Tin Thế Giới
1.
Hoa Kỳ khiếu nại Trung Quốc lên WTO
Washington cáo buộc Bắc Kinh thay đổi không công bằng giá bắp, lúa mì và gạo theo chiều hướng làm tổn hại cho hàng xuất khẩu và nông gia Mỹ. Tổng thống Obama ngày 13/9 cho hay chính quyền ông đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới và sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ để cho các nông dân Mỹ có cơ hội công bằng bán sản phẩm ra thị trường thế giới.
Các giới chức thương mại nói xuất khẩu gạo, lúa mì và bắp có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, trị giá khoảng 20 tỉ đôla mỗi năm và hỗ trợ 200.000 việc làm.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói Bắc Kinh gây tổn hại cho nông sản xuất khẩu của Mỹ bằng cách trả cao hơn giá trị thị trường cho các mặt hàng thông dụng chủ chốt.
Ông Froman nói:
“Điều này làm tổn hại trực tiếp đến các nông gia Mỹ hiện không được trợ cấp vì các cam kết của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới, và nông dân Mỹ phải đối mặt với những cơ hội xuất khẩu bị hạn chế một cách không công bằng.”
Bằng cách nâng cao giá tối thiểu trả cho các nông dân Trung Quốc đối với các mặt hàng thông dụng, Bắc Kinh khuyến khích việc sản xuất dư thừa, làm cho nông dân Mỹ khó bán những sản phẩm của họ.
Ông Froman cáo buộc Trung Quốc vi phạm những lời hứa đối với Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông nói:
“Việc hỗ trợ quá mức của Trung Quốc đối với những nhà trồng trọt này vượt quá những cam kết khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.”
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Tom Vilsack, nói Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường lớn nhất của hàng nông sản Mỹ, hiện trị giá 20 tỉ đôla một năm.
Tuy nhiên ông Vilsack nói Trung Quốc nên tạo thêm nhiều cơ hội cho nông dân Mỹ.
Ông nhấn mạnh:
“Chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều, đặc biệt nếu việc xuất khẩu ngũ cốc của chúng ta có thể cạnh tranh tại Trung Quốc trên căn bản công bằng.”
Kể từ năm 2009, Washington đã khiếu nại Trung Quốc 14 lần tại Tổ chức Thương mại Thế giới và cho tới nay thắng tất cả các đơn khiếu nại.
Thương mại là một vấn đề chính trị nhạy cảm tại Mỹ vì Bắc Kinh bán cho khách hàng Mỹ hơn 365 tỉ đôla một năm so với Mỹ bán cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Thêm vào đó, thương mại đang bị chú ý trong chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ vì những chỉ trích về các thỏa thuận thương mại quan trọng mà nhiều cử tri e là đã cướp mất công ăn việc làm của người Mỹ.
Các giới chức thương mại Mỹ nói những hành động tăng cường thực thi như khiếu nại với WTO chống lại Trung Quốc có thể giúp thuyết phục người dân Mỹ giữa lúc có nghi ngờ là Washington không làm việc hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của họ. - VOA
|
|
2.
Nhật tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông
Nhật Bản sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thông qua một loạt các cuộc tuần tra “tập huấn” chung với Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại vùng biển đang tranh chấp này. Đó là tuyên bố của tân bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 15/09/2016 tại Washington.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, bà Inada, được xem là một nhân vật “diều hâu” trong chính phủ Nhật, cho biết là các cuộc tuần tra tập huấn mà Nhật Bản tham gia sẽ bao gồm các chiến hạm của Hoa Kỳ và Hàn Quốc và các cuộc tuần tra này sẽ có bản chất tương tự như các cuộc tuần tra mà hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên để bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Vào đầu tháng 09, Nhật Bản đã loan báo sẵn sàng cung cấp các tàu tuần duyên mới cho Việt Nam, đồng thời chấp thuận cấp hai tàu tuần duyên lớn cho Philippines cũng như cho nước này thuê các máy bay giám sát cũ. Nhưng theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, chính các cuộc tuần tra của Mỹ đã đóng vai trò trọng yếu trong việc chặn bớt những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện giờ chưa biết là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào về các cuộc tuần tra chung mới của Nhật với Mỹ ở Biển Đông, nhưng trong những tháng gần đây, Trung Quốc đáp trả ngày càng cứng rắn các cuộc tuần tra như vậy của Mỹ. Tháng 5/2016, các tư lệnh Trung Quốc đã ra lệnh cho một đội chiến đấu cơ bay đến khu vực bên trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross) khi một chiến hạm của Mỹ tuần tra sát đảo này.
