Saturday, January 28, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 28/1

CUNG CHÚC TÂN XUÂN

Tin Thế Giới

1.
Đón Tết Âm lịch tại một số nước Á Châu

Nhiều dân tộc tại vùng Thái Bình Dương hôm nay ăn mừng ngày đầu năm Âm lịch- Tết Đinh Dậu 2017.

Tại Việt Nam, sau giao thừa, hàng trăm người dân ở thủ đô Hà nội đổ về chùa Quán Sứ để cầu nguyện cho năm mới nhiều may mắn. Trang mạng Vietnamnet tường thuật Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều quan chức đã đến thăm, chúc Tết lực lượng công an thành phố kể cả Cảnh sát Giao Thông Hà nội.

Ở miền Nam, dân Sài gòn kéo nhau đến phố đi bộ để chiêm ngưỡng dường hoa Tết Đinh Dậu. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dự cơm tất niên với các công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.

Tại Trung Quốc, hàng ngàn người tụ tập tại các đền chùa để thắp hương cầu nguyện những điều may mắn và sức khoẻ cho mình và cho người thân.

Một số cư dân Bắc Kinh du hành tới Công viên Bát Phật để gõ vào một chiếc chuông đã có từ triều đại nhà Minh cách đây 200 năm về trước từ đầu thể kỷ 14.

Tại Đài Loan, người dân cầu nguyện cho may mắn và tài lộc ở chùa Long Sơn.

Hàng trăm người Indonesia gốc Hoa thì kéo nhau đến lễ tại đền Hok Tek Tjeng Sin để cầu nguyện trong ngày đầu năm Âm lịch.

Tết Nguyên Đán năm nay đánh dấu năm Đinh Dậu, được nhiều người Hoa tin là một năm thuận lợi để đạt thành công và thắng lợi.

Ngoài Châu Á, cộng đồng người Hoa ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil bên Nam Mỹ cũng mừng Tết Âm lịch với những buổi trình diễn ca nhạc. Đây là lần đầu tiên Tết Âm lịch được ăn mừng như một sự kiện công cộng ở Brazil. Để đánh dấu sự kiện này đỉnh Núi Corcovado và Tượng Chúa Giêsu Cứu thế thắp sáng với màu đỏ.

Ở Hàn Quốc, Tết âm lịch là một thời điểm để tưởng nhớ đến những thân nhân đã bị cách ly với gia đình từ nhiều thập niên về trước. Theo truyền thống người con trai trưởng trong gia đình sẽ thắp hương dâng bánh, trái cây và cá lên bàn thờ những người đã khuất.

Bên giòng sông Imjin đông giá, tại buổi lễ đón năm mới, nhiều người đàn ông luống tuổi ra về, mắt lưng tròng vì thương nhớ những người thân đã xa cách khi bán đảo Triều Tiên chia đôi. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc ‘điều tên lửa hạt nhân dọa Mỹ’

Trung Quốc đã đưa tên lửa tầm xa đến biên giới Nga nơi có thể bắn tới Hoa Kỳ.

Bước đi này dường như là để phản ứng lại "động thái gây hấn" của Tổng thống Donald Trump.

Bài trên báo Anh Independent dẫn nguồn chưa được xác nhận nói các tên lửa có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân và bay tới 8.700 dặm được chuyển tới tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc.

Hoàn cầu Thời báo bản phiên bản tiếng Anh đăng bài xã luận kêu gọi Bắc Kinh tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình để "ép" Mỹ tôn trọng Trung Quốc trong bối cảnh tân Tổng thống Hoa Kỳ có các thông điệp cứng rắn.

Hoàn cầu Thời báo vào tuần này cũng kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình.

Bài xã luận cho biết: "Trước khi ông Trump lên nắm quyền, nhóm của ông đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, và Bắc Kinh sẵn sàng trước các áp lực của Chính phủ mới của Hoa Kỳ."

Nền tảng an ninh

Bài báo nói thêm: "Trung Quốc có nhiệm vụ nặng nề trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Đòn răn đe hạt nhân là nền tảng của an ninh quốc gia của Trung Quốc, và phải được củng cố với các rủi ro chiến lược đang gia tăng."

Bài báo nói một cuộc đụng độ quân sự với Hoa Kỳ là "điều cuối cùng mà Trung Quốc muốn", nhưng vũ khí hạt nhân phải là nền tảng trong hệ thống vũ khí răn đe của Bắc Kinh.

Lời kêu gọi trong bài báo trái ngược hoàn toàn với một bài diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Liên Hợp Quốc chỉ vài ngày trước đó, khi ông kêu gọi vũ khí hạt nhân phải "bị cấm và bị phá hủy dần dần".

Mạng xã hội Trung Quốc đưa hình ảnh mà họ mô tả là hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến liên lục địa, Dongfeng-41 ở phía đông bắc Trung Quốc.

Hoàn cầu Thời báo tỏ ý rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể đã tung hình ảnh ra trên mạng xã hội nhằm cảnh báo ông Trump. - BBC
|
|

3.
Thủ tướng Anh khẳng định thuyết phục được Trump ủng hộ NATO --- Ngoại Trưởng Anh ra dấu có thể chấp nhận để TT Assad của Syria duy trì quyền lực

Thủ tướng Anh Theresa May đã được tân tổng thống Mỹ tiếp đón trọng thể hôm qua, 27/01/2017. Đây là lần đầu tiên Donald Trump tiếp một lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức. Theo thủ tướng Anh, thành công rõ rệt nhất của cuộc hội kiến này là ông Trump chấp nhận ủng hộ triệt để khối NATO, ngược hẳn với thái độ liên tục chỉ trích lâu nay.

