Tin Thế Giới
1.
Biển Hoa Đông: Bắc Kinh đòi Mỹ tôn trọng vùng phòng không Trung Quốc
Theo Reuters, đài truyền hình Mỹ CNN, ngày hôm nay, 23/03/2017, đưa tin là các quan chức Trung Quốc đã cảnh cáo một máy bay ném bom chiến lược Mỹ B1 bay gần không phận Hàn Quốc và xâm nhập trái phép vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Phía Trung Quốc đã ra lệnh cho máy bay Mỹ rời khỏi khu vực này. Tuy nhiên, các phi công Mỹ đã trả lời các kiểm soát viên không lưu Trung Quốc rằng họ đang tiến hành các hoạt động như thông lệ, trong không phận quốc tế và máy bay không thay đổi hành trình.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói rằng bà không nghe thấy thông tin này và đề nghị hỏi bên bộ Quốc Phòng. Tuy nhiên, đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng là các nước khác nên chú ý đến những quan ngại về an ninh của các nước trong khu vực. Hoa Kỳ cũng có các vùng nhận diện phòng không và nếu đúng như thế, thì Mỹ nên tôn trọng các quyền liên quan đến vùng nhận phòng không của Trung Quốc.
Xin nhắc lại, năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không bao trùm khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh đòi máy bay các nước phải tôn trọng thủ tục liên lạc và nhận diện với chính quyền Trung Quốc trước khi bay vào vùng này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Nhật Bản không công nhận vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc. - RFI
|
|
2.
Biển Đông: Tổng thống Philippines bị chỉ trích về cách đối phó với Trung Quốc
Một thượng nghị sĩ đồng minh của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu ông xem xét lại cách đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Hãng tin ABS-CBN News của Philippines, ngày 22/03/2017, cho biết thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian là một đồng minh của tổng thống Philippines. Gần đây, thượng nghị sĩ Gatchalian đã chỉ trích việc Trung Quốc xâm nhập vào Benham Rise và báo cáo rằng Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trạm kiểm soát tại bãi cạn Scarborough. Phản ứng trước chỉ trích của đồng minh Gatchalian, tổng thống Duterte nói rằng Philippines không thể làm bất cứ điều gì để ngăn Trung Quốc. Còn Bắc Kinh thì bác bỏ bản báo cáo trên.
Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian chỉ trích rằng cách tiếp cận vấn đề của tổng thống Duterte là sai và tổng thống phải đương đầu với Trung Quốc. Theo vị thượng nghị sĩ này, vẫn có nhiều giải pháp hợp pháp và ngoại giao và ông Duterte phải nỗ lực hết sức để bảo vệ lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lược nước ngoài. Ông Gatchalian cũng nói thêm là Philippines không nên để bị bắt nạt, cho dù đối thủ có thể lớn mạnh đến mức nào đi chăng nữa.
Vẫn theo thượng nghị sĩ Gatchalian, tổng thống Duterte vận động chiến dịch hợp pháp của Philippines chống Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành động xâm lược Biển Đông và phán quyết của tòa trọng tài La Haye theo hướng có lợi cho Philippines là một công cụ mạnh mẽ mà Manila cần tận dụng để thực thi chủ quyền ở biển Đông. Ông nhấn mạnh, nhiệm vụ của Philippines là áp dụng phán quyết trên và hành động trước các tổ chức pháp luật quốc tế để phản đối bất cứ hành động xâm lược nào của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa thiết quân luật
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 23/03/2017 nêu ra khả năng áp đặt lệnh thiết quân luật và đình chỉ bầu cử đối với hàng chục ngàn chức vụ ở các địa phương. Lời đe dọa này khiến công chúng lo ngại về nền dân chủ trong tương lai tại nước này.
Sau khi kết thúc chuyến công du tại Thái Lan, trở về Philippines, trong một cuộc họp báo, tổng thống Duterte đã giải thích với phóng viên là ông dự tính áp dụng vào cuộc chiến chống ma túy hai biện pháp thiết quân luật và đình chỉ bầu cử 42.000 quan chức địa phương, hai biện pháp trên cũng góp phần giải quyết được hàng loạt mối đe dọa an ninh.
Tổng thống Duterte thông báo ông có thể cho thành lập các tòa án quân sự để xét xử các vụ việc có liên quan tới khủng bố. Tổng thống Philippines nói thêm : “Tôi sẽ cho phép quân đội xét xử và hành quyết các người bằng cách treo cổ”. Theo AFP, lời đe dọa này nhắm tới phiến quân Hồi Giáo ở miền nam Philippines.
Ban hành thiết quân luật là vấn đề rất nhạy cảm ở Philippines. Ba thập kỷ sau khi cuộc cách mạng " Quyền Lực Của Nhân Dân " chấm dứt chế độ độc tài của Ferdinand Marcos, hiện Philippiones vẫn đang nỗ lực củng cố nền dân chủ.
Liên quan đến việc đình chỉ bầu cử quan chức địa phương dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, ông Duterte giải thích là chính ông sẽ bổ nhiệm lãnh đạo địa phương để tránh tình trạng như hiện nay, tức là có tới 40% quan chức địa phương có dính dáng tới buôn lậu ma túy. - RFI
|
|
3.
Tấn công ở London: Những thông tin mới nhất
Bốn người chết và ít nhất 40 người bị thương trong một vụ tấn công khủng bố gần khu nhà Nghị Viện.
Sáng thứ năm ngày 23/3, cảnh sát Anh đã khẳng định lại có bốn người thiệt mạng, thay vì năm như đã nói hôm qua, trong đó có một sĩ quan cảnh sát, kẻ tấn công và hai thường dân.
Đây là những gì chúng tôi đã biết:
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào 14:30 giờ GMT (9:30 tối Việt Nam) một kẻ tấn công lái một chiếc xe ô tô lên cầu Westminster, gần Nghị Viện Anh trong trung tâm London, giết ít nhất 2 người và làm nhiều người bị thương.
