Tin Thế Giới
1.
Giáo sĩ Fethullah Gulen lên án lệnh bắt giữ của Thổ Nhĩ Kỳ
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sống ở Mỹ lên án lệnh bắt giữ ông được ban hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc ông chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hồi tháng trước ở nước này.
Trong một thông cáo công bố vào cuối ngày thứ Năm, ông nói: "Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống tòa án Thổ Nhĩ Kỳ không có sự độc lập tư pháp, vì vậy lệnh bắt giữ này là một ví dụ khác của việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vươn tới nền cai trị độc đoán và xa rời nền dân chủ."
"Việc một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh bắt giữ không làm thay đổi bất cứ điều gì về vị thế của tôi hay quan điểm của tôi," ông Gulen nói.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng ông Gulen, người từng là đồng minh của Tổng thống Erdogan, là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính của những sĩ quan phản loạn và đã kêu gọi Mỹ dẫn độ ông ta về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên Ankara chưa đệ đơn yêu cầu dẫn độ chính thức.
Ông Gulen phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào hoặc có hay biết về âm mưu đảo chính quân sự ngày 15 tháng 7. Ông cũng đã lên án sự kiện này.
Phát biểu trước những nhà lãnh đạo phòng thương mại ở Ankara trước đó trong ngày thứ Năm, ông Erdogan nói rằng chính phủ của ông "quyết tâm hoàn toàn cắt đứt mọi liên kết kinh doanh của tổ chức này bị vấy máu trên tay."
Ông cũng nói rằng "mỗi một xu" dành cho phong trào của ông Fethullah Gulen là "một viên đạn lắp trong nòng súng bắn vào đất nước này."
Hơn 60.000 người trong quân đội, nhánh tư pháp, giới công chức và ngành giáo dục đã bị câu lưu, đình chỉ công tác hoặc đang bị điều tra sau cuộc đảo chính bất thành vào ngày 15 tháng 7. Việc này khơi lên những lo ngại rằng ông Erdogan đang lợi dụng sự kiện này để đàn áp quan điểm bất đồng.
Hơn 230 người, không tính những người lập mưu đảo chính, đã chết và hàng ngàn người khác bị thương khi binh sĩ nổi loạn chiếm quyền kiểm soát máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và xe tăng trong nỗ lực bất thành nhằm lật đổ chính quyền. - VOA
|
|
2.
Tổng thống Obama: Không thể tin người Nga --- Mỹ và đồng minh thao dượt trên không phận Estonia
Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về liệu Hoa Kỳ có thể tin Nga trong tư cách một đối tác để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria hay không.
Nói với các phóng viên ngày hôm qua tại Ngũ Giác Đài sau khi gặp các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, Tổng thống Obama phát biểu:
“Tôi không tin là chúng ta có thể tin tưởng người Nga hay ông Putin. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thử xem liệu có thể có được một cuộc ngưng bắn thực sự hay không.”
Tổng thống Obama nói có thể Nga không có khả năng giúp chấm dứt bạo động "bởi vì họ không muốn hay vì họ không có đủ ảnh hưởng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad." Ông nói:
“Đó là những điều phải được chứng minh, chúng ta sẽ không vào cuộc một cách mù quáng.”
Chính phủ Syria và đồng minh Nga của họ đang chiến đấu chống lại phe nổi dậy để giành quyền kiểm soát một khu vực bên trong và chung quanh Aleppo.
Các quan sát viên mô tả đây là một trong các cuộc giao tranh ác liệt nhất tính từ nhiều tháng qua. Giao tranh đã kéo dài trong hơn 2 tháng, và các nhà quan sát thuộc Đài Quan sát Nhân quyền Syria - có trụ sở ở Anh, cho biết có ít nhất 6.000 người thiệt mạng hay bị thương trong 80 ngày qua.
Tổng thống Obama nói Washington biết rõ là Nga hỗ trợ cho một “chế độ giết người và cá nhân ông Assad là kẻ đã hủy diệt đất nước ông chỉ để bám víu quyền hành.”