Tuy vậy, trong bài phát biểu hôm qua tại CSIS, bà Inada nhấn mạnh rằng, trong khi củng cố tiềm lực quân sự trước sự xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực, Tokyo cũng muốn “thảo luận thẳng thắn” với Bắc Kinh về phương cách giảm nhẹ căng thẳng ở vùng châu Á. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Biển sẽ được bảo vệ tốt hơn
Hơn 120 dự án bảo tồn biển, với các cam kết đóng góp gần 2 tỷ đô la vừa được loan báo tại một hội nghị lớn về đại dương do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức. Các giới chức cho hay các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hơn 2 triệu kilômét vuông các khu bảo tồn biển mới hoặc mở rộng trên khắp thế giới.
Phát biểu tại hội nghị Đại dương của chúng ta, Tổng thống Barack Obama công bố thành lập khu bảo tồn biển quốc gia đầu tiên ở Ðại Tây Dương, tiếp theo sau một hoạt động của ông hồi tháng trước mở rộng một khu vực tương tự quanh các đảo ở Hawaii ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Obama nói với các bộ trưởng của chính phủ các nước và các quan khách quốc tế đến dự hội nghị rằng còn nhiều việc nữa cần phải làm vì tính chất của đại dương thay đổi và mực nước biển dâng cao, đe dọa nhấn chìm sinh kế của con người và toàn bộ cộng đồng.
Tổng thống Obama cho biết: "Tôi hiểu rằng trong bối cảnh giữa chúng ta và đại dương, đại dương sẽ thắng không cách này thì cách khác, do đó phía chúng ta phải điều chỉnh cho thích ứng. Chứ không có cách nào khác."
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry trong phát biểu khai mạc hội nghị đã chỉ ra rằng đến nay có 500 “khu vực chết” trên các đại dương của thế giới, nói đơn giản là ở đó “sự sống không tồn tại.”
Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng ta đến hội nghị này là để phải làm nhiều hơn, và phải làm nhanh hơn."
Hội nghị không chỉ tập trung vào các vấn đề môi trường thôi.
Đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định là một vấn đề quan tâm lớn khác.
Ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio đã giới thiệu một công nghệ mới miễn phí mà diễn viên này góp phần tài trợ sẽ giúp người sử dụng theo dõi hoạt động đánh bắt thủy sản trên toàn cầu.
Diễn viên DiCaprio nói: “Tôi khuyến khích mọi người thử công nghệ này.”
Đó là một thiết bị phối hợp công nghệ vệ tinh với radar trên các tàu thuyền để cho phép mọi người có kết nối Internet theo dõi được tuyến hoạt động của hàng ngàn tàu thuyền thương mại trong nỗ lực ngăn chặn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. - VOA
|
|
4.
Thị trưởng London: Người mới nhập cư ở Mỹ không cần phải hòa nhập văn hoá --- Ông Trump đảo ngược lập trường, thừa nhận ông Obama sinh ra ở Mỹ
Thị trưởng London Sadiq Khan, trong một chuyến công du đến thành phố Chicago ở miền bắc của Mỹ hôm 15/9, lập luận rằng những người nhập cư mới tới Mỹ không cần phải hòa nhập văn hóa Mỹ, nhưng thay vào đó chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để giúp họ xây dựng "những cộng đồng gắn kết."
Ông Khan, thị trưởng người Hồi giáo đầu tiên của thành phố London, không nêu đích danh ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, nhưng chỉ trích những lập trường của ông Trump liên quan đến người nhập cư Hồi giáo.
Ông nói ông không can dự vào việc người dân Mỹ chọn ai lãnh đạo đất nước, nhưng nói: "Nếu chúng ta ngụ ý rằng người Hồi giáo không thể giữ những giá trị phương Tây thì chúng ta làm chính xác điều mà những kẻ tìm cách chia rẽ chúng ta muốn, những kẻ cực đoan và những kẻ khủng bố khắp thế giới."
