Thursday, September 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 15/9

Tin Thế Giới

1.
Dù tập trận chung, Trung Quốc và Nga chưa tin cậy lẫn nhau

Một số chuyên gia cho rằng cuộc tập trận hải quân chung của Trung Quốc và Nga đang diễn ra chỉ có tính biểu tượng thay vì là một sự động binh.

Bình luận về việc cuộc tập trận 8 ngày được tiến hành ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, tuy thuộc Biển Đông nhưng nằm xa các điểm có tranh chấp, chuyên gia về hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh nói: “Bắc Kinh không muốn gây khó chịu cho Hà Nội và Manila và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang thăm Bắc Kinh, và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm nay. Tuy nhiên, nó vẫn là một động thái đáng kể khi Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận với đối tác Nga ở trong khu vực sau khi có phán quyết của Tòa quốc tế La Haye”.

Đây là cuộc tập trận thường niên thứ 5 giữa Trung Quốc và Nga kể từ năm 2012 sau khi hai nước thiết lập cơ chế hợp tác quốc phòng vào năm 2005.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay cuộc tập trận lần này có các nội dung về phòng thủ, cứu nạn, chống ngầm và chiếm đảo. Tham gia hoạt động này là 15 tàu, 21 máy bay, và gần 260 quân của cả hai nước. Bộ nói hai bên sẽ tập trung vào các kỹ năng tác chiến, số hóa và chuẩn hóa để thúc đẩy hợp tác hải quân, nhưng không nhắm vào bất cứ bên thứ ba nào.

Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, dẫn đến những tranh chấp căng thẳng với Việt Nam và Philippines. Các bên khác cũng có tranh chấp là Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Nga là nước lớn duy nhất thể hiện sự ủng hộ dành cho Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp thực tế Việt Nam là một nước có quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt với Nga trong hàng chục năm.

Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau nói cuộc tập trận hiện nay cho thấy hai nước Nga, Trung vẫn chưa thực sự có sự tin cậy song phương. 

Ông Wong chỉ ra rằng Nga đã đưa tàu chiến lớn nhất của mình từ hạm đội Thái Bình Dương tham gia trong khi Trung Quốc không triển khai các tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất lớp 052D của mình mà chỉ sử dụng các tàu lớp 052B và 052C kém hiện đại hơn. Ông nhận xét điều đó “cho thấy họ ‘tin’ nhau đến mức nào”.

Trong một cuộc họp báo hôm 12/9, một phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc cho biết trong cuộc tập trận, hai bên sẽ lần đầu tiên sử dụng hệ thống thông tin chỉ huy chung Trung-Nga. Hệ thống này có năng lực gửi, nhận và chia sẻ thông tin giữa mọi vị trí chỉ huy và các đơn vị tác chiến ở mọi cấp.

Tuy nhiên, ông Wong nói cái gọi là hệ thống thông tin chỉ huy chung bị giới hạn trong việc trao đổi dữ liệu radar và siêu âm của hai lực lượng hải quân, nó không cung cấp “đường truyền dữ liệu chiến thuật”, là hệ thống thông tin chuẩn hóa mà các đồng minh quân sự sử dụng qua sóng vô tuyến hoặc cáp.

Ông Wong bình luận: “So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, sẽ thấy không có sự tin tưởng song phương nào giữa Trung Quốc và Nga”. - VOA
|
|

2.
Các nhà chủ trương địa phương nổi lên trong cuộc bầu cử Hồng Kông khiến Mỹ khó xử

Cuộc bầu cử của Hồng Kông với những chiến thắng ngoài dự đoán của các nhà hoạt động “chủ trương địa phương” đòi quyền tự quyết trên lãnh thổ tự trị của Trung Quốc đang đặt ra một tình huống khó xử cho Hoa Kỳ.

Washington thường cổ súy cho các phong trào dân chủ trên khắp thế giới, nhưng cũng công nhận Hồng Kông là một đặc khu hành chánh của Trung Quốc kể từ khi Anh quốc trả cựu thuộc địa này lại cho Bắc Kinh năm 1997.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phản ứng thận trọng đối với những chiến thắng đầu tiên của 6 nhà chủ trương địa phương trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp 70 ghế của Hồng Kông hôm 4 tháng 9. Các nhà chủ trương địa phương sẽ hợp cùng 2 đại diện cấp tiến và 22 đại diện ôn hòa trong khối 30 nhà lập pháp “đối lập” mạnh muốn có dân chủ hơn cho Hồng Kông.

​Phản ứng của chính quyền Obama

Trong một thông báo gửi cho đài VOA, người phát ngôn Vụ Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Anna Richey-Allen ca ngợi kết quả bầu cử của Hồng Kông như là một “khẳng định cam kết của người dân tham gia vào tiến trình dân chủ.”

Nhưng bà Richey-Allen không đề cập cụ thể đến các nhà chủ trương địa phương vừa thắng cử. Thay vào đó, bà nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama “mong chờ dịp làm việc với tất cả các nhà lãnh đạo thắng cử để xây dựng các mối quan hệ vững mạnh hơn giữ Hoa Kỳ với Hồng Kông và đạt đến các mục tiêu có lợi cho cả hai bên.”

Liệu một trong những mục tiêu đó có phải là quyền tự quyết của Hồng Kông, một hoài bão các nhà chủ trương địa phương – những người phàn nàn rằng bản sắc của Hồng Kông đang bị Bắc Kinh và làn sóng người di cư Trung Quốc đang đổ vào ngày một nhiều xóa dần đi. Các nhà chủ trương địa phương muốn có những thay đổi trong hiến pháp Hồng Kông để cho phép người dân quyết định liệu họ có muốn tách ra khỏi Bắc Kinh để độc lập sau thời gian tự trị 50 năm kết thúc vào năm 2047 hay không.

Chính phủ Trung Quốc lên án những người sổ súy cho độc lập Hồng Kông và khinh thường họ như những kẻ cực đoan thiểu số. Khi nhà lãnh đạo cao hàng thứ ba của Trung Quốc là ông Trương Đức Giang đi thăm Hồng Kông hồi tháng 5, ông cảnh cáo rằng Hồng Kông chắc chắn sẽ “mục nát” nếu lãnh thổ này từ bỏ công thức tự trị “một nước, hai hệ thống.” - VOA
|
|

3.
Trung Quốc sắp phóng trạm Thiên Cung 2

Trung Quốc sắp phóng trạm vũ trụ thứ hai và đặt mục tiêu trạm vũ trụ do con người điều khiển năm 2022, truyền thông nước này cho hay.

Trạm Thiên Cung 2 dự kiến được phóng ngay sau 22:00 giờ địa phương (21:00 giờ tối giờ Hà Nội) hôm 15/9 từ sa mạc Gobi.

Tháng tới, hai phi hành gia sẽ lên đến trạm và tiến hành nghiên cứu.

Bắc Kinh xem việc thăm dò không gian là ưu tiên quốc gia và là nước thứ ba, sau khi Liên Xô và Mỹ, đưa phi hành gia vào không gian.

Nhiệm vụ này tiến hành sau vụ phóng trạm Thiên Cung 1 vào năm 2011, một mô hình nhỏ hơn.

Thiên Cung 2 là mô hình thí nghiệm và trải nghiệm không gian, tiền thân của trạm vũ trụ thường trực dưới sự điều khiển của con người mà Bắc Kinh muốn bay vòng quanh thế giới từ năm 2022.

Thiên Cung 2 dài 15m và có thể có các nhiệm vụ kết hợp khác.

Các phi hành gia sẽ lên trạm vào tháng tới và trải qua một tháng ở đó - một khoảng thời gian dài hơn trên Thiên Cung 1.

Khi lên trạm, phi hành đoàn sẽ bắt tay vào các dự án nghiên cứu về truyền thông lượng tử, nghiên cứu vụ nổ tia gamma và vật lý chất lỏng.

Ngoài ra còn có nghiên cứu về tăng trưởng thực vật trong không gian.

Điều thú vị nhất với những người không hiểu nhiều về vũ trụ là trạm mang theo một đồng hồ nguyên tử mà Tân Hoa Xã cho biết sẽ chỉ chậm một giây mỗi 30 triệu năm.

Điều này dự kiến sẽ giúp bản đồ di động trong tương lai chính xác hơn, Tân Hoa Xã dẫn các nhà khoa học cho hay.

Đẩy mạnh chương trình không gian là ưu tiên đối với Bắc Kinh và Trung Quốc khẳng định mục tiêu này mang tính chất dân sự thuần túy.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng một số yếu tố của chương trình không gian Trung Quốc dường như nhắm mục tiêu ngăn chặn các nước khác sử dụng tài sản không gian của họ - như các vệ tinh - trong giai đoạn khủng hoảng hay đối đầu.

'Đưa người lên mặt trăng'

Tháng 8/2016, Trung Quốc phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, nhằm thiết lập đường dây thông tin giữa không gian và kiểm soát mặt đất mà tin tặc ‘không thể tấn công’.

Trung Quốc có khởi đầu muộn trong hành trình thám hiểm không gian. Mãi đến năm 2001, họ mới phóng các tàu không gian chở động vật thử nghiệm và năm 2003, phi hành gia Dương Lợi Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên đi vào không gian, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba, sau Liên Xô và Mỹ cử người thực hiện sứ mệnh trong quỹ đạo.

Chương trình trạm không gian khởi động một cách nghiêm túc năm 2011 với việc phóng trạm Thiên Cung 1, nguyên mẫu nhỏ hơn có thể chứa phi hành gia nhưng trong khoảng thời gian ngắn.

Trạm đã ngừng hoạt động thu thập dữ liệu vào đầu năm nay, nhưng vẫn bay quanh quỹ đạo trái đất và đang tiến đến gần hơn. Nó được dự báo trở về trái đất vào khoảng 6 tháng cuối năm 2017.

Thiên Cung 3 là là bước cuối cùng trên hành trình tiến đến trạm vũ trụ có người điều khiển.

Khoảng năm 2022 là thời điểm dự kiến và sự thành công của vụ phóng hôm 15/9 sẽ rất quan trọng cho bất kỳ tham vọng không gian nào trong tương lai.

Trung Quốc muốn đưa người của họ đặt chân lên mặt trăng vào năm 2024 và dự kiến tiến hành một chuyến đi đến sao Hỏa khoảng năm 2050. - BBC
|
|

4.
Duterte 'thanh toán đối thủ chính trị'

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh giết đối thủ chính trị khi còn là thị trưởng thành phố Davao, một cựu thành viên nhóm sát thủ cáo buộc.

Edgar Matobato nói tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng ông và những người khác giết khoảng 1.000 người trong vòng 25 năm.

Ông kể về các chi tiết dã man theo lối xã hội đen, kể cả việc cho cá sấu ăn người.

Phát ngôn viên của ông Duterte bác bỏ các cáo buộc và nói rằng cuộc điều tra vào thời gian ông làm thị trưởng chẳng đi tới đâu.

Ông Matobato, 57 tuổi, cho biết ông là một thành viên của Nhóm Sát thủ Davao, một nhóm cảnh vệ khét tiếng bị cáo buộc gây ra hàng trăm vụ giết người.

"Việc của chúng tôi là tiêu diệt tội phạm như dân buôn ma túy, kẻ hiếp dâm và các phần tử cướp giật," ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng cáo buộc rằng đối thủ của ông Duterte cũng bị coi là mục tiêu, trong đó có bốn vệ sĩ của một đối thủ của thị trưởng tại địa phương, ông Prospero Nograles.

Tấn công đền Hồi giáo

Nạn nhân sẽ bị bắn hoặc bị bóp cổ, ông cho bết và nói thêm là một số người bị cắt nhỏ xác và quăng xuống biển để cá có thể ăn.

Ông nói với Ủy ban Thượng viện rằng ông đã phải lẩn trốn sau khi rời một chương trình bảo vệ nhân chứng khi ông Duterte trở thành tổng thống vì lo sợ cho mạng sống của mình.

Ông Matobato cũng cáo buộc ông Duterte ra lệnh ném bom một đền thờ Hồi giáo để trả đũa một cuộc tấn công vào Nhà thờ Davao vào năm 1993.

Về cáo buộc này, phát ngôn viên của ông Duterte, ông Martin Andanar, nói: "Tôi không nghĩ rằng ông [Duterte] có quyền ra lệnh".

Ông nói Ủy ban của Quốc gia về Nhân quyền đã không thể chứng minh nổi về sự tồn tại của Đội Sát thủ Davao.

Con trai ông Prospero Nograles phủ nhận cáo buộc của ông Matobato liên quan đến vệ sĩ của cha mình.

"Tôi không biết ông ta đang nói cái gì nữa.

"Tôi chỉ có thể nghi ngờ rằng ông đang bị một số người giật dây chỉ để phục vụ lợi ích riêng của họ," ông viết trên Facebook.

Người phụ trách cuộc điều tra của Thượng viện đối với vụ giết người chui, bà Leila de Lima, là người lớn tiếng chỉ trích ông Duterte và đã bị ông cáo buộc rằng bà có dính líu tới hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, điều mà bà phủ nhận.

Ông Duterte giành ghế thị trưởng thành phố Davao vào năm 1988, với lập trường cứng rắn của ông giúp giảm mạnh tỉ lệ tội phạm, và ông cam kết nhân rộng cách làm này ra toàn quốc.

Kể từ khi ông thắng cử năm nay, hơn 3.000 người nghiện và buôn bán ma túy đã bị giết, khiến cộng đồng quốc tế coi là vi phạm nhân quyền ở mức báo động.

Tuy nhiên, ông Duterte đã bác bỏ các quan ngại về chính sách chống ma túy của mình.

Ông gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là “dốt” và nói Tổng thống Mỹ Barack Obama là "con của gái điếm", mặc dù lấy làm tiếc vì ông đã nói như vậy. - BBC
|
|

5.
Philippines chủ trương "duy trì nguyên trạng" tại Biển Đông --- Philippines khai thác lá bài cạnh tranh Mỹ-Trung để hưởng lợi?

Manila công nhận không có đủ phương tiện để đương đầu với các quốc gia cùng đòi hỏi chủ quyền trong vùng Biển Đông. Ngày 14/09/2016, điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện về ngân sách quốc phòng cho năm 2017, bộ trưởng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố Manila chủ trương "giữ nguyên trạng" trong vùng Biển Tây Philippines, tức Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong khu vực.

Trước Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện Philippines, ông Delfin Lorenzana loại trừ khả năng Manila phô trương sức mạnh ở Biển Đông vì Philippines "không có phương tiện đối đầu với các quốc gia khác cùng đòi hỏi chủ quyền" trong vùng biển này.

Theo báo mạng Philippines Inquirer, khác hẳn với chính quyền của người tiền nhiệm, tổng thống Rodrigo Duterter chủ trương đối thoại với Bắc Kinh để cùng khai thác tài nguyên trong vùng Biển Đông, nơi nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng đòi hỏi chủ quyền. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Duterte bị chỉ trích là có thái độ thân Trung Quốc.

Lên cầm quyền từ tháng 6/2016, tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc bằng con đường đối thoại, cho dù Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo ở bên trong vùng thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines và đánh đuổi tàu cá của Philippines ở những khu mà họ được quyền đánh bắt, như gần bãi đá Scarborough.

Báo Inquirer nhắc lại Philippines đã giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền trong vùng Biển Đông của Trung Quốc căn cứ trên bản đồ đường 9 đoạn. - RFI

***
Những tuyên bố trái ngược của tổng thống Philippines về Biển Đông, rạn nứt trong quan hệ giữa Manila với đồng minh truyền thống là Mỹ, gần đây nhất là thông báo về khả năng Philippines mua vũ khí của Nga hay Trung Quốc khiến giới phân tích nêu lên câu hỏi : liệu đấy chỉ là những lời tuyên bố rỗng tuếch hay thực sự là chiến lược của tân tổng thống Duterte khai thác lá bài cạnh tranh Mỹ- Trung có lợi cho Philippines.

Cách nay hai ngày, phát biểu trước các quan chức quân sự tại Manila, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo có hai quốc gia đồng ý bán vũ khí cho Philippines nhưng không nêu đích danh hai quốc gia đó. Ông Duterte cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana và các chuyên gia sẽ viếng thăm Trung Quốc và Nga trong tương lai gần, để tìm kiếm nguồn cung cấp "tốt nhất" cho Philippines.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ luôn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Philippines. Do vậy nhiều nhà quan sát cho rằng, kịch bản Philippines mua vũ khí của Trung Quốc để tăng cường khả năng phòng thủ sẽ không xảy ra. Nhưng tuyên bố vừa qua của tổng thống Duterte phản ánh dư âm phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Sau khi từng tuyên bố là "máu sẽ đổ", nếu như Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của Philippines, thì cũng chính tổng thống Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh khi đề nghị cùng Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển có tranh chấp.

Trong buổi nói chuyện với các giới chức quân sự Philippines ngày 13/09/2016, không nêu đích danh một quốc gia nào, hay Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Philippines đã nhấn mạnh: ông sẽ không cho phép quân đội tập trận chung ở Biển Đông với bất kỳ một lực lượng nước ngoài nào.

Tuần trước, Manila yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Philippines. Đây là nơi từ năm 2002 nhiều cố vấn quân sự Mỹ được điều tới để hỗ trợ Philippines đối phó với quân nổi dậy Hồi giáo.

Quan hệ giữa tân chính quyền Manila với đồng minh Hoa Kỳ cũng đã trở nên đặc biệt tế nhị kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền hồi tháng 6/2016.

Theo như phân tích của nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, tại Singapore, rất có thể trong thời gian tới ông Duterte tiếp tục tỏ thái độ thân Bắc Kinh hoặc sẽ còn có những phát biểu quá trớn và mang tính khiêu khích hơn nữa với Mỹ, bởi vì lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ. Tổng thống Duterte do vậy đánh cuộc là trong mọi trường Washington cũng sẽ nhẹ tay với Philippines, trong khi đó Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.

Chỉ riêng trong lĩnh vực mua bán vũ khí thì chuyên gia Singapore này cho rằng, tổng thống Duterte đã nêu lên khả năng mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc chẳng qua là nhằm mặc cả và đòi nhà cung cấp Hoa Kỳ phải tính toán sao cho cả đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là quan điểm của chủ tịch Viện nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun). Ông viện chứng : Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa Hoa Kỳ với Philippines đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, thì đâu dễ để một lời nói của ông Duterte xua tan. Cho dù nỗ lực giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, thì tổng thống Philippines cũng không thể nào loại bỏ hay rút lại những thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ lâu nay giữa hai nước

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể cung cấp vũ khí cho Manila. Sẽ thật là khó xử cho Bắc Kinh, nếu như Philippines sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tự vệ ở Biển Đông, chống lại tàu thuyền Trung Quốc.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc thì cho rằng, Philippines không đủ can đảm và nghị lực để dứt bỏ mối bang giao chiến lược với Hoa Kỳ. Do vậy theo chuyên gia này, ý định mua vũ khí của Trung Quốc được tổng thống Duterte nhắc tới, chẳng qua chỉ nhằm xoa dịu Bắc Kinh sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế bất lợi cho Trung Quốc về Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Singapore Oh Ei Sun cũng gắn liền ý định trang bị vũ khí Trung Quốc của Philippines với hồ sơ Biển Đông. Theo ông, căng thẳng trong khu vực vẫn chưa lắng dịu. Trước mắt cho dù Manila không lợi dụng phán quyết của Tòa án La Haye để khuấy động thêm tình hình, nhưng không có gì bảo đảm là một số các nước trong vùng, có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc sẽ không noi gương Philippines, kiện Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông hay nhờ quốc tế đứng ra làm trọng tài thay vì giải quyết song phương với Trung Quốc, như Bắc Kinh mong muốn. - RFI
|
|

6.
Anh thông qua dự án điện hạt nhân

Chính phủ Anh vừa thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 18 tỷ bảng Anh sau khi đưa ra nhiều biện pháp an toàn.

Nhà máy điện đặt tại Hinkley Point ở Somerset có nguồn tài chính từ Pháp và Trung Quốc.

Đổi lại, Trung Quốc muốn Anh dùng thiết kế của mình cho các nhà máy điện hạt nhân mới ở Anh.

Tuy nhiên chính phủ Anh nói sẽ "áp dụng cơ chế pháp luật mới cho các khoản đầu tư tương lai từ nước ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở trong nước".

Những người chỉ trích thỏa thuận này đã cảnh báo về chi phí tăng cao và các hệ lụy của nhà máy điện hạt nhân mà nước ngoài sẽ xây dựng ở nước Anh.

Phía Trung Quốc đồng ý tham gia đầu tư vào các dự án Hinkley và Sizewell với điều kiện Anh sẽ chấp thuận cho Trung Quốc chủ trì và thiết kế dự án Bradwell.

Chính phủ Anh viết trong một thông cáo: "Sau Hinkley, chính phủ Anh quốc sẽ có cổ phần đặc biệt trong tất cả các dự án mới về điện hạt nhân. Điều này sẽ bảo đảm rằng cổ phần đáng kể sẽ không bị chuyển nhượng mà không có chuẩn thuận từ chính phủ".

Điều khoản liên quan dự án Bradwell cũng đặt ra câu hỏi về an ninh quốc gia, và có tin cho hay các điều kiện đi kèm thỏa thuận về Hinkley có thể đề cập tới sự tham gia của Trung Quốc cũng như cơ chế kiểm soát.

Quyết định đầu tư vào nhà máy điện Hinkley Point được tập đoàn EDF của Pháp thông qua hồi tháng Bảy vừa qua và dự án này trước đó cũng được thống nhất về nguyên tắc với phía Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Anh quốc hồi tháng 10/2015. - BBC
|
|

7.
Mỹ viện trợ quân sự 38 tỉ đô la cho Israel

Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong hồ sơ Iran và Palestine, chính quyền Mỹ quyết định trong vòng 10 năm tới, sẽ viện trợ quân sự 38 tỉ đô la cho Israel. Đây là một con số kỷ lục.

Thỏa thuận này được ký kết ngày hôm qua, 14/09/2016, tại Washington. Từ Jerusalem, thông tín viên Guilhem Delteil tường trình:

"38 tỉ đô la, tức là cao hơn 8 tỉ so với thỏa thuận trước đây. Thế nhưng, đối với Israel, mức tăng này không thực chất lắm, bởi vì ngoài khoản viện trợ mà chính quyền Obama cung cấp, Israel đã được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận bổ sung viện trợ : cụ thể là 500 triệu đô la mỗi năm.Trong khi đó, thỏa thuận vừa ký hôm qua không cho phép Israel tiến hành các cuộc thảo luận với các dân biểu Mỹ để xin thêm viện trợ.

Rốt cuộc, mức tăng chỉ là 3 tỉ đô la và thấp hơn rất nhiều so với mong đợi của thủ tướng Israel là có được viện trợ 45 tỉ đô la trong vòng 10 năm.

Israel còn phải chấp nhận một nhượng bộ quan trọng khác: Thủ tướng Benyamin Netanyahu đã chấp thuận là khoản viện trợ này chỉ dùng để mua vũ khí của Hoa Kỳ. Không được dùng một phần viện trợ của Mỹ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Israel.

Tuy nhiên, thủ tướng Israel vẫn muốn ký thỏa thuận này với chính quyền Obama. Bởi vì nếu chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì Israel có nguy cơ phải ký một thỏa thuận kém thuận lợi hơn". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Tổng thống Obama bỏ lệnh trừng phạt Myanmar

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón tiếp lãnh tụ thực quyền của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tại Tòa Bạch Ốc với một số tin vui cho bà và cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn của nước bà sau mấy chục năm bị cô lập. Thông tín viên Tòa Bạch Ốc Cindy Saine của đài VOA tường trình rằng cả hai nhà lãnh đạo thừa nhận rằng còn nhiều việc cần phải làm trong mục tiêu cải cách dân chủ và nhân quyền ở Myanmar, nhưng nước này đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể so với khi ông Obama thăm bà Suu Kyi còn bị giam giữ tại gia cách đây mấy năm.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau, nhưng cuộc họp lần này diễn ra trong một bối cảnh khác.

Ông Obama nói: "Nếu cách đây 5 năm quý vị dự đoán rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đến đây trong tư cách là một đại diện dân cử của nước bà, nhiều người có lẽ không tin. Kết quả này là một tin phấn khởi trong một thời kỳ mà chúng ta thấy khá thường xuyên các nước đi theo chiều ngược lại."

Sau cuộc họp hôm thứ Tư 14/9 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama loan báo một tin quan trọng:

"Hoa Kỳ nay chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp dụng đối với Miến Ðiện trong một thời gian khá dài. Đó là một việc đúng cần phải làm để bảo đảm rằng người dân Miến Ðiện được hưởng thành quả của cách làm mới."

Bà Aung San Suu Kyi cám ơn Tổng thống Obama và Quốc hội đã thực hiện các lệnh trừng phạt đối với quân đội Miến Ðiện để khuyến khích dân chủ, nhưng bà nói bây giờ đã đến lúc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó. 

Bà Suu Kyi cho biết: "Đoàn kết cũng cần có thịnh vượng, bởi vì khi người dân phải lo tranh giành nhau các nguồn tài nguyên hạn chế, họ sẽ quên đi điều quan trọng là phải đoàn kết với nhau."

Cả hai nhà lãnh đạo kêu gọi người dân Mỹ đi du lịch và đầu tư vào Myanmar – đất nước xinh đẹp và phong phú về di sản văn hóa.

Nhưng một số nhà lãnh đạo về nhân quyền lên tiếng khuyến cáo về việc dỡ bỏ chế tài hoàn toàn. Họ nêu ra các thành tích lẫn lộn về nhân quyền của Myanmar và các chính sách bất nhất của nước này đối với người Rohingya, một trong những nhóm sắc tộc thiểu số được xem là bị đối xử tồi tệ nhất trên thế giới.

Phát biểu về xung đột sắc tộc, bà Aung San Suu Kyi nói rằng bà muốn mọi người là công dân có đầy đủ quyền công dân. - VOA
|
|

9.
Người Mỹ bản địa chống đường dẫn dầu

Người dân trên khắp nước Mỹ đang bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức của người Mỹ bản địa ở bang North Dakota phản đối việc xây dựng đường ống dẫn dầu ngang qua phần đất tổ linh thiêng của họ. Các ứng cử viên tổng thống của hai đảng lớn chưa thể hiện lập trường về vấn đề đối kháng giữa ngành công nghiệp và các nhà bảo vệ môi trường này. Nhưng một số chính trị gia cánh tả và những người nổi tiếng đã tích cực hành động thay mặt cho tổ chức Standing Rock Sioux Tribe.

Các cuộc biểu tình chống đường ống dẫn dầu Dakota đã diễn ra ở khoảng 30 tiểu bang. Hôm thứ Ba, những người biểu tình đã đến thủ đô nước Mỹ. Trong bối cảnh phe Cộng Hòa ủng hộ ngành công nghiệp chiếm tỉ lệ áp đảo trong Quốc hội, nhóm Standing Rock Sioux Tribe nói Tổng thống Barack Obama là hy vọng duy nhất của họ. Bên ngoài Tòa Bạch Ốc, các nhà hoạt động đã kêu gọi ông hãy ngăn chặn dự án lại.

Cô Jasilyn Charger của Hội đồng Giới trẻ Bản địa Quốc tế nói:

“Mọi người nghĩ rằng tràn dầu sẽ chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi. Không phải thế. Nó sẽ ảnh hưởng đến mọi người dân ở Vịnh Mexico và xa hơn nữa. Chúng tôi đại diện cho tất cả mọi người ở vùng hạ lưu”.

Đường ống dẫn dầu gần 2.000 km dưới lòng đất sẽ đưa dầu thô từ Bakken, bang North Dakota tới Illinois, ngang qua bốn tiểu bang. Những người ủng hộ nói rằng đường ống sẽ giúp bảo đảm sự độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ và cung cấp hàng ngàn công ăn việc làm. Họ nói rằng đường ống này an toàn với môi trường. Nhưng một số người Mỹ không tin chuyện đó.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont nói:

“Nhóm Oil Change International, một nhóm quan tâm sâu sắc đến tương lai hành tinh của chúng ta, nhận thấy đường ống dẫn dầu Dakota sẽ ảnh hưởng đến hành tinh của chúng ta tương tự như việc có thêm 21 triệu chiếc xe nữa lưu thông trên đường”.

Cựu ứng viên tổng thống Bernie Sanders yêu cầu phân tích kỹ lưỡng các tác động của dự án này đối với môi trường. 

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh Jill Stein cũng đã tới North Dakota, nơi một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ hồi đầu tuần này vì cố ngăn chặn việc xây dựng.

Bà Jill Stein nói: “Ra lệnh bắt lầm người. Tội phạm thực sự ở đây là đường ống dẫn dầu Dakota. Chúng phải bị chặn lại. Tổng thống Obama nên ra tay”.

Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Sáu đã đình chỉ việc xây dựng trên phần đất công bên cạnh hoặc bên dưới hồ Oahe, nhưng chỉ sau khi một thẩm phán liên bang bác bỏ yêu cầu của nhóm Standing Rock Sioux Tribe đòi hoãn dự án có thể gây nguy hiểm cho nguồn nước của họ.

Tranh cãi về đường ống dẫn dầu đã gây chú ý đến vấn đề lớn hơn về tình trạng của người Mỹ bản địa, những người lâu nay than phiền rằng các quyền của họ không được tôn trọng. - VOA
|
|

10.
Colin Powell gọi Trump là 'hổ thẹn quốc gia' --- Bà Clinton 'đủ khỏe để làm tổng thống' --- Hillary Clinton tiếp tục tranh cử

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell gọi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump là “sự hổ thẹn quốc gia”, theo nội dung email bị tung lên mạng.

Bình luận của vị tướng bốn sao đảng Cộng hòa bị công bố sau khi email cá nhân của ông bị tin tặc tấn công.

Các email được đăng lên trang DCLeaks.com.

Ông Powell nói ông “không bình luận” nhưng cũng “không phủ nhận”.

Ông cũng gọi bà Hillary Clinton là “ngạo mạn” khi ông công kích cách bà xử lý khủng hoảng email cá nhân của bà.

Nội dung về ông Trump là trong một email gửi ngày 17/6 cho Emily Miller, một phóng viên và cựu trợ lý của ông Powell.

Phân tích, Anthony Zurcher, BBC News, Washington

Ông Powell, người vào năm 2008 đã bỏ qua đảng để ủng hộ Barack Obama đảng Dân chủ, đã cố gắng đứng trên cuộc bầu cử tổng thống tranh cãi năm nay. Nhưng không thành.

Đầu tiên chính phủ đã công bố thông điệp ông gửi bà Hillary Clinton đảng Dân chủ, khuyên bà dùng email cá nhân để liên lạc khi còn là ngoại trưởng.

Nay, thật trớ trêu, email cá nhân của ông bị để lộ, cho thấy sự chỉ trích mạnh mẽ ông Trump và cũng khá rắn với bà Clinton.

Nói chung người Mỹ thích ông Powell, mặc dù một số người cánh tả xem ông có trách nhiệm khi thuyết phục người Mỹ rằng cần xâm lược Iraq năm 2003. Còn người cánh hữu xem ông không trung thành với đảng Cộng hòa.

Nay ông không bác bỏ mình là tác giả của các văn bản bị lộ, điều này có lẽ sẽ khiến những lời ông nói thêm sức nặng. - BBC

***
Bà Hillary Clinton “đủ mạnh khỏe” để làm Tổng thống Mỹ, theo lời bác sĩ của bà.

Nhóm tranh cử của bà cũng ra thông báo nói ứng viên đảng Dân chủ “tiếp tục khỏe hơn” sau khi chẩn đoán viêm phổi.

Theo thông cáo, bác sĩ của bà Clinton nhận định thể lực của bà “bình thường” và tình trạng tinh thần “rất tuyệt”.

Bác sĩ Lisa Bardack nói bà Clinton đang “hồi phục tốt nhờ kháng sinh và nghỉ ngơi” sau khi chóng mặt ở lễ kỷ niệm 11/9 hôm Chủ nhật.

Bà đang dùng kháng sinh Levaquin, sẽ kéo dài 10 ngày.

Bác sĩ Bardack nói trong thư: “Bà vẫn khỏe mạnh đủ để làm Tổng thống Mỹ.” - BBC

***
Hôm nay 19/09/2016, bà Hillary Clinton phải có mặt tại Bắc Carolina cho buổi mít tính đầu tiên, kể từ sau khi bà gặp vấn đề về sức khỏe. Việc Hillary Clinton đột ngột bị choáng đã gây ra cuộc tranh luận về sức khỏe của các ứng viên tổng thống. Ứng viên đảng Dân Chủ bị chẩn đoán viêm phổi, nhưng bác sĩ riêng vẫn kết luận là bà có sức khỏe tốt và đủ khả năng giữ các chức vụ quan trọng.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết:

"Cựu tổng thống Mỹ, và cũng là chồng của ứng viên tổng thống, tuyên bố: "Tôi rất vui mừng có thể thay thế Hillary. Bà ấy đã thường làm thế với tôi, giờ đã đến lúc tôi làm điều tương tự với bà ấy". Bill Clinton nói đùa: "Hillary rất khỏe" để trấn an cử tri ở Nevada. 

Nhưng cuộc tranh luận về sức khỏe của ứng viên đảng Dân Chủ và đối thủ của bà vẫn chưa dứt. Và không chỉ về tình trạng sức khỏe và còn về sự mập mờ trong bản kết quả kiểm tra sức khỏe của các ứng viên tổng thống.

Chris Garbb, đảng viên đảng Dân Chủ ở Pennsylvania, cho biết: "Tôi không lo lắng về sức khỏe và tâm thần của bà ấy. Trái lại, tôi rất lo ngại về sức khỏe tâm thần của Donald Trump. Tôi nghĩ rằng ông ta không chỉ ngu ngốc, mà còn có thể bị bệnh thần kinh".

Sau khi Hillary Clinton bị choáng, Donald Trump đã hứa sẽ công bố các kết quả kiểm tra sức khỏe của bản thân. Nhưng theo kết quả kiểm tra sức khỏe gần đây nhất của ông, theo lời thú nhận của bác sĩ, đã được viết trong chớp nhoáng. 

Như thường lệ, Donald Trump biến việc này thành trò cười. Ứng cử viên Cộng Hòa sẽ tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế với vị bác sĩ nổi tiếng Oz. Chương trình này chưa tiết lộ điều gì, trừ trọng lượng của ông Donald Trump là 120 kg”. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

11.
'Sẽ bán rừng cao su cho Trung Quốc'

Nợ nần lớn, công ty Hoàng Anh Gia Lai nói đang cân nhắc bán hàng chục nghìn ha rừng cao su bên Lào cho Trung Quốc.

Điều đáng nói là con số 10.000-20.000 ha rừng cao su này là đất thuê của nước sở tại, nằm trong khu vực mang tầm quan trọng đặc biệt về an ninh quốc phòng gần biên giới hai bên với Campuchia.

Thông tin nói trên được đưa ra trong Đại hội Cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã chứng khoán HNG) sáng thứ Năm 15/9.

Tại đó, công ty này cho hay tới thời điểm 30/6/2016, HAGL Agrico có số dư các khoản vay và trái phiếu phải trả trên 14 nghìn tỷ đồng, trong đó 4.749 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ cuối quý II/2016.

HAGL Agrico đã gửi thư cho các tổ chức tín dụng, đề nghị tái cơ cấu nợ bao gồm điều chỉnh lãi vay về mức hợp lý, giãn nợ và bơm thêm vốn để cho công ty được tiếp tục hoạt động.

Công ty này cũng nói đã kêu gọi chính phủ trợ giúp.

Tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất là không được hỗ trợ về tái cơ cấu các khoản nợ vay, HAGL sẽ phải cân nhắc việc bán 10.000-20.000 ha rừng cao su mà công ty này thuê đất bên Lào.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL Agrico, được Báo Đấu thầu dẫn lời nói: "Các đối tác Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến tài sản này".

Ông Đức cũng nói chủ trương của công ty cho tới cuối năm nay là tập trung giãn nợ với trông đợi sang 2017 sẽ giảm nợ về cơ bản.

HAGL Agrico cũng dự kiến phát hành thêm 110 triệu cổ phần theo hình thức phát hành riêng lẻ với giá chào bán tối thiểu 6.400 đồng/cổ phần để tái cơ cấu nguồn vốn của công ty.

Vài năm trở lại đây một số tổ chức phi chính phủ cáo buộc các khu rừng cao su của HAGL tại Campuchia và Lào đã gây những thiệt hại to lớn về xã hội và môi trường xung quanh, trong đó có tình trạng lấy đất của các cộng đồng địa phương và tàn phá các vùng rừng rộng lớn. - BBC
|
|

12.
Yên Bái có tân Bí thư Đảng

Hôm 14/9 Đảng bộ tỉnh Yên Bái bầu Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015- 2020 với 100% phiếu thuận.

Đây là lần đầu tiên Yên Bái có Bí thư Tỉnh ủy là nữ, theo truyền thông trong nước.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, từng giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, được truyền thông trong nước dẫn lời nói đây là "vinh dự lớn" và "trách nhiệm nặng

"Tôi xin hứa với các đồng chí sẽ đem hết khả năng và tâm huyết của mình,... vượt qua mọi khó khăn, thách thức phía trước để đưa tỉnh Yên Bái ổn định, phát triển," bà Trà nói.

Yên Bái bầu bí thư Đảng sau khi Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường bị bắn chết tại nơi làm việc hồi tháng Tám.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố "vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng" trong đó có ba người thiệt mạng, gồm cả nghi phạm được cho là đã gây ra vụ án mạng.

Dư luận và truyền thông vào tuần này quan tâm tới quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên - Mội trường cho ông Phạm Sỹ Quý, em bà Phạm Thị Thanh Trà.

Quyết định này được ký hôm 9/9, khi bà Trà là Chủ tịch UBND tỉnh.

Một số báo tại Việt Nam đăng thông tin này nhưng gỡ bài sau vài giờ.

Chiều 14/9 giờ Hà Nội, bà Trà được báo Người Lao Động dẫn lời giải thích rằng việc bổ nhiệm cán bộ "là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ và Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên bái, theo quy trình cực kỳ chặt chẽ".

“Từ việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ công chức trong cơ quan, kể cả người lao động cũng được bỏ phiếu để giới thiệu, rồi ra đến thường trực, tập thể thường vụ đều đảm bảo các bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ.

"Còn việc tôi ký bổ nhiệm là thừa hành theo luật định ở vị trí Chủ tịch UBND tỉnh chứ không phải là quyết định cá nhân...Quy trình bổ nhiệm là cực kỳ chặt chẽ, không có gì để gọi là ưu ái trong trường hợp này”.

Bà Phạm Thị Thanh Trà (52 tuổi) sinh tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Bà Trà từng giữ các vị trí Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên; Bí thư Tỉnh Đoàn; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Thành uỷ TP Yên Bái; Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. - BBC

No comments:

Post a Comment