Tổng thống Obama nói bất cứ thoả thuận ngưng các hành động thù nghịch nào tại Syria phải bao gồm điều kiện là phải chấm dứt tất cả các cuộc không kích và những biện pháp khác dùng để giết hại thường dân do chế độ Syria thực hiện.
Trong gần 2 năm, Hoa Kỳ đã yểm trợ các lực lượng địa phương tại Syria và nước láng giềng Iraq, giữa lúc các lực lượng này phát động các cuộc tấn công nhằm đẩy bật các phần tử khủng bố ra khỏi nước họ.
Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan từ tháng 1 năm nay và trước đây trong tuần bắt đầu yễm trợ các lực lượng địa phương sát cánh với chính phủ Libya vào lúc các lực lượng này chiến đấu để đẩy Nhà nước Hồi giáo ra khỏi Sirte, cứ địa của nhóm chủ chiến này.
Nói chuyện với các phóng viên trước đây trong tuần, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Jeff Davis nói: “Chúng ta đã trông thấy điểm đến cuối cùng, và chúng ta đang giúp chính phủ Libya tiến tới đích.”
Mối đe doạ đối với Hoa Kỳ?
Tổng thống Obama họp với các nhà lãnh đạo quân sự tại Ngũ Giác Đài trong 1 giờ đồng hồ để thảo luận về cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Sau đó ông nói với các phóng viên rằng đã đạt một số thành quả trong việc làm suy yếu Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq, nhưng ông công nhận rằng tổ chức cực đoan này vẫn là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ khi tổ chức này chuyển sang chiến thuật tuyển mộ, huấn luyện các thành viên và khuyến khích các cuộc tấn công gọi là “sói đơn độc”, tức là do một người duy nhất thực hiện.
Trong khi những cuộc tấn công này có thể có hậu quả ít thảm khốc hơn, nhưng ông Obama nói thêm là Nhà nước Hồi giáo biết rằng họ có thể gây “sợ hãi và hoang mang để tô bóng hình ảnh của Nhà nước Hồi giáo.”
Chiến dịch không kích tại Libya
Một giới chức Ngũ Giác Đài nói các cuộc không kích tại Libya, có tên là “hành quân Tia chớp Odyssey” có thể kéo dài vài tuần lễ chứ không phải là vài tháng.
Các lực lượng liên kết với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, đã hoạt động trong vài tháng qua để thu hẹp vùng lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát dọc theo bờ biển Vịnh Sidra từ Tripoli đến gần Benghazi.
Ông Davis nói nhờ những chiến binh sát cánh với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia, khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo đã bị thu hẹp đáng kể, để chỉ còn lại trung tâm thành phố Sirte.
Ngũ Giác Đài ước lượng con số chiến binh của Nhà nước Hồi giáo trong thành phố này trước đây là vài ngàn người nay chỉ còn chưa tới 1.000 quân.
Sau khi nhà độc tài Moammar Gadhafi bị lật đổ vào năm 2011, các phần tử cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo đã nhắm vào Libya và coi đây là một nơi trú ẩn an toàn, bên ngoài các cứ địa ban đầu của nhóm này tại Iraq và Syria. - VOA
***
Trong khuôn khổ cuộc thao dượt huấn luyện lớn nhằm trau dồi khả năng của lực lượng NATO hợp tác với nhau, không lực Mỹ-Anh tiến hành các phi vụ chung trên không phận Estonia trong tuần này.
Mỹ cùng tham gia với lực lượng Anh, Estonia, Lithuania và Latvia trong cuộc diễn tập đào tạo hành quân Đại Tây Dương bắt đầu từ ngày 25/7 và kết thúc ngày 8/8, theo thông tin từ Không quân Hoa Kỳ. Không lực Mỹ nói đợt huấn luyện ‘thể hiện cam kết lâu dài của chúng tôi đối với các đồng minh và đối với an ninh ổn định của châu Âu.’