Ông nói thêm: "Điều này chỉ làm cho việc xây dựng những cộng đồng hội nhập và gắn kết khó khăn hơn và làm cho những kẻ khủng bố cực đoan hóa giới trẻ của chúng ta dễ dàng hơn, khiến chúng ta ít an toàn hơn, cho dù là ở Mỹ, Pháp, hay Anh."
Trong quá khứ, ông Trump đã kêu gọi áp đặt một lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ, nhưng kể từ đó đã nới lỏng lập trường của mình và nói rằng ông sẽ chỉ cấm những người đến từ những nước "từng được cho thấy có chủ nghĩa khủng bố."
Thị trưởng London cho biết ông là "người rất hâm mộ" ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, và gọi bà là "ứng cử viên có nhiều kinh nghiệm nhất tranh cử tổng thống."
Ông Khan từng gọi ông Trump là "thiếu hiểu biết" vì những phát biểu về người Hồi giáo, không lâu sau khi ông nhậm chức thị trưởng vào tháng 5. - VOA
***
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump - hoặc, ít ra là ban vận động của ông - hôm 15/9 thừa nhận ông Trump tin rằng Tổng thống Barack Obama thực sự sinh ra tại Mỹ, sau nhiều năm ông Trump nêu nghi vấn về quốc tịch của ông Obama.
Trong một tuyên bố, ban vận động của ông Trump nói rằng chính ông Trump đã buộc ông Obama phải công bố giấy khai sinh của mình và khép lại vấn đề mà ông Trump đã giúp thu hút sự chú ý trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Phát ngôn viên Jason Miller nói: "Không có gì bàn cãi, Donald J. Trump là người đã khép lại vấn đề này. Sau khi đã có được giấy khai sinh của Tổng thống Obama trong khi những người khác không làm được như vậy, ông Trump tin rằng Tổng thống Obama sinh ra tại Mỹ."
Trước đó trong ngày 15/9, bà Hillary Clinton, tại sự kiện vận động tranh cử đầu tiên của bà kể từ khi bà được chẩn đoán bị viêm phổi và buộc phải rời khỏi một sự kiện kỷ niệm ngày 11 tháng 9 hôm Chủ nhật tuần trước vì những vấn đề sức khỏe, đã đả kích ông Trump về sự ủng hộ của ông ta đối với phong trào "birther" đặt nghi vấn về sinh quán của ông Obama.
Bà nhắc tới một bài báo của tờ The Washington Post đăng hôm 15/9 mà trong đó ông Trump từ chối cho biết liệu ông có tin rằng ông Obama sinh ra ở Mỹ hay không, và nói rằng ông không nói về vấn đề này nữa.
Bà Clinton kêu gọi cử tri ngăn chặn "dứt điểm" ông Trump, và điều mà bà gọi là tư tưởng cố chấp của ông, trong cuộc bầu cử tháng 11.
Trong khi ông Trump đã nhiều lần đặt nghi vấn về tính hợp lệ của việc ông Obama làm tổng thống trong tám năm qua và khơi lên những thuyết âm mưu về tính xác thực của giấy khai sinh của ông, phát ngôn viên Miller quy trách bà Clinton mới là người đầu tiên nêu lên vấn đề này.
Ban vận động của ông Trump chỉ ra một thông tư hồi của ban vận động tranh cử của bà Clinton hồi năm 2007, trong đó chiến lược gia Mark Penn nói ông Obama "không có cội nguồn Mỹ" và "về cơ bản không có tính Mỹ trong tư tưởng và giá trị của mình," như là bằng chứng về vai trò của bà Clinton trong phong trào birther.
Trước đây bà Clinton đã phủ nhận những tuyên bố nói rằng ban vận động tranh cử tổng thống của bà hồi năm 2008 khơi lên tin đồn về nơi sinh của ông Obama. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Bắt tàu chở 160 tấn bauxite từ Trung Quốc đến Formosa
Việt Nam vừa bắt giữ một tàu chở 160 tấn bột bauxite từ Trung Quốc vào công ty Formosa ở Hà Tĩnh.
Báo Tuổi Trẻ hôm 16/9 trích nguồn tin từ Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết đơn vị này đang cùng với cảnh sát môi trường kiểm tra 160 tấn bột bauxite vừa bắt được trên một tàu hàng từ cảng Đại Liên, Trung Quốc, cập cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh, để đưa vào công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Tin cho hay lô hàng bauxite được Formosa nhập về để làm gạch và lò cao, phục vụ một số hạng mục của dự án.
Phó Chi cục Hải quan Vũng Áng cho báo Dân Trí biết kết quả kiểm tra sẽ được đưa ra trong 1 tuần nữa. Giới chức này cũng cho biết nếu sau khi xét nghiệm, lượng bùn này không đúng trong danh mục được phép nhập thì sẽ bị xử phạt, “trục xuất về nước” theo quy định.
Thảm họa môi trường do hệ thống xả chất thải của Formosa gây ra thời gian gần đây được xem là lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Sau khi Formosa chính thức bị quy trách nhiệm trong việc gây cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, doanh nghiệp này đã bồi thường cho nhà nước Việt Nam 500 triệu đôla. Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam không thỏa mãn với cách xử lý của chính quyền. Một số nhà hoạt động và người dân địa phương đã liên tục tổ chức biểu tình dưới nhiều hình thức, kêu gọi Việt Nam đóng cửa Formosa và buộc doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, LS. Phạm Công Út từ TP.HCM, cho rằng việc buộc trách nhiệm hình sự hay rút giấy phép của Formosa là khó thực hiện được vì những rào cản, bất cập về pháp lý của Việt Nam:
“Hành vi này thuộc về vi phạm pháp nhân thì chủ yếu là phạt tiền, đồng thời bắt buộc phục hồi. Nhưng vấn đề pháp nhân hiện nay đã dời ngày thi hành đối với Bộ luật Hình sự và phải sửa đổi, bổ sung. Thành ra dự kiến sẽ là ngày 1/1/2017 nếu điều luật về pháp nhân gây thiệt hại môi trường, thì lúc đó pháp nhân sẽ bị khởi tố và phạt tiền khắc phục hậu quả. Luật hiện nay chưa quy định cụ thể, thành ra pháp nhân hiện nay không phải chịu trách nhiệm. Còn sau này có luật thì nó không coi là vấn đề hồi tố hiện nay”.
Theo LS. Út, ngoài những bất cập về quy định pháp lý, việc rút giấy phép đầu tư của Formosa chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư vào những ngành nghề ưu tiên ở Việt Nam. Vì vậy, LS. Út cho rằng điều Việt Nam có thể làm hiện nay là để cho người dân khiếu kiện về những thiệt hại trên thực tế do thảm hoa môi trường mà Formosa gây ra.
Ông nói: “Cái rào cản [pháp lý] không trừng phạt được Formosa một cách thỏa mãn được người dân thì trước mắt là hãy để cho người dân kiện Formosa. Thiệt hại tới đâu thì Formosa sẽ chịu trách nhiệm tới đó. Có thể thiệt hại tổng cộng là 100 triệu đô, hay 10 tỷ đô, hay 100 tỷ đô. Cái đó tùy thuộc vào vấn đề chứng minh thiệt hại của người dân, của những nạn nhân”.
Theo LS. Phạm Công Út, mức bồi thường hiện nay của Formosa là thấp và không thỏa đáng so với các thiệt hại nghiêm trọng đã gây ra:
“Nhà nước phải chấp nhận hành lang pháp lý cho người dân kiện, chứ không phải nhà nước cầm 500 triệu đó rồi ban phát cho những người bị thiệt hại”.
Luật sư từ Sài Gòn cho biết một số luật sư ở Việt Nam khi tìm cách giúp đỡ về pháp lý cho những người dân bị ảnh hưởng từ thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh đã gặp phải nhiều trở ngại và phải giúp một cách “lén lút”:
“Tôi biết một số nhóm luật sư sẵn sàng hỗ trợ, nhưng hiện nay họ phải tự mình đi thu thập chứng cứ, tự mình đi liên lạc với người dân một cách ‘chui’, không chính thức, không được công khai. Nếu công khai, có thể gặp rắc rối, phức tạp, khó khăn, giống như đi xúi người dân đi kiện vậy. Nhưng thực tế, họ làm bằng trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội”.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến Formosa, báo Đời Sống Pháp Luật hôm 14/9 trích nguồn tin từ Người Đưa Tin cho biết công ty Môi trường Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã hủy hợp đồng xử lý 400 tấn bùn thải của Formosa Hà Tĩnh. Đây là số bùn thải mà Formosa đã giao trái phép cho Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh và hiện đang bị công an tỉnh Hà Tĩnh thu giữ và niêm phong. - VOA
|
|
6.
Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ --- Tổng thống Obama huy động hậu thuẫn cho TPP
Báo chí Việt Nam cho hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói hôm 15/9 trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng việc phê chuẩn hiệp định TPP sẽ cần căn cứ vào chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Cụ thể, bà Ngân nói việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương “cần phải được Ban chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến để có cơ sở quyết định”. Bà chủ tịch Quốc hội nói thêm việc phê chuẩn TPP “cũng cần phải xem xét, căn cứ tình hình các nước phê chuẩn như thế nào, cũng như ảnh hưởng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến TPP ra sao”.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, Chủ tịch Quốc hội Ngân cho rằng vì các lý do trên nên bà đề nghị chưa đưa việc phê chuẩn TPP vào chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 24 ngày, bắt đầu vào ngày 20/10 tới.
TPP là một hiệp định thương mại tự do, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo hiệp định, 18.000 chủng loại hàng hóa sẽ được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan xuất nhập khẩu.
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vì hàng hóa Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường các nước thành viên. Đồng thời, hiệp định cũng mang lại hy vọng là đầu tư từ các nước TPP vào Việt Nam sẽ tăng.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cam kết về các biện pháp cải cách kinh tế, bảo đảm các quyền của người lao động, trong đó có lộ trình cho phép thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam mà nhiều người hy vọng sẽ giúp gia tăng dân chủ.
Hiệp định TPP đã được đại diện 12 nước thành viên ven Thái Bình Dương ký hồi tháng 2/2016. Nhưng hiệp định chỉ có hiệu lực khi chính phủ và Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Từ đó đến nay, chưa có thêm diễn biến mới liên quan đến TPP do Quốc Hội Mỹ chưa thông qua. Trong khi đó, cả hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, là bà Clinton của đảng Dân chủ và ông Trump của đảng Cộng hòa, đều nói họ không ủng hộ hiệp định vì cho rằng nó không có lợi cho nền kinh tế và người lao động Mỹ.
Về việc Việt Nam “nghe ngóng động tĩnh” ở Mỹ để cân nhắc thông qua TPP, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế uy tín ở Việt Nam, đưa ra nhận xét với VOA:
“Cái việc là Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét một cách tích cực nhưng không quá vội vã cái việc thông qua hiệp định TPP này là bởi vì Việt Nam còn phải cân nhắc khả năng là Hoa Kỳ thông qua như thế nào, bao giờ thông qua, và có điều chỉnh gì hay không”.
Tin tức ở Mỹ trong cuối tháng 8, đầu tháng 9 này cho hay Tổng thống Obama vẫn tin tưởng TPP sẽ được Quốc hội thông qua trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Trong trường hợp TPP sớm được thông qua, Việt Nam cũng sẽ phải nhanh chóng thực hiện các cam kết của mình, đặc biệt là những điều khoản về công đoàn độc lập và xã hội dân sự được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cởi mở, tiến bộ và dân chủ hơn. Tiến sỹ Doanh nhận định:
“TPP có rất nhiều cam kết về cải cách. Trong đó có cải cách về công đoàn độc lập. Tôi nghĩ rằng với nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện hiệp định TPP cũng như là thực hiện các cam kết khác như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu thì môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ được cải thiện, và xã hội dân sự sẽ được công nhận, và các quyền tự do dân chủ đã được ghi trong Hiến pháp của Việt Nam sẽ được thực hiện một cách cụ thể và đầy đủ hơn”.
Trong khi nhiều người bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau rằng họ trông đợi TPP là tác nhân lớn dẫn đến cải cách, dân chủ ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh Việt Nam phải thay đổi trước hết vì nhu cầu nội tại bên cạnh việc đáp ứng các cam kết quốc tế. Ông nói:
“Trước hết là đáp ứng các đòi hỏi của người dân ở trong nước. Hiện nay có rất nhiều yêu cầu về đất đai, về giải quyết các thiếu sót trong quản lý môi trường, hiện nay được quần chúng đông đảo rất là quan tâm. Và tôi nghĩ là sự quan tâm đó sẽ được Quốc hội và chính phủ xem xét rất là nghiêm túc để đẩy mạnh công cuộc cải cách ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Chắc chắn là cái yêu cầu nội tại của Việt Nam đòi hỏi công cuộc cải cách đó là chủ yếu chứ không phải là cái sức ép từ TPP”.
Một số tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và nước ngoài cho rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi TPP. Có dự báo cho rằng TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ đôla vào năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada hay Nhật Bản khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%.
TPP có 12 nước tham gia là Việt Nam, Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. - VOA
***
Tổng thống Mỹ ngày 16/9 mở một cuộc họp lưỡng đảng tại Tòa Bạch Ốc trong nỗ lực gầy dựng hậu thuẫn cho thỏa thuận Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đón tiếp phái đoàn trong đó có Thống đốc Ohio kiêm cựu ứng viên Tổng thống bên Đảng Cộng hòa, John Kasich, và cựu thị trưởng New York, Michael Bloomberg, Tổng thống Obama nói TPP rất quan trọng cho vị thế của Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Ông Obama nhấn mạnh: ‘Phái đoàn lưỡng đảng này gồm các lãnh đạo doanh nghiệp, các thị trưởng, thống đốc, các đảng viên Cộng hòa lẫn Dân chủ, các lãnh đạo an ninh quốc gia và các tướng lĩnh quân đội. Sở dĩ họ hiện diện tại đây là vì họ biết TPP rất quan trọng cho kinh tế quốc gia và họ hiểu TPP quan trọng cho an ninh quốc gia và vị thế của Mỹ trên thế giới.’
Vẫn theo lời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ cần thiết phải đi đầu và đề ra luật lệ cho kinh tế toàn cầu và ông tin rằng TPP sẽ giúp đạt được điều đó.
Ông Obama nói TPP là thỏa thuận tiêu chuẩn cao khiến các nước khác phải giảm bớt các rào cản thương mại và nâng cao các tiêu chuẩn của họ về lao động và môi trường.
Tổng thống Mỹ gọi TPP là thỏa thuận thương mại hữu hiệu và tiến bộ nhất từng thấy trước nay.
Ông Obama hy vọng Quốc hội sẽ cân nhắc TPP trong khoảng thời gian tới, sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11.
Tuy nhiên, TPP đang gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, từng tuyên bố rằng TPP sẽ không được Thượng viện biểu quyết trong năm nay. Chủ tịch Hạ viện, Paul Ryan, thì nhận xét rằng chưa thấy đủ phiếu để thông qua TPP. - VOA
|
|
7.
Tân Sơn Nhất đối diện với nguy cơ bị đóng cửa vì ngập
Sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam, Tân Sơn Nhất, đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vì tình trạng thường xuyên ngập nước trong thời gian gần đây.
Theo báo VnExpress, trong 2 năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã liên tục bị ngập sau các cơn mưa. Đỉnh điểm là các trận mưa hồi cuối tháng 8 vào đầu tháng 9 đã biến phi trường quốc tế của Việt Nam thành “con sông”.
Cũng theo VnExpress, chỉ riêng trận mưa hôm 26/8 đã khiến cho các bãi đậu của Tân Sơn Nhất bị ngập sâu hơn 30cm, làm ảnh hưởng đến 70 chuyến bay, 4 chuyến bay quốc tế đã không thể hạ cánh và phải đáp xuống sân bay của Campuchia và Thái Lan.
Nguyên nhân gây ngập được UBND TP.HCM cho biết là do mương thoát nước bị “lấn chiếm” ở một số khu vực, gây ách tắc dòng chảy.
Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá được VnExpress trích lời nói khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là khu đất phù sa cổ, có nền cao và độ dốc nên trước đây không bị ngập nước. GS. Bá cho rằng tình trạng “biến thành sông” sau mỗi cơn mưa ở Tân Sơn Nhất là do việc xây dựng sân goft gây ảnh hưởng đến diện tích thoát nước của sân bay. Diện tích của sân bay này trước năm 1975 gấp 4 – 5 lần hiện nay nên nước mưa dễ dàng thoát đi.
Hiện Việt Nam đang bàn thảo về các giải pháp chống ngập và giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với ước tính chi phí lên đến 1.800 tỷ đồng.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón lượng khách lên đến 15,7 triệu người, đạt mức tăng trưởng 23%. Dự kiến, lượng khách đến Tân Sơn Nhất trong năm nay sẽ vượt mức 31 triệu, gây ra tình trạng quá tải đối với công suất chỉ 25 triệu hành khách của sân bay này. - VOA
|
|
8.
Việt Nam bắt ‘đồng phạm’ của ông Trịnh Xuân Thanh --- VN 'truy nã quốc tế' Trịnh Xuân Thanh
Cập nhật: Vào đêm ngày 16/9, Bộ Công an Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Tin từ trang mạng của Bộ Công An cho hay cơ quan này cũng ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với cựu giới chức của tỉnh Hậu Giang.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam vừa khởi tố và bắt tạm giam 4 cựu lãnh đạo của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), những người bị cho là ‘đồng phạm’ với ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật đang gây chú ý và hiện vẫn chưa chịu xuất hiện sau khi bị gửi giấy triệu tập đến tận nhà.
Theo trang Zing, 4 người vừa bị bắt giam là ông Vũ Đức Thuận – nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Mạnh Tiến – phó Tổng Giám đốc, ông Trương Quốc Dũng – nguyên Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng của PVC vì liên quan đến vụ thất thoát 3.300 tỷ đồng tại cơ quan này trong thời gian tại vị.
Trước khi trở thành tổng giám đốc PVC, ông Vũ Đức Thuận làm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp sông Đà (Sudico). Sau đó, ông Thuận được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình và làm Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải kể từ tháng 3/2015.
Báo Tiền Phong dẫn lời một đại diện Sở Giao thông Vận tải Thái Bình cho biết ông Thuận “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” trong thời gian công tác tại cơ quan này.
Vụ bắt giữ các cựu lãnh đạo PVC diễn ra trong bối cảnh nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh, người lúc đầu bị quy trách nhiệm gây ra thua lỗ 3.300 tỷ đồng, vẫn chưa chịu lộ diện sau khi tỉnh Hậu Giang gửi giấy triệu tập, buộc ông này phải xuất hiện tại tỉnh vào ngày 13/9. Việc ông Thanh không xuất hiện khiến dư luận nghi ngờ ông Thanh đã hạ cánh an toàn ở nước ngoài.
Trả lời báo Dân Việt hôm 16/9 về trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh sau vụ bắt giữ 4 cựu quan chức PVC, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nói “cái đấy để tính sau, có thể là ở giai đoạn 2”. - VOA
***
Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9 ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.
Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam nói việc truy nã liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Quyết định khởi tố ông Thanh, cùng lệnh bắt tạm giam và khám nhà ông Thanh được đưa ra hôm 16/9.
Bộ Công an Việt Nam nói “sau khi xác định” ông Thanh bỏ trốn, công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.
Hôm 15/9, trong diễn biến liên quan, ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC, bị bắt.
Cùng bị bắt với ông Thuận còn có ba người khác.
Khai trừ Đảng
Trước lúc tin truy nã được loan báo, truyền thông Việt Nam còn đưa tin vào chiều ngày 16/9, tại Hậu Giang, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã triển khai quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trong tháng qua, đã có nhiều tin đồn ông Thanh đã ở nước ngoài, trong lúc Tỉnh ủy Hậu Giang và gia đình được dẫn lời nói không biết ông đang ở đâu.
Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cho đến 2013.
Sau đó, ông được luân chuyển về Bộ Công thương trước khi về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang năm 2015.
Tháng Sáu 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ việc ông Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh.
Ông cũng bị điều tra về tình trạng thua lỗ ở PVC giai đoạn 2011-2013.
Tháng Bảy, ông bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. - BBC
No comments:
Post a Comment