Báo Le Figaro dẫn lời thủ tướng Anh, “Thưa tổng thống, nếu tôi hiểu đúng, ông đã khẳng định là ông ủng hộ NATO 100%”. Có thể nói đây là một thay đổi hết sức bất ngờ, bởi vì chỉ mới cách đây một tuần, ông Trump còn cho khối NATO “đã lỗi thời”. Về phần mình, thủ tướng Anh hứa sẽ thuyết phục các nước châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng.

Nước Nga là chủ đề gây chia rẽ chủ yếu giữa hai bên. Tổng thống Mỹ nghiêng về dỡ bỏ trừng phạt, trong khi thủ tướng Anh muốn duy trì. Ông Trump tỏ ra rất thận trọng, và tuyên bố Hoa Kỳ mong muốn có quan hệ tốt với Nga, cũng như với Trung Quốc.

Trong cuộc hội kiến này, lãnh đạo Anh-Mỹ dành nhiều thời gian cho việc bàn về quan hệ song phương hậu-Brexit. Donald Trump một lần nữa ca ngợi quyết định Brexit là “điều tuyệt vời”, cho phép người Anh “có được sự độc lập và bảo vệ được chủ quyền”.

Luân Đôn muốn nhanh chóng khởi sự đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, nhưng khả năng hành động của Anh là giới hạn, một khi chưa khởi sự chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles đã cảnh báo, Anh chỉ có thể “thảo luận” về thỏa thuận thương mại tự do với một nước khác, nhưng không có quyền “thương thuyết” một khi vẫn còn là thành viên của Liên Âu.

Hôm nay, ông Trump sẽ có các cuộc điện đàm với tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Reuters, không rõ là tổng thống Mỹ có kế hoạch nêu vấn đề dỡ bỏ trừng phạt Nga với thủ tướng Đức hay không. - RFI

***
Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson nói ông Bashar al-Assad nên được có cơ hội giành thêm một nhiệm kỳ Tổng Thống ở Syria, nếu đạt được một thoả thuận để chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm tại nước này.

Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây từ lâu nhất mực đòi ông Assad phải từ bỏ quyền lực ở Syria, như một điều kiện tiên quyết của bất cứ thoả thuận hoà bình nào.

Những phát biểu mới nhất của Ngoại Trưởng Anh có thể là dấu hiệu về một sự thay đổi lớn trong chính sách của một trong những đối tác chủ yếu của Washington.

Cả Thủ Tướng Anh Theresa May lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đề cập tới Syria trong cuộc họp báo chung tại Toà Bạch Ốc hôm thứ Sáu. Ông Johnson không tháp tùng nhà lãnh đạo chính phủ Anh trong chuyến công du Mỹ, nhưng ông đã thảo luận về tình hình Syria với các thành viên quốc hội Anh ở London.

Ông nói giai đoạn chuyển tiếp quyền lực tại Washington sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống nên là thời điểm để khuyến khích tất cả các bên liên can trong cuộc xung đột ở Syria hãy tái xét vị thế của mình. Lưu ý về cuộc điện đàm dự kiến giữa Tổng thống Mỹ và Tổng Thống Nga trong ngày hôm nay, ông Johnson thừa nhận rằng hướng tiếp cận mới này đối với Syria có thể có những điểm tiêu cực.

Phát biểu tại Viện quý tộc, tức Thượng viện Anh, ông Johnson nói thế giới phải có thái độ thực tiễn về những thay đổi trên chính trường thế giới, và nên có một lối suy nghĩ mới về cách giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Ông nói:

“Theo quan điểm của chúng tôi, ông Bashar al Assad nên ra đi. Đó là lập trường của chúng tôi từ bấy lâu nay. Nhưng chúng tôi vẫn để ngỏ cách thức chuyện ấy xảy ra như thế nào và theo thời biểu nào." - VOA
|
|

4.
Thượng đỉnh nhóm Châu Âu-Địa Trung Hải EUMED lần II

Tại Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha, hôm nay, 28/01/2017 mở ra cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai của các quốc gia Nam Âu trong khối EUMED, bao gồm Ý, Hy Lạp, Chypre, Malta, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp. Hội nghị được tổ chức ngoài dự đoán của nhiều người.

Thông tín viên RFI tại Lisboa, Marie–Line Darcy, nêu lên bối cảnh và mục tiêu cuộc họp :

"Nhiều người đã tiên đoán sẽ không có một thượng đỉnh thứ hai của nhóm quốc gia Nam Âu sau cuộc gặp ở Athens năm 2016. Nhưng rốt cuộc, hội nghị lại được tiến hành, và còn được tăng cường vì lần này có cả sự hiện diện của thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. 7 quốc gia khối EUMED không tìm kiếm sự chia rẽ, mà ngược lại, mục tiêu là tiến đến một Châu Âu công bằng và liên đới hơn.

Bị khủng hoảng kinh tế với bao nhiêu kế hoạch cứu vãn dầy vò, Hy Lạp và Bồ Đào Nha rất tha thiết với một Châu Âu đổi mới. Nước Pháp, vốn từng là khách mời bất ngờ của cuộc gặp EUMED đầu tiên, tiếp tục đóng vai trò trung gian giữa vùng Địa Trung Hải và nước Đức của bà Merkel.

