần tra cao tốc lớp LMS do Trung Quốc chế tạo.

Các nhà phân tích nói các tàu LMS sẽ bắt đầu kế hoạch thay mới 50 chiếc tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia để bảo vệ lãnh hải nước này trước nhiều mối đe dọa, kể cả từ Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền với Kuala Lumpur trong Biển Đông.

Ông Ibrahim Suffian, giám đốc chương trình của Trung tâm Merdeka, nhóm chuyên thăm dò dư luận có trụ sở ở Kuala Lumpur, cho biết:

“Tàu tuần dương của Trung Quốc khi tuần tra trong đường chín đoạn đến rất gần vùng duyên hải của Malaysia."

Thủ tướng Malaysia hồi năm ngoái loan báo hợp đồng đặt mua bốn chiếc tàu tuần tra ven bờ của Trung Quốc. Trong quá khứ, các lực lượng vũ trang Malaysia ưa chuộng thiết bị quân sự của phương Tây, do Hoa Kỳ, Anh hay Pháp chế tạo. Hợp đồng với Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi đầu tiên trong truyền thống đó.

Năm 2015, Malaysia phát hiện một tàu tuần dương Trung Quốc neo tại Bãi cạn Luconia, một đảo nhỏ trong Biển Đông nằm cách bờ biển Borneo của Malaysia khoảng 150 kilômét về hướng bắc. Trước đó một tàu chiến của Trung Quốc bị phát hiện đến gần Malaysia, và vào tháng 3 năm 2016 Malaysia phát hiện đến 100 tàu đánh cá Trung Quốc được tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống.

Nhiều người ở quốc gia có 31 triệu dân này cảm thấy chính phủ của họ phản ứng quá yếu ớt trước những hành động của tàu bè Trung Quốc. Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định rằng nhận thức đó của nhiều người Malaysia đe dọa uy tín của đảng đương quyền.

Ông Koh nói: "Nhìn lại những gì xảy ra vào tháng 9 năm 2015 khi lần đầu tiên chính phủ ở Kuala Lumpur tiết lộ vụ một tuần dương hạm của Trung Quốc neo tại Bãi cạn Luconia, công chúng đã phản ứng khá dữ dội, họ hỏi làm thế nào chính phủ Malaysia lại cho phép tàu tuần dương Trung Quốc đến đó. Chính phủ của Thủ tướng Najib Razak cảm thấy cần phải làm một cái gì đó, ít nhất là để xoa dịu công chúng và cho dư luận thấy rằng chính phủ đang thực sự chú tâm và hành động nghiêm túc về chuyện đó."

Tàu LMS là loại tàu chiến tương đối nhỏ được thiết kế để có khả năng triển khai tác chiến nhanh cận bờ, đôi lúc để chống các tàu lớn hơn của đối phương.

Các nhà phân tích nói Kuala Lumpur thường tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với nước này. Malaysia xem Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Malaysia.

Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng kinh tế ở khắp nơi trong khu vực Ðông Nam Á, mới đây nhất là với Philippines, để đổi lại những nhượng bộ đối với các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển đang tranh chấp.

Theo thống kê của trang mạng về sức mạnh quân sự trên toàn cầu “GlobalFirePower.com,” Trung Quốc là nước có sức mạnh quân sự lớn thứ ba trên thế giới, trong khi Malaysia đứng thứ 34.

Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang ở Singapore, nhận định: "Cho dù Malaysia có nâng cấp hải quân của họ đến mức nào đi nữa, họ vẫn không thể nào theo kịp sự mở rộng của hải quân Trung Quốc trong kế hoạch lâu dài."

Các chuyên gia nhận định rằng ngoài việc chuẩn bị ứng phó với các xung đột có thể xảy ra liên quan đến tranh chấp lãnh hải, Malaysia còn cần phải nâng cấp lực lượng hải quân để chống các nhóm Hồi giáo bạo động đang tìm cách cách vượt qua vùng biển rất khó canh giữ từ miền nam Philippines vào Borneo.

Giáo sư Oh Ei Sun nói hải tặc đôi lúc cũng hoành hành trong vùng biển nằm về phía bắc Borneo khiến giới hữu trách cần trang bị loại tàu tuần tra tốc độ cao hơn.

Chuyên gia Suffain nhận định thêm rằng tàu đánh cá từ các nước Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam thỉnh thoảng cũng vào hải phận của Malaysia để đánh bắt cá.

Nhưng Malaysia cắt giảm 12,7% ngân sách quốc phòng xuống còn 3,41 tỉ đôla trong năm nay. Và theo chuyên gia Koh, nhiều tàu trong hạm đội của Malaysia đã trải qua từ 30 đến 50 năm hoạt động, khiến chi phí bảo trì gia tăng, và vì vậy các tàu này phải dược thay thế vì “không còn mang tính kinh tế nữa.” - VOA
|
|

7.
Anh bắt thêm 2 nghi can, xác định danh tính thủ phạm vụ tấn công Luân Đôn

Cảnh sát Anh ngày 24/03/2017 đã bắt thêm hai nghi can « quan trọng » có liên quan đến vụ tấn công làm bốn người chết và khoảng bốn chục người bị thương ở Luân Đôn hôm 22/03, sau khi đã câu lưu 9 người. Danh tính của thủ phạm cũng được xác định là Khalid Masood, tên khai sinh là Adrian Russell Ajao, 52 tuổi, sinh tại Anh. Từng có nhiều tiền án tiền sự, nhưng Masood không nằm trong danh sách những kẻ khủng bố tiềm tàng bị cảnh sát theo dõi.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :

« Mang nhiều danh tính khác nhau, Khalid Masood từng gặp nhiều rắc rối với tư pháp. Bị bắt lần đầu vào năm 19 tuổi, sau đó Masood nhiều lần bị kết án vì các tội « mang vũ khí bất hợp pháp », « hành hung », « gây rối trật tự công cộng ».Nhưng ông ta không hề có một hành động khủng bố nào trong quá khứ, trước khi xảy ra vụ tấn công được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm.

Thủ tướng Theresa May chỉ cho biết rằng cách đây vài năm, Masood từng bị MI5, cơ quan phản gián Anh điều tra vì có liên quan đến « bạo lực cực đoan », nhưng bà cũng nói rõ là lúc đó ông ta chỉ là một « phần tử không quan trọng ». Theo tờ Guardian, Masood cũng không có tên trong danh sách 3.000 người có khả năng tiến hành khủng bố của MI5. Cảnh sát cho rằng có thể ông ta chỉ « theo đuôi bọn khủng bố quốc tế ».

BBC cho biết, khi mướn chiếc xe dùng để lao vào đám đông trên cầu Westminster, Khalid Masood tự giới thiệu là « giáo viên », cho dù theo nhiều phương tiện truyền thông khác thì ông ta chưa bao giờ làm việc trong một trường học nào. Còn tại công ty cho mướn xe, khoảng một tiếng đồng hồ sau khi đặt chỗ Masood lại nói rằng không còn cần xe nữa.

Những gì diễn ra sau đó hoàn toàn mù mờ, vì ông ta đã thay đổi hẳn ý kiến, và đặt một phòng khách sạn ở Brighton, thành phố biển nằm cách thủ đô một tiếng rưỡi đồng hồ chạy xe. Buổi sáng lúc ra đi, Masood chỉ nói với nhân viên khách sạn là đi Luân Đôn, một thành phố mà theo ông ta "không còn như xưa nữa" ».

Lễ tưởng niệm các nạn nhân

Tối 23/03, tại công viên Trafalgar, trung tâm thủ đô Luân Đôn, đã diễn ra một buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công gần Nghị Viện Anh Quốc, với sự tham gia của người dân Luân Đôn và nhiều khách du lịch.

Những người tham dự cầm cờ Anh Quốc hoặc các khẩu hiệu như « We’re not afraid » (Chúng tôi không sợ). Trả lời thông tín viên RFI Muriel Delcroix, một phụ nữ bày tỏ : « Hành động gây hấn vừa qua khiến chúng tôi đau đớn, nhưng hãy nhìn xem những gì đang xảy ra : Luân Đôn đứng dậy mạnh mẽ hơn. Chúng tôi không hề sợ hãi. Chúng tôi hợp lại với nhau, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, văn hóa… ».

Khu vực xung quanh điện Westminster (Nghị Viện Anh) vẫn bị phong tỏa ngày 23/03, nhưng cầu Westminster đã được mở lại vào buổi chiều.

Về số người chết trong vụ tấn công, ngoài hung thủ còn có ba người thiệt mạng và có khoảng 40 người bị thương, trong đó có 29 người đang được điều trị tại bệnh viện. Trong số họ, bảy người ở trong « tình trạng nguy kịch », theo ông Mark Rowley, chỉ huy chống khủng bố của an ninh Anh Quốc Scotland Yard. Tính mạng của ba học sinh trung học Pháp bị thương trong vụ này không bị đe dọa.

Một nghi phạm khủng bố bị bắt tại Bỉ

Cũng trong ngày 23/03, cảnh sát thành phố Anvers, Bỉ, đã bắt giữ một tài xế, sau khi người này lái xe với tốc độ rất cao « gây nguy hiểm » cho nhiều khách bộ hành trên một trục đường chính của thành phố.

Cơ quan công tố Bỉ thông báo « nhiều vũ khí đã được phát hiện trong thùng xe, bao gồm nhiều dao kiếm, một súng trường và bình chứa một vật phẩm hiện chưa xác định được thành phần ». Vẫn theo cơ quan công tố Bỉ, người lái xe là Mohamed R., sinh ngày 8/5/1977, quốc tịch Pháp và sống tại Pháp. Tuy nhiên, theo nguồn tin của cảnh sát Pháp, thì đây là một công dân Tunisia, có giấy cư trú tại Pháp.

Theo thị trưởng Anvers, Bart De Wever, đây có thể là một vụ khủng bố hụt. Thị trưởng Anvers cũng gửi lời cảm ơn đến các quân nhân và ê kíp can thiệt khẩn cấp của cảnh sát, đã tham gia kịp thời bắt giữ tài xế này. - RFI
|
|

8.
Washington tố Nga trợ giúp Taliban, Matxcơva phủ nhận

Trong chiều hướng gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, Nga « dường như » trợ giúp cho Taliban chống lại quân đội chính phủ Afghanistan và NATO. Tuyên bố này của tướng Curtis Scarparroti, tư lệnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO bị Nga xem là « vu khống ».

Trong cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ ngày 23/03/2017, tư lệnh NATO Curtis Scarparroti cho rằng Matxcơva tìm cách gia tăng ảnh hưởng để trở thành một « tác nhân thế giới ». Trong chiều hướng này, Nga đã hỗ trợ cho Taliban ở Afghanistan và thậm chí « tiếp tế » cho Taliban chống lại Kabul và quân đội NATO. Tướng Curtis Scarparroti không cho biết chi tiết.

Tháng trước, tư lệnh Mỹ tại Afghanistan, tướng John Nicholson cũng gọi Nga là một trong những nước giúp cho Taliban tạo « uy thế và tính chính đáng » chống lại nỗ lực của NATO mang lại hòa bình và ổn định tại Afghanistan.

Ngày 24/03, đặc sứ Nga về Afghanistan đã bác bỏ những lời cáo buộc trên mà ông xem là « không có cơ sở ». Qua hãng tin Nga Ria Novosti, đặc sứ Zamir Kaboulov cho rằng Washington tìm cách biện giải cho sự « thất bại từ quân sự đến chính trị » tại Afghanistan.

Theo AFP, vào năm 2015, đặc sứ Nga về Afganistan đã một lần tuyên bố Taliban « có cùng mục tiêu » với Nga trong cuộc chiến chống Daech nhưng Nga vẫn xem Taliban là khủng bố.

Phe Hồi Giáo cực đoan này vừa giành được một chiến thắng quân sự, chiếm được một huyện quan trọng ở tỉnh Helmand ngày 23/03 cho dù « chiến dịch mùa xuân »hàng năm chưa phát động. - RFI
|
|

9.
Tình báo Mỹ: Bắc Triều Tiên sắp thử bom hạt nhân

Ngày 23/03/2017, hãng tin Fox News có trụ sở tại Mỹ cho biết chế độ Bình Nhưỡng đang ở trong giai đoạn chót của một vụ thử hạt nhân mới. Đài này dẫn một nguồn tin tình báo Hoa Kỳ, theo đó, vụ thử bom hạt nhân có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào, thậm chí ngay vào cuối tháng 03/2017.

Reuters, cũng trong ngày 23/03, dẫn một nguồn tin quân sự Hàn Quốc, theo đó, tình báo Hàn Quốc và Hoa Kỳ theo dõi sát các hoạt động tại địa điểm thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên Punggye-ri.

Trả lời Reuters qua điện thoại, một sĩ quan Hàn Quốc khẳng định : « Bắc Triều Tiên sẵn sàng tiến hành thử hạt nhân vào bất cứ lúc nào, tùy theo quyết định của lãnh đạo ». Tuy nhiên, viên sĩ quan này từ chối cho biết cụ thể là dựa vào các dấu hiệu mới nào để có thể khẳng định là vụ thử sắp được tiến hành.

Cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã năm lần thử bom hạt nhân, bất chấp các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Vụ thử cuối cùng diễn ra hồi tháng 9/2016. Theo một số chuyên gia, Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, với mục tiêu sở hữu các hỏa tiễn liên lục địa có thể tấn công tới Hoa Kỳ.

Hồi tuần trước, trong chuyến công du Đông Bắc Á, ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson tuyên bố không loại trừ giải pháp quân sự chống lại Bắc Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển tên lửa hạt nhân.

Ngày 23/03, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra một thông cáo « lên án nghiêm khắc » việc Bắc Triều Tiên thử hỏa tiễn đạn đạo, trong hai ngày 19 và 21/03. - RFI
|
|

10.
Belarus bắt giữ hàng loạt nhà đối lập

Có ít nhất 17 người đã bị bắt giữ hôm 23/03/2017 vì cáo buộc « gây rối » tại Belarus, đất nước đang rúng động sau một loạt biểu tình phản đối tổng thống độc tài Alexandre Loukachenko. AFP dẫn nguồn tin từ tổ chức phi chính phủ Vyasna cho biết như trên.

Các vụ bắt giữ diễn ra đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư, nhắm vào các nhà đối lập lẫn các thành viên lực lượng an ninh hay cựu quân nhân. Những người này bị cho là đã kêu gọi bạo động trong các cuộc biểu tình chống chính phủ dự kiến vào ngày 25/03.

Truyền hình Belarus chiếu cảnh một người bị bắt và khám xét nhà, tại đó cảnh sát khẳng định đã tìm thấy một khẩu súng, những quả lựu đạn giả và một lá cờ của phong trào dân tộc cực đoan Ukraina trong Đệ Nhị Thế Chiến. Cũng theo truyền hình, nhiều nghi can là thành viên của « Binh đoàn trắng », một nhóm cực đoan hoạt động trong thập niên 1990 nhưng từ lâu đã rơi vào quên lãng.

Trước đó, tổng thống Loukachenko tuyên bố khoảng vài chục người đang được huấn luyện tại các trại ở Belarus và nước ngoài nhằm chuẩn bị những cuộc « khiêu khích vũ trang ».

Trong những tuần lễ gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều thành phố Belarus. Hàng ngàn người đòi hỏi tổng thống Loukachenko phải từ chức, tố cáo việc đặt ra một sắc thuế đánh vào các công dân làm ít dưới sáu tháng trong năm, mà chính quyền gọi là « những kẻ ăn bám xã hội ». Khoảng vài chục người biểu tình trong đó các nhà báo và thủ lãnh đối lập đã bị đưa ra tòa, bị phạt vạ hoặc lãnh án 15 ngày tù giam.

Liên Hiệp Châu Âu, năm 2016 đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt Belarus trước các động thái cởi mở của vị tổng thống nắm quyền từ 22 năm qua, ngày 23/03 đã kêu gọi trả tự do lập tức cho những người biểu tình ôn hòa, bảo đảm tự do lập hội và hội họp. - RFI
|
|

11.
Rửa tiền: Hơn 20 tỉ đô la được chuyển từ Nga vào các ngân hàng châu Âu như thế nào?

Ngày 20/03/2017, nhiều hãng truyền thông đồng loạt tiết lộ cách hoạt động của một hệ thống rửa tiền quy mô lớn chưa từng có, gần như mang tính công nghiệp, giúp giới chính trị gia Nga giầu có, nhiều lãnh đạo ngân hàng hay những người giầu khác rửa hơn 20 tỉ đô la có nguồn gốc từ Nga, thông qua nhiều ngân hàng châu Âu khác nhau.

Số tiền khổng lồ này được cất giữ tại nhiều ngân hàng nổi tiếng hàng đầu thế giới như HSBC, Bank of China hay Royal Bank of Scotland (RBS). Nhờ đó, người thụ hưởng tiếp tục cuộc sống đế vương trên khắp thế giới.

Theo kênh truyền hình France24 (21/03), tai tiếng rửa tiền hàng loạt này được tiết lộ ngày 20/03 nhờ một tổ hợp phóng viên điều tra về tội phạm có tổ chức và tình trạng tham nhũng ở Đông Âu (Organized Crime and Corruption Reportin Project - OCCRP) cùng phối hợp với nhật báo Anh The Guardian và tờ Suddeutsche Zeitung của Đức. Cuốn vào hoạt động gian lận này có nhiều chính trị gia thân cận với chính quyền Nga, nhiều ngân hàng của một số nước Đông Âu, nhân viên tình báo FSB (trước là KGB), cũng như các vị thẩm phán “dễ dãi”.

Tiết lộ của nhóm phóng viên điều tra cũng đặt ra nhiều câu hỏi về thủ tục giám sát trong nội bộ các ngân hàng lớn của thế giới mà mục đích là tránh tạo điều kiện giao dịch các khoản tiền có nguồn gốc đáng ngờ.

Đầu não của cỗ máy nằm ở Moldova

Trả lời nhật báo The Guardian, một nhà điều tra Anh cho biết từ năm 2010 đến 2014, một nhóm khoảng 500 người đã chuyển ra khỏi lãnh thổ Nga khối lượng tiền rất lớn “rõ ràng là ăn cắp hay có nguồn gốc tội phạm”. Ít nhất 20,7 tỉ đô la đã được rửa, nhưng số tiền thật của cỗ máy tội phạm rộng lớn này có thể lên đến gần 80 tỉ đô la, theo nhật báo Anh.

Đây là trường hợp chưa từng có, được thực hiện nhờ một hệ thống vô cùng tinh vi để cất tiền vào nơi an toàn. “Cỗ máy rửa tiền Nga” (tên do các nhà điều tra đặt) hoạt động từ năm 2014 và tiến hành theo nhiều giai đoạn. Trước hết, hai công ty bình phong được thành lập ở một nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, mà Anh Quốc là ưu tiên số một. Công ty thứ nhất cho công ty thứ hai vay một khoản tiền “khống” (chỉ tồn tại trên giấy tờ). Khoản tín dụng này được một hoặc nhiều doanh nghiệp Nga bảo lãnh và luôn có một công ty Moldova đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ bảo lãnh này. Sau đó, công ty thứ hai tuyên bố không có khả năng thanh toán khoản nợ “ảo”. Như vậy, công ty cho vay tín dụng sẽ quay sang các nhà bảo lãnh. Vì một trong số đó mang quốc tịch Moldova, vụ việc sẽ được đưa ra tòa án của nước này, nơi các thẩm phán “dễ dãi” xác nhận thực tế của khoản nợ.

Vậy là các nhà bảo lãnh Nga có thể chuyển tiền một cách hợp pháp, điều mà họ tìm kiếm ngay từ đầu : Tiền được chuyển từ Nga vào một tài khoản trong một ngân hàng Moldova (Moldindconbank). Tiếp theo, số tiền trên lại được chuyển sang một ngân hàng Latvia… có nghĩa là nằm trong Liên Hiệp Châu Âu. Từ đó, tiền có thể giao dịch tự do hơn trong phần còn lại của khối và trên khắp thế giới.

Hàng trăm nghìn euro được trả vào khách sạn và đồ hiệu tại Pháp

Các ngân hàng Anh, như HSBC, RBS, Barclays…, đã nhận được 740 triệu đô la từ các công ty bình phong đăng ký tại Anh Quốc phục vụ cho tỉ phú Nga. Được phóng viên của The Guardian liên lạc để tìm hiểu tại sao nguồn gốc của những khoản tiền này lại chưa bao giờ được xác minh, các ngân hàng liên quan đều tránh trả lời, từ chối “bình luận trường hợp cá nhân”.

Thế là tiền được rửa và thỏa mãn thói quen xa xỉ của giới nhà giầu Nga ở hơn 90 quốc gia khắp thế giới. Tại Pháp, nhóm điều tra OCCRP đã tìm được dấu vết của 125.583 euro được thanh toán cho một khách sạn hạng sang ở Courchevel, trên dãy núi Alpes. Hơn 42.000 euro được chi trong các cửa hàng thương hiệu lớn của Pháp hay khoảng 366.780 euro được thanh toán cho các tiệm kim hoàn. Tổng cộng, 52 triệu euro từ số tiền bẩn này đã được tiêu ở Pháp từ năm 2011 đến 2014. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa thấm vào đâu so với 1,2 tỉ euro được những người thụ hưởng từ “cỗ máy rửa tiền Nga” “rải” ở Estonia.

Nếu như đường dây rửa tiền và các kiểu chi tiêu được tìm hiểu rõ, hiện vẫn còn nhiều thắc mắc về những người thụ hưởng thật sự từ hệ thống này. Nhóm điều tra OCCRP khẳng định tìm ra được danh tính của ba người : Alexei Krapivin, con trai của một cựu cố vấn của tổng thống Vladimir Putin và là người đứng đầu ngành đường sắt Nga ; Georgy Gens, một doanh nhân Matxcơva đứng đầu một tập đoàn tin học chuyên phân phối các sản phẩm của Apple, Samsung và nhiều tập đoàn công nghệ khác ở Nga và Sergei Girdin, lãnh sự danh dự của Guinea-Conakry ở Saint-Peterburg và là chủ một doanh nghiệp tin học. Còn tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung nói rõ là các nhà điều tra vẫn đang tìm tung tích những người chủ chốt trong vụ này.

Đây cũng là việc mà chính quyền Moldova cố gắng thực hiện kể từ khi nhóm phóng viên điều tra OCCRP nêu vụ tai tiếng này lần đầu tiên vào năm 2014. Năm 2016, họ đã bắt giam Vyacheslav Platon, một doanh nhân người Moldova, bị tình nghi tổ chức “cỗ máy rửa tiền Nga” có quy mô lớn trên. Nhiều thẩm phán cũng bị bắt và nhiều ngân hàng đã bị đóng cửa vì rửa tiền.

Nhưng cuộc điều tra trở nên phức tạp hơn ngay khi bắt đầu vươn sang biên giới Nga. Từ tháng 03/2017, Moldova phàn nàn về việc các nhà ngoại giao nước này bị tình báo Nga “quấy rối có hệ thống” ngay khi đặt chân vào lãnh thổ Nga. Đối với một quốc gia nhỏ bé như Moldova nằm sát Ukraina, đó là câu trả lời của Matxcơva vì đã quan tâm đến vụ tai tiếng. - RFI
|
|

12.
Các nước châu Mỹ đòi Venezuela thả tù chính trị và tổ chức bầu cử

Mười bốn nước thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OEA) hôm 23/03/2017 kêu gọi Venezuela trả tự do cho các tù nhân chính trị và định ra lịch trình bầu cử. Việc OEA đưa ra thông cáo chung này cho thấy khả năng Venezuela có thể bị trục xuất ra khỏi tổ chức.

Bản thông cáo khuyến khích Venezuela « tái lập dân chủ », nối lại đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đang diễn ra tại đất nước giàu tài nguyên dầu lửa. Mười bốn nước OEA cũng kêu gọi Caracas tôn trọng tam quyền phân lập, Nhà nước pháp quyền và cụ thể hóa lịch trình bầu cử. Thông cáo cổ vũ Venezuela công nhận tính hợp pháp của Quốc Hội, hiện đang do đối lập nắm đa số.

Caracas đã bắt giam khoảng một trăm nhà đối lập, cáo buộc họ là xúi giục bạo động, âm mưu đảo chánh tổng thống Nicolas Maduro.

Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2018. Còn cuộc bầu cử các thống đốc và thị trưởng lẽ ra vào tháng 12 năm ngoái đã bị hoãn lại đến năm 2017 và thời điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định.

Tuần trước, tổng thư ký OEA Luis Almagro đã công bố một báo cáo 75 trang, đánh giá Venezuela là chế độ độc tài, nêu ra khả năng loại nước này ra khỏi tổ chức nếu không nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử. Đáp lại, ông Maduro tố cáo ông Almagro muốn xúc tiến « can thiệp quốc tế »chống lại Venezuela.

Trong quá khứ, OEA từng trục xuất Cuba và Honduras vì thiếu dân chủ. Mười bốn nước ký vào thông cáo trên đây gồm Achentina, Brazil, Canada, Chilê, Colombia, Costa Rica, Hoa Kỳ, Guatemala, Honduras, Mêhicô, Panama, Paraguay, Pêru và Uruguay. - RFI
|
|

13.
Chuyên gia Pháp: "Iran mới là người chiến thắng thật sự tại Syria"

Ngày 15/03/2011, cuộc nổi dậy bắt đầu tại Syria. Kể từ đó, quốc gia Trung Đông này chìm trong nội chiến với nhiều phe phái tham gia phục vụ « ý đồ » khác nhau. Trong vòng 6 năm, khoảng 320.000 người chết, 1 triệu người bị thương và gần 5 triệu người phải di cư, theo tổng kết của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH).

Sau 6 năm nội chiến, chế độ Bachar Al Assad vẫn tại vị nhờ trợ giúp của liên quân Nga và Iran. Ngược lại, phe đối lập với chính phủ để mất thành trì Aleppo, còn tổ chức thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo dần bị đẩy lui. Giải pháp hòa bình cho Syria dường như còn rất xa vời vì các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan được tiến hành tại Geneve từ tháng 02/2017 vẫn rơi vào bế tắc vì bất đồng trên vấn đề chuyển tiếp quyền lực.

Đánh giá các bên tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, chuyên gia Gérard Chaliand, tác giả cuốn Pourquoi perd-on la guerre ? Un nouvel art occidental (tạm dịch: Tại sao người ta lại thua trận ? Một nghệ thuật phương Tây mới), giải thích với nhật báo Le Figaro (21/03/2017) rằng « kẻ chiến thắng thật sự tại Syria chính là Iran ». Theo ông, nước Cộng hòa Hồi Giáo này chứng tỏ khả năng nỗ lực không ngừng và gắn bó chặt chẽ để đạt được các mục tiêu địa-chính trị của mình.

Tình hình ở Mossoul như thế nào ?

Gérard Chaliand : Trên mặt trận Irak, sau 5 tháng giao chiến, Bagdad đưa gần hết lực lượng quân sự đến Mossoul. Thế nhưng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã chứng tỏ được khả năng kháng cự và hy sinh, vì thế, ánh hào quang của phong trào khủng bố này vẫn được bảo toàn. Ngược lại, tham vọng kiểm soát một vùng lãnh thổ, vốn là đặc thù của Daech với việc xóa bỏ đường biên giới Syria-Irak, sắp tới chỉ còn là một kỷ niệm. Vấn đề còn phải giải quyết là vị thế của hệ phái Hồi Giáo Sunni tại Irak, cũng như quan hệ căng thẳng tương lai giữa Bagdad với người Kurdistan, nhất là tại Kirkuk.

Vậy ai là người thắng cuộc thật sự tại Syria ?

Nhờ hỗ trợ của Iran và Nga, chế độ Bachar Al Assad đã đạt được một thành công quan trọng với việc tái chiếm khu vực Đông Aleppo, chiếm đến 20% diện tích thành phố. Chính quyền Assad hiện đang trong hoàn cảnh thuận lợi hơn so với suốt 5 năm trước đây. Nhưng người chiến thắng thật sự tại Syria và nói chung hơn là trong các cuộc xung đột tại Trung Đông - dĩ nhiên có sự hợp tác mang tính quyết định của Nga - thì chắc chắn là Iran.

Các lực lượng dân quân tự vệ Iran đã tham gia chiến đấu tại Syria, cũng như các lực lượng tự vệ người Hazara Afghanistan và hệ phái Shia Pakistan, do đó có khả năng họ sẽ ở lại Syria. Thành công của Iran còn nhờ vào sự liên kết chặt chẽ của giới giáo sĩ lãnh đạo dòng Shia. Đây là thể chế được tổ chức hiệu quả để theo đuổi một chiến lược dài hạn như là một đảng theo mô hình Mac-Lênin.

Liệu thất bại của hệ phái Sunni có thể được giải thích do thiếu sự gắn kết trong giới giáo sĩ lãnh đạo không ?

Quả thật, những người theo hệ phái Sunni tỏ ra ít liên kết, phối hợp với nhau : Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, Ả Rập Xê Út thì lại xuất trường phái Wahhabi hoặc những phong trào Hồi Giáo cạnh tranh nhau nếu không muốn nói là đối nghịch. Về phần tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, bất chấp khả năng quảng bá rầm rộ gần giống Hollywood, từ năm 2014, Daech đã chơi một canh bài mà trong thời gian dài dẫn họ đến việc trở thành kẻ thù của cả thế giới.

Hiện giờ, vòng vây đang xiết chặt quanh Raqqa. Thành phố này bị đe dọa cả phía bắc lẫn phía nam : phía bắc là lực lượng của đảng Liên Minh Dân Chủ người Kurdistan (PYD) và các đồng minh Ả Rập thuộc Lực lượng Dân Chủ Syria (FDS), phía nam là người Kurdistan Syria được Massoud Barzani hỗ trợ và các toán quân Ả Rập do Mỹ huấn luyện.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo rõ ràng đang bị đẩy lui, dù vẫn hiện diện tại Libya và khiêm tốn hơn tại một số địa bàn khác. Thất bại của Daech là rõ ràng, bất chấp những lời đe dọa của tổ chức này với Trung Quốc là sẽ gửi hàng trăm chiến binh Duy Ngô Nhĩ được đào tạo tại Trung Đông.

Sự can thiệp của Ả Rập Xê Út chống lực lượng nổi dậy người Huti ở Yemen cho kết quả như thế nào ?

Tại Yemen, đất nước nhiều núi non, Riyad đã không thành công trong cuộc chiến chống người Huti như dự kiến. Ngược lại, với các đợt oanh kích không phân biệt mục tiêu, Ả Rập Xê Út đã khiến người dân rơi vào tình cảnh ngày càng trầm trọng. Trên thực tế, vương quốc Hồi Giáo theo hệ phái Sunni mà chúng ta luôn coi là một đồng minh (rất mập mờ) đã gây ra một cuộc thảm sát nhân đạo thật sự, trái với mọi quan sát viên trên thực địa. Ngược lại, khác hẳn với những gì người ta từng nói, không có vụ tàn sát nào ở Đông Aleppo, chúng ta tự đầu độc tin sai cho chính mình.

Dường như Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập hơn bao giờ hết trên bình diện đối nội cũng như đối ngoại ?

Đúng vậy. Ngay sau cú đảo chính hụt, cuộc trấn áp, dù không phải đánh đồng, làm người ta nhớ lại kiểu thanh trừng thời Stalin. Tình hình kinh tế ngày càng xấu đi. Đồng nội tệ mất giá đáng kể. Các dự án đầu tư thì khan hiếm, du khách cũng vậy. Mọi ý định nhen nhóm can thiệp quân sự vào Syria và thậm chí là cả vào Irak đều bị Hoa Kỳ kín đáo chống lại. Từ vài tháng nay, các đội quân của Thổ Nhĩ Kỳ chôn chân trước vùng Al Bab. Quân đội đang bị suy yếu vì các vụ thanh trừng và bắt đầu mở rộng sự nghiệp sĩ quan cho các học sinh trường tôn giáo.

Ngược lại, vẫn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đảng Người Lao Động Kurdistan (PKK) sai lầm trong nhiều cuộc nổi dậy ở một số thành phố, từng bị lên án trước đó. Tuy nhiên, giải pháp quân sự không được tính đến để giải quyết vấn đề người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, nhờ thỏa thuận với Nga, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ngăn cản được ý đồ của người Kurdistan Syria nhằm chiếm vùng đất dài dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Tuy nhiên, liên minh bề ngoài với Nga chỉ mang tính hoàn cảnh và hoàn toàn là chiến thuật.

Vả lại, mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đang xấu đi. Trong khi Nga lại trụ vững ở Syria (cơ sở hải quân ở Tartous, căn cứ không quân ở Hmeimim, trạm radio ở Tal Al-Harra, tỉnh Deraa). Matxcơva tìm cách để không bị coi là ủng hộ hệ phái Shia, nhất là trong mắt các nước láng giềng Hồi Giáo. Năm 2016, tại Grosny, cộng hòa Chechnya, đã diễn ra một hội nghị quy tụ các trí thức theo hệ phái Sunni với sự có mặt của đại giáo sĩ đền Al Azhar và đại luật sĩ Ai Cập (ngài Ahmad Al-Tayyib). Ông là người lên án Hồi Giáo thánh chiến, chủ nghĩa Salafi và tư tưởng Wahhabi.

Về phía Mỹ, Washington sắp phải xác định rõ hơn các mục tiêu của mình. Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, tổng thống Donald Trump vẫn theo dõi Iran với thái độ thù nghịch. Những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Teheran đã được công bố ngay cuối tháng 01/2017. Và chắc sẽ còn nhiều biện pháp trừng phạt khác. Nhiều toán quân Mỹ có mặt tại Kobani (Syria) và vài nghìn quân nhân khác sẽ ở lại Irak. Việc này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn thế quân bình trong khu vực có lợi cho Hoa Kỳ. - RFI
|
|

14.
Cựu Tổng thống Ai Cập được trả tự do

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak được trả tự do hôm nay, sau khi bị giam giữ trong nhà tù và bệnh viện suốt 6 năm, tiếp theo sau cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Ông đã rời một bệnh viện quân y hôm nay, thứ Sáu 24/3.

Ông Mubarak là nhà lãnh đạo đầu tiên bị xét xử sau khi các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập quét qua khu vực. Ông bị cáo buộc đã kích động để những người biểu tình trong cuộc nổi dậy kéo dài 18 ngày bị giết hại.

Ông Mubarak còn phải đối mặt với một số cáo trạng khác mà sau đó được huỷ bỏ.

Hồi đầu tháng này, ông được tuyên bố không phạm tội sát nhân.

Luật sư của ông Mubarak xác nhận rằng cựu lãnh đạo của Ai Cập hiện đã trở về nhà ở Heliopolis, một khu phố sang trọng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

15.
Nỗ lực bãi bỏ Obamacare thất bại tại Hạ Viện --- Dự luật Y tế: Cựu tổng thống Obama cảnh báo hậu quả xấu cho dân Mỹ

Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, Paul Ryan, rút dự luật nhằm thay thế Obamacare ra khỏi chương trình nghị sự Quốc Hội vào chiều Thứ Sáu, 24 tháng Ba.

Điều này nghĩa là, Obamacare vẫn tồn tại, sau rất nhiều nỗ lực của tổng thống Donald Trump nhằm đưa ra luật mới để thay thế.

Sau một ngày vận động ráo riết tại Quốc Hội, dân biểu Ryan đã phải thừa nhận với tổng thống Trump, rằng ông không đủ số phiếu để thông qua luật mới. Và trong khi trình bày số phiếu thuận và chống cho dự luật này, ông Ryan thẳng thắn gợi ý cho tổng thống Trump, là hãy rút lại dự luật, không đưa ra bỏ phiếu.

Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng thống, theo tin CNN, ông Trump quyết định vào lúc 3 giờ chiều, trong khi giới lãnh đạo Quốc Hội đang tề tựu tại văn phòng Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan.

Quyết định này chấm dứt cuộc chạy marathon kéo dài từ thời ông Trump còn đang vận động tranh cử, rồi tái cam kết khi đã đắc cử, cho đến đỉnh điểm vào phút chót, khi ông đưa ra tối hậu thư cho các dân biểu Cộng Hòa: hoặc là thông qua dự luật trong ngày Thứ Sáu 24/3, hoặc là duy trì Obamacare.

Dân biểu Chris Collins, một đồng minh của ông Trump, là người đưa ra tối hậu thư đó vào chiếu tối hôm qua, phát biểu: “Thông điệp là … phải thông qua dự luật vào ngày mai, nếu không thì Obamacare sẽ được duy trì.”

Nhiều ngày thương thuyết ráo riết đã không dẫn đến một thoả thuận trong bối cảnh có sự chống đối của thành phần ôn hoà, và thành phần bảo thủ trong chính Đảng Cộng hoà, trong khi dự luật nhằm bãi bỏ Obamacare của ông Trump rõ rệt không thu hút được đủ số phiếu ủng hộ để có thể được thông qua nhanh chóng.

Hãng tin Reuters tường thuật rằng các thị trường tài chánh, trước đó trở nên sôi động nhờ kế hoạch của Tổng thống Trump giảm thuế và tăng chi tiêu để xây cơ sở hạ tầng, đang được theo sát. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm hôm thứ Năm khi giới lãnh đạo Đảng Cộng hoà hoãn cuộc biểu quyết, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Châu Âu cũng thấp vào lúc mở đầu ngày giao dịch.

Các dân biểu Đảng Dân chủ đồng loạt chống đối dự luật do ông Trump đề xuất, và dự luật dường như cũng không thành công trong việc vận động sự ủng hộ cần thiết bên trong Đảng Cộng hoà, bất chấp những thay đổi giờ chót để xoa dịu thành phần chống đối.

Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hoa Kỳ là nỗ lực làm luật đầu tiên của ông Trump kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng Giêng.

Bãi bỏ đạo luật mang dấu ấn của Tổng Thống Obama là một cam kết chủ yếu của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông. Cuộc biểu quyết bãi bỏ Obamacare được ấn định vào ngày thứ Năm, đúng kỷ niệm 7 năm ngày ban hành đạo luật này. Việc Đảng Cộng hoà không thực hiện được ý định của mình trong ngày này là một thất bại có thể làm ‘mất mặt’ và gây bối rối cho Tổng thống Trump và Đảng Cộng hoà. - VOA

***
Ngày 23/03/2017, vài giờ trước khi Hạ Viện Mỹ biểu quyết dự luật Y tế nhưng đình hoãn vào phút chót, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo các dân biểu coi chừng hậu quả tai hại cho người dân.

Cựu tổng thống Obama nhìn nhận cần phải cải cách đạo luật Y tế và bảo hiểm sức khỏe được gọi là Obamacare để « giảm chi phí, tăng hiệu năng ». Tuy nhiên, ông khuyến cáo là mọi thay đổi trong hệ thống y tế phải cải thiện đời sống của người dân chứ không phải làm xấu hơn.

Vài giờ sau khi cựu tổng thống Mỹ, người đề xuất hệ thống bảo hiểm y tế ban hành cách nay 7 năm, lên tiếng, phe đa số Cộng Hòa đã quyết định dời cuộc biểu quyết qua ngày hôm sau. Theo báo chí Mỹ, phe Cộng Hòa e ngại không hội đủ đa số quá bán để thông qua vì có đến 30 dân biểu lưỡng lự hoặc dứt khoát chống lại.

Một lần nữa, tổng thống Donald Trump bị một vố đau.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio giải thích :

"Chắc chắn là Donald Trump đã không lường trước những khó khăn khi làm việc với phe Cộng Hòa, đảng chiếm đa số ghế tại Quốc Hội nhưng lại có sự chia rẽ sâu sắc giữa những thành viên bảo thủ và những thành viên ôn hòa.

Không thể thay đổi luật về sức khỏe là ví dụ minh họa đầu tiên. Phe cực hữu không lùi bước trước bất cứ lời mơn trớn vuốt ve hay sự đe dọa nào. Mark Meadows, người đứng đầu nhóm các dân biểu cực hữu tự xưng là “nhóm tự do” thừa nhận thất bại của văn bản : “Vào thời điểm này, chúng tôi chưa có đủ số người đồng ý bỏ phiếu, nhưng chúng tôi đang đạt được nhiều tiến triển”.

Còn tổng thống Donalad Trump thì vô cùng thất vọng. Ông giận dữ nói : “Tất cả những điều đó chỉ là chính trị”. Về điểm này, Donald Trump có lý. Phe cực hữu đã hứa với cử tri là sẽ đình chỉ luật về sức khỏe và giảm thuế… Ngược lại, phe ôn hòa thì lại thề với cử tri là chế độ bảo hiểm y tế sẽ tốt hơn và rẻ hơn.

Đây là “một phương trình vô nghiệm” đối với một Quốc Hội mà “chưa gì đã nghĩ tới” cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau và cũng là “bài toán không lời giải đáp” cho một vị tổng thống không được đảng của ông ủng hộ". - RFI
|
|

16.
Ủy ban Tình báo Hạ viện họp kín về vụ nghe lén điện thoại --- Diễn biến mới trong điều tra Nga phá bầu cử Mỹ

Ủy ban Tình báo Hạ viện họp kín hôm thứ Năm, một ngày sau khi Chủ tịch ủy ban tiết lộ rằng các mẫu đối thoại của nhân viên hoạt vụ nước ngoài được phép ghi âm, trong những trao đổi với các giới chức trong ban vận động của ông Trump sau cuộc bầu cử Tháng 11, đã dẫn tới việc "tình cờ nghe được" những bình luận của các trợ lý của ông Trump, và có thể, của cả ông Trump.

Trước khi bước vào cuộc họp, nghị sĩ đảng Cộng hòa Devin Nunes nói tiết lột thông tin về cuộc điều tra, và sau đó báo cáo lên Tổng thống Trump tại Toà Bạch Ốc là một quyết định cá nhân.

Ông Devin Nunes nói:

“Qúy vị biết đấy, suy cho cùng đôi khi chúng ta có quyết định đúng, đôi khi có quyết định sai, nhưng một khi đã làm quyết định thì mình phải kiên định.”

Ông Nunes từ chối, không cho biết ai đã cung cấp tài liệu cho ông, ông khẳng định "sẽ không bao giờ tiết lộ nguồn tin". Ông nói chuyện với các phóng viên và với tổng thống mà không thông báo cho Ủy ban, khiến ông bị các nhà báo và phó chủ tịch Uỷ ban Adam Schiff chỉ trích.

Ông Adam Schiff nói:

“Chúng ta không thể cho phép Chủ tịch Uỷ ban tình báo Hạ viện hành động như một đại diện của ngành hành pháp. Ông ấy hoặc đóng vai trò đại diện, hoặc giữ vai trò Chủ tịch Uỷ ban, chứ ông không thể đóng hai vai trò đó cùng một lúc được."

Những người chỉ trích ông Nunes cũng đặt nghi vấn liệu dân biểu bang California này có hợp tác với Tòa Bạch Ốc để bao che Tổng thống về những lời cáo buộc của ông tố cựu Tổng thống Obama nghe trộm điện thoại ở Tòa tháp Trump ở New York.

Trong phần phát biểu hôm thứ Hai, Giám đốc FBI James Comey xác nhận là không có thông tin nào để hỗ trợ các cáo buộc của ông Trump trên Twitter hôm 4/3, rằng ông Obama đã nghe trộm điện thoại ở Tòa tháp Trump vài tuần trước cuộc bầu cử.

Trước cuộc họp, ông Nunes không trả lời câu hỏi liệu Tòa Bạch Ốc có giàn xếp vụ công bố các tài liệu để phá buổi điều trần của ông Comey trước Ủy ban hay không.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer hôm thứ Năm phớt lờ những lời đồ đoán cho rằng chính quyền Trump đã cung cấp thông tin mới cho ông Nunes.

Sau buổi điều trần của Ủy ban tình báo Hạ viên hôm thứ Năm, bà Jackie Speier, một đảng viên Dân chủ trong ủy ban, cho biết ông Nunes đã xin lỗi vì đã đơn phương tiết lộ thông tin. - VOA

***
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã phức tạp hoá thêm vấn đề vốn đã gây nhiều tranh cãi và chia rẽ, đó là liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và có liên lạc với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không.

Đại biểu Đảng Cộng hoà Devin Nunes nói với các phóng viên báo chí:

"Các báo cáo tôi vừa đọc khiến tôi quan tâm và Tổng thống cũng nên quan tâm về vấn đề này."

Điều gây quan tâm cho ông Nunes, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, là những sự liên lạc tiếp xúc của các thành viên trong ban chuyển tiếp của ông Trump, và ngay cả của chính ông, lúc đó là tổng thống tân cử, bị phơi bày trong các hoạt động theo dõi hợp pháp của các cơ quan tình báo Mỹ.

Ông Nunes có một quyết định hết sức bất thường là đích thân nói chuyện riêng với Tổng thống Trump.

Ông Nunes nói: "Cá nhân tổng thống và những người khác trong ban chuyển tiếp của ông bị nêu tên cụ thể trong các báo cáo tình báo mà cuối cùng được đưa đến Tòa Bạch Ốc và thông qua hàng loạt các cơ quan chính phủ khác."

Ông Nunes nói rằng những sự tiếp xúc đó không có dính líu gì đến cuộc điều tra để xác định liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, hoặc có liên hệ gì với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không. Mặc dù các hoạt động theo dõi được thực hiện một cách hợp pháp, ông Nunes lo ngại về danh tính của các giới chức và nội dung các liên lạc bị các giới chức tình báo xử lý không đúng cách.

Việc này xảy ra hai ngày sau khi Giám đốc FBI James Comey, xác nhận đang có cuộc điều tra về những mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga, và bác bỏ lời cáo buộc trên Twitter của ông Trump rằng người tiền nhiệm của ông, tức Tổng thống Barack Obama, đã nghe lén điện thoại văn phòng ông trong cuộc bầu cử.

Ông James Comey nói: "Tôi không có thông tin nào có thể hậu thuẫn các tin nhắn Twitter đó. Chúng tôi đã điều tra kỹ lưỡng bên trong FBI."

Ông Nunes nói có khả năng ông Trump đã đúng khi viết các tin nhắn Twitter đó. Trả lời câu hỏi liệu ông có cảm thấy được minh oan hay không?

Tổng thống Trump nói: "Có, trong một chừng mực nào đó. Tôi phải nói với quý vị rằng tôi cảm thấy có phần nào được minh oan. Tôi đanh giá cao việc họ tìm được những thông tin đó."

Hành động của ông Nunes khiến cho người đứng đầu ủy ban tình báo Hạ viện bên đảng Dân chủ tỏ ra “hết sức hoài nghi” về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ông Adam Schiff, đại biểu Dân chủ của Ủy ban Tình báo Hạ viện, phát biểu:

"Ông chủ tịch ủy ban cần phải xác định rõ hoặc ông là chủ tịch của một cuộc điều tra độc lập để xác minh những cáo buộc về sự câu kết giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga hoặc ông hành động như một đại diện cho Tòa Bạch Ốc."

Còn có những lo ngại khác, như cách thức của cộng đồng tình báo xử lý những cái gọi là liên lạc ngẫu nhiên, hay những thông tin không được chính thức cho phép thu thập.

Ông Michael Desch của Đại học Notre Dame nói với đài VOA:

"Điều khoản 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài nó giống như một cái máy hút bụi khổng lồ hút đủ mọi thứ vào, kể cả những thông tin của công dân Mỹ, và tôi không rõ liệu cách thức làm việc đó của Cơ quan An ninh Quốc gia có hữu hiệu hay không."

Ông Nunes không cho biết ông nhận được các báo cáo tình báo từ đâu. Ông dự kiến sẽ nhận thêm báo cáo trước ngày thứ Sáu và tất cả những báo cáo đó sẽ được đưa ra trước cuộc họp của Ủy ban Tình báo vào thứ Hai tới. - VOA
|
|

17.
Đảng Dân chủ chống đối đề cử ông Gorsuch vào chức Thẩm phán Toà Tối cao

Lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hôm thứ Năm cho biết ông sẽ chống đối việc chuẩn thuận ông Gorsuch, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao, trong ngày cuối cùng của phiên điều trần.

Trong một bài phát biểu tại Thượng viện vào ngày cuối cuộc điều trần để chuẩn thuận ông Neil Gorsuch, Ông Schumer nói ông Gorsuch đã "không thuyết phục” được ông rằng ông ấy sẽ là một thẩm phán độc lập " đối với Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ Schumer cho rằng ông Gorsuch là người có "ý thức hệ cực kỳ bảo thủ."

Ông Schumer nói phe Cộng hòa "sẽ phải kiếm đủ 60 phiếu để chuẩn thuận " ông Gorsuch nếu không, họ phải "đề cử một người khác".

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Casey góp tiếng với ông Schumer, chống đối việc đề cử ông Gorsuch viện những quan ngại nghiêm trọng về "triết lý tư pháp cứng nhắc và hẹp hòi" của Thẩm phán Gorsuch.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa cần đoạt được ít nhất 8 phiếu bầu của các nghị sĩ Dân chủ mới có thể chuẩn thuận việc đề cử ông Gorsuch, hoặc họ sẽ phải kích hoạt "phương án hạt nhân" sửa đổi các quy định và cho phép biểu quyết theo đa số. - VOA
|
|

18.
Hoa Kỳ siết chặt thủ tục cấp duyệt visa

Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn cầu xác định một số nhóm nhất định cần được kiểm tra kỹ lưỡng khi họ xin thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ.

Chỉ thị cũng hướng dẫn các cơ quan hữu trách của Mỹ ở nước ngoài xem xét các tài khoản trên mạng xã hội của những người xin visa bị tình nghi có liên hệ khủng bố hay từng sinh sống trong những khu vực bị nhóm Nhà nước Hồi giáo kiểm soát.

Công điện ngoại giao của Ngoại trưởng Rex Tillerson chỉ đạo các đại sứ quán phải lập các nhóm làm việc về an ninh và tình báo để lập ra danh sách các phạm trù định dạng những thành phần cần phải tăng cường rà soát an ninh.

Thậm chí một đương đơn đủ điều kiện được cấp visa, nhưng bị xem là có những yếu tố trong danh sách đó thì cần phải bị rà soát kiểm tra thêm và có thể bị khước từ visa.

Đây là bằng chứng đầu tiên của chiến dịch ‘sàng lọc gắt gao’ người nước ngoài muốn nhập cảnh Hoa Kỳ mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết khi tranh cử.

Các giới chức đại sứ quán Mỹ tại các nước giờ đây phải rà soát đơn xin visa để quyết định xem những người này có đề ra nguy cơ an ninh cho nước Mỹ hay không, theo 4 công văn gửi đi từ ngày 10 đến ngày 17/3.

Chỉ thị này đã nhanh chóng bị chỉ trích bởi các nhóm nhân quyền và những người tố cảo ông Trump kỳ thị Hồi giáo.

Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 24/3 kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ công khai chỉ thị vừa kể. - VOA
|
|

19.
Tòa Virginia ủng hộ lệnh cấm du hành của ông Trump

Một thẩm phán liên bang tại Virginia ngày 24 tháng 3 phán quyết lệnh cấm du hành của Tổng thống Donald Trump có lý do chính đáng. Như vậy, có nhiều khả năng tranh cãi về lệnh cấm của ông Trump sẽ lên tới Tối cao Pháp viện để phân xử vì phán quyết tại Virgina hôm nay đối lập với quyết định ở tòa Maryland và Hawaii, hai nơi đã ngăn lệnh cấm của ông Trump.

Thẩm phán khu vực Anthony Trenga bác bỏ lập luận của các nguyên đơn Hồi Giáo là lệnh hành pháp ngày 6 tháng 3 của ông Trump là kỳ thị khi tạm ngưng nhập cảnh Mỹ tất cả người tị nạn và cư dân thuộc 6 nước đa số theo đạo Hồi.

Phán quyết này đối nghịch với hai phán quyết trước đây cấm lập tức lệnh ông Trump trước khi lệnh có hiệu lực vào ngày 16 tháng 3. Lệnh hiện vẫn bị ‘treo’.

Ông Trump nói nếu cần sẽ kiện lên Tối cao Pháp viện Mỹ, và quan điểm khác biệt của các tòa dưới càng khiến cho vụ việc có nhiều khả năng sẽ được đưa lên tới Tối cao Pháp viện.

Thẩm phán Trenga, được đề bạt từ thời Tổng thống George W. Bush, nói lệnh sửa đổi của ông Trump (thay lệnh cũ ký hôm 27 tháng 1 bị một số tòa bác bỏ) nằm trong phạm vi quyền hạn của Tổng thống quyết định về di trú và rằng lệnh sửa đổi không đề cập đến tôn giáo.

Ông Trump nói cần có lệnh cấm để bảo vệ đất nước trước những cuộc tấn công khủng bố, nhưng lệnh cấm đầu tiên của ông bị một thẩm phán liên bang tại Seattle và một tòa phúc thẩm tại San Francisco chặn lại vì vi phạm một điều khoản của Hiến pháp cấm kỳ thị tôn giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

20.
Đại sứ Mỹ yêu cầu Việt Nam truy tố hình sự vi phạm bản quyền

Đại sứ Mỹ Ted Osius vừa yêu cầu Việt Nam truy tố hình sự các trang mạng 123movies, Putlocker và Kisscartoon về tội danh vi phạm bản quyền. Yêu cầu của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hà Nội được đưa ra trong cuộc họp ngày 21/3 với Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) Việt Nam. Cuộc họp nằm trong một chuỗi hoạt động gần đây của Việt Nam nhằm quản lý những nội dung được cho là “xấu, độc” trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook…

Tại cuộc họp, phía Việt Nam đề nghị Đại sứ Ted Osius tác động để Google, Facebook… có đại diện ở Việt Nam. Đáp lời, Đại sứ Ted Osius nói sẽ khuyến khích các công ty mở văn phòng tại Việt Nam, nhưng ông cũng yêu cầu Việt Nam giải quyết nạn vi phạm bản quyền. Ông còn nêu tên 3 trang web cụ thể và đề nghị Việt Nam xử lý hình sự.

Ẩn ý?

Trong khi vấn đề quản lý nội dung “xấu, độc” trên các trang mạng được Việt Nam nâng lên tầm mức ngoại giao, thì song song với nó, câu chuyện “dài hơi” về vi phạm tác quyền tại Việt Nam cũng được phía Mỹ đặt lên bàn thảo luận.

Luật sư Trần Thu Nam từ Hà Nội nêu quan điểm riêng về sự kiện này: “Ông ấy [Đại sứ Ted Osius] nói ra như vậy tôi nghĩ là cái ẩn ý của ông nó khác. Ẩn ý của ông là bản thân Việt Nam còn chưa xử lý được, còn dung túng hoặc còn để mặc cho việc vi phạm pháp luật xảy ra tràn lan như thế thì các ông đừng yêu cầu người khác phải làm một điều gì đó. Cái ẩn ý nó nằm chỗ đó, chứ không phải vấn đề mặc cả là anh xử lý cho tôi cái này và tôi xử lý cho anh cái kia”.

Nhận xét về mức độ vi phạm bản quyền tại Việt Nam, LS. Trần Thu Nam nói tình trạng đã tới mức báo động vì vi phạm bản quyền đã trở thành thói quen hàng ngày.

“Vi phạm bản quyền ở Việt Nam từ trước tới nay vẫn phổ biến và xảy ra thường xuyên trong tất cả mọi lĩnh vực: tin học, văn hóa, âm nhạc... Ví dụ như cái nhỏ nhất là các phần mềm hệ điều hành máy tính chẳng hạn, thì người ta thường sử dụng các phần mềm lậu, phần mềm bị bẻ khóa. Việc mua bản quyền ở Việt Nam hiện nay chưa phổ biến và chưa thành thói quen”.

Trong khi người dân hoàn toàn không ý thức về hành vi vi phạm của mình, mức xử phạt vi phạm của các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.

“Mức độ phạt cũng chưa lớn”, LS. Nam nói. “Cái thứ hai nữa là cũng chưa có chế tài về hình sự, xử lý hình sự hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm lớn. Vấn đề định giá mức độ thiệt hại liên quan đến các sản phẩn trí tuệ thì tại Việt Nam cũng rất khó. Tôi cho là Việt Nam chưa chuyên nghiệp trong xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm bản quyền”. - VOA
|
|

21.
Biển Huế tiếp tục đổi màu ‘lạ’

Hết biển đỏ, biển Thừa Thiên Huế chuyển sang màu vàng. Cái màu vàng chết chóc này khiến cho cả một dãy bờ biển dài không có sự sống. Không có cá, không có tôm, không có bất kì sinh vật biển nào tồn tại trong khu vực biển màu vàng. Và theo các ngư dân thì màu vàng này đang kéo từng luồng từ ngoài khơi dạt vào bờ, mỗi luồng dài vài cây số và rộng từ 100 mét đến 500 mét.

Ông Ngọc, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Thuế chia sẻ với VOA Việt ngữ: “Nước buổi sáng ở đây đã vàng khè rồi, tôi múc một ca cất lên, giờ đọng lại nhiều cặn thế này đây. Như cái cặn nước nó đủ màu, màu trắng, màu vàng, lợn cợn. Trước đây lội nước vô chân trắng thôi, nhưng lội nước hai ba ngày nay thì giờ chân đỏ lên. Dân làm nghề ở đây giờ lo sợ lắm, giờ lưới bị bám dẻo dẻo vào, giờ đóng cặn vào, gỡ không ra. Sáng ni lưới bị dính cách đây 16, 17 hải lý, ai ngờ vào đây cũng có.”

Nhìn lệch về phía cảng Chân Mây, nước vẫn còn xanh. Theo các ngư dân đánh bắt xa bờ, có đến hàng chục luồng nước màu vàng đục, có mùi hắc và tanh đến ngạt thở, cứ cách chừng 1 hải lý thì có một luồng như vậy trôi nổi trên biển. Hiện nay, dòng hải lưu trên biển Thái Bình Dương đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam, như vậy, khả năng các luồng nước này đến từ Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình, Quảng Trị là rất cao. Luồng nước mà chúng tôi tận mắt chứng kiến ở bờ biển Thừa Thiên Huế vào hôm Thứ Năm ngày 23 tháng 3 chỉ mới là luồng nước vàng đầu tiên kéo vào bờ. Và đúng như lời các ngư dân chia sẻ, mùi nước tanh tưởi, hắc đến mức khó thở, dường như đây là phức hợp mùi pha trộn giữa xác sinh vật biển bị chết và các loại chất thải công nghiệp. Dòng nước vàng, đặc quánh như dầu nhớt.

Ông Ngọc tiếp lời: "Nước trước đây trong xanh, tắm mát mẻ. Chứ giờ nước thế này, du lịch gì nữa, ai dám tắm, nhúng vào nước là ngứa. Đây lưới bị hư hết, vì lợn bợn bám vào lưới, không có cá nào đóng vào được hết. Anh em tôi làm xa bờ 17 đến 18 hải lý nhưng ra đó chỉ làm được vài con cá trích. Bữa nay cả đêm làm năm chục, bảy chục cân, trước đây làm cả tấn. Làm ra thì chủ thuyền như tôi hay trai bạn đò cũng rên xiết. Nói chừ cá hiện nay tìm không ra, mà ra gặp nước ni nữa, kéo lên thì ngứa tay.."

Có thể nói rằng chưa bao giờ ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, nói riêng, và ngư dân Việt Nam nói chung lại thất thu trong chính vụ, lại bất an và cảm nhận tương lai hết sức u ám như hiện tại. Bởi với một dải dài bờ biển dài 3.260 cây số mà không có cá để đánh bắt, trong khi ngư nghiệp, hải sản là mũi nhọn kinh tế của Việt Nam, quyết định sự sống còn của hàng triệu gia đình gắn với biển. Tình trạng này kéo dài chừng hai năm thì sẽ có hàng triệu gia đình ngư dân lụn bại.

“Trước đây, cá ngư dân đánh trong bờ rất nhiều. Nhưng giờ đánh trong bờ không có gì cả, cuộc sống của người dân khó khắn lắm,” ông Toàn, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chua chát ca thán.

Ngư dân Ngọc cho biết làm nghề mấy chục năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy nước có màu lạ vậy. “Trước đây nghe cái vụ sự cố môi trường thì cá chết rất nhiều nhưng cái nước này chưa thấy. Có thể trong 5-6 tháng nay thì giờ nước ni tự về, không biết nó đẩy cá thế nào mà giờ không còn con cá nào hết. Cái nước này dính vô tay người thì ngứa. Ở ngoài xa cách đây 18 hải lý, nó đi từng mé, từng mé. Nếu lưới thả phải vùng nước này thì nó chìm xuống không kéo được luôn. Ai mà gặp là bó tay luôn,” ông Ngọc nói.

Những con cá trích vớt vát được từ mẻ lưới quện đầy chất lạ của ông Ngọc như một giải an ủi cho một đêm dài đi đánh bắt không được gì mà lưới lại bị hỏng vì chất lạ. Ông Ngọc nói với chúng tôi là ông sẽ dùng mấy con cá trích nướng này để nhấm nháp, uống rượu cho quên đi cái ngày hết sức tàn tạ trong nghề đánh bắt của mình. Và liệu những con cá trích này có an toàn cho bữa ăn của ông Ngọc hay không, một câu hỏi mang tính sinh tử đối với ngư dân lúc này. - VOA
|
|

22.
Facebooker Đăng Solomon bị bắt

Facebooker Đăng Solomon, tên thật Nguyễn Hữu Đăng, sinh năm 1980, bị Cơ quan An ninh Điều tra Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở vào ngày 24/3 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88, Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Đăng bị cáo buộc các tội danh lập nhiều tài khoản Youtube, Facebook để đăng tải những hình ảnh, video clip có nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm, bôi nhọ ông Hồ Chí Minh, hạ uy tín các lãnh đạo đảng và Nhà nước cũng như phát tán tin kích động biểu tình chống Nhà nước Việt Nam.

Đây là vụ bắt mới nhất với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Vừa qua có hai người cũng bị bắt cũng với cáo buộc tương là facebooker Phan Kim Khánh và Bùi Hiếu Võ. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9



No comments:

Post a Comment