Chiếc xe sau đó lao vào hàng rào Nghị Viện.
Kẻ tấn công cầm theo một con dao, chạy vào khu Nghị Viện khi bị chặn lại bởi một cảnh sát không mang vũ khí và đâm chết người này.
Kẻ tấn công sau đó bị bắn chết bởi các cảnh sát khác.
Hiện trường như thế nào?
Các nhân chứng mô tả sự hỗn loạn và hoang mang.
Richard Tice nói ông ta đang rời khỏi trạm tàu ngầm Westminster vào 14:45 và đã bị cảnh sát dẫn đẩy lên cầu Westminster.
Ông thấy những người nằm trên cầu đang được chăm sóc. Ông đã được kể một chiếc xe lao lên vỉa hè, lái từ hướng nam ra bắc, quanh cầu và tông vào người đi bộ trên cầu.
"Tôi đếm có tám người theo chiều dài chiếc cầu, từ nam ra bắc - ít nhất tám."
Những nạn nhân là ai?
Cho đến thời điểm này, chỉ có viên cảnh sát được nêu tên. Ông là Keith Palmer, 48 tuổi, thuộc Bộ tư lệnh Bảo vệ Nghị Viện và Ngoại Giao. Ông đã có 15 năm phục vụ và là một người chồng và người cha.
Một người phụ nữ đã chết sau khi bị đâm bởi xe của kẻ tấn công trước khi nó đến khu vực Nghị Viện. Bà được xác nhận đã chết tại bệnh viện St Thomas.
Những người bị thương bao gồm ba cảnh sát đang đi bộ trên cầu sau khi tham dự một buổi lễ tuyên dương. Hai trong số đó đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Một người phụ nữ đã được nhận trợ giúp y tế khẩn cấp sau khi ngã xuống sông Thames khi xe của kẻ tấn công lao dọc vỉa hè cây cầu.
Cảnh sát nói có "có nhiều người từ nhiều quốc gia" trong số người bị thương.
Một nhóm học sinh Pháp đã ở trên cầu và ba trong số đó bị thương.
Bốn sinh viên từ đại học Edge Hill từ Lancashire cũng bị thương - hai sinh viên được đưa đến bệnh viện với chấn thương chân và hai sinh viên khác chấn thương nhẹ.
Năm khách du lịch Nam Hàn cũng bị thương, một trong số họ bị thương nặng - trong vụ giẫm đạp khi người dân bỏ chạy khỏi khu vực bị tấn công.
Dịch vụ Cứu thương London nói họ đã chữa trị 12 người bị thương nặng và đều được đưa đến bệnh viện. Họ cũng chữa cho tám người khác bị thương nhẹ hơn tại hiện trường.
Bệnh viện Đại học Kings nói tám bệnh nhân đã được chữa trị - sáu nam và hai nữ. Hai trong số đó vẫn nguy kịch và hai người đã ổn định.
Bệnh viện St Thomas nói đã tiếp nhận hai bệnh nhân và họ đều ổn định.
Một bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện Hoàng gia London, nhưng không có thông tin gì thêm.
Chỉ sau 17:00 GMT (nửa đêm ngày 23/3), một người phụ nữ đã được cứu sống từ sông Thames, nhưng bị thương.
Ai là kẻ tấn công? Chỉ một cá nhân đơn độc?
Thủ tướng Anh nói "chỉ có một kẻ tấn công."
Người này chưa được nêu tên. Cảnh sát nói họ nghĩ họ biết người này là ai và "đang làm việc với những người liên quan."
Người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của cơ quan cảnh sát Metropolitan Mark Rowley yêu cầu các phóng viên điều tra nên trì hoãn điều tra danh tính người này.
Ông Rowley nói phỏng đoán hiện thời là kẻ tấn công có thể lấy cảm hứng từ khủng bố quốc tế và các cuộc khủng bố liên quan đến Hồi giáo, nhưng đưa ra thêm thông tin gì về quốc tịch hay các thông tin gì khác.
Ông nói cảnh sát đang tập trung vào "động cơ, tính toán và những người liên quan" của nghi phạm.
Biện pháp an ninh nào đã được áp dụng?
Tòa nhà Nghị Viện đã bị khống chế và các chính khách, phóng viên và du khách đã bị khóa trong đó trong 5 tiếng.
Hàng trăm người đã được di tản từ Nghị viện đến tu viện Westminster cho an toàn.
Cả Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện sẽ vẫn hoạt động bình thường vào thứ 5, theo giờ bình thường.
Sẽ có nhiều cảnh sát trang bị và không trang bị vũ khí đi tuần quanh London như một "biện pháp cẩn trọng".
Thủ tướng Anh nói báo động khủng bố ở Anh nên được giữ nguyên - mức độ cao thứ nhì - nghĩa là một cuộc tấn công khác "có khả năng cao xảy ra".
Di chuyển trong khu vực như thế nào?
Trạm tàu điện ngầm Westminster đã bị đóng và chỉ mở cho khách trung chuyển.
Cảnh sát yêu cầu người dân tránh những khu vực này: Quảng trường Nghị Viện, Whitehall, cầu Westminster, cầu Lambeth, phố Victoria cho tới giao lộ với Broadway và từ bờ kè Victoria cho đến trạm tàu bờ kè. - BBC
|
|
4.
Bắc Triều Tiên bị tố "đánh cắp" 81 triệu đôla của Bangladesh
Bình Nhưỡng có thể là cội nguồn vụ tin tặc đánh cắp 81 triệu đôla của Ngân Hàng Quốc Gia Bangladesh ký gửi ở Ngân Hàng Liên Bang Mỹ FED. Tin tặc Bắc Triều Tiên được chuyên gia Trung Quốc tiếp tay. Trên đây là tiết lộ của báo Mỹ Wall Street Journal hôm 22/03/2017.