Ai cũng biết là tổng thống Pháp François Hollande không chỉ muốn hiện diện một cách hình thức mà thôi, cho dù chỉ còn vài tháng nữa là ông hết nhiệm kỳ. Cho nên hội nghị Lisboa sẽ thảo luận trên tất cả các vấn đề, không chỉ tăng trưởng kinh tế, đầu tư và hội tụ, mà cả an ninh và nhập cư, những vấn đề khó khăn, trong lúc mà Châu Âu yếu đi với sự tách rời của Anh, và chính phủ mới ở Mỹ.
Châu Âu như muốn tìm lối thoát qua ngã phía Nam, ba tháng trước hội nghị thượng đỉnh đánh dấu 60 năm Hiệp Định Roma khai sinh Liên Hiệp Châu Âu." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
TT Trump sẽ điện đàm với 5 lãnh đạo thế giới, kể cả TT Nga

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm nay, thứ Bảy 28/1 sẽ điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bắt đầu với Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đã gặp ông Trump ngay sau khi ông đắc cử.

Cuộc điện đàm diễn ra vài ngày sau khi ông Trump rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định thương mại tự do bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và 10 quốc gia ven Thái Bình Dương, bao trọn 40% kinh tế toàn cầu.

Ông Abe là một người mạnh mẽ ủng hộ TPP, như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo chương trình đã định, ông Trump sẽ thảo luận với Thủ Tướng Đức Angela Merkel ngay sau khi điện đàm với nhà lãnh đạo Nhật. Hồi năm ngoái, bà Merkel kêu gọi đồng bào Đức của bà hãy tỏ lòng trắc ẩn với những người tị nạn Syria và chấp nhận cho họ được nhập cư. Lời kêu gọi đó đã gặp phản ứng lẫn lộn. Hôm thứ Sáu, ông Trump ký sắc lệnh hành chính cấm cửa người tị nạn Syria vô hạn định.

Nhà lãnh đạo thứ 3 sẽ điện đàm với Tổng thống Trump là Tổng Thống Nga Vladimir Ông Putin.

Đây sẽ là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai ông kể từ khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hai ông Trump và Ông Putin đã tiếp xúc với nhau sau khi ông Trump bất ngờ dành được thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc. Hai lãnh đạo Nga-Mỹ đã cho biết là hai ông muốn “bình thường hoá” các quan hệ song phương.

Tình báo Mỹ đã báo cáo lên Tổng thống về những hoạt động của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để tăng cơ may thắng cử cho ông Trump. Ông Trump bác bỏ ý kiến cho rằng ông đã thắng cử nhờ sự tiếp tay của Moscow.

Tổng thống Trump sẽ kết thúc loạt điện đàm hôm nay với các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. - VOA
|
|

6.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm cửa người tỵ nạn Syria

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh hành chính nhằm tăng cường an ninh nội địa, kể cả lệnh nghiêm cấm bất cứ người tỵ nạn Syria nào được vào lãnh thổ Mỹ trong một thời gian vô hạn định.

Sắc lệnh ký hôm thứ Sáu 27/1 mang tên “Bảo vệ Quốc gia chống Khủng bố nhập cư vào Mỹ”, chỉ thị tạm ngưng cấp thị thực nhập cảnh và các quyền di trú khác cho công dân của “các nước đặc biệt đáng quan tâm.”

Vài giờ sau khi ông Trump ký ban hành sắc lệnh này, hai cơ quan Liên Hiệp Quốc hôm nay (thứ Bảy 28/1) đã ra thông cáo chung nói rằng:

“Nhu cầu của người tị nạn và di dân trên khắp thế giới chưa bao giờ cấp thiết như ngay tại thời điểm này, và chương trình tái định cư của Mỹ là một trong những chương trình định cư quan trọng nhất trên thế giới.”

Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Di Dân Quốc tế nói họ hy vọng Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo và truyền thống bảo vệ những nạn nhân phải chạy để tránh xung đột và áp bức”. Các cơ quan này nói họ tin tưởng mạnh mẽ rằng “người tị nạn phải được đối xử đồng đều, được bảo vệ và hỗ trợ, có cơ hội được đi định cư bất kể tôn giáo, quốc tịch, hoặc sắc tộc”.

Ông Trump ký sắc lệnh hôm 27/1 tại Ngũ Giác Đài, nơi ông dự lễ nhậm chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ngay sau khi lệnh được ban hành, những người chống đối đã tổ chức một cuộc biểu tình tại một công ốc chính của chính phủ liên bang ở New York.

Về nguyên do ban hành lệnh, văn kiện này đơn cử sự kiện 11 tháng 9, khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào hai thành phố New York và Washington do 19 người nước ngoài đã dễ dàng được cấp thị thực nhập cảnh Mỹ. Văn kiện này còn nêu lên những tội hình sự liên quan tới khủng bố đã xảy ra trong 15 năm qua bởi những người nước ngoài nhập cảnh Hoa Kỳ với visa ngắn hạn, như du lịch, sinh viên hay lao động ngắn hạn, hoặc người tị nạn đang xin định cư ở Hoa Kỳ.

Sắc lệnh không nêu đích danh những nước nào là “nước đặc biệt đáng quan tâm”, mặc dù lệnh cho phép Bộ An ninh Nội địa theo dõi các nước không cung cấp đủ thông tin về các công dân của họ. Các giới chức Toà Bạch Ốc hồi trong tuần ra dấu hiệu rằng Iran, Iraq, Syria, Sudan, Libya, Yemen và Somalia là các nước đầu tiên nằm trong danh sách “đáng quan tâm”, nhưng sắc lệnh lưu ý rằng các nước khác có thể được ghi tên vào danh sách vào bất cứ lúc nào.

Sắc lệnh cũng tạm đình chỉ các hoạt động của Chương trình Nhận Tị nạn của Mỹ trong 120 ngày, trong khi Ngoại Trưởng và các giới chức khác tái thẩm định các thủ tục “để bảo đảm chỉ có những người được chấp nhận là người tị nạn không đặt ra một mối đe doạ nào cho an ninh và nền an sinh của Hoa Kỳ.” Con số người tị nạn có thể được nhận vào Mỹ cũng bị giới hạn tối đa là 50,000 người trong năm tài chính 2017, kết thúc vào ngày 30/9 năm nay. - VOA
|
|

7.
Trump họp với bộ Quốc Phòng để thúc đẩy chiến dịch chống Daech

Hôm qua, 27/01/2017, tân tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên tới trụ sở bộ Quốc Phòng để gặp gỡ các chỉ huy quân đội, với mục tiêu chính là tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh nhằm gia tăng cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).

Theo AFP, tổng thống Mỹ đã có cuộc họp khoảng một giờ với các lãnh đạo quân đội. Trong thời gian tranh cử, ông Trump thường lên án cuộc chiến chống Daech tại Irak và Syria tiến triển quá chậm. Donald Trump cam đoan, nếu đắc cử, sẽ cho các tướng lĩnh “30 ngày” để chuẩn bị một kế hoạch đánh bại Daech. Trong những tuần gần đây, giới chỉ huy quân sự Mỹ được huy động để chuẩn bị các phương án, theo yêu cầu của tân tổng thống.

Trả lời báo giới, cựu tướng David Barno giải thích về chiến lược mới của ông Trump, theo đó, để có thể “đạt được các kết quả nhanh hơn”, quân đội Hoa Kỳ sẽ phải “triển khai nhiều binh sĩ hơn trên thực địa”, điều này sẽ dẫn đến “nhiều tổn thất hơn” cho Mỹ.

Hiện tại, có hơn 5.000 binh sĩ Mỹ triển khai tại Irak, và khoảng 500 quân đặc nhiệm tại Syria, chiến đấu trong hàng ngũ của liên quân Ả Rập – Kurdistan. Theo truyền thông Mỹ, rất có thể Lầu Năm Góc sẽ tăng mạnh số binh sĩ trong chiến dịch giải phóng Raqa, thủ phủ tự phong của Daech.

Về quốc phòng nói chung, tại Lầu Năm Góc, tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh cho phép chuẩn bị điều chỉnh ngân sách quốc phòng năm 2017, để có thể nhanh chóng tăng chi, đặc biệt để mua sắm máy bay và tàu thuyền mới.

Nga muốn thúc đẩy thảo luận về Hiến pháp Syria

Riêng về khủng hoảng Syria, theo thông tín viên Muriel Pompones, Matxcơva đang muốn thúc đẩy hoàn tất một dự thảo Hiến pháp của Syria, để có thể thảo luận trong cuộc họp tiếp theo tại Genève, với sự tham gia của Damas và đối lập, mà hiện tại chưa rõ sẽ diễn ra vào ngày 08/02 như dự kiến hay không. - RFI
|
|

8.
Trump và tổng thống Mexico cố làm hạ nhiệt

Hôm qua, 27/01/2017, trong một cuộc trao đổi qua điện thoại, hai tổng thống Mỹ Donald Trump và Mêhicô Enrique Pena Nieto đã tìm cách làm giảm căng thẳng ngoại giao do dự án xây tường ở biên giới giữa hai nước, nhưng nhìn nhận là hai bên còn có nhiều bất đồng.

Cuộc điện đàm này diễn ra sau khi tổng thống Mêhicô hủy bỏ chuyến viếng thăm Washington, dự trù cho ngày 31/01, để gặp tân tổng thống Hoa Kỳ. Quyết định hủy bỏ chuyến đi này là do ông Trump vẫn nhất quyết xây bức tường để ngăn chận di dân bất hợp pháp từ Mêhicô và đòi phía Mêhicô phải trả chi phí xây bức tường, điều mà nước láng giềng này dứt khoát bác bỏ.

Hai vị tổng thống đã nói chuyện với nhau qua điện thoại trong hơn một tiếng đồng hồ và đã ghi nhận những bất đồng « rất rõ ràng và rất công khai » giữa hai ông về vấn đề bức tường. Tuy nhiên, cuộc điện đàm được cả hai bên mô tả là « mang tính xây dựng và có hiệu quả ».

Theo chính phủ Mêhicô, hai tổng thống Trump và Nieto đã đồng ý với nhau là trước mắt sẽ không công khai nói đến chủ đề gây tranh cãi này nữa. Nhưng phía Nhà trắng thì đã không nêu cam kết đó của ông Donald Trump.

Trong cuộc điện đàm hôm qua, hai vị tổng thống cũng đã đề cập đến vấn đề thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Mêhicô. Hôm thứ năm vừa qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã nêu lên khả năng đánh thuế 20% lên hàng hóa Mêhicô nhập vào Mỹ để lấy tiền xây bức tường ở biên giới.

Hai bên cũng đồng ý sẽ làm việc với nhau để "chống buôn lậu ma túy và vũ khí". - RFI
|
|

9.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dọa những nước chống Hoa Kỳ

Tân đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm qua, 27/01/2017, đã lên tiếng dọa những nước nào chống lại chính sách ngoại giao của tổng thống Donald Trump, cảnh cáo là những nước này sẽ gánh chịu những hậu quả.

Từ Washington, thông tín viên Marie Bourreau gởi về bài tường trình :

"Miệng cười thật tươi, cựu thống đốc bang South Carolina tiến vào sảnh của tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Được xem là có lập trường ôn hòa hơn là tổng thống, thế mà bà lại có những lời lẽ rất cứng rắn trước một giới báo chí sững sờ.

