Wednesday, November 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 9/11

Tin Thế Giới


1.

Bầu cử Mỹ: Donald Trump đắc cử, Cộng Hòa vẫn giữ hai viện Quốc Hội --- Tổng thống Trump sẽ làm gì trước? --- Chứng khoán, giá dầu, đồng đôla sụt giảm trước tin ông Trump đắc cử --- Chân dung tổng thống tỷ phú của nước Mỹ


Đánh bạt mọi dự báo và kết quả thăm dò bất lợi, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2016. Chiến thắng của ông Trump diễn ra đồng thời với thắng lợi của đảng Cộng Hòa Mỹ trong hai cuộc bầu cử Quốc Hội, tiếp tục nắm đa số tại Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ.


Dù kết quả chính thức và toàn diện chưa được công bố, nhưng vào sáng nay, giờ Paris, hãng tin Mỹ AP và mạng truyền hình Fox đã đồng loạt loan báo sự kiện ông Donald Trump đã giành được 277 đại cử tri, vượt qua ngưỡng cần thiết là 270 phiếu để thành tổng thống Mỹ. Đối thủ của ông là bà Hillary Clinton chỉ được 218 phiếu đại cử tri, nên đã gọi điện cho đối thủ của mình để thừa nhận thất bại.


Một cách khái quát, ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã thành công nhờ chiến thắng tại hầu hết các bang được gọi là “chưa dứt khoát” như Florida, Ohio hay Bắc Carolina, thậm chí còn giành được một số bang có truyền thống bầu cho đảng Dân Chủ như là Wisconsin, vốn từ năm 1984 đến nay không bầu cho đảng Cộng Hòa.


Với chiến thắng vừa dành được, ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ngày 20 tháng Giêng năm 2017 tới đây, kết thúc tám năm nắm giữ quyền hành pháp của đảng Dân Chủ với tổng thống Barack Obama.


Phát biểu tại trụ sở của mình sau khi kết quả được loan báo, ông Donald Trump đã cam kết sẽ trở thành tổng thống của mọi người Mỹ :


Tôi vừa nhận được cú điện thoại từ Hillary Clinton. Bà ấy đã chúc mừng thắng lợi của chúng ta. Tôi hoan nghênh bà Clinton, cùng gia đình, đã đầu tư rất nhiều, chiến đấu quyết liệt trong suốt cuộc tranh cử vừa qua. Bà ấy đã làm việc từ lâu và rất vất vả vì đất nước chúng ta. Chúng ta rất biết ơn những gì bà ấy đã làm để phục vụ đất nước. 


Đã đến lúc Hoa Kỳ phải hàn gắn vết thương chia rẽ. Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết lại. Tôi muốn nói với những người thuộc phe Cộng Hòa, phe Dân Chủ, những người có quan điểm độc lập, các công dân Mỹ ở khắp mọi miền, là đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết muôn người như một. Tôi cam kết với mỗi công dân của đất nước chúng ta : Tôi sẽ là tổng thống của mọi người Mỹ. 


Đối với những ai không ủng hộ tôi trong cuộc tranh cử này, tôi xin chìa tay ra với quí vị, để đón nhận những lời khuyên, những hỗ trợ của quí vị, để chúng ta có thể làm việc cùng nhau, phục vụ đất nước tuyệt vời của chúng ta ».


Đảng Cộng Hòa vẫn làm chủ Lưỡng Viện 


Trong cuộc bầu cử hôm qua, đảng Cộng Hòa Mỹ đã toàn thắng, vì cũng đã giành thắng lợi trong hai cuộc bầu cử quan trọng khác: Bầu lại một phần Thượng Viện, và bầu ra một Hạ Viện mới. Một cách tổng quát, đảng Cộng Hòa vẫn duy trì được quyền kiểm soát hai cơ quan lập pháp này. Thành công này sẽ cho phép tổng thống Trump dễ dàng hành động.


Trước lúc mở ra cuộc bầu lại một phần ba Thượng Viện Hoa Kỳ, hiện có 54 thượng nghị sĩ Cộng Hòa so với 46 thượng nghị sĩ Dân Chủ, đảng Cộng Hòa rất lo ngại vì có đến 24 ghế của đảng này trên tổng số 34 ghế phải thay đổi. Các cuộc thăm dò dư luận lại dự đoán là đảng Dân Chủ có thể chiếm được 4 ghế, thậm chí hơn nữa từ tay đảng Cộng Hòa.


Tuy nhiên, kết quả lại không như vậy. Ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa ra tái cử tại ba bang Pennsylvania, Bắc Carolina và Wisconsin vẫn được tín nhiệm trở lại, trái với kết quả thăm dò bất lợi trước đó. Chỉ có duy nhất một thượng nghị sĩ Cộng Hòa mãn nhiệm tại bang Illinois là bị thua vào tay đối thủ đảng Dân Chủ. Còn tại tất cả các đơn vị còn lại, đảng Cộng Hòa đã bảo toàn được lực lượng.


Đối với đảng Cộng Hòa, việc duy trì được quyền kiểm soát Thượng Viện rất quan trọng vì đây là một định chế tối quan trọng, có khả năng cản đường hay hỗ trợ đắc lực cho Nhà Trắng.


Ở Hạ Viện cũng thế. Trong cuộc bầu lại toàn bộ 435 dân biểu, theo kết quả dự phóng được hãng truyền thông NBC công bố, dù giành được thêm 8 ghế dân biểu, nhưng đảng Dân Chủ vẫn chỉ được tổng cộng 196 ghế trong Hạ Viện, trong lúc đảng Cộng Hòa vẫn giữ được đa số tuyệt đối với 236 dân biểu.


Nhìn chung, với quyền kiểm soát cả ba định chế Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ Viện – tức là cả hành pháp lẫn lập pháp, đảng Cộng Hòa Mỹ sẽ có thể dễ dàng thông qua các bộ luật theo ý muốn của mình, từ Hạ Viện qua Thượng Viện (hay ngược lai) để rồi chuyển lên cho tổng thống ban hành.


Những người ủng hộ Trump đón mừng thắng lợi


Bài phát biểu mừng chiến thắng của ông Donald Trump diễn ra khá đơn giản trong khách sạn Hilton tại New York trước khoảng 3.000 người ủng hộ. Không khí đón mừng thắng lợi không ồn ào và náo nhiệt như vốn có của những người ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử.


Đặc phái viên Gregoire Pourtier tại New York, 


Sau 8 giờ chờ đợi những người đầu tiên đến khách sạn Hilton, những người ủng hộ Donald Trump, trong tâm trạng bất ngờ và thăng hoa khi nghe nhà vô địch của họ phát biểu với tư cách là một tổng thống tương lai của nước Mỹ. Cuộc tập hợp của họ được đặt tên là “tiến lên giành chiến thắng”. Tuy nhiên cô Megane, một người tham gia mít tinh, thừa nhận trước đó đã không tin vào thắng lợi.


“Sáng nay tôi thực sự không mấy lạc quan, tôi đã nghĩ là chúng tôi đã thua và rồi các kết quả xuất hiện dần, sự phấn khích bắt đầu dâng cao. Tôi đứng giữa hội trường này trong 7 giờ đồng hồ, tất cả sẽ thay đổi từ bây giờ. Tôi không biết sẽ thế nào, nhưng chắc sẽ rất tuyệt vời”. 


Buổi tối ăn mừng không kéo dài mãi. Rời khách sạn Hilton, những người ủng hộ Donald Trump đều tươi cười mạn nguyện. Nhưng lúc này không có sự huênh hoang, phô trương. Trước đó ít phút, ba nghìn người dự trong hội trường đã gần như bị điếc tai vì tiếng reo hò. Ông Romance, 58 tuổi, không dấu được niềm vui:


“Thật tuyệt diệu, đó là một cuộc cách mạng, một trận động đất với Hoa Kỳ và cả thế giới nữa, trong đó có nước Pháp. Donald Trump đã có bài phát biểu rất hay và lịch lãm. Ông cảm ơn Hillary Clinton, ông kêu gọi đoàn kết, ông hứa sẽ làm việc hết mình vì đất nước. Ông đã làm tất cả một cách rất chuẩn, không một sai sót”. 


Trên đường phố, không khí có vẻ dịu hơn. Trước cửa khách sạn, vẫn còn vài trăm người ủng hộ Donald Trump đến để bày tỏ niềm vui mừng, nhưng cũng không ồn ào". - RFI


***

Ông Donald Trump hứa hẹn sẽ làm gì trong 100 ngày đầu ở Nhà Trắng? 


Trong lịch sử chưa từng có ứng viên tổng thống nào giống như nhà phát triển địa ốc New York này. 


Những lời phát biểu gây tranh cãi và quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư của ông đã làm nhiều người trong chính đảng Cộng hòa xa lánh ông, và gây chia rẽ nước Mỹ.


Nhưng lời cam kết sẽ "đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết" đã làm động lòng hàng triệu người Mỹ, những người cảm thấy họ bị chế độ bỏ rơi. 


Vậy chúng ta có thể trông đợi gì ở kỳ tổng thống của ông Trump? 


Tại một bài diễn văn ở Gettysburg, Pennsylvania hồi tháng trước, ông đã đưa ra một số cam kết ông sẽ thực hiện trong 100 ngày đầu sau khi nhậm chức. 


Dựa vào bài diễn văn này và những lần khác ông nói về các ưu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, chúng ta có thể trông đợi những điều sau:


100 ngày đầu:


Bắt đầu quá trình "đưa hơn hai triệu tội phạm và người nhập cư trái phép ra khỏi nước Mỹ"


Ngừng cho người dân các nước được miễn trừ thị thực vào Mỹ nếu các nước này từ chối không nhận lại công dân nước họ 


Làm vô hiệu lực tất cả các sắc lệnh của Obama


Hạn chế các quan chức Nhà Trắng trở thành các nhà vận động hành lang


Giới hạn nhiệm kỳ của các nghị sĩ


Hủy tất cả cá đóng góp vào các chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc


Dùng khoản tiền này để sửa chữa cơ sở hạ tầng ở Mỹ 


Gọi Trung Quốc là một quốc gia lũng đoạn tiền tệ


Ông Trump cũng đã có cam kết gây tranh cãi về việc xây một bức tường ở biên giới phía Nam và bắt Mexico trả tiền. Cho đến những ngày chót trong chiến dịch tranh cử, ông vẫn trấn an những người ủng hộ là ông sẽ thực hiện điều này, dù chúng ta chưa rõ ông sẽ làm thế nào và bao giờ.


Một ưu tiên nữa, mặc dù ông không nói trong diễn văn ở Gettysburg, là việc đàm phán lại các hiệp định thương mại, chẳng hạn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico. 


Ông nói các hiệp định này khiến nhiều việc làm ở Mỹ bị chuyển ra nước ngoài. 


Ông Trump còn cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông ca ngợi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. 


Liệu ông Trump có thành công? 


Tổng thống Trump không những sẽ có quyền lực với cả Hạ viện và Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm quyền - một điều xa xỉ mà người tiền nhiệm của ông chỉ có được trong hai năm - mà còn có quyền lực bổ nhiệm một vị trí còn trống trong Tối cao Pháp viện.


Việc ông tuyên bố làm vô hiệu hóa các sắc lệnh của Tổng thống Obama thì hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền lực tổng thống.


Kế hoạch không trục xuất năm triệu người không có giấy tờ của Obama đã bị một quyết định tòa án ở Texas cản trở và vẫn đóng băng sau khi bị kẹt lại ở Tối cao Pháp viện. 


Đó là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất và sẽ có ít hy vọng được tiếp tục dưới triều đại Trump. 


Tương tự, ông Trump cũng sẽ làm vô hiệu quyết định của ông Obama buộc tất cả những người bán vũ khí phải được cấp giấy phép và kiểm tra nhân thân. Kể cả quyết định bác chính sách miễn giấy phép cho một số người kinh doanh súng qua mạng cũng sẽ bị hủy bỏ.


Nhưng nhiều thành viên Cộng hòa đã không ủng hộ Trump, cho nên dẫu đảng Cộng hòa đang ở thế mạnh nhất trong hơn một thập kỷ, ông Trump nhận trách nhiệm lãnh đạo đảng với những thái độ phản kháng. 


Đấy là chưa kể đến các phản đối ông sẽ gặp phải từ phe Dân chủ. 


Ông cũng bước vào Nhà Trắng như một ứng viên tổng thống ít được lòng dân nhất trong lịch hiện đương đại, sau một loạt những câu nói gây tranh cãi của ông về phụ nữ và người gốc Mỹ Latin, và nhiều vấn đề khác nữa. - BBC


***

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến giá cổ phiếu trên thị trường toàn cầu giảm mạnh, làm suy yếu đồng đôla Mỹ, và khiến dầu rớt giá.


Chỉ số chứng khoán Châu Âu sụt giảm 2,7 phần trăm sáng sớm thứ Tư, nhưng những thiệt hại được bù lại phần nào trong phiên giao dịch sau đó. Ở Châu Á, chỉ số NIKKEI của Nhật Bản giảm gần 5,4 phần trăm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 2,3 phần trăm. Nhiều nhà đầu tư chuyển tiền vào những hình thức đầu tư trú ẩn an toàn như vàng. Giá kim loại quý tăng 3,7 phần trăm.


Tại Bangkok, nhà phân tích Vikas Kawatra của công ty SCB Securities nói với thông tín viên Ron Corben của đài VOA rằng sự sụt giảm nêu bật sự bất định về những lời hứa của ông Trump bãi bỏ những quy định kinh doanh và đưa ra những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thương mại.


Tuy nhiên, nhà đầu tư tỉ phú Carl Icahn và là người ủng hộ ông Trump nói với báo Wall Street Journalrằng ông Trump dự định sẽ bãi bỏ những quy định và điều đó sẽ giúp doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.


Những nhà phân tích khác ở New York nói với thông tín viên Jill Malandrino của VOA rằng nỗ lực bãi bỏ những quy định của ông Trump có thể có ích cho lĩnh vực khoan dầu và ngân hàng. Nhưng họ cũng nói rằng chính sách thương mại hạn chế của ông có thể gây tổn hại doanh thu ở nước ngoài cho những công ty đa quốc gia. - VOA


***

Là tỷ phú, sao của chương trình truyền hình thực tế, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong cuộc bầu cử hôm 08/11/2016. Khi Donald Trump dấn thân cho tham vọng lớn ở tuổi 70, không mấy ai tin vào một nhà kinh doanh với tính khí bốc đồng, ăn nói văng mạng có thể đi đến đích cuối cùng, bước vào Nhà trắng.


Thế nhưng với một nguồn nghị lực sung mãn hiếm có, nhà tỷ phú thuộc đảng Cộng Hòa đã làm sai lệch mọi dự báo của giới quan sát, làm nên một địa chấn chính trị, trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, lãnh đạo cường quốc kinh tế, quân sự lớn nhất thế giới.


Ông Donald Trump, tên đầy đủ là Donald John Trump, sinh 14/06/1946 tại New York, là con thứ tư trong gia đình có 5 người con. Cha ông là Fred Trump, một nhà tài phiệt trong lĩnh vực bất động sản. Sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế tại Đại học Pennsylvania, Donald Trump bước vào sự nghiệp kinh doanh, làm việc tại công ty của cha ông. Đến năm 1974 thì đứng ra lập công ty riêng và cũng nhanh chóng thành công trong lĩnh vực bất động sản.


Donald Trump đã nhanh chóng thành công trong sự nghiệp làm ăn. Hiện ông nắm trong tay vô số danh mục bất động sản, bao gồm các khách sạn nổi tiếng, khu giải trí, casino, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp ở rất nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới. Đế chế bất động sản của Trump đã được xây dựng trên những công trình đồ sộ.


Donald Trump cũng nổi tiếng với những vụ ly dị ồn ào. Kết hôn 3 lần, có 5 người con. Người vợ hiện tại của ông là bà Malania Trump, một người mẫu gốc Slovania, kết hôn cách đây 11 năm.


Sự nghiệp chính trị của Donald Trump chỉ được chú ý tới khi ông thông báo ra ứng cử tổng thống Mỹ hồi tháng 6/2015. Donald Trump đã liên tiếp tạo bất ngờ khi lần lượt đánh bại 12 đối thủ ở cuộc bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ, chạy đua với ứng viên của đảng Dân Chủ Hillary Clinton.


Chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, bằng những phát biểu gây sốc mạnh về những vấn đề chính trị, bằng những hứa hẹn làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, nước Mỹ là trước tiên, bằng cách khơi dậy nỗi lo sợ của người dân Mỹ, Donald Trump đã tạo sự khác biệt về một nhà chính trị có nhãn quan lãnh đạo đất nước.


Với Donald Trump không có gì là kiêng kỵ. Ông dám nói tất cả một cách theo bản năng không cần suy nghĩ cho dù điều đó có đụng chạm đến ai. Donald Trump không ngần ngại lên án “một hệ thống gian lận của các chính trị gia tha hóa", hay lên án truyền thông “đầu độc tinh thần người dân Mỹ”. Donald Trump biết đưa ra những giải pháp đơn giản nhưng có phần cực đoan cho những vấn đề cho đến giờ là nhạy cảm khó xử với các nhà chính trị truyền thống. Như xây tường, trục xuất người nhập cư lậu đến từ Mêhicô hay cấm cửa với những người Hồi Giáo để đối phó với khủng bố.


Về quan hệ đối ngoại của nước Mỹ, cũng bằng những ngôn từ mạnh mẽ, không ngại thô bạo, Donald Trump là người chỉ trích mạnh mẽ mọi đường lối chính sách của Hoa Kỳ từ trước đến nay, coi đó là nguyên nhân đẩy người dân Mỹ vào cảnh mất công ăn việc làm.


Lúc này trước mắt Donald Trump là làm sao để những lời hứa trong cuộc vận động tranh cử trở thành hiện thực giống như giấc mơ trở thành tổng thống Hoa Kỳ của ông. - RFI

|

|


2.

Trump đắc cử, TT Philippines nói không muốn cãi vã với Mỹ nữa --- Trump đắc cử, Nga sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ --- Mexico tuyên bố không chi tiền cho Trump xây tường biên giới


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 9/11 chúc mừng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và tuyên bố muốn chấm dứt cãi cọ với đồng minh Hoa Kỳ, đồng thời nhắc lại sự bất bình với chính quyền Obama vì đã chỉ trích ông.


Nhà lãnh đạo "phá cách" này, thường được gọi là “ông Trump của phương Đông” vì những phát ngôn thiếu kìm chế đôi khi còn dùng lời lẽ thô tục, nhiều lần chỉ trích Washington trong những tháng gần đây và dọa hủy bỏ hiệp ước quốc phòng cũng như chấm dứt những cuộc tập trận chung với Mỹ.


Trong một bài phát biểu trước cộng đồng Philippines nhân chuyến viếng thăm Malaysia, ông Duterte nói: “Tôi muốn chúc mừng, hoan hô ông Donald Trump.”


Ông Duterte nói: “Tôi không muốn cãi vã nữa, vì ông Trump đã đắc cử.”


Ông Duterte đắc cử Tổng thống Philippines vào tháng 5 năm nay với một đa số áp đảo và thường được so sánh với ông Trump, tự xem mình như là một ứng cử viên thay thế bên ngoài chính trị quốc gia.


Ông tranh cử trên nền tảng dân túy, chống sự thiết lập hiện có và có đồng tiếng nói với thường dân Philippines với những hứa hẹn sửa đổi lại điều ông gọi là một đất nước đang đổ vỡ.


Tuy nhiên cho đến nay điều ngạc nhiên lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Duterte là sự thù nghịch với nước Mỹ, hầu như hàng ngày ông đều nổi giận về những quan ngại của Mỹ đối với vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông.


Ông cũng liên tiếp đe dọa làm trầm trọng mối liên hệ quân sự vốn là yếu tố chính trong chính sách xoay trục sang châu Á của Washington.


Ông Duterte hôm 9/11 cũng bày tỏ phẫn nộ với Washington, nói rằng Mỹ đe dọa cắt viện trợ và đối xử với Philippines như một con chó bị xiềng xích.


Ông Teddy Locsin Jr, đại sứ sắp tới của Philippines tại Liên hiệp quốc, nhận xét có vài điểm song hành giữa ông Duterte và ông Trump, người đã làm thế giới sửng sốt vì đã đánh bại đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11 vừa qua. - VOA


***

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ngày 9/11 tuyên bố Moscow sẵn sàng khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ với Mỹ sau khi ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. 


Ông Putin nói ông từng nghe thấy những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông Trump về cải thiện quan hệ với Moscow và rằng Nga sẵn sàng góp phần đạt được điều đó nhưng công nhận rằng không dễ. 


Tổng thống Nga nói các mối quan hệ song phương cải thiện sẽ có lợi cho cả hai nước. 


Chiến thắng của ông Trump có thể mang lại cho Moscow một phần thưởng lớn, đó là dỡ bỏ hoặc xóa hẳn các trừng phạt của Mỹ và Châu Âu đối với Nga sau khi Moscow sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine và hậu thuẫn các phần tử ly khai ở miền đông Ukraine. 


Đồng rúp của Nga và chỉ số chứng khoán của nước này tăng giá trị sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.


Ông Putin mô tả ông Trump là người rất ‘tài năng’, và ngược lại, ông Trump từng ca ngợi ông Putin làm lãnh đạo tốt hơn Tổng thống Obama.


Tuy nhiên, nỗ lực của ông Trump muốn giảm bớt các hạn chế trong giao thương với Nga có thể bị ngăn trở bởi Quốc hội Mỹ vốn không mấy kiên nhẫn với các bước tiến quân sự của Kremlin.


Ông Trump từng nói có thể sẽ gặp ông Putin trước khi tuyên thệ nhậm chức, nhưng phát ngôn nhân của ông Putin cho hay hiện chưa có kế hoạch cho một cuộc gặp như thế. - VOA


***

Mexico ngày 9/11 tuyên bố sẽ không chi tiền xây tường biên giới sau khi ông Donald Trump bất ngờ dành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Các giới chức Mexico cũng chưa có hành động nào hỗ trợ đồng peso dù tiền tệ Mexico chỉ trong đêm qua đã chạm mức thấp nhất trước nay.


Khi ông Trump tiến tới chiến thắng chung cuộc, đồng peso sụt giá 13%, mức thấp nhất kể từ đợt rớt giá trong cuộc khủng hoảng Tequila cách đây 22 năm.


Những lời đe dọa của ông Trump đòi sửa lại hiệp định thương mại NAFTA với Mexico, đánh thuế kiều hối di dân Mexico gửi về quê nhà để chi trả cho việc xây dựng một bức tường trên biên giới miền Nam Hoa Kỳ đã khiến đồng peso đặc biệt dễ bị tổn thương trước các sự kiện trong cuộc đua Tổng thống Hoa Kỳ.


Tổng thống Enrique Pena Nieto tuyên bố trên Twitter rằng sẵn sàng làm việc với ông Trump và nói rằng các nước láng giềng là những người bạn “nên tiếp tục làm việc với nhau vì sự cạnh tranh và phát triển của Bắc Mỹ”.


Tuy nhiên, Ngoại trưởng Claudia Ruiz Massieu nhắc lại rằng Mexico sẽ không chi trả cho bức tường biên giới theo đề xuất của ông Trump.


Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch nói rằng chiến thắng của ông Trump có thể tăngthêm nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế của Mexico, trong khi công ty Moody cảnh báo chính phủ Mexico có thể không đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách nếu các dòng chảy thương mại hoặc đầu tư nước ngoài cho Mexico lụi tàn dưới thời ông Trump làm Tổng thống Mỹ. - VOA

|

|


3.

Biển Đông: Báo Trung Quốc đe Ấn Độ sẽ tổn thất nặng nếu theo Nhật


Hoàn Cầu Thời Báo vào hôm nay, 09/11/2016, lại đe dọa Ấn Độ là phải cẩn thận, đừng để bị lôi kéo vào tranh chấp ở Biển Đông, nếu không nghe lời, New Delhi sẽ bị tổn thất nặng nề.


Theo hãng tin Ấn Độ PTI, trong một bài xã luận, tờ báo phổ thông đại chúng của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cảnh cáo rằng New Delhi có nguy cơ phải chịu "tổn thất lớn" trong lãnh vực thương mại song phương với Bắc Kinh, nếu cùng với Tokyo yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của một tòa trọng tài quốc tế, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.


Đối với Hoàn Cầu Thời Báo, Ấn Độ và Trung Quốc nên dồn sức giải quyết các vấn đề cán cân thương mại hai bên, chứ "Ấn Độ sẽ không lợi lộc gì khi dùng Nhật Bản để cân bằng Trung Quốc".


Tờ báo nhắc lại rằng chính Philippines, quốc gia kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài đã vừa khôi phục lại quan hệ với Bắc Kinh.


Tờ báo còn gay gắt cho là Ấn Độ không có tranh chấp gì ở khu vực, và đã tự đánh giá quá cao ảnh hưởng của mình trong vùng, và đã bị Hoa Kỳ và Nhật Bản lôi kéo.


Hoàn Cầu Thời Báo đã lên tiếng sau khi báo chí Ấn Độ tiết lộ là nhân chuyến đi Nhật Bản tuần này của thủ tướng Narendra Modi, phía Ấn sẽ yêu cầu Tokyo hỗ trợ và hai bên sẽ đưa ra một thông cáo chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.


Đây được xem là đòn trả đũa của New Delhi, vì bị Trung Quốc ngăn chặn không cho vào Nhóm các nhà cung cấp về hạt nhân (NSG). - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Vì sao bà Hillary Clinton thất bại? --- Dù thất cử, Clinton có thể hơn Trump về số phiếu phổ thông


Đây chắc chắn là cuộc bầu cử khác thường nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, là một cuộc nổi dậy chống lại nền tảng chính trị.


Không mấy người có thể đại diện cho thể chế chính trị tốt hơn bà Hillary Clinton. Trong chiến dịch này, với hàng triệu cử tri giận dữ, bà trở thành gương mặt của nền chính trị đổ vỡ.


Donald Trump đã thuyết phục được đủ lượng cử tri ở đủ số bang rằng ông có thể đem lại giải pháp hàn gắn. Vị tỷ phú thành công trong việc phác họa mình là kẻ hoàn toàn đứng ngoài hệ thống chính trị, chống lại đối thủ là một người hoàn toàn đứng trong hệ thống đó. Ông là ứng viên nổi dậy. Bà đại diện cho việc giữ nguyên hiện trạng.


Bà Hillary liên tục tuyên bố rằng bà là ứng viên có có năng lực nhất cho vị trị tổng thống.


Bà liên tục nhắc tới lý lịch bản thân - kinh nghiệm khi còn là đệ nhất phu nhân, thượng nghị sỹ của New York, ngoại trưởng.


Nhưng trong kỳ bầu cử điên loạn này, nơi có quá nhiều sự giận dữ và bất bình, những ai ủng hộ Donald Trump coi việc có kinh nghiệm và bằng cấp là điểm trừ lớn. 


Rất nhiều người tôi đã nói chuyện trong chiến dịch này - nhất là ở thành phố công nghiệp thép cũ Rust Belt - muốn có một doanh nhân trong Tòa Bạch ốc hơn là một người theo nghiệp chính trị. Rõ ràng là họ chán ghét Washington.


Thế nên, họ cũng ghét bà. Đó là cảm tính. 


Tôi còn nhớ rất rõ khi nói chuyện với một phụ nữ trung niên ở Tennessee, một người miền Nam đầy cuốn hút và vô cùng lịch lãm. Nhưng khi nhắc tới Hillary Clinton, cách hành xử của bà thay đổi hẳn.


Từ lâu, bà Clinton đã gặp phải vấn đề về niềm tin, đó cũng là lý do vì sao vụ tai tiếng thư điện tử lại phủ bóng rộng tới vậy. Bà có vấn đề về sự chân thật. Bà được coi là bậc cao tu của tầng lớp tinh hoa bên bờ Đông, nhìn xuống, cười nhạo lớp người lao động.


Sự giàu có mà gia đình Clinton có được kể từ khi rời Tòa Bạch ốc không giúp ích gì cho bà trong chiến dịch này. Người ta thấy cặp đôi từng là đệ nhất nước Mỹ không phải đi trong những chiếc xe limousine sang trọng, mà là trên những chiếc phi cơ Lear Jet sang trọng. 


Một lần nữa, sự giàu có của họ làm trầm trọng hơn vấn đề với các cử tri ở tầng lớp lao động, đến mức mà người ta vui vẻ bỏ phiếu cho một tài phiệt địa ốc.


Ở nơi có số phụ nữ bỏ phiếu đông hơn nam giới tới hàng triệu người, người ta đã tưởng rằng giới tính là lợi thế lớn của bà. Nhưng cũng rõ ràng là trong kỳ bầu cử sơ bộ trước đối thủ cùng đảng Bernie Sanders, bà cũng đã rất chật vật vận động các nữ cử tri trẻ, nhất là trong bối cảnh bầu ra một nữ tổng thống đầu tiên của đất nước nhằm phá bỏ ranh giới vô hình trong nền chính trị toàn cầu. 


Nhiều phụ nữ cũng không mấy hào hứng với bà. Một số còn nhớ điều bị coi là nhận xét mang tính chê bai của bà khi còn là đệ nhất phu nhân, khi bà nói bà nói không muốn ở nhà nướng bánh.


Khi Donald Trump cáo buộc chính bà đã phần nào gây ra vụ ngoại tình của chồng, và về việc công kích những phụ nữ nói bị Bill Clinton gạ gẫm, rất nhiều phụ nữ gật đầu đồng tình.


Lòng tin tuyệt đối, sự lỗi thời, thói phân biệt giới tính cố hữu cũng phần nào là nguyên do: rất nhiều cử tri là nam giới không muốn bầu cho một nữ tổng thống.


Trong một năm khi mà rất nhiều người Mỹ muốn có thay đổi, bà dường như chỉ đưa ra những đề nghị không có gì mới. 


Để một đảng có thể thắng lợi ở nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vẫn luôn rất khó khăn. Đảng Dân chủ chưa từng làm được điều này kể từ hồi thập niên 1940. Nhưng vấn đề còn tồi tệ hơn khi nhiều cử tri đã chán ngán với nhà Clinton.


Bà Hillary Clinton không phải là một nhà vận động có phong thái tự nhiên. Những bài phát biểu của bà thường vô vị và thậm chí máy móc. Những gì bà nói nhiều khi nghe như chỉ là âm thanh - được tạo dựng từ trước, và với một số người là thiếu chân thật. 


Vụ tai tiếng thư điện tử gần đây lại được đưa ra săm soi khiến độ ủng hộ dành cho bà bị phân tán đáng kể, và khiến bà kết thúc chiến vận động tranh cử với một thông điệp tiêu cực.


Bà phải rất chật vật mới có thể tổng kết được tầm nhìn của mình về nước Mỹ. 


Câu slogan của bà, "Mạnh hơn khi bên nhau", nghe vẫn không sinh động bằng "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump. Thực thế, chiến dịch của bà Clinton đã thử qua hàng chục khẩu hiệu khác nhau, cho thấy bà khó khăn trong việc đưa ra được một thông điệp.


Chiến dịch của bà cũng phạm phải những lỗi chiến thuật. Nó tập trung nguồn lực và thời gian ở những bang mà bà không cần phải thắng, như North Carolina và Ohio, thay vì dành thời gian mở rộng và củng cố bức tường xanh, với 18 bang đã liên tục bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong sáu kỳ bầu cử qua. 


Ông Trump, với sự giúp sức của nhóm cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, phần nào đã phá bỏ được bức tường đó khi chiếm được Pennsylvania và Wisconsin, những bang chưa từng bỏ phiếu cho Cộng hòa kể từ năm 1984.


Đây không chỉ là sự phủ nhận Hillary Clinton mà còn là sự phủ nhận của phân nửa dân chúng nước Mỹ của Barack Obama, nhưng đó lại là chuyện dành cho một ngày khác. - BBC


***

Dù chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump dường như thua bà Clinton về số phiếu phổ thông, trở thành Tổng thống Cộng hòa thứ hai liên tiếp bị thua số phiếu phổ thông.


Hai ngày trước bầu cử, ông Trump đã nhắn tin trên mạng xã hội rằng: "Cử tri đoàn là thảm họa cho nền dân chủ.'' Tuy nhiên, không có Cử tri đoàn, doanh nhân lộng ngôn này đã không vào được Tòa Bạch Ốc.


Dù quá trình kiểm phiếu còn tiếp diễn trên cả nước, bà Clinton đang dẫn trước sít sao về số phiếu phổ thông, theo kết quả chưa chính thức mà AP theo dõi. Với gần 125 triệu phiếu đã đếm, bà Clinton chiếm 47,7% và ông Trump được 47,5%, nghĩa là bà Clinton hơn ông Trump khoảng 236.000 phiếu.


Lần cuối cùng một ứng cử viên Tổng thống thất cử dù nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn là vào năm 2000, khi đảng viên Dân chủ Al Gore thua đảng viên Cộng hòa George W. Bush.


Bang có nhiều phiếu chưa kiểm xong là ở California. Tiểu Bang Washington, New York, Oregon và Maryland cũng còn nhiều phiếu chưa đếm. Clinton dẫn đầu tất cả các bang này, và nếu xu hướng này giữ vững, bà sẽ dẫn trước ông Trump hơn 1 triệu phiếu.


Ngoài ra, còn nhiều phiếu chưa đếm hết tại Arizona và Alaska, hai bang nghiêng về Cộng hòa. Nhưng số phiếu chưa đếm ở các bang Dân chủ vượt xa hai bang này.


Theo hệ thống Cử tri đoàn, mỗi tiểu bang được một phiếu đại cử tri cho mỗi một thành viên đại diện của bang tại Quốc hội. California có nhiều đại diện tại Quốc hội nhất, với 55 người. Có bảy tiểu bang chỉ có 3 đại diện mà thôi. Thủ đô DC cũng có 3 đại diện dù vùng thủ đô không có phiếu biểu quyết tại Quốc hội.


Muốn đắc cử Tổng thống phải được 270 phiếu đại cử tri. ÔngTrump được 279 phiếu đại cử tri dù khó phân biệt thắng thua tại các bang sít sao như Michigan, New Hampshire và Arizona. - VOA

|

|


5.

Sinh viên Mỹ bỏ lớp, phản đối Trump


Hàng trăm sinh viên trên khắp tiểu bang California và các bang khác bỏ lớp hôm 9/11, nhiều người hô khẩu hiệu ‘Không phải Tổng thống của chúng ta’ để phản đối chiến thắng của ứng viên Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hôm 8/11.


Trong số các cuộc biểu tình lớn có cuộc biểu tình của khoảng 1.500 sinh viên và giáo viên tập trung tại sân trường trung học Berkeley ở California, và sau đó tuần hành về phía khuôn viên Đại học California tại Berkeley, một thành phố nổi tiếng về chính trị tiến bộ.


Trong trung tâm thành phố Los Angeles, một nhóm khoảng 300 học sinh trung học chủ yếu gốc Mỹ Latin từ khu học đường Miguel Contreras bỏ lớp và tuần hành tới tòa thị chính. Tại đây, các học sinh đã có cuộc biểu tình ngắn nhưng náo nhiệt. Một số quan chức của trường tháp tùng các em.


Các em hô vang các khẩu hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha rằng ‘Dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại’ và cầm các biểu ngữ như ‘Không ủng hộ phân biệt chủng tộc’, ‘Không phải Tổng thống của tôi,’ và ‘Di dân làm Mỹ vĩ đại.’


Đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa có bình luận tức thời.


Khoảng ¼ học sinh trường Miguel Contreras là thành viên của thế hệ ‘Những người ấp ủ giấc mơ Mỹ’,con cái của những phụ huynh vào Mỹ không có giấy tờ với nỗi lo chính là sợ bị trục xuất dưới chính quyền Trump.


Một trong những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là xây dựng một bức tường dọc theo biên giới với Mexico để ngăn dân nhập cư lậu và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.


Một vài trăm sinh viên khác cũng bãi trường tại Seattle, Phoenix và các thành phố Oakland, El Cerrito và Richmond thuộc khu vực Vịnh San Francisco. Hàng trăm sinh viên tại trường Đại học Texas cũng biểu tình trong khuôn viên trường, theo truyền thông địa phương và hình ảnh video trên phương tiện truyền thông xã hội.


Các cuộc biểu tình chống Trump cũng được lên kế hoạch vào chiều tối 9/11 tại New York, Boston, Chicago và các thành phố khác, theo thông tin truyền thông xã hội. Trang Facebook của cuộc biểu tình dự kiến tại Công viên Quảng trường Liên bang thuộc Manhattan cho biết hơn 8.000 người lên kế hoạch tham dự.


Tại Austin, Texas, khoảng 400 người tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa tuần hành qua các đường phố của thủ phủ Texas, cảnh sát cho biết.


Người biểu tình đập phá cửa sổ các cửa hàng và nổi lửa đốt rác, lốp xe tối hôm 8/11 tại trung tâm thành phố Oakland, phía bên kia Vịnh San Francisco. 


Cách đó vài dặm, sinh viên tại Đại học California tại Berkeley cũng tổ chức biểu tình phản đối ngay trong khuôn viên trường. - VOA

|

|


6.

Ngành than đá Mỹ nhìn vào tương lai sau thời hoàng kim


Tại miền đông tiểu bang West Virginia, kho tàng nhiều thế hệ thợ mỏ tìm thấy được lâu nay không phải là vàng hay bạc mà là những mạch than đá chìm sâu bên dưới những dãy núi hiểm trở của bang. Than đá giúp tài trợ cho quân đội Liên bang trong suốt cuộc Nội chiến Mỹ cách đây hơn một thế kỷ rưỡi.


Than đá cũng thu hút các thợ mỏ di dân từ châu Âu đến và giúp các ngành công nghiệp khác hoạt động. Tuy nhiên với sự phát triển của dầu mỏ, khí đốt và các loại năng lượng tái tạo khác cùng với sự kiểm soát khắc khe về khí thải, than đá giờ đây không còn là nguồn lợi của nhiều địa phương nữa.


Vào đầu tháng 6 năm nay, bà Tammy Mondrage, một y tá tại Trường Trung học Ridgeview vùng tây nam Virginia, mất việc khi Hội đồng Giáo dục cắt giảm hơn 40 việc làm vì lý do ngân sách.


Bà Mondrage, gần 50 tuổi là người làm việc chính để nuôi sống gia đình gồm 4 người và tin này làm bà choáng váng nhưng bà không thực sự ngạc nhiên.


Bà nói:


“Cắt giảm ngân sách xảy ra khi công nghiệp than đá suy thoái. Trong quận hạt này, nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục nữa và do đó ảnh hưởng đến tôi.”


Bà Mondrage hiện cư ngụ tại ấp Steinman. Ấp này được đặt theo tên của Anh em Steinman, người đã điều hành một mỏ than trong khu vực này cách đây một thế kỷ.


Nhờ công nghiệp than đá, cư dân trong vùng trước kia hầu như không bị ảnh hưởng vì ngân sách thiếu hụt hay thất nghiệp.


Tuy nhiên mọi việc bắt đầu trở nên khó khăn cách đây một năm khi ông David, chồng bà Tammy mất việc tại Công ty Than đá Paramont.


Than đá là một thành phần thiết yếu trong nền kinh tế Mỹ kể từ cuối thế kỷ 19 và là nguồn năng lượng chính. Tại vùng Appalachian, những người như gia đình bà Mondrage dựa vào công nghiệp than đá để mưu sinh trong nhiều thế hệ.


Tuy nhiên do những qui định chặt chẽ về khí thải các-bon, giá dầu hạ và nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch, sản xuất than đá đã sụt giảm trong vài năm qua. Theo như Cơ quan Quản trị Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, chỉ trong hai năm 2014 và 2015 không thôi, sản xuất than đá trong nước giảm 10%.


Điều này gây thiệt hại cho những cộng đồng phụ thuộc vào than đá, nhiều nơi thuộc vùng Núi Appalachian.


Ông Earl Gohl, đồng chủ tịch liên bang của Uỷ ban Vùng Appalachian ARC nói “Trong 100 năm qua hay hơn nữa, nhiều cộng đồng chỉ có một nguồn làm việc, một nguồn lợi tức và khi than đá sụt giảm trầm trọng thì hiện nay điều quan trọng là có bước kế tiếp và làm việc với các quận hạt để thực hiện việc chuyển đổi này.”


Những cộng đồng địa phương trong vùng Núi Appalachian đã bắt đầu, dù vẫn còn chần chừ, nghĩ đến việc đa dạng hóa nền kinh tế địa phương. Một số quận tại Virginia, với sự giúp đỡ của các đối tác chính phủ đang thực hiện những dự án để thu hút du khách và những người ưa mạo hiểm.


Nằm giữa những dãy núi xanh, thị trấn nhỏ Cleveland tại Quận Russel, tiểu bang Virginia vào giữa thế kỷ qua từng có 4 cửa hàng thực phẩm, một vài ngân hàng, một khách sạn và một nhà ga xe lửa.


Tuy nhiên dân số Cleveland đã sụt giảm chỉ còn khoảng một phần tư so với những năm 1950. Không còn những cửa hàng, khách sạn như thế nữa, và Thị trưởng David Sutherland cho biết tất cả các trường học đều đóng cửa vì thiếu ngân sách.


“Trường cấp 3 đóng cửa, rồi trường cấp 2 đóng cửa, trường tiểu học còn lại cũng đóng cửa cách đây 3 năm. Do đó vào lúc này, chúng tôi không còn trường học nào cả.”


Tuy nhiên Cleveland có những điều mà ngành than đá suy thoái không thể ảnh hưởng đến đó là những đường mòn đẹp đẽ trên núi và con sông Clinch, chảy xuyên qua thị trấn. Cộng đồng địa phương cùng với các đối tác địa phương và tiểu bang, đang thực hiện một dự án hành động để phát triển du lịch trong khu vực. Và mới đây, một doanh nhân đã mở một cửa hàng gần tòa thị chính cho thuê thuyền bè.


Thị trấn Haysi gần đó cũng cải thiện hạ tầng cơ sở với hy vọng thu hút du khách và các doanh nhân.


Thị trưởng Larry Yates nói:


“Chúng tôi đã làm nhiều việc để cải thiện mặt tiền của các tòa nhà. Chúng tôi đã thay cửa sổ và cửa ra vào mới và sơn lại mới, lắp đặt hệ thống đèn mới, hệ thống bảng hiệu mới, đại loại như thế, cho các tòa nhà. Chúng tôi cũng chỉnh trang lại các lối đi trên hè phố.”


Tại Quận Tazewell, Đường mòn Spearhead được phát triển và mở thêm con đường nhỏ dài 37 dặm dùng cho loại Xe chạy được mọi Địa thế ATV gần một mỏ than để những người thích phiêu lưu sử dụng.


Những nỗ lực trong vùng cũng đang được tiến hành để giáo dục người trẻ địa phương về những lãnh vực chưa bao giờ được xem xét trước đây vì đời sống trong vùng chỉ trông cậy vào ‘vàng đen.’


Với nhu cầu than đá sụt giảm, một số quận tại Virginia hiện đang tiến hành những những dự án để thu hút du khách và những người thích phiêu lưu.


Bà Tammy Mondrage nói:


“Khi tôi lớn lên mọi người đều là con của thợ mỏ. Bạn biết đó quận này là như vậy. Cộng đồng này là như vậy, ai cũng biết, lớn lắm.”


Vào thời kỳ thịnh hành nhất của kỷ nguyên than đá, các cậu bé 15, 16 tuổi thường có việc làm trong mỏ than đá và không thấy cần thiết theo học đại học.


Anh Zachary Mondrage, 24 tuổi, con trai của bà Mondrage cũng làm như vậy. Tuy nhiên sau khi mất việc tại Công ty Than đá Paramont, nơi cha anh làm việc, anh đang nghiên cứu để bước vào lãnh vực phiêu lưu và du lịch.


“Lý do tại sao tôi quyết định đi vào lãnh vực này vì tôi luôn luôn thích săn bắn, câu cá và hưởng thụ những sinh hoạt ngoài trời. Và tôi nghĩ đây là một cơ hội nghề nghiệp to lớn để dấn thân vào.”


Dù các hoạt động kinh tế đang tiến triển mạnh tại quận có mỏ than, nhưng với một số người, không dễ để nhận ra rằng cũng như thuốc lá, ngành than đá sẽ sớm lùi vào lịch sử. Tuy nhiên phải mất vài thế hệ để thay đổi nền kinh tế trong vùng.


Bà Tammy có thể không còn nhiều thời gian, kiên nhẫn, hay nguồn lực để chờ đợi nhưng anh Zachary có thể có nhiều sự lựa chọn khi những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế bắt đầu cho thấy kết quả. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


7.

Giới hoạt động VN phản ứng với chiến thắng của ông Trump


Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump vào sáng sớm ngày 9/11 đã gây chia rẽ, không những chỉ trong nước Mỹ, mà trên thế giới. Một số nhà hoạt động dân chủ, bênh vực nhân quyền lo sợ chính sách tương lai của tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ có tác động tiêu cực đối với phong trào dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, giới hoạt động tại Việt Nam không hẳn đồng tính với ý kiến đó.


Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, nói hãy còn quá sớm để đánh giá những tác động có thể có của các chính sách của Tổng thống tân cử Trump đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông A bày tỏ sự quan ngại lẫn niềm hy vọng về tổng thống tân cử của Hoa Kỳ:


“Nếu ông Trump làm đúng như những điều mà ông đã nói trong suốt một năm rưỡi tranh cử qua, thì tôi nghĩ là một tai họa cho cả thế giới, chứ không phải chỉ tác động trên đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Vì ông ấy đánh giá mọi thứ theo quan điểm của một con buôn: lời lãi, chi phí, tốn kém. Và ông ấy co cụm về chính sách riêng của Mỹ thôi. Tôi nghĩ có thể khi ông ấy vào ngồi trong Nhà Trắng thì ông ấy bị những ràng buộc của thực tế, nó sẽ điều chỉnh hành động của ông ấy không giống như những điều mà ông ấy nói trong 1,5 năm qua”.


TS. Nguyễn Quang A cho rằng cuộc bầu cử ở Mỹ có những “điểm cộng” và “điểm trừ”. Điểm cộng, theo TS. Quang A, là cuộc bầu cử diễn ra công khai, minh bạch, sôi nổi và có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nhưng nhà hoạt động cũng cho rằng cuộc bầu cử vừa diễn ra ở một quốc gia được xem là đại diện cho tinh thần dân chủ cũng có những điểm tiêu cực. 


Ông nói: “Một điểm dở mà tôi nghĩ không cần phải học là kiểu cạnh tranh bới móc lẫn nhau, rất tốn tiền bạc. Miệt thị lẫn nhau chỉ để triệt đối thủ bằng mọi giá của cả hai ứng cử viên vừa rồi, tôi nghĩ là điểm không nên học chút nào”.


TS. Quang A nói cuộc đấu tranh cho dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và cam go, ngay cả tại nước Mỹ. Theo TS. Quang A, mỗi khi có sự lơ là trong đấu tranh dân chủ thì có thể thấy một sự thụt lùi về dân chủ, chẳng hạn như tình trạng tại Thái Lan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ… hiện nay.


Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho VOA biết ông rất vui với kết quả bầu cử ở Mỹ và không hề lo lắng về những điều “thị phi” lâu nay liên quan tới tổng thống tân cử của Hoa Kỳ.


Ông Tuyến cho biết: “Tôi không thể hiểu hết được ông Trump, nhưng trong giai đoạn tranh cử thì ông ấy có thể sử dụng những cái ‘chiêu’. Khi ông thắng cử trở thành tổng thống, ông sẽ có những lời lẽ với cương vị của một tổng thống. Nó sẽ khác hẳn với phát ngôn của một người khi còn là ứng cử viên. Đặc biệt, tôi nghĩ ông Trump không phải được toàn quyền tất cả. Mà nước Mỹ là tam quyền phân lập cho nên bên lập pháp, tư pháp cũng sẽ có những tác động để điều chỉnh ông ấy và những chính sách của ông ấy có ảnh hưởng đến nước Mỹ hoặc thế giới”.


Mặc dù đang bận rộn với công tác cứu trợ lũ lụt ở miền Trung, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cũng theo dõi sát cuộc bầu cử ở Mỹ và cho biết ông ủng hộ ông Trump vì “tinh thần tự do Mỹ” nơi ông Trump.


Nhà hoạt động Lân Thắng nói: “Trên quan điểm của một người hoạt động xã hội cũng có quan tâm đến các vấn đề chính trị trong nước và quốc tế, tôi rất vui mừng đón nhận tin ông Trump thắng cuộc. Về mặt cảm tính, tôi cảm nhận ông Trump có các đặc tính của một doanh nhân rất mạnh mẽ, rất thành công. Và ẩn sâu bên trong con người ông là tinh thần tự do Mỹ. Tôi cho rằng tinh thần tự do Mỹ đấy chính là sức mạnh của nước Mỹ”.


Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng những chính sách của ông Trump trong tương lai sẽ không tạo ra một sự khác biệt đáng kể cho phong trào dân chủ và xã hội dân sự tại Việt Nam. Theo ông, chính người Việt Nam mới có khả năng tạo ra sự thay đổi đó:


“Tôi quan sát từ trước tới nay thì với phương pháp ngoại giao đu dây của Việt Nam, những cảnh báo, đòn trừng phạt của Mỹ nếu có đối với Việt Nam khi mà họ có những động thái đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp xã hội dân sự, vì họ đu dây nên những chính quyền Mỹ trước đây thực ra là ‘giơ cao, đánh khẽ’. Họ không có tác động thực sự nào đối với sự thay đổi về chất trong hoạt động đòi dân chủ, nhân quyền”.


Các nhà hoạt động đánh giá mô hình bầu cử của Mỹ là những tiến bộ và sự hùng cường của Mỹ có được hôm nay là do có một hệ thống chính trị tốt đẹp và lành mạnh. - VOA

|

|


8.

Phụ nữ gốc Việt đầu tiên ở Florida vào Hạ viện Hoa Kỳ


Bà Stephanie Murphy, 38 tuổi, thuộc Đảng Dân chủ đã thắng đương kim Dân biểu Liên bang John Mica, 73 tuổi, thuộc Đảng Cộng hòa, trở thành thành viên Hạ viện Hoa Kỳ đại diện cho Địa hạt 7 tại bang Florida trong cuộc bầu cử ngày 8-11 vừa qua.


Theo New York Times, bà Murphy thắng lợi với số phiếu là 180.372 trong khi ông Mica chỉ đạt 169.947 phiếu, trong tổng số 350.319 phiếu. Bà phát biểu với báo giới rằng ngay khi đắc cử, bà sẽ cải thiện kinh tế cho Địa hạt 7 và tạo thêm công ăn việc làm cho cử tri.


Theo AP, John Mica từng là một dân biểu thâm niên đã nắm giữ chức vụ này trong suốt 12 nhiệm kỳ ở Hạ viện. Theo một thông cáo với báo chí, bà Murphy phát biểu rằng bà rất vinh hạnh được phục vụ địa hạt, biểu bang và liên bang và rất tự hào về thắng lợi của bà ở Florida cũng như giành được ghế vào Hạ viện Hoa Kỳ.


Bà Murphy chỉ thật sự ra tranh cử vào tháng 7 vừa qua khi bà xuất hiện tại Đại hội Đảng Dân chủ ở Philadelphia và được sự ủng hộ của các nữ dân biểu liên bang trên toàn quốc. Với sự tài trợ từ Đảng Dân Chủ, bà thực hiện chiến dịch quảng cáo cho cuộc tranh cử, bà cũng có một số quan điểm trùng với quan điểm của Đảng Cộng hòa, đặc biệt trong hai vấn đề về sử dụng súng và sức khỏe của phụ nữ.


Được biết bà Stephanie Murphy, có tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, là con gái của một gia đình Việt Nam tị nạn sang Hoa Kỳ năm 1979. Bà là một gương mặt hoàn toàn mới trên chính trường. Trước đây bà Murphy từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đảm nhiệm chức vụ phân tích viên an ninh đặc biệt, và sau đó đảm nhận chức vụ giáo sư ngành kinh doanh cho đại học Rollins College, Florida, và tham gia điều hành công ty chuyên về đầu tư Sungate Capital. - VOA

No comments:

Post a Comment