Trích dẫn một một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra, nhật báo tài chính Wall Street Journal cho biết tư pháp Mỹ sắp tố cáo những « trung gian » Trung Quốc giúp tin tặc Bắc Triều Tiên, xâm nhập hệ thống vi tính, âm mưu chiếm đoạt gần 1 tỷ đôla của Ngân Hàng Quốc Gia Bangladesh ký gửi tại Hoa Kỳ.
Sử dụng hệ thống chuyển ngân quốc tế SWIFT, vào tháng 02/2016, tin tặc thành công lấy được 81 triệu đôla, chuyển sang một tài khoản ở Philippines. Một phần số tiền này đã biến mất qua các sòng bạc rửa tiền. Sau đó, tin tặc gửi hàng chục lệnh yêu cầu Ngân Hàng Liên Bang Mỹ FED chuyển thêm 850 triệu đôla, nhưng mưu toan thứ hai này đã bị chận lại.
Vào tháng 05/2016, công ty an ninh vi tính Symantec đã nói đến khả năng vụ lừa đảo này có liên hệ với Bắc Triều Tiên. Phần mềm được sử dụng có nhiều nét tương đồng với vụ tấn công vào công ty điện ảnh Sony Pictures Entertainment SPE hai năm trước (2014). Trong vụ này, theo tố cáo của chính phủ Mỹ, tin tặc Bắc Triều Tiên đã đánh cắp dữ liệu và thông tin cá nhân của hàng ngàn nhân viên của SPE và « bắt chẹt » công ty phải đình chỉ phát hành một cuốn phim hài về Kim Jong Un,« The Interview ».
Nhân vật số hai của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA, Rick Ledgett, hôm thứ Ba, 21/03, cho rằng các nhà điều tra sẽ chứng minh được « liên hệ » giữa hai vụ tin tặc nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, khi được AFP đặt câu hỏi, bộ Tư Pháp và bộ Tài Chính Mỹ từ chối bình luận, không phủ nhận cũng không xác nhận thông tin của Wall Street Journal.
Phản ứng cụ thể được ghi nhận trong tuần qua là hệ thống chuyển ngân quốc tế SWIFT đã cắt đường dây liên lạc với những ngân hàng Bắc Triều Tiên cuối cùng còn quan hệ.
41% dân Bắc Triều Tiên thiếu dinh dưỡng
Trong số 118 nước trên thế giới bị nạn đói, Bắc Triều Tiên đứng hàng thứ 98.
Trong bản báo cáo công bố ngày 23/03/2017, Liên Hiệp Quốc một lần nữa báo động về tình trạng thiếu lương thực ở Bắc Triều Tiên. Khoảng 10,5 triệu người, tức 41% dân số, bị suy dinh dưỡng. Tổ chức thiện nguyện Humarian Country Team, một tập họp của nhiều cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và các hiệp hội phi chính phủ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp cho ngân sách cứu đói.
Tuy nhiên, Tapan Mishra, một viên chức đặc trách hồ sơ Bắc Triều Tiên thú nhận rất khó tìm tài trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm. - RFI
|
|
5.
TQ: Hy vọng tàu sân bay Nhật không mang chủ nghĩa quân phiệt trở lại
Trung Quốc hôm thứ Năm nói họ hy vọng việc Nhật đưa vào sử dụng hàng không mẫu hạm Kaga không có nghĩa là nước này quay trở lại với quá khứ quân phiệt của mình.
Hàng không mẫu hạm trực thăng Kaga, cùng với tàu Izumo, cho phép quân đội Nhật có khả năng hoạt động vượt ra xa bờ biển nước này trong lúc Tokyo tăng cường các hoạt động chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong những năm gần đây, Nhật Bản đã phóng đại “mối đe dọa Trung Quốc” như một cái cớ để mở rộng quân đội.
Tại cuộc họp báo thường nhật, bà Hoa nói: “Tôi cũng muốn nói rằng tàu Kaga đã bị quân đội Mỹ đánh chìm trong Thế chiến thứ Hai. Nhật Bản nên học những bài học của lịch sử”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi hy vọng sự trở lại của tàu Kaga không khơi dậy đống tro tàn để hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thêm một lần nữa”.
Hai chiến hạm lớn nhất của Nhật từ thời Thế chiến thứ Hai là biểu tượng về uy lực của nước này và nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy quân đội Nhật đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, bị tổn hại vì vụ tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo nhỏ trong Biển Hoa Đông, cũng như di sản của các hành động hiếu chiến của Nhật Bản trước đây. - VOA
|
|
6.
Cựu nghị sĩ Nga bị bắn chết ở Ukraine theo ‘đơn đặt hàng’?
Cựu nghị sĩ Nga Denis Voronenkov vừa bị bắn chết tại Kiev hôm thứ Năm trong một vụ ám sát được cảnh sát Ukraine miêu tả là ‘thanh toán theo hợp đồng’, có thể được chỉ thị từ Nga.
Trưởng công tố Ukraine Yuriy Lutsenko đổ lỗi cho điện Kremlin trong vụ giết hại ông Voronenkov. Ông Lutsenko nói Nga muốn trừng phạt ông Voronenkov về những lời khai chứng của ông với các nhà điều tra Ukraine.
Ông Voronenkov, 45 tuổi, từng là thành viên của phe cộng sản tại Hạ viện Nga. Ông dời cư đến Ukraina vào mùa thu năm ngoái và được cấp quốc tịch Ukraine. Ông đã làm chứng cho các nhà điều tra Ukraine trong khuôn khổ một cuộc điều tra của nước này về các hoạt động của cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, người đã bị lật đổ trong các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng Hai năm 2014.
Cảnh sát Ukraine cho biết ông Voronenkov bị một kẻ vũ trang không biết danh tính bắn chết gần cổng của một khách sạn cao cấp ở thủ đô của Ukraine.
