Thursday, November 17, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 17/11

Tin Thế Giới


1.

Shinzo Abe ‘tin tưởng’ Donald Trump --- Biển Đông: Nhật và Malaysia tái khẳng định quyền tự do hàng hải


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông "vô cùng tin tưởng" vào tân tổng thống Mỹ Donald Trump, sau cuộc gặp 90 phút tại tòa Tháp Trump, New York.


Ông Abe mô tả cuộc gặp là "thẳng thắn" và "ấm cúng".


Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Trump với một lãnh đạo quốc tế từ khi thắng cử.


Mỹ và Nhật đã là đồng minh từ sau kết thúc Thế chiến Hai, khi Mỹ giúp Nhật tái thiết kinh tế.


Tổng thống tân cử của Mỹ đã nói sẽ xóa bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận mà Nhật ủng hộ.


Quốc hội Nhật đã thông qua TPP bất chấp khả năng thỏa thuận này không còn hiệu lực khi ông Trump nhậm chức.


Ông Trump cũng nói Nhật cần trả thêm tiền để giữ quân Mỹ ở lại đất Nhật. Ông cũng gợi ý Nhật và Hàn Quốc nên có vũ khí hạt nhân để chống lại đe dọa của tên lửa Bắc Hàn.


Tin tức nói cuộc gặp được dàn xếp khi ông Abe gọi điện chúc mừng ông Trump, cho hay ông sẽ tạt ngang qua New York trên đường dự hội nghị Apec ở Peru.


Phát biểu sau cuộc gặp, ông Abe nói: "Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất thẳng thắn trong khoảng thời gian đáng kể. Bầu không khí rất ấm cúng."


"Tôi tin rằng nếu hai quốc gia không có niềm tin, liên minh trong tương lai sẽ không có hiệu quả. Sau cuộc thảo luận hôm nay, tôi tin ông Trump là lãnh đạo mà tôi có thể vô cùng tin tưởng."


Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi người kế nhiệm cứng rắn với Nga nếu Moscow không tuân thủ "các giá trị Mỹ và quy chuẩn quốc tế".


Phát biểu sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin, ông Obama nói ông hy vọng ông Trump sẽ "không chỉ có cách tiếp cận thực tiễn" khi bàn thảo với Nga. - BBC


***

Nhân chuyến công du Nhật Bản, vào hôm qua 16/11/2016, thủ tướng Malaysia Rajib Nazak đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, thủ tướng Nhật cho biết là cả hai nước đều nhất trí trên tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông.


Về tranh chấp Biển Đông nói chung, ông Shinzo Abe xác nhận là cả Nhật Bản lẫn Malaysia đều cho rằng: "Tất cả các nước liên quan cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)."


Dù không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, Nhật Bản rất quan tâm đến khu vực, và không ngần ngại phản đối các hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng chủ yếu là do Trung Quốc tiến hành. Nhật Bản là một trong những nước hiếm hoi đã khẳng định tính chất « ràng buộc » trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông, bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.


Trong những năm gần đây, Tokyo đã tích cực giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc lẫn lướt trên Biển Đông nâng cao năng lực hoạt động trên biển. 


Vào hôm qua, cùng với đồng nhiệm Malaysia, thủ tướng Nhật Bản đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định cung cấp 2 tàu tuần duyên Nhật Bản cho Malaysia. Trước đó, Nhật Bản cũng đã cung cấp tàu tuần tra cho Indonesia, Philippines và Việt Nam nhằm giúp các nước này tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải. - RFI

|

|


2.

Lãnh đạo APEC hoang mang về số phận TPP


Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/11 sẽ tới Peru tham dự cuộc họp các lãnh đạo APEC, nhưng sự hiện diện của ông bị lu mờ bởi một nhân vật không tham dự cuộc họp này cho tới năm sau: Tổng thống kế nhiệm Donald Trump.


Ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (TPP) là một đòn giáng sinh tử, ‘một sự cưỡng đoạt’ đối với nước Mỹ.


Chiến thắng bất ngờ của ông Trump hôm 8/11 đã đập tan cơ may TPP được Quốc hội Mỹ hiện thời thông qua và cũng không có chỉ dấu cho thấy chính quyền kế tiếp sẽ ủng hộ việc này.


‘Giờ đây, TPP chắc chắn đã chết,’ bà Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore nhận xét.


Là người ủng hộ TPP, bà Elms hy vọng ông Trump sẽ thấy rằng không cách nào giúp nhân công Mỹ hơn là Hiệp định TPP giữa 12 nước thành viên và rằng ‘bóp nghẹt TPP nghĩa là trao chiến thắng sớm cho Trung Quốc.’


Tuy nhiên, ông Trump đang chọn những người như ông, những người xem thế giới là thắng-thua và cho rằng các thỏa thuận thương mại là lý do gây thâm thủng mậu dịch cho Mỹ, bà Elms nói. ‘Không thể lý luận với những người này,’ bà nói thêm.


Những người ủng hộ TPP hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp hôm 17/11 với ông Trump có thể giúp thay đổi quan điểm của Tổng thống tân cử Mỹ.


Nếu TPP bị chôn vùi, ‘Trung Quốc sẽ cầm được bánh lái mà họ chưa từng có được trước đây,’ bà Elms dự đoán.


Peru, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh APEC, đã khởi sự các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc gia nhập hiệp định thương mại khu vực do Bắc Kinh dẫn đầu, RCEP.


7 nước trong TPP cũng là thành viên của RCEP. - VOA

|

|


3.

Khó đoán chiến lược Trung Ðông của ông Trump


Giữa lúc các lực lượng chính phủ Syria và Nga tái tục chiến dịch oanh kích ở Aleppo, phe nổi dậy Syria lo sợ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ vào tháng Giêng tới, họ sẽ mất sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Trên khắp Trung Ðông, các thế lực kình chống nhau đang tìm cách giải mã chiến thắng bầu cử của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới khu vực này như thế nào trong bối cảnh Trung Đông vẫn đắm chìm trong các cuộc xung đột từ Syria cho đến Iraq, Yemen và Libya.


