Tin Thế Giới
1.
Phản ứng quốc tế về việc ông Trump cấm người tị nạn --- Trung Đông, Châu Âu tức giận về lệnh cấm di trú của ông Trump
Đã bắt đầu có phản ứng quốc tế đối với sắc lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người dân từ các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.
Bên cạnh việc ngăn chặn người dân Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành pháp của ông Trump cấm vĩnh viễn việc tiếp nhận người tị nạn Syria và cấm trong 120 ngày đối với việc nhập cảnh vào Mỹ của tất cả những người tị nạn khác.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm Chủ nhật, 29/1, rằng bà Merkel "tin rằng ngay cả cuộc chiến kiên quyết và cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng không biện minh cho việc nghi ngờ chung chung người dân có xuất thân ở một nước cụ thể hoặc theo một đức tin cụ thể".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump khi bà gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara.
Nghị sĩ Anh Jeremy Corbyn nói "Bà Theresa May lẽ ra đã phải bảo vệ Vương quốc Anh và các giá trị của chúng ta bằng cách lên án hành động của ông Trump. Đất nước chúng ta phải lấy làm buồn lòng khi bà quyết định không làm như vậy... Sau những hành động xấu của ông Trump và việc bà May đã không lên án, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng ta là nói với người tị nạn tìm kiếm một nơi an toàn rằng họ sẽ luôn luôn được chào đón ở Anh".
Ông Trump có kế hoạch đến thăm Anh vào thời gian sau này trong năm nay, nhưng nghị sĩ Anh Sarah Wollston cho rằng không nên mời nhà lãnh đạo Mỹ đến phát biểu trước Quốc hội.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận xét về lệnh cấm của ông Trump: "Việc chào đón người tị nạn, người chạy trốn chiến tranh và áp bức là một phần trong nghĩa vụ của chúng tôi".
Người đồng nhiệm của ông Ayrault ở Đức là Sigmar Gabriel nói: "Hoa Kỳ là quốc gia nơi mà truyền thống Kitô giáo có ý nghĩa quan trọng. Yêu thương người láng giềng của mình là một giá trị quan trọng trong Kitô giáo và điều đó bao gồm cả việc giúp đỡ mọi người".
Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia, nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng không nằm trong số các quốc gia mà người dân phải đối mặt với những hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nói với Reuters trong một thông điệp trên truyền thông xã hội: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chính sách đó".
Tại Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammas Java Zarif cho biết nước ông sẽ không hành động tương tự đối với người Mỹ: "Không giống như Hoa Kỳ, quyết định của chúng tôi là không hồi tố. Tất cả những ai có thị thực hợp lệ của Iran sẽ được chào đón vui vẻ".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên Twitter để bày tỏ thái độ của đất nước mình đối với người tị nạn. Ông viết: "Xin gửi lời đến những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người Canada sẽ chào đón quý vị, bất kể quý vị có đức tin gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. #Hoan nghênh quý vị đến với Canada của chúng tôi". - VOA
***
Một ủy ban của quốc hội Iraq hôm Chủ nhật, 29/1, đề nghị chính phủ nước "hành động có qua có lại" đối với những hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump ban hành áp dụng với công dân của 7 quốc gia Hồi giáo.
Chính phủ Iraq cho đến nay chưa bình luận công khai về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về hạn chế nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với người từ các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen.
Nhưng các quan chức ở Baghdad nói rằng họ sẽ vận động chính quyền Hoa Kỳ để rút lại các biện pháp hạn chế hoặc ít nhất là giảm nhẹ tác động của sắc lệnh lên người Iraq.
Và họ dự định sẽ cảnh báo với Tòa Bạch Ốc rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có nguy cơ phá hoại sự hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Các chính phủ các nước A-rập khác cũng đã không lên tiếng công khai về lệnh cấm, họ chọn cách vận động mạnh mẽ ở hậu trường với Washington.
Các lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và A-rập Xê-út sẽ nói chuyện bằng điện thoại hôm Chủ nhật với Tổng thống Trump. Và một quan chức ở Dubai đề nghị không nêu tên cho VOA biết là hai nước kể trên sẽ khuyến cáo Tổng thống Mỹ không nên bổ sung tên của hai nước vào danh sách các quốc gia trong lệnh cấm di trú.
Ở Mosul, nơi các lực lượng Iraq đang chiến đấu nhằm loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khỏi hang ổ trong đô thị lớn cuối cùng của chúng ở Iraq, các binh sĩ đã bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm, họ nói rằng nó có thể ngăn chặn họ thăm thân nhân ở Hoa Kỳ. - VOA
|
|
2.
Gần ba chục du khách TQ 'mất tích' ở Malaysia
Một chiếc thuyền chở 31 người, chưa kể thuyền viên, trong đó có ít nhất 28 du khách Trung Quốc, đã mất tích ngoài khơi bờ biển của Malaysia, giới chức hàng hải Malaysia cho hay.
Chiếc thuyền du lịch bị mất liên lạc sau khi rời bang Sabah ở miền Đông hôm thứ Bảy.
Giới chức hàng hải Malaysia nói những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã bị thời tiết xấu cản trở.
Sự việc xảy ra đúng vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán của Trung Quốc, kỳ lễ đầu năm theo âm lịch được nhiều người Hoa tại Malaysia ăn mừng.
Chiếc thuyền rời Kota Kinabalu vào lúc 09:00 sáng giờ địa phương hôm thứ Bảy và đi về phía Pulau Mengalum, một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm cách 60 km về phía tây của thành phố.
Hy vọng
Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia nói họ đã nhận được một cuộc gọi báo gặp nạn từ chiếc thuyền, nhưng mất liên lạc ngay sau đó.
"Tôi, giống như tất cả những thân nhân của mọi người trên tàu, đang hy vọng có tiến bộ trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn," Bộ trưởng Du lịch của bang Sabah, Masidi Manun, nói với hãng tin AFP.
Khu vực tìm kiếm bao gồm 400 dặm vuông hải lý giữa Kota Kinabalu và Pulau Mengalum, theo báo New Strait Times.
Bão thường xảy ra ở khu vực tại thời điểm này trong năm.
Tin cho hay ba thành viên đoàn thuyền viên hiện diện trên tàu cùng với 31 hành khách. - BBC
|
|
3.
Giám định tư pháp Ba Lan: Lech Walesa dường như có quan hệ với mật vụ cộng sản
AFP ngày hôm nay, 29/01/2017, cho biết là các nguồn thạo tin từ Viện Ký ức Quốc gia (IPN), và được hãng thông tấn Ba Lan PAP đăng tải, khẳng định là cựu tổng thống, nguyên lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa, trong quá khứ, đã có những liên hệ với công an chính trị chế độ cộng sản Ba Lan.
Cách nay một năm, các nhà điều tra thuộc Viện Ký ức Quốc gia cho biết đã nghiên cứu hồ sơ cá nhân một cựu nhân viên mật vụ thời cộng sản, có biệt danh « Boleck ». Trong hồ sơ này có một bản cam kết viết tay với chữ ký của ông Lech Walecsa và nhiều giấy biên nhận những khoản tiền mà cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan SB trả cho ông Walesa.
Giám định của giới chuyên gia tư pháp Ba Lan dầy khoảng 1000 trang, bao gồm các thẩm định chữ viết, khẳng định là đa số các tài liệu của mật vụ cộng sản Ba Lan trong hồ sơ là văn bản thật. Tuy nhiên, hãng thông tấn Ba Lan PAP không cho biết nội dung những tài liệu này và khoảng thời gian được cho là có sự cộng tác của ông Walesa với mật vụ cộng sản. Mùa xuân năm ngoái, truyền thông Ba Lan đưa tin là dựa theo những tiết lộ, các tài liệu này liên quan đến giai đoạn 1970-1976, tức là trước khi ông Lech Walesa làm lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết.
Những cáo buộc này đã nhiều lần được nêu ra và ông Walesa, năm nay 73 tuổi, luôn luôn bác bỏ. Hôm qua, ông ra tuyên bố đó là những cáo buộc gian dối.
Các giám định của tư pháp Ba Lan sẽ được công bố vào thứ Ba, 31/01. - RFI
|
|
4.
Pháp: Bầu vòng 2 ứng viên tổng thống đảng Xã Hội mở rộng
Hôm nay, 29/01/2017, cử tri Pháp được kêu gọi tham gia vòng hai cuộc bầu chọn ứng cử viên tổng thống của liên minh do đảng Xã Hội làm nòng cốt. Ứng cử viên Benoit Hamon, về đầu vòng một với 36% phiếu bầu, được dự đoán có nhiều khả năng loại cựu thủ tướng Manuel Valls (31,5% phiếu).
Hai cương lĩnh tranh cử hết sức tương phản của hai ứng cử viên cho thấy nội bộ đảng Xã Hội phân hóa rất sâu sắc. Cuộc tranh luận tay đôi cuối cùng trên truyền hình ngày 25/01 cho thấy rõ điều này.
Hai ứng cử viên đại diện cho hai quan điểm rất khác biệt về cánh tả. Quan điểm về một cánh tả « nghiêm túc » và « đáng tin cậy », mà ông Manuel Valls khẳng định là người đại diện, có thể sẽ không chinh phục được nhiều cử tri, trong khi đó lập trường nhấn mạnh đến các giá trị nền tảng của cánh tả, « làm tương lai trở nên đáng sống », của ứng cử viên Benoit Hamon, có thể sẽ khiến cử tri trung tả xa lánh.
Lập trường của cựu thủ tướng Valls và dân biểu Hamon, thuộc nhóm đối kháng trong nội bộ đảng Xã Hội, cũng rất xa nhau trên một loạt các vấn đề, từ bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, kinh tế, thể chế chính trị thế tục. Đề xuất thu nhập tối thiểu phổ cập, với 750 euro/tháng của Benoit Hamon bị Manuel Valls chỉ trích là « hoàn toàn phi thực tế ».
Khác biệt, không thể dung hòa đến mức ứng cử viên Manuel Valls đã tuyên bố sẽ không ủng hộ cương lĩnh của Benoit Hamon, nếu ứng cử viên này đắc cử, cho dù vẫn chấp nhận « trung thành » với ứng cử viên tổng thống chính thức của liên minh Xã Hội mở rộng.
Tuy nhiên, theo các thăm dò dư luận, bất luận ai là người chiến thắng, ứng cử viên đảng Xã Hội chắc chắn cũng sẽ bị loại ngay từ vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/04/2017. Ứng cử viên đảng này chỉ xếp hạng thứ năm, đứng sau các ứng cử viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Lepen, cựu thủ tướng François Fillon đảng cánh hữu LR, cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và lãnh đạo cánh tả cấp tiến Jean-Luc Melanchon.
Một điều khó dự đoán là sẽ có bao nhiêu cử tri tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ vòng hai của đảng Xã Hội mở rộng. Nhiều người trong nội bộ đảng Xã Hội hy vọng sẽ có 2 triệu người đi bầu, tức nhiều hơn số 1,65 triệu cử tri trong vòng một, nhờ cuộc tranh luận trên truyền hình tương đối thu hút được khán giả hôm thứ Tư, 25/01.
Bầu cử sơ bộ cánh hữu hồi tháng 11/2016 thu hút được hơn 4 triệu người tham gia.
Fillon tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử
Chiều nay 29/01/2017, ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa –LR, François Fillon, tổ chức meeting ở Paris, 4 ngày sau vụ tai tiếng vợ ông, bà Penelope Fillon, bị tình nghi không làm việc mà vẫn nhận lương nửa triệu euro trong nhiều năm.
Trả lời báo Le Journal du Dimanche, ứng viên được coi là có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống này khẳng định « ông đi đến cùng » trong cuộc chạy đua vào điện Elysée. Ưu tiên của ông Fillon trong buổi meeting chiều nay là lấy lại uy tín với công luận, ba tháng trước bầu cử tổng thống Pháp ở vòng 1.
Trong tuần, tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé tiết lộ vụ tai tiếng mà giờ đây báo chí gọi là vụ « Penelope gate ». Viện công tố lập tức tiến hành điều tra về công việc « trợ lý dân biểu » của bà Penelope trong thời gian từ 1998 cho đến 2012. - RFI
|
|
5.
Thượng đỉnh Nam Âu: Pháp kêu gọi châu Âu cứng rắn đối mặt với Donald Trump
Hôm qua, 28/01/2017, nhân thượng đỉnh Nam Âu, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, vài giờ sau khi điện đàm với nguyên thủ Mỹ, tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết, thống nhất, cứng rắn đối mặt với chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ mậu dịch của Donald Trump.
Từ Lisboa, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin :
"Tại Paris cũng như ở Berlin, người ta đều có cùng một nhận xét : dự án châu Âu đang bị đe dọa. Và mối đe dọa này đến từ bên ngoài do việc tổng thống Mỹ ngày càng gây ra nhiều điều bất lường và từ bên trong do vấn đề Brexit và sự trỗi dậy của làn sóng dân tộc chủ nghĩa dân túy.
Do vậy, dường như có sự phân chia vai trò giữa Đức và Pháp : thủ tướng Angela Merkel sẽ công du Cộng Hòa Séc với nhiệm vụ đưa một số nước Đông Âu có tư tưởng hoài nghi quay trở lại với châu Âu. Còn tổng thống François Hollande có trách nhiệm tập hợp 7 nước cùng với Pháp, tạo ra một khối liên kết ở sườn phía nam châu Âu.
Hôm qua, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, hội nghị thượng đỉnh Nam Âu lần thứ hai đề ra cam kết là ưu tiên tạo công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy đầu tư và luôn luôn cảnh giác bảo đảm an ninh ở trong và bên ngoài châu Âu.
Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến chỉ trích Donald Trump, đặc biệt là việc tổng thống Mỹ gây ra các rối loạn trong thương mại quốc tế. Tổng thống Pháp nói : Chúng ta cần tiến hành đối thoại một cách cứng rắn với tân chính quyền Hoa Kỳ. Chúng ta là một lục địa luôn luôn mở cửa, mong muốn có quan hệ với các nước khác, trên cơ sở các nguyên tắc và thương lượng. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phải là bản chất của châu Âu.
Các nước Nam Âu sẽ sớm gặp lại nhau tại Madrid và sau đó ở Nicosia, Chypre". - RFI
|
|
6.
Luật sư hàng đầu của Miến Điện ‘bị ám sát’
Một cố vấn về pháp lý cho Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã bị bắn chết hôm 29/1 bên ngoài sân bay quốc tế bận rộn nhất của Miến Điện ở Yangon.
Ông Ko Ni, 65 tuổi, bị bắn vào đầu sau khi từ Indonesia trở về nước. Một tài xế taxi cũng bị bắn khi tìm cách cản tay súng.
Một nghi can đã bị bắt, nhưng chưa có thông tin chi tiết về động cơ vụ tấn công, theo Reuters.
Luật sư xấu số là một trong số ít những tín đồ Hồi giáo nổi bật tại một quốc gia có đa số tín đồ đạo phật. Tuy nhiên, chưa rõ đó có phải là lý do dẫn tới vụ ám sát ông hay không.
Ông Ko Ni từng là một nhà hoạt động sinh viên trong cuộc nổi dậy năm 1988. Ông sau đó trở thành một tù nhân chính trị, và sau khi được trả, ông làm luật sư và cố vấn cấp cao cho NLD.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi màu hồng đi sandal và mặc quần sóc nhắm khẩu súng lục vào phía sau đầu của ông Ko Ni khi ông đang bế một đứa trẻ. Một người họ hàng nói rằng ông Ko Ni bế cháu trai của ông khi bị giết.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, được dẫn lời cho biết “đã bắt giữ và thẩm súng tay súng để tìm hiểu xem lý do vụ bắn giết, ai đứng đằng sau ông ta hoặc ai trả tiền để ông ta thực hiện vụ đó”.
Một nhân viên cảnh sát nói với Reuters rằng nghi can là một công dân Miến Điện 53 tuổi từ thành phố Mandalay ở miền trung.
Ông Ko Ni là một chuyên gia về luật hiến pháp. Ông từng lên tiếng về vai trò lớn của quân đội trong việc lãnh đạo Miến Điện, dù đã trao quyền cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Tư năm ngoái. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Ông Trump đề cử ai lãnh đạo hải quân Mỹ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử ông Philip Bilden, một cựu nhân viên tình báo quân sự với nhiều kinh nghiệm về châu Á, nhất là Trung Quốc, và từng lãnh đạo công ty góp vốn tư nhân, lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ. Nay ông Bilden cần phải được thượng viện chuẩn thuận.
Quyết định này được đưa ra hôm 25/1, hai ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ cản Bắc Kinh chiếm giữ lãnh thổ trong hải phận quốc tế ở biển Đông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng tuyên bố rằng hành động như vậy có thể dẫn tới một “cuộc chiến toàn diện”.
Trước thông báo trên, ông Bilden trở thành ứng viên hàng đầu so với người trước đó được coi sẽ nhận đề cử là cựu dân biểu Mỹ Randy Forbes, một quan chức mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, từng làm chủ tịch Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ.
Một tuyên bố của Nhà Trắng miêu tả ông Bilden là “một lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thành công, một cựu nhân viên tình báo quân sự và một lãnh đạo về an ninh mạng tại Trường Chiến tranh Hải quân”.
Thông cáo trên còn nói rằng ông sẽ “mang tới sự lãnh đạo chiến lược, kỷ luật đầu tư, kinh nghiệm về mạng và khu vực châu Á tới lực lượng hải quân”.
Tuyên bố của Nhà Trắng dẫn lời ông Bilden nói rằng “duy trì sức mạnh, sự sẵn sàng và khả năng của lực lượng hàng hải là điều sống còn đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Ông cũng nói rằng nếu được chuẩn thuận, ông sẽ đảm bảo rằng lực lượng do mình lãnh đạo sẽ “có đủ các nguồn lực để bảo vệ quyền lợi của chúng ta trên khắp thế giới, cũng như hậu thuẫn các đồng mình của chúng ta”.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu đô đốc hồi hưu của Mỹ James Stavridis, người cũng từng chỉ huy trong NATO, nói rằng ông Bilden là một lựa chọn xuất sắc.
Ông Stavridis nói rằng ông Bilden “rất hiểu biết về Trung Quốc” và “nhiều lần nói với tôi về sự cần thiết phải có một cách tiếp cận cứng rắn về biển Đông”.
Ông Trump từng cam kết sẽ gia tăng số tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ từ con số hiện tại là 290 lên 350 tàu. Động thái này được coi là nhằm chống lại sự trỗi dậy nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. - VOA
|
|
8.
Thẩm phán Mỹ tạm đình chỉ lệnh Tổng thống --- Nhà Trắng bác bỏ chỉ trích về lệnh cấm nhập cảnh
Một thẩm phán khu vực tư pháp Liên bang của Hoa Kỳ ở New York đã ban hành một lệnh tạm thời ngăn chặn việc trục xuất người có thị thực hoặc những người tị nạn bị mắc kẹt tại các phi trường sau một mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump.
Liên minh các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã đệ đơn phản ứng về việc ban hành mệnh lệnh trên của Tổng thống vào hôm thứ Sáu.
Tổ chức này ước tính có từ 100 đến 200 người đã đang bị câu lưu, chặn giữ tại các phi trường hoặc nơi quá cảnh.
Hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều phi trường ở Mỹ phản đối mệnh lệnh của ông Trump về di trú, nhập cảnh.
Mệnh lệnh hành pháp của ông đã chặn lại toàn bộ chương trình tị nạn của Hoa Kỳ và cũng thiết lập một lệnh cấm đi lại có thời hạn 90 ngày đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Những người quá cảnh giữa các chuyến bay đã bị câu lưu khi tới Mỹ - ngay cả khi họ đã có visa Mỹ hợp lệ hoặc các giấy phép nhập cư khác.
'Gây thương tổn đáng kể'
Hôm thứ Bảy, ông Trump nói với các phóng viên:
"Việc này sẽ có hiệu quả rất hay. Bạn sẽ thấy nó ở các phi trường, bạn sẽ thấy nó ở tất cả các nơi…"
Phán quyết từ Thẩm phán Ann Donnelly ở New York ngăn chặn việc loại bỏ khỏi Mỹ những người có đơn tị nạn đã được phê chuẩn, có các thị thực hợp lệ, và "các cá nhân khác... đã được quyền hợp pháp nhập cảnh Hoa Kỳ".
Phán quyết khẩn cấp cũng nói rằng có một nguy cơ "gây thương tổn đáng kể và không thể khắc phục" với những người bị ảnh hưởng.
Phán quyết của nữ Thẩm phán không phải là về tính hợp hiến của sắc lệnh của ông Trump. Điều gì sẽ sắp xảy ra với những người bị câu lưu tại các phi trường vẫn chưa rõ ràng.
Các mệnh lệnh hành pháp khác do ông Trump ban hành vào ngày thứ Bảy, theo truyền thông Mỹ là một lệnh cấm các quan chức chính quyền vận động thay mặt cho một chính phủ nước ngoài, một lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lập kế hoạch trong vòng 30 ngày để đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) và cơ cấu lại Hội đồng An ninh Quốc gia với vai trò quan trọng đối với chiến lược gia Steve Bannon. - BBC
***
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ chỉ trích về việc cấm nhập cảnh từ 7 quốc gia.
Thông cáo của Tổng thống Trump nói visa sẽ được cấp lại sau khi có các "chính sách an toàn nhất", và ông bác bỏ đây là lệnh cấm người Hồi giáo.
Lệnh cấm đã bị lên án rộng khắp.
16 bộ trưởng tư pháp cấp tiểu bang đã nói lệnh này vi hiến. Nhiều thẩm phán liên bang đã tạm ngừng việc trục xuất người có visa.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump, ký hôm thứ Sáu, ngừng toàn bộ chương trình xét đơn tị nạn trong 120 ngày, cấm vô hạn người tị nạn từ Syria, và tạm ngừng nhập cảnh mọi công dân của 7 nước có đa số dân Hồi giáo.
Những người đã trên máy bay bị tạm giữ khi đến Mỹ, ngay cả khi họ có visa Mỹ hợp lệ hoặc giấy tờ khác.
Hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều sân bay tại Mỹ hôm thứ Bảy.
Hôm Chủ nhật lại có các cuộc biểu tình, trong đó có biểu tình bên ngoài Nhà Trắng và Tháp Trump ở New York.
Ai bị ảnh hưởng?
Ngoài việc cấm mọi người xin tị nạn, những ai là công dân hoặc có song tịch liên quan Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày, hoặc không được cấp visa.
Trong số này có những người có song tịch với các nước đồng minh như Anh, tuy Canada được cho biết công dân song tịch của họ không bị ảnh hưởng.
Nhà Trắng nói gì
Hôm Chủ nhật ông Trump đăng trên Twitter rằng Hoa Kỳ "cần sự kiểm tra gắt gao, ngay bây giờ".
Nhưng sau đó ông ra thông cáo có vẻ nhằm xoa dịu, rằng: "Đây không liên quan tôn giáo mà là khủng bố và giữ an toàn cho đất nước chúng ta."
"Chúng tôi sẽ lại cấp visa cho mọi nước khi đã chắc chắn là chúng tôi đã xét duyệt và thi hành các chính sách an toàn nhất trong 90 ngày tới." - BBC
|
|
9.
Xe Bolt EV nổi bật tại triển lãm xe hơi Washington
Triển lãm xe hơi Washington 2017 khai mạc hôm 27/1 ở thủ đô Hoa Kỳ, với một số mẫu xe mới thú vị được trưng bày. Các nhà sản xuất cố mê hoặc những khách hàng tiềm năng với động cơ điện, hiệu suất tốt hơn, sự tiện nghi và phong cách. Và các mẫu xe mới tiếp tục tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Trên thực tế, người tiêu dùng dường như ngày càng chú ý đến những chiếc xe mới, hoàn toàn chạy bằng điện hoặc xe lai (hybrid) có chạy bằng điện.
Sau thành công ban đầu với xe sedan chạy bằng ắc-qui là Chevy Volt, hãng GM nay giới thiệu chiếc Bolt EV mới, cỡ nhỏ, giá cả phải chăng hơn. EV là chữ viết tắt của xe chạy điện.
Joe Lamuraglia, Giám đốc Truyền thông của Chevrolet, nói về các lợi ích: "Mỗi lần xạc, xe chạy được 380 km, giá khởi điểm là 37.495 đôla trước mức ưu đãi thuế, như vậy, bạn có thể có một chiếc xe chạy điện đi được đường dài và có giá cả phải chăng".
Đến tháng 9, Bolt EV sẽ được bán trên toàn nước Mỹ cũng như ở châu Âu, ở đó nó sẽ có tên Opel Ampera E, và cũng có tầm hoạt động lên đến 380 km.
Chevrolet cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển ô tô tự lái, và kết hợp với các dịch vụ đi chung xe Lyft, họ sẽ sử dụng Bolt EV để tung ra công nghệ mới.
Các nhà sản xuất khác, như Ford, vẫn cho rằng người Mỹ còn mê đắm lâu dài với các chiếc xe lớn và mạnh mẽ.
Chiếc Ford Mustang tiết kiệm nhiên liệu nhất, với động cơ Eco Boost 2,3 lít, có công suất 310 mã lực, nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 10 lít nhiên liệu cho 100 km khi đi trong thành phố.
Đối với những người thích xe thể thao đa dụng, Chrysler-Fiat cung cấp xe Jeep Compass được thiết kế lại với hệ thống quản lý lực kéo, cho phép người lái xe chọn các chế độ như đi trên tuyết, cát, bùn và đá.
Xe Compass có mức giá cho phiên bản thấp nhất là 20.000 đôla.
Hãng Toyota đã đi trước các đối thủ cạnh tranh với việc cho ra mắt mẫu xe Camry 2018. Trong nhiều thập kỷ, đây là dòng xe sedan gia đình bán chạy nhất trên đất Mỹ.
Toyota đang cố gắng thu hút khách hàng trẻ tuổi, họ có một số thay đổi quan trọng để làm cho chiếc xe thú vị khi lái.
Amanda Mccoy, chuyên gia về sản phẩm của Toyota, nói: "Chúng tôi đã hạ thấp trọng tâm, chúng tôi mở rộng thân xe, chúng tôi lắp hệ thống giảm sóc có càng kép mới ở bánh sau, do đó, xe vững chãi hơn, phản ứng tốt hơn và có phong cách hoàn toàn bất ngờ"
Cuộc triển lãm ở Washington cũng trưng bày các loại xe bán tải, xe tải và xe thể thao thông thường cũng như một số mẫu thiết kế mang tính tương lai. Về phần xe ô tô tự lái, chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. - VOA
|
|
10.
Tổng thống Mỹ-Nga điện đàm
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hôm thứ Bảy, 28/1. Những người phát ngôn của hai nước cho biết hai bên đồng ý hợp tác trong nỗ lực đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo và làm việc cùng nhau vì hòa bình ở Syria và trên toàn thế giới.
Hai tổng thống đã nói chuyện trực tiếp lần đầu tiên kể từ lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1 vừa qua. Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc nói chuyện kéo dài 1 giờ mang tính “tích cực”, và là “một khởi đầu có ý nghĩa đối với việc cải thiện quan hệ” giữa Washington và Moscow, vốn căng thẳng tồi tệ trong những tháng gần đây.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, họ hy vọng cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Putin sẽ giúp cải thiện mối quan hệ “cần sửa chữa” giữa Mỹ và Nga. Cả hai bên đều không đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt vào Nga, hoặc khả năng nới lỏng chúng. Đây là điều nhiều nhà phân tích đã đồn đoán trước khi cuộc điện đàm diễn ra.
Các bản tin từ điện Kremlin giống với thông điệp của Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới khác hôm thứ Bảy, bao gồm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Tòa Bạch Ốc cho biết, ông Trump sẽ nói chuyện với 3 nhà lãnh đạo thế giới nữa trong ngày Chủ nhật là Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abd al-Aziz Al Saud, Thái tử Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Mohammed bin Zayed, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
11.
Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước nhân dịp đầu xuân, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng trong năm 2017 Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Nói về quan hệ với nước ngoài của Việt Nam, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN. Ông cũng nói là sẽ đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với các nước lớn nhưng không nói rõ là nước nào.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng cho biết là Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc tuần tra chung trên biển với các quốc gia láng giềng, cũng như tham gia công tác bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trên thế giới.
Xin nhắc lại là trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục mua sắm vũ khí để tăng cường quân đội, và việc này được giới quan sát cho là nhằm đối phó với chính sách lấn chiếm của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam có các hợp đồng cung cấp tàu ngầm từ Nga, vay tín dụng quốc phòng từ Ấn Độ, nhận viện trợ tàu tuần duyên từ Nhật Bản, và các trao đổi quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng lên trong thời gian gần đây. - RFA
|
|
12.
23 người chết trong ngày mùng một Tết vì tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông vẫn làm thiệt mạng nhiều người trong ngày Tết.
Có đến 23 người chết, 32 người bị thương trong ngày mùng một Tết Đinh dậu.
Trước đó, vào ngày 29 Tết, có 15 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Tai nạn giao thông luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng Việt Nam trong những ngày Tết truyền thống, vì lượng người đi lại trên các quốc lộ tăng cao, và vẫn còn có các nhiều phương tiện giao thông cũ kỹ.
Tin báo chí Việt Nam loan đi ngày hôm nay cũng cho biết là nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị kẹt cứng vì số lượng người đi chơi xuân ở các ngôi chùa trung tâm thành phố quá lớn. Trong khi đó thì tại miền Nam báo Tuổi trẻ cho hay là đã xảy ra một vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ trên vài cây số tại cầu Rạch Miễu, trên tuyến quốc lộ nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, nguyên nhân cũng là do số lượng người đi du xuân quá đông đúc. - RFA
No comments:
Post a Comment