Sunday, November 6, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 6/11

Tin Thế Giới


1.

Indonesia tăng cường lực lượng quân sự ở sát Biển Đông


Để dự phòng các sự cố bắt nguồn từ tranh chấp Biển Đông, Indonesia sẽ tăng cường hệ thống vũ khí bố trí trên quần đảo Natuna. Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia đã xác nhận kế hoạch này vào hôm nay, 06/11/2016, sau khi tổng thống Widodo tuyên bố không nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền.


Theo nhật báo Indonesia Jakarta Post, phát biểu với các phóng viên, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết sẽ xây thêm một hải cảng tại Natuna, mở rộng thêm phi đạo tại căn cứ không quân trên đảo để có thể đón 4 chiến đấu cơ phản lực. Quân đội Indonesia sẽ đưa thêm chiến đấu cơ tới căn cứ không quân Ranai ở Natuna.


Quần đảo Natuna của Indonesia nằm sát Biển Đông. Dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng Indonesia từ lâu nay vẫn mạnh mẽ phản đối việc đường lưỡi bò của Trung Quốc ăn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna. Trước nhiều hành vi quyết đoán của Bắc Kinh, Jakarta đã quyết định tăng viện cho lực lượng quân sự đồn trú tại quần đảo này.


Theo bộ trưởng Ryacudu, Indonesia đã lên danh sách các hệ thống vũ khí cần thiết để bảo vệ vùng biên giới, đặc biệt là các loại trang thiết bị thích hợp cho việc bảo vệ biên giới trên biển chống lại các mối đe dọa tiềm tàng cho lãnh thổ.


Ông giải thích rằng "Dù không phải đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng vì Biển Đông rất gần cho nên Indonesia phải được chuẩn bị… Các hệ thống vũ khí của Indonesia đã tốt rồi, nhưng cần phải được bổ sung thêm để khỏi phải lúc nào cũng lo".


Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia được đưa ra sau khi tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm qua đã khẳng định với hãng truyền thông Úc ABC rằng Jakarta sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào trên vấn đề chủ quyền đất nước ở Biển Đông. Ông Widodo cũng có lời lẽ cứng rắn tương tự khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Úc Sydney Morning Herald.


Tuyên bố của tổng thống Indonesia được cho là một thông điệp cứng rắn gởi đến Trung Quốc vào lúc hai lãnh đạo Philippines và Malaysia có những động thái hòa hoãn với Bắc Kinh, cho dù đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông của hai nước này bị Trung Quốc thách thức. - RFI

|

|


2.

Biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông chống Trung Quốc


Ngày 06/11/2016 hàng ngàn người Hồng Kông tập hợp trước Tòa Án Cấp Cao, một nhóm nhỏ tuần hành trước trụ sở văn phòng liên lạc với Bắc Kinh, để phản đối Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động chính trị của Hồng Kông.


Theo hãng tin Pháp AFP đây là bước kế tiếp của khủng hoảng từ ba tuần qua tại Hội Đồng Lập Pháp tức Nghị Viện) Hồng Kông sau khi hai trong số bảy dân biểu thuộc cánh dân chủ vẫn chưa tuyên thệ. Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) đã khoác lên mình lá cờ Hồng Kông với biểu ngữ "Hồng Kông không thuộc về Trung Quốc". Cả hai đã bị chính quyền Hồng Kông kiện ra tòa.


Ngày 03/11/2016 Tòa Án Cấp Cao Hồng Kông bắt đầu xét đơn của chính quyền ông Lương Chấn Anh đòi tước quyền đại biểu Hội Đồng Lập Pháp của hai đại biểu Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng.


Một ngày sau, Hồng Kông thông báo là  ngày 07/11/2016, Quốc Hội Trung Quốc sẽ xét lại Luật Cơ Bản Hồng Kông- tức bản Hiến Pháp của đặc khu hành chính này. Văn bản nói trên thừa nhận nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" của Hồng Kông.


Đối với người dân tại vùng từng là thuộc địa của Anh Quốc này, tin trên là giọt nước làm tràn ly.


Trong cuộc xuống đường rầm rộ sáng nay trước trụ sở của Tòa Án Cấp Cao Hồng Kông và văn phòng liên lạc với Hoa Lục, người dân Hồng Kông một lần nữa đã nhấn mạnh rằng "Hồng Kông có một hệ thống luật pháp riêng và không nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh". - RFI

|

|


3.

Người Kurdistan biểu tình khắp Châu Âu chống tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ


Hàng ngàn người Kurdistan đã biểu tình ngày 05/11/2016, tại các thành phố lớn Châu Âu, đặc biệt là tại Cologne-Đức, để phản đối tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Ankara bắt giam các lãnh đạo và nghị sĩ đảng thân Kurdistan HDP một ngày trước đó.


Với khẩu hiệu: "Hãy ngăn chận chế độ độc tài Erdogan, 6.500 người Kurdistan đã xuống đường ở trung tâm thành phố Đức Cologne, mang theo cờ và biểu ngữ ủng hộ đảng HDP, có cả ảnh lãnh đạo đảng bị bắt, như ảnh của đồng chủ tịch trẻ Selahattin Demirtas.


Biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố khác ở Đức, nhưng không đông bằng: 2000 người ở Stuttgart, 1200 ở Brême.


Ở Pháp cũng có 2000 người tuần hành tại Paris theo cảnh sát với các tấm biểu ngữ như "Erdogan hãy dừng tay ! Đừng đụng đến đại biểu dân cử của chúng tôi", hay là "Thổ Nhĩ Kỳ dội bom, Châu Âu im lặng".


Ngoài Paris, cũng có 800 người biểu tình tại Rennes, 300 ở Marseille trong tiếng nhạc và với điệu vũ truyền thống của người Kurdistan. 300 người tuần hành tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ.


Vụ bắt các lãnh đạo và nghị sĩ đảng thân Kurdistan HDP đã gây lo ngại ở nước ngoài, vì đây là bước mới trong chiến dịch thẳng tay đàn áp đối lập từ ngày đảo chính thất bại vào tháng 7. Ngoài vụ bắt bớ kể trên, hôm qua, 9 lãnh đạo và nhà báo của tờ nhật báo đối lập Cumhuriyet cũng bị tạm giam.


Châu Âu cũng đã  phản ứng: lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini đã tỏ ra "rất lo ngại". Còn Berlin đã triệu mời đại diện Thổ Nhĩ Kỳ lên để cảnh cáo ý muốn "khóa miệng" đối lập của chính quyền Ankara. - RFI

|

|


4.

Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc tiến gần quần đảo Senkaku


Tokyo lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh ngày 06/11/2016 sau khi bốn tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đang có tranh chấp với Trung Quốc, trong khi Nhật Bản coi khu vực này là một phần lãnh thổ không thể tách rời.


Theo thông tin của Tuần Duyên Nhật Bản, được hãng tin AFP trích dẫn, bốn chiếc tàu của Trung Quốc đã thâm nhập khu vực trên vào lúc 10 giờ, giờ địa phương (01 giờ, giờ GMT) ngày 06/11/2016 và ở lại đó hai tiếng rồi mới rời đi.


Cùng ngày, Tokyo đã lên tiếng phản đối tới bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông qua sứ quán Nhật tại Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh các hòn đảo này là "một phần lãnh thổ vốn có của Nhật Bản".


Theo phát biểu của một quan chức chính phủ Nhật Bản với AFP, văn phòng của thủ tướng Shinzo Abe đã tăng cường đội ngũ phụ trách theo dõi các hải thuyền Trung Quốc.


Đây là văn bản phản đối lần thứ 32 trong năm 2016 của Tokyo với Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thông qua các kênh ngoại giao. Cũng trong thời gian này, tàu của Trung Quốc đã 31 lần thâm nhập vào vùng biển Nhật Bản.


Nhật Bản thường chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khi thường xuyên điều tàu tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, không có người ở. Tokyo quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc quần thể này từ tháng 8/2012. - RFI

|

|


5.

New Delhi nỗ lực chống ô nhiễm không khí nguy hiểm


Các quan chức ở thủ đô Ấn Độ tạm thời đóng cửa các trường học, ngưng hoạt động xây dựng và đóng cửa một nhà máy nhiệt điện than khi có những báo động về khói mù rất nguy hiểm do ô nhiễm không khí đã bao phủ thành phố trong tuần qua.


Các biện pháp khẩn cấp được tiến hành giữa lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi phải có ứng phó khẩn cấp đối với các chất gây ô nhiễm nguy hiểm trong bầu không khí độc hại của New Delhi. Tỷ lệ những chất này đã tăng vọt hơn ba mươi lần so với giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.


Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal thông báo hôm Chủ nhật, 6/11, rằng các trường học sẽ đóng cửa trong 3 ngày, mọi hoạt động xây dựng tạm dừng trong 5 ngày và một nhà máy điện sẽ đóng cửa trong 10 ngày. Ông cho biết sẽ phun nước rửa đường để xử lý bụi vốn góp phần to lớn vào bầu không khí độc hại của thành phố.


Thủ đô Ấn Độ vốn được xếp vào hàng các thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới, song tình hình đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong tuần này. Các tòa nhà đã bị bao phủ bởi làn khói mù xám xịt và tầm nhìn trên đường phố đã giảm xuống thấp. Các kênh truyền hình phát sóng các cuộc vận động có tên Quyền được thở và Giúp tôi hít thở, trong khi truyền thông xã hội tràn ngập những thông điệp về cách làm thế nào để chống lại ô nhiễm chết người ở một thành phố mà nhiều người gọi là “phòng hơi ngạt”.


Người ta cho rằng mức độ ô nhiễm cao của Delhi là do sự kết hợp đầy độc hại giữa bụi, khói từ xe chạy bằng diesel, và việc đốt các rác thải. Vào thời điểm này trong năm, vấn đề càng nghiêm trọng hơn do nông dân đốt rơm và thân cây trồng nông nghiệp ở các bang lân cận, làm cho khói đen bay đến Delhi. Việc đốt pháo trong Lễ hội Ánh sáng hàng năm vào Chủ nhật tuần trước khiến chất lượng không khí càng trở nên tồi tệ hơn. Tình hình xấu đi vào mùa đông khi gió quẩn không giúp làm tan khói mù. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

FBI: Không có vi phạm hình sự trong vụ email của bà Clinton --- Bầu cử tổng thống Mỹ: Donald Trump bị sơ tán ở Nevada


Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 6/11 tuyên bố không phát hiện bằng chứng về vi phạm hình sự trong các email mới phát hiện của ứng viên tổng thống Hillary Clinton. 


Trong bức thư gửi tới các thành viên Quốc hội, được Reuters trích dẫn, Giám đốc FBI James Comey nói rằng cơ quan do ông phụ trách đã kết thúc việc xem xét các email mới và không thấy bằng chứng nào để thay đổi quan điểm trước đó. 


Hồi tháng Bảy, ông Comey nói rằng bà Clinton đã bất cẩn, nhưng không phạm tội hình sự trong việc xử lý các tài liệu mật, nhạy cảm, khi sử dụng máy chủ email cá nhân, thời kỳ làm ngoại trưởng Mỹ. 


Vụ việc mới đây lại bùng lên cuối tháng Mười, sau khi Giám đốc FBI thông báo về chuyện phát hiện các email “khả nghi”  trên máy tính sách tay của ông Anthony Weiner, chồng cũ của một trong những cố vấn thân cận nhất của bà Clinton. 


Bức thư ông Comey viết gửi cho Quốc hội Mỹ có đoạn: “Dựa trên việc xem xét của chúng tôi, chúng tôi không thay đổi kết luận đã đưa ra hồi tháng Bảy liên quan tới Ngoại trưởng Clinton”. 


Việc thông báo tiếp tục điều tra vụ email của bà Clinton mới đây của FBI đã gây rúng động cuộc đua vào Nhà Trắng, và được cho là mang lại lợi thế cho ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. 


Vận động phút chót


Chỉ còn hai ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào thứ Ba, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đưa ra những quan điểm tranh cử cuối cùng hôm Chủ nhật, 6/11, để thuyết phục cử tri trong những phút cuối và kêu gọi những người hậu thuẫn họ đi bầu đông đảo vào ngày bầu cử.


Ngôi sao bóng rổ Lebron James của đội Cleveland Cavaliers đồng hành cùng bà Clinton hôm Chủ nhật ở Ohio. Đây là một bang quan trọng mà bà muốn giành chiến thắng trước ông Trump, người đã dẫn đầu trong cuộc thăm dò tại đây trước cuộc bầu cử.


Ông Trump có một lịch trình bận rộn hôm Chủ nhật, đi thăm các địa điểm có truyền thống bầu cho Đảng Dân chủ. Ứng viên Đảng Cộng hòa dừng chân ở Iowa, Minnesota, Michigan, Pennsylvania và Virginia.


Tại một buổi hòa nhạc của ca sĩ Katy Perry ở Philadelphia hôm thứ Bảy, bà Clinton nhấn mạnh rằng 37,5 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.


Chỉ còn hai ngày vận động trước khi hầu hết người dân Mỹ đi bỏ phiếu, các cuộc thăm dò cho thấy một cuộc đua sát sao giữa bà Clinton và ông Trump. Cuộc thăm dò của RealClear Politics cho thấy bà Clinton dẫn trước với 46.6% số phiếu so với 44.8% của ông Trump.


Khoảng cách dẫn trước của bà Clinton ở một số bang quan trọng đã thu hẹp sau một công bố tuần trước rằng FBI đang xem xét thêm nhiều email của bà trong cuộc điều tra vụ xử lý thông tin mật khi bà làm ngoại trưởng. - VOA


***

Ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump đã bị sơ tán khỏi khán đài tối 05/11/2016 khi đang vận động tại thành phố Reno, bang Nevada. Lực lượng bảo vệ an ninh cho các ứng viên tổng thống đã nhanh chóng khống chế một người đàn ông khi người này hét to "vũ khí" giữa đám đông ủng hộ ông Donald Trump. Nhân viên an ninh không phát hiện bất kỳ vũ khí nào.


Trong bản thông cáo sau sự cố trên, ứng viên đảng Cộng Hòa cảm ơn cơ quan tình báo, lực lượng an ninh thành phố Reno và bang Nevada "vì đã hành động nhanh chóng và chuyên nghiệp". Cùng với bang Nevada, nhà tỉ phú bất động sản còn vận động tại Wilmington - Bắc Carolina. Trong khi đối thủ Dân Chủ, Hillary Clinton, thêm vào chương trình vận động tranh cử của bà các bang Michigan, Bắc Carolina. Tối hôm qua bà đã có mặt tại thành phố Philadelphia.


Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước kỳ bầu cử tổng thống, ông Donald Trump lại phải đối mặt với một tai tiếng khác liên quan đến người vợ gốc Slovenia: bà Melania Trump có nguy cơ bị trục xuất, nếu như phu quân được bầu làm tổng thống Mỹ. Melania từng làm việc trong khi chỉ được cấp thị thực du lịch. Loại thị thực này không cho phép người nước ngoài làm việc tại Mỹ.


Dù phu nhân nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump bác bỏ thông tin trên, hãng tin AP đã tìm được nhiều tài liệu cho thấy người mẫu gốc Slovenia đã vi phạm luật nhập cư trong một thời gian ngắn. Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet giải thích:


"Bà Melania đến Mỹ vào tháng 08/1996 với thị thực du lịch. Chỉ hai tháng sau bà mới được cấp visa HB1, loại thị thực cho phép làm việc. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó, bà đã kiếm được gần 20.000 đô là nhờ chụp ảnh mẫu cho nhiều tờ tạp chí. Bà cũng ký hợp đồng với một văn phòng thời trang.


Như vậy, trong vòng 7 tuần, Melania đã làm việc hoàn toàn bất hợp pháp. Tình trạng lao động bất hợp pháp kiểu này lại bị ông Donal Trump, người trở thành hôn phu của bà từ năm 1998, kịch liệt phản đối trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống. Bà Melania được nhập quốc tịch Mỹ năm 2006.


Giấc mơ của bà khi còn sống ở Slovenia được bà giải thích vào thứ Năm vừa qua (03/11) trong một bài diễn văn hiếm hoi ủng hộ người chồng tại bang Pennsylvania: "Dĩ nhiên là chúng ta đã từng nghe nói đến nơi được gọi là nước Mỹ ; Hoa Kỳ đồng nghĩa với tự do và cơ hội ; Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa rằng, nếu bạn có một giấc mơ, bạn có thể thực hiện được giấc mơ đó".


Nhưng liệu Melania có được trở thành công dân Mỹ hay không nếu cơ quan xét duyệt hồ sơ xin nhập quốc tịch biết được bà từng làm việc bất hợp pháp khi mới đến Mỹ? Các luật sư của bà Melania cho biết hồ sơ mà AP công bố không giống với tài liệu mà họ có. Bà khó lòng bị tước quốc tịch Mỹ nhưng tiết lộ này lại thành rắc rối với ông Donald Trump, khi chỉ còn hai ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống". - RFI

|

|


7.

Tỷ phú Trump ‘sẽ xử lý biển Đông tốt hơn ông Obama’


Người dân Trung Quốc tin rằng cả hai ứng viên của Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ giải quyết tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington tốt hơn đương kim Tổng thống Barack Obama.


Cuộc thăm dò ý kiến 1500 người Trung Quốc ở thành thị, do tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng có trụ sở ở Hong Kong công bố hôm 5/11, vài ngày trước cuộc bầu cử 8/11, còn cho thấy một nửa trong số đó cho rằng ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ xử lý vấn đề biển Đông tốt hơn ông Obama (54%) cũng như về các vấn đề hợp tác về an ninh mạng (59%), thương mại song phương (57%) hoặc tình hình trên bán đảo Triều Tiên (52%).


Trong đó, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.


Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người Việt chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh.


Theo trang tin News.com.au, khoảng 51% tin rằng tỷ phú bất động sản Mỹ sẽ can thiệp ít hơn vào châu Á so với đương kim Tổng thống Obama.


Trong khi ông Trump vượt trước bà Clinton về các vấn đề trên, những người được thăm dò ý kiến ở Trung Quốc đánh giá ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cao hơn về các chủ đề như bảo vệ nhân quyền và sở hữu trí tuệ.


Cuộc thăm dò của tờ báo ở Hong Kong còn cho thấy rằng 52% công dân Trung Quốc tin rằng bà Clinton là lựa chọn tốt nhất để củng cố quan hệ với Mỹ so với ông Trump (48%).


Trong khi đó, dựa trên cuộc thăm dò với hơn 3 nghìn người từ Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Indonesia, và Hàn Quốc, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng còn đưa tin rằng 76% người châu Á, trong đó có 61% người Trung Quốc, cho biết ủng hộ bà Clinton lên làm Tổng thống Mỹ.


Xét tổng thể, kết quả thăm dò cho thấy rằng người Trung Quốc lạc quan hơn về việc phát triển quan hệ Mỹ - Trung so với người dân các nước láng giềng. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

Cổng thông tin Bộ Quốc phòng Việt Nam bị hack?


Việc truy cập từ Mỹ vào cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng của Việt Nam bị chuyển hướng sang một trang đặt trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc, gây đồn đoán là trang web này “có thể đã bị tin tặc khống chế”.


Khoảng nửa đêm 6/11 (giờ Việt Nam), phóng viên VOA Việt Ngữ không thể truy cập được vào tên miền www.mod.gov.vn, mà liên tiếp bị chuyển hướng sang một trang web của ChinaCache trong vài giờ sau đó.


Phóng viên chúng tôi đã thử truy cập trang web của Bộ Quốc phòng ở nhiều nơi tại Mỹ, và đều bị chuyển hướng sang trang web của Trung Quốc.


Theo thông tin trên mạng, ChinaCache là “công ty cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên và lớn nhất ở Trung Quốc”.


VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ban quản trị Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam.


Ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cũng liên lạc với chi nhánh của ChinaCache ở Hoa Kỳ nhưng cũng không tiếp xúc được với ai.


Trong khi đó, một số nguồn tin của VOA tiếng Việt ở trong nước cho biết rằng "vẫn có thể truy cập Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam như bình thường".


Chuyện này xảy ra hai ngày sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng lần thứ 6 diễn ra ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc.


Theo VnExpress, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã nêu rõ rằng “Việt Nam và Trung Quốc còn có khác biệt về vấn đề Biển Đông”.


“Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan và đặc biệt là không để tranh chấp, bất đồng phát triển thành xung đột”, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam được báo điện tử trên trích lời nói.


Hồi tháng Bảy, theo báo chí trong nước, các màn hình tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất “hiển thị các thông tin kích động, xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc các nội dung về Biển Đông” kèm theo logo của nhóm hacker Trung Quốc 1937CN.


Tuy nhiên, sau đó, đại diện của nhóm tin tặc được coi là thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc này lên tiếng “không thừa nhận cũng như bác bỏ” sự liên quan. - VOA

|

|


9.

Điều tra vụ ‘hành hung phóng viên’ ở Việt Nam


Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hôm 6/11, yêu cầu công an thành phố “khẩn trương” điều tra vụ hai phóng viên “bị hành hung” ở huyện Thanh Oai.


Theo văn bản chỉ đạo, được tờ VnExpress trích dẫn, ông Chung yêu cầu Giám đốc Công an Hà Nội “xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo pháp luật”, và phải “báo cáo” kết quả điều tra trước ngày 20/11.


Theo Dân Trí, trước đó, hai phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam và đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã bị “hành hung” tại một khu giết mổ động vật tập trung tại huyện Thanh Oai. Chưa rõ vì sao hai ký giả này bị tấn công.


Hồi cuối tháng tháng Chín, ông Chung cũng có chỉ đạo tương tự đối với công an Hà Nội về việc phóng viên báo Tuổi Trẻ Trần Quang Thế “bị hành hung”.


Trong khi thông báo kết quả điều tra sau đó, công an TP. Hà Nội kết luận ông Ngô Quang Hưng, công an huyện Đông Anh, chỉ “dùng chân đá (nhưng không trúng vào người) và vung tay vào mặt” phóng viên Thế.


Ông Hưng bị kết luận vi phạm “quy tắc ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường”, và “bị khiển trách”.


Một viên công an khác, Nguyễn Văn Thuyên, được xác định “dùng tay gạt máy quay của một người tự xưng là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam”.


Công an kết luận phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam không báo cáo “bị đánh hoặc làm hư hỏng máy quay”, nên ông Thuyên bị phê bình rút kinh nghiệm. - VOA

|

|


10.

Hàng trăm học viên cai nghiện lại đập phá, trốn trại


Hàng trăm học viên cai nghiện ma túy lại đập phá trại, tràn ra ngoài tìm cách tẩu thoát. Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Đồng Nai, ông Hồ Trí Lịch, xác nhận tin này với báo Lao Động hôm 6/11.


Theo lời kể của các nhân chứng và cán bộ Trung tâm cai nghiện Đồng Nai, vào khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật 6/11, hàng trăm học viên ở đây đã hò hét, đập phá rồi tràn ra khuôn viên. Nhiều học viên tràn ra ngoài, leo lên hàng rào thép gai tìm cách đào tẩu.


Do số học viên tràn ra quá đông, lực lượng giám thị và an ninh của trại không ngăn cản nổi, phải cấp báo nhờ sự hỗ trợ của lực lượng công an và chính quyền địa phương.


Từ trưa đến chiều tối, chính quyền đã huy động hơn 200 cảnh sát cơ động, cùng với các phương tiện chống bạo động được triển khai đến trại, giúp ổn định tình hình. Tuy nhiên bên trong trại, nhiều học viên vẫn liên tục hò hét, đốt lửa làm khói bao trùm.


Mãi đến chiều tối, các lực lượng tại chỗ và cảnh sát cơ động, trật tự mới kiểm soát được tình hình, ngăn chặn học viên đốt phá, tổ chức trốn trại. Tuy vậy, đã có hơn 100 học viên trốn thoát ra ngoài.


Theo thông tin từ trung tâm, hầu hết học viên gây rối thuộc diện đã có quyết định của tòa án bắt buộc phải cai nghiện bắt buộc.


Trước đó vào hôm 23/10, gần 600 học viên ở Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai đã phá trại ra ngoài. Một số học viên dùng hung khí chặn xe người đi đường xin tiền. Hiện tại, còn khoảng 100 học viên trong số đó vẫn chưa được đưa trở về trại. - RFA

No comments:

Post a Comment