Bảo vệ của ông Voronenkov cũng bị thương trong cuộc tấn công. Ông này nổ súng bắn trả khiến tay súng bị thương. Cảnh sát cho biết cả hai đều được đưa vào bệnh viện.
Ông Voronenkov rời Nga cùng vợ, ca sĩ Maria Maksakova, cũng là một nhà lập pháp. Ông cho biết ông phải rời bỏ đất nước vì bị các cơ quan an ninh Nga bức hại. Ông đã từ bỏ quốc tịch Nga.
Sau khi ông Voronenkov dời sang Ukraine, các nhà điều tra Nga đã tung ra các cáo buộc gian lận liên quan đến các hoạt động kinh doanh của ông.
Các thành viên quốc hội Nga tức thời bác bỏ cáo buộc của Ukraine cho rằng ông Voronenkov có thể bị giết vì phản bội nước Nga.
Ông Nikolai Kovalyov, cựu lãnh đạo an ninh và cũng là một nhà lập pháp Nga, nói với truyền thông nhà nước rằng vụ giết người có thể có là do tranh chấp trong công việc làm ăn. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Chỉ trích TT Trump, bị áp lực, nữ dân biểu Cộng Hòa ở Hawaii bỏ đảng
Một nhà lập pháp ở Hawaii cho hay bị áp lực phải từ bỏ vai trò lãnh đạo tại Hạ Viện tiểu bang này sau khi lên tiếng chỉ trích Tổng Thống Donald Trump, hôm Thứ Tư loan báo quyết định rút ra khỏi đảng Cộng Hòa.
Nữ dân biểu Beth Fukumoto nói rằng các thành viên phía Cộng Hòa tại quốc hội tiểu bang từ chối không chống lại các vấn đề kỳ thị chủng tộc và giới tính, kể cả một đề nghị của ông Trump trong thời gian tranh cử là thành lập sổ ghi danh người theo Hồi Giáo.
“Là một người Mỹ gốc Nhật từng có ông bà của mình phải tiêu hủy mọi món đồ vật Nhật cổ truyền và chôn dấu sau vườn nhà để tránh không bị bắt và đem đi nhốt vào trại, làm sao tôi không thể không lên tiếng?” bà Fukumoto nói. “Và tại sao đảng của tôi lại không lên tiếng?”
Bà Fukumoto bị các đồng viện trong đảng bỏ phiếu loại ra khỏi chức vụ Trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện hồi Tháng Hai vì khi đọc bài diễn văn trong cuộc tuần hành của phụ nữ ở Honolulu hồi Tháng Ba, bà gọi ông Trump là kẻ bắt nạt .
Bà Fukumoto nói rằng nhiều lời phát biểu của Tổng Thống Trump có tính cách kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính và không có chỗ đứng trong đảng Cộng Hòa.
Bà kêu gọi cử tri trong khu vực của mình cho biết ý kiến về việc có nên ra khỏi đảng Cộng Hòa hay không và có khoảng hơn 3/4 trong số hơn 470 thư gửi về ủng hộ quyết định của bà.
Chủ tịch đảng bộ Cộng Hòa tại Hawaii, ông Fritz Rohlfing, nói rằng Fukumoto nên từ chức và để một thành viên Cộng Hòa khác thế chỗ, cho hay đảng có chủ trương đón nhận tất cả mọi người.
Với sự ra đi của bà Fukumoto, Hawaii nay chỉ còn năm dân biểu tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa và không có ai ở Thượng Viện. - nguoiviet
|
|
8.
Trợ lý của Trump 'ngẫu nhiên bị theo dõi' sau bầu cử --- Mỹ: Bối rối trong ủy ban điều tra Quốc Hội về sự can thiệp của Nga
Những trao đổi thông tin hậu bầu cử của nhóm chuyển giao của ông Donald Trump đã bị các cơ quan tình báo "thu thập ngẫu nhiên", một nghị sĩ đảng Cộng hòa cho hay.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes cho biết các cá nhân này bị nêu tên trong các báo cáo "phổ biến rộng rãi", và ông nói điều này là "hoàn toàn không thích hợp".
Ông Nunes cho biết thông tin này không hậu thuẫn cho cáo buộc của ông Trump rằng ông Barack Obama đã ra lệnh nghe lén tháp Trump trước ngày bỏ phiếu.
Ông Nunes cũng nhấn mạnh rằng các thông tin thu thập được không liên quan đến cuộc điều tra của FBI về liên hệ giữa nhóm chuyển giao của ông Trump và giới chức Nga trong chiến dịch tranh cử.
Tuyên bố của ông Nunes gây tranh cãi, Adam Schiff, quan chức đảng Dân chủ cao cấp nhất của Ủy ban Tình báo Hạ viện, chỉ trích ông Nunes đã không tham khảo ý kiến của ủy ban trước khi công bố.
"Đây không phải là cách quý vị tiến hành một cuộc điều tra, quý vị không thể dùng thông tin mà Ủy ban không được biết để nói miệng với báo giới và Nhà Trắng trước khi Ủy ban xem xét vấn đề," ông nói.
'Nhiều cách diễn giải'
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ, phân tích:
"Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi những người nước ngoài nằm trong diện bị tình nghi, vì vậy nếu một thành viên của nhóm chuyển giao Trump - hoặc chính ông - liên lạc với một người đang bị giám sát, thì những trao đổi này sẽ bị ghi âm.
Điều đó tạo nên "việc theo dõi ngẫu nhiên và hợp pháp" như lời ông Devin Nunes mô tả trong cuộc họp báo chiều 22/3. Tuy nhiên, khái niệm này có nhiều cách diễn giải.
Những người ủng hộ ông Trump nói rằng "sự tiết lộ này" theo lời của Thư ký báo chí Sean Spicer, là bằng chứng cho thấy tổng thống đã nghi ngờ chính xác việc những trao đổi của ông bị nghe trộm.