Trong một chuyến bay, máy bay phản lực chở dầu để tiếp nhiên liệu KC135 và hai máy bay chiến đấu A-10 Warthog sát cánh cùng một cặp máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon FGR4 của Không quân Hoàng gia Anh bay tuần trên khu vực Tallin của Estonia.
Cuộc diễn tập diễn ra sau một số sự cố trong năm nay, qua đó máy bay và các tàu hải quân của Nga áp sát máy bay và tàu bè của Hoa Kỳ và một số quốc gia Châu Âu. Mỹ đã phàn nàn với nhà chức trách Nga về các sự cố đó. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ: Theo luật định, các ứng viên tổng thống phải được báo cáo về an ninh quốc gia
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chính phủ của ông theo luật pháp có nghĩa vụ mở các cuộc họp để báo cáo về các vấn đề an ninh quốc gia, kể cả các thông tin mật không được tiết lộ cho công chúng, cho các ứng cử viên tổng thống chủ yếu. Điều đó có nghĩa là cho cả ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump, người mà Tổng thống Obama đánh giá là “không đủ tư cách để phục vụ trong cương vị Tổng thống.”
Trong các cuộc vận động chính trị trong suốt năm vừa rồi, ông Trump được biết đến như một diễn giả thường xuyên gạt sang một bên các bài diễn văn đã soạn sẵn, và thay vào đó đưa ra những phát biểu ngẫu hứng đôi khi được coi là bộc trực một cách bất thường, hoặc có tính cách chỉ trích những nhân vật công chúng khác của Mỹ.
Điều đó đã gây quan ngại nơi một số thành phần về liệu ông Trump sẽ hành xử ra sao với những thông tin mật mà ông nhận được trong những buổi báo cáo về các vấn đề an ninh quốc gia.
Nói chuyện với các nhà báo tại Ngũ Giác Đài hôm thứ Năm 4/8, Tổng thống Obama nói "nếu họ muốn trở thành Tổng thống Mỹ, họ phải bắt đầu hành động như thể đã là một Tổng thống, điều đó có nghĩa là họ có thể nhận các báo cáo ấy mà không mang các thông tin nhận được ra tiết lộ cho mọi người xung quanh.”
Lý do chính để cung cấp những thông tin về an ninh quốc gia cho các ứng cử viên tổng thống, theo Tổng thống Obama, là để bảo đảm vị Tổng thống tân cử, dù là một thành viên Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà, phải có một sự chuẩn bị nào đó để làm nhiệm vụ của mình.
Trong khi đó, ông Trump đã nói với các ủng hộ viên tại các cuộc tụ tập vận động chính trị của ông, rằng ông quan ngại rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay sẽ là một cuộc bầu cử gian lận, chống lại ông. Tổng thống Obama đã bác bỏ cáo giác đó hôm qua, là “nực cười.”
Trong một diễn biến khác, một nhóm cựu chiến binh Mỹ hôm qua, thứ Năm, đã trao các bản kiến nghị cho Thượng nghị sĩ John McCain và các nhân vật Đảng Cộng hoà hàng đầu khác, hối thúc họ hãy rút lại những tuyên bố công khai là họ hậu thuẫn cuộc vận động tranh cử của ông Trump.
Ông Alexander McCoy, một cựu quân nhân Thuỷ quân Lục chiến, nói ông bị sốc vì “sự kém hiểu biết vô trách nhiệm của ông Trump về những trách nhiệm của nước Mỹ trên thế giới.”
Cựu chiến binh Nate Terani, một người Hồi giáo từng phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ, lên án điều mà ông miêu tả là “những phát biểu đầy hận thù, cố chấp và có tính cách khiêu khích bạo lực một cách trắng trợn chống các nhóm thiểu số”, kể cả những người theo đạo Hồi, của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà.