Chiến đấu cơ Nga và Syria oanh kích khu vực phía đông thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát. Moscow hồi đầu tuần này tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch quân sự quy mô chống phe nổi dậy, sử dụng các máy bay chiến đấu Nga cất cánh từ Ðịa Trung Hải.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố:


"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Nga, hàng không mẫu hạm tham gia tác chiến."


Hoa Kỳ đã lên án Nga và đồng minh trong chế độ cầm quyền ở Syria là gây thương vong lớn nơi thường dân, nhưng trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ dường như đã ra dấu hiệu sẽ dịu giọng hơn.


Bà Jane Kinninmont của tổ chức Chatham House nói:


"Ông Trump tỏ thái độ tương đối lạc quan hơn về nước Nga dưới quyền ông Vladimir Putin, cũng như về vai trò của Nga ở Syria, coi như một lực lượng làm chống Nhà nước Hồi giáo."


Lập trường này gây lo ngại trong khu vực rằng chính quyền của ông Trump có thể rút lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến binh nổi dậy người Sunni. Và tình huống đó sẽ tạo ra một lợi thế lớn cho chính phủ Syria và người Shia ở Iran ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.


Thỏa thuận hạt nhân với Iran – theo đó một số biện pháp chế tài của quốc tế sẽ bị cắt giảm để đánh đổi việc Iran hạn chế hoạt động hạt nhân – có thể bị ông Trump đảo ngược vì ông xem đó là một thỏa thuận tệ hại. 


Quan điểm đó đã khiến ông Trump được sự ủng hộ của các thế lực Sunni trong khu vực.


Bà Jane Kinninmont của tổ chức Chatham House nhận định:


"Ông Obama thực sự không được giới lãnh đạo Vùng Vịnh ủng hộ mà nguyên nhân trên hết là thỏa thuận với Iran. Họ cho rằng ông quá mềm mỏng và ngây thơ đối với Iran. Luận điệu diều hâu của ông Donald Trump đã tỏ ra hiệu quả hơn, nhưng hiện đang có một sự hoang mang về những quan điểm đó thực sự sẽ như thế nào khi được mang ra thi hành."


Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm thứ Tư cảnh báo ông Trump chớ đảo lại thỏa thuận hạt nhân với Iran:


"Thỏa thuận này mang lại cho chúng ta một sự bảo đảm. Nếu không có thỏa thuận thì tình hình có thể rất nguy hiểm.”


Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng chính sách đối ngoại sắp tới của ông Trump, giữa lúc ông đang cân nhắc chọn lựa nhân sự cho nội các mới, nhưng đa số các nhà phân tích đều cho rằng cách tiếp cận của ông đánh dấu một tương phản rõ rệt với đường lối của Tổng thống Barack Obama.


Bà Jane Kinninmont: "Ông Trump từ lâu đã cho người ta cái cảm tưởng rằng ông nể trọng các chính quyền mạnh tay do các nhà độc tài cai trị, có như ở Trung Quốc hay ở Nga, và ông coi những nhà độc tài ở Trung Ðông là một sức mạnh chống khủng bố."


Với những cuộc xung đột tràn lan từ Yemen cho tới Libya, Trung Ðông có thể sẽ là cuộc trắc nghiệm đầu tiên cho những hứa hẹn về những thay đổi chiến lược theo chính sách đối ngoại của ông Trump. - VOA

|

|


4

Marcos được chôn ở Nghĩa trang Anh hùng


Nhà độc tài Philippines Ferdinand Marcos đã được chôn tại Nghĩa trang Anh hùng ở thủ đô Manila.


Ông Marcos, người bị lật đổ và phải sống lưu vong năm 1986, qua đời tại Mỹ năm 1986. Ông được ướp xác và trưng bày ở thành phố quê nhà Batac.


Lễ tang diễn ra sau quyết định của Tòa Tối cao cho phép đưa ông về nghĩa trang.


Đã xảy ra các cuộc biểu tình phản đối việc vinh danh một người bị quy trách nhiệm cho hàng ngàn vụ giết người, tra tấn và bắt cóc.


Các cựu tổng thống và nghệ sĩ lớn thuộc trong số những người được chôn tại nghĩa trang, mặc dù đa số người được chôn là lính.


Hồi tháng Tám, Tổng thống Rodrigo Duterte đồng ý cho tổ chức lễ tang, gọi ông Marcos là "người lính Philippines".


Tòa án thông qua việc này vào tháng 11.


Thi thể của ông Marcos được lặng lẽ đưa đến nghĩa trang hôm 18/11, làm những người phản đối ngạc nhiên.


Marcos và vợ, Imelda, cai trị Philippines trong 20 năm. Phần lớn thời gian này được đặt dưới thiết quân luật.


Trong "Cách mạng Quyền lực Nhân dân", bắt đầu từ 1983 và lên đến cao trào tháng Hai 1986, các cuộc biểu tình đã dẫn đến việc lật đổ Marcos.


Cặp vợ chồng này cũng bị cáo buộc tội tham ô và ăn cắp hàng tỉ đôla.


Dù vậy, gia đình đã quay về Philippines, trở lại đời sống chính trị. Họ mô tả thời kỳ ông Marcos cai trị là giai đoạn ổn định, có những dự án xây dựng lớn.


Con trai ông, Ferdinand "Bong Bong" Marcos Jnr, đã về nhì trong cuộc đua giành chức phó tổng thống hồi tháng Năm.


Ông này nói với BBC rằng danh tiếng của cha ông đã giúp cho chiến dịch tranh cử. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


5.

Tân Ngoại trưởng Mỹ có thể là Mitt Romney


Tổng thống tân cử Donald Trump đang cân nhắc ông Mitt Romney cho vị trí tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Reuters dẫn tin NBC News ngày 17/11 cho biết.