Họ cũng có thể đặt câu hỏi về việc ai "phơi bày" tên tuổi của các cố vấn của Trump, trong khi nguyên tắc là tránh tiết lộ thông tin của công dân Hoa Kỳ liên lạc với những ngoài nước ngoài đang bị theo dõi.
Trong khi đó, những người chỉ trích ông Trump đương nhiên sẽ đặt vấn đề về việc êkip của ông Trump trao đổi những gì với những cá nhân đang bị tình báo Hoa Kỳ theo dõi.
Các thông tin trao đổi có được phép, và các chủ đề trao đổi là gì?
Chính việc nghe lén tình báo như vậy đã phát giác cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn nói dối về bản chất của các cuộc điện đàm với Đại sứ Nga Sergey Kislyak.
Hiện chưa biết câu chuyện này sẽ có những diễn tiến nào tiếp theo." - BBC
***
Một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong nội bộ Ủy ban điều tra của Quốc Hội Mỹ về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Dân biểu Cộng Hòa đứng đầu Ủy ban đã tiết lộ cho tổng thống Donald Trump một số nội dung của cuộc điều tra, cho biết rằng tên ông Trump do sơ xuất đã được nêu ra khi cơ quan tình báo đặt thiết bị nghe lén. Vụ việc rất khó hiểu. Còn phe Dân Chủ hiện đang phẫn nộ.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio giải thích :
«Ủy ban điều tra của Quốc Hội về việc liệu Nga can thiệp hay không vào chiến dịch bầu của tổng thống có thể « đứt gánh giữa đường ». Dân biểu đảng Cộng Hòa phụ trách cuộc điều tra đã tiết lộ với báo chí, rồi sau đó là với đích thân tổng thống Donald Trump rằng một số cuộc nói chuyện ở tòa tháp Trump có thể đã bị các nhà điều tra nghe lén. Nhân vật này nói rằng việc đặt máy nghe lén được tư pháp cho phép, và không nhắm vào tổng thống tân cử Donald Trump khi đó vẫn chưa chính thức nhậm chức.
Donald Trump, vốn tin rằng ông bị nghe trộm, ngay lập tức đã phản ứng và nói rằng những tiết lộ trên củng cố nghi ngờ của ông. Phó chủ tịch ủy ban điều tra, dân biểu Adam Schiff của đảng Dân Chủ, rất phẫn nộ, đặc biệt vì cách cư xử của dân biểu Cộng Hòa. Adam Schiff phát biểu : « Chủ tịch ủy ban điều tra phải quyết định ông ấy là chủ tịch một ủy ban độc lập đang điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa Nga và ban vận động tranh cử của Donald Trump hay ông ấy đại diện cho Nhà Trắng. Vì ông ấy không thể đảm nhiệm cùng lúc hai chức vụ này. »
Dân biểu Adam Schiff còn tiến xa hơn nữa khi cho rằng chủ tịch ủy ban điều tra và tổng thống Donald Trump làm vậy là để đánh lạc hướng dư luận, vào lúc mà báo chí đang có nhiều tiết lộ bất lợi liên quan đến ông Paul Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của Donald Trump. Theo nhiều tài liệu của Ukraina, ông Paul Manafort đã nhận nhiều triệu đô la để làm những việc có lợi cho nước Nga ».
Vẫn liên quan đến Hoa Kỳ, hôm nay, Hạ Viện bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách hệ thống y tế của chính quyền Trump, thay thế luật bảo hiểm Obamacare. Nhưng dự luật này đang gây chia rẽ trong nội bộ phe Cộng Hòa. Một số dân biểu Cộng Hòa bảo thủ cho rằng văn bản mới không khác nhiều so với luật Obamacare, trong khi những dân biểu Cộng Hòa ôn hòa hơn thì lại lo ngại là luật mới sẽ khiến nhiều người Mỹ không có bảo hiểm y tế.
Theo một báo cáo mới đây của phòng Ngân Sách Quốc Hội Mỹ, nếu được thông qua, luật bảo hiểm sức khỏe mới của chính quyền Donald Trump khiến 14 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế ngay trong năm 2018. Chỉ còn vài tiếng nữa là tới giờ Hạ Viện bỏ phiếu nhưng Nhà Trắng vẫn chưa chắc chắn sẽ giành được 216 phiếu thuận, số phiếu bắt buộc để dự luật được thông qua. - RFI
|
|
9.
Lính đánh thuê Nga tham chiến tại Syria
Đàm phán hòa bình cho Syria hôm nay 23/3/2017 được nối lại tại Geneve, Thụy Sĩ, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, với sự tham gia của đại diện các bên tham chiến, sau bốn cuộc đàm phán thất bại trong năm 2016. Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, cuộc thương lượng khó có khả năng tìm được một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài từ 6 năm qua.
Chế độ Damas lần này trở lại bàn đàm phán trong thế mạnh kể từ khi Nga quyết định can thiệp quân sự hồi cuối năm 2015, cho phép quân đội Syria thu nhiều thắng lợi trước quân nổi dậy và quân thánh chiến, đặc biệt trong việc tái chiếm đông Aleppo.
Về phía phe đối lập, căng thẳng trong nội bộ cũng lộ rõ, vào lúc mà sự hỗ trợ chủ đạo từ phía Mỹ cũng đang giảm dần kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, tại Nga, một cuộc điều tra của giới báo chí độc lập đã tìm được nhiều chứng cứ và danh tánh của những người Nga tử trận ở Syria. Trong số này, có những người lính đánh thuê ký hợp đồng với những công ty tư nhân và tham gia các trận đánh.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Muriel Pomponne, cho biết thêm chi tiết :
« Báo RBK và những ký giả độc lập của nhóm blogger Conflict Intelligence Team đã thu thập và phân tích dữ liệu các trận đánh ở Syria và vùng Donbass. Theo điều tra của họ, có ít nhất 9 chiến binh Nga chết tại Syria kể từ đầu năm nay, trong đó 6 người thuộc công ty quân sự tư nhân có tên là Wagner. Những người này đã từng chiến đấu ở vùng Donbass ở Ukraina, và một số tại Tchetchenia.