Việc ông Trump nhận một huân chương Chiến thương Bội tinh mà ông được tặng lại với thái độ bỡn cợt, và cuộc khẩu chiến công khai của ông với ông bà Khizr và Ghazala Khan, cha mẹ của một quân nhân Mỹ đạo Hồi bị giết ở Iraq hồi năm 2004, đã gây thất vọng cho nhiều cựu chiến binh Mỹ than phiền rằng họ cảm thấy bị xúc phạm và danh dự bị tổn thương bởi những phát biểu của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump.
Huân chương Chiến binh Bội tinh được trao tặng cho các quân nhân bị thương hoặc truy tặng cho những người đã hy sinh ở chiến trường.
Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh và cựu tù binh chiến tranh tại Việt Nam, trước đó đã nói rằng những phát biểu của ông Trump về ông bà Khan không đại diện cho Đảng Cộng hoà.
Ông nói: “Chúng tôi không những tôn trọng mà còn yêu thương các thành viên trong gia đình của những quân nhân đã hy sinh. ”
Tuy vậy Thượng nghị sĩ McCain từ khước, không rút lại tuyên bố hậu thuẫn ông Trump trong tư cách là ứng cử viên được Đảng Cộng hoà đề cử ra tranh chức Tổng thống.
Vận động tại thành phố Portland, bang Maine hôm thứ Năm, ông Trump hứa sẽ chăm sóc các cựu chiến binh đang phải chờ đợi rất lâu để được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của chính phủ. Ông còn hứa sẽ củng cố điều mà ông nói là “một lực lượng quân đội thiếu nhân lực.”
Ông Trump nói đối thủ chính của ông, bà Hillary Clinton, là một người không thể được tin cậy với những vấn đề an ninh quốc gia. Ông cho rằng bà Clinton sẽ đặt đất nước trước những rủi ro về cách mà bà xử lý các bí mật quốc gia trong những trao đổi email thời bà còn làm Ngoại trưởng Mỹ.
Trong khi đó, bà Clinton có mặt ở thành phố Las Vegas, bang Nevada hôm thứ Năm, đến thăm một nhà máy sản xuất các linh kiện điện tử. Lặp lại những lời chỉ trích ông Trump mà bà đã đưa ra trước đó, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ lưu ý rằng hầu hết các sản phẩm lấy tên ông Trump làm nhãn hiệu đang được bán trên thị trường nội địa, như áo sơ mi, cà vạt và các sản phẩm vải sợi khác, đều được sản xuất ở nước ngoài, chứ không phải tại Hoa Kỳ.
Bà nói: “Tất cả những sản phẩm ông đã làm ra, đều được sản xuất ở nơi nào khác. Ông Trump không cung cấp việc làm cho người Mỹ.”
Bà nói thêm rằng ông Trump còn mướn công nhân nước ngoài để làm những công việc có mức lương ít ỏi tại các câu lạc bộ của ông và thường xuyên không thanh toán tiền bạc cho những nhà thầu phục vụ các dự án của ông.
Hôm nay, dự kiến ông Trump sẽ xuất hiện với người đứng phó trong liên danh tranh cử của ông, ứng cử viên Phó Tổng thống Mike Pence, là Thống đốc bang Indiana, tại Des Moines, bang Iowa.
Theo lịch trình, bà Clinton sẽ vận động tại New York và thành phố McLean, bang Virginia, ngay bên ngoài thủ đô Washington.
Các cuộc thăm dò cử tri Mỹ gần đây cho thấy bà Hillary Clinton dẫn trước ông Donald Trump trung bình 6 điểm trên toàn quốc. Kết quả một cuộc thăm dò do chương trình tin tức đài truyền hình Fox công bố trong tuần này cho thấy một khoảng cách còn xa hơn nữa, với 49% người được thăm dò ủng hộ bà Hillary Clinton, so với 39% ủng hộ ông Trump.
Những cử tri còn lại trong cuộc thăm dò hoặc là chưa quyết định ngả hẳn về phe nào, hoặc dự tính sẽ bầu cho các ứng cử viên khác. - VOA
|
|
4.