Bà tuyên bố : « Đây là một ngày mới đối với quan hệ giữa Hoa Kỳ với Liên Hiệp Quốc. Quý vị sẻ thấy những thay đổi trong cách thức mà chúng tôi hành động. Chúng tôi sẽ không làm việc nhiều hơn, mà sẽ làm việc một cách thông minh hơn. Mục tiêu của chúng tôi là đóng một vai trò ở Liên Hiệp Quốc. Và để làm được điều đó, chúng tôi sẽ biểu dương sức mạnh của mình, sẽ cất giọng cao hơn, yểm trợ các đồng minh của chúng tôi và bảo đảm là các đồng minh đó cũng sẽ ủng hộ chúng tôi.

Mặt khác, bà đại sứ đã ra lời đe dọa : « Những nước nào không ủng hộ chúng tôi, chúng tôi sẽ ghi nhớ tên. Chúng tôi sẽ đáp trả đích đáng. Nhưng đây là thời kỳ của sức mạnh, của hành động, của hiệu quả. Những gì vận hành tốt, chúng tôi sẽ cải tiến hơn nữa. Những gì không vận hành tốt, chúng tôi sẽ cố sửa chữa. Những gì có lẽ lỗi thời hoặc vô ích, chúng tôi sẽ vứt bỏ".

Từ nhiều ngày qua, có tin đồn là tổng thống Donald Trump có thể ký một sắc lệnh giảm mức đóng góp tài chính của Mỹ cho LHQ, gây phương hại cho nhiều chương trình. Giọng điệu cứng rắn của bà Nikki Haley ngay ngày đầu tiên ở LHQ rõ ràng là không làm cho người ta an tâm." - RFI
|
|

10.
Ông Trump khơi mào cuộc chiến ‘phép vua-lệ làng’

Thực hiện lời hứa khi tranh cử, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 ký sắc lệnh hành pháp nhằm dẹp bỏ ‘các thành phố cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp bằng cách đình chỉ các ngân khoản trợ cấp của liên bang dành cho những địa phương chứa chấp di dân không giấy tờ.

Đó là những thành phố giới hạn hỗ trợ nhà chức trách liên bang trong công tác điều tra, truy quét, trục xuất di dân lậu.

Tòa Bạch Ốc khẳng định tân chính quyền liên bang sẽ thi hành luật pháp không khoan nhượng.

Người phát ngôn Sean Spicer tuyên bố ‘Chúng ta sẽ tước các ngân khoản tài trợ cho các tiểu bang và các thành phố chứa chấp di dân bất hợp pháp. Người Mỹ sẽ không để bị buộc phải trợ cấp cho những người bất tuân luật pháp này.’

Hiện có 40 thành phố và 364 quận hạt trên toàn nước Mỹ đã biến thành những nơi cư trú an toàn cho di dân bất hợp pháp.

Một số thành phố đã bắt đầu cân nhắc phương án ứng phó. Một số nơi thẳng thừng kháng cự, trong số này có Santa Ana.

Santa Ana với đông cư dân gốc Việt nhất nhì ở Mỹ là một trong những địa phương tự tuyên bố là ‘thành phố cư trú an toàn’ cho di dân không giấy tờ.

Ông Khanh Nguyễn, đại sứ của Santa Ana kiêm Ủy viên Kế hoạch thành phố, cho VOA Việt ngữ biết:

“Tháng 12 năm 2016, thành phố Santa Anna đã ra nghị quyết tạo thành phố thành ‘khu cư trú an toàn’ cho những cư dân bất hợp pháp. Phần lớn cư dân Santa Anna là người Mexico, phần đông số này là cư dân bất hợp pháp. Việc này có thể ảnh hưởng tới ngân sách liên bang dành cho thành phố. Không phải chúng tôi chống lại lệnh của Tổng thống, nhưng chúng tôi cho những cư dân bất hợp pháp trong thành phố biết rằng thành phố sẽ không cộng tác với cơ quan thực thi luật pháp của liên bang trong việc báo cáo hay giải giao những cư dân bất hợp pháp. Ví dụ, một cảnh sát chặn giao thông một người và phát hiện là cư dân bất hợp pháp, không có nghĩa là sẽ bắt giao cho cơ quan tư pháp liên bang, Sở Di trú, để trả về nước. Mục đích chính Santa Anna muốn các cư dân bất hợp pháp biết rằng đây là nơi quý vị có thể yên tâm mà sống.”

Luật pháp Hoa Kỳ cấm di dân bất hợp pháp. Phát hiện di dân lậu không trục xuất, có ý kiến cho rằng, chẳng khác nào ‘chứa chấp’, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho làn sóng di dân bất hợp pháp tới Mỹ tăng cao.

Những người phản đối ‘các thành phố lánh nạn’ lập luận rằng di dân có mặt ở Mỹ không giấy tờ là phạm pháp và những địa phương ‘làm ngơ’ không truy quét khác gì dung dưỡng cho các thành phần bất hợp pháp trên đất Mỹ.

Đại sứ thành phố Santa Ana phản bác:

“Chúng tôi không đủ ngân sách hay nhân lực để bắt bớ hay điều tra những cư dân bất hợp pháp trong Santa Ana. Trách nhiệm đó là của liên bang. Nếu chính quyền liên bang muốn thực thi luật di trú liên bang, họ có toàn quyền làm việc đó trong thành phố Santa Ana. Không phải trách nhiệm của thành phố Santa Ana là đi lùng bắt những cư dân đó.Nếu họ phạm pháp, chúng tôi sẵn sàng trả họ về nước sau khi họ thụ án tại Hoa Kỳ.”

Vẫn theo lời ông Khanh, một khi họ đã vượt biên giới vào Mỹ rồi, miễn họ chí thú làm ăn, giúp ích cho xứ sở Hoa Kỳ, cần cho họ một cơ hội vì đa phần những di dân bất hợp pháp, đặc biệt là người Mexico, rất sẵn lòng làm những công việc nặng nhọc chân tay mà dân Mỹ không chịu làm.

Houston, một thành phố khác cũng rất đông người Việt sinh sống, có tiếng về nạn di dân lậu, chủ yếu từ Mexico. Dù không tự nhận là ‘thành phố lánh nạn’ như Santa Ana, nhưng Houston cũng không có chính sách truy quét cư dân bất hợp pháp.

Ông Steve Lê, nghị viên Hội đồng thành phố Houston, cho biết:

“Theo thị trưởng hiện tại, nếu một người di trú bất hợp pháp bị cảnh sát bắt vì phạm một tội gì nặng thì phải đưa qua bên di trú để trục xuất về, chứ mình không tự nhiên xét giấy tờ của họ. Nhiều người cho đó là ‘sanctuary city’ (thành phố lánh nạn), tùy theo cách nhìn của họ thôi.”

Nghị viên Steve Lê nói Houston không chủ trương khám xét cư dân về tình trạng di trú vì không đủ nhân lực để làm chuyện đó.

Ông Steve tiếp lời:

“Nhân lực của mình rất giới hạn. Một là chuyên đi tìm những người cư trú bất hợp pháp, hai là đi bắt những người trộm cướp, giết người. Mình phải suy nghĩ cái nào đáng bỏ nhân lực làm hơn. Houston quyết định ưu tiên chú ý tới những tội phạm nguy hiểm hơn là đưa cảnh sát đi bắt di dân bất hợp pháp.”

Nghị viên gốc Việt này cho hay lãnh đạo Houston nhất trí rằng nếu liên bang muốn thành phố truy quét di dân lậu thì phải ‘đến hỗ trợ, cho thêm nhân lực’ vì hiện tại nhân lực thành phố thậm chí còn thiếu cho công tác phòng chống tội phạm hình sự.

Phe ủng hộ hành động của tân chính quyền Tổng thống Trump cho rằng nên cắt viện trợ cho ‘các thành phố lánh nạn’ xem nhẹ luật liên bang và rằng bên hành pháp có thể thắng lớn nếu tranh cãi này được đưa ra tòa.

Ngược lại, những thành phố bị nhắm mục tiêu cắt tài trợ nói bài trừ di dân lậu không chỉ là truy quét, trục xuất mà cái gốc vẫn là ngăn chặn từ cổng biên giới và bỏ bớt những chính sách dễ bị trục lợi.

Nghị viên Steve Lê của thành phố Houston:

“Những người qua đây bất hợp pháp muốn có việc làm hoặc được nằm trong các chính sách hỗ trợ an sinh của chính phủ. Bây giờ muốn nhổ cỏ tận gốc, phải đến các hãng xưởng mướn người bất hợp pháp phạt để họ sợ không mướn những người bất hợp pháp nữa. Thứ nhì, mấy người qua đây sinh con đẻ cái để vào các chương trình phúc lợi của chính phủ, mình phải ngăn chuyện đó. Không phải qua đây sinh con thì tự nhiên con trở thành công dân Mỹ, Mỹ phải nuôi đứa bé đó. Điều đó mình thấy bất bình. Giờ mình cắt đi hai chương trình đó, những người cố ý qua để được hưởng các quyền lợi đó sẽ không qua nữa.”

Chưa biết phía liên bang sẽ đẩy mạnh vụ việc đến mức nào, nhưng trước mắt, ‘thành phố lánh nạn’ Santa Ana đang có bước chuẩn bị.

Ủy viên Kế hoạch của thành phố chia sẻ:

“Chúng tôi cũng đã bàn thảo với luật sư thành phố về vấn đề này và đây cũng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của thành phố Santa Anna. Hiện giờ chúng tôi chưa có biện pháp hay giải pháp gì. Thành phố vẫn còn tiếp tục tiến trình bàn thảo để có giải pháp nào đó đưa thỏa hiệp giữa liên bang với Santa Anna nếu ngân sách liên bang dành cho thành phố bị cắt.”

Tại một số địa phương khác như thành phố New York chẳng hạn, nơi có nửa triệu di dân không giấy tờ hợp lệ, phong trào bảo vệ di dân đang lan tỏa từ các nhà thờ sang các trường đại học.

Thị trưởng New York đã tuyên bố giới chức pháp lý hàng đầu của thành phố sẽ có mặt tại tòa ngay sau khi có hành động cụ thể nào ngưng cấp ngân khoản cho New York.

Luật sư của thành phố San Francisco cho biết văn phòng của ông đang xem xét khả năng đưa vụ này ra tòa trước khi Tổng thống Trump có hành động cụ thể nào cắt giảm ngân quỹ rót cho thành phố.

Giới luật sư chuyên về quỹ tài trợ của liên bang cho biết nếu chính phủ tìm cách cắt ngân quỹ đối với một đơn vị nào, phải đi qua một tiến trình phức tạp và các thành phố có quyền kháng cáo.

Một số luật sư cho rằng chỉ có Quốc hội mới có quyền cắt ngân khoản tài trợ của liên bang dành cho các thành phố, và rằng Tổng thống chỉ có thể dịch chuyển các nguồn quỹ từ chỗ này sang chỗ khác mà thôi.