Ông Romney là ứng viên Tổng thống năm 2012.


Cựu Thống đốc bang Massachusetts sẽ gặp ông Trump vào Chủ nhật tuần này để thảo luận về việc này, NBC News loan tin. - VOA

|

|


6.

Mỹ trao Huân chương Tự do cho 21 nhân vật kiệt xuất


Hai mươi mốt người Mỹ kiệt xuất, những huyền thoại trong chuyên môn, đã được chọn để nhận Huân chương Tự do do Tổng thống trao tặng, một vinh dự hàng đầu dành cho công dân Hoa Kỳ.


Danh sách nhận huy chương năm nay bao gồm huyền thoại thể thao Michael Jordan, Kareem Abdul-Jabbar và phát thanh viên về thể thao kỳ cựu Vin Scully; diễn viên Robert Redford, Robert DeNiro, Cicely Tyson và Tom Hanks; nghệ sĩ Ellen DeGeneres, Diana Ross và Bruce Springsteen.


Những người được vinh danh khác gồm có nhà từ thiện Bill và Melinda Gates, nhà vật lý học Richard garwin, kiến trúc sư Frank Gehry, nhà thiết kế Maya Lin, nhà sản xuất truyền hình Lorne Michaels, luật sư Newt Minow, nhà toán học và khoa học máy tính Margaret H. Hamilton, và hiệu trưởng Eduardo Padron của trường đại học Miami Dade tại bang Florida.


Danh dự dành cho người đã khuất thuộc về nhà hoạt động cho người bản địa Elouise Cobell và Chuẩn Đô đốc Grace Hopper.


Giải thưởng được thành lập bởi cựu Tổng thống John F. Kennedy hơn 50 năm trước để vinh danh những người đã có những đóng góp xuất sắc cho an ninh, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, cho hòa bình thế giới, hoặc những đóng góp khác đáng kể trong lĩnh vực công hay tư. Lễ  trao giải được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc vào thứ 3 tuần tới. - VOA

|

|


7.

TT Obama và Thủ tướng Đức bênh vực toàn cầu hoá


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Năm đã đánh đi thông điệp về tình đoàn kết vững bền và sự hợp tác của Hoa Kỳ với các nước chủ yếu ở Châu Âu, ông nhấn mạnh với nhân dân Đức và công dân của tất cả các nước Âu châu khác rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tích cực tham gia và tương tác với thế giới.


Nhà lãnh đạo Mỹ đã chọn Đức làm chặng dừng chân chính trong chuyến công du ra nước ngoài cuối cùng của ông trong cương vị Tổng thống. Đức là nền kinh tế hàng đầu của Châu Âu và là nước đối tác thương mại của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một thành viên quan trọng trong liên minh NATO, và là nước chủ nhà nơi đóng quân của hàng ngàn binh sĩ Mỹ.


Giới quan sát cũng tin rằng nhà lãnh đạo Đức, Thủ tướng Angela Merkel, có thể xuất hiện như tiếng nói nổi bật nhất bảo vệ lý tưởng tự do trong một khu vực nơi mà các phong trào dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng mạnh mẽ hơn.


Chuyến đi nước ngoài cuối cùng này đánh dấu lần thứ 6 Tổng thống Obama đến thăm nước Đức. Ông đến Berlin hôm qua, thứ Tư 16/11, sau khi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tái khẳng định sự cam kết của Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác và sát cánh với Châu Âu.


Trước khi Tổng thống Obama đặt chân tới Đức, tuần báo doanh nghiệp WirtschaftsWoche của Đức trích dẫn bài xã luận mà Tổng thống Mỹ viết chung với Thủ tướng Merkel, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định:


“Sẽ không có chuyện quay trở lại với một thế giới trước toàn cầu hoá. Các giá trị dân chủ, công bằng và tự do là nền tảng của các nền kinh tế rất thành công của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ đối với các nền công nghiệp và nhân dân của chúng ta, và vâng, với cả cộng đồng thế giới, phải nới rộng và đào sâu hợp tác.”


Thông điệp của ông Obama là nhằm trấn an giới lãnh đạo Âu Châu đang lo lắng về xu hướng cô lập hoá của Hoa Kỳ được thể hiện qua những lời phát biểu của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử của ông này.


Ông Trump đặt nghi vấn về sự phù hợp của liên minh NATO, ông ca tụng quyết định của Anh quốc rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu, đồng thời chỉ trích chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận hàng trăm ngàn người di dân, đa số là người Hồi giáo vào lãnh thổ Châu Âu.


Giới phân tích nói việc bà Merkel kêu gọi các nước Âu Châu phải nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch phân bổ của EU đã châm ngòi cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa trên khắp lục địa này, kể cả tại nước Đức, và đó cũng là một nhân tố chủ yếu dẫn tới quyết định của cử tri Anh biểu quyết rời khỏi khối EU.


Tổng thống Obama đã gặp Thủ tướng Merkel không lâu sau khi tới Berlin hôm thứ Tư, và theo lịch trình, hai nhà lãnh đạo lại sắp sửa gặp nhau vào chiều tối hôm nay, thứ Năm 17/11.


Chặng dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du ra nước ngoài cuối cùng của ông là Hy Lạp. Tại đây ông Obama đã đọc một bài diễn văn ngày hôm qua, tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ cổ vũ cho dân chủ trên thế giới. Trước đó ông tham quan di tích cổ Acropolis của thủ đô Athens, một biểu tượng của nền dân chủ Tây phương.


Ông ca ngợi nhân dân Hy Lạp về sự nhân đạo của họ trong khi ứng phó với làn sóng người di dân tràn vào nước này, bất chấp người dân Hy Lạp đang chật vật xoay sở với khó khăn kinh tế vì cuộc khủng hoảng nợ nần của nước này.


Hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha trước khi lên đường sang Peru để dự hội nghị APEC, tức Diễn đàn Hợp tác Á Châu-Thái Bình Dương. - VOA

|

|


8.

Ủy ban Quốc Hội Mỹ: Trung Quốc vẫn đe dọa an ninh tại Biển Đông


Một Ủy ban thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ hôm qua, 16/11/2016, khẳng định Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh tại Biển Đông và đề nghị chính quyền Mỹ « tiếp tục thường xuyên hơn các cuộc tuần tra cùng các đồng minh và đối tác » nhằm bảo vệ tự do hàng hải tại tuyến đường giao thông huyết mạch của thế giới.

Báo cáo của Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ - Trung của Quốc Hội Mỹ (U.S. – China Economics and Security Review Commission) điểm lại các diễn biến kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á, khẳng định Trung Quốc liên tục có các hoạt động bồi đắp nhiều đảo nhân tạo, và xây dựng các công trình kiên cố, như sân bay, tại khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia láng giềng.


Trong vòng 18 tháng, kể từ tháng 12/2013, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã mở rộng diện tích các đảo nhân tạo tại Biển Đông thêm 3.200 acres (tương đương gần 13 km²). Báo cáo của Ủy Ban Quốc Hội Mỹ dẫn lời giáo sư John McManus, Đại học Mianmi, theo đó, các hoạt động xây dựng đã tàn phá khoảng 40 km² san hô tại khu vực này.


Tại nhiều khu vực chiếm đóng tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố lập các đặc khu (« exclusion zones »), « một qui chế hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế », và thường xuyên ngăn cản các hoạt động của tàu chiến và phi cơ Hoa Kỳ. Báo cáo của Ủy Ban Quốc Hội Mỹ cũng nhắc đến việc Trung Quốc « tổ chức nhiều cuộc tập trận tại khu vực tranh chấp, được truyền thông quảng bá rầm rộ », đặc biệt là cuộc tập trận vào tháng 6/2016.


Theo Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ - Trung của Quốc Hội Mỹ, Trung Quốc đã vi phạm nhiều cam kết DOC - Tuyên Bố về Ứng Xử của các Bên ở Biển Đông, mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết năm 2002, « yêu cầu các bên kiềm chế » trong các đòi hỏi chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bắc Kinh cũng đồng thời không chấp nhận phán quyết về Biển Đông mới đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thuộc Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một định chế quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực này.


Ủy Ban Quốc Hội Mỹ cũng nhắc lại việc « chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn công khai sẽ không ‘‘quân sự’’ hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông » , lời hứa được đưa ra tại Washington vào tháng 9/2015.


Mức độ Bắc Kinh can thiệp vào Hồng Kông là rất đáng báo động


Báo cáo thường niên của Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ - Trung cũng dành một phần cho việc chế độ tự trị của Hồng Kông đang bị Trung Quốc đe dọa.


Báo cáo đặc biệt chú ý đến vụ năm người bán sách bị an ninh Trung Quốc bắt giữ cách nay một năm, trong số họ có hai người nước ngoài và một người bị bắt ngay tại Hồng Kông.


Báo cáo nhấn mạnh các vụ xâm phạm nhân quyền này đe dọa nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà Trung Quốc cam kết để Hồng Kông được hưởng, sau khi Anh Quốc trả thành phố này về Hoa Lục năm 1997 ; biến cố nói trên cũng làm xấu đi hình ảnh của Hồng Kông với tư cách một trung tâm tài chính toàn cầu, trung tâm tài chính mà Hoa Kỳ có nhiều quan hệ đầu tư, buôn bán.


Ủy Ban Quốc Hội Mỹ khuyến cáo bộ Ngoại Giao Mỹ tiến hành điều tra về thực trạng nhân quyền và chế độ tự trị của đặc khu Hồng Kông, và hy vọng vấn đề này tiếp tục được Quốc Hội theo dõi.


Báo cáo của Ủy ban tư vấn Quốc Hội Mỹ được công bố trong lúc lo ngại dâng cao trong xã hội Hồng Kông về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp ngày càng sâu hơn vào đời sống của đặc khu. Phần kết luận của bản báo cáo trên so sánh nỗ lực can thiệp của Trung Quốc đe dọa nền tự trị của Hồng Kông, với « các quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan và một số ứng xử mới đây tại Biển Đông ». 


Về mảng sáng của Hồng Kông, báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc năm nhà hoạt động thuộc phong trào đòi dân chủ Ô/Dù Vàng năm 2014 đã lọt vào Nghị Viện đặc khu trong cuộc bầu cử tháng 9/2016 và sau cuộc bầu cử này, các nghị sĩ dân chủ vẫn kiểm soát được 30 trên tổng số 70 ghế tại Nghị Viện, cho phép họ ngăn chặn các mưu toan sửa đổi Luật Cơ Bản, tức Hiến pháp Hồng Kông, theo các đòi hỏi của Bắc Kinh. - RFI

|

|


9.

Tổng thống đắc cử Donald Trump có lên án vấn đề nhân quyền Việt Nam?


Một tuần sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến chính sách sắp tới của Mỹ đối với châu Á và những chính sách này sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam đặc biệt là các vấn đề về kinh tế, biển Đông và nhân quyền. Việt Hà phỏng vấn chuyên gia Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC.


Có thể có quan hệ tốt với Việt Nam


Việt Hà: Thưa ông, trong suốt quá trình tranh cử và sau khi thắng cử Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump không nói nhiều đến Việt Nam, trừ hai lần nói rằng Việt Nam là nơi có lao động rẻ và Việt Nam bán hàng hóa giá rẻ vào Mỹ. Theo ông, liệu những chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam?


Murray Hiebert: Trước hết tôi nghĩ là chúng ta phải chờ xem ông ta sẽ làm cụ thể những gì liên quan đến chính sách kinh tế. Ông ta đã nó rõ ràng là ông ấy không ủng hộ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông ấy nói là ông ấy sẽ coi lại những đàm phán thương mại khác như NAFTA với Canada và Mexico. Nhưng ông ấy chưa thực sự nói cụ thể là ông ấy sẽ làm gì với vấn đề bán phá giá ngoài việc nói là sẽ có các biện pháp để ngăn ngừa bán phá giá. Đối với vấn đề lao động giá rẻ ở các nơi như Việt Nam, rất khó có thể biết trước được ông ta sẽ làm gì. Một phần những phàn nàn của ông ta là những nơi có lao động giá rẻ hơn Mỹ thì thu hút các công ty Mỹ. Nếu ông ta bắt các công ty Mỹ phải đóng cửa các xí nghiệp của mình ở Việt Nàm thì họ cũng sẽ không chuyển các xí nghiệm đó về các bang Ohio hay Nebraska. Họ chỉ chuyển từ Việt Nam đến nơi rẻ hơn như Myanmar, Campuchia hay Bangladesh hoặc những nơi khác. Chúng tôi đến lúc này vẫn chưa thể biết được ông ta sẽ làm gì đối với những vấn đề kinh tế này. Ông ta nói rất nhiều về việc áp thuế 45% lên các hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Nhưng chúng tôi chưa nghe ông ấy nói thêm gì về vấn đề này kể từ khi đắc cử. Vì vậy chúng ta vẫn ở trong giai đoạn chờ xem.


Việt Hà: Một ngày sau khi ông Trump thắng cử, quốc hội Nhật Bản đã thông qua hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp ông Trump trong tuần này. Theo ông liệu sức ép từ đông minh của Mỹ có thể làm thay đổi quan điểm của ông Trump đối với TPP?


Murray Hiebert: Chúng ta phải chờ xem vì sẽ rất khó cho ông ấy để rút lại những gì mình đã nói. Ông ta không thể tuần trước thì lên án mà tuần này thì lại nói đó là một hiệp định tốt. Ông ấy nhận được sự ủng hộ của những cử tri là những người trong thập niên qua đã mất việc, mất hy vọng và mất thu nhập tốt mà theo Trump thì đó là do các thỏa thuận thương mại. Tôi không nghĩ đó là nguyên nhân chính mà nguyên nhân chính phải là do toàn cầu hóa, tự động hóa. Nhưng ông ấy đã đưa ra hình ảnh này và sẽ rất khó cho ông ấy để có thể bất ngờ bỏ những gì mình đã hứa. Ông ấy có thể thay đổi từ từ trong vài năm tới chứ không thể trong năm tới. Tôi không chắc Thủ tướng Abe có thể thuyết phục nổi Trump thay đổi về TPP sau khi ông ấy đã rất cương quyết về vấn đề này đối với các cử tri. Ông ấy cũng nói rất nhiều về việc Nhật bản và Nam Hàn phải trả hơn nữa cho vấn đề an ninh mà Hoa Kỳ cung cấp cho các nước. Theo tôi cuộc gặp chủ yếu là để hai bên gặp nhau và chào hỏi nhau để hiểu nhau hơn. Tôi thấy khó tưởng tượng được rằng tân Tổng thống Trump sẽ thay đổi quan điểm của mình nhanh chóng ngay sau một tuần thắng cử.


Chiến lược chuyển trục về châu Á sẽ ra sao?


Việt Hà: Trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Trump cũng có nhắc đến vấn đề Trung Quốc và biển Đông nhưng ông ta không đề cập đến vấn đề này nhiều gần đây. Theo ông chiến lược chuyển trục về châu Á của Tổng thống Obama sẽ ra sao dưới thời của Tổng thống Trump?


Murray Hiebert: Chúng tôi không biết nhiều lắm về những gì ông ấy nghĩ liên quan đến vấn đề này. Tuần rồi có một bài báo trên tạp chí Foreign Policy của hai người cố vấn của ông Trump là Alexander Gray and Peter Navarro theo đó họ nói một chút về chiến lược chuyển trục về châu Á. Họ nói Bắc Kinh đã cho xây dựng khoảng 3,000 acre đảo nhân tạo, về hành động lấn lướt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Họ cũng nói về cách mà chính quyền của Tổng thống Obama đã để mặc Philippines ở bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Chính quyền Hoa Kỳ nói với cả Philippines và Trung Quốc và hai nước hứa là sẽ rút quân khỏi bãi cạn nhưng sau khi phía Philippines rút đi thì Trung Quốc vẫn ở lại. Vì vậy họ lên án sự yếu ớt của chính sách chuyển trục của Tổng thống Obama. Điều này có thể sẽ phản ánh cách nghĩ rộng hơn của Tổng thống Trump. Có thể là ông ấy đang cân nhắc một cách tiếp cận cứng rắn hơn ở biển Đông. Nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa nghe ông ấy nói trực tiếp về vấn đề này mà chỉ là những cố vấn của ông ấy.


Việt Hà: Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn gì với chính sách hướng nội của Trump mà ông ấy đã tập trung nói đến nhiều trong suốt quá trình tranh cử?


Murray Hiebert: Có thể là như vậy. Nhưng ông ấy đã chỉ trích Trung Quốc rất mạnh nên ông ấy sẽ phải tìm ra cách. Chúng tôi cũng thấy là ông ấy đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình và dường như họ đã có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng dù không giải quyết vấn đề gì cụ thể. Đây chỉ là một thảo luận ban đầu để tìm hiểu nhau.


Việt Hà: Liên quan đến vấn đề nhân quyền, cứ mỗi khi có một vị Tổng thống mới của Mỹ được bầu thì người Việt Nam tỏ ra quan tâm là liệu vị Tổng thống mới sẽ có chính sách ra sao đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Liệu Tổng thống mới sẽ cứng rắn hơn hay nhẹ nhàng hơn với Việt Nam trong vấn đề này?


Murray Hiebert: Chúng tôi thực sự không biết chính xác là Trump sẽ làm gì. Tuy nhiên trong cùng một bài báo mà tôi nói tới, các cố vấn của ông ấy đã chỉ trích rất mạnh chính quyền của Tổng thống Obama đã quá mạnh tay với Thái Lan sau vụ quân đội lật đổ chính quyền và đẩy chính phủ hiện thời của Thái Lan tiến gần hơn về phía Trung Quốc. Cho nên nếu đây thực sự là chính sách của Trump thì vấn đề nhân quyền sẽ có thể ít được nhấn mạnh hơn dưới thời của Tổng thống Trump hơn so với thời của Tổng thống Obama. Tuy nhiên những cố vấn này cũng nói là các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Myanmar đang tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Washington vì những sức ép từ Trung Quốc. Cho nên Tổng thống Trump sẽ tận dụng cơ hội này và nếu đó là chính sách của Trump thì ông ta sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Việt Nam để đối phó với sức ép từ Trung Quốc.


Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA

|

|


Tin Việt Nam


10.

VN "chưa đủ cơ sở để trình TPP lên Quốc hội"


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vì Mỹ dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam "chưa có đủ cơ sở trình tham gia" hiệp định này.


Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, nhiều lần tuyên bố ông không ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama cổ súy.


Hôm 17/11 tại Quốc hội Việt Nam, khi được hỏi về giải pháp của Chính phủ trong trường hợp Hoa Kỳ không thông qua TPP, ông Phúc nói Việt Nam "đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia và theo chương trình sẽ sẵn sàng trình Quốc hội" thế nhưng "hiện Mỹ đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam cũng chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP".


Tuy nhiên ông khẳng định "tinh thần lớn là sẵn sàng tham gia TPP".


Ông thủ tướng khẳng định: "Có tham gia cũng rất tốt nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua".


TPP được xem như thỏa thuận thương mại có ý nghĩa to lớn, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam vốn đang chú trọng sản xuất và xuất khẩu.


Thế nhưng thiếu sự tham gia của Hoa Kỳ, hiệp định này sẽ không thông qua được.


TPP cũng được xem như yếu tố đối trọng của Hoa Kỳ trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, quốc gia cũng đang thúc đẩy một hiệp định tự do thương mại của mình (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP). Vì vậy ký TPP với Mỹ cũng được xem như chỉ dấu xích lại gần nhau của hai nước cựu thù.


Ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam đã có 12 Hiệp định thương mại tự do ký với các nước, tiếp cận thị trường tổng cộng 1,4 tỷ người; và Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục "hội nhập sâu rộng với quốc tế".


"...chúng ta thực hiện chủ trương các Nghị quyết về đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ, coi tất cả các nước là bạn."


Ông cũng nói việc ký TPP hay không không ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ mà ông đánh giá là "sẽ tốt hơn".


"Chúng ta sẵn sàng hợp tác với Mỹ để phát triển với tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không làm phương hại. Với tinh thần đó, tôi tin chắc rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tốt hơn vì lợi ích chung của hai đất nước." - BBC

|

|


11.

Đại sứ VN: Học tiếng Trung là nhu cầu của dân Việt


Hôm 16/11, trong bài phát biểu trước báo giới tại Trung tâm Lợi ích quốc gia ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ), đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Châu Á cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Tuy nhiên ông cho rằng Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng số một tại khu vực. Ông nói:


“Về mặt chiến lược, chúng ta có những nước lớn trong khu vực, số một vẫn là Hoa Kỳ, một quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng. Xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là Nhật Bản và Trung Quốc với vai trò ngày càng tăng trong khu vực và trên toàn thế giới.” 


Ông Vinh cho rằng quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực Châu Á có lich sử lâu dài và mật thiết. Vẫn theo lời ông, Việt Nam hy vọng và tin rằng rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho mối quan hệ này.


TPP và quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ trong nhiệm kì Tổng thống đắc cử Donald Trump


Khi được hỏi về kế hoạch của Việt Nam trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, đại sứ Việt Nam tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục, và xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Việt Nam.


Một trong những trọng tâm của cuộc trao đổi lần này là vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã liên tục khẳng định sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama mới đây cũng tuyên bố ngừng nỗ lực để Quốc hội phê chuẩn TPP. Hôm 17/11, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết “Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP”.


Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng nếu không có TPP, Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn là Đối tác toàn diện, cùng tham gia nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế.


“Mỹ và Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh và cả vấn đề nhân quyền. Chúng tôi tin rằng cho dù hai nước có thể chế chính trị xã hội không giống nhau, chúng ta đều là thành viên của Liên hiệp quốc. Hai nước đã có những kênh đối thoại hiệu quả để giải quyết những khác biệt, và tôi tin rằng cho dù ai trở thành Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong tất cả lĩnh vực.” 


Ông Vinh cũng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền cho dù thừa nhận quan liêu, tham nhũng đang là những trở lực lớn trong quá trình dân chủ hoá.


Quan hệ Việt- Mỹ- Trung và việc dạy tiếng Trung tại trường phổ thông


Trong cuộc thảo luận lần này với báo chí, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đa phương hoá, đa dạng hoá và mong muốn củng cố mối quan hệ với hai siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc.


Trả lời câu hỏi của phóng viên VOA về việc dạy tiếng Trung bắt buộc tại các cấp học của Việt Nam, ông Vinh cho biết:


“Khi nền kinh tế mở cửa, chiến tranh lùi xa, Việt Nam hội nhập nhiều hơn với thế giới, thì việc học các ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, Nhật, Hàn và cả tiếng Trung, là một nhu cầu của người dân hơn là một thứ bắt buộc. Đây là kết quả của quá trình toàn cầu hoá, sức ép của nhu cầu tìm việc và cơ hội làm ăn.” 


Trước đó ngày 22/09, bộ GD-ĐT Việt Nam đã có thông tin chính thức giải thích về kế hoạch thí điểm đưa chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường, trong đó khẳng định học sinh có thể lựa chọn 4 thứ tiếng, trong đó có tiếng Trung là ngoại ngữ bắt buộc. - VOA

|

|


12.

Tiến sỹ Trương: Chưa thấy dấu hiệu Mỹ hạ thấp vai trò ở châu Á, Biển Đông --- Tiến sỹ Giao: VN mong ông Trump thực thi chính sách 'thực tế'


Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia vừa tổ chức một hội thảo với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” trong hai ngày 14 và 15/11 tại thành phố Nha Trang.


Hội thảo quốc tế thứ 8 về Biển Đông có sự tham gia của 150 chuyên gia, nhà ngoại giao, và học giả đến từ nhiều nước. Tiến sỹ Lê Vĩnh Trương thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng tham gia hội thảo và trả lời phỏng vấn của VOA về những vấn đề đáng quan tâm.


VOA: Xin ông cho biết một số vấn đề nổi bật nhất hoặc mới nhất từ trước đến nay được thảo luận tại hội thảo về Biển Đông ở Nha Trang vừa qua?


TS. Lê Vĩnh Trương: Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 8 về Biển đông với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực trong các ngày 14 và 15/11/2016 tại Nha Trang, theo quan sát của chúng tôi, xoay quanh các chủ đề như là tình hình biển Đông sau khi Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết ngày 12/7/2016 (phán quyết PCA 12/7/2016); tình hình cải tạo đá phi pháp của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng; vấn đền môi trường theo đó cũng xuống cấp: hơn 20 bãi san hô tại Trường Sa đã bị phá hủy; các cuộc tái cơ cấu quyền lực ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông nói chung. 


Như Tiến Sĩ Nguyễn Vũ Tùng mở đầu, suốt tám lần tổ chức hội nghị vẫn chỉ một câu hỏi trăn trở. Đó có lẽ là an ninh và phát triển, mục tiêu lớn nhất của hội nghị.


VOA: Ông thấy có phân tích, nhận định, dự báo nào gây chú ý nhất, hoặc gây tranh cãi nhất? Cơ sở thực tiễn của những phân tích, nhận định, dự báo đó vững chắc hoặc không vững chắc đến mức nào?


TS. Lê Vĩnh Trương: Chúng tôi nhận xét vấn đề đáng chú ý nhất là sự khẳng định của các học giả Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi đường hướng đối với đường chữ U [còn gọi là đường lưỡi bò], bất chấp phán quyết PCA 12/7/2016 như thế nào. 


Tác giả Teng Jianqun (TQ) nhắc lại rằng Trung Quốc đã đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” song không được hưởng ứng và hiện nay TQ sẽ đi đường lối của mình. TS Shi Yinhong (TQ) còn nhắc lại phán quyết PCA là "một đống giấy lộn". 


Song TS Yan Hueisong (Đài Loan) nhận xét TQ có thay đổi, không phải cứng nhắc trong các lý lẽ. Dĩ nhiên, các thay đổi đó, nếu có, có nhằm hướng đến một khung cảnh an ninh và phát triển hơn đối với khu vực và thế giới hay không, đó lại là một chuyện khác.


Điều thứ hai đáng lưu ý là các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đã được gia tăng quan tâm từ các diễn giả đến khắp từ nơi, như Elina Noor nói về tin tặc và tình báo mạng, Ulises Granados nêu ra các ghi chép lịch sử bổ sung sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề Biển Đông, Gregory Poling với các hình ảnh về việc tôn tạo đảo của TQ và các nước.


Các diễn giả và người thảo luận đã làm việc rất trách nhiệm và khoa học hướng đến giải trừ những nguy cơ bàng bạc khắp Biển Đông.


Những phân tích và dự báo có sâu sát đến mấy đi nữa cũng không thể được đánh giá sẽ vững chắc đến đâu, song điều có thể xem là lạc quan đó chính là hội nghị sẽ có thể chuyển tải các mối quan tâm này đến các nhà làm chính sách và giảm nhẹ các yếu tố ẩn (hidden agenda) của các quốc gia để chính giới các nước có quyết định phù hợp.


VOA: Ông thấy Việt Nam thể hiện thái độ, mức độ quan ngại thế nào đối với kết quả bầu cử Mỹ và tác động của nó đến Biển Đông?


TS. Lê Vĩnh Trương: Như đã nêu, bản thân tên gọi của hội nghị bao hàm “an ninh và phát triển”, có an ninh mới có thể có phát triển bền vững. Những nhà tổ chức cũng khẳng định từ đầu rằng vấn đề các tái cơ cấu quyền lực sẽ ảnh hưởng lớn đến động hướng của các nước. 


Không chỉ ở các điều chỉnh từ lớn nhất là Mỹ, Philippines, Malaysia, những thay đổi có thể xảy ra ở Hàn Quốc cũng được bàn luận. Cả hội nghị nói chung và người VN quan tâm nói riêng có mặt trong hội nghị đều quan ngại lớn đến các điều chỉnh từ các nước vừa nêu do các nước này là những tác nhân (player) chính trong vấn đề Biển Đông và xa hơn là Đông Á. 


VOA: Ông dự báo thế nào về những động thái hoặc chính sách của chính quyền mới của Mỹ đối với Biển Đông?


TS. Lê Vĩnh Trương: Theo chúng tôi quan sát, ông Donald Trump đưa ra một loạt các chương trình trong tranh cử, song sau tranh cử thì chưa có dấu hiệu tiến hành trong các việc như Obamacare, xây dựng hàng rào Mexico, ứng xử với bà Hillary Clinton, điện thoại trấn an bà Park Geun-hye do vậy chính sách của chính quyền mới cũng sẽ theo một hướng có tham cứu hơn đối với Biển Đông. 


Ông Donald Trump đánh giá cao sức mạnh đàm phán người-người và đặt nặng vấn đề thương mại với Trung Quốc như 1 thương gia. Mỹ đã có sức mạnh mặc cả không nhỏ với Trung Quốc tại Biển Đông. 


Nếu là một tổng thống-thương gia tốt chính quyền Trump sẽ không đột ngột xoay ngược trục mà không có lợi ích đi kèm hoặc đánh đổi đơn giản.


Ngoài ra, các tham mưu tương lai - theo các báo mạng - của ông Trump như Peter Navarro, Judy Giuliani, Michael Pillsbury cho thấy họ là những người hiểu chính trị thực dụng và hiểu Trung Quốc, do vậy tại Biển Đông chúng tôi đánh giá chưa có sự hạ thấp vai trò từ ê kíp của ông Trump.


VOA: Ông dự báo thế nào về những động thái hoặc chính sách của Trung Quốc liên quan đến Mỹ và Biển Đông? 


TS. Lê Vĩnh Trương: Trung Quốc sẽ quan sát sức mặc cả của chính quyền Donald Trump trong các phát biểu mang tính chủ nghĩa cô lập Mỹ như thế nào, các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ ứng xử ra sao với thái độ và hành động mới của Mỹ - tự lo cho an ninh đến mức nào, và lo được đến mức nào - thì sẽ chuyển biến. 


Chúng tôi dự báo các chuyển biến này của TQ sẽ diễn ra rất nhanh từ kinh nghiệm Việt Nam ở năm 1974, 1988, 1990. 


Song về vấn đề Biển Đông chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của một sự tự hạ thấp vai trò của Mỹ thông qua D.Trump và ê kíp của Tổng thống tân cử.


VOA: Xin cảm ơn Tiến sỹ Trương! - VOA


***

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/11 nói trước quốc hội ông tin quan hệ Việt-Mỹ “sẽ tốt hơn”.


Thủ tướng Việt Nam phát biểu như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về việc chính phủ ứng phó thế nào khi Mỹ có tổng thống mới. Ông Phúc cũng cho biết Việt Nam “đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết” để tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, “tuy nhiên Mỹ tuyên bố dừng TPP nên Việt Nam chưa đủ cơ sở trình Quốc hội”.


Về quan hệ song phương, tin cho hay ông Phúc nói: “Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cùng nhau phát triển trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không làm phương hại lẫn nhau. Với tinh thần đó, tôi tin chắc thời gian đến quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tốt hơn, vì lợi ích chung của hai nước”.


Nhận xét về cơ sở của lời phát biểu của Thủ tướng Phúc, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói với VOA:


“Tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam chắc chắn cũng mong đợi Hoa Kỳ sẽ thực thi chính sách đối ngoại có thể không được như dưới thời chính quyền Obama nhưng vẫn có những cam kết với châu Á, cam kết với Đông Nam Á và vẫn cam kết hợp tác với Việt Nam ở những mức độ mà không những là chỉ củng cố mà phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Về phía nhân dân, rất nhiều người Việt Nam hy vọng rằng những gì mà ông Donald Trump trong tranh cử ông phát biểu thì khi ông trở thành tổng thống và nhận nhiệm sở Nhà Trắng, ông sẽ thực thi một đường lối thực tế hơn, chứ không phải là ông thực thi tất cả những gì như ông đã phát biểu”.


Trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam “có quan hệ với cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ ở Mỹ”. Về nền tảng của quan hệ hai nước, ông chỉ ra rằng “có 10 cơ chế quan hệ với chính quyền Mỹ về giáo dục, y tế, sông Mê Kông, rà phá bom mìn...”, và Việt Nam “sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế đó”.


Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao nói người dân Việt Nam hoan nghênh các chương trình đối tác, hợp tác kể trên. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng nhiều vào quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai nước. Ông nói:


“Những quan hệ đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ ở trong các lĩnh vực không chỉ là y tế, giáo dục mà kể cả trong quốc phòng. Nhân dân Việt Nam đánh giá rất cao. Và nó cũng tạo mong muốn cũng như hy vọng là nó được tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, mức độ phát triển, đặc biệt là quan hệ về an ninh quốc phòng nó phát triển đến mức độ nào thì tôi cũng không hy vọng nó sẽ phát triển thật tốt bởi lẽ đường lối đối ngoại về an ninh quốc phòng và chuyển trục sang châu Á của ông Donald Trump vẫn chưa rõ ràng. Cũng có một sự e ngại trong một số người Việt Nam rằng liệu có khả năng là vì chủ nghĩa dân túy và đồng thời thu hẹp chính sách đối ngoại toàn cầu, thì nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ xích gần lại với Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế và nhượng bộ những hành vi xâm chiếm biển đảo cũng như vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông hay không?”


Trong tiến trình chuyển giao chính quyền từ ông Obama sang tân Tổng thống Trump, có phần chắc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sẽ được thay thế bằng một đại sứ mới do ông Trump bổ nhiệm. 


Tiến sỹ Giao nhận xét rằng Việt Nam dành tình cảm tốt đẹp cho ông Ted Osius vì ông thể hiện là người am hiểu văn hóa Việt Nam đồng thời có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ song phương. Nhận định về những yếu tố mà người kế nhiệm đại sứ Osius cần có, Tiến sỹ Giao nói:


“Điểm quan trọng nhất tôi nghĩ là cần ở ông đại sứ mới là ông ấy phải am hiểu văn hóa Việt Nam, và ông ấy cũng cần hiểu được cái hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, cả về mặt chính trị cũng như các mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là mối quan tâm của người dân Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như phát triển kinh tế”.


Nhiều nhà phân tích cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự báo về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump. Ngay sau khi ông đắc cử, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Mỹ, nhận định với VOA rằng Việt Nam có phần chắc sẽ không ở vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ, và quan hệ giữa hai nước sẽ không nồng ấm hơn so với hiện nay. - VOA

No comments:

Post a Comment