Trump rút lại tuyên bố 'Mỹ trả tiền Iran' --- TT Obama: 400 triệu đôla chuyển cho Iran không phải là ‘tiền chuộc’
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, Donald Trump, đã rút lại tuyên bố theo đó nói ông đã xem được đoạn video cảnh Mỹ trả tiền cho Iran.
Ông đã đưa ra cáo buộc trên trong một buổi mit-tinh. Nhóm của ông đã thừa nhận thông tin này là không chính xác, thế nhưng ông Trump lại nhắc lại trong một buổi mit-tinh khác.
Tiền được trả cùng thời điểm khi các con tin người Mỹ được trả tự do, nhưng tổng thống nói đó là khoản chi trả liên quan tới thỏa thuận cột mốc liên quan tới chương trình hạt nhân Iran.
Ông Trump nói đoạn video mà ông xem là cảnh bàn giao con tin chứ không phải trao nhận khoản thanh toán.
Nhà Trắng tuyên bố hồi tháng Giêng rằng Mỹ chi cho Iran các khoản với tổng số tiền là 1,7 tỷ đôla đế dàn xếp cuộc tranh cãi kéo dài hàng chục năm quanh thỏa thuận bất thành về trang thiết bị quân sự - như một phần của hiệp định hạt nhân.
Một tờ báo hồi tuần này tiết lộ rằng 400 triệu đôla tiền mặt đã được trao nhận, được chở tới Iran vào khoảng cùng thời điểm khi bốn công dân Mỹ được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân.
Thời điểm diễn ra việc trao nhận này đã trở thành đối tượng công kích của một số gương mặt phe Cộng hòa, trong đó có ông Trump.
Tổng thống Barack Obama bác bỏ việc có liên hệ giữa khoản tiền mặt với việc trao đổi tù nhân. Ông nói: "Chúng tôi không được quyền trả tiền chuộc con tin."
Ông nói khoản tiền phải được thực hiện bằng tiền mặt bởi có những lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt được áp dụng đối với các hình thức thanh toán khác.
Tuy nhiên, phóng viên BBC Barbar Plett Usher tại Washington nói điểu đó không ngăn cản được việc các quan chức quốc phòng Iran mô tả rằng đó là khoản tiền chuộc.
Ông Trump hôm thứ Tư nói rằng ông đã xem đoạn video trong đó có cảnh trao nhận tiền.
Nhóm của ông hôm thứ Năm thừa nhận thực ra không phải vậy và nói ông Trump đã nhắc tới đoạn video tin tức trên truyền hình cáp, chiếu cảnh các con tin đang được thả.
Hôm thứ Sáu, ông lại đề cập lại trong tin đăng trên Twitter: "Chiếc phi cơ tôi nhìn thấy trên truyền hình là chiếc chở con tin tại Geneva, Thụy Sỹ, không phải là chiếc phi cơ chở 400 triệu đôla tiền mặt sang Iran!"
'Tấm séc khống"
Ông Donald Trump đã có một tuần khó khăn.
Đối thủ của ông, bà Hillary Clinton, đã chớp cơ hội để vượt lên dẫn điểm trong một cuộc thăm dò dư luận quan trọng kể từ sau đại hội đảng Dân chủ.
Ông cũng gặp chuyện khi tranh cãi với cha mẹ của một quân nhân Hồi giáo Mỹ tử trận tại Iraq, và bị chỉ trích vì đã gọi bà Clinton là "quỷ dữ".
Một số nhân vật cao cấp, trong đó có cả các thành viên Cộng hòa, đã công khai chống lại ông.
Dân biểu Mike Coffman là người đã xuất hiện trong một quảng cáo phản đối ông Trump.
Cựu giám đốc CIA, Michael Morell, người không có liên hệ với cả Cộng hòa lẫn Dân chủ, nói trên tờ New York Times rằng ông sẽ "làm tất cả để đảm bảo là [bà Clinton] được bầu thành tổng thống thứ 45 của chúng ta".