Mặt khác, không có định nghĩa pháp lý như thế nào là một thành phố ‘cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp. Và theo một số luật sư di trú, điều đó cũng có nghĩa là các thành phố không vi phạm luật pháp liên bang và không thể bị chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt.

Các gói hỗ trợ kinh tế từ liên bang thường tài trợ cho các dịch vụ như các trung tâm cộng đồng, các trạm xá chăm sóc sức khỏe, và hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho những người thu nhập thấp.

Cắt ngân quỹ liên bang cho đa số các thành phố lớn và các trung tâm đông cư dân ở Mỹ là điều chưa có tiền lệ, có thể gây phương hại kinh tế các nơi này và làm hại cho kinh tế Mỹ.

Một số luật sư cho biết muốn can thiệp chuyện này, chính quyền của ông Trump cần có luật vì loan báo cắt ngân quỹ kiểu này đã vi phạm Tu chính án thứ 10 bảo vệ quyền chủ quyền của các tiểu bang và các địa phương trong tiểu bang.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các thành phố phải chịu trách nhiệm, mà đặc biệt là nếu một thị trưởng của một thành phố nào đó bảo vệ di dân bất hợp pháp trong thành phố của mình, người thị trưởng đó phải chịu trách nhiệm.

Giới chuyên môn lưu ý rằng dù Tổng thống có quyền hành pháp nhưng muốn lập ra luật lệ lâu dài, phải được Quốc hội thông qua.

Gần 90% tổng số 652 tỷ đô la mà chính quyền liên bang tài trợ qua hơn 1500 chương trình cấp quỹ trong năm tài khóa gần đây nhất được trao xuống các tiểu bang, chứ không trao trực tiếp cho các thành phố. Cho nên, để thực hiện sắc lệnh hành pháp của Tổng thống vừa ký, Tòa Bạch Ốc cũng có thể phải thương lượng với các tiểu bang có các thành phố ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp, và điều này có thể đề ra thêm một rào cản nữa.

Các nhóm cổ súy quyền của di dân cho hay họ đang sửa soạn các đơn kiện riêng đối với các khía cạnh khác trong hai sắc lệnh hành pháp ông Trump ký hôm 25/1, xem xét các khoản liên quan đến việc nới rộng giam giữ di dân và thay đổi cách xử lý đơn xin tị nạn.

Phong trào ‘các thành phố lánh nạn’ bắt đầu từ những năm 80 khi các hội đoàn nhà thờ trên khắp nước Mỹ cấp chỗ trú ngụ cho những người tị nạn chạy trốn nội chiến ở Trung Mỹ.

Cựu Tổng thống Barack Obama năm 2012 ban hành lệnh hành pháp có tên là Hành động Ngưng Trục xuất đối với những người đến Mỹ lúc nhỏ còn được gọi là DACA. Lệnh này cấp giấy phép làm việc có thể được tái tục và bảo vệ khỏi bị trục xuất cho gần 750.000 di dân không có giấy tờ đến Mỹ khi còn là trẻ em hay thiếu niên.

Tân Tổng thống Trump gọi lệnh này là ‘một trong những hành động vi hiến nhất do một Tổng thống ban hành” và kêu gọi siết chặt luật di trú mạnh tay hơn để bài trừ nạn di dân bất hợp pháp.

Theo Luật Cải cách Tình trạng Di trú Bất hợp pháp và Đạo luật Trách nhiệm Di dân năm 1996, thì nhà chức trách địa phương phải hợp tác trong việc thực thi di trú. - VOA
|
|

11.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng kém hơn dự đoán

Kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức hàng năm là 1,9% trong quý Tư năm ngoái, theo số liệu chính thức.

Đây là tốc độ tăng trưởnchậm hơn so với mức 2,2% mà giới kinh tế gia mong đợi và dưới tốc độ tăng trưởng quý Ba là 3,5%.

Tính toàn năm, GDP tăng 1,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2011 và tụt so với năm 2015 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,6%.

Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ nâng mức tăng trưởng GDP tới 4%, thông qua cắt giảm thuế và chi tiêu cơ sở hạ tầng.

Lần cuối cùng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ cao đó là vào năm 2000, năm của bùng nổ dotcom, khi nó đạt 4,1%.

Trong khi chi tiêu tiêu dùng tăng trong quý cuối cùng của năm tăng, Bộ Thương mại Mỹ cho biết xuất khẩu bị giảm và nhập khẩu tăng.

Số liệu hôm thứ Sáu là ước tính ban đầu về tăng trưởng kinh tế và dựa trên dữ liệu chưa đầy đủ. Một ước tính cập nhật sẽ được công bố vào ngày 26/02/2017.

Không khí căng thẳng

Nancy Curtin, Giám đốc đầu tư tại Close Brothers Asset Management cho biết dữ liệu cho thấy rõ bầu không khí chính trị căng thẳng ở Mỹ và châu Âu đã "gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ".

Bà nói thêm: "Tăng trưởng việc làm và nền kinh tế là mối quan ngại chính của chính quyền mới của Mỹ và mức tăng trưởng đó được cho là rất lạc quan."

Tuy nhiên bà đã cảnh báo: "Với tổng thống mới nhậm chức hơn một tuần và với hiệp các định thương mại toàn cầu quan trọng, bao gồm cả với Vương quốc Anh, vẫn chưa được quyết định, sẽ còn phải có thời gian để thấy ảnh hưởng thực sự của các động về chính sách kinh tế của ông Trump."

Tuy nhiên, Paul Ashworth, kinh tế gia trưởng người Mỹ tại Capital Economics, cho biết thực trạng chững lại không gây báo động vì nửa cuối năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thay đổi tạm thời trong xuất khẩu.

Trong quý ba đã có tăng đột biến trong xuất khẩu đậu tương vốn không tái diễn trong ba tháng cuối cùng của năm, ông nói.

Sự lạc quan về chính sách kinh tế của ông Trump đã đẩy giá chứng khoán lên, đưa các chỉ số Dow Jones Industrial Average qua ngưỡng 20.000 điểm lần đầu tiên.

Tăng trưởng kinh tế toàn năm ở mức 1,6% có nghĩa là Hoa Kỳ đứng sau Anh với GDP tăng 2% vào năm ngoái. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

12.
Việt Nam đón giao thừa Đinh Dậu “buồn” hơn mọi năm

Tối 30 Tết, tại Hồ Gươm, Hà Nội lượng khách ít hơn mọi năm do không còn màn pháo bông được chờ đợi nhất. Trong khi đó ở Sài Gòn, đường hoa Nguyễn Huệ vẫn thu hút khách.

Theo mô tả của phóng viên báo điện tử VNExpress, tối 30 tết ( ngày 27 tháng Giêng), Hà Nội trời se lạnh, khô ráo, nhiệt độ khoảng 20 độ C.

Do năm nay không bắn pháo bông, nên xung quanh Hồ Gươm không đông đúc như mọi năm. Pháo bông sẽ được chiếu trên màn hình LED tại các điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật gồm như: Vườn hoa Lý Thái Tổ, sân vận động Mỹ Đình, trung tâm quận Hà Đông, quận Tây Hồ, thị xã Sơn Tây nên những nơi này người dân tập trung đông hơn.

Ở ngoài đường phố, nhiều đôi trai gái, gia đình trẻ dắt con nhỏ thong thả dạo phố. Nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ bán những cây quất cuối cùng. Năm nay, đào quất không đẹp nên cũng không được giá. Nhiều người buôn thất thu. Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ, không khí ngoài đường trầm hơn mọi năm.

Tại Phú Yên, tuy không bắn pháo bông, nhưng nhờ tổ chức đường hoa Xuân thay thế đã kéo được người dân ra đường thưởng lãm. Khoảng 20 giờ, dòng người đổ về trung tâm thành phố Tuy Hòa, các tuyến đường Đại lộ Hùng Vương, Trần Phú, Lê Trung Kiên, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… nhộn nhịp khách dạo phố. Nằm sát bờ biển, Quảng Trường 1 Tháng 4 trên đường Lê Duẩn – Độc Lập, hàng ngàn người đổ về để thưởng thức chương trình nghệ thuật Chào năm mới.

Tại kinh thành Huế hay vì đến khu vực Ngọ Môn xem trình nghệ thuật, nhiều bạn trẻ và du khách ngoại quốc lại chọn các quán bar uống bia chờ năm mới. Một số khác thì ở nhà xem tivi cùng gia đình.

Tại Đà Nẵng, trời ấm áp. Người dân cũng đổ ra đường nhưng không đông như những năm trước vì thành phố không bắn pháo hoa. Nhiều quán nhậu vẫn đông nghẹt khách. Ven sông Hàn, nhiều người dân đổ đến những điểm trang trí hoa xuân để dạo chơi, chụp hình…

Thành phố Đà Nẵng sẽ cho cầu Rồng phun lửa và nước trong suốt 4 đêm; Cầu quay sông Hàn cũng quay 90 độ từ 2 giờ sáng đến 12 giờ đêm các ngày mùng Một và mùng Hai Tết để phục vụ người dân, du khách.

Còn tại Sài Gòn, càng đến thời điểm giao thừa, dòng người đổ về các tuyến đường trung tâm thành phố như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng… ngày càng đông. Trong khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, màn biểu diễn ánh sáng nghệ thuật trên tòa nhà Ủy ban thu hút hàng ngàn người đến xem.

“Các tiết mục rất độc đáo, nhiều màu sắc lại hiện trên nền tòa nhà có kiến trúc đẹp nên rất hấp dẫn. Vì năm nay không có pháo hoa nên tôi cho các con dạo một vòng đường hoa, xem biểu diễn ánh sáng rồi về đón giao thừa cùng gia đình”, ông Hòa ngụ Thủ Đức chia sẻ.

Dù mới hơn 6 giờ tối, nhưng hàng ngàn người dân từ các tỉnh xung quanh đã đổ về đường hoa nghệ thuật “Sắc xuân đất nước” tại thành phố Cần Thơ chờ đón giao thừa. Các con đường dẫn vào đường hoa xe cộ chen nhau dày đặt, cụ thể nhiều tuyến đường bị ùn ứ kéo dài từ khu vực đường hoa, đường đại Lộ Hoà Bình, đường 30-4.

Lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả để hướng dẫn người dân lưu thông nhằm tránh kẹt xe. Càng đến thời khắc giao thừa thì tại khu vực đường hoa lượng người đổ về càng đông.

Tại Cà Mau, thời tiết cũng mát mẻ, nhưng nhiều tuyến đường trung tâm vắng vẻ do người dân biết không bắn pháo bông. Đông đúc nhất là khu vực Nhà thiếu nhi tỉnh và chợ hoa ở phường 9. “Chúng tôi cho các con vui chơi chút cho biết không khí phố phường ngày Tết rồi tranh thủ về đón giao thừa cùng gia đình”, chị Trang Thị Nhung ở huyện Đầm Dơi, tươi cười nói. - nguoiviet





No comments:

Post a Comment