Hãng tin Reuters nói đến 18 công dân Nga chết ở Syria từ cuối tháng Giêng, một thời điểm trùng hợp với với các trận đánh tái chiếm thành phố cổ Palmyra. Phần đông trong số người tử trận nói trên dường như là những quân nhân ký hợp đồng với các công ty tư nhân, điều bị cấm trong luật pháp Nga.
Nhà sáng lập Conflict Intelligence Team, Ruslan Leviev, giải thích là ông làm việc dựa trên những nguồn thông tin mở, nhất là xem xét trên các mạng xã hội. Theo ông, thi hài những chiến binh tử trận được trao trả cho gia đình trong những quan tài có niêm phong. Gia đình những người này đôi khi nhận được bồi thường tài chính.
Công ty Wagner dường như đã gởi 500 chiến binh đến Syria, nhưng một số nguồn tin khác nói đến 1.500 người, đi trong hai đợt đến vùng Palmyra. Và nếu những toán đầu tiên là những người dưới 35 tuổi thì mấy nhóm sau bao gồm những người trên 50. »
Tại thực địa, theo xác nhận của Đài Quan Sát Nhân Quyền tại Syria, trong vòng 48 giờ qua, các trận không kích của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu ở phía bắc Syria đã làm thiệt mạng 40 thường dân, trong một chiến dịch chống quân thánh chiến. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
10.
Chín án tử hình trong một phiên tòa
Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa xử 23 bị cáo tội vận chuyển mua bán trái phép gần 500kg ma túy từ Lào, chín người lĩnh án tử hình, chín người khác tù chung thân.
Báo trong nước cho hay phiên tòa kéo dài hơn ba tuần từ 27/2 mới kết thúc chiều 21/3 cho thấy quy mô và tính chất phức tạp của vụ án.
Theo cáo trạng, 23 bị cáo phạm tội mua bán trái phép 1.415 bánh heroin và các tội khác là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, không tố giác tội phạm.
Tổng cộng trọng lượng 1.415 bánh heroin là vào khoảng 495kg.
Chín người bị án tử hình là Trần Đức Duy, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thành Nam, Lương Xuân Vững, Chu Văn Hậu, Phạm Văn Mạnh, Lý Tiến Đông và Triệu Văn Duy.
Hai ông Lý Tiến Đông và Triệu Văn Duy trước đó đã bị tòa Hà Nội cũng tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Hai bị cáo Trần Đức Duy và Nguyễn Văn Hùng còn bị 2 và 3 năm tù giam về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Quá trình điều tra bắt đầu từ tháng 1/2015, xác định từ năm 2012 đến đầu năm 2015, các bị can trong vụ án đã hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Lào, vận chuyển qua Việt Nam sang Trung Quốc.
Băng đảng này được nói đã "thu lời bất chính hơn 13 tỷ đồng và 708.000 Nhân dân tệ", tương đương khoảng 720.000 đôla Mỹ. - BBC
|
|
11.
Việt Nam lặp lại lời mời Tổng thống Trump sang thăm
Lời mời thăm Việt Nam của lãnh đạo Hà Nội vừa được thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc chuyển đến tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong chuyến làm việc tại Mỹ từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 3.
Tin cho biết ông thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc của Việt Nam lần này đến Hoa Kỳ đã gặp quyền phó ngoại trưởng Thomas Shannon; trợ lý của tổng thống, phó giám đốc cao cấp phụ trách Châu Á, Hội đồng An ninh Quốc gia Matthew Pottinger; quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Susan Thornton; trợ lý đặc biệt của tổng thống về thương mại quốc tế, Hội đồng An ninh Quốc gia Andrew Quinn; quyền trợ lý Bộ trưởng quốc phòng David Helvey; phó trợ lý bộ trưởng Thương mại Diane Farrell; nhóm trợ lý Ủy ban Đối ngoại Quốc hội…
Trong các cuộc gặp, ông Hà Kim Ngọc chuyển lời của lãnh đạo Hà Nội mời tổng thống Donald Trump sang thăm Việt Nam.
Tin cho biết thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 12 năm ngoái có gọi điện chúc mừng ông Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ và nhân dịp đó mời ông Trump sang thăm Việt Nam, cũng như dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế Á châu - Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối năm 2017. - RFA
|
|
12.
Singapore-Việt Nam ký 6 văn kiện hợp tác
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23 tháng 3 có những cuộc gặp với thủ tướng và chủ tịch nước Việt Nam trong chuyến công du chính thức đến Hà Nội lần này.
Tin cho biết trong cuộc hội đàm với thủ tướng nước chủ nhà, thủ tướng Singapore khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chia sẻ kinh nghiệm về an ninh hàng hải và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đối với tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông, hai phía đồng ý với quan điểm xây dựng khu vực hòa bình, hữu nghị, tuân thủ hợp tác quốc tế, tôn trọng tự do hàng không, hàng hải…
Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore nhấn mạnh các bên liên quan cần phải hợp tác nhằm thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông - DoC, và tham gia, tiến đến đạt cho được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông - CoC.
Trong chuyến công du lần này của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Việt Nam, hai phía ký kết 6 văn kiện hợp tác. - RFA
|
|
13.
Việt Nam áp thuế phá giá lên thép chữ H Trung Quốc
Bộ Công thương Việt Nam vừa ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc nhập sang Việt Nam.
Theo quyết định mới ban hành thì biện pháp chống bán phá giá đối với những sản phẩm vừa nêu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5 tháng tư tới đây; tức 15 ngày sau khi ban hành quyết định. Biện pháp này được áp dụng trong 120 ngày, cho đến hết ngày 2 tháng 8 năm nay.
Bộ Công thương Việt Nam cho biết lượng hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra vào Việt Nam với biên độ phá giá từ hơn 21% đến hơn 33%.