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Hạ viện, người thuộc đảng Cộng hòa, Paul Ryan nói rằng những nhà gây quỹ của đảng phải bảo vệ vị thế đa số trong Quốc hội của đảng, nếu không "chúng tôi có thể sẽ trao cho Tổng thống Hillary Clinton một tấm séc khống".
Đây là nội dung nhại lại câu "Chớ trao cho Clinton một tấm séc khống" mà phe Cộng hòa đã dùng hồi 1996 khi cuộc đua đã ngã ngũ là Bob Dole sẽ không thể đánh bại được Bill Clinton trong cuộc đua tổng thống năm đó.
Tuy nhiên, Mike Pence, người đang cùng tham gia liên minh tranh cử với ông Trump hôm thứ Sáu đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ ông.
Ông nói với hãng NBC: "Donald Trump và tôi đang kề vai sát cánh để nói với nhân dân Mỹ rằng, 'chúng ta có thể mạnh mẽ trở lại'." - BBC
***
Tổng thống Mỹ Barack Obama phủ nhận khoản tiền mặt 400 triệu đôla trao cho Iran vào cùng ngày mà những con tin được phóng thích là một "thỏa thuận bất chính." Ông chỉ ra rằng việc chuyển giao này đã được loan báo vào tháng 1, một ngày sau khi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ với Iran được thi hành.
"Đó không phải là bí mật. Chúng tôi hoàn toàn không giấu diếm nó." Ông phát biểu như vậy về thông tin mới được báo The Wall Street Journal loan tải hôm thứ Ba cho hay khoản tiền này được chi trả bằng tiền mặt, không phải bằng đồng nội tệ của Mỹ, và được chở đi trong một chiếc máy bay không mang ký hiệu.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, Tổng thống Obama nói rằng có lý do khoản tiền được chi trả bằng tiền mặt. Ông nói:
"Lý do mà chúng tôi phải trả tiền mặt cho họ chính xác là bởi vì chúng tôi rất nghiêm ngặt trong việc duy trì những chế tài và chúng tôi không có mối quan hệ ngân hàng với Iran, vì thế chúng tôi không thể gửi cho họ một chi phiếu và không thể chuyển tiền liên ngân hàng được."
Trước đó trong ngày thứ Năm, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Mỹ "không trả tiền chuộc" để đáp lại những chỉ trích về khoản tiền được chi trả trong cùng ngày mà Tehran phóng thích 4 con tin người Mỹ.
Giới chức Mỹ hồi tháng 1 nói rằng khoản chi trả này một phần là để giải quyết tranh chấp kéo dài hàng chục năm qua về một thỏa thuận vũ khí đã bị hủy bỏ. Nhưng những người chỉ trích, đặc biệt là những người chống đối thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi việc này là trả tiền chuộc.
Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio viết trên Twitter rằng thỏa thuận này "thật không thể tưởng tượng nổi."
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce nói trong một thông cáo rằng "việc trả tiền chuộc chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của thêm nhiều người Mỹ. Chúng ta đã biết rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một sai lầm lịch sử. Nó cứ trở nên tồi tệ hơn."
Người giữ kỷ luật đảng của khối Đa số Hạ viện Steve Scalise chỉ ra những bản tin của truyền thông Iran dẫn lời những quan chức quốc phòng cao cấp nói rằng họ coi khoản tiền này là tiền chuộc.
Ông nói trong một thông cáo: "Bằng việc chi trả cho Iran khoản tiền 1,7 tỉ đôla mà những quan chức Iran gọi là tiền chuộc, chính quyền Obama một lần nữa cho chúng ta thấy thỏa thuận hạt nhân của họ tệ hại tới mức nào đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Những đồng đôla mà người Mỹ đóng thuế khó nhọc kiếm được lại được không vận ở số lượng hàng trăm triệu để giao cho nước tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới. Điều này là một sự sỉ nhục đối với người Mỹ đóng thuế."
Khoản tiền mặt này - bằng đồng euro, franc Thụy Sĩ và những ngoại tệ khác - được chất đầy trong những thùng gỗ chồng lên nhau và được một máy bay chở hàng, không mang ký hiệu chở tới Iran.
Đây là khoản tiền đầu tiên trong khoản thanh toán 1,7 tỉ đôla bắt nguồn từ một thỏa thuận vũ khí bất thành của Mỹ với Iran vào năm 1979 ngay trước khi quốc vương cuối cùng của nước này, Shah Mohammed Reza Pahlavi, bị truất quyền.
Mỹ trả tiền mặt bằng ngoại tệ bởi vì bất kỳ giao dịch nào với Iran bằng đồng đôla đều bất hợp pháp theo luật của Mỹ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Hà Tĩnh 'tự nhận hình thức kỷ luật' trong vụ Formosa là 'bất công với dân'
Báo chí Việt Nam hôm 4/8 đưa tin ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành tự nhận hình thức kỷ luật trong vụ một nhà máy của hãng Formosa, Đài Loan, xả chất thải độc hại, gây ra thảm họa môi trường biển hồi đầu tháng 4.
Yêu cầu bằng văn bản của vị chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh được gửi đến các giám đốc các sở Tài nguyên và Môi trường, Công thương, công an tỉnh, trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, và một số đơn vị khác.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu họ phải “tổ chức tự kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan” trong việc nhà máy của Formosa xả thải, gây hại cho môi trường, cũng như trong việc chôn lấp chất thải công nghiệp nguy hại không đúng quy định bị phát hiện gần đây. Văn bản của ông chủ tịch cũng yêu cầu các cơ quan kê trên “tự nhận hình thức kỷ luật và có hình thức kỷ luật nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động vì dân chủ Đỗ Đức Hợp, người đã tích cực lên tiếng về vụ Formosa, bình luận với VOA rằng việc nhà chức trách Hà Tĩnh sẽ “tự nhận hình thức kỷ luật” là một “sự bất công” đối với nhân dân. Ông Hợp nói rõ hơn:
“Anh sai đến đâu thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước tòa. Chứ không có thể nào mà anh làm sai xong nói thôi cho tôi xin là nhận cái sai đó và cho tôi xin lỗi và nhận hình thức kỷ luật. Đó là quá vô lý. Đối với người dân Việt Nam, trong nước, điều đó nó thực sự là quá vô lý. Nếu mà họ cứ làm mãi như vậy thì đất nước này sẽ tan nát hơn. Anh làm xảy ra một cái tệ như vậy mà anh đòi cái mức xử lý nó nhẹ nhàng đi thì nó bất công với người dân lắm, những cái gì mà người dân Việt Nam nói chung và người dân 4 tỉnh miền trung đang bị gánh chịu nói riêng”.
Nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp dẫn lại những thông tin đã được báo chí trong nước đăng về nhiều vụ xét xử trong vài năm qua trong đó những cán bộ, quan chức vi phạm pháp luật chỉ nhận những bản án hoặc hình phạt nhẹ nhàng, còn ngược lại, khi dân thường vi phạm, họ nhận những mức án nặng. Ông Hợp nhận xét:
“Người dân trong nước bây giờ người ta cũng tỏ tường rồi. Đánh tráo khái niệm của người cộng sản. Việc mà họ làm tốt được một tí xíu thì họ phóng đại lên gấp 10 lần. Nhưng mà họ làm sai, nếu nó to như cái cột đình thì họ thu nhỏ lại bằng cái con kiến. Họ không nên dựa vào cái thành tích tham gia cách mạng hoặc cái gì đó họ đã làm tốt trước đó để họ chịu hoặc nhận các cái mức án hoặc mức xử lý nhẹ nhất. Cái đó không được”.
Vụ xả chất thải của một nhà máy sắp vận hành thuộc Formosa đã gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam hồi đầu tháng 4.
Chính văn bản của chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu cấp dưới kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật cũng nêu rõ “vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải, gây ra sự cố môi trường biển và một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chôn lấp chất thải rắn, đổ rác thải không đúng quy định trên địa bàn thị xã Kỳ Anh trong thời gian qua, đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Ông Khánh, chủ tịch tỉnh, yêu cầu rằng việc kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật phải “hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8”. - VOA
|
|
6.
Cử tri lo lắng về tình trạng lao động Trung Quốc lấy vợ Việt
Theo báo chí Việt Nam, tại một cuộc gặp hôm 4/8 với Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, nhiều cử tri xã ven biển Bình Thạnh của tỉnh Bình Thuận đề nghị không xây chung cư cho công nhân Trung Quốc ở xã này, đồng thời nêu ra mối lo rằng có thể sẽ xảy ra tình trạng công nhân Trung Quốc ồ ạt lấy vợ là các cô gái địa phương.
Các công nhân Trung Quốc mà người dân địa phương nói đến là những người tham gia xây dựng các nhà máy nhiệt điện ở xã Vĩnh Tân trong tỉnh.
Báo chí không tường thuật ông Phong, người cũng giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, đã trả lời cử tri như thế nào về vấn đề này. Ông Dương Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phong, nói với các cử tri tại cuộc họp rằng việc thành lập các chung cư cho công nhân Trung Quốc tại xã Bình Thạnh “là chính sách của tỉnh”.
Ông Sơn nói hiện nay tỉnh đã “khởi sự công trình nhà chung cư của công nhân, chuyên gia Trung Quốc”. Về mối lo ngại của người dân đối với tình trạng các cô gái địa phương lấy chồng là công nhân Trung Quốc, ông Sơn nói “nếu có thì cũng phải tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam”.
Mối lo về những công nhân Trung Quốc đổ vào Việt Nam với số lượng lớn không phải là mới. Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, báo chí trong nước đã có nhiều bài viết về những vấn đề xã hội lẫn an ninh xảy ra do hàng nghìn người lao động Trung Quốc, cả có giấy phép lẫn bất hợp pháp, đổ vào nhiều tỉnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Việt Nam, nói với VOA rằng việc cử tri lên tiếng với đại biểu Quốc hội về công nhân Trung Quốc cho thấy mối quan ngại đã trở nên đáng chú ý hơn:
“Khi mà vấn đề này được cử tri đặt ra với đại biểu Quốc hội, nó cũng đã bắt đầu là mối quan ngại của người dân địa phương. Nó đã vượt qua khỏi những mối quan tâm về những xung đột cá nhân lẻ tẻ”.
Tiến sỹ Hồng phân tích rằng có 3 vấn đề làm người dân lo lắng ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, nơi đang có nhiều lao động nam giới Trung Quốc sinh sống.
Vấn đề thứ nhất là tâm lý cố hữu của đàn ông địa phương không muốn thấy phụ nữ địa phương kết hôn với người ở nơi khác. Thứ hai là trong hai thập kỷ trở lại đây hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc và người các nước khác cũng gây ra những mối lo.
Song bà Hồng nói vấn đề thứ ba rất đáng quan tâm là sự mất cân bằng giới tính ở Việt Nam sẽ càng trầm trọng thêm nếu xảy ra tình trạng đông đảo công nhân Trung Quốc lấy vợ Việt. Bà nói:
“Theo dự báo của Tổng cục Dân số, cũng như Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, trong vòng hai, ba chục năm nữa, Việt Nam có thể dư thừa từ 2, 3 đến 4 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn không thể tìm bạn đời vì thiếu phụ nữ”.
Hiện không có con số thống kê đầy đủ về tổng số lao động người Trung Quốc ở Việt Nam. Báo chí Việt Nam ước tính có hàng chục ngàn người Trung Quốc đang sinh sống, làm việc ở nhiều tỉnh, cả có giấy tờ hợp pháp lẫn không có giấy tờ. - VOA
No comments:
Post a Comment