Bộ này cho rằng nếu chậm áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời như vừa nêu sẽ tác động đáng kể đến sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; càng để lâu càng khó khắc phục.
Vào đầu tháng 10 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm cả Hong Kong.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong nước hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất thép hình, trong đó có Công ty TNHH Posco Vina là nhà sản xuất duy nhất thép hình chữ H tại Việt Nam. - RFA
|
|
14.
Đoàn Thị Hương bị người BTT chiêu mộ cho thấy lỗ hổng an ninh Việt Nam?
Báo chí nước ngoài hôm 22/3 đăng các bản tin chi tiết nói rằng con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam đã chiêu mộ Đoàn Thị Hương cho vụ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ bị ruồng bỏ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Sau khi tin này xuất hiện, báo chí Việt Nam dè dặt đưa một vài tin ngắn nói nghi can đã lôi kéo Hương vào vụ này là “người Triều Tiên” sống nhiều năm ở Việt Nam, nhưng không đề cập đến chi tiết người đàn ông đó là con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam.
Riêng trang tin của Zing đăng một bài với tít “Nghi phạm lôi kéo Đoàn Thị Hương là con trai cựu đại sứ Triều Tiên?” nhưng bản tin này đã nhanh chóng bị rút xuống, thay thế bằng bài khác có tít “Đoàn Thị Hương được dụ tới Malaysia để sắp xếp kết hôn?”
Nội dung bài thay thế của Zing - cũng như các báo khác của Việt Nam - chỉ nói nghi can “người Triều Tiên” Ri Ji Hyon, 33 tuổi, là người nói thạo tiếng Việt.
Theo mô tả trên báo chí nước ngoài, nghi can Ri Ji-hyon là con trai của ông Ri Hong, đại sứ Bắc Triều Tiên ở Hà Nội vào đầu những năm 2000.
Ri Ji-hyon được cho là đã sống tại Việt Nam tổng cộng khoảng 10 năm. Vào tháng 11/2009, Ri làm việc khoảng 1 năm tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Việt Nam với tư cách là một nhà ngoại giao tập sự. Bên cạnh đó, Ri còn làm phiên dịch.
Tờ Yonhap của Hàn Quốc nói với vốn tiếng Việt lưu loát, Ri đã thuyết phục Đoàn Thị Hương tham gia vào vụ việc mà cuối cùng đã dẫn đến cái chết của ông Kim Jong Nam ở Malaysia.
Cô Hương và một cô gái Indonesia bị tố cáo đã bôi chất độc VX lên mặt ông Kim Jong Nam hồi giữa tháng 2, giết ông gần như lâp tức. Sau khi bị cảnh sát nước sở tại bắt, cô Hương một mực khẳng định cô thực sự không biết mình tham giamột vụ ám sát mà nghĩ điều cô làm là một phần của một trò chơi truyền hình thực tế.
Sự việc Đoàn Thị Hương bị chiêu mộ cho một vụ việc gây chấn động thế giới làm nhiều người đặt câu hỏi phải chăng giới an ninh Việt Nam có sơ hở trong công tác theo dõi, ngăn chặn các hoạt động bất minh của người nước ngoài nói chung, của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên nói riêng.
Một sĩ quan công an ở cấp thừa hành đề nghị không nêu tên xác nhận với VOA rằng ngành an ninh Việt Nam “có theo dõi” các nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng cũng như bất cứ nước nào khác, việc theo dõi này “không thể 100% được”. VOA không tiếp cận được với các quan chức cấp cao của Bộ Công an để hỏi về vấn đề này.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với giới thực thi pháp luật của Việt Nam, chia sẻ với VOA những hiểu biết của ông về vấn đề này:
“Các cơ quan phản gián hay an ninh ở Việt Nam cũng có thể cùng lắm họ khoanh vùng một số người họ cho rằng có tiềm năng liên quan đến an ninh Việt Nam. Con trai của ông đại sứ cũng khó có thể được coi là một người có tiềm năng liên quan đến an ninh. Để gọi là kiểm soát toàn bộ hành vi cũng như quan hệ, theo tôi là bất khả thi. Nên là trong những trường hợp như thế này, cơ quan an ninh Việt Nam tôi nghĩ họ cũng khó có thể biết hết được. Đặc biệt, cho đến giờ phút này, ít nhất cho đến vụ ám sát ông Kim Jong Nam, Việt Nam chưa coi Bắc Triều Tiên là mối đe dọa hoặc ảnh hưởng an ninh nhà nước Việt Nam. Tất nhiên tôi nghĩ sau vụ này, cơ quan an ninh Việt Nam cũng phải thận trọng hơn với các quan hệ của những người Bắc Triều Tiên ở Việt Nam”.
Trong khi một số người quan tâm đến bài học cảnh giác ở cấp độ quốc gia, có đông người hơn nhìn vào vụ Đoàn Thị Hương để lấy đó làm bài học ở tầm mức cá nhân.
Cô Hương được xem là một người mà cuộc sống có nhiều nghịch lý. Xuất thân từ một vùng quê ở tỉnh Nam Định, cô đi học, làm việc ở Hà Nội, nhiều nơi khác của Việt Nam cũng như nước ngoài, tham gia một số cuộc thi ồn ào với hy vọng đổi đời.
Nhưng ngược lại, cô không chia sẻ nhiều thông tin với gia đình mà như lời bố cô, ông Đoàn Văn Thạnh, nói rằng 10 năm qua ông “không biết” con “làm gì, ở đâu”. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp cũ của cô ở Hà Nội nói cô là người “sống khép kín”.
Nhiều người cho rằng lối sống dường như thiếu vắng sự tham vấn, thiếu vắng việc tìm kiếm hay lắng nghe những lời khuyên nhủ như vậy có thể là một trong những nguyên nhân đã đẩy Hương vào bi kịch.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nhận xét với VOA sự việc của Hương là “đáng tiếc” song cũng không phải dễ để người ngoài cuộc đưa ra lời khuyên. Bà nói:
“Các cô vì là họ trẻ nên họ thiếu kinh nghiệm. Nhất là những cô gái ở vùng nông thôn, ít tiếp xúc thì lại càng thiếu kinh nghiệm, làm sao có thể tránh những cạm bẫy, lừa lọc. Thời buổi bây giờ khi mà điều kiện để tiếp xúc, để gặp gỡ người này người khác mở ra rất là nhiều, cho nên là các cô gái cũng phải rất là thận trọng trong việc suy xét xem là những hành động này nó mang lại cho mình cái gì. Các bạn trẻ, nhất là các bạn gái, phải hết sức thận trọng trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài, vì thực sự là người tốt vẫn rất là nhiều, nhưng mà cũng có những người người ta lợi dụng để làm những chuyện rất là nguy hiểm như câu chuyện của Đoàn Thi Hương”.
Theo Kyodo News, một đồng nghiệp cũ của Hương ở Hà Nội cho biết Hương đã nói rằng cô đến Malaysia để sắp xếp việc kết hôn với người bạn trai mà cô tưởng là người Hàn Quốc.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia đã ra tòa ở Kuala Lumpur để nghe cáo trạng hồi đầu tháng này. Phiên tòa tiếp theo của hai cô dự kiến diễn ra vào ngày 13/4. - VOA
|
|
15.
Tướng CSVN: ‘Biển từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá’
“Trước đây biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều”.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội CSVN Phạm Ngọc Minh được báo Dân Trí dẫn lời nêu thực trạng của nguồn lợi hải sản Việt Nam không còn nữa trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cho ý kiến lần đầu” ngày 21 Tháng Ba 2017 về sửa đổi “Dự án Luật Thủy Sản”.
Ông Minh không nói ra một trong những nguyên nhân gần và khủng khiếp dẫn đến tình trạng đó sau biến cố công ty Formosa xả chất thải độc hại ra biển hồi Tháng Tư năm ngoái. Để đối phó với tình trạng cạn kiện thủy sản, ông đề nghị Việt Nam bắt chước Trung Quốc cấm khai thác hải sản vào mùa tôm cá sinh sản.
Cho tới nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối mỗi khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông từ giữa Tháng 5 đến đầu Tháng 8 hàng năm, lấy cớ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam sợ bị bắt đã không dám tới các vùng biển bị Trung Quốc cấm đoán dù những khu vực này Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Lời phát biểu của ông tướng Phạm Ngọc Minh diễn ra ở Hà Nội thì cùng ngày, hàng trăm ngư dân xã Kỳ Nam thuộc Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng nhưng đã bị lực lượng công an, cán bộ địa phương ra tay đánh đập, đàn áp.
Theo bản tin của tổ chức thông tin độc lập ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’ (GnsP) tường thuật diễn biến này cho biết “ Bà con ngư dân không tấc sắt trong tay đã mang một vài ngư cụ như: thuyền thúng, lưới giăng cá… ra trước Ủy ban Nhân dân với thông điệp: Nhà nước ở đâu khi cuộc sống ngư dân rơi vào bế tắc? Ai chịu trách nhiệm cho tương lai của ngư dân khi mất ngư trường?…”
GNsP dẫn lời một người dân xã Kỳ Nam tham gia biểu tình nói: “Chúng tôi không thể nhịn mãi được, vì sao mấy ông cán bộ xã và một số người thân tín không làm nghề biển thì lại được bồi thường còn chúng tôi thì lại không nhận được đồng nào. Họ [cán bộ] thích cho ai được tiền bồi thường là họ cho. Cả năm nay chúng tôi không có cá buôn bán, không có tiền sống thì chẳng ai quan tâm. Có ông thì cứ nhận tiền lót túi”.
Theo GNsP, xã Kỳ Nam thuộc Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cách Đông Yên mới khoảng 2km, là một trong những nơi chịu nhiều thảm họa môi sinh do Formosa xả thải. Tuy nhiên, nhà cầm quyền không quan tâm, lo lắng cho đời sống của bà con ngư dân khiến cuộc sống họ rơi vào bế tắc, bần cùng, nghèo đói, thất nghiệp.
Năm ngoái, sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, dân nhiều xã của huyện Kỳ Anh đã biểu tình hàng ngàn người đòi nhà cầm quyền bồi thường thiệt hại. Ngày 14 Thán Hai 2017, hàng trăm giáo dân đi bộ từ Nghệ An tới thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại nhưng đã bị nhà cầm quyền chận lại, đàn áp đánh đổ máu một số người.
Cuối tháng Chín 2016, hàng trăm giáo dân thuộc Giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An và những nạn nhân trực tiếp của thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra, tới Toà án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nộp đơn khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại và nhà cầm quyền công khai minh bạch về vụ việc. Đơn khởi kiện đã bị bác bỏ mà một số luật gia trong nước nói trái với luật lệ hình sự tố tụng.
Cũng trong ngày 21 Tháng Ba 2017, theo tin của GNsP trong một bản tin khác, cơ quan cảnh sát điều tra Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã “ra quyết định “khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ Luật Hình Sự đối với giáo dân giáo xứ Dũ Yên thuộc giáo phận Vinh, khi bà con xuống đường phản đối Formosa và đòi lại các quyền lợi chính đáng của họ vào ngày 05/03/2017” vừa qua.
Giáo dân thuộc giáo xứ Dũ Yên thuộc phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những nơi chịu nhiều ảnh hưởng sau vụ thảm họa Formosa hủy diệt môi sinh. Phần lớn giáo dân của giáo xứ này sống nhờ bám biển và làm muối.
Trong khi nhà cầm quyền CSVN từ trung ương đến địa phương loay hoay tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng, người dân chỉ còn cách bầy tỏ sự phẫn nộ, khi sinh kế bị tước đoạt , qua các cuộc biểu tình và bị